A
A Ă Â
A Ă Â là danh xưng tạm của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế khi giáng điển xuống các buổi xây bàn để tiếp xúc và cảm hóa các môn đồ đầu tiên của Ngài, trong khoảng thời thời gian từ hạ tuần tháng 7 năm 1925 đến ngày Noel 25-12-1925 (Ất Sửu).
A Ă Â là ba nguyên âm đầu tiên của vần quốc ngữ Việt Nam, tượng trưng Tam Thiên Vị, là khởi đầu của CKVT. Ðó là Thượng Ðế Ba Ngôi: A là ngôi Thái Cực chúa tể CKVT, Ă là ngôi Dương chưởng quản Dương quang, Â là ngôi Âm chưởng quản Âm quang. Ba ngôi đó gọi là Tam Thiên Vị, ở tại trung tâm của CKVT, chiếm ba từng Trời: thứ nhứt, thứ nhì và thứ ba trong Tam thập lục Thiên (36 từng Trời).
Ðấng A Ă Â đến với nhóm xây bàn lần đầu tiên vào hạ tuần tháng 7 năm 1925 (Ất Sửu). Ba Ông: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang thỉnh bàn ra tính xây bàn để cầu Cô Ðoàn Ngọc Quế giáng dạy làm thi. Ba Ông vừa đặt tay lên bàn thì có một vị giáng vào bàn, cho bài thi:
Ớt cay, cay ớt gẫm mà cay,
Muối mặn ba năm muối mặn dai.
Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.
Ông Cư thấy bài thi có ý nghĩa rất lạ, liền hỏi vị giáng cơ tên gì, thì vị ấy gõ bàn xưng là A Ă Â.
Ông Cư hỏi Ông A Ă Â bao nhiêu tuổi? Ông A Ă Â gõ bàn trả lời, đếm hoài tới mấy trăm cái mà bàn vẫn tiếp gõ. Ông Cư nói chắc Ông nầy lớn tuổi lắm, nên không dám hỏi nữa.
Kể từ đó, Ðấng A Ă Â thường nhập bàn giảng dạy ba Ông nhiều điều rất thâm thúy. Nhiều điều nào quá khó khăn mà không ai giải thích nổi thì cầu Ông A Ă Â về, Ngài giải thích rất minh bạch khiến mọi người đều kính phục.
Xin trích thuật vài chuyện sau đây:
1.- Ông A Ă Â giải nghĩa hai câu thi của Quí Cao (tức thi sĩ Huỳnh Thiên Kiều):
Ngồi thuyền Bát Nhã qua tình biển,
Mượn nước nhành dương rưới lửa lòng.
"Bát Nhã Ba La Mật là Phật độ vong hồn qua khỏi biển khổ đặng đến Tây phương, vì trước khi tới Tây phương, phải đi qua cái biển khổ. Biển tình: Tình là oan oan, oan oan là khổ. Biển tình là biển khổ."
2.- Năm 1925, Ông Nguyễn Trung Hậu nghe đồn Ông Tắc, Ông Cư, Ông Sang xây bàn có Tiên giáng cho thi hay lắm. Buổi nọ, Ông Hậu đến nhà Ông Cư, ý muốn thử xem thiệt giả.
Ông Hậu vào hầu đàn. Ông A Ă Â giáng, gõ bàn cho Ông Hậu bài thi sau đây:
THUẦN văn chất ÐỨC tài cao,
Tên tuổi làng thơ đã đứng vào.
Non nước muốn nêu danh tuấn kiệt,
Ðến hồi búa Việt giục cờ Mao.
Không ai biết cái bút hiệu của Ông Hậu là Thuần Ðức, mà Ông A Ă Â nói lên đúng tên làm cho Ông Hậu bái phục và bắt đầu có đức tin.
3.- Ông Cư xin Ông A Ă Â giải nghĩa bốn chữ: Cờ Mao búa Việt. Ông A Ă Â giải:
"Cờ Mao búa Việt là vật binh quyền của Hiên Viên Huỳnh Ðế ban cho các Trấn Chư Hầu đặng quyền chinh phạt. Ngũ Ðế và 2 nhà Thương, Châu còn dùng.
Ðáng phạt thì phát cờ Mao,
Ðáng giết thì ban búa Việt.
Cờ Mao màu hồng, trên lá cờ có đề bốn chữ: Mao trừ loạn tặc. Búa Việt, trên lưỡi búa có khắc bốn chữ: Việt sát phản thần." (Theo Ðạo Sử I của Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu)
4.- Ngày 26-10-Ất Sửu (dl 12-11-1925), hai nhà báo tên là Lê Thế Vĩnh và Phạm Minh Kiên đến nhà Ông Cư hầu đàn để xem sự xây bàn huyền diệu thế nào. Ông Cư xin với Ông A Ă Â cho mỗi vị khách một bài thi. Ðấng A Ă Â liền đáp: Ðể Bần đạo cho chung hai người một bài thi:
Một viết với thân giữa diễn đàn,
Bằng xua trước giặc vạn binh lang.
Nước nhà ví biết thân là trọng,
Dạy dỗ sao cho đặng mở mang.
Ai nấy đều khen chỉ có bốn câu mà gồm đủ bộ vận của hai nhà báo.
5.- "Một hôm, Ông Hậu (Nguyễn Trung Hậu) bạch cùng Ðấng A Ă Â rằng: Tôi còn nhớ hai câu đối thuở nay chưa ai đối được, xin đem ra cho Ngài đối chơi. Ðấng A Ă Â bèn đáp: Bần đạo xin hầu đối, nhưng nếu đối ra không chửng, quí vị chớ cười và niệm tình Bần đạo mà chỉnh lại cho.
Câu đối Ông Hậu ra: |
Ngồi trên NGỰA đừng BÒ con NGHÉ. |
Ðấng A Ă Â đối lại: |
Cởi lưng TRÂU chớ KHỈ thằng TÊ. |
Câu đối Ông Hậu ra:
|
Ngựa chạy mang lạc. |
Ðấng A Ă Â đối lại: |
Cò bay le bè. |
Từ đây Ông Hậu mới hết sức phục tài Ðấng A Ă Â, và hết lòng tin tưởng có người vô hình, và sau đó, Ông Hậu nhập môn vào đạo.
Không bao lâu sau, người đến hầu đàn tại nhà Ông Cư càng ngày càng đông, trong ấy có Ông Trương Hữu Ðức làm việc tại Sở Hỏa Xa và thi sĩ Bồng Dinh, tục kêu là Ông giáo Sỏi, làm việc tại Dinh Hiệp Lý Sài Gòn.
6.- Một hôm, Ông Bồng Dinh bạch cùng Ðấng A Ă Â:
Trong Truyện Kiều có câu: "Sửa sang níp Tử xe Châu, Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa." Chẳng hay: Níp Tử xe Châu là gì? Xin Ngài chỉ giáo.
Ðấng A Ă Â đáp: Níp Tử là cái rương của Khổng Tử. Xe Châu là cái xe của Châu Võ Vương ngồi đi phạt Trụ.
Cái rương của Khổng Tử dùng đựng sách vở, tức là văn chương của người văn sĩ thác rồi, thời biết bao nhiêu học thức văn chương cũng theo xác thịt mà chôn vào quan cữu, nên Nguyễn Du mới dùng hai chữ Níp Tử để gọi cái quan tài của bậc văn chương tài tử là nàng Ðạm Tiên.
Vua Châu Võ Vương ngồi long xa đi phạt Trụ, tức là gồm thâu giang sơn nhà Trụ vào đấy. Con người ở đời làm được bao nhiêu sự nghiệp, khi thác rồi cũng phủi tay không, thì chẳng khác nào bao nhiêu sự nghiệp tự mình gây dựng trong buổi sanh tiền, khi nhắm mắt rồi, thảy đều thâu vào trong linh xa vậy. Cho nên, Nguyễn Du dùng hai chữ Xe Châu để gọi cái linh xa của kẻ tài tình bạc mạng. (Trích trong Ðại Ðạo Căn Nguyên của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu).
Một hôm khác, Ðấng A Ă Â giáng bàn bảo ba Ông Cư, Tắc, Sang rằng: Muốn cho Bần đạo đến thường, xin chư vị nạp lấy mấy lời yêu cầu của Bần đạo như sau:
- Một là đừng kiếm biết Bần đạo là ai?
- Hai là đừng hỏi đến Quốc sự.
- Ba là đừng hỏi đến Thiên cơ.
Cả ba Ông đều ưng chịu. Kể từ đó, ba Ông thường cầu Ðấng A Ă Â về để học hỏi về thi văn.
Lại một hôm khác, Ðấng A Ă Â nói với ba Ông: "Nếu muốn Ta tận tâm truyền dạy Ðạo lý thì hết thảy phải kỉnh Ta làm Thầy cho tiện bề đối đãi."
Ba Ông mừng lắm, liền vâng chịu thọ giáo cùng Ðấng A Ă Â, và kể từ đây, Ðấng A Ă Â giáng bàn, xưng mình là Thầy và gọi ba Ông là môn đệ.
Sau đó, Ðấng A Ă Â dạy ba Ông tổ chức Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung vào đêm Trung Thu năm Ất Sửu (1925) tại nhà Ông Cư. (Xem chi tiết nơi chữ: Hội Yến DTC, vần H).
Ngày 28-8-Ât Sửu (dl 15-10-1925), tức là sau Lễ Hội Yến DTC 14 ngày, Ðấng A Ă Â nói với ba Ông Cư, Tắc, Sang rằng: "Tôi nói lộ Thiên cơ, trên Ngọc Hư bắt tội. Xin tam vị Ðạo hữu cầu Ngọc Hư tha tội cho tôi. Nếu không cầu giùm thì tôi bị phạt."
Ba Ông rất lo lắng, liền tắm gội tinh khiết, vọng bàn hương án ngày 29-8-Ất Sửu để cầu DTC xin Ngọc Hư tha tội cho Ông A Ă Â. Ông Cư có đặt một bài thi, rồi ba Ông quì cầu nguyện trước bàn hương án và ngâm bài thi:
Vái van xin quí Cửu Thiên Nương,
Tâu với Ngọc Hư tỏ ngọn nguồn.
Vì nghĩa Ă A mang trọng tội,
Nghĩ tình đồng đạo để tình thương.
Ðấng A Ă Â làm như thế là để thử xem ba Ông có thương Ðấng A Ă Â hay không, đặng sửa soạn cho việc dạy ba Ông Vọng Thiên cầu Ðạo.
Ngày 27-10-Ất Sửu (1925), Bà Cửu Thiên Huyền Nữ giáng dạy ba Ông Vọng Thiên Cầu Ðạo vào ngày mùng 1-11-Ất Sửu (dl 16-12-1925). (Xem chi tiết: Vọng Thiên cầu Ðạo, vần V).
"Mãi đến đêm Noel (24-12-1925), Thất Nương DTC giáng cơ truyền cho ba Ông phải chỉnh đàn cho nghiêm hầu tiếp giá. Nghe vậy, mấy Ông Cư, Tắc, Sang nửa mừng nửa sợ, lật đật sắm đủ hương, đăng, hoa, trà, tửu, quả, chỉnh đàn cho có nghi tiết, đoạn hai Ông Cư và Tắc mới ngồi chấp cơ.
Cơ giáng như vầy:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
giáo đạo Nam phương
Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.
Ðêm nay phải vui mừng là vì ngày Ta đã xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây. Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa. (Cúng tại nhà Ông Cao Quỳnh Cư 134 Bourdais, Sài Gòn)
Ðức Cao Ðài lại phán rằng: Bấy lâu Thầy vẫn tá danh A Ă Â là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy khai Ðạo.
Các con thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa? Các con nên bắt chước trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức." (Trích Ðại Ðạo Căn Nguyên của Ngài Bảo Pháp)
Ngày 31-12-1925 (âl 16-11-Ất Sửu), Ðức Cao Ðài giáng:
A Ă Â
Ba con thương Thầy lắm há?
Con thấy đặng sự hạ mình của A Ă Â thế nào chưa?
Con có thấu đáo cái quyền năng của Thầy chưa?
Người quyền thế lớn nhứt như vậy có thể hạ mình bằng A Ă Â chăng? A Ă Â là Thầy.
Thầy đến con thế ấy, con thương Thầy không?......
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
DTC: Diêu Trì Cung.
A Di-Ðà Phật
阿彌陀佛
A: Amita Buddha.
P: Amitabha.
Từ ngữ A-Di-Ðà Phật là do phiên âm từ tiếng Phạn: Amitabhâ, chữ Hán dịch là Vô Lượng Quang Phật, nghĩa là Ðức Phật sáng không lường được.
Trong thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Phật A-Di-Ðà làm Chưởng giáo CLTG. Do đó, bài kệ U Minh Chung, câu 34 là: "Nam mô Nhị Hội Long Hoa Hồng Vương Ðại Hội Di-Ðà Cổ Phật Chưởng giáo Thiên Tôn." (Di-Ðà Cổ Phật là Ðức Phật A-Di Ðà xưa). Nay là TKPÐ, Ðức Phật A-Di-Ðà vâng lịnh Ðức Chí Tôn giao quyền Chưởng giáo CLTG cho Ðức Phật Di-Lạc.
KCS: A-Di-Ðà Phật độ chúng dân.
Câu niệm: "Nam Mô A-Di-Ðà Phật" gồm 6 chữ, được gọi là Lục tự Di-Ðà. Pháp môn niệm Lục tự Di-Ðà là để quán tưởng Phật A-Di-Ðà, Ngài tượng trưng thể tánh sáng suốt của Thượng Ðế, nên niệm như vậy là để giúp cho tánh sáng suốt trong con người thức tỉnh và phát triển đến chỗ phát huệ.
Ðức Phật A-Di-Ðà có 48 lời đại nguyện mà hai lời đại nguyện quan trọng nhứt là: một và hai.
Lời nguyện thứ nhứt: Lúc tôi thành Phật, nếu trong cõi nước tôi có Ðịa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh thì tôi không ở ngôi Chánh giác.
Lời nguyện thứ nhì: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng Nhơn Thiên trong cõi nước tôi, sau khi thọ chung, còn trở lại sa vào ba đường ác đạo thì tôi không ở ngôi Chánh Giác.
Chính vì hai lời đại nguyện nầy mà Ðức Phật A-Di-Ðà mãi mãi không bao giờ ở ngôi Chánh giác, bởi vì Luật Công bình của CKVT lúc nào cũng phải có 2 khối đối trọng nhau: Có Thiên đường thì phải có Ðịa ngục, có Thiện thanh thì phải có Ác trược, có Tiên Phật thì phải có Quỉ Ma. Nếu Ma Quỉ bị tiêu diệt hết thì cán cân Công bình thiêng liêng gãy đổ, Luật Tiến Hóa của CKVT ngưng lại, thì đó là một cuộc đại sụp đổ của Càn Khôn, tức là sụp đổ Thượng Ðế. Ðiều nầy không thể xảy ra được vì Thượng Ðế thì hằng hữu bất biến.
Có 2 sự tích về Ðức Phật A-Di-Ðà: Sự tích thứ nhứt, Ngài là vua Vô Trách Niệm; sự tích 2, Ngài là khất sĩ Amita.
I. Sự tích thứ nhứt: Chép trong Kinh Bi Hoa.
Trong vô lượng kiếp ở quá khứ, có một vị vua gọi là Chuyển Luân Vương, tên Vô Trách Niệm, Ngài có một quan đại thần là Bảo Hải. Vua tôi rất thân mật nhau.
Thời đó có Ðức Phật Bảo Tạng ra đời, giáo hóa chúng sanh. Vua và quan đại thần đến nghe thuyết pháp, vua phát tâm thỉnh Phật và đại chúng vào Hoàng cung cúng dường trọn ba tháng để cầu phước báo. Khi đó, đức Phật Bảo Tạng phóng hào quang sáng ngời soi khắp thế giới của chư Phật mười phương cho chúng hội đồng thấy. Nhờ đó nhà vua phát tâm tu hành, đến đảnh lễ Phật và phát nguyện như sau:
"Tôi nguyện tu hành, khi thành Phật, ứng hóa vào cõi Tịnh Ðộ an vui, nguyện độ tất cả thế giới của tôi dứt hết mọi điều khổ não. Nếu không y lời nguyện thì tôi chẳng chịu thành Phật."
Do nhơn duyên ấy, sau nầy vua Vô Trách Niệm tu thành Phật hiệu là A-Di-Ðà, ở cõi CLTG mà tiếp độ chúng sanh.
Còn quan đại thần Bảo Hải thì phát nguyện như sau:
"Tôi nguyện tu hành, khi thành Phật, ứng hóa về cõi Ta bà ô trược để dạy bảo chúng sanh đương ám muội đồng vãng sanh về cõi CLTG."
Do đó, quan đại thần Bảo Hải sau tu thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Giáo chủ Phật giáo ở cõi hạ giới.
II. Sự tích thứ nhì: Kiếp chót của Phật A-Di-Ðà.
Ngài là một khất sĩ, tên hiệu AMITA (phiên âm là A-Di-Ðà). Ðứng đầu Giáo hội khất sĩ là một Trưởng lão, đó là một vị Phật thời quá khứ tái sanh trở lại làm Trưởng lão.
Một hôm, vị Trưởng lão đến tháp thờ Phật, lén lấy cái chén bịt vàng liệng xuống gạch cho bể nát. Sau đó, Ông kêu hết thảy Tỳ kheo đến hỏi rằng:
- Ai làm rớt bể chén quí nầy?
Cả thảy Tỳ kheo đều nói là không biết, còn Amita thì làm thinh không trả lời, vì ông nghĩ rằng: Cái chén bể tất nhiên phải có người va chạm, nhưng cả thảy Tỳ kheo đều nói không biết, vậy thì ai vào đây? Không lẽ vị sư Trưởng lão? Mà nếu không ai chịu nhận thì vụ nầy còn hạch hỏi lôi thôi nữa, trong Giáo hội ắt bị mang tiếng xấu xa. Ta nên tính cho êm xong, ta nên làm thinh để lãnh tội cho vị Tỳ kheo nào vô ý làm bể đó, cho vị ấy an lòng tu học.
Trưởng lão thấy vậy mới nói:
- Amita, ngươi lặng thinh tức là ngươi phạm tội đó. Vậy muốn cho hết tội, ngươi phải chịu phạt công quả 10 năm, mỗi buổi sáng vào rừng lượm củi, chiều tối phải nấu nước thắp đèn cho Giáo hội.
Khi đó Amita ưng chịu, thực hành công quả đủ 10 năm mà trong lòng vẫn vui vẻ, không than phiền chi cả, chứng tỏ tâm đức trọn vẹn. Trưởng lão thấy vậy rất vui mừng.
Một buổi sáng kia, Trưởng lão bèn hóa hiện ra một cái thây ma của người thế gian chết nằm tại chỗ tháp thờ Phật, thúi hôi dơ dáy, có ruồi lằn bu đậu, vòi tửa tanh hôi.
Vị Trưởng lão bảo tăng chúng đem thây đi chôn và quét rửa chỗ đó cho sạch sẽ. Ai nấy đều lảng tránh, nói rằng:
- Chúng tôi là bậc trong sạch, không làm được việc ấy. Hãy để cho Amita về làm.
Bữa ấy là đúng công quả 10 năm của Amita, nhưng Amita vẫn còn đi gánh củi làm việc như thường. Khi về gần tới Giáo hội, chư Tỳ kheo đón báo cho biết tự sự, bảo Amita về mau đặng lo chôn cất cái thây ma ấy.
Về đến cửa, Amita lật đật bỏ gánh củi xuống, lấy cuốc cầm tay, thẳng đến định vác cái thây lên vai đem chôn.
Vị Trưởng lão nói:
- Ngươi hãy đi độ cơm rồi sẽ chôn cũng không muộn.
Amita bạch rằng:
- Bạch Trưởng lão, xin để tôi đem chôn xác chết ngay, để lâu hôi thúi chỗ thờ phượng không nên. Tôi nhịn ăn một bữa cũng không sao, nhưng nhờ vậy mà tâm được an ổn.
Amita liền đến gần xác chết thì không cảm thấy hôi thúi gì hết, vác xác chết lên vai cũng không thấy nặng nề gì, đi được nửa đường thì cảm thấy nhẹ bổng, giựt mình ngó lại thì xác chết lại biến hóa thành một tòa sen vàng, hào quang rực rỡ, sực nức mùi hương, bay bổng lên không trung, rồi lần lần hạ xuống trước mặt Amita. Chư Thiên, Bồ Tát đều rải hoa chào mừng và thỉnh Amita ngự lên tòa sen vàng.
Lúc đó, Amita sửng sốt, chẳng biết thực giả ra sao, nên ngần ngại không dám bước lên tòa sen. Chư Thiên và Bồ Tát thúc giục mãi, làm Amita bối rối, nhưng định tỉnh nghĩ rằng: Ta vốn là người trong sạch, dầu ma quỉ có gạt ta cũng chẳng sợ chi, ta nên bước lên tòa sen xem thử.
Amita liền bước lên tòa sen, tức thì một cảnh tượng vô cùng huyền diệu hiện ra, thân thể Amita phát ra hào quang sáng lòa, áo Phật oai nghi tề chỉnh, tinh thần an trụ tươi sáng như nhiên, các phép thần thông hiện đủ, trí huệ toàn giác. Amita đắc đạo chứng quả Như Lai.
Ngài cho tòa sen bay trở lại Giáo hội, tạ ơn Trưởng lão, rồi cùng Trưởng lão hóa hiện hào quang bay về Tây phương.
Tăng chúng đều chấp tay đảnh lễ: Na-mô Amitabha, tức là: Nam Mô A-Di-Ðà Phật.
Phật giáo Tịnh Ðộ tông tu theo Phật A-Di-Ðà, nguyện về cõi CLTG của Ðức Phật A-Di-Ðà, nên luôn luôn trì niệm Lục tự Di-Ðà: Nam mô A-Di-Ðà Phật.
Tịnh Ðộ tông thọ trì ba bộ Kinh: A-Di-Ðà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh.
Ðức Phật A-Di-Ðà thường hiện thân đi tiếp dẫn những người có duyên phần, có hai vị Bồ Tát hầu hai bên: Bên tả là Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát và bên hữu là Quan Thế Âm Bồ Tát, gọi chung ba vị là Di-Ðà Tam Tôn.
Di-Ðà Tam Tôn tượng trưng ba thể tánh: Bi, Trí, Dũng của Phật.
· Di-Ðà Phật tượng trưng thể tánh sáng suốt: TRÍ.
· Quan Thế Âm Bồ Tát tượng trưng thể tánh BI.
· Ðại Thế Chí Bồ Tát tượng trưng thể tánh DŨNG.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
TKPÐ: Tam Kỳ Phổ Ðộ.
KCS: Kinh Cầu Siêu.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
A-La-Hán
阿羅漢
A: Arhat.
P: Arhat.
A-La-Hán là tiếng phiên âm từ chữ Phạn: Arhat, dịch nghĩa theo Hán văn là Ứng Cúng, Phá ác, Bất sanh.
Ứng cúng nghĩa là có phước đức hoàn toàn, trí huệ hơn cả, đáng làm nơi phước điền cho chúng sanh cúng dường.
Phá ác là phá tan được giặc phiền não Tam độc do Tham, Sân, Si tạo ra.
Bất sanh nghĩa là thoát vòng luân hồi sanh tử, không còn sanh ra tại thế gian nầy nữa. A-La-Hán thường được gọi tắt là La-Hán. Truyền thuyết nói rằng, hồi Ðức Phật Thích Ca mới mở Ðạo Phật tại Bắc Ấn Ðộ, Phật có phái 16 vị La Hán (có sách chép 18 vị) đi ra các nước nhỏ chung quanh để truyền bá Phật đạo. Do đó trong các chùa Phật ngày nay thường có tạc tượng 16 vị hay 18 vị La Hán để thờ, kỷ niệm việc truyền đạo nầy.
A-La-Hán là quả vị cao nhất trong 4 quả vị của hàng Thinh Văn thừa, từ thấp lên cao, kể ra:
1. Tu-Ðà-Huờn: Quả vị đầu tiên của Thinh Văn thừa.
2. Tư-Ðà-Hàm: Quả vị thứ hai của Thinh Văn thừa.
3. Na-Hàm: Quả vị thứ ba của Thinh Văn thừa.
4. La-Hán: Quả vị thứ tư của Thinh Văn thừa.
Người tu chứng bực A-La-Hán thì đạt được Lục thông (6 phép Thần thông): Thiên Nhãn thông, Thiên Nhĩ thông, Tha Tâm thông, Túc Mạng thông, Thần Túc thông, Lậu Tận thông.
Qua khỏi Thinh Văn thừa thì lên Bồ Tát thừa, tức là tu đặng quả vị La Hán rồi thì mới tiếp tục tu hành để lên quả vị kế tiếp là Bồ Tát.
Thinh Văn thừa thuộc về Tiểu thừa, Bồ Tát thừa thuộc về Ðại thừa.
Cả hai Tiểu thừa và Ðại thừa đều là Phật thừa.
KCK: Chư Ðại Bồ Tát, Ngũ bá A-La-Hán cứu hộ....
Ngũ bá A-La-Hán là 500 vị A-La-Hán được Nhứt Tổ Ma-Ha Ca-Diếp chọn để lập Ðại hội kết tập Kinh điển lần nhứt của Phật giáo, sau khi Phật Thích Ca nhập Niết Bàn 4 tháng.
Cuộc kết tập nầy ở tại thành Vương Xá, Nhứt Tổ Ma-Ha Ca-Diếp làm chủ tọa. Ngài A-Nan được cử ra đọc lại lời Phật dạy, chép thành Tạng Kinh; Ngài Ưu-Pa-Ly đọc lại các Luật do Phật dạy chép thành Tạng Luật; và Ngài Ma-Ha Ca-Diếp đọc tạng Luận. Người ta dùng chữ Phạn chép ba Tạng Kinh (Tam Tạng Kinh) trên lá buôn để lựu lại đời sau.
KCK: Kinh Cứu Khổ.
A-Nan (A-Nan-Ðà)
阿難
A-Nan là nói tắt của tiếng A-Nan-Ðà, do chữ Phạn là ANANDA, Hán văn dịch là Khánh Hỷ, vì Ông A-Nan được sanh ra vào ngày Ðức Phật Thích Ca thành Ðạo, dân chúng đều vui mừng, nên cha mẹ của Ngài đặt tên Ngài là Ananda, nghĩa là khánh hỷ. Như vậy, Ngài nhỏ hơn Phật Thích Ca 35 tuổi.
A-Nan là con của Hộc Phạn, em ruột của Ðề-Bà-Ðạt-Ða, và cũng là em bà con chú bác với Ðức Thích Ca.
Ngài có nhiều tướng tốt, thông minh tuyệt vời, có một trí nhớ tuyệt hảo. Ðến năm 25 tuổi, A-Nan xin xuất gia theo Phật Thích Ca. Ngài làm Thị giả, hầu cận bên Ðức Phật suốt 20 năm, nên đã nghe và ghi nhớ được tất cả những bài thuyết pháp của Phật. Phật Thích Ca khen Ngài A-Nan: "Thị giả của các Ðức Phật thời quá khứ, không ai hơn A-Nan, Thị giả các Ðức Phật thời vị lai cũng không ai hơn A-Nan.”
A-Nan là người rất quan tâm đến việc mở rộng Phật giáo cho Nữ phái tu học, nhưng Ðức Phật Thích Ca chưa chấp thuận.
Một hôm, A-Nan đi khất thực về đến Tịnh Xá thấy Bà Ma-Ha Bà-Xà-Ðề (dì ruột và cũng là mẹ nuôi Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ta) đang đứng tựa cửa khóc, áo quần đầy bụi, chân dính bùn dơ. Ngài hỏi duyên cớ. Bà cho biết Bà từ xa đi bộ đến tìm Phật xin qui y, năn nỉ đôi ba phen mà Phật không chấp thuận.
A-Nan rất cảm động, liền vào làm lễ Phật và xin Phật cho Bà xuất gia. Phật vẫn từ chối mà không nói lý do.
A-Nan vẫn kiên trì cầu xin nhiều lần sau nầy cho được mới thôi. Cuối cùng thì Ðức Phật cũng phải chấp nhận cho Bà di mẫu xuất gia, lập thành Giáo hội Tỳ Kheo Ni. Sau nầy, toàn thể Giáo hội Tỳ Kheo Ni đều hết lòng biết ơn A-Nan.
Phật cho biết, đối với Nữ phái, không phải Phật không từ bi, nhưng nếu Phật không cho Nữ phái xuất gia thì Chánh Pháp của Phật tồn tại được 1000 năm, nay cho Nữ phái xuất gia thì Chánh Pháp của Phật chỉ tồn tại 500 năm mà thôi.
Ngài A-Nan hỏi Phật về cách đối đãi với Nữ phái:
- Bạch Phật, chúng tôi phải đối xử với Nữ phái thế nào?
- Nầy A-Nan, dường như không thấy.
- Nhưng đã thấy rồi thì chúng tôi phải làm thế nào?
- Nầy A-Nan, không nên nói chuyện.
- Nhưng nếu được hỏi thì chúng tôi phải làm thế nào?
- Nầy A-Nan, cẩn thận đề phòng, giữ vững Chánh niệm.
Khi Ðức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ðức Phật gọi Ma-Ha Ca-Diếp đến, truyền Y Bát cho làm Nhứt Tổ, và Phật dặn về sau sẽ truyền cho A-Nan làm Nhị Tổ.
Khi Nhứt Tổ Ma-Ha Ca-Diếp đem Chánh pháp nhãn tạng truyền lại cho A-Nan làm Nhị Tổ, có nói bài kệ:
Pháp pháp bổn vô pháp,
Vô pháp vô phi pháp,
Hà ư nhứt pháp trung,
Hữu pháp hữu phi pháp?
Dịch nghĩa:
Các pháp gốc không pháp,
Không pháp, không phi pháp,
Tại sao trong một pháp,
Có pháp, có phi pháp?
Về sau, Nhị Tổ A-Nan chọn người học trò xuất sắc là Thương-Na-Hòa-Tu, để truyền Y Bát, nên gọi đến nói rằng:
Xưa, Ðức Thế Tôn đem Chánh pháp nhãn tạng phú thác cho sư huynh ta là Ma-Ha Ca-Diếp làm Nhứt Tổ, sau Nhứt Tổ truyền lại cho ta. Nay ta phú chúc lại cho ngươi làm Tam Tổ. Vậy ngươi phải hết lòng trân trọng, thọ trì xiển dương Phật pháp hóa độ chúng sanh. Hãy nghe kệ mà ấn tâm:
Bổn lai truyền hữu pháp,
Truyền liễu ngôn vô pháp,
Các các tu tự ngộ,
Ngộ liễu vô vô pháp.
Dịch nghĩa:
Xưa nay truyền có pháp,
Truyền rồi nói không pháp,
Thảy thảy tu tự ngộ,
Ngộ rồi không không pháp.
Ngài A-Nan dùng thuyền ra giữa dòng sông Hằng, nhập Niết Bàn. Ngài dặn đệ tử rằng: Khi thiêu xác ta thì chia xá lợi ra làm 4 phần: Một phần giao cho cõi Trời Ðạo Lỵ, một phần giao cho Long Vương, một phần giao cho vua A-Xà-Thế, một phần giao cho vua Tỳ-Xá-Ly, để xây tháp cúng dường.
Lúc sinh thời, Ngài A-Nan nổi tiếng là đa văn quảng kiến, có trí nhớ tuyệt vời, làm Thị giả cho Phật suốt 20 năm, được Phật khen ngợi, nhờ vậy mà Ngài đọc lại rất đúng lời Phật dạy trước 500 vị A-La-Hán, kết tập chép ra thành Kinh Tạng. Ngài cũng là ân nhân của Giáo hội Tỳ Kheo Ni.
KCK: Phật cáo A-Nan ngôn thử kinh Ðại Thánh....
KCK: Kinh Cứu Khổ.
A-Nậu Ða-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Ðề
阿耨多羅三耀三菩提
A: The Supreme Buddha
P: Le Bouddha Suprême.
Do phiên âm từ tiếng Phạn: ANOUT TARA SAMYAK SAMBÔDHI. Hán văn dịch là: Vô Thượng Chánh Biến Ðạo, và về sau lại dịch là: Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Nghĩa của chữ Phạn: Anout là Vô (không) , Tara là Thượng (trên), Samyak là Chánh Ðẳng (bực chơn chánh), Sambôdhi là Chánh Giác (Giác ngộ chơn chánh).
Samyak, có sách phiên âm là Tam-Miệu, Tam Miểu 三藐, hay Tam Diểu, tùy theo giọng đọc.
Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác là quả vị Phật Tối Cao, Phật Thế Tôn, Phật Như Lai. Ðây cũng là quả vị mà Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ta tu thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
DLCK: Ðắc duyên đắc vị, đắc A-Nậu Ða-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Ðề chứng quả nhập Cực Lạc Quốc,...
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
A-Tu-La
阿修羅
A: The demon.
P: Le démon.
A-Tu-La là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn: ÂSURA.
Ðầu tiên, theo Kinh Vệ Ðà của Ðạo Bà La Môn, A-Tu-La là vị Thần linh có nhiệm vụ sáng tạo hay phá hoại khi được lịnh truyền, nhưng về sau, danh từ A-Tu-La dùng để chỉ các hạng Thần linh thuộc khối ác trược, tức là thuộc Quỉ vị.
Cho nên vua loài A-Tu-La được gọi là Quỉ vương, Ma vương, Ðạo Cao Ðài thường gọi là Kim Quang Sứ.
Theo Phật học, A-Tu-La là những vị Thần có nhiều pháp thuật cao cường, sống trong các cung điện lộng lẫy, nhưng tánh tình rất ngạo mạn, nóng giận, hung dữ, thích phá hại, đàn ông thì có thân hình xấu xí, đàn bà thì rất đẹp, nhưng tất cả đều có vẻ không đoan chính, khác hẳn với các vị Thần linh thuộc Chánh đạo. (Xem thêm: Kim Quang Sứ, vần K)
TNHT: Cũng như Kim Quang Sứ là A-Tu-La, Thánh giáo gọi là Lucifer phản nghịch, náo động Thiên cung.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
A-Tỳ
阿鼻
A: The hell without interuption.
P: L'enfer sans interruption.
Tiếng Phạn là AVICHI, phiên âm ra là A-Tỵ, hay A-Tỳ, nghĩa là vô gián tức là liên tiếp, không gián đoạn.
A-Tỳ là nói tắt A-Tỳ Ðịa ngục, là Ðịa ngục Vô gián, nơi ấy tội nhân bị hành hình liên tục, không lúc nào ngừng. Ðây là cảnh Ðịa ngục thấp nhứt, đau khổ nhứt trong Bát Ðại Ðịa ngục, để trừng trị những tội hồn mà trong kiếp sanh nơi cõi trần đã phạm vào các đại tội như: Ngũ nghịch, hủy báng chánh pháp.
KSH: Phạt người hung ác đọa sa A-Tỳ.
KSH: Kinh Sám Hối.
Á
Á hiến lễ
亞獻禮
A: The second offer.
P: La seconde offre.
Á: Ðứng hàng thứ nhì. Hiến: Dâng. Lễ: Cách bày tỏ lòng tôn kính.
Á hiến lễ là lễ dâng phẩm vật cúng lần thứ hai.
Ðây là câu xướng của lễ sĩ trong nghi thức cúng tế hàng vong thường, có nghĩa là lễ dâng rượu lần thứ hai.
Lễ dâng rượu lần 1 thì lễ sĩ xướng: Sơ hiến lễ.
Lễ dâng rượu lần 2 thì lễ sĩ xướng: Á hiến lễ.
Lễ dâng rượu lần chót thì lễ sĩ xướng: Chung hiến lễ.
Á phiện
阿片
A: The opium.
P: L'opium.
Á phiện còn được gọi là a phiến, nha phiến,thuốc phiện.
Á phiện là chất nhựa lấy ra từ cây thuốc phiện (tên quốc tế là Papaver somniferum alba) được trồng rất nhiều ở các nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, vùng tam giác vàng nằm giữa các nước: Miến Ðiện, Thái Lan, Trung Hoa và Lào. Nhựa á phiện có màu nâu vàng, dẽo như mạch nha, đốt cháy tỏa khói rất thơm. Trong nhựa á phiện có chứa nhiều hóa chất như: Morphine, Codéine, Papavérine, đặc biệt là Héroine thường gọi là Bạch phiến, một loại ma túy rất độc hại.
Thuốc phiện có tính chất làm tê liệt thần kinh, nên được sử dụng trong y học, nhưng với liều lượng nhỏ để trị các chứng bịnh đau đớn kéo dài, lo âu sợ hãi. Nếu dùng thuốc nầy thường xuyên thì sanh ra ghiền thuốc, rất nguy hiểm.
Nhiều người dùng thuốc phiện thường xuyên với liều lượng lớn, không phải để trị bịnh, mà là tìm cảm giác say sưa khoái lạc lâng lâng, trở thành ghiền nặng, cơ thể dần dần suy yếu, đi lần đến tử vong. Do đó, người ta gọi á phiện là ma túy.
Các kiểu ghiền á phiện là: Hút, uống, chích. Chích Héroine vào tỉnh mạch là kiểu nguy hại nhứt.
Việc cai nghiện những người ghiền ma túy rất khó khăn, phải kết hợp nhiều biện pháp và đòi hỏi thời gian lâu dài, nhứt là người ghiền phải có tinh thần phấn đấu quyết tâm từ bỏ.
Hiện nay các nước trên thế giới đều có điều luật ngăn cấm chế tạo, buôn bán và chuyển vận các loại ma túy. Ai phạm vào thì bị xử án rất nặng, có thể bị tử hình.
Do đó, Ðạo Cao Ðài cấm hẳn việc hút á phiện.
TL: Ðiều 20 Thế Luật: Không đặng buôn bán các thứ rượu mạnh và á phiện, là vật độc làm giảm chất con người.
TL: Tân Luật
ÁC
ÁC
1. ÁC: 惡 Hung
dữ, làm hại người, nghịch đạo lý, trái với Thiện.
Td: Ác đạo, Ác hành.
2. ÁC: (nôm) Con quạ, chỉ mặt trời.
Td: Ác lố, Ác lồng.
Ác đạo
惡道
A: The evil way.
P: La voie mauvaise.
Ác: Hung dữ, làm hại người, nghịch đạo lý, trái với Thiện. Ðạo: Ðường.
Ác đạo là con đường dữ.
Ðó là con đường để cho những người làm điều ác độc xấu xa trong kiếp sanh, sau khi chết, phải đi đầu thai trả quả.
Theo Phật giáo, trong Lục đạo luân hồi có ba đường thiện và ba đường ác, gọi là Tam thiện đạo và Tam ác đạo.
Tam thiện đạo là: Nhơn, Thần, Tiên.
Tam ác đạo là: Ðịa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh.
Ác giả ác báo
惡者惡報
A: The evil begets evil.
P: Le mal appelle le mal.
Ác: Hung dữ, làm hại người, nghịch đạo lý, trái với Thiện. Giả: Là, ấy là, tiếng trợ từ. Báo: Ðáp lại.
Ác giả ác báo là làm điều ác thì bị việc ác báo đáp lại.
Ðó là luật nhân quả, nhân nào quả nấy.
Ác hành
惡行
A: To make evil.
P: Faire le mal.
Ác: Hung dữ, làm hại người, nghịch đạo lý, trái với Thiện. Hành: Làm.
Ác hành là làm ác, làm hại người khác.
CG PCT: Còn quỉ nhân là hai chơn linh kia xu hướng ác hành mà bị đọa vào quỉ vị.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Ác lố
A: The sunrise.
P: Le soleil levant.
Ác: Con quạ, chỉ mặt trời. Lố: Ló ra, mọc lên.
Ác lố là mặt trời mọc.
TNHT: Non nam ác lố ánh tan sương.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ác lồng
A: The sunrise.
P: Le soleil levant.
Ác: Con quạ, chỉ mặt trời. Lồng: Bộc lộ ra.
Ác lồng là mặt trời lộ ra, mặt trời mới mọc.
TNHT: Ác lồng nhựt rạng tản sương mơi.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ác nghiệp
惡業
A: The bad karma.
P: Le mauvais karma.
Ác: Hung dữ, làm hại người, nghịch đạo lý, trái với Thiện. Nghiệp: Những việc làm thiện hay ác trong kiếp trước tạo thành một lực vô hình, ảnh hưởng lên kiếp sống hiện tại, làm cho kiếp sống hiện tại gặp may mắn sung sướng hay rủi ro đau khổ.
Có hai thứ nghiệp: Thiện nghiệp và Ác nghiệp.
- Nếu đời trước mình làm nhiều việc phước thiện thì nó tạo nên Thiện nghiệp, nó sẽ theo ủng hộ mình, nâng đỡ mình trong cuộc sống hiện tại, làm cho mình gặp may mắn tốt đẹp.
- Nếu đời trước mình làm nhiều việc ác độc thì nó tạo nên ác nghiệp hay bất thiện nghiệp, và cái ác nghiệp ấy nó sẽ theo báo hại mình, xui khiến mình gặp hoạn nạn tai ương. (Xem thêm chữ: Nghiệp, vần Ng)
Những người nghèo đói khổ sở, đau ốm triền miên, đừng đổ thừa Trời gây ra cho mình, mà phải nghĩ rằng đó chỉ là sự báo đáp của ác nghiệp mà mình tạo ra trong đời trước.
Cho nên, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có viết:
Ðã mang lấy nghiệp vào thân,
Thì đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.
Muốn giải trừ ác nghiệp, chỉ có cách duy nhứt là làm việc phước thiện, dứt khoát từ bỏ việc làm ác dù là việc ác nhỏ.
Ác nghiệt
惡孽
A: Cruel.
P: Cruel, méchant.
Ác: Hung dữ, làm hại người, nghịch đạo lý, trái với Thiện. Nghiệt: Hung dữ, ác độc.
Ác nghiệt là rất hung dữ, rất ác độc.
KSH:
|
Lại có kẻ hung hoang ác nghiệt,
Cướp giựt rồi chém giết mạng người. |
KSH: Kinh Sám Hối.
Ác trược
惡濁
A: Evil and impure.
P: Mauvais et impur.
Ác: Hung dữ, làm hại người, nghịch đạo lý, trái với Thiện. Trược: còn đọc là Trọc, là dơ bẩn, trái với Thanh (trong sạch).
Ác trược là chỉ những hành động hay tư tưởng ác độc, bẩn thỉu, thường do quỉ ma xúi giục tạo ra.
Do đó, đám quỉ ma thuộc về khối Ác trược, trái với các vị Thánh Tiên thuộc khối Thiện thanh.
Khối ác trược luôn luôn phát ra những điển quang ô trược, xui khiến con người hành động gian ác, để linh hồn con người bị đọa vào quỉ vị, làm tôi tớ cho bọn Quỉ ma.
Khối Thiện thanh thì trái lại, luôn luôn phát ra những điển quang trong sáng, thúc đẩy con người làm điều lương thiện, để linh hồn mau tiến hóa, lên được cõi thanh cao tốt đẹp.
Hai khối Ác trược và Thiện thanh luôn luôn hiện hữu, cũng như Âm với Dương, tạo thành thế quân bình, thúc đẩy sự tiến hóa của Càn khôn.
ÁCH
ÁCH
ÁCH: 厄 Tai nạn khổ sở.
Td: Ách đất, Ách nước.
Ách đất
A: The calamity by tremble of earth.
P: La calamité par tremblement de terre.
Ách đất, Hán văn gọi là Ðịa ách, là tai nạn khốn khổ do sự biến đổi của mặt đất gây ra như: Ðộng đất, đất sụp,...
TNHT: Ách đất rắp nhồi trường náo nhiệt.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ách nước
A: The flood.
P: Le déluge.
Ách nước, Hán văn gọi là Thủy ách, là tai nạn khốn khổ do nước gây ra như: Lũ lụt, sóng thần,....
