CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN

 

Danh mục vần X

XA

·         Xa

·         Xa chừng

·         Xa hoa

·         Xa-nặc

·         Xa thơ

·         Xa xí (Xa xỉ)

 

·        

·         Xá ân

·         Xá cô

·         Xá linh quang

·         Xá lợi

·         Xá lợi tử

·         Xá thân

·         Xá tội

 

XẢ

·         Xả

·         Xả diệt thế trần

·         Xả đoản thủ trường

·         Xả sinh thủ nghĩa

·         Xả thân cầu đạo

 

·        

·         Xã luận - Xã thuyết

·         Xã tắc

 

XÁC

·         Xác

·         Xác Chí linh

·         Xác minh

·         Xác tục

 

XANG

·         Xang Thiên

 

XANH

·         Xanh xanh

 

XAO

·         Xao tâm động trí

·         Xao xuyến

 

XẢO

·         Xảo

·         Xảo kế

·         Xảo mị

·         Xảo ngôn loạn đức

·         Xảo trá gian tà

 

XẠO

·         Xạo xự

 

XẨN

·         Xẩn bẩn

 

XÂY

·         Xây bàn

 

XE

·         Xe Như ý

·         Xe Tiên

·         Xe trâu

 

XÍCH

·         Xích

·         Xích đế

·         Xích tâm

·         Xích thằng

·         Xích thiên

·         Xích thủ tạo càn khôn

·         Xích tử

 

XIỂN

·         Xiển

·         Xiển dương

·         Xiển giáo

 

XÔNG

·         Xông hương khử trược

·         Xông lướt

 

XU

·         Xu

·         Xu lợi tỵ hại

·         Xu mị - Xu nịnh

·         Xu phụ

·         Xu thế

·         Xu thời

·         Xu trần

 

·        

·         Xú danh

·         Xú uế

 

XỦ

·         Xủ

·         Xủ áo phồn hoa

·         Xủ khuất bóng trần

·         Xủ lằn trí huệ

 

XUA

·         Xua trục

 

XUÂN

·         Xuân

·         Xuân bất tái lai

·         Xuân dung

·         Xuân đình - Xuân đường

·         Xuân huyên

·         Xuân lan Thu cúc

·         Xuân mộng

·         Xuân Thu - Chiến quốc

·         Xuân thu - Phất chủ - Bát vu

 

XUẤT

·         Xuất

·         Xuất bản

·         Xuất chúng

·         Xuất dương

·         Xuất gia hành đạo

·         Xuất giá

·         Xuất hiện

·         Xuất hội

·         Xuất ngoại

·         Xuất nhập

·         Xuất nhập phân minh

·         Xuất sĩ - Xuất chính

·         Xuất trần xuất thế

·         Xuất xử

 

XÚC

·         Xúc cảm

·         Xúc phạm

·         Xúc tiến

 

XUNG

·         Xung

·         Xung đột

·         Xung khắc

·         Xung nhập

·         Xung tâm oán trách

·         Xung thiên

 

XỬ

·         Xử

·         Xử biến tùng quyền

·         Xử đoán

·         Xử lý - Xử trí

·         Xử thế

·         Xử trị

 

XƯNG

·         Xưng hô

·         Xưng tụng công đức

 

XƯƠNG

·         Xương

·         Xương long

·         Xương minh

·         Xương tàn

 

XƯỚNG

·         Xướng

·         Xướng danh

·         Xướng họa

·         Xướng kỵ

·         Xướng lập

·         Xướng nghĩa

·         Xướng ngôn viên

·         Xướng tùy

 

 

 

 

XA

XA

1.    XA: Chiếc xe, bánh xe.
Td: Xa thơ.

2.    XA: Hoang phí, quá độ.
Td: Xa hoa, Xa xí.

3.    XA: (nôm) trái với Gần.
Td: Xa chừng.

 

Xa chừng

A: It seems that is very far.

P: Il semble que c'est très loin.

Xa: (nôm) trái với Gần. Chừng: độ chừng.

Xa chừng là chừng như là đã xa lắm rồi.

KĐ2C: Xa chừng thế giới địa hoàn.

KÐ2C: Kinh Ðệ Nhị cửu.

 

Xa hoa

奢華

A: Luxurious.

P: Luxueux.

Xa: Hoang phí, quá độ. Hoa: đẹp tốt.

Xa hoa là phô trương làm cho đẹp mắt một cách phung phí.

 

Xa-nặc

車匿

Xa-nặc, tiếng Phạn là Tchanna, là tên của quan hầu cận và giữ ngựa cho Thái tử Sĩ Đạt Ta, ở đền vua Tịnh Phạn.

Vua có ra lịnh riêng cho Xa-nặc rằng, khi nào Thái tử sai thắng ngựa một cách bất thường thì chẳng đặng vâng theo và phải báo cho Đức vua biết liền.

Song, một đêm kia, Thái tử đến kêu Xa-nặc bảo bắt yên cương sẵn sàng con ngựa kiền trắc (Kantaka). Xa-nặc nhớ lời Đức vua dặn, nhưng dường như bị ảnh hưởng bởi một sức mạnh phi thường, Xa-nặc không còn nhớ lời dặn của vua Tịnh Phạn, liền chạy vào tàu, thắng yên cương con tuấn mã kiền trắc, rồi dẫn ngựa ra giao cho Thái tử, và đưa Thái tử vượt hoàng thành đi đến vùng rừng núi thật xa. Hôm ấy nhằm mùng 8 tháng 2 âm lịch, sau nầy thành ngày lễ kỷ niệm Phật xuất gia.

Phiá trước Tòa Thánh Tây Ninh, nơi Đại đồng xã, chúng ta thấy một pho tượng lớn là tượng Thái tử Sĩ Đạt Ta cỡi bạch mã (đây là con ngựa Kantaka của Thái tử), phía sau là ông Xa-nặc chạy bộ theo. Hai pho tượng nầy kỷ niệm ngày Thái tử Sĩ Đạt Ta vượt Hoàng cung đi tầm đạo.

 

Xa thơ

車書

A: The civilisation of a country.

P: La civilisation d'un pays.

Xa: Chiếc xe, bánh xe. Thơ: Thư: sách.

Xa thơ hay Xa thư là xe và sách.

Nghĩa của Xa thơ, lấy theo sách Trung Dung chương 28:

"Kim thiên hạ, xa đồng quỹ, thư đồng văn, hạnh đồng luân;

Tuy hữu kỳ vị, cẩu vô kỳ đức, bất cảm tác nhạc lễ yên;

Tuy hữu kỳ đức, cẩu vô kỳ vị, diệc bất cảm tác lễ nhạc yên."

Nghĩa là:

Ngày nay trong thiên hạ, xe cộ cùng đi một lối, sách vở đều cùng một thứ chữ, thói nết đâu cũng như đấy;

Thế nên, tuy có vị (được ở ngôi vua) mà không có đức cũng không dám làm ra lễ nhạc;

Dẫu có đức, nhưng không có vị (không được ở ngôi vua) cũng không dám làm ra lễ nhạc.

Do đó, từ ngữ Xa thơ là chỉ nền văn hóa thống nhứt của một nước.

KTKVTH: Dẩy xa thơ trổi nhặt văn minh.

KTKVTH: Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.

 

Xa xí (Xa xỉ)

奢侈

A: Luxurious.

P: Luxueux.

Xa: Hoang phí, quá độ. Xí: Xỉ: tiêu dùng quá độ.

Xa xí hay Xa xỉ là hoang phí, tiêu dùng quá độ vào những việc không cần thiết.

TL: Thế luật, điều 16: Trong việc tống chung, không nên xa xí, không nên để lâu ngày, v.v...

TL: Tân Luật.

 

1.    XÁ: Tha tội.
Td: Xá ân, Xá cô, Xá tội.

2.    XÁ: Nhà ở, đến ở.
Td: Xá thân.

 

Xá ân

赦恩

A: To amnesty.

P: Amnistier.

Xá: Tha tội. Ân: Ơn.

ân hay Ân xá là ban ơn cho bằng cách tha tội.

KTT: Xin ân rửa sạch tiền khiên.

KTT: Kinh Tắm Thánh.

 

Xá cô

赦辜

A: To pardon a sin.

P: Pardonner un péché.

Xá: Tha tội. Cô: tội lỗi.

Xá cô là tha tội.

Kệ chuông: Địa Tạng khai môn phóng xá cô.

 

Xá linh quang

赦靈光

A: To pardon the souls.

P: Pardonner les âmes.

Xá: Tha tội. Linh quang: một điểm linh quang là một hồn người. Đức Chí Tôn chiết một điểm linh quang từ khối Đại Linh Quang của Ngài, ban cho mỗi người làm linh hồn, để tạo sự sống cho con người và gìn giữ sự sống ấy. Khi thể xác con người chết đi thì điểm linh quang ấy trở về cõi thiêng liêng.

Xá linh quang là tha tội cho các linh hồn.

KCS: Xá linh quang tiêu diệt tiền khiên.

KCS: Kinh Cầu Siêu.

 

Xá lợi

舍利

A: The relics.

P: Les reliques.

Xá-lợi là từ ngữ phiên âm từ tiếng Phạn: Sarira, nghĩa là tro tàn của sự hỏa thiêu hài cốt của một vị Thánh, vị Bồ Tát hay vị Phật.

Theo truyền thuyết, sau khi hỏa táng thi hài của Đức Phật Thích Ca, trong tro tàn, người ta thấy có những hạt nhỏ sáng như ngọc, được gọi là Ngọc Xá lợi.

Xá lợi của Đức Phật Thích Ca được đựng trong 8 hộc 4 đấu. Giáo hội đem phân phát cho các vua lúc bấy giờ và các chùa trong toàn nước Ấn Độ để xây tháp thờ cúng.

Ngày 16-5-Quí Tỵ (dl 26-6-1953), Tòa Thánh Tây Ninh được Đại Đức Narada Thera, Phó Tăng Thống Phật giáo Tích Lan, tặng cho một hạt Ngọc Xá lợi của Đức Phật và Hội Thánh tổ chức lễ cung nghinh Xá lợi rất long trọng.

Ngày 18-5-Quí Tỵ, Hội Thánh tổ chức lễ an vị Ngọc Xá lợi. Nhân dịp nầy, Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về gốc tích của Ngọc Xá lợi và do đâu mà Tòa Thánh được tặng.

"Hôm nay, chúng ta thiết lễ Tiểu đàn an vị Xá lợi Phật của Đức Phật Thích Ca. Bần đạo đã để Xá lợi Phật tại Nghinh Phong Đài 3 ngày 3 đêm để cho con cái của Đức Chí Tôn chiêm ngưỡng Đức Phật Thích Ca.

Hôm nay đã đủ 3 ngày, Bần đạo hành lễ an vị cho Ngài.

Chúng ta hân hạnh được Đức Chí Tôn ban cho đặc ân nơi Tòa Thánh, tức nhiên Đức Chí Tôn đem Đức Phật Thích Ca về ở cùng chúng ta. Cái hạnh phúc ấy giá trị thế nào, Bần đạo không cần phải minh tả.

Ngộ nghĩnh là những điều mà Đức Chí Tôn làm bao giờ cũng dành để cho chúng ta một sự ngạc nhiên. Và Xá lợi Đức Phật Thích Ca là gì? Bần đạo giải nghĩa cho toàn thể con cái Đức Chí Tôn hiểu.

Khi Đức Phật Thích Ca qui vị, Ngài để di chúc cho cả môn đệ của Ngài hỏa táng, tức nhiên thiêu cái thi hài đó. Thi hài của Ngài đã đốt nhưng chẳng hề khi nào tiêu hết, vẫn còn lại mấy miếng xương của Ngài không cháy, gọi là Xá lợi.

Buổi sau nầy, nước Anh hiệp lại với nước Ấn Độ, mới đào lên gặp một cái hộp bọc pha ly, trên nắp có đề hàng chữ: XÁ LỢI ĐỨC PHẬT THÍCH CA. Lúc đó, nước Anh mới lấy cả hộp Xá lợi. Sau nầy, nước Ấn Độ độc lập mới đòi nước Anh trả Xá lợi Phật cho Ấn Độ.

