KẾ
KẾ
1. KẾ: 繼 Nối theo, tiếp theo.
Td: Kế chí, Kế mẫu, Kế vị.
2. KẾ: 計 Mưu mẹo.
Td: Kế sanh nhai.
Kế chí quân tử
繼志君子
A: To continue the thought of the wise.
P: Continuer la pensée du sage.
Kế: Nối theo, tiếp theo. Chí: cái ý muốn mạnh mẽ làm nên việc lớn. Quân tử: người có tài đức hơn người.
Kế chí quân tử là nối theo cái chí khí của người quân tử.
TNHT: Nhưng chưa nghèo phải học nghèo, chưa khổ phải học khổ, kế chí quân tử, cư bất cầu an, thực bất cầu bảo.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kế mẫu - Kế phụ - Kế thất
繼母 - 繼父 - 繼室
A: Stepmother - Stepfather - Second wife.
P: Marâtre - Beau père - Seconde femme.
Kế: Nối theo, tiếp theo. Mẫu: mẹ. Phụ: cha. Thất: vợ.
Kế mẫu là mẹ kế, tức là người mẹ nối sau mẹ ruột vì mẹ ruột đã chết, tục gọi mẹ kế là mẹ ghẻ.
Kế phụ là cha kế, tức là người cha nối sau cha ruột vì cha ruột đã chết, tục gọi cha kế là cha ghẻ.
Kế thất là người vợ kế, tức là người vợ nối sau vợ chánh vì vợ chánh đã chết.
Kế sanh nhai
計生涯
A: The means of subsistence.
P: Moyen d'existence.
Kế: Mưu mẹo. Sanh: sống. Nhai: cái bờ nước.
Kế sanh nhai là phương cách làm việc cho có tiền bạc để mua sắm lương thực nuôi sống gia đình.
KKTD: Nhẫng đua chen kiếm kế sanh nhai.
KKTD: Kinh khi thức dậy.
Kế thừa
繼承
A: To inherit.
P: Hériter.
Kế: Nối theo, tiếp theo. Thừa: vâng theo.
Kế thừa là thừa hưởng tài sản và sự nghiệp của người trước đã qua đời để lại.
Kế tự
繼祀
A: To succeed to worship ancestors.
P: Succéder à honorer les ancêtres.
Kế: Nối theo, tiếp theo. Tự: thờ phụng.
Kế tự là nối tiếp sự thờ phụng tổ tiên.
Kế vị
繼位
A: To succeed to the throne.
P: Succéder au trône.
Kế: Nối theo, tiếp theo. Vị: ngôi vị.
Kế vị là nối ngôi.
CG PCT: Tỷ như có Tân Giáo Tông sẽ lên kế vị cho Đức Lý Giáo Tông thì cả tín đồ nam nữ mới nhập môn đều phải lấy tịch ĐẠO TÂM.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
KỆ
KỆ
KỆ: 偈 Những bài thi ngắn hay dài: hoặc để tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp hay một bài kinh, hoặc để răn dạy đệ tử, hoặc để cầu nguyện.
Td: Kệ chuông, Kệ trống, Kệ U Minh chung.
Kệ chuông
A: The short prayer of the great bell.
P: La courte prière de la grande cloche.
Kệ: Những bài thi ngắn hay dài: hoặc để tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp hay một bài kinh, hoặc để răn dạy đệ tử, hoặc để cầu nguyện. Chuông: cái chuông lớn (Hồng chung) treo nơi lầu chuông của Thánh Thất hay nơi Điện Thờ.
Kệ chuông là bài kệ để ngâm lớn lên, khi ngâm được một câu thì dộng một tiếng chuông lớn.
Trước khi cúng đàn và sau khi cúng đàn hay cúng tứ thời tại Thánh Thất, Điện Thờ đều có Kệ chuông.
Sau đây chúng ta giải thích ý nghĩa các bài kệ chuông:
I. Kệ chuông Đại đàn và Tiểu đàn:
Khi Lễ sĩ xướng Bạch Ngọc Chung minh thì người hầu chuông trên Bạch Ngọc Chung Đài (Lầu chuông) khởi sự dộng 3 tiếng chuông, rồi ngâm bài kệ 4 câu, dứt mỗi câu thì dôïng một tiếng chuông lớn.
Bài kệ chuông cúng Đại đàn hay Tiểu đàn:
1. Thần chung thinh hướng phóng Phong Đô,
2. Địa Tạng khai môn phóng xá cô.
3. Tam Kỳ vận chuyển kim quang hiện,
4. Sám hối âm hồn xuất u đồ.
Viết ra Hán văn:
神鍾聲向放酆都
地藏開門放赦辜
三期運轉金光現
懺悔陰魂出幽途
Giải nghĩa:
C.1: Tiếng chuông thiêng liêng phát ra hướng đến cõi Phong Đô. (Thần: thiêng liêng. Thinh: tiếng. Phóng: phát ra)
C.2: Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát mở cửa phóng thích các tội hồn. (Xá: tha tội. Cô: tội lỗi).
C.3: ĐĐTKPĐ vận chuyển làm hiện ra một lằn ánh sáng vàng (tạo thành một chiếc cầu bắc đến cõi Phong Đô).
C.4: Các chơn hồn ở Phong Đô sám hối tội tình thì đi ra khỏi nơi tối tăm ấy bằng con đường là lằn kim quang nói trên. (Âm hồn: chơn hồn nơi cõi Âm. U: tối tăm. Đồ: con đường).
KHẢO DỊ:
Trong Quyển Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh của hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt in năm 1928, nơi trang 42, bài Kệ trên gọi là: Chung Xướng, chép ra như sau:
Chung thinh khấu hướng triệt Phong Đô,
Địa Tạng khai ân phóng xá cô.
Tam Kỳ vận chuyển kim quang hiện,
Sám hối âm hồn xuất u đồ.
(Khấu: cúi đầu. Triệt: thấu tới. Ân: ơn).
II. Kệ chuông cúng Tứ thời:
Trước khi vào cúng Tứ thời nơi Thánh Thất hay Điện Thờ, thì kệ chuông hai lần. Khi nghe dứt 3 tiếng chuông kệ lần nhứt thì lo mặc Đạo phục chỉnh tề, đi vào đại điện đứng theo vị trí của mỗi người, chờ kệ chuông nhì.
Khi nghe 3 tiếng chuông kệ lần thứ nhì thì xá đàn, bước vào đại điện, bắt đầu thời cúng.
1. Kệ chuông nhứt:
1. Văn chung khấu hướng huệ trưởng Càn Khôn,
2. Pháp giới chúng sanh đồng đăng bỉ ngạn.
3. Án Dà Ra Đế Dạ Ta Bà Ha.
Viết ra Hán văn:
聞鍾叩向慧長乾坤
法界眾生同登彼岸
(Câu mật chú bằng tiếng Phạn phiên âm ra)
Giải nghĩa:
Câu 1. Nghe tiếng chuông, cúi mình xuống hướng về cái trí huệ lớn của Trời Đất. (Văn: nghe. Khấu: cúi xuống. Trí: trí huệ. Trưởng: lớn).
Câu 2: Nhơn sanh nơi các cõi trần cùng lên bờ giải thoát. (Pháp giới: các cõi trần. Chúng sanh: chỉ nhơn sanh. Bỉ ngạn: bờ bên kia. Bên nây là Bến mê, bờ bên kia là giác ngộ, từ đây đi vào cõi TLHS, giải thoát khỏi luân hồi).
Câu 3: Câu mật chú bằng tiếng Phạn phiên âm ra, có ý nghĩa là: Cầu nguyện cho chúng sanh tiêu tai tăng phước, thành tựu Phật đạo, cầu chư Phật chứng minh
KHẢO DỊ:
Theo Tờ Phúc trình của Chí Thiện Huỳnh Văn Phuông gởi lên Đức Phạm Hộ Pháp 3 Bài Kệ chuông thì Câu 1 là: Văn chung khấu hướng huệ chưởng Càn Khôn. (Chưởng là nắm giữ.)
2. Kệ chuông nhì:
1. Nhứt vi u ám tất giai văn,
2. Nhứt thiết chúng sanh thành Chánh giác.
3. Án Dà Ra Đế Dạ Ta Bà Ha.
Viết ra Hán văn:
一圍幽暗必皆聞
一切眾生成正覺
Giải nghĩa:
Câu 1: Nhứt vi u ám tất giai văn: Tất cả trong phạm vi cõi Phong Đô ắt hẳn đều nghe biết. (Nhứt: tất cả. Vi: chu vi. U ám: tối tăm, chỉ cõi Phong Đô. Tất: ắt hẳn. Giai: đều. Văn: nghe.)
Câu 2: Nhứt thiết chúng sanh thành Chánh giác: Tất cả nhơn sanh đều thành Phật. (Nhứt thiết: tất cả. Chúng sanh: chỉ nhơn sanh. Chánh giác: bậc giác ngộ chơn chánh, đó là Phật).
Câu 3: Mật chú, ý nghĩa giống như đã giải ở trên.
KHẢO DỊ:
Trong Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, trang 616 có bài kệ Nguyện Chung, xin chép ra sau đây:
“Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới,
Thiết vi u ám tất giai văn,
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành Chánh giác.
Nghĩa là:
Nguyện cho tiếng chuông nầy vượt qua toàn cõi pháp giới,
Cho đến nơi u ám là cõi Địa ngục sắt cũng được nghe,
Nghe được thì thanh tịnh, chứng được cảnh trí viên thông,
Tất cả chúng sanh đều thành Phật."
(Thiết: sắt. Vi: vây quanh. Thiết Vi là núi Thiết Vi tức là Thiết Vi sơn, núi có tường sắt vây quanh, trong đó có nhiều cõi Địa ngục, giam cầm và trừng phạt các tội hồn. Nhứt thiết: tất cả). Có gì lầm lộn không khi chúng ta viết Nhứt vi mà bên Phật giáo viết là Thiết vi?
3. Kệ chuông bãi đàn:
Sau khi cúng xong, chờ kệ 3 câu nầy rồi mới bãi đàn.
Trước khi kệ, dộng 3 tiếng chuông, rồi bắt đầu kệ, dứt một câu kệ thì dôïng một tiếng chuông, 3 câu kệ dộng 3 tiếng chuông. Dứt kệ chuông thì xá đàn một xá rồi bãi đàn, mọi người đi ra khỏi đàn cúng.
1. Đàn tràng viên mãn, Chức sắc qui nguyên,
vĩnh mộc từ ân, phong điều võ thuận.
2. Thiên phong hải chúng, quốc thới dân an,
hồi hướng đàn trường, tận thâu pháp giới.
3. Án Dà Ra Đế Dạ Ta Bà Ha.
Viết ra Hán văn:
壇場圓滿, 職色歸源,
永沐慈恩, 風調雨順,
天封海眾, 國泰民安,
回向壇場, 盡收法界。
Giải nghĩa:
Câu 1: Đàn cúng tế đã đầy đủ trọn vẹn, Chức sắc trở lại chỗ cũ, gội nhuần lâu dài ơn huệ của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, được mưa thuận gió hòa.
(Đàn tràng tức là Đàn trường: chỉ đàn cúng tế. Qui nguyên: trở về chỗ khởi đầu. Vĩnh: lâu dài. Mộc: gội, gội nhuần. Từ: Từ bi, chỉ Đức Chí Tôn hay Đức Phật Mẫu.)
Câu 2: Trời ban cho dân chúng, nước thạnh dân yên, hồi hướng công đức nơi đàn cúng, thâu hết các cõi của pháp.
(Hải chúng: biển người, chỉ dân chúng. Hồi hướng: ý nói hồi hướng công đức, chuyển công đức nầy hướng về một chỗ nào đã định. Tận: hết. Thâu: thu vào. Tận thâu: thu hết vào. Pháp giới: có rất nhiều nghĩa, nên xem chữ nầy trong vần P).
Câu 3: Câu mật chú bằng tiếng Phạn phiên âm ra, xem ý nghĩa đã giải ở trên
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Kệ sám
偈懺
A: The prayers of confession.
P: Les prières de confession.
Kệ: Những bài thi ngắn hay dài: hoặc để tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp hay một bài kinh, hoặc để răn dạy đệ tử, hoặc để cầu nguyện. Sám: sám hối, ăn năn vì biết được điều lầm lỗi của mình và quyết tâm sửa lỗi.
Kệ sám là bài kệ sám hối. Đó là bài Kinh Sám Hối, cũng gọi là Kinh Nhơn Quả.
KSH: Lời kệ sám duy truyền khuyến thiện.
KSH: Kinh Sám Hối.
Kệ trống
A: The short prayer of drum.
P: La courte prière de tambour.
Kệ: Những bài thi ngắn hay dài: hoặc để tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp hay một bài kinh, hoặc để răn dạy đệ tử, hoặc để cầu nguyện. Trống: cái trống lớn treo nơi Lôi Âm Cổ Đài (Lầu trống) của Thánh Thất, nên cái trống đó được gọi là Lôi Âm Cổ. (Cổ là cái trống)
Kệ trống, tiếng Hán gọi là Cổ xướng, là bài kệ ngắn để ngâm lên khi bắt đầu đánh trống.
Khi Lễ sĩ xướng Lôi Âm Cổ khởi, vị hầu trống cầm dùi đánh 3 tiếng trống, rồi khởi ngâm bài kệ trống, dứt mỗi câu kệ thì đánh một tiếng trống.
Bài kệ trống Lôi Âm:
1. Lôi Âm Thánh cổ triệt hư không,
2. Truyền tấu Càn Khôn thế giới thông.
3. Đạo pháp đương kim dương chánh giáo,
4. Linh quang chiếu diệu Ngọc Kinh Cung.
Viết ra Hán văn:
雷音聖鼓徹虛空
傳奏乾坤世界通
道法當今揚正敎
靈光照耀玉京宮
Giải nghĩa:
Câu 1: Tiếng trống Lôi Âm thiêng liêng thấu suốt các cõi Hư không. (Thánh: thiêng liêng. Cổ: cái trống. Triệt: thấu suốt. Hư không: cõi Hư Vô thiêng liêng).
Câu 2: Tiếng trống truyền đi để tỏ bày cho cả CKTG rõ. (Tấu: tỏ bày. Thông: biết rõ).
Câu 3: Giáo lý của Đạo Cao Đài hiện nay nêu cao cho mọi người biết đây là một nền tôn giáo chơn chánh. (Đạo pháp: giáo lý của Đạo. Đương kim: hiện nay. Dương: nêu cao).
CKTG: Càn Khôn Thế giới.
Kệ U Minh chung
偈幽冥鍾
Kệ: Những bài thi ngắn hay dài: hoặc để tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp hay một bài kinh, hoặc để răn dạy đệ tử, hoặc để cầu nguyện. U: tối tăm. Minh: mờ. Chung: tiếng chuông.
Cõi U Minh là cõi tối tăm mờ mịt, khi xưa thường nói là U Minh Địa phủ, Âm phủ, Địa ngục, Phong Đô, là cõi của linh hồn người chết; ngày nay Đạo Cao Đài gọi là cõi Âm Quang, là nơi để các tội hồn đến đó để tự xét mình, xem xét các tội lỗi trong kiếp sanh vừa qua để ăn năn sám hối, cầu xin Đức Chí Tôn cứu vớt. (Xem chi tiết nơi chữ: Âm quang, vần Â).
Kệ U Minh chung là bài kệ ngâm lên kèm theo tiếng chuông thấu đến cõi Âm Quang để thức tỉnh các chơn hồn tội lỗi, biết ăn năn sám hối tội tình, cầu nguyện Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, và các Đấng thiêng liêng cứu vớt.
Hằng năm, suốt trong 3 tháng của 3 nguơn: Tháng giêng (Thượng nguơn), tháng 7 (Trung nguơn) và tháng 10 (Hạ nguơn), nơi các Thánh Thất và Điện Thờ từ trung ương đến các địa phương đều cử người thường trực luân phiên ngâm kệ và dộng chuông U Minh suốt ngày đêm từ ngày mùng 1 cho đến ngày 30 cuối tháng mới chấm dứt.
Bài Kệ U Minh Chung gồm cả thảy 34 câu cầu nguyện, xin chép ra và giải thích từng câu sau đây:
1. Hồng chung sơ khấu, bảo kệ cao ngâm.
Bắt đầu dộng vào cái chuông lớn và cao giọng ngâm bài kệ quí báu.
Hồng chung: cái chuông lớn. Sơ: bắt đầu. Khấu: gõ chuông. Bảo kệ: bài kệ quí. Cao ngâm: cất cao giọng ngâm bài kệ.
2. Thượng thông Thiên đàng, hạ triệt Địa phủ.
Ở trên thì thông suốt đến các cõi Trời, ở dưới thì thấu suốt đến cõi Âm Quang.
Thiên đàng: Thiên đường, các cõi Trời. Triệt: thấu triệt, thông suốt. Địa phủ: chỉ cõi Âm Quang.
3. Khánh chúc Tam Kỳ hoằng khai Đại Đạo.
Chúc mừng ĐĐTKPĐ mở rộng cửa truyền bá khắp nơi.
Khánh chúc: chúc mừng. Hoằng khai: mở rộng ra.
4. Càn Khôn đại thống, phổ cập Ngũ Châu.
Thống quản toàn cả CKTG, phổ cập khắp cả Năm Châu.
Càn Khôn: Trời Đất, tức là CKVT hay CKTG. Đại thống: thống quản tất cả. Phổ cập: đều khắp mọi nơi. Ngũ Châu: 5 Châu, chỉ toàn thế giới.
5. Ân đức hóa thâm cao thăng đạo vị.
Ơn đức giáo hóa sâu đậm làm tăng cao phẩm vị trong Đạo.
Hóa: giáo hóa. Thâm: sâu. Cao thăng: tiến vượt lên cao. Đạo vị: phẩm vị trong Đạo.
6. Tam thế tứ sanh chi nội các miễn luân hồi.
Thời gian ba đời, tất cả các loài sanh vật nội trong Tứ sanh đều khỏi phải luân hồi chuyển kiếp.
Tam thế: 3 đời: quá khứ, hiện tại, tương lai. Tứ sanh: 4 loài sanh vật, chia theo cách sanh: Thấp sanh, Hóa sanh, Noãn sanh, Thai sanh. Thấp sanh là sanh ra ở nơi ẩm thấp như trùng, dế. Hóa sanh là sanh ra do sự biến hóa như ruồi, muỗi. Noãn sanh là sanh ra bằng trứng như gà, vịt, chim. Thai sanh là sanh ra bằng thai như bò, trâu, chó, mèo, người. Chi nội: ở trong. Các: tất cả. Miễn: khỏi.
7. Cửu U thập loại chi trung tất ly khổ hải.
Mười loại chơn hồn trong chín cửa Địa ngục ắt hẳn lìa khỏi biển khổ.
Cửu U: 9 cõi tối tăm. Đó là 9 cửa Địa ngục giam giữ và trừng trị các tội hồn, còn cửa Địa ngục thứ 10 do Chuyển Luân Vương cai quản xem xét việc cho các hồn đi đầu thai. (Xem chữ: Cửu U, vần C; Địa ngục, vần Đ). Thập loại: 10 loài. Đây là 10 loại chơn hồn nơi cõi Địa ngục, do những cách chết khác nhau nơi cõi trần. Thi hào Nguyễn Du có làm bài văn tế Thập loại chúng sinh là để cúng tế và cầu siêu cho 10 loại vong hồn nầy, kể ra: - Trận bại (chết vì bại trận), - Thương vong (bị thương chết), - Tự vận (tự đâm cổ chết), - Tự ải (tự thắt cổ chết), - Tự tử (tự giết mình chết), - Tự trầm (tự mình nhảy xuống sông chết), - Hỏa thiêu (chết cháy), - Xà thương (chết vì rắn độc
cắn), - Hổ giảo (chết vì cọp ăn thịt), - Trầm nịch (chết vì bị chìm tàu, ghe).
Chi trung: ở trong. Tất: ắt hẳn. Ly: lìa xa. Khổ hải: biển khổ. Ý nói những nỗi đau đớn khổ sở nhiều như nước biển.
8. Ngũ phong thập võ miễn tạo cơ cẩn chi tai.
Năm gió mười mưa xin miễn tạo ra tai nạn mất mùa.
Ngũ phong: 5 gió, ý nói các thứ gió ở các hướng. Thập võ: 10 thứ mưa, ý nói các thứ mưa lớn nhỏ. Miễn tạo: khỏi phải tạo ra. Cơ: mất mùa lúa. Cẩn: mất mùa rau. Cơ cẩn chi tai: tai nạn mất mùa.
9. Nam mẫu Đông giao cu triêm Nghiêu Thuấn chi nhựt.
Đất đai trong nước đều thấm nhuần thời thái bình an lạc.
Mẫu: một mẫu đất. Nam mẫu: chỉ đất ở phía Nam. Giao: đất ngoại thành. Đông giao: đất ngọai thành phía Đông. Nam mẫu Đông giao là ý nói đất đai trong nước. Cu: còn đọc là Câu: toàn, đều. Triêm: thấm ướt. Nghiêu Thuấn chi nhựt: ngày Nghiêu Thuấn. Dưới triều vua Nghiêu và Thuấn, dân chúng sống trong thái bình, hạnh phúc, thạnh vượng. Ngày Nghiêu Thuấn là thời thái bình an lạc.
10. Can qua vĩnh tức, giáp mã hưu chinh.
Việc chiến tranh ngưng lại lâu dài.
Can qua: cái khiên và cây giáo, chỉ việc chiến tranh. Vĩnh: lâu dài. Tức: ngưng lại. Giáp mã: áo giáp và ngựa, chỉ việc chiến tranh. Hưu: nghỉ. Chinh: đánh nhau, chinh chiến.
11. Trận bại thương vong cụ sanh tịnh độ.
Những người chết vì bại trận bị thương tích đều được sanh về cõi CLTG.
Trận bại: thua trận. Thương vong: chết vì bị thương tích. Cụ: đầy đủ. Tịnh độ: cõi đất tinh sạch của Phật. Cõi tịnh độ là cõi CLTG do Đức Phật A-Di-Đà làm Giáo chủ.
12. Phi cầm tẩu thú la võng bất phùng.
Chim bay thú chạy không gặp lưới rập đánh bắt.
Phi cầm: loài chim bay. Tẩu thú: loài thú chạy. La: lưới. Võng: lưới. La võng: chỉ chung các loại lưới của thợ săn giăng ra để bắt chim muông hay thú vật. Bất phùng: không gặp.
13. Lãng tử cô nhi tảo hồi hương lý.
Kẻ lang thang, trẻ mồ côi sớm trở về quê hương xứ sở.
Lãng tử: kẻ sống lang thang rày đây mai đó. Cô nhi: trẻ mồ côi. Tảo: sớm. Hồi: đi trở về. Hương: làng. Lý: nơi ở. Hương lý là quê hương.
14. Vô biên thế giới Địa cửu Thiên trường.
CKTG rộng rãi vô biên, Trời Đất trường cửu.
Vô biên: không biên giới. Địa cửu Thiên trường: Thiên Địa trường cửu, Trời Đất bền vững lâu dài.
15. Viễn cận đàn na tăng viên phước thọ.
Những người bố thí ở xa cũng như ở gần đều được gia tăng hạnh phúc và sống lâu.
Viễn: xa. Cận: gần. Đàn-na: đây là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn có nghĩa là: thí chủ, người bố thí. Tăng: thêm. Viên: tròn, đầy. Phước: may mắn tốt lành. Thọ: sống lâu.
16. Thánh tòa trấn tịnh, đạo pháp trường hưng.
Tòa Thánh được gìn giữ yên tịnh, đạo pháp hưng thạnh lâu dài.
Trấn: gìn giữ. Tịnh: yên tịnh. Trường: lâu. Hưng: thạnh.
17. Thổ Địa Long Thần an tăng hộ pháp.
Các vị Thần Thổ Địa, các vị Long Thần giúp yên cho người tu hành và hộ trì Đạo pháp.
Thổ Địa: các vị Thần đất, cai quản đất đai. Long Thần: các vị Thần Rồng. An: làm cho an ổn. Tăng: người xuất gia tu hành. Hộ: gìn giữ. Pháp: pháp luật của Đạo.
18. Phụ mẫu, sư trưởng, lục thân quyến thuộc, lịch đại tiên vong đồng đăng giác ngạn.
Cha mẹ, bậc thầy và người trên trước, sáu người thân yêu trong thân tộc, Tổ Tiên đã chết qua nhiều đời, cùng đi lên bờ giác ngộ, giải thoát khỏi luân hồi.
Phụ mẫu: cha mẹ. Sư: thầy. Trưởng: người trên trước. Lục thân: 6 người thân yêu: cha, mẹ, vợ, con, anh, em. Quyến thuộc: người thân yêu trong nhà. Lịch: trải qua. Đại: đời. Tiên vong: Tổ tiên đã chết. Đồng: cùng. Đăng: đi lên. Giác ngạn: bờ giác ngộ.
19. Nam mô Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn.
20. Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
21. Nam mô Tây Phương Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn.
22. Nam mô Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.
23. Nam mô Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.
24. Nam mô Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai.
25. Nam mô Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
26. Nam mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân.
27. Nam mô Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn.
28. Nam mô Thái Công Tướng Phụ Quảng Pháp ThiênTôn
29. Nam mô Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn.
30. Nam mô Thập phương chư Phật, vạn chưởng chư Tiên, liên đài chi hạ.
Thập phương chư Phật: chư Phật ở 10 phương. 10 phương đó là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, phương trên và phương dưới. Vạn chưởng: Vạn chủng, nghĩa là muôn loài. Vạn chủng chư Tiên: các vị Tiên bao gồm nhiều cấp bực, ở khắp các nơi. Liên đài: tòa sen. Liên đài chi hạ: phía dưới tòa sen. Tòa sen là đài ngự cho Bồ Tát và Phật. Đứng dưới tòa sen là chỉ các vị Thánh và Thần, ở cấp bực thấp hơn Phật và Bồ Tát.
Câu 30: Cầu nguyện chư Thần, Thánh, Tiên, Phật ở khắp các nơi trong CKVT.
Các câu cầu nguyện từ câu 19 đến câu 30 giống như trong Sớ Văn thượng tấu. Trước hết là cầu nguyện Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, kế đó cầu nguyện Tam Tông Chơn Giáo, Tam Trấn Oai Nghiêm, rồi cầu nguyện với Giáo Chủ Thánh đạo và Thần đạo, cầu nguyện với Đức Hộ Pháp và cuối cùng cầu nguyện chung với tất cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
31. Nam mô Sơ Hội Long Hoa Thanh Vương Đại Hội, Nhiên Đăng Cổ Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn.
32. Nam mô Nhị Hội Long Hoa Hồng Vương Đại Hội, Di-Đà Cổ Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn.
33. Nam mô Tam Hội Long Hoa Bạch Vương Đại Hội, Di-Lạc Cổ Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn.
Ba câu kệ: 31, 32, 33 cho chúng ta biết được từ trước tới nay có 3 thời kỳ phổ độ, ứng với 3 lần Đại Hội Long Hoa.
* Nhứt Kỳ Phổ Độ với Sơ Hội Long Hoa gọi là Thanh Vương Đại Hội, có Đức Nhiên Đăng Cổ Phật làm Giáo Chủ.
* Nhị Kỳ Phổ Độ với Nhị Hội Long Hoa gọi là Hồng Vương Đại Hội, có Đức A-Di-Đà Phật làm Giáo Chủ.
* Tam Kỳ Phổ Độ với Tam Hội Long Hoa gọi là Bạch Vương Đại Hội, có Đức Di-Lạc Vương Phật làm Giáo Chủ.
Sơ Hội: Hội kỳ đầu, tức là lần thứ nhứt. Nhị Hội: Hội lần thứ nhì. Tam Hội: Hội lần thứ ba.
Dùng 3 màu: Thanh, Hồng, Bạch để chỉ thứ tự 3 thời kỳ Đại Hội là căn cứ theo sự sanh trưởng của vạn vật trong 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, với màu sắc tương ứng theo Ngũ Hành.
- Nhứt Kỳ Phổ Độ, vào thời vua Phục Hy bên Tàu, ví như cây cỏ đang lớn lên tươi tốt trong mùa Xuân. Xuân chủ về Mộc, sắc của Mộc trong Ngũ Hành là màu xanh (Thanh), nên thời kỳ nầy mở ra THANH VƯƠNG Đại Hội. Đức Phật ứng vận làm Chánh Chủ Khảo hội nầy là Đức Nhiên Đăng Cổ Phật.
- Nhị Kỳ Phổ Độ, vào thời nhà Châu bên Tàu, ví như cây cỏ đang vào mùa Hạ, đang trổ hoa đặng bắt đầu kết trái. Hạ chủ về Hỏa, sắc của Hỏa là màu đỏ (Hồng), nên thời kỳ nầy mở ra HỒNG VƯƠNG Đại Hội. Đức Phật ứng vận làm Chánh Chủ Khảo hội nầy là Đức A-Di-Đà Phật.
- Tam Kỳ Phổ Độ, vào thời hiện nay, ví như cây cỏ kết trái vào mùa Thu. Mùa Thu chủ về Kim, sắc của Kim theo Ngũ Hành là màu trắng (Bạch), nên thời kỳ nầy mở ra BẠCH VƯƠNG Đại Hội. Đức Phật ứng vận làm Chánh Chủ Khảo là Đức Di-Lạc Vương Phật.
Vạn vật chỉ có sanh khí vào 3 mùa đầu trong năm: Xuân, Hạ, Thu. Qua mùa Đông thì vạn vật điêu tàn vì không có sanh khí. Do đó, sách xưa viết: Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàn. (Mùa Đông chủ về Thủy, sắc của Thủy là màu đen).
Cho nên chỉ có 3 thời kỳ: Thanh Vương, Hồng Vương, Bạch Vương, không có Hắc Vương vì Hắc Vương là tử kỳ (thời kỳ điêu tàn: chết).
Trong hai thời kỳ: Thanh Vương và Hồng Vương, người tu phải xuất gia, tu hành khổ hạnh.
Qua thời kỳ Bạch Vương, Đức Chí Tôn Thượng Đế mở Đạo phổ truyền Tâm pháp tu hành, lại ban cho Đại Ân Xá, nên dầu tại gia hay xuất gia đều tu hành được cả, và người tu đều có thể đắc đạo tùy theo công quả Phụng Sự nhơn sanh. Chẳng những thế, những người tu trong 2 thời kỳ trước mà chưa đắc quả, kể cả quỉ nhân, nếu trong thời Bạch Vương nầy mà lập được nhiều công quả thì sẽ đắc đạo. Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại CKTG, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng. (TNHT)
34. Nam mô liệt Thánh đàn tràng hòa nam khể thủ.
Cầu nguyện với chư vị Thánh nơi đàn cúng tế nầy chứng minh, xin cúi mình lạy xuống.
Liệt Thánh: đồng nghĩa chư Thánh. Đàn tràng: đàn cúng tế có đông người tham dự. Hòa nam: tiếng phiên âm từ chữ Phạn, Hán văn dịch là: Khể thủ, nghĩa là chấp tay cúi đầu đảnh lễ.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
CKTG: Càn Khôn Thế giới.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KẾT
KẾT
KẾT: 結 Buộc lại, cuối cùng.
Td: Kết tập, Kết thảo, Kết liễu.
Kết chặt dải đồng tâm
Kết: Buộc lại, cuối cùng. Chặt: chặt chẽ. Dải đồng tâm: cái dải lụa dùng để tặng nhau biểu thị tình cảm thương mến khắn khít. (Xem điển tích nơi chữ: Dải đồng tâm, vần D)
Kết chặt dải đồng tâm là gắn bó chặt chẽ với nhau trong tình cảm thương yêu khắn khít, một lòng một dạ với nhau.
ĐLMD: Muốn cho toàn đạo kết chặt dải đồng tâm, tương thân hòa ái, thì cần năng hội hiệp nhau cho thường...
ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
Kết liễu
結了
A: To finish.
P: Terminer.
Kết: Buộc lại, cuối cùng. Liễu: xong.
Kết liễu là xong việc rồi.
Kết tập
結集
A: To form.
P: Former.
Kết: Buộc lại, cuối cùng. Tập: tụ họp lại, văn tự kết thành trọn bộ.
Kết tập là nhiều người tụ họp lại để cùng nhau kết thành kinh điển.
Đây là nói về Phật giáo, sau khi Đức Phật Thích Ca tịch diệt, Nhứt Tổ Ma Ha Ca Diếp tập hợp 500 vị La Hán (Đại đệ tử của Phật) tụ họp tại thành Vương Xá, để kết tập các lời Phật dạy thành Kinh điển. Ngài A-Nan đọc lại Kinh, Ngài Ưu-Pa-Ly đọc Luật, Ngài Ca Diếp đọc Luận. Giáo Hội chép lại bằng chữ Phạn trên lá buông, tạo thành Tam Tạng Kinh.
Đó là Kết tập kinh điển lần đầu tiên. Sau đó, Giáo Hội Phật giáo còn kết tập kinh điển thêm 3 kỳ nữa, nhưng các lần sau là để duyệt lại và công nhận các Kinh đúng là lời Phật dạy.
Kết thảo hàm hoàn
結草銜環
A: To knot grass and fetch jade ring: To be eternally thankful.
P: Lier l'herbe et tenir un anneau à la bouche: Se montrer éternellement reconnaissant.
Kết: Buộc lại, cuối cùng. Thảo: cỏ. Hàm: ngậm. Hoàn: cái vòng ngọc.
Kết thảo hàm hoàn, dịch nôm là: Kết cỏ ngậm vành, chỉ sự nhớ ơn và báo đáp công ơn.
Điển tích: Có 2 điển tích: Kết cỏ và Ngậm vành.
1. Kết thảo (Kết cỏ): Theo Tả Truyện, Ngụy Thù là người nước Tần, có một người vợ lẽ rất đẹp. Tục lệ nước Tần, hễ chồng chết thì chôn người thiếp chết theo. Ngụy Thù lúc bình thường, dặn con trưởng Ngụy Khỏa là khi ông chết thì đừng chôn người thiếp đó theo, mà hãy tìm chỗ tử tế gả nàng. Nhưng sau đó, khi Ngụy Thù đau gần chết thì lại dặn con là chôn người thiếp ấy theo.
Đến khi Ngụy Thù chết, Ngụy Khỏa không chôn người thiếp của cha, sau đó lại tìm người tử tế gả nàng để nương nhờ tấm thân. Có người thắc mắc thì Ngụy Khỏa đáp:
- Người con hiếu nên theo tri mệnh (lời dặn bảo lúc tỉnh táo hiểu biết) của cha, chớ không nên theo loạn mệnh (lời dặn bảo lúc mê loạn).
Về sau, Ngụy Khỏa lên làm tướng nước Tần, đánh nhau với tướng của nước Tấn là Đỗ Hồi rất vũ dũng, ít ai thắng nổi, Ngụy Khỏa thường thua. Có một hôm, Ngụy Khỏa và Đỗ Hồi ra trận, đánh nhau trên một bãi cỏ, Ngụy Khỏa thấy mường tượng như có một ông già đang cúi xuống kết cỏ thành từng vòng dưới chân ngựa của Đỗ Hồi, khiến cho ngựa của Đỗ Hồi vướng cỏ ngã lăn ra, Đỗ Hồi cũng ngã theo, bị Ngụy Khỏa thừa cơ giết chết, thắng trận vẻ vang.
Đêm hôm ấy, Ngụy Khỏa mộng thấy ông già kết cỏ nói:
- Tôi là cha của người thiếp mà tướng quân đã gả chồng đó. Tướng quân biết theo lời dặn sáng suốt của tiên nghiêm mà gả chồng cho con gái tôi, khiến tôi mang ơn, nên tôi đã kết cỏ làm vướng chân ngựa của Đỗ Hồi để đền ơn tướng quân đó.
Nói xong ông già đi mất. Ngụy Khỏa giựt mình thức dậy.
Do điển tích nầy, từ ngữ "Kết thảo: Kết cỏ" dùng để chỉ việc đền ơn đáp nghĩa.
2. Hàm hoàn (Ngậm vành): Câu chữ Hán là: Hoàng tước hàm hoàn: Con chim sẻ vàng ngậm vòng ngọc.
Theo sách Hậu Hán Thư dẫn Tục Tề Phả Ký kể rằng: Dương Bảo, đời nhà Hán, lúc 9 tuổi, đi chơi đến núi Hoa Âm, thấy một con chim sẻ vàng bị con chim cú đánh rơi xuống gốc cây, lại bị kiến lửa bu đốt. Dương Bảo lấy làm thương hại, bắt đem về nhà chăm sóc, nuôi cho đến khi chim sẻ khỏe mạnh, lông mọc đầy đủ mới thả cho bay đi. Đêm hôm ấy, Dương Bảo bỗng thấy một đứa bé mặc áo vàng ngậm một vòng ngọc, chạy vào trướng, đến trước mặt Dương Bảo nói:
- Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu, ông là người nhân ái cứu sống tôi, thực cảm đội ơn ấy nên tôi mang đến cái vòng ngọc nầy để tạ ơn, và mong cho con cháu của nhà họ Dương sau nầy hiển đạt cao sang như vòng ngọc nầy.
Nói rồi cậu bé áo vàng để lại vòng ngọc, từ tạ bay mất.
Do điển tích nầy, từ ngữ "Hàm hoàn: Ngậm vành ngọc" dùng để chỉ việc báo đáp ơn sâu.
Kết thúc
結束
A: To conclude.
P: Conclure.
Kết: Buộc lại, cuối cùng. Thúc: gom lại.
Kết thúc, nghĩa đen là buộc lại thành bó, nghĩa thường dùng là: công việc đã xong, tóm tắt lại.
KÍCH
KÍCH
1. KÍCH: 擊 Đánh, gõ, tấn công, bài xích.
Td: Kích cổ, Kích bác.
2. KÍCH: 激 Chận dòng nước lại.
Td: Kích dương.
Kích bác
擊駁
A: To criticize.
P: Critiquer.
Kích: Đánh, gõ, tấn công, bài xích. Bác: phản đối.
Kích bác là phản đối và bài xích.
TNHT: Lại thấy kẻ dốt ấy kích bác, trở lại chịu thiệt rằng, Đạo mình lầm lạc.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kích cổ
擊鼓
A: To beat the drum.
P: Frapper le tambour.
Kích: Đánh, gõ, tấn công, bài xích. Cổ: cái trống.
Kích cổ là đánh trống.
Kích trược dương thanh
激濁揚清
Kích: Chận dòng nước lại. Trược: đục, dơ bẩn. Dương: khơi lên. Thanh: trong sạch.
Kích trược dương thanh là ngăn dòng nước đục, khơi dòng nước trong.
Ý nói: Ngăn điều ác, khuyến khích điều thiện.
KIÊM
KIÊM
KIÊM: 兼 Gồm cả.
Td: Kiêm ái, Kiêm nhiệm.
Kiêm ái
兼愛
A: The universal love.
P: L'amour universel.
Kiêm: Gồm cả. Ái: thương yêu.
Kiêm ái là thương yêu tất cả mọi người một cách bình đẳng, thân cũng như sơ đều như nhau.
Từ ngữ Kiêm ái có nghĩa gần như là Bác ái.
Học thuyết Kiêm ái do Mặc Tử chủ trương.
MẶC TỬ (479-381 tr. TL) tên là Mặc Địch, sống trong giai đoạn cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc, sanh sau Đức Khổng Tử chừng chục năm và chết trước khi Mạnh Tử sanh ra. Mặc Tử nêu ra học thuyết Kiêm ái để chống lại học thuyết của Đức Khổng Tử.
Trong sách Mặc Tử có 3 thiên nói về Kiêm ái. Theo Mặc Tử, Kiêm là gồm hết thảy coi như nhau, trái với Biệt là sự chia rẽ phân biệt nhau; Ái là lòng thương yêu, trái với Ố là sự thù ghét nhau. Kiêm ái là thương yêu hết thảy mọi người như nhau. Yêu mình như yêu người, yêu người ngoài cũng như yêu người thân, không có người làng mình làng người, không có người nước mình nước người. Đó chính là ý chí của Trời: Gồm yêu hết thảy những người mà ta yêu.
Vì thế, Kiêm ái cũng có nghĩa là Nhân nghĩa. Người Nhân nghĩa là người thực hiện Kiêm ái, là cái thực của Nhân, là nội dung của Nghĩa.
Kiêm ái hay Nhân nghĩa bao giờ cũng đem lại lợi ích cho mọi người. Vì vậy, khi nói tới Kiêm ái hay Nhân nghĩa, Mặc Tử thường nói đến cái lợi của thiên hạ: Lợi là Nghĩa vậy. Nghĩa là danh, lợi là thực, nghĩa là cái tên đẹp của lợi, lợi là cái thực của nghĩa. Như thế, Kiêm ái còn có nghĩa là làm lợi cho tất cả mọi người như nhau. Đó là ý chí của Trời.
Người nhân sở dĩ làm việc tốt là để hưng cái lợi của thiên hạ, trừ khử cái hại của thiên hạ.
Trong xã hội, Kiêm và Biệt, Ái và Ố là hai nguyên tắc, hai thái độ sống hoàn toàn đối lập nhau.
Kiêm và Biệt, lấy gì để xác định cái nào đúng, cái nào sai? Mặc Tử đưa ra phép Tam Biểu làm qui tắc chuẩn mực xác định đúng sai. Tam Biểu là: - Có cái gì để làm gốc, - Có cái gì để làm nguyên, - Có cái gì để dùng.
Gốc là ở chí của Trời và việc của Thánh nhân đời xưa.
Nguyên là ở chỗ nào? Dưới thì dò xét trước sự thật tai mắt của trăm họ.
Dụng là ở chỗ nào? Đưa ra làm việc hành chánh xem có lợi cho nhà nước và trăm họ hay không.
Như thế, Tam Biểu là qui tắc hướng dẫn nhận thức và hành động của con người, để nhận thức phân biệt phải trái, lợi hại, người ta trước tiên phải lấy ý chí Trời và việc làm của Thánh vương xưa làm gốc. Trong quá trình nhận thức, việc tổng kết khái quát và kế thừa những kinh nghiệm của các thế hệ đã qua là điều rất quan trọng.
Trong Biểu thứ hai và ba, khi quan niệm sự đúng đắn của tri thức và hành động của con người thì phải cứ vào chuẩn mực "tai mắt trăm họ" và "việc làm hành chánh xem có lợi cho nhà nước và trăm họ không." Lợi cho nhà nước và cho trăm họ là tiêu chuẩn để Mặc Tử qui định mọi giá trị. Tiêu chuẩn ấy, Mặc Tử dùng để chứng tỏ sự cần thiết phải thực hành Kiêm ái.
Người nhân làm việc ắt vụ cầu phát huy điều lợi, trừ điều hại cho thiên hạ. Những điều hại của thiên hạ thời nay, điều nào lớn hơn cả ? Như nước lớn đánh nước nhỏ, nhà lớn cướp nhà nhỏ, mạnh lấn yếu, đông lấn ít, khôn lừa ngu, sang khinh hèn, đó là những điều hại lớn cho thiên hạ.
Cái điều hại lớn đó bởi đâu mà ra? Có phải bởi yêu người và làm lợi cho người mà ra hay không? Ắt là không phải, tất nhiên là do sự ghét người và muốn làm hại người mà ra. Đó là Biệt Ái (chỉ biết thương mình). Thế thì Biệt Ái là cái hại lớn cho thiên hạ.
Hễ cho là sai, tất nhiên phải có gì để thay vào, cho nên ta nói Kiêm ái thay cho Biệt ái. Nếu coi nước người như nước mình thì làm sao đem quân đánh nước người được?
Chúng ta đã thấy, dựa vào công lợi, Mặc Tử đã chứng minh sự hợp lý tuyệt đối của thuyết Kiêm ái.
Người có đức nhân và có nhiệm vụ phát huy điều lợi, trừ điều hại cho thiên hạ, phải đem thuyết Kiêm ái ra làm tiêu chuẩn hành động cho mình và cho mọi người. Khi mọi người đều hành động theo tiêu chuẩn ấy thì đó là đem cái tai rõ, cái mắt sáng để nghe trông cho nhau; đem cái chân tay khỏe mạnh để làm việc giúp đỡ cho nhau. Cho nên, người già cô độc có kẻ nuôi dưỡng cho trọn tuổi thọ, những trẻ mồ côi có chỗ nương tựa cho được lớn khôn. Nếu thực hiện được Kiêm ái thì lợi cho trăm họ như thế đó. Đó là thế giới lý tưởng mà Mặc Tử chủ trương xây dựng bởi thuyết Kiêm ái. Đó cũng gọi là Đại Đồng.
Như vậy, tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử là sự thể hiện tinh thần dân chủ bình đẳng sơ khai và chủ nghĩa vị tha trong triết học của ông. Nó phản ánh sâu sắc ước mơ của đại đa số nhân dân lao động nước Tàu thời bấy giờ. Chính vì thế mà Triết học Mặc Tử không được coi là công cụ tinh thần đắc lực của kẻ thống trị, không được giới thống trị ủng hộ, nên dần dần chìm vào quên lãng.
Kiêm nhiệm
兼任
A: To hold several charges.
P: Cumuler plusieurs charges.
Kiêm: Gồm cả. Nhiệm: nhiệm vụ, chức vụ.
Kiêm nhiệm là một người đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong cùng một lúc.
Đức Lý Thái Bạch Đại Tiên Trưởng là Nhứt Trấn Oai Nghiêm của Đạo Cao Đài, cầm quyền Tiên giáo thời ĐĐTKPĐ. Đức Chí Tôn lại giao thêm cho Đức Lý kiêm nhiệm chức Giáo Tông, nên khi cúng, chúng ta niệm: Nam mô Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
KIỂM
KIỂM
KIỂM: 檢 Xem xét kỹ lưỡng có đúng không.
Td: Kiểm duyệt, Kiểm đàn.
Kiểm duyệt - Ban Kiểm Duyệt
檢閱 - 班檢閱
A: To censure - The censor 's office.
P: Censurer - Office de censeur.
Kiểm: Xem xét kỹ lưỡng có đúng không. Duyệt: xem xét.
Kiểm duyệt là tra xét kỹ lưỡng.
Kiểm duyệt kinh sách là xem xét kỹ lưỡng về nội dung và hình thức các loại kinh sách, báo chí phổ biến có đúng theo luật pháp và giáo lý của Đạo không, để cho phép ấn hành.
Ban Kiểm Duyệt là một Ban được Hội Thánh bổ nhiệm, giao phó cho nhiệm vụ kiểm duyệt các kinh sách của Đạo.
Theo PCT qui định, quyền kiểm duyệt kinh sách là của 3 vị Chưởng Pháp CTĐ.
PCT: Vậy chúng nó (Đức Chí Tôn nói 3 vị Chưởng Pháp) có quyền xem xét kinh điển trước lúc phổ thông, như thảng có kinh luật làm cho hại phong hóa thì chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản.
CG: Nói rằng có quyền xem xét kinh điển trước lúc phổ thông, thì tức phải kiểm duyệt các kinh điển ấy trước khi xuất bản. Ấy vậy, tuy kiểm duyệt thì tự quyền Chưởng Pháp định đoạt, bất câu kinh sách nào mà làm cho hại phong hóa cùng là sái Đạo luật thì Ngài có quyền trừ bỏ, không cho xuất bản, song trước khi thị nhận cho xuất bản hay là không cho, thì buộc Chưởng Pháp phải đệ lên HTĐ cầu xin phê chuẩn mới đặng. Chẳng phải nói kinh điển của người trong Đạo làm ra mà thôi, dầu cho người ngoại giáo làm ra đi nữa, nếu có thương phong bại tục thì buộc Hội Thánh phải vùa giúp Chưởng Pháp mà lo trừ diệt cho đặng.
Trong thời gian CTĐ chưa có Chưởng Pháp thì quyền kiểm duyệt các kinh sách Đạo được giao về cho HTĐ.
Do đó, Đức Thượng Sanh, khi cầm quyền Chưởng Quản HTĐ, có ra Đạo Lịnh thành lập Ban Kiểm Duyệt Hỗn Hợp gồm các Chức sắc đại diện HTĐ, CTĐ và CQPT, để kiểm duyệt các kinh sách của Đạo.
Nguyên văn Đạo Lịnh nầy xin chép ra sau đây:
HIỆP THIÊN ÐÀI
|
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
|
Văn Phòng |
(Tam thập bát niên) |
Thượng Sanh |
TÒA THÁNH TÂY NINH
|
-----
Số: 017/ĐL |
|
THƯỢNG SANH và THẬP NHỊ THỜI QUÂN
Chiếu Tân Luật và Pháp Chánh Truyền,
Chiếu Vi Bằng ngày 10 tháng 3 Đinh Dậu (dl 9-4-1957) của Hội Thánh CTĐ và CQPT nam nữ yêu cầu Ngài Thượng Sanh và chư vị Thời Quân về Tòa Thánh cầm giềng mối Đạo.
Nghĩ vì cần lập Ban kiểm duyệt những kinh, Thánh giáo và sách vở của Đạo trước khi ban hành để tránh điều sơ sót.
Chiếu Vi Bằng số 10/VB buổi nhóm ngày 8 tháng 4 nhuần Quí Mão (dl 30-5-1963), Hội Thánh HTĐ quyết định thành lập Ban Kiểm Duyệt để thi hành mục chiếu thượng, nên:
ĐẠO LỊNH
Điều thứ nhứt: Kể từ đây, Hội Thánh HTĐ đảm nhiệm sự kiểm duyệt những kinh, Thánh ngôn của Đạo trước khi đem ra ban hành. Những kinh hay Thánh ngôn nào không có sự kiểm duyệt của Hội Thánh HTĐ thì kể như bất hợp pháp, Chức sắc và Đạo hữu không nên tin dùng.
Điều thứ nhì: Thành lập một Ủy Ban Hỗn Hợp đảm đương sự kiểm duyệt có tánh cách thường xuyên các sách vở của Đạo trước khi cho phép ấn tống. Ủy Ban Hỗn Hợp nầy có:
• Hiệp Thiên Đài: Ông Hiến Pháp, Trưởng Ban.
• Cửu Trùng Đài: 3 vị Chánh Phối Sư hay đại diện của mỗi vị, Hội viên.
• Phước Thiện: Vị Chưởng quản CQPT hay đại diện của Ông, Hội viên.
Điều thứ ba: Mặc dầu 3 vị Chánh Phối Sư hay vị Chưởng quản CQPT, trong thành phần Ủy Ban Hỗn Hợp kể nơi điều thứ hai trên đây, có thể đề cử người đại diện cho mình, song sau khi kiểm duyệt xong xuôi, 3 vị Chánh Phối Sư và vị Chưởng quản PT cũng phải đứng ký tên chịu trách nhiệm.
Điều thứ tư: Nếu trong quyển sách dự thảo đem ra kiểm duyệt mà có khoản nào hoặc câu nào không được xác nghĩa, cần thêm hay bớt, thì Ủy Ban ghi chú sẵn và mời tác giả đến giải thích cho minh xác. Khi kiểm duyệt hoàn tất, Ủy Ban sẽ đệ trình lên Hội Thánh HTĐ kiểm xét lại mới cho ấn tống.
Điều thứ năm: Ông Hiến Pháp HTĐ, 3 vị Chánh Phối Sư CTĐ và vị Chưởng quản CQPT thi hành; Ông Quyền Đầu Sư và Ông Khai Đạo điều khiển Phước Thiện tùy nhiệm vụ ra lịnh ban hành Đạo Lịnh nầy.
Tòa Thánh, ngày 10 tháng 4 nhuần Quí Mão.
(dl 01-06-1963)
THƯỢNG SANH
(ấn ký) |
KHAI ĐẠO
(ấn ký) |
TIẾP PHÁP
(ấn ký) |
BẢO THẾ
(ấn ký) |
PCT: Pháp Chánh Truyền.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.
Kiểm đàn
檢壇
Kiểm: Xem xét kỹ lưỡng có đúng không. Đàn: đàn cúng tại Tòa Thánh hay Điện Thờ.
Kiểm đàn là người có phận sự sắp đặt và giữ gìn trật tự trang nghiêm trong một đàn cúng tại Tòa Thánh, Thánh Thất hay Điện Thờ.
Tất cả những vị kiểm đàn nam nữ ở trong một Ban do Hội Thánh lập ra gọi là Ban Kiểm Đàn, có một vị Chức sắc đứng đầu. Ban Kiểm Đàn đặt dưới quyền của Hộ Đàn Pháp Quân.
KIỀN
KIỀN
(Xem: Càn)
KIẾN
KIẾN
1. KIẾN: 建 Dựng nên, gây dựng.
Td: Kiến công, Kiến trúc.
2. KIẾN: 見 Thấy, ý thức.
Td: Kiến tánh.
Kiến công lập vị
建功立位
Kiến: Dựng nên, gây dựng. Công: công quả. Lập vị: tạo nên phẩm vị.
Kiến công lập vị là gây dựng công quả để tạo nên phẩm vị cao trọng trong cửa Đạo.
TNHT: Đường đời khúc mắc chông gai là lẽ Thiên cơ đã định vậy, cái nơi để cho cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến kiến công lập vị.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kiến cơ nhi tác
見機而作
Kiến: Thấy, ý thức. Cơ: cái máy, cơ hội. Nhi: mà. Tác: làm.
Kiến cơ nhi tác là thấy có cơ hội mới làm.
Sách Nho có câu: Xúc mục bất phân giai tiếu xuẩn; kiến cơ nhi tác hựu ngôn gian. Nghĩa là: Thấy qua mà không phân biệt rõ ràng thì bị người ta cười là ngu xuẩn; biết thời cơ mà làm thì bị người ta bảo là gian hùng.
Còn trong Kinh Dịch thì nói: Quân tử kiến cơ nhi tác. Người quân tử cần phải quan sát thấy được điềm báo trước cơ hội tốt mới hành động thì mới đạt được thành công chắc chắn.
Kiến Dần - Kiến Tý - Kiến Sửu
建寅 - 建子 - 建丑
Kiến: Dựng nên, gây dựng. Dần, Tý, Sửu: 3 Chi trong Thập nhị Địa Chi.
Kiến Dần là xây dựng âm lịch trên chính sóc là Dần, nghĩa là đặt tên tháng Giêng là tháng Dần.
Kiến Tý là xây dựng âm lịch trên chính sóc là Tý, nghĩa là đặt tên tháng Giêng là tháng Tý.
Kiến Sửu là xây dựng âm lịch trên chính sóc là Sửu, nghĩa là đặt tên tháng Giêng là tháng Sửu.
Việc đặt tên tháng Giêng đầu năm âm lịch theo Thập nhị Địa chi thay đổi nhiều lần qua nhiều vị vua.
Trong Chú giải Kinh Thi có ghi chép như sau:
• Đời vua Huỳnh Đế, và đời nhà Hạ, gọi tháng Giêng là tháng Dần (Kiến Dần). Theo đó thì tháng 12 là tháng Sửu.
• Nhà Thương gọi tháng Giêng là tháng Sửu (Kiến Sửu).
• Nhà Châu, gọi tháng Giêng là tháng Tý (Kiến Tý).
• Nhà Tần, gọi tháng Giêng là tháng Hợi (Kiến Hợi).
• Đến đời nhà Hán thì gọi tháng Giêng là tháng Dần, tức là theo lịch nhà Hạ (Kiến Dần).
Từ đây trở về sau, không còn thay đổi nữa. Các vua đời sau đều áp dụng Kiến Dần theo lịch nhà Hạ.
Âm lịch của nước ta theo âm lịch của Tàu, nên dùng tháng Giêng (Chính sóc) là tháng Dần. Có lẽ điều nầy thích hợp với quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của người phương Đông theo Nho giáo: Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần. Nghĩa là: Trời mở ra ở Hội Tý, Đất mở rộng ở Hội Sửu, Người sanh ra ở Hội Dần.
Làm lịch là để nhơn sanh dùng, nên lấy tháng Giêng là tháng Dần là đúng theo: Nhơn sanh ư Dần.
Nếu lấy Kiến Dần, các tháng âm lịch trong năm là:
- Tháng giêng: |
DẦN. |
|
- Tháng 7: |
Thân. |
- Tháng 2: |
Mẹo (Mão). |
|
- Tháng 8: |
Dậu. |
- Tháng 3: |
Thìn. |
|
- Tháng 9: |
Tuất. |
- Tháng 4: |
Tỵ. |
|
- Tháng 10: |
Hợi. |
- Tháng 5: |
Ngọ. |
|
- Tháng 11: |
Tý. |
- Tháng 6: |
Mùi. |
|
- Tháng 12: |
Sửu. |
Kiến giá
見駕
Kiến: Thấy, ý thức. Giá: xe của vua đi.
Kiến giá là ra mắt Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
TNHT: Chư hiền hữu chỉnh tề đợi kiến giá Chí Tôn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã
見義不為無勇也
Kiến: Thấy, ý thức. Nghĩa: điều nghĩa, việc nghĩa. Bất vi: không làm. Vô dũng: không dũng cảm. Dã: vậy.
Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã: Thấy việc nghĩa mà không làm thì người ấy không có dũng khí vậy.
Đức Khổng Tử có viết rằng:
Kính quỉ thần nhi viễn chi khả vị trí hỉ.
Phi kỳ quỉ nhi tế chi siểm dã.
Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã.
Nghĩa là:
Kính quỉ thần mà lánh xa, là khá khôn ngoan vậy.
Chẳng phải quỉ thần mà cúng tế là dua nịnh vậy.
Thấy việc nghĩa không làm là không có khí dũng vậy.
Kiến tánh thành Phật
見性成佛
Kiến: Thấy, ý thức. Tánh: cái bổn tánh của con người, cái bổn tánh nầy vốn lành nên được gọi là Thiên tánh hay Phật tánh.
Kiến tánh là thấy được tánh, tức là thấy được cái bổn tánh vốn lành và trong sạch của mình. Khi kiến tánh tức nhiên đắc thành Phật vị.
Thấy được tánh là thấy rõ cái mặt mũi xưa nay của mình, tức là là thấy cái "Bổn lai diện mục", cái không sinh không diệt, không thiện không ác, vượt ra ngoài những đối đãi mà Thiền tông gọi là "Chủ nhân ông" nơi mỗi người.
Tương truyền, Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma có làm bài kệ nổi tiếng sau đây:
Bất lập văn tự, |
|
不立文字 |
Giáo ngoại biệt truyền, |
|
敎外別傳 |
Trực chỉ nhơn tâm, |
|
直指人心 |
Kiến tánh thành Phật. |
|
見性成佛 |
Nghĩa là:
Chẳng lập văn tự,
Dạy ngoài truyền riêng,
Chỉ thẳng tâm người,
Thấy tánh thành Phật.
Đạo truyền riêng ngoài kinh điển, trực tiếp, không qua chữ nghĩa, nhắm thẳng vào nội tâm, kiến chiếu vào tự tánh để thành Phật.
Hai câu đầu định cơ bản lập tông, hai câu sau định phương pháp thể nghiệm. Vì giáo ngoại biệt truyền nên không y cứ theo kinh điển; vì bất lập văn tự nên không cấu tạo tư tưởng lý luận; chỉ có kiến tánh là thành Phật nên không có gì để nói được. Đó là phép trực chỉ và tâm truyền vật."
Đây là một thông điệp đặc trưng thù thắng mở đầu dòng Thiền Trung hoa. Bài kệ 16 chữ ở trên nêu lên cơ bản lập giáo của Đạo Thiền khác hẳn với các môn phái Phật giáo khác đương có tại Trung hoa.
Kiến trúc - Ban Kiến Trúc
建築 - 班建築
A: The construction - Committee of construction.
P: La construction - Comité de construction.
Kiến: Dựng nên, gây dựng. Trúc: xây dựng nhà cửa.
Kiến trúc là nói chung về việc xây dựng nhà cửa, đền đài.
Ban Kiến Trúc là một bộ phận của Cơ quan Công thợ có nhiệm vụ chuyên môn, thiết kế, xây dựng, trang trí các Thánh Thất, các Điện Thờ Phật Mẫu, cùng các dinh thự khác của Đạo từ trung ương đến địa phương.
Cơ quan Công thợ được thành lập chánh thức do Thánh Lịnh của Đức Phạm Hộ Pháp số 231 ngày mùng 9-7-Canh Dần (dl 22-8-1950). Cơ quan Công thợ bao gồm các Ban: Ban Kiến Trúc, Ban Nhà Thuyền, Ban Mỹ Thuật, v.v...
Đứng đầu Ban Kiến Trúc là một vị Tổng Giám, có các vị Phó Tổng Giám và Tá Lý giúp việc.
Nguyên văn Thánh Lịnh 231 của Đức Phạm Hộ Pháp thành lập Cơ quan Công thợ, xin chép ra sau đây:
HỘ PHÁP ĐƯỜNG |
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
|
Văn Phòng |
(Nhị thập ngũ niên) |
----- |
TÒA THÁNH TÂY NINH
|
Số: 231/TL |
|
HỘ PHÁP
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền,
Chiếu y Đạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (dl 15-2-1938) giao quyền thống nhứt Chánh Trị Đạo cho Hộ Pháp nắm giữ cho đến ngày có Đầu Sư chánh vị,
Nghĩ vì Cơ quan Công thợ trong châu vi Tòa Thánh chưa có hàng phẩm tương đối với các cơ quan khác đặng mở đường lập vị cho họ, nên:
THÁNH LỊNH:
Điều thứ nhứt: Đặt riêng CƠ QUAN CÔNG THỢ trong châu vi Tòa Thánh những danh từ và trách vụ như dưới đây:
a. Tá Lý coi về một Sở.
b. Phó Tổng Giám làm đầu một hay nhiều Sở, dưới quyền Tổng Giám.
c. Tổng Giám kiểm soát toàn thể các Cơ Sở.
Điều thứ nhì: Những chức vụ kể trên đối hàm như vầy:
a. Tá Lý đối hàm Chánh Trị Sự hay Hành Thiện.
b. Phó Tổng Giám đối hàm Lễ Sanh.
c. Tổng Giám đối hàm Giáo Hữu.
Điều thứ ba: Mỗi bậc kể trên cũng phải hành sự đủ 5 năm mới được thăng lên và tới bậc Tổng Giám thì được Hội Thánh đem ra Quyền Vạn Linh công nhận vào hàng Giáo Sư sau khi đầy đủ công nghiệp.
Điều thứ tư: Chư vị Bảo Thế, vị Khai Pháp chưởng quản Bộ Pháp Chánh, vị Thái, Thượng, Ngọc Chánh Phối Sư, các tư kỳ phận, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.
Lập tại Tòa Thánh, ngày 9 tháng 7 Canh Dần.
(22-Août-1950)
HỘ PHÁP
(ấn ký)
Theo Thánh Lịnh nầy:
- Cơ quan Công thợ không trực thuộc riêng một Đài nào cả mà chịu dưới quyền của Hội Thánh ĐĐTKPĐ. Khi Ngọc Hư Cung giao cho HTĐ cầm quyền nền Đạo thì Cơ quan Công thợ đương nhiên chịu dưới hệ thống của HTĐ.
- Các phẩm: Tổng Giám, Phó Tổng Giám, Tá Lý không có Đạo phục riêng khi chầu lễ Đức Chí Tôn, nên các vị nầy phải mặc Đạo phục của Đạo hữu và đứng ở hàng Đạo hữu để chầu lễ Chí Tôn. Nhưng khi các vị trong 3 phẩm nầy qui liễu thì được hành lễ tang theo các phẩm cấp tương đương, nghĩa là:
• Tổng Giám được hành lễ tang theo hàng Giáo Hữu.
• Phó Tổng Giám được hành lễ tang theo hàng Lễ Sanh.
• Tá Lý được hành lễ tang theo hàng Chánh Trị Sự.
Có một sự kiện xảy ra giữa Ban Kiến Trúc và Hội Thánh PT, xin nêu ra để chúng ta thấy pháp lý về Ban Kiến Trúc.
Trong việc xây dựng cửa Chánh Môn, Ngài Bảo Thế quyết định xây theo kiểu vở do Ty Kiến Thiết Tây Ninh vẽ, không dùng họa đồ của Ban Kiến Trúc vẽ theo sự chỉ dạy của Đức Phạm Hộ Pháp khi xưa. Tổng Giám Ban Kiến Trúc lúc đó là ông Lê Văn Thế phản đối việc nầy và tuyên bố: Nếu Ngài Bảo Thế quyết định xây dựng theo họa đồ của Đời thì ông không dám bổ công thợ đến xây dựng.
Để tiến hành xây cất Chánh môn, Ngài Bảo Thế ra lịnh cho ông Chưởng quản CQPT ra văn thơ thâu hồi quyền chức Tổng Giám của ông Lê Văn Thế. Lúc đó Ngài Bảo Thế làm Quyền Chưởng quản HTĐ kiêm Thống quản CQPT.
Ông Tổng Giám thấy việc làm của Ngài Bảo Thế có tính cách áp bức, nên đem tất cả nội vụ trình lên Đức Thượng Sanh. Đức Thượng Sanh yêu cầu Bộ Pháp Chánh minh tra và phúc trình cho Ngài rõ, rồi Ngài ra văn bản giải quyết như sau:
HIỆP THIÊN ÐÀI
|
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
|
Văn Phòng |
(Tứ thập niên) |
Thượng Sanh |
TÒA THÁNH TÂY NINH
|
-----
Số: 072/TS |
|
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
Kính gởi: |
- Hiền huynh Bảo Thế,
- Hiền huynh Đầu Sư. |
Tham chiếu: V/v Chưởng quản Phước Thiện ra Huấn Lịnh thâu hồi nhiệm vụ của vị Tổng Giám Ban Kiến Trúc Lê Văn Thế.
Kính Quí Hiền huynh,
Theo Phúc Trình minh tra số 157/PC của Hiền huynh Hiến Pháp Chưởng quản Bộ Pháp Chánh thì vị Chưởng quản Phước Thiện không có thẩm quyền thâu hồi nhiệm vụ của vị Tổng Giám Ban Kiến Trúc Lê Văn Thế vì chức vụ Tổng Giám ngang hàng với Giáo Hữu CTĐ.
Ngoài ra, chiếu theo Thánh Lịnh số 231/TL ngày 20-8-1950 của Đức Hộ Pháp, Ban Kiến Trúc là một Cơ quan Công thợ biệt lập chịu dưới quyền điều khiển của vị Tổng Giám và đặt dưới hệ thống của CTĐ và Phước Thiện đặng tạo tác hoặc tu bổ các cơ sở trong châu vị Tòa Thánh.
Nếu Tổng Giám Cơ quan nầy không làm tròn phận sự hoặc không tuân lịnh thượng cấp, thì tùy trường hợp, bên Hành Chánh hay bên Phước Thiện phúc báo lên Hội Thánh HTĐ để nội vụ được giao qua Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ rồi Hội Thánh HTĐ mới quyết định sau.
Vậy xin quí Hiền huynh ra lịnh cho các cơ quan dưới quyền trực thuộc của mình thi hành theo đề nghị của Bộ Pháp Chánh gồm 2 khoản sau đây:
1. Quyền chức của vị Tổng Giám Lê Văn Thế vẫn giữ như cũ.
2. Ngưng công cuộc tạo tác những Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu trong các Phận Đạo chiếu theo lời phê của Đức Hộ Pháp và quyết nghị của Hội Nhơn Sanh năm Giáp Thìn. Những Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu cất lỡ rồi, Hội Thánh sẽ tùy nghi sửa đổi cho hợp thời và hợp lệ.
Nay kính.
Tòa Thánh, ngày 25-8-năm Ất Tỵ (dl 20-9-1965).
THƯỢNG SANH
(ấn ký)
Số 221/SL: Sao y Bổn chánh
Tư cho Q. Ngọc Chánh Phối Sư, lịnh cho Khâm Thành thi hành khoản 2 trong Chỉ thị nầy.
Tòa Thánh, ngày 28-8-Ất Tỵ.
ĐẦU SƯ
Thượng Sáng Thanh
(ấn ký) |
|
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.
KIẾNG
KIẾNG
Cùng một chữ: KÍNH, người miền Bắc đọc là Kính, người miền Nam đọc là Kiếng. Vậy: Kiếng là Kính.
Kính có 2 nghĩa: - tấm gương soi, - kính trọng.
Td: Mắt kính: Mắt kiếng.
Kính soi mặt: Kiếng soi mặt.
Cúng kính: Cúng kiếng.
TNHT: Các em phải cúng kiếng thường....
GTK: Nghĩa hữu bằng phải kiếng phải tin.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GTK: Giới Tâm Kinh.
KIẾP
KIẾP
KIẾP: 劫 Một đời sống kể từ lúc sanh ra cho đến lúc chết.
Td: Kiếp căn, Kiếp khiên.
Kiếp căn
劫根
A: Sort, destiny.
P: Sort, destinée.
Kiếp: Một đời sống kể từ lúc sanh ra cho đến lúc chết. Căn: gốc rễ.
Kiếp căn là chỉ đời sống hiện tại và những buồn vui trong cuộc sống do gốc rễ từ kiếp trước, tức là do những điều phước đức hay những oan nghiệt mà mình đã gây tạo trong kiếp trước. Nếu kiếp trước làm điều phước thiện thì kiếp nầy hưởng được giàu sang sung sướng.
KTKCQV: Gởi kiếp căn chàng mở dây oan.
KTKCQV: Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị.
Kiếp duyên - Kiếp quả
劫緣 - 劫果
Kiếp: Một đời sống kể từ lúc sanh ra cho đến lúc chết. Duyên: mối dây ràng buộc đã gây ra từ kiếp trước. Duyên cũng là cái sức bổ trợ cho cái Nhân thành Quả.
Quả: cái trái, kết quả.
- Kiếp duyên là kiếp sống hiện tại có được là do những mối dây ràng buộc mà mình đã tạo ra từ kiếp trước.
- Kiếp quả là kiếp sống hiện tại là kết quả của những việc làm thiện ác đã gây ra trong kiếp sống trước.
TĐ ĐPHP: Đêm nay, Bần đạo giảng kiếp duyên, kiếp quả của chúng ta. Chúng ta phải hiểu nghĩa kiếp duyên là gì? và kiếp quả là gì? Chúng ta biết đương nhiên kiếp sanh của chúng ta bây giờ ở trong cái tình trạng nào?
Kiếp quả, theo chơn lý của Phật, đã nói rằng: Cái nhơn quả của chúng ta nó làm cho chúng ta sanh nơi cõi trần nầy. Chúng ta có xác thịt thi hài làm người nơi mặt địa cầu nầy, do nơi nhơn quả của chúng ta mà ra, đã mang căn kiếp số đương nhiên do nơi nhơn quả của tiền kiếp, rồi cái kiếp tương lai do nơi nhơn quả của kiếp bây giờ. Bởi chúng ta đã đào tạo ra nhân nên mới sanh ra quả. Mà có quả, tức nhiên chúng ta phải tái kiếp đặng đền cái quả ấy, gọi là Kiếp quả.
Bây giờ Kiếp duyên, là chúng ta đã làm đủ phận sự trong kiếp sanh trước: Trọn vẹn nhơn đạo, và chúng ta đã gieo cái tình ái vô biên trong tâm thần của các bạn đồng sanh của chúng ta, ta đã thi ân cho họ, ngày giờ nầy chúng ta phải có mặt tại thế nầy để cho họ trả cái quả kiếp của họ, gọi là Kiếp duyên; hay là cái căn tu của chúng ta đã đoạt ngôi vị nơi thiêng liêng, thì ta cũng phải tái kiếp đặng đoạt cái phẩm vị nơi cõi trần nầy, đó là chúng ta đã đào tạo cái nhơn duyên của chúng ta đó vậy. Trong kiếp duyên của chúng ta, kiếp ngộ đạo là hạnh phúc hơn hết, trọng hệ hơn hết, mà chính cái ngộ đạo ấy, chúng ta có thể may duyên hội hiệp cùng Đại Từ Phụ, ngồi trong lòng Đức Chí Tôn. Cái kiếp duyên cao trọng hơn hết là đấy.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Kiếp hòa căn
劫和根
Kiếp: Một đời sống kể từ lúc sanh ra cho đến lúc chết. Hòa: trộn lẫn vào nhau. Căn: gốc rễ.
Kiếp hòa căn là cái kiếp sống hiện tại với những thăng trầm khổ vui lẫn lộn là do sự pha trộn ảnh hưởng của các việc thiện và ác đã gây tạo ra nơi kiếp trước.
PMCK: Lập Tam Tài định kiếp hòa căn.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Kiếp khiên
劫愆
A: The sins in the life.
P: Les péchés dans la vie.
Kiếp: Một đời sống kể từ lúc sanh ra cho đến lúc chết. Khiên: tội lỗi.
Kiếp khiên là những tội lỗi đã tạo ra trong kiếp sống.
KĐT: Trường thi Tiên, Phật, dượt kiếp khiên.
KÐT: Kinh Ðại Tường.
Kiếp phù sinh
劫浮生
A: Ephemeral destiny.
P: La destinée éphémère.
Kiếp: Một đời sống kể từ lúc sanh ra cho đến lúc chết. Phù: nổi. Sinh: sống.
Kiếp phù sinh là cái kiếp sống của con người ngắn ngủi như cái bọt nổi trên mặt nước.
TNHT: Chung đỉnh mảng tranh giành, lợi danh thường chác buộc, kiếp phù sinh không mấy lát, đời giả dối chẳng là bao.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kiếp số nan đào
劫數難逃
Kiếp: Một đời sống kể từ lúc sanh ra cho đến lúc chết. Số: vận mạng. Nan: khó. Đào: chạy trốn.
Kiếp số hay Số kiếp là cái vận mạng của kiếp sống đã được định sẵn do những việc làm thiện ác trong kiếp trước.
Kiếp số nan đào là cái vận mạng của kiếp sống đã định rồi thì không thể trốn chạy đi đâu cho thoát khỏi được.
Muốn thay đổi kiếp sống cho được tốt đẹp hơn thì chỉ có một con đường duy nhứt là chí tâm hành thiện, bố thí, để dùng phước đức ấy trừ bớt nghiệp ác mà mình đã gây tạo.
Kiếp trái
劫債
A: The debt of past life.
P: La dette de la vie antérieure.
Kiếp: Một đời sống kể từ lúc sanh ra cho đến lúc chết. Trái: món nợ.
Kiếp trái là món nợ mà mình đã gây ra trong kiếp trước.
Theo luật Công bình thiêng liêng, hễ thiếu nợ thì phải trả, trả đầy đủ chớ không thể trốn nợ được, kiếp nầy không trả hết thì kiếp sau phải tiếp tục trả nữa, trả đến khi nào dứt nợ mới thôi. Nợ tình, nợ tiền, nợ oan nghiệt, nợ ơn nghĩa, tất cả đều phải đền trả một cách đầy đủ, công bằng.
TNHT: Nước mắt chưa lau cơn kiếp trái.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kiếp trần
劫塵
A: The life in the world.
P: La vie dans le monde.
Kiếp: Một đời sống kể từ lúc sanh ra cho đến lúc chết. Trần: cõi trần, cõi của nhơn loại đang sống.
Kiếp trần là kiếp sống nơi cõi trần.
Cõi trần là cõi đọa, tức là cõi để trả quả; cõi nầy có nhiều ác trược, nhưng nếu ai tu hành được thì rất mau đắc đạo, chỉ một kiếp giác ngộ tu hành đủ trở về cùng Đức Chí Tôn.
TNHT: Cái kiếp trần nầy trẻ chớ ham.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KIẾT
KIẾT
1. KIẾT: 結 cũng đọc Kết: Buộc lại, cuối cùng.
Td: Kiết chứng, Kiết già.
2. KIẾT: 吉 cũng đọc là Cát: Tốt lành.
Td: Kiết hung, Kiết tường.
Kiết chứng công nghiệp
結證功業
Kiết: Buộc lại, cuối cùng. Chứng: nhận thực. Công nghiệp: công lao và sự nghiệp đối với Đạo.
Tờ Kiết chứng là tờ giấy nhận thực sự việc xảy ra đúng như tờ giấy đã ghi.
Kiết chứng công nghiệp là tờ giấy chứng nhận công nghiệp hành đạo của người ghi trong giấy nầy là đúng sự thật.
ĐLMD: Chiếu Thánh giáo của Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn thì Chánh Trị Sự phải có 5 năm công nghiệp đầy đủ với chức trách của mình, sau nữa phải có tờ kiết chứng công nghiệp, tờ tánh hạnh, trường trai, đạo đức. đủ tư cách và phải độ đặng 300 người nhập môn mới đặng đem vào sổ cầu phong.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kiết già (Kết già)
結跏
Kiết già hay Kết già, nói đầy đủ là Kiết già phu tọa, là cách ngồi xếp bằng hai chân gác tréo nhau tạo thành thế ngồi rất vững của các tăng ni Phật giáo khi ngồi Thiền định.
Có hai cách ngồi Kiết già: Kiết tường và Hàng ma.
1. Cách ngồi Hàng ma: Trước đem mấy ngón chơn mặt mà ép vào bắp vế trái, kế đem mấy ngón chơn trái ép vào bắp vế mặt. Còn bàn tay trái thì lật ngửa để lên bàn tay mặt, gọi là ấn Hàng ma. Trong Thiền Tông thường áp dụng kiểu ngồi nầy.
2. Cách ngồi Kiết tường: Trước đem bàn chân trái đè lên vế đùi phải, sau đem bàn chân phải đè lên vế đùi trái, khiến cho 2 lòng bàn chân ngửa lên 2 vế đùi. Còn bàn tay phải lật ngửa đè lên bàn tay trái. Cách ngồi nầy được gọi là ngồi Hoa sen. Đức Phật Thích Ca khi ngồi thiền định dưới cội cây bồ đề thì ngồi theo cách Kiết tường (Hoa sen), nhưng hai bàn tay lại bắt ấn Hàng ma.
Người ngồi Kiết già không được thì ngồi theo thế Bán già: Chỉ cần gác một chân trái lên vế phải hay là chân phải lên vế trái là được.
Khi ngồi Thiền định, chỉ có cách ngồi Kiết già là cách ngồi yên ổn nhất, vững vàng nhất, và không mỏi mệt. Cách ngồi nầy có thủ pháp, Ma vương thấy thì sanh lòng sợ hãi, không dám khuấy phá.
Khi ngồi kiết già, tăng sĩ thường đọc bài kệ:
Kiết già phu tọa, Đương nguyện chúng sanh, Tọa bồ đề tọa, Tâm vô sở trước.
Nghĩa là:
Ngồi thế kiết già, Nên nguyện chúng sanh, Ngồi trên tòa trí huệ, Tâm không vướng mắc.
Kiết hung (Cát hung)
吉凶
A: Lucky and unlucky.
P: Faste et néfaste.
Kiết: cũng đọc là Cát: Tốt lành. Hung: hung dữ, xấu.
Kiết hung hay Cát hung là tốt xấu, lành dữ.
BXTCĐPTTT: Thông rõ đời nhơn sự kiết hung.
BXTCÐPTTT: Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần.
Kiết nhựt lương thần
吉日良辰
Kiết: cũng đọc là Cát: Tốt lành. Nhựt: ngày. Lương: tốt. Thần: giờ.
Kiết nhựt lương thần là ngày lành giờ tốt.
4 chữ nầy thường dùng trong Sớ Văn.
Kiết tường (Cát tường)
吉祥
A: Good presage.
P: Présage heureux.
Kiết: cũng đọc là Cát: Tốt lành. Tường: điều tốt lành.
Kiết tường hay Cát tường là điều tốt lành, điềm lành.
Chữ VẠN 卐 vẽ nơi ngực của Đức Phật tiêu biểu cho sự kiết tường, nên chữ ấy được gọi là chữ Kiết tường. Khi gặp chữ ấy, như là gặp một điềm lành. (Xem chi tiết: Vạn, vần V)
KIÊU
KIÊU
KIÊU: 驕 Khoe mình, tự cho mình là tài giỏi nên có ý khinh người.
Td: Kiêu căng, Kiêu hãnh.
Kiêu căng
驕矜
A: Proud.
P: Orgueilleux.
Kiêu: Khoe mình, tự cho mình là tài giỏi nên có ý khinh người. Căng: khoe khoang.
Kiêu căng là lên mặt tài giỏi, khinh người.
Kiêu căng trề nhún: Tự cho mình hay giỏi mà tỏ ra khinh rẻ chê bai mọi người.
TNHT: Hòn ngọc đẹp đẽ quí báu dường nầy, Thầy đến cho các con, các con lại học kiêu căng trề nhún.
Kiêu căng tự đại: Tự cho mình tài giỏi hơn hết nên khinh thường mọi người.
TNHT: Tánh kiêu căng tự đại là hang thẳm chôn lấp trọn thân hình hồn phách đó.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kiêu hãnh
驕倖
A: Vainglorious.
P: Vaniteux.
Kiêu: Khoe mình, tự cho mình là tài giỏi nên có ý khinh người. Hãnh: sung sướng lộ ra ngoài nét mặt.
Kiêu hãnh là kiêu căng và hãnh diện.
TNHT: |
Đừng lòng kiêu hãnh cậy mình tài,
Nên nhớ chữ tài cận chữ tai. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KIẾU
Kiếu từ (Cáo từ)
告辭
A: To excuse oneself to retire.
P: S'excuser pour se retirer.
Kiếu: do chữ Cáo nói trại ra, nghĩa là lấy một cớ nào đó để xin ra về. Từ: xin lui, từ giã.
Kiếu từ tức Cáo từ là nêu ra một lý do nào đó để từ giã.
KIM
KIM
1. KIM: 金 - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc.
Td: Kim Bàn, Kim bảng, Kim câu.
2. KIM: 今 Ngày nay, thời nay.
Td: Kim ngưỡng.
Kim Bàn (Kim Bồn)
金盤
A: The golden basin of Buddha-Mother.
P: Le bassin en or de Bouddha-Mère.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Bàn: Bồn: cái chậu, cái thau có hình tròn dẹt.
Kim Bàn hay Kim Bồn là cái chậu bằng vàng của Đức Phật Mẫu đặt nơi DTC dùng chứa các nguyên chất (nguơn chất) để tạo chơn thần cho các nguyên nhân giáng trần.
KĐ9C: Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất.
DTC: Diêu Trì Cung.
KÐ9C: Kinh Ðệ Cửu cửu.
Kim bảng
金榜
A: Golden board.
P: Le tableau en or.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Bảng: tấm bảng.
Kim bảng, dịch là Bảng vàng, là tấm bảng sơn son thếp vàng để biên tên những người thi đậu Trạng Nguyên hay Tiến sĩ thời xưa, được đặt nơi Văn Miếu (Miếu thờ Đức Khổng Tử).
Được ghi tên trên Kim bảng là cái vinh dự cao quí nhứt của nho sĩ thời xưa. Trong tôn giáo, Kim bảng là chỉ sự đắc đạo.
TNHT: Ôi ! Thầy vì mấy chục ức nguyên nhân, không nỡ để ngôi phẩm tan tành, chớ lấy luật Thiên thơ thì không ai dự vào kim bảng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kim câu
金鉤
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Câu: cái móc, dẫn dắt.
Kim câu là cái Câu Tiên Bài của Đức Thái Thượng Lão Quân, Giáo chủ Tiên giáo, dùng làm lịnh điều khiển các Tiên.
Vị nào cầm Câu Tiên Bài là đại diện của Giáo chủ, ra lịnh thì các vị Tiên phải tuân hành, vì đó là lịnh của Giáo chủ.
KĐ4C: Vịn Kim câu đến chực Thiên môn.
KÐ4C: Kinh Ðệ Tứ cửu.
Kim cô
金箍
A: The golden circle.
P: Le cercle en or.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Cô: cái vòng đặt trên đầu.
Kim cô là cái vòng bằng vàng đặt trên đầu.
KĐ7C: Dở kim cô đưa tiếp linh quang.
KÐ7C: Kinh Ðệ Thất cửu.
Kim đơn
金丹
A: The drug of immortality.
P: Drogue d'immortalité.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Đơn: Thuốc.
Kim đơn hay Kim đan thường dịch là thuốc tiên, tức là thuốc uống vào thì thành Tiên.
Từ ngữ Kim đan hay Kim đơn dùng nói về cách luyện đạo để thành Tiên, chớ thật ra không có thuốc nào uống vào bụng mà được thành Tiên. Nếu thuốc Tiên có thật thì các vị vua chúa xưa nay đều thành Tiên hết, vì các vua chúa nầy có đủ oai quyền và tiền bạc để phái người đi tìm thuốc Tiên.
Phép luyện đạo của Tiên giáo là luyện Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) hiệp nhứt, tạo thành Kim đơn, đắc đạo tại thế. Kim đơn ấy còn được gọi bằng nhiều danh từ khác như: Thánh thai, Xá lợi, Bổn lai diện mục, mà Đạo Cao Đài gọi là Chơn thần.
"Trời có Ngũ Khí, Đất có Ngũ phương, người có ngũ tạng. Người luyện đạo phải lấy Ngũ Hành ấy chế tạo mà luyện Kim đơn cho thành Xá lợi. Muốn thành xá lợi, cần vận chuyển pháp luân cho Ngũ Khí triều nguơn, Tam huê tụ đảnh.
Làm sao Ngũ Khí triều nguơn, Tam huê tụ đảnh đặng?
Muốn Tam huê tụ đảnh phải bảo Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần, luyện chơn chưởng Thánh đô cho Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần huờn Hư, ba báu qui về tại kim đảnh là thành đạo.
Còn muốn cho Ngũ Khí triều nguơn, phải dụng công phu định cái Tâm, gìn cái Ý, bế Ngũ quan thì Ngũ Tạng hiệp về, Tam hồn thanh tịnh vô vi, thì: Nam phương Xích đế triều nguơn, Bắc phương Hắc đế triều nguơn, Đông phương Thanh đế triều nguơn, Tây phương Bạch đế triều nguơn, ấy là Tứ Tổ qui gia, hiệp với Huỳnh Lão trung ương, tức là Ngũ Khí triều nguơn." (Trích ĐTCG).
ÐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.
Kim Biên Tông Đạo
金邊宗道
Nước Cao Miên (Campuchia) có thủ đô là Phnom-Penh, phiên âm ra tiếng Việt là Nam Vang, nhưng trong Đạo Cao Đài thường gọi Nam Vang là Kim Biên và nước Cao Miên là Tần quốc (nước Tần) và người Cao Miên là Tần nhơn.
Hội Thánh Ngoại Giáo đặt văn phòng tại Nam Vang.
Khi Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn từ bỏ chức vụ Chưởng Đạo Hội Thánh Ngoại Giáo, Đức Phạm Hộ Pháp giải tán Hội Thánh Ngoại Giáo và thành lập Tông Đạo Kim Biên tại Nam Vang.
Tông Đạo Kim Biên có xây dựng một Văn phòng thường trực trong Nội Ô TTTN, ngày khởi công xây dựng là 4-7-Tân Hợi (dl 24-8-1971) và ngày Khánh Thành là 2-4-Nhâm Tý (dl 14-5-1972). Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản HTĐ đến dự và đọc bài Huấn Từ, trích ra sau đây:
"Nhơn danh Hội Thánh TTTN, tôi rất hài lòng nhận thấy sự thành quả tốt đẹp của ông Khâm Trấn (Giáo Sư Thái Của Thanh) về việc kiến tạo Văn phòng cho Tông Đạo Kim Biên rất mau chóng và mỹ mãn trong lúc thời cuộc hết sức khó khăn nầy. Ông chỉ nhứt thân nhứt mã, tạm rời nhiệm sở tại Kim Biên để về Tổ đình tự vận động xây cất ngôi biệt thự nầy chỉ với sự ủng hộ tinh thần của Hội Thánh mà thôi.
Công nghiệp của ông Khâm Trấn Kim Biên rất đáng khen và đáng khích lệ. Từ đây, Tần nhơn và người VN thuộc Tông Đạo Kim Biên nói chung sẽ có nơi tạm trú khi về Tòa Thánh chầu lễ Đức Chí Tôn hoặc khi có đạo sự khác.
Nói đến bổn đạo Tần nhơn, tôi hồi tưởng lại lúc đầu mấy năm khai đạo, đa số người Miên qui tụ về Tòa Thánh để hiến dâng công quả, phá rừng khai thác vùng Thánh địa nầy có chỗ trống để xây dựng ngôi Đền Thánh trước hết, vì trước kia vùng nầy là rừng già rậm rạp.
Toàn đạo đều tưởng niệm công lao đáng kể ấy, mặc dù sau khi bị chánh quyền Khơ-me cấm di chuyển, họ phải chịu vắng bóng nơi nầy, rất đáng thương và đáng kính thay lòng tín ngưỡng chơn thật của người đồng đạo Tần nhơn. Tôi tin chắc rằng: Đức Chí Tôn không bao giờ nỡ bỏ rơi đám con cái đáng thương nầy. Rồi đây, thế nào họ cũng sẽ tìm phương thế trở về với Đạo gốc mà họ đã thâm nhiễm từ lâu.
Ngôi Văn phòng Tông Đạo Kim Biên kiến tạo lúc nầy rất hạp thời đó vậy."
Nơi cổng Văn phòng Kim Biên Tông Đạo có khắc đôi liễn:
秦國鄰邦普度眾生歸善敎
金邊宗道外交民族正人心
Tần quốc lân bang phổ độ chúng sanh qui thiện giáo,
Kim Biên Tông Đạo ngoại giao dân tộc chánh nhơn tâm.
Nghĩa là:
Nước Cao Miên láng giềng, cứu giúp nhơn sanh khắp nơi trở về nền tôn giáo tốt lành,
Tông Đạo Kim Biên, giáo hóa dân ngoại quốc làm cho chơn chánh lòng người.
LƯU Ý: Theo đôi liễn nơi cổng Văn phòng Kim Biên Tông Đạo thì chúng ta lưu ý chữ Kim Biên 金邊 nếu viết là Kiêm Biên thì sai chánh tả.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.
Kim khôi
金盔
A: Gold helmet.
P: Casque d'or.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Khôi: cái mũ trụ của vị tướng khi ra trận.
Kim khôi cái mũ trụ bằng vàng trong bộ Đại phục của Đức Hộ Pháp.
Trên Kim khôi có thể Tam sơn, giống như cái chỉa ba ngạnh, tượng trưng chưởng quản Tam Thiên bên CLTG.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
Kim khuyết
金闕
A: The golden great door.
P: La grande porte en or.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Khuyết: cái cổng vào đền vua.
Kim Khuyết tức Huỳnh Kim Khuyết là cái cổng lớn làm bằng vàng ròng đi vào Linh Tiêu Điện cõi thiêng liêng, là nơi họp Thiên triều của Đức Chí Tôn. (Xem: Huỳnh Kim Khuyết)
GTK: Trường Canh chói rạng lòa Kim Khuyết.
GTK: Giới Tâm Kinh.
Kim lan
金蘭
A: Good friends.
P: Bons amis.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Lan: hoa lan, mùi rất thơm.
Kim lan là vàng và hoa lan, chỉ bạn đồng tâm với nhau.
Kinh Dịch có câu: "Nhị nhân đồng tâm kỳ lợi đoạn kim, đồng tâm chi ngôn kỳ xú như lan." Nghĩa là: Hai người đồng tâm với nhau lợi có thể chặt đứt được vàng, lời nói đồng tâm thì mùi thơm như hoa lan.
Do câu nầy, người ta dùng 2 chữ cuối của mỗi phần câu là kim lan để chỉ người bạn tốt, đồng tâm đồng chí với nhau.
Kim mã Ngọc đàng
金馬玉堂
A: Gold horse and jade palace: Noble people.
P: Cheval d'or et palais de jade: Gens nobles.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Mã: ngựa. Kim mã: con ngựa màu vàng. Ngọc đàng tức là Ngọc đường: nhà ngọc.
■ Đời Hán Võ Đế, trước cửa Cung Vị Ương có đặt một con ngựa lớn bằng đồng màu vàng, nên cửa ấy được gọi là Kim Mã môn. Sử Ký chép: "Hán Võ Đế sử Học Sĩ đãi chiếu Kim Mã môn." Nghĩa là: Vua Hán Võ Đế bảo các quan Học Sĩ chờ lịnh sẵn tại cửa Kim Mã.
Do đó, dùng chữ Kim Mã để chỉ những quan Đại Học Sĩ, tức là những vị có tài học lỗi lạc được vua trọng dụng để cùng với vua lo bàn việc nước.
■ Đời nhà Tống, vua Tống Thái Tổ rất tin dùng quan Hàn Lâm Học Sĩ Tô Địch Gian, nên chính tay nhà vua viết 4 chữ: "Ngọc đường chi thự" (Dinh thự là nhà ngọc) ban cho Tô Địch Gian, để ông làm khuôn treo trước dinh.
Từ đó, người ta dùng chữ Ngọc đường để chỉ các quan Hàn Lâm Học Sĩ.
Ghép lại: Kim Mã Ngọc Đường là để chỉ người có tài học lỗi lạc, được vua trọng dụng, làm quan vẻ vang rực rỡ, hay những người thuộc lớp trí thức thượng lưu, giàu sang danh vọng.
TNHT: Hiếm chi bậc Thánh bị đày vào chốn trần ai khổ nhọc, chìm đắm nơi biển khổ sông mê, dan díu lấy sự vui say mùi thế tục, bước đến cảnh kim mã ngọc đàng, mà phủi hết lòng đạo đức, khiến cho ngôi cựu vị phải chịu trôi phủi dòng sông.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kim Mao Hẩu - Kim Hẩu
金毛獄
A: The yellow holy lion.
P: Le lion sacré jaune.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Mao: lông. Hẩu: thú cùng loài với sư tử.
Kim Mao Hẩu là con sư tử lông vàng nơi cõi thiêng liêng.
Kim Mao Hẩu, nói tắt là Kim Hẩu, là con vật nơi cõi thiêng liêng, không có nơi cõi trần.
KĐ8C: Cỡi Kim Hẩu đến Tịch san.
- Phật giáo gọi Kim Mao Hẩu là Kim Mao Sư Tử. Kinh Phật nói: "Chỉ thấy trong áng mây ngũ sắc, Ngài Văn Thù Bồ Tát cỡi con sư tử lông vàng bay tới."
- Đức Từ Hàng Bồ Tát cũng cỡi Kim Mao Hẩu. Con Kim Mao Hẩu của Ngài là học trò của Thông Thiên Giáo chủ đã tu luyện thành người, xưng hiệu là Kim Hoa Tiên, bị Đức Từ Hàng thâu phục trong trận Vạn Tiên, cho hiện lại nguyên hình.
Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, nơi CTĐ và BQĐ, mỗi bên có hai cầu thang đi lên, mỗi cầu thang có đắp hình hai con Kim Mao Hẩu đứng day đầu ra trong tư thế giữ cửa.
Khi Đức Phạm Hộ Pháp trấn thần 8 con Kim Mao Hẩu nầy, Đức Ngài có nói: "Con Kim Mao Hẩu rất mạnh khỏe, tượng trưng cái năng lực tinh thần của người tu, nhờ nó mà qua các từng Trời và trở về cùng Đức Chí Tôn."
Nếu có ai tò mò rờ dưới bụng của Kim Mao Hẩu để xem con đực hay cái thì:
· 4 con nơi hai cầu thang lên BQĐ đều đực.
· 2 con nơi cầu thang lên CTĐ phía nữ phái cũng là 2 con đực.
· 2 con nơi cầu thang lên CTĐ nam phái là 2 con cái.
Thuở nhỏ, Đức Phạm Hộ Pháp có xuất chơn thần đi lên Bạch Ngọc Kinh thấy 8 con Kim Mao Hẩu giữ cửa Bạch Ngọc Kinh, có hỏi xin Đức Chí Tôn cho đem về giữ nhà. Đức Chí Tôn hứa sẽ cho.
Do đó, sau nầy khi cất Tòa Thánh xong, Đức Phạm Hộ Pháp cho làm hình 8 con Kim Mao Hẩu trấn giữ bốn cửa nơi CTĐ và BQĐ, để không cho ai có thể dùng bạo quyền mà phá hại Tòa Thánh, bởi vì Toà Thánh là Bạch Ngọc Kinh tại thế.
(Xem chi tiết nơi chữ: Hộ Pháp Phạm Công Tắc, phần 20: Nguyên căn của Đức Phạm Hộ Pháp. CĐTĐ, Q.1 vần H)
KÐ8C: Kinh Ðệ Bát cửu.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
BQÐ: Bát Quái Ðài.
Kim Mẫu
金母
A: Buddha-Mother.
P: Bouddha-Mère.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Mẫu: Mẹ.
Kim Mẫu là nói tắt danh hiệu: Kim Bàn Phật Mẫu, là Đức Đại Từ Mẫu nơi cõi thiêng liêng. (Xem: Diêu Trì Kim Mẫu)
TTCĐDTKM: Riêng thương Kim Mẫu khóc thầm.
TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.
Kim ngân phá luật lệ
金銀破律例
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Ngân: bạc. Kim ngân: vàng bạc. Phá: làm hư. Luật: pháp luật. Lệ: lề lối qui định từ trước.
Kim ngân phá luật lệ: Vàng bạc làm hư hỏng luật lệ.
Ý nói: Người thi hành luật pháp, vì có tánh tham nhũng, nên bị đồng tiền hay vàng bạc mua chuộc, bẻ cong luật pháp, làm cho người nào đút lót nhiều thì phần phải về người đó.
Kim ngưỡng, cổ ngưỡng
A: To be respectfully worshiped at present and in past.
P: Être admiré dans le présent et dans le passé.
Kim: Ngày nay, thời nay. Ngưỡng: kính trọng với lòng yêu mến.
Kim ngưỡng cổ ngưỡng là thời nay cũng như thời xưa, đều được kính trọng và yêu mến.
Đây là một câu Kinh trong bài Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, ý nói: Đấng Thượng Đế từ xưa cho đến nay đều được nhơn loại tôn kính và yêu mến. Nhơn loại tùy theo ngôn ngữ của mỗi chủng tộc mà gọi Đấng Thượng Đế bằng nhiều danh từ khác nhau, nhưng họ đều hiểu rằng đó là Đấng Tạo Hóa sáng tạo ra CKVT và vạn vật.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Kim quang
金光
A: The band of yellow light.
P: Une bande de la lumière jaune.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Quang: ánh sáng.
Kim quang là một dãy ánh sáng vàng.
KĐ5C: Kỵ kim quang kiến Lão Quân.
KÐ5C: Kinh Ðệ Ngũ cửu.
Kim Quang Sứ
金光使
A: Satan, Lucifer.
P: Satan, Lucifer.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Quang: ánh sáng. Sứ: sứ quân, nổi lên chiếm cứ đất đai làm vua một cõi.
Kim Quang Sứ là Quỉ vương, Chúa quỉ, mà Thiên Chúa giáo gọi là Satan, Lucifer phản nghịch.
(Điều lưu ý là chúng ta nên viết chữ QUANG có G, nghĩa là ánh sáng, vì Đức Phạm Hộ Pháp có nói: Kim Quang Sứ là một vị Đại Tiên có quyền đem ánh sáng thiêng liêng của Đức Chí Tôn chiếu diệu trong CKVT. Thánh Kinh Thiên Chúa giáo cũng nói:
Satan là quỉ khủng khiếp vì mưu mô, cạm bẫy, lừa dối và thủ đoạn của nó, thích ngụy trang thành Thiên Thần ánh sáng.)
TNHT: "Từ khai Thiên, Thầy đã sanh ra các con, sự yêu mến của một ông cha nhân từ thế quá lẽ, làm cho đến đỗi con cái khinh khi, phản nghịch lại, cũng như Kim Quang Sứ là A-Tu-La, Thánh giáo gọi là Lucifer phản nghịch, náo động Thiên cung. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật còn phàn nàn trách cứ Thầy thay! Các con ôi! Đã gọi là Đấng cầm cân, lẽ công bình thiêng liêng đâu mà Thầy đặng phép tư vị. Thầy lấy lẽ công bình thì tức nhiên phải chiếu theo Thiên điều, mà chiếu theo Thiên điều thì là con cái của Thầy, tức là các con, phải đọa trầm luân đời đời kiếp kiếp. Các con phải ngồi nơi địa vị Thầy thì các con thế nào?
Mỗi phen Thầy đau thảm khóc lóc các con, phải lén hạ trần, quyết bỏ ngôi Chí Tôn xuống lập Đạo, lại bị các con bạc đãi, biếm nhẻ, xua đuổi, bắt buộc đến đỗi phải chịu cho các con giết chết! Ôi! Thảm thay! Các mối Đạo Thầy đã liều thân lập thành đều vào tay Chúa Quỉ hết, nó mê hoặc các con. Nhiều bậc Thiên Tiên còn đọa, huống lựa là các chơn thần khác của Thầy đang nắn đúc thế nào thoát khỏi.
Thầy đã chẳng trách phạt Kim Quang Sứ, lẽ nào lại trách phạt các con, song hình phạt của Thiên điều, dầu chính mình Thầy cũng khó tránh..."
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo Con đường TLHS, Ngài có giải rõ căn cội của Kim Quang Sứ, xin chép ra sau đây:
"Khi ở Ngọc Hư Cung, Linh Tiêu Điện, Bần đạo đặng Thánh lịnh của Đức Chí Tôn sai qua mở cửa CLTG. Buổi ban sơ ấy, tinh thần của Bần đạo còn hoang mang, không biết sao lại còn có bổn phận đi mở CLTG nữa. CLTG là gì? Sao lại phải đi mở? Bần đạo tự hỏi. Tới chừng đi rồi mới biết tình trạng của các đẳng chơn linh đã đoạt vị trong CKVT chịu nạn khảo thí do nơi Kim Quang Sứ. Kim Quang Sứ đã đặng Đức Chí Tôn cho làm Giám khảo kỳ thi Hạ nguơn Tam chuyển, qua Thượng nguơn Tứ chuyển nầy.
Kim Quang Sứ là ai?
Bên Thánh giáo Gia Tô gọi là Quỉ vương đó vậy.
Kim Quang Sứ là một vị Đại Tiên có quyền hành đem ánh sáng thiêng liêng Đức Chí Tôn chiếu diệu trong CKVT. Vị Đại Tiên ấy đã gấm ghé bước vào Phật vị. Cái quyền năng của ông ta đã đoạt đặng tưởng không thua kém Đức Chí Tôn là bao nhiêu, do cái tự kiêu, còn một bước đường nữa mà đoạt không đặng. Nếu người nhường là nhường Đức Chí Tôn mà thôi. Vì người hám vọng, tự tôn tự đại, muốn cầm một quyền lực để điều khiển CKVT, chưa đoạt đặng, mà Ngọc Hư Cung đã biết tinh thần Kim Quang Sứ muốn phản phúc, phản phúc dám đối diện cùng Đức Chí Tôn, mà Ngọc Hư Cung đã biết, cho làm Thống Đốc một thế giới của chúng ta đương thời bây giờ. Thế giới địa hoàn nầy, nếu như người không có tự kiêu tự đại, cái chức tước làm Thống Đốc một thế giới cũng không phải là hèn gì, nhưng người
không vừa lòng, phản lại, mới bị đọa vào Quỉ vị.
Ngày giờ nầy, Đại Tiên Kim Quang Sứ đã đặng ân xá, cũng như các đẳng chơn linh được ân xá, trong Quỉ vị cũng được hưởng hồng ân của Đức Chí Tôn ân xá cũng như toàn thể các chơn hồn trong CKVT. Vì cớ cho nên người Quỉ Chúa ấy lãnh một phận sự tối trọng tối yếu là làm giám khảo, duợt chư Tiên đoạt phẩm vị Phật.
Vì cớ cho nên, người có giáng cơ buổi Đạo đương bình tịnh, cả Thánh Thể Đức Chí Tôn đương hòa ái với nhau, không có tâm tánh gì phản động, chưa có một mảy may gì gọi là loạn, họ còn giữ theo nề nếp chơn truyền của Đức Chí Tôn, mà thinh không Kim Quang Sứ giáng cơ cho một bài thi, chẳng khác nào như tìm đến Thánh Thể của Chí Tôn mà liệng một tối hậu thơ.
Bài thơ ấy như vầy:
Cửu phẩm Thần Tiên nể mặt Ta,
Thích Ca dầu trọng khó giao hòa.
Cửa Kinh Bạch Ngọc năng lui tới,
Đường Đạo Tây phương thử chánh tà.
Chỉ đá hóa vàng đon miệng thế,
Treo gươm trí huệ giục phồn hoa.
Lấy chơn thay giả tô Thiên vị,
Thắng bại phàm tâm liệu thế à!
(Đức Phạm Hộ Pháp chỉ nhắc có 4 câu đầu của bài thi, chúng tôi sưu tầm chép thêm 4 câu sau cho trọn bài thi).
Ngó thấy quyền của người ta như thế đó.
Hại thay, đường đi từ Ngọc Hư Cung qua CLTG buổi nọ bị Kim Quang Sứ ngăn đường không cho đi qua....
Đấng mà dám đưa tay cho kẻ thù địnhphận, quyền năng dường ấy, để khảo duợt toàn con cái của Người, tức nhiên khảo duợt Người, mà Người không có nao không có sợ, thì chúng ta đủ biết quyền phép của Đức Chí Tôn hơn quyền phép của Kim Quang Sứ nhiều lắm. Đối với tinh thần nhơn loại đương nhiên bây giờ, đáng lẽ Đức Chí Tôn gìn giữ kỹ càng lắm, nhưng Người không cần để tâm gìn giữ cho kỹ lưỡng điều đó mà chớ.
Bởi cớ cho nên khi mở Đạo tại Từ Lâm Tự, Ngài đến, cầm cơ viết tên của Ngài, rồi Ngài liền thăng. Ngài cho Quỉ đến đặng phá, phá cho tiêu nền chơn giáo của Ngài. Ngài đã cho phép nó làm, nó vẫn thi hành chớ không sợ sệt e lệ gì cả. Kim Quang Sứ đã thi hành trong hai mươi mấy năm, cả Thánh Thể Đức Chí Tôn và toàn con cái của Ngài nam nữ đang bị tay Kim Quang Sứ tàn hại, đủ mưu chước, đặng hại cho thất đạo, không có một điều gì, một mưu chước gì mà nó không dùng, đặng tàn phá Thánh Thể Đức Chí Tôn, nhưng không phải dễ, dầu quyền lực của Kim Quang Sứ bao nhiêu đi nữa cũng chưa qua khỏi cái mức mà Đức Chí Tôn đã gạch sẵn cho con cái của Ngài đi, thì chúng ta ngó thấy đủ bằng cớ đoạt đặng.
Ngộ nghỉnh thay, tuy biết hay là không biết, Đức Chí Tôn cho Kim Quang Sứ thử con cái của Ngài đặng bỏ cái phàm lấy cái Thánh. . . . . . .
Đức Chí Tôn có thể định được cho mình, mà chính mình phải lập quyền do tài đức của mình; Đức Chí Tôn có thể định vị cho mình, mà mình phải lấy đạo đức của mình mà lập phẩm vị, tức nhiên mình phải chịu khảo duợt, phải thi thố cho đậu mới đoạt phẩm vị cao siêu của mình, rớt phải chịu đọa lạc, không thể chối cải được. Giám khảo ấy rất khó. Huống chi Kim Quang Sứ tự tôn tự đại, không có một chơn hồn nào tới lo lót Kim Quang Sứ đặng cho tôi đoạt được đâu!
Bởi cớ cho nên, Bần đạo phải thuật lại buổi mà Bần đạo vâng Thánh lịnh của Đức Chí Tôn đi mở cửa CLTG.
Buổi ấy, Bần đạo đi với pháp bửu là vân xa, đi ngang từ Ngọc Hư Cung đến CLTG. Khi vân xa đi ngang qua đó, bị Kim Quang Sứ đón đường, không cho đi. Bần đạo đương bối rối, không biết tính làm sao, liền khi ấy ngó thấy Đức Lý Ngưng Dương trong pháp thân Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, cầm cây gậy cà thọt nhảy ra chiến đấu với Kim Qg Sứ.
Bần đạo ngồi trên vân xa suy nghĩ, Đức Lý Ngưng Dương có một mình làm sao đánh lại người ta, thấy ban đầu có một mình Đức Quyền Giáo Tông, bên kia Kim Quang Sứ, hai đàng đánh với nhau không phân thắng bại, bửu bối không biết bao nhiêu, mà bất phân thắng bại, hồi lâu ngó thấy Đức Lý Ngưng Dương đập Kim Quang Sứ một gậy, đập văng hào quang ra đen như lọ nồi, như đập bình mực văng túa xua ra vậy, đập thấy biến ra người thứ nhì nữa. Đằng nầy, cả trong Thánh Thể của Đức Chí Tôn có một Chức sắc Thiên phong mà Bần đạo không nói tên, ra cản đánh với người thứ nhì đó.
Kim Quang Sứ biến ra bao nhiêu thì bên nầy cũng hiện ra bấy nhiêu để đánh nhau. Một trận đại chiến náo nhiệt. Bần đạo ngồi trên vân xa cũng như người ngồi trên máy bay mà khán trận vậy.
Dòm riết mỏi mòn buồn ngủ, ngủ đã rồi thức dậy thấy cũng còn đánh. Ngồi lâu lắm, gục xuống ngủ nữa, làm ba lần như vậy, tới chừng lần thứ ba tỉnh lại thì thấy mặt trận đầy CKVT, lớn quá, bên mình không biết làm thế nào chiến đấu cho lại, không lẽ ngồi trên vân xa nầy hoài, phải có phương pháp gì giúp tay mới đặng.
Bần đạo vừa nghĩ như vậy thì pháp thân của Bần đạo hiện ra một người nữa, hồi Bần đạo ngồi trên vân xa mặc áo trắng y như đạo phục của Bần đạo đi cúng thường ngày, làm bằng gì không biết mà khi mặc vào mình thì nghe trong mình nhẹ nhàng sung sướng làm sao đâu. Tới chừng xuất pháp thân của Bần đạo ra, Bần đạo ngó thấy mặc đồ đại phục mà Bần đạo đương nhái theo, làm theo kiểu đó mà chưa thiệt trúng. Mặc đồ đại phục rồi, tay cầm Giáng Ma Xử với cây Kim Tiên, bay lên giữa không trung ở trên đầu, có người ngồi dưới vân xa. Có một điều là người ngồi dưới, người ở trên mà biết hiểu như một người vậy.
Dòm thấy mặt trận lớn quá, mới cầm cây Kim Tiên (còn Giáng Ma Xử thì không có hình tướng, pháp bửu ấy vô vi). Cây Kim Tiên của Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn, tức là của Thái Sư Văn Trọng giao cho Bần đạo một cây pháp giới, pháp giới ấy để triệt quỉ đừng cho nó lộng trong Đền Thánh của Đức Chí Tôn và đừng cho nó phá con cái của Ngài.
Đến chừng bay giữa không trung, thấy minh mông không biết làm sao gom lại được, để vậy khó đánh lắm, ai ngờ Bần đạo cầm cây Kim Tiên định vẽ vòng gom lại chẳng khác nào vãi cái chài vậy, Bần đạo cầm cây Kim Tiên định thần gom lại, vừa gom thì nó thúc nhặt mặt trận ấy lại, nhỏ lần lần, thấy bên ta đã thắng Kim Quang Sứ.
Bên Đạo của ta là Đức Lý Ngưng Dương đã diệt được bên Kim Quang Sứ, tới chừng rốt cuộc chỉ còn Đức Lý Ngưng Dương đánh với Kim Quang Sứ mà thôi. Đánh nhau một hồi, Đức Lý Ngưng Vương đập Kim Quang Sứ một gậy thì Kim Quang Sứ hóa hào quang đằng vân bay mất.
Đi qua CLTG, phải chăng vì lẽ ấy mà trong đạo giáo nói là Đạo bị bế .
Khi tới cửa CLTG môn ngoại, khi gần tới ngó thấy có hai cái chong chóng quay tròn luôn. Nếu chúng ta lấy trí tưởng tượng chong chóng quay thì mặt dưới lên tới mặt trên ít nữa cũng năm, muời ngàn thước, đặng ngăn CLTG môn ngoại, như vạn lý trường thành, không một người nào qua lọt.
Hai cửa ấy, một cửa hóa hào quang trắng, một cửa hóa hào quang đỏ hồng hồng. Mới ngó thấy hai cửa ấy, Bần đạo không biết gì hết, tới chừng Bần đạo dùng cây Giáng Ma Xử trong thân Bần đạo định thần chỉ ngay vào, bảo ngừng thì nó liền ngừng lại, coi kỹ thì vòng tròn trắng ấy là chữ VẠN. Bần đạo vừa biểu ngừng thì mấy người ở Cực Lạc môn ngoại chạy ùa vào, chừng vô được một mớ, Bần đạo chỉ bên kia biểu ngừng thì cũng chạy vô được một mớ nữa. Vô rồi, thấy có một vị Phật đứng ở trên, hai tay bắt ấn liệng xuống chữ VẠN thì chữ VẠN quay nữa, thành thử họ vô được một mớ.
Khi Bần đạo bắt hai chữ VẠN đứng lại, phải chăng vì nơi Cực Lạc môn ngoại có các đẳng chơn hồn đã đoạt vị mà bị pháp giới đã bế, khiến cho Bần đạo đi đến đó đặng bắt hai chữ VẠN ngừng lại cho họ vào, tới chừng vị Phật kia cho hai chữ VẠN quay trở lại. Bần đạo dám chắc, các đẳng chơn hồn đã vô cửa CLTG đã hết. Đó là do Thánh ý của Đức Chí Tôn chớ không phải theo con mắt của chúng ta tưởng đó là sự tình cờ.
Ấy vậy, Đức Chí Tôn sai qua mở cửa CLTG vì đường từ Linh Tiêu Điện Ngọc Hư Cung qua CLTG buổi nọ bị Kim Quang Sứ đón đường, các vị tăng đồ từ trước có tu mà thành thì không thành vì bị thất bửu pháp nên bị đồ lưu nơi Cực Lạc môn ngoại. Đức Chí Tôn biểu qua đó dẫn các chơn hồn vào cho có ngôi vị nơi CLTG."
Trên đây là lời thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp cho biết lai lịch của Kim Quang Sứ, và vì sao Kim Quang Sứ bị đọa vào Quỉ vị để làm Chúa Quỉ.
Theo Thiên Chúa Giáo thì Quỉ vương được gọi là Satan.
Satan xuất hiện ngay sau khi Thiên Chúa tạo ra Ađam và Êve, mà hình ảnh của nó là con Rắn rất khôn ngoan quỉ quyệt, nhiều mưu chước, nói dối, cám dỗ con người làm điều tội lỗi, chống lại Thiên Chúa. Bà Êve đã bị Satan cám dỗ, bẻ trái cấm ăn, rồi chia cho Ađam cùng ăn, nên bị tội đối với Thiên Chúa. Đó là tội Tổ tông.
Đức Jésus, sau khi chịu phép Giải oan với Thánh Jean rồi, Thiên Chúa khiến Ngài đến nơi đồng vắng đặng chịu cho Ma quỉ cám dỗ. Ngài đã kiêng ăn 40 ngày đêm.
Quỉ cám dỗ đến gần Ngài, nói: Nếu ngươi phải là con của Thiên Chúa thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi. Đức Jésus đáp: Có lời chép rằng, người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Thiên Chúa.
Ma quỉ bèn đem Ngài vào nơi Đền Thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ rồi nói: Nếu ngươi phải là con của Thiên Chúa thì gieo mình xuống đi, vì Chúa sẽ truyền các Thiên sứ đến gìn giữ ngươi và đỡ ngươi trên tay. Đức Jésus nói: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.
Ma quỉ lại đem Ngài lên núi cao, chỉ cho Ngài thấy các nước thế gian cùng sự vinh hiển của các nước ấy và nói: Nếu ngươi quì xuống trước mặt ta mà thờ lạy ta thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy. Ngài liền nói với Ma quỉ: Hỡi Quỉ Satan, ngươi hãy lui ra, vì có lời chép rằng, ngươi phải thờ phượng Thiên Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi và chỉ hầu việc một mình Thiên Chúa mà thôi.
Ma quỉ bèn bỏ đi. Thế là Đức Jésus đã thắng mọi cám dỗ của Satan. Liền đó có các Thiên Thần đến hầu việc Ngài.
Sau đó, Đức Jésus khởi làm nhiệm vụ của Ngài là đi rao truyền Đạo Thánh và phổ độ thâu nhận 12 Thánh Tông Đồ, giảng dạy giáo lý của Đạo Thánh.
Thật ra, Kim Quang Sứ, Satan hay Quỉ vương cũng do nguơn linh của Đức Chí Tôn mà xuất hiện ra, nhưng vì phản phúc, tự tôn tự đại và ác hành mà bị đọa sa vào Quỉ vị. Tài phép của Kim Quang Sứ cao cường lắm, chỉ kém hơn chút ít quyền năng của các Đấng Tiên, Phật mà thôi. Đức Chí Tôn có Tam thập lục Thiên thì Quỉ vương cũng lập thành Tam thập lục Động, rồi nó biến Tam thập lục Động giả làm Tam thập lục Thiên để dối gạt người tu, các danh hiệu Thần, Thánh, Tiên, Phật, cả đến danh hiệu của Đức Chí Tôn, Quỉ vương đều mạo nhận hết, duy chỉ có cái ngai của Đức Chí Tôn là nó không dám lên ngồi mà thôi. Sở dĩ Quỉ vương được như thế là vì Đức Chí Tôn ban cho nó cái quyền to tát ấy để nó làm Giám khảo, khảo duợt và thử thách tất cả chơn linh đang đi trên con đường tu hành
tiến hóa, để chấm thi đậu rớt. Như vậy người thi đậu mới vẻ vang, xứng đáng được ban thưởng cho các phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, còn nếu rớt thì phải tái kiếp luân hồi, học lại các bài học ấy, tới chừng nào thi đậu mới thôi.
Quỉ vương thuộc khối ác trược, còn Tiên Phật thuộc khối thiện thanh, cả hai khối đối nghịch nhau, cũng như Âm với Dương, một bên có khuynh hướng trì xuống, một bên có khuynh hướng kéo lên, cả hai bên tạo thành hai lực đối kháng rất cần thiết để thúc đẩy sự tiến hóa của CKVT. Hai khối đó sẽ hiện hữu mãi mãi, miên viễn bất tận với Định luật Tiến hóa của Càn Khôn, vì nếu một trong hai khối mất đi, sự cân bằng lực không còn nữa thì Luật Tiến hóa không thể hoạt động được, thì đó là sự sụp đổ và hủy diệt của CKVT.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
Kim sa
金砂
A: The golden sand.
P: Le sabre d'or.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Sa: cát.
Kim sa là cát vàng, là loại hạt cát bằng vàng do phép Phật tạo ra.
Đức Phật Thích Ca hiện đang ngự tại Kim Sa Đại Điện trong Lôi Âm Tự, kinh đô của cõi CLTG.
KĐ6C: Lãnh kim sa đặng dự Như Lai.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
KÐ6C: Kinh Ðệ Lục cửu.
Kim thân - Kim thể
金身 - 金體
A: The astral body.
P: Le corps astral.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Thân: thân thể. Thể: thân thể, hình thể.
Kim thân, đồng nghĩa Kim thể, là hình thể thiêng liêng của Đức Phật, tức là chơn thần của Đức Phật.
Bởi vì theo truyền thuyết thì thân thể của Đức Phật Thích Ca có màu da vàng sáng chói, nên gọi là Kim thân.
Nói chung, Kim thân hay Kim thể là chỉ chơn thần quí báu hay xác thân thiêng liêng quí báu của bậc đắc đạo.
TNHT: Tác thành kim thể đắc trường sanh.
BXTCĐTTTP: Hiện kim thân Bồ Tát hóa duyên.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
BXTCÐPTTT: Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần.
Kim thời
今時
A: Modern time.
P: Temps moderne.
Kim: Ngày nay, thời nay. Thời: thời kỳ.
Kim thời là thời buổi ngày nay, thời kỳ mà tiền bạc được coi trọng hơn hết, đạo đức chỉ là thứ yếu.
Đó là thời kỳ cuối cùng của Hạ nguơn, nên gọi là Hạ nguơn mạt kiếp.
Lời tựa TNHT: Bậu bạn lỗi câu tín nghĩa, vợ chồng quên đạo tào khương, mảng vụ chữ kim thời mà phong dời tục đổi.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kim Tiên
Có hai trường hợp:
* Trường hợp 1: Kim Tiên
金仙
A: Archangel.
P: Archange.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Tiên: bực Tiên.
Kim Tiên là phẩm vị Tiên rất cao quí, đối phẩm Phật vị.
Đức Chí Tôn cho biết, Ông Đạo Nhỏ tu trên núi Điện Bà đắc quả Kim Tiên, gọi là Huệ Mạng Kim Tiên. (Xem chữ: Huệ Mạng Kim Tiên, vần H).
* Trường hợp 2: Kim Tiên
金鞭
A: Golden whip.
P: Verge d'or.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Tiên: cây roi.
Kim tiên là cây roi vàng. Đây là một bửu pháp của Đức Hộ Pháp dùng để triệt quỉ trừ ma, không cho chúng lộng hành phá khuấy trong Tòa Thánh và trong bổn đạo.
Cây Kim tiên nầy vốn của Thái Sư Văn Trọng thời Phong Thần. Ngài luyện pháp bửu tạo ra một cặp Kim tiên, Ngài giao cho Đức Phạm Hộ Pháp một cây, Ngài còn giữ một cây. Thái Sư Văn Trọng đắc Thần vị, làm chức Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn, cầm đầu Bộ Lôi Công.
Đức Phạm Hộ Pháp đem cây Kim tiên nầy và cây Long Tu Phiến của Đức Cao Thượng Phẩm trấn pháp tại Trí Huệ Cung Thiên Hỷ Động.
Đức Phạm Hộ Pháp giải thích:
Kim tiên của Bần đạo hiệp với ba Vòng vô vi tức là Diệu quang Tam giáo hay là hình trạng của CKVT, mà đó cũng là tượng ảnh Huệ Quan Khiếu của chúng ta đó vậy.
Kim tiên là gì? là tượng hình ảnh của điển lực điều khiển CKVT, mà chính nơi đó là điển lực, tức nhiên là sanh lực của vạn vật đó vậy. Với nó mới có thể mở đệ bát khiếu. Trong thân người có thất khiếu và còn một khiếu vô hình là Huệ Quan Khiếu, vì nó là điển lực nên nó mở khiếu ấy mới được.
Nói rõ, con người có ngũ quan hữu tướng và lục quan vô tướng, mà phải nhờ cây Kim tiên ấy mới đủ quyền năng mở lục quan của mình đặng.
Ấy là bí pháp trấn tại Thiên Hỷ Động, Trí Huệ Cung. Toàn thể ngó thấy không có gì hết mà trong đó huyền pháp vô biên vô giới, giải thoát đặng cùng chăng là do bao nhiêu đó mà thôi.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Kim tiền
金錢
A: Money
P: Monnaie.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Tiền: tiền bạc để trao đổi mua bán.
Kim tiền là vàng và tiền, chỉ chung về tiền bạc.
Thời kim tiền là thời kỳ hiện nay, tiền bạc được mọi người quí trọng hơn đạo đức.
TĐ ĐPHP: Hiện nay là buổi kim tiền, ưu thắng liệt bại.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Kim tuyến
金線
A: Metal thread.
P: Fil de metal.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Tuyến: sợi dây.
Kim tuyến là sợi dây có màu sáng bóng như kim loại.
Kim tuyến có nhiều màu: vàng, trắng, xanh, hồng.
Các Đạo phục thường sử dụng hai loại kim tuyến: vàng và bạc. Đạo phục của Chánh Trị Sự có viền chỉ kim tuyến vàng; Đạo phục của Phó Trị Sự thì viền chỉ kim tuyến bạc.
Kim tự tháp
金字塔
A: Pyramid.
P: Pyramide.
Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Tự: chữ. Kim tự: chữ Kim. Tháp: cái tháp cất cao lên.
Kim tự tháp là cái tháp nhọn có hình giống chữ 金 Kim.
Các Kim tự tháp ở nước Ai Cập nổi tiếng là kỳ quan của thế giới. Các vua Pharaon Ai Cập thời thượng cổ xây dựng những ngôi tháp khổng lồ gồm nhiều tầng chồng lên nhau thành hình chữ Kim làm nơi an nghỉ vĩnh viễn cho thể xác, mà thể xác nầy được ướp để không hư hoại với thời gian.
Nổi tiếng nhứt là quần thể 3 Kim tự tháp (KTT) ở cao nguyên Giza, cách thủ đô Cairo của Ai Cập chừng 8 dặm về hướng Tây, được xây dựng khoảng năm 2600 trước Tây Lịch.
1. Kim tự tháp lớn nhất Khéops: Khéops là Pharaon Ai Cập khoảng năm 2650 trước TL. Kim tự tháp Khéops cao 148 mét, đáy hình vuông mỗi cạnh đo được 233 mét. Người ta phải dùng 2 311 000 tảng đá để xây dựng kim thự tháp nầy, mỗi tảng đá nặng từ 2 tấn đến 16 tấn.
2. Kim tự tháp Khéphren: Ông nầy là Pharaon kế vị Khéops. Kim thự tháp Khephren nhỏ hơn KTT Khéops một chút, cao 136 mét, kết cấu giống như KTT Khéops.
3. Kim tự tháp Mykérinos: Mykérinos là Pharaon kế vị Khéphren. KTT nầy nhỏ hơn 2 KTT trên, chỉ cao 66 mét.
Ngoài ra nơi đây còn có một pho tượng Nhân Sư (Sphinx) vĩ đại. Đó là một con vật huyền thoại, mình sư tử, đầu người, tượng trưng sự dũng mãnh và trí thông minh. Tượng Nhân sư dài 57 mét, cao 20 mét, được tạc bằng đá nguyên khối, biểu tượng cho Khéphren, canh giữ phần mộ của mình.
Đó là các Kim tự tháp hữu hình làm mồ chôn các vua Pharaon ở Ai Cập.
Nơi cõi thiêng liêng, theo lời thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp trong con đường TLHS, kinh đô của CLTG gọi là Niết Bàn Cảnh có một Kim tự tháp rất giống Kim tự tháp Ai Cập.
"Có một điều chúng ta nên để ý hơn hết là tại cửa Kim tự tháp ấy có một cây dương lớn lắm, chúng ta không thể gì tả được, hình tướng cái lá của nó nhỏ như sợi chỉ, nó bao trùm lên Kim tự tháp ấy, nếu lấy con mắt phàm của chúng ta quan sát bề mặt của nó, chúng ta tưởng tượng lối chừng vài trăm kilô mét vậy, ngó không có cùng, thấy mút con mắt. Trong cái bí pháp của Niết Bàn Cảnh là cây dương ấy, mỗi lá dương đều có giọt nước cam lồ, mỗi giọt nước là một căn mạng trong CKVT.
Kim tự tháp có từng có nấc, hằng hà sa số chư Phật, chúng ta không thể đếm được, mỗi từng ngồi trên liên đài của họ, mà thấy hằng hà sa số, đủ hết."
Tại cửa Kim tự tháp ấy có một liên đài rực rỡ quí báu vô cùng, là đài ngự của Đức Di-Lạc Vương Phật. Buổi trước đài ấy của Đức Phật A-Di-Đà, nhưng khi Đức Chí Tôn mở ĐĐTKPĐ, liên đài ấy giao lại cho Đức Phật Di-Lạc, còn Đức A-Di-Đà vào ngự nơi Lôi Âm Tự cùng với Đức Phật Thích Ca.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
Kim viết
今曰
Kim: Ngày nay, thời nay. Viết: nói rằng, gọi rằng.
Kim viết là ngày nay nói rằng, ngày nay gọi rằng.
TNHT: Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã, Thích Ca Mâu Ni thị Ngã, Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã, kim viết Cao Đài.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KINH
KINH
KINH: 經 có mấy nghĩa sau đây:
1. KINH: Kinh sách.
Td: Kinh cúng tứ thời.
2. KINH: Sửa trị, hoạch định.
Td: Kinh dinh, Kinh luân.
3. KINH: Đạo thường không biến đổi.
Td: Kinh quyền.
4. KINH: Đường dọc, trải qua.
Td: Kinh Thiên vĩ địa.
Kinh bang tế thế
經邦濟世
A: To govern the state and to help the humanity.
P: Gouverner l'état et secourir le monde.
Kinh: Sửa trị, hoạch định. Bang: một nước. Tế: cứu giúp. Thế: đời.
Kinh bang tế thế là trị nước cứu đời.
Người có tài kinh bang tế thế là người tài đức cao siêu, giúp nước giúp dân được yên ổn thịnh vượng, an cư lạc nghiệp.
Kinh cung chi điểu
驚弓之鳥
Kinh: sợ hãi. Cung: cây cung. Chi: hư tự. Điểu: con chim.
Kinh cung chi điểu là con chim sợ cây cung.
Khi một con chim đã bị cây cung bắn cho một lần bị thương tích rồi, sau đó gặp lại cây cung hay gặp một cành cây cong cong giống hình cây cung thì nó hoảng sợ, liền bay tránh xa chỗ khác.
Kinh cúng tứ thời
經供四時
A: The daily four hours prayers.
P: Les prières quotidiennes à quatre temps.
Kinh: Kinh sách. Cúng: dâng lễ vật lên các Đấng thiêng liêng và lạy để tỏ lòng kính trọng. Tứ thời: 4 thời điểm.
Tứ thời là 4 thời điểm trong một ngày đêm mà hai khí Âm Dương có sự biến đổi đặc biệt:
· Thời Tý: lúc 0 giờ, khí Dương khởi sanh.
· Thời Ngọ: lúc 12 giờ trưa, khí Âm khởi sanh.
· Thời Mẹo: lúc 6 giờ sáng, 2 khí Âm Dương giao hòa.
· Thời Dậu: lúc 18 giờ tối, 2 khí Âm Dương giao hoà.
Kinh cúng tứ thời là những bài kinh dùng để tụng trong bốn thời cúng kể trên tại Thánh Thất hay Điện Thờ Phật Mẫu.
■ Tại Thánh Thất hay tại tư gia: Kinh cúng tứ thời gồm các bài kinh cúng Đức Chí Tôn và ba Đấng Giáo chủ Tam giáo, kể ra sau đây:
· Niệm Hương.
· Khai Kinh.
· Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế.
· Kinh Phật giáo.
· Kinh Tiên giáo.
· Kinh Nho giáo.
· Bài Dâng rượu (nếu cúng vào thời Tý và Ngọ).
· Bài Dâng trà (nếu cúng vào thời Mẹo và Dậu).
· Ngũ Nguyện.
■ Tại Điện Thờ Phật Mẫu: Các bài kinh cúng tứ thời tại Điện Thờ Phật Mẫu là:
· Niệm Hương.
· Khai Kinh.
· Phật Mẫu Chơn Kinh.
· Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
· Bài Dâng rượu (nếu cúng vào thời Tý và Ngọ).
· Bài Dâng trà (nếu cúng vào thời Mẹo và Dậu).
· Ngũ Nguyện.
Trong trường hợp có dâng sớ cầu nguyện thì thài đủ ba bài Dâng Tam bửu: Bông, Rượu, Trà.
Kinh dinh (Kinh doanh)
經營
A: To organise business.
P: Organiser des affaires.
Kinh: Sửa trị, hoạch định. Dinh: Doanh, chỉ việc làm ăn mua bán.
Kinh dinh hay Kinh doanh là sắp đặt việc làm ăn mua bán hay sản xuất để sinh ra lợi lộc.
KĐRĐ: |
Dòm thấy cuộc kinh dinh dưới mắt.
E trở tâm, tánh bắt đổi thay. |
KÐRÐ: Kinh đi ra đường.
Kinh điển
經典
A: The canonical books.
P: Les livres canoniques.
Kinh: Kinh sách. Điển: chuyện xưa tích cũ.
Kinh điển là những kinh sách ghi chép các sự việc xưa và các phép tắc đời xưa, để làm khuôn mẫu cho đời sau học tập và bắt chước noi theo.
PCT: Vậy chúng nó có quyền xem xét kinh điển trước lúc phổ thông. (Chúng nó: Đức Chí Tôn gọi 3 vị Chưởng Pháp).
PCT: Pháp Chánh Truyền.
Kinh kệ
經偈
A: The prayers.
P: Les prières.
Kinh: Kinh sách. Kệ: bài thi để ngâm mà nội dung tóm tắt ý nghĩa của một bài kinh, hay để cầu nguyện.
Kinh kệ là chỉ chung các bài kinh và các bài kệ thường dùng để tụng đọc và ngâm trong nghi thức cúng tế của tôn giáo.
Kinh luân
經綸
A: Administrative cleverness.
P: Habileté administrative.
Kinh: Đường dọc, trải qua. Luân: trong công việc của người thợ dệt, chia các mối tơ theo chiều dọc gọi là Kinh, so những mối tơ lại cho bằng đầu gọi là Luân.
Kinh luân là sắp đặt các mối tơ cho đúng chỗ để dệt ra tấm lụa đẹp. Nghĩa bóng, Kinh luân là sự khéo léo sắp đặt và sửa sang các việc chánh trị trong nước được trật tự, ổn định và phát triển tốt đẹp.
TNHT: Kinh luân nặng túi ấy nguồn nhân.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kinh luật
經律
A: The canonical books and laws.
P: Les livres canoniques et lois.
Kinh: Kinh sách. Luật: luật pháp.
Kinh luật là kinh sách và luật pháp.
PCT: Như thảng có kinh luật nào làm cho hại phong hóa thì chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản. (Chúng nó: Đức Chí Tôn gọi 3 vị Chưởng Pháp).
PCT: Pháp Chánh Truyền.
Kinh lý
經理
Kinh: Đường dọc, trải qua. Lý: sắp đặt, sửa sang.
· Kinh lý là cấp lớn của chánh quyền đi xem xét công việc của các cấp nhỏ hành sự ở địa phương.
· Khi xưa, Kinh lý có nghĩa là đo đạc.
Phòng Kinh lý họa đồ là một cơ quan do Đức Phạm Hộ Pháp lập ra, có nhiệm vụ đo đạc đất đai, phóng đường, phân lô đất để xây dựng cơ quan Đạo, cất nhà, nền phố, khu vực chợ búa và vẽ họa đồ Châu thành Thánh địa.
Kinh quyền
經權
Kinh: Đạo thường không biến đổi. Quyền: nghĩa đen là quả cân, nghĩa bóng là đạo dùng khi biến, không nhất định, cũng như quả cân, phải thêm bớt tùy theo muốn cân vật nặng hay nhẹ.
Quyền thì trái với Kinh. Quyền thì tùy trường hợp mà biến đổi, nên gọi là quyền biến; còn Kinh thì giống như luật, không thay đổi được.
Kinh quyền là nói về cách xử lý công việc hay cách xử thế, trong Đạo cũng như ngoài Đời, có khi phải cứng rắn theo đúng qui luật (Kinh), có lúc phải gia giảm cho hợp hoàn cảnh (Quyền) để thi hành cho đạt kết quả, miễn là không trái đạo lý.
Cổ nhơn có nói: Xử thường chấp kinh, ngộ biến tùng quyền. Nghĩa là: Lúc bình thường thì xử sự theo đúng đạo thường, khi gặp biến thì phải tùy tình thế mà đối xử, không nên quá câu nệ phép tắc mà hư việc, miễn là không trái đạo lý để đạt được thành công.
Kinh sử
經史
A: The classics and histoty.
P: Les classiques et histoire.
Kinh: Kinh sách. Sử: lịch sử.
Kinh sử là các sách kinh điển và sách lịch sử.
Cái học của Nho giáo thời xưa là học Ngũ Kinh và học lịch sử. Ngũ Kinh gồm: Thi, Thư, Lễ Nhạc, Dịch và Xuân Thu.
Thành ngữ: Nấu Sử xôi Kinh cũng nằm trong nghĩa ấy.
Kinh Thánh
經聖
A: Bible, Saint book.
P: Bible, Livre saint.
Kinh: Kinh sách. Thánh: bực Thánh.
Kinh Thánh hay Thánh kinh là quyển sách chép các lời dạy bảo của các bực Thánh, Tiên, Phật và Thượng Đế, làm căn bản cho Giáo lý, Triết lý và Nghi lễ của một tôn giáo.
■ Đạo Do Thái có Kinh Thánh Cựu Ước, còn gọi là Sấm Truyền Cũ. Đây chính là Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa Ước giữa Trời và Người, mà Thánh Moðse công bố cho nhơn loại biết vào thời Nhứt Kỳ Phổ Độ.
■ Đạo Thiên Chúa có Kinh Thánh Tân Ước. Đây chính là Đệ nhị Thiên Nhơn Hòa Ước giữa Trời và Người mà Đức Chúa Jésus công bố cho nhơnloại biết vào thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
■ Đạo Hồi (Hồi giáo) có Thánh Kinh Coran, chép lại các lời giảng dạy của Giáo chủ Mahomet.
■ Đạo Cao Đài ngày nay có Thánh Kinh là quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Đây cũng chính là Thiên Nhơn Hòa Ước giữa Trời và Người vào thời Tam Kỳ Phổ Độ.
Kinh Thiên vĩ địa
經天緯地
Kinh: Đường dọc, trải qua. Thiên: Trời. Vĩ: đường ngang. Địa: đất.
Kinh vĩ tức kinh tuyến và vĩ tuyến, đường dọc và ngang.
Kinh vĩ là ý nói dọc ngang, ngang dọc, chí khí của kẻ làm trai tung hoành bốn biển.
Kinh Thiên vĩ địa là dọc ngang Trời Đất, chỉ người có tài năng và khí phách anh hùng.
Kinh thoa bố quần
荊釵布裙
Kinh: cây gai mọc ở thôn quê bên Tàu. Thoa: cái trâm cài tóc của phụ nữ. Bố: vải bố. Quần: ý nói quần áo.
Kinh thoa bố quần là dùng cây gai làm trâm, dùng vải bố may áo quần, ý nói người phụ nữ tiết kiệm, không se sua xa xí, để dành tiền bạc lo cho gia đình.
Kinh Vô Tự
經無字
A: The divine book without characters.
P: Le livre divin sans caractères.
Kinh: Kinh sách. Vô Tự: không chữ, giấy trắng không có chữ.
Kinh Vô Tự là quyển kinh không chữ.
Đây là một quyển sách rất huyền diệu nơi cõi thiêng liêng, mà khi một chơn hồn đến đứng trước quyển kinh nầy, dở sách ra xem thì chữ mới bắt đầu hiện ra, ghi rõ tên họ của chơn hồn, rồi kể rõ ra tất cả hành tàng thiện ác của chơn hồn trong suốt một kiếp sống nơi cõi trần, không có điều gì ẩn giấu được. (Xem chi tiết nơi chữ: Vô Tự Kinh, vần V)
KĐ5C: |
Lần vào Cung Ngọc Diệt Hình,
Khai Kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên. |
KÐ5C: Kinh Ðệ Ngũ cửu.
KÍNH
KÍNH
KÍNH: 敬 Tôn trọng, cung kính.
Chữ nầy còn đọc một âm nữa là Kỉnh.
Td: Kính lão đắc thọ, Kỉnh lễ, Kính tuân.
Kính cáo
敬告
A: Respectful notice.
P: Avis respectueux.
Kính: Tôn trọng, cung kính. Cáo: báo cho biết.
Kính cáo là báo cáo một cách kính cẩn.
Kính lão đắc thọ
敬老得壽
A: If you respect the olds, you will enjoy a long life.
P: Respectez les vieillards, vous jouirez d'une longue vie.
Kính: Tôn trọng, cung kính. Lão: người già. Đắc: được. Thọ: sống lâu.
Kính lão đắc thọ là biết kính trọng người già thì sẽ được sống lâu.
Đây là câu nói thường dùng để khuyên nhủ các thanh thiếu niên phải kính trọng người lớn tuổi, nhường nhịn người già thì hưởng được phước và sẽ được sống lâu.
Kính lễ (Kỉnh lễ)
敬禮
A: To offer respectfully.
P: Offrir respectueusement.
Kính: Tôn trọng, cung kính. Lễ: phẩm vật dâng cúng.
Kính lễ hay Kỉnh lễ là dâng lên phẩm vật để bày tỏ lòng kính trọng.
BDH: Năm sắc hoa tươi xin kỉnh lễ.
BDH: Bài Dâng Hoa.
Kính nhi viễn chi
敬而遠之
Kính: Tôn trọng, cung kính. Nhi: mà. Viễn: xa. Chi: tiếng đệm (hư tự).
Kính nhi viễn chi là kính trọng mà phải xa ra, không nên gần gũi.
Đức Khổng Tử có nói rằng: Kính quỉ thần nhi viễn chi, khả vị trí hỉ. Phi kỳ quỉ nhi tế chi siểm dã.
Nghĩa là: Kính trọng các quỉ thần mà lánh ra xa là khá khôn ngoan vậy. Chẳng phải quỉ mà cúng tế là dua bợ vậy.
Kính thành (Kỉnh thành)
敬誠
A: Respectful and sincere.
P: Respectueux et sincère.
Kính: Tôn trọng, cung kính. Chữ nầy còn đọc một âm nữa là Kỉnh. Thành: thành thật.
Kính thành hay Kỉnh thành là cung kính và thành thật.
NH: Kỉnh thành cầu nguyện Tiên gia chứng lòng.
NH: Niệm Hương.
Kính tuân
敬遵
A: Respectful admiration.
P: Admiration respectueuse.
Kính: Tôn trọng, cung kính. Tuân: làm đúng theo lời dạy bảo của bề trên.
Kính tuân là tôn kính và làm đúng theo lời dạy bảo.
TNHT: Chưa đặng bao lâu mà lời dạy bảo chẳng còn chút nét kính tuân.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KỲ
KỲ
1. KỲ: 其 Cái kia, cái ấy.
Td: Kỳ dư, Kỳ trung.
2. KỲ: 期 Hạn định, trông mong.
Td: Kỳ vọng.
3. KỲ: 祈 Cầu xin.
Td: Kỳ an (Kỳ yên), Kỳ đảo.
4. KỲ: 奇 Lạ lùng, ít thấy.
Td: Kỳ cùng.
5. KỲ: 耆 Người già trên 60 tuổi.
Td: Kỳ lão, Kỳ mục.
6. KỲ: 騏 Tên loại ngựa hay.
Td: Kỳ ký.
7. KỲ: 麒 Tên loài thú linh.
Td: Kỳ lân.
8. KỲ: 旗 Lá cờ.
Td: Kỳ xí.
Kỳ an (Kỳ yên)
祈安
A: To pray for peace.
P: Prier pour la paix.
Kỳ: Cầu xin. An: yên ổn.
Kỳ an hay Kỳ yên là cầu an, cầu xin cho được bình yên.
Lễ Kỳ an là cuộc lễ cúng tế Thần linh để cầu nguyện cho dân cư trong vùng được bình an.
Kỳ dư
其餘
A: The rest.
P: Le reste.
Kỳ: cái kia. Dư: thừa ra.
Kỳ dư là ngoài ra, còn những cái khác nữa.
PCT: Như đặng hàng Lễ Sanh mới mong bước qua đặng hàng Chức sắc. Kỳ dư Thầy phong thưởng riêng mới qua khỏi ngả ấy mà thôi.
PCT: Pháp Chánh Truyền.
Kỳ đảo
祈禱
A: To pray.
P: Prier.
Kỳ: cầu xin. Đảo: cúng tế xin Thần ban phước.
Kỳ đảo là cúng tế cầu xin Thần linh ban phước.
Kỳ hào
耆豪
A: Notables.
P: Notables.
Kỳ: người già. Hào: người tài giỏi đáng kể.
Kỳ hào là người già cả có tài năng và uy tín.
Kỳ Hiên
岐軒
Kỳ: ông Kỳ Bá. Hiên: vua Hiên Viên Huỳnh Đế.
Theo cổ sử Trung Hoa, vua Hiên Viên Huỳnh Đế sai Ông Kỳ Bá viết sách thuốc dạy nghề y dược, trị bịnh cho dân.
Hiên Kỳ là Ông Kỳ Bá đời vua Hiên Viên Huỳnh Đế, là Ông Tổ của ngành y dược.
Do đó, đôi liễn của Y Viện là:
Y nghiệp thuật Kỳ Hiên diệu dược hạnh lâm trừ vạn bệnh,
Viện đường thâm võ lộ tế nhơn công đức phục hồi xuân.
(Xem giải nghĩa đôi liễn nơi chữ Y Viện, vần Y)
Kỳ hy
Có hai trường hợp:
* Trường hợp 1: Kỳ hy
期頤
A: Hundred years.
P: Cent ans.
Kỳ: hạn định. Hy: cũng đọc là Di: nuôi dưỡng.
Kỳ hy, cũng đọc Kỳ di, là 100 tuổi.
Sách Ấu Học Quỳnh Lâm viết rằng: Bá tuế viết Thượng thọ, Bát thập viết Trung thọ, Lục thập viết Hạ thọ. Bát thập viết Điệt, cửu thập viết Mạo, bá tuế viết Kỳ hy.
Nghĩa là: 100 tuổi gọi là Thượng thọ, 80 tuổi gọi là Trung thọ, 60 tuổi gọi là Hạ thọ. 80 tuổi gọi là Điệt, 90 tuổi gọi là Mạo, 100 tuổi gọi là Kỳ hy (Kỳ di).
* Trường hợp 2: Kỳ hy
奇希
A: Rare.
P: Rare.
Kỳ: lạ lùng. Hy: hiếm có.
Kỳ hy là lạ lùng hiếm có.
Kỳ ký
騏驥
Kỳ: tên một loài ngựa hay. Ký: tên một loại ngựa hay, mỗi ngày chạy được ngàn dặm (thiên lý mã).
Ký ký là hai giống ngựa chạy rất giỏi, chỉ người tài giỏi vượt bực.
Chiến Quốc sách viết: Kỳ ký thịnh tráng chi thời, nhất nhật nhi tri thiên lý. Nghĩa là: Ngựa Kỳ ngựa Ký lúc đang mạnh khỏe, mỗi ngày chạy được ngàn dặm.
TNHT: Quanh đường chớ cậy chơn Kỳ ký.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kỳ lão
耆老
A: The old people.
P: Les vieillards.
Kỳ: Người già trên 60 tuổi. Lão: ông già.
Kỳ lão là những người già trên 60 tuổi.
TĐ ĐPHP: Niên cao kỷ trưởng thì vào hàng kỳ lão.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Kỳ lân
麒麟
A: Unicorn.
P: Licorne.
Kỳ: loài thú linh thời xưa, rất hiền lành, thuộc loài nai, ngày nay đã tuyệt chủng. Kỳ là con đực, Lân là con cái, nên gọi chung là Kỳ lân.
Tương truyền, Kỳ lân có hình dáng giống như con nai, mình vằn, đuôi trâu, vú ngựa, có một sừng trên đầu, rất hiền lành, không ăn sanh vật, nên được gọi là Nhân thú 仁獸.
Kỳ lân có tánh linh, khi nào có chúa Thánh ra cứu đời thì Kỳ lân xuất hiện báo trước điềm lành.
Trong cuộc đời của Đức Khổng Tử, Kỳ lân xuất hiện hai lần: Lần thứ nhứt, báo tin có Thánh nhân ra đời. Lần thứ nhì xuất hiện con Kỳ lân què, báo tin Thánh nhân qui Thiên.
- Lần thứ nhứt: Kỳ lân đến trước mặt Bà Nhan thị (Trưng Tại) đang mang thai Đức Khổng Tử, nằm phục ngay xuống, nhả ra một cái ngọc xích có chữ viết rằng: Con nhà Thủy Tinh nối đời suy Châu mà làm vua không ngôi. Sau đó Bà Nhan thị sanh ra Đức Khổng Tử.
- Lần thứ nhì: Mùa xuân năm Lỗ Ai Công thứ 14, người nước Lỗ đi săn, bắt được con Kỳ lân què một chân. Đức Khổng hay được đến xem, rồi bưng mặt khóc. Về nhà Ngài than với học trò: Đạo ta đến lúc cùng. (Xem chi tiết: Đức Khổng Tử, vần Kh)
Ba năm sau, Đức Khổng Tử mất, thọ 73 tuổi.
Kỳ mục
耆目
A: Notables of the village.
P: Notable du village.
Kỳ: người già. Mục: mắt, chỉ người nhiều hiểu biết.
Kỳ mục là những người già có nhiều hiểu biết và uy tín trong làng.
Kỳ ngộ
奇遇
A: Happy meeting.
P: Heureuse rencontre.
Kỳ: lạ lùng. Ngộ: gặp.
Kỳ ngộ là gặp gỡ bất ngờ một cách lạ lùng.
Kỳ phùng địch thủ
棋逢敵手
A: Redoutable adversary at chess.
P: Adversaire redoutable en jeu d'échecs.
Kỳ: cờ tướng. Phùng: gặp. Địch: kẻ địch ngang tài. Thủ: tay. Địch thủ: kẻ địch đồng tài đồng sức.
Kỳ phùng địch thủ là cuộc đánh cờ mà gặp kẻ địch tài sức ngang nhau.
Kỳ thị
歧視
A: To distinguish.
P: Distinguer.
Kỳ: khác nhau. Thị: xem.
Kỳ thị là xem khác nhau, tức là đối đãi phân biệt.
Kỳ thị chủng tộc là đối đãi với người da trắng thì tôn trọng, đối với người da đen thì khinh rẻ.
Kỳ thực
其實
A: In reality.
P: En réalité.
Kỳ: cái ấy. Thực: thật.
Kỳ thực: Thật ra là, thực tế là.
Kỳ trung
其中
A: Inside.
P: En dedans.
Kỳ: cái ấy. Trung: trong, ở trong.
Kỳ trung là ở trong ấy, những cái trong ấy.
TNHT: Chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn một khối chất chứa vàn vàn muôn muôn sanh vật.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kỳ truyền
其傳
A: True doctrine.
P: Vraie doctrine.
Kỳ: cái ấy. Truyền: trao lại, ý nói cái Giáo lý chơn thật truyền lại.
Kỳ truyền là cái giáo lý chơn thất ấy được truyền lại.
Kỳ trung thọ đắc kỳ truyền: Ở trong ấy nhận được cái chơn truyền ấy.
TNHT: "Kỳ truyền đã thất, chư sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào."
"Nguyên từ buổi bế đạo, tuy chánh pháp ra cũ mặc dầu, chớ kỳ trung thọ đắc kỳ truyền. Luật lệ tuy cũ chớ đạo vẫn như nhiên, do công đức mà đắc đạo cùng chăng."
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Kỳ vọng
期望
A: To hope.
P: Espérer.
Kỳ: mong mỏi. Vọng: trông ngóng.
Kỳ vọng là mong mỏi trông chờ.
Kỳ xí
旗幟
A: The flags.
P: Les drapeaux.
Kỳ: lá cờ. Xí: một loại cờ dùng trong quân đội.
Kỳ xí là nói chung các loại cờ.
KÝ
KÝ
1. KÝ: 寄 Gởi.
Td: Ký sinh, Ký thác.
2. KÝ: 既 Đã qua, xong việc.
Td: Ký tế.
3. KÝ: 記 Ghi chép, ghi nhớ.
Td: Ký sự.
Ký qui tam xích thổ
既歸三尺土
Ký: Đã qua, xong việc. Qui: trở về. Tam xích: ba thước. Thổ: đất.
Ký qui tam xích thổ: Đã về ba thước đất, ý nói thể xác của con người đã chết, đem chôn xuống 3 thước đất (thước Tàu).
Trong Minh Tâm Bửu Giám, sách Cảnh Hành lục viết:
Vị qui tam xích thổ, nan bảo nhất sinh thân;
Ký qui tam xích thổ, nan bảo bách niên phần.
Nghĩa là:
Chưa về ba thước đất, khó giữ một thân sống của mình,
Đã về ba thước đất, khó giữ nấm mộ được trăm năm.
Ký sinh
寄生
A: Parasite.
P: Parasite.
Ký: Gởi. Sinh: sống.
Ký sinh là sống gởi, tức là sống nhờ vào người khác.
Sinh ký tử qui: Sống gởi thác về.
Ký sự
記事
A: To take note of an event.
P: Noter un événement.
Ký: Ghi chép, ghi nhớ. Sự: việc.
Ký sự là ghi chép các việc.
Văn ký sự là lối văn chép lại các việc mắt thấy tai nghe.
Ký tế
Có hai trường hợp:
* Trường hợp 1: Ký tế
既濟
Ký: Đã qua, xong việc. Tế: vượt qua sông, nên, thành.
Ký tế là đã vuợt qua sông, đã nên, đã thành.
Trong Kinh Dịch, quẻ thứ 63 là là quẻ Thủy Hỏa Ký tế, và quẻ 64 chót là quẻ Hỏa Thủy Vị tế.
Quẻ 63: Thủy Hỏa Ký tế gồm bên trên là Khảm (Thủy), bên dưới là Ly (Hỏa). Hoả (lửa) ở dưới đun Thủy (nước) bên trên làm cho nước sôi, tạo thành áp suất, gây ra năng lực hữu ích dùng để chạy máy hơi nước. Lửa giúp nước tạo thành năng lực, tức là thành công kết quả.
Cho nên, Thoán Từ của quẻ nầy viết:
Ký tế: Hanh tiểu, lợi trinh. Sơ cát, chung loạn.
Nghĩa là: Đã xong: Hanh thông, nếu làm nốt các việc nhỏ, cố giữ được những việc đã thành rồi thì mới lợi. Mới đầu thì tốt, cuối cùng thì loạn (hư hết).
Quẻ 64: Hỏa Thủy Vị tế, ngược với quẻ 63: Ly (Hỏa) trên Khảm (Thủy) dưới, nên Hỏa không giúp gì được Thủy.
Vị tế là chưa qua sông, tức là chưa xong, chưa thành.
* Trường hợp 2: Ký tế
既際
Ký: Đã qua, xong việc. Tế: giao tiếp, khoảng hai bên vừa gặp nhau.
Ký tế là hai bên vừa giao tiếp xong với nhau.
Lấy hai chung nước Âm Dương (chung nước trà và chung nước trắng) cúng trên Thiên Bàn, đặt kề nhau, nghiêng từ từ hai chung nước cho hai mặt nước (nước trà và nước trắng) giao tiếp nhau, gọi là Âm Dương ký tế. Đó là cách luyện Cam lồ thủy dùng trong Phép Độ thăng. (Xem chữ: Độ Thăng, vần Đ)
Ký thác
寄托
A: To confide.
P: Confier.
Ký: Gởi. Thác: giao phó cho.
Ký thác giao phó cho người khác trông nom giúp.
Ký thành
既成
A: To achieve.
P: Achever.
Ký: Đã qua, xong việc. Thành: xong, thành công.
Ký thành là đã làm xong, đã thành công.
TNHT: |
Ký thành một cuốn gọi Thiên thơ,
Khai Đạo muôn năm trước định giờ. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KỶ
KỶ
1. KỶ: 己 Mình, chính mình.
Td: Kỷ sở bất dục.
2. KỶ: 紀 Giềng mối, phép tắc, biên chép.
Td: Kỷ cương, Kỷ nguyên.
Kỷ cương
紀綱
A: The rules.
P: Les règles.
Kỷ: Giềng mối, phép tắc, biên chép. Cương: giềng mối.
Kỷ cương là phép tắc chánh yếu làm giềng mối cho mọi hoạt động, phép tắc từ các đời trước để lại.
TĐ ĐPHP: Ngài còn sắp đặt một kỷ cương để cho tinh thần nó vi chủ hình hài nó.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Kỷ luật - Ban Kỷ Luật
紀律 - 班紀律
A: The discipline.
P: La discipline.
Kỷ: Giềng mối, phép tắc, biên chép. Luật: pháp luật.
Kỷ luật là toàn thể những điều qui định cần phải theo để giữ gìn trật tự trong một cơ quan.
Ban Kỷ luật hay Hội Đồng Kỷ luật là một bộ phận đặt ra để xử trị những người vi phạm kỷ luật.
Tân Luật của Đạo qui định Cửu Trùng Đài có Hội Công Đồng, xem như đây là Hội Đồng Kỷ Luật của CTĐ, để xử trị Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu vi phạm kỷ luật của CTĐ.
Đối với các Chức sắc HTĐ và Cơ Quan Phước Thiện, hai vị Thời Quân Tiếp Pháp và Hiến Pháp lập quyền nội trị trong Đạo thành lập Ban Kỷ Luật cho HTĐ và cho CQPT, để xử trị những trường hợp vi phạm kỷ luật ở mức độ nhẹ.
Sau đây, xin trích ra Chương ba và Chương bốn trong tập tài liệu QUYỀN TƯ PHÁP và NỘI TRỊ ĐẠO, thành lập Ban Kỷ Luật CQPT và Ban Kỷ Luật HTĐ:
Chương ba: BAN KỶ LUẬT.
Nghĩ vì Đạo Luật Mậu Dần (1938) lập thành Cơ Quan Phước Thiện có Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, đối phẩm Chức sắc CTĐ, phân ra từ Chí Thiện trở lên là hàng Thánh Thể, còn từ Giáo Thiện sắp xuống là hàng nhơn sanh, nhưng từ trước CQPT hoàn toàn chịu dưới quyền của Đức Hộ Pháp, về thăng thưởng cũng như về răn phạt. Hôn nay, Đức Hộ Pháp đã về thiêng liêng vị, nên những việc tranh tụng hay vi phạm luật pháp của Đạo từ phẩm Giáo Thiện sắp xuống Đạo sở, không có Hội Công Đồng xét xử y như bên CTĐ.
Chiếu Vi Bằng số 6/VB phiên nhóm ngày 19-3-Bính Ngọ (dl 9-4-1966), Hội Thánh HTĐ quyết định thành lập Ban Kỷ Luật cho CQPT để xét xử từ phẩm Giáo Thiện sắp xuống, nên Đức Thượng Sanh ban hành Thánh Lịnh số 61/TL ngày 24-3-Bính Ngọ (dl 14-4-1966) thành lập Ban Kỷ Luật cho CQPT.
Điều thứ 11: Thành phần Ban Kỷ Luật nầy gồm có:
· Chủ Tọa: 1 vị Chơn Nhơn.
· Nghị án: 2 vị Đạo Nhơn.
· Buộc án: 1 vị Chí Thiện.
· Biện hộ: 1 vị Chí Thiện.
· Chép án: 1 vị Giáo Thiện.
Điều thứ 12: Ban Kỷ Luật nầy được quyền xét xử những vụ tranh tụng hay phạm luật pháp từ phẩm Giáo Thiện sắp xuống Đạo sở nam nữ Phước Thiện. Hồ sơ do Bộ Pháp Chánh điều tra chuyển qua.
Điều thứ 13: Ban Kỷ Luật sẽ chiếu theo các luật lệ đã qui định ở điều thứ 8 để xét xử và định hình phạt bị can.
Điều thứ 14: Ban Kỷ Luật nầy xử chung thẩm và có quyền xử đến trục xuất y như Hội Công Đồng CTĐ nhưng bản án phải có sự duyệt y của Chưởng quản Bộ Pháp Chánh.
Điều thứ 15: Phá án thuộc quyền quyết định của vị Thời Quân Thống quản CQPT nam nữ.
Việc phá án phải nêu rõ lý do xác thực và phải có sự đồng ý của vị Thời Quân Chưởng quản Bộ PhápChánh, rồi mới giao phó cho một Ban Kỷ Luật với thành phần khác xét xử lại.
Điều thứ 16: Quyền ân xá thuộc quyền tối cao của Đức Thượng Sanh Chưởng quản HTĐ.
Chương bốn: Tòa HTĐ và Ban Kỷ Luật HTĐ.
Chiếu Vi Bằng số 8/VB phiên nhóm ngày 2-4-Bính Ngọ (dl 21-5-1966), Hội Thánh HTĐ quyết định thành lập Tòa HTĐ xét xử Chức sắc HTĐ từ phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn sắp xuống phẩm Sĩ Tải nếu phạm tội nặng; còn phạm tội nhẹ thì đưa ra Ban Kỷ Luật HTĐ xét xử.
Riêng phẩm Luật Sự chưa vào hàng Chức sắc, nên bất luận phạm tội nặng hay nhẹ đều do Ban Kỷ Luật phân xử.
Điều thứ 17: Chức sắc HTĐ từ phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn xuống phẩm Sĩ Tải, có vi phạm luật pháp của Đạo, nếu trọng tội thì sẽ đưa ra Tòa HTĐ phân xử do thành phần và các điều khoản đã ấn định trong Thánh Lịnh số 60/TL ngày 24-3-Bính Ngọ (dl 21-5-1966) và ghi rõ ở điều thứ 6 kể trên.
Là Chức sắc dầu ở cơ quan nào, HTĐ, CTĐ hay Phước Thiện, cũng đồng chịu dưới quyền phán đoán của Tòa HTĐ, dĩ hà nhứt thể.
Điều thứ 18: Trong trường hợp vị Chức sắc phạm tội mà trước đã được đề cử vào thành phần Tòa HTĐ thì Hội Thánh sẽ đề cử Chức sắc khác thay thế trước khi đưa đương sự ra xét xử.
Điều thứ 19: Về phẩm Luật Sự, bất luận phạm tội nặng hay nhẹ cũng đều đưa ra Ban Kỷ Luật phân xử. Ban Kỷ Luật nầy có quyền hạn y như Hội Công Đồng CTĐ.
Điều thứ 20: Ban Kỷ Luật HTĐ không có tánh cách thường trực, chỉ thành lập mỗi khi hữu cần và tùy theo đẳng cấp của kẻ phạm tội mà chọn cử thành phần có đủ thẩm quyền do lịnh của Chưởng quản HTĐ.
Điều thứ 21: Tội trạng của Chức sắc bị can sẽ được liệt vào tội nặng hay nhẹ do quyền của Chưởng quản Bộ Pháp Chánh phân tách tội trạng trọng khinh, chiếu theo Thập Hình của Đức Lý Giáo Tông, đã qui định rõ ràng Đạo Luật năm Mậu Dần (1938) và các luật lệ hiện hành.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.
Kỷ nguyên
紀元
A: The year of a new era.
P: L'année d'une nouvelle ère.
Kỷ: ghi chép. Nguyên: bắt đầu.
Kỷ nguyên là ghi chép thời điểm khởi đầu để tính năm từ đó trở về sau.
■ Đối với Tây lịch, người ta dùng kỷ nguyên của Công giáo (nên gọi tắt là Công nguyên) là năm giáng sanh của Đức Chúa Jésus. Năm giáng sanh của Đức Chúa Jésus khởi tính là 1, bắt đầu từ đó đếm dần đến năm nay (năm Canh Thìn) là 2000, tức là Đức Chúa Jésus giáng sanh trước đây 2000 năm.
■ Đối với Phật lịch, Phật giáo dùng kỷ nguyên là năm Đức Phật Thích Ca tịch diệt, tức là năm tử của Đức Thích Ca. Năm đó khởi tính là 1, đếm dần đến năm nay (năm Canh Thìn) là 2544, tức là Đức Thích Ca tử cách nay là 2544 năm, nên ghi: Phật lịch 2544.
■ Đối với Đạo Cao Đài, kỷ nguyên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là năm Bính Dần, là năm Đức Chí Tôn khai đạo, ứng với Tây lịch năm 1926. Vậy năm Bính Dần khởi tính là 1, năm Đinh Mão tính là 2, năm Mậu Thìn tính là 3, v.v... đếm dần đến nay năm Canh Thìn tính là 75. Vậy là Đạo lịch 75.
Đó là nói chung, nhưng thực tế, Hội Thánh lấy ngày làm Đại Lễ Khai Đạo tại chùa Gò Kén 15-10-Bính Dần để khởi đầu tính năm. Mỗi năm đến ngày nầy thì Đạo lịch tăng thêm 1.
Như thế thì:
· Từ ngày 15-10-Bính Dần đến 14-10-Đinh Mão là Năm Đạo thứ nhứt: Đệ nhứt niên.
· Từ ngày 15-10-Đinh Mão đến 14-10-Mậu Thìn là Năm Đạo thứ hai: Đệ nhị niên.
· v.v... ... ...
· Từ ngày 15-10-Kỷ Mão đến 14-10-Canh Thìn là Năm Đạo 74: Thất thập tứ niên.
· Từ ngày 15-10-Canh Thìn đến 14-10-Tân Tỵ là Năm Đạo 75: Thất thập ngũ niên.
· Từ ngày 15-10-Tân Tỵ đến 14-10-Nhâm Ngọ là Năm Đạo 76: Thất thập lục niên. v.v...
Chúng ta thấy việc tính năm như vậy có phần rắc rối, bởi vì trong cùng một năm âm lịch mà có tới hai Năm Đạo, đầu năm thì Năm Đạo khác, cuối năm thì Năm Đạo khác.
Thí dụ như năm Canh Thìn:
· Đầu năm Canh Thìn thì Năm Đạo là 74,
· Cuối năm Canh Thìn thì Năm Đạo là 75.
Cho nên chúng tôi xin đề nghị lấy năm Khai Đạo (Bính Dần) làm năm kỷ nguyên Đạo lịch, tức là lấy ngày 1-1-Bính Dần làm ngày kỷ nguyên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Như thế, trọn năm Bính Dần là năm Đạo thứ nhứt.
Trọn năm Đinh Mão là Năm Đạo thứ hai.
Trọn năm Mậu Thìn là Năm Đạo thứ ba. v.v...
Việc chọn ngày 1-1-Bính Dần làm kỷ nguyên Đạo lịch rất hợp lý, vì hai lý do sau đây:
Lý do thứ nhứt: Ngày 1-1-Bính Dần, Đức Chí Tôn đã chánh thức thâu được 12 môn đệ, và trước giờ Giao thừa, Đức Chí Tôn đi thăm các môn đệ nơi tư gia, khi đến nhà mỗi môn đệ Đức Chí Tôn cho một bài thi 4 câu. Đến giờ Giao thừa, Đức Chí Tôn giáng cơ cho bài Thánh giáo đầu tiên dạy các môn đệ khởi đi truyền Đạo cứu độ nhơn sanh.
Trong quyển Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, trang 17, có chép như sau:
"Tái cầu lại, nhằm 11 giờ khuya, giờ Tý năm Bính Dần, Thượng Đế dạy rằng:
Chư đệ tử nghe: CHIÊU buổi trước hứa lời truyền Đạo, cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ, dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức đến buổi chúng nó thành công, chẳng nên tháo trút. Phải thay mặt cho Ta mà dạy dỗ chúng nó.
TRUNG, Kỳ, HOÀI, ba con phải lo thay mặt cho CHIÊU mà đi độ người. Nghe và tuân theo.
BẢN, SANG, GIẢNG, QUÍ lo dọn mình đạo đức đặng truyền bá cho chúng sanh. Nghe và tuân theo.
ĐỨC tập cơ, HẬU tập cơ, sau theo mấy anh đặng độ người. Nghe và tuân theo.
Ấy là lời Thánh giáo đầu tiên. Ấy là kỷ niệm ngày Khai Đạo mồng 1 giờ Tý năm Bính Dần vậỵ."
Qua đến ngày mùng 9 tháng giêng năm Bính Dần, Đức Chí Tôn mới ban cho bài thi bốn câu có tên của 12 môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn mà chúng ta đã biết.
Tên 12 môn đệ trong bài thi đó là: CHIÊU, KỲ, TRUNG, HOÀI, BẢN, SANG, QUÍ, GIẢNG, HẬU, ĐỨC, TẮC, CƯ.
Lý do thứ hai: Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, ngày mùng 1 Tết năm Đinh Mão, Đức Chí Tôn giáng cơ kiểm điểm một năm truyền Đạo, độ được hơn 40 000 người theo Đạo.
Như thế, chúng ta mặc nhiên thấy rằng, ngày thực tế Đức Chí Tôn mở Đạo và truyền Đạo là ngày mùng 1 Tết năm Bính Dần.
Còn ngày 15-10-Bính Dần chỉ là ngày làm lễ chính thức ra mắt quốc dân và quốc tế, sự hiện hữu của Đạo Cao Đài.
Sau đây, chúng tôi xin chép lại bài Thánh ngôn đêm giao thừa, rạng ngày mùng 1 Tết Đinh Mão:
"Các con . . . Mừng các con.
TRUNG, CƯ, TẮC, mấy con nhớ đêm nay năm rồi thế nào? Còn nay thế nào chăng? TRỊNH THỊ ÁI NỮ, HIẾU, hai con đã thấy Thầy giữ lời hứa thế nào chăng?
Thầy lập Đạo năm rồi ngày nầy thì môn đệ của Thầy chỉ có 12 đứa, mà 4 đứa đã rơi vào tay Chúa Quỉ, chỉ còn lại 8. Trong 8 đứa thì lại còn một đôi đứa biếng nhác mà không hành đạo.
Thầy hỏi nếu chẳng phải quyềnhành Thầy,dầu cho một vị Phật thiệt lớn giáng thế đi nữa, cũng chưa có phương chi độ hơn bốn muôn sanh linh nhờ tay có 6 đứa môn đệ trong một năm cho đặng bao giờ.
Thầy vui mừng, Thầy khen tặng hết thảy bốn muôn môn đệ của Thầy.
THƠ, con đã ngoan Đạo, mà sự ngoan Đạo của con đó còn độ lắm kẻ. Thầy khen con.
BÍNH, Thầy thưởng công con, cho lên chức Phối Sư. Thầy cám cảnh lòng yêu mến của con, Thầy cám ơn lòng đạo đức của con. Sanh linh còn nhờ công con mà thoát qua khổ hải.
BẢN, Thầy thăng chức Giáo Sư.
TRÒ, Thầy cho lên chức Giáo Hữu.
Nhiều đứa khác nữa, ngày mùng 9, Thầy biểu đòi về cho Thái Bạch phong thưởng.
Thầy ban ơn trọn cả các con, dầu không có mặt tại đây cũng vậy. Thầy giở cơ lên, các con đều chun ngang qua cho Thầy ban Phép lành. Thầy cầu cho các con đặng ngoan đạo như THƠ vậy, sửa mình cho nên chí Thánh, vì Đạo năm nay sẽ rõ thấu hoàn cầu, môn đệ tăng thêm hằng hà sa số, phận sự các con lại càng nặng nề hơn nữa, nhưng các con nhớ biết thương Thầy, mà hễ thương Thầy thì ắt thương Đạo, mà hễ thương Đạo thì thương hết chúng sanh. Các con biết Thầy là trọng thì biết trọng Đạo, mà hễ trọng Đạo thì cũng phải trọng cả chúng sanh."
Qua bài Thánh ngôn nầy, chúng ta thấy gì?
Đức Chí Tôn tổng kết một năm khai Đạo, phong thưởng và khen ngợi những Chức sắc có công, ban Phép lành cho toàn cả môn đệ. Đây là ngày kỷ niệm đệ nhứt chu niên Khai Đạo.
Chúng ta thấy rõ năm Bính Dần chính là Năm Đạo thứ 1 của Đạo Cao Đài, tức của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Kết luận:
Kỷ nguyên của Đạo Cao Đài thực sự là ngày 1-1-Bính Dần. Ngày nầy tương ứng với ngày dương lịch là: 13-2-1926.
Với ngày kỷ nguyên nầy, việc tính năm trong Đạo Lịch của ĐĐTKPĐ rất đơn giản: Mỗi năm âm lịch là một Năm Đạo.
Khi đến mùng 1 Tết âm lịch, Năm Đạo tăng thêm 1.
Năm |
Bính Dần, |
1926, |
Đạo lịch 1 |
(Đệ nhứt niên) |
|
Đinh Mão, |
1927, |
Đạo lịch 2 |
(Đệ nhị niên) |
|
Mậu Thìn, |
1928, |
Đạo lịch 3 |
(Đệ tam niên) |
|
... ... ... ... |
|
|
|
|
Kỷ Mão, |
1999, |
Đạo lịch 74 |
(Thất thập tứ niên) |
|
Canh Thìn, |
2000, |
Đạo lịch 75 |
(Thất thập ngũ niên) |
|
Tân Tỵ, |
2001, |
Đạo lịch 76 |
(Thất thập lục niên) |
|
Nhâm Ngọ, |
2002, |
Đạo lịch 77 |
(Thất thập thất niên) |
Muốn tính Năm Đạo tương ứng với năm dương lịch, chúng ta lấy năm dương lịch, trừ số 1925.
Năm dương lịch - 1925 = Năm Đạo. |
Thí dụ: Năm 1955 Khánh Thành Tòa Thánh Tây Ninh tương ứng với Năm Đạo thứ mấy?
Đáp: 1955 - 1925 = 30. Năm Đạo 30 (Đệ tam thập niên)
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân
己所不欲勿施於人
A: Let us do unto others as we would be done by.
P: Ne fais pas à autrui ce que tu ne voudrais pas qu'on te fit.
Kỷ: Mình, chính mình. Sở: việc đó, cái đó. Bất dục: không muốn.
Vật: chẳng. Thi: làm, thi hành. Ư: ở tại. Nhân: người.
Câu Hán văn trên có nghĩa là: Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người.
Đây là câu nói rất nổi tiếng của Đức Khổng Tử, vì nó là chân lý muôn đời, làm căn bản cho lý công bình của nhơn loại.
Một hôm, Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử:
- Có lời nào khả dĩ thi hành được chung thân không?
Đức Khổng Tử đáp: - Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.
Lời nói nầy biểu lộ rõ cái Đạo Nhân Ái của Thánh nhân đã trải qua mấy ngàn năm, và mãi mãi về sau, vẫn là khuôn vàng thước ngọc cho đạo xử thế, là nguyên tắc bất di bất dịch cho sự công bình và bình đẳng giữa nhơn loại.
Đức Chúa Jésus cũng có dạy môn đồ rằng: "Ne faites pas à autrui ce que vous ne voudriez pas qu'on vous fit."
TĐ ĐPHP: Tóm lại, cái sở hành chơn pháp công bình chỉ dùng một câu "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân", nghĩa là: những điều nào mình chẳng muốn ai làm cho mình phải buồn than đau đớn thì tức nhiên mình không nên làm mấy điều ấy cho người khác.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
KỴ
KỴ
1. KỴ: 騎 Cỡi lên trên.
Td: Kỵ sen, Kỵ vật.
2. KỴ: 忌 Ghen ghét, sợ, cấm, ngày giỗ.
Td: Kỵ húy, Kỵ nhựt.
Kỵ hổ nan hạ
騎虎難下
Kỵ: Cỡi lên trên. Hổ: cọp. Nan: khó. Hạ: xuống.
Kỵ hổ nan hạ là cỡi cọp khó xuống, vì khi xuống thì bị cọp ăn thịt.
Ý nói: Tình thế tấn thối lưỡng nan.
Kỵ húy
忌諱
A: To abstain.
P: S'abstenir.
Kỵ: Ghen ghét, sợ, cấm, ngày giỗ. Húy: vì kiêng mà tránh, tên người đã chết.
Kỵ húy là kiêng tránh, hay là kiêng tên người chết.
Kỵ kim quang
騎金光
A: To ride on band of the yellow light.
P: Monter sur la bande de lumière jaune.
Kỵ: Cỡi lên trên. Kim: vàng. Quang: ánh sáng.
Kỵ kim quang là cỡi lên lằn ánh sáng vàng để nó đưa đi.
KĐ5C: Kỵ kim quang kiến Lão Quân.
KÐ5C: Kinh Ðệ Ngũ cửu.
Kỵ nhựt
忌日
A: Anniversary of a death.
P: Jour anniversaire du mort.
Kỵ: Ghen ghét, sợ, cấm, ngày giỗ. Nhựt: ngày.
Kỵ nhựt là ngày giỗ, ngày kỷ niệm người chết.
Ngày xưa, người ta coi ngày chết của cha mẹ là ngày kiêng kỵ, không được làm việc gì khác hơn là tụ họp nhau để lo cúng giỗ cha hay mẹ.
Kỵ sen
A: To ride on the lotus.
P: Monter sur le lotus.
Kỵ: Cỡi lên trên. Sen: hoa sen, đây là hoa sen thần: liên thần.
Kỵ sen là đứng lên bông sen thần để bông sen thần đưa chơn hồn đi lên các từng Trời.
KKĐCR có câu: "Dưới chín lớp liên thần đưa bước."
KĐ7C: Kim chung mở lối kịp kỳ kỵ sen.
KKÐCR: Kinh Khi Ðã Chết Rồi.
KÐ7C: Kinh Ðệ Thất cửu.
Kỵ vật
騎物
Kỵ: Cỡi lên trên. Vật: con vật.
Kỵ vật là con vật dùng để cỡi, như con ngựa, con lừa.
Trong Tam thể xác thân của con người, thể xác ví như con ngựa, sợi dây cương ví như chơn thần, và linh hồn ví như người cỡi ngựa. Linh hồn điều khiển chơn thần, rồi chơn thần điều khiển thể xác, giống như người cỡi ngựa điều khiển sợi dây cương để ra lịnh cho ngựa qua phải, qua trái hay dừng lại.
Do đó, nhà đạo thường nói ví: Thể xác là con kỵ vật của linh hồn.
KHẢ
KHẢ
KHẢ: 可 Khá, đáng, nên.
Td: Khả dĩ, Khả năng.
Khả dĩ
可以
A: Possible.
P: Possible.
Khả: Khá, đáng, nên. Dĩ: lấy, dùng.
Khả dĩ là có thể.
Khả năng
可能
A: Capacity.
P: Capacité.
Khả: Khá, đáng, nên. Năng: năng lực, cái sức để làm được việc.
Khả năng là cái sức có thể làm nổi công việc.
TNHT: Phải có một giáo lý mới mẻ đủ khả năng kềm chế nhơn loại trong sự thương xót chúng sanh.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khả xạ khả điếu
可射可釣
Khả: Khá, đáng, nên. Xạ: bắn. Điếu: câu.
Khả xạ là có thể bắn được, Khả điếu là có thể câu được.
Trong sách Minh Tâm Bửu Giám có viết rằng:
Thủy để ngư, Thiên biên nhạn,
Cao khả xạ hề đê khả điếu.
Duy hữu nhân tâm chỉ xích gian,
Chỉ xích nhân tâm bất khả liệu.
Nghĩa là:
Cá đáy nước, nhạn biên Trời,
Cao có thể bắn được, thấp có thể câu được.
Duy có lòng người trong khoảng gang thước,
Gang thước lòng người không thể liệu lường được.
(Để: cái đáy. Đê: thấp. Chỉ xích: gang thước, ý nói gần gũi lắm. Gian: khoảng. Bất khả: không thể)
TNHT:
Đạo cao thâm, Đạo cao thâm,
Cao bất cao, thâm bất thâm.
Cao khả xạ hề thâm khả điếu,
Cao thâm vạn sự tại nhân tâm.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHÁCH
KHÁCH
KHÁCH: 客 Người khách, người ở nơi khác tới.
Td: Khách đình, Khách trần.
Khách đình
客亭
A: The house of funeral ceremony.
P: La maison des funérailles.
Khách: Người khách, người ở nơi khác tới. Đình: cái nhà trạm dựng dọc đường để làm chỗ tạm nghỉ chân cho khách bộ hành.
■ Nghĩa ngoài Đời: Khách đình là cái nhà trạm dùng làm chỗ dừng chân trong một lúc ngắn cho các khách lữ hành đang đi trên các nẻo đường trần.
■ Nghĩa trong Đạo: Khách đình là cái nhà dùng làm tang lễ cho các tín đồ khi qui liễu.
Đạo Cao Đài quan niệm con người sống nơi cõi trần là khách trần, khách của cõi trần. Nói như thế để chỉ rằng, cõi trần không phải là nơi ở vĩnh viễn, không phải là quê hương thực sự của con người, mà quê hương thực sự của con người là cõi Trời, cõi TLHS. Con người đến cõi trần như là một chuyến đi công tác, hay một chuyến đi du học, khi thực hiện xong bổn phận thì trở về, mà Khách đình là cái nhà để khách trần tạm dừng chân trước khi trở về quê xưa cảnh cũ.
Con người là khách của cõi trần, đến khi chết tức là lúc dừng chân lại để nghỉ ngơi, trước khi trở về cõi TLHS. Vì vậy, thân nhân đưa xác người chết vào nơi Khách đình để làm tang lễ, rồi đưa lên thuyền Bát Nhã đưa đi an táng nơi đất Cực Lạc (nghĩa địa của Đạo).
Tại Khách đình, linh hồn người chết sẽ được nghe lời kinh tiếng kệ, âm nhạc trầm bổng để sớm thức tỉnh, biết rõ nơi căn cội thực sự của mình, không còn quyến luyến cõi trần, sớm đi lên cõi thiêng liêng, trở về ngôi nhà chơn thật xa xưa của mình. Cho nên, nơi mặt tiền của Khách đình có hai đôi liễn:
客館慈悲除債主
亭船般若渡迷津
Khách quán từ bi trừ trái chủ,
Đình thuyền Bát Nhã độ mê tân.
Nghĩa là:
Quán trọ của khách trần, lòng từ bi, trừ hết các món nợ oan nghiệt,
Cái nhà trạm có thuyền Bát Nhã giúp qua khỏi bến mê.
生也造得善緣
死也脫離果劫
Sanh dã tạo đắc thiện duyên,
Tử dã thoát ly quả kiếp.
Nghĩa là:
Sống thì tạo được duyên lành,
Chết thì thoát khỏi nghiệp quả của kiếp sống.
Nơi Khách đình, khuất ở phía sau, Đức Phạm Hộ Pháp có lập một bàn thờ để thờ Thiên Nhãn, tức là thờ Đức Chí Tôn.
Nhiều người hỏi rằng:
- Khách đình là nơi để quàn các quan tài nên có nhiều âm khí ô trược, mà tại sao lại lập bàn thờ Đức Chí Tôn?
- Tại sao chỉ thờ Thiên Nhãn của Đức Chí Tôn mà không có thờ Ba Đấng Giáo chủ và Tam Trấn Oai Nghiêm?
Có vị giải đáp rằng: Thờ Thiên Nhãn nơi đây là để Chức sắc thuận tiện trong việc hành pháp, thỉnh nước Âm Dương luyện thành Cam Lồ thủy để làm phép xác.
Nói như thế cũng có lý về phương diện làm phép xác, nhưng chưa rõ chơn lý, vì cái Thể pháp ấy ẩn tàng một ý nghĩa thâm thúy và bí mật.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Tòa Thánh ngày rằm tháng 7 năm Nhâm Thân (1932) có giải rõ rằng: Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ, vì quá thương yêu con cái của Ngài, nên Ngài lén Thiên đình (Tam Giáo chủ và Tam Trấn không hay biết) đi xuống Khách đình để cứu độ con cái của Ngài trở về. Bấy lâu nay, con cái của Ngài say đắm thế trần, lao vào các dục vọng thể xác, không còn nhớ đến ông Cha thiêng liêng đang ngày đêm trông đợi, cũng có khi con cái có nhớ tới, nhưng vì thân mang nhiều tội lỗi nên không dám đến gần ông Cha thiêng liêng, cứ chạy trốn hoài. Ngày giờ nầy, xác thân đã được đưa đến Khách đình thì hết còn trốn tránh, và Đại Từ Phụ lén xuống đây để cứu độ con cái của Ngài trở về, thể hiện một tấm lòng thương yêu vô bờ bến của một ông Cha quá khổ cực vì các con.
"Nghĩ đến phận sự ông Cha vô hình của chúng sanh,
biết bao nhiêu khổ cực,
lo cho nó nên phận, nó cứ muốn làm ma,
lo cho nó thành Trời, nó cứ ham làm quỉ.
Mối buồn tình ấy tả sao cho nổi?... ...
Gần hung ác tập rèn quen tánh,
Chỉn lấy thân yếu mạnh so đời,
Không lương tâm nào biết ngó Trời,
Theo thân thể, trọn đời thờ Quỉ.
Thấy như thế giờ tuôn giọt lụy,
Lại hiểu con chẳng nghĩ đến mình,
Gạt lụy rơi về tạm Khách đình,
Chẳng cho trẻ biết hình biết dạng"... .....
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
Khách thiện đường
客善堂
Khách: Người khách, người ở nơi khác tới. Thiện: lành. Đường: nhà.
Khách thiện đường là ngôi nhà lành dùng để tiếp khách.
Khách quan
客觀
A: Objective.
P: Objectif.
Khách: Người khách, người ở nơi khác tới. Quan: xem xét.
Khách quan là tự đặt mình ra ngoài ý thức và tình cảm của mình để quan sát và nhận định sự vật cho được vô tư.
Trái với Khách quan là Chủ quan.
Khách trần
客塵
A: The guest of the world.
P: L'hôte du monde.
Khách: Người khách, người ở nơi khác tới. Trần: cõi trần, cõi của nhơn loại đang sống.
Khách trần là người khách của cõi trần, tức là những người ở cõi khác đến viếng cõi trần hay đến cõi trần để thực hiện một công tác, một nhiệm vụ, hay để học hỏi; khi công việc xong thì từ giã cõi trần để trở về chốn cũ.
Khách trần có nhiều hạng. Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo có phân ra 6 hạng Khách trần:
1. Hạng thứ nhứt: Các bậc Thánh, Tiên lầm lỗi bị đọa trần để chuộc tội.
TNHT: Trần là cõi khổ để đọa bậc Thánh, Tiên có lầm lỗi. Ấy là cảnh sầu để trả xong quả, hoặc về ngôi cũ, hoặc trả không xong quả phải mất cả chơn linh là luân hồi, nên kẻ bị đọa trần gọi là Khách trần.
2. Hạng thứ nhì: Hạng tác trái, tức là hạng gây nợ, hạng thiếu nợ, là hạng người gây ra nhiều oan nghiệt nên họ cầu mong trả cho dứt nghiệp quả để trở về cõi thiêng liêng.
3. Hạng thứ ba: Hạng trái chủ, tức là hạng chủ nợ, hạng đã cho người khác vay nhiều món nợ nên họ phải đầu kiếp xuống trần để đòi nợ. Họ không biết lo cho ai, cũng không làm hại ai, ngày tối chờ người khác đến trả nợ. Kể ra họ cũng uổng phí một kiếp sanh, không làm được việc gì để tạo thêm công đức hầu làm cho gia tăng phẩm vị nơi cõi thiêng liêng.
4. Hạng thứ tư: Hạng du học, tức là hạng hay tìm tòi kiếm hiểu tất cả mọi vấn đề, mọi lãnh vực. Họ say mê nghiên cứu, học hỏi các chơn lý để tiến hóa tâm linh. Ngoài việc nghiên cứu học hỏi, họ không để ý đến việc gì khác.
5. Hạng thứ năm: Hạng ta bà, là hạng đi du hý, làm một chuyến du lịch đến cõi trần, xong rồi thì về. Họ không động tới ai, không nói tới ai. Cái sống hay cái chết của họ cũng không cần biết. Họ theo ở các chùa, hay trong núi để được thanh tịnh. Hạng nầy rất ít, thường hay chết yểu vì khi họ sống không vừa ý thì họ liền thối lui, trở về cõi thiêng liêng.
6. Hạng thứ sáu: Hạng Thiên mạng, tức là hạng có chơn linh cao trọng, là Phật, Thánh, Tiên, lãnh lịnh nơi Ngọc Hư Cung hoặc nơi Lôi Âm Tự, để xuống trần thi hành nhiệm vụ. Họ chỉ biết lo cho thiên hạ mà không nghĩ đến mình. Khi nhiệm vụ của họ chưa tới thì họ sống dường như ngây dại. Khi đã đến thời điểm thực hành Thiên mạng thì họ trở nên sáng suốt, tài trí lạ thường, đem tài sức ra để cứu thế độ nhơn.
Trong 6 hạng Khách trần vừa nêu trên thì hạng tác trái nhiều hơn hết thảy, chiếm đại đa số nhơn loại. Chẳng những họ trả chưa xong nợ cũ mà họ còn gây thêm nhiều nợ mới, khiến cho cảnh đời Hạ nguơn trở nên hỗn loạn cũng do nơi họ.
TNHT: |
• Bể khổ mênh mang vớt khách trần.
• Kêu khách phàm trần đã hụt hơi. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khách tục
客俗
Khách: Người khách, người ở nơi khác tới. Tục: thấp kém, chỉ cõi trần.
Khách tục là Khách trần. (Xem: Khách trần)
TNHT: Phần công quả trả cho rồi thì cảnh u nhàn là nơi rước khách tục trong lúc chung qui đó.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHAI
KHAI
KHAI: 開 Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu.
Td: Khai đàn, Khai đạo, Khai hóa.
Khai cửu thập nhị tào chi mê muội
開九十二曹之迷昧
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Cửu thập nhị: chín mươi hai (92). Tào: bọn. Chi: hư tự. Mê muội: tối tăm, mê lầm.
Cửu thập nhị tào: bọn 92, ý nói nhóm 92 ức nguyên nhân đang còn trầm luân nơi cõi trần.
Đây là một câu kinh trong Kinh Phật giáo có nghĩa là: Khai mở 92 ức nguyên nhân đang còn mê muội nơi cõi trần.
Khai dẫn
開引
A: To open and to guide.
P: Ouvrir et guider.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Dẫn: dẫn dắt.
Khai dẫn là mở đường dẫn lối.
TNHT: Để bước khỏi lối nhọc nhằn ban sơ khai dẫn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khai đàn
開壇
A: The open a worship.
P: Ouvrir un culte.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Đàn: đàn cúng Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng.
Khai đàn là mở ra một đàn cúng Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng với đầy đủ nghi lễ.
Khai đàn thượng tượng: Những Đạo hữu mới nhập môn cầu Đạo, cần phải dọn một chỗ trang nghiêm tinh khiết trong tư gia của mình để thiết lập Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn, rồi đến Thánh Thất sở tại thỉnh một tấm Thánh Tượng Thiên Nhãn, lộng vào khung kính, đặt lên bàn thờ. (Thượng tượng là đặt Thánh tượng Thiên Nhãn lên trên bàn thờ). Sau đó, mời Bàn Trị Sự trong Hương đạo của mình và mời vị Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo đến thiết lễ cúng Đức Chí Tôn, có dâng sớ cầu nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng bảo hộ gia chủ diên niên hạnh phước. Sau lễ Khai đàn thượng tượng nầy rồi, gia chủ tiếp tục cúng Đức Chí Tôn trong tứ thời mỗi ngày.
TNHT: Đ. Q. , con cứ khai đàn cho chúng nó và chỉ cách thờ Thầy theo Tân Luật.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khai Đạo - Tờ Khai Đạo
開道
A: The official declaration of the foundation of Caodaism.
P: La déclaration officielle de la fondation du Caodaïsme.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Đạo: tôn giáo.
Khai Đạo là mở ra một tôn giáo mới để cứu giúp nhơn sanh, tức là mở ra một con đường tu hướng dẫn nhơn sanh tu hành, đạt được sự an vui, hết phiền não và linh hồn sẽ được giải thoát khỏi luân hồi, lên sống an lạc nơi cõi TLHS.
Năm Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng cơ bút mở ra tại miền Nam Việt Nam một nền tôn giáo mới gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay Đạo Cao Đài, để cứu vớt nhơn sanh trong thời Hạ Nguơn mạt kiếp, trước khi có cuộc Tận Thế và Hội Long Hoa.