TNHT: Cũng nơi Thiên tai, ách nước, nhưng rất đau lòng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
AI
AI
AI: 哀 Buồn rầu, than khóc.
Td: Ai bi, Ai chỉ, Ai chúc, Ai điếu.
Ai bi
哀悲
A: Plaintive.
P: Plaintif.
Ai: Buồn rầu, than khóc. Bi: Buồn thương.
Ai bi là buồn rầu thê thảm.
KÐ8C: Nước Cam lồ rửa ai bi kiếp người.
KÐ8C: Kinh Ðệ Bát cửu.
Ai chỉ
哀止
A: To restrain one's tears.
P: Cesser de pleurer.
Ai: Buồn rầu, than khóc. Chỉ: Thôi, ngưng lại.
Ai chỉ là thôi khóc, ngưng lại việc than khóc.
Ðây là câu xướng của lễ sĩ trong nghi thức tang lễ.
· Khi lễ sĩ xướng "Cử ai" thì tang gia đồng cất tiếng khóc thương tiếc người chết. (Cử là cất lên).
· Khi lễ sĩ xướng: "Ai chỉ" thì tang gia thôi khóc để lo việc tế lễ người chết.
Ai chúc
哀祝
A: To recite prayers in funeral ceremonies.
P: Réciter des prières dans les funerailles.
Ai: Buồn rầu, than khóc. Chúc: Ðọc kinh khi tế lễ.
Ai chúc là đọc kinh tế lễ người chết với giọng buồn rầu.
Ðây là câu xướng của lễ sĩ trong tang lễ, để đồng nhi bắt đầu tụng kinh tế lễ người chết.
Như khi con quì tế cha chết thì đồng nhi tụng bài kinh: Kinh tụng cha mẹ đã qui liễu, với giọng nam ai.
Ai điếu
哀弔
A: The condolences.
P: Les condoléances.
Ai: Buồn rầu, than khóc. Ðiếu: Viếng thăm tỏ lòng thương tiếc người chết.
Ai điếu là viếng thăm nhà đang có tang, bày tỏ lòng đau buồn thương tiếc người chết, và nói lời phân ưu.
Khách đến viếng tang được gọi là Ðiếu khách.
Bài văn mà khách đọc lên để tỏ lòng thương tiếc người chết và phân ưu cùng tang quyến, trước khi hạ huyệt, gọi là bài Ai điếu, hay Ðiếu văn.
Ðem phẩm vật đến viếng thăm và tế lễ người chết gọi là Phúng điếu, Ðiếu tế.
ÁI
ÁI
ÁI: 愛 Thương yêu, ưa thích.
Td: Ái hà, Ái mộ, Ái tuất thương sanh.
Ái hà
愛河
A: The river of love.
P: Le fleuve de l'amour.
Ái: Thương yêu, ưa thích. Hà: Dòng sông.
Ái hà là dòng sông ái tình yêu lứa đôi của nam nữ.
Tình yêu giữa nam và nữ khiến con người si mê nên cứ mãi lặn hụp trong sông ái biển tình. Cho nên, ái hà cũng là sông mê biển khổ.
Trong kinh Phật có bài thi:
Thi: |
Dịch nghĩa: |
Ái hà thiên xích lãng, |
Sông ái ngàn thước rộng, |
Khổ hải vạn trùng ba, |
Biển khổ muôn lớp sóng, |
Dục thoát luân hồi lộ, |
Muốn thoát đường luân hồi, |
Cấp tảo niệm Di-Ðà. |
Sớm gấp niệm A-Di-Ðà Phật. |
Ái mộ
愛慕
A: To admire.
P: Admirer.
Ái: Thương yêu, ưa thích. Mộ: Mến chuộng.
Ái mộ là mến chuộng, ưa thích.
TNHT: Mượn hành tàng vô nghĩa mà làm cho vừa lòng ái mộ bất lương.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ái tuất thương sanh
愛恤蒼生
A: To have compassion on people.
P: Avoir la compassion du peuple.
Ái: Thương yêu, ưa thích. Tuất: Cứu giúp. Thương: Màu xanh. Sanh: Sống.
Ái tuất là thương xót cứu giúp.
Thương sanh là đông đảo dân chúng trong giới bình dân.
Ái tuất thương sanh là thương xót và cứu giúp dân chúng.
TÐ ÐHP: Muốn bảo thủ cái sống tồn tại, đạo giáo lập ra cái thuyết “Ái tuất thương sanh” làm căn bản.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
ẢI
Ải quan
隘關
A: The frontier pass.
P: La porte de frontière.
Ải: Ngăn trở, chẹn lại. Quan: Cửa thông vào một nước.
Ải quan là cái cửa tại biên giới đi thông vào nội địa của một nước.
Nơi đây có lính canh gác và kiểm soát người qua lại.
KÐ5C: Cõi Xích Thiên vội mở ải quan.
KÐ5C: Kinh Ðệ Ngũ cửu.
ÁM
Ám muội
暗昧
A: Obscure.
P: Ténébreux.
Ám: Thầm lén. Muội: Tối tăm.
Ám muội là tối tăm lén lút, trái nghĩa với minh bạch.
TNHT: Ám muội thì nhiều, mưu trí ít.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
AN
AN
AN: 安 Yên ổn, yên lành.
Td: An bang tế thế, An bần lạc đạo.
An bang tế thế
安邦濟世
A: To pacify the country and to aid the world.
P: Pacifier le pays et aider le monde.
An: Yên ổn, yên lành. Bang: Một nước. Tế: Cứu giúp. Thế: Ðời.
An bang tế thế là làm cho nước nhà được yên ổn và cứu giúp người đời.
Thi của Bát Nương:
Hễ gặp người an bang tế thế,
Quì mà nghênh, lấy lễ trọng người.
Cởi thân ra mảnh áo tơi,
Che mưa đỡ nắng cho đời nguy nan.
An bần lạc đạo
安貧樂道
A: To be content with one's poverty and happy in virtue.
P: Se contenter de sa pauvreté et être heureux dans la vertue.
An: Yên ổn, yên lành. Bần: Nghèo. Lạc: Vui. Ðạo: Ðạo đức.
An bần lạc đạo là sống yên ổn trong cảnh nghèo nàn nhưng vui vẻ trong đường đạo đức.
An linh
安靈
A: Calm and miraculous.
P: Calme et miraculeux.
An: Yên ổn, yên lành. Linh: Huyền diệu thiêng liêng.
An linh là yên ổn nhưng huyền diệu thiêng liêng.
GTK: Rộng quyền máy nhiệm an linh cứu đời.
GTK: Giới Tâm Kinh.
An ngự
安御
A: To throne in peace.
P: Trôner en paix.
An: Yên ổn, yên lành. Ngự: Ngồi lên ngôi một cách trang trọng.
An ngự là yên ổn ngồi lên ngôi một cách trang trọng.
KÐLC: Chơn linh an ngự cho vừa quả duyên.
KÐLC: Kinh Ðưa Linh Cửu.
An tâm tỉnh trí
安心醒智
A: Having a tranquil and awaked mind.
P: Ayant le coeur tranquille et réveillé.
An: Yên ổn, yên lành. Tâm: Lòng. Tỉnh: Thức tỉnh, không mê. Trí: Sự khôn ngoan hiểu biết của con người.
An tâm tỉnh trí là cái tâm được yên ổn (không lo lắng sợ hãi) và trí não tỉnh táo sáng suốt.
TNHT: Muốn an tâm tỉnh trí và đè nén lửa lòng, cần phải có một nghị lực vô biên, một tâm trung quảng đại,...
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
An tịnh
安靜
A: Tranquil and pur.
P: Tranquille et pur.
An: Yên ổn, yên lành. Tịnh: Trong sạch.
An tịnh là yên ổn và trong sạch.
TL: (Tịnh Thất) Phải giữ cho Chơn thần an tịnh, đừng xao xuyến lương tâm.
TL: Tân Luật
An vị
安位
A: To be in place.
P: Mettre en place.
An: Yên ổn, yên lành. Vị: Vị trí, ngôi vị.
An vị là ngồi an ổn trên ngôi vị.
TNHT: Nên biết trách nhậm rất nặng nề, nếu chẳng kham thì con đường thiêng liêng kia đâu an vị được.
Lễ An Vị: Nói đầy đủ là "Lễ An Vị Thánh Tượng Thiên Nhãn" tại Thánh Thất. Khi sửa chữa Thánh Thất hay khi xây cất Thánh Thất mới trên nền cũ, cần phải dời Thánh Tượng Thiên Nhãn sang nơi khác để thờ tạm. Khi nội tâm Thánh Thất vừa xây cất xong thì Chức sắc và bổn đạo địa phương tổ chức
Lễ An Vị Thánh Tượng Thiên Nhãn nơi Thánh Thất mới một cách trọng thể, để cho sự thờ phượng được trang nghiêm và có nơi lễ bái cho bổn đạo, có mời Hội Thánh đến chứng lễ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
ÁN
Án Tam Tài
按三才
A: The disposition of three essential elements of universe.
P: La disposition des trois éléments essentiels de l'univers.
Án: đứng hàng ngang. Tam tài: 3 ngôi: Thiên, Ðịa, Nhơn.
Án Tam tài là 3 ngôi Thiên, Ðịa, Nhơn, đứng hàng ngang.
Khi cúng Ðức Chí Tôn, chúng ta phải đốt 5 cây nhang cắm vào lư hương: Hàng trong 3 cây gọi là án Tam tài, hàng ngoài 2 cây nữa, tổng cộng là 5 cây nhang tượng Ngũ Khí.
Cắm cây nhang thứ 1 ngay giữa tượng trưng Thiên, cắm cây nhang thứ 2 phía dĩa trái cây tượng trưng Ðịa, cắm cây nhang thứ 3 phía bình bông tượng trưng Nhơn. Cắm 3 cây nhang đứng hàng ngang tượng trưng Thiên. Ðịa, Nhơn như vậy gọi là: Án Tam Tài. (Xem tiếp: Năm cây nhang, vần N)
Án tiết
案節
Án: kết quả phân xử của một vụ kiện. Tiết: chi tiết.
Án tiết là các chi tiết của một vụ án.
CG PCT: Tiếp Ðạo là người tiếp cáo trạng, án tiết thì phải quan sát trước coi có oan khúc chi chăng....
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
ÁNG
Áng văn tuyệt bút
A: An exellent piece of literary work.
P: Une pièce excellente de littérature.
Áng: Từ dùng để chỉ một vật có vẻ đẹp trang nhã. Áng văn là một bài văn hay, một đoạn văn hay hoặc một tác phẩm văn chương hay. Tuyệt bút: Viết rất hay, tuyệt diệu.
Phần Chú Giải trong Pháp Chánh Truyền do Ðức Phạm Hộ Pháp viết ra, có dâng lên Ðức Lý Giáo Tông cầu xin chỉnh lại thì có nhiều đoạn văn được Ðức Lý Giáo Tông khen rằng: "Hay ! Áng văn tuyệt bút ! Lão khen đa.”
ANH
ANH
1. ANH: 嬰
Ðứa trẻ mới lọt lòng mẹ, đứa bé con.
Td: Anh hài, Anh nhi.
2. ANH: 英
Ðẹp nhất, quí nhất, tài giỏi hơn người.
Td: Anh hào, Anh tuấn.
3. ANH: 瑛
Trong sáng như ngọc.
Td: Anh lạc.
Anh hài
嬰孩
A: A new born child.
P: Le nouveau né.
Anh: Ðứa trẻ mới lọt lòng mẹ, đứa bé con. Hài: Bé con.
Anh hài là đứa bé sơ sinh.
TÐ ÐHP: Chúng ta buổi mới sanh ra còn anh hài không đủ trí thức xét đoán.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Anh hào
英豪
A: The hero.
P: Le héros.
Anh: Ðẹp nhất, quí nhất, tài giỏi hơn người. Hào: Người tài trí hơn người.
Anh hào là người tài giỏi xuất chúng, có những thành tích vẻ vang hiển hách. Thường nói: Anh hùng hào kiệt.
KTKVQL: Ðể thương cho mặt anh hào đeo mang.
(Trong câu nầy, anh hào là chỉ người chồng).
KTKVQL: Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.
Anh lạc
Có hai trường hợp:
* Trường hợp 1: Anh lạc
瑛珞
A: A string of pearls.
P: Un collier des perles.
Anh: Loại đá quí đẹp như ngọc. Lạc: Một loại ngọc.
Anh lạc, tiếng Phạn là Chi-do-la, là xâu chuỗi ngọc, dùng đeo vào cổ làm trang sức.
Ở Ấn Ðộ thời xưa, những nhà giàu, chẳng kể nam nữ đều đeo chuỗi anh lạc.
Ở cõi Thiên, chư Bồ Tát và Nữ Tiên cũng thường đeo chuỗi anh lạc.
* Trường hợp 2: Anh lạc
瑛樂
A: Clear and joyful.
P: Clair et joyeux.
Anh: Trong sáng như ngọc. Lạc: Vui vẻ, an vui.
Anh lạc là trong sáng an vui.
KCK: Tự ngôn Quan Thế Âm, anh lạc bất tu giải,....
(Nghĩa là: Lời nói của Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát, tự nó trong sáng an vui, không cần giải thích thêm,...)
KCK: Kinh Cứu Khổ.
Anh linh
英靈
A: Miraculous, the soul.
P: Miraculeux, l'âme.
Anh: Ðẹp nhất, quí nhất, tài giỏi hơn người. Linh: Linh hồn, thiêng liêng.
1. Anh linh là cao quí thiêng liêng.
KÐ1C: Phách anh linh ắt phải anh linh.
2. Anh linh là linh hồn tốt đẹp.
Bài Thài hiến lễ hàng Thánh: Ðầu vọng bái anh linh chứng hưởng.
KÐ1C: Kinh Ðệ Nhứt cửu.
Anh nhi
嬰兒
A: Little child.
P: Petit enfant.
Anh: Ðứa trẻ mới lọt lòng mẹ, đứa bé con. Nhi: Con, con nói với cha mẹ xưng là nhi.
Anh nhi là con trẻ.
Toàn cả nhơn loại đều là con trẻ của Ðức Phật Mẫu.
PMCK: Ðộ anh nhi Nam, Bắc, Ðông, Tây.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Anh phong
英風
A: The noble appearance.
P: Une apparence noble.
Anh: Ðẹp nhất, quí nhất, tài giỏi hơn người. Phong: Dáng dấp bên ngoài.
Anh phong là dáng dấp cao quí.
TNHT: Khá trông cậy chí cao thượng anh phong mà nhìn sự đau đớn, chính mình Thầy đây không tránh khỏi.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Anh tuấn
英俊
A: Eminent.
P: Éminent.
Anh: Ðẹp nhất, quí nhất, tài giỏi hơn người. Tuấn: Tài trí hơn người.
Anh tuấn là người tài giỏi xuất chúng.
TNHT: Trường đời đem thử gan anh tuấn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
ÁNH
ÁNH
ÁNH: 映 Ánh sáng, chiếu sáng.
Td: Ánh Chí linh, Ánh Xá lợi.
Ánh Chí Linh
映至靈
A: The light of God.
P: La lumière de Dieu.
Ánh: Ánh sáng, chiếu sáng. Chí: Rất, cùng cực. Linh: Thiêng liêng.
Chí Linh là vô cùng thiêng liêng, chỉ Ðức Chí Tôn.
Ánh Chí Linh là ánh sáng của Ðức Chí Tôn.
KNH: Ðể tâm dưới ánh Chí Linh.
KNH : Kinh Nhập Hội.
Ánh Hồng Quân
映洪鈞
Ánh: Ánh sáng, chiếu sáng. Hồng: To lớn. Quân: Cái bàn xoay để nặn đồ gốm. Hồng Quân là chỉ Ðấng Hóa công, vì Ðấng ấy giống như người thợ nặn đồ gốm, dùng cái bàn xoay vĩ đại, sản xuất vạn vật trong CKVT.
Ánh Hồng Quân là ánh sáng của Ðấng Thượng Ðế.
KÐ1C: Ánh Hồng Quân đương chói Ngọc lầu.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
KÐ1C: Kinh Ðệ Nhứt cửu.
Ánh nhiệm mầu
A: The mysterious light.
P: La lumière mystérieuse.
Ánh: Ánh sáng, chiếu sáng. Nhiệm: Sâu kín. Mầu: Huyền diệu.
Ánh nhiệm mầu là ánh sáng huyền diệu, ý nói ánh sáng đạo đức dẫn dắt con người vào đường tu hành, giải thoát khỏi luân hồi.
TTCÐDTKM:
Nhờ người gợi ánh nhiệm mầu huyền vi.
TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.
Ánh Thái dương
映太陽
A: The light of the sun.
P: La lumière du soleil.
Ánh: Ánh sáng, chiếu sáng. Thái dương: Mặt trời.
Ánh Thái dương là ánh sáng của mặt trời.
Ánh sáng nầy khởi chiếu từ phương Ðông để phá tan màn đêm đen tối đang bao phủ địa cầu, để vạn vật thức tỉnh, bừng lên sự sống.
Ánh Thái dương là chỉ nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn mở ra ở phương Ðông để cứu vớt nhơn loại trong thời kỳ Hạ nguơn mạt kiếp.
KK: Ánh Thái dương giọi trước phương Ðông.
KK: Khai Kinh.
Ánh Xá lợi
映舍利
A: The aureola of Buddha.
P: L'auréole de Bouddha.
Ánh: Ánh sáng, chiếu sáng. Xá lợi: Phiên âm từ tiếng Phạn: Sarira. Trong phép luyện đạo, Xá lợi là chỉ Chơn thần của người đắc đạo.
Ánh Xá lợi là ánh hào quang phát ra từ Chơn thần của Ðức Phật.
BXTCÐPTTT: Ánh Xá lợi sáng ngời Cực Lạc.
BXTCÐPTTT: Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần.
AO
Ao Thất bửu
七寶池
A: The pond of seven precious things.
P: L'étang en sept objets précieux.
Thất bửu (Thất bảo) là bảy thứ quí báu.
Theo Phật giáo, Thất bảo gồm: Vàng, Bạc, Ngọc Lưu ly, Ngọc Xa cừ, Ngọc Mã não, Ngọc San hô, Ngọc Hổ phách.
Các thứ ấy quí báu là vì: Màu sắc tốt đẹp không phai theo thời gian, thể chất không lem ố, dùng làm đồ trang sức rất đẹp, rất ít có trong thế gian nên được nhiều người ham trọng, bán ra rất cao giá.
Ao Thất bửu (Hán văn gọi là Thất bảo trì) là cái Ao nơi cõi CLTG, được xây và trang trí bằng bảy thứ quí báu, tốt đẹp lạ thường , kể ra:
· Cát dưới ao bằng vàng.
· Các bậc thang bốn phía ao bằng vàng, bạc, lưu ly.
· Giữa ao có những đóa hoa sen tỏa hào quang đủ màu đẹp mắt và tỏa mùi thơm ngào ngạt.
· Quanh ao là những lâu đài trang trí bằng các thứ san hô, mã não, hổ phách, xa cừ, vàng, bạc.
Trong Ao Thất bửu chứa một thứ nước rất quí, nước nầy có đủ 8 công đức, gọi là Bát công đức thủy. Người được ân huệ tắm trong Ao Thất bửu thì trí não được khai thông, chơn thần được trong sáng.
Tám công đức của nước trong Ao Thất bửu là:
1. Trừng tịnh (Lắng sạch).
2. Thanh lãnh (Trong mát).
3. Cam mỹ (Ngọt ngon).
4. Khinh nhuyễn (Nhẹ dịu).
5. Nhuận trạch (Nhuần trơn)
6. An hòa.
7. Uống vào thì hết đói khát, hết lo âu.
8. Uống vào thì bổ khỏe các căn của xác thân.
KTTg: Ao Thất bửu gội mình sạch tục.
Nơi Thánh địa Tòa Thánh Tây Ninh, vào khoảng cuối năm 1951, Ðức Phạm Hộ Pháp có cho xây dựng nơi đầu cầu Ðoạn Trần kiều, kế Trí Huệ Cung, một cáo Ao, được đặt tên là Ao Thất bửu, làm Thể pháp tượng trưng Bí pháp. Người tu phải vào tắm nơi Ao Thất bửu để gội sạch bợn trần, rồi đi qua Ðoạn Trần kiều để đoạn tuyệt với cõi trần, không trở lại nữa,rồi nhập vào Trí Huệ Cung, tu hành cho đạt được trí huệ thì đắc đạo.
Ðến năm 1998, Ao Thất bửu bị hư hỏng rất nhiều, nên ngày 8-4-Mậu Dần (dl 3-5-1998), Ban Tu Sửa được thành lập và khởi công tái thiết toàn bộ Ao Thất bửu, được bổn đạo khắp nơi tích cực ủng hộ, nên chỉ trong 4 tháng thi công thì hoàn thành, làm lễ Khánh thành ngày 14-7-Mậu Dần (dl 7-9-1998).
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
KTTg: Kinh Tiểu Tường.
ÁO
Áo não
懊惱
A: Melancholic.
P: Mélancolique.
Áo: Bực bội. Não: Phiền muộn.
Áo não là bực bội và phiền muộn.
TNHT: Hội Thánh là vầy các con há? Áo não! Thảm thay!
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
ĂN
Ăn chay - Ăn tương - Ăn lạt:
A: To follow a vegetarian diet.
P: Suivre le régime végétarien.
I. Ðịnh nghĩa
II. Ăn chay hợp với luật Thiên nhiên
1. Cấu tạo cơ thể con người
2. Ðạm thảo mộc dễ tiêu hóa hơn đạm thú cầm
3. Các loại đậu bổ dưỡng hơn cá thịt
III. Ăn chay đối với tín đồ Cao Ðài
IV. Ăn chay kỳ (Trai kỳ)
1. Ăn chay mỗi tháng 6 ngày gọi là Nguơn Thủy Lục trai
2. Ăn chay mỗi tháng 10 ngày gọi là Chuẩn Ðề Thập trai
V. Ăn Chay trường (Trường trai)
· Vấn đề: Ngũ vị tân và trầu thuốc
VI. Ăn chay đối với các tôn giáo khác
VII. Mục đích và ích lợi của ăn chay
1. Ăn chay thì giữ được
Ngũ Giới Cấm dễ dàng
2. Ăn chay để thanh lọc
bản thể, tinh khiết chơn thần
3. Ăn chay là luyện tập
Bi, Trí, Dũng
4. Ăn chay là để tránh
quả báo luân hồi
5. Ăn chay để kềm chế
Lục dục Thất tình
VIII. Giải đáp một số câu hỏi về ăn chay
1. Ăn tôm, cua, sò, ốc được kể là ăn chay không?
2. Ăn chay có được dùng bơ, sữa, hột gà không?
3. Ăn chay trường có thành Tiên, Phật không?
4. Ăn chay thì thanh, ăn mặn thì trược, tại sao?
5. Thảo mộc có mạng sống, nên ăn chay cũng sát sanh, thì hơn ăn mặn chỗ nào?
6. Thánh nhơn nói rằng: VẬT DƯỠNG NHƠN. Vậy ăn mặn là hợp lý, phải không?
7. Có nên làm món ăn chay giả hình món mặn không?
8. Ăn chay có được phép ăn bù vào ngày khác không?
9. Nhiều người ăn chay mà lời nói còn hung dữ quá! Hành động còn thâm độc quá! Tôi không cần ăn chay, miễn tôi làm lành làm phước là đủ rồi
10. Ăn chay thì lòng phải chay là sao?
|
I. Ðịnh nghĩa:
Ăn chay, do chữ Hán là Trai, người Nam nói là Chay, Trai có nghĩa là thanh tịnh, sạch sẽ.
Ăn chay là ăn các loại thực phẩm phát xuất từ thảo mộc hay được chế biến từ thảo mộc. Thí dụ như: Rau cải, hoa quả, ngũ cốc, các loại đậu, tàu hủ, tương chao,....
Người ăn chay thường dùng nước chấm là nước tương, được làm bằng đậu nành hay xác đậu phọng. Do đó, người bình dân gọi ăn chay là ĂN TƯƠNG.
Ăn chay còn được gọi là ĂN LẠT. Ăn lạt không có nghĩa là ăn những món ăn lạt lẽo, mà nói như vậy để đối nghĩa với ĂN MẶN.
Ăn mặn không có nghĩa là ăn những món ăn được nêm muối cho mặn, mà là ăn các loại thực phẩm xuất phát từ động vật hay được chế biến từ thịt động vật. Thí dụ như: Cá, thịt, tôm, cua, sò, ốc, ba-tê, lạc xưởng,....
Vậy, ăn chay, ăn tương hay ăn lạt đều đồng nghĩa.
II. Ăn chay hợp với luật Thiên nhiên.
1. Cấu tạo cơ thể con người:
Muốn biết cơ thể của con người thích hợp với việc ăn chay hay ăn mặn, chúng ta nghiên cứu các loài vật ăn thịt sống như: Mèo, cọp, cá sấu, và loài vật ăn thảo mộc như: Trâu, bò, ngựa, dê, khỉ,... rồi từ đó chúng ta suy gẫm ra con người, vì con người chỉ là loài tiến hóa cao cấp hơn thú cầm.
· Loài vật ăn thịt thì phải có móng vuốt bén nhọn để vồ mồi, xé thịt, hàm răng cũng bén nhọn chơm chởm.
· Loài vật ăn thảo mộc thì không có móng vuốt, không có hàm răng bén nhọn.
Như vậy, xét về mặt cấu tạo cơ thể của con người, chúng ta nhận thấy con người thích hợp với việc ăn thảo mộc và ngũ cốc hơn là ăn thịt loài động vật.
Mặt khác, xét về lịch sử tiến hóa của con người, con người xuất hiện sau thảo mộc và thú cầm, người nguyên thủy sống nhờ hái lượm, tức là nhờ ăn trái cây và ngũ cốc. Việc săn bắn thú vật lấy thịt làm thức ăn chỉ xảy ra sau nầy.
Do đó, con người ăn thảo mộc và ngũ cốc để nuôi sống cơ thể là hợp với luật Thiên nhiên.
2. Ðạm thảo mộc dễ tiêu hóa hơn đạm thú cầm:
Các nhà dưỡng sinh học nhận thấy rằng, chất đạm trong thịt thú vật khó tiêu hóa trong bao tử con người và lại mang nhiều chất độc hơn đạm thảo mộc rất nhiều. Người ăn thịt thú vật thường cảm thấy nặng bụng khó tiêu khi ăn no, và khi lớn tuổi thường bị xơ cứng động mạch, hay tắt nghẽn động mạch.
Trái lại, người ăn chay, ăn ngũ cốc và rau cải, dễ tiêu hóa hơn, động mạch dẻo dai hơn, thường cảm thấy khỏe khoắn trong người.
3. Các loại đậu bổ dưỡng hơn cá thịt:
Viện Vệ Sinh Dịch Tể Học Việt Nam đưa ra Bảng Phân tích thành phần hóa học của 100 gram thức ăn mỗi loại.
Xin trích ra sau đây một số thức ăn thường dùng để so sánh sự bổ dưỡng (tính bằng Calorie) giữa các thức ăn chay và mặn, tức là so sánh số năng lượng Calorie mà nó cung cấp cho cơ thể của chúng ta. (Bảng nầy trích trong sách: Phương pháp Dưỡng Sinh của Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng)
TT |
Thực phẩm |
Ðạm (Protit) |
Chất béo (Lipit) |
Bột đường (Glucit) |
Calorie
cho 100g
|
5 |
Khoai lang |
0,8 |
0,2 |
28,5 |
122 |
6 |
Khoai tây |
2 |
|
21 |
94 |
7 |
Củ cải |
3,1 |
|
28,5 |
130 |
8 |
Ðậu đen |
24,2 |
1,7 |
53,3 |
334 |
9 |
Ðậu trắng |
23,2 |
2,1 |
53,8 |
335 |
10 |
Ðậu nành |
34 |
18,4 |
24,6 |
411 |
11 |
Ðậu xanh |
23,4 |
2,4 |
53,1 |
336 |
13 |
Ðậu phộng |
27,5 |
44,5 |
15,5 |
590 |
14 |
Mè |
20,1 |
46,4 |
17,6 |
586 |
15 |
Tàu hủ |
10,9 |
5,4 |
0,7 |
98 |
31 |
Thịt bò |
21 |
3,8 |
|
121 |
32 |
Thịt heo nửanạc nửa mỡ |
16,5 |
21,5 |
|
268 |
33 |
Thịt gà |
22,4 |
7,5 |
|
162 |
34 |
Cá lóc |
18,2 |
2,7 |
|
100 |
35 |
Trứng gà
|
14,8 |
11,6 |
0,05 |
171 |
37 |
Sửa bò tươi |
3,9 |
4,4 |
4,8
|
77 |
Thức ăn nào cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng (Calorie) thì được xem là thức ăn bổ dưỡng.
Theo Bảng Phân tích trên, so sánh giữa Ðậu nành và Thịt bò, chúng ta thấy:
· 100 g Ðậu nành sản xuất 411 cal.
· 100 g Thịt bò sản xuất 121 cal.
Vậy Ðậu nành bổ dưỡng hơn Thịt bò gấp 3,4 lần.
Nếu so sánh Ðậu phộng với Thịt bò, Ðậu phộng bổ dưỡng hơn Thịt bò gấp 4,8 lần.
Do đó trong “Vệ Sinh Yếu Quyết", Hải Thượng Lãn Ông có lời khuyên về sự ăn uống như sau:
Vệ sinh ăn uống trước tiên,
Khuyên ăn thanh đạm, khuyên kiêng đậm nồng.
Ngũ tân dùng phải có chừng,
Ăn nhiều tán Khí, biết phòng mới hay.
Các mùi mặn, đắng, chua, cay,
Ăn nhiều sanh bịnh, chẳng sai đâu mà.
Ngọt nhiều cũng chẳng ích gì,
Tỳ chen, thận yếu, xương tê, tóc cằn.
Cao lương tích trệ sanh ung,
Thịt thà sinh béo, sinh đờm sinh giun.
Muốn cho ngũ tạng được yên,
Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau.
Ngô khoai, rau cháo hằng ngày,
Ấy mà khỏe mạnh hơn người cao lương.
CHÚ THÍCH:
Ăn thanh đạm: Ăn chay. Ngũ tân: 5 thứ cay là: Hành, hẹ, tỏi, kiệu, nén. Cao lương: Những món ăn ngon như thịt, cá.
Nhà Nữ Bác học White nước Anh nói rằng:
"Các thứ hột, các thứ trái cây, đậu và rau cải là những thức ăn mà thiên nhiên đã dành để nuôi sống chúng ta. Các thức ăn ấy nấu nướng một cách giản dị thì rất hợp vệ sinh và rất bổ, nó làm cho thân thể tráng kiện, tinh thần sáng suốt và tránh được nhiều bịnh tật."
III. Ăn chay đối với tín đồ Cao Ðài.
Về việc ăn chay, Ðức Chí Tôn giáng dạy như sau:
TNHT: “Chư môn đệ phải trai giới, vì tại sao?
Chẳng phải Thầy buộc các con theo Cựu luật, song luật ấy rất nên quí báu, không giữ chẳng hề thành Tiên,Phật đặng."
Do đó, tín đồ mới nhập môn vào Ðạo Cao Ðài chưa quen ăn chay, thì Tân Luật chỉ buộc ăn chay mỗi tháng 6 ngày.
Ăn mỗi tháng 6 ngày như vậy, trải qua 6 tháng thì quen rồi, người tín đồ cần phải tiến lên một nấc cao hơn là ăn chay mỗi tháng 10 ngày.
Tân Luật của Ðạo Cao Ðài qui định như sau:
- Ðiều thứ 12: Nhập môn rồi gọi là tín đồ.
Trong hàng tín đồ có hai bực:
1. Một bực còn ở thế, có vợ có chồng, làm ăn như người thường, song buộc phải giữ Trai kỳ, hoặc 6 hoặc 10 ngày trong tháng, phải giữ Ngũ Giới Cấm và phải tuân theo Thế Luật của Ðại Ðạo truyền bá. Bực nầy được gọi là người giữ Ðạo mà thôi, vào phẩm Hạ Thừa.
2. Một bực đã giữ Trường trai, Giới sát, và Tứ Ðại Ðiều Qui, gọi là vào phẩm Thượng Thừa.
- Ðiều thứ 13: Trong hàng Hạ Thừa, ai giữ Trai kỳ từ 10 ngày sắp lên, được thọ truyền Bửu pháp, vào Tịnh Thất có người chỉ luyện đạo.
Khi người tín đồ giữ được 10 ngày chay quen rồi, nên tiến lên một nấc nữa là ăn chay suốt trong 3 tháng âm lịch đặc biệt: Tháng giêng (Thượng nguơn), Tháng bảy (Trung nguơn), Tháng mười (Hạ nguơn). Ăn chay được như vậy thì tính ra trong một năm, ăn chay được 180 ngày, tức là ăn chay được nửa năm.
Sau đó cần tiến lên bực Thượng Thừa, ăn chay trường luôn thì rất tốt.
Do đó trong nghi thức tang lễ của các tín đồ ăn chay 6 ngày và ăn chay 10 ngày có khác nhau nhiều điểm:
Theo sách Quan Hôn Tang Lễ do Hội Thánh ban hành năm 1976:
a) Tang lễ của Chức việc, Ðạo hữu giữ thập trai trở lên:
Các Chức việc và Ðạo hữu, nếu giữ được 10 ngày chay trở lên hoặc trường chay thì được thọ truyền bửu pháp nên được:
· Làm Phép Xác và Phép Ðoạn căn.
· Làm lễ Tế điện theo nghi cúng vong thường.
· Làm Tuần cửu, Tiểu Tường và Ðại Tường, bài thài theo hàng vong thường.
· Dộng chuông tại Ðền Thánh hoặc Thánh Thất: người chết là Nam thì dôïng 7 tiếng, Nữ thì dộng 9 tiếng.
· Cầu Siêu: Tụng bài Kinh Cầu Siêu (Ðầu vọng bái), tụng xen bài Kinh Khi Ðã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi), tụng 3 lần, xong niệm Câu Chú của Thầy 3 lần. Kế tiếp tụng Di Lạc Chơn Kinh.
b) Tang lễ của chư Ðạo hữu Nam Nữ giữ lục trai:
Những vị nầy không được thọ truyền bửu pháp, nên:
· Không được làm Phép Xác và Phép Ðoạn căn.
· Không được làm Tuần cửu, Tiểu Tường và Ðại Tường. Khi tới ngày nầy, thân nhân của người qui liễu đến Thánh Thất sở tại xin hành lễ cầu siêu.
· Không được dộng chuông cảnh cáo tại Ðền Thánh hay tại Thánh Thất.
· Cầu Siêu: Chỉ tụng bài Kinh Cầu Siêu (Ðầu vọng bái) và tụng Kinh Di Lạc thôi. Không được tụng bài Kinh Khi Ðã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi). Tụng Kinh Cầu Siêu 3 lần, dứt niệm Câu Chú của Thầy 3 lần.
· Ðược làm lễ Tế điện theo nghi cúng vong thường.
IV. Ăn chay kỳ (Trai kỳ):
Ăn chay kỳ là chỉ ăn chay một số ngày nhứt định trong mỗi tháng âm lịch, còn những ngày khác thì ăn mặn.
Có hai trường hợp ăn chay kỳ:
· Ăn chay mỗi tháng 6 ngày, gọi là Lục trai.
· Ăn chay mỗi tháng 10 ngày, gọi là Thập trai.
1. Ăn chay mỗi tháng 6 ngày gọi là Nguơn Thủy Lục trai:
Có lẽ đây là luật ăn chay do Ðức Nguơn Thủy Thiên Tôn đặt ra cho Ðạo Tiên. Sáu ngày ăn chay nầy qui định theo âm lịch là: Mùng 1, mùng 8, ngày 14, 15, 23, và 30.
Tháng nào thiếu (không có ngày 30) thì ăn chay ngày 29 thế vào cho đủ số 6 ngày chay.
2. Ăn chay mỗi tháng 10 ngày gọi là Chuẩn Ðề Thập trai:
Có lẽ do Ðức Chuẩn Ðề Bồ Tát đặt ra cho Phật giáo.
Mười ngày ăn chay nầy qui định theo âm lịch là: Mùng 1, mùng 8, ngày 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30.
Tháng nào thiếu (không có ngày 30) thì ăn chay ngày 27 thế vào cho đủ số 10 ngày chay.
Theo Phật giáo, mỗi ngày chay trong tháng đều có một vị Phật hay Bồ Tát vân du đến cõi Ta bà nầy để kết duyên lành với chúng sanh. Nếu những ngày nầy, người ăn chay lễ bái cầu nguyện với vị Phật ấy thì sẽ được ban ơn lành và sức hộ trì.
· Mùng 1: Nhiên Ðăng Cổ Phật.
· Mùng 8: Dược Sư Lưu Ly Quang Phật.
· Ngày 14: Phổ Hiền Bồ Tát.
· Ngày 15: A-Di-Ðà Phật.
· Ngày18: Quan Thế Âm Bồ Tát.
· Ngày 23: Ðại Thế Chí Bồ Tát.
· Ngày 24: Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.
· Ngày 28: Ðại Nhựt Phật.
· Ngày 29: Dược Vương Bồ Tát.
· Ngày 30: Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ngoài những ngày ăn chay kỳ kể trên, tín đồ Cao Ðài được phép ăn mặn, nhưng phải tránh trực tiếp giết hại con vật để lấy thịt (Cấm sát sanh), chỉ nên ra chợ mua các loại thịt cá đã làm sẵn, đem về nấu ăn mà thôi. Các thứ thịt mua ở chợ đó, Phật giáo gọi là thịt trong sạch (thanh tịnh nhục).
Theo Phật giáo Tiểu Thừa, có 5 thứ thịt thanh tịnh được phép ăn, gọi là Ngũ Tịnh nhục, kể ra:
1. Thịt ăn mà không thấy người giết con vật.
2. Thịt ăn mà không nghe tiếng kêu la của con vật.
3. Thịt ăn mà không nghi người ta giết cho mình ăn thịt.
4. Thịt con thú tự chết.
5. Thịt con thú khác ăn còn dư.
V. Ăn Chay trường (Trường trai):
Trường trai là ăn chay trường, tức là ăn chay hoài từ ngày nầy sang ngày khác.
Bực tu Hạ Thừa ăn chay kỳ, bực tu Thượng Thừa thì ăn chay trường. Ðức Chí Tôn có dạy như sau:
"Vì vậy, Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo. Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao giải tán cho được." (TNHT)
Trong Kinh Phật, có một đoạn Ðức Phật Thích Ca nói về việc ăn chay trường như sau:
"Khi còn tại thế, một hôm Ông A-Nan hỏi Phật:
- Bạch Phật, tại sao trước kia Phật cho các đệ tử ăn Ngũ tịnh nhục, mà nay Ngài lại cấm ăn thịt cá?
Phật trả lời Ông A-Nan:
- Vì trình độ của các ông trong buổi sơ cơ còn thấp kém (Tiểu Thừa) chưa thể lãnh thọ giáo pháp Ðại Thừa, thực hành đúng lý đặng, nên khi Ta nói pháp Tiểu Thừa, phương tiện cho các ông tạm dùng Ngũ tịnh nhục. Ðến nay, trình độ của các ông đã cao, lãnh thọ được giáo pháp Ðại Thừa, nên Ta cấm tuyệt ăn thịt cá. Nếu còn ăn các thứ ấy thì còn phạm giới sát sanh, nếu không trực tiếp sát thì cũng gián tiếp sát, làm mất hạt giống từ bi, không thể nào tu hành thành Phật được."
Vấn đề: Ngũ vị tân và trầu thuốc.
Ngũ vị tân, còn gọi là Ngũ huân, là 5 thứ có mùi cay, nồng và hôi, kể ra: Hành, hẹ, tỏi, kiệu, nén. (Theo Phật Học Từ Ðiển của Ðoàn Trung Còn).
Người tu bậc Thượng Thừa ăn chay trường có cử ăn Ngũ vị tân và cử trầu thuốc không?
Ðể giải đáp vấn đề nầy, chúng ta chia bực Thượng thừa ra làm hai nhóm:
1. Nhóm tu Thượng Thừa còn giữ nhiệm vụ phổ độ nhơn sanh:
Nhóm nầy còn hoạt động gần gũi nhơn sanh, đi đứng nhiều, giao tiếp nhiều, nên Luật Ðạo không bắt buộc cử Ngũ vị tân và cử ăn trầu hút thuốc. Tuy nhiên, nên cử Ngũ vị tân vì nó làm con người thêm nóng nảy, và cử trầu thuốc vì nó làm phiền toái và hại sức khỏe. Ðã là Chức sắc của Hội Thánh thì nên kiêng cử các thứ kể trên để làm gương tốt cho nhơn sanh.
2. Nhóm tu Thượng Thừa vào Tịnh Thất luyện đạo:
Nhóm nầy sống và làm việc theo giới luật chặt chẽ của Tịnh Thất. Trong Tân Luật, phần Tịnh Thất, Ðiều thứ 6 có ghi: "Nhập Tịnh Thất rồi phải tuyệt trầu thuốc và không được ăn vật chi ngoài mấy bữa cơm.”
"Phải cử Ngũ huân (Ngũ vị tân). Lại tu cũng cần phải cử kiêng vật thực hằng ngày cho chính mới nên. Ðã biết ăn cho ngon miệng mới nuôi được thân phàm, song nuôi thân nầy cho béo mà hại đến linh hồn thì sao?
Bởi vậy, như loại Ngũ huân là loại ăn vô có thể làm cho yếu ớt linh hồn thì lẽ nào không cử?
Cử trầu thuốc:
Thậm chí những vật tầm thường như: thuốc, trầu, mà không bỏ tất cũng có hại cho Kim đơn đó.” (ÐTCG)
Như vậy, trong Phép luyện đạo, ngoài việc ăn chay trường, còn cần phải cử tuyệt Ngũ vị tân và trầu, thuốc, vì các thứ ấy sanh ra các chất độc, lưu trữ trong Ngũ tạng Lục phủ nên khó cho việc điều tức và vận chuyển pháp luân.
Trong một đàn cơ ngày 16-1-1926, Ông Quí Cao giáng cơ gọi Ngũ vị tân là Ngũ kỵ, tức là năm thứ cấm kỵ không cho ăn bên Phật giáo. Ông Quí Cao nói rằng:
"Ngũ kỵ là: Hành, Tỏi, Sả, Ớt, Tiêu.
Theo Phật giáo thì kỵ, Tiên giáo thì không.
Phật vì tích Mục Liên Thanh Ðề gọi là uế vật, là phi.
Tiên đạo cho dùng các thảo mộc, chẳng kỵ vật chi."
Trong quyển sách Thiên Ðạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu và Phan Trường Mạnh, có viết về việc ăn chay trường như sau:
"Trong Trời Ðất không có chi là tuyệt đối, thì sự ăn chay tất nhiên cũng không nên tuyệt đối.
Cái nguyên tắc của sự ăn chay là ăn toàn những chất thuộc thảo mộc, thì năm thứ: Hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu, gọi là Ngũ huân vẫn là thảo mộc.
Có cử chăng là những bậc công cao quả dày, tham thiền nhập định, vì nó có tính cách kích thích và thương tổn tinh thần. Người mới học đạo, cần phải lao động trong Trường công quả, thì chưa buộc phải kiêng cử, nhưng ai kiêng cử được cũng nên.
Vậy, việc ăn chay cũng như việc tu hành, không nên thái quá, mà cũng không nên bất cập."
VI. Ăn chay đối với các tôn giáo khác:
Bất cứ tôn giáo nào, giáo luật đều buộc tín đồ ăn chay: Ăn chay kỳ hoặc ăn chay trường.
Ðạo Cao Ðài đặt ra hai bực tín đồ, căn cứ vào số ngày ăn chay trong tháng: Bực Hạ thừa thì ăn chay kỳ 6 ngày hoặc 10 ngày, bực Thượng thừa thì ăn chay trường.
* Ðạo Phật Giáo Hòa Hảo: Bực Hạ thừa thì ăn chay kỳ mỗi tháng 4 ngày (14, 15, 29, 30), còn bực Thượng thừa thì ăn chay trường.
Ăn chay kỳ: ngày đầu (ngày 14) để cầu nguyện cho Tổ quốc; ăn chay ngày thứ nhì (ngày 15) để hiến cho Phật; ngày thứ ba (29) cho đồng bào; ngày thứ tư (30) cho bản thân.
* Ðạo Phật: Cũng chia ra 2 loại ăn chay: kỳ và trường.
Ăn chay kỳ: Nhiều bậc: - Hai ngày (1, 15). - Bốn ngày (1, 8, 15, 23). - Sáu ngày (1, 8, 14, 15, 23, 30). - Mười ngày (1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30), - Nhứt nguyệt trai là ăn chay suốt một tháng: ăn chay tháng giêng hay tháng 7. - Tam nguyệt trai là ăn chay 3 tháng: tháng giêng, tháng 7, tháng 10.
Ăn chay trường:
Trường hợp ăn chay trường mà lại phát tâm không ăn sau 12 giờ trưa thì gọi là Ngọ trai.
* Ðạo Thiên Chúa: Kinh Cựu Ước có ghi rõ lời phán của Ðức Chúa Trời:
“Ðức Chúa Trời lại phán: Nầy, Ta sẽ cho các ngươi mỗi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh trái có hột, giống ấy sẽ là đồ ăn của các ngươi.”
Như vậy, Ðức Chúa Trời đã nói một cách rõ ràng, bảo con người phải ăn chay, tức là ăn hoa quả ngũ cốc để sống, chớ không phải ăn thịt các loài thú vật. Việc ăn thịt thú vật xảy ra sau nầy là do nhơn ý.
Ðức Mẹ Maria hiện ra ở Fatima vào năm 1917 đã gởi Thông điệp đến Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã và toàn cả
các tín đồ như sau:
"Loài người phải ăn chay trường, tuyệt dục và bố thí."
"Nếu Ðức Giáo Hoàng đương kim là Phao Lồ IV chỉ thị và chính Ngài ăn chay trường thì thế giới đương nhiên hòa bình, bởi tín đồ Thiên Chúa Giáo sẽ nghe theo lời Ngài mà trường chay tất cả thì tình thương sẽ lan tràn cả thế giới."
* Ðạo Hồi: Hồi giáo cũng buộc tín đồ ăn chay. Trong 5 điều chính làm nền tảng cho Giáo lý Hồi giáo thì điều thứ 3 ghi: Phải ăn chay vào tháng 9 theo lịch Hồi giáo, gọi là Ramadan.
VII. Mục đích và ích lợi của ăn chay:
1. Ăn chay thì giữ được Ngũ Giới Cấm dễ dàng.
Ngũ Giới Cấmlà giới luật rất quan trọng đối với người tu ở bực Thượng thừa. Không giữ tròn Ngũ Giới Cấm thì không thể đắc đạo được.
Người ăn chay trường thì giữ được Ngũ Giới Cấm tương đối dễ dàng, bởi vì:
- Ăn chay trường thì rõ ràng tránh được sát sanh trong sự ăn uống. Ðã không nỡ giết hại sanh vật để ăn thịt thì cũng đâu nỡ giết chúng để làm trò chơi. (Bất sát sanh)
- Hễ không ăn thịt thì cũng dễ cử rượu, vì rượu thịt luôn luôn đi kèm nhau như bóng với hình. (Bất tửu nhục)
- Không ăn thịt và uống rượu thì lòng dục lắng xuống, nên không nghĩ đến việc tà dâm, phá hại gia cang của người. (Bất tà dâm)
- Nhờ ăn chay trường mà lòng tham vật chất không có cơ hội nẩy nở. Ðã tu rồi thì còn cầu chi tiền tài, của cải, vì khi chết, linh hồn đâu có đem theo được các thứ vật chất đó, chỉ đem theo công đức và tội lỗi mà thôi. Do đó việc trộm cướp hay gian lận tài vật rất ít khi xảy ra. (Bất du đạo)
- Nhờ ăn chay trường mà tâm hồn trở nên thanh cao, tránh được việc nói dối lường gạt người, gây đau khổ cho người mà đem lợi lộc về cho mình. (Bất vọng ngữ)
2. Ăn chay để thanh lọc bản thể, tinh khiết chơn thần:
Những vật thực ăn mặn là huyết nhục của các loài động vật nên chỉ bổ dưỡng cho thể xác con người, vì thể xác con người cũng là huyết nhục.
Các vật thực ăn chay là rau đậu, trái cây, ngũ cốc; các thứ nầy nhờ hấp thụ trực tiếp ánh sáng mặt trời, dưỡng khí, đạm khí của không khí, lại hấp thụ các chất khoáng trong lòng đất, nên các vật thức ăn chay có hai tác dụng bổ dưỡng:
- Bổ dưỡng xác thân nhờ những chất khoáng hấp thu trong đất và đạm khí trong không khí.
- Bổ dưỡng chơn thần nhờ hấp thu ánh sáng và dưỡng khí.
Như thế, chúng ta phải nhìn nhận rằng, với chế độ ăn chay đầy đủ gồm nhiều rau đậu và trái cây, ăn chay rất tốt so với ăn mặn, vì nó bổ dưởng cả hai mặt: Thể xác và Chơn thần.
Người ăn chay trường lâu năm thì tạo được vừng hào quang trong sáng nơi đỉnh đầu, chơn thần cũng được trong sáng, tinh tấn, nên nhẹ nhàng hơn không khí. Ðến kỳ thoát xác, chơn thần xuất ra khỏi thể xác một cách dễ dàng và bay khỏi bầu không khí, đến các cõi thiêng liêng.
Người ăn mặn thì chơn thần mờ tối, trọng trược, vì ăn huyết nhục của thú cầm, nên nặng nề, không thể bay thoát khỏi bầu khí quyển được.
Thánh ngôn của Ðức Chí Tôn dạy rõ rằng:
"Nó (chơn thần) vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong khí Tiên Thiên thì hằng có điển quang. Cái chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch, mới nhẹ hơn không khí, ra khỏi ngoài Càn khôn đặng.
Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật, mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.
Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết.
Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng. Như rủi bị huờn thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển, thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt.
Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc Nhơn Tiên thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy mà Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo." (TNHT)
Bát Nương giáng cơ giải về cõi Âm Quang, cho biết rằng: Muốn qua khỏi cửa Âm Quang thì phải ăn chay trường.
TNHT: "Ấy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui Thiên, phải đi ngang qua đó. Sự khó khăn bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn. Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người, cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm. Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy chơn thần thanh trược.
Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy."
3. Ăn chay là luyện tập Bi, Trí, Dũng:
- Loài vật nào cũng biết ham sống sợ chết như người, biết chỗ nguy hiểm thì tránh né hay trốn chạy để bảo tồn sự sống. Khi sắp bị giết chết, chúng biết sợ sệt và rên la đau đớn.
Không giết hại chúng nó để ăn thịt là thể hiện lòng thương yêu, đức tánh từ bi. Do vậy, việc ăn chay là để tập cho tánh BI càng ngày càng phát triển.
- Khi ăn chay, chúng ta mới sáng suốt nhận định rằng, loài thú vật cũng được Thượng Ðế ban cho nó sự sống như con người, nó chỉ là đàn em kém tiến hóa hơn con người mà thôi. Sau nhiều lần chuyển kiếp, chúng nó cũng sẽ tiến hóa lên thành người như chúng ta.
Do đó, không giết hại chúng là để phát triển đức tánh sáng suốt trong con người chúng ta, tức là phát triển thể TRÍ.
- Trước sự hấp dẫn của các món rượu thịt thơm ngon, cũng như sự mời mọc nài ép của bạn bè, ta can đảm từ khước, tức là ta có hùng tâm dũng chí, không để dục vọng thấp kém lôi kéo. Như vậy, ta có được cái DŨNG.
Vậy, sự ăn chay là để phát triển ba đức tánh: BI, TRÍ,
DŨNG trong con người chúng ta, để cuối cùng, ba đức tánh nầy phát triển rực rỡ và cao tột thì đắc thành Phật vị.
4. Ăn chay là để tránh quả báo luân hồi:
Việc giết hại mạng sống của con vật tạo thành một ác nghiệp. Sau nầy, hồn của con vật ấy sẽ đòi chúng ta phải trả món nợ sát mạng đó, và theo luật công bình thiêng liêng, chúng ta phải luân hồi tái kiếp đền trả mối nợ oan nghiệt ấy.
Còn việc ăn chay, tuy cũng có giết hại mạng sống loài thảo mộc, nhưng tội nầy nhẹ hơn nhiều so với việc giết hại thú vật, vì loài thảo mộc kém tiến hóa rất nhiều so với thú cầm.
Hơn nữa, việc sát hại thảo mộc để nuôi sống xác thân của chúng ta, được chúng ta đền trả lại bằng xác thân của chúng ta khi chết. Khi chết, xác thân của chúng ta được vùi chôn trong lòng đất, rồi dần dần sẽ tan rã thành những chất bổ dưỡng nuôi sống thảo mộc. Khi sống thì ta ăn thảo mộc, khi chết thì thảo mộc ăn lại xác thân ta. Thế là hòa, không ai nợ ai.
Như vậy việc ăn chay giúp chúng ta không mắc nợ oan nghiệt, mà không mắc nợ oan nghiệt thì khỏi phải luân hồi.
5. Ăn chay để kềm chế Lục dục Thất tình:
Ăn chay, ăn những thức ăn thanh đạm, không chứa máu thịt của loài động vật, nên làm dịu bớt bầu máu nóng trong người, dục vọng nhờ đó cũng giảm bớt cường điệu.
Lục dục và Thất tình lúc nào cũng đòi hỏi xác thân làm cho chúng nó thỏa mãn, nhưng nhờ ăn chay, chúng ta có thể kềm chế nó và rèn luyện nó hướng tới mục đích thanh cao.
Thay vì chúng ta muốn giết một con gà để làm thành món ăn khoái khẩu, chúng ta nên lấy thức ăn thích hợp của gà rải cho nó ăn, để chúng ta nhìn nó đang sung sướng vui vẻ vì khoái khẩu. Chúng ta nhìn cái vui và cái sung sướng của con gà để chúng ta có được cái vui mừng cao thượng của kẻ ban ơn.
VIII. Giải đáp một số câu hỏi về ăn chay.
1) Ăn tôm, cua, sò, ốc được kể là ăn chay không?
Có một số người tu mà chưa kềm chế được tánh háu ăn, nên bày ra cái trò cho rằng ăn chay thì được ăn các loài tôm cua sò ốc, vì các loài nầy có máu trắng, không phải máu đỏ.
Ðạo Cao Ðài hay bất cứ một tôn giáo nào khác trên thế giới đều không có một điều luật nào cho phép ăn chay kỳ dị như thế. Ðó chẳng qua phàm tâm xúi giục làm mờ ám lương tri.
Ăn tôm cua sò ốc, tức là ăn thịt các loài động vật. Chúng nó cũng có sanh mạng và sự sống. Phải bắt giết chúng nó thì mới ăn thịt được, rõ ràng ta phạm tội sát sanh, sao lai bảo là ăn chay? Sao lại còn ngụy biện rằng chúng nó có máu trắng, không có máu đỏ? Máu trắng không phải là máu sao?
Người tu hành chơn chánh cần phải lên án gắt gao những hành động hại đạo, phá đạo kiểu ấy, để người đời thấy rõ ai là người tu chơn thật, ai là tu giả dối, ai lợi dụng màu sắc tôn giáo để tạo lợi riêng cho cá nhân.
2) Ăn chay có được dùng bơ, sữa, hột gà không?
* Về bơ (Beurre) và phô-ma (Fromage), ta phân biệt hai loại: Bơ thực vật và bơ động vật.
- Bơ thực vật (Beurre végétale) làm bằng các chất béo của thực vật như đậu phộng, dừa, ca cao. Bơ thực vật là thức ăn chay hoàn toàn, người ăn chay trường dùng rất tốt.
- Bơ động vật (Beurre animale) là loại bơ được chế tạo từ sữa bò, sữa trâu, sữa dê. Ðây rõ ràng là thức ăn mặn.
* Về sữa, cũng có hai loại:
- Sữa động vật như sữa bò, sửa dê,.... thì chúng thuộc về nhóm thức ăn mặn.
- Sữa đậu nành, đậu xanh hay đậu phộng thì hoàn toàn là thức ăn chay.
Vấn đề bơ và sữa như vừa trình bày trên là nói một cách tuyệt đối theo đúng định nghĩa ăn chay và ăn mặn. Tuy nhiên, trong điều kiện tương đối phổ biến, chúng ta nhận thấy rằng, bơ và sữa động vật có được là do vắt bầu sữa của con bò hay dê, chớ không phải do sự giết chết con bò hay con dê. Do đó, bên Phật giáo vẫn cho phép dùng bơ và sữa làm món ăn chay.
Nó có nguyên nhân xa xưa là hồi Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ta từ bỏ lối tu khổ hạnh, chuyển qua lối tu trung đạo, Ngài kiệt sức, bất tỉnh, nằm chết giấc dựa cội cây bồ đề. Có một thiện nữ được báo mộng trước, hôm ấy chuẩn bị bình bát sữa tìm đến cội bồ đề, cúng dường cho Phật. Khi Phật tỉnh lại, Phật cầm bình bát sữa uống cạn, nhờ vậy, Phật dần dần phục hồi sức khỏe.
Việc dùng bơ sữa động vật không vi phạm giới cấm sát sanh, nhưng đứng về phương diện thanh và trược thì chúng ta đều nhận rằng, bơ sữa động vật trược hơn bơ sữa thảo mộc.
- Về trứng gà, trứng vịt, trứng cút:
Nếu trứng không trống, thì khi ta dùng không phạm tội sát sanh, nhưng trứng vẫn là chất trược tuy ít, vẫn không làm chơn thần chúng ta trong sáng và thanh nhẹ.
Nếu các loại trứng có trống, tức là có chứa sẵn một mầm sống trong đó, để theo thời gian sẽ phát triển thành một sinh vật mới, khi chúng ta dùng chúng làm thức ăn, tức là chúng ta sát hại mầm sống ấy, ắt phạm tội sát sanh.
Ðối với những vị đang lập công trong Trường thi công quả, việc ăn chay trường không nên quá bảo thủ khắt khe, nhứt là những khi đau ốm, cần phải phục hồi sức khỏe mau chóng để lo làm công quả, thì việc dùng thêm các loại bơ, sữa động vật, hay các loại trứng không trống, là một điều có thể thông cảm được vì không phạm giới sát sanh, nhưng chúng ta vẫn nhớ rằng các thức ăn ấy có chất trược, không tốt cho chơn thần.
Một điều mà chúng ta cần lưu ý là việc ăn chay là hành động tự giác tự nguyện vì lợi ích cho bản thân của chúng ta, chớ không phải lợi ích cho Ðức Chí Tôn hay Phật Mẫu.
3) Ăn chay trường có thành Tiên, Phật không?
Nếu chỉ có ăn chay trường mà không làm công quả thì không thể thành Tiên, Phật đặng. Người ăn chay trường ấy, khi chết, chơn thần và linh hồn được trong sạch nhẹ nhàng và được siêu thăng lên các cõi Trời, hưởng sự an nhàn, nhưng không có ngôi vị là Tiên, hay Phật.
Muốn thành Tiên, Phật thì buộc phải có công quả.
TNHT: "Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo."
Muốn có công đức thì phải thực hành Tam Lập: Lập Ðức, Lập Công, Lập Ngôn. Trong Lập Công có: Công phu, Công quả, Công trình.
Việc ăn chay trường chỉ tạo được chơn thần trong sáng, việc làm công quả mới đắc thành Tiên, Phật.
Nhưng ngược lại, nếu có đầy đủ công quả mà không ăn chay trường thì cũng không thể thành Tiên, Phật được, vì chơn thần trọng trược không thể bay khỏi bầu khí quyển mà lên cõi thiêng liêng. Hơn nữa, vì ăn mặn nên còn bị các con vật đòi món nợ oan nghiệt, nên chúng nó buộc chặt chơn thần người đó không cho bay lên cõi TLHS.
Cho nên, muốn đắc thành Tiên Phật thì phải có đủ hai điều kiện: 1.- Ăn chay trường. 2.- Ðầy đủ công quả.
4) Ăn chay thì thanh, ăn mặn thì trược, tại sao?
Có nhiều nguyên do, kể ra sau đây:
a.- Về cấp tiến hóa: Thảo mộc ở cấp tiến hóa thấp hơn động vật, chỉ có Sanh hồn; còn động vật thì ở cấp tiến hóa cao hơn, có được hai phần hồn là: Sanh hồn và Giác hồn. Do đó, loài động vật khi đau đớn biết rên la, khi sợ hãi biết chạy trốn.
b.- Về sự sinh sản và di truyền nòi giống: Loài thảo mộc có nhị đực và nhị cái ở trên cùng một cái hoa hay trên cùng một thân cây, nhờ ong bướm hay gió thổi mà nhị đực rơi vào nhị cái, kết thành trái và hột để di truyền nòi giống.
Loài động vật thì con đực và con cái là hai thân thể khác nhau, chúng có lòng dục nên tìm gặp nhau giao phối, để sanh sản. Khi sanh sản thì máu huyết tiết ra dơ dáy.
Do đó, loài động vật thuộc về Hậu Thiên Cơ Ngẫu nên trọng trược; còn loài thảo mộc thuộc về Tiên Thiên Cơ Ngẫu nên thanh nhẹ.
c.- Về sự sinh sống: Loài thảo mộc sống nhờ hấp thu ánh sáng mặt trời và hấp thu các tinh chất từ trong đất, nên thảo mộc chứa nhiều sinh tố và khoáng chất.
Loài động vật sống nhờ ăn thảo mộc hay ăn thịt lẫn nhau, nên thịt của chúng chứa ít sinh tố và lại có chất độc.
Do đó, chúng ta ăn loài thảo mộc thì vừa bổ dưỡng chơn thần vừa bổ dưỡng thể xác, còn ăn thịt thú cầm thì chỉ bổ dưỡng thể xác mà lại làm cho chơn thần ô trược.
d.- Về tính dẫn điện: Khi thoát xác, chơn thần của người ăn chay trường thì trong sáng, nhẹ nhàng bay lên thoát qua lớp khôngkhí dễ dàng; còn chơn thần người ăn mặn thì trọng trược mờ tối, nên không thể bay lên cao được, lại nữa, vì chơn thần trọng trược nên có tính dẫn điện tốt, khi bay lên cao có thể bị sét đánh tiêu tan.
5) Thảo mộc có mạng sống, nên ăn chay cũng sát sanh, thì hơn ăn mặn chỗ nào?
Thảo mộc là một loài trong chúng sanh, nó cũng có mạng sống, nhưng mạng sống của nó nhỏ bé hơn mạng sống của thú cầm, vì nó chỉ có một phần hồn là Sanh hồn, và ở cấp tiến hóa thấp hơn thú cầm. Do đó, việc sát hại thảo mộc ít tội tình oan nghiệt hơn sát hại thú cầm.
Vả lại, muôn loài vạn vật phải ăn mà sống. Ðể giải quyết cái ăn nầy, Trời dùng "Vạn linh phụng sự Vạn linh", tức là dùng loài sanh vật nầy làm thực phẩm nuôi sống loài sanh vật kia, và loài sanh vật nào bị hy sinh nhiều nhất thì lại sanh hóa nhiều nhất để quân bình cuộc sống trong CKVT.
Thảo mộc và ngũ cốc là hai thứ sanh vật mà Thượng Ðế dành để nuôi sống con người, nên mới cấu tạo cơ thể của con người không có móng vuốt và răng bén nhọn chơm chởm. Nếu con người ăn thịt thú cầm là do dục vọng muốn tìm khẩu vị khác lạ mà thôi.
Vậy con người ăn chay là thuận Thiên ý, nhờ đó con người mới tiến hóa nhanh. Còn ăn mặn là do dục vọng của con người bày đặt thêm ra, trái với Thiên ý, nên nó trì kéo con người chậm bước tiến hóa.
Việc sát hại sanh mạng của một con thú để làm thức ăn nuôi sống thân ta tạo thành một oan nghiệt. Hồn con thú ấy sẽ chờ khi ta chết, nó sẽ đến đòi mạng và kéo níu chơn thần chúng ta không cho siêu thăng về cõi thiêng liêng.
Còn việc sát hại loài thảo mộc để làm thức ăn nuôi sống thân ta, thì ta sẽ lấy xác thân ta trả lại cho thảo mộc khi ta chết, nên không tạo ra một mối oan nghiệt nào.
6) Thánh nhơn nói rằng: VẬT DƯỠNG NHƠN. Vậy ăn mặn là hợp lý, phải không?
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu chữ Vật là gì?
Vật là tất cả các loài có hình thể trong CKVT. Vật chính là chúng sanh, gồm: Vật chất, Kim thạch, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm. Chữ Vật không chỉ riêng loài thú cầm.
Con người là một loài trong chúng sanh, sống được là nhờ chúng sanh. Do đó, Thượng Ðế chỉ tạo ra loài người sau khi đã tạo ra vạn vật gồm Kim thạch, Thảo mộc và Thú cầm.
Chúng ta không nên hẹp hòi nghĩ rằng: Vật dưỡng nhơn là con người phải ăn thịt thú vật mà sống. Tại sao chúng ta không nghĩ Vật đây là các loài Thảo mộc và ngũ cốc?
Chúng ta cần phải sáng suốt và kiên trì chống lại sự xúi giục và mê hoặc của phàm tâm, phải phấn đấu chuyển hóa phàm tâm trở thành Thánh tâm. Ðó là một điều rất khó khăn nhưng không phải không làm được.
Vì lẽ đó là Ðức Phật có nói: "Chiến thắng vạn quân không bằng tự thắng được mình. Tự thắng mình là chiến công vẻ vang oanh liệt nhứt."
7) Có nên làm món ăn chay giả hình món mặn không?
Muốn trả lời câu hỏi nầy, chúng ta nên phân tích xem cái hay và cái dở của việc làm món ăn chay giả hình món ăn mặn.
* Những điều hay:
· Thể hiện tài khéo léo của người đầu bếp.
· Trình bày món ăn có hình thức hấp dẫn với thực khách.
* Những điều dở:
· Giả mạo hình thức món ăn.
· Gợi lên làm cho một số thực khách mơ tưởng đến món ăn mặn tương ứng.
· Rất khó đặt tên món ăn cho thông. Thí dụ làm món chay mà hình thức giống như thịt heo quay, đặt tên là: Heo quay chay. Ðặt tên như vậy thì chữ nghĩa chỏi nhau khó
nghe quá, mà đặt tên khác là tên gì? Vì thực tế nó giống như vậy.
· Người ngoại đạo nhìn vào bàn ăn, thấy hình thức là các món ăn mặn mà tại sao nói chay? Họ tự đánh lừa mình chăng?
Người ngoại đạo có cơ sở để đánh giá trị thấp những người ăn chay như thế.
Xét các lý do như trên, chúng ta thấy rõ ràng là việc làm món ăn chay giả hình món ăn mặn có nhiều cái dở hơn cái hay, do đó ta cần điều chỉnh lại, tìm cách thích hợp hơn để trình bày món ăn chay. Thí dụ như món: “Bồ câu tiềm chay", thay vì dùng bó sổ làm hình con bồ câu thì nên làm hình một quả Ðào Tiên chẳng hạn, rồi đặt tên món ấy là: “Ðào Tiên tiềm". Có nên chăng?
8) Ăn chay có được phép ăn bù vào ngày khác không?
Hôm nay là ngày mùng 8 nhằm ngày ăn chay, nhưng vì tiệc tùng với người đời hay vì bạn bè nài ép, nên ăn mặn, rồi qua ngày hôm sau, ăn chay bù trở lại. Việc đó thế nào?
Chúng ta thấy rõ người ấy có tinh thần muốn ăn chay cho đúng các ngày theo luật định, nhưng vì một lý do vui vẻ nên không ăn được.
Như vậy là mình quá dễ dãi với sự đòi hỏi của xác thân, xem những lời nài ép của bè bạn quan trọng hơn lời thệ nguyện giữ gìn Luật Ðạo của mình. Ðó là một sai lầm.
Việc ăn chay bù là để vớt vát lại nhưng nó chứng tỏ lương tâm mình không thắng nổi sự lôi cuốn của dục vọng thể xác. Thể xác thì thúc đẩy mình ăn uống rượu thịt vui say, mình chiều theo nó là mình yếu kém hơn nó, đầu hàng nó.
Từ sự thua nhỏ dần dần dẫn tới thua lớn, và vật dục sẽ làm trì trệ bước đường tiến hóa của mình, khiến chúng ta phải bị kẹt lại trong thời kỳ Chuyển thế, không kịp bước vào Nguơn Thánh đức.
9) Nhiều người ăn chay mà lời nói còn hung dữ quá ! Hành động còn thâm độc quá ! Tôi không cần ăn chay, miễn tôi làm lành làm phước là đủ rồi.
- Quả đúng như vậy. Nhưng đâu phải vì họ ăn chay mà họ trở nên hung dữ và thâm độc. Chúng ta nên nghĩ rằng: Nếu họ không ăn chay thì họ còn hung dữ và thâm độc hơn gấp bội. Nhờ ăn chay mà họ đã bớt tánh hung dữ nhiều lắm rồi đó.
Họ là những người mới tập tễnh vào đường tu, hoặc họ là kẻ giả tu không chừng. Nhưng ta so sánh với họ làm gì ! So sánh với người kém hơn ta thì có ích lợi gì cho sự tiến hóa của ta, của linh hồn ta? Hay là chỉ để thỏa mãn tánh ích kỷ, cống cao ngã mạn của ta? Chúng ta muốn dừng lại ở mức tiến hóa nầy, hay ta muốn tiến hóa cao hơn nữa?
Tại sao chúng ta không nhìn lên các bậc chơn tu có đầy đủ đức hạnh? Chúng ta cần phải học hỏi và bắt chước nơi các vị ấy thì chúng ta mới tiến hóa nhanh được.
10) Ăn chay thì lòng phải chay là sao?
Chay hay trai là trong sạch. Lòng chay là lòng trong sạch. Ðó là lòng biết quí trọng đạo đức, chơn chánh, nhơn từ.
Nếu ăn chay mà lòng không chay, tức là không biết ý nghĩa của việc ăn chay, hay biết mà không tin tưởng, thì không khác chi người không tiền mua cá thịt, đành phải ăn tương rau dưa muối vậy thôi, đâu có ích lợi gì cho đường đạo đức.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
ÐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Ăn mặn
A: To eat flesh.
P: Manger de viande.
Ăn mặn là ăn các thứ thực phẩm làm bằng thịt động vật hay được chế biến từ động vật. Thí dụ như: Ăn thịt bò, cá, tôm, cua, sò, ốc, ba tê, lạc xưởng, v.v...
Ăn mặn thì phải sát sanh hại vật, dù không trực tiếp thì cũng gián tiếp. Gián tiếp sát sanh là người khác giết con vật để làm thịt, đem thịt ra chợ bán, mình mua về ăn. Như vậy, mình vẫn phải chia sớt phần nào tội lỗi của người trực tiếp sát sanh.
Người ăn mặn dùng cá thịt làm món ăn thì phạm vào Ngũ Thường của Nhơn đạo.
Ngũ Thường gồm: Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
· Giết con vật để ăn cho khoái khẩu là bất Nhơn.
· Giết con vật làm cho nó phân ly đàn thú là bất Nghĩa.
· Ðem thịt hôi tanh xào nấu cúng Thần, Thánh là bất Lễ.
· Vì miếng ăn làm con vật chịu cảnh dao thớt là bất Trí.
· Lập mưu nhữ bắt con vật là bất Tín.
Nếu Nhơn đạo không xong thì làm sao cầu Thiên đạo?
Tóm lại, việc ăn mặn có nhiều điểm tai hại, kể ra:
1. Phạm giới cấm sát sanh, gây thêm oan nghiệt nên phải bị luân hồi trả quả.
2. Vi phạm Ngũ Thường của Nhơn đạo.
3. Không thể phát triển được 3 đức tánh: Bi, Trí, Dũng.
4. Về phương diện thiêng liêng, ăn mặn làm cho chơn thần ô trược nặng nề, có hào quang mờ đục, nên không thể bay thoát lên khỏi bầu khí quyển, đến cõi TLHS.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
Ăn mật nằm gai
A: To tast the bile and to lie on thorns; To support all kinds of misfortunes.
P: Goûter de la bile et se coucher sur les épines. Supporter toutes les sortes de malheurs.
Ăn mật nằm gai đồng nghĩa với thành ngữ: Nằm gai nếm mật, nghĩa đen là khi khát thì nếm mật đắng, khi ngủ thì nằm trên giường không êm như có gai.
Ðiển tích: Vào thời Xuân Thu bên Tàu, vua nước Ngô là Phù Sai đánh bại vua nước Việt là Câu Tiển, chiếm lấy nước Việt, bắt Câu Tiển đem về nước Ngô cầm tù ở Cối Kê. Trong thời gian 3 năm bị cầm tù, Câu Tiển nhiều lần chịu nhục để lấy lòng vua Ngô Phù Sai và cố ý tỏ ra mình là người bất tài, hèn hạ, không có ý chí phục thù, để vua Ngô cho sống sót mà trở về nước Việt.
Do đó, Ngô Phù Sai lầm kế, không giết Câu Tiển, mà còn phóng thích cho trở về nước Việt.
Khi Việt Vương Câu Tiển trở về nước rồi thì quyết chí phục thù, tạo cho mình một nếp sống khổ hạnh, đơn giản, để làm gương cho dân chúng và nức lòng tướng sĩ. Khi nằm thì lấy củi lót làm giường, từ bỏ nệm ấm chăn êm. Mỗi sáng thức dậy, Câu Tiển nếm mật đắng, rồi đến trước tấm gương lớn, nhìn hình của mình trong gương nói rằng "Mầy quên cái nhục mất nước sao?" Ðó xem như nghi thức mà Việt Vương bắt buộc thực hành mỗi sáng thức dậy như một giáo lễ trước khi vào triều để trù tính việc nước.
Nhờ hai người bề tôi tài giỏi, một võ một văn là Phạm Lãi và Văn Chủng, Việt Vương âm thầm tổ chức được một quân đội hùng mạnh, tinh thông võ nghệ, và dân chúng có đời sống sung túc, lương thực đầy đủ, quân dân một lòng phục hận. Mặt khác, Việt Vương tuyển lựa nàng Tây Thi vô cùng xinh đẹp, đem dâng cho vua Ngô Phù Sai.
Vua Ngô mê say sắc đẹp nàng Tây Thi, bỏ việc triều chánh, xây cất Cô Tô Ðài để hưởng lạc với Tây Thi, quan Trấn Quốc là Ngũ Tử Tư can gián, bị Ngô Phù Sai giết chết. Dân chúng ta thán, nước Ngô suy sụp, triều đình hết tướng tài ba.
Thời cơ đã đến, Việt Vương Câu Tiển phát động hùng binh kéo sang đánh tan quân Ngô, bức bách Ngô Phù Sai phải tự tử. Việt Vương tóm thâu nước Ngô và trở thành một bá chủ ở phương Nam nước Tàu.
Thành ngữ: Ăn mật nằm gai hay Nằm gai nếm mật, là ý nói: Chịu đựng tất cả gian khổ để mưu đồ việc lớn.
TNHT: Bần đạo hỏi bốn hiền hữu: Có ai đã mang sao đội nguyệt, ăn mật nằm gai, chịu muôn sự khổ hạnh để tạo hạnh phúc cho nhơn sanh chưa?
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ăn năn sám hối
A: To repent of and to confess one's sins.
P: Se repentir et confesser ses péchés.
Ăn năn là đau xót về điều lầm lỗi của mình và tự hứa sẽ không tái phạm.
Sám hối là ân hận về những điều lầm lỗi đã qua và thật lòng muốn sửa đổi.
KCHKHH: |
Ăn năn sám hối tội tình,
Xét câu Minh Thệ gởi mình cõi thăng.
|
KCHKHH: Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối.
ÂM
ÂM
ÂM: 陰 có nhiều nghĩa tùy trường hợp:
1. Âm là một trong hai chất khí nguyên thủy do Thái Cực phân ra: Khí Dương và Khí Âm.
Td: Âm cực dương hồi, Âm dương thủy, Âm quang.
2. Âm là nơi tối tăm lạnh lẽo, cõi của người chết.
Td: Âm cảnh, Âm đài, Âm ty.
3. Âm là ngầm, kín.
Td: Âm chất, Âm đức.
4. Âm là chỉ ban đêm, chỉ mặt trăng.
Td: Âm lịch.
ÂM: 音 Tiếng.
Td: Âm thinh sắc tướng.
Âm cảnh, Âm cung, Âm đài, Âm Ty
陰境, 陰宮,
陰臺, 陰司
A: The hades, the hell.
P: L'enfer, l'empire des ténèbres.
· Âm: Là nơi tối tăm lạnh lẽo, cõi của người chết. Cảnh: Cõi.
Âm cảnh là cõi Âm, cõi của người chết.
· Âm cung là cung điện nơi cõi Âm phủ của Thập Ðiện Diêm Vương, chỉ Ðịa ngục.
· Âm đài là lầu đài nơi cõi Âm, đồng nghĩa Âm cung.
· Âm ty là nơi làm việc của các quan ở cõi Âm, chỉ Ðịa ngục. (Ty là nơi làm việc của các quan).
KCS: Miền Âm cảnh ngục môn khai giải.
KSH: Chốn Âm cung luật xử nặng nề.
Âm đài gông tróng sẵn sàng.
Dắt hồn xuống chốn Âm ty.
KCS: Kinh Cầu Siêu.
KSH: Kinh Sám Hối.
Âm chất
陰騭
A: The hidden merit.
P: Le meùrite caché.
Âm: Là ngầm, kín.
Âm chất là việc làm lành thầm kín, chỉ có Thần Thánh biết, cốt tạo phước đức nơi cõi vô hình để hưởng quả phúc về sau.
TNHT: Theo làm âm chất may bồi đắp.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Âm công
陰功
A: The hidden merit.
P: Le meùrite caché.
Âm: Là ngầm, kín. Công: Nỗi vất vả làm việc, công việc.
Âm công đồng nghĩa Âm chất, Âm đức.
Trong Ngư Tiều Vấn Ðáp có câu:
Môn rằng thứ nhất y khoa,
Chữ kêu âm chất thật là âm công.
Ðồ âm công: Chữ Âm công ở đây có nghĩa khác hơn. Âm công là công việc làm cho người chết ở cõi Âm. Ðồ âm công là những thứ dùng để liệm xác người chết vào trong quan tài, như: Vải trắng, giấy súc, gòn, rơm,...
TL: Ðiều 16: Trong việc tống chung, không nên xa xí, không nên để lâu ngày, không nên dùng đồ âm công có màu sắc lòe loẹt, chỉ dùng toàn đồ trắng,...
TL: Tân Luật.
Âm cực dương hồi
陰極陽回
A: The Yin tends towards maximum, the Yang returns.
P: Le Yin tend vers maximum, le Yang retoune.
Âm: Là một trong hai chất khí nguyên thủy do Thái Cực phân ra. Dương: Khí Dương. Cực: Ðến đầu cùng. Hồi: Trở lại.
Âm cực Dương hồi là khi khí Âm cực thịnh thì khí Dương khởi sanh trở lại. Ngược lại, Dương cực Âm hồi, nghĩa là khi khí Dương cực thịnh thì khí Âm khởi sanh trở lại.
Như vậy, hai khí Âm và Dương biến đổi một cách tuần hoàn, nhưng trái ngược nhau.
Quan sát khí Dương và khí Âm biến đổi trong một ngày đêm 24 giờ, chúng ta nhận thấy:
■ Lúc 0 giờ, tức là lúc 24 giờ hay 12 giờ khuya (giờ Tý), khí Âm cực thịnh, Khí Dương khởi sanh. (Âm cực Dương hồi)
■ Từ 0 giờ đến 6 giờ sáng (giờ Mẹo), khí Âm giảm dần, khí Dương tăng lên, để hai khí Dương và Âm cân bằng nhau.
■ Từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa (giờ Ngọ)ï, khí Âm tiếp tục giảm đến mức cực tiểu và triệt tiêu, rồi bắt đầu khởi sanh trở lại; đồng thời khí Dương tăng dần đến mức cực đại, và sau đó thì giảm dần. (Dương cực Âm hồi)
■ Từ 12 giờ trưa đến 18 giờ, tức 6 giờ chiều (giờ Dậu), khí Âm tăng dần, khí Dương tiếp tục giảm dần, để hai khí Âm Dương cân bằng nhau.
■ Từ 18 giờ (6 giờ chiều) đến 24 giờ (12 giờ khuya), khí Âm tiếp tục tăng cho đến cực đại, khí Dương giảm dần cho đến khi triệt tiêu, để rồi bắt qua 0 giờ thì khởi sanh trở lại.
Và một chu kỳ biến đổi mới bắt đầu giống y như trước.
Sau đây là hình vẽ biểu thị sự biến đổi tuần hoàn của hai khí Dương và Âm.
■ Ðường cong đậm liền nét tượng trưng sự biến đổi của cường độ khí Dương theo thời gian tính bằng giờ.
■ Ðường cong nét đứt đoạn biểu diễn sự biến đổi của cường độ khí Âm theo thời gian, cũng tính bằng giờ.
Ðó là khảo sát về cường độ của Âm Dương trong một ngày, để từ đó suy rộng hai yếu tố Âm Dương trong Trời Ðất.
Hai yếu tố Âm Dương luôn luôn đi đôi với nhau, có tính chất hoàn toàn tương phản nhau như Nóng với Lạnh, Nước với Lửa, Cứng với Mềm, nhưng không tiêu diệt nhau, mà lại tương tác dung hòa nhau, liên kết bổ sung cho nhau. Chính nhờ bản chất trái ngược mà tương tác đó, làm vạn vật chuyển biến luôn.
Âm Dương chính là cơ động tịnh nhiệm mầu của Trời Ðất. Nếu không có Âm Dương thì muôn vật không thể hóa sanh. Nhờ có Âm Dương tác động lẫn nhau nên mới tạo ra những cuộc biến hóa trong Trời Ðất và vạn vật mới phát triển. Nếu chỉ có một Âm hay chỉ có một Dương thì không sanh hóa, không tăng trưởng. (Cô Âm bất sanh, cô Dương bất trưởng).
Hai yếu tố Âm Dương lại vận chuyển theo hai chiều tương phản nhau: Nếu Dương thăng lên thì Âm giáng xuống, nếu Âm thu vào thì Dương tản ra ngoài, hay ngược lại, nếu Âm qua trái thì Dương quay sang phải.
Nếu có thăng mà không có giáng, có vào mà không có tản ra, có qua mà không có lại thì mọi vật sẽ bế tắc, không thể tiến hóa được. Tuy hai yếu tố Âm Dương tương phản nhau như thế, nhưng lại không thủ tiêu nhau mà bổ túc cho nhau, đi đến chỗ kết hợp với nhau, tạo thành giai ngẫu.
Mặt khác, Âm trung hữu Dương căn, Dương trung hữu Âm căn, nghĩa là trong Âm có cái gốc Dương và trong Dương có cái gốc Âm.
Do đó, người xưa biểu thị hai yếu tố Âm Dương bằng hình vẽ trên: Vòng tròn bao bên ngoài là Thái Cực, vòng tròn ấy chia làm đôi theo hình chữ S, tức là Thái Cực sanh Lưỡng Nghi: Âm và Dương. Phần màu đen tượng trưng Âm, phần màu trắng tượng trưng Dương. Trong phần đen có một đốm trắng là: Trung Âm hữu Dương căn. Trong phần trắng có một đốm đen là: Trung Dương hữu Âm căn.
Chỗ phần Dương lớn nhứt (cực đại) thì tương ứng với phần Âm nhỏ nhứt (cực tiểu). Do đó, khi Dương tiến lên cực thịnh thì Âm triệt tiêu rồi khởi sanh, và ngược lại, khi Âm đi đến chỗ cực thịnh thì Dương triệt tiêu rồi khởi sanh.
Không bao giờ Dương thịnh mãi hay không bao giờ Âm thịnh mãi. Âm Dương luôn luôn biến đổi trái chiều nhau, có tính cách tuần hoàn và liên tục.
Âm Dương
陰陽
A: Yin and Yang.
P: Yin et Yang.
Ý nghĩa khởi đầu của hai chữ Âm Dương là:
· Dương là nơi có ánh sáng mặt Trời rọi tới, nên sáng sủa ấm áp.
· Âm là phần bị khuất ánh sáng mặt Trời,nên tối đen lạnh lẽo.
Như vậy, khi ta đặt một vật dưới ánh sáng mặt Trời thì:
· Phần vật bên phía ánh sáng được gọi là Dương.
· Phần vật phía sau, chỗ bóng tối là Âm.
Chúng ta có được ý nghĩa nầy là do giải thích 2 chữ Âm Dương bằng cách chiết tự. (Xem chi tiết nơi chữ: Chiết tự, vần Ch).
Vậy, Âm Dương là Tối Sáng. Từ ý nghĩa ban đầu nầy, người ta suy ra các ý nghĩa khác để chỉ hai cái tương phản nhau mà có cùng một nguồn gốc như: Lạnh nóng, đêm ngày, chết sống, nữ nam, ác thiện, đục trong, v.v... và sau đó đi tới cái nguyên lý ban đầu là hai Khí: Khí Âm và Khí Dương do Thái Cực biến hóa sanh ra. Ðây là khởi điểm của CKVT và vạn vật.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Âm Dương thủy
陰陽水
A: The holy water, the lustral water.
P: L'eau bénite, l'eau lustrale.
Âm: Một trong hai chất khí nguyên thủy do Thái Cực phân ra. Dương: Khí Dương. Thủy: Nước.
Âm Dương thủy là nước Âm Dương.
Khi cúng Ðức Chí Tôn, vào giờ Mẹo (6 giờ sáng) hay giờ Dậu (6 giờ chiều), thì cúng nước Âm Dương, tức là cúng hai chung nước: chung nước trà đặt phía dĩa trái cây (tức phía Âm), tượng trưng khí Âm; chung nước trắng đặt phía bình bông (tức phía Dương), tượng trưng khí Dương.
■ Dùng nước trắng tượng trưng cho Dương vì nước trắng nguyên chất tinh khiết, không sắc, không mùi, không cặn bã.
■ Dùng nước trà tượng trưng cho Âm là vì nước trà là hợp chất, có màu sắc và có mùi vị, có cặn bã.
Sau khi cúng xong, thỉnh hai chung nước Âm Dương xuống, đặt song song sát vào nhau, cùng đổ một lượt vào một chung khác lớn hơn, ta được một hỗn hợp nước trắng và nước trà, gọi là Âm Dương thủy, tức là nước Âm Dương.
Nếu Âm Dương thủy nầy được một vị Chức sắc hành pháp trước Thiên bàn thì nó biến thành Cam lồ thủy (nước Cam lồ), có tính cách huyền diệu, dùng trong bí tích Phép Xác, để tẩy rửa chơn thần của người chết cho hết ô trược.
Âm đức
陰德
A: The hidden virtue.
P: La vertu cachée.
Âm: Ngầm, kín. Ðức: Ðiều tốt lành hợp lòng người.
Âm đức, đồng nghĩa Âm chất, là những việc làm phước đức thầm kín, không phô ra, chỉ Thánh Thần chứng biết là đủ.
KSH: Người phú túc vun nền âm đức.