Vì cái lẽ loạn lạc trong nước Ấn Độ, chánh phủ Ấn Độ nghĩ rằng: Để trong nước, e Xá lợi có thể bị mất, nên chỉ dành lại một mớ, chia cho Tích Lan một mớ. Đức Narada Thera, Phó Giáo Tông của Phật giáo Tích Lan đem qua hiến cho Tòa Thánh một hột Ngọc Xá lợi.

May thay, ông Bửu Chơn là người Việt Nam, nhưng Ngài là môn đệ của Đức Narada Thera. Ngài Bửu Chơn muốn xin Ngọc Xá lợi cho nước VN, nên Đại Đức Narada đem cho nước VN 3 hột Ngọc Xá lợi Phật: một cho Đại thừa, một cho Tiểu thừa, lại còn một hột để cho Tiểu thừa Phật giáo Kim Biên, tức nhiên Miên quốc.

Trong tình trạng của các môn đệ Đức Phật Thích Ca nơi nước VN, phái Tiểu thừa có hạnh phúc thống nhứt, còn Đại thừa thì còn phân vân. Thành thử hột Ngọc Xá lợi giao cho Tiểu thừa, họ đã nhận lãnh, còn Đại thừa họ đương rắc rối, không có định đoạt, họ tính để Ngọc Xá lợi ấy lại đó, rồi họ chung họp nhau cất một cái tháp đặc biệt để thờ. Thành thử Ngọc Xá lợi dành để cho Đại thừa, giờ phút nầy Đại Đức Narada giao cho Hoàng Thái Hậu Từ Cung, do ý Ngài muốn cho nơi nào tùy ý, để quyền cho Hoàng Thái Hậu Từ Cung định liệu.

Ba cây Bồ đề, cho Tiểu thừa (Phật giáo VN) một cây, cho Tiểu thừa Phật giáo Miên quốc một cây, còn một cây của Đại thừa đem về Tòa Thánh Tây Ninh.

Hột Ngọc Xá lợi đem về Tòa Thánh hôm nay là đặc biệt của Đại Đức Narada Thera, Phó Giáo Tông của Phật giáo Tích Lan, lấy của tư của Ngài hiến cho Tòa Thánh.

Chúng ta thấy cả hành tàng của sự khó khăn đem Ngọc Xá lợi về Tòa Thánh đều do nơi công nghiệp vĩ đại của Ngài Bảo Sanh Quân HTĐ, tức nhiên Phó Thủ Tướng VN đương giờ nầy ông Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch, ông đã chịu nhọc nhằn, cả thảy con cái Đức Chí Tôn đều ngó thấy. Ngài hạ mình xin cho đặng Ngọc Xá lợi ấy thế nào! Nên hôm nay Ngài trở về Sài Gòn, Bần đạo nhân danh toàn thể con cái Đức Chí Tôn và Hội Thánh nam nữ lưỡng phái để lời cám ơn ông Bảo Sanh Quân, rồi Bần đạo sẽ cho các cơ quan Chánh Trị Đạo làm một tờ Cảm Tạ công nghiệp của Ngài.

Đức Phật Tổ, tức nhiên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cả thảy con cái Đức Chí Tôn đã nghe Đức Narada Thera thuyết đạo rồi. Ngài nói Đức Phật Thích Ca là người cũng như chúng ta, có xác thân như ta, sống chết như ta, chớ không phải là người ở trong Thần thoại. Nhưng cái cao siêu về tâm hồn của Ngài, về tiền căn thiêng liêng của Ngài, lên tới Phật vị. Ngài tái kiếp làm người với mảnh thân phàm của Ngài cũng như ai kia vậy....."

Sau đây là bài của Thượng Tọa Thích Như Điển, Viện chủ chùa Viên Giác Đức quốc, nói về những đặc tính của Ngọc Xá lợi của Đức Phật Thích Ca.

"Hiện nay tại một cung điện cũ của Tích Lan ở Kandy có thờ một chiếc Răng Xá lợi của Phật. Cả một cung điện của vua Tích Lan được dành để thờ một chiếc Răng Phật. Sau nầy nhà vua tặng cung điện ấy cho Phật giáo Tích Lan, biến thành một ngôi chùa.

Cung điện có 10 từng, và chiếc Răng Xá lợi được thờ ở từng thứ 10. Tất cả du khách đều có thể viếng thăm các từng dưới, còn muốn vào từng thứ 10 thì phải đợi các dịp lễ đặc biệt, vì muốn vào từng thứ 10, phải có đủ 4 chiếc chìa khóa do: Thủ Tướng Tích Lan, Tăng Thống Tích Lan, Chủ Tịch Quốc Hội và vị Sư trụ trì, mỗi người giữ một chiếc, bên tăng có hai vị, bên tục có hai vị.

Tương truyền, Răng Xá lợi của Phật hiện còn ba chiếc: một chiếc ở Tích Lan, một chiếc đang ở Trung quốc, và chiếc thứ ba từ Thái Lan vừa đem qua Đài Loan.

Theo Thượng Tọa Như Điển, khi chiếc Răng Xá lợi được đưa đến Đài Loan, thì hằng triệu người đều quì xuống để đón tiếp. Cả Tổng Thống, Phó Tổng Thống và các Tổng Trưởng đều ra phi trường đón tiếp chiếc Răng nầy, chứng tỏ người Trung hoa tin tưởng Phật pháp rất nhiều.

Theo Thượng Tọa Như Điển, Xá lợi của Phật một phần lớn di chuyển về Thiên cung, một phần di chuyển về Long cung. Xá lợi Phật còn ba phần: - một loại lớn bằng mút đũa, - một loại bằng hạt gạo, - một loại bằng hạt mè. Xá lợi bằng mút đũa hiện không còn nữa, Xá lợi bằng hạt gạo cũng không còn, bây giờ còn Xá lợi bằng hạt mè.

Xá lợi Phật có ba đặc tính. Hiện chùa Viên Giác có 8 viên Xá lợi. Không phải ai cũng thấy được Xá lợi. Có người phải đảnh lễ đủ ba ngàn lạy, trừ người có phước duyên từ trước.

Muốn biết thế nào là một viên Xá lợi, phải làm bằng cách thế nầy:

1. Đem hai bát nước để hai bên. Một bên để gạo, một bên để mè. Đầu tiên để gạo vào nước thì gạo sẽ chìm, rồi lấy Xá lợi để vào nước, Xá lợi cũng chìm.

2. Lần thứ hai, lấy gạo ra và bỏ lại một nửa vào chén nước, gạo vẫn chìm, nhưng lần thứ hai lấy Xá lợi bỏ vào nước thì Xá lợi không chìm.

3. Bây giờ lấy mè bỏ vào nước, ta thấy mè nổi trên nước như Xá lợi, nhưng nếu để Xá lợi cách nhau khoảng 10 ly thì Xá lợi tự động di chuyển. Điều nầy chứng tỏ pháp thân thanh tịnh Tỳ- lô-giá-na Phật vẫn còn tồn tại trong cõi nầy.

Cho nên người nào có phước thờ Xá lợi thì Xá lợi sẽ lớn lên; còn người nào vô phước mà thờ Xá lợi thì Xá lợi bỗng bay bổng đi nơi khác, mặc dù đang được cất giữ trong một cái tháp. Đó là sự linh thiêng của Xá lợi và cũng là đặc tính thứ nhứt.

Còn đặc tính thứ hai là Xá lợi tự động di chuyển. Nội thấy đặc tính nầy thì quí vị cũng đủ đảnh lễ rồi. Không có một vật gì ở thế gian nầy khi đã chìm rồi mà lại nổi, không có một vật gì tự động di chuyển hết.

Đặc tính thứ ba là Xá lơi có năm màu. Đây là màu hào quang của Đức Phật. Đó cũng chính là màu lá cờ Phật giáo do một Đại Tá Mỹ tên là Henri S. Olcott đề nghị (ông là sáng lập viên của Hội Thông Thiên Học thế giới). Ông nầy khi qua Tích Lan thấy hào quang năm màu của Phật, mới đề nghị lấy năm màu đó làm màu cờ Phật giáo. Năm màu nầy là:

·         Màu xanh tượng trưng cho niềm tin là Tín.

·         Màu vàng tượng trưng cho Tinh tấn.

·         Màu đỏ tượng trưng cho sự nhớ nghĩ, tức là Niệm.

·         Màu trắng tượng trưng cho Định.

·         Màu cam tượng trưng cho Trí tuệ.

Tại rừng Câu Thi Na, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn, có một ngôi chùa tên là Song Lâm, trước đây do một Ni sư người Trung hoa dựng lên, sau nầy Ni sư hiến lại cho Hội Phật giáo Linh sơn của Hòa Thượng Huyền Vi, do Sư cô Trí Thuận trụ trì chùa nầy. Chùa có được 3 viên Ngọc Xá lợi của Đức Phật. Sau đó, Sư cô qua Mỹ, đến Houston, Texas, có mang theo một viên Xá lợi cúng dường cho một chùa ở đây, cũng mang tên Linh sơn. Vị trụ trì vì bận việc nên đem viên Xá lợi bỏ vào tủ khóa lại, nhưng sau đó mở khóa ra xem thì viên Xá lợi biến mất, tìm mãi không ra. Ba tháng sau, Sư cô Trí Thuận từ nước ngoài trở về Ấn Độ thì thấy viên Xá lợi đã nằm sẵn trong tháp.

Tóm lại, Xá lợi rất quí, nhưng nếu không biết cách gìn giữ thì Xá lợi sẽ tự động giã từ mà trở về chốn cũ.

 

Xá lợi tử

舍利子

Xá lợi tử hay nói tắt là Xá lợi, là từ ngữ đặc biệt của Phật giáo, chỉ cái chơn thần hay xác thân thiêng liêng của người đắc đạo.

Trong phép luyện đạo, luyện cho Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt thì tạo được chơn thần huyền diệu, xuất nhập thể xác tùy ý muốn mà vân du Thiên ngoại.

Cái chơn thần ấy được các nhà luyện đạo gọi bằng nhiều danh từ khác nhau, xin kể ra sau đây:

·         Phật giáo gọi là: Xá lợi tử, Mâu ni châu, Bổn lai diện mục.

·         Tiên giáo gọi: Kim đơn, Thánh thai.

·         Thánh giáo gọi là: Chơn nhứt khí.

·         Đạo Cao Đài gọi là: Chơn thần, Nhị xác thân, Xác thân thiêng liêng, Chơn thân.

"Các con hiểu chỗ Đạo thì các con trước hết phải phanh luyện Tinh Khí Thần và phải tạo một cái xác thân thiêng liêng, kêu rằng Mâu ni hay Xá lợi.

Cái xác thân thiêng liêng ấy bất tiêu bất diệt, bất tử, mà các con cần phải có xác thân ấy.

Xác thân ấy là chi? Là cái bổn tánh thuần dương vậy.

Khi các con bỏ xác phàm nầy thì điểm linh quang của các con nương theo đó mà về thẳng đến Thầy. Nếu các con không có xác thân ấy, các con phải chuyển kiếp khác hoài hoài, luân hồi khó dứt. Thoảng như các con không chuyển kiếp đầu thai, thì các con phải luân vơi nơi Âm Dương Khí, mà hóa tan rã thành mây mưa gió bụi. Vậy điểm linh hồn của các con phải tiêu diệt còn chi.

Các con phải biết rằng: muốn tạo xác thân thiêng liêng ấy, chẳng phải dễ mà cũng không khó chi."

"Lại Trời có Ngũ khí, thì Đất có Ngũ phương, người có Ngũ tạng. Người ngộ đạo phải lấy Ngũ hành ấy chế tạo mà luyện Kim đơn cho thành Xá lợi.

Muốn thành Xá lợi, cần vận chuyển pháp luân cho Ngũ khí triều nguơn, Tam huê tụ đảnh. Làm sao cho Ngũ khí triều nguơn, Tam huê tụ đảnh được?

Muốn Tam huê tụ đảnh, phải bảo Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần. Luyện chơn chưởng Thánh đô cho Tinh hoá Khí, Khí hóa Thần, Thần huờn Hư. Ba báu ấy qui về tại Kim đảnh là thành đạo. Còn muốn cho Ngũ khí triều nguơn, phải dụng công phu: định cái Tâm, gìn cái Ý, bế Ngũ quan thì Ngũ tạng hiệp về, tâm hồn thanh tịnh vô vi." (ĐTCG)

Tóm lại, Xá lợi tử là chơn thần, tức là xác thân thiêng liêng của con người. Nhờ có xác thân nầy con người mới đi được đến các cõi thiêng liêng.