Tờ Khai Đạo (Đạo Cao Đài) là một bản văn gởi cho nhà cầm quyền Pháp đương thời là Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol để thông báo chánh thức với nhà cầm quyền Pháp biết là một số người có tên trong văn bản, đứng ra thành lập một nền Tân Tôn giáo gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nói tắt là Đạo Cao Đài, và bắt đầu hoạt động tại miền Nam Việt Nam.
Tờ Khai Đạo nầy không phải là Đơn Xin Khai Đạo, mà là một bản Tuyên Ngôn chánh thức mở Đạo, chiếu theo luật lệ nước Pháp áp dụng cho NamKỳ, thuộc địa của Pháp, dân chúng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, sùng bái cúng kiếng Trời Phật, miễn là không làm rối loạn trật tự và an ninh trong xứ.
Những người đứng tên trong Tờ Khai Đạo cử Ngài Lê Văn Trung, cựu Thượng Nghị Viện Đông Dương, đích thân cầm Tờ Khai Đạo đem lên giao tận tay Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol, được ông Le Fol tiếp nhận vui vẻ.
Tờ Khai Đạo không phải là Đơn Xin, nên không có sự chờ đợi nhà cầm quyền Pháp chấp thuận cho phép. Do đó, sau khi gởi Tờ Khai Đạo lên Thống Đốc Le Fol rồi, những vị đứng tên Khai Đạo lo gấp rút truyền Đạo, thâu nhận tín đồ, xúc tiến xây dựng cơ sở, chuẩn bị tổ chức Đại Lễ Khai Đạo ra mắt quốc dân và quốc tế.
Về việc lập Tờ Khai Đạo, diễn tiến thứ tự như sau:
- Đàn cơ ngày 16-8-Bính Dần (dl 22-9-1926), Đức Chí Tôn dạy: "Các con xin chánh phủ Lang Sa đặng khai Đạo thì cực chẳng đã Thầy ép lòng mà chịu vậy cho tùng nơi Thiên cơ. Thầy rất đau lòng mà chịu vậy, chớ biết sao!"
Đức Chí Tôn dạy hai Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt: "Trung, Lịch, hai con phải hội chư Thánh mà xin khai Đạo. Phải làm đơn mà dâng cho Thầy xem xét sửa trước nghe!" (TNHT, Bài 36, ngày 16-8-Bính Dần).
- Đúng một tuần lễ sau, ngày 23-8-Bính Dần (dl 29-9-1926), các môn đệ gồm cả thảy 247 tín đồ nam nữ họp đại hội tại nhà Ông Nguyễn Văn Tường, Thông Ngôn Sở Tuần Cảnh Sài Gòn, ở đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo, Quận I Sài Gòn) trong một đêm mưa to gió lớn, nước ngập hết các đường sá, xe hơi không chạy được, nhờ vậy nên buổi đại hội không bị mật thám Pháp ngăn trở. Tất cả môn đệ đều đồng ý ký tên vào Tờ Khai Đạo do Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt dự thảo bằng tiếng Pháp.
- Sau đó, quí Ngài lập đàn cơ tại nhà Ngài Cao Quỳnh Cư để dâng Tờ Khai Đạo lên cho Đức Chí Tôn duyệt xét.
Đức Chí Tôn giáng phê:
"Mấy con không nói một điều gì đến Thầy hết, nhưng thôi kệ, cứ gởi đi." "Thầy dặn con, Trung, nội thứ năm tuần tới, phải đến Le Fol mà khai cho kịp nghe!"
Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt tuân lịnh Đức Chí Tôn, chờ đến thứ năm tuần tới là ngày 7-10-1926 (âl 1-9-Bính Dần), Ngài đến dinh Thống Đốc Nam Kỳ nạp Tờ Khai Đạo cho Ông Le Fol và được Ông Le Fol tiếp nhận.
Bổn lưu của Tờ Khai Đạo ấy đã thất lạc từ lâu, nay được thấy trong Luận văn thi Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp của một sinh viên Pháp tên là Pierre Bernardini nhan đề: Le Caodaïsme au Cambodge, Université de Paris VII, 1974, page 282, 283, 284.
Chúng tôi xin chép ra sau đây để rộng đường tham khảo:
DÉCLARATION OFFICIELLE ADRESSÉE PAR LES FONDATEURS DU CAODAISME À M. LE FOL, GOUVERNEUR DE LA COHINCHINE.
Saigon, le 7 Octobre 1926.
Monsieur le Gouverneur,
Les soussignés, ont l'honneur de venir respectueu-sement vous faire connaïtre ce qui suit:
Il existait en Indochine Trois Religions (Bouddhisme, Taoisme, Confucianisme). Nos ancêtres pratiquaient religieu- sement ces trois doctrines et vivaient heureux en suivant strictement les beaux préceptes dictés par les Créateurs de ces religions.
On était, pendant cet ancien temps, tellement insoucieux qu'on pouvait dormir sans fermer les portes et qu'on dédaignait même de ramasser les objets tombés dans la rue (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di), tel est l'adage inscrit dans nos annales.
Hélas! Ce beau temps n'existe plus pour les raisons suivantes:
1. Les pratiquants de ces religions ont cherché à se diviser, tandis que le but de toutes les religions est le même: Faire le bien et éviter le mal, adorer pieusement le Créateur.
2. Ils ont dénaturé complètement la signification de ces saintes et précieuses doctrines.
3. La course au confort, à l'honneur, l'ambition des gens, sont aussi des causes principales des divergences d'opinions actuelles. Les Annamites de nos jours ont complètement abandonné les bonnes moeurs et traditions de l'ancien temps.
Ecoeurés de cet état de choses, un groupe d'Annamites, fervents traditionalistes et religieux, ont étudié la refonte de toutes ces religions, pour n'en former qu'une seule et unique appelée CAODAISME ou ĐẠI ĐẠO.
Le nom "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ", qui signifie la Troisième Amnistie Générale, est donné par l'Esprit Suprême qui est venu aider les soussignés à fonder cette Nouvelle Religion.
L'Esprit Suprême est venu sous le nom de NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ dit CAO ĐÀI ou "LE TRÈS HAUT, DIEU TOUT PUISSANT ".
Par l'intermédiaire de médiums écrivants, Ngọc Hoàng Thượng Đế transmet au soussignés des enseignements divins ayant pour but de concentrer et d'enseigner les beaux préceptes de ces Trois Anciennes Religions.
La Nouvelle Doctrine enseignera aux peuples:
1. La haute morale de Confucius.
2. Les vertus dictées dans les religions bouddhique et taoique.
Ces vertus consistant à faire le bien et éviter le mal, aimer l'humanité, pratiquer la concorde, éviter totalement la dissention et la guerre.
Les soussignés ont l'honneur de vous soumettre:
1. Quelques extraits du recueil des "Saintes Paroles" de Ngọc Hoàng Thượng Đế, paroles estimées plus précieuses que tout ce qui existe ici-bas.
2. La traduction de quelques passages du livre de prières que Ngọc Hoàng Thượng Đế nous a enseignées.
Le but poursuivi par les soussignés est de ramener les peuples à l'ancien temps de paix et de concorde. On sera ainsi dirigé vers une époque nouvelle tellement heureuse qu'il est difficile de la décrire.
Au nom de très nombreux Annamites qui ont entière- ment approuvé ces études et dont la liste est ci-jointe, les soussignés ont l'honneur de venir respectueusement vous déclarer qu'ils vont propager à l'humanité entière cette Sainte Doctrine.
Persuadés d'avance de cette Nouvelle Religion apportera à nous tous la paix et la concorde, les soussignés vous prient de recevoir officiellement leur déclaration.
Les soussignés vous prient d'agréer, Monsieur le Gouverneur, l'assurance de leurs sentiments respectueux et dévoués.
Ont signé:
Mme LÂM NGỌC THANH,
M. LÊ VĂN TRUNG,
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Bản dịch Tờ Khai Đạo ra tiếng Việt:
TUYÊN NGÔN CHÁNH THỨC ĐƯỢC NHỮNG NGƯỜI SÁNG LẬP ĐẠO CAO ĐÀI GỞI TỚI ÔNG LE FOL, THỐNG ĐỐC NAM KỲ.
Sài Gòn, ngày 7 tháng 10 năm 1926.
Kính Ông Thống Đốc,
Những người ký tên dưới đây hân hạnh kính báo cho Ông biết những điều dưới đây:
Tại Đông Dương đã có ba nền tôn giáo (Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo). Tổ Tiên của chúng tôi tu hành theo ba giáo lý ấy và đã sống hạnh phúc nhờ nghiêm chỉnh tuân theo những lời giáo huấn tốt đẹp của các vị Tổ Sư Tam giáo truyền dạy.
Vào thời xưa, người ta sống không lo âu, đến nỗi người ta có thể ngủ không đóng cửa và cũng không thèm lượm của rơi ngoài đường. (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di), ấy là câu ngạn ngữ ghi chép trong sử sách của chúng tôi.
Than ôi! Thời đại tốt đẹp đó không còn nữa vì những lý do sau đây:
1. Những người hành đạo của các tôn giáo ấy đã tìm cách phân chia, trong lúc đó, mục đích của tất cả tôn giáo đều giống nhau: Làm điều thiện, tránh điều ác, và thành kính thờ phượng Đấng Tạo Hóa.
2. Họ đã làm sai lạc hoàn toàn bản chất, ý nghĩa của các giáo lý thiêng liêng quí báu ấy.
3. Sự tranh đua về lợi danh, lòng tham vọng của con người, đều là những lý do chánh của sự bất đồng tư tưởng hiện nay. Những người VN ngày nay đã hoàn toàn từ bỏ những phong tục và truyền thống tốt đẹp của thời xưa.
Ngao ngán trước tình trạng các sự việc nêu trên, một nhóm người VN có nhiệt tâm với truyền thống và tôn giáo, đã nghiên cứu cải cách các tôn giáo nói trên, để nắn đúc thành một tôn giáo duy nhứt gọi là Đạo Cao Đài hay Đại Đạo.
Danh từ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nghĩa là Đại Ân Xá Kỳ Ba, được Đấng Chí Linh ban cho và Ngài đã đến giúp đỡ những người ký tên dưới đây thành lập nền Tân Tôn giáo ấy.
Đấng Chí Linh đã đến dưới danh xưng Ngọc Hoàng Thượng Đế, gọi là Cao Đài hay Đấng Tối Cao, Thượng Đế Toàn Năng.
Qua trung gian của các đồng tử phò cơ, Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền cho những người ký tên dưới đây những bài Thánh giáo có mục đích cô đọng và giảng dạy các giáo huấn tốt đẹp của ba nền tôn giáo xưa.
Tân Giáo lý sẽ dạy cho dân chúng:
1. Luân lý cao thượng của Đức Khổng Tử.
2. Đạo đức ghi trong Phật giáo và Lão giáo. Đạo đức ấy bao gồm làm điều thiện, tránh điều ác, yêu thương nhơn loại, thực hành sự hòa hợp, hoàn toàn tránh chia rẽ và chiến tranh.
Những người ký tên dưới đây hân hạnh trình bày với ông:
1. Vài đoạn trích lục của tập Thánh Ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, những lời nói được đánh giá là quí báu hơn hết tất cả những gì hiện có nơi cõi phàm trần.
2. Bản dịch vài đoạn trong quyển Kinh Cầu Nguyện mà Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã dạy chúng tôi.
Mục đích theo đuổi của những người ký tên dưới đây là đem dân chúng trở lại thời thái bình và hòa hợp của thời xưa. Như thế, con người sẽ hướng về một thời đại mới rất hạnh phúc, khó tả ra đặng.
Nhân danh đông đảo dân chúng VN mà họ đã hoàn toàn tán thành những điều nghiên cứu nầy, có danh sách đính kèm theo đây, những người ký tên dưới đây hân hạnh và kính cẩn bày tỏ với Ông là những người ấy sẽ đi phổ thông cho toàn thể nhơn loại Giáo lý thiêng liêng nầy.
Tin tưởng trước rằng, nền Tân Tôn giáo nầy sẽ đem lại cho tất cả chúng ta hoà bình và hòa hợp, những người ký tên dưới đây yêu cầu Ông tiếp nhận chánh thức Bản Tuyên Ngôn của họ.
Những người ký tên dưới đây xin Ông Thống Đốc vui lòng chấp nhận sự chắc chắn của những tình cảm tôn kính và chân thành của họ.
KÝ TÊN:
· Bà Lâm Ngọc Thanh, Nghiệp chủ ở Vũng Liêm.
· Ông Lê Văn Trung, Cựu Thượng NghịViện thọ Ngũ đẳng bửu tinh, Chợ Lớn.
· Lê Văn Lịch, thầy tu làng Long An, Chợ Lớn.
· Trần Đạo Quang, thầy tu làng Hạnh Thông Tây Gia Định.
· Nguyễn Ngọc Tương, Tri Phủ, Chủ Quận Cần Giuộc.
· Nguyễn Ngọc Thơ, Nghiệp chủ Sài Gòn.
· Lê Bá Trang, Đốc Phủ Sứ, Chợ Lớn.
· Vương Quan Kỳ, Tri Phủ, Sở Thuế Thân, Sài Gòn.
· Nguyễn Văn Kinh, thầy tu, Bình Lý Thôn, Gia Định.
· Ngô Tường Vân, Thông Phán, Sở Tạo Tác Sài Gòn.
· Nguyễn Văn Đạt, Nghiệp chủ Sài Gòn.
· Ngô Văn Kim, Điền chủ, Đại Hương Cả Cần Giuộc.
· Đoàn Văn Bản, Đốc học trường Cầu Kho.
· Lê Văn Giảng, Thơ ký kế toán hãng Ippolito Sài Gòn.
· Huỳnh Văn Giỏi, Thông Phán Sở Tân Đáo Sài Gòn.
· Nguyễn Văn Tường, Thông ngôn Sở Tuần Cảnh Sài Gòn.
· Cao Quỳnh Cư, Thơ ký Sở Hỏa Xa Sài Gòn.
· Phạm Công Tắc, Thơ Ký Sở Thương Chánh Sài Gòn.
· Cao Hoài Sang, Thơ Ký Sở Thương Chánh Sài Gòn.
· Nguyễn Trung Hậu, Đốc học trường Tư thục Dakao.
· Trương Hữu Đức, Thơ ký Sở Hỏa Xa Sài Gòn.
· Huỳnh Trung Tuất, Nghiệp chủ Chợ Đủi Sài Gòn.
· Nguyễn Văn Chức, Cai Tổng Chợ Lớn.
· Lại Văn Hành, Hương Cả Chợ Lớn.
· Nguyễn Văn Trò, Giáo viên Sài Gòn.
· Nguyễn Văn Hương, Giáo viên Dakao.
· Võ Văn Kỉnh, Giáo tập Cần giuộc.
· Phạm Văn Tỉ, Giáo tập Cần Giuộc.
Nhận xét về TỜ KHAI ĐẠO:
Chúng ta nên lưu ý rằng: Tờ Khai Đạo không phải là Đơn Xin Khai Đạo, mà là Bản Tuyên Ngôn chánh thức của một số tín đồ Cao Đài, khai báo cho nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ biết: một số người đứng ra thành lập một nền Tân Tôn Giáo với một Tân Giáo lý, sẽ truyền bá trong nước VN và cho toàn nhơn loại trên thế giới.
Ông Gustave Meillon, Giám Đốc Viện Pháp Việt, có viết: Le 7 Octobre 1926, le Gouverneur de la Cochinchine recoit la Déclaration Officielle de la fondation du Caodaisme. Prudent il se contente d'en prendre acte, sans toute fois s'engager formellement à le reconnaïtre.
(Ngày 7-10-1926, Thống Đốc Nam Kỳ nhận được Bản Tuyên Ngôn chánh thức về sự thành lập Đạo Cao Đài. Ông khôn khéo tiếp nhận văn kiện, tuy nhiên không cam kết công nhận chánh thức mối Đạo.)
Ngày 23-8-Bính Dần là ngày Đại Hội đầu tiên của các tín đồ Cao Đài để soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Khai Đạo, tại nhà ông Nguyễn Văn Tường, Sài Gòn. Đây là một ngày lịch sử quan trọng của Đạo Cao Đài.
Cho nên, hằng năm, khi đến ngày 23 tháng 8 âm lịch, bổn đạo làm Lễ Kỷ Niệm ngày Lập Tờ Khai Đạo. Khi ông Nguyễn Văn Tường còn sinh tiền thì Lễ nầy tổ chức tại nhà của ông. Sau khi ông Tường qui vị, lễ nầy được tổ chức tại Thánh Thất Cầu Kho, nhà của ông Đốc học Đoàn Văn Bản.
Khi xây dựng Thánh Thất Nam Thành thay thế Thánh Thất Cầu Kho, thì cuộc Lễ Kỷ Niệm lập Tờ Khai Đạo tổ chức tại Thánh Thất Nam Thành, đia chỉ ngày nay là: 124 -126 đường Nguyễn Cư Trinh, Quận I, Sài Gòn.
Ngày 23-8-Mậu Thìn (1928), tức là đúng 2 năm sau ngày Lập Tờ Khai Đạo, Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt tổ chức Lễ Kỷ Niệm tại nhà ông Nguyễn Văn Tường.
Trong dịp nầy, Ngài Thượng Trung Nhựt đọc một bài Thuyết đạo nhắc lại gốc tích ngày Lễ Kỷ Niệm nầy, như sau:
Chư Đạo hữu rất yêu dấu,
Chư Đạo tỷ, chư Đạo muội.
Tôi rất hữu hạnh vì ngày nay được thay mặt trong ĐĐTKPĐ đặng thố lộ ít lời nhắc tích ngày Kỷ Niệm hôm nay.
Máy Âm Dương chuyển vận, cơ Tạo Hóa vần xoay, ngày tháng như thoi đưa, ngảnh lại ngày Đấng Chí Tôn hiệp chúng ta nơi đây đặng lo LẬP TỜ KHAI ĐẠO tới nay là 2 năm chẵn. Tôi xin nhắc lại cho chư Hiền hữu, chư Hiền muội lãm tường:
Đấng Chí Tôn có dạy:
Bàn Cổ sơ khai, nhơn sanh ư Dần, cho nên ngày Đấng Chí Tôn mở Đạo là ngày mùng 1 Tết năm Bính Dần. Ngày ấy, Thầy sắp đặt 12 người lo khai ĐĐTKPĐ, mỗi người lãnh phận sự lo đi truyền bá.
Bước qua tháng 8 năm Bính Dần, gần lúc Trung Thu trăng thanh gió mát, tôi cùng hai em: Cư, Tắc, cầu nguyện cùng Đấng Từ Bi xin phép đến bữa Nguyệt đán cho phép sắm lễ cúng Diêu Trì Cung và cầu Cửu Thiên Huyền Nữ Nương Nương và Chín vị Tiên Nữ hầu bà xin dạy Đạo.
Đấng Chí Tôn rộng lượng cho cầu Diêu Trì Cung bữa rằm Trung Thu. Khi cầu cơ thì Đấng Chí Tôn giáng, kêu tôi, dạy phải cho môn đệ của Thầy, tối 23 tháng 8, tựu tại nhà Đạo hữu Tường đây.
Tôi không biết rõ Thánh ý, điều tôi vâng mạng cho chư Đạo hữu hay lời Thánh truyền, tới bữa 23 tháng 8 năm Bính Dần, là ngày 29 Septembre 1926, chư Đạo hữu tựu tại đây, rồi cầu Đấng Chí Tôn giáng dạy tôi phải biên tên hết các nam nữ lưỡng phái đặng đứng TỜ KHAI ĐẠO cho Chánh phủ. Khi ấy có mặt nơi đàn hết thảy là 240 vị Đạo hữu nam nữ.
Tôi có nạp tên mấy vị ấy tại Chánh phủ khi tôi dâng Tờ Khai Đạo, là ngày 7 Octobre 1926.
Khi ấy, tôi có bạch với Đấng Chí Tôn rằng, tôi không có giờ đủ mà đệ Tờ Khai Đạo cho ông Thái Lão Trần Đạo Quang ký tên.
Đấng Chí Tôn có phán dạy tôi cứ việc đem tên Trần Đạo Quang vô Tờ Khai Đạo. Đấng Chí Tôn có phán rằng: "Con cứ đem tên nó vô Tờ Khai Đạo, Đạo Quang không chối cãi đâu mà con phòng ngại."
Thiệt, từ ngày ấy, anh cả chúng ta là Trần Đạo Quang hết lòng sốt sắng vì Đạo nên Đấng Chí Tôn phong cho chức Chưởng Pháp trong ĐĐTKPĐ.
Ấy là sự tích ngày Kỷ Niệm hôm nay.
Nhìn mặt nhau đây thì chúng ta thấy chúng ta phản lão hoàn đồng, chúng ta trẻ lại hai tuổi, vì chúng ta trở lại thấy việc hai năm trước.
Vậy là ngày vui, ngày quí báu của chúng ta.
Biết vui biết quí báu chừng nào thì phải biết cái ân huệ của Đấng Chí Tôn ban thưởng cho chúng ta chừng nấy. Muốn đền ơn quí trọng ấy, phải làm sao? Phải hết lòng vì Đạo, hết lòng tín ngưỡng Đấng Chí Tôn và chư Phật, chư Tiên, vì háo sanh, vì cuộc tuần hoàn mà gieo mối Đạo Trời TKPĐ, ngõ hầu độ rỗi sanh linh khỏi hết trả vay nơi trầm luân khổ hải nầy. . . .
(Trích Tiểu sử Đức Q. Giáo Tông, trang 33, do Hội Thánh in 1973)
Vấn đề đặt tên 2 ngày Lễ Kỷ Niệm: 23 tháng 8 và 15 tháng 10:
1. Một số vị đặt tên ngày 23-8-Bính Dần là ngày KHAI TỊCH ĐẠO. Từ ngữ Tịch Đạo dùng ở đây có nghĩa là Bộ sổ ghi chép tên họ những người theo Đạo. Nhưng đối với Đạo Cao Đài chúng ta, từ ngữ Tịch Đạo mà Đức Chí Tôn ban cho trong bài Thánh Ngôn ngày 1-7-Bính Dần có một ý nghĩa đặc biệt hơn, nó là Thánh danh của Chức sắc trong một đời Giáo Tông, qua đời Giáo Tông khác thì Tịch Đạo cũng thay đổi theo. Như đời Giáo Tông thứ 1, Tịch Đạo của Chức sắc là Thanh Hương, Thánh danh Chức sắc nam phái lấy chữ Thanh và Chức sắc nữ phái lấy chữ Hương.
Chúng ta thấy danh sách của 28 vị đứng dưới Tờ Khai Đạo, hay 247 vị trong danh sách kèm theo đều biên thế danh và chức vụ ở ngoài Đời, không ai biên Thánh danh cả, mặc dầu lúc đó, chư Chức sắc đã có Thánh danh rồi.
Cho nên chúng tôi xin đề nghị không gọi ngày đó là ngày Khai Tịch Đạo, mà gọi chánh danh là ngày LẬP TỜ KHAI ĐẠO.
2. Ngày 15-10-Bính Dần là ngày Hội Thánh làm Đại Lễ Khai Đạo tại Chùa Gò Kén, tức là ngày mà Đạo Cao Đài chánh thức ra mắt quốc dân đồng bào và các dân tộc trên thế giới.
Đây là một ngày rất trọng đại, vì nó mở ra một kỷ nguyên mới là kỷ nguyên ĐĐTKPĐ.
Chúng ta không nên gọi ngày nầy là ngày Khai Minh Đại Đạo mà nên gọi chánh danh là ngày ĐẠI LỄ KHAI ĐẠO.
Mỗi năm, khi đến ngày 23 tháng 8 âm lịch, Nam Thành Thánh Thất tại Sài Gòn, tiếp nối các bậc tiền bối làm Lễ Kỷ Niệm ngày Lập Tờ Khai Đạo; và khi đến ngày 15 tháng 10 âm lịch, tại Tòa Thánh Tây Ninh đều có tổ chức Lễ Kỷ Niệm Đại Lễ Khai Đạo.
Đại Lễ Khai Đạo
A: Great Festival of the Advent of Caodaism.
P: Grande Fête de l'Avènement du Caodaïsme.
Ngày tổ chức Đại Lễ Khai Đạo được Đức Chí Tôn ấn định là ngày rằm Hạ nguơn năm Bính Dần (15-10-Bính Dần), tại Thánh Thất tạm đặt tại chùa Gò Kén, Tây Ninh.
Đức Chí Tôn ra lịnh cho các Chức sắc tạm ngưng công cuộc truyền Đạo ở Lục tỉnh, để về chung lo cho ngày Đại Lễ, để Đạo Cao Đài chánh thức ra mắt trước các cấp Chánh quyền thuộc địa Pháp, ra mắt quốc dân và các dân tộc trên thế giới.
Chúng ta đọc bài Thánh Ngôn sau đây trích trong TNHT:
Ngày thứ bảy 12-8-Bính Dần (dl 18-9-1926).
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết
Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
Giáo Đạo Nam Phương.
"Các con! Thầy đã lập thành Thánh Thất, nơi ấy là nhà chung của các con, biết à!
Thầy lại qui Tam giáo lập Tân Luật, trong rằm tháng 10 có Đại Hội cả Tam giáo nơi Thánh Thất. Các con hay à!
Sự tế tự sửa theo Tam Kỳ Phổ Độ, cũng nơi ấy mà xuất hiện ra, rõ à!
Thầy nhập ba Chi làm một là chủ ý qui tụ các con trong Đạo Thầy lại một nhà, Thầy làm Cha chưởng quản, hiểu à!
Từ đây trong nước Nam duy có một đạo chơn thật là Đạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là Quốc Đạo, hiểu à!
Thầy buộc các con phải hiệp chung trí mà lo vào đó, nghe à! Từ đây các con sẽ cực nhọc hơn, vì Thầy phân phát phậnsự cho mỗi đứa, vì chẳng vậy, các con sanh nạnh nhau, tựa hồ chia phe phân phái là điều đại tội trước mắt Thầy, nghe à!
Các con phải ngưng mọi việc mà chung lo trong Đại Hội."
Ngày Đại Lễ Khai Đạo là một sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử tiến hóa của nhơn loại trên quả Địa cầu nầy, vì nó báo cho nhơn loại biết một thời kỳ tiến hóa mới bắt đầu.
* Cho nên, ngày Khai ĐĐTKPĐ đã được Thiên Thơ tiền định, đó là ngày rằm Hạ nguơn năm Bính Dần.
- Tại sao ngày Khai Đạo phải là rằm Hạ Nguơn mà không là một ngày nào khác? Bởi vì Đạo Cao Đài mở ra để cứu độ nhơn sanh thời Hạ Nguơn mạt kiếp.
- Tại sao phải là năm Bính Dần mà không là một năm nào khác? Bởi vì khởi đầu một Nguơn là năm Giáp Tý tức là năm Khai Nguơn (2 chữ Giáp và Tý là khởi đầu của Thập Thiên Can và Thập nhị Địa chi), kế đó là Ất Sửu, rồi Bính Dần, tương hợp với câu: Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần. Khai Đạo là để phổ độ nhơn sanh nên phải khai vào năm Bính Dần, sau năm Khai Nguơn.
Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn đã có nói:
Ký thành một cuốn gọi Thiên Thơ,
Khai Đạo muôn năm trước định giờ.
* Việc lựa chọn nước VN, một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc, để Đức Chí Tôn khai Đạo, rồi từ đó, nền Đại Đạo truyền bá ra khắp hoàn cầu, cũng đã được chư Tiên, Phật nơi Ngọc Hư Cung quyết định từ trước.
Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn có dạy rõ:
"Vì TKPĐ, Thiên Địa hoằng khai, nơi Tây phương Cực Lạc và Ngọc Hư Cung mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh. Trong Phật Tông Nguyên Lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi, tại tăng đồ không kiếm chơn lý mà hiểu." (TNHT)
"Vốn Thầy tạo lập nền Chánh giáo cho dân Nam Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu. Các con ví biết Đạo là quí thì phải ân cần thận trọng, đợi đến ngày thành tựu, các con mới thấy rõ Thiên cơ thì chừng ấy các con muốn lập công bằng buổi nầy sao đặng? vì mỗi việc khó khăn trắc trở là lúc sơ khai." (TNHT)
"Thầy có hội chư Tiên, Phật lại mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt quốc." (TNHT)
"Thầy vì đức háo sanh, nên chẳng kể bực Chí Tôn cầm quyền thế giới, đến lập Đại Đạo Tam Kỳ trong lúc Hạ Nguơn nầy mà vớt sanh linh khỏi vòng khổ hải." (TNHT)
"ĐĐTKPĐ chiếu theo luật Thiên đình, Hội Tam Giáo, mở rộng mối Đạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhơn sanh bước lên con đường Cực Lạc, tránh khỏi đọa luân hồi." (TNHT)
"Thầy đã lập Đạo nơi cõi Nam nầy là cốt để ban thưởng một nước từ thử đến giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy, Thầy lại tha thứ, lại còn đến ban thưởng một cách vinh diệu. Từ tạo Thiên lập Địa, chưa nước nào dưới quả Địa cầu 68 nầy đặng vậy." (TNHT)
Trong Đại Lễ Khai Đạo ngày 15-10-Bính Dần, Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt thay mặt Hội Thánh mời đủ các quan chức cao cấp của nhà cầm quyền Pháp tại Nam Kỳ, các Chủ nhiệm và ký giả các báo chí ở Sài Gòn, đông đảo nhân sĩ trí thức, đến tham dự Đại Lễ Khai Đạo tổ chức rất long trọng tại Thánh Thất tạm là chùa Gò Kén Tây Ninh.
Tại Thánh Thất, Hội Thánh được Đức Chí Tôn dạy bảo, sắp đặt, phân trách nhiệm, nên tổ chức tiếp đãi các quan khách rất ân cần và nồng hậu. Bổn đạo và chư thiện nam tín nữ từ khắp các nơi trong nước đổ dồn về dự lễ rất đông, ngoài sức tưởng tượng của chánh quyền Đời.
Đặc biệt trong ngày Đại Lễ nầy, Hội Thánh không thâu nhận tiền bạc hỷ cúng của nhơn sanh, chỉ thâu nhận những cúng phẩm như trái cây, bông, trà, nhang đèn.
Đại Lễ Khai Đạo đã gây được một tiếng vang rất lớn đối với toàn cả Nam Kỳ, đối với nước Pháp và đối với quốc tế nữa. Nhiều tờ báo ở Sài Gòn, chữ Việt và chữ Pháp, đều có bài tường thuật tỉ mỉ Đại Lễ Khai Đạo, với nhiều hình ảnh kèm theo, rồi báo chí bên nước Pháp cũng đăng tiếp theo, gây được sự chú ý trên trường quốc tế.
Tuy Đại Lễ Khai Đạo tổ chức trong 3 ngày đã chấm dứt, nhưng thiện nam tín nữ từ khắp các tỉnh vẫn tiếp tục kéo về Thánh Thất Gò Kén nhập môn và lễ bái không ngớt, đồng thời, người Cao Miên từ tỉnh Soài Riêng cũng lũ lượt đi xuống nhập môn và làm công quả, kéo dài ngót 3 tháng như vậy.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khai Đạo (Thời Quân HTĐ)
開道
A: Religious Reformer.
P: Réformateur Religieux.
Khai Đạo là một phẩm Chức sắc của Thập nhị Thời Quân HTĐ thuộc chi Đạo, dưới quyền trực tiếp của Đức Thượng Phẩm.
CG PCT: Khai Đạo, khi đặng tờ kêu nài cầu rỗi thì liệu như đáng rỗi, phải nhứt diện tư tờ cho Tòa Tam Giáo CTĐ xin đình án bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện dâng sớ cho Hộ Pháp cầu nhóm Đại Hội HTĐ đặng định liệu, như phải đáng bào chữa thì Khai Đạo phân giải giữa Hội cho ra lẽ oan ưng, HTĐ cho lịnh thì mới dâng nội vụ lên cho Hiến Đạo.
Theo Hiếp pháp của HTĐ năm Nhâm Thân (1932) thì:
Trách nhiệm của Khai Đạo là lo nghiên cứu những điều cần ích cho chúng sanh trong đường Đạo và tìm phương giúp cho những điều cần ích ấy thành ra Luật Đạo, tức là mở rộng đường Đạo ra cho chúng sanh hưởng.
Đạo phục của Khai Đạo gồm hai bộ Đại phục và Tiểu phục, giống hệt Đạo phục của Bảo Đạo. (Xem: Bảo Đạo).
Khi Đức Chí Tôn lập pháp HTĐ ngày 12-1-Đinh Mão (dl 13-2-1927), Đức Chí Tôn phong Ngài Phạm Tấn Đãi vào chức Khai Đạo.
Sau đây là Tiểu sử của Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Khai Đạo Phạm Tấn Đãi (1901-1976)
Tiểu sử của Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi được Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa viết rất rõ trong Bản Tuyên Dương Công Nghiệp, đọc trong dịp lễ an táng Ngài Khai Đạo, liên đài nhập bửu tháp ngày 22-3-1976, xin chép nguyên văn ra sau đây:
BẢN TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP
Hiền Huynh KHAI ĐẠO, Quyền Chưởng quản HTĐ,
Tòa Thánh Tây Ninh
Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Ph. Thiện,
Kính Chư Chức sắc Thiên phong, Chức việc và toàn Đạo Nam Nữ,
Kính Quí vị,
Hiền huynh KHAI ĐẠO CHƠN QUÂN PHẠM TẤN ĐÃI, Quyền Chưởng quản HTĐ đã qui Thiên lúc 21 giờ 10 ngày 19-2-Bính Thìn (dl 19-3-1976), hưởng thọ 76 tuổi.
Tin đột ngột nầy làm sững sờ toàn thể Hội Thánh và bổn đạo vì buổi sáng cùng ngày, Người vẫn còn ngồi trong thành phần Chủ Tọa Đoàn phiên họp Hội Thánh Lưỡng Đài tại Giáo Tông Đường, và sau buổi họp, Người chỉ mệt xoàng, rồi đến chiều là trút hơi thở cuối cùng, nhẹ tách ra đi về chầu Ngọc Hư phục lịnh.
Nhơn danh Hội Thánh HTĐ, tôi xin trân trọng tuyên dương công nghiệp của Hiền huynh Thời Quân Khai Đạo về hai mặt Đạo lẫn Đời như sau:
Hiền huynh Phạm Tấn Đãi, tộc danh là Thuộc, và Đạo hiệu là Trí Thanh, sanh ngày 28-7-Tân Sửu (dl 10-9-1901) tại làng Mỹ Lệ, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn.
Thân phụ của Người là Ông Phạm Thành Thiệt, được Thiên phong Giáo Hữu, sau khi nhập môn cầu Đạo, thăng lần đến phẩm Phối Sư Phái Thượng.
Thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Ruộng, cũng được thọ Thiên ân Giáo Hữu, quê quán ở Chợ Trạm làng Mỹ Lệ.
Thuở thiếu thời, Người đã theo học các trường: Chợ Trạm, Trường Cần Giuộc, Trường Richaud, Trường Xã Tây Chợ Lớn, Trường Trung học Chasseloup Laubat, và Trường Trung học Nguyễn Xích Hồng.
Vì lẽ nội tổ không khứng cho con cháu mình làm việc cho Chánh phủ Pháp, nên sau khi ra trường, Người chỉ giúp việc cho người chú bà con có nhà máy xay lúa ở Bình Đông Chợ lớn.
Năm 1920, ông chú qua đời, Người nghỉ việc và xin phép nội tổ đi dạy học. Được chấp thuận, Người mới xin vào ngạch Giáo viên, được bổ dạy ở trường Phú Lâm (Chợ Lớn).
Năm 1921, đổi về dạy tại Cần Giuộc.
Năm 1923, sang dạy ở Rạch Kiến. Lúc ấy nhằm năm bắt thăm đi lính, Người bị trúng thăm số 1. Để muốn khỏi đi lính, Người phải làm tờ giao kèo tình nguyện hành nghề Giáo viên trong 10 năm mới đặng miễn dịch.
Thời gian dạy học, vì tánh cương trực, không bợ đỡ, nên bị nhà cầm quyền đổi đi nhiều chỗ, không ở nơi nào dạy được trên 3 năm, và rốt cuộc bị đưa về dạy ở vùng xa xôi Đức Hoà.
Trong lúc ấy, Người thường có đi dự nhiều cuộc hội họp diễn thuyết của các đoàn thể xã hội, đặng quen biết với các ông Phạm Văn Tươi Đốc học, ông Nguyễn Ngọc Tương Chủ Quận Cần Giuộc, v.v...
Vào ngày thứ bảy, 19-12-1925 (âl 4-11-Ất Sửu), Người được ông Phủ Nguyễn Ngọc Tương mời đến dự Lễ Khai đàn, có rất đông viên chức đến dự. Đêm ấy, Đức Chí Tôn giáng dạy, ban cho mỗi người một bài thi bốn câu, và riêng Người thì Đức Chí Tôn cho bốn câu thi như sau:
THI:
Dằn lòng len lỏi hãy qui y,
Nay gặp Ta đây đã đến kỳ.
Oanh liệt hồng trần e phải khổ,
Tầm đường đạo đức tránh đường nguy.
Và đúng một tuần sau, thứ bảy, ngày 26-12-1925 (âl 11-11-Ất Sửu), các ông ấy đến tư gia của Người để Khai đàn thượng tượng cầu các Đấng.
Đêm ấy, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Đạo và thâu nhận nhập môn, có cho Người một bài thi:
THI:
Nên gầy đạo đức đặng hồi nguyên,
Un đúc trẻ thơ sửa tánh hiền.
Nương bút Thiên cơ lo độ chúng,
Dìu người gắng sức đến rừng thiền.
Và ngày ấy là ngày Người nhập môn cầu Đạo.
Sau ngày nhập môn, Người cùng ông Đốc học Tươi tập cầm cơ hằng tháng mới viết ra chữ và thi phú.
Ngày Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTĐ, 12-Giêng-Đinh Mão (dl 13-2-1927), Đức Chí Tôn phong Ngài Phạm Tấn Đãi chức Khai Đạo HTĐ.
Từ ngày ấy, Người cùng ông Đốc học Phạm Văn Tươi đắc phong Hiến Đạo HTĐ, cầm cơ cho các Đấng thâu nhận nhơn sanh nhập môn vào Đạo, trong những ngày nghỉ làm việc ở nhà trường: Thứ năm, Chúa nhựt và dịp bãi trường, có sự chứng đàn của ông Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh, Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt, cùng nhiều Chức sắc khác.
Ngày 11-2-1933 (âl 17-Giêng-Quí Dậu), Đức Quyền Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp đồng ký tên ra Thông Tri thăng phẩm Quyền Đầu Sư cho 3 vị Chánh Phối Sư: Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh.
Như vậy ba phẩm Chánh Phối Sư bị khuyết, nên tạm cử ba vị Thời Quân HTĐ vào hàng Khai qua CTĐ nắm quyền ba Chánh Phối Sư (viết tắt CPS):
"Việc giao quyền hành Chánh Phối Sư cho ba Chức sắc HTĐ là việc mà Hội Thánh mới định hôm kỳ nhóm ngày mùng 9 tháng Giêng, nhằm 4-3-1933. Ba Chức sắc ấy là:
· Khai Thế Thái Văn Thâu, lãnh phận sự Thượng CPS.
· Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, lãnh phận sự Ngọc CPS.
· Khai Đạo Phạm Tấn Đãi, lãnh phận sự Thái CPS."
Thời gian ấy, nhà cầm quyền Pháp làm khó khăn đối với Đạo, nhưng Người vẫn vừa dạy học theo khế ước, vừa lặn lội về Tòa Thánh hành đạo trong những ngày nghỉ lễ, đến năm 1936.
Ngày 5-4-1945, sau khi Pháp bị Nhựt bổn đảo chánh, Người về ở luôn Tòa Thánh hành đạo, qui tụ chư Chức sắc lo sửa chữa các dinh thự bị hư sập.
Cuối năm 1945, Nhựt bổn đầu hàng Đồng Minh, Pháp trở lại VN, đem quân chiếm Tây Ninh. Ngài Khai Đạo hiệp cùng Ông Phối Sư Thái Khý Thanh, người gốc Đường nhơn, lo bảo thủ Tòa Thánh khỏi sự chiếm đóng của Pháp.
Tháng 8 năm Bính Tuất (1946), Đức Phạm Hộ Pháp hồi loan. Đức Ngài liền ra Thánh lịnh số 3/TL ngày 17-9-1946 (âl 22-8-Bính Tuất), giao trách vụ Quyền Ngọc Chánh Phối Sư cho Người và kiêm luôn Thống Quản Cơ Quan Phước Thiện.
- Thánh lịnh số 10/TL ngày 4-10-1946 (âl 10-9-Bính Tuất) giao nhiệm vụ giao tiếp với nhà cầm quyền Pháp.
- Năm 1949, Thánh lịnh số 17/TL ngày 11-11-1949 (âl 21-9-Kỷ Sửu), giao trả quyền Ngọc Chánh Phối Sư lại cho CTĐ và trở về HTĐ lãnh nhiệm vụ Giám Đốc Hạnh Đường, hiệp cùng 4 vị Thời Quân khác lo phần đào luyện Chức sắc.
- Năm 1952, Thánh Lịnh số 37/TL ngày 11-4-Nhâm Thìn (dl 4-5-1952), một lần nữa qua CTĐ lãnh trách vụ Quyền Ngọc Chánh Phối Sư.
- Năm 1955, Thánh lịnh số 54/TL ngày 27-3-1955 (âl 4-3-Ất Mùi), giao quyền Tam Đầu Chế HTĐ và cuối năm 1955, sau khi xin nghỉ dưỡng bịnh 6 tháng, trở lại hành sự. Người giao trả quyền Ngọc Chánh Phối Sư lại cho CTĐ.
- Đầu năm 1956, Đức Phạm Hộ Pháp rời Tòa Thánh đi Kim Biên, và tháng 3 năm 1957, Hội Thánh CTĐ và Phước Thiện hiệp nhau làm Tờ yêu cầu Đại huynh Thượng Sanh và chư vị Thời Quân về Tòa Thánh cầm giềng mối Đạo.
- Năm 1957, Đạo lịnh số 1/ĐL ngày 19-4-Đinh Dậu (dl 18-5-1957), phân công mỗi vị Thời Quân lãnh phận sự HTĐ cùng chư vị Thượng Thống Cửu Viện trao đổi ý kiến giúp hay cho Hội Thánh CTĐ.
- Đạo lịnh số 4/ĐL ngày 6-5-Đinh Dậu (dl 3-6-1957), tạm cầm quyền Ngọc Chánh Phối Sư, thay thế Ông Ngọc Non Thanh. Đây là lần thứ ba mà Người qua cầm quyền Ngọc Chánh Phối Sư bên CTĐ.
- Đạo lịnh số 30/ĐL ngày 27-6-ĐinhDậu (dl 24-7-1957), Hội Thánh HTĐ và CTĐ lập Tờ Ủy quyền cho Ngài Khai Đạo thay mặt Hội Thánh đứng bộ những bất động sản của Đạo mua.
- Vi Bằng số 28/VB ngày 21-8-1957 (âl 26-7-Đinh Dậu), đề cử Người làm Trưởng Phái Đoàn viếng các địa phương Nam và Trung Tông Đạo.
- Năm 1958, Đạo lịnh số 29/ĐL ngày 9-6-Mậu Tuất (dl 25-7-1958), giao cho Ngài Khai Đạo điều khiển CQPT.
- Đạo lịnh số 30/ĐL ngày 9-6-Mậu Tuất (dl 25-7-1958), giao quyền Đại diện HTĐ giao thiệp với Chánh phủ.
- Năm 1961, Đạo lịnh số 1/ĐL ngày 22-10-Tân Sửu (dl 29-11-1961), giao quyền Thống quản 4 vụ: Hộ, Lương, Nông (Kinh tế và Kỹ Nghệ) và Chẩn Tế vụ.
- Năm 1962, Đạo lịnh số 29/ĐL ngày 12-8-Nhâm Dần (dl 10-9-1962), giao cho Ngài Khai Đạo chăm lo về mặt Đạo với quyền hành như sau:
· Ngoài phận sự điều khiển CQPT, Ông lãnh nhiệm vụ chăm lo về Tịnh Thất và Thánh Thất.
· Người có quyền biện hộ cho những Chức sắc nào lỡ lầm phạm tội bị đưa ra Tòa Tam Giáo. Ông cũng có phận sự khuyên lơn, ngăn ngừa những người Đạo vô tình hay cố ý sa ngã vi phạm pháp luật Đạo.
· Nếu có sự lộn xộn ở địa phương nào làm tổn thương đến nền Đạo thì Ông sẽ hiệp với Thượng Chánh Phối Sư thân hành đến đó trấn an nhơn tâm.
· Được thay mặt cho HTĐ kiểm soát các cơ quan Giáo Huấn Chức sắc CTĐ và PT, vì Giáo Huấn là thuộc quyền của HTĐ. (Đạo Luật Mậu Dần trang 18, Điều 7: Về Hạnh đường).
· Đạo lịnh số 30/ĐL ngày 12-8-Nhâm Dần (dl 10-9-1962), giao trọn quyền điều khiển CQPT kiêm luôn các Cơ quan Lễ, Nhạc, Đồng Nhi và Ban Thuyền Bát Nhã.
- Năm 1963, Đạo lịnh số 11/ĐL, ngày 18-3-Quí Mão (dl 11-4-1963), giao nhiệm vụ Kiểm soát Chương trình và Bài giảng nơi Hạnh đường.
- Năm 1965, Đạo lịnh số 42/ĐL ngày 12-9-Ất Tỵ (dl 6-10-1965), làm Trưởng ban Kiểm soát Hỗn hợp tài sản Đạo.
- Năm 1967, Thánh Lịnh số 14/TL, ngày 19-Giêng-Đinh Mùi (dl 27-2-1967), giao nhiệm vụ Thống Quản Hội Thánh Phước Thiện Nam Nữ, kiêm nhiệm Trưởng ban Kiểm soát Hỗn hợp tài sản của Đạo.
- Thánh Lịnh số 3/TL ngày 28-11-Đinh Mùi (dl 29-12-1967), làm Giám Đốc Cơ quan Phát Thanh Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
- Năm 1969, Thánh Lịnh số 13/TL ngày 28-11-Mậu Thân (dl 16-1-1969), Chủ Tọa Tòa HTĐ thay thế cho vị Thời Quân Bảo Thế.
- Năm 1971, Thánh Lịnh số 6/TL ngày 6-12-Canh Tuất (dl 2-1-1971), làm Trưởng Ban Nghiên cứu kế hoạch xây cất Đạo Đức Đại Học Đường.
- Thánh Lịnh số 3/TL ngày 26-5-Tân Hợi (dl 18-6-1971):
· Chưởng quản Bộ Pháp Chánh.
· Thống quản Vạn Pháp Cung.
· Trưởng ban Đạo Sử và Thư Viện.
- Thánh Lịnh số 19/TL ngày 10-10-Tân Hợi (dl 27-11-1971), Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Viện Đại Học Cao Đài.
- Năm 1972, Thánh Lịnh số 33/TL ngày 4-12-Tân Hợi (dl 19-1-1972), Quyền Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài.
- Năm 1973, Thánh Lịnh số 61/TL, ngày 19-6-Quí Sửu (dl 18-7-1973), làm Chủ Tọa Hội Đồng Kiểm Án HTĐ.
- Đầu năm 1976, sau khi Đại huynh Hiến Pháp Chưởng quản HTĐ đăng Tiên, trong phiên họp khoáng đại Hội Thánh HTĐ ngày 21-12-Ất Mão (dl 21-1-1976), toàn thể Chức sắc HTĐ đồng ý với nhị vị Thời Quân Hiến Đạo và Bảo Đạo, giao nhiệm vụ Quyền Chưởng quản HTĐ cho Thời Quân Khai Đạo; và do Thánh giáo tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 23-12-Ất Mão (dl 23-1-1976), Đức Phạm Hộ Pháp đã chấp nhận cho Người lãnh trọng trách nầy. Lễ Tấn phong Quyền Chưởng Quản HTĐ cho Người đã cử hành long trọng tại Đền Thánh ngày 19-1-Bính Thìn (dl 18-2-1976), và chỉ trong thời gian ngắn ngủi, tròn một tháng hành quyền Chưởng quản, Người đã trở lại ngôi Thiên, để cả cơ đồ HTĐ lại cho bao người đang bỡ ngỡ.
Kính thưa Quí vị,
Từ ngày Khai Đạo và suốt hơn 50 năm liên tục hành đạo, Người đã có mặt hầu hết trong mọi biến chuyển thăng trầm của cơ Đạo. Với rất nhiều nhiệm vụ khá nặng nhọc kể trên, Người đã gồng gánh và cố gắng làm tròn sứ mạng đã được phú giao, và những thành quả tốt đẹp như Viện Đại Học Cao Đài, Cơ quan Phát Thanh Phổ Thông Giáo Lý, Ban Đạo Sử, đã nói lên thực tiễn việc làm của Người.
Nhìn sự việc, chúng ta vô cùng mến tiếc và nguyện dốc sức tiếp tục chung trí hiệp tâm lo xây dựng và bảo tồn nghiệp Đạo đến ngày thành công rực rỡ, để khỏi phụ lòng các bậc tiền nhân đã khổ công xây dựng.
Trước khi dứt lời, tôi xin thành khẩn cầu nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng liêng ban hồng ân cho Hiền huynh Khai Đạo được cao thăng Thiên vị và mong Hiền huynh niệm tình đồng đạo, vùa trợ chúng tôi trên bước đường hành đạo.
Tòa Thánh, ngày 22 tháng 2 năm Bính Thìn.
(dl 22-3-1976)
TM. HỘI THÁNH
BẢO ĐẠO Hồ Tấn Khoa (ấn ký)
Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi đăng Tiên lúc 9 giờ 10 phút tối ngày 19-2-Bính Thìn (dl 19-3-1976), thì ngay chiều hôm sau, ngày 20-2-Bính Thìn, Ngài giáng cơ tại Giáo Tông Đường, cho bài Thánh giáo sau đây:
THÁNH GIÁO của NGÀI KHAI ĐẠO
giáng tại Giáo Tông Đường ngày 20-2-Bính Thìn.
KHAI ĐẠO
Xin chào Bảo Đạo, Đầu Sư, chư Chức sắc Nam Nữ có mặt nơi đây.
Bần tăng được lịnh về gấp, các bạn chớ thắc mắc về sự qui Tiên gấp của Bần tăng, bởi có lịnh Ngọc Hư. Một điều đáng tiếc là Bần tăng lãnh lịnh của Ngự Mã Quân Hộ Pháp Chưởng quản HTĐ mà chưa thực hành gì cả.
Như vậy, Hiền huynh Bảo Đạo và Hiến Đạo tiếp tục chung tâm hiệp trí lãnh đạo HTĐ y theo lời dạy của Đức Hộ Pháp. Nếu Hiến Đạo vì bịnh không thể thường trực tại Tòa Thánh thì Hiền huynh Bảo Đạo nhận Quyền Chưởng quản HTĐ thế cho Bần tăng và cứ thực hành y theo lời chỉ giáo của Đức Ngài tại Cung Đạo.
Đức Hộ Pháp căn dặn chư Thời Quân còn tại thế cố bảo thủ Chơn truyền và Đạo pháp vì chư Chức sắc Lưỡng Đài hành đạo ngoài lời dạy của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng liêng từ ngày Khai Đạo, vi phạm Thiên điều, bị Thần Thánh lánh xa không ủng hộ, bằng cớ cho Kim Quang Sứ ra lịnh Quỉ Vương cám dỗ và thâu làm môn đệ là khác. Chừng ấy công nghiệp khổ hạnh của chư Chức sắc đều bị phế bỏ hết.
Vậy Bảo Đạo Hiền huynh cần mạnh dạn nhắc nhở Chức sắc HTĐ cố gìn giữ luật pháp, đó là đặc ân đối với Chức sắc Nam Nữ chớ có gì e ngại!
Đức Hộ Pháp dặn Bảo Đạo và Hiến Đạo cố dìu dẫn Hội Thánh Phước Thiện và bắt buộc họ phải thi hành Phước Thiện theo Đạo luật đã ấn định. Nếu sai lạc chủ nghĩa phước thiện là chư Chức sắc Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng phế vong trách nhiệm, bị Thiên điều trừng trị mà còn bị án bất tuân lịnh của Đức Hộ Pháp mà chớ.
Bần tăng bảo rằng, chúng cố thực hành cho chính chắn, sau nầy sẽ thấy thành công mỹ mãn mà cũng chính Đức Hộ Pháp tuyên dương công nghiệp tại Ngọc Hư Cung đó.
Về bài thài, đợi Bần tăng thương lượng rồi sẽ gởi.
Xin kiếu. Thăng.
Tái cầu: THÁNH HIỂN
Xin chào chư Hiền huynh Bảo Đạo, Ngọc Đầu Sư, chư Chức sắc Nam Nữ Lưỡng Đài.
Tệ Thánh vâng lịnh Hiền huynh Khai Đạo đem bốn câu thài sau đây:
KHAI mở Cao Đài độ chúng sanh,
ĐẠO mầu giải thoát giống dân lành.
CHƠN truyền cố vẹn, Đạo nhà vững,
QUÂN chủ dân quyền dứt chiến tranh.
Thăng.
THI VĂN của Ngài KHAI ĐẠO:
Thuở sinh tiền, Ngài Khai Đạo ít làm thơ. Sau đây xin chép vài bài thi của Ngài mà chúng tôi sưu tầm được:
Họa vận bài thi "CHỮ BẦN' của Ngài Bảo Pháp:
Chịu tiếng thế gian gọi Đạo bần,
Mang bầu quẩy gậy đẩy đưa chân.
Ly gia thưởng thức mùi Đạo sự,
Giải thoát dây oan phủi nợ nần.
Gắng chí dồi mài thành Đạo sĩ,
Bền gan luyện tập đặng hiền nhân.
Khai đường giác thế mong đời tỉnh,
Độ dẫn quần sinh lánh bợn trần.
Khai Đạo Phạm Tấn Đãi.
Sau đây là bức thơ của Ngài Khai Đạo gởi Giám Đạo Nguyễn Huợt Hải (qui vị ngày 26-12-Canh Dần, dl 2-2-1951).
Tòa Thánh, ngày 22-Giêng-Tân Mão (dl 27-2-1951)
(Năm Đạo thứ 26)
Kính gởi: Giám Đạo Nguyễn Huợt Hải.
Cầu xin cho biết rành tiền căn huynh đệ nơi cảnh thiêng liêng, tên mỗi người, coi còn ai nữa trong kiến họ Brahma Vichnou và cầu xin Hiền hữu họa nguyên vận bài thi của Bần sĩ làm để khóc Hiền hữu trong khi ly biệt Âm Dương hai ngả. Có lẽ phải chịu vắng hình vắng bóng, chớ lời lẽ qua lại hãy còn hoài.
THI:
Hiền đệ qui Thiên để mối sầu,
Tiền căn dan díu khóc canh thâu.
Nhớ lời mấy lúc cùng vui hứng,
Nhắn gọi bao lần chỗ thảm sầu.
Khuất bóng thông truyền vì cảnh giới,
Xót xa tiếng luận phải đương đầu.
Lòng ai đoái tưởng xin phò hộ,
Giám Đạo họa cùng mấy giọt châu.
KHAI ĐẠO Phạm Tấn Đãi.
Bài giáng cơ trả lời của Giám Đạo Nguyễn Huợt Hải:
Phò loan:
Nhung-Nguyên. |
Ngày 22-1-Tân Mão. |
GIÁM ĐẠO NGUYỄN HUỢT HẢI
Cười ... Lúc nãy Ngài Khai Đạo trông tin trả lời mà mấy "toi" không nói giùm....
Còn việc Ngài Khai Đạo hỏi thì tên của ông KHÝ và của "moi" ổng đã biết.
Tên của ông LỢI là Brahma Vhrinich, cô NHÂM là Brahma Prech, con của vua Brahma Itichnhon vào lúc năm 752, đệ tử của dòng Brahma Darma. Trong kiến họ tại đây không còn ai nữa. Nhung! Tịnh thêm chút nữa để họa thi:
HỌA:
Cảnh đọa tay chia luống nhớ sầu,
Tình huynh nghĩa đệ mấy trăng thâu.
Canh khuya nhìn ngọn hoa đăng cạn,
Trống nhặt nhỏ hình nhạn bút sầu.
Một thuở tương rau nên hiệp mặt,
Đôi khi muối tuyết đã chung đầu.
Hữu vô hai ngả đành ly biệt,
Đệ trở Thiên Cung bởi lịnh chầu.
Xin nhờ mấy toi biên rõ rồi chuyển cho Ngài Khai Đạo giùm. (Tài liệu của Sĩ Tải Huỳnh Văn Hưởng).
Ngài Khai Đạo có họa vận bài Thi của Đức Thượng Sanh, ngày 12-6-Đinh Dậu (dl 29-6-1957):
Đạo Trời thử thách lúc chinh nghiêng,
Quyết chí tầm phương giữ vững thuyền.
Ráng sức trở day theo máy tạo,
Tận tâm chèo chống đáp ân Thiên.
Từ bi nhẫn nại gương Tiên Phật,
Trung thứ khoan dung chí Thánh Hiền.
Mừng thấy thời cơ nhiều thuận tiện,
Muôn năm nghiệp Đạo để lưu truyền.
KHAI ĐẠO
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.
Khai giải
開解
A: To open and to liberate.
P: Ouvrir et libérer.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Giải: cởi ra, giải thoát.
Khai giải là mở ra và giải thoát khỏi chỗ đó.
KCS: Miền Âm cảnh ngục môn khai giải.
KCS: Kinh Cầu Siêu.
Khai hóa
開化
A: To develop.
P: Développer.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Hóa: dạy dỗ cho biến đổi xấu thành tốt.
Khai hóa là mở ra một học thuyết hay một tôn giáo để dạy dân chúng bỏ dữ theo lành.
NG: Nho tông khai hóa, Văn Tuyên tư lộc.
NG: Nho Giáo, Kinh Nho Giáo.
Khai huân
開蕈
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Huân: thức ăn cay như: tỏi, hành, hẹ, kiệu, nén, gọi là Ngũ huân. Tục gọi ăn mặn là Huân, ăn chay là Tố.
Khai huân là từ ngữ dùng bên Phật giáo.
Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt, quyển I trang 636:
Khai huân là cho phép ăn gia vị và thịt.
Phật tuy ngăn cấm dùng thịt rượu và năm vị cay, nhưng khi có bệnh hoạn hoặc dùng vào việc có ích thì được phép ăn.
Luật Tứ phận: Tì kheo mắc bịnh, cho phép được ăn mọi loại thịt, mọi loại nước chấm.
Thập tụng luật, Tăng kỳ luật, Tì ni mẫu luận,.... đều nói cho phép ăn loại thịt thanh tịnh không gắn với ba điều: thấy, nghe, nghi ngờ.
Ngũ sự Báo ứng kinh, nói rằng có bệnh thì được dùng các gia vị ở nhà dân thường bên ngoài chùa.
Phân biệt công đức luận, nói Đức Phật cho phép Tì kheo bị bệnh được uống rượu thuốc.
Văn Thù vấn kinh, nói Phật cho phép ăn thịt và ăn tỏi.
Khai khiếu
開竅
A: To open the intellectual faculty.
P: Ouvrir la faculté intellectuelle.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Khiếu: nghĩa đen là cái lỗ hổng trong cơ thể con người; nghĩa bóng là cái khả năng đặc biệt của mỗi người do Trời phú cho, nhưng nó ẩn tàng bên trong.
Khai khiếu là mở ra cái khả năng thông minh sáng suốt của con người.
KVH: Đại Từ Phụ xin thương khai khiếu.
KVH: Kinh vào học.
Khai Kinh
開經
A: The opening of prayers.
P: L'ouverture des prières.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Kinh: bài kinh để tụng khi cúng đàn.
Khai Kinh là bài kinh để tụng mở đầu trước khi tụng các bài kinh khác.
Trước khi tụng 4 bài kinh: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, và ba bài Kinh Tam giáo (PG, TG, NG), thì phải tụng bài Khai Kinh: "Biển trần khổ vơi vơi trời nước.... ... ..."
Bài Khai Kinh nầy do Đức Lữ Tổ (Đại Tiên Lữ Đồng Tân) giáng cơ ban cho Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu). Đây chỉ là bài diễn nôm của bài Khai Kinh Kệ Hán văn trong Kinh Huyền Môn Nhựt Tụng, từ bên Tàu truyền sang nước Ta.
Hội Thánh vâng lịnh Đức Chí Tôn đến Minh Lý Đạo thỉnh bài Khai Kinh nầy về làm Kinh ĐĐTKPĐ.
Sau đây xin chép lại bài Khai Kinh Kệ Hán văn:
Trần hải mang mang thủy nhựt đông,
Vãn hồi toàn trượng Chủ Nhân Công.
Yếu tri Tam giáo tâm nguyên hiệp,
Trung Thứ, Từ Bi, Cảm Ứng, đồng.
Viết ra Hán văn:
塵海茫茫水日東
挽回全仗主人公
要知三敎心源合
忠恕慈悲感應同
Giải nghĩa:
Câu 1:Trần hải mang mang thủy nhựt đông:
Trần hải: biển trần, cũng là biển khổ. Mang: mênh mông. Mang mang: mênh mông bát ngát. Thủy: nước. Nhựt: mặt trời. Đông: phương đông.
Biển trần bát ngát mênh mông toàn là nước, mặt trời ở phương đông.
Câu 2:Vãn hồi toàn trượng Chủ Nhân Công:
Vãn hồi: kéo trở lại. Toàn: hoàn toàn. Trượng: nhờ vào. Chủ Nhân: người làm chủ. Công: tiếng gọi Ông với ý tôn xưng. Chủ Nhân Công: trong Tiên giáo, Chủ Nhân Công là chỉ Đức Thái Thượng Lão Quân.
Vãn hồi được là hoàn toàn nhờ vào Đức Thái Thượng Lão Quân.
Câu 3:Yếu tri Tam giáo tâm nguyên hiệp:
Yếu: quan trọng. Tri: biết. Tam giáo: 3 nền tôn giáo lớn ở Á Đông: Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo. Tâm: cái tâm của con người. Nguyên: nguồn gốc. Hiệp: hợp lại.
Điều quan trọng cần biết của Tam giáo là do cái tâm làm gốc cho sự hòa hợp.
Câu 4:Trung thứ, Từ bi, Cảm ứng, đồng:
Trung thứ: hết lòng thật của mình là Trung, đem lòng mình suy đến lòng người là Thứ. Trung thứ chính là đạo Nhân Nghĩa của Đức Khổng Tử. Từ bi: lòng thương người thương vật, thương khắp chúng sanh và muốn giúp chúng sanh thoát khổ. Từ bi là hạnh đặc trưng của Phật. Cảm ứng: lấy tinh thần mà cảm động Thần linh. Cảm là nhân, ứng là quả; cảm là nguyên động lực, ứng là bị động lực; tỷ như thiện cảm thì phước báo ứng, ác cảm thì họa báo ứng.
Đức Khổng Tử dạy Trung thứ, Đức Phật dạy Từ bi, Đức Lão Tử dạy Cảm ứng (Kinh Cảm Ứng), tất cả đều đồng như nhau.
Bốn câu Hán văn trên được Đức Lữ Tổ giáng cơ diễn nôm thành bài Khai Kinh mà chúng ta thường tụng:
KHAI KINH
Biển trần khổ vơi vơi trời nước,
Ánh thái dương giọi trước phương đông.
Tổ Sư Thái Thượng Đức Ông,
Ra tay dẫn độ dày công giúp đời.
Trong Tam giáo có lời khuyến dạy,
Gốc bởi lòng làm phải làm lành.
Trung dung Khổng Thánh chỉ rành,
Từ bi Phật dặn lòng thành lòng nhơn.
Phép Tiên đạo tu chơn dưỡng tánh,
Một cội sanh ba nhánh in nhau.
Làm người rõ thấu lý sâu,
Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh kinh.
PG: Phật Giáo (Kinh Phật Giáo).
TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.
NG: Nho Giáo, Kinh Nho Giáo.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Khai Kinh Kệ
開經偈
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Kinh: bài kinh để tụng. Kệ: bài kệ.
Khai Kinh Kệ là bài kệ Khai Kinh, tức là bài kệ ngắn để tụng mở đầu trước khi tụng một bài Kinh dài.
Kinh Di-Lạc có bài Khai Kinh Kệ mở đầu:
Khai Kinh Kệ
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,
Ngã kim thính văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Tân Kinh chơn thiệt nghĩa.
Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết Di-Lạc Chơn Kinh.
Viết ra Hán văn:
開經偈
無上甚深微妙法
百千萬劫難遭遇
我今聽聞得受持
願解新經眞實義
釋迦牟尼文佛說彌勒眞經.
Giải nghĩa:
KỆ MỞ ĐẦU BÀI KINH
Giáo lý của Phật rất cao siêu, sâu xa, huyền vi mầu nhiệm,
Trăm, ngàn, muôn kiếp khó gặp đặng,
Ta nay nghe biết được nhận lấy và gìn giữ,
Nguyện giải thích bài Tân Kinh với ý nghĩa chơn thật.
Đức Phật Thích Ca thuyết giảng Kinh Di-Lạc chơn thật.
KHẢO DỊ:
Câu Kinh số 3: Ngã kim thính văn đắc thọ trì.
Bên Phật giáo, câu nầy là: Ngã kim kiến văn đắc thọ trì.
(Thính là nghe. Văn là nghe biết. Kiến là thấy).
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì: Ta nay thấy nghe được thọ trì.
Khai mạc
開幕
A: The raising of the curtain.
P: La levée du rideau.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Mạc: cái màn che ở trên sân khấu.
Khai mạc là mở màn trên sân khấu, ý nói cuộc hội nghị bắt đầu, hay bắt đầu một cuộc lễ, một cuộc triển lãm.
Diễn văn Khai mạc: Bài Diễn văn của Ban Tổ chức đọc trước khi hội nghị bắt đầu làm việc.
Khai minh Đại Đạo
開明大道
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Minh: sáng. Đại Đạo: nền Đạo lớn của Đức Chí Tôn, tức là ĐĐTKPĐ.
Khai minh Đại Đạo là mở ra cho sáng để mọi người nhìn thấy nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn.
BDT: Khai minh Đại Đạo hộ thanh bường.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
BDT: Bài Dâng Trà.
Khai Nguơn
開元
A: To open a new era.
P: Ouvrir une nouvelle ère.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Nguơn: còn đọc là Nguyên: mối khởi đầu.
Khai nguơn (Khai nguyên) là mở ra một kỷ nguyên mới.
Năm giáng sanh của Đức Chúa Jésus là năm khai nguyên của Công giáo và được chọn làm kỷ nguyên của Tây lịch.
Năm Đức Phật Thích Ca tịch diệt là năm khai nguyên của Phật giáo, và được chọn làm kỷ nguyên của Phật lịch.
Đối với Đạo Cao Đài, năm Bính Dần (1926) là năm khai nguyên của ĐĐTKPĐ, và được chọn làm kỷ nguyên Đạo lịch.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu
開人心必本於篤親之孝
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Nhơn tâm: lòng người. Tất: ắt hẳn. Bổn: gốc. Ư: ở tại. Đốc: rất. Thân: gần gũi thương yêu, cha mẹ.
Đây là một câu kinh trong bài Kinh Nho giáo, có nghĩa là: Khai mở cái tâm của con người ắt hẳn cái gốc ở tại sự hết lòng hiếu thảo với cha mẹ.
Ý của Đức Khổng Tử nói: Muốn khai mở tâm tánh của con người cho được sáng thì phải lấy sự hiếu thảo làm gốc, bởi vì: Bá hạnh hiếu vi tiên: Trăm nết tốt thì hiếu đứng đầu.
Hiếu là gốc của đạo làm người. Người không hiếu thảo với cha mẹ thì không làm chi nên việc và người ấy là mối nguy cho xã hội.
Ngoài cha mẹ nơi cõi phàm trần, mỗi người chúng ta còn có hai Đấng Cha Mẹ chung thiêng liêng là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, gọi là Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu. Chúng ta cần phải hiếu kính với hai Đấng ấy bằng cách tôn kính thờ phượng và mở lòng thương người thương vật, thương khắp chúng sanh, xem nhau như anh em một nhà, dìu dẫn nhau, anh trước em sau, đi trọn vẹn trên con đường đạo đức, để buổi chung qui, linh hồn được trở về Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.
Khai Pháp (HTĐ)
開法
A: Juridical Reformer.
P: Réformateur Juridique.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Pháp: pháp luật.
Khai Pháp là một phẩm Chức sắc Thập nhị Thời Quân HTĐ thuộc chi Pháp, dưới quyền trực tiếp của Đức Hộ Pháp.
CG PCT: Khai Pháp, khi tiếp đặng luật lệ, đơn trạng kiện thưa của CTĐ định xử hay là đã xử nơi Tiếp Pháp dâng lên, thì quan sát coi nên cho cả Chức sắc HTĐ biết cùng chăng, như đáng việc thì tức cấp nhứt diện tư tờ cho CTĐ xin đình đãi nội vụ lại bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện trình cho Hộ Pháp hay đặng Hộ Pháp mời nhóm HTĐ. Khi hội HTĐ thì Khai Pháp phải khai rõ nội vụ ra cho HTĐ quyết định, như quyết định phải sửa cải luật lệ hay là buộc án thì Khai Pháp phải dâng lên cho Hiến Pháp.
Theo Hiếp pháp của HTĐ năm Nhâm Thân (1932) thì:
Trách nhiệm của Khai Pháp là lo nghiên cứu những điều cần ích cho chúng sanh mà thêm vào pháp luật, tức là mở lần pháp luật ra thế nào cho chúng sanh có thể tuân theo mà tu hành cho khỏi điều hà khắc.
Đạo phục của Khai Pháp gồm hai bộ: Đại phục và Tiểu phục, giống hệt Đạo phục của Bảo Pháp. (Xem: Bảo Pháp).
Khi Đức Chí Tôn lập pháp HTĐ ngày 12-1-Đinh Mão (dl 13-2-1927), Đức Chí Tôn phong Ngài Trần Duy Nghĩa vào chức Khai Pháp.
Sau đây là Tiểu sử chi tiết của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
Khai Pháp Trần Duy Nghĩa (1888 - 1954)
Ngài Trần Duy Nghĩa, sanh năm Mậu Tý (1888) tại làng Thành Phô, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công.
Thân phụ là ông Trần Duy Quyền và thân mẫu là bà Đặng Thị Lâu, đều ở Gò Công.
Hiền nội của Ngài Trần Duy Nghĩa là bà Hồng Thị Đỏ (cô ruột của Cựu Đại Tá Hồng Sơn Đông). Hai ông bà chỉ sanh được một người con trai, đặt tên là Tháp, nhưng chẳng may mất sớm lúc mười mấy tuổi. Hai ông bà không sanh con thêm, nên xin hai người con gái để làm con nuôi:
Một người tên Nguyễn Thị Lụa, là cháu ruột kêu bà Hồng Thị Đỏ bằng dì.
· Một người tên là Trần Thị Huê, là cháu ruột của Ngài Trần Duy Nghĩa.
· Ngài Trần Duy Nghĩa làm công chức Sở Hỏa Xa thời Pháp thuộc.
Năm Bính Dần (1926), Đức Phạm Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn đi xuống Gò Công gọi Ngài Trần Duy Nghĩa. Vì Ngài là một nguyên nhân giáng phàm có nhiệm vụ tiền định, nên Ngài liền vâng chịu đi theo Đức Phạm Hộ Pháp, nhập môn làm môn đệ của Đức Chí Tôn, và kể từ đó, Ngài luôn luôn theo sát Đức Phạm Hộ Pháp để hành đạo.
Ngài Trần Duy Nghĩa được Thiên phong Khai Pháp, cùng một lượt với chư vị Thời Quân khác khi Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTĐ ngày 12-1-Đinh Mão (dl 13-2-1927).
Ngài hợp cùng Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng thành cặp Phò loan truyền đạo lúc ban sơ, và sau đó trở thành cặp Phò loan chuyên về Bí Pháp.
Ngày 11-2-1933 (âl 17-Giêng-Quí Dậu), Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp đồng ký tên ra một Thông Tri thăng phẩm Quyền Đầu Sư cho ba vị Chánh Phối Sư là: Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh.
Như vậy, ba phẩm Chánh Phối Sư bị khuyết, nên tạm cử ba vị Thời Quân HTĐ qua CTĐ đảm nhiệm ba chức vụ kể trên.
Thông Tri ấy có đoạn như sau:
"Việc giao quyền hành Chánh Phối Sư cho ba Chức sắc HTĐ là việc của Hội Thánh mới định hôm kỳ nhóm ngày mùng 9 tháng Giêng rồi đây, nhằm bữa 4-3-1933. Ba Chức sắc ấy là:
· Khai Thế Thái Văn Thâu, lãnh phận sự Thượng Chánh Phối Sư.
· Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, lãnh phận sự Ngọc Chánh Phối Sư.
· Khai Đạo Phạm Tấn Đãi, lãnh phận sự Thái Chánh Phối Sư."
Đạo Nghị Định của Đức Hộ Pháp số 56 ngày 23-9-Ất Hợi (dl 20-10-1935), Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa trở về HTĐ.
Đạo Nghị Định của Đức Phạm Hộ Pháp số 46 ngày 21-8-Bính Tý (dl 6-10-1936), Ngài Khai Pháp được giao nhiệm vụ Thẩm Án Tòa Đạo, và tạm quyền Chưởng quản CQPT cho tới ngày có một vị Thời Quân Chi Đạo thay thế.
Ngày 17-6-Tân Tỵ (dl 11-7-1941), lính Mật Thám Pháp vào Tòa Thánh bắt 4 vị Chức sắc: Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Giáo Sư Thái Phấn Thanh, và Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển, đồng thời ở Sài Gòn, chúng đến bắt Ngài Khai Pháp tại tư gia. Lúc đó, Đức Phạm Hộ Pháp đã bị chúng bắt trước đó gần nửa tháng, tức là ngày 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941).
Ngày 4-6 nhuần-Tân Tỵ (dl 27-7-1941), Chánh quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp và 4 vị Chức sắc lưu đày ở hải đảo Madagascar (Mã đảo) bên Phi Châu, trên chiếc tàu Compiège.
Trong thời gian bị lưu đày nơi Mã đảo, Ngài Khai Pháp và Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển luôn luôn kề cận bên Đức Phạm Hộ Pháp để giúp đỡ và cùng chia xẻ những nỗi đau buồn khổ cực. Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển và Giáo Sư Thái Gấm Thanh đã chết tại đảo, và Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển đắc Thánh vị.
Ngày 25-7-Bính Tuất (dl 21-8-1946), Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp và hai vị Chức sắc còn lại là Phối Sư Ngọc Trọng Thanh và Giáo Sư Thái Phấn Thanh, sau hơn 5 năm bị lưu đày, được Chánh quyền Pháp đưa trở về VN trả tự do, đi trên chiếc tàu Ile de France, cặp bến Vũng Tàu.
Ngày mùng 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946), Chánh quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp, Phối Sư Ngọc Trong Thanh và Giáo Sư Thái Phấn Thanh từ Sài Gòn về Tòa Thánh. Hội Thánh và rất đông đảo tín đồ tổ chức Lễ Nghinh Tiếp vô cùng long trọng và cảm động.
Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa tiếp tục hành đạo sát cánh Đức Phạm Hộ Pháp, được Đức Phạm Hộ Pháp giao cho nhiệm vụ Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, và Ngài ở nhiệm vụ nầy cho đến lúc đăng Tiên.
Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa đăng Tiên lúc 3 giờ rưởi sáng ngày 22-giêng-Giáp Ngọ (dl 24-2-1954) tại Văn phòng HTĐ Tòa Thánh, hưởng thọ 67 tuổi.
Tối hôm sau, Ngài Khai Pháp giáng cơ tại Bộ Pháp Chánh.
Phò loan:
Giám Đạo Hợi,
Luật Sự Nhung. |
Đêm 23-giêng-Giáp Ngọ, lúc 8 giờ tối. |
KHAI PHÁP TRẦN DUY NGHĨA
Tệ tăng xin chào quí bạn, Qua chào mấy em.
Chẳng phải lẽ sống là hạnh phúc cõi trần gian, nếu biết thì quí bạn cũng đã mừng cho tệ tăng rồi. Cái phàm thể chẳng qua là đồ mục, đâu đáng gì. Chính lúc sanh tiền, tệ tăng cũng lầm lẫn đó. Vậy xin cảm bái lòng tri ngộ của Đức Hộ Pháp và cảm tạ quí bạn cùng Hội Thánh.
Các em cũng vui mà lo tròn trọng trách nghe.
Xin để lời chào mừng bổn quyến.
Tiếp Pháp bạch: ... ... ...
THI:
Sáu mươi sáu tuổi có bao lâu,
Ngảnh lại trần gian chửa mãn sầu.
Tiếc lúc về già đời mỏi mắt,
Dầu an Tiên cảnh vẫn đeo sầu.
Tệ tăng xin hẹn lúc khác.
Xin kiếu. THĂNG.
Ba ngày sau, Ngài Khai Pháp giáng cơ nói về cái chết của Ngài:
Phò loan:
Sĩ Tải Ảnh -
Luật Sự Nhung. |
Đêm 26-giêng-Giáp Ngọ (dl 28-2-1954). |
KHAI PHÁP
Qua chào mấy em.
Thấy mấy em nhọc nhằn, Qua không vui chút nào. Sự sanh ly tử biệt là thường của thế gian. May duyên, Qua được diễm phúc thọ hồng ân của Đức Chí Tôn và Đức Từ Mẫu mà Qua được biệt đãi, chớ thật ra Qua với mấy em đâu có khác gì.
Nhớ lại lúc anh em chúng ta chung trí để làm việc, mặc dầu có nhiều sơ sót vì chúng ta không phải là chuyên môn, nhưng có nhiều đặc sắc.
Ngày về, Qua được Đức Chí Tôn ban ân khen thưởng, đó là công nghiệp của mấy em. Vậy Qua xin thành thật cảm tạ ơn tríu mến đã làm nên sợi dây thân ái giữa chúng ta thêm bền chặt. Qua xin mấy em vui lòng với Qua nghe.
Thừa Sử bạch: - Đức Hộ Pháp muốn rõ lúc Ngài qui vị.
- Cười ... Đức Ngài muốn biết rõ để răn phạt em Bảo thể có phận sự bữa đó. Cười ...
Thửa Sử bạch: - Phải lúc 4 giờ Ngài đi tiểu trở vô mới té phải không ?
- Không phải, lúc ấy vào lối 3 giờ hơn, Qua thấy chột dạ và không muốn làm phiền mấy em Bảo thể nên Qua tự mở cửa định vòng ra ngả sau, vừa đến tam cấp, có luồng gió lạnh đập mạnh vào nên té luôn mà rời xác. Đó là Anh Cao Thượng Phẩm đến đem Qua về.
Thừa Sử bạch: - Có lẽ khi té, Ngài trăn trở một lúc rồi mới đi ?
- Đi liền. Qua bị còn một chút nợ nên phải trả bằng cách ấy cho trọn đấy thôi, chớ chẳng phải rủi ro chi cả. Mấy em an tâm, nếu Đức Hộ Pháp có hỏi thì bạch giùm Qua, chớ để em Bảo thể bị phạt thì oan cho nó lắm.
Thôi khi khác, Qua sẽ đàm đạo nhiều.
Qua kiếu mấy em. THĂNG.
Bốn hôm sau, Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ cho biết Ngài Khai Pháp có đủ công nghiệp nên trở về cựu vị, tiếp theo là Ngài Khai Pháp giáng cơ:
Phò loan: |
Bộ Pháp Chánh, 30-1-Giáp Ngọ
(dl 4-3-1954).
|
Giám Đạo Hợi -
Luật Sự Nhung.
Chứng đàn:
Tiếp Pháp,
Bảo Đạo. |
CAO THƯỢNG PHẨM
Chào Tiếp Pháp, Bảo Đạo, mấy em và Chị ba.
Hôm nay, toàn thể Ngọc Hư Cung đều vui mừng tiếp rước vị Khai Pháp Chơn Quân trở về cựu vị với công nghiệp rõ ràng. Vậy, Bần đạo đến cho hay trong cửa Hiệp Thiên Đài thêm phần vinh hiển.
Thôi, Bần đạo nhượng cơ cho Trần Khai Pháp. Thăng.
TÁI CẦU:
Khai Pháp TRẦN DUY NGHĨA
Xin chào mấy bạn, chào mấy em.
Từ buổi rảnh nợ trần, tệ tăng vẫn luyến tiếc đến những công nghiệp mà mấy bạn sẽ tiếp tục làm hằng ngày gần đây. Ngày giờ đã định, Chí Tôn không thể để tệ tăng còn ở tại trần nữa và phải giao phận sự lại cho bạn Tiếp Pháp.
Vậy tệ tăng không thể cùng mấy bạn chung vui sớt nhọc lúc sau nầy mà phải trở về lo mặt huyền linh, hầu giúp cơ xây chuyển được chóng kịp ngày giờ.
Mấy bạn, tuy mất tệ tăng về mặt hữu hình, song ở vô vi thì tệ tăng luôn luôn ở bên mấy bạn.
Bạn Tiếp Pháp, kể từ giờ nầy, bạn là vị Chơn Quân lãnh phần tiếp pháp lịnh mà hành nên Chánh truyền cho cơ định thế. Phần Khai Pháp đã qua, giờ đến lượt bạn, ấy Thiên cơ tiền định. Bạn suy gẫm sẽ hiểu thêm.
Tiếp Pháp bạch: - . . . (về sự bất tài của mình)
- Việc làm trước dở sau hay là lẽ thường, nghề dạy nghề chớ không ai dạy ai giỏi. Vậy bạn cứ nung chí và tận lực thì kết quả không xa đâu.
Từ đây là cơ hành pháp chớ không còn là cơ thọ pháp nữa. Vậy bạn là người tiếp nhận pháp giới của chúng ta và tùng Hộ Pháp đặng ban hành chánh pháp cho Thánh thể và cả con cái Chí Tôn. Như vậy thì trách nhiệm rất nặng nề, bạn khá thận trọng, còn về mặt vô vi, tệ tăng luôn luôn giúp sức, nếu có điều chi thắc mắc thì cứ kêu tệ tăng sẽ đến giải giúp cho.
Bạn Bảo Đạo,
Bạn đã thọ Thiên ân trong hàng Thời Quân với trọng trách Bảo Đạo tức là thay thế cho Thượng Phẩm tại thế vậy, bạn hiểu trách nhiệm nặng là dường nào rồi, chỉ còn chờ ngày Đức Hộ Pháp và Anh Thượng Phẩm ban pháp thì bắt tay vào việc. Bạn ráng lên vì sẽ mệt nhọc lắm đó.
Anh Quyền Thượng Chánh Phối Sư,
Tệ tăng xin gởi lời chào mừng hết các bạn Cửu Trùng Đài và để lời cảm tạ. Tệ tăng hứa sẽ giúp tay anh Quyền Giáo Tông đặng Cửu Trùng Đài ra giá trọng.
Bây giờ tệ tăng xin nói chuyện với người bạn một chút.
Bà Hương Đỏ, xin bà dẹp hết sầu bi mà mừng cho tệ tăng. Nói như thế thì tệ tăng đã quá lục tuần rồi, cảnh biệt ly không còn chi đáng thương xót nữa. Còn về việc Đạo thì ngày công tròn quả mãn đặng về Chí Tôn và Phật Mẫu là ngày vinh diệu hơn hết. Vậy thay vì buồn thương, bà mừng vui mới phải.
Tệ tăng chỉ muốn biết một điều là bà xin Quyền Chí Tôn tái thủ phận sự đặng tiếp tục công nghiệp lúc về già. Được chừng ấy thì tệ tăng vui mừng lắm. Còn việc nhà, khéo thu xếp là được, tệ tăng khỏi bận nhắc.
Như vậy là đủ rồi, tệ tăng xin kiếu.
THĂNG.
(Bà Hương Đỏ, thế danh là Hồng Thị Đỏ, vợ của Ngài Trần Duy Nghĩa).
Tại Báo Ân Đường Kim Biên (Nam Vang), đêm 15-8-Bính Thân (dl 19-9-1956), Phò loan: Hộ Pháp - Bảo Đạo, Ngài Khai Pháp giáng cơ cho bài Thài khác thay bài Thài cũ:
TÁI CẦU: TRẦN KHAI PHÁP
Cười.... Bị kêu ngạo mắc cở quá! Đã biết người ta thi phú văn chương dở mà còn kêu ngạo là điều thất đức. Biết chưa các quan? Ờ để ráng hết gân hết cốt một lần đặng chuộc danh giá của một vị Chơn Quân coi! để người ta kêu ngạo chịu không nổi. Thi nè:
Đã chán công danh dưới phép người,
Đem thân cửa Phạm để nên nơi.
Lóng chuông Bạch Ngọc hồi hồn tục,
Nghe trống Lôi Âm tỉnh mộng đời.
Nắm pháp thiêng liêng dìu Thánh vị,
Cầm cân công lý giữ ngôi Trời.
Dầu chưa trọn nghĩa Thiên Thơ định,
Giác ngộ vui theo cũng kịp thời.
Cười... Chớ để bị hoài sao các quan! Chào. THĂNG.
Ngày 28-Giêng-Giáp Ngọ (dl 2-3-1954), trong buổi Lễ Di Liên đài của Ngài Khai Pháp nhập bửu tháp. Đức Hộ Pháp có phát biểu để tưởng niệm và cũng để tuyên dương công nghiệp của Ngài Khai Pháp, xin trích ra một đoạn sau đây:
Đức Khai Pháp Chơn Quân, cả toàn Thánh Thể và con cái Đức Chí Tôn đều hiểu là ai?
Trong 12 vị Chơn Quân của 12 con Giáp là cơ huyền bí tạo CKVT thế nào, có lẽ cả tinh thần của toàn thể con cái Đức Chí Tôn hiểu thấu.
Bần đạo lại thêm một điều trọng hệ hơn hết, người không phải xa lạ với nhơn loại nơi mặt Địa cầu nầy, người đã cùng làm bạn với nhơn loại và chịu khổ cùng nhơn loại. Ngài là một bậc yếu nhân đã giúp Đức Chí Tôn tạo dựng nền văn minh hiện tại.
Bần đạo nói quả quyết rằng: Ngài là một vị yếu nhân đã cầm quyền về tinh thần của nền văn minh.
Ngài tái kiếp, sứ mạng của Ngài không chi khác hơn là làm thế nào cho nền văn minh ấy chung hiệp các nền văn minh tối cổ trên mặt Địa cầu nầy, làm cho thiên hạ thống nhứt về tâm hồn, thống nhứt về đạo đức....
Thật sự hôm nay, Đức Khai Pháp Chơn Quân đã hưởng trọn hạnh phúc mà Bần đạo đã tỏ ra khi nãy đó, cái hạnh phúc chơn thật của Ngài hôm nay được hưởng, trái lụng lại, chúng ta buồn thảm chia ly về phần xác, mà Bần đạo lấy làm hân hạnh vui hứng thấy Ngài đã đoạt Đạo. Đức Khai Pháp Chơn Quân đã đoạt đạo tại thế nầy đó vậy.
Bần đạo làm chứng cho toàn thể con cái Đức Chí Tôn điều ấy.
Theo lời Đức Phạm Hộ Pháp, chúng ta hiểu rằng, Ngài Trần Duy Nghĩa là Thánh Pierre (Phê-rô) của Thiên Chúa giáo chiết chơn linh giáng phàm để giúp Đức Phạm Hộ Pháp và làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai Đạo.
Thánh Pierre là một trong số 12 môn đồ của Đức Chúa Jésus, là người mà Đức Chúa Jésus tin cậy, đặt nền tảng của Hội Thánh truyền giáo của Ngài.
Ông Chơn Nhơn Phạm Duy Hoai có thuật chuyện Ngài Khai Pháp như sau:
Một hôm nọ, Đức Phạm Hộ Pháp lập đàn, có các vị Chức sắc Thiên phong dự chứng. Đức Phạm Hộ Pháp cầm cây Kim Tiên đưa ra bên trên và trước mặt Ngài Khai Pháp đang quì. Đức Phạm Hộ Pháp nói: Nầy Pierre, ngày trước nguơi đã chối ta ba lần, lần nầy ta tha cho đó. Đoạn Ngài Khai Pháp lạy. Đàn mãn.
Theo Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, quyển I trang 35, Thánh Pierre có giáng cơ cho 4 câu thi:
SAINT PIERRE
Thiên Đàng giữ cửa góc Trời Tây,
Truyền đạo cho dân biết mặt Thầy.
Cứu chuộc đã gần đôi ngàn tuổi,
Cao Đài phú thác dắt dìu bây.
(31 Décembre 1925)
Trong dịp Lễ Đại Tường của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, tại Bửu tháp, Đức Phạm Hộ Pháp nhắc lại công nghiệp khổ hạnh của Ngài Trần Khai Pháp như sau:
Thưa cùng chư Viên quan, chư Chức sắc, cùng mấy em Nam Nữ,
Hôm nay là ngày Lễ Đại Tường của Đức Khai Pháp Chơn Quân, Bần đạo không cần minh tả, tưởng toàn thể con cái Đức Chí Tôn mến tiếc Ngài là một vị Chơn linh nguyên nhân của Đức Chí Tôn đã định.
Nhắc lại công nghiệp của Ngài, Bần đạo cảm giác vô cùng. Sự cảm giác của Bần đạo đối với Ngài, không giờ phút nào Bần đạo quên được cái công cực khổ đáo để của Ngài đối với Bần đạo. Bần đạo chắc chắn rằng, trong Chức sắc HTĐ, Bần đạo chỉ nhờ Đức Khai Pháp nhiều hơn hết. Đó là bằng chứng hiển nhiên.
Ngày nay, Ngài đã qui Thiên, thì nền Đạo đã bớt hết một cánh tay gánh vác sự nghiệp thiêng liêng vĩ đại của Đức Chí Tôn tại mặt thế nầy.
Bần đạo thấy cái sống ở đời của Đức Trần Khai Pháp trong buổi sanh tiền chưa có hưởng hạnh phúc hay thú vị gì cả. Sự nghiệp giàu sang, vinh hiển cũng không màng, chỉ nguyện đem cái xác thân nầy hiến trọn vẹn nơi cửa Đạo.
Đức Chí Tôn đã lựa sắm hồi nào mà chính mình Đức Chí Tôn lựa sắm thật là xứng đáng.
Trong buổi đầu, Đức Chí Tôn dạy:
Con muốn ra gánh vác sự nghiệp thiêng liêng, lập nền Quốc Đạo, trước hết con phải lập Pháp cho xong thì Đạo mới vững bền được.
Buổi nọ, Bần đạo để trọn vẹn cho Đức Chí Tôn lựa, chớ không phải phàm lựa.
Khi được cơ bút dạy đi tìm Khai Pháp tại tỉnh Gò Công, Bần đạo chưa từng đến, mà cũng không làm bạn với một người nào nơi tỉnh ấy, nhưng cũng vâng lịnh đến tìm, hỏi thăm, thì đã trúng ngay nhà Ông Trần Duy Nghĩa.
Vừa gặp người đứng trước thềm nhà, hỏi thăm thì người nói: Tôi là Trần Duy Nghĩa. Nói rồi, mời Bần đạo vào nhà.
Bần đạo không ngần ngại và để đức tin nơi quyền thiêng liêng, bèn tả hết công việc, thì Ngài hứa tình nguyện. Một điều là hủy cái đời giàu sang vinh hiển để nạp mình vào cửa Đạo.
Bần đạo chưa tin, còn hồ nghi bị chúng gạt. Khi về đến Sài Gòn, Ngài chỉ xách theo một gói đồ trên tay và không trở về gia đình lần nào.
Bần đạo đưa bài Thánh giáo của Đức Chí Tôn bảo đi tìm Ngài, thì Ngài nói với Bần đạo hai câu làm Bần đạo kính phục và cảm tưởng mãi nơi tâm, biết rằng ông nầy có thể chung sức với mình gánh vác nổi sự nghiệp của Đức Chí Tôn giao phó.
Ngài nói: Tôi tưởng dòng dõi dân tộc VN bốn ngàn năm đã chết, nào dè ngày nay Đức Chí Tôn định lập Quốc Đạo, thì chắc chắn rằng, đất nước VN sẽ sống lại được mà cứu Tổ quốc và giống nòi VN cổi ách nô lệ giữa thời Pháp thuộc bạo hành.
Kể từ đó, Ngài vẫn cương quyết lo giúp Bần đạo với một sự kính nể đáo để, không giờ phút nào Ngài xa Bần đạo. Không nhắc đến thì thôi, mà nhắc đến làm cho giọt lệ của Bần đạo tuôn chảy không ngừng.
Chẳng phải riêng Bần đạo mất một người ân trọng nghĩa thâm, mà toàn đạo Nam Nữ thảy đều mất một người bạn yêu mến thiêng liêng đó vậy.
Nhớ lại lúc chánh quyền Pháp đày ra hải đảo Madagascar, trong đó có nhiều Chức sắc Thiên phong cùng chung chịu ảnh hưởng, Bần đạo chỉ thấy một Đức Ngài và em Thánh Hiển hết lòng phụng sự Bần đạo, còn bao nhiêu vì quyền lợi mà xua đuổi hành phạt Bần đạo đáo để. Có người dựa quyền lợi theo thuyết Cộng sản, dùng sức mạnh trở lại khổ khắc Bần đạo mà chưa vừa lòng. Họ còn xúi giục chánh quyền đày Bần đạo lên nguồn cao nước độc để giết Bần đạo một cách gián tiếp. Nếu chẳng nhờ quyền năng thiêng liêng giúp sức, Bần đạo không thể trở về Tổ quốc Thánh địa nước VN ngày nay.
Tội nghiệp em Thánh Hiển với Ngài Khai Pháp, thấy vậy cũng xin đi theo, đã bị chúng đuổi đánh, cũng tính kế đi theo nuôi dưỡng Bần đạo cho được.
Thánh Hiển, vì đi theo Bần đạo uống nước độc mà bỏ mình nơi rừng sâu núi thẳm, chỉ còn Bần đạo và Ngài.
Ngài ôm Bần đạo mà khóc, chỉ van vái một điều là cầu xin Đức Chí Tôn đem về đất Thánh cổi xác mà thôi. Thật quả nhiên như lời nguyện không sai.
Khi trở về Thánh địa, Bần đạo gượng làm vui, chớ kỳ thật riêng Ngài Khai Pháp và Bần đạo, không giờ phút nào quên cảnh tù đày lao khổ. Bần đạo thấy con cái Đức Chí Tôn rất chú ý về việc đó, nhưng Bần đạo ôm lòng nín chịu, căn dặn Ngài không thốt ra lời nói gì cả. Bần đạo sợ nói ra đây, gây oán chuốt hờn thêm cho Đạo. Nếu Bần đạo nói ra, chắc không bút mực nào tả hết, lại gây thêm xung đột.
Kể từ ngày về Thánh địa, Ngài Khai Pháp thường than thở với Bần đạo, vì sợ e gây cảnh nồi da xáo thịt, bên ngoài thì Pháp, bên trong thì VN, ở giữa thì Quân đội Cao Đài. Ai vui hưởng, chớ riêng Ngài không có ngày nào không lo sợ, sợ đổ máu giết chóc lẫn nhau, lần đến tương tàn cốt nhục của nòi giống VN ta nữa mà chớ.
Sau ngày Trung Tá Trấn (Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn) Thánh Vệ Trưởng bị quân đội Thành ám sát, Ngài thường đến Trí Huệ Cung ôm Bần đạo vào lòng, khóc và than rằng: Thầy ôi! Cái sợ của tôi ngày nay đã đến rồi. Tôi hằng than thở với Thầy từ nơi hải đảo, là nơi chúng đày khổ thân, Thầy trò mình tưởng về đất Thánh địa được yên vui, nào dè có quân đội, cho nên mới ra nỗi nầy,
Than rồi khóc, rồi Ngài vịn níu lấy Bần đạo mà nói:
Thầy ôi! Vì lời khuyên xưa kia, Thầy trò mình mới về dìu dắt con cái Đức Chí Tôn mà họ đâu thấu đáo tâm trạng, nay Trấn đã chết rồi thì tôi thấy còn nhiều thảm họa dẫy đầy, tự gây phản bội mà làm ly tán, thì bầy con dại của Đức Chí Tôn phải sống nơi nào cho an phận.
Thưa Thầy! Thà Thầy trò mình ở lại vùi thân nơi chốn tù đày hải đảo rừng xanh nước độc, còn thú vị hơn về đây thấy cảnh đổ máu không lịch sử, dòng dõi chủng tộc VN phải ly tán, tiền đồ Tổ quốc không dựng lại, mà nhơn loại phải chịu cảnh sắp điêu tàn, nền Đạo chinh nghiêng bởi cảnh đó.
Nghe qua những tiếng nói thảm thiết, làm cho giọt lệ Bần đạo đã chảy theo không ngừng, nhưng Bần đạo cố gượng cho khuây khỏa. Hồi nghĩ lại, Bần đạo gượng làm vui, mượn cớ cho Ngài bớt buồn rầu đau thảm.
Không anh à! Mấy em nó vì đầu óc thanh niên, không phải như mấy anh lão thành vậy đâu. Vì máu nóng còn đua tài, chác lợi, quyền trọng tham danh, chớ buộc cả thảy như quí anh sao được.
Bần đạo thấy Ngài buồn, kiếm chước cho vui đỡ, và lần lượt kiến tạo Trí Giác Cung, khuyên Ngài vào ở đó cho yên tịnh, bớt thấy cảnh thảm họa trêu diễn trước mắt hằng ngày.
Trong thời gian Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa cầm quyền Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, Ngài có biên soạn những bài giảng về Chánh Trị Đạo để dạy Hạnh đường, sau cùng Ngài tập hợp các bài giảng ấy, lập thành quyển sách tựa đề:
CHÁNH TRỊ ĐẠO, giải thích rõ ràng nền Chánh Trị Đạo của Đạo Cao Đài, để người đời khỏi lầm tưởng Đạo Cao Đài là một tổ chức chánh trị, như các đảng phái chánh trị ngoài đời.
Danh từ PHÁP CHÁNH cũng do Ngài Khai Pháp đặt ra để thay thế danh từ Tòa Đạo đã dùng khi trước.
Quyển sách nầy gồm 5 Phần chính:
* Phần I nói về nền tảng Chánh Trị Đạo của Đạo Cao Đài gồm 4 cơ quan:
· Hành Chánh, thuộc CTĐ.
· Phổ Tế, thuộc CTĐ.
· Pháp Chánh, thuộc HTĐ.
· Phước Thiện, thuộc HTĐ.
* Phần II nói về Quyền Lập Pháp của Đạo thuộc về Ba Hội: - Hội Nhơn Sanh, - Hội Thánh, - Thượng Hội.
* Phần III nói về Quyền Hành Pháp, thuộc về CTĐ.
* Phần IV nói về Quyền Tư Pháp, thuộc về HTĐ.
* Phần V, so sánh Chánh Trị Đạo và Chánh Trị Đời.
Sau đây, xin chép lại một bài giáng cơ của Ngài Trần Khai Pháp, nói chuyện cùng Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước.
Phò loan: |
Đàn cơ đêm mùng 2-12-Giáp Thìn, tại Giáo Tông Đường, hồi 8 giờ 40.
|
Giám Đạo
Nguyễn Văn Hợi
Thừa Sử
Nguyễn Văn Kiết. |
Hầu đàn: |
Chư Chức sắc HTĐ. |
KHAI PHÁP
Chào Hiền huynh Bảo Thế và các em.
Tiện đây, Bần tăng đàm đạo cùng Bảo Thế.
Ngày Bần tăng về Chí Tôn mới rõ quyền năng Thiên Triều vô biên. Chính Bần tăng rón rén bước vào Bạch Ngọc Kinh, phải nhờ Chơn Linh VI HỘ dẫn tấn. Từ đây mới biết Chí Tôn phần nào và được thấu đáo nhiệm vụ của Thời Quân, chẳng những nơi thế gian nầy mà còn nơi cõi Thiên nữa. Như thế mới khiếp sợ với trách vụ mình.
Nếu quí bạn được thấy thì tưởng không còn muốn ở cõi trần nữa làm gì. Vậy Bần tăng ước mong quí bạn Thời Quân tìm cách dòm về hướng Chí Tôn để rộng quyền làm tròn Thiên Soái mạng.
Hổm rày, Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng quản HTĐ có nhóm Hội Thánh HTĐ nhiều lần để quyết định tương lai của nền Chánh giáo. Vì thế mà Bần tăng được chỉ định gần gũi Hiền huynh để ủng hộ và trao lời của Đức Phạm Hộ Pháp dạy.
Hiền huynh nhớ Đạo Cao Đài có Chánh Trị Đạo, thì tưởng cũng không đụng chạm ai. Đời họ lo lấy, Đạo mình mình trị, trong vòng tự do tín ngưỡng, miễn đừng lấn quyền Đời thì thôi.
Hộ Pháp có than lúc nầy không người kế chí, nhưng Đức Ngài còn tin nơi Hiền huynh, nên chính Đức Ngài dục tấn Hiền huynh về. Khi còn ở đô thành, có lẽ Hiền huynh còn nhớ Ngài kêu hôm nào đó. Hiền huynh cứ tiến tới nhiệm vụ của Đức Phạm Hộ Pháp đã giao, tức bên cạnh có Đức Ngài và chư Thời Quân ám trợ, đừng lo ma hồn quỉ xác gì nữa, bất quá chúng nó thêm công quả để Hiền huynh đạt đạo cho mau vậy thôi. Hiền huynh vững đức tin, cuộc thế đã đến kỳ kết thúc, nên Thần Tiên đã lâm phàm, đồng ngưỡng về Cao Đài Thánh địa, là Tòa Bạch Ngọc Kinh tại thế.
Buổi Phật Di-Lạc Vương trị vì thiên hạ, cứ tiến tới có ngày vui sắp đến.
Bần tăng tưởng Hiền huynh đã từng gần Đức Hộ Pháp thì cũng còn nhớ cách phục nhơn tâm và thâu thiên hạ là dường nào rồi. Nhờ tâm đức ấy mà Ngài lập đại công, thì Hiền huynh nên đồ theo đường lối ấy thì ắt thành công trong sứ mạng đó.
À! Chỉnh giùm chỗ luyện Tam Bửu: Tay trái bắt Ấn Tý cầm chén bông, còn tay mặt bắt Ấn Hộ Pháp để lên trên chén. Hôm nọ viết sai.
Xin chào Hiền huynh. Để kỳ tới sẽ tái ngộ. THĂNG.
Bài thi của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa khoán thủ: Trần Duy Nghĩa (trích trong Thuyết đạo của Ngài Bảo Thế):
Trần hoàn khỏa lấp bụi phù sanh,
Duy lý uyên thâm tại Đạo thành.
Nghĩa dõng tài cao còn thiếu đức,
Nắm cơ trị thế khó nên danh.
Bài thi của Ngài Khai Pháp làm, khoán thủ: KHAI PHÁP CHƠN QUÂN:
KHAI khiếu huyền linh diệt tánh phàm,
PHÁP điều khử mị dẹp tà tâm.
CHƠN truyền mầu nhiệm Tam Kỳ xuất,
QUÂN tướng đua giành nước Việt Nam.
(4-3-Ất Tỵ, dl 5-4-1965)
Bài thi của Ngài Khai Pháp làm, nhân lễ kỷ niệm Ngài Bảo Đạo Ca Minh Chương:
Phỉ bấy hiền huynh đặng thảnh thơi,
Vui vầy đồng đạo chén khuyên mời.
Ân hồng cõi thọ hương đầm ấm,
Phước huệ đài mây chí rạng ngời.
Muôn kiếp anh linh trang tuấn kiệt,
Ngàn thu hiển hích bậc cao ngôi.
Hiệp Thiên vẹn giữ lòng chung thỉ,
Tạc dấu anh phong để quán đời.
KHAI PHÁP
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Khai quang điểm nhãn
開光點眼
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Quang: sáng. Điểm nhãn: vẽ con mắt.
Khi một tượng Phật được đắp và tô vẽ xong, đem tượng Phật đặt đúng vị trí rồi lựa ngày tổ chức lễ Khai quang điểm nhãn cho tượng Phật, sau đó mới bắt đầu thờ cúng tượng Phật.
Điểm nhãn là lễ vẽ con mắt Phật.
Khai quang là lễ dâng cúng Đức Phật.
Khai sáng
開創
A: To found.
P: Fonder.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Sáng: làm việc gì đầu tiên.
Khai sáng là mở ra và bắt đầu dựng lên.
TNHT: Từ nền Đạo khai sáng đặng gieo truyền mối Chánh giáo đến nay,....
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khai sơn phá thạch
開山破石
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Sơn: núi. Phá: bổ ra. Thạch: đá.
Khai sơn phá thạch là mở núi bổ đá.
Ý nói: Ra sức mở mang xây dựng một công trình lớn lao đòi hỏi nhiều khó khăn vất vả.
Từ ngữ "Khai sơn" bên Phật giáo chỉ việc cất chùa. Nói đầy đủ là Khai sơn lập tự, bởi vì các vị sư thường chọn nơi núi non để cất chùa. Do đó cần phải mở đường thông lên núi, phá thạch để có nơi bằng phẳng làm nền chùa.
Vị sư đứng ra lập một ngôi chùa như thế được gọi là: Khai sơn Tổ Sư.
Khai tạo
開造
A: To found.
P: Fonder.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Tạo: làm ra.
Khai tạo là mở ra và xây dựng lên.
CG PCT: Có quyền dìu dắt cả các con của Thầy trên đường đạo đức của chính mình Thầy khai tạo.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Khai Thế (HTĐ)
開世
A: Temporal Reformer.
P: Réformateur Temporel.
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Thế: đời.
Khai Thế là một phẩm Chức sắc trong Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài thuộc Chi Thế, dưới quyền trực tiếp của Đức Thượng Sanh.
CG PCT: Khai Thế, khi tiếp đặng đơn trạng chi chi của Tiếp Thế dâng lên thì phải kiếm hiểu các nguyên do coi có đáng buộc án cùng chăng, như đáng thì nhứt diện tư tờ qua CTĐ cho biết nội vụ, nhứt diện dâng sớ cho Hộ Pháp cầu người mời hội HTĐ đặng định đoạt. Khi đặng lịnh của HTĐ thì Khai Thế phải dâng nội vụ lên cho Hiến Thế.
Theo Hiến pháp HTĐ năm Nhâm Thân (1932), Khai Thế còn có trách nhiệm lo nghiên cứu những điều cần ích cho chúng sanh trong đường Đời và tìm phương giúp cho những điều cần ích ấy thành ra luật Đời, tức là mở rộng đường Đời ra cho chúng sanh hưởng.
Đạo phục của Khai Thế gồm hai bộ: Đại phục và Tiểu phục, giống hệt Đạo phục của Bảo Thế. (Xem: Bảo Thế)
Khi Đức Chí Tôn lập pháp HTĐ ngày 12-1-Đinh Mão (dl 13-2-1927), Đức Chí Tôn phong Ngài Thái Văn Thâu vào chức Khai Thế.
Sau đây là Tiểu sử của Ngài Khai Thế Thái Văn Thâu.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
Khai Thế Thái Văn Thâu (1899 - 1981)
Ngài Thái Văn Thâu, sanh năm Kỷ Hợi (1899) (theo Thẻ Căn Cước thì sanh năm 1900) tại làng Qui Đức, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.
Thân phụ của Ngài là ông Thái Văn Vá, và thân mẫu là bà Ngô Thị Mai.
Hiền nội của Ngài là bà Đỗ Thị Thoại, sanh năm 1906 tại làng Long Đức Đông tỉnh Chợ Lớn, và mất ngày 12-3-Quí Hợi (dl 24-4-1983) tại xã Qui Đức.
Ngài Thái Văn Thâu ở cùng quê với Ngài Hiến Đạo Phạm Văn Tươi, thuở nhỏ hai người là bạn học với nhau.
Ngài Thái Văn Thâu theo Tây học, đậu bằng Tiểu học Pháp, lên Trung học, đậu bằng Thành Chung (Diplôme). Ngài xin đi dạy học, và làm Giáo Sư tại trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn, sau đổi xuống dạy tại Collège Mỹ Tho, nay là trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.
Đầu năm Bính Dần (1926), một đàn cơ phổ độ tổ chức ở Tân Kim (Cần Giuộc) tại nhà ông Cựu Hội Đồng Địa Hạt Nguyễn Văn Lai, Phò loan là hai ông Phạm Văn Tươi và Ca Minh Chương, Ngài Thái Văn Thâu đến hầu đàn và được Đức Chí Tôn thâu làm môn đệ.
Khi Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTĐ, Đức Chí Tôn phong Ngài Thái Văn Thâu vào phẩm Khai Thế HTĐ.
Kể từ đó, Ngài Khai Thế Thái Văn Thâu, ngoài các giờ bận việc dạy học, Ngài cùng các vị Thời Quân khác phò cơ cho Đức Chí Tôn phổ độ nhơn sanh.
Ngày 11-2-1933, Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp đồng ký tên, ra một Thông Tri thăng phẩm Quyền Đầu Sư cho ba vị Chánh Phối Sư: Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh. Như vậy ba phẩm Chánh Phối Sư bị khuyết, nên tạm cử ba vị Thời Quân HTĐ vào hàng Khai qua CTĐ đảm nhận ba nhiệm vụ kể trên. Thông tri ấy có đoạn như sau:
"Việc giao quyền Chánh Phối Sư cho ba vị Chức sắc HTĐ là việc của Hội Thánh mới định hôm kỳ nhóm ngày mùng 9 tháng Giêng rồi đây, nhằm bữa 4-3-1933.
Ba Chức sắc ấy là:
· Khai Thế Thái Văn Thâu, lãnh phận sự Thượng Chánh Phối Sư.
· Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, lãnh phận sự Ngọc Chánh Phối Sư.
· Khai Đạo Phạm Tấn Đãi, lãnh phận sự Thái Chánh Phối Sư."
Năm 1941, Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc cao cấp của HTĐ và CTĐ bị nhà cầm quyền Pháp bắt lưu đày ở hải đảo Madagascar Phi Châu, quân đội Pháp chiếm đóng Tòa Thánh và các cơ quan khác của Đạo, đuổi các Chức sắc và công quả về quê, Ngài Khai Thế Thái Văn Thâu rút về quê nhà ở xã Qui Đức và trở lại nghề dạy học.
Sau đó, Ngài bị bịnh tâm thần, phải nghỉ dạy học, an dưỡng tại tư gia. Bịnh tâm thần của Ngài kéo dài, có lúc gần như hết bịnh, nhưng có lúc lại tái phát, nên Ngài không thể trở về Tòa Thánh tiếp tục phận sự của một Thời Quân HTĐ.
Ngài Khai Thế Thái Văn Thâu qui liễu tại tư gia ở xã Qui Đức vào ngày mùng 2-6-Tân Dậu (dl 3-7-1981), lúc 5 giờ 30 phút chiều, hưởng thọ 83 tuổi.
Đại diện của Hội Thánh và Ban Cai Quản Thánh Thất Cần Giuộc hay tin, liền đến nơi lo tổ chức Lễ An táng cho Ngài rất trọng thể tại Xã Qui Đức.
Vì hoàn cảnh của Đạo lúc bấy giờ đang hồi biến chuyển rất khó khăn, Hội Thánh và các cơ Đạo bị giải thể, nên không thể liệm thi hài của Ngài vào liên đài và đưa về Tòa Thánh làm Lễ Đạo Táng, đành phải mai táng theo nghi lễ bình thường tại phần đất riêng của gia đình Ngài ở xã Qui Đức, quận Cần Giuộc.
Ngài Khai Thế Thái Văn Thâu là vị Thời Quân đăng Tiên sau chót trong số Thập nhị Thời Quân HTĐ kỳ đầu tiên của Đạo Cao Đài.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
Khai thị ngộ nhập
開示悟入
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Thị: chỉ bảo. Ngộ: tỉnh ngộ. Nhập: vào.
Khai có nghĩa như là bắt đầu mở cửa kho, Thị có nghĩa là chỉ bảo cho biết của quí báu trong kho, Ngộ có nghĩa là thấy được của báu trong kho, Nhập là vào kho lấy được của báu.
Hoặc là: Khai là mở ra cái Tri kiến Phật, Thị là chỉ bảo cái Tri kiến Phật, Ngộ là tỉnh ngộ cái Tri kiến Phật, Nhập là được vào cái Tri kiến Phật. (Tri kiến Phật là cái biết và cái thấy viên mãn của Phật, hay là cái trí huệ của Phật).
Khai Thiên tịch địa
開天闢地
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Thiên: Trời. Tịch: mở mang. Địa: đất.
Khai Thiên tịch địa là khai Trời mở đất.
Ý nói: Lúc Đức Chí Tôn tạo dựng CKVT.
Khai Thiên tịch địa đồng nghĩa với: Khai Thiên lập địa.
TNHT: |
Khai Thiên lập địa ai là chủ?
Thánh, Phật là ai dám đón ngăn? |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Khai tông định Đạo
開宗定道
Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Tông: còn đọc là Tôn: tôn giáo. Định: sắp đặt. Đạo: tôn giáo.
Khai tông định Đạo là mở ra và sắp đặt một nền tôn giáo.
PMCK: Lịnh Mẫu Hậu khai tông định đạo.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
KHẢI
KHẢI
1. KHẢI: 凱 Vui vẻ, vui hòa.
Td: Khải ca.
2. KHẢI: 啟 Mở ra, bày tỏ ý mình.
Td: Khải ngộ
Khải ca
凱歌
A: Song of victory.
P: Chant de victoire.
Khải: Vui vẻ, vui hòa. Ca: hát.
Khải ca là hát mừng chiến thắng, thành công vẻ vang.
Bài thi tiên tri của Đức Lý Giáo Tông:
THI:
Việt Thường hữu phúc xuất Thiên Quân,
Chuyển thế Chí Tôn dĩ định tuần.
Trị loạn Nam Thiên trừ mãnh hổ,
Thừa bình Bắc địa kiến kỳ lân.
Hoàng triều hậu nhựt nghi tùng cổ,
Văn hiến tương lai khả hoán tân.
Thánh chúa hiền thần phò tổ nghiệp,
Khải ca định phận tại thu phân.
Lý Giáo Tông
(1-3-Mậu Tý, dl 9-4-1948) |
Khải chiết đắc mai chi
凱折得梅枝
Khải: Vui vẻ, vui hòa. Chiết: bẻ gãy. Đắc: được. Mai chi: cành cây mai.
Khải chiết đắc mai chi: Vui bẻ được cành mai.
Ý nói: Thành công tốt đẹp.
TNHT: Chờ Xuân khải chiết đắc mai chi.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khải huyền
啟玄
A: Apocalypse.
P: Apocalypse.
Khải: Mở ra, bày tỏ ý mình. Huyền: điều huyền diệu.
Khải huyền là mở ra cho thấy điều huyền diệu.
Khải Huyền là tên một tập sách cuối cùng trong pho Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo, do Thánh Jean viết vào cuối thế kỷ thứ I hay là đầu thế kỷ thứ II, nói về tương lai siêu nhiên của nhơn loại.
Đây là những điều tiên tri mà Đức Chúa Jésus dùng huyền diệu hiện ra nói cho môn đệ của Ngài là Thánh Jean biết để chép lại thành sách, truyền bá cho các tín đồ.
Sách Khải Huyền thường được gọi là sách Tiên Tri hay Sấm Truyền của Thiên Chúa giáo.
Khải ngộ
啟悟
A: To develop the mind.
P: Developper l'esprit.
Khải: Mở ra, bày tỏ ý mình. Ngộ: biết rõ.
Khải ngộ là mở mang trí não cho thông sáng để biết rõ những điều mầu nhiệm nơi cõi thiêng liêng.
KHAM
Kham nhẫn
堪忍
A: To bear patiently.
P: Supporter avec patience.
Kham: gánh chịu nổi. Nhẫn: nhịn nhục.
Kham nhẫn là chịu đựng sự thua thiệt mà không tỏ ra tức giận hay phiền não để gìn giữ sự tu tiến của bản thân mình.
KHÁN
KHÁN
KHÁN: 看 Xem, coi.
Td: Khán đài, Khán phá.
Khán đài
看臺
A: The tribune.
P: La tribune.
Khán: Xem, coi. Đài: cái nền đất đắp cao.
Khán đài là cái đài xây cao lên, có từng có nấc từ thấp lên cao, để nhiều người lên đó xem lễ hay xem một cuộc biểu diễn thể thao hay văn nghệ.
Trước Tòa Thánh, hai bên Đại Đồng Xã, Hội Thánh cho xây hai khán đài lớn, có mái che, để Hội Thánh mời đông đảo các quan khách đến xem các buổi lễ lớn của Đạo.
Khán phá hồng trần
看破紅塵
Khán: Xem, coi. Phá: tìm ra điều bí mật. Hồng trần: bụi đỏ, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại.
Khán phá hồng trần là thấy rõ cuộc đời (không có gì là bền vững, không có gì là hạnh phúc lâu dài, toàn là những đau khổ và phiền não).
Khán phong sử phàm
看風使帆
Khán: Xem, coi. Phong: gió. Sử: đem dùng. Phàm: buồm.
Khán phong sử phàm là xem gió mà dụng buồm.
Ý nói: Nhìn thời cơ mà hành động.
KHANG
KHANG
(Xem: Khương)
KHÁNG
KHÁNG
KHÁNG: 抗 Chống lại.
Td: Kháng cáo.
Kháng cáo
抗告
A: To appeal to.
P: Faire appel.
Kháng: Chống lại. Cáo: thưa kiện, buộc tội.
Kháng cáo là chống án lên tòa trên, yêu cầu xét xử lại.
Kháng trần tẩy tục
抗塵洗俗
Kháng: Chống lại. Trần: bụi bặm. Tẩy: rửa sạch. Tục: tầm thường thấp kém.
Kháng trần tẩy tục là chống lại bụi trần, tẩy sạch bợn tục. Ý nói: Đời sống cao khiết
KHANH
Khanh nho
坑儒
A: To burry the scholars.
P: Enfouir les lettrés.
Khanh: giết bằng cách xô xuống hố mà chôn. Nho: người trí thức nho học.
Khanh nho là chôn sống người trí thức nho học.
Thường nói: Phần thư khanh nho, nghĩa là: Đốt sách chôn học trò. Dưới thời Tần Thủy Hoàng, những người nho học thường kích bác chánh sách của Tần Thủy Hoàng nên bị ông vua tàn ác nầy bắt chôn sống và gom đốt hết tất cả các sách của Nho giáo.
Khanh tể
卿宰
A: The high dignitaries of the Court.
P: Les grands dignitaires de la Cour.
Khanh: chức quan Khanh trong triều đình thời xưa. Tể: chức quan Tể trong triều đình thời xưa, Tể Tướng.
Khanh Tể là chỉ chung các quan đại thần trong triều đình thời xưa, giống như Thủ Tướng và các Bộ Trưởng ngày nay.
TNHT: Khanh tể chưa hay bẳng hiếu thân.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHÁNH
KHÁNH
1. KHÁNH: 慶 Chúc mừng, chúc thọ, điều phước.
Td: Khánh đản, Khánh hỷ.
2. KHÁNH: 罄 Hết sạch, trống rổng.
Td: Khánh kiệt.
Khánh đản
慶誕
A: The birthday.
P: Anniversaire de la naissance.
Khánh: Chúc mừng, chúc thọ, điều phước. Đản: ngày sanh.
Khánh đản là lễ mừng sinh nhựt.
Khánh hạ - Khánh hỷ
慶賀 - 慶喜
A: Rejoicing.
P: Réjouissances.
Khánh: Chúc mừng, chúc thọ, điều phước. Hạ: chúc mừng. Hỷ: việc vui mừng.
Khánh hạ, đồng nghĩa Khánh Hỷ, là làm lễ ăn mừng việc vui.
TNHT: Khánh hỷ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ độ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khánh kiệt
罄竭
A: Exhausted.
P: Épuisé.
Khánh: Hết sạch, trống rổng. Kiệt: hết.
Khánh kiệt, đồng nghĩa Khánh tận, là hết sạch, của cải hết sạch, không còn gì.
Khánh tiết
慶節
A: Festivals
P: Fêtes.
Khánh: Chúc mừng, chúc thọ, điều phước. Tiết: có phép tắc trật tự, ngày lễ.
Khánh tiết là lễ mừng.
Ban Khánh tiết là ban tổ chức những cuộc lễ.
Khánh thọ
慶壽
A: The feast of longevity.
P: La fête de longévité.
Khánh: Chúc mừng, chúc thọ, điều phước. Thọ: sống lâu.
Khánh thọ là lễ chúc thọ, mừng tuổi thọ. (Xem: Chúc thọ)
Khánh vân
慶雲
A: The lucky cloud.
P: Le nuage heureux.
Khánh: Chúc mừng, chúc thọ, điều phước. Vân: mây.
Từ ngữ "Khánh vân" do thành ngữ: Vân ngũ sắc vi khánh: Mây năm sắc là điềm vui mừng. Khi có mây ngũ sắc xuất hiện là báo điềm đời thái bình.
Do đó, Khánh vân là chỉ đời thái bình hạnh phúc.
KHẢO
KHẢO
1. KHẢO: 考 Tra xét, thử thách, thi.
Td: Khảo cứu, Khảo duợt, Khảo đảo.
2. KHẢO: 拷 Đánh, tra tấn.
Td: Khảo tội.
Khảo cứu vụ
考究務
A: The Research Institute.
P: Institut de Recherche.
Khảo: Tra xét, thử thách, thi. Cứu: tìm biết. Vụ: cơ quan làm việc.
Khảo cứu là tra xét, đối chứng để tìm hiểu cho rõ ràng.
Khảo cứu vụ là một cơ quan của Đạo Cao Đài do Hội Thánh lập ra, có nhiệm vụ nghiên cứu giáo lý, văn hóa và lịch sử của Đạo, để phát huy và truyền bá cho mọi người đều biết.
Cơ quan Khảo cứu nầy được Đức Phạm Hộ Pháp thành lập từ năm 1948 (Đinh Hợi), nhưng chỉ hoạt động một thời gian thì phải ngưng lại vì thời cuộc chiến tranh.
Đến năm 1972, Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức, Quyền Chưởng quản HTĐ ký Thánh Lịnh số 53/TL ngày 4-5-Nhâm Tý (dl 14-6-1972) tái lập Khảo Cứu Vụ.
Nguyên văn Thánh Lịnh nầy, xin chép ra sau đây:
Văn Phòng |
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
|
CHƯỞNG QUẢN |
(Tứ thập thất niên) |
Hiệp Thiên Đài |
TÒA THÁNH TÂY NINH
|
-----
Số: 53/TL |
|
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
Chiếu Tân Luật và Pháp Chánh Truyền,
Chiếu Hiến pháp và Nội luật HTĐ ngày rằm tháng 2 Nhâm Thân (dl 21-3-1932).
Chiếu Hiến pháp HTĐ ngày 8-1-G. Thìn (dl 20-2-1964) và Hiến pháp HTĐ bổ túc ngày 27-2-Ất Tỵ (dl 29-3-1965),
Chiếu Thánh giáo tại Cung Đạo Đền Thánh đêm mùng 6-5-Tân Hợi (dl 29-5-1971) Đức Hộ Pháp chấp nhận việc công cử Thời Quân Hiến Pháp cầm quyền Chưởng quản HTĐ,
Chiếu Vi Bằng số 3/VB ngày 3 tháng chạp Tân Hợi (dl 18-1-1972), Hội Thánh Lưỡng Đài Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện đồng quyết nghị tái lập KHẢO CỨU VỤ theo Thánh Lịnh số 114 ngày 15 tháng chạp Đ. Hợi (dl 25-1-1948).
Vì sự khảo cứu là việc cần ích chung cho Đạo, nên:
THÁNH LỊNH
Điều thứ nhứt: Nay tái lập Khảo Cứu Vụ tại Tòa Thánh Tây Ninh để sưu tập Thánh Ngôn,Thánh giáo, Kinh điển, và tìm hiểu nguyên lý của các tôn giáo đặng nghiên cứu phổ thông triết lý Đại Đạo ra khắp ngũ châu hầu cứu rỗi nhơn loại.
Điều thứ nhì: Giao cho vị Thời Quân Bảo Đạo HTĐ lãnh nhiệm vụ tổ chức và điều hành Ban Khảo Cứu Vụ do theo tinh thần Thánh Lịnh dẫn thượng.
Ban Khảo Cứu Vụ đặt Văn phòng làm việc chung với Ban Đạo Sử.
Điều thứ ba: Vị Thời Quân Bảo Đạo HTĐ, các cơ quan Chánh Trị Đạo tùy nhiệm vụ thi hành và ban hành Thánh Lịnh nầy.
Tòa Thánh, ngày 4 tháng 5 Nhâm Tý.
(dl 14-6-1972)
Hiến Pháp Quyền Chưởng quản HTĐ
TRƯƠNG HỮU ĐỨC
(ấn ký)
VÀI CẢM NGHĨ về sự tái lập KHẢO CỨU VỤ.
(Bài của T.T. trong bán nguyệt san Thông Tin số 59)
Cách đây 24 năm, ngày rằm tháng chạp năm Đinh Hợi (dl 25-1-1948), Đức Hộ Pháp đã ký Thánh lịnh thành lập Khảo Cứu Vụ để khảo cứu và soạn thành sách Triết lý Đạo Cao Đài cũng như của các tôn giáo khác.
Ngoài Khảo Cứu Vụ nói trên, Hội Thánh và các cơ quan Chánh Trị Đạo lúc ấy còn phải thi hành các điều sau đây (theo Thánh lịnh):
- Tổ chức các cuộc giảng đạo tại Tòa Thánh và các Châu Đạo để phổ thông Triết lý ĐĐTKPĐ và Tứ giáo.
- Tổ chức các lớp Huấn luyện Chức sắc và Chức việc để đủ tài liệu truyền giáo.
- Xuất bản báo chí để phổ thông Chơn đạo.
Với các điểm nầy, Thánh Lịnh có chỉ rõ phương pháp làm việc, lề lối tổ chức, chương trình thực hiện, v.v...
Riêng về phép Tu luyện và Tham thiền nhập định thuộc về Bí pháp, tuy có ghi rõ trong Thánh Lịnh nhưng ngoài HTĐ ra, thiết tưởng không ai đảm trách huấn luyện được.
Sau khi ban hành Thánh Lịnh được 75 ngày, đúng đêm mùng 5 tháng 2 năm Mậu Tý (1948), Đức Hộ Pháp đã than như sau:
Tội nghiệp thay Thánh thể của Đức Chí Tôn, mấy anh lớn chị lớn già yếu, một phần được giải thể về thiêng liêng vị, không được hưởng một đặc ân gì hết. Ngoài ra thiệt thòi phần ấy chẳng nói chi, hiện thời cái Bí pháp có ảnh hưởng đến tương lai của nền Đạo, ta đã có việc nào trong trăm việc chưa? Thí dụ: Nơi HTĐ, phải lấy Bí pháp tạo Huyền Linh Đài để dùng cho Chức sắc HTĐ tương liên với quyền năng vô hình của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và Chí Tôn. Ngoài ra còn quan sát giáo lý của các tôn giáo khác đặng tạo Tân Sấm Truyền của Đại Đạo.