TÐ ÐHP: "Còn điều thứ ba khi hôm, Bần đạo đã tả hình dạng của cải mà từ trước Tiên Nho để lại câu:
- Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ;
- Tích thơ dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc;
- Bất như tích âm đức ư minh minh chi trung, dĩ trường cửu chi kế.
Nghĩa là: Chứa vàng để lại cho con cháu, biết con cháu có bảo thủ được không? Còn chứa sách để lại cho con cháu, biết con cháu có học hay không? Chỉ có chứa Ðức là con cháu hưởng được.
Nếu không vào cửa Ðạo thì không bao giờ tạo Ðức được, nên ngày nay, Ðức Chí Tôn đến lập Ðạo để cho các người lập Ðức nơi cửa Ðạo Cao Ðài nầy đó vậy."
KSH: Kinh Sám Hối.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Âm hồn
陰魂
A: The soul of a death.
P: L'âme du mort.
Âm: Nơi tối tăm lạnh lẽo, cõi của người chết. Hồn: Linh hồn.
Âm hồn là linh hồn của người chết nơi cõi Âm phủ.
Kệ chuông: Sám hối âm hồn xuất u đồ.
Âm lịch - Dương lịch
陰曆 - 陽曆
A: The lunar calendar - The sun calendar.
P: Le calendrier lunaire - Le calendrier solaire.
Âm: Chỉ ban đêm, chỉ mặt trăng. Dương: Chỉ mặt trời. Lịch: Phương pháp tính thời gian: Giờ, ngày, tháng, năm.
Âm lịch là phương pháp tính thời gian dựa theo sự vận chuyển của mặt trăng quanh trái đất.
Dương lịch là phương pháp tính thời gian dựa theo sự vận chuyển của trái đất quanh mặt trời.
Thuở ban đầu, con người quan sát thế giới bên ngoài mà có khái niệm về thời gian.
Từ khi mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, bóng tối bao trùm, rồi thấy mặt trăng mọc lên tỏa sáng mát dịu, cho con người khái niệm về thời gian: Ngày và đêm. Ngày mà ban đêm không thấy mặt trăng gọi là Sóc, ngày mà ban đêm có trăng tròn là Vọng. Thời gian từ ngày không trăng nầy cho đến ngày không trăng tiếp theo gọi là Nguyệt hay Ngoạt (tháng).
Thời tiết thay đổi từ ấm qua nóng bức, rồi mát mẻ và lạnh lẽo, diễn tiến tuần hoàn cho ý niệm về Quý tức là mùa.
Căn cứ vào các hiện tượng thiên nhiên kể trên, con người chế tạo ra lịch để định ngày thích hợp gieo cấy mùa màng, và ghi chép các sự kiện lịch sử.
Mỗi vùng dân cư trên thế giới đều có chế ra lịch, như lịch của Ai cập, của Hy Lạp, của Á Rập, của Trung hoa,... nhưng tựu chung có hai loại: Dương lịch và Âm lịch.
I. Dương lịch:
Dương lịch là loại lịch phối hợp giữa năm mặt trời và ngày mặt trời.
Có nhiều loại Dương lịch, như lịch của Hoàng Ðế La Mã Jules César (101-44 trước Công nguyên), [gọi là Calendrier Julien], lịch của Ðức Giáo Hoàng Grégoire XIII (1572-1585), [gọi là Calendrier Grégorien], ..v v... Nhưng lịch Grégorien thì hiện nay được toàn thế giới công nhận và sử dụng.
Một năm Dương lịch là khoảng thời gian mà trái đất quay giáp một vòng chung quanh mặt trời, bằng 365,25 ngày tức là 365 ngày lẻ ¼ ngày, tức lẻ 6 giờ. Như vậy, trong 4 năm sẽ dư ra 24 giờ, tức là dư ra 1 ngày. Ngày dư nầy được gọi là ngày Nhuận, và được đặt là ngày 29 của tháng 2 dương lịch.
Vậy cứ 4 năm dương lịch thì có 1 năm nhuận, tháng nhuận là tháng hai, bình thường tháng hai có 28 ngày, nhưng tháng hai nhuận có 29 ngày.
Dương lịch Grégorien lấy năm Giáng sinh Ðức Chúa Jésus Christ làm năm thứ 1 gọi là Công nguyên: trước năm nầy gọi là trước Công nguyên (tính bằng số âm), và sau năm nầy gọi là sau Công nguyên.
II. Âm lịch:
Âm lịch là lịch làm ra căn cứ vào sự vận chuyển của mặt trăng quanh trái đất.
Trên thế giới có nhiều loại Âm lịch: Âm lịch của Babylone, của Hồi giáo, của Trung Hoa. Các nhà làm Âm lịch đã cố gắng phối hợp với Dương lịch, để các tiết khí hậu trong một năm được hợp lý nhứt.
Âm lịch Trung Hoa được phát minh từ thời Thượng cổ, đời vua Phục Hy (2852 trước Công nguyên). Vua Phục Hy quan sát sự biến đổi và di chuyển của mặt trăng quanh trái đất mà chế ra Âm lịch. Tên của ngày tháng năm Âm lịch được đặt theo Can Chi.
Can là Thập Thiên can, 10 can của Trời, gồm: Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
Chi là Thập nhị Ðịa chi, 12 chi của đất, gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Khi kết hợp 10 Thiên can và 12 Ðịa chi, chúng ta được 60 tên gọi, ấy là một chu kỳ, gọi là Lục thập Hoa Giáp. Âm lịch Trung Hoa còn được gọi là Âm lịch Can Chi, dần dần được hoàn chỉnh, sử dụng ở các nước phương Ðông chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như: VN, Nhựt bổn, Triều Tiên, Mông cổ,..
Do đó, theo truyền thống của dân tộc ta, Ðạo Cao Ðài sử dụng Âm lịch là chánh, còn Dương lịch là phụ. Các ngày lễ, vía, ngày hội đều lấy theo Âm lịch.
* Gọi tên tháng Giêng âm lịch:
Từ xưa, mỗi triều đại của Trung quốc đều có thay đổi Chính Sóc. Chính Sóc là ngày mùng 1 tháng Giêng.
- Triều nhà Hạ: Kiến Dần, nghĩa là lấy tháng Giêng là tháng Dần, rồi tính kế tiếp: Tháng 2 là tháng Mão, . . .
- Triều nhà Thương: Kiến Sửu, nghĩa là lấy tháng Giêng là tháng Sửu, rồi tính kế tiếp: Tháng 2 là tháng Dần. . . .
- Triều nhà Châu: Kiến Tý, nghĩa là lấy tháng Giêng là tháng Tý, rồi tính kế tiếp: Tháng 2 là tháng Sửu, . . .
- Triều nhà Tần: Kiến Hợi, nghĩa là lấy tháng Giêng là tháng Hợi, rồi tính kế tiếp: Tháng 2 là tháng Tý, . . .
- Ðến đời vua Võ Ðế, triều nhà Hán, lấy trở lại Chính Sóc Kiến Dần của nhà Hạ, tức là lấy tháng Giêng là tháng Dần, và sử dụng từ thời đó đến ngày nay không thay đổi nữa.
Ðiều nầy thích hợp với quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của người Ðông phương là: Thiên khai ư Tý, Ðịa tịch ư Sửu, Nhân sinh ư Dần. Làm lịch là để cho nhân dân sử dụng, nên lấy tháng khởi đầu một năm là Dần thì đó là điều hợp lý.
Lấy theo Kiến Dần, tên các tháng Âm lịch như sau:
- Tháng giêng: |
Dần. |
- Tháng bảy: |
Thân. |
- Tháng hai: |
Mão. |
- Tháng tám: |
Dậu. |
- Tháng ba: |
Thìn. |
- Tháng chín: |
Tuất. |
- Tháng tư:
|
Tỵ. |
- Tháng mười: |
Hợi. |
- Tháng năm: |
Ngọ. |
- Tháng mười một:
|
Tý. |
- Tháng sáu: |
Mùi. |
- Tháng mười hai: |
Sửu. |
Nếu năm Âm lịch khởi đầu bằng CAN (?) thì tháng Âm lịch khởi đầu bằng CAN (?) theo bảng qui định sau đây:
Năm khởi đầu bằng Can
|
Tháng Giêng khởi đầu bằng Can
|
Giáp
|
Kỷ
|
Bính
|
Ất
|
Canh
|
Mậu |
Bính
|
Tân
|
Canh
|
Ðinh
|
Nhâm
|
Nhâm |
Mậu
|
Quý
|
Giáp
|
Thí dụ: Năm nay là năm Canh Thìn thì tháng Giêng là tháng Mậu Dần, nối tiếp tháng hai là tháng Kỷ Mão,...
Một tháng Âm lịch, kể từ lúc không trăng cho đến lúc không trăng tiếp theo (đúng một tuần trăng) là 29, 53 ngày mặt trời. Ðây là một số lẻ, nên nhà làm lịch đặt ra: tháng Âm lịch 29 ngày là tháng thiếu (Tiểu ngoạt), và tháng 30 ngày là tháng đủ (Ðại ngoạt). Các tháng Âm lịch thiếu và đủ xen kẻ nhau.
Do đó, một năm Âm lịch có: 29, 53 x 12 = 354,36 ngày, ít hơn năm Dương lịch vì năm Dương lịch có 365,25 ngày.
Số ngày ít hơn là: 365,25 - 354,36 = 10,89 ngày.
Trong 3 năm, số ngày Âm lịch ít hơn Dương lịch:
10,89 x 3 = 32, 67 ngày.
Ðể phù hợp với năm Dương lịch và không sai lệnh mấy so với thời tiết trong một năm, thì cứ 3 năm Âm lịch, người ta thêm vào một tháng Nhuận, để cho số ngày trong 3 năm của Âm lịch và Dương lịch được gần bằng nhau.
Cho nên, đối với Âm lịch, sau 3 năm có một năm Nhuận và năm Nhuận đó có 13 tháng.
* Gọi tên giờ Âm lịch:
Theo Âm lịch, mỗi ngày được chia thành 12 khoảng thời gian bằng nhau, mỗi khoảng ấy được gọi là giờ Âm lịch.
Giờ Âm lịch được đặt tên theo Thập nhị Ðịa chi, tức 12 con giáp, khởi đầu là giờ Tý lúc 0 giờ.
Sau đây là Bảng chia giờ Âm lịch theo 24 giờ bình thường của mỗi ngày:
- Giờ Tý
|
: |
từ 0 giờ đến 2 giờ.
|
- Giờ Sửu
|
: |
từ 2 giờ đến 4 giờ. |
- Giờ Dần |
: |
từ 4 giờ đến 6 giờ.
|
- Giờ Mẹo |
: |
từ 6 giờ đến 8 giờ. |
- Giờ Thìn |
: |
từ 8 giờ đến 10 giờ. |
- Giờ Tỵ |
: |
từ 10 giờ đến 12 giờ. |
- Giờ Ngọ |
: |
từ 12 giờ đến 14 giờ. |
- Giờ Mùi |
: |
từ 14 giờ đến 16 giờ. |
- Giờ Thân |
: |
từ 16 giờ đến 18 giờ. |
- Giờ Dậu |
: |
từ 18 giờ đến 20 giờ. |
- Giờ Tuất |
: |
từ 20 giờ đến 22 giờ. |
- Giờ Hợi |
: |
từ 22 giờ đến 24 giờ, bắt qua 0 giờ hôm sau. |
Như vậy, chúng ta nhận thấy:
* Giờ Tý khởi đầu lúc 0 giờ, nên thời điểm 0 giờ được gọi là Chánh Tý. (Chánh là đứng đầu).
* Giờ Ngọ khởi đầu lúc 12giờ trưa, nên thời điểm 12 giờ trưa được gọi là Chánh Ngọ (đầu giờ Ngọ).
* Vấn đề sụt lại 1 giờ trong Âm lịch:
Những người coi ngày giờ tốt xấu để gả cưới, dựng nhà, khai trương, khởi hành, . . . đều sử dụng các giờ Âm lịch sụt lại 1 giờ so với Bảng vừa ghi trên, kê ra như sau:
· Giờ Mẹo: từ 5 giờ tới 7 giờ sáng.
· Giờ Thìn: từ 7 giờ tới 9 giờ sáng.
· Giờ Tỵ: từ 9 giờ tới 11 giờ trưa.
· Giờ Ngọ: từ 11 giờ tới 13 giờ trưa. vv . . . . .
Tại sao có việc sụt lại 1 giờ như vậy?
Chúng ta giải thích điều nầy như sau: Thầy coi ngày tốt xấu của VN đều xử dụng Âm lịch của Tàu và các sách coi ngày của Tàu. Các sách coi ngày nầy đều căn cứ vào giờ địa phương của Tàu, tức giờ Bắc Kinh của họ.
Giờ Bắc Kinh của nước Tàu thì đi trước giờ VN 1 giờ.
Thí dụ: |
Lúc Bắc Kinh 24 giờ
|
thì ở VN là 23 giờ. |
|
- - - - - - 8 giờ |
- - - - - - - 7 giờ. |
Do đó, khi sử dụng sách coi ngày tốt xấu của Tàu thì phải theo giờ của Tàu, tức là phải lấy giờ VN trừ bớt 1 giờ cho đúng theo giờ Tàu.
Sau đây là Bảng đối chiếu giờ Bắc Kinh và giờ VN:
|
Giờ Bắc Kinh |
Tương ứng Giờ VN
|
Giờ Mão
|
6 giờ đến 8 giờ
|
5 giờ đến 7 giờ
|
Giờ Thìn
|
8 giờ đến 10 giờ
|
7 giờ đến 9 giờ |
Giờ Tỵ
|
10 giờ đến 12 giờ
|
9 giờ đến 11 giờ |
Giờ Ngọ
|
12 giờ đến 14 giờ
|
11 giờ đến 13 giờ
|
Giờ Mùi
|
14 giờ đến 16 giờ
|
13 giờ đến 15 giờ |
Giờ Thân
|
16 giờ đến 18 giờ
|
15 giờ đến 17 giờ
|
Giờ Dậu
|
18 giờ đến 20 giờ
|
17 giờ đến 19 giờ
|
* Bảng Lục thập Hoa Giáp:
TT |
Năm
Âm lịch |
Dương lịch |
TT |
Năm
Âm lịch |
Dương
lịch |
1 |
Giáp Tý
|
1924 , 1984 |
31 |
Giáp Ngọ
|
1954 , 2014 |
2 |
Ất Sửu
|
1925 , 1985 |
32 |
Ất Mùi
|
1955 , 2015 |
3 |
Bính Dần
|
1926 , 1986 |
33 |
Bính Thân
|
1956 , 2016 |
4 |
Ðinh Mão
|
1927 , 1987 |
34 |
Ðinh Dậu
|
1957 , 2017 |
5 |
Mậu Thìn
|
1928 , 1988 |
35 |
Mậu Tuất
|
1958 , 2018 |
6 |
Kỷ Tỵ
|
1929 , 1989 |
36 |
Kỷ Hợi
|
1959 , 2019 |
7 |
Canh Ngọ
|
1930 , 1990 |
37 |
Canh Tý
|
1960 , 2020 |
8 |
Tân Mùi
|
1931 , 1991 |
38 |
Tân Sửu
|
1961 , 2021 |
9 |
Nhâm Thân
|
1932 , 1992 |
39 |
Nhâm Dần
|
1962 , 2022 |
10 |
Quý Dậu
|
1933 , 1993 |
40 |
Quý Mão
|
1963 , 2023 |
11 |
Giáp Tuất
|
1934 , 1994 |
41 |
Giáp Thìn
|
1964 , 2024 |
12 |
Ất Hợi
|
1935 , 1995 |
42 |
Ất Tỵ
|
1965 , 2025 |
13 |
Bính Tý
|
1936 , 1996 |
43 |
Bính Ngọ
|
1966 , 2026 |
14 |
Ðinh Sửu
|
1937 , 1997 |
44 |
Ðinh Mùi
|
1967 , 2027 |
15 |
Mậu Dần
|
1938 , 1998 |
45 |
Mậu Thân
|
1968 , 2028 |
16 |
Kỷ Mão
|
1939 , 1999 |
46 |
Kỷ Dậu
|
1969 , 2029 |
17 |
Canh Thìn
|
1940 , 2000 |
47 |
Canh Tuất
|
1970 , 2030 |
18 |
Tân Tỵ
|
1941 , 2001 |
48 |
Tân Hợi
|
1971 , 2031 |
19 |
Nhâm Ngọ
|
1942 , 2002 |
49 |
Nhâm Tý
|
1972 , 2032 |
20 |
Quý Mùi
|
1943 , 2003 |
50 |
Quý Sửu
|
1973 , 2033 |
21 |
Giáp Thân
|
1944 , 2004 |
51 |
Giáp Dần
|
1974 , 2034 |
22 |
Ất Dậu
|
1945 , 2005 |
52 |
Ất Mão
|
1975 , 2035 |
23 |
Bính Tuất
|
1946 , 2006 |
53 |
Bính Thìn
|
1976 , 2036 |
24 |
Ðinh Hợi
|
1947 , 2007 |
54 |
Ðinh Tỵ
|
1977 , 2037 |
25 |
Mậu Tý
|
1948 , 2008 |
55 |
Mậu Ngọ
|
1978 , 2038 |
26 |
Kỷ Sửu
|
1949 , 2009 |
56 |
Kỷ Mùi
|
1979 , 2039 |
27 |
Canh Dần
|
1950 , 2010 |
57 |
Canh Thân
|
1980 , 2040 |
28 |
Tân Mão
|
1951 , 2011 |
58 |
Tân Dậu
|
1981 , 2041 |
29 |
Nhâm Thìn
|
1952 , 2012 |
59 |
Nhâm Tuất
|
1982 , 2042 |
30 |
Quý Tỵ
|
1953 , 2013 |
60 |
Quý Hợi
|
1983 , 2043 |
Can Chi phối hợp có chu kỳ là 60 , nghĩa là: Từ năm Giáp Tý nầy cho đến năm Giáp Tý sau, là 60 năm. Chu kỳ 60 ấy được gọi là Lục thập Hoa Giáp.
Bảng Lục thập Hoa Giáp trên lập thành kể từ năm Giáp Tý (1924) đến năm Quý Hợi (1983) là đúng 60 năm, bước qua Giáp Tý sau, ứng với năm 1984, khởi đầu một Hoa Giáp mới.
Tìm năm Âm lịch tương ứng với năm Dương lịch hay ngược lại:
Sau đây chúng ta có 2 Bảng để tìm năm Âm lịch tương ứng năm Dương lịch, hay ngược lại: Bảng I các năm trước Công nguyên (tức trước Chúa Giáng sinh) và Bảng II sau Công nguyên. Cả 2 bảng đều căn cứ vào năm thứ 1 Chúa Giáng sinh là năm Tân Dậu, cho nên năm -1 (trước Chúa Giáng sanh) là năm Canh Thân).
BẢNG I trước Công nguyên |
Chi
Can |
Tý |
Sửu |
Dần |
Mão |
Thìn |
Tỵ |
Ngọ |
Mùi |
Thân |
Dậu |
Tuất |
Hợi |
Giáp |
57 |
|
7 |
|
17 |
|
27 |
|
37 |
|
47 |
|
Ất |
|
56 |
|
6 |
|
16 |
|
26 |
|
36 |
|
46 |
Bính |
45 |
|
55 |
|
5 |
|
15 |
|
25 |
|
35 |
|
Ðinh |
|
44 |
|
54 |
|
4 |
|
14 |
|
24 |
|
34 |
Mậu |
33 |
|
43 |
|
53 |
|
3 |
|
13 |
|
23 |
|
Kỷ |
|
32 |
|
42 |
|
52 |
|
2 |
|
12 |
|
22 |
Canh |
21 |
|
31 |
|
41 |
|
51 |
|
1 |
|
11 |
|
Tân |
|
20 |
|
30 |
|
40 |
|
50 |
|
60 |
|
10 |
Nhâm |
9 |
|
19 |
|
29 |
|
39 |
|
49 |
|
59 |
|
Quý |
|
8 |
|
18 |
|
28 |
|
38 |
|
48 |
|
58 |
Thí dụ: Tìm năm Âm lịch tương ứng với năm 2852 trước Công nguyên là năm vua Phục Hy lên ngôi.
Cách tính: Ðem 2852 chia cho 60 (chu kỳ Can Chi), ta được: 2852 = 47 x 60 + 32 → Số dư của phép chia là 32.
Lấy số dư 32 nầy, dò lên bảng, ta thấy số 32 ứng với Can là Kỷ và Chi là Sửu. Vậy năm 2852 t. C.n. là năm Kỷ Sửu.
BẢNG II sau Công nguyên |
Chi
Can |
Tý |
Sửu |
Dần |
Mão |
Thìn |
Tỵ |
Ngọ |
Mùi |
Thân |
Dậu |
Tuất |
Hợi |
Giáp |
4 |
|
54 |
|
44 |
|
34 |
|
24 |
|
14 |
|
Ất |
|
5 |
|
55 |
|
45 |
|
35 |
|
25 |
|
15 |
Bính |
16 |
|
6 |
|
56 |
|
46 |
|
36 |
|
26 |
|
Ðinh |
|
17 |
|
7 |
|
57 |
|
47 |
|
37 |
|
27 |
Mậu |
28 |
|
18 |
|
8 |
|
58 |
|
48 |
|
38 |
|
Kỷ |
|
29 |
|
19 |
|
9 |
|
59 |
|
49 |
|
39 |
Canh |
40 |
|
30 |
|
20 |
|
10 |
|
60 |
|
50 |
|
Tân |
|
41 |
|
31 |
|
21 |
|
11 |
|
1 |
|
51 |
Nhâm |
52 |
|
42 |
|
32 |
|
22 |
|
12 |
|
2 |
|
Quý |
|
53 |
|
43 |
|
33 |
|
23 |
|
13 |
|
3 |
Thí dụ 1: Tìm năm Âm lịch tương ứng với năm 1940.
Cách tính: Lấy số 1940 chia cho 60, ta được: 32 với số dư là 20. Lấy số 20 dò lên bảng, ta thấy số 20 ứng với Can là Canh và ứng với Chi là Thìn. Vậy năm 1940 là năm Canh Thìn.
Thí dụ 2: Bài tính ngược lại: Tìm năm Dương lịch ứng với năm Bính Dần đầu thế kỷ 20.
Cách tính: Dò theo hàng Can để tìm chữ Bính, rồi dò theo hàng Chi để tìm chữ Dần, ta được số 6 ứng với năm Bính Dần. Số 6 nầy là số dư.
Ta đem số 6 nầy cộng với một bội số của 60, thế nào để cho số thành lớn hơn 1900 (vì điều kiện là đầu thế kỷ 20).
Ta thấy: 6 + 60 x 32 = 1926.
Vậy năm Bính Dần là năm 1926.
Lưu ý: Các bội số của 60 gần bằng với 1900 là: 1860, 1920, 1980.
· Nếu lấy số 1860 thì năm Bính Dần là 1866.
· Nếu lấy số 1920 thì năm Bính Dần là 1926.
· Nếu lấy số 1980 thì năm Bính Dần là 1986.
Ðiều kiện là đầu thế kỷ 20, nên ta chọn năm 1926.
Năm 1860 là cuối thế kỷ 19; năm 1986 là cuối thế kỷ 20, hai số nầy không phù họp với điều kiện của đề bài, nên ta bỏ ra.
Trường hợp số dư là O:
Khi ta làm bài toán chia, ta có dư số là 0 thì chúng ta lấy số 60 mà dò trên bảng.
Âm quang
陰光
A: The light of the femelle constitutive element.
P: La lumière de l'élément constitutif femelle.
Âm: Một trong hai chất khí nguyên thủy do Thái Cực phân ra: Khí Dương và Khí Âm. Quang: Ánh sáng.
Âm quang là khí chất nguyên thủy do Thái Cực biến hóa sanh ra, chứa đầy năng lực sanh hóa, mang tính Âm, nên mờ mịt lạnh lẽo, do Ðức Phật Mẫu chưởng quản.
PMCK: Chủ Âm quang thường tùng Thiên mạng.
Tương đối với Âm quang là Dương quang.
Dương quang là khí chất nguyên thủy do Thái Cực biến hóa sanh ra, chứa đầy năng lực sanh hóa, mang tính Dương, nên ấm áp và trong sáng, do Ðức Chí Tôn chưởng quản.
Theo Vũ trụ quan của Ðạo Cao Ðài, Khí Hư Vô hay Hư Vô chi Khí là khởi thủy. Khí Hư Vô biến hóa sanh ra một Ðấng duy nhứt gọi Thượng Ðế và ngôi của Ngài là Thái Cực.
Ðấng Thượng Ðế, thường gọi là Ðức Chí Tôn, phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi: Âm quang và Dương quang. Ðó là hai khí chất nguyên thủy có tính đối nghịch nhau, nhưng lại có ái lực nhau, chứa đầy năng lượng sanh hóa vô cùng tận.
Ðức Chí Tôn chưởng quản Dương quang. Còn Khí Âm quang chưa có ai chưởng quản. Ðức Chí Tôn liền hóa thân ra Ðức Phật Mẫu để chưởng quản Âm quang.
Ðức Phật Mẫu vận chuyển Khí Âm quang mịt mù tỏa rộng khắp trong không gian. Khi Ðức Chí Tôn muốn tạo hóa, Ðức Chí Tôn cho Dương quang chiếu tới để phối hợp với Âm quang mà hóa sanh CKVT và vạn vật.
Bát Nương DTC giáng cơ ngày 10-1-Nhâm Thìn (1952), giảng giải như sau: (trích trong Luật Tam Thể)
"Nơi Ao Diêu Trì có một đài phát hiện Âm quang. Ðài ấy thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực, rồi đem Dương quang hiệp với Âm quang mà tạo nên Chơn thần cho vạn linh trong CKVT. Phật Mẫu là Ðấng nắm Cơ Sanh hóa, thay quyền Chí Tôn, đứng ra thâu cả Thập Thiên can, đem hiệp với Thập nhị Ðịa chi mà tạo nên vạn vật. Nơi Cung Diêu Trì là nơi tạo nên Chơn thần và Thể xác đó vậy....."
Bát Nương cũng có giảng giải về Âm quang như sau:
TNHT: “Âm quang là khí chất hỗn độn sơ khai, khi Chí Tôn chưa tạo hóa thì Âm quang được tích chứa nơi DTC. Cái khí Âm quang đó cũng tỉ như cái trứng của phụ nữ để tạo nên loài người. Khi Chí Tôn muốn tạo hóa, Chí Tôn đem khí Dương quang ấm áp chiếu tới, thì lúc đó, Dương quang phối hiệp với Âm quang mà hóa sanh vạn vật.
Nơi nào ánh Dương quang của Chí Tôn chưa chiếu đến thì nơi đó chỉ có Âm quang nên phải bị tối tăm, mịt mờ, chẳng sanh chẳng hóa, và nơi đó gọi là cõi Âm quang."
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
DTC: Diêu Trì Cung.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Cõi Âm quang
A: The world of the sinful souls.
P: Le monde des âmes pécheresses.
Cõi Âm quang là nơi chỉ có khí Âm quang mà không có ánh Dương quang chiếu tới.
Do đó, cõi Âm quang tối tăm, lạnh lẽo, buồn thảm lạ thường. Chư Tiên, Phật xưa gọi nơi ấy là: Âm cảnh, Âm phủ, U Minh, Phong Ðô, . . .
Khi Ðức Chí Tôn mở ÐÐTKPÐ thì Ðức Chí Tôn đóng cửa Ðịa ngục, ân xá cho các đẳng linh hồn tội lỗi khỏi bị hành hình, mà đưa họ đến cõi Âm quang để học đạo và tự xét mình, ăn năn sám hối tội tình, cầu khẩn Ðức Chí Tôn cứu vớt.
Thất Nương DTC nói rõ về cõi Âm quang như sau:
TNHT: “Cõi Âm quang là nơi Thần Linh Học gọi là Trường đình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Ðại Từ Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là Tịnh Tâm Xá, nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội. Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình.
Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm quang. Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.
Ôi ! Tuy vân, hồng ân của Ðại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy. Ðó là mấy Ðạo hữu tín đồ bị thất thệ, phụ nữ lại là phần đông hơn hết."
Bát Nương DTC cũng chỉ rõ như sau:
TNHT: “Âm quang là nơi để cho các chơn hồn giải thân định trí (một nơi trung gian giữa Thiên đường và Ðịa ngục hay là mờ mờ mịt mịt). Ấy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui Thiên phải đi ngang qua đó. Sự khó khăn bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn. Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người, cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm. Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy chơn thần thanh trược.
Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy."
Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát làm Giáo chủ cõi Âm quang, và Ngài trách nhiệm giáo hóa các nam tội hồn; phần giáo hóa các nữ tội hồn thì giao cho Thất Nương DTC.
Thất Nương có thuật lại cho Ðức Phạm Hộ Pháp và Ðức Cao Thượng Phẩm biết như sau: (Thất Nương xưng là Em)
TNHT: “Ngày hội Ngọc Hư Cung đặng lo phương tiếp pháp của Tây phương Cực Lạc qua, Em đã đặng nghe thấy những lời của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát than thở rằng: Ngài là Phật, nên khó gần gũi các hồn nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ. Bởi cớ, nơi Âm quang, nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn nam phái bội phần. Em lại nghe Người ước rằng: Chớ chi có một Ðấng Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong của Phong Ðô thoát kiếp. Em mới để dạ lo lường, cả lòng lân ái đến đó. Em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây mấy
chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm quang hãm tội."
Trong Luật Tam Thể, Bát Nương giáng cơ ngày 10-1-Nhâm Thìn (1952) nói về cõi Âm quang như sau:
“Nơi Cung Diêu Trì còn có một cõi Âm Quang riêng biệt gọi là Phong Ðô đặng giáo hóa các chơn thần đã bị lạc nẻo trên đường trần."
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
DTC: Diêu Trì Cung.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Âm thanh sắc tướng
音聲色相
A: The sound and the appearence: The tangible verity.
P: Le son et l'apparence: La vérité tangible.
Âm: Tiếng. Thanh: Tiếng. Sắc: Các vật có hình dáng. Tướng: Hình dáng bề ngoài thấy được.
Âm thanh sắc tướng là chỉ chung những hình thức hữu hình dùng trong tôn giáo, như: Tiếng tụng kinh, âm nhạc, chuông mõ, trống, nghi lễ cúng tế, hình tượng để thờ phượng, áo mão Chức sắc, phẩm tước, v.v....
Trái với Âm thanh sắc tướng là Vô vi vô hình.
"Tam giáo xưa kia lập Ðạo, lúc ban sơ truyền bá cơ diệu lý quang minh, bắt từ chỗ vô vi khẩu thọ tương truyền, lần lần xuống thì trở ra hữu hình mà Ðạo mầu thất chánh, tâm pháp lạc sai. Ấy là cơ Ðạo đến thời kỳ cuối cùng của Tam giáo, thất chơn truyền diệu pháp.
Còn Ðạo Thầy lại trái hẳn với Tam giáo, là bắt đầu truyền Ðạo thì dụng hữu hình, lấy sắc tướng âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng mau chóng. Vả lại, Ðạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô vi, là cơ Siêu phàm nhập Thánh.
Vậy, thà trước dụng cơ hữu hình để phổ hóa cho cơ Ðạo dễ lưu thông, rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ không hư tức là vô vi thì Ðạo pháp mới phát minh, cơ diệu lý huệ tâm ứng lộ.
Thế là Ðạo Thầy không hư hoại đặng; mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ hữu hình đi lên riết đến tận vô vi. Còn Tam giáo xưa lại từ vô vi mà lần lần sa sụt xuống hữu hình, mới thành Ðạo bế, rồi sai lầm ra ngoại giáo bàng môn." (ÐTCG)
ÐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.
ẨM
Ẩm thực tinh khiết
飲食精潔
A: To drink and to eat purely.
P: Boire et manger purement.
Ẩm: Uống. Thực: Ăn. Tinh khiết: Trong sạch.
Ẩm thực tinh khiết là ăn uống trong sạch, tức là thức ăn và thức uống là đồ chay trong sạch, bổ dưỡng, không dùng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, ...
Nếu còn ăn mặn thì không thể gọi là ẩm thực tinh khiết được, vì đồ ăn mặn có nhiều chất ô trược.
Trong phần Luyện thân Luyện trí để bước vào con đường thứ ba Ðại Ðạo, tức là vào Tịnh Thất luyện Ðạo, Ðức Phạm Hộ Pháp dạy:
"Ẩm thực tinh khiết. Tư tưởng tinh khiết.
Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn và Phật Mẫu.
Thương yêu vô tận.
Ấy là chìa khóa mở cửa Bát Quái Ðài tại thế nầy."
ÂN
Ân
1. ÂN: 恩
Ơn. Td: Ân điển, Ân huệ.
2. ÂN: 慇
Lòng lo lắng. Td: Ân cần.
Ân cần
慇勤
A: Accommodating.
P: Complaisant.
Ân: Lòng lo lắng. Cần: Siêng năng, chịu khó.
Ân cần là lo lắng và chăm sóc chu đáo.
KCS: Quan Thế Âm lân mẫn ân cần.
KCS: Kinh Cầu Siêu.
Ân điển
恩典
A: The favour of king.
P: La faveur du roi.
Ân: Ơn. Ðiển: Phép tắc.
Phép tắc của vua là khi có dịp vui mừng thì ban ơn cho cả quan và dân trong nước, nên gọi là ân điển.
TNHT: Thầy đã cho kẻ thù Thầy đặng hưởng ân điển của Thầy, lẽ nào truất bỏ phần của các con,....
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ân hậu
恩厚
A: The generous favour.
P: La faveur généreuse.
Ân: Ơn. Hậu: Dầy, trái với Bạc là mỏng.
Ân hậu là ơn dầy, cái ơn lớn lao dầy dặn.
KSH: Thi ân hậu bạc ngàn khó sánh.
KSH: Kinh Cầu Siêu.
Ân hồng
恩洪
A: The favour of God.
P: La faveur de Dieu.
Ân: Ơn. Hồng: To lớn, chỉ Ðức Chí Tôn.
Ân hồng hay Hồng ân là ơn của Ðức Chí Tôn ban cho.
KTCMÐQL: Cõi Hư linh bao phủ ân hồng.
KTCMÐQL: Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu
.
Ân huệ
恩惠
A: The favour, the kindness.
P: La faveur, le bienfait.
Ân: Ơn. Huệ: Ơn, cái ơn làm cho người khác.
Ân huệ là cái ơn làm cho người khác.
TNHT: Tạo hóa đã sắp bày độ dẫn, nhuần gội ân huệ cho sanh linh, đương buổi Hạ nguơn nầy.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ân phong
恩封
A: To reward.
P: Récompenser.
Ân: Ơn. Phong: Vua ban phẩm tước cho bề tôi.
Ân phong là Ðức Chí Tôn ban ơn phong thưởng phẩm tước Chức sắc cho những vị có công nghiệp hành Ðạo.
ÐLMD: Những vị nào có đủ công nghiệp mà đã quá lục tuần, đặng đem vào thông qui cầu hàm phong, nhưng phải chịu các điều kiện buộc như những vị đặng hưởng ân phong vậy.
ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
Ân sinh
恩生
A: To survive by the favour of God.
P: Survivre par la faveur de Dieu.
Ân: Ơn. Sinh: Sống.
Ân sinh là ban ơn cho được sống còn.
BDR: Thoát tai bá tánh ngưỡng ân sinh.
BDR: Bài Dâng Rượu
.
Ân tứ
恩賜
A: To grant a favour.
P: Accorder une faveur.
Ân: Ơn. Tứ: Người trên ban cho kẻ dưới.
Ân tứ là Ðức Chí Tôn ban ơn cho các tín đồ.
TNHT: Xưa sanh linh lắm lần hy sinh vì Ðạo, song chẳng đặng ân tứ cho bằng các môn đệ của Thầy ngày nay.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ân xá
恩赦
A: The amnesty; to give an amnesty.
P: L'amnistie ; donner une amnistie.
Ân: Ơn. Xá: Tha tội.
Ân xá là ban ơn tha tội cho.
ÐÐTKPÐ được gọi là Ðại Ân Xá Kỳ Ba của Thượng Ðế ở phương Ðông, Hội Thánh dịch ra Pháp văn là: Troisième Amnistie de Dieu en Orient.
Mỗi kỳ Khai Ðạo là Ðức Chí Tôn đại ân xá cho các đẳng linh hồn, nếu biết ngộ kiếp một đời tu thì có thể đắc đạo, trở về hội hiệp cùng Ðức Chí Tôn. (Xem chi tiết: Ðại Ân Xá).
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
ẨN
ẤN
ẤN: 印 có nhiều nghĩa tùy trường hợp:
1. Ấn: Con dấu đóng vào giấy tờ để làm tin.
Td: Ấn ký.
2. Ấn: In ra nhiều bổn.
Td: Ấn hành, Ấn tống.
3. Ấn: Hai bàn tay làm một dấu hiệu đặc biệt về Ðạo, có tác dụng huyền bí.
Td: Ấn Tý.
Ấn chứng
印證
A: The mark of the spiritual exercise.
P: L'empreinte de l'exercice spirituel.
Ấn: Dấu hiệu để làm tin. Chứng: Xác nhận có thật.
Ấn chứng là những dấu hiệu xác nhận kết quả đạt được sau một thời gian công phu luyện đạo.
TNHT: Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao giải tán cho đặng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ấn hành
印行
A: To print and to publish.
P: Imprimer et publier.
Ấn: In ra nhiều bổn. Hành: Ði từ nơi nầy đến nơi khác.
Ấn hành là in ra và phân phát rộng rãi.
TL: Chẳng được soạn hay ấn hành những truyện phong tình huê nguyệt.
TL: Tân Luật.
Ấn ký
印記
A: Signature and seal.
P: Signature et cachet.
Ấn: In ra nhiều bổn. Ký: Ký tên, chữ ký tên.
Ấn ký là con dấu và chữ ký tên (hay ký tên và đóng dấu).
Ấn tống
印送
A: Printed for free distribution.
P: Imprimé pour distribution gratuite.
Ấn: In ra nhiều bổn. Tống: Tặng, biếu.
Ấn tống là in sách để tặng cho mọi người, không bán.
Các kinh sách của Ðạo hay sách khuyến tu được những người phát tâm lập âm chất mướn in rồi phát không cho mọi người. Những quyển sách nầy thường được in ở bìa sau hai chữ “ẤN TỐNG"
Ấn Tý
印子
A: To joint two hands at Tý.
P: Joindre deux mains en Tý.
Ấn: Hai bàn tay làm một dấu hiệu đặc biệt về Ðạo, có tác dụng huyền bí. Tý: Chi đứng đầu trong Thập nhị Ðịa chi. Trên lòng bàn tay trái, vị trí chi Tý ở chân ngón áp út, chân ngón tay giữa là chi Sửu, chân ngón tay trỏ là chi Dần.
Trong Ðạo Cao Ðài, khi cúng lạy, hai bàn tay phải bắt Ấn Tý. Bắt Ấn Tý là làm như sau:
Bàn tay trái, co ngón cái bấm vào chi Tý (chân ngón áp út), rồi nắm tay lại. Bàn tay mặt ôm bên ngoài cái nắm tay trái tạo thành một khối tròn, ngón tay cái của bàn tay mặt bấm vào chi Dần của bàn tay trái.
Hai bàn tay bắt Ấn Tý như vậy, có ý chỉ rằng: Thiên khai ư Tý, Ðịa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần. (Trời khai ở Hội Tý, Ðất yên ở Hội Sửu, Người sanh ra ở Hội Dần).
Tay tả là Dương, tay mặt là Âm. Hai tay chắp lại là Âm Dương hiệp nhứt, phát khởi Càn khôn, hóa sanh vạn vật.
Hai tay chắp lại tạo hình như một trái cây, tượng trưng sự kết quả của hai kỳ Phổ Ðộ trước là: Nhứt Kỳ Phổ Ðộ và Nhị Kỳ
Phổ Ðộ.
■ Thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Thái Thượng dạy cách bắt tay: Hai bàn tay mặt và trái nắm co chắp lại, giống như cái bông búp.
■ Thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Phật Thích Ca dạy hai bàn tay xòe chắp lại cho hai lòng bàn tay ốp sát vào nhau, và khi lạy thì hai bàn tay lật ngửa ra giống như cái bông nở.
■ Nay là thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài, dạy hai bàn tay bắt Ấn Tý chắp lại, tựa như kết thành quả, có cái hột bên trong, chỉ rằng đây là thời kỳ kết quả của hai thời kỳ Phổ Ðộ trước là bông búp rồi bông nở. Khi lạy thì mở hai bàn tay ra và úp xuống như là gieo hạt giống.
Như vậy, Ấn Tý là Ấn đặc biệt của ÐÐTKPÐ. Do đó, khi cúng lạy Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu, hay lạy các Ðấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, lạy Cửu Huyền Thất Tổ, lạy vong, chúng ta đều phải bắt Ấn Tý.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
ẨN
ẨN
ẨN: 隱 Giấu kín, che giấu.
Td: Ẩn danh, Ẩn nhẫn.
Ẩn danh
隱名
A: To retain one's anonymity.
P: Garder l'anonymat.
Ẩn: Giấu kín, che giấu. Danh: Tên.
Ẩn danh là giấu tên, không muốn người ta biết tên mình.
TNHT: Sánh vai Sào Phủ ẩn danh xưa.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ẩn nhẫn
隱忍
A: To repress oneself.
P: Se reprimer.
Ẩn: Giấu kín, che giấu. Nhẫn: Nhịn nhục.
Ẩn nhẫn là giấu kín lòng riêng của mình mà nhịn nhục cho qua thời buổi.
TNHT: Chi chi cũng ẩn nhẫn đợi lịnh Thầy.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ẩn thân
隱身
Ẩn: Giấu kín, che giấu. Thân: Thân mình.
Ẩn thân là giấu kín thân mình ở một nơi vắng vẻ để được yên ổn tu hành và luyện đạo.
TNHT: Nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
ÂU
Âu ca
謳歌
A: To sing joyfully.
P: Chanter joyeusement.
Âu: Hát đều tiếng với nhau. Ca: Hát.
Âu ca là cùng nhau ca hát vui vẻ.
Âu ca lạc nghiệp là cùng nhau ca hát vui vẻ vì có nghề nghiệp làm ăn sinh sống thoải mái.
Mạnh Tử viết: Bất âu ca Nghiêu chi tử, nhi âu ca Thuấn. Nghĩa là: Không ca hát ngợi khen con của vua Nghiêu, mà hát ca ngợi khen Ông Thuấn. Bởi vì con vua Nghiêu không là người hiền, còn Ông Thuấn là người hiền. Do đó,vua Nghiêu không truyền ngôi cho con mà truyền ngôi cho Ông Thuấn.
TNHT: Hồng ân chung hưởng buổi âu ca.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
ẤU
ẤU
ẤU: 幼 Bé nhỏ, non nớt.
Td: Ấu trĩ viện, Ấu xuân.
Ấu trĩ viện
幼稚院
A: The crèche.
P: Le crèche.
Ấu: Bé nhỏ, non nớt. Trĩ: Trẻ con. Viện: Tòa nhà lớn.
Ấu trĩ viện là tòa nhà dùng làm nơi nuôi dạy trẻ con trong lứa tuổi mẫu giáo (dưới 6 tuổi).
ÐLMD: Nơi mỗi nhà Sở Phước Thiện chánh, phải lập các cơ quan thiết dụng như là: Bảo Sanh Viện, Y Viện, Ấu Trĩ Viện, Dưỡng Lão Ðường, Học Viện.
ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
Ấu xuân
幼春
A: Infancy.
P: Enfance.
Ấu: Bé nhỏ, non nớt. Xuân: Tuổi trẻ, thời niên thiếu.
Ấu xuân là thời tuổi trẻ còn non nớt, thời học trò.
KTKTQV: Công thầy tô điểm từ ngày ấu xuân.
KTKTQV: Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị.
|