DLCK: Huờn hư thi hình đắc A-Nậu-Đa-La Tam-Diệu-Tam-Bồ-Đề Xá lợi tử qui nguyên Phật vị, tất đắc giải thoát.

ÐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.

DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

 

Xá thân

舍身

A: To throw oneself into.

P: Se donner à.

Xá: Nhà ở, đến ở. Thân: thân mình.

Xá thân là đem mình vào ở.

TNHT: Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm môn.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xá tội

赦罪

A: To forgive sin.

P: Pardonner un crime.

Xá: Tha tội. Tội: tội lỗi.

Xá tội là tha tội, không trách phạt.

NN: Tam nguyện xá tội đệ tử.

NN: Ngũ Nguyện.

 

XẢ

XẢ

XẢ: Vứt bỏ, buông ra, bố thí.
Td: Xả diệt, Xả thân cầu đạo.

 

Xả diệt thế trần

捨滅世塵

Xả: Vứt bỏ, buông ra, bố thí. Diệt: tiêu diệt. Thế trần: cõi đời, cõi trần.

Xả diệt thế trần là vứt bỏ việc đời.

TNHT: Thầy thương phần nhiều các con dám xả diệt thế trần, trông mong noi chí của Thầy mà dìu dắt đoàn em dại.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xả đoản thủ trường

捨短取長

Xả: Vứt bỏ, buông ra, bố thí. Đoản: cái ngắn, chỉ cái sở đoản (chỗ kém của mình). Thủ: chọn lấy, lấy. Trường: dài, cái sở trường.

Xả đoản thủ trường là bỏ những cái thuộc về sở đoản, chọn lấy những cái thuộc về sở trường của mình, thì công việc mới dễ thành công.

 

Xả sinh thủ nghĩa

捨生取義

Xả: Vứt bỏ, buông ra, bố thí. Sinh: sống. Thủ: chọn lấy, lấy. Nghĩa: điều nghĩa. Xả sinh: vứt bỏ mạng sống, ý nói chết.

Xả sinh thủ nghĩa: chịu chết để giữ lấy điều nghĩa.

 

Xả thân cầu đạo

捨身求道

Xả: Vứt bỏ, buông ra, bố thí. Thân: thân mình. Cầu: tìm, xin. Đạo: đạo. Xả thân là bỏ cái thân của mình đi, ý nói không màng đến sự khó khăn nguy hiểm gặp phải. Cầu Đạo là mong tìm một mối Đạo chơn thật đem được con người đến chỗ an lạc.

Xả thân cầu Đạo là hy sinh bản thân mình để đi tìm một mối Đạo chơn thật.

TNHT: Thầy thấy nhiều đứa xả thân cầu Đạo.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XÃ: - Đoàn thể gồm nhiều người hợp lại. - Thần đất.
Td: Xã luận, Xã tắc.

 

Xã luận - Xã thuyết

社論 - 社說

A: The editoral, leading article.

P: L'éditorial, article de fond.

Xã: Đoàn thể gồm nhiều người hợp lại. Luận: bàn luận. Thuyết: nói.

Xã luận, đồng nghĩa Xã thuyết, là một bài văn trình bày trước mọi người về quan điểm của tờ báo đối với một vấn đề thời sự quan trọng hay đáng chú ý.

 

Xã tắc

社稷

A: The kingdom.

P: Le royaume.

Xã: Xã là nền xã thờ Thần Đất. Tắc là nền tắc thờ Thần Nông.

Ngày xưa, vua lập nước lấy dân làm trọng. Dân cần đất thì vua ban cấp đất đai cho dân và lập đền thờ tế lễ Thần Đất, chỗ tế Thần Đất gọi là Xã, để cầu cho dân chúng sống yên ổn. Dân cần các giống Ngũ cốc, vua cho tìm các thứ giống ấy phát cho dân cày cấy trồng trọt và lập đền thờ tế lễ Thần Nông, chỗ tế Thần Nông gọi là Tắc, để cầu cho dân chúng được mùa.

Khi một vị vua phế bỏ triều đại cũ, lập ra một triều đại mới, vị vua ấy cho phá bỏ đền Xã Tắc cũ, và dựng lên đền Xã Tắc mới cho triều đại mới.

Kinh Lễ nói: Thiên tử thì tế Nam giao, tức là tế Trời, còn các vua chư Hầu thì tế Xã Tắc.

Sách Hiếu Kinh: Nhiên hậu năng bảo kỳ xã tắc nhi hòa kỳ nhân dân. Nghĩa là: Nên về sau mới gìn giữ được xã tắc và hòa cùng dân chúng.

Ngày nay, từ ngữ Xã tắc dùng để chỉ một quốc gia.

KTKVTH: Giúp xã tắc tôi trung ra mặt.

KTKVTH: Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.

 

XÁC

XÁC

1.    XÁC: Thân thể, thây người chết.
Td: Xác Chí linh, Xác tục.

2.    XÁC: Đích thật, chắc chắn.
Td: Xác minh.

 

Xác Chí linh

殼至靈

Xác: Thân thể, thây người chết. Chí: rất. Linh: thiêng liêng. Chí linh: rất thiêng liêng, chỉ Đức Chí Tôn.

Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài với hình thể gồm 3 đài:

·         BQĐ được so sánh với linh hồn của Đạo.

·         HTĐ được so sánh với chơn thần của Đạo.

·         CTĐ được so sánh với thể xác của Đạo.

Các Chức sắc CTĐ được gọi là Thánh thể của Đức Chí Tôn, nghĩa là xác Thánh của Đức Chí Tôn.

Do đó, Xác Chí linh là thể xác của Đức Chí Tôn, là Thánh thể của Đức Chí Tôn, tức là các Chức sắc CTĐ.

TNHT: Mầng xác Chí linh thêm mãnh lực.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

Xác minh

確明

A: To verify.

P: Vérifier.

Xác: Đích thật, chắc chắn. Minh: rõ ràng.

Xác minh là làm cho sự thật được rõ ràng với những chứng cớ cụ thể.

 

Xác tục

殼俗

A: Carnal body.

P: Le corps charnel.

Xác: Thân thể, thây người chết. Tục: phàm tục, chỉ cõi trần.

Xác tục là xác phàm, thể xác của con người nơi cõi trần.

KTL: Giải xong xác tục, mượn hình Chí Tôn.

KTL: Kinh Tẫn Liệm.

 

XANG

Xang Thiên

撐天

A: To support the heaven.

P: Supporter le ciel.

Xang: xưa đọc là Xang, nay đọc là Xanh: chống đỡ.

Xang Thiên là chống đỡ bầu trời.

PG: Thổ khí thành hồng nhi nhứt trụ xang Thiên.

PG: Phật Giáo (Kinh Phật Giáo).

 

XANH

Xanh xanh

A: The God.

P: Le Dieu.

Xanh: màu xanh.

Xanh xanh: chỉ Ông Trời, Đức Chí Tôn Thượng Đế.

Các từ ngữ khác đồng nghĩa Xanh xanh là: Trời xanh, Cao xanh, Ông xanh, v.v....

TNHT: Xanh xanh nào có phụ người hiền.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XAO

Xao tâm động trí

Xao: lay động. Xao động: lay động không yên.

Xao tâm động trí là Xao động tâm trí, nghĩa là tình cảm và trí não bị lay động không yên.

TNHT: Chớ nên xao tâm động trí, ngơ ngẩn theo thường tình, thì não cân được tự minh.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xao xuyến

A: Agitated.

P: Troublé.

Xao xuyến là bị xúc động mạnh nên không an lòng.

TL: Tịnh Thất, điều 7: Phải giữ chơn thần an tịnh, đừng xao xuyến lương tâm.

TL: Tân Luật.

 

XẢO

XẢO

XẢO: Khéo léo, giỏi, dối trá.
Td: Xảo kế, Xảo mị, Xảo trá.

 

Xảo kế

巧計

A: The clever ruse.

P: La ruse habile.

Xảo: Khéo léo, giỏi, dối trá. Kế: mưu kế.

Xảo kế là mưu kế khéo léo khiến người ta bị lầm.

ĐLMD: Lầm tưởng cho nền Đạo là một cơ quan xảo kế của phàm nhơn sáng tạo để mê hoặc tâm lý người đời.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

Xảo mị

巧媚

A: To flatter cleverly.

P: Flatter habilement.

Xảo: Khéo léo, giỏi, dối trá. Mị: nịnh hót.

Xảo mị là nịnh hót một cách khéo léo để lừa gạt người.

TNHT: Đừng đừng xảo mị gọi tài tình.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xảo ngôn loạn đức

巧言亂德

Xảo: Khéo léo, giỏi, dối trá. Ngôn: lời nói. Loạn: rối loạn. Đức: đạo đức.

Xảo ngôn loạn đức: lời nói giả dối làm rối loạn đạo đức.

Đức Khổng Tử có nói rằng: Xảo ngôn loạn đức, tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu. Nghĩa là: Lời nói dối trá làm rối loạn đạo đức, việc nhỏ chẳng nhịn thì làm rối loạn kế hoạch lớn.

 

Xảo trá gian tà

巧詐奸邪

Xảo: Khéo léo, giỏi, dối trá. Trá: giả dối. Gian: dối gạt. Tà: cong vạy. Xảo trá: giả dối một cách khéo léo. Gian tà: dối gạt bất chánh.

Xảo trá gian tà: khéo léo giả dối, lừa gạt, bất chánh.

TNHT: Thầy thương đến tâm thành chánh trực, đạo đức khiêm cung, cũng như Thầy xóa kẻ xảo trá gian tà,....

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XẠO

Xạo xự

A: Tumultuous.

P: Tumultueux.

Xạo xự là lăng xăng chạy tới chạy lui để mưu cầu danh lợi.

TNHT: Xạo xự tuồng đời lừng bợn tục.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XẨN

Xẩn bẩn

A: To loiter.

P: Rôder.

Xẩn bẩn là lảng vảng cà rà một bên.

TNHT: Mà ngạ quỉ vô thường cũng xẩn bẩn.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XÂY

Xây bàn

A: The turning table, the tipping table.

P: La table tournante, la table frappante.

Xây: quay, xoay. Bàn: cái bàn.

Xây bàn là cái bàn bằng gỗ có thể lắc qua lắc lại (tức là xây qua xây lại theo chiều thẳng đứng), làm cho chưn bàn gõ nhẹ lên nền gạch phát ra tiếng cộp. Đây là một cách giao tiếp giữa người sống và các vong linh nơi cõi vô hình.

Cái bàn nầy bằng gỗ, không có gì đặc biệt, mặt bàn hình tròn, thường có 3 chân, 2 chưn bàn được chêm lên cao chừng 1 phân để bàn lắc qua lắc lại dễ dàng, gõ nhẹ xuống nền gạch phát ra tiếng cộp. Có ít nhứt là hai người ngồi vào bàn, đối diện nhau, mỗi người đặt hai bàn tay xòe ra úp lên mặt bàn, tịnh tâm chừng một lát thì bàn bắt đầu dao động, tức là có một vong linh nhập vào bàn.

Giữa người sống và vong linh có qui ước để hỏi đáp với nhau nhờ tiếng gõ của chưn bàn:

- Bàn gõ 1 tiếng là ừ, chịu; bàn gõ 2 tiếng là không.

- Cách ráp chữ: một người đọc vần: a ă â b c d đ e ê...... bàn gõ theo, mỗi vần mỗi gõ, khi bàn ngưng gõ là lấy chữ vần đó, thí dụ đọc tới chữ L bàn ngưng gõ, vậy lấy chữ L. Xong được một vần thì bắt đầu đọc vần trở lại, chừng nào bàn ngưng gõ thì lấy chữ đó. Sau cùng ráp lại thành từng tiếng, từng câu, từng bài.

Vì cái bàn lắc qua lắc lại, tức là xây qua xây lại theo chiều thẳng đứng, nên gọi là Xây bàn (Table tournante), khi xây, chưn bàn gõ nhẹ xuống nền gạch phát ra tiếng nên gọi là cái Bàn gõ (Table frappante) hay cái Bàn nói (Table parlante).

Việc Xây bàn nầy rất lâu mới được một bài văn, nhưng không có cách nào khác cho mau hơn.

Đây là cách giao tiếp giữa người sống và các vong linh theo khoa Thần Linh Học ở nước Mỹ, truyền qua Âu Châu, nước Pháp và đến Việt Nam. Văn Hào Victor Hugo lúc tị nạn chánh trị tại đảo Jersey, nhờ Bà Girardin biết cách xây bàn nầy, cùng với ông, tiếp xúc với các Đấng vô hình, nhận được nhiều bài Thánh giáo, mà sau nầy cho in ra phổ biến với tựa đề: "Chez Victor Hugo, Les Tables tournantes de Jersey" làm chấn động dư luận của các nước Âu Châu, vì từ lâu nay, họ phủ nhận linh hồn, chết là hết, không còn gì cả. Nhờ Victor Hugo và các phong trào Thần Linh Học, họ biết có thế giới vô hình, con người có linh hồn và khi chết thì linh hồn xuất ra khỏi thể xác, sống và hoạt động trong thế giới vô hình.

Tại Sài Gòn, Việt Nam, vào giữa năm 1925, có bốn vị: Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang thử nghiệm việc Xây bàn theo cách thức của Thần Linh Học Tây phương, với một cái bàn tròn ba chân tại nhà Ngài Cao Hoài Sang, và đạt được kết quả tốt đẹp. (Xem chi tiết về Xây bàn nơi chữ: Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, vần Th)

Ông Vương Hồng Sễn lúc đó là một thanh niên, nghe đồn nơi nhà Ngài Cao Hoài Sang ở phố Hàng Dừa, gần chợ Thái Bình,mỗi đêm đều có Xây bàn nói chuyện với Tiên, nên ông Sễn đến xem và thử nghiệm, rồi ông viết một bài tường thuật, sau nầy cho đăng trong Tập báo Xuân Tự Do, năm Kỷ Hợi (1959). Chúng tôi xin chép nguyên văn bài nầy để cống hiến bạn đạo và làm tài liệu cho Ban Đạo Sử.

Trong bài nầy, ông Vương Hồng Sễn có dùng chữ Xây ghế không thích hợp lắm, nhưng chúng tôi tôn trọng tác giả nên vẫn để y, hơn nữa vào thời điểm đó, việc Xây bàn rất mới lạ.

"Năm 1925 tại Sài Gòn có phong trào Xây Bàn, sau đổi qua Cầu Cơ thỉnh Tiên và cầu người khuất mặt xuống bút dạy việc vị lai.

Ban đầu có một nhóm thi hữu họp nhau mỗi tối để mời chiếc ghế, chiếc bàn lên, cùng nhau đàm luận thế sự.

Bài thơ sau đây nhơn xây ghế đêm 25 tháng 7 năm 1925 mà được. Ghế gõ tên xưng là CAO QUỲNH TUÂN, sanh tiền làm Cai Tổng, là thân sinh của ông Cao Quỳnh Cư (Chức sắc lớn Đạo Cao Đài quá vãng từ lâu, nay còn tạo hình thờ trên TTTN).

Ông Cao Quỳnh Tuân vốn là một thi nhân thuở cựu trào. Khi ghế lên, gõ được câu nào là ông Cư động lòng khóc sùi sụt, khách bàng quan cũng ngậm ngùi theo.

Tôi nay hậu sanh, nhơn có công chịu khó chép để dành từ năm 1925, gặp buổi đầu niên, xin kính gởi vào Tập Xuân Kỷ Hợi Tự Do, để đánh dấu một thời gian và một nhơn tâm đã qua.

Bài thơ ấy như vầy:

Ly trần tuổi đã quá năm mươi,

Mi mới vừa nên ước đặng mười.

Tổng mến lời khuyên bền mộ chép,

Tình thương câu dặn gắng tâm dời.

Bên màn đôi lúc trêu hồn phách,

Cõi thọ nhiều phen đặng thảnh thơi.

Xót nỗi vợ hiền còn lụm cụm,

Gặp nhau nhắn nhủ một đôi lời.

Tiếp qua đêm 30 tháng 7, cũng nhóm thi hữu ấy xây ghế được bài thi như sau:

Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai,

Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.

Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,

Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.

Dưỡng sanh cam lỗi tình sông núi,

Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.

Dồn dập tương tư oằn một gánh,

Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai.

Được bài thơ, các thi hữu hỏi tác giả là ai? thì bàn gõ tên: "Đoàn Ngọc Quế", sanh trưởng tại Chợ Lớn, con một, chết vì tình, thôi học từ năm 15 tuổi, thác hồi 18 tuổi.

Nhiều người theo dõi cuộc xây ghế hầu chuyện với Tiên và hồn ma năm 1925. Về sau nhiều vị trong nhóm thi xã trở nên Chức sắc lớn trong Đạo Cao Đài.

Nhờ một bạn hữu, tôi thấy hai bài thơ trên đây và thường nghe chung quanh trầm trồ mãi đó là thơ ma do Xây ghế mà có.

Tôi ao ước đặng thấy tận mắt mới hả lòng. Đến thứ sáu 31 tháng 7, vừa lãnh lương, anh em rủ nhau ăn cơm nhà hàng Yong Yeng là một quán cơm tây sang trọng thời ấy. Mãn tiệc, rượu còn ngà ngà say, có bạn đề xướng đi coi xây ghế. Còn dịp nào hơn! Cùng đi với tôi là hai ông: Nguyễn Văn Xuân và Đoàn Ngọc Quế. - Xuân, cùng với tôi làm Thơ ký tập sự chung một sở tại Trường máy, đường Đỗ Hữu Vị, nay là trường dạy Bách Khoa Kỹ Nghệ đường Huỳnh Thúc Kháng, hai đứa vẫn chưa vợ, và chỗ nào vui là có đến góp mặt, phá đám nhiều hơn là giúp ích. - Đoàn Ngọc Quế, chúng tôi quen tặng là Đoàn Thúc thì làm Thông Phán trên Phòng Nhì, dinh Thượng Thơ, nay đã quá vãng.

Tới nơi, xuống xe kéo, vào trước, hiện có một căn phố trệt lối chợ Thái Bình, xóm nầy nay đã thay đổi rất nhiều, không còn nhìn ra chỗ cũ. Trước dãy phố là một bãi cỏ rậm, lơ thơ vài cây dừa lão, gió đưa lá phất phơ trên nền trời thâm như tóc ma dà duột. Vì vậy, nếu tôi không lầm, phố nầy có tục danh là "dãy phố hàng dừa".

Vừa đến nơi thì ghế xây đà lâu hoắc, chúng tôi vội tiếp tay cho ghế mau lên.

Nói là ghế, chớ đó là một cái bàn gỗ một trụ ba chân, mặt tròn lối 6 tấc tây bề trực kính, bề cao cũng cỡ ấy. Khách ngồi chung quanh đã có 4 hay 5 người, tôi không nhớ rõ, với 3 chúng tôi nữa là rậm đám lắm, những bàn tay để khít gần giáp chu vi bàn, cả thảy ngồi chùm nhum đâu mặt nhau. Chưa đầy 10 phút, xảy bàn chuyển động, ba cây nhang cắm giữa rung rung như báo tin sắp có chuyện bất thường. Trong nhà, đồng hồ khoan thai đưa ra chín tiếng (9 giờ tối). Ngoài hiên, đèn thì tắt cho cảnh thêm u tịch.

Trời chuyển mưa, trăng lu mờ, khi hiện khi khuất trong những đám mây tối đen, rất phải buổi tiếp chuyện cùng âm hồn. Một trận gió lạnh tốc mấy ngọn dừa nghe như tiếng quét trên lược gãy răng!.... Chúng tôi mảng còn suy nghỉ đâu đâu thì bàn chuyển động. Mấy tiếng gõ ra là để xưng tên.

Theo lệ đã sẵn, các thi hữu quen tay quen việc, nên không mất thi giờ là bao, bàn hoặc gõ từng tiếng một, hoặc gõ một hơi một mạch, cứ đếm một tiếng là A, hai tiếng là B, mười tiếng là K, v.v.... Bàng quan mỗi lần nghe bàn gõ thì đếm, đếm số rồi khi bàn dừng lại thì ngoài nầy có một người ngồi riêng, thủ vai thư ký, gia công biên số tiếng gõ, dịch ra từng chữ một. Khi đủ 7 chữ, một câu thơ, thì hô lớn đọc rõ câu ấy lại, xin bàn cho biết có quả như vậy chăng. Xong rồi tiếp tục như cũ.

Bàn xưng "Đoàn Ngọc Quế Tiểu thơ".

Đến đây, người anh cả chúng tôi là Đoàn Thúc vấn nạn. Đoàn Thúc hỏi chẳng hay trong nhóm hôm nay có người nào trùng danh tánh, trùng tự với Tiểu thơ chăng? thì lập tức cái bàn nghiêng nghiêng qua phía Đoàn Thúc ngồi, gõ một tiếng mạnh cộp. Tôi cũng chưa lấy làm lạ cho lắm, thoạt anh bạn Nguyễn Văn Xuân công kích cách khác và xin hỏi cái bàn rằng: nội trong bọn có người nào mới lạ chăng? thì liền đó bàn trả lời có và đánh vần gõ thật nhanh tên người là chẳng ai khác hơn là "S Ễ N".

Thật quái! Thật lạ!

Vả chăng trong nhóm đêm ấy, tôi chưa được giới thiệu, mà tên tôi đã là một quái gở, ngoài hai bạn thân là ông Quế và ông Xuân thì dễ gì biết được! Tôi xin chịu thua, từ chỗ bán tín bán nghi, qua chỗ xiêu xiêu tin tưởng ma quỉ rất gần.

Bàn gõ khoan thai yểu điệu quả là một tánh nết Tiểu thơ khuê các. Khi nào không muốn trả lời một câu quá tọc mạch thì bàn nghiêng nghiêng qua một bên nhưng không gõ, ba cây nhang rung rung như bất bình, thật là một dáng điệu một cô gái sanh tiền ắt chuyện chi trái ý không để vào tai.

Lần hồi trong đêm đó, chúng tôi hỏi về gia đạo của cô và hỏi cô đau bịnh chi mà thác. Cô cho bài thơ như sau:

Trời già đành đoạn nợ ba sinh,

Bèo nước xẻ hai một gánh tình.

Mấy bữa nhăn mày làm chước quỉ,

Khiến ôm mối thảm lại Diêm đình.

Thú thiệt tôi bình sanh có tánh sợ ma, nhưng ma nầy tôi lại muốn gặp.

Vì trời đã khuya, thêm nhà tôi ở đậu có lệ không mở cửa cho kẻ về quá giờ, nên buộc lòng tôi phải cáo lui.

Khỏi nói, đêm ấy tôi về ngủ không được.... Sau nghe lại, khi chúng tôi ra về, bàn còn làm bài thơ như sau: cũng do cô Đoàn Ngọc Quế lên và đây là lời cô trách người bạn năm xưa, nay đã có đôi bạn khác:

Người thì Ngọc mã với Kim đàng,

Quên kẻ dạ đài nỗi thảm mang.

Mình dặn lấy mình, mình lại biết,

Mặc ai chung hưởng phận cao sang!

ĐOÀN NGỌC QUẾ

Cũng trong tháng 8 năm 1925, ông Phạm Công Tắc khi đó còn làm việc Sở Thương Chánh Sài Gòn, có họa vận bài thơ tự tình của cô Đoàn Ngọc Quế:

Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai!

Trời xanh vội lấp nữ anh tài.

Tình thâm một gánh còn dương thế,

Oan nặng ngàn thu xuống dạ đài.

Để thảm xuân đường như ác xế,

Gieo thương lữ khách ngóng tin mai.

Hềm gì chưa rõ đầu đuôi thế,

Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai!

PHẠM CÔNG TẮC

Câu ba và câu bảy trùng một chữ "thế", vì lâu quá tôi không nhớ rõ có phải nguyên văn như vậy hay chăng. Nay xin giữ y để chờ hậu cứu.

Đồng thời, ông Cao Hoài Sang (nay làm đầu trên Tòa Thánh Tây Ninh) khi ấy còn là một thanh niên xuất thân trường Sư Phạm "Sở Cọp" cũng làm việc Sở Thương Chánh Sài Gòn, nức tiếng là một thi sĩ tài ba, ít ai bì kịp, đàn giỏi thi hay, ông Cao Hoài Sang ra cho bàn một bài thơ như vầy, mời họa vận:

TỰ THUẬT

Sầu dài ngày vắn dễ chi vui,

Toan tính thâu đêm ruột rối nùi.

Ngược gió thuyền đầy cơn sóng dập,

Xuôi dòng nước lớn giạt bèo trôi.

Bước đường danh lợi thêm gay trở,

Ngảnh lối tang thương luống ngậm ngùi.

Lần lửa xuân hè năm tháng lụn,

Thôi thôi đến thế, thế thì thôi.

CAO HOÀI SANG

Qua đêm 21 tháng 8, bàn họa vận lại như vầy:

Chung tình đoạn gánh khó làm vui,

Lần gỡ chưa xong chỉ rối nùi.

Lời hẹn xưa còn vầng nguyệt chứng,

Hương thề nay thả giữa dòng trôi.

Kim rời cải rụng lòng ngao ngán,

Đá nát vàng phai dạ ngậm ngùi.

Một khối tuyền đài tình khó dứt,

Ráp gương kiếp khác quyết chờ thôi.

ĐOÀN NGỌC QUẾ

Trong bài thơ có hai chữ "TÌNH" câu phá và câu thúc, thế là trùng tự. Hỏi, bàn gõ ra chữ "Permis" (cho phép) làm khách bàng quan ngạt lối, tôi cũng cứ chép y ra đây chờ nghe dạy. Cũng khi đó, Cô Đoàn cho thêm một bài Tự Tình nữa như sau:

Duyên gì chưa hiệp lại chia phui,

Căn dặn nghĩ thôi luống sụt sùi.

Tấm mẳn tuy chưa cơn mặn lạt,

Tình nồng chi xiết đỗi buồn vui.

Lời nguyền xưa có vầng trăng chiếu,

Câu hẹn nay đành giọt nước trôi.

Đổ lụy tương tư đêm đứt nối,

Nỗi niềm ai thấu hỡi ai ôi!

ĐOÀN NGỌC QUẾ

Qua đêm 22 tháng 8, nhằm tối thứ bảy, Cô Đoàn lên rồi nhường chỗ cho một nữ sĩ tên Hớn Liên Bạch tiếp lời, hạ một bài thơ gọi là "TIỄN BIỆT TÌNH LANG" như sau:

Chia gương căn dặn buổi trường đình,

Vàng đá trăm năm tạc tấm tình.

Bước rẽ ngùi trông cơn ác xế,

Lời trao buồn nhớ lối trăng thinh.

Ngày chờ mây án ngàn dâu khuất,

Đêm bặt đèn khuya một bóng (nhìn) chinh.

Mờ mệt non vu ngơ ngẩn luống,

Dặm dâu cách bức nghĩa dâu khinh.

Qua đêm 25 tháng 8, Cô Hớn Liên Bạch nhập bàn lên, xin đổi hai câu thất bát lại như vầy:

Lần lựa cô phòng xuân thỏn mỏn,

Xa xôi ai thấu nỗi đinh ninh.

Cũng trong đêm 25 tháng 8, bàn lên một hồn nhập vô xưng hiệu "Thanh Sơn 48 tuổi, người tỉnh Long Hồ", nhơn hỏi có điều chi dạy bảo, ông cho bài thi nầy:

THANH SƠN TỰ THUẬT THẾ SỰ:

Âm Dương tuy cách cũng trời chung,

Thấy trái nên đây mới tỏ cùng.

Thắt dạ thuyền xưa không đậu bến,

Đau lòng hạc cũ chẳng về tùng.

Cúi đầu đành chịu thân trăm tuổi,

Ngước mặt trơ trông bặt chín trùng.

Mạnh yếu há ngồi cam phải vậy,

Hay chi cá chậu với chim lồng.

Rồi ông tiếp một bài thi nữa:

Chim lồng bao thuở lại non xanh,

Ngóng mắt trông vơi chốn thoát mình.

Dựng nước không ai tài tướng lược,

Liều mình thiếu kẻ đáng hùng anh.

Vầy thuyền chi sợ cơn giông tố,

Hiệp chủng còn hơn cuộc chiến tranh.

Thìn dạ chờ châu về Hiệp Phố,

Nỗi mình sự nghiệp mối tan tành.

THANH SƠN

Hai bài nầy, nên nhớ làm vào năm 1925 nhưng đã xoay qua quốc sự, tôi chép hồi đó làm sao, nay sao lục làm vậy, cũng không dám thêm bớt, mặc tình chư quân tử nghiệm xét.

Sau rốt là ba bài tứ tuyệt, hai bài đầu tôi không nhớ rõ của người sống làm ra và họa vận nhau chơi, hay là thơ xây ghế mà được. Bài thứ ba của ông Cao Quỳnh Cư làm đêm mùng 1 tháng 9 năm 1925.

Bài thứ nhứt của Nhàn Âm Đạo Trưởng:

Rừng tòng ngày tháng thú quen chừng,

Nhướng mắt dòm coi thế chuyển luân.

Rượu cúc một bầu trăng gió hứng,

Non sông dạo khắp lối đêm xuân.

Thơ đề ngày 31 tháng 8 xưng Nhàn Âm Đạo Trưởng, có một giọng thoát tục, câu chót rõ là của người khuất mặt, muốn nói Tiên hay ma cũng được.

Bài thứ nhì họa nguyên vận bài trên:

Sống thác từ xưa đã có chừng,

Nơi trần mảng tính trọn nhơn luân.

Đò đưa phút chịu vùi ba tấc,

Tay trắng phủi rồi một tuổi xuân.

(31-9-1925) CAO XUÂN LỘC

Bài thư ba họa y nguyên vận:

Cõi thọ là đâu khó độ chừng,

Ẩn tàng lội lạc bậc kinh luân.

Buổi già ước đặng đem thân gởi,

Biển Thánh ráng dò lúc tuổi xuân.

(1-9-1925) CAO QUỲNH CƯ

Câu chuyện xây ghế được thơ cách nay đã ba mươi bốn năm, coi vậy mà mau quá, nhiều người còn nhớ, thêm giấy mực làm chứng rành rành. Trải qua cuộc loạn ly "Nhựt chạy, Tây lui", tài liệu văn chương mất mát quá nhiều.

Tôi may giữ lại được năm mớ, buổi xuân đầm ấm, xin mượn đó làm chút lễ thành gọi quà Tân niên, kính dâng quí độc giả báo Tự Do cộng thưởng.

VƯƠNG HỒNG SỄN

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

XE

Xe Như ý

A: The carriage of immortals.

P: La voiture des immortels.

Xe Như ý là chiếc xe Tiên huyền diệu, như biết được ý của người đi. Khi ngồi lên xe, ý mình muốn đi đâu thì chiếc xe sẽ đưa mình đến đó đúng như ý muốn.

KĐ5C: Dựa xe Như ý, oai Thần tiễn thăng.

KÐ5C: Kinh Ðệ Ngũ cửu.

 

Xe Tiên

A: Carriage of immortals.

P: La voiture des immortels.

Xe Tiên là chiếc xe huyền diệu của các vị Tiên, để đưa các vị Tiên đi đó đi đây.

Xe Tiên đồng nghĩa với: Xe Như ý, Pháp xa.

NH:

Xin Thần Thánh ruổi dong cỡi hạc,

Xuống phàm trần vội gác xe Tiên.

NH: Niệm Hương.

 

Xe trâu

A: The buffalo-draw carriage.

P: La charette à buffle.

Xe trâu là chiếc xe do con trâu kéo đi.

Đây là chiếc xe trắng của Đức Thái Thượng Lão Quân, dùng con trâu xanh có một sừng gọi là Thanh ngưu kéo xe cho Ngài đi, người đánh xe là Từ Giáp, đệ tử của Ngài.

KKV:

Dẩy xe trâu Côn Lôn trổi bánh,

Lý Lão Quân mong lánh phong trần.

KVH: Kinh vào học.

 

XÍCH

XÍCH

XÍCH: Màu đỏ, hết sạch, trống không.
Td: Xích đế, Xích tâm, Xích thủ.

 

Xích đế

赤帝

Xích: Màu đỏ, hết sạch, trống không. Đế: vua. Ngũ phương, mỗi phương có một Hành (trong Ngũ Hành) và một vị Đế cai quản, tên của vị Đế được gọi theo màu sắc của Ngũ Hành.

·         Phương Tây, hành Kim, màu trắng, có Bạch Đế cai quản.

·         Phương Bắc, hành Thủy, màu đen, có Hắc Đế cai quản.

·         Phương Đông, hành Mộc, màu xanh, có Thanh đế cai quản.

·         Phương Nam, hành Hỏa, màu đỏ, có Xích Đế cai quản.

·         Trung ương, hành Thổ, màu vàng, có Huỳnh Đế cai quản.

 

Xích tâm

赤心

A: The fidelity.

P: La fidélité.

Xích: Màu đỏ, hết sạch, trống không. Tâm: lòng.

Xích tâm là lòng son, ý nói lòng trung nghĩa.

Xích tâm đồng nghĩa: Đan tâm. (Đan là màu đỏ).

 

Xích thằng

赤繩

A: The red thread.

P: Le fil rouge.

Xích: Màu đỏ, hết sạch, trống không. Thằng: sợi chỉ.

Xích thằng là sợi chỉ đỏ, ràng buộc đôi nam nữ thành vợ chồng. (Xem: Tơ duyên, vần T)

 

Xích thiên

赤天

A: The red Heaven.

P: Le Ciel rouge.

Xích: Màu đỏ, hết sạch, trống không. Thiên: từng trời.

Xích thiên là từng trời mà trên đó ánh sáng đều màu đỏ.

Đây là từng trời thứ 5 trong Cửu Trùng Thiên.

KĐ5C:

Ánh hồng chiếu đường mây rỡ rỡ,

Cõi Xích thiên vội mở ải quan.

KÐ5C: Kinh Ðệ Ngũ cửu.

 

Xích thủ tạo càn khôn

赤手造乾坤

Xích: Màu đỏ, hết sạch, trống không. Thủ: tay, bàn tay. Càn Khôn: Trời Đất, ý nói sự nghiệp đại. Xích thủ: tay đỏ, tức là tay không.

Xích thủ tạo càn khôn là tay không làm nên nghiệp lớn.

 

Xích tử

赤子

A: The new born child.

P: Le nouveau-né.

Xích: Màu đỏ, hết sạch, trống không. Tử: con.

Xích tử là con đỏ, đứa con mới sanh, chỉ dân chúng.

 

XIỂN

XIỂN

XIỂN: Mở rộng và làm sáng tỏ ra.
Td: Xiển dương, Xiển giáo.

 

Xiển dương

闡揚

A: To make clear and to expand.

P: Éclaircir et étendre.

Xiển: Mở rộng và làm sáng tỏ ra. Dương: đưa lên cao.

Xiển dương là làm sáng tỏ và phát triển rộng ra.

Xiển dương giáo lý: Làm sáng tỏ giáo lý của một nền tôn giáo và truyền bá ra.

 

Xiển giáo

闡敎

A: To make clear and expand the doctrine of a religion.

P: Éclaircir et étendre la doctrine d'une religion.

Xiển: Mở rộng và làm sáng tỏ ra. Giáo: giáo lý của một nền tôn giáo.

Xiển giáo là xiển dương giáo lý của một nền tôn giáo.

PG: Nhiên Đăng Cổ Phật, Vô vi Xiển giáo Thiên Tôn.

Chúng ta lưu ý, trong truyện Phong Thần, danh từ Xiển giáo có ý nghĩa khác hơn.

Đạo Tiên phân ra hai phái: Xiển giáo và Triệt giáo. Hai phái nầy luôn luôn mâu thuẫn và chống đối nhau.

- Xiển giáo do Đức Nguơn Thỉ làm Chưởng giáo, dạy đệ tử thành bực Thiên Tiên, nên chọn lựa đệ tử rất kỹ, phải trải qua nhiều cuộc thử thách. Đệ tử phải có tâm hồn cao thượng, đức hạnh xứng đáng, vong kỷ vị tha, xả thân cầu đạo.

- Triệt giáo do Đức Thông Thiên làm Giáo chủ, dạy đệ tử thành bực Địa Tiên. Triệt giáo có khuynh hướng ngược với Xiển giáo, phá bỏ những qui luật khắt khe của Xiển giáo, (chữ Triệt là phá bỏ), mở ra hướng mới rất rộng rãi, thâu nhận đệ tử bất kỳ là ai, nếu muốn học đạo tu luyện, người lương thiện hay không lương thiện, không phân biệt người hay cầm thú, chuyên luyện pháp thuật cao cường, để tranh hơn thua với Xiển giáo, không chú trọng rèn luyện tâm tánh cho thành người cao thượng, nên dần dần Triệt giáo biến thành Tả đạo Bàng môn.

Thông Thiên Giáo chủ, Đức Nguơn Thỉ, Đức Lão Tử, ba vị đều là học trò của Hồng Quân Lão Tổ. Đức Lão Tử là học trò lớn nhứt, kế đó là Đức Nguơn Thỉ, và Đức Thông Thiên là thứ ba.

Trong truyện Phong Thần, khi Xiển giáo và Triệt giáo đấu tranh nhau đến chỗ quyết liệt thì Đức Hồng Quân Lão Tổ hiện ra dàn xếp đôi bên, buộc hai bên phải dung hòa nhau.

 

XÔNG

Xông hương khử trược

A: To fumigate with incense and eliminate the impurity.

P: Fumiger de l'encens et éliminer l'impureté.

Xông: đốt vật gì cho hơi bốc lên thấm vào da thịt. Hương: mùi thơm. Khử: trừ bỏ. Trược: dơ dáy hôi hám.

Xông hương khử trược: đốt trầm hay nhang thơm cho khói bốc lên, rồi đưa hai tay vào khói thơm để khử hết mùi hôi hám trên hai tay.

TNHT: Tay chấp cơ cũng phải xông hương khử trược.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xông lướt

A: To traverse.

P: Traverser.

Xông: xấn tới. Lướt: đi càn tới bất chấp trở ngại.

Xông lướt là xấn tới trước bất chấp trở ngại.

TNHT: Liệu mà xông lướt, liệu đua tranh.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XU

XU

XU: Hướng về, đi nhanh tới, hùa vào.
Td: Xu lợi, Xu mị, Xu phụ, Xu trần.

 

Xu lợi tỵ hại

趨利避害

Xu: Hướng về, đi nhanh tới, hùa vào. Lợi: lợi lộc. Tỵ: tránh ra. Hại: hao tổn. Xu lợi: chạy theo lợi lộc. Tỵ hại: tránh điều hại.

Xu lợi tỵ hại: thấy việc lợi thì hâm hở chạy tới, thấy việc hại thì tránh ra chỗ khác. Đó là thói đời.

 

Xu mị - Xu nịnh

趨媚 - 趨佞

A: To flatter.

P: Flater.

Xu: Hướng về, đi nhanh tới, hùa vào. Mị: nịnh hót để lừa gạt. Nịnh: nịnh hót.

Xu mị, đồng nghĩa Xu nịnh, là nịnh hót để cầu lợi.

 

Xu phụ

趨附

A: To side for profit.

P: S'attacher au profit.

Xu: Hướng về, đi nhanh tới, hùa vào. Phụ: dựa vào.

Xu phụ là hùa theo để cầu lợi.

Xu phụ là tội thứ 9 trong Thập Hình của Đức Lý Giáo Tông. Người nào phạm tội nầy, phải ăn năn sám hối, thọ tội cùng chúng sanh.

 

Xu thế

趨勢

A: The tendency.

P: La tendance.

Xu: Hướng về, đi nhanh tới, hùa vào. Thế: tình thế, thế lực, quyền thế.

Xu thế có nhiều nghĩa sau đây:

·         Xu thế là hùa vào nơi quyền thế để mong hưởng lợi.

·         Xu thế là hướng phát triển chung.

·         Xu thế là chiều hướng phát triển theo qui luật.

·         Xu thế là tình trạng mà nhiều người hướng về một chiều.

 

Xu thời

趨時

A: Opportunist.

P: Opportuniste.

Xu: Hướng về, đi nhanh tới, hùa vào. Thời: thời thế.

Xu thời là a dua theo thời thế, thấy ai mạnh thì theo nhằm mục đích cầu lợi.

 

Xu trần

趨塵

A: To tend towards the world.

P: Tendre vers le monde.

Xu: Hướng về, đi nhanh tới, hùa vào. Trần: cõi trần.

Xu trần là khuynh hướng vào cõi trần.

TNHT: Xu trần chớ hám lợi cùng danh.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XÚ: Mùi, hôi thối, tiếng xấu.
Td: Xú danh, Xú uế.

 

Xú danh

臭名

A: Bad reputation.

P: Mauvaise réputation.

Xú: Mùi, hôi thối, tiếng xấu. Danh: tiếng tăm.

Xú danh là tiếng tăm xấu.

 

Xú uế

臭穢

A: Stinking.

P: Puant.

Xú: Mùi, hôi thối, tiếng xấu. Uế: dơ bẩn, hôi hám.

Xú uế là hôi thúi bẩn thỉu.

 

XỦ

XỦ

XỦ: - Rủ xuống, - trút bỏ.
Td: Xủ áo phồn hoa, Xủ lằn trí huệ.

 

Xủ áo phồn hoa

Xủ: trút bỏ. Phồn: nhiều. Hoa: tốt, thịnh.

Phồn hoa là nơi đông người náo nhiệt, đua chen danh lợi. Phồn hoa được ví như cái áo, người tu cần phải cởi bỏ cái áo ấy ra thì mới có thể tu hành được.

Xủ áo phồn hoa là trút bỏ hết danh lợi.

TNHT: Xủ áo phồn hoa lại cảnh Thiên.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xủ khuất bóng trần

Xủ: Rủ xuống. Khuất: che khuất không còn nhìn thấy nữa. Bóng: hình ảnh. Trần: cõi trần.

Xủ khuất bóng trần: như tấm màn rủ xuống, che khuất các hình ảnh nơi cõi trần. Ý nói: bao phủ cả cõi trần.

TNHT: Ngày nầy năm ngoái vẫn ra sao, mà đến ngày nay, màn Chánh giáo đã diềm dà xủ khuất bóng trần, gương trí huệ rạng ngần soi khách tục.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xủ lằn trí huệ

Xủ: Rủ xuống. Lằn: đường đi của ánh sáng. Trí huệ: sự sáng suốt thông hiểu chơn lý của người tu đắc đạo.

Xủ lằn trí huệ: như tấm màn rủ xuống che khuất ánh sáng của trí huệ.

Ánh sáng của trí huệ bị che khuất thì trở lại vô minh mê muội. Tu là vẹt bức màn vô minh để ánh sáng trí huệ lộ ra.

TNHT: Kìa đai cân nhuộm nước màu Thiền, nọ danh lợi xủ lằn trí huệ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XUA

Xua trục

A: To drive out.

P: Expulser.

Xua: đuổi đi chỗ khác. Trục: bắt buộc phải xuất ra.

Xua trục là bắt buộc phải xuất ra và đuổi đi chỗ khác.

TNHT: Các con gắng chung tâm xua trục hết lũ vạy tà thì hiến công lớn cho Thầy đó.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XUÂN

XUÂN

1.    XUÂN: Mùa xuân, chỉ tuổi trẻ, xinh đẹp.
Td: Xuân dung, Xuân mộng.

2.    XUÂN: 椿 Cây xuân (tục đọc lầm là Thung), một loại cây lớn và sống lâu, chỉ người cha.
Td: Xuân đình, Xuân huyên.

 

Xuân bất tái lai

春不再來

Xuân: Mùa xuân, chỉ tuổi trẻ, xinh đẹp. Bất: không. Tái: lại một lần nữa. Lai: tới.

Xuân bất tái lai là tuổi trẻ không trở lại lần nữa, vì đã đi qua rồi thì mất hẳn.

 

Xuân dung

春容

Xuân: Mùa xuân, chỉ tuổi trẻ, xinh đẹp. Dung: dáng mặt, dung mạo.

Xuân dung là dung mạo xinh đẹp như hoa mùa Xuân.

 

Xuân đình - Xuân đường

椿庭 - 椿堂

A: The father.

P: Le père.

Xuân: Cây xuân (tục đọc lầm là Thung), một loại cây lớn và sống lâu, chỉ người cha. Đình: cái sân. Đường: cái nhà. Xuân đình là cái sân có trồng cây xuân. Xuân đường là cái nhà có trồng cây xuân.

Xuân đình, đồng nghĩa Xuân đường, chỉ người cha.

 

Xuân huyên

椿萱

A: The father and mother.

P: Le père et la mère.

Xuân: Cây xuân (tục đọc lầm là Thung), một loại cây lớn và sống lâu, chỉ người cha. Huyên: cỏ huyên, chỉ người mẹ.

Xuân huyên là cây xuân và cỏ huyên, chỉ cha và mẹ.

 

Xuân lan Thu cúc

春蘭秋菊

A: The spring orchid and the autumn chrysanthenum.

P: L'orchidée pritanière et le chrysanthème d'automne.

Xuân: Mùa xuân, chỉ tuổi trẻ, xinh đẹp. Lan: hoa lan rất đẹp và rất thơm. Thu: mùa Thu. Cúc: hoa cúc, tượng trưng mùa Thu.

Xuân lan Thu cúc là hoa lan mùa Xuân, hoa cúc mùa Thu. Ý nói: Hai cô gái đều đẹp và tài giỏi như nhau.

 

Xuân mộng

春夢

A: The spring dream.

P: Le rêve de printemps.

Xuân: Mùa xuân, chỉ tuổi trẻ, xinh đẹp. Mộng: giấc chiêm bao.

Xuân mộng là giấc chiêm bao đêm xuân. Ý nói: Xem công danh phú quí như một giấc mộng xuân.

(Xem điển tích nơi chữ: Nhứt trường xuân mộng, vần Nh)

 

Xuân Thu - Chiến quốc

春秋 - 戰國

Đời nhà Châu (Chu) chia làm hai thời kỳ:

1.    Thời kỳ thứ nhứt, đóng đô ở đất Phong ở Thiểm Tây, nên gọi là thời Tây Châu (1134-770 trước TL).

2.    Thời kỳ thứ nhì, vua Châu Bình Vương bị Khuyển Nhung uy hiếp nên dời đô về Lạc Dương (Hà Nam) ở về phía Đông, nên gọi là Đông Châu (770-221 trước TL).

Trong thời Đông Châu, các sử gia lại phân 2 giai đoạn:

·         Thời Xuân Thu (722-480 trước TL) tức là từ năm thứ 49 đời vua Châu Bình Vương đến năm thứ 41 đời vua Châu Kinh Vương, tổng cộng 242 năm.

·         Thời Chiến Quốc (479-221 trước TL) tức là từ đời vua Châu Nguyên Vương đến đời vua Châu Nãn Vương, tổng cộng 258 năm.

Sau thời Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng gồm thâu 6 nước, thống nhứt nước Tàu, mở ra nhà Tần.

Sự phân chia ra hai thời kỳ: Xuân Thu và Chiến Quốc là dựa trên hai bộ sử biên niên:

·         Một của Đức Khổng Tử gọi là kinh Xuân Thu;

·         Một của ông Lưu Hướng gọi là Chiến Quốc sách.

Kinh Xuân Thu: (Xem chi tiết nơi chữ: Không Tử tác Xuân Thu, vần Kh).

Chiến Quốc Sách: Sách nầy do Lưu Hướng thu thập các sách đời trước, sắp đặt lại cho đúng theo thời gian liên tục. Ông nghĩ rằng, sách nầy chép lại các mưu lược của các du sĩ thời Chiến Quốc nên đặt tên là Chiến Quốc Sách.

Chiến Quốc Sách chép việc của 11 nước: Châu, Trần, Tề, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn, Yên, Tống, Vệ, Trung Sơn, từ năm 453 đời vua Châu Định Vương tới năm 221 trước TL, là năm thứ 16 đời Tần Thủy Hoàng, tức là năm mà Tần Thủy Hoàng diệt nước Tề, dẹp xong 6 nước, thống nhứt nước Tàu.

Trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, có rất nhiều triết gia ra đời, mỗi người đều có viết sách để trình bày học thuyết của mình, với mục đích sửa đổi chế độ cai trị, mong đem lại hạnh phúc và no ấm cho dân chúng. Số triết gia ấy rất đông và có những tư tưởng rất đặc sắc, số sách viết ra cũng nhiều, nên gọi chung là: Bách gia chư tử, mà đứng đầu chư tử là hai đại hiền triết: Đức Khổng Tử và Đức Lão Tử.

Hai vị nầy cũng là Giáo chủ của hai tôn giáo trong Tam giáo: Nho giáo và Lão giáo.

 

Xuân thu - Phất chủ - Bát vu

春秋 - 拂麈 - 缽盂

Đây là 3 Cổ pháp của Tam giáo:

·         Xuân thu: Quyển kinh Xuân Thu là Cổ pháp của Nho giáo. (Xem chi tiết nơi chữ: Khổng Tử tác Xuân thu, vần Kh)

·         Phất chủ: Cây Phất chủ, cũng gọi Phất trần, là Cổ pháp của Tiên giáo. (Xem chi tiết nơi chữ: Phất chủ, vần P)

·         Bát vu: Bình Bát vu là Cổ pháp của Phật giáo. (Xem chi tiết nơi chữ: Bát vu, vần B)

PMCK:

Xuân thu, Phất chủ, Bát vu,

Hiệp qui Tam giáo hữu cầu chí chơn.

Trong dịp Lễ Hội yến DTC năm 1963, Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ cho 3 câu thai đố 3 Cổ pháp nơi Văn Minh Điện:

1.

Bụi hồng đã lấm chơn linh,

Lấy chi phủi sạch tâm tình mà tu?

Ấy là cây Phất chủ.

2.

Cái chi đựng cả Càn Khôn,

Lại đưa bát phẩm chơn hồn siêu thăng?

Ấy là cái bình Bát vu.

3.

Bốn mùa chỉ lấy có hai,

Viết thành triết lý làm bài trị dân?

Ấy là kinh Xuân Thu.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

DTC: Diêu Trì Cung.

 

XUẤT

XUẤT

XUẤT: - Đi ra, phát ra. - Hơn, vượt trội.
Td: Xuất bản, Xuất chúng, Xuất gia.

 

Xuất bản

出版

A: To edit.

P: Éditer.

Xuất: Đi ra, phát ra. Bản: sách in, không phải viết tay.

Xuất bản là in thành sách và phát hành rộng rãi cho nhiều người mua để xem.

PCT: Như thảng có kinh luật làm cho hại phong hóa thì chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản.

(Chúng nó: Đức Chí Tôn gọi 3 vị Chưởng Pháp).

PCT: Pháp Chánh Truyền.

 

Xuất chúng

出眾

A: Eminent.

P: Éminent.

Xuất: Hơn, vượt trội. Chúng: nhiều người.

Xuất chúng là vượt trội hơn hẳn nhiều người.

 

Xuất dương

A: To go abroad.

P: Aller à l'étranger.

Xuất: Đi ra, phát ra. Dương: biển lớn.

Xuất dương là đi ra biển lớn, ý nói đi ra nước ngoài.

CG PCT: Như ngày kia, Đạo xuất dương ra ngoại quốc thì sẽ có nhiều dân tộc chẳng có thể thờ phượng như người Nam.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

Xuất gia hành đạo

出家行道

A: To leave one's family and become a religious.

P: Quitter sa famille et se faire un religieux.

Xuất: Đi ra, phát ra. Gia: nhà. Hành: làm việc. Đạo: tôn giáo. Xuất gia: rời bỏ gia đình để đi tu.

Xuất gia hành đạo là rời khỏi gia đình để đi làm việc Đạo, tức là từ bỏ gia đình, hiến thân vào cửa Đạo và phụng sự Đạo pháp.

Đó là trường hợp người tín đồ sớm giác ngộ, cố gắng thu xếp việc gia đình cho ổn định cuộc sống, rồi xin hiến thân trọn đời cho Hội Thánh, lập công quả, phụng sự nhơn sanh.

 

Xuất giá

出嫁

A: To get married.

P: Se marier.

Xuất: Đi ra, phát ra. Giá: con gái lấy chồng.

Xuất giá là con gái đi lấy chồng, rời nhà cha mẹ ruột để đi ở bên nhà chồng.

Xuất giá tùng phu: lấy chồng thì phải tùng theo chồng.

Đây là một trong Tam tùng của người phụ nữ.

 

Xuất hiện

出現

A: To appear.

P: Apparaiîre.

Xuất: Đi ra, phát ra. Hiện: lộ ra.

Xuất hiện là lộ rõ ra ngoài, ai cũng nhìn thấy.

TNHT: Sự tế tự sửa theo Tam Kỳ Phổ Độ, cũng nơi ấy mà xuất hiện ra, rõ à!

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xuất hội

出會

A: To go out the assembly.

P: Sortir d'une assemblée.

Xuất: Đi ra, phát ra. Hội: hội nghị, một cuộc hội nhóm.

Xuất hội là đi ra khỏi hội nghị khi hội nghị kết thúc.

Kinh Xuất Hội: bài kinh để tụng lên trong nghi lễ bế mạc một hội nghị quan trọng.

 

Xuất ngoại

出外

A: To go out.

P: Sortir.

Xuất: Đi ra, phát ra. Ngoại: ngoài.

Xuất ngoại là đi ra nước ngoài, đi ngoại quốc.

Xuất ngoại là đi ra khỏi phòng hay khỏi nhà.

TNHT: Thầy mời chư nhu xuất ngoại, một giây phút Thầy sẽ kêu vào.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xuất nhập

出入

A: Exit or Entry.

P: Sortie ou Entrée.

Xuất: Đi ra, phát ra. Nhập: vào, đi vào.

Xuất nhập là đi ra hay đi vào.

TNHT: Nơi trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác. (Nó: chơn thần của mỗi người)

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xuất nhập phân minh

出入分明

Xuất: Đi ra, phát ra. Nhập: vào. Phân minh: tách bạch rõ ràng.

Xuất nhập phân minh: nói về tiền bạc, thâu vô và xuất ra phải ghi vào sổ cho minh bạch, rõ ràng.

TL: Tứ đại điều qui: Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả.

TL: Tân Luật.

 

Xuất sĩ - Xuất chính

出仕 - 出政

A: To enter in the administration.

P: Entrer dans l'administration.

Xuất: Đi ra, phát ra. Sĩ: làm quan. Chính: việc quan.

Xuất sĩ, đồng nghĩa Xuất chính, là đi ra làm quan.

TĐ ĐPHP: Trước khi xuất sĩ, buộc mình phải có cho đủ là liêm, khiết,....

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Xuất trần xuất thế

出塵-出世

A: To renounce the world.

P: Renoncer au monde.

Xuất: Đi ra, phát ra. Trần: cõi trần. Thế: cõi thế gian.

Xuất trần, đồng nghĩa Xuất thế, là đi ra khỏi cuộc đời.

Ý nói: Muốn lánh đời, xa vòng danh lợi, vào ẩn thân nơi non cao rừng vắng để tu tâm dưỡng tánh, học đạo tầm Tiên.

 

Xuất xử

出處

A: To leave or to remain.

P: Partir ou rester.

Xuất: Đi ra, phát ra. Xử: ở lại nhà.

Xuất xử là đi ra hay ở lại nhà.

Xuất xử là nói tắt: Xuất sĩ và Xử sĩ, nghĩa là: đi ra làm quan hay không đi ra làm quan.

Nếu đời tốt đẹp, thuận nhơn tâm thì người trí thức nên ra làm quan, gánh vác với đời. Còn lúc thời thế không thuận, thì người trí thức nên ẩn nhẫn chờ thời, làm người ẩn sĩ.

 

XÚC

Xúc cảm

觸感

A: To move.

P: Émouvoir.

Xúc: tiếp xúc. Cảm: cảm động.

Xúc cảm hay Cảm xúc là sự rung động trong lòng do tiếp xúc với một sự việc gì.

 

Xúc phạm

觸犯

A: To hurt.

P: Heurter.

Xúc: đụng chạm vào. Phạm: mắc phải.

Xúc phạm là đụng chạm đến những gì mà người khác tôn trọng, cho là cao quí.

 

Xúc tiến

促進

A: To progress.

P: Progresser.

Xúc: thúc giục. Tiến: đi tới.

Xúc tiến là thúc giục đi nhanh tới, tức là làm cho công việc tiến triển nhanh hơn.

 

XUNG

XUNG

1.    XUNG: Xông vào, đụng chạm.
Td: Xung đột.

2.    XUNG: Lo buồn.
Td: Xung tâm oán trách.

3.    XUNG: Bay thẳng lên.
Td: Xung thiên.

 

Xung đột

衝突

A: To rush upon.

P: Fronder sur.

Xung: Xông vào, đụng chạm. Đột: đụng chạm đến.

Xung đột là xông thẳng vào, đột nhập vào.

TNHT: Lại nữa, buổi loạn thần ấy để cửa trống cho tà mị xung đột vào, giục các con làm việc tội tình....

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xung khắc

衝剋

A: Incompatible.

P: Incompatible.

Xung: Xông vào, đụng chạm. Khắc: không hợp, kỵ nhau.

Xung khắc là không hợp nhau, kỵ với nhau.

 

Xung nhập

衝入

A: To rush upon.

P: Fronder sur.

Xung: Xông vào, đụng chạm. Nhập: vào, đi vào.

Xung nhập là xông thẳng vào trong.

TNHT: Còn tâm chí vạy tà là chỗ cho tà quái xung nhập.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xung tâm oán trách

忡心怨責

Xung: Lo buồn. Tâm: lòng dạ. Oán trách: thù giận trách cứ. Xung tâm: lòng lo buồn.

Xung tâm oán trách: lòng lo buồn và có ý oán trách.

TNHT: Nếu chẳng phải chí của Trương Lương thì không thể nào khỏi xung tâm oán trách.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xung thiên

沖天

A: To rise up the sky.

P: S'élever jusqu'au ciel.

Xung: Bay thẳng lên. Thiên: trời.

Xung thiên là bay thẳng lên trời.

Nộ khí xung thiên: cái khí giận dữ xông thẳng lên trời.

 

XỬ

XỬ

XỬ: Đối đãi, đối phó, ăn ở, phán đoán.
Td: Xử biến, Xử đoán, Xử lý, Xử trị.

 

Xử biến tùng quyền

處變從權

Xử: Đối đãi, đối phó, ăn ở, phán đoán. Biến: biến chuyển. Tùng: theo. Quyền: quả cân, tùy theo nặng nhẹ mà thêm bớt.

Quyền biến: tùy theo việc xảy ra thế nào mà ứng phó thích hợp, không câu chấp khư khư giữ lấy đạo thường.

Xử biến tùng quyền: ở vào tình thế có nhiều biến chuyển dồn dập, thì phải tùy theo trường hợp mà ứng phó.

Quyền là đạo dùng trong lúc biến, trái với đạo thường.

Thường nói: Xử thường chấp kinh, ngộ biến tùng quyền. Nghĩa là: Lúc bình thường thì giữ đúng theo kinh luật, lúc gặp biến thì phải tùy theo trường hợp mà uyển chuyển đối phó.

 

Xử đoán

處斷

A: To judge.

P: Juger.

Xử: Đối đãi, đối phó, ăn ở, phán đoán. Biến: biến chuyển. Đoán: quyết định, phán đoán.

Xử đoán là xem xét để quyết định phải trái.

CG PCT: (Chánh Trị Sự) có quyền xử đoán, nhứt là việc bất bình nhỏ mọn xảy ra trong phần địa phận của mình.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

Xử lý - Xử trí

處理 - 處置

A: To arrange, to punish.

P: Arranger, punir.

Xử: Đối đãi, đối phó, ăn ở, phán đoán. Biến: biến chuyển. Lý: sắp đặt, sửa trị. Trí: sắp đặt, đặt để.

Xử lý đồng nghĩa Xử trí. Có hai trường hợp:

Xử lý hay Xử trí là giải quyết ổn thỏa các công việc.

Xử lý thường vụ: Thay mặt vị trưởng cơ quan để giải quyết ổn thỏa các công việc thông thường, khi vị trưởng cơ quan tạm vắng mặt.

Xử lý hay Xử trí là có biện pháp trừng phạt đối với một hành động vi phạm pháp luật.

 

Xử thế

處世

A: To behave towards the world.

P: Se conduire envers le monde.

Xử: Đối đãi, đối phó, ăn ở, phán đoán. Biến: biến chuyển. Thế: đời, người đời.

Xử thế là cách ăn ở đối đãi với những người xung quanh hay những người có liên quan trong cuộc sống.

TNHT: Xử thế phải cho vẹn thế tình.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Xử trị

處治

A: To punish.

P: Punir.

Xử: Đối đãi, đối phó, ăn ở, phán đoán. Biến: biến chuyển. Trị: trừng phạt.

Xử trị là áp dụng các hình pháp để trừng phạt kẻ có tội.

TNHT: Nó cũng noi chước Thiên cung mà lập thành quỉ vị, cũng đủ các ngôi các phẩm, đặng đày đọa các con, hành hài các con, xử trị các con.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

XƯNG

Xưng hô

稱呼

A: To address.

P: S'adresser.

Xưng: tiếng tự gọi mình. Hô: tiếng gọi người khác trong trật tự giao tiếp.

Trong Đạo Cao Đài, cách xưng hô giữa Tín đồ và Chức sắc được Hội Thánh nêu rõ trong Huấn Lịnh sau đây:

 

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

(Nhị thập thất niên)

Số: 211/CV

TÒA THÁNH TÂY NINH


HUẤN LỊNH

THÁI, THƯỢNG, và NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ

Gởi cho chư vị Thiên phong Chức sắc, toàn đạo.

Chư Hiền huynh, Hiền tỷ,

Nhận thấy công văn về mặt Đạo, có một phần ít Chức sắc không mấy rành cách xưng hô cùng nhau cho y một khuôn khổ.

Muốn bổ khuyết điều ấy và do nơi sự đề nghị của Hội Thánh, Đức Hộ Pháp đã phê chuẩn Huấn Lịnh nầy, xin chư Hiền huynh, Hiền tỷ do theo các danh từ xưng hô cùng nhau kể dưới đây mà dùng trong các công văn của Đạo.

1. Giáo Tông và Hộ Pháp xưng: Bần đạo.

2. Chưởng Pháp và Đầu Sư xưng: Tinh tế.

Tinh là tinh vi, thuần túy,

Tế là tế độ chúng sanh.

3. Chánh Phối Sư và Phối Sư xưng là: Tiện minh.

Tiện là tiếng khiêm tốn ám chỉ là còn thiếu kém tài đức.

Minh là sáng, minh mẫn, lấy trí khôn mà xét đoán việc hành sự.

4. Giáo Sư xưng là Tiện hiền.

Chữ Tiện, như đã giải ở trên.

Chữ Hiền, là hiền đức, hiền lành. Đức Chí Tôn đã ban cho 72 Giáo Sư là Thất thập nhị Hiền thì tính cách xưng hô của Giáo Sư có chữ Hiền, hiểu nghĩa trắng thiết tưởng cũng không quá đáng.

5. Giáo Hữu xưng là Tiện đệ.

Chữ Tiện, như đã giải ở trên.

Chữ Đệ là em, mà có nghĩa trong số Tam thiên Đồ đệ của Đức Chí Tôn ban cho.

6. Lễ Sanh xưng là Thiểu phẩm.

Thiểu là ít, là nhỏ, xưng là chức nhỏ một cách khiêm cung. Lễ Sanh là người có hạnh đức hơn hết trong chư môn đệ của Đức Chí Tôn mà dùng chữ khiêm tốn xưng mình thì giá trị càng cao.

Luận một cách tổng quát, Chức sắc nhỏ đối với Chức sắc lớn hơn, có thể gọi là Hiền huynh, còn mình tự xưng là Tiện đệ, còn bề trên xưng với cấp dưới thì tự gọi là Tiện huynh, kêu em là Hiền đệ.

Luận về hai tiếng: ÔngNgài hay dùng thường thức trong Đạo:

·         Từ Tín đồ đến Giáo Hữu thì dùng chữ ÔNG.

·         Từ Giáo Sư trở lên mới dùng chữ NGÀI.

·         Trong việc liên quan giữa gia đình thân thuộc thì cứ giữ tiếng xưng hô như xưa nay: cô, bác, cậu, dì, anh, chị, em, cháu,....

Đặc biệt, riêng về Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp thì phải để trên các văn kiện: Bạch Đức Giáo Tông hay Bạch Đức Hộ Pháp, kế đó là: Bạch Đức Ngài, dài theo câu chuyện nếu lập đi lập lại thì đề Bạch Đức Ngài luôn.

Trên văn kiện chánh thức gởi cho Chức sắc cấp trên thì phải để chức phẩm.

Thí dụ như: Giáo Hữu mà gởi cho Quyền Ngọc Chánh Phối Sư thì đề: Giáo Hữu Thượng Vinh Thanh, Khâm Châu Đạo Cần Thơ, Kính gởi: Ngài Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, hàng dưới cách khoảng thì đề:

Kính Ngài Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, rồi trong văn kiện thì xưng hô như cách đã chỉ trên, hoặc dùng tiếng chung mà gọi người là Hiền huynh, xưng là Tiện đệ.

Bên nữ phái, trên đối với dưới thì xưng là Tiện tỷ, gọi em là Hiền muội, dưới đối với trên thì gọi bề trên là Hiền tỷ, xưng mình là Tiện muội.

Vậy, từ đây, xin chư vị Chức sắc nam nữ tuân theo Huấn Lịnh nầy, tùy giai cấp mà xưng hô cùng nhau và ban hành cho toàn Đạo đặng rõ.

Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 15-7-Nhâm Thìn (dl 3-9-1952)

Nữ CPS
(ấn ký)
HƯƠNG HIẾU

Q.Thái CPS
(ấn ký)
THÁI KHÍ THANH

Q.Thượng CPS
(ấn ký)
THƯỢNG SÁNG THANH

Q.Ngọc CPS
(ấn ký)
NGỌC NON THANH

CPS: Chánh Phối Sư

 

Xưng tụng công đức

稱頌功德

A: To exalt the virtues of.

P: Exalter les vertus de.

Xưng: khen. Tụng: bài văn khen ngợi. Công đức: tất cả việc làm giúp đời giúp người không cầu danh lợi.

Xưng tụng công đức: bài văn khen tặng ca ngợi công đức của một vị nào.

Bài Xưng Tụng Công Đức Phật Tiên Thánh Thần: đây là một bài kinh trong Kinh Thiên Đạo, dùng để tụng mỗi khi khen ngợi công đức của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

 

XƯƠNG

XƯƠNG

XƯƠNG: Thịnh vượng, đẹp, lời nói hay.
Td: Xương long, Xương minh.

 

Xương long

昌隆

A: Prosperous.

P: Prospère.

Xương: Thịnh vượng, đẹp, lời nói hay. Long: thạnh.

Xương long hay Long xương là hưng thạnh.

 

Xương minh

昌明

A: Luminous.

P: Lumineux.

Xương: Thịnh vượng, đẹp, lời nói hay. Minh: sáng.

Xương minh là làm cho hưng thịnh và phát triển rực rỡ.

Xương minh Chánh pháp: làm cho giáo lý chơn chánh của một nền tôn giáo được hưng thịnh và phát triển rực rỡ.

 

Xương tàn

A: Remaining bones.

P: Les ossements d'un mort.

Xương: xương cốt của cơ thể. Tàn: còn sót lại.

Xương tàn là xương cốt của người chết còn sót lại.

Người chết thì da thịt thúi rã tan vào đất, chỉ còn lại bộ xương tàn.

KHH: Nhờ Hậu Thổ xương tàn gìn giữ.

KHH: Kinh Hạ Huyệt.

 

XƯỚNG

XƯỚNG

1.    XƯỚNG: Ca hát, cất tiếng hô, nêu lên trước.
Td: Xướng danh, Xướng họa.

2.    XƯỚNG: Con hát, kỹ nữ.
Td: xướng kỵ.

 

Xướng danh

唱名

A: To call out the name.

P: Proclamer le nom.

Xướng: Ca hát, cất tiếng hô, nêu lên trước. Danh: tên.

Xướng danh là hô to lên tên của người thi đậu.

PMCK: Tiên cung Phật xứ Cao Đài xướng danh.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Xướng họa

唱和

Xướng: Ca hát, cất tiếng hô, nêu lên trước. Họa: Hòa: đáp lại.

Xướng họa là làm thơ đối đáp nhau bằng những bài thơ cùng một thể và cùng một vần.

Bài thơ của người nêu ra trước gọi là Bài xướng.

Bài thơ của người đáp lại theo cùng một vần gọi là Bài họa.

Thí dụ 1: Bài xướng và bài họa đều là thơ tứ tuyệt:

Bài xướng:

Rừng tòng ngày tháng thú quen chừng,

Nhướng mắt dòm coi thế chuyển luân.

Rượu cúc một bầu trăng gió hứng,

Non sông dạo khắp lối đêm xuân.

Nhàn Âm Đạo Trưởng

Bài họa:

Sống thác từ xưa đã có chừng,

Nơi trần mảng tính trọn nhơn luân.

Đò đưa phút chịu vùi ba tấc,

Tay trắng phủi rồi một tuổi xuân.

Cao Xuân Lộc

Thí dụ 2: Bài xướng và Bài họa đều là thơ bát cú.

Bài xướng:

Đường trào hạ thế hưởng tam quan,

Chẳng vị công danh chỉ hưởng nhàn.

Ly rượu trăm thi lời vẫn nhắc,

Tánh Tiên muôn kiếp vốn chưa tàn.

Một bầu phong nguyệt say ngơ ngáo,

Đầy túi thơ văn đổ chứa chan.

Bồng đảo còn mơ khi bút múa,

Tả lòng thế sự, vẽ giang san.

LÝ BẠCH (Noel 1925)

Bài họa:

Chẳng kể công khanh bỏ ấn quan,

Bồng lai vui đạo hưởng an nhàn.

Thi thần vui hứng ngoài rừng trước,

Rượu Thánh buồn say dưới cội tàn.

Nồng hạ trời thương đưa gió quạt,

Nắng thu đất cảm đổ mưa chan.

Vân du thế giới vui mùi đạo,

Mơi viếng Kỳ sơn, tối Cẩm san.

ĐỖ MỤC TIÊN

 

Xướng kỵ

娼妓

A: The songtress.

P: La chanteuse.

Xướng: Con hát, kỹ nữ. Kỵ: Kỹ: người con gái bán dâm.

Xướng kỵ là con gái làm nghề ca hát và mãi dâm.

KSH:

Gái xướng kỵ, trai thì du đảng,

Phá tan hoang gia sản suy vi.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Xướng lập

唱立

A: To establish.

P: Établir.

Xướng: Ca hát, cất tiếng hô, nêu lên trước. Lập: dựng lên.

Xướng lập là đứng ra hô hào xây dựng.

ĐLMD: Trước khi xướng lập cơ sở lương điền, công nghệ, thì chỉ nhờ nơi lòng từ thiện của toàn đạo hữu trợ giúp.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

Xướng nghĩa

唱義

Xướng: Ca hát, cất tiếng hô, nêu lên trước. Nghĩa: việc nghĩa.

Xướng nghĩa là khởi xướng làm việc nghĩa.

 

Xướng ngôn viên

唱言員

A: The announcer.

P: L'annonceur.

Xướng: Ca hát, cất tiếng hô, nêu lên trước. Ngôn: lời nói. Viên: người.

Xướng ngôn viên là người nói hoặc đọc những bài soạn sẵn ở đài phát thanh.

 

Xướng tùy

唱隨

A: To lead and follow.

P: Conduire et suivre.

Xướng: Ca hát, cất tiếng hô, nêu lên trước. Tùy: tùng theo.

Xướng tùy là chỉ đôi vợ chồng thuận hòa cùng nhau.

Do câu: Phu xướng phụ tùy: chồng nêu lên việc gì thì vợ vui vẻ tùng theo.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Xa | | Xả | | Xác | Xang | Xanh |
Xao | Xảo | Xạo | Xẩn | Xây |

Xe |

Xích | Xiển |

Xông |

Xu | | Xủ | Xua | Xuân | Xuất | Xúc | Xung |
Xử | Xưng | Xương | Xướng |


 

Cập nhật ngày: 28-02-2018

XA | | XE | XI | | XU |


A | B | C | CH | D | Đ | G | H | K | L | M | N | NG | NH | O | P | Q | R | S | T | TH | TR | U | V | X | Y


[ MỤC LỤC ]

Ấn bản (v.2012)

CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN
Soạn giả: Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng bút hiệu ĐỨC NGUYÊN
Ấn hành do theo hiệu đính 03-2003

DOWNLOAD
E-book-PDF