Qua Thánh Lịnh và lời than trên đây của Đức Hộ Pháp, 24 năm đã trôi qua lặng lẽ cho đến đỗi người ta tưởng rằng sẽ không bao giờ được ai nhắc đến nữa.
Nhưng rồi việc gì đến phải đến, việc gì còn dở dang cần phải làm, người đời sau nối tiếp việc làm của người xưa. Nếu có ai cho rằng đó là công việc muộn màng bê trễ, nhưng thiết tưởng có làm còn hơn không.
Giờ đây sự tái lập Khảo Cứu Vụ do Thánh Lịnh số 53/TL của Ngài Hiến Pháp, Quyền Chưởng quản HTĐ đề ngày mùng 4 tháng 5 Nhâm Tý (dl 14-6-1972) đã đáp ứng đúng yêu cầu đòi hỏi từ lâu của bổn đạo. Cơ sở nầy đặt dưới quyền điều khiển của vị Thời Quân Bảo Đạo HTĐ.
Trước sự kiện đó, người Đạo ai ai cũng ước mong công cuộc khảo cứu sớm đem lại kết quả khả quan hầu tạo Tân Sấm Truyền của Đại Đạo.
Tại sao người Đạo lại mong ước như vậy? Điều đó chẳng có gì lạ. Chúng ta, nếu ai có đọc được các quyển sách sưu khảo về đạo giáo Cao Đài đã in từ trước đến giờ, hoặc các bài sưu khảo đang đăng tải trên các nhựt báo Sài Gòn, sẽ thấy được những khuyết điểm về triết lý, cũng như Tân Sấm Truyền của Cao Đài giáo mà các nhà sưu khảo đã nêu ra. Đọc được các sách báo ấy, rồi cộng với lời than năm xưa của Đức Hộ Pháp, mới biết rằng tại sao người Đạo Cao Đài thiết tha hay chú trọng đến vấn đề sưu khảo ấy.
Đạo Cao Đài trong tương lai gần đây, có vạch ra được một nền triết lý cao siêu hay có tạo được Tân Sấm Truyền cho Đại Đạo hay không, điều đó còn tùy thuộc vào việc làm, vào thiện chí và khả năng của nhiều người đóng góp lại.
Theo lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, Thập nhị Bảo Quân thuộc thành phần Hàn Lâm Viện, nhưng Thập nhị Bảo Quân hiện nay chưa đủ số, cũng như phẩm Hiền Nhơn bên Phước Thiện chưa có để tăng cường thì Hàn Lâm Viện Đạo vẫn chưa thành hình sớm được.
Như vậy, công cuộc khảo cứu đòi hỏi nhiều ở khả năng chuyên môn và sự hiểu biết sâu rộng của nhiều người về mặt Đạo mà trong đó, nhiệm vụ của những vị Hàn Lâm không phải là nhỏ vậy.
Gánh nặng mà Ngài Bảo Đạo hiện đang đảm nhận có lẽ phải thực hiện từng giai đoạn một, và giai đoạn trước tiên là phải làm cách nào thâu thập đủ tài liệu sách vở của toàn thể các tôn giáo đã có, bằng tiếng Việt hay bằng ngoại ngữ.
Trên đây chỉ là một vài cảm nghĩ với tinh thần xây dựng, và cũng chỉ để đóng góp phần nào ý kiến trong sự tái lập và sự hoạt động của Khảo Cứu Vụ mà thôi.
Hơn nữa, người Đạo Cao Đài, bất luận Chức sắc hay Đạo hữu, đã thờ Tam Giáo, Ngũ Chi, đều không có quyền nói rằng mình không am tường triết lý Tam Giáo, Ngũ Chi, và điều nên nhớ là tôn giáo Cao Đài là một tôn giáo đại đồng.
Hiểu được như vậy mới thấy sự ích lợi trong việc tái lập Khảo Cứu Vụ, và bổn phận của người Đạo là phải giúp đỡ, cung ứng các tài liệu đạo giáo cho Khảo Cứu Vụ./.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Khảo duợt
考閱
A: To examine.
P: Examiner.
Khảo: Tra xét, thử thách, thi. Duợt: tức là Duyệt, thử thách bằng thực tế để đánh giá trị cho đúng.
Khảo duợt, tức là Khảo duyệt, là tra xét và thử thách để đánh giá đúng mức.
ĐLMD: (Hạnh đường) Mỗi năm mở khoa mục khảo duợt một lần đặng ban Cấp bằng hay giấy Chứng nhận cho những vị thi đỗ.
ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
Khảo đảo
考倒
A: To try.
P: Éprouver.
Khảo: Tra xét, thử thách, thi. Đảo: lộn lên lộn xuống.
Khảo đảo là thử thách bằng đủ cách để phân lọc cho hiện ra rõ ràng, ai là phàm, ai là Thánh.
Đề tài thử thách là: Danh, Lợi, Quyền, Tửu, Sắc, Tài, Khí, v.v...
Khảo luận
考論
A: The treatise.
P: La traité.
Khảo: Tra xét, thử thách, thi. Luận: suy xét và phê bình.
Khảo luận là khảo cứu rồi suy xét và phê bình.
Khảo tội
拷罪
A: To punish.
P: Punir.
Khảo: Đánh, tra tấn. Tội: tội lỗi.
Khảo tội là dùng hình phạt, trừng trị kẻ có tội.
CG PCT: Cái giá trị của Tân Luật dường đó, mà cả Hội Thánh coi rẻ rúng chẳng kể, làm cho Lão phải từ ngôi Giáo Tông, đặng lấy Thiên điều khảo tội.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
KHẮC
Khắc chế tư dục
克制私欲
Khắc: đánh đổ. Chế: kềm chế. Tư dục: lòng ham muốn ích kỷ riêng cho mình.
Khắc chế tư dục là đánh đổ và kềm chế lòng ham muốn xấu xa riêng cho mình.
Khắc cốt minh tâm
刻骨銘心
Khắc: chạm khắc vào. Cốt: xương. Minh: ghi vào, ghi nhớ. Tâm: lòng dạ.
Khắc cốt minh tâm là chạm vào xương, ghi vào dạ.
Ý nói: Ghi nhớ mãi, không bao giờ quên.
Khắc cốt ghi xương: Chữ khắc cốt có nghĩa là ghi xương.
KTKCQV: Nghĩa sơ giao khắc cốt ghi xương.
KTKCQV: Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị.
Khắc kỷ phục lễ
克己復禮
Khắc: đánh đổ. Kỷ: mình. Phục: lấy lại được. Lễ: nghi lễ để bày tỏ kính ý. Khắc kỷ: Đánh đổ lòng ham muốn ích kỷ. Khắc phục: Đánh đổ để khôi phục lại như trước.
Khắc kỷ phục lễ là kềm chế lòng ham muốn riêng để phục hồi phép tắc lễ nghi.
KHÂM
KHÂM
1. KHÂM: 欽
- Kính, tôn kính việc làm của vua.
- Chức sắc vâng lịnh Hội Thánh đi cai quản một Châu Đạo hay một Trấn Đạo.
Td: Khâm định, Khâm tai, Khâm Châu Đạo.
2. KHÂM: 衾 Tấm vải lớn bọc xác người chết.
Td: Khâm liệm.
Khâm Châu Đạo - Khâm Trấn Đạo
欽州道 - 欽鎮道
A: Chief of Religious Province (or Religious Region).
P: Chef de Province Religieuse (ou Région Religieuse).
Khâm: Chức sắc vâng lịnh Hội Thánh đi cai quản một Châu Đạo hay một Trấn Đạo. Châu Đạo: một Tỉnh Đạo gồm các tín đồ cư ngụ trong một Tỉnh. Một Châu Đạo có nhiều Tộc Đạo. Trấn Đạo: gồm nhiều Tỉnh Đạo hợp lại.
■ Khâm Châu Đạo là vị Chức sắc cai quản một Châu Đạo, phẩm Giáo Hữu, do Hội Thánh bổ nhiệm. Bên nam phái có Khâm Châu Đạo nam phái và bên nữ phái có Nữ Khâm Châu Đạo, phẩm Nữ Giáo Hữu.
■ Khâm Trấn Đạo là vị Chức sắc cai quản một Trấn Đạo, phẩm Giáo Sư, được Hội Thánh bổ nhiệm. Bên nam phái có Khâm Trấn Đạo nam phái, và bên Nữ phái có Nữ Khâm Trấn Đạo, phẩm Nữ Giáo Sư.
Khâm Châu Đạo phải chịu dưới quyền trực tiếp của Khâm Trấn Đạo. Nam Nữ đồng quyền nhưng riêng biệt, và chỉ cai quản các tín đồ của phái mình mà thôi.
Khâm định
欽定
Khâm: Kính, tôn kính việc làm của vua. Định: sắp đặt ra.
Khâm định là vua sắp đặt ra.
Khâm liệm
衾殮
A: To wrap a corpse in a shroud.
P: Couvrir un cadavre dans un linceul.
Khâm: Tấm vải lớn bọc xác người chết. Liệm: mặc quần áo và bọc kín xác chết vào một tấm vải, rồi đem đặt vào áo quan.
Khâm liệm là chỉ chung việc dùng tấm vải lớn để bọc kín xác người chết rồi đặt vào áo quan. (Xem: Tẫn liệm, vần T)
Khâm tai
欽哉
Khâm: Kính, tôn kính việc làm của vua. Tai: tiếng trợ ngữ có nghĩa: Vậy thay!
Khâm tai là kính vậy thay!
Ý nói: Lệnh vua ban xuống thì bề tôi phải kính trọng và vâng theo.
TNHT: Nhữ đẳng tu thọ pháp, tu thọ pháp. Khâm tai.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khâm Thành Thánh Địa
欽城聖地
A: Chief of the City of Holyland.
P: Chef de la ville de Terre Sainte.
Khâm: Chức sắc vâng lịnh Hội Thánh đi cai quản một Châu Đạo hay một Trấn Đạo. Thành: Châu thành, nơi dân cư đông đúc, có phố xá chợ búa, mua bán tấp nập. Thánh Địa: Đất Thánh.
Khâm Thành Thánh Địa là vị Chức sắc phẩm Giáo Sư, được Hội Thánh bổ nhiệm cai quản Châu Thành Thánh Địa.
(Xem chi tiết nơi chữ: Châu Thành Thánh Địa, vần Ch)
Khâm thử
欽此
Khâm: Kính, tôn kính việc làm của vua. Thử: cái ấy, bên nầy.
Khâm thử là kính vâng lời ấy.
Từ ngữ nầy thường đặt ở cuối cùng lời sắc chỉ của vua.
Khâm tứ
欽賜
Khâm: Kính, tôn kính việc làm của vua. Tứ: ban cho.
Khâm tứ là vua ban cho.
KHẨN
Khẩn nguyền
懇願
A: To pray earnestly.
P: Prier instamment.
Khẩn: thành thật cầu xin. Nguyền: Nguyện, cầu xin điều mà mình hằng mong ước.
Khẩn nguyền hay Khẩn nguyện, là thành thật cầu xin điều mà mình hằng mong ước.
NH: Ngày nay đệ tử khẩn nguyền.
NH: Niệm Hương.
KHẤT
Khất thực
乞食
A: To beg for food.
P: Mendier la nourriture.
Khất: xin, cầu xin. Thực: ăn, thức ăn, thực phẩm.
Khất thực là xin ăn.
Phật giáo ở miền Nam VN có phái Khất Sĩ, do sư Minh Đăng Quang thành lập, gồm các tu sĩ Phật giáo theo chế độ khất thực hằng ngày vì hai phương diện:
· Về Tâm, xin pháp của Phật để tu hành.
· Về Thân, xin vật thực của người đời để nuôi sống xác thân.
Ý nghĩa của việc Khất thực là cốt gợi lên tánh cách vô ngã (không có cái gì là Ta hay của Ta từ vật chất đến tinh thần) để phá trừ Ngã chấp, nguồn gốc đau khổ của con người.
Khất thực là cách nuôi xác thân một cách chân chính do Đức Phật dạy khi xưa, và chính Đức Phật cũng là một Khất sĩ. Sự khất thực phù hợp với lối tu Trung đạo, tránh xa được hai thái quá:
· Sung sướng thái quá.
· Khổ hạnh thái quá.
Việc khất thực của các tu sĩ Phật giáo có mục đích và lợi ích như sau:
a. Lợi mình:
1. Tâm trí rảnh rang, không bận rộn vì sanh kế, mau tiến bộ trên đường tu.
2. Trừ được cái tâm kiêu căng ngã mạn.
3. Không thể tham ăn ngon, vì ai cho gì ăn nấy, không thể chọn lựa hay tìm kiếm.
4. Có nhiều thời giờ để hành đạo.
b. Lợi người:
1. Tạo cơ hội cho người bố thí đoạn trừ lòng keo kiệt.
2. Tạo cơ hội tương giao để giáo hóa người đời.
3. Nêu gương sống giản dị (ít ham muốn, biết vừa đủ) làm cho người đời bớt tham đắm của cải vật chất.
Nhờ Khất thực, tu sĩ sống khiêm tốn, ít phiền não, tạo cơ hội cho người tại gia có công đức, vì tu sĩ sống thanh tịnh là một phước điền, người nào cúng dường thì được phước báo.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải biết rằng, ăn của nhơn sanh thì phải mắc nợ nhơn sanh, mà mắc nợ thì phải trả. Cho nên, người tu sĩ khất thực cũng phải dành một phần công đức để trả món nợ miệng nầy thì mới có thể giải thoát được.
KHẤU
KHẤU
KHẤU: 叩 Cúi rạp mình xuống.
Td: Khấu bái, Khấu cung.
Khấu bái
叩拜
A: To bow down, to prostrate oneself.
P: Saluer bas, se prosterner.
Khấu: Cúi rạp mình xuống. Bái: lạy.
Khấu bái là cúi mình lạy xuống.
TTCĐDTKM: Đê đầu khấu bái Nương Nương.
TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.
Khấu cung
叩恭
A: To bow low.
P: Se courber.
Khấu: Cúi rạp mình xuống. Cung: kính cẩn.
Khấu cung là kính cẩn cúi đầu.
BDR: Lạc hứng khấu cung giai miễn lễ.
BDR: Bài Dâng Rượu.
KHẨU
KHẨU
KHẨU: 口 Miệng, lời nói.
Td: Khẩu nghiệp, Khẩu quyết.
Khẩu mật phúc kiếm
口蜜腹劍
A: The mouth of honey and abdomen of sword.
P: La bouche-miel et le ventre-épée.
Khẩu: Miệng, lời nói. Mật: mật ong, chất ngọt. Phúc: bụng.
Khẩu mật phúc kiếm là miệng nói lời đường mật mà bụng thì chứa gươm. Ý nói: người hiểm độc.
Khẩu nghiệp
口業
A: The sins by speeches.
P: Les péchés par les paroles.
Khẩu: Miệng, lời nói. Nghiệp: cái hậu quả của việc làm thiện hay ác trong kiếp trước thể hiện ra trong kiếp hiện tại bằng sự hạnh phúc hau đau khổ. (Xem chữ: Nghiệp)
Khẩu nghiệp là cái nghiệp do lời nói từ miệng mình gây ra, nên Khẩu nghiệp cũng được gọi là Ngữ nghiệp.
Khi nói Khẩu nghiệp là có ý nói: Khẩu ác nghiệp.
Khẩu ác nghiệp có 4 tội: - Vọng ngữ (nói láo), - Ỷ ngữ (nói thêu dệt), - Lưỡng thiệt (đâm thọc), - Ác khẩu (chửi rủa).
Khẩu Phật tâm xà
口佛心蛇
A: The mouth of Buddha and heart of snake.
P: La bouche de Bouddha et le coeur de serpent.
Khẩu: Miệng, lời nói. Khẩu Phật: miệng nói lời hiền lành như Phật. Tâm xà: lòng dạ độc ác như rắn độc.
Khẩu Phật tâm xà là chỉ loại người nham hiểm, miệng giả bộ nói lời hiền từ mà lòng dạ ác độc như rắn rít.
Khẩu Phật tâm xà đồng nghĩa Khẩu mật phúc kiếm, chỉ người nham hiểm, miệng nói ngon ngọt là lòng dạ rất ác độc.
Khẩu quyết
口訣
A: The oral tradition.
P: La tradition orale.
Khẩu: Miệng, lời nói. Quyết: phép thuật bí truyền.
Khẩu quyết là truyền phép thuật bí mật bằng miệng.
Khẩu tâm như nhứt
口心如一
Khẩu: Miệng, lời nói. Tâm: lòng dạ. Như nhứt: giống như một.
Khẩu tâm như nhứt là lời nói và lòng dạ như một, nghĩa là lòng suy nghĩ thế nào thì nói ra thế nấy.
Ý nói: Người thành thật, không biết dối trá.
Khẩu thị tâm phi
口是心非
Khẩu: Miệng, lời nói. Thị: phải. Tâm: lòng dạ. Phi: trái.
Khẩu thị tâm phi là miệng nói phải mà lòng dạ nghĩ điều sái quấy.
Khẩu thọ tương truyền
口授相傳
A: To teach verbally.
P: Enseigner verballement.
Khẩu: Miệng, lời nói. Thọ: dạy (giáo thọ). Tương: lẫn nhau. Truyền: trao lại. Khẩu thọ là dạy bằng lời nói.
Khẩu thọ tương truyền là dạy và truyền cho nhau bằng lời nói.
Giữa thầy trò, thầy dùng lời nói dạy cho trò, truyền cho trò những bí pháp tu luyện và chỉ có hai thầy trò nghe và biết mà thôi. Cách truyền nầy giữ được bí mật, không có người thứ ba biết được. Nếu lời dạy viết ra bằng văn tự thì e cho văn tự lọt ra ngoài và nếu lọt vào tay người xấu thì rất nguy hiểm.
Thành ngữ: Khẩu thọ tương truyền, còn nói là: Khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương thọ.
"Tam giáo khi xưa lập đạo, lúc ban sơ truyền bá cơ diệu lý quang minh, bắt từ chỗ vô vi khẩu thọ tương truyền, lần lần xuống thì trở ra hữu hình mà đạo mầu thất chánh, tâm pháp lạc sai. Ấy là cơ đạo đến thời kỳ cuối cùng của Tam giáo, thất chơn truyền diệu pháp.
Còn Đạo Thầy lại trái hẳn với Tam giáo, là bắt đầu truyền Đạo thì dùng hữu hình sắc tướng âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng mau chóng. Vả lại, Đạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô vi, là cơ siêu phàm nhập Thánh....
Hễ bí pháp thì khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương thọ, không được thấu lậu ra cho ai hay biết đặng, hoặc tả vẽ, giải phân trên giấy mực, hay là dùng cơ bút mà truyền bí pháp đặng. (ĐTCG)
ÐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.
KHỂ
Khể thủ
稽首
A: To hold down.
P: Baisser la tête.
Khể thủ là cúi đầu. (Xem chi tiết nơi chữ: Hoà nam, vần H)
KHI
KHI
KHI: 欺 Coi rẻ, lừa dối, hiếp người.
Td: Khi bạc, Khi lịnh, Khi thị.
Khi bạc
欺薄
A: To scorn and ill-treat.
P: Mépriser et maltraiter.
Khi: Coi rẻ, lừa dối, hiếp người. Bạc: mỏng, đối đãi sơ sài.
Khi bạc là khinh rẻ và đối xử tệ bạc.
TNHT: Con nhìn xuống thấy đồng chủng thấp hèn thì con lại đem lòng khi bạc.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khi lịnh
欺令
A: To scorn an order.
P: Mépriser un ordre.
Khi: Coi rẻ, lừa dối, hiếp người. Lịnh: mệnh lệnh của cấp trên truyền xuống.
Khi lịnh là coi rẻ lịnh của cấp trên, không chịu thi hành.
TNHT: Thái Bạch hằng giận các con rằng: Mọi điều chi nó đã hiệp đồng cùng Hộ Pháp mà ban hành thì các con lại còn khi lịnh mà xem rẻ rúng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khi nhơn tức khi tâm
欺人即欺心
Khi: Coi rẻ, lừa dối, hiếp người. Nhơn: người. Tâm: lòng dạ.
Khi nhơn tức khi tâm là dối người tức là dối lòng mình.
TNHT: Bởi vậy, chư Hiền, chư Thánh nho nói rằng: "Khi nhơn tức khi tâm."
Sách Trung Hiếu Lược có viết rằng:
Khi nhơn tất tự khi kỳ tâm,
Khi kỳ tâm tất tự khi kỳ Thiên. Thiên kỳ khi hồ?
Nhơn khả khi, Thiên bất khả khi,
Nhân khả man, Thiên bất khả man.
Thế nhơn yếu man nhơn, phân minh bả tâm khi.
Khi tâm tức khi Thiên, mạc đạo Thiên bất khả tri.
Nghĩa là:
Mình dối người là tự dối lòng mình,
Dối lòng mình là tự dối Trời. Có thể dối Trời được ư?
Dối người được, không thế dối Trời được,
Lừa người được, không thể lừa Trời được.
Người đời muốn lừa người, rõ ràng đem lòng dối.
Dối lòng tức dối Trời, chớ nói Trời không thể biết.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khi thị
欺視
A: To scorn.
P: Mépriser.
Khi: Coi rẻ, lừa dối, hiếp người. Thị: xem. Khi thị là xem rẻ, coi thường.
TNHT: Khi thị các con tức là khi thị Thầy, mà khi Thầy chưa phải dễ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHÍ
KHÍ
KHÍ: 氣 có nhiều nghĩa sau đây:
1. KHÍ: chất hơi.
Td: Khí Hạo nhiên, Khí Hư Vô.
2. KHÍ: hơi thở, sức mạnh thể chất hay tinh thần.
Td: Khí sắc, Khí phách.
3. KHÍ: vận mạng.
Td: Khí số.
4. KHÍ: linh hồn.
Td: Khí thiêng sông núi.
5. KHÍ: một trong Tam bửu: Tinh, Khí Thần.
6. KHÍ: giận.
Td: Tửu sắc tài khí.
Khí chất
氣質
Khí: hơi thở, sức mạnh thể chất hay tinh thần. Chất: phẩm chất.
Khí chất là cái khuynh hướng của tâm tánh con người, tạo cho mỗi người một bản sắc riêng.
Theo Triết học, "Khí chất là toàn bộ những đặc điểm cá nhân của con người, tiêu biểu cho tính năng động của hoạt động tinh thần của con người. Nó biểu hiện trong sức mạnh của các tình cảm, trong trình độ sâu sắc hay hời hợt của chúng, trong sự diễn ra nhanh hay chậm của chúng, trong tính vững chắc hay trong sự thay đổi nhanh chóng của chúng.
Khí chất cũng biểu hiện tương tự trong những đặc điểm của những cử động cá nhân.
Nền tảng của khí chất là các kiểu hoạt động thần kinh cao cấp. - Kiểu mạnh, điềm tĩnh, linh hoạt tương ứng với khí chất sôi nổi mà tiêu biểu là những cảm xúc nảy sinh nhanh, nhưng dễ dàng thay thế nhau, bằng những cử động nhanh nhẹn. - Kiểu mạnh điềm tĩnh ít linh hoạt tương ứng với khí chất lãnh đạm mà tiêu biểu là những tâm trạng bền vững, những cử động bình thản. - Kiểu mạnh không điềm tĩnh tương ứng với khí chất nóng nảy được thể hiện bằng sự thay đổi đột ngột của tâm trạng, bằng tính dễ xúc cảm, bằng những cử động bồng bột. - Kiểu yếu tương ứng với khí chất trầm tư, kèm theo những tình cảm nảy sinh chậm chạp, nhưng sâu xa và kéo dài, ít thể hiện bề ngoài.
Cần phải lưu ý rằng, khí chất bị qui định không những bởi những đặc tính bẩm sinh của hệ thần kinh, mà còn bởi những điều kiện sống và hoạt động.
Khí chất không phải là bất biến trong cuộc đời của một cá nhân. Bất kỳ khí chất nào cũng đều không cản trở sự phát triển của tất cả các đặc tính xã hội cần thiết của cá nhân, song mỗi khí chất lại đòi hỏi những con đường và những phương thức hình thành riêng.
Khí chất là một trong những tiền đề của tính độc đáo của tính cách con người." (Trích trong Từ Điển Triết Học)
Khí chất hỗn độn sơ khai
氣質混沌初開
Khí: chất hơi. Khí chất: chất ở thể khí. Hỗn độn: lộn lạo vào nhau không phân biệt. Sơ khai: lúc mới bắt đầu.
Khí chất hỗn độn sơ khai là các chất khí còn lộn lạo với nhau, chưa phân biệt thanh trược, lúc mới bắt đầu của CKVT.
TNHT: Âm quang là khí chất hỗn độn sơ khai, khi Chí Tôn chưa tạo hóa.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Khí Hư Vô
氣虛無
Khí: chất hơi. Hư: trống không. Vô: không.
Khí Hư Vô là chất khí nguyên thủy sanh ra Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. (Xem chi tiết: Hư Vô chi Khí, vần H)
TTCĐDTKM: Lưỡng nghi phân khí Hư Vô.
TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.
Khí phách
氣魄
A: The strong mind.
P: Le moral puissant.
Khí: hơi thở, sức mạnh thể chất hay tinh thần. Phách: chỉ cái tinh thần của con người.
Khí phách là cái tinh thần mạnh mẽ của con người.
TNHT: Anh tuấn đất gìn nung khí phách.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khí phân tứ tượng
氣分四象
Khí: chất hơi. Phân: chia ra. Tứ tượng: bốn tượng gồm: Thái dương, Thiếu dương, Thái âm, Thiếu âm.
Theo vũ trụ quan của Đạo Cao Đài, khí Hư Vô sanh ra Đức Chí Tôn và ngôi của Ngài là Thái cực. Đức Chí Tôn phân Thái cực ra Lưỡng nghi: Âm quang và Dương quang. Lưỡng nghi sau đó phân ra thành Tứ tượng, rồi Tứ tượng biến hóa thành Bát Quái, và Bát quái biến hóa thành CKVT và vạn vật.
Khí phân tứ tượng là khí Hư Vô biến hóa sanh ra Tứ tượng.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Khí sắc
氣色
A: Complexion.
P: Complexion.
Khí: hơi thở, sức mạnh thể chất hay tinh thần. Sắc: dung mạo bên ngoài.
Khí sắc là cái vẻ bên ngoài biểu thị sức mạnh bên trong.
Khí số
氣數
A: Destiny.
P: Destinée.
Khí: vận mạng. Số: số phận, số mạng.
Khí số là vận mạng của mỗi người.
Vận mạng nầy được định bởi cái nghiệp của mỗi người.
TNHT: Con cũng đồng thương, nhưng khí số phải mang lấy về buổi sau nầy.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khí tà qui chánh
棄邪歸正
Khí: bỏ, lìa xa. Tà: cong quẹo. Qui: trở về. Chánh: ngay thẳng. Khí tà: bỏ đường tà.
Khí tà qui chánh là bỏ đường tà, trở về đường chánh.
Thành ngữ nầy đồng nghĩa: Cải tà qui chánh.
Khí tiết
氣節
Khí: hơi thở, sức mạnh thể chất hay tinh thần. Tiết: tiết tháo, lòng trong sạch trung thực.
Khí tiết là chí khí và tiết tháo của con người.
Khí tịnh Thần an
氣淨神安
Khí: một trong Tam bửu: Tinh, Khí Thần. Tịnh: trong sạch. Thần: linh hồn. An: yên ổn.
Tam bửu của con người gồm: Tinh là thể xác, Khí là chơn thần, Thần là linh hồn.
Khí tịnh Thần an là chơn thần trong sạch, linh hồn an ổn.
KTP: Nguyện cho Khí tịnh Thần an.
KTP: Kinh Thuyết Pháp.
Khí vũ hiên ngang
氣宇軒昂
Khí: hơi thở, sức mạnh thể chất hay tinh thần. Vũ: bốn phương và trên dưới. Hiên ngang: có thái độ tự tin tự cường, bất khuất.
Khí vũ hiên ngang là người có chí khí lớn, hiên ngang vùng vẫy trong Trời Đất.
KHIÊM
KHIÊM
KHIÊM: 謙 Kính, nhúng nhường.
Td: Khiêm cung, Khiêm xưng.
Khiêm cung
謙恭
A: Modest and respectable.
P: Modeste et respectueux.
Khiêm: Kính, nhúng nhường. Cung: kính cẩn.
Khiêm cung là nhúng nhường và kính trọng.
Tứ Đại Điều Qui: Dưới gián trên đừng thất khiêm cung.
Khiêm nhượng
謙讓
A: Modest.
P: Modeste.
Khiêm: Kính, nhúng nhường. Nhượng: nhường nhịn.
Khiêm nhượng, cũng nói là Khiêm nhường, là nhún mình nhường nhịn.
Tánh Khiêm nhường trái với tánh Tự tôn tự đại.
Nhờ khiêm nhường tự hạ mình, mình mới có thể học được cái hay của người, lại được người thương yêu, đặt mình lên địa vị cao thượng. Cái đó mới quí báu, mới đúng giá trị.
TNHT: Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khiêm từ
謙詞
A: The modest speech.
P: La parole modeste.
Khiêm: Kính, nhúng nhường. Từ: lời nói.
Khiêm từ là lời nói khiêm nhượng.
TNHT: Chẳng biết dùng khiêm từ mà đãi khách.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khiêm xưng
謙稱
A: To name oneself modesty.
P: Se nommer modestement.
Khiêm: Kính, nhúng nhường. Xưng: xưng hô.
Khiêm xưng là tự xưng mình một cách khiêm tốn.
Trong Đạo Cao Đài, Đức Phạm Hộ Pháp thường khuyên nhủ các Chức sắc đi hành đạo ở các địa phương, không nên dùng các danh xưng như các quan chức ngoài đời, thí dụ như: Bổn chức, Bổn quan,... vì như thế có tánh cách tự tôn tự đại, mất vẻ đạo đức, mà nên dùng các danh xưng khác có tánh cách nhúng nhường, tỏ ra là người đạo đức tu hành.
Vấn đề Khiêm xưng trong Đạo, Đức Phạm Hộ Pháp có gởi văn thư cho ba Chánh Phối Sư, chép ra sau đây:
Tiếng Bổn chức là xưng hô của quan viên triều chánh, nó chỉ là tiếng tự tôn của phẩm vị quan viên trường đời đối với dân. Ta không thể dùng đối với Đạo, mất vẻ tự khiêm.
Đức Giáo Hoàng xưng mình là "Servitus" tức là Serviteur, nghĩa là tớ của Chí Tôn.
"Muốn cho có vẻ Đạo, ta nên tránh những ngôn ngữ của quyền đời. Ta nên dùng, tỷ như:
· Hàng Lễ Sanh, xưng mình là Thiểu Phẩm.
· Hàng Giáo Hữu, xưng mình là Thiểu Vị.
· Hàng Giáo Sư, xưng mình là Thiểu Đức.
· Phối Sư, xưng mình là Tiện Minh hay Khiếm Minh.
· Đầu Sư hay Chưởng Pháp, xưng mình là Tế Tinh.
· Giáo Tông và Hộ Pháp, xưng mình là Bần Đạo.
Chung trí nghĩ thế nào rồi cho Bần Đạo hiểu."
(Xem tiếp Huấn Lịnh của Hội Thánh nơi chữ: Xưng hô, vần X)
KHIỂN
Khiển điện
遣奠
Khiển: điều khiển. Điện: tiến cúng, đặt để.
Khiển điện là lễ khiêng linh cữu đem lên xe đưa đi chôn.
Phần Tiểu Dẫn trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, mục Đưa Linh cữu:
Cúng Thầy trước, rồi làm lễ Cáo Từ Tổ. Khi làm lễ Cáo Từ Tổ thì tụng "Kinh Cầu Tổ Phụ" (3 lần) và tụng tiếp "Kinh Cứu Khổ" (3 lần), hễ dứt thì niệm Câu Chú của Thầy (3 lần). Kế làm Lễ Khiển điện, làm lễ nho. Xong rồi, Đạo tỳ nhập bái quan. Hễ phát hành thì Đồng nhi tụng bài Kinh Đưa linh cữu ra tới huyệt.
Về phần Lễ xướng và Nhạc trong Lễ Khiển điện thực hành theo thứ tự sau đây:
1. Đạo giả tựu vị. 道者就位
Đạo là Đạo tỳ, giả là người, tựu là đến, vị là vị trí.
Đạo giả tựu vị là các Đạo tỳ đến đứng vào vị trí của mình.
Nhạc trổi trống chiên, có chiên bạc tum.
Đạo tỳ sắp hàng kéo vô trước Bàn vong, đi theo Tứ tượng Bát Quái. (Phần nầy Hội Thánh có dặn: Giảm bớt cách tập đi lộn hàng, móc ruột, chỉ sắp hàng đôi, ở ngoài đi vô cho có hàng ngũ. Khi vào bái quan, lạy 3 hay 4 lạy tùy phẩm vị của người chết).
2. Nhơn quan giả bái quan. 堙棺者拜棺
Nhơn hay Nhân là chôn vùi, quan là cái quan tài, giả là người, bái quan là lạy quan tài. Nhơn quan giả hay Nhân quan giả là người lãnh nhiệm vụ chôn quan tài xuống đất.
Nhơn quan giả bái quan là những người lãnh chôn quan tài vào lạy quan tài.
Nhạc trổi trống lập ban, có kèn chiên tum bạc cho Nhơn quan giả, tức là các Đạo tỳ, vào bái quan.
3. Đạo giả nhập cữu. 道者入柩
Đạo giả là các Đạo tỳ, nhập là vào, cữu là linh cữu.
Đạo giả nhập cữu là Đạo tỳ đi vào đứng hai bên linh cữu.
Nhạc trổi trống chiên có tum bạc chiên cho Đạo tỳ kéo vô đứng hai bên quan tài.
4. Chấp sự giả triệt linh tòa. 執事者撤靈座
Chấp sự giả là người chấp sự (giữ công việc), triệt là trừ bỏ đi, linh tòa là cái bàn vong trên đó có đặt linh vị.
Chấp sự giả triệt linh tòa là người chấp sự đem bàn vong dẹp đi nơi khác (cho trống chỗ đặng Đạo tỳ khiêng quan tài đem ra).
Nhạc trổi trống tán thích, chư vị có trách nhiệm khiêng bàn vong tránh chỗ khác.
5. Đạo giả cử cữu thăng xa phát hành.
道者舉柩升車發行
Đạo giả là các người Đạo tỳ, cử là nâng lên, cữu là linh cữu, thăng là lên, xa là xe tang mà trong Đạo gọi là thuyền Bát nhã, phát hành là khởi đầu đi.
Đạo giả cử cữu thăng xa phát hành là các Đạo tỳ khiêng linh cữu lên xe và khởi hành.
Nhạc trổi đàn vội giúp mãnh lực cho Đạo tỳ khiêng quan tài từ từ đi ra thuyền Bát nhã.
■ Như vong đối phẩm Thiên Thần thì nhạc trổi Dàn Nam sau thuyền đưa đi và đờn nam ai cho đồng nhi tụng kinh trước thuyền Bát nhã.
■ Như vong không đối phẩm Thiên Thần thì nhạc trổi đờn nam cho đồng nhi tụng kinh trước thuyền Bát nhã mà thôi.
■ Khi sắp hạ huyệt, nhạc trổi đờn nam cho đồng nhi tụng Kinh Hạ Huyệt 3 lần, và tiếp tụng Vãng Sanh Thần Chú 3 lần. Nhạc cũng nên đờn xuân ủng hộ, cuối cùng được thêm phần linh động cho hay mà chấm dứt.
KHIẾT
Khiết kỷ
潔己
A: To purify oneself.
P: Se purifier.
Khiết: trong sạch. Kỷ: mình.
Khiết kỷ là giữ mình cho trong sạch.
TNHT: Hạng Trọng Sơn khiết kỷ ẩm mã đầu tiền.
KHIẾU
Khiếu lương tri lương năng
竅良知良能
Khiếu: cái lỗ hổng trong não bộ của con người, chỉ cái khả năng hiểu biết đặc biệt do Trời ban cho. Lương: tốt lành. Năng: tài giỏi. Tri: biết.
Lương tri: Cái trí thức tốt lành vốn có, không cần phải học tập mới biết.
Lương năng: Cái khả năng làm điều tốt vốn có, không cần phải luyện tập.
Khiếu lương tri lương năng là cái năng lực hiểu biết và làm điều tốt lành vốn có nơi mỗi người do Trời ban cho.
Cái khiếu lương tri lương năng ấy chính là lương tâm của con người.
TNHT: Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHINH
KHINH
KHINH: 輕 Nhẹ nhàng, coi rẻ, khinh thường.
Td: Khinh khinh, Khinh ngạo.
Khinh khinh
輕輕
A: Very light.
P: Très léger.
Khinh: Nhẹ nhàng, coi rẻ, khinh thường. Khinh: nhẹ.
Khinh khinh là rất nhẹ nhàng.
KKĐCR: Năng lai năng khứ khinh khinh.
KKÐCR: Kinh Khi Ðã Chết Rồi.
Khinh ngạo
輕傲
A: To scorn.
P: Mépriser.
Khinh: Nhẹ nhàng, coi rẻ, khinh thường. Ngạo: hỗn xược.
Khinh ngạo là khi dể hỗn xược.
GTK: Chớ tự phụ, cũng đừng khinh ngạo.
GTK: Giới Tâm Kinh.
Khinh tài háo nghĩa
輕財好義
A: To disdain riches and to like the good.
P: Mépriser les richesses et préférer le bien.
Khinh: Nhẹ nhàng, coi rẻ, khinh thường. Tài: tiền bạc. Háo: ưa thích. Nghĩa: việc phải, hợp đạo lý.
Khinh tài háo nghĩa là coi thường tiền bạc của cải và ham thích điều nghĩa.
Thành ngữ nầy đồng nghĩa: Trọng nghĩa khinh tài.
Khinh ư hồng mao
輕於鴻毛
Khinh: Nhẹ nhàng, coi rẻ, khinh thường. Ư: ở tại. Hồng: chim hồng. Mao: lông.
Khinh ư hồng mao là nhẹ tợ lông chim hồng.
Ý nói: Người nghĩa hiệp, khi gặp việc nghĩa cần phải làm thì dù gặp hiểm nguy cũng xem nhẹ mạng sống của mình.
Sử Ký Tư Mã Thiên có câu: Nhơn cố hữu tử, hoặc trọng như Thái sơn, hoặc khinh ư hồng mao. Nghĩa là: Người ta vốn có cái chết, hoặc xem trọng như núi Thái sơn, hoặc xem nhẹ như lông chim hồng.
Thơ của Lý Bạch đời Đường:
Yên Nam tráng sĩ Ngô môn hào,
Thái sơn nhứt trịch khinh hồng mao.
Nghĩa là: Đất Yên Nam có người tráng sĩ của nhà hào kiệt họ Ngô (ý nói Ngô Khởi), Ném núi Thái sơn một phát nhẹ như lông chim hồng.
KHOA
KHOA
KHOA: 科 Môn học, kỳ thi tuyển chọn nhơn tài.
Td: Khoa mục, Khoa võ môn.
Khoa môn
科門
A: Examination, competition.
P: Examen, concours.
Khoa: Môn học, kỳ thi tuyển chọn nhơn tài. Môn: cái cửa.
Khoa môn là trường thi để tuyển chọn người tài đức.
PMCK: Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Khoa mục
科目
A: List of laureates.
P: Liste des lauréats.
Khoa: Môn học, kỳ thi tuyển chọn nhơn tài. Mục: thấy, gọi tên, điều mục.
Khoa mục là các danh mục thuộc về khoa cử, tức là danh sách các người thi đậu trong một kỳ thi tuyển.
CG PCT: Chức Giáo Hữu phải có khoa mục mới đặng.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Khoa võ môn
科禹門
Khoa: Môn học, kỳ thi tuyển chọn nhơn tài. Võ: vua Hạ Võ hay Hạ Vũ. Môn: cái cửa.
Võ môn: Cái cửa sông do vua Hạ Võ làm ra ở thượng lưu sông Hoàng Hà, giữa huyện Hà Tân tỉnh Sơn Tây và huyện Hàn Thành tỉnh Thiểm Tây, Trung quốc. Tại đây có một mõm đá nhô ra như hình cái cửa. Tương truyền, vua Hạ Võ khi trị thủy tại đây, đã đục phá mõm đá nầy cho rộng ra thêm làm thành như một cái cửa để cho nước thoát mạnh ra. Do đó, chỗ nầy được gọi là Võ môn hay Vũ môn.
Theo sách Tam Tần Ký và Thủy Kinh Chú, Võ môn thường có sóng dữ và nước rất sâu. Hằng năm vào tiết tháng ba, các thứ cá chép tụ về đây để thi vượt qua Võ môn, con nào nhảy qua khỏi Võ môn thì hóa thành rồng.
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Võ môn có ở nước ta tại núi Khai Trướng (núi Giăng màn) thuộc huyện Hương Khê tỉnh Hà Tỉnh. Đây là dòng suối lớn có ba bực, phía dưới là vực sâu. Tương truyền, hằng năm đến tháng 4 âm lịch thường có mưa to, nước nguồn chảy xiết, vào ngày mùng 7 cá chép tụ hội về đây rất đông để thi nhảy vượt Võ môn, con cá chép nào nhảy khỏi ba bực thì hóa thành rồng. Nơi đây có câu ca dao:
Mùng 4 cá đi ăn thề,
Mùng 7 cá về cá vượt Võ môn.
Do đó, Võ môn được các nhà văn dùng để chỉ trường thi. Vượt được Võ môn là cá hóa rồng, giống như hàn sĩ thi đậu Trạng nguyên, được vua trọng dụng, bổ làm quan vinh hiển.
Khoa Võ môn là kỳ thi tuyển lựa người tài đức để vua trọng dụng, giúp dân giúp nước.
KTKTQV: |
Khoa Võ môn dầu nhào qua khỏi,
Trương vi rồng, học hỏi nơi ai? |
KTKTQV: Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị.
KHOÁN
Khoán thủ
券首
Khoán: giao ước. Thủ: đầu.
Khoán thủ là nói về một bài thơ với giao ước là lấy chữ đầu của mỗi câu thơ ghép lại làm thành ý chánh.
1. Bài thơ Đường luật sau đây của Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho, chép trong TNHT, khoán thủ 8 chữ là: NGỌC HOÀNG GIÁNG THẾ GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG.
Ngọc ẩn thạch kỳ ngọc tự cao,
Hoàng Thiên bất phụ chí anh hào.
Giáng ban phúc hạnh nhơn đồng lạc,
Thế tạo lương phương thế cộng giao.
Giáo hóa nhơn sanh cầu triết lý,
Đạo truyền thiên hạ ái đồng bào.
Nam nhơn tỉnh cảm sanh cao khí,
Phương tiện tu tâm kế diệt lao.
2. Bài thơ tứ tuyệt sau đây của Đức Lý Thái Bạch giáng cơ, chép trong TNHT, khoán thủ là: THÁI BẠCH KIM TINH.
Thái hòa dương thạnh Đạo Nam khai,
Bạch tú Thiên đăng đắc cảm hoài.
Kim tác liên tâm cơ hậu thế,
Tinh thành lộ dẫn chiếu Vân đài.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHOÁNG
Khoáng đạt
曠達
A: Generous.
P: Généreux.
Khoáng: rộng rãi, mênh mông. Đạt: tới, thông suốt.
Khoáng đạt là lòng dạ rộng rãi.
Khoáng đạt là nơi rộng rãi thông thoáng.
KHOÁT
Khoát nhiên đại ngộ
闊然大悟
A: The great illumination.
P: La grande illumination.
Khoát: rộng rãi. Nhiên: bỗng nhiên. Ngộ: biết rõ.
Khoát nhiên: bỗng nhiên mở ra rộng rãi.
Khoát nhiên đại ngộ là tỉnh rõ thông suốt tất cả.
Thành ngữ nầy dùng để nói về Đức Phật Thích Ca ngồi thiền định dưới cội bồ đề, bỗng nhiên Ngài thấu suốt lẽ Đạo, thấy rõ tất cả vừa người vừa mình, từ quá khứ đến hiện tại và cả vị lai, thông suốt lẽ nhân duyên, quả báo, luân hồi, thấy được các cõi giới của chư Phật và chư Bồ Tát.
Sau cơn Khoát nhiên đại ngộ ấy, Ngài đắc đạo thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Khoát nhiên đại ngộ đồng nghĩa: Hoát nhiên đại ngộ. (Hoát: 豁 mở mang. Hoát nhiên: Thông suốt).
KHÔ
Khô mộc phùng xuân
枯木逢春
Khô: khô héo. Mộc: cây. Phùng: gặp.
Khô mộc phùng Xuân là cây héo gặp mùa Xuân.
Ý nói: Đang khổ sở tàn tạ thì gặp may, thời vận tốt đến.
KHỔ
KHỔ
KHỔ: 苦 Đắng, chỉ sự vất vả, cực nhọc về thể xác hay về tinh thần.
Td: Khổ ách, khổ hạnh.
Khổ ách
苦厄
A: The unhappy calamity.
P: La calamité malheureuse.
Khổ: Đắng, chỉ sự vất vả, cực nhọc về thể xác hay về tinh thần. Ách: tai nạn.
Khổ ách là tai nạn khổ sở.
DLCK: Năng cứu khổ ách, năng cứu tam tai,....
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
Khổ hải
苦海
A: Ocean of pains.
P: Océan de douleurs.
Khổ: Đắng, chỉ sự vất vả, cực nhọc về thể xác hay về tinh thần. Hải: biển.
Khổ hải là biển khổ, chỉ cõi trần. (Xem: Biển khổ, vần B).
TNHT: Tuông pha khổ hải độ nhơn duyên.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khổ hạnh
苦行
A: Ascetic.
P: Ascétique.
Khổ: Đắng, chỉ sự vất vả, cực nhọc về thể xác hay về tinh thần. Hạnh: nết.
Khổ hạnh là nỗi khổ cực trong việc gìn giữ sự tu hành.
Người tu hành phải gìn giữ giới luật, ăn chay trường, tứ thời công phu, mặc đồ bô vải, cử chỉ đoan trang, lời nói thận trọng, kềm chế lục dục thất tình không cho dấy động. Có vượt qua được các nỗi khổ nầy thì mới cảm thấy an vui.
TNHT: Khổ hạnh dầu ai thìn một kiếp.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khổ Hiền Trang
苦賢莊
Khổ: Đắng, chỉ sự vất vả, cực nhọc về thể xác hay về tinh thần. Hiền: lành, có đức tốt và tài năng. Trang: nhà trại.
Khổ Hiền Trang là cái trại lập ra để những người hiền đến ở tu hành.
Khổ Hiền Trang là một trang trại do Đạo Cao Đài lập ra ở làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Nơi đây có cất lên một Thánh Thất gọi là Thánh Thất Khổ Hiền Trang.
Vào năm 1927, Đức Phạm Hộ Pháp cùng với Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, vâng lịnh Đức Phật Mẫu, đến làng Phú Mỹ, tìm mua đất lập nên một trang trại và một Thánh Thất, đặt tên là Khổ Hiền Trang.
Thánh Thất Khổ Hiền Trang lúc đó giao cho Giáo Hữu Thượng Minh Thanh làm chủ. (Sau nầy, Giáo Hữu Thượng Minh Thanh được thăng lên Giáo Sư).
Đức Lý Giáo Tông có giáng cơ tại Khổ Hiền Trang, cho một bài thi tứ tuyệt, khoán thủ ba chữ KHỔ HIỀN TRANG:
Khổ thà cam chịu chớ đừng than,
Hiền thảo cùng nhau mới vẹn toàn.
Trang điểm ngọc lành cho đáng giá,
Giồi mài chí thiện Thượng Minh Thanh.
Đức Phật Mẫu lại dạy các vị nơi đây đi khẩn một lô đất hoang tại làng Phú Mỹ rộng chừng 60 mẫu và khai một con kinh, tại đây dựng lên một ngôi Thảo Đường.
Đức Phật Mẫu giáng cơ cho bài thi kỷ niệm:
Thảo Đường phước địa ngộ tùng hoa,
Lục ức dư niên võ trụ hòa.
Cộng hưởng phàm gian an lạc nghiệp,
Thể đăng Bồng Đảo định âu ca.
Cũng nơi Thảo Đường nầy, Bát Nương mách cho Đức Phạm Hộ Pháp biết người Tàu có ếm Long Tuyền Kiếm không cho VN sản xuất nhân tài. Lỗ Ban Sư chỉ chỗ cho Đức Hộ Pháp đến lấy Long Tuyền Kiếm, phá tiêu phép ếm của người Tàu.
Khổ hình
苦刑
A: The torture.
P: Le supplice.
Khổ: Đắng, chỉ sự vất vả, cực nhọc về thể xác hay về tinh thần. Hình: hình phạt.
Khổ hình là hình phạt khổ sở.
PMCK: Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Khổ tâm
苦心
A: Moral pain.
P: Douleur morale.
Khổ: Đắng, chỉ sự vất vả, cực nhọc về thể xác hay về tinh thần. Tâm: lòng dạ.
Khổ tâm là đau khổ trong lòng, hay sự đau khổ tinh thần.
TNHT: Có khổ tâm mới rõ tuồng đời ấm lạnh.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khổ tận cam lai
苦盡甘來
Khổ: Đắng, chỉ sự vất vả, cực nhọc về thể xác hay về tinh thần. Tận: hết. Cam: ngọt. Lai: tới.
Khổ tận cam lai là hết đắng tới ngọt.
Ý nói: Hết khổ tới sướng, hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai.
KHÔI
Khôi giáp
盔甲
A: Helmet and cuirass.
P: Casque et cuirasse.
Khôi: cái mũ sắt của vị tướng ra trận. Giáp: áo bằng kim loại mặc khi ra trận.
Khôi giáp ở đây chỉ cái mão và cái áo trong bộ đại phục của Đức Hộ Pháp.
TNHT: Đáng lẽ nó phải sắm khôi giáp như hát bội....
(Nó: Đức Chí Tôn gọi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc)
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khôi khoa mạo
魁科帽
A: The headress of confucian bachelor.
P: Coiffure du bachelier confucéen.
Khôi: đứng đầu. Khoa: kỳ thi. Mạo: cái mão.
Khôi khoa là người thi đậu đứng đầu trong một kỳ thi.
Khôi khoa mạo, ở đây là cái mão của Lễ Sanh, làm toàn bằng hàng trắng, ngay trước trán có thêu Thiên Nhãn, bao quanh một vòng minh khí.
Pháp Chánh Truyền cho Lễ Sanh đội mão Khôi khoa là vì muốn cho Lễ Sanh phải đậu qua khoa mục do Hội Thánh tổ chức để có đủ tài đức làm đầu nhơn sanh.
Khôi khôi
恢恢
A: Immense.
P: Immense.
Khôi: to lớn.
Khôi khôi là mênh mông bao trùm tất cả.
Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu: Lưới Trời lộng lộng, thưa mà không lọt.
Khôi trần
灰塵
A: Cinder and dust.
P: Cendre et poussière.
Khôi: tro, cũng đọc là Hôi. Trần: bụi.
Khôi trần là tro và bụi.
KHỐI
KHỐI
KHỐI: 塊 Một tảng, một khối.
Td: Khối tình, Khối vật chất.
Khối tình
塊情
Khối: Một tảng, một khối. Tình: tình yêu giữa nam nữ.
Khối tình là tình yêu tương tư giữa nam và nữ bị thất vọng nên tụ lại thành một khối không tan.
Điển tích: Có hai điển tích về Khối tình:
1. Một người con gái thất tình mà chết vì người yêu không trở về đúng hẹn. Người ta đem xác nàng hỏa táng thì thấy trong đống tro tàn còn lại một khối cứng mà lửa không làm cho tiêu hủy được, thử lấy búa đập cũng không bể, nên người ta gọi khối ấy là Khối tình của nàng.
Khi người tình của nàng trở về, nghe người lối xóm thuật lại về cái chết của nàng, chàng quá cảm động, úp mặt vào khối tình khóc nức nở. Nước mắt của chàng rơi xuống, thấm vào khối tình, làm cho khối tình vỡ tan ra từng mảnh.
2. Chuyện Trương Chi và Mỵ Nương.
Trương Chi là một thanh niên thuyền chài, có giọng hát rất hay, nhưng gương mặt chàng lại quá xấu xí. Mỵ Nương là con gái của quan Tể Tướng, nàng rất đẹp. Hằng ngày Mỵ Nương nghe tiếng hát của anh thuyền chài Trương Chi, lần lần nàng phải lòng chàng.
Bệnh tương tư của Mỵ Nương càng ngày càng trầm trọng, thuốc thang không chữa được, duy mỗi khi nghe tiếng hát của Trương Chi thì bệnh thuyên giảm, tỉnh táo lại đôi chút.
Quan Tể Tướng dò hỏi biết được, liền đòi Trương Chi đến cho con gái gặp mặt. Mỵ Nương thấy Trương Chi quá xấu xí thì tỉnh mộng và bệnh tương tư dần dần tiêu tan.
Nhưng về phần chàng trai Trương Chi, từ khi trông thấy Mỵ Nương thì chàng đâm ra say mê nàng, về nhà ấp ủ mối tình tuyệt vọng. Bệnh tương tư của chàng càng lúc càng nặng, cuối cùng chàng đành ôm mối tình tuyệt vọng đem xuống tuyền đài.
Xóm giềng chôn cất thi thể chàng. Sau một thời gian, có việc cần cải táng, người ta đào hòm lên, mở ra thì thấy thi thể của Trương Chi tan mất hết, chỉ còn lại trong hòm một khối tròn lớn trắng như ngọc, gọi là Khối tình.
Người ta lấy khối ấy tạc thành một cái chén, mỗi khi đổ nước vào chén, rồi nhìn đáy nước trong chén, người ta thấy hình ảnh của Trương Chi đang ngồi buồn rầu câu cá.
Nhớ lại mối tình kỳ lạ giữa Trương Chi và Mỵ Nương, người ta đem chén nầy gởi đến cho Mỵ Nương xem, nàng đổ nước vào chén thì nhìn thấy hình ảnh buồn rầu của Trương Chi.
Mỵ Nương rất cảm động, nàng nhớ đến Trương Chi, nên úp mặt vào chén khóc nức nở. Nước mắt nàng rơi vào chén, làm chén vỡ tan ra từng mảnh.
KTKVQL: Khối tình còn có một lần đấy thôi.
KTKVQL: Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.
Khối vật chất vô hồn viết tử
塊物質無魂曰死
Khối: Một tảng, một khối. Vật chất: những vật và những chất có hình thể và màu sắc thấy được. Vô: không. Hồn: linh hồn. Viết: gọi rằng. Tử: chết. Viết tử: gọi là chết.
Khối vật chất: chỉ thể xác của con người, vì đó là một khối thịt, xương, máu huyết, bọc trong một lớp da,
Đây là một câu kinh trong bài Kinh Tẫn Liệm, có nghĩa là: Thể xác của con người chỉ là một khối vật chất, nếu không có linh hồn ngự trị thì gọi là chết.
Linh hồn ngự trong thể xác, tạo cho thể xác sự sống. Nếu linh hồn xuất ra khỏi thể xác thì thể xác chết.
KHÔN
Khôn đức
坤德
A: The virtue of woman.
P: La vertu de femme.
Khôn: Quẻ Khôn trong Bát quái, chỉ về tính Âm như: đất, đàn bà. Đức: hạnh nết.
Khôn đức là đức hạnh của đàn bà.
Khôn soi
A: Do not see.
P: Ne voir pas.
Khôn: không. Trong thơ văn, các thi sĩ thường dùng chữ KHÔN có nghĩa là KHÔNG. Soi: Nhìn thấy, như soi gương là thấy hình của mình trong gương.
Khôn soi là không thấy.
KĐRĐ: Vật hữu linh phàm nhãn khôn soi.
KÐRÐ: Kinh đi ra đường.
KHỐN
Khốn đốn
困頓
A: Very unhappy.
P: Très malheureux.
Khốn: cùng khổ. Đốn: sa sút.
Khốn đốn là sa sút đến cùng khổ, quá vất vả.
TNHT: Về bực nhơn phẩm ở cõi trần ai khốn đốn nầy.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHỔN
Khổn trần
捆塵
A: To bind to the world.
P: Attacher au monde.
Khổn: trói buộc. Trần: cõi trần.
Khổn trần là bị trói buộc vào cõi trần.
Cái gì đã trói buộc con người vào cõi trần, không cho thoát ra được. Đó là cái nghiệp của mỗi người. Muốn linh hồn thoát ra khỏi cõi trần thì phải trả cho dứt nghiệp, và khi muốn trở thành Thần, Thánh, Tiên, Phật thì phải có công quả.
KHÔNG
KHÔNG
KHÔNG: 空 Trống không, thấy không có gì cả.
Td: Không gian, Không sắc.
Không gian - Thời gian
時間
A: The space and time.
P: L'espace et temps.
Không: Trống không, thấy không có gì cả. Gian: khoảng rộng. Thời: giờ.
■ Không gian dùng để chỉ sự cùng tồn tại và tính cách biệt của các sự vật với nhau, quảng tính, tính có cấu trúc và trật tự phân bố chung.
■ Thời gian thì đặc trưng cho trình tự diễn tiến của các quá trình vật chất, tính cách biệt giữa các giai đoạn với nhau của các quá trình nầy, độ dài diễn biến của chúng và sự phát triển của chúng.
Điều mà Triết học quan tâm trước tiên là không gian và thời gian có hiện thực không, hay đó là những trừu tượng đơn thuần chỉ tồn tại trong ý thức của con người.
Triết gia Newton và phái Duy Vật siêu hình coi không gian và thời gian là những thực thể đặc biệt, không gắn bó gì với nhau và tồn tại độc lập bên cạnh vật chất, cũng tương tự như các vật tồn tại độc lập bên cạnh nhau vậy.
Ngược lại, chủ nghĩa Duy Vật biện chứng cho rằng không gian và thời gian gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau và gắn liền với vật chất, là phương thức tồn tại của vật chất. Điều đó có nghĩa là không có một dạng vật chất nào tồn tại bên ngoài không gian và thời gian. Ngược lại cũng không thể có không gian và thời gian nào ở ngoài vật chất.
Triết gia Engels viết: "Các hình thức cơ bản của mọi tồn tại là không gian và thời gian, và sự tồn tại ngoài không gian và thời gian là hoàn toàn vô lý."
Luận điểm đó của Engels đã được nhiều tài liệu của khoa học tự nhiên xác nhận, đặc biệt là Thuyết Tương đối của Einstein phát minh vào đầu thế kỷ 20.
Không gian và thời gian có các thuộc tính cơ bản sau đây:
1. Tính khách quan, nghĩa là không gian và thời gian tồn tại ở bên ngoài và độc lập với ý thức của con người.
2. Tính vĩnh cửu và tính vô tận, nghĩa là không có tận cùng về một phía nào cả, cả về quá khứ lẫn tương lai, cả về đàng trước lẫn đàng sau, cả về bên phải lẫn bên trái, cả về phía trên lẫn phía dưới.
3. Không gian luôn luôn có 3 chiều: chiều dài, chiều rộng và chiều cao, như chúng ta thường nói trong cuộc sống hằng ngày. Còn thờigian chỉ có một chiều từ quá khứ đến vị lai.
Khái niệm không gian nhiều chiều mà ta thường thấy trong các tài liệu khoa học hiện nay là một trừu tượng khoa học dùng để chỉ tập hợp một số lớn đại lượng đặc trưng cho các thuộc tính khác nhau của khách thể nghiên cứu và tuân theo những qui tắc biến đổi nhất định. Đó là một công cụ toán học bổ trợ dùng trong quá trình nghiên cứu, chớ không phải để chỉ không gian thực. Không gian thực chỉ có 3 chiều mà thôi. (Trích Từ Điển Triết Học Giản Yếu)
Theo các tài liệu cổ của Ai Cập, người Atlantide (của châu Atlantide đã bị chìm xuống đáy Đại Tây Dương), cách đây khoảng 8000 năm, đã tìm ra được chiều thứ 4 của không gian.
Sự khai mở chiều thứ 4 của không gian giúp con người đi vào cõi vô hình và giải thích các hiện tượng vô hình một cách dễ dàng.
Người Ai Cập cổ đã học biết được chiều đo thứ 4 nầy nên đã xây dựng được các Kim Tự Tháp một cách dễ dàng mà khoa học ngày nay không thể nào hiểu nổi.
Khi vén được tấm màn đi vào chiều đo thứ 4 của không gian thì những phát minh khoa học hiện nay chỉ là mảnh vụn, không đáng kể. Con người sẽ có thể du lịch khắp không gian và có các quyền năng ngoài tầm hiểu biết của con người hiện nay.
Luận về không gian và thời gian, Bát Nương DTC có giáng cơ cho một bài tại Bộ Pháp Chánh, đêm 12-2-Nhâm Thìn (dl 9-3-1952), phò loan: Hai Luật Sự: Phạm Duy Nhung và Huỳnh Văn Hưởng. Xin chép nguyên văn ra sau đây:
"Trong CKVT, ngẩng mặt lên là Trời, cúi mặt xuống là Đất, muôn ngàn hình tướng luôn luôn xoay chuyển. Cả thế giới hữu vi cho đến mọi hành tàng bí ẩn, thảy thảy đều xuôi chiều thuận nẻo, thưởng phạt công minh. Xem như vậy, quyền Tạo Hóa chí công chí chánh.
Ngược lại dòng văn sử của cơ tạo hình đặt tướng, cả thời gian đi lại trong cõi không gian, thử hỏi bóng hình bao nả?
Kể từ Hỗn Độn chưa khai cho đến khi Càn Khôn hiện thể, Khí Hư Vô phân lọc Lưỡng Nghi, tỏa ra Tứ Tượng, định hình Bát Quái, tạo khí Ngũ Hành, mà nên Nhựt, Nguyệt, Tinh cầu và các tầng Thiên, đặng giữ lấy mức điều hòa âm thinh sắc tướng, trong cõi bao la trùng điệp của khí vĩnh sanh, rồi từ đó nét công bình phải giữ lẽ.
Bóng thiều quang, làn sanh khí, nhựt du dạ hành, chẳng một mảy lông không bẩm thọ Âm Dương đào tạo. Công thưởng, tội trừng, chuyển chuyển luân luân, vận hồi tấn hóa, để tạo nên bầu bác ái công minh. Đó là thời gian chuyển vận trong không gian đó vậy.
Không gian nâng đỡ thời gian, thời gian điều độ không gian. Không gian nhờ thời gian mà biến thể điều hòa, thời gian nhờ không gian mà giữ mực công bình.
Cả cơ thể tạo đoan đi trong khuôn viên Bác ái, lấy điều hòa giữ lẽ thương yêu, gìn công chánh, đưa đường tấn hóa.
Nơi không trung bao la Thiên tượng, tại thế gian đầy dẫy địa hình, có có không không, đi đi lại lại, mất còn còn mất, thảy thảy uy linh, nhìn lại quyền năng Tạo hóa đã đáng công phu.
Vậy thì, Vũ trụ Càn khôn đứng trong điều hòa, giữ lẽ hằng sanh, tấn hóa mãi mãi không ngừng. Ấy là Đạo hướng về nẻo Vũ trụ quan mà tạo nên chơn lý.
Cả cơ thể hữu vi biến chuyển không ngừng, tạo thành cơ tấn hóa. Ấy là Thế định trong lẽ Nhơn sanh quan mà đi cùng chơn lý.
Định lại rõ hơn, Đạo là điều hòa, tức không gian nâng đỡ, Thế là công bình tức thời gian chuyển vận. Thời gian nhờ không gian mới an vững, không gian do thời gian tạo bình hòa.
Nói chung, thời gian và không gian là bốn phương trên dưới. Không gian vô hình ở dưới, đi từ trong chuyển ra ngoài. Thời gian hữu tướng đứng trên, hiện từ ngoài đến trong.
Không gian chuyển từ Không ra Sắc, thời gian biến từ Sắc đến Không. Ấy là huyền vi của Đấng Chí Tôn đã để đó vậy." (Tài liệu của Sĩ Tải Huỳnh Văn Hưởng)
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Không hữu
空有
A: Naught and appearance
P: Néant et apparence.
Không: Trống không, thấy không có gì cả. Hữu: có.
Không hữu là không và có. Đây là hai mặt luôn luôn đối lập nhau., cũng như Âm với Dương.
Ngăn chặn và phủ nhận gọi là Không; xây dựng và thừa nhận gọi là Hữu. Chỉ nghiêng về một trong hai mặt đối lập nầy gọi là thiên kiến. Trung đạo mới là chơn lý: phi Không phi Hữu.
Không môn
空門
A: The pagoda.
P: La pagode.
Không: Trống không, thấy không có gì cả. Môn: cửa.
Không môn là cửa Không, chỉ cửa Phật, tức là chỉ các ngôi chùa Phật.
Giáo lý của Phật chủ trương tất cả đều Không: Ngã không, pháp không, hữu vi không, vô vi không, hay sắc tức thị không, không tức thị sắc.
Do đó, khi nói tới cái học về Không, chúng ta nghĩ ngay đến Phật giáo.
KTBCTBCHĐQL: Tầm không môn đặng đợi Như Lai.
KCBCTBCHÐQL: Kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã qui liễu.
Không tức thị sắc
空即是色
(Xem chi tiết nơi chữ: Sắc không, vần S)
KHỔNG
KHỔNG
KHỔNG: 孔 Họ Khổng, chỉ Đức Khổng Tử.
Td: Khổng miếu, Khổng môn.
Khổng Mạnh
孔孟
A: Confucius and Mencius.
P: Confucius et Mencius.
Khổng: Họ Khổng, chỉ Đức Khổng Tử. Mạnh: Mạnh Tử.
Khổng Mạnh là Đức Khổng Tử và Mạnh Tử.
Khổng Tử được xem là người lập ra Nho giáo, và Mạnh Tử, sanh sau Đức Khổng Tử 179 năm, là người phát huy Nho giáo lên đỉnh cao rực rỡ. Sau đời Mạnh Tử thì Nho giáo bắt đầu suy tàn dần vì không có người thừa kế siêu việt.
(Xem tiểu sử của Đức Khổng Tử ngay bên dưới.
Xem tiểu sử của Mạnh Tử nơi chữ: Mạnh Tử, vần M)
Khổng Tử (551 - 479 t.TL)
孔子
A: Confucius.
P: Confucius.
Khổng: Họ Khổng, chỉ Đức Khổng Tử. Tử: thầy.
Khổng Tử là Thầy Khổng.
Tiểu sử
Sau đây là phần: Tiểu sử của Đức Khổng Tử.
Đức Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sanh ngày 27 tháng 8 âm lịch năm Canh Tuất (551 trước Tây lịch), đời vua Châu Linh Vương năm thứ 21 nhà Châu, tương ứng với đời vua Lỗ Tương Công năm thứ 22, tại làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, bây giờ là Tỉnh Sơn Đông nước Trung Hoa.
Đức Khổng Tử là dòng dõi của Vi Tử Khải và Vi Tử Diễn, hai người nầy là anh ruột của vua Trụ, con của vua Đế Ất nhà Thương (cũng còn gọi là nhà Ân).
Sau khi Châu Võ Vương diệt vua Trụ, mở ra nhà Châu, Ông Châu Công Đán cho Vi Tử Khải làm vua nước Tống, gọi là Tống Công, để trông nom việc tế tự các vua nhà Thương. Vi Tử Khải mất, em là Vi Tử Diễn lên thay.
Cháu 13 đời của Vi Tử Diễn là Thúc Lương Ngột, làm quan Đại phu nước Lỗ, là thân phụ của Đức Khổng Tử.
Ngài lấy họ Khổng, bởi vì Thúc Lương Ngột là dòng dõi của Khổng Phùng Thúc, biệt lập ra họ Khổng kể từ Khổng Phụ Gia, sau 5 đời Công Khanh thế tập ở nước Tống.
Thúc Lương Ngột có người vợ cả họ Thi, sanh được 9 người con gái, một người vợ lẽ sanh được một con trai nhưng bị què một chân, tên là Mạnh Bì, tự là Bá Ni.
Năm Thúc Lương Ngột 70 tuổi, sợ không có người kế tự, mới sai người đến nhà họ Nhan để cầu hôn. Họ Nhan có năm người con gái đều chưa gả chồng, có ý chê Thúc Lương Ngột quá già, mới bảo với các con gái rằng:
- Các con có đứa nào thuận kết duyên với quan Đại phu ở Châu Ấp đó không?
Bốn người con gái lớn đều làm thinh, người con gái út là Trưng Tại đứng dậy thưa rằng:
- Phép làm con gái, khi còn ở nhà thì theo lời cha, cha đặt đâu con xin ngồi đó.
Họ Nhan nghe con gái út nói thế thì lấy làm lạ, liền gả Trưng Tại cho Thúc Lương Ngột.
Trưng Tại đã kết duyên với Thúc Lương Ngột rồi, vợ chồng lo về sự hiếm hoi không có con trai nối dõi, nên cùng nhau vào núi Ni Sơn cầu tự. Khi Trưng Tại trèo lên núi Ni sơn, bao nhiêu lá cây đều rung động lên cả. Khi làm lễ cầu tự xong, đi trở xuống thì lá cây lại rủ xuống như cũ.
Đêm hôm ấy, Trưng Tại nằm mộng thấy Thần Hắc Đế triệu đến mà bảo rằng:
- Sau nầy, nàng sẽ sanh con Thánh, nhưng khi nào lâm sản thì nên vào ở trong hang núi Không Tang.
Đến khi nàng thức giấc tỉnh dậy thì biết mình có thai.
Một hôm khác, Trưng Tại mơ mơ màng màng như người chiêm bao, chợt thấy một Ông già đến đứng ở sân, tự xưng là Ngũ Tinh, dắt theo một con thú giống như con trâu con mà lại có một sừng, mình có vằn. Con thú ấy trông thấy Trưng Tại thì nằm phục xuống và nhả ra một cái ngọc xích, trên đó có đề chữ "Con nhà Thủy Tinh, nối đời suy Châu mà làm vua không ngôi."
Trưng Tại biết là điềm lạ, liền lấy dải lụa buộc vào sừng con thú ấy. Khi tỉnh dậy, Trưng Tại thuật điềm chiêm bao ấy cho chồng nghe. Thúc Lương Ngột nói:
- Con thú ấy là con kỳ lân.
Gần đến sản kỳ, Trưng Tại hỏi hang núi Không Tang ở đâu? Thúc Lương Ngột nói:
- Núi Nam sơn có một cái hang đá, tục gọi là hang Không Tang.
Trưng Tại liền sửa soạn đến đó ở và sanh đẻ trong hang Không Tang đúng theo lời Thần nhân mách bảo. Đêm hôm sanh ra Khổng Tử, có hai con rồng xanh từ trên Trời bay xuống nằm phục ở hai bên sườn núi và có hai vị Thần Nữ đem nước hương lộ đến gội đầu cho Trưng Tại. Gội xong thì biến đi. Khi Trưng Tại lâm sản, bỗng thấy trong hang đá có một suối nước nóng chảy ra để Trưng Tại tắm. Tắm xong thì suối cạn ngay.
Thúc Lương Ngột nói:
- Vì ta cầu tự nơi núi Ni Sơn mà được đứa bé nầy, nên ta đặt tên cho nó là Khâu, tự là Trọng Ni.
Trưng Tại biết đứa con nầy sẽ làm nên việc lớn, nên hết sức nuôi nấng và chăm sóc con.
Ông Khổng Tử có tướng lạ lắm: Môi như môi trâu, tay như tay hổ, vai như vai chim uyên, lưng rùa, miệng rộng, hầu lộ, trán phẳng và cao, khi lớn, mình cao 9 thước 6 tấc (thước Tàu), có tánh ham học.
Năm Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha mất. Ngài sống với mẹ trong cảnh nhà nghèo. Khi lớn lên, mẹ cho đi học, Ngài chơi với trẻ hàng xóm, thích bày trò cúng tế.
Năm 15 tuổi, lập chí học tập.
Năm 19 tuổi, Ngài cưới vợ, vợ của Ngài là con của họ Thượng Quan nước Tống.
Năm 20 tuổi, vợ Ngài sanh đặng một con trai. Hôm đó, Lỗ Chiêu Công sai đem đến ban cho Ngài một con cá chép (Lý ngư), nên nhân đó, Ngài đặt tên con là Lý tự là Bá Ngư, để tỏ lòng tôn trọng vật của vua ban tặng. Về sau, Bá Ngư chết lúc 50 tuổi, chết trước Đức Khổng Tử. Con của Bá Ngư tên là Khổng Cấp, tự là Tử Tư, sau theo học với Tăng Sâm, rồi làm ra sách Trung Dung.
1. Đức tánh của Đức Khổng Tử:
Đức Khổng Tử là người rất thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, Ngài cũng để ý xem xét rất kỹ lưỡng để biết cho cùng tận mới thôi. Tánh Ngài ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn tin vào Thiên mệnh.
2. Thời kỳ tham chánh và dạy học:
Năm 21 tuổi, Đức Khổng Tử được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cùng là cân đo và gạt lúa. Sau đó, qua làm chức Tư Chức Lại, coi việc nuôi bò, dê, súc vật dùng trong việc tế tự.
Năm Ngài 25 tuổi thì chịu tang mẹ.
Năm 29 tuổi, Ngài học đàn với Sư Tương, ở nước Lỗ.
Tuy làm chức quan nhỏ, nhưng Đức Khổng Tử đã nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều, nên quan Đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ, cho hai người con trai là Hà Kỵ và Nam Cung Quát theo Ngài học Lễ.
Đức Khổng Tử muốn đến Lạc Dương, kinh đô nhà Châu, để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường, nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí, đành than thở mà thôi. Học trò Ngài là Nam Cung Quát nghe vây, liền về tâu với Lỗ Chiêu Công. Vua liền ban cho Ngài một cổ xe song mã và vài tên quân hầu cận để đưa Ngài và Nam Cung Quát đi Lạc Dương. Đến nơi, Đức Khổng Tử quan sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ, đi xem Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh tú, rồi đến Xã đàn là nơi vua tế Thần Nông và Thần Hậu Thổ.
Nơi nào có quan hệ đến việc tế lễ thì Ngài đến quan sát và hỏi han cho tường tận.
Ngài đến gặp Trành Hoành để hỏi về Nhạc.
Khi ở Lạc Dương, Đức Khổng Tử còn tìm đến gặp Đức Lão Tử để hỏi về Lễ. (Xem Tiểu sử của Đức Lão Tử để biết việc đối đáp của 2 vị Thánh nhân, nơi chữ Lão Tử, vần L) .
Đức Khổng Tử ở Lạc Dương khảo sát các việc xong thì trở về nước Lỗ.
Từ đó, sự học của Ngài càng rộng hơn nhiều nên học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ vẫn chưa dùng Ngài vào việc nước.
Được mấy năm, trong nước Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ngài theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Ở đây Ngài học được Nhạc thiều. Tề Cảnh Công mời Ngài tới để hỏi việc Chánh trị. Vua Tề rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho Ngài, nhưng quan Tướng Quốc nước Tề là Yến Anh ngăn cản không cho.
Năm sau, Ngài trở về nước Lỗ, thấy họ Quý dùng Dương Hổ để chuyên quyền, ý muốn tiếm đoạt. Ngài quay về quê lo việc dạy học, và nghiên cứu cho tường tận Đạo học của Thánh hiền. Lúc đó Ngài được 36 tuổi.
Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ Định Công, Ngài được 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. Một năm sau, bốn phương lấy chính sự của Ngài làm khuôn mẫu.
Năm Lỗ Định Công thứ 10 (500 năm trước Tây lịch), Ngài phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho nước Lỗ ba khoảnh đất ở Quy Âm mà Tề đã chiếm của Lỗ từ mấy năm trước.
Qua năm sau, Đức Khổng Tử giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng Thơ) coi việc hình án. Ngài đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không còn nữa, xã hội được an bình thạnh trị.
Sau 4 năm, Lỗ Định Công phong Ngài lên làm Nhiếp Tướng Sự (Tướng Quốc), coi việc Chánh trị trong nước.
Ngài cầm quyền được 7 ngày thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính.
Đức Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão:
Thiếu Chính Mão là một nịnh thần rất nguy hiểm dưới trào Lỗ Định Công. Bấy giờ, Đức Khổng Tử đang làm quan Tướng Quốc nước Lỗ. Quý Tôn Tư, một vị Đại Thần quyền thế trong triều, nhưng luôn luôn hỏi ý kiến của Đức Khổng Tử mỗi khi có một quyết định trong công việc trị nước. Nhưng phần Thiếu Chính Mão, khi Đức Khổng Tử nói ra câu gì thì liền gièm pha khiến người nghe phân vân và đôi khi bị mê hoặc.
Đức Khổng Tử mật tâu với Lỗ Định Công:
- Nước Lỗ không cường thịnh lên được là vì trung nịnh không phân biệt, thưởng phạt không nghiêm minh. Thí dụ như muốn trồng lúa tốt tất phải trừ bỏ cỏ xấu. Xin Chúa công cho đem các đồ phủ việt (dùng vào việc hình) trong nhà Thái miếu bày ra ở dưới Lưỡng quán để dùng vào việc hình.
Lỗ Định Công thuận cho.
Sáng hôm sau, Lỗ Định Công truyền cho các quan triều đình hội nghị để bàn việc phá thành ấp xem lợi hại thế nào. Các quan người nói nên phá, người nói không nên phá.
Thiếu Chính Mão đón ý Đức Khổng Tử, nói rằng:
- Phá thành có 6 điều tiện:
1. Để tôn trọng quyền vua không ai bằng.
2. Để tôn trọng cái quyền thế Đô thành.
3. Để ức quyền tư môn.
4. Để khiến cho kẻ gia thần lộng quyền không chỗ nương cậy.
5. Để yên lòng ba nhà: Mạnh, Thúc, Quý.
6. Để khiến cho các nước nghe việc nước Lỗ ta làm mà phải kính phục.
Đức Khổng Tử tâu với Lỗ Định Công:
- Thành ấp nay đã thế cô còn làm gì được, huống chi Công Liễm Dương vẫn có lòng trung với vua, sao dám bảo là lộng quyền. Thiếu Chính Mão dùng lời nói khéo để làm loạn chánh trị, khiến vua tôi ly gián, cứ theo phép thì nên giết.
Các quan trong triều tâu:
- Thiếu Chính Mão là người danh giá ở nước Lỗ ta, dầu có nói lầm đi nữa cũng chưa đến tội chết.
Đức Khổng Tử lại tâu với Lỗ Định Công:
- Thiếu Chính Mão là người dối trá mà lại biện bác, làm người ta mê hoặc. Nếu không giết đi thì việc chánh trị không thi hành nổi. Xin Chúa Công cho đem phủ việt ra để trị tội.
Đức Khổng Tử truyền cho lực sĩ trói Thiếu Chính Mão đem đến Lưỡng quán mà giết đi.
Các quan trong triều đều sợ hãi, xám xanh cả mặt. Ba nhà: Mạnh, Thúc Quý, trông thấy cũng đều kinh sợ.
Từ khi giết xong Thiếu Chính Mão, Lỗ Định Công và ba nhà Mạnh, Thúc, Quý mới một lòng nghe theo lời của Đức Khổng Tử. Nhờ vậy, Đức Khổng Tử chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân những điều lễ, nghĩa, liêm, sĩ, nên dân không còn nhiễu loạn mà chánh trị mỗi ngày một hay.
Ba tháng sau, phong tục biến cải cả: Các nhà buôn gà và heo không dám nhồi cám để dối người mua, trong khi ra đường, trai gái đi phân biệt nhau, không hỗn loạn, thấy của rơi ngoài đường thì không ai lượm, người nước khác du lịch đến nước Lỗ được tiếp đãi tử tế, không để cho thiếu thốn.
Dân nước Lỗ có làm một bài ca để tán tụng công đức của Khổng Tử. Bài ca ấy được truyền tụng sang nước Tề.
Tề Cảnh Công lo ngại nói rằng:
- Nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu ắt nên nghiệp Bá, tất họa đến nước Tề, ta biết làm thế nào?
Quan Đại Phu Lê Di tâu rằng:
- Chúa Công lo nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu, sao không lập cách ngăn đi.
Tề Cảnh Công nói:
- Nước Lỗ giao quyền chánh trị cho Khổng Khâu, ta dùng cách gì mà ngăn trở được?
Lê Di tâu:
- Tính con người ta, hễ được cường thịnh tất sanh lòng kiêu mạn. Xin Chúa Công lập một Bộ Nữ Nhạc mà đem dâng vua Lỗ. Vua Lỗ mà nhận Bộ Nữ Nhạc tất sanh lười biếng mà chán Khổng Khâu. Bấy giờ tất Khổng Khâu phải bỏ nước Lỗ mà đi, Chúa Công mới có thể ngồi yên được.
Quả vậy, Lỗ Định Công, không nghe lời can gián của Đức Khổng Tử, nhận Bộ Nữ Nhạc thì mê say theo, bỏ bê việc triều chánh, có khi luôn 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao cả cho Họ Quí. Đức Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được, lại có thể bị hại vì lời gièm siễm của bọn gian thần.
Do đó, trong ngày Lễ Tế Giao, vua Lỗ không nhìn đến, cũng không đem phần thịt tế biếu cho các quan Đại Phu. Đức Khổng Tử nhân việc lỗi nhỏ của vua Lỗ mà xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu.
3. Thời kỳ chu du các nước chư Hầu:
Đức Khổng Tử cùng các học trò đi qua các nước: Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, để mong thuyết phục các vua chư Hầu chịu đem cái Đạo của Ngài ra ứng dụng để đem lại thái bình thạnh trị cho dân chúng. Nhưng cái Đạo của Ngài là Vương Đạo nên đi ngược ý đồ Bá Đạo của các vua chư Hầu và quyền lợi của các quan Đại phu nên các vua chư Hầu đều không dám dùng Ngài.
Rốt cuộc, sau 14 năm đi chu du các nước không thành công, Ngài phải trở về nước Lỗ, có quan Đại Phu Quý Khang Tử sai Công Hoa ra đón Ngài.
Phu nhân của Đức Khổng Tử là bà Thượng Quan đã mất trước đó một năm, nhằm năm Lỗ Ai Công thứ 10.
4. Đức Khổng Tử gặp Thần đồng Hạng Thác.
Đức Khổng Tử cùng một số học trò, trên đường qua nước Trần, gặp một đám trẻ nhỏ chơi đùa giữa đường. Ngài ngồi trên xe nhìn đám trẻ, thấy một cậu bé cặm cụi lấy cát đắp một cái thành nhỏ mà không đùa giỡn. Ngài hỏi cậu bé:
- Sao cậu không chơi đùa với mấy đứa trẻ kia?
Cậu bé đáp: - Đùa giỡn thì vô ích, vì có thể bị rách áo quần, nhọc công mẹ vá, lại buồn lòng cha, nên tôi không giỡn.
Nói xong, cậu tiếp tục lo đắp thành. Đức Khổng lại hỏi:
- Cậu không tránh cho xe của tôi đi sao?
Cậu bé thản nhiên đáp: - Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chớ có bao giờ thành tránh xe.
Đức Khổng Tử nghe cậu bé trả lời một câu bất ngờ và hay quá, liền xuống xe lại gần cậu hỏi nhiều điều khó khăn, được cậu trả lời thông suốt, sau đó cậu hỏi lại Đức Khổng Tử mấy câu mà Ngài không trả lời được, khiến Ngài rất phục cậu bé, tôn cậu bé làm thầy. Cậu bé ấy là Thần đồng Hạng Thác.
"Lúc Khổng Tử dạy về Nhơn đạo thời chưa thông Thiên đạo, còn dùng tửu nhục. Đến khi ngộ đạo cùng Hạng Thác thì trì trai thủ giới, nên mới có câu: Thiên sanh Khổng Tử chơn kỳ trí, tánh mạng công phu thỉ bất minh, vãng Trần lộ ngộ Hạng Thác vi sư, lão tác đồ ty thiếu vi tôn, cùng câu: Trai minh thạnh phục, yết dục dưỡng tinh.
Sau ngươi Châu Tử chẳng thông thời vụ, học Trung Dung chưa rồi mà luận đến Thiên đạo, lại chê Khổng Tử, Lão Tử rằng luận thuyết hư vô tịch diệt là dị đoan. Có phải ấy là ếch nằm đáy giếng xem trời nhỏ chăng?" (Đại Thừa Chơn Giáo)
Đức Khổng Tử ở Nhơn đạo, nhờ Thần đồng Hạng Thác mà Ngài giác ngộ, tu theo Thiên đạo nên trường trai, tuyệt dục, dưỡng Tinh luyện đạo, đắc phẩm Chí Thánh.
5. Thời kỳ soạn sách và dạy học trò:
Khi trở về nước Lỗ, Đức Khổng Tử đã 68 tuổi. Ngài trở lại quê nhà để mở mang việc dạy học và soạn sách.
Tổng số môn đệ của Đức Khổng Tử có lúc lên tới 3000 người (Tam thiên đồ đệ), trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, nên gọi là Thất thập nhị Hiền.
Đức Khổng Tử san định lại các kinh sách của Thánh Hiền đời trước như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch.
Ngài ghi chú các lời nói của Thánh Hiền đời trước, xếp đặt lại cho có thứ tự, chú thích những chỗ khó hiểu, nhất là với Kinh Dịch, Ngài chú giải rất kỹ.
Sau đó, Đức Khổng Tử viết ra sách Xuân Thu, chép những việc của nước Lỗ và của nhà Châu (Chu) liên hệ với các nước chư Hầu từ đời Lỗ Ẩn Công nguyên niên (721 trước Tây lịch) đến đời Lỗ Ai Công thứ 14 (481 trước Tây lịch), tổng cộng là 242 năm. (Xem chi tiết nơi phần sau: Khổng Tử tác Xuân Thu)
Đức Khổng Tử là bậc Chí Nhân Chí Thánh, nhưng Ngài vẫn khiêm tốn không dám nhận mình là Thánh nhân.
Đối với các môn đệ, Ngài rất dễ dãi. Hễ ai theo đúng lễ đến xin học thì Ngài không bao giờ từ chối. Ngài thâu nhận học trò, không kể giàu nghèo, con quan hay con dân. Ngài mở ra một nền giáo dục bình dân đại chúng, đào tạo được một lớp người trí thức mới, tài giỏi và có đức hạnh trong giới bình dân.
Sự giáo hóa của Ngài chủ yếu là làm sao cho sáng tỏ cái đức sáng của người, chớ không gom vào trong sự truyền thụ kiến thức. Đây là một phương pháp giáo dục rất hay để khai mở cái Tâm của con người vậy.
6. Đức Khổng Tử tạ thế:
Mùa Xuân năm Lỗ Ai Công thứ 14 (481 trước Tây lịch), người nước Lỗ đi săn bắt được một con kỳ lân què chân trái phía trước. Đức Khổng Tử đến xem rồi bưng mặt khóc. Khi trở về, Ngài than rằng: Ngô đạo cùng hỹ! (Đạo của ta đến lúc cùng)
Sách Xuân Thu chép đến chuyện nầy thì hết, nên đời sau còn gọi sách Xuân Thu là Lân Kinh.
Năm Nhâm Tuất đời Lỗ Ai Công thứ 17 (479 trước Tây lịch), một hôm Đức Khổng Tử chống gậy đi tản bộ trước nhà, vừa đi vừa hát: Thái sơn kỳ đồi hồ! Lương mộc kỳ hoại hồ! Triết nhân kỳ nuy hồ! (Núi Thái sơn đổ ư! Cây gỗ tốt hư hoại ư! Triết nhân mòn mỏi ư!)
Học trò của Ngài là Tử Cống liền đến hỏi thăm Ngài. Ngài nói: Ta biết mình sắp chết.
Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất, Đức Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi. Mộ của Ngài ở bên bờ sông Tứ Thủy, phía Bắc thành nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.
Ba ngàn đồ đệ của Ngài đều thương tiếc và than khóc, nguyện để tang Thầy 3 năm. Có hơn 100 môn đệ làm nhà chung quanh phần mộ để lo phụng tự trong 3 năm, riêng Tử Cống ở đó hết 6 năm mới thôi.
Chu vi đất quanh mộ của Đức Khổng Tử rộng chừng 100 mẫu mà không hề có cây gai và cỏ may mọc. Học trò bảo nhau đi tìm các thứ hoa thơm cỏ lạ ở các nơi đem về trồng khắp chung quanh.
7. Các triều đại phong tặng Đức Khổng Tử:
- Năm 739, vua Đường Huyền Tôn phong tặng Đức Khổng Tử là Văn Tuyên Vương, mặc phẩm phục Hoàng đế, tặng cho các đệ tử các tước: Công, Hầu, Bá.
- Năm 1008, vua Tống Chân Tông phong Ngài là: Đại Thánh Văn Tuyên Vương, phong cho thân phụ Ngài là Lỗ Công, thân mẫu Ngài là Lỗ Phu Nhân, vợ là Bà Thượng Quan Thị làm Vân Phu Nhân, và ra lịnh cho các tỉnh lập miếu thờ Ngài.
- Năm 1306, vua Minh Thế Tông phong tặng Ngài là Chí Thánh Tiên Sư.
- Năm 1645, vua Thanh Thế Tổ phong Ngài là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Thánh Sư Khổng Phu Tử.
8. Văn miếu:
Văn miếu hay Văn Thánh miếu là tòa nhà dựng lên để làm Đền thờ Đức Khổng Tử và các môn đệ của Ngài cùng với các Tiên hiền, Tiên nho qua các thời đại gồm:
a. Tứ Phối: Bốn vị Thánh cùng được phối hưởng cúng tế với Đức Khổng Tử. Tứ Phối gồm:
· Phục Thánh Nhan Tử (Nhan Hồi)
· Tông Thánh Tăng Tử (Tăng Sâm)
· Thuật Thánh Tử Tư (Khổng Cấp)
· Á Thánh Mạnh Tử (Mạnh Kha)
b. Thập Triết: Mười vị Hiền triết, học trò tài giỏi nhứt của Đức Khổng Tử. Thập Triết gồm:
· Mẫn Tổn (Mẫn Tử Khiên)
· Bá Ngưu (Nhiễm Canh)
· Trọng Cung (Nhiễm Ung)
· Tể Dư (Tử Ngã)
· Đoan Mộc Tứ (Tử Cống)
· Nhiễm Cầu (Tử Hữu)
· Trọng Do (Tử Lộ)
· Ngôn Yển (Tử Du)
· Bốc Thương (Tử Hạ)
· Chuyên Tôn Sư (Tử Trương).
c. Thất thập nhị Hiền: 72 vị học trò giỏi của Đức Khổng Tử, nhưng ở dưới Thập Triết một bực.
Nói là Thất thập nhị Hiền, chớ thật ra chỉ có 62 vị, vì trong Thất thập nhị Hiền có Thập Triết, nên phải trừ ra 10 vị.
d. Tiên Hiền, Tiên Nho: gồm 120 vị, qua các triều đại từ xưa đến nay.
9. Đức Khổng Tử trong Đạo Cao Đài:
Đức Khổng Tử là một Đấng Giáo chủ trong Tam giáo thuộc thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Nhờ Đức Khổng Tử mà Nho giáo mới được hưng hạnh, và trở thành một học thuyết triết học nhân sinh có hệ thống chặt chẽ và hoàn hảo, chủ yếu dạy về Nhơn Đạo (Đạo làm Người). Không có một giáo thuyết nào dạy Nhơn Đạo hoàn hảo bằng Nho giáo.
Trong Kinh Cúng Tứ Thời của Đạo Cao Đài có bài Kinh Nho giáo để xưng tụng công đức của Đức Khổng Tử.
Ngày Đại Lễ Vía Đức Khổng Tử được chọn là ngày giáng sanh của Đức Khổng Tử, đó là ngày 27 tháng 8 âm lịch. Hằng năm, khi đến ngày nầy, tại Toà Thánh và các Thánh Thất địa phương đều có thiết lễ Đại Đàn cúng Vía Đức Khổng Tử, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại Tiểu sử của Ngài, và nói về sự ích lợi của Nho giáo đối với sự ổn định trật tự trong gia đình và ngoài xã hội.
Do đó, Đức Chí Tôn mới có chủ trương NHO TÔNG CHUYỂN THẾ, tức là dùng tinh hoa của Giáo lý Nho giáo để dạy dỗ người đời, tái lập trật tự và đạo đức trong xã hội.
Trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế, Đức Khổng Tử có giáng cơ dạy Đạo.
Sau đây, xin chép lại bài Thánh giáo nầy của Ngài:
Ngày 17 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1932).
THI:
NGÃ dĩ từ chương giáo nghĩa phương,
KHỔNG văn hoằng hóa sự luân thường.
PHU thê, phụ tử, quân thần đạo,
TỬ đệ phùng thời độ thiện lương.
DIỄN DỤ:
Các sĩ cùng chư khanh nghe rõ: việc Tam giáo hiệp nhứt.
Từ mới mở mang Trời Đất đã có Đại Đạo. Tam giáo vốn một nhà, đời sau chia làm ba, chớ kỳ trung một bổn, kẻ thế không thông hiểu nên tranh luận giành điều chơn giả với nhau hoài. Những người xưng mình là Minh Sư, thọ truyền cho đồ đệ, thì mỗi người cũng muốn khoe tài mình mà truyền khẩu với chúng sanh rằng, đạo mình chánh, đạo khác thì tà: Té ra, mình là manh sư gạt chúng.
Nếu Đạo Tiên, Đạo Phật mà không dùng văn chương thì lấy chi mà tả kinh diễn kệ. Còn học Nho mà không học Đạo thì ra người cuồng sĩ kiêu căng.
Vậy khuyên mấy sĩ Ba Đạo cũng đồng tìm kiếm gốc cho minh chơn lý, đặng trước độ mình, sau độ chúng. Vậy mới gọi là Chánh kỷ hóa nhơn.
Thi rằng:
Tam giáo từ xưa vốn một nhà,
Người sau lầm tưởng, vọng chia ba.
Minh tâm may hiểu đường chơn giả,
Mẫn tánh mới thông nẻo chánh tà.
Thích, Đạo tỷ như hành bộ khách,
Nền Nho ví tợ chiếc đò qua.
Muôn ngàn kinh kệ do nơi chữ,
Tam giáo từ xưa vốn một nhà.
KHỔNG PHU TỬ
Khổng Tử tác Xuân Thu
孔子作春秋
Khổng Tử tác Xuân Thu là Đức Khổng Tử làm ra sách Xuân Thu để bày tỏ cái đạo của Ngài.
"Kinh Xuân Thu là bộ sách của Khổng Tử làm ra. Ngài theo lối văn làm sử mà chép truyện nước Lỗ, kể từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công. Trong sách ấy chép cả việc nhà Chu (Châu) và việc các nước chư Hầu.
Xem hình thể bề ngoài thì là một bộ sử biên niên, lời lẽ vắt tắt, lắm chỗ hình như không có ý nghĩa gì cả, nhưng xét rõ đến tinh thần thì thật là bộ sách triết lý về việc chánh trị.
Mạnh Tử là người đã hiểu rõ nghĩa Kinh Xuân Thu, nói: "Kinh Thi hết, nhiên hậu Kinh Xuân Thu mới làm ra. Việc ở trong sách Xuân Thu là việc Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước Tấn, văn trong sách là văn sử. Nghĩa thì Khổng Tử nói rằng: Khâu nầy trộm lấy đó vậy. Nghĩa là Ngài lấy truyện ở trong các sách nước Tấn, nước Sở, nước Lỗ mà biểu thị cái ý nghĩa của Ngài muốn bày tỏ ra. Thời Xuân Thu bấy giờ xã hội Tàu loạn lạc, vua các nước chư Hầu làm nhiều điều bạo ngược và ai cũng muốn lấn quyền Thiên tử nhà Châu. Ngài không muốn để sự phê bình phán đoán của Ngài đụng chạm đến quyền thế của những người đương thời, vả lại cái học sâu xa của Ngài là cái học Tâm truyền, cho nên Ngài mượn lối văn làm sử, nói việc đã qua để ngụ cái vi ý của Ngài."
Sách Trang Tử (Nam Hoa Kinh) ở thiên Thiên Hạ viết rằng: Xuân Thu dĩ đạo danh phận (Sách Xuân Thu là để nói cái đạo danh và phận).
Vậy cứ theo ý kiến của những nhà đại hiền triết đời Chiến quốc thì sách Xuân Thu thật là cuốn sách để tâm truyền cái đại nghĩa Danh và Phận về đường luân lý và chánh trị, chớ không phải là sách chép sử như người ta thường vẫn hiểu lầm.
Sách Xuân Thu có 3 chủ nghĩa là:
* Chính danh tự.
* Định danh phận.
* Ngụ bao biếm. (Bao biếm là khen chê)
Chủ ý của Khổng Tử là tôn vua nhà Châu. Dẫu đời bấy giờ các nước chư Hầu có nhiều người không biết đến vua nhà Châu đi nữa, nhưng Ngài chép ngay đầu sách là: XUÂN VƯƠNG CHÁNH NGUYỆT, nghĩa là: Mùa Xuân, tháng Giêng, vua nhà Châu, để tỏ cái ý vẫn nhận nhà Châu làm chủ thiên hạ...
Xem Kinh Xuân Thu thì phải biết ý nghĩa và vị trí từng chữ. Mỗi chữ là để định rõ người tà người chánh, như Thiên tử chết thì chép chữ băng, vua chư Hầu chết thì chép chữ hoăng, ông vua đã cướp ngôi làm sự tiếm đoạt mà chết thì chép chữ tồ, người làm quan ngay chánh chết thì chép chữ tốt, người làm quan gian nịnh chết thì chép chữ tử.
Người nào có danh phận chánh đáng thì chép rõ chức phẩm và tên tự, người nào mà danh phận không chánh đáng thì dẫu có chức phẩm gì, cũng chỉ chép có một tên tục mà thôi.
Sự khen chê của Ngài cốt ở những chữ Ngài dùng. Có khi chỉ vì một chữ chê mà thành ra tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà được tiếng thơm thiên cổ.
Bởi thế, người đời sau bàn Kinh Xuân Thu nói rằng: Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt. (Một chữ khen thì vinh hơn cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì nhục hơn phải tội rìu búa.)
Vì Khổng Tử thấy đời suy, đạo mờ, các tà thuyết dấy lên, những sự hung bạo rất nhiều, con giết cha, tôi giết vua, cho nên Ngài lấy làm lo sợ mà làm ra sách Xuân Thu, để định cái Chánh thể, chủ ở sự Chánh danh, Định phận cho hợp đạo lý và cho rõ sự thưởng phạt.
Sách Xuân Thu là sách định chế độ của quân chủ. Khổng Tử biết rằng trong một nước không thể không có quyền quân chủ, song Ngài lại sợ rằng những người giữ quyền quân chủ thường hay lạm dụng thế lực của mình mà làm những điều tàn bạo. Vậy nên Ngài mới đem cái nghĩa, lấy cái nguyên của dương khí mà thống trị việc Trời, lấy Trời mà thống trị các vua chúa, và bày tỏ ra một cách đặc biệt ở sách Xuân Thu để hạn chế cái quyền của vị nhân quân. Nhưng vì những người làm vua làm chúa đã dễ mấy người hiểu được rõ cái lẽ thâm viễn siêu việt ấy, cho nên Ngài mới lấy những điều tai dị như: Nhựt thực, Nguyệt thực, Sao chổi và việc Động đất, v.v... là những điều hiển nhiên ai cũng có thể trông thấy được, để cảnh giới những bậc nhân quân. Ngài muốn những bậc ấy phải lấy những
điềm lạ ấy mà kinh sợ, tự mình tu tỉnh và làm những điều nhơn nghĩa. Đó là cái vi ý trong sách Xuân Thu.
Khổng Tử còn sợ người ta không hiểu rõ cái ý ấy, cho nên Ngài nói: Tri ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ, tội ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ! (Người biết ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu, người trách tội ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu).
Biết Ngài là biết cái bụng của Ngài sợ những tà thuyết, những bạo hành càng ngày càng nhiều ra, cho nên Ngài bày tỏ cái phương pháp chánh trị để đổi loạn ra trị, và để trừng trị những kẻ tàn bạo gian ác.
Trách tội Ngài là vì không hiểu cái ý của Ngài mà cho Ngài là tiếm làm cái việc của Thiên tử, hoặc là ngờ Ngài dùng những điều tai dị để làm mê hoặc người đời.
Học giả nên chú ý và hiểu cái thâm ý và cái khổ tâm của Ngài trong sách Xuân Thu. Về sau Hán Nho thường không hiểu rõ cái phần uyên thâm ấy, chú trọng ở cái thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, gây thành mối mê tín, thật là sai cái ý nghĩa trong sách Xuân Thu vậy.
Người thường không biết, lấy con mắt xem sử mà xem thì không hiểu bộ sách ấy ích lợi về điều gì. Song người nào biết, lấy cái tinh thần mà lãnh hội cái thâm ý trong sách ấy, thì thấy có nhiều ý nghĩa rất sâu xa." (Trích Nho Giáo Trần Trọng Kim)
Mặc dầu Kinh Xuân Thu là một cuốn sách lịch sử, nhưng khi ghi chép, Đức Khổng Tử đã vận dụng bút pháp để khen chê, để phân biệt kẻ thiện người ác hết sức minh bạch và đanh thép, nên người đời sau đã phải công nhận đó là những búa rìu trong Kinh Xuân Thu (Xuân Thu phủ việt), cũng như nói: Khổng Tử làm Kinh Xuân Thu mà bọn loạn thần tặc tử sợ (Khổng Tử tác Xuân Thu nhi loạn thần tặc tử cụ).
Vì thế, Kinh Xuân Thu có tác dụng về Đạo lý, giữ địa vị quan trọng trong nền văn hóa Nho giáo, trong sự biểu dương học thuyết "Chánh danh, Nhất quán, Trung dung, Đại đồng" của vị Vạn Thế Sư Biểu mà dân tộc VN đã chịu ảnh hưởng hơn 2000 năm nay.
Kinh Xuân Thu còn có tính cách điển hình gương mẫu cho người đời sau phải tôn trọng danh dự và nhiệm vụ trong khi viết sử, nên Kinh Xuân Thu được liệt vào năm bộ kinh quan trọng của Nho giáo, gọi là Ngũ Kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.
Văn chép sử trong Kinh Xuân Thu rất tóm tắt, hàm súc, ít người hiểu thấu, nên về sau có ba học giả làm thêm Tam Truyện để giải thích ý nghĩa của Kinh Xuân Thu.
Ba học giả ấy là:
1. TẢ KHƯU MINH, làm Thái Sử nước Lỗ, đồng thời với Khổng Tử. Khi Khổng Tử trứ tác Kinh Xuân Thu, ông làm Tả Truyện để chú giải Kinh Xuân Thu và khai triển, nên người ta gọi là Tả Thị Xuân Thu, hay vắn tắt là Tả Truyện.
2. CÔNG DƯƠNG CAO, một vị văn thần cuối đời nhà Châu, khâm phục tác giả và tác phẩm Xuân Thu, nên soạn ra một bộ sách bổ túc và phát huy thêm Kinh Xuân Thu, gọi là Công Dương Truyện.
3. CỐC LƯƠNG XÍCH, người nước Tần, trong thời Chiến Quốc (478-221 trước TL) biên khảo thêm một bộ truyện để bình giải Kinh Xuân Thu gọi là Cốc Lương Truyện. (Theo Lê Phục Thiện, chuyên viên Hán Học TTHL)
Trình Tử nói: "Một câu trong Kinh Xuân Thu là chỉ một việc, trái phải thấy ngay. Cứ xét cho đến cùng lý thì học giả chỉ học Kinh Xuân Thu thì đủ biết hết Đạo. Các kinh khác, không phải là không có thể xét được đến cùng lý, nhưng chỉ cần luận đến nghĩa thôi. Kinh Xuân Thu căn cứ vào việc, việc phải trái cần được so sánh cho rõ, cho nên các yếu tố là phải xét đến cùng lý. Đọc Kinh Xuân Thu không phải như đọc Trung Dung. Muốn biết Trung Dung thì phải hiểu Quyền. Quyền là gì? Là việc nên làm vào thời nên làm. Còn Kinh Xuân Thu, lấy gì làm chuẩn đích? Từ Xuân Thu về trước có lập lệ. Về đời sau, các sách đều khác nhau. Cùng một việc mà chép khác nhau về ý tứ. Nếu lấy lệ cũ mà coi thì rất lầm. Kinh Xuân Thu chép việc, nếu việc giống nhau thì lời giống nhau. Người sau
cho là lệ. Tuy nhiên, có việc giống nhau mà lời chép lại khác. Vậy câu nào có nghĩa câu nấy, thấy thế không nên buộc vào một lệ mới."
Thiệu Tử nói: "Chưa biết phân biện danh với thực, chưa định rõ công với tội của Ngũ Bá thì chưa đọc được Kinh Xuân Thu. Hãy định công với tội của Ngũ Bá đã, rồi mới đọc thì đại ý rõ ngay. Nếu cứ lần từng việc mà tìm thì không tìm được đầu mối."
"Phép của Kinh Xuân Thu là trị kẻ gian ác, dù còn sống hay chết rồi, trị ngay đến bản thân, cốt để răn kẻ ác, khuyến khích kẻ trung nghĩa, còn đến con cháu xa thì thôi, là để khuyến thiện.
Văn trong Kinh Xuân Thu có chỗ cùng việc thì cùng lời, người sau đọc cho đó là lệ. Có chỗ cùng việc mà lời khác, người sau cho đó là biến lệ. Thế nên đã là chính lệ, nếu không phải là Thánh nhân thì không đặt được, mà đã là biến lệ, nếu không phải là Thánh nhân thì cũng không tìm được. Chính lệ là việc làm thường của Trời Đất, mà biến lệ là việc nên làm của cổ kim. Chỉ có xét lý cho cùng, nghĩa cho tinh, thấy phép trong lệ, biết việc ở ngoại lệ, chỉ có thế mới hiểu Kinh Xuân Thu."
Dương Thời nói: "Đọc Kinh Xuân Thu là việc sau cùng. Học giả phải học Ngũ Kinh đã, rồi sau mới học Kinh Xuân Thu thì mới có lợi. Nhiều người nói Kinh Xuân Thu khó biết được thực. Trong Ngũ Kinh, Khổng Tử nói về lý, trong Xuân Thu, Khổng Tử chép các việc. Học giả nếu đã rõ cái lý ở Ngũ Kinh thì việc trong Xuân Thu không có gì là khó hiểu."
Lục Thầm nói: "Kinh Xuân Thu so với các Kinh khác thì thật là khó đọc. Giản, nghiêm, mà rộng lớn. Giản nghiêm thì lập luận ít, rộng lớn thì luận bàn nào cũng thông. Bút tự của Thánh nhân ý tứ sâu xa. Vì vậy, việc thì xem Tả Thị mới đúng, còn nghĩa thì xem Cốc Thị, Công Thị mới tinh. Hai lời đó là phép cốt yếu để đọc Kinh Xuân Thu."
Xem như thế thì Kinh Xuân Thu là một bộ sách rất quan trọng, tiêu biểu cho Đức Khổng Tử, mà cũng tiêu biểu cho cả Nho giáo nữa. Đức Quan Thánh hồi sanh tiền đã dùng Kinh Xuân Thu làm sách gối đầu.
Do đó, Đạo Cao Đài ngày nay dùng Kinh Xuân Thu làm cổ pháp của Nho giáo, tượng trưng Nho giáo.
TNHT: |
Xuân Thu định vững ngôi lương tể,
Phật Chủ quét tan lũ nịnh thần. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khổng Tước Minh Vương
孔雀明王
Khổng tước: con công. Minh: sáng. Vương: vua.
Minh Vương: Theo Phật Học Từ Điển, Minh Vương là chỉ những vị Tôn giả hầu cận Đức Phật Thích Ca, thọ giáo lệnh của Đức Phật, hiện thân hàng phục bọn ác ma. Các Tôn giả ấy có trí huệ và oai đức, đánh phá hết thảy các ma chướng, ủng hộ các nhà tu hành chơn thật. Tuy là người hầu cận, nhưng các Tôn giả cầm giữ giáo lệnh thì quyền uy cũng tựa như một vị Minh Vương.
Khổng Tước Minh Vương là vị Tôn giả hầu cận Đức Phật mà nguyên căn là một con công, sanh vào thời Khai Thiên lập Địa, tu thành, vâng mệnh Đức Phật cầm giữ giáo lệnh, hiện thân hàng phục bọn ác ma, ủng hộ các nhà tu hành.
Nguyên có một con công được sanh ra từ thời Khai Thiên lập Địa, tu hành nhiều kiếp, đạt được thần thông. Vào thời Phong Thần, chim công nầy hiện thân xuống cõi trần là Khổng Tuyên, làm tướng cho vua Trụ, trấn giữ ải Tam Sơn, được vua Trụ sai đem binh đi đánh Khương Thượng.
Khổng Tuyên có năm đạo hào quang ngũ sắc rất mạnh mẽ, có thể thâu được các bửu bối Tiên gia và bắt các tướng dễ dàng. Các tướng của Khương Thượng không ai đánh lại Khổng Tuyên, vì không có cách nào khắc chế đạo hào quang ngũ sắc của Khổng Tuyên. Phải chờ Đức Chuẩn Đề Bồ Tát ở Tây phương đến mới thâu phục được Khổng Tuyên.
Khổng Tuyên ngâm kệ tỏ rõ tài phép của mình:
Có đất có Trời đã có ta,
Thần thông luyện tập sức bao la.
Thuở nay đủ biết trong mùi Đạo,
Từ giã non Tiên giúp nước nhà.
Đức Chuẩn Đề Bồ Tát nói với Khổng Tuyên:
- Ngươi cùng Bần đạo có duyên phần, nên Bần đạo đến đây rước ngươi về Cực Lạc. Ngươi là kẻ có phước, tu hành lâu năm, đáng được hưởng cảnh thanh nhàn. Ở đây là cõi trần, không phải chỗ để ngươi cạnh tranh đường sanh tử.
Khổng Tuyên cười đáp:
- Lời ấy gạt ta sao được.
Chuẩn Đề Bồ Tát nói:
- Ngươi nghe ta đọc bài kệ nầy thì rõ:
Tây phương vui vẻ gọi Thiên đường,
Tích đức tu nhân mới được nương.
Giới cấm năm điều nêu sáng rỡ,
Từ bi hai chữ giữ hiền lương.
Khá theo thanh tịnh nơi am tự,
Chớ mến công danh giữa chiến trường.
Đổi cánh rụng lông thành chánh quả,
Múa men chi lắm chốn biên cương.
Khổng Tuyên nghe bài kệ, không thức tỉnh, lại nổi giận vung đao chém Chuẩn Đề. Chuẩn Đề Bồ Tát cầm nhánh cây thất bửu gạt một cái thì đao rơi xuống đất. Khổng Tuyên lấy roi vàng đánh tiếp, cũng bị nhánh cây thất bửu gạt rơi xuống.
Khổng Tuyên chỉ còn hai tay không, liền vận hào quang ngũ sắc chụp xuống Chuẩn Đề. Chuẩn Đề Bồ Tát đứng giữa hào quang, hiện ra 18 tay đều có cầm bửu bối. Rồi nghe trong hào quang nổ lên một tiếng lớn, chẳng biết Chuẩn Đề Bồ Tát làm phép chi mà áo mão của Khổng Tuyên nát bấy, rơi xuống đầy chân ngựa, còn Khổng Tuyên đứng sửng bất động.
Chuẩn Đề Bồ Tát hiện pháp thân lại bình thường, đến trước mặt Khổng Tuyên nói:
- Khuyên chớ mê sa đường thế tục, hãy cùng ta trở lại Tây phương.
Nói dứt lời thì Bồ Tát mở dây lưng ra cột vào cổ Khổng Tuyên, lấy thiết tiên gác lên vai bảo:
- Xin Đạo hữu hãy hiện nguyên hình, cùng ta trở về Tây phương cho tiêu diêu khoái lạc.
Tức thì Khổng Tuyên hiện hình ra là một con công một mắt, mình mẩy đỏ tươi cao lớn phi thường, gọi là Châu Khổng Tước. (Châu hay Chu là màu đỏ).
Chuẩn Đề Bồ Tát cỡi lên mình Châu Khổng Tước, từ giã mọi người, rồi vỗ lên đầu Khổng Tước một cái, chim công liền xòe hai cánh lớn chiếu hào quang sáng chói, bay đi về hướng Tây mất dạng.
Kể từ đó về sau, Đức Chuẩn Đề Bồ Tát xuất du đều cỡi lên chim Khổng Tước nầy.
Thuở sinh thời, Ngài Đạo Nhơn Trần Thạnh Mậu đọc Truyện Phong Thần, rất thích đoạn nói về chim Khổng Tước, nên có làm bài thi vịnh chim Khổng Tước. Ngài thường ngâm nga bài thi vịnh nầy:
THI:
Thượng cầm vui thú chốn lâm tòng,
Năm sắc tường quang có giống công.
Vỗ cánh Đẩu Ngưu che nắng hạ,
Xòe đuôi Nhựt Nguyệt đỡ mưa đông.
Mỏ son gáy ỏi vang đây đó,
Móng bạc cào tung động giáp vòng.
Khổng Tước lừng danh non Thứu lãnh,
Chở che bá điểu khỏi lo phòng.
ĐẠO NHƠN Trần Thạnh Mậu.
(Tài liệu của Tử Trình)
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHỞI
KHỞI
KHỞI: 起 Bắt đầu, dấy lên.
Td: Khởi chế, Khởi nhạc.
Khởi chế
起制
A: To begin the establishment
P: Commencer l'établissement.
Khởi: Bắt đầu, dấy lên. Chế: tạo ra, đặt ra.
Khởi chế là bắt đầu đặt ra.
TNHT: Tại đây là một nơi Ta khởi chế sự tế lễ và thờ phượng lại.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khởi động
起動
A: To start.
P: Commencer.
Khởi: Bắt đầu, dấy lên. Động: hoạt động, cử động.
Khởi động là bắt đầu hoạt động.
TNHT: Từ Nam chí Bắc, khắp Đông qua Tây, thỉnh thoảng trường náo nhiệt khởi động diệt tàn kẻ vô đạo.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khởi nguyện
起願
A: To begin the prayer.
P: Commencer la prière.
Khởi: Bắt đầu, dấy lên. Nguyện: cầu nguyện.
Khởi nguyện là khởi sự cầu nguyện.
CG PCT: Ấy vậy, chư Hiền hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ tuần thánh nầy thì khởi nguyện.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Khởi nhạc
起樂
A: To begin the music.
P: Commencer la musique.
Khởi: Bắt đầu, dấy lên. Nhạc: âm nhạc.
Khởi nhạc là bắt đầu hòa tấu các bản nhạc.
TNHT: Khi nhập lễ xướng: Khởi nhạc thì phải đánh trống và đờn 7 bài cho đủ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHUA
Khua động đồng tiền
A: To make noise with the coin.
P: Faire du bruit avec la sapèque.
Khua động: làm các vật chuyển động va chạm nhau phát ra tiếng. Đồng tiền: tiền bạc thời xưa làm bằng kim loại.
Khua động đồng tiền là chỉ người có nhiều tiền, giàu có.
KSH: |
Hễ nghe khua động đồng tiền,
Sửa ngay làm vạy, không kiêng chút nào. |
KSH: Kinh Sám Hối.
Khua môi
A: To speak with grandiloquence.
P: Parler avec grandiloquence.
Khua môi, nghĩa đen là làm hai cái môi cử động phát ra tiếng, nghĩa bóng là nói ba hoa, khoát lác, khoe khoang quá đáng, có ý đồ dối gạt người.
Thành ngữ đồng nghĩa: Khua môi múa mép.
Từ ngữ nầy thường được dùng với ý khinh bỉ.
KSH: |
Tình chung đặng cậy thế người sang,
Mượn tiếng khua môi với xóm làng. |
GTK: Giới Tâm Kinh.
KHÚC
Khúc nôi (Khúc nhôi)
A: The intimate feelings.
P: Les sentiments intimes.
Khúc nôi, hay Khúc nhôi, là nỗi lòng thầm kín, nỗi niềm tâm sự khó bày tỏ ra đặng.
TTCĐDTKM: Trẻ nào có biết khúc nôi đoạn trường.
TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.
KHUÊ
Khuê bài
珪牌
A: The religious insignia.
P: L'insigne religieux.
Khuê: vật để làm tin. Bài: cái thẻ trên đó có khắc chữ.
Khuê bài là cái thẻ để làm tin, trên mặt có khắc chữ cho biết phẩm vị Chức sắc, gắn trên Dây Sắc Lịnh trong bộ Đạo phục của Chức sắc CQPT.
CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.
Khuê môn
閨門
A: Woman 's apartment.
P: Chambre de femme.
Khuê: chỗ ở của đàn bà con gái. Môn: cửa.
Khuê môn là chỗ ở của phụ nữ trong nhà.
KHỦNG
KHỦNG
KHỦNG: 恐 Sợ hãi, dọa nạt, rối loạn.
Td: Khủng bách, Khủng hoảng.
Khủng bách
恐迫
A: Afraid.
P: Effrayé.
Khủng: Sợ hãi, dọa nạt, rối loạn. Bách: ép buộc, bức bách.
Khủng bách là tình trạng lo sợ vì bị ép buộc.
TĐ ĐPHP: Bần đạo giảng về cái khủng bách tinh thần của nhơn loại đương giờ sẽ đưa nhơn loại đến đâu?
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Khủng hoảng
恐慌
A: The crisis.
P: La crise.
Khủng: Sợ hãi, dọa nạt, rối loạn. Hoảng: vì gấp nên trong lòng rối loạn.
Khủng hoảng là tình trạng rối loạn trong quá trình chuyển biến của sự việc.
Khủng kinh ma chướng
恐驚魔障
Khủng: Sợ hãi, dọa nạt, rối loạn. Kinh: sợ. Ma: ma quỉ. Chướng: ngăn trở.
Khủng kinh ma chướng là sợ hãi vì bị ma quỉ ngăn trở bước đường tu tiến.
DLCK: Nhược hữu nhơn thọ trì khủng kinh ma chướng, nhứt tâm thiện niệm: Nam mô Di-Lạc Vương Bồ Tát,...
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
KHUÔN
KHUÔN
KHUÔN: Dụng cụ dùng để đúc ra các vật, chỉ cái mẫu mực phải tuân theo.
Td: Khuôn hồng, Khuôn linh.
Khuôn hồng
A: Creator.
P: Créateur.
Khuôn: Dụng cụ dùng để đúc ra các vật, chỉ cái mẫu mực phải tuân theo. Hồng: to lớn.
Khuôn hồng là dịch chữ: Hồng Quân, chỉ Đấng Tạo Hóa, mà chúng ta thường gọi là Đức Chí Tôn. (Xem: Hồng quân)
KVH: Tùng khuôn hồng nhỏ dại lớn khôn.
KVH: Kinh vào học.
Khuôn khổ
A: Form and dimensions.
P: Forme et dimensions.
Khuôn: Dụng cụ dùng để đúc ra các vật, chỉ cái mẫu mực phải tuân theo. Khổ: kích thước.
Khuôn khổ là phạm vi giới hạn chặt chẽ, là mẫu mực đã được qui định sẵn.
ĐLMD: Nam là chánh, nữ là phó, đặng thi hành Luật Đạo theo một khuôn khổ và luật lịnh.
ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
Khuôn linh - Khuôn thiêng
A: The Creator.
P: Le Créateur.
Khuôn: Dụng cụ dùng để đúc ra các vật, chỉ cái mẫu mực phải tuân theo. Linh: thiêng liêng.
Khuôn linh là Khuôn thiêng, cái khuôn thiêng liêng của Đấng Tạo Hóa để sản xuất ra vạn vật.
Khuôn linh, Khuôn thiêng, đồng nghĩa Khuôn hồng, chỉ Đấng Tạo Hóa.
KKV: Con nguyện xin khuôn linh giúp sức.
KKV: Kinh khi về.
Khuôn vàng thước ngọc
A: The precious rules.
P: Les règles précieuses.
Khuôn: Dụng cụ dùng để đúc ra các vật, chỉ cái mẫu mực phải tuân theo. Khuôn thước: chỉ mẫu mực phải tuân theo. Vàng ngọc: chỉ sự quí báu.
Khuôn vàng thước ngọc là chỉ những cái được xem là mẫu mực hoàn hảo nhất để mọi người noi theo.
Khuôn viên luật pháp
A: The domain of the law.
P: La domaine de la loi.
Khuôn: Dụng cụ dùng để đúc ra các vật, chỉ cái mẫu mực phải tuân theo. Viên: cái vòng.
Khuôn viên luật pháp là cái phạm vi qui định của luật pháp mà mọi người không được phạm vào.
ĐLMD: Quyền Thống nhứt của Đức Hộ Pháp và quyền Hội Thánh nam nữ đã cầm giềng mối nền chánh trị của Đạo y theo khuôn viên luật pháp, nên buộc toàn đạo phải tùng quyền, không đặng một việc chi nghịch mạng.
ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
KHUYẾN
Khuyến giáo
勸敎
A: To advise and teach.
P: Conseiller et enseigner.
Khuyến: khuyên nhủ. Giáo: dạy.
Khuyến giáo là khuyên nhủ và dạy dỗ.
TNHT: Ngài là Phật nên khó gần gũi các hồn nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHUYẾT
KHUYẾT
KHUYẾT: 缺 Thiếu, thiếu sót.
Td: Khuyết nghi, Khuyết tịch.
Khuyết nghi
缺疑
A: Doubtful.
P: Douteux.
Khuyết: Thiếu, thiếu sót. Nghi: nghi ngờ.
Khuyết nghi là đáng ngờ, tức là điều còn nghi ngờ để trông đợi sau sẽ khảo sát lại, hoặc nhờ độc giả bổ chính.
Khuyết tịch
缺席
A: Default.
P: Défaut.
Khuyết: Thiếu, thiếu sót. Tịch: chiếc chiếu, chỉ chỗ ngồi.
Khuyết tịch là vắng mặt tại một phiên xử nơi tòa án hay tại một hội nghị.
KHUYNH
Khuynh gia bại sản
傾家敗產
A: To ruin one's family.
P: Ruiner sa famille.
Khuynh: nghiêng đổ. Gia: nhà. Bại: tiêu tan, đổ nát. Sản: của cải làm ra.
Khuynh gia bại sản là nhà cửa đổ nát, tài sản tiêu tan.
Thành ngữ nầy đồng nghĩa với: Tán gia bại sản, Khuynh gia đãng sản.
KHỨ
KHỨ
KHỨ: 去 Đi, đã qua, bỏ mất.
Td: Khứ hồi, Khứ niên.
Khứ hồi
去回
A: To go and to come back.
P: Aller et revenir.
Khứ: Đi, đã qua, bỏ mất. Hồi: trở về.
Khứ hồi là đi và về.
Khứ niên
去年
A: Last year.
P: Année passée.
Khứ: Đi, đã qua, bỏ mất. Niên: năm.
Khứ niên là năm qua, tức là năm ngoái.
KHỬ
KHỬ
KHỬ: 去 Trừ bỏ, làm cho tiêu mất.
Td: Khử loạn, Khử tội.
Khử ám hồi minh
去暗回明
Khử: Trừ bỏ, làm cho tiêu mất. Ám: tối tăm. Hồi: trở về. Minh: sáng.
Khử ám hồi minh là trừ bỏ tối tăm để trở về nẻo sáng.
Ý nói: Bỏ con đường tà, trở lại đường chánh.
KSH: Ăn năn khử ám hồi minh.
Khử loạn
去亂
A: To eliminate the rebels.
P: Éliminer les rebelles.
Khử: Trừ bỏ, làm cho tiêu mất. Loạn: phản loạn.
Khử loạn là trừ bỏ kẻ phản loạn gây rối trong Đạo.
TNHT: Phải hiệp đồng cùng cả Chức sắc Đại Thiên phong mà khử loạn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Khử quỉ trừ ma
去鬼除魔
A: To eliminate the demons.
P: Éliminer les démons.
Khử: Trừ bỏ, làm cho tiêu mất. Trừ: loại bỏ, tiêu diệt. Quỉ ma: tà ma, quỉ mị, yêu quái, thuộc khối ác trược của Quỉ Vương, làm hại người.
Khử quỉ trừ ma là diệt trừ lũ ma quỉ làm hại người.
Thành ngữ nầy đồng nghĩa: Khử trừ quỉ mị.
KGO: |
Noi chơn truyền khử quỉ trừ ma. |
TNHT: |
Ấy vậy, đạo đức các con là phương pháp khử trừ quỉ mị, lại cũng là phương dìu dắt các con trở lại cùng Thầy. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KGO: Kinh Giải Oan.
Khử tội
去罪
A: To eliminate the sin.
P: Éliminer le péché.
Khử: Trừ bỏ, làm cho tiêu mất. Tội: tội lỗi.
Khử tội là tiêu trừ tội lỗi, tức là làm cho hết tội.
TNHT: Các con nên lấy lời răn của Thầy đây làm vị thuốc khử tội của các con.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KHƯƠNG
Khương ninh (Khang ninh)
康寧
A: Health and peace.
P: Santé et paix.
Khương: Khang: thạnh, mạnh khỏe. Ninh: bình an.
Khương ninh hay Khang ninh là mạnh khỏe và bình an.
KCS: Hộ thương sanh u hiển khương ninh.
KCS: Kinh Cầu Siêu.
Khương Thượng Tử Nha
姜尚子牙
Ngài có họ Khương, tên Thượng, tên chữ là Tử Nha.
Khương Thượng Tử Nha là học trò của Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn, Giáo chủ Xiển giáo.
Ông Khương Thượng không có số thành Tiên, nên Đức Giáo chủ Nguơn Thủy truyền cho Khương Thượng trở về trần lập Bảng Phong Thần và thay mặt cho Giáo chủ đọc Sắc Phong Thần. Do đó, Đức Khương Thượng Tử Nha là vị đứng đầu các Thần, tượng trưng Thần đạo Trung Hoa, và cũng có thể xem Ngài là Giáo chủ Thần đạo Trung Hoa.
Đức Khương Thượng lại được vua Châu Võ Vương phong chức Thái Công, và được vua gọi là Thượng phụ hay Tướng Phụ. Do đó, trong Đạo Cao Đài gọi Ngài là: Thái Công Tướng Phụ Quảng Pháp Thiên Tôn.
Trên Thánh tượng Ngũ Chi thờ tại Thiên bàn, Đức Khương Thượng Tử Nha là Đấng ngồi dưới chót hết ở hàng giữa, tượng trưng Thần đạo. Ngài mặc áo vàng có thêu Bát Quái, tay mặt cầm cây roi gọi là Đả Thần tiên, tay trái cầm một cây cờ vàng gọi là Hạnh Huỳnh Kỳ.
- Đả Thần tiên (Đả là đánh, Thần là các vị Thần, tiên là cây roi) do Đức Nguơn Thủy ban cho, dài 3 thước 5 tấc 6 phân (thước Tàu), gồm có 26 mắc, mỗi mắc có 4 điệu bùa.
- Hạnh Huỳnh Kỳ là cây cờ vàng do Đức Nguơn Thủy ban cho, trong lá cờ có thẻ mà không có chữ. Khi gặp việc nguy biến, chữ sẽ hiện ra trên thẻ, chỉ cho cách đối phó và giải quyết. Khi xổ cờ ra che thân thì có hàng ngàn bông sen vàng rủ xuống bảo vệ khắp thân thể không cho bất cứ vật gì xâm phạm vào thân thể.
Ngày Kỷ niệm Thánh đản của Đức Khương Thượng Tử Nha là ngày 18 tháng 4 âm lịch hằng năm.
Nguyên thuở trước, Ông Tổ của Khương Thượng là cháu của vua Thần Nông, tên Bá Ích, được phong làm Lữ Hầu, nên kể từ đó lấy họ Lữ (hay Lã), sau lại có công trị thủy nên theo họ Khương. Bởi vậy có hai họ: Lữ và Khương.
Đức Khương Thượng, tên tộc là Vọng, nên gọi là Lữ Vọng hay Lã Vọng, tên chữ là Tử Nha, hiệu là Phi Hùng (gấu bay), quê quán ở Hứa Châu.
Năm Khương Thượng 32 tuổi, lòng mộ đạo nên đi lên núi Côn Lôn xin học Đạo với Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn, Giáo chủ Xiển giáo. Ở núi tu 40 năm, Khương Thượng được 72 tuổi, thì Đức Nguơn Thủy gọi lên bảo:
- Số ngươi chưa thành Tiên đặng, hưởng lộc có dư. Nay Thành Thang hết vận có Tây Châu ra đời. Ngươi phải thay mặt Ta mà xuống thế, ra công giúp nhà Châu, cầm Bảng Phong Thần, sống làm tướng, thác làm Thần, công tu 40 năm, danh để muôn thuở.
Khương Thượng nói:
- Nay vâng lời thầy trở lại chốn phàm trần, chẳng hay việc tới thế nào, xin thầy cho biết.
- Ta có 8 câu kệ chỉ rõ trọn đời của ngươi, giống như lời sấm, rán mà nhớ lấy:
Mười năm chịu túng áo còn bâu,
Gượng gạo mua vui chớ chác sầu.
Ngồi đá Bàn Khê câu đợi vận,
Chờ xe vương giả rước về lầu.
Tám mươi lẻ nửa mang đai ngọc,
Chín chục dư ba buộc ấn hầu.
Mậu Ngũ chư Hầu trăm trấn phục,
Phong Thần chín tám bốn Xuân Thu.
Đức Nguơn Thủy ngâm kệ xong, nói:
- Bây giờ ngươi xuống trần, ngày sau cũng trở về núi.
Tử Nha lạy thầy, giã bạn, ra khỏi Cung Ngọc Hư, trở về trần. Nhớ lại không còn bà con, chỉ có người bạn là Tống Dị Nhơn đang ở đất Triều ca, Tử Nha liền đến đó để nương nhờ.
Tống Dị Nhơn gặp Tử Nha mừng rỡ hỏi:
- Chú bây giờ ăn chay hay mặn để bày trẻ lo cơm nước?
- Cũng tiếng là kẻ tu hành, đâu dám dùng rượu thịt.
Tống Dị Nhơn nhận Tử Nha làm em kết nghĩa, thấy Tử Nha đã già mà không có con nối hậu, nên tính cưới vợ cho Tử Nha. Dị Nhơn hỏi cưới Mã thị, con gái lỡ thời của Mã Viên Ngoại cho Tử Nha. Mã thị năm đó đã 68 tuổi.
Có bài thơ ghi lại việc nầy:
Tu chẳng thành Tiên, tiếc Tử Nha,
Về trần cưới vợ lạ thay là!
Sáu mươi tám tuổi nhành dâu xế,
Bảy chục dư hai cái rễ già.
Xem đuốc hàm râu e lửa táp,
Soi gương mái tóc tợ sương sa.
Lá lay Nguyệt Lão xe tơ muộn,
Dẫu đến trăm năm nhắm chẳng xa.
Mã thị nói với Tử Nha phải tìm cách làm ăn sinh sống, chớ nên nhờ vả Tống Dị Nhơn hoài. Tử Nha nói biết đan gàu giai, nên đi chẻ tre, đan một gánh gàu giai đem xuống chợ bán. Ngồi từ sáng đến chiều mà chẳng có ai hỏi mua gàu, đành gánh trở về, bụng đói lã, lại khát nước mà chẳng có một đồng trong túi để mua.
Mã thị lại bày ra việc xay bột lúa mì. Xay xong, bảo Tử Nha gánh bột xuống chợ Triều ca để bán, cũng vẫn không có ai mua, lại bị ngựa của quan chạy qua làm đổ hết gánh bột.
Tống Dị Nhơn thấy Mã thị luôn luôn đốc thúc Tử Nha kiếm việc làm ăn, nên Dị Nhơn đề nghị, mỗi ngày Tử Nha đến một quán rượu của ông nơi chợ Triều ca, đứng làm chủ bán hàng và sẽ cho Tử Nha tất cả số tiền lời của ngày hôm đó. Ngày mai khởi sự để Tử Nha đứng bán tại quán họ Trương là chỗ đông khách nhứt. Họ Trương truyền cho bọn giúp việc trong quán làm thịt heo, dê, dọn bày đặc biệt hơn ngày thường để Tử Nha có cơ hội bán đắc hàng. Nào ngờ hôm đó, Trời mưa xối xả từ sáng đến chiều, ngoài đường vắng tanh, không khách vào quán, đồ ăn chờ đến chiều sắp thiu, nên Tử Nha đành cho các người làm công dọn ra ăn hết, còn dư thì đem cho các người làm công ở các quán khác. Thế là hôm đó, Tử Nha bị lỗ nặng.
Tống Dị Nhơn an ủi:
- Hiền đệ chớ lo, bởi chưa đến thời nên mới xui như vậy. Ngày mai tôi sẽ sai bọn gia đinh đi mua cho Hiền đệ một số heo, dê, để Hiền đệ đem ra chợ bán lấy lời, nếu bán không hết thì đem trở về, không sợ lỗ.
Hôm ấy, Tử Nha đem heo dê ra chợ bán, rủi nhằm ngày Trụ Vương đảo võ, vì Trời hạn hán đã nửa năm, yết thị dán khắp nơi kêu gọi dân chúng không được làm thịt súc vật trong ngày ấy. Tử Nha không biết, cứ lùa heo dê ra chợ, bị bọn lính rượt bắt. Tử Nha đành bỏ heo, dê, chạy thoát lấy thân về nhà.
Tống Dị Nhơn sai người nhà dọn rượu ra nơi vườn hoa để cùng Tử Nha vừa uống rượu vừa ngắm cảnh cho tiêu sầu. Tử Nha dạo vườn hoa, ngắm nhìn một lát rồi nói:
- Theo khoa địa lý thì nơi đây có linh khí tụ rất nhiều. Nếu anh cất nơi đây 5 căn nhà lớn thì sau nầy trong nhà anh sẽ có 36 người làm quan.
Dị Nhơn nói:
- Hiền đệ thạo về địa lý thì đó cũng là một nghề sanh sống đó. Chỗ nầy, đã nhiều lần ngu huynh dựng lên mấy gian nhà, nhưng sau đó liền bị đốt cháy, tôi chắc đó là lửa ma, không thể làm nhà được, đành chừa đất trống vậy.
- Để em chọn ngày tốt cho anh xây cất. Anh cứ lo chuẩn bị cây ván và công thợ, còn vụ lửa ma để em lo cho, có em đây, nhứt định nó không làm gì được đâu.
Hôm cất nhà, Tử Nha ngồi ẩn trong nhà mát theo dõi sự tình. Nửa đêm hôm ấy, có 5 con yêu nổi gió bay đến, cát bụi bay mù mịt. Tử Nha vội bỏ tóc xỏa, cầm gươm chỉ mặt 5 con yêu rồi hét lớn:
- Năm con yêu không sa xuống còn đợi chừng nào?
Nói vừa dứt tiếng thì Tử Nha bắt ấn, tức thì tiếng sấm nổ vang, 5 con yêu sa xuống quì trước mặt Tử Nha năn nỉ:
- Chúng tôi không ngờ có Tiên Ông tại đây, xin lấy lượng khoan hồng tha cho chúng tôi khỏi chết.
- Chúng bây quen thói hung hăng làm càn, vô cớ đốt nhà của người ta mấy lượt, tội chúng bây đáng chết.
Tử Nha nói rồi cầm gươm toan chém, 5 con yêu khóc lóc van xin:
- Chúng tôi ra công tu luyện nên mới được như ngày nay, xin Tiên Ông tha mạng chúng tôi làm phước, chúng tôi hứa từ đây về sau chẳng dám làm càn nữa.
- Thôi ta cũng dung tha cho chúng bây một lần làm phước, nhưng chúng bây không được ở đây nữa, phải đến núi Kỳ Sơn tạm trú, chờ lúc chiến chinh ra cho ta sai khiến rồi ta sẽ phong Thần cho.
Dị Nhơn cất nhà được bình an, nên mừng rỡ nói:
- Hiền đệ có tài phép như vậy thật không uổng công tu luyện 40 năm. Hiền đệ lại có tài coi bói, nên tôi dành cho Hiền đệ một căn phố nơi chợ Triều ca để Hiền đệ mở tiệm coi bói, ngày đêm ở đó luôn.
Ngọc Mỹ Nhơn thử quẻ Khương Thượng:
Tử Nha nghe lời Tống Dị Nhơn mở tiệm coi bói, bói đâu trúng đó, nổi tiếng là vị Thánh nhân, dân chúng tấp nập đến xem bói, thâu được rất nhiều tiền giao cho Mã thị. Mã thị vui mừng và trọng chồng hết sức, không còn chê bai hay đay nghiến chồng như trước nữa.
Bói được nửa năm thì xảy ra vụ Tỳ Bà Tinh.
Tỳ Bà Tinh là một con yêu do cây đàn Tỳ Bà bằng đá hấp thụ khí Âm Dương của Trời Đất qua hàng ngàn năm biến thành. Hôm đó, Tỳ Bà Tinh đi thăm Đắc Kỷ trở về, lúc bay ngang qua căn phố của Tử Nha thấy thiên hạ tấp nập vào xem bói, ai cũng nói thầy bói linh lắm. Tỳ Bà Tinh không tin, cho là chuyện lừa bịp, nên biến hình thành một người đàn bà đẹp gọi là Ngọc Mỹ Nhơn, vào tiệm để thử quẻ Khương Thượng.
Thần nhãn của Khương Thượng thấy rõ người đàn bà nầy là một con yêu quái hiện hình, nên định giết đi để trừ hại cho dân, liền bảo Ngọc Mỹ Nhơn đưa bàn tay ra để xem bói.
Tử Nha nắm lấy cổ tay, ấn chặt vào mạch môn, dùng phép âm, không cho yêu quái biến hình. Dân chúng thấy vậy tưởng Tử Nha nắm tay con gái làm chuyện dâm đãng nên la lối.
Tử Nha đáp:
- Đây là con yêu tinh nguy hiểm chớ không phải là người đàn bà bình thường, cần phải giết nó để trừ hại cho dân.
Nói rồi lấy nghiên mực đập vào đầu Ngọc Mỹ Nhơn, máu chảy đỏ ối. Ngọc Mỹ Nhơn giãy giụa lung tung nhưng không biến đi được. Dân chúng thấy vậy rất phẫn nộ, đi báo quan. Lúc ấy Thừa Tướng Tỷ Can cỡi ngựa đi qua. Dân chúng kéo cổ Tử Nha ra cho Thừa Tướng xét xử. Dân chúng nói:
- Có lão thầy bói tên là Khương Thượng Tử Nha làm chuyện phạm pháp, lợi dụng nghề coi bói nắm tay đàn bà con gái. Cô ả không chịu, lão thầy bói làm ngang, lấy nghiên mực đánh nàng đổ máu.
Tỷ Can nghe nói vậy thì nổi xung mắng Tử Nha:
- Trên đầu ngươi đã hai thứ tóc, sao không biết xét mình mà làm chi chuyện xấu xa như vậy?
Tử Nha thưa rằng:
- Tôi là người có học, lẽ đâu không biết phép vua. Dầu có lì lợm đến đâu cũng không thể đối xử với đàn bà như vậy. Nhưng quả thật, người đàn bà nầy là yêu quái trá hình. Tôi thấy tại Triều ca có khí yêu quá lộng, e không trừ sớm thì nước nhà không yên. Xin Thừa Tướng xét lại cho.
Tỷ Can thấy người đàn bà nằm mê man như chết, nói:
- Người đàn bà nầy bị ngươi đánh chết rồi, ngươi tiếc gì mà còn nắm tay?
Tử Nha đáp:
- Nó làm bộ yêu đó. Nếu tôi thả tay ra, nó liền biến mất thì còn đâu bằng cớ. Dầu Thừa Tướng không xét, chém đầu tôi, tôi cũng không dám thả tay ra.
Tỷ Can bảo quan địa phương giải Tử Nha và người đàn bà đến trước đền vua, rồi vào tâu với vua Trụ. Vua Trụ truyền dẫn Tử Nha vào. Tử Nha vẫn nắm tay kéo thây Ngọc Mỹ Nhơn theo, quì trước bệ rồng tâu rằng:
- Tôi là Khương Thượng, quê ở Hứa Châu, trước đây có học phép Tiên nên biết rõ được yêu quái. Nay tôi đang xem bói, gặp con yêu nầy giả hình vào quấy rối, nên bắt nó dâng cho Bệ hạ trừ họa cho dân.
Trụ Vương hỏi: - Nó là người đàn bà rõ ràng, sao ngươi nói nó là yêu quái?
Lúc ấy, Đắc Kỷ ở trong cung biết chuyện, than thầm: Khổ quá! Sao em không chịu về thẳng vào động mà lại ghé thử quẻ Khương Thượng làm gì cho phiền. Để chị báo thù cho.
Khương Thượng tâu với Trụ Vương:
- Con mắt người thường không thể phân biệt được yêu quái hay người thường. Xin Bệ hạ cho tôi dùng lửa đốt nó thì nó sẽ hiện nguyên hình cho Bệ hạ thấy.
Trụ Vương bằng lòng. Tử Nha họa bùa trên xoáy của Ngọc Mỹ Nhơn để nó không biến đi được, rồi ném vào lửa. Lửa đốt 2 giờ mà xác con yêu vẫn còn nguyên, không hề bị cháy. Mọi người lấy làm lạ, có phần tin lời Khương Thượng nó là yêu quái, vì xác người thường thì đã cháy thành tro rồi.
Trụ Vương sai Tỷ Can hỏi xem nó là yêu quái gì?
Tử Nha nói:
- Để tôi bắt nó hiện hình cho mọi người thấy.
Nói xong, Tử Nha dùng lửa Tam Muội trong con mắt và lỗ mũi phun ra. Tỳ Bà Tinh thất kinh, lồm cồm ngồi dậy nói:
- Ta không cừu oán chi với ngươi, sao ngươi dùng lửa Thần đốt ta?
- Ngươi là yêu quái tác hại mọi người, ta giết ngươi để cứu dân chớ đâu phải thù oán.
Vua Trụ và triều thần thấy người đàn bà đã chết, lửa củi đốt không cháy, lại ngồi dậy trong lửa nói được thì thất kinh hồn vía, hoảng sợ thối lui. Tử Nha tâu:
- Xin Bệ hạ lui vào trong cho mau kẻo sấm nổ.
Đợi cho vua Trụ vào khuất bên trong, Tử Nha vỗ hai tay, tức thì sấm nổ vang, yêu tinh liền hiện nguyên hình là cây đàn Tỳ Bà bằng ngọc thạch rất đẹp nằm giữa sân chầu.
Hoạn quan vào cung báo cho vua Trụ biết.
Vua Trụ hỏi Đắc Kỷ:
- Đàn Tỳ Bà bằng ngọc thạch làm sao thành tinh được?
Đắc Kỷ rất đau xót, nhưng cố cứu Tỳ Bà Tinh, nói:
- Xin Bệ hạ cho thần thiếp cây đàn Tỳ Bà ấy để thần thiếp đờn cho Bê hạ nghe.
Trụ Vương sợ đàn Tỳ Bà thành tinh trở lại nên không muốn đem vào cung. Đắc Kỷ nói:
- Yêu tinh đã chết thành cây đàn vô tri, làm sao thành tinh trở lại được, Bệ hạ chớ lo.
Vua Trụ nghe theo, truyền lấy cây đàn Tỳ Bà giao cho Đắc Kỷ. Đắc Kỷ đem đàn Tỳ Bà đặt trên lầu Trích Tinh để cho hấp thụ khí Âm Dương của Nhựt Nguyệt trong 6 năm, Tỳ Bà Tinh sẽ hiện hình trở lại thành người.
Đắc Kỷ lập kế trả oán Khương Thượng, nên tâu:
- Khương Thượng có tài giỏi trừ được yêu quái, đáng được trọng dụng, xin Bệ hạ phong tước cho Khương Thượng
Trụ Vương truyền đòi Khương Thượng vào triều, phong cho chức Tư Thiên, coi việc Thiên văn. Tử Nha vâng mạng lãnh chức và lãnh áo mão làm quan.
Tử Nha trở về nhà, Dị Nhơn thấy áo mão xuê xang thì mừng lắm, nhứt là Mã thị, nay thấy chồng làm quan vinh hiển thì trọng chồng hết sức, mở tiệc ăn mừng.
Đắc Kỷ luôn luôn tìm cách hãm hại Khương Thượng để trả thù cho Tỳ Bà Tinh. Ngày kia, Đắc Kỷ vẽ một họa đồ rất công phu xây cất Lộc đài theo kiểu cảnh Tiên ở Bồng Lai, để vui thú cùng Trụ Vương, lại có thể trả thù được Khương Thượng. Đắc Kỷ tiến cử Khương Thượng làm chức Đốc Công xây cất Lộc đài. Vua Trụ nghe theo, đòi Khương Thượng vào dạy việc. Khương Thượng được lịnh liền bói một quẻ thì biết rõ tai họa sắp đến với mình.
Khương Thượng rất có cảm tình với Thừa Tướng Tỷ Can, nên viết mấy lời tiên tri bỏ vào bao thơ niêm kín lại, đem đến trao cho Tỷ Can và nói:
- Nếu sau nầy Ngài có điều nguy hiểm, Ngài nên theo lời dặn trong thơ nầy mà làm thì may ra tránh khỏi tai vạ. Đó là tôi đền ơn Ngài vậy.
Tử Nha vâng chiếu vào triều yết kiến Trụ Vương, thấy Trụ Vương đang ngồi uống rượu với Đắc Kỷ. Vua phán:
- Nay Trẫm muốn cất Lộc đài, nhưng trong triều xem ra không ai đủ tài giúp Trẫm. Khanh thay mặt Trẫm hoàn thành Lộc đài thì công của Khanh chẳng nhỏ.
Tử Nha tiếp lấy họa đồ Lộc đài xem thì thấy công trình nầy rất xa xí, dùng rất nhiều châu ngọc để trang trí, chạm trổ tinh vi, bèn nghĩ thầm: Triều ca là chỗ ở tạm của ta, lẽ đâu ta hùa theo hôn quân để hại dân hại nước. Chi bằng ta tìm lời thoái thác, không được thì bôn tẩu, chẳng để lụy thân.
Tử Nha tâu:
- Lộc đài cao 49 thước, dùng rất nhiều châu ngọc gắn khắp nơi, đâu đâu cũng đều chạm trổ tinh vi. Muốn hoàn thành đài nầy, ít nhất phải làm trong 35 năm.
Đắc Kỷ bắt bẻ:
- Lão thầy bói nầy quen tánh nối dối, cất một cái đài, dầu lâu đến đâu cũng không quá 3 năm. Tử Nha có ý khi quân, không muốn làm tôi Bệ hạ, xin đem xử bào lạc cho rồi.
Trụ Vương còn đang lưỡng lự thì Tử Nha tâu tiếp:
- Tôi xin Bệ hạ chớ nghĩ đến việc hưởng hết lạc thú ở đời mà quên cái khổ của muôn dân. Trong lúc kho tàng trống rỗng, dân gặp hạn hán, lúa không đủ ăn, tôi trung chán nãn triều chánh, lũ nịnh lợi dụng tình thế gièm pha, cái nguy vong của nước nhà thấy rõ. Xưa vua Kiệt lập cung Quỳnh Dao mà mất nước, nay Bệ hạ lập Lộc đài là đi theo con đường ấy, e cơ nghiệp sẽ về tay một chư Hầu khác. Tuy đã muộn, nhưng cũng còn có thể cứu nguy được nếu Bệ hạ biết sửa mình, chinh phục nhơn tâm, lo cho xã tắc. Tôi tri ân Bệ hạ, nên có lời tâm huyết, không nỡ lấy mắt nhìn.
Vua Trụ nổi giận mắng:
- Đứa già miệng dám mắng vua, nếu không trừng phạt thì còn ai kính nể Trẫm nữa. Quân bây, hãy đem bào lạc đốt lão già nầy để làm gương cho kẻ khác.
Võ sĩ áp tới bắt Tử Nha, Tử Nha lẹ chân nhảy xuống lầu, chạy một mạch đến cầu Cửu Long, quân ngự lâm của vua Trụ cũng đuổi theo gần tới. Tử Nha nói lớn:
- Vua Trụ truyền đem bào lạc đốt ta, tánh ta không ưa lửa, nên thà chết dưới nước cho được mát thân.
Nói rồi nhảy ùm xuống nước mất dạng.
Quân ngự lâm trở về báo với vua Trụ là Tử Nha đã nhảy xuống sông tự vận, chết mất xác.
Tử Nha là học trò Tiên, có phép thần thông, nên khi nhảy xuống nước thì độn thủy trở về nhà, đi vào trang viện của Tống Dị Nhơn. Mã thị nghe chồng về, tưởng Tử Nha còn làm quan, nên vội vã đón tiếp.
Tử Nha thuật rõ đầu đuôi công việc xảy ra, rồi nói với vợ là Mã thị nên cùng trốn qua Tây Kỳ lánh nạn. Mã thị thấy Tử Nha không còn làm quan nữa, lại là kẻ đang có tội với vua, nên tức giận nói:
- Tôi là dân triều ca, không phải kẻ trôi sông lạc chợ mà quên tổ tông, bỏ quê bỏ xứ. Nay đã ra cớ sự như vầy, ông không thể ở đây được nữa, còn tôi không thể theo ông qua xứ khác, vậy từ đây, mạnh ai nấy lo, ông làm tờ ly dị cho tôi.
Tử Nha khuyên can vợ mấy lần mà không được, buộc phải viết tờ ly dị giao cho Mã thị, buồn bã ngâm 4 câu thơ:
Miệng con rắn hà nàm,
Nọc con ong vò vẽ,
Hai món độc còn vừa,
Bụng đàn bà quá lẽ.
Tử Nha vội sửa soạn hành lý, vào từ giã Dị Nhơn:
- Nhờ anh chị đùm bọc bấy lâu nay, tôi chưa trả được ơn sâu, lại phải tìm đường trốn tránh. Nay tôi qua lánh nạn nơi Tây Kỳ, ở đó có sanh chúa Thánh, chờ đợi ít lâu để tiến thân.
Dị Nhơn hết sức an ủi, làm tiệc tiễn hành, dặn Tử Nha sớm gởi thơ cho biết tin tức. Tử Nha tạ ơn rồi từ biệt lên đường.
Tử Nha qua khỏi sông Mạnh Tân và sông Hoàng Hà, đến ải Đồng quan là ải địa đầu của triều ca, thấy một số người rất đông vừa đi vừa than thở. Nhìn lối ăn mặc, Tử Nha biết họ là dân ở Triều ca, vội hỏi:
- Các ngươi ở Triều ca, sao lại đến đây than khóc?
Trong đám ấy, có người biết Tử Nha nên đáp:
- Chúng tôi thật là dân Triều ca, nhưng vì vua Trụ cất Lộc đài, khiến Sùng Hầu Hổ làm Đốc Công, nó ăn của nhà giàu, bắt dân nghèo làm thục mạng, một số đã chết vì đói khát, chúng tôi phải bỏ trốn, vì chịu không nổi.
- Các ông trốn đến đây thoát nạn rồi, sao còn than thở?
- Chúng tôi bị Tổng Binh trấn ải không cho qua ải tỵ nạn, lại đuổi chúng tôi trở lại Triều ca, chắc phải chết.
Tử Nha bảo dân chúng hãy yên tâm, để ông làm phép đưa dân qua ải, vào canh ba, khi nghe có gió lớn thì nhắm mắt lại, kẻ nào mở mắt ra thì mang họa đó, xin báo trước.
Đến canh ba, Tử Nha hướng về núi Côn Lôn quỳ lạy một hồi rồi niệm chú. Tức thì giông gió nổi lên, Tử Nha bảo dân chúng nhắm mắt lại, chừng gió hết thổi mới mở mắt ra.
Trận gió thần thổi đám dân chúng bay qua các ải Xuyên Vân, Tỵ Thủy, Giới Bài, đến núi Kim Kê xứ Tây Kỳ thì Tử Nha thâu phép lại, giông gió lặng yên. Tử Nha bảo dân chúng hãy mở mắt ra rồi nói:
- Đây là núi Kim Kê thuộc xứ Tây Kỳ, đợi sáng, chúng ta sẽ đi vào Tây Kỳ.
Sáng sớm, dân chúng dắt díu nhau vào Tây Kỳ xin tỵ nạn. Còn Tử Nha đến ẩn mặt tại Bàn Khê, gieo câu sông Vỵ chờ thời, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, vui thì xem kinh luyện phép, buồn thì câu cá giải khuây, ngâm thơ:
Về thế tám thu chầy,
Trần ai chịu đọa đày,
Nửa năm nương đất Trụ,
Một khắc đến non Tây.
Sợi nhợ kinh luân đó,
Miếng mồi thao lược đây.
Trước là câu cá nước,
Sau đợi hội rồng mây.
Có một chú tiều tên Võ Kiết nghe Tử Nha ngâm thơ thì đến hỏi, Tử Nha đáp:
- Tôi ở Hứa Châu, họ Khương tên Thượng, tên chữ là Tử Nha, biệt hiệu là Phi Hùng,
Võ Kiết cười lớn nói:
- Ông xưng hiệu là con khỉ ốm thì khỏi ai bắt bẻ.
Võ Kiết lại nắm cần câu dở lên thấy lưỡi câu ngay đơ thì vỗ tay cười ngất rồi chắc lưỡi than:
- Hễ có trí thì tuổi thơ cũng có trí, hễ không mưu thì đầu bạc cũng không mưu. Muốn câu cá mà để lưỡi câu ngay đơ thì đời nào bắt được cá, để tôi dạy ông uốn lưỡi câu.
Tử Nha nói:
- Ngươi biết một mà chẳng biết hai. Ta không dùng lưỡi câu cong để câu cá câu tôm, chỉ dùng lưỡi câu ngay để câu thời câu vận.
Ngày chờ thời giờ quý,
Vậy được của không cầu,
Chẳng kiếm tôm kiếm cá,
Mà kiếm công kiếm hầu.
Rồi Tử Nha nhìn ngay mặt Võ Kiết nói:
- Khí sắc của ngươi xấu lắm!
Nói rồi ngâm bài thơ:
Mắt nọ đỏ bầm bầm,
Tròng kia xanh dạng sạn,
Ra phố đánh chết người,
Chúng bắt thường nhơn mạng.
Võ Kiết nạt lớn:
- Nãy giờ tôi nói giỡn với ông một chút không hại gì, sao ông lại độc miệng rủa tôi như vậy?
Dứt lời, Võ Kiết hậm hực gánh củi lên vai đi thẳng xuống chợ Tây Kỳ, không thèm quay đầu lại.
Hôm ấy, vua Văn Vương ngồi xe qua Linh đài bói quẻ, quan quân theo hầu rất đông. Võ Kiết quay gánh củi tránh đường, rủi đụng vào màng tang của một tên lính làm tên lính chết tươi. Võ Kiết bị bắt phải thường nhơn mạng. Văn Vương vẽ một vòng tròn dưới đất làm trại giam, cắm một cái cây trước cửa Nam làm tên quân canh, bắt Võ Kiết đứng trong vòng tròn. Xong rồi ai nấy đi hết.
Võ Kiết ngồi trong vòng 3 ngày, nhớ tới mẹ, khóc lớn. quan Đại phu Táng Nghi Sanh đi ngang qua thấy vậy hỏi:
- Hôm trước ngươi đụng chết tên lính, mạng thế mạng là lẽ thường, oan ức gì mà khóc dữ vậy?
- Tôi rủi làm chết người nên đâu dám than thở, ngặt tôi còn mẹ già, không ai nuôi dưỡng, không có tôi chắc mẹ tôi phải chết đói. Tôi nghĩ tôi bất hiếu nên tủi phận khóc than.
Táng Nghi Sanh thương tình nên tâu với vua Văn Vương cho Võ Kiết trở về lo châu cấp cho mẹ nó rồi đến mùa thu năm tới sẽ trở lại nạp mạng. Văn Vương bằng lòng.
Võ Kiết trở về gặp mẹ than khóc, rồi thuật lại hết các việc xảy ra cho mẹ nghe. Bà mẹ nói:
- Ông già câu cá ở Bàn Khê có tài coi tướng rất hay, con đến cầu khẩn may ra ông già ấy cứu được con.
Võ Kiết nghe lời mẹ, lật đật chạy đến Bàn Khê, xin Tử Nha cứu mạng. Tử Nha thương Võ Kiết là con hiếu thảo, nên chịu cứu, nhận Võ Kiết làm đồ đệ, dặn Võ Kiết về nhà đào một cái huyệt dưới gầm giường, sâu 4 thước (thước Tàu), tối xuống nằm dưới huyệt ấy mà ngủ, dặn bà mẹ thắp 2 ngọn đèn chong: một đặt dưới chân, một đặt trên đầu, rồi hốt 3 nắm gạo rắc lên mình, tủ một mớ cỏ xanh trên miệng huyệt. Còn ta ở đây, sẽ làm phép cứu ngươi. Sáng dậy, ngươi cứ leo lên đi đốn củi như thường, ngươi sẽ bình an vô sự, không cần phải đi nạp mạng.
Võ Kiết mừng rỡ, lạy thầy rồi thoát chạy ngay về nhà lo làm các việc đúng như lời thầy dạy.
Sau đó, Tử Nha dạy võ nghệ cho Võ Kiết luyện tập thuần thục chờ ngày sau xông pha trận mạc để lập công danh.
Mùa thu năm sau, Táng Nghi Sanh không thấy Võ Kiết đến nạp mạng nên tâu cho vua Văn Vương rõ. Văn Vương xủ quẻ thấy Võ Kiết đã chết nên bỏ qua.
Mùa Xuân năm sau, Văn Vương cùng triều thần cỡi ngựa du Xuân ngoài thành Tây Kỳ, chợt Táng Nghi Sanh trông thấy Võ Kiết, truyền lính bắt lại, đem trình Văn Vương. Táng Nghi Sanh hỏi:
- Ngươi hứa với Chúa công là ngươi trở về lo châu cấp cho mẹ già xong thì trở lại chịu tội, sao không giữ lời hứa.
- Bẩm Chúa Công, tôi đâu dám bỏ phép. Bởi có ông già câu cá ở Bàn Khê tên Khương Thượng, tự là Tử Nha, biệt hiệu là Phi Hùng, bảo tôi làm học trò thì cứu tôi khỏi chết. Tôi còn mẹ già, không nỡ chịu chết bỏ mẹ, nên nghe lời để cho thầy tôi làm phép cứu tôi trốn pháp luật, xin Chúa Công nghĩ lại.
Táng Nghi Sanh nghe nói thì mừng rỡ tâu rằng:
- Võ Kiết nói có ông già câu cá ở Bàn Khê biệt hiệu là Phi Hùng thì quả là người mà Chúa Công ứng mộng. Xưa, vua Thương Cao thấy gấu bay mà được ông Phó Duyệt ra phò, nay Chúa Công thấy cọp có cánh chắc là ứng với Khương Thượng. Xin Chúa Công tha tội cho Võ Kiết, khiến nó dẫn đến Bàn Khê rước Khương Thượng về triều.
Văn Vương ra lịnh cho triều thần cùng ăn chay 3 ngày, tắm gội cho tinh khiết, sắm sửa lễ vật đến Bàn Khê rước người hiền về triều. Văn Vương rước được Tử Nha thì trọng dụng ngay, phong Tử Nha làm Thừa Tướng, cầm quyền trị nước.
Vua Văn Vương hay tin Sùng Hầu Hổ cùng con là Sùng Ứng Bưu a dua theo vua Trụ, nhập bọn với hai tên nịnh thần là Vưu Hồn và Bí Trọng, hà khắc dân chúng, tiếng oán than thấu đến Trời xanh. Vua Văn Vương cùng với Khương Thượng, đem búa Việt cờ Mao, kéo quân Tây Kỳ chinh phạt Sùng Hầu Hổ, bắt được Sùng Hầu Hổ và Sùng Ứng Bưu, truyền đem giết chết rồi bêu đầu trước cửa thành mà răn chúng. Dân chúng nghe tin thảy đều hả dạ, còn các chư Hầu khác đều thán phục. Văn Vương kéo binh trở về Tây Kỳ.
Sau đó, Văn Vương lâm trọng bịnh, gọi Thái tử Cơ Phát đến bảo làm lễ gọi Khương Thượng là Thượng phụ, rồi gởi gấm con cho Khương Thượng. Văn Vương từ trần, hưởng thọ 97 tuổi. Thái tử Cơ Phát lên nối ngôi xưng hiệu là Võ Vương.
Thái Sư Văn Trọng tại triều đình vua Trụ, thấy thế lực của Tây Kỳ càng ngày càng lớn mạnh, e nguy hiểm cho Trụ Vương, nên cử Trương Quế Phương, Tổng Trấn ải Thanh Long đem 10 muôn binh chinh phạt Tây Kỳ.
Trương Quế Phương có tà thuật, binh của Tử Nha đánh không lại. Tử Nha bế cửa thành, dặn Na Tra và Võ Kiết giữ thành, Tử Nha độn thổ lên núi Côn Lôn cầu cứu với thầy là Đức Nguơn Thủy. Tử Nha được thầy trao cho BẢNG PHONG THẦN, và dặn nếu đi ra mà có ai kêu thì đừng dừng lại và đừng nói chuyện với người ấy. Nếu không làm y lời thì sẽ bị người ấy kêu 36 đạo binh đến đánh. Tử Nha ôm Bảng Phong Thần đi ra, gặp Thân Công Báo là sư đệ, cũng ở Cung Ngọc Hư kêu lại nói chuyện, nên sau nầy bị Thân Công Báo kêu 36 đạo binh Triệt giáo đến đánh Tử Nha. Nhưng số oan nghiệt của Tử Nha phải trả, làm sao tránh khỏi.
Thái Sư Văn Trọng mời được 4 vị đạo sĩ ở Cửu Long đảo đến giúp Trương Quế Phương. Bốn vị nầy là: Vương Ma, Dương Sum, Cao Hữu Càng và Lý Hưng Bá, cỡi những con thú lạ, làm cho các ngựa chiến của Tử Nha sợ hãi ngã lăn xuống đất. Tử Nha cự không lại nên phải độn thổ lên núi Côn Lôn lần nữa để cầu cứu thầy.
Lần nầy, Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn ban cho Tử Nha một con thú linh để cỡi tên là Tứ Bất Tướng và hai bửu bối là cây Đả Thần tiên, và Hạnh Huỳnh kỳ. Nhờ các sư huynh của Tử Nha cho các học trò Tiên có phép báu xuống núi giúp Tử Nha nên Tử Nha đánh thắng và giết chết được 4 đạo sĩ ở Cửu Long Đảo.
Thái Sư Văn Trọng lại sai Lỗ Hùng cùng với Vưu Hồn và Bí Trọng đem quân tiếp chiến với Trương Quế Phương.
Tử Nha làm phép tuyết sa, bắt sống được cả ba người, chém lấy ba thủ cấp để tế đài Phong Thần tại núi Kỳ Sơn.
Thái Sư Văn Trọng lại mời được 10 vị Địa Tiên ở Kim Ngao đảo đến lập trận Thập Tuyệt đánh Khương Thượng. Trận nầy rất dữ, Đức Nhiên Đăng Đạo Nhơn ở núi Linh Tựu động Kim Giáp chỉ huy 12 vị Đại Tiên ở Cung Ngọc Hư, học trò của Đức Nguơn Thủy Chưởng giáo, mới phá được trận.
Thập nhị Đại Tiên ở Cung Ngọc Hư, học trò Xiển Giáo, kể ra như dưới đây:
1. Thái Ất Chơn Nhơn, núi Càn Nguơn, động Kim Quang, có học trò là Na Tra.
2. Ngọc Đảnh Chơn Nhơn, núi Ngọc Tuyền, động Kim Hà, có học trò là Dương Tiễn.
3. Xích Tinh Tử, núi Cửu Tiên động Đào nguyên, có học trò là Ân Hồng.
4. Quảng Thành Tử, núi Thái Hòa động Vân Tiêu, có học trò là Ân Giao.
5. Vân Trung Tử, núi Chung Nam động Ngọc Trụ, có học trò là Lôi Chấn Tử.
6. Đạo Hạnh Thiên Tôn, núi Kim Đình động Ngọc Ốc, có học trò là Vi Hộ.
7. Cù Lưu Tôn, núi Giáp Long động Phi Vân, có học trò là Thổ Hành Tôn.
8. Thanh Hư Đạo Đức Chơn Quân, núi Thanh Phong động Tử Dương, có học trò là Dương Nhậm.
9. Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn, núi Ngũ Long động Vân Tiêu, có học trò là Kim Tra.
10. Phổ Hiền Chơn nhơn, núi Phổ Đà động Lạc Đà, có học trò là Mộc Tra.
11. Từ Hàng Chơn nhơn, núi Cửu Cung động Bạch Hạc.
12. Huỳnh Long Chơn Nhơn, núi Nhị Tiên động Ma Cô.
Trận Thập Tuyệt đã bị phá tan. Lần nầy Thái Sư Văn Trọng thân chinh đánh Khương Thượng, bị các Tiên Xiển Giáo vây đánh. Thái Sư Văn Trọng bại trận, chết nơi núi Tuyệt Long, hồn bay lên đài Phong Thần. Về sau, Đức Khương Thượng đọc sắc phong cho Thái Sư Văn Trọng làm Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn, đứng đầu Lôi Bộ.
Trụ Vương sai thêm nhiều tướng tài khác chinh phạt Tây Kỳ, nhưng tất cả đều thất bại.
Ngày 15 tháng 3 năm thứ 13 đời Châu Võ Vương, nhà vua lập đàn bái tướng, phong Tử Nha làm Đại Nguyên Soái Chinh Đông, họp binh với 800 chư Hầu tại sông Mạnh Tân, cùng đi phạt Trụ. Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn giáng hạ ban lời huấn dụ Tử Nha, rồi sai Bạch Hạc Đồng tử rót 3 chung rượu đem đến tiễn hành Tử Nha:
- Chung nầy khuyên ngươi gắng công phò Chúa.
Tử Nha tiếp lấy chung rượu uống cạn.
- Chung nầy khuyên ngươi trị nước công minh.
Tử Nha cũng lãnh lấy uống cạn.
- Chung nầy khuyên ngươi sớm họp mặt chư Hầu.
Tử Nha cũng lãnh lấy chung rượu uống cạn.
Tử Nha bạch thầy:
- Nhờ thầy dạy dỗ, đệ tử mới dám lãnh ấn chinh Đông, song không biết đường đi hung kiết thế nào, xin thầy chỉ dạy.
- Ngươi đừng ngại chi cả, hãy nhớ bài kệ nầy:
Ải Giải Bài, Tru Tiên lập trận,
Xuyên Vân sao khỏi gặp Ôn Hoàng.
Giữ gìn Đạt, Triệu, Quang, Tiên, Đức,
Qua trận Vạn Tiên thân mới an.
Sau đó, Đức Nguơn Thủy trở về Cung. Các vị Tiên, sư huynh của Tử Nha, cũng rót rượu mừng và tiễn hành Tử Nha chinh Đông.
Từ Nha chuẩn bị đầy đủ 60 muôn binh, vào thỉnh Võ Vương ngự giá thân chinh.
Hai nghĩa sĩ ở núi Thú Dương là Bá Di và Thúc Tề ra cản đầu ngựa, không cho Võ Vương đi đánh Trụ. Tử Nha cố gắng giải thích nhưng hai người nhứt định không chịu nghe. Quân sĩ phải gỡ tay hai người ra, Võ Vương mới đi khỏi được.
Đi vừa tới núi Kim Kê thì gặp đạo binh của Khổng Tuyên, tướng của vua Trụ cản đường. Nhờ Chuẩn Đề Bồ Tát ở Tây phương đến thâu phục Khổng Tuyên, bắt Khổng Tuyên hiện nguyên hình là một con công đỏ (Châu Khổng Tước), được Đức Chuẩn Đề thâu làm đệ tử, cỡi bay về Tây phương.
Tử Nha kéo binh đến ải Giải Bài thì gặp trận Tru Tiên, trận nầy rất dữ, do Thông Thiên Giáo chủ lập ra để đánh các Tiên Xiển giáo.
Đức Lão Tử, Đức Nguơn Thủy cùng 12 vị Tiên giáng phàm phá trận Tru Tiên nầy, có Đức Chuẩn Đề Bồ Tát và Tiếp Dẫn Đạo Nhơn ở Tây phương đến giúp sức. Đức Lão Tử dùng nguyên khí hoá Tam Thanh, đồng đánh vào bốn cửa trận, làm rối trí Thông Thiên Giáo chủ. Hôm sau, Đức Lão Tử, Nguơn Thủy, Đức Chuẩn Đề và Tiếp Dẫn Đạo Nhơn dẫn các đệ tử đến đánh tan trận Tru Tiên, Thông Thiên giáo chủ đại bại hóa hào quang bay trốn mất.
Tử Nha thâu được ải Giải Bài, rồi kéo quân đến ải Xuyên Vân, gặp trận Ôn Hoàng của Lữ Nhạc và Trần Canh. Tại đây, Khương Thượng bị nạn 100 ngày trong trận Ôn Hoàng. Thanh Hư Đạo Đức Chơn Quân sai học trò là Dương Nhậm đem cây quạt Ngũ Hỏa Thần Diệm xuống quạt tiêu trận Ôn Hoàng, cứu được Tử Nha.
Binh Châu đoạt ải Xuyên Vân, liền kéo binh đến ải Đồng Quan. Tướng giữ ải là Dư Hóa Long có 5 người con trai là: Dư Đạt, Dư Triệu, Dư Đức, Dư Quang, Dư Tiên, đều có học phép Triệt giáo, luyện được 5 sắc đậu, rải xuống dinh Châu làm cho tướng sĩ đều bị bịnh đậu đau đớn không dậy nổi. Nếu không có thuốc cứu chữa, thì trong 5 ngày, bịnh phát ra phải chết. Ngọc Đảnh Chơn Nhơn sai Dương Tiễn lên Hỏa Vân Động, vào lạy 3 vị Hoàng Đế: Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế, để xin thuốc cứu bịnh. Thần Nông ban cho 3 hoàn thuốc và cây Thăng ma để trị bịnh đậu.
Nhờ uống được thuốc, Tử Nha và tướng sĩ đều lành bịnh, đồng kéo quân đến đánh ải, giết cha con họ Dư, lấy được ải Đồng Quan.
Thông Thiên Giáo chủ bị bại mấy trận, tức mình lập trận Vạn Tiên, vô cùng lợi hại để đánh các Tiên Xiển giáo trả thù. Đức Lão Tử, Đức Nguơn Thủy và hai vị Phật ở Tây phương phải xuống phàm một lần nữa để phá trận Vạn Tiên. Thông Thiên Giáo chủ phải thua chạy, đến một chân núi kia mới dừng lại ngồi nghỉ, trong lòng rất tức giận, định lập thêm một trận nữa gọi là trận Địa Thủy Hỏa Phong để giết chết hai vị Giáo chủ Xiển giáo thì mới hả dạ.
Giữa lúc đó, nơi hướng Nam có một vừng mây Ngũ sắc hiện ra, hào quang sáng lòa, mùi hương thơm nực, rồi có một Ông Lão đi đến ngâm lớn:
Từ đời Bàn Cổ ẩn trong rừng,
Dạy được ba trò, dạ rất ưng,
Xiển giáo chia ra cùng Triệt giáo,
Cho hay cũng một gốc Hồng Quân.
Thông Thiên Giáo chủ giật mình, biết Thầy mình là Hồng Quân Lão Tổ đi đến, liền quì mọp xuống nghinh tiếp. Hồng Quân Lão Tổ phán:
- Các ngươi, hai bên đều có lỗi lầm cả. Nay phải bỏ lỗi lầm để hòa thuận cùng nhau. Nếu đứa nào không nghe lời, Ta không nhìn là đệ tử của Ta nữa.
Hồng Quân Lão Tổ dắt Thông Thiên đến Lư Bồng để gặp Lão Tử và Nguơn Thủy. Hai vị nầy lật đật chạy ra khỏi Lư Bồng, quì mọp xuống đất nghinh tiếp Lão Tổ.
Hồng Quân Lão Tổ nói:
- Bởi các ngươi dạy đệ tử không nghiêm, nên sanh ra sát kiếp, Xiển giáo và Triệt giáo giao tranh nhau. Nay Ta xuống đây lo việc giải hòa. Tai Ta không muốn nghe cãi lý, từ nay phải ăn năn chừa lỗi.
Lão Tử và Nguơn Thủy đồng cúi đầu thưa rằng:
- Chúng con không dám cải lịnh.
Hồng Quân Lão Tổ nói: - Ba đệ tử hãy lại đây Ta bảo.
Lão Tử, Nguơn Thủy và Thông Thiên đến quì trước mặt Đức Hồng Quân Lão Tổ. Lão Tổ phán:
- Trên bước đường hành đạo, vì giáo lý của hai bên khiếm khuyết nên mới có cuộc tranh hành. Nhưng cũng do mệnh Trời định, gấp rút cho đủ số phong Thần. Song về lỗi lầm thì Thông Thiên lỗi nhiều hơn, không phải Ta thiên vị. Tuy vậy, Ta đến đây không phải để luận phải quấy mà chỉ muốn giảng hòa, vì phải quấy không ích gì, chỉ có thuận hòa mới quí. Mỗi bên phải nhịn nhau một chút, rồi bỏ những tánh khí của mình, trở về núi tu hành, đừng sanh sự lôi thôi nữa.
Hồng Quân Lão Tổ lấy trong bầu thuốc ra 3 viên chia cho 3 đệ tử, rồi nói:
- Chúng bây nuốt mỗi đứa 1 viên rồi Ta nói cho nghe.
Ba vị đệ tử uống thuốc xong, Lão Tổ nói:
- Thuốc nầy không phải thuốc bổ mà là thuốc bịnh, bịnh ấy là bịnh nóng giận. Hãy nghe bài kệ:
Bởi vì ba gã khiến đua tranh,
Lỗi đạo làm em, lỗi phận anh.
Từ ấy còn mong lòng cự địch,
Thuốc linh khắc phạt, mạng tan tành.
Ba vị đệ tử đồng tạ ơn Thầy. Hồng Quân Lão Tổ bảo Thông Thiên theo về Cung Tử Tiêu, không cho dạy học trò nữa.
Lão Tử, Nguơn Thủy và các học trò Tiên đồng lạy đưa Hồng Quân Lão Tổ. Xong, Nguơn Thủy nói:
- Nay hai ta và 12 vị đệ tử trở về động tu hành. Còn Tử Nha lo việc phạt Trụ, hoàn thành Bảng Phong Thần rồi mới trở về núi tu luyện.
Khi Nguơn Thủy Thiên Tôn đi được một lúc, Bạch Hạc Đồng tử thấy Thân Công Báo cỡi cọp chạy trốn. Nguơn Thủy liền trao Ngọc Như Ý và truyền Huỳnh Cân Lực sĩ bắt Thân Công báo trị tội. Huỳnh Cân Lực sĩ đem nạp Thân Công Báo. Nguơn Thủy nói:
- Khi trước ngươi thề làm sao thì bây giờ chịu vậy.
Thân Công Báo cúi mặt làm thinh chịu tội. Nguơn Thủy lấy tấm nệm quăng ra, Huỳnh Cân Lực sĩ bó Thân Công Báo lại rồi đem nhận đầu xuống biển Bắc cho chết đuối.
Tử Nha vào chiếm ải Lâm Đồng, chiêu an bá tánh.
Sau đó, Tử Nha tiến quân đến huyện Dẫn Trì, nhờ lá bùa của Cù Lưu Tôn, Vi Hộ mới giết được tướng thủ thành Dẫn Trì là Trương Khuê.
Tử Nha thỉnh Võ Vương qua sông Hoàng Hà, rồi kéo quân đến Mạnh Tân đóng trại để hội các chư Hầu.
Lúc bấy giờ, Trụ Vương phong Viên Hồng làm Đại Nguyên Soái, đem binh đến Mạnh Tân đánh Khương Thượng.
Viên Hồng là con vượn bạch tu lâu năm, có Thất thập nhị Huyền Công giống như Dương Tiễn, nên Dương Tiễn đánh nó không thắng nổi, may nhờ bà Nữ Oa cho mượn phép báu là Sơn Hà Xã Tắc Đồ, mới lập kế bắt Viên Hồng giết đi.
Chư Hầu đã họp tại Mạnh Tân đủ mặt, Tử Nha nói:
- Trời định ngày Mậu Ngũ, chư Hầu nhóm đủ mặt để kéo quân đến Triều ca, nay quả thật như vậy.
Các tướng xin Tử Nha cho đánh gấp thành Triều ca, Tử Nha không chịu, sợ chết dân chúng. Tử Nha bèn thảo Tờ Hịch kể tội vua Trụ, nêu cao nhơn đức của Võ Vương, khuyên dân trong thành sớm hàng đầu dâng thành, hoặc tìm phương trốn lánh để bảo vệ tánh mạng và tài sản khi quân lính đánh thành.
Tờ Hịch nầy được chép ra nhiều bổn, rồi kẹp vào tên, bắn vào thành Triều ca. Dân chúng trong thành lượm được, xem xong thì hưởng ứng, nửa đêm mở cửa thành rước Tử Nha và các trấn chư Hầu nhập thành.
Trụ Vương hay tin, biết không còn cách nào thoát chết nên lên lầu Trích Tinh tự thiêu mình. Hồn vua Trụ bay lên đài Phong Thần.
Còn ba con yêu: Đắc Kỷ, Hồ Hỷ Mỵ, Tỳ Bà Tinh, bị Bà Nữ Oa dùng dây Phược yêu bắt trói giao cho Tử Nha. Ba con yên đồng kêu oan:
- Năm xưa, Nương Nương dùng cây phướn chiếu yêu gọi chị em tôi đến, sai vào cung phá trí khôn của Trụ Vương, phá tan cơ nghiệp Thành Thang. Chúng tôi vâng lịnh làm cho Trụ Vương hết vây cánh, nước nhà nghiêng ngửa. Nay chúng tôi đến định tâu cùng Nương Nương thì bị Dương Tiễn và hai tướng đuổi theo. Nếu Nương Nương bắt chị em tôi giao cho Khương Thượng thì Nương Nương xuất hồ phản hồ sao?
Nữ Oa Nương Nương nói:
- Ta sai chúng bây phá cơ nghiệp vua Trụ là hợp ý Trời. Ta dặn các ngươi đừng giết hại kẻ vô tội, song chúng bây không nghe, làm nhiều điều đại ác, tội đáng chết. Sao chúng bây bảo ta xuất hồ phản hồ?
Ba con yêu cúi mặt làm thinh chịu tội. Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử và Vi Hộ đem ba con yêu nạp Tử Nha.
Nhờ bầu gươm báu của Lục Yểm, Tử Nha mới chém đầu được ba con yêu, rồi cho đem bêu đầu ngoài cửa thành.
Võ Vương bảo Tử Nha phá Lộc đài, lấy châu báu chia cho dân nghèo, mở kho lúa tại Cự Kiều phát chẩn cho dân bớt đói khổ.
Các trấn chư Hầu đồng tôn Võ Vương lên ngôi Thiên Tử, chấm dứt nhà Ân, mở ra nhà Châu, đại xá thiên hạ.
Tử Nha và Châu Công Đán sắp đặt các việc xong xuôi thì phò Võ Vương trở lại Tây Kỳ. Tử Nha tâu rằng:
- Tôi phạt Trụ đã xong, Bệ hạ dựng nghiệp nhà Châu đã yên, song còn mấy trăm người tử trận chưa được phong Thần, xin Bệ hạ cho tôi lên núi Côn Lôn ít bữa để lãnh sắc nơi Tôn Sư thi hành cho xong việc.
Võ Vương y tấu. Xảy có quân vào báo:
- Có Phi Liêm và Ác Lai là tôi của vua Trụ, trước đây bỏ trốn, nay đem Ngọc Tỷ đến dâng Bệ hạ.
Tử Nha tâu:
- Có Phi Liêm và Ác Lai là hai đứa nịnh của vua Trụ, trong loạn lạc ẩn mình, nay thái bình đến đây nhờ tước lộc. Loài gian hùng như vậy còn để làm chi, song tôi có việc dùng, xin Bệ hạ cứ đòi vào phong chức.
Sau đó, Tử Nha độn thổ lên Cung Ngọc Hư, vào ra mắt Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn. Ngài nói:
- Ta đã định rồi, Tử Nha hãy trở về đài Phong Thần, sẽ có sắc chỉ đến đó,
Tử Nha lạy thầy rồi độn thổ trở về tâu lại cho Võ Vương rõ, xong đến đài Phong Thần chờ sắc chỉ tới.
Bỗng nghe tiếng nhạc inh ỏi, mùi hương sực nức, ngó thấy Huỳnh Cân Lực sĩ cầm phướn che tàn, Bạch Hạc Đồng tử bưng Sắc ấn từ trên mây hạ xuống. Tử Nha đón nhận sắc chỉ để lên bàn Hương án rồi lạy tạ. Bạch Hạc và Huỳnh Cân Lực sĩ đồng từ giã trở về.
Tử Nha sửa soạn đệ Sắc ấn lên núi Kỳ sơn. Bá Giám hay tin, vội ra nghinh tiếp. Tử Nha vào trong đài, để Sắc ấn trên hương án, truyền cho Võ Kiết và Nam Cung Hoát làm phướn Bát Quái bằng giấy trấn 8 hướng, làm 10 cây cờ Thiên Can và 12 cây cờ Địa Chi, dẫn binh mã ba ngàn, lập trận Ngũ phương chung quanh đài.
Khương Thượng tắm gội sạch sẽ, truyền đặt bàn Hương án, bên tả dựng Hạnh Huỳnh kỳ, bên hữu dựng Đả Thần tiên, mặc áo giáp, mở Sắc ra tuyên đọc cho các hồn nghe cho rõ:
"Hỗn Nguơn Giáo Chủ Nguơn Thủy Thiên Tôn ban sắc:
Hỡi ôi! Tiên phàm khác bậc, người không đạo đức khó thành, quỉ riêng phần, kẻ ở gian tà phải đọa.
Địa Tiên dầu rõ điều biến hóa, không lòng lành cũng mất lẽ trường sanh. Thiên Tiên tuy thông hiểu huyền quan, ra trận dữ cũng khó thành Chánh quả.
Các ngươi, tuy thông đạo cả, một điều không dập được lửa lòng, ra trận giao phong, sa trường bạc mạng; kiếm kẻ tôi ngay con thảo, vì trung nầy hiếu nọ bỏ mình; có người đức hạnh tiết trinh, bởi lẽ ấy tiết trinh hủy hoại; bị luân hồi báo oán, mắc nhân quả trả oan; nên ta chẳng an, động lòng phải thưởng.
Nay ban sắc cho Khương Thượng, thay mặt ta đứng phong Thần, từ 3 bậc 3 phần, phong vào 8 Bộ. Các ngươi khỏi luân hồi chịu khổ, một lòng cố báo bổ giúp đời, nếu có công được hưởng lộc Trời, bằng có lỗi sẽ bị oai sấm sét."
Tử Nha đọc sắc rồi đem để trên bàn Hương án. Tay tả cầm Hạnh Huỳnh kỳ, tay hữu cầm Đả Thần tiên, gọi lớn:
- Bá Giám, hãy treo Bảng Phong Thần trước đài cho các hồn xem rõ, lúc nào kêu tên, các hồn mới được lên đài.
Bá Giám tuân lệnh, mở Bảng Phong Thần thấy tên mình đứng trên hết. Các hồn đồng đến xem.
Bỗng Tử Nha gọi: Bá Giám nghe sắc.
Bá Giám cầm phướn đi lên đài quì xuống. Tử Nha đọc:
- Thái Thượng Nguơn Thủy truyền sắc: Bá Giám xưa là Nguyên soái của Huỳnh Đế, vâng lịnh đánh Xi Vưu, trước cũng lập công nhiều phen, sau bị chết nơi biển Bắc, hồn trung lạnh lẽo, cũng khá thương, chừng gặp Khương Thượng đem về giữ đài Phong Thần, đứng đầu 8 Bộ, gồm 365 vị.
Bá Giám lạy tạ ơn rồi xuống đài.
Rồi lần lượt Tử Nha đọc sắc Phong Thần cho các hồn khác đủ trong 8 Bộ. Các vị Thần được phong đều rời khỏi đài, bay đi đến các nơi nhận lãnh phận sự.
Tử Nha xuống đài, truyền cho Nam Cung Hoát về triều ra lịnh cho bá quan văn võ, ngày mai phải đến Kỳ sơn đủ mặt.
Ngày hôm sau, Tử Nha truyền lịnh trói Phi Liêm và Ác Lai đem xử trảm. Hai người kêu oan. Tử Nha nói:
- Hai đứa bây là lũ nịnh gian hùng, bày cho vua Trụ nhiều điều hại dân hại nước, lại trộm ngọc ấn đi đầu Châu, thật không chút lương tâm, sao hai ngươi bảo là vô tôi.
Võ sĩ chém xong hai người, Tử Nha lên đài Phong Thần đọc sắc:
- Thái Thượng Nguơn Thủy truyền sắc: Phi Liêm và Ác Lai là hai tên gian nịnh, ngỡ trộm ngọc ấn cầu vinh, không dè đem thân đi nạp. Bởi có tên trong Bảng Phong Thần nên khó trốn. Nay phong cho Phi Liêm làm Băng Tiêu, Ác Lai làm Ngõa Giải, tuy là chức xấu, không được làm hung.
Phi Liêm và Ác Lai quì nghe đọc sắc xong thì lạy tạ rồi bay đi lãnh chức.
Việc Phong Thần chấm dứt, bá quan lui trở về triều.
Hôm sau, Võ Vương lâm triều. Bảy vị Thánh (Thất Thánh) gồm: Lý Tịnh, Mộc Tra, Kim Tra, Na Tra, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử và Vi Hộ, đồng quì tâu:
- Chúng tôi là người ở núi non, vâng lịnh thầy xuống giúp Bệ hạ. Nay đã thành công, chúng tôi xin trở về núi tu hành, còn việc phú quí, chúng tôi không muốn.
Võ Vương rất buồn rầu, nhưng biết không thể cầm giữ Thất Thánh được, nên truyền làm tiệc tiễn hành tại Trường đình. Võ Vương và Tử Nha gạt lệ chia tay cùng Thất Thánh.
Hôm sau, Võ Vương lâm triều phán:
- Hôm qua 7 vị về non, Trẫm buồn quá sức. Nay đến việc phong các tướng có công trận, Trẫm giao cho Thượng phụ và Ngự đệ Châu Công Đán thay mặt Trẫm làm cho công bằng.
Hai vị liền trở về dinh, bàn tính với nhau, rồi làm sớ tâu trình. Trong sớ xin truy phong cho ba vị Vương tổ: Thái Vương, Vương Quí, Văn Vương, đồng làm Thiên Tử. Châu Công Đán làm Lỗ Hầu cai trị nước Lỗ, Khương Thượng làm Tề Hầu cai trị nước Tề, vv . . . . . . .
Võ Vương truyền dời đô về phủ Tây An, huyện Hàm Dương. Sau đó, ban búa Việt cờ Mao cho Khương Thái Công về nước Tề an dưỡng tuổi già, được quyền chinh phạt các nơi. Khương Thái Công đến nước Tề, nhớ đến người anh kết nghĩa Tống Dị Nhơn là ân nhân của mình, nên tìm đến rước về chung hưởng giàu sang, nhưng vợ chồng Dị Nhơn đều đã qua đời, con cháu đều rất giàu sang.
Khương Thái Công cai trị nước Tề được 5 tháng thì dân chúng nghiêm trang, thái bình thạnh trị.
Thái Công có vợ, sanh được hai người con trai, con trưởng tên là Cáp. Thái Công nhớ lời thầy dặn, truyền ngôi cho con là Cáp, rồi Thái Công trở về non tu luyện. Còn con trai kế được Võ Vương phong làm Kỷ Hầu, cai trị nước Kỷ.
Trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế, có bài Thánh giáo của Khương Thái Công giáng cơ ban cho, xin chép ra dưới đây:
Đêm 16 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1932)
THI:
NGÃ ý tần giao kết thiện nhơn,
KHƯƠNG ninh duy hữu đức tài chơn.
THÁI dương nhứt xuất giang sơn hiện,
CÔNG trực phò trì hữu thiện duơn. (duyên)
DIỄN DỤ:
Con người ở thế gian là chỗ ân oán trả vay, đền bồi đòi kéo, ấy là nợ tiền khiên oan trái. Còn một điều khổ nhứt là: Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Người làm quan, dầu đeo ấn soái, đề binh khiển tướng, chinh Nam phạt Bắc, quản suất vạn binh, sức mạnh như hùm, vạn phu nan địch, rủi cảm sương phong, nhuốm trầm kha chi bệnh, thì gió thổi cũng xiêu, có lấy chi làm võ nghệ, còn rủi bị sàm thần vu tấu, gặp lúc hôn quân mà bị hình thì vinh hiển như huỳnh lương chi mộng.
Làm giàu chịu chữ bất nhơn, cả nhà quyến thuộc chung hưởng, tội bất nhơn gánh vác một mình. Khi giàu sang, thiếu chi thân bằng cố hữu, thê thê thiếp thiếp; gặp lúc nghèo, vợ ở lảng, thiếp làm ngơ, bà con biếng ngó, lời ngạn ngữ cũng chẳng thông, tôi tớ đều lờn mặt.
Vậy, người ở thế gian, dầu giàu sang danh lợi, có ích chi mà lại buộc điều oan gia trái chủ, xét lại chẳng hơn một chữ nhàn, tu hành khỏi lo ràng buộc.
Khuyên thế trước lo xở nợ tiền khiên và đừng gây thêm mối nợ rồi bị luân hồi mà vay trả
Ta khi ở thế, xét đủ việc đời bĩ thới, nên ngã lòng việc thế gian, tầm thầy học đạo, đặng mối chơn truyền. Học đạo Tiên gia đã 40 năm, cũng vì kiếp trước gây nợ với Thân Công Báo 36 khoản, cho nên lúc phạt Trụ hưng Châu, thầy ta sai trở lại dương trần mà phụ tá Võ Vương cho thành đế nghiệp, và trả việc cừu hận của Thân Công Báo cho rồi rảnh.
Ta khuyên thiện nam tín nữ lo tu và xở cho hết nợ hồng trần thì ngày sau khỏi tái sanh mà trả nợ.
THI rằng:
Trần gian là chỗ kết oan gia,
Nợ nước ơn vua với đạo nhà.
Trái chủ khi cho ra có một,
Người vay lúc trả phải huờn ba.
Bưng vinh thẳng bước niên còn trẻ,
Gánh nhục dừng chơn tuổi đã già.
Thuyền lỡ chơi vơi dòng khổ hải,
Nhắm chừng bỉ ngạn rán lần qua.
KHƯƠNG THÁI CÔNG
|