GÀ
Gà lồng
A: The cock in a case.
P: Le coq dans une cage.
Gà lồng là con gà bị nhốt trong lồng (lồng là cái chuồng nhỏ). Ý nói: Mất tự do, sống trong lo âu sợ sệt, không biết bị giết làm thịt lúc nào.
Thơ của Đức Lý Thái Bạch:
籠雞有米攤鍋近
野鶴無粱天地寬
Lung kê hữu mễ than oa cận,
Dã hạc vô lương Thiên Địa khoan.
Nghĩa là:
Con gà ở trong chuồng có đầy đủ lúa thóc mà gần bên cái nồi đang bày ra.
Con hạc ở ngoài đồng không có lương thực mà Trời Đất rộng rãi.
Ý nói: Thà chịu bữa đói bữa no mà được ung dung thong thả, còn hơn bị ràng buộc mất tự do, tuy ăn uống đầy đủ mà không biết cái chết kề bên.
TNHT: |
Bụng trống thảnh thơi con hạc nội,
Lúa đầy túng tíu phận gà lồng. |
"Thà cực mà được thong thả còn hơn sướng mà phải chịu nguy hiểm. Có mối Đạo dìu mình được tự do thiêng liêng, mà cái tự do thiêng liêng ấy, ta hãy làm con hạc nội mới mong chiếm được."
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GAN
Gan tấc
A: Courageous.
P: Courageux.
Gan: lá gan trong lồng ngực của con người, biểu thị sự bạo dạn dám làm những việc nguy hiểm mà người nhát không dám làm. Tấc: một tấc bằng 1/10 của thước. Chữ "Tấc" thường được dùng để nói về lòng dạ của con người với ý khiêm tốn: Tấc lòng, Tấc dạ, Tấc son.
Gan tấc là lòng dạ bền bỉ, can đảm, không đổi.
KCTPĐQL: Cho bền gan tấc noi đường thảo ngay.
CHÚ Ý: Gang tấc: Gang là một gang bàn tay, chỉ một đoạn ngắn; Tấc là 1/10 của thước. Gang tấc là chỉ sự gần gũi thân thiết. Truyện Kiều: Trong gang tấc lại gấp mười quan san.
KCTPĐQL: Kinh Cầu Tổ Phụ Ðã Qui Liễu.
GẠN
Gạn đục lóng trong
A: To clarify.
P: Clarifier.
Gạn: lừa lọc để bỏ đi phần cặn bã. Lóng: để yên cho chất cặn lắng xuống đáy để lấy chất trong bên trên. Đục: chất bẩn. Trong: chất trong sạch.
Gạn đục lóng trong là lọc bỏ phần cặn bã dơ bẩn để lấy phần trong sạch bên trên.
Ý nói: Chừa bỏ dần dần các tánh nết xấu xa để giữ cho tâm tánh được trong sạch tốt đẹp.
TNHT: Thế giới cũng vì đó phải đổi thay, gạn đục lóng trong mà tạo thành miền Cực Lạc.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GĂN
Găn-ta-ca
( Xem chữ: Căn-ta-ca, vần C )
GHE
Ghe phen
A: Several times.
P: Plusieurs fois.
Ghe: nhiều. Đây là từ ngữ xưa, nay ít dùng. Phen: lần.
Ghe phen là nhiều lần, đồng nghĩa: Đòi phen.
TNHT: Thầy cũng ghe phen muốn phạt những kẻ lấy bực phẩm của phàm mà gây nên rối rắm trong Đạo, nhưng chẳng nỡ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIA
GIA
1. GIA: 加 Thêm, cho thêm.
Td: Gia ân.
2. GIA: 家 Nhà, gia đình.
Td: Gia pháp.
Gia ân
加恩
A: To grant a favour.
P: Accorder une faveur.
Gia: Thêm, cho thêm. Ân: ơn.
Gia ân là ban thêm ơn huệ.
TNHT: Gia ân đồ đệ dựng nền nhân.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển
Gia bần hiển hiếu tử
家貧顯孝子
Gia: Nhà, gia đình. Bần: nghèo. Hiển: lộ rõ ra.
Gia bần hiển hiếu tử là nhà nghèo mới rõ lòng con hiếu.
Trong sách Minh Tâm Bửu Giám, Ông Vương Lương có viết: Quân thánh thần trung, phụ từ tử hiếu; gia bần hiển hiếu tử, thế loạn thức trung thần. Nghĩa là: Vua thánh thì tôi trung, cha hiền thì con hiếu; nhà nghèo mới hiện rõ con hiếu, đời loạn mới biết bề tôi trung.
Cũng thường nói: Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần. Nghĩa là: Nhà nghèo mới biết con hiếu, nước loạn mới biết bề tôi trung.
Gia công
加功
A: To strive.
P: S'efforcer.
Gia: Thêm, cho thêm. Công: sức lực đem ra làm việc.
Gia công là thêm công sức vào đó để làm cho kết quả.
TNHT: Ấy là những đứa Thầy đã tin cậy đặng gia công dọn lối chông gai.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Gia giáo bất nghiêm
家敎不嚴
Gia: Nhà, gia đình. Giáo: dạy. Bất: không. Nghiêm: chặt chẽ, đúng theo kỷ luật. Bất nghiêm: không chặt chẽ đúng phép.
Gia giáo bất nghiêm là việc dạy dỗ con cái trong nhà không được chặt chẽ, nghiêm nhặt.
Gia hòa vạn sự hưng
家和萬事興
Gia: Nhà, gia đình. Hòa: êm thuận với nhau. Hưng: thạnh.
Gia hòa vạn sự hưng là gia đình hòa thuận thì muôn việc đều hưng thịnh.
Gia nghiêm
家嚴
A: My father.
P: Mon père.
Gia: Nhà, gia đình. Nghiêm: chỉ người cha.
Gia nghiêm là tiếng gọi cha mình khi nói chuyện với người khác.
Đồng nghĩa Gia nghiêm là: Nghiêm đường, Nghiêm quân.
Gia phả (Gia phổ)
家譜
A: The genealogical register.
P: Le régistre généalogique.
Gia: Nhà, gia đình. Phả hay Phổ: quyển sách ghi chép có thứ tự.
Gia phả hay Gia phổ là quyển sách ghi chép các thế hệ tổ tiên trong dòng họ và lai lịch của tổ tiên.
Gia pháp
家法
A: The family rules.
P: Les règles familiales.
Gia: Nhà, gia đình. Pháp: phép tắc.
Gia pháp là phép tắc đặt ra cho gia đình mà mọi người trong gia đình phải tuân theo và gìn giữ.
TĐ ĐPHP: Anh em, thảng có đứa du côn không kể gia pháp, làm rối loạn gia đình thì kẻ đó, ai cũng muốn bỏ.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Gia phong
家風
A: The family habits.
P: Les moeurs familiales.
Gia: Nhà, gia đình. Phong: tạp quán, lề lối quen thuộc.
Gia phong là nếp nhà, lề lối quen thuộc trong gia đình.
CHÚ Ý: Gia phong: 加封 (Gia là thêm, phong ban cho chức tước) Vua ban thêm chức tước cho bề tôi (thăng chức).
Gia tặc nan phòng
家賊難防
Gia: Nhà, gia đình. Tặc: kẻ trộm. Nan: khó. Phòng: giữ gìn.
Gia tặc nan phòng là kẻ trộm ở trong nhà thì khó mà gìn giữ cho khỏi bị mất trộm.
Gia tế phước
加濟福
A: To grant the favours.
P: Accorder les faveurs.
Gia: Thêm, cho thêm. Tế: giúp đỡ. Phước: điều tốt lành.
Gia tế phước là cứu giúp và ban thêm phước lành.
BDH: Ngưỡng vọng Từ Bi gia tế phước.
BDH: Bài Dâng Hoa.
Gia thất
家室
A: The family, to built a family.
P: La famille, fonder une famille.
Gia: tiếng vợ gọi chồng. Sách Mạnh Tử: "Nữ tử sinh nhi nguyện vi chi hữu gia." Nghĩa là: Con gái sanh ra, cha mẹ mong cho con gái có chồng. Thất: tiếng chồng gọi vợ. Kinh Lễ: "Tam thập viết tráng hữu thất." Nghĩa là: Ba mươi tuổi là tráng niên có vợ.
Do đó, gia thất là chỉ vợ chồng, việc lập gia đình.
TĐ ĐPHP: Đối với xã hội, tổ phụ chúng ta biết con cái lớn lên phải lập gia thất.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Gia tiên
家先
A: The ancestors.
P: Les ancêtres.
Gia: Nhà, gia đình. Tiên: trước, chỉ tổ tiên.
Gia tiên là tổ tiên của gia đình.
Gia Tô Giáo chủ
耶蘇敎主
Đức Chúa Jésus Christ là Giáo chủ của Thiên Chúa giáo. Thiên Chúa giáo còn được gọi là Công giáo, Đạo Gia-Tô, nên Đức Chúa Jésus còn được gọi là Gia-Tô Giáo chủ.
Đạo Thiên Chúa do Đức Chúa Jésus lập ra ở nước Do Thái, sau Đạo Phật ở Ấn Độ 544 năm.
Đạo Thiên Chúa là Thánh đạo trong Ngũ Chi Đại Đạo.
Đức Chúa Jésus là chơn linh của Đức Phật Christna, một vị Phật trong Tam Thế Phật, giáng sanh để mở đạo Thánh nơi Do Thái, cứu độ các sắc dân ở Âu Châu thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo trong ngày Vía Đức Chúa Jésus 25-12-1948 và 25-12-1949, xin trích ra như sau:
"Có một Đấng Chơn linh Tam Thế Chí Tôn, nhơn loại đều biết danh: Brahma Phật, tức là Tạo hóa; Nhị thế Çiva Phật, tức Tấn hóa; Tam thế Christna Phật, tức Bảo tồn; Đấng trọn quyền bảo tồn ấy là lòng ái tuất thương sanh vậy.
Vì cớ cho nên, Đức Chúa Jésus Christ thương nhơn loại một cách nồng nàn thâm thúy.
Ngài đã ngó thấy Nhứt Kỳ Phổ Độ, nhơn loại ký Hoà ước với Chí Tôn mà đã bội ước, nên phạm Thiên điều, nhơn quả nhơn loại gớm ghiết. Do nhơn quả ấy mà tội tình nhơn loại lưu trữ đến ngày nay. Thánh giáo gọi "Tội Tổ Tông". Chính mình Ngài đến, đến với một xác thịt phàm phu, Ngài đến giơ tay để ký Đệ nhị Hòa ước với Đức Chí Tôn, chịu tội cho nhơn loại, ký Đệ nhị Hòa ước đặng dìu dắt chúng sanh trở về cùng Đấng Cha Lành của họ tức là Đức Chí Tôn của chúng ta ngày nay đó vậy.
Đấng ấy vô tận vô biên, thấy nạn của nhơn loại đã dẫy đầy, Ngài chỉ xuống mặt thế nầy làm con tế vật đặng chuộc tội tình cho nhơn loại, mà lại còn đem quyền của Chí Tôn để nơi tay của nhơn loại, bàn tay đó đã ký Đệ nhị Hòa ước cho nhơn loại, nó làm cho Ngài thế nào? Do tay Ngài ký tờ Hòa ước với Chí Tôn, nên hai tay của Ngài bị đóng đinh trên cây Thập tự giá. Hai chân của Đấng ấy đã đi trước nhơn loại, dìu đường hằng sống cho họ, rồi hai chân của Đấng ấy cũng bị đóng đinh trên cây Thánh giá. Còn trái tim yêu ái nhơn sanh vô hạn ấy bị một mũi kiếm vô tình đâm cạnh hông Ngài, lấy giọt máu cuối cùng đó đặng cứu nhơn loại, một tình ái vô biên ấy để lại cho loài người một tôn chỉ yêu ái. Tôn chỉ nhìn nhơn loại là anh
em cốt nhục và khuyên nhủ nhơn loại coi nhau đồng chủng.
Cho đến ngày nay, cả nhơn loại trên Địa cầu nầy không chịu nghe lời Ngài, không theo bước của Ngài, nên nạn tương tàn tương sát sắp diễn ra gần đây. Nhưng nếu chừng nào toàn cả nhơn loại biết thương yêu nhau, vì tình cốt nhục, thì cái nạn tương tàn tương sát trên mặt Địa cầu nầy sẽ không còn nữa.
Hai tấn tuồng, hai thảm trạng như thế, có thể đưa nhơn loại đến chỗ tiêu diệt mà chớ, vì nhơn loại không biết nghe, Đấng ấy đã lấy máu thịt của mình làm con tế vật dâng hiến cho Đức Chí Tôn để cầu xin tha tội cho nhơn loại.
Nhơn loại sẽ mất đức vì không nghe theo Đấng Cứu thế. Đấng ấy đã bảo anh em phải yêu ái nhau, giúp đỡ nhau, sống cùng nhau cho trọn vẹn kiếp sanh.
Trái ngược lại, Đệ nhị Hòa ước kia đã ký với Đức Chí Tôn bị nhơn loại bội ước nữa. Vì bội ước mà bảo nhơn loại không bị tội tình mắc mỏ sao được.
Đêm nay, nhờ hiển Thánh anh linh của Đấng Cứu thế, Đấng ấy đã để lòng ưu ái vô tận, mong cứu vãn tình thế nguy ngập, lấy cả tình ái ấy làm phương giải khổ cho nhơn loại.
Chúng ta để tâm cầu nguyện Ngài, để Ngài mở con mắt thiêng liêng cho chúng sanh đặng nhìn thấy cái chơn tánh của kiếp sống họ nơi nào, đừng mê muội, đừng ngu dốt, lấy tinh thần sáng suốt, bỏ cái Lục dục Thất tình đầy tội ác nầy."
"Cái chết của Đức Chúa Jésus Christ là gì? Là Ngài đem xác Thánh quí trọng dâng cho Đức Chí Tôn làm tế vật. Xác Thánh chết trên Thánh giá là tế lễ đồng thể với Tam Bửu của chúng ta dâng cúng Đức Chí Tôn ngày nay đó vậy.
Vậy, Đức Chúa Jésus Christ đã làm con tế vật cho Đức Chí Tôn đặng cứu chuộc tội lỗi của loài người, nhứt là các sắc dân Âu Châu, nên danh thể Ngài để hai chữ Cứu Thế chẳng có chi là quá đáng."
"Ngài chết như thế ấy, nếu không phải con mắt thiêng liêng oai quyền của Đức Chí Tôn thì cái chết của Jésus Christ mai một mờ ám mà thôi, không có cái gì gọi là Chí Thánh cả. Không phải vậy, Đức Chí Tôn đã hứa, đã nhìn nhơn loại là con và chính mình Ngài đã ở trọn hiếu cùng hy sinh tánh mạng của mình làm cho danh của Đức Chí Tôn cao trọng và làm cho nhơn loại đặng hưởng đặc ân của Đức Chí Tôn chan rưới, làm cho con cái của Chí Tôn biết cái hiếu của Ngài đối với Đức Chí Tôn.
Từ thử tới giờ, chưa có một Giáo chủ nào đã làm. Cái hiếu của Ngài đến giờ chót đối với Đức Chí Tôn đã trọn.
Còn Đức Chí Tôn, nếu không phải giữ Nghĩa với đứa con yêu dấu, con hiếu hạnh của Ngài, thì cái chết của Jésus Christ bất quá như kẻ tù nhân chết mà thôi, có đâu lên phẩm vị Giáo chủ, ngồi trên ngai thiêng liêng vô cùng quí báu trên mặt địa cầu nầy gần 2000 năm.
Trong lúc Đức Chúa Jésus Christ làm con hiếu hạnh có 3 năm thôi, mà Đức Chí Tôn trả lại cái danh dự sang trọng cho Ngài đến 1949 năm là năm nay."
Tiểu sử Đức Chúa Jésus
Đức Chúa Jésus giáng sanh trong một gia đình bần hàn nhưng rất đạo đức: Gia đình Bà Maria và Ông Joseph.
Bà Maria trước đó là một Nữ tu trong Đền thờ Jérusalem, đến tuổi lấy chồng, luật Đền thờ buộc các Nam tu sĩ trong Đền thờ phải có người đứng ra cưới, bởi vì căn cứ theo lời dạy của Thượng Đế với Ông Adam và Bà Êve: "Unissez-vous et multipliez." (Bây phải chung sống cùng nhau đặng sanh sản ra nhiều nữa).
Lễ chọn chồng của Nữ tu Maria tổ chức theo luật của Đền thờ: Các vị Nam tu sĩ chưa có vợ, mỗi người lựa một nhánh bông, cắm vào bình bông đặt trong Đền thờ, sau ba ngày, bông của người nào còn tươi tắn là duyên của người đó, phải cưới Maria.
Ông Joseph lúc đó đã 50 tuổi, cũng phải theo luật lệ đó. Các vị Nam tu sĩ trẻ tuổi đã lựa bông kỹ lưỡng với nhiều hy vọng và đã cắm vào bình hoa hết rồi. Còn Joseph nghĩ mình đã già rồi, có vợ con làm chi nữa, nhưng luật Đền thờ thì phải vâng, nhưng làm cho có lệ. Ông lượm một nhánh bông huệ khô héo của ai bỏ dưới đất, đem cắm đại vào bình. Nhưng kỳ lạ thay, loài hoa huệ, những bông nở tàn rồi thì rụng đi, còn bông búp bắt nước sống lại, nở ra tươi tốt. Các thứ hoa khác trong bình đều tàn rụi. Thế là Ông Joseph phải cưới Maria.
Luật Đền thờ lại buộc hai vợ chồng mới cưới phải ra ở ngoài, không được ở trong Đền thờ nữa. Vợ chồng Maria và Joseph dắt ra ngoài mướn nhà ở, lo làm ăn sanh sống. Ông Joseph làm nghề thợ mộc, Bà Maria làm nghề vá may, đan thêu, tạm sống qua ngày.
Bà Maria có thai con đầu lòng: Chúa Jésus. Bà được Thiên Thần Gabriel báo mộng cho biết Bà sẽ sanh ra cho loài người một Đấng Cứu Thế.
Đến ngày Lễ Noel hằng năm tổ chức long trọng nơi Đền thờ Jérusalem, tuy bụng mang dạ chửa gần ngày sanh nở, nhưng vì lòng mộ đạo, hai vợ chồng Maria-Joseph đều cố gắng đi đến Đền thờ để chầu lễ. Khi đến nơi, các quán trọ đều bị khách dự lễ mướn hết, tiết Trời lại quá lạnh lẽo, hai vợ chồng phải đến Bêlem, xin với một chủ trại cho tạm trú đỡ trong chuồng chiên.
Đúng 12 giờ khuya đêm 24 tháng 12 dương lịch, Bà Maria chuyển bụng sanh ra Chúa Jésus. Chúa Hài đồng được quấn tả và được tạm đặt vào máng cỏ cho đỡ lạnh nơi chuồng chiên trong hang đá.
Các nhà Tiên tri đã báo trước ngày Chúa giáng sanh: Ngày nào sao chổi mọc là ngày đó Chúa giáng sanh, nên nhớ mà để ý tìm người. Trong giờ Chúa giáng sanh, có nhiều huyền diệu xảy ra: Đám chăn chiên ngoài đồng bỗng nghe giữa thinh không có tiếng nói của Thiên Thần: Có Chúa Cứu Thế giáng sanh, hào quang tỏa sáng ngời.
Các người chăn chiên liền đi tìm và gặp Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, họ đảnh lễ Chúa trước tiên hơn hết.
Vua Hérode đang cai trị dân Do Thái, bỗng tiếp kiến các Đạo sĩ từ phương Đông tìm đến và hỏi rằng: "Vua dân Do Thái mới sanh ra hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên Trời Đông, nên tìm đến để đảnh lễ Ngài."
Nghe vậy, vua Hérode hoảng hốt và cả thành Jérusalem cũng náo động lên. Ông cho triệu tập các vị Thượng Tế và Ký Lục để hỏi thì họ cho biết Chúa đã được sanh ra ở Bêlem xứ Juđê. Vua Hérode lo sợ sự hiện diện của Chúa làm hại đến quyền lực của Ông, nên Ông tìm cách giết Chúa, nhưng Ông không biết trẻ con nào là Chúa. Ông ra lịnh giết tất cả những đứa trẻ từ 2 tuổi trở xuống, tính theo thời gian mà Ông đã hỏi nơi các Đạo sĩ.
Thiên Thần liền hiện ra báo mộng cho ông Joseph, bảo: Hãy chổi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trốn qua Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi ta nói lại, vì vua Hérode sắp lùng bắt hài nhi mà giết đi.
Sáu năm sau, vua Hérode chết. Thiên Thần lại đến báo mộng bảo Joseph: Hãy chổi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trở về Do Thái vì kẻ tìm hại hài nhi đã chết.
Ông Joseph đem gia đình về xứ Galilé ở thành Nazaret. Chúa Jésus được 6 tuổi. Hai ông bà còn sanh thêm 4 người con nữa, cả gia đình sống rất bẩn chật. Ông Joseph tiếp tục làm nghề thợ mộc, bà Maria thì vá may. Chúa Jésus là anh cả trong nhà thường giúp mẹ đội nước mướn ở bờ sông Jourdain.
Lúc Chúa Jésus được 12 tuổi, Ngài theo cha học nghề thợ mộc. Khi đó, Ông Joseph lãnh làm nhà cho một người trong xóm, tính toán thế nào mà khi cắt cột gỗ, mấy cây cột đều cụt hết. Chủ nhà bắt đền.
Ông Joseph ngồi khóc ròng, vì nhà nghèo tiền đâu mà đền. Chúa Jésus liền cầu nguyện, rồi cha nắm một đầu cột, con nắm một đầu cột kéo dãn dài ra cho đủ thước tấc để bồi thường cho chủ nhà. Việc làm liều đó, lạ lùng thay, cây cột gỗ lại dãn dài ra như ý muốn.
Đó là Đấng Christ làm phép lạ lần đầu tiên lúc 12 tuổi.
Cũng trong năm đó, Chúa Jésus vô Đền thờ Jérusalem. Các vị giáo sĩ trong Đền thờ nghe danh Chúa là thần đồng liền xúm lại chất vấn. Buổi đó, Đức Christna Phật giáng linh trên Chúa, nên Ngài đã ngồi giữa các vị giáo sĩ thuyết pháp say mê làm mọi người rất đỗi kinh ngạc.
Từ đó, Chúa Jésus về nhà thì cũng như mọi người, phụ làm thợ mộc với cha, hiếu hạnh với mẹ, hòa nhã với em út. Nhưng các em thường hay lấn lướt Ngài. Cảm thấy khó khăn, Chúa Jésus bèn xin đi làm thuê bên ngoài, lấy tiền về phụ với cha mẹ nuôi gia đình.
Thời gian dài trôi qua, đến năm Chúa Jésus được 30 tuổi, nghe Thánh Jean Baptiste đang làm lễ Giải Oan tại bờ sông Jourdain, Chúa Jésus liền đi đến đó. Khi nhìn thấy Chúa Jésus từ xa đi tới, Thánh Jean Baptiste biết đây là Chúa Cứu Thế, mới nói: "Từ sáng tới giờ, tôi chỉ chờ vị nầy mà thôi."
Đức Chúa đến thọ pháp Giải Oan nơi Thánh Jean. Khi Thánh Jean hành pháp vừa xong, Đức Chúa Jésus từ dưới sông vừa bước lên bờ thì trên không trung hiện ra hào quang sa xuống giữa đầu Chúa và có tiếng phán rằng: "Nầy con yêu dấu của Ta! Cả ân đức của Ta để cho ngươi đó."
Sau đó, Chúa Jésus được khiến đi vào sa mạc để chịu sự thử thách của Quỉ Satan. Suốt 40 ngày đêm, Chúa bị Quỉ vương cám dỗ đủ điều, nhưng không dụ được Chúa. Quỉ vương đành khuất phục trước sự cao cả của Ngài.
Từ buổi đó, Đức Chúa Jésus là chơn linh của Đấng Christna Phật giáng hạ. Ngài bắt đầu truyền Đạo khắp nơi, thâu nhận 12 Tông đồ, làm nhiều phép lạ để cứu khổ nhơn sanh. Ngài xưng là con của Đức Chúa Trời, tức là con của Thượng Đế và tôn vinh Đấng Thượng Đế cao cả.
Đức Chúa Jésus, với lòng thương yêu nhơn sanh một cách nồng nàn, Ngài đã dạy dỗ các môn đồ lòng thương yêu, bác ái, hạnh bố thí, sự chơn thật, khiêm nhượng, tự xét mình để sửa mình, các điều răn cấm, giữ tâm thanh cao trong sạch, lời nói trọn lành, hành động chơn chánh, thờ kính Đức Chúa Trời một cách hết lòng.
Bởi luật vô vi, không ai thoát khỏi ngày Phán Xét cuối cùng, dù người đã chết hay người đang sống, cũng đều chịu sự thưởng phạt đúng mức công bình.
Tất cả những điều giáo huấn của Đức Chúa Jésus tạo thành một hệ thống giáo lý cho nền Đạo Thánh ở nước Do Thái, truyền bá mạnh mẽ sang Âu Châu. Uy quyền của bọn vua quan phong kiến và bọn Giáo chủ Cai-phe bị lung lay, nên chúng tìm cách giết Chúa Jésus.
Bọn chúng vu cáo Ngài mưu việc phản loạn, chúng lại mua chuộc Yuda, một Tông đồ của Chúa, phản lại Chúa. Tiền bạc đã làm chóa mắt Yuda, ông đã điềm chỉ cho bọn lính bắt Chúa. Chúa Jésus bị chúng lên án tử hình và bị đóng đinh trên Thập tự giá. Đức Chúa Jésus đã biết trước việc đó, nhưng Ngài không né tránh, mà cứ thể theo Thiên ý.
Cái chết của Ngài có ý nghĩa gì?
Đó là đem xác Thánh quí trọng hiến dâng lên Đức Thượng Đế, làm con tế vật hầu chuộc tội cho loài người. Việc làm nầy đồng thể với việc dâng Tam bửu của tín đồ Cao Đài lên Đức Chí Tôn, nhưng lại tuyệt đối cao trọng hơn.
Cái chết của Chúa Jésus để chuộc tội cho các sắc dân Âu châu thật cao cả, xứng đáng là Chúa CứuThế của nhơn loại.
Mười hai vị Thánh Tông đồ của Đức Chúa Jésus là:
1. Simôn, cũng gọi là Phêrô (Thánh Pierre).
2. Anhrê, em của Phêrô.
3. Yacôbê, con của Zêbêđê.
4. Yoan, em của Yacôbê.
5. Philip.
6. Barthêlêmy.
7. Thôma.
8. Mathiơ là người thâu thuế.
9. Yacôbê, con của Alphê.
10. Thađê.
11. Simôn nhiệt thành người Ca-na-an.
12. Yuđa Iscariốt (được thay bằng Matthya).
Chính Yuđa đã bán Chúa để nhận tiền của bọn Cai-phe đem về mua ruộng đất, nhưng liền bị tai nạn té nhào, vỡ bụng lòi ruột chết thảm. Mười một Tông đồ còn lại của Chúa đã cử Ông Matthya thay thế Yuđa cho đủ số 12 Tông đồ như lúc đầu.
Đức Chúa Jésus, tuy là Giáochủ Thánh đạo, nhưng chơn linh Ngài là một vị Phật. Ngài lãnh lịnh Đức Chí Tôn mở Đạo Thánh nơi nước Do Thái để cứu độ các sắc dân ở Âu châu.
Đức Chúa Jésus giáng sanh, dù do phàm thai hay do Thánh thai, dù là con ruột của ông Joseph thuộc dòng dõi vua David (tức là phàm thai, Đức mẹ Maria không đồng trinh), hay là con nuôi của ông Joseph, không thuộc dòng dõi của vua David (tức là Thánh thai, Đức mẹ Maria đồng trinh), thì sự tôn thờ Chúa, không phải căn cứ vào điều đó, mà căn cứ vào công đức và sự nghiệp của Chúa đối với nhơn loại. Chúa Jésus đã dạy dỗ nhơn loại nhiều điều hữu ích và sau cùng dùng cái chết của mình trên cây Thập tự giá để chuộc tội cho loài người và trả hiếu Thượng Đế. Đó mới là điều quan trọng. Nhơn loại mới tôn thờ Ngài, suy tôn Ngài là Đấng Cứu Thế.
Nếu nói rằng Đức Chúa Jésus giáng sanh bằng phàm thai là hạ thấp giá trị của Chúa thì hoàn toàn không đúng, bởi vì nếu đúng như vậy, Đức Phật Thích Ca hay Đức Khổng Tử đều giáng sanh bằng phàm thai thì không đáng kính trọng hay sao?
Các Đấng ấy là Giáo chủ tôn giáo, thuộc hàng Tiên, Phật, thì không cần các môn đệ Thần Thánh hóa các Ngài, vì điều đó chỉ đem lại sự mê tín cho các tín đồ, làm trở ngại bước đường tu tiến mà thôi.
Trong sự thờ phượng của Đạo Cao Đài, việc sắp xếp Đức Chúa Jésus ngồi dưới Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch không có nghĩa là Đức Chúa Jésus nhỏ hơn Đức Lý, mà đó chỉ là thứ tự trong Ngũ Chi Đại Đạo. Bắt đầu từ Nhơn đạo với phẩm Giáo Tông, đối phẩm với Thiên Tiên hay Phật vị, lên kế trên là Thần đạo (với Đức Khương Thượng Tử Nha), kế trên nữa là Thánh đạo (với Đức Chúa Jésus mà chơn linh là Đức Phật Christna), kế lên Tiên đạo (Đức Lý Thái Bạch) và trên cùng là Phật đạo với Đức Phật Thích Ca.
Hằng năm, khi đến ngày Lễ Noel, ngày giáng sanh của Chúa Jésus, tại Tòa Thánh và các Thánh Thất địa phương đều thiết Đại lễ cúng Vía Đức Chúa Jésus, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại công đức của Chúa đối với nhơn loại.
"Vâng lịnh Vua Cha xuống thái bang,
Truyền ra Đạo Thánh rất gian nan.
Ba mươi năm lẽ chưa toàn vẹn,
Ngàn chín trăm dư thế muốn tàn.
Đắc lịnh Vua Cha truyền lập lại,
Vâng lời Kim Mẫu tá phàm gian.
Thuyết đàn vạn quốc nay mai sẽ,
Phổ độ Ngũ Châu, vạn sự toàn."
(Bài thi do Đức Chúa Jésus giáng cơ)
Sau đây là một bài Thánh giáo của Đức Gia Tô Giáo Chủ ngày Noel 1967 tại Th. Thất Bàu Sen, trích Thánh Giáo Sưu Tập.
Mathieu chào chư Thiên mạng nam nữ. Vâng lịnh báo đàn, có THÁNH CHÚA giá lâm. Chào chư liệt vị. Thăng.
Tiếp điển:
Ta đến với một mùa đông đầy gió rét,
Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài.
Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,
Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lỏng.
Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,
Sống muôn đời và sống mãi muôn đời.
Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!
Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.
GIA TÔ GIÁO CHỦ - JÉSUS CHRIST
Ta chào chư sứ mạng, chào chư hiền nam nữ.
Điển lành của Thượng Đế vẫn toàn vẹn nơi lòng chư hiền trên mọi bước đường thế Thiên hoằng đạo. Miễn lễ, chư hiền an tọa.
Một lần nữa, đông thiên lại đến với nhân loài. Thêm một lần nữa chư hiền kỷ niệm ngày Ta giáng lâm. Khi thái dương bừng sáng, Ta lại đến, đến để hành tròn sứ mạng thiêng liêng.
Hỡi dân tộc được chọn! Hỡi dân tộc được thương yêu!
Nầy chư hiền nam nữ, quốc gia nầy còn tan tác là vì dân tộc nầy chưa vừa ý trong sứ mạng của Thượng Đế Chí Tôn.
Một hân hạnh lớn lao, một hãnh diện to tát, chư hiền được đem ra từ một dân tộc của một quốc gia trong muôn vàn quốc gia mà Đại Từ Phụ điểm nhuận. Trách vụ cam go chỉ giao cho người chí khí. Mọi thử thách sẽ định giá cho thành quả của sự vụ mai sau.
Ta nói với chư hiền: Chính sự vày vò của tâm tư, sự nhọc nhằn của thể xác, sự gò ép, sự chết chóc, sẽ điểm đạo cho hàng Thiên mạng. Xem gương Ta đi trước mà mạnh bước vượt qua rừng sâu bể khổ. Ta đã đến với nhơn sanh trong đau khổ lạnh lùng, đem thân mình hòa đồng trong băng tuyết, trong gió rét đêm đông.
Có người đã bảo chư hiền: không vào tận hang cọp làm sao bắt được hùm con. Ta lại nói: Chỉ có đem mình vào bể khổ mới cứu vớt sự đắm chìm của nhơn loại.
Hãy xem gương Do Thái, lấy đó làm gương cho chư hiền. Không một phần thưởng nào không ban cho đứa khôn ngoan; không một trách phạt nào không ban cho đứa phản lại ý thành của bề trên.
Hỡi chư hiền của dân tộc được chọn! Sứ mạng mà chư hiền được Chí Tôn giao phó, không phải là người vun phân, mà là người gieo giống. Sự quan trọng không phải những điều kiện khởi phát mà là mầm khởi phát.
Có ai bảo cái hoang phế của mùa đông, cái trơ trọi dưới lớp tuyết dày mà không có sự sống, hay cái nguy nga rực rỡ, cái đồ sộ của lầu đài mà bảo rằng không có sự tàn tạ suy vi. Đừng thấy cái cháy bỏng của sa mạc mà bảo rằng sau một cơn mưa, bãi cát chết không là đồng cỏ đầy sinh khí.
Kìa xem quá khứ, hiện tại và tương lai, có bao giờ Ta ngự trên ngai vàng của vua Do Thái. Chính cái ngai vàng David đã vùi chôn về cho David, mà cái tâm tư của nhơn sanh âu vẫn là ngai vàng bất diệt. Hãy noi gương Ta mà hành tròn sứ mạng.
Điều cần nhứt cho người được mang danh là Thiên mạng, không phải chỉ biểu tượng hình thể của Chí Tôn tại bên ngoài, mà chính là phải quyết lòng biểu dương Thiên ý vào trong mọi từng lớp nhơn sanh. Những cái tạm bợ cũng trở về cho tạm bợ, cái bất diệt đều trả về cho bất diệt.
Tất cả mọi sự ở thế gian đều là một phương tiện, một cứu rỗi vô sanh bất diệt cho nhơn sanh. Gieo một giống tốt, dầu sớm hay muộn, hãy chờ ngày gặt hái. Không chú trọng vào cái tạm bợ, nhưng mượn cái tạm bợ để thi hành cứu cánh.
Chư hiền hãy dọn mình cho sẵn, ngày giờ đến đang sửa soạn đến. Cái sống của mùa xuân đang luân lưu trong mùa đông chết chóc, đêm tối âm u là bình minh dọn đường bừng sáng. Hỡi dân tộc được hiến dâng! Đừng mê ngủ, đừng say đắm, đừng mơ màng trong bóng tối đêm đông. Hãy bừng tỉnh, hãy đợi chờ ánh xuân quang đến khi không ai ngờ đến. Sứ mạng của kẻ chăn chiên trong mùa đông là canh chừng.
Phải hiền từ hơn tất cả kẻ hiền từ, phải khôn ngoan hơn tất cả sự khôn ngoan. Cái lạnh lùng nó ru ngủ con người trong mê dại để rồi đi vào cõi chết. Chỉ có những kẻ tỉnh mới thoát khỏi quyến rủ của giá lạnh đêm đông.
Kìa đàn chó sói đói khát đang rình rập chư hiền và đàn chiên trong mọi lối. Hãy cố gắng lên! Lấy sức mạnh của người được đặt để, đem dũng cảm của người dọn đường mà hành đạo.
Chư hiền nên lưu ý, sứ mạng vẫn là sứ mạng, kẻ được chọn vẫn là được chọn. Nên lấy quá khứ để làm đà tiến, đem hiện tại để làm phương tiện, lấy tương lai làm cứu cánh. Càng bão tố phũ phàng, càng biểu dương tinh thần của kẻ vững lèo vững lái. Sự nhứt tâm trong sứ mạng, sự đoàn kết trong thực hành sẽ giúp chư hiền vượt qua muôn ngàn thử thách. Đừng dại dột phân tranh trên phi cơ khi gió loạn. Ngoại cảnh phũ phàng, nội bộ điên nguy sẽ đua nhau nhận chư hiền đắm chìm trong Phong đô hỏa ngục.
Hỡi chư hiền! Hãy thương những người đi trước chư hiền vì đó mới có vết chân đi trước, hãy thương những bực đi sau chư hiền vì đó mới có vết chân đi sau. Nhạc trùng dương không bao giờ dứt, vì mọi làn sóng cứ kế tục theo nhau ngày đêm chẳng cách ngăn rời rạc.
Cuối cùng Ta muốn nói với chư hiền về Thiên mạng vi nhơn là hãy làm con chiên khôn ngoan hơn là làm người chăn chiên u tối. Giá rét nào không trở lại mùa đông, sứ mạng nào không trao cho người đã chọn. Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi! Đấng Thượng Đế Cao Đài đang ngự trị.
Ta chào chư hiền nam nữ được toàn vẹn ân điển trong mọi chư hiền. Đêm nay, Ta ban ơn lành cho tất cả con người nơi thế gian được bằng an và làm sáng danh Ta, danh Đạo trong muốn thuở.
Ta cũng giáng khắp nơi và để lời dạy dỗ nhơn sanh, tùy trình độ, tùy hoàn cảnh.
Chào chư sứ mạng, chào chư hiền nam nữ. Ta trở lại nước Thiên Đàng. THĂNG.
Gia vô bế hộ, lộ bất thập di
家無閉戶, 路不拾遺
Gia: Nhà, gia đình. Vô: không. Bế: đóng lại. Hộ: cửa có một cánh. Cửa hai cánh gọi là Môn. Lộ: đường đi. Bất: không. Thập: lượm, nhặt. Di: sót mất, rơi mất.
Gia vô bế hộ: Nhà không đóng cửa.
Lộ bất thập di: Ngoài đường không lượm của rơi.
Câu trên, ý nói: Đời Thánh đức thái bình, dân chúng có đời sống sung túc, hạnh phúc và biết tôn trọng đạo đức, nên ban đêm, ngủ không cần đóng cửa (vì không có kẻ trộm), đi ra ngoài đường gặp của rơi, không ai lượm lấy vì không cần thiết.
Trong Tờ Khai Đạo mà Đức Quyền Giáo Tông gởi lên Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol ngày 7-10-1926, có câu:
"On était, pendant cet ancien temps, tellement insoucieux qu'on pouvait dormir sans fermer les portes et qu'on dédaignait même de ramasser les objets tombés dans la rue (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di), tel est l'adage dans nos annales."
Dịch ra như sau: Vào thời xưa, người ta sống không lo âu, đến nỗi người ta có thể ngủ không đóng cửa và cũng không thèm lượm của rơi ngoài đường (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di), ấy là câu ngạn ngữ ghi chép trong sử sách của chúng tôi.
GIÀ
Già Lam
(Xem chữ Dà Lam, vần D)
GIÁ
Giá ngự
駕御
A: The descent of God.
P: La descente de Dieu.
Giá: xe của vua đi. Ngự: ngồi lên một các trang trọng.
Giá ngự là vua ngồi lên xe để đi.
Ở đây, Giá ngự là nói Đấng Thượng Đế ngồi lên xe đi xuống cõi trần.
BDH: Từ Bi giá ngự rạng môn thiền.
BDH: Bài Dâng Hoa.
GIẢ
GIẢ
GIẢ: 假 Không thật, làm giống y như thật để lừa gạt người.
Td: Giả luật, Giả mạo, Giả thân.
Giả cuộc
假局
A: The false situation.
P: La situation fausse.
Giả: Không thật, làm giống y như thật để lừa gạt người. Cuộc: còn đọc là Cục: tình hình cụ thể.
Giả cuộc là cuộc diện giả tạo để gạt người không biết.
TNHT: Nó bày bố ra mỗi nơi một giả cuộc mà dỗ dành các con.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giả luật
假律
A: False laws.
P: Lois fausses.
Giả: Không thật, làm giống y như thật để lừa gạt người. Luật: pháp luật.
Giả luật là luật pháp giả tạo, không giá trị.
Đối nghĩa Giả luật là Chơn luật, là luật pháp chơn truyền, tức là Chánh pháp. Chơn luật của các tôn giáo xưa, lần lần bị người phàm sửa cải, ngày nay không còn đúng như buổi đầu, biến thành Giả luật, khiến cho các mối Đạo bị bế, nên tu hữu công mà không thành chánh quả.
TNHT: Phải rán sức tu hành, đừng mơ mộng hoài trông giả luật.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giả mạo văn từ
假冒文詞
A: To falsify the writing.
P: Falsifier les écrits.
Giả: Không thật, làm giống y như thật để lừa gạt người. Mạo: làm giả. Văn từ: lời văn viết ra.
Giả mạo văn từ là làm giả các thứ giấy tờ để lừa gạt người, lừa gạt Hội Thánh hay các cơ quan.
Giả mạo văn từ là một tội trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông. Ai phạm vào tội nầy thì bị giáng cấp từ phẩm đương quyền xuống một hoặc hai cấp.
Giả thân
假身
A: Untrue body.
P: Corps irréel.
Giả: Không thật, làm giống y như thật để lừa gạt người. Thân: xác thân.
Giả thân là cái xác thân giả tạm, không thiệt nên không bền vững với thời gian. Đó là cái xác thân phàm, bằng xương bằng thịt. Nó chỉ tồn tại một thời gian rồi phải chết và tan rã.
Linh hồn đầu kiếp xuống trần, phải tạm mượn xác thân giả tạm nầy một thời gian để trả quả, học hỏi và tiến hóa. Nhờ có xác thân phàm mới có được TINH, nhờ có TINH mới có thể luyện đạo: Luyện TINH hóa KHÍ, luyện KHÍ hiệp THẦN, và luyện THẦN huờn HƯ, đắc đạo tại thế. Khi linh hồn xuất ra khỏi xác thân giả tạm thì cái giả thân phải chết, xác thịt thúi rửa và tan rã, rồi mục nát biến thành đất.
Đối với Giả thân là Chơn thân, là cái xác thân chơn thật, tồn tại vĩnh viễn với thời gian. Đó là Xác thân thiêng liêng, còn gọi là Chơn thần. (Xem: Chơn thân, vần Ch).
GIÁC
GIÁC
GIÁC: 覺 Hiểu biết, tỉnh ra mà biết rõ đạo lý.
Td: Giác mê, Giác ngạn, Giác tánh.
Giác hải
覺海
A: The sea of awakening.
P: La mer de réveil.
Giác: Hiểu biết, tỉnh ra mà biết rõ đạo lý. Hải: biển.
Giác hải là biển giác ngộ.
Cái trí giác ngộ của chúng sanh rộng lớn mênh mông như biển cả, chỉ vì bị vô minh và phiền não che lấp nên trở thành hạn hẹp và không sáng tỏ. Nếu tu hành đúng theo Phật pháp chơn truyền , gìn giữ giới luật, luyện tâm và tư tưởng cho trong sạch thì dần dần trí huệ phát khai, biển giác sẽ thể hiện.
Giác mê
覺迷
A: To awake the blinding.
P: Réveiller l'aveuglement.
Giác: Hiểu biết, tỉnh ra mà biết rõ đạo lý. Mê: tối tăm, lầm lạc. Trái với Mê là Giác.
Giác mê là làm cho những người mê muội giác ngộ để họ biết rõ đạo lý.
Thánh huấn giác mê: Lời dạy của các Đấng thiêng liêng giúp cho người đời tỉnh ngộ, không còn mê lầm nữa.
Tiếng trống Giác mê: Đánh lên tiếng trống, âm thanh vang rền, để người đang mê muội nghe được giựt mình thức tỉnh, quay về con đường đạo đức, tức là bỏ mê tìm giác.
Giác ngạn
覺岸
A: The shore of awakening.
P: Le rivage de réveil.
Giác: Hiểu biết, tỉnh ra mà biết rõ đạo lý. Ngạn: bờ sông hay bờ biển.
Giác ngạn là bờ giác ngộ, tức là nơi của những người đắc đạo đến đó để đi vào cõi TLHS.
Giác ngạn còn được gọi là Bỉ ngạn, Đạo ngạn.
Bên nây biển khổ là Mê tân (Bến mê), bên kia biển khổ là giác ngạn (Bờ giác), có chiếc thuyền Bát Nhã của Đức Phật Di Lạc qua qua lại lại từ Bến mê sang Bờ giác để đưa những người đầy đủ phước đức đến Bờ giác, đi vào cõi TLHS.
Kệ U Minh Chung: Lịch đại tiên vong đồng đăng giác ngạn.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
Giác ngộ
覺悟
A: To awake.
P: Réveiller.
Giác: Hiểu biết, tỉnh ra mà biết rõ đạo lý. Ngộ: tỉnh ra mà biết rõ.
Giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chơn lý.
Giác ngộ có 3 trình độ, tức là có ba bực:
- Người phàm tỉnh ra mà nhận biết thân nầy là cội khổ, cõi trần là cõi tạm, nên lo tu hành, đạt được sự Tự giác thì đắc thành bực Thánh.
- Khi đã đạt được Tự giác rồi, thì đi giác ngộ người khác để họ tự giác như mình. Đó là Giác tha. Hễ đạt được Tự giác và Giác tha thì đắc thành bực Tiên hay Bồ Tát.
- Đến bực Phật thì có: Tự giác, Giác tha, và Giác hạnh viên mãn, gọi là Chánh giác.
Cái tánh giác ngộ vẫn thường có nơi mỗi chúng sanh, song con người chẳng tự biết mình, chẳng phân chơn giả, cứ mãi say mê đường vật chất, lấy giả làm chơn, nên phải đắm chìm trong biển khổ luân hồi. Đó là vô minh. Nếu bỏ được vô minh thì cái tánh giác ngộ hiện ra ngay.
KKTD: Tăng huyền linh giác ngộ chí thành.
KKTD: Kinh Khi Thức Dậy.
Giác tánh
覺性
A: The nature of sensation.
P: La nature se sensation.
Giác: Hiểu biết, tỉnh ra mà biết rõ đạo lý. Tánh: cái tính chất biểu hiện ra ngoài.
Giác tánh là cái tánh hiểu biết.
Giác tánh có được là do Giác hồn: Bên trong là Giác hồn, biểu hiện ra ngoài là Giác tánh. (Xem: Tam hồn, vần T)
TĐ ĐPHP: Giác tánh là trí não thô sơ, nó chỉ biết sống như con vật. Tỷ như con thú kia, mới sanh ra chưa biết gì, mà đã biết tìm vú mẹ đặng bảo trọng sanh mạng của mình. Luật bảo sanh biểu nó tìm bao nhiêu đó để sống mà thôi.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Giác thân
覺身
A: The body of sensation.
P: Le corps de sensation.
Giác: Hiểu biết, tỉnh ra mà biết rõ đạo lý. Thân: xác thân.
Giác thân là cái thân biết cảm giác, ý nói xác thân bằng xương bằng thịt có các giác quan nhận biết sự vật chung quanh.
Con người có Ngũ giác quan: Xúc giác (Da), Thị giác (Mắt), Thính giác (Tai), Vị giác (Lưỡi), Khứu giác (Mũi).
Giác thân chính là xác thân phàm giả tạm, nhưng nhờ nó mà linh hồn có thể làm công quả, học hỏi và tiến hóa.
KĐ2C: Cổi giác thân lên đạp Ngân kiều.
KĐ2C: Kinh Ðệ Nhị cửu.
Giác thế
覺世
A: To awake the mankind.
P: Réveiller l'humanité.
Giác: Hiểu biết, tỉnh ra mà biết rõ đạo lý. Thế: đời, người đời.
Giác thế là giác ngộ người đời, làm cho người đời giác ngộ. Đây là Giác tha, nhưng phạm vi rộng lớn, toàn cả cõi trần.
TNHT: Mượn thế đặng phương toan giác thế.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIAI
Giai ngẫu
佳耦
A: The well assorted couple.
P: Le couple bien assorti.
Giai: đẹp, tốt đẹp. Ngẫu: một đôi, một cặp.
Giai ngẫu là đẹp đôi, chỉ cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa.
TL: Thế luật, Điều 6: Phải chọn hôn trong người đồng đạo, trừ ra khi nào người ngoài ưng thuận nhập môn thì mới được kết làm giai ngẫu.
TL: Tân Luật.
Giai kỳ
佳期
A: Lucky day.
P: Jour faste.
Giai: tốt đẹp. Kỳ: thời hạn.
Giai kỳ là ngày tốt lành, vận hội tốt.
Giai quì
皆跪
A: To kneel down together.
P: S'agenouiller ensemble.
Giai: đều, cùng. Quì: tức là Quị: quì xuống.
Giai quì tức là Giai quị: tất cả đều quì xuống.
Đây là một câu xướng của Lễ sĩ trong nghi thức cúng Đại đàn. Khi Lễ sĩ xướng câu nầy thì tất cả mọi người trong đàn cúng đều quì xuống.
GIẢI
GIẢI
1. GIẢI: 解
Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng.
Td: Giải căn, Giải khổ, Giải kết, Giải nạn, Giải oan, Giải thân, Giải thể.
2. GIẢI: 懈
Lười biếng.
Td: Giải đãi.
3. GIẢI: 邂
Giải cấu.
Giải căn
解根
A: To deliver the cause.
P: Délivrer la cause.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Căn: gốc rễ.
Những việc làm thiện ác trong kiếp sống trước là gốc rễ của những điều họa phước xảy ra trong kiếp sống hiện tại, và những việc làm thiện ác trong hiện tại là gốc rễ của những việc họa phước cho kiếp sống tương lai. Cái gốc rễ ấy tạo thành cái Nghiệp ảnh hưởng lên kiếp sống. Việc làm thiện tạo thiện nghiệp, làm cho đời sống được tốt đẹp hạnh phúc, việc làm ác tạo ra ác nghiệp, gây hoạn nạn đau khổ.
Giải căn là cởi bỏ cái gốc rễ, tức là cởi bỏ cái nghiệp.
Hễ dứt nghiệp thì cũng dứt luân hồi, linh hồn bay trở về cõi thiêng liêng.
KCHKHH: Trông Kinh Bạch Ngọc định thần giải căn.
Giải căn sinh: Cởi bỏ cái gốc rễ của kiếp sống, tức là cởi bỏ cái nghiệp. Giải căn sinh đồng nghĩa Giải căn.
KTHĐMP: Giải căn sinh xa lánh trần ai.
KCHKHH: Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối.
KTHĐMP: Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần.
Giải cấu
邂逅
A: To meet unexpectedly.
P: Rencontrer fortuitement.
Giải cấu là không hẹn mà gặp, gặp gỡ tình cờ.
Giải đãi
懈怠
A: Lazy.
P: Paresseux.
Giải: Lười biếng. Đãi: trễ nải.
Giải đãi là lười biếng, không hăng hái làm việc.
Giải đãi bần dùng là lười biếng, chần chờ không muốn làm việc, để cho công việc bê trễ kéo dài.
TNHT: Đường đạo vững bền, chớ nên bạo tính, mà cũng chẳng nên giải đãi bần dùng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giải khổ
解苦
A: To deliver from misfortune.
P: Délivrer d'un malheur.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Khổ: vất vả, đau khổ.
Giải khổ là cởi bỏ hết các nỗi đau khổ về thể xác và tinh thần.
Đạo là cơ quan giải khổ cho chúng sanh. Chúng sanh nào có đau đớn khổ sở thì mới đi tầm Đạo để giải khổ. Người chưa biết đau khổ thì chưa muốn đem mình vào cửa Đạo.
ĐLMD: Phước Thiện là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh.
ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
Giải kết
解結
A: To deliver oneself from attachments.
P: Se délivrer des attaches.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Kết: ràng buộc, sợi dây ràng buộc.
Giải kết là cởi bỏ các sợi dây ràng buộc.
Giải nạn
解難
A: To deliver from calamity.
P: Délivrer de la calamité.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Nạn: tai nạn.
Giải nạn là giải thoát khỏi các tai nạn.
TNHT: Chớ chi thất tại Tà quyền thì có mấy em trừ khử, nhưng tại nơi đồng tử thì mấy em không phương giải nạn cho mấy người mê tín.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giải nghệ
解藝
A: To leave the profession.
P: Abandonner la profession.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Nghệ: nghề nghiệp.
Giải nghệ là bỏ nghề, không làm nghề đó nữa vì nghề ấy không còn thích hợp với hoàn cảnh mới của mình.
TL: Những người làm nghề nghiệp phạm nhằm luật cấm thì được kỳ hạn một năm phải giải nghệ.
TL: Tân Luật.
Giải nghiệt
解孽
A: To deliver from retribution.
P: Délivrer de la rétribution.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Nghiệt: cái nghiệp ác. Cái nghiệp ác nầy là nguyên nhâu sâu xa gây ra hoạn nạn đau khổ.
Giải nghiệt là cởi bỏ hết các nghiệp ác để khỏi bị ác báo.
GTK: Xin ban ơn giải nghiệt cho đời.
GTK: Giới Tâm Kinh.
Giải oan - Phép Giải oan
解冤
A: Baptism of expiation.
P: Baptême de l'expiation.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Oan: thù giận. Sự thù giận là mầm móng gây ra các việc làm ác độc hại người, tạo thành nghiệp ác, nên thường gọi là Oan nghiệt.
Giải oan là cởi bỏ hết các oan nghiệt.
Nếu không cởi bỏ hết các oan nghiệt thì các oan nghiệt nầy tạo thành những nghiệp chướng nặng nề, ảnh hưởng lên kiếp sống hiện tại, làm cho kiếp nầy phải chịu nhiều hoạn nạn, tai ương, đau khổ triền miên.
Làm người nơi cõi trần tất phải nhiễm trần, không ai tránh khỏi gây ra oan nghiệt, vì bản thân con người còn mang nhiều dục vọng, tham sân si nơi mình. Nhưng khi đã giác ngộ, nhập môn cầu đạo, lo việc tu hành thì người tín đồ Cao Đài được hưởng Phép Giải Oan, là một Bí tích do Đức Chí Tôn ban cho để giải trừ các oan nghiệt nơi kiếp sống trước, nhưng phải hứa chắc là kể từ giờ phút nầy trở đi, người tín đồ không được gây thêm oan nghiệt nữa.
Kinh Giải Oan là bài kinh nói lên ý nghĩa của Phép Giải Oan, để đồng nhi tụng trước khi vị Chức sắc hành pháp Giải Oan cho một tín đồ.
May gặp đặng hồng ân chan rưới,
Giải trái oan sạch tội tiền khiên.
(KGO)
Ngoài ra trong các bài kinh khác cũng có nói về mục đích của Phép Giảo Oan:
Dầu trọn kiếp sống không nên đạo,
Dầu oan gia tội báo buộc ràng,
Chí Tôn xá tội giải oan,
Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ vong.
(KCHKHH)
Phép Giải oan độ hồn khỏi tội.
(KHH)
Chí Tôn xá tội giải oan,
Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ căn.
(KCBCTBCHĐQL)
Khi xưa, Đức Chúa Jésus được Thánh Jean Baptiste làm Phép Giải Oan tại bờ sông Jourdain, Đức Chúa phải đi xuống sông ngâm mình trong nước rồi đi lên.
Đức Phật Thích Ca được chư Phật hành pháp Giải Oan khi Ngài xuống tắm nơi bờ sông Gange (Hằng hà), các chất ô trược bám vào chơn thần được tẩy sạch. Nhờ đó, Đức Phật Thích Ca mới tiếp xúc được chư Phật nơi các cõi thiêng liêng.
Trong Đạo Cao Đài ngày nay, hành pháp Giải Oan không dùng cách xuống sông tắm như thuở xưa, mà chỉ dùng một cái tô chứa nước Ma Ha Thủy xối lên đầu mà thôi.
Chức sắc làm phép Bí tích Giải Oan, thì trước hết phải luyện Ma Ha thủy, rồi sau đó mới hành pháp Giải Oan.
1. Luyện Ma Ha Thủy:
Múc một tô nước trong sạch (nước thiên nhiên như nước sông, nước suối, nước phông tên) đặt lên Thiên Bàn. Sau khi cúng thời xong, vị Chức sắc hành pháp vào đứng ngay chính giữa, trước Thiên Bàn, định thần ngó ngay lên Thiên Nhãn, vẽ bằng con mắt chữ (.) trong con ngươi của Thiên Nhãn, rồi co chân trái lên vẽ chữ (.) rồi đạp lên chữ ấy, rút chơn mặt lên ký chữ Đinh, gọi là đạp Đinh Giáp.
Kế đó, tay trái bắt ấn Hộ Pháp đặt ngay ngực, tay mặt cũng bắt ấn Hộ Pháp đặt trên tô nước, buông ấn ra, co ngón tay giữa vẽ bùa (.) đoạn ngay ngón tay ra để truyền thần xuống nước, niệm câu chú: "Ma Ha Thủy năng hủy oan nghiệt tội chướng chi đọa." Nhắm mắt định thần, đợi thấy Thiên Nhãn giáng xuống mặt nước thì liền xả ấn. Ma Ha Thủy đã luyện thành. (Xem thêm chữ: Ma Ha Thủy, vần M)
2. Hành pháp Giải Oan:
Cầm tô nước nơi tay mặt, đến trước mặt người được giải oan, bảo cúi đầu xuống, dùng con mắt vẽ chữ (.) ngay Nê hoàn cung. Hễ vẽ vừa xong liền chụp 5 ngón tay trái lên mỏ ác, gọi là ấn Ngũ Hành Sơn, vừa chụp vừa niệm câu chú: "Úm ma ni bát rị hồng." Đoạn cầm tô nước đổ ngay xuống mỏ ác một giọt, niệm "Nam mô Phật", đổ xuống giọt thứ nhì niệm "Nam mô Pháp", rồi trút hết tô nước lên đầu niệm "Nam mô tăng, Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát."
Phép Giải Oan đã xong, người được giải oan lạy Đức Chí Tôn 3 lạy 12 gật, mỗi gật niệm câu chú của Thầy, rồi đứng dậy xá 3 xá, lui ra.
KGO: Kinh Giải Oan.
KCHKHH: Kinh cầu hồn khi hấp hối.
KHH: Kinh Hạ Huyệt.
KCBCTBCHÐQL: Kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã qui liễu.
Giải phần hữu sanh
解分有生
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Phần: một phần trong một tổng thể chia ra. Hữu: có. Sanh: sống, đời sống.
Giải phần hữu sanh là giải quyết về phần đời sống của con người, tức là giải quyết về phần Nhơn đạo.
Giáo lý của Thiên Chúa giáo chủ yếu về phần Thể pháp và Bí pháp của Nhơn đạo, giáo hóa người tu trở thành bực Thánh, nên Thiên Chúa giáo cũng được gọi là Thánh đạo.
KKV: Gia Tô Giáo chủ giải phần hữu sanh.
KKV: Kinh khi về.
Giải quả trừ căn
解果除根
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Quả: kết quả. Trừ: làm cho mất đi. Căn: gốc rễ, chỉ những việc thiếu đạo đức trong kiếp sống trước.
Giải quả trừ căn tức là giải trừ căn quả, là cởi bỏ hết và làm cho mất đi các kết quả xấu báo đáp lại của các việc làm thiếu đạo đức trong kiếp sống trước.
PMCK: Phước từ bi giải quả trừ căn.
(Nhờ phước đức và lòng từ bi của Đức Phật Mẫu mà giải trừ được các căn quả của chúng sanh)
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Giải thân định trí
解身定智
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Thân: xác thân phàm. Định: làm cho yên. Trí: trí não, sự khôn ngoan hiểu biết.
Giải thân định trí là cởi bỏ xác thân phàm để linh hồn và chơn thần thoát khỏi thể xác, rồi làm cho cái trí được yên ổn thì mới có thể sáng suốt nhận định hiểu biết được.
TNHT: (Cõi Âm Quang) chớ kỳ thật là nơi để các chơn hồn giải thân định trí (một nơi trung gian giữa Thiên đường và Địa ngục, hay là mờ mờ mịt mịt).
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giải thể
解體
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Thể: thể xác, hình thể.
1. Giải thể là cởi bỏ thể xác phàm, để linh hồn và chơn thần rời bỏ thể xác để đi lên cõi TLHS.
TĐ ĐPHP: Hại thay! Có nhiều chơn hồn ân hận, đau khổ khi giải thể, mới nhận thấy tranh đấu nhau trên mặt thế nầy là một điều rất vô lý.
2. Giải thể là làm cho tan vỡ ra, không còn giữ được hình thể như lúc trước nữa.
Td: Giải thể một cơ quan, tức là hủy bỏ cơ quan ấy, vì cơ quan nầy không còn ích lợi cho dân chúng nữa.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
Giải thi
Có hai trường hợp:
* Trường hợp 1: Giải thi
解尸
A: To deliver from the material body.
P: Délivrer du corps matériel.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Thi: thi hài, thể xác người chết.
Giải thi là cởi bỏ thể xác.
Thể xác con người chết rồi thì linh hồn và chơn thần xuất ra rời bỏ thể xác để đi lên cõi thiêng liêng.
Trong trường hợp nầy, Giải thi đồng nghĩa: Giải thân, Giải thể.
KHH: Giải thi lánh chốn đọa đày.
KĐ1C: Giải thi thoát khổ, diệt hình đoạn căn.
* Trường hợp 2: Giải thi
解書
A: To explain the Book of Heaven.
P: Expliquer le Livre du Ciel.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Thi: Thiên thi, hay Thiên thư, tức là quyển sách của Trời ghi chép Thiên điều.
Giải thi là giảng giải Thiên thi, tức là giải về Thiên điều.
KĐ7C: Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi.
Câu kinh nầy có nghĩa là: Gặp Đức Chuẩn Đề Bồ Tát đang giảng giải Thiên thi trong ngôi nhà đá.
Đức Chuẩn Đề Bồ Tát và Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưởng quản từng Trời Hạo Nhiên Pháp Thiên, coi về Pháp luật của Trời, tức là Thiên điều.
KHH: Kinh Hạ Huyệt.
KÐ1C: Kinh Ðệ Nhứt cửu.
KÐ7C: Kinh Ðệ Thất cửu.
Giải thoát mê đồ
解脫迷途
A: To deliver from the way of blindness.
P: Délivrer de la voie de l'aveuglement.
Giải: Cởi bỏ ra, thoát khỏi, cắt nghĩa cho rõ, làm cho chia lìa ra, cái để thưởng. Thoát: ra khỏi. Mê: tối tăm, lầm lạc. Đồ: con đường. Mê đồ: con đường lầm lạc.
Giải thoát mê đồ là thoát ra khỏi con đường lầm lạc, tức là giác ngộ, đến được chỗ sáng suốt.
TNHT: Ngài là Phật, nên khó gần gũi các hồn nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIÁM
GIÁM
GIÁM: 監 Coi xét.
Td: Giám Đạo, Giám khảo.
Giám Đạo
監道
A: Juridical Inspector.
P: Inspecteur Juridiciare.
Giám: Coi xét. Đạo: tôn giáo.
Giám Đạo là một phẩm Chức sắc của HTĐ, do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn vâng lịnh Đức Chí Tôn lập nên theo yêu cầu của Đức Phạm Hộ Pháp, trong đàn cơ ngày 16-2-Ất Hợi (dl 20-3-1935).
Giám Đạo đứng trên Thừa Sử và dưới Cải Trạng.
Giám Đạo đối phẩm với Giáo Sư bên CTĐ.
Nhiệm vụ, quyền hành, Đạo phục của Giám Đạo được qui định trong Hiến Pháp HTĐ. (Xem chữ Hiệp Thiên Đài, phần Hiến Pháp).
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
Giám khảo
監考
A: The examiner.
P: L'examinateur.
Giám: Coi xét. Khảo: tra xét, hạch hỏi.
Giám khảo là người chấm thi để xác định trình độ học trò mà cho đậu hay rớt.
TNHT: Nhưng chẳng lẽ Thầy làm giám khảo lại cấp nấp bài thi lén cho mỗi đứa thì cái đậu của các con có ra chi!
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIẢM
GIẢM
GIẢM: 減 Bớt, trừ bớt.
Td: Giảm thâu, Giảm tiêu.
Giảm thâu
減收
A: To diminish.
P: Diminuer.
Giảm: Bớt, trừ bớt. Thâu: lấy vào, thu vào.
Giảm thâu là làm giảm bớt bằng cách thâu lấy một phần.
KSH: Trong lòng nham hiểm, lộc quyền giảm thâu.
KSH: Kinh Sám Hối.
Giảm tiêu
減消
A: To diminish and to dissolve.
P: Diminuer et dissoudre.
Giảm: Bớt, trừ bớt. Tiêu: mất hết.
Giảm tiêu là làm giảm dần cho tiêu mất hết.
TTCĐDTKM: Giờ nay gặp lối nghiệt trần giảm tiêu.
TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.
GIAN
GIAN
1. GIAN: 奸
Giả dối, lương lẹo, núp lén.
Td: Gian dâm, Gian giảo.
2. GIAN: 艱 Vất
vả khó khăn.
Td: Gian nguy, Gian truân.
Gian dâm
奸淫
A: Adultery.
P: Adultère.
Gian: Giả dối, lương lẹo, núp lén. Dâm: ham mê thú vui xác thịt nam nữ.
Gian dâm là đàn ông và đàn bà lén lút ăn nằm với nhau một cách bất chánh.
KSH: Còn một nỗi gian dâm đại tội.
KSH: Kinh Sám Hối.
Gian giảo
奸狡
A: Cheating.
P: Fourbe.
Gian: Giả dối, lương lẹo, núp lén. Giảo: quỉ quyệt.
Gian giảo là dối trá và quỉ quyệt.
KSH: |
Bàn chông nhọn liền liền đánh khảo,
Tra tội nhơn gian giảo ngược ngang. |
KSH: Kinh Sám Hối.
Gian nguy
艱危
A: Dangerous.
P: Dangereux.
Gian: Vất vả khó khăn. Nguy: nguy hiểm.
Gian nguy là vất vả khó nhọc và nguy hiểm.
TNHT: Đời cũng vậy, Đạo cũng vậy, hễ chác danh cao quyền lớn, bực quí phẩm Tiên thì phải dày chịu gian nguy, nặng đeo sầu thảm.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Gian phu
奸夫
A: Aldulterer.
P: Homme adultère.
Gian: Giả dối, lương lẹo, núp lén. Phu: người đàn ông.
Gian phu là người đàn ông phạm tội thông dâm với một người đàn bà đã có chồng. Còn người đàn bà thất tiết ấy gọi là Gian phụ hay Dâm phụ.
GTK: |
Nơi Địa ngục gông kềm sẵn đủ,
Để răn loài dâm phụ gian phu. |
GTK: Giới Tâm Kinh.
Gian truân
艱屯
A: Adversity.
P: Adversité.
Gian: Vất vả khó khăn. Truân: khó khăn vất vả.
Gian truân là chịu nhiều khó khăn vất vả liên tiếp.
KSH: Dầu khi gặp lúc gian truân.
KSH: Kinh Sám Hối.
GIÁNG
GIÁNG
GIÁNG: 降 có hai nghĩa sau đây:
1. GIÁNG: Rơi xuống, từ trên Trời đi xuống.
Td: Giáng bút, Giáng trần.
2. GIÁNG: còn đọc là HÀNG: Buộc phải tùng phục.
Td: Giáng Ma Xử.
Giáng bút - Giáng cơ
降筆 - 降機
A: To be manifested itself by the "Corbeille à bec".
P: S'être manifestée par la Corbeille à bec.
Giáng: Rơi xuống, từ trên Trời đi xuống. Bút: cây viết, chỉ cây Ngọc cơ mà nơi cán có gắn một cọng mây làm như cây viết để viết ra chữ bóng. Cơ: cây Ngọc cơ, một dụng cụ để thông công với các Đấng thiêng liêng.
Giáng bút đồng nghĩa Giáng cơ.
Giáng bút là Đấng thiêng liêng giáng điển vào cây Ngọc cơ để Ngọc cơ chuyển động viết ra chữ bóng trên mặt bàn, tạo thành một bài văn dạy Đạo.
CG PCT: Đây xin nhắc lời của Đức Lý Giáo Tông giáng bút giải nghĩa chức Chánh Trị Sự và nài Hộ Pháp ban quyền luật lệ HTĐ cho Chức sắc ấy.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
Giáng cấp
降級
A: To retrograde.
P: Rétrograder.
Giáng: Rơi xuống, từ trên Trời đi xuống. Cấp: phẩm bực Chức sắc.
Giáng cấp là phạt cho xuống phẩm thấp hơn vì có tội, do quyết định của Tòa Tam Giáo.
TL: Điều 31: Tòa nầy (Tòa Tam Giáo) có quyền xử giáng cấp hay là trục xuất.
TL: Tân Luật.
Giáng đàn
降壇
A: To come down into the esplanade of ceremony.
P: Descendre à l'esplanade de cérémonie.
Giáng: Rơi xuống, từ trên Trời đi xuống. Đàn: nơi tổ chức nghi lễ cúng tế Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng.
Giáng đàn là các Đấng thiêng liêng từ cõi Trời đi xuống cõi trần, đến đàn cúng tế để chứng kiến lòng thành tín của các tín đồ hiến lễ.
TNHT: Ngã Thái Thượng Lão Quân giáng đàn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giáng lâm
降臨
A: To descend.
P: Descendre.
Giáng: Rơi xuống, từ trên Trời đi xuống. Lâm: tới, đến.
Giáng lâm là đi xuống tới nơi.
BXTCĐPTTT: Địa Kỳ Thần Tướng đàn tiền giáng lâm.
BXTCÐPTTT: Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần.
Giáng linh
降靈
A: The descendance of soul.
P: La descente de l'âme.
Giáng: Rơi xuống, từ trên Trời đi xuống. Linh: linh hồn, chơn linh.
Giáng linh là chơn linh giáng xuống cõi trần.
KĐT: Giáng linh Hộ Pháp Di-Đà.
KÐT: Kinh Ðại Tường.
Giáng Ma Xử
降魔杵
A: The pestle of the domination of demons.
P: Le pilon de la domination des démons.
Giáng: còn đọc là HÀNG: Buộc phải tùng phục. Ma: quỉ ma. Xử: cái chày, còn đọc là Chử.
Giáng Ma Xử là một bửu bối của Đức Hộ Pháp có hình dạng giống như một cái chày, dùng để trị tà ma yêu quỉ, không cho chúng lộng hành phá khuấy, để bảo tồn nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn.
Đức Phạm Hộ Pháp có hai bửu bối: Giáng Ma Xử và Kim Tiên.
■ Giáng Ma Xử là bửu bối vô hình, Đức Phạm Hộ Pháp để trấn CLTG nơi cõi thiêng liêng.
■ Kim Tiên là cây roi vàng, do Thái Sư Văn Trọng giao cho Đức Hộ Pháp. Thái Sư Văn Trọng thời Phong Thần, đắc vị: Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn, Ngài có một cặp roi Kim Tiên, nay Ngài trao cho Đức Phạm Hộ Pháp một cây, Ngài còn giữ lại một cây. (Kim là vàng, Tiên là roi).
Đức Phạm Hộ Pháp có thuật lại lúc Đức Ngài vâng lịnh Đức Chí Tôn qua mở cửa CLTG bằng bửu bối Giáng Ma Xử:
"Khi tới cửa CLTG môn ngoại, khi gần tới thấy có hai cái chong chóng. Hai cái chong chóng ấy quay tròn luôn. Nếu chúng ta lấy trí tưởng tượng, chong chóng quay thì mặt dưới lên tới mặt trên ít nữa cũng năm mười ngàn thước, đặng ngăn CLTG môn ngoại, như Vạn lý Trường thành, không một người nào qua lọt. Hai cửa ấy, một cửa hóa hào quang trắng, một cửa hóa hào quang đỏ hồng hồng.
Mới ngó thấy hai cửa ấy, Bần đạo không biết gì hết, tới chừng Bần đạo dùng cây Giáng Ma Xử trong thân, định thần chỉ ngay vào bảo ngừng thì nó liền ngừng lại, coi kỹ vòng tròn trắng ấy là chữ VẠN. Bần đạo biểu ngừng thì mấy người ở Cực Lạc môn ngoại chạy ùa vào. Chừng vô được một mớ, Bần đạo chỉ bên kia biểu ngừng, cũng chạy vô được một mớ nữa.
Vô rồi, thấy một vị Phật đứng ở trên, hai tay bắt ấn liệng xuống chữ VẠN thì chữ VẠN quay nữa. Thành thử họ vô được một mớ."...
KĐT: |
Giáng linh Hộ Pháp Di Đà,
Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh. |
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
KÐT: Kinh Ðại Tường.
Giáng trần
降塵
A: To descend into the world.
P: Descendre en ce monde.
Giáng: Rơi xuống, từ trên Trời đi xuống. Trần: bụi, chỉ cõi trần.
Giáng trần là giáng sanh xuống cõi phàm trần để làm một người nơi cõi trần.
Giáng trần đồng nghĩa với: Giáng thế, Giáng phàm.
TNHT: Khi giáng trần là Chí Tôn Phật Tổ, Thầy duy đặng có bốn môn đệ, chúng nó đều chối Thầy.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIẢNG
Giảng đài
講臺
A: The pulpit of the preachment.
P: La chaire de la prêcherie.
Giảng: giải thích rộng ra cho dễ hiểu. Đài: nơi xây cao.
Giảng đài là nơi xây cao lên để Chức sắc lên đứng trên đó giảng đạo.
Trong Tòa Thánh Tây Ninh, ngang hai cửa hông của Tòa Thánh, có xây cất hai cái Giảng đài dựa vào cột rồng, đường đi lên có nấc thang xoắn ốc uốn theo cột rồng, một đài xây bên Nam phái và một đài xây bên Nữ phái.
Dưới Giảng đài là hình đầu rồng há miệng phun ra 6 chia đỡ vững Giảng đài, với ý nghĩa như sau:
"Hồi Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Khổng Tử giáng thế chấn hưng Nho giáo ở Trung hoa. Khi Ngài truyền đạo đến nước vua Phò Dư thì Ngài bị vua Phò Dư ố đạo bắt giam 2 năm. Khi thả Đức Khổng Tử ra thì vua cấm nhặt không cho Đức Khổng Tử đến nước ông lần thứ nhì.
Sự ác độc và tàn bạo của vua Phò Dư làm động lòng Trời, nên Trời phạt nước của vua Phò Dư phải bị hạn hán và con cháu của vua và quần thần bị bịnh chướng trong 3 năm.
Lúc ấy trong nước, dân chúng vô cùng thống khổ, bệnh chướng lan tràn. Vua Phò Dư thức tỉnh, ra lịnh cho quần thần và dân chúng ăn chay nằm đất, lập bàn hương án, ngày đêm cầu khẩn Trời Phật giải hết tai ách cho dân.
Thượng Đế sai Đức Văn Xương Đế Quân giáng trần, thấy tướng tinh của vua Phò Dư là con rồng xanh, nên Đức Văn Xương hóa ra một con rồng xanh, miệng phun ra 6 chia, rồi Ngài đứng trên 6 chia ấy, khiến rồng bay khắp nước của vua Phò Dư. Ý nghĩa của 6 chia của miệng rồng là:
· Mắt của vua Phò Dư không ngó điều đạo đức.
· Miệng của vua Phò Dư không nói lời nhân nghĩa.
· Lưỡi của vua Phò Dư khắc bạc, hiểm sâu.
· Thân của vua Phò Dư không biết hy sinh vì đạo nghĩa.
· Ý của vua Phò Dư không nhớ điều đạo đức.
· Tai của vua Phò Dư không nghe điều đạo đức mà làm việc nhân nghĩa.
Đây là những điều mà vua Phò Dư làm trái với Đạo Thánh nên Trời khiến Đức Văn Xương giáng trần cảnh tỉnh vua Phò Dư. Đức Văn Xương cho rồng bay đến triều đình, vẫn đứng trên 6 chia rồng, nói với vua Phò Dư rằng:
- Bệ hạ không cần ăn chay nằm đất mà cầu khẩn chi hết. Muốn cho dân chúng hết nạn bịnh tật và hạn hán thì nhà vua đi rước Đức Khổng Tử đến mở Đạo và qui y theo.
Nói xong, Đức Văn Xương và rồng liền biến mất.
Vua Phò Dư quá ăn năn hối ngộ, liền cho người đi tìm và rước Đức Khổng Tử. Vua hết lòng nghe theo và bảo dân chúng cũng phải hết lòng thực hành Đạo của Đức Khổng Tử. Tật bệnh và hạn hán hết dần, đời thanh bình và an vui trở lại.
Thuở xưa, Đức Văn Xương Đế Quân đạp lên 6 chia rồng mà khuyên vua Phò Dư trở lại con đường Thánh đức.
Ngày nay, cả nhơn sanh đua chen trên đường tranh giành danh lợi, khuynh hướng theo vật chất, phế bỏ tinh thần, làm cho xã hội loài người suy đồi đạo đức, đưa nhơn loại đến chỗ tự diệt.
Đức Chí Tôn mở lòng từ bi, sai Đức Hộ Pháp và chư Chức sắc Thiên phong, lần lượt thay phiên nhau lên đứng trên Giảng đài, đạp lên 6 chia rồng để giảng đạo, kêu gọi nhơn sanh hồi tâm hướng thiện, đi vào con đường đạo đức do Đức Chí Tôn lập ra, để được cứu vớt, thoát khỏi cơ tự diệt. (Theo quyển: Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh của Minh Tân)
Khi có Đại lễ hay Tiểu lễ cúng Đức Chí Tôn tại Tòa Thánh, một vị Giáo Sư phái Ngọc lên đứng trên Giảng đài bên Nam phái để xướng lễ; một vị Chức sắc Bộ Nhạc cầm bông sen, đứng trên Giảng đài bên Nữ phái để điều khiển Nhạc Lễ và đồng nhi. Khi mãn lễ, hai vị trên đi xuống Giảng đài, nhường chỗ cho Chức sắc lên đứng trên đó giảng đạo.
GIAO
GIAO
1. GIAO: 交
Hai bên qua lại với nhau, trao cho.
Td: Giao kết, Giao thân, Giao thừa.
2. GIAO: 蛟
Con vật cùng loại với rồng.
Td: Giao long đắc thủy.
Giao kết
交結
A: To keep one's engagement.
P: Tenir sa promesse.
Giao: Hai bên qua lại với nhau, trao cho. Kết: ràng buộc.
Giao kết là bắt buộc giữ lời hứa với nhau.
TNHT: Muốn học mùi Đạo mà lại kèo nài giao kết.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giao long đắc thủy
蛟龍得水
Giao: Con vật cùng loại với rồng. Long: rồng. Đắc: được. Thủy: nước.
Giao long là loại rồng ở dưới nước, không có sừng, có khả năng gây sóng to gió lớn, lụt ngập.
Giao long đắc thủy là rồng gặp được nước, ý nói người tài năng gặp thời, mặc sức tung hoành.
Giao phó
交付
A: To entrust.
P: Confier.
Giao: Hai bên qua lại với nhau, trao cho. Phó: đem sự việc trao cho người.
Giao phó là trao cho một trách nhiệm quan trọng với lòng tin cậy.
TNHT: Con đến đây với lòng thành thật để làm việc phải cho giống dân biết phục thiện hiện đang giao phó cho con.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giao thân
交親
A: To exchange the amicable relations.
P: Échanger des relations amicales.
Giao: Hai bên qua lại với nhau, trao cho. Thân: thân mến.
Giao thân là đối đãi nhau một cách thân thiết.
CG PCT: Nếu Giáo Tông muốn gần với nhơn sanh thì phải cần mẫn giao thân cùng Giáo Hữu.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Giao thừa
交承
A: The transition hour between the old year and new year.
P: Heure de transition entre deux années.
Giao: Hai bên qua lại với nhau, trao cho. Thừa: nối tiếp.
Giao thừa là thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, tức là thời điểm chấm dứt năm cũ và bắt đầu năm mới.
Đối với dương lịch, Giao thừa là lúc 24 giờ đêm 31 tháng 12 của năm cũ, tức là 0 giờ ngày 1 tháng 1 của năm mới.
Đối với âm lịch, Giao thừa là lúc cuối giờ Hợi của đêm 30 tháng chạp (hoặc đêm 29 khi tháng chạp thiếu) của năm cũ, tức là đầu giờ Tý của ngày mùng 1 tháng Giêng năm mới.
GIÁO
GIÁO
GIÁO: 敎 Dạy, truyền dạy, tôn giáo.
Td: Giáo Chủ, Giáo đạo, Giáo Tông.
Giáo chủ
敎主
A: The founder of a religion.
P: Le fondateur d'une religion.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Chủ: người sáng lập và làm chủ.
Giáo chủ là người sáng lập và làm chủ một tôn giáo.
■ Giáo chủ của Phật giáo là Đức Phật Thích Ca, những vị kế truyền cầm đầu Giáo Hội Phật giáo được gọi là Tổ Sư.
■ Giáo chủ của Thiên Chúa giáo là Đức Chúa Jésus (Gia Tô Giáo Chủ), những vị kế truyền cầm đầu Giáo Hội Thiên Chúa giáo ở La Mã được gọi là Giáo Hoàng.
Trong Đạo Cao Đài, hai phẩm Chức sắc lớn nhứt là Giáo Tông và Hộ Pháp. Đức Giáo Tông không phải là Giáo chủ của Đạo Cao Đài; cũng như Đức Hộ Pháp không phải là Giáo chủ của Đạo Cao Đài.
Vậy ai là Giáo chủ của Đạo Cao Đài?
Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế đã giáng cơ sáng lập Đạo Cao Đài, nên Đức Chí Tôn là Giáo chủ.
Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài với hình thể 3 Đài có sự phân quyền rất rõ rệt, gồm:
· BQĐ cai trị phần hồn, do Đức Chí Tôn chưởng quản.
· CTĐ cai trị phần xác, do Giáo Tông chưởng quản.
· HTĐ làm trung gian liên lạc giữa BQĐ và CTĐ, và nắm giữ Pháp luật, do Hộ Pháp chưởng quản.
Để phòng tránh sự độc tài và lộng quyền, Đức Chí Tôn lấy quyền Giáo chủ phân ra làm hai: một nửa giao cho Giáo Tông và một nửa giao cho Hộ Pháp. Khi Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại, đồng ký tên ra lịnh một điều gì thì đó là quyền của Giáo chủ, tức là là quyền của Đức Chí Tôn, tất cả đều phải tuân mạng, bất tuân là phạm Thiên điều.
Sau khi Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung đăng Tiên, vì tình hình nền Đại Đạo đang gặp cơn khủng hoảng khó khăn, nên Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch giao quyền Giáo Tông hữu hình tại thế cho Đức Phạm Hộ Pháp, để dễ bề đối phó các khó khăn và điều hành nền Đạo. Lúc đó Đức Phạm Hộ Pháp là Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài: Hiệp Thiên và Cửu Trùng, nên quyền của Đức Hộ Pháp bấy giờ là quyền Chí Tôn tại thế, tức là quyền Giáo chủ tại thế của Đạo Cao Đài. (Quyền Giáo chủ thiêng liêng vẫn do Đức Chí Tôn nắm giữ).
Do đó, Đức Phạm Hộ Pháp đôi khi xưng mình là Giáo chủ (tại thế) của Đạo Cao Đài.
BQÐ: Bát Quái Ðài.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
Giáo dân
敎民
A: To educate the people.
P: Éduquer le peuple.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Dân: dân chúng, nhơn sanh.
Giáo dân là dạy bảo nhơn sanh trong đường đạo đức.
Thường nói: Giáo dân qui thiện: Dạy bảo nhơn sanh trở về điều lành, tức là bỏ dữ theo lành.
[Bên Thiên Chúa giáo, từ ngữ Giáo dân có nghĩa khác hơn: Giáo dân (Catholic) là người dân theo Đạo Thiên Chúa, đối lại người dân không theo Đạo Thiên Chúa gọi là Lương (Non-Catholic), nên thường nói: Bên Lương bên Giáo.]
TNHT: Một chức giáo dân tua lãnh lịnh.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giáo đa thành oán
敎多成怨
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Đa: nhiều. Oán: thù giận.
Giáo đa thành oán: Dạy nhiều thành ra thù giận.
Người thầy giáo, vì muốn cho học trò mình mau giỏi, nên dạy nhiều bài, nhiều môn, lại áp dụng kỷ luật nghiêm, khảo bài thường xuyên, quở phạt những học trò chểnh mảng, khiến các trò nầy oán hận thầy giáo. Đó cũng chính là cái bạc bẽo của nghề dạy học.
Giáo đạo Nam phương
敎道南方
A: To teach the true doctrine in Việt Nam.
P: Enseigner la vraie doctrine en Việt Nam.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Đạo: giáo lý chơn thật của một tôn giáo. Nam: hướng Nam. Phương: nơi chốn, vùng đất.
Nam phương là chỉ nước Việt Nam.
Giáo đạo Nam phương là giảng dạy một nền giáo lý chơn thật cho nhơn sanh ở nước Việt Nam.
Đức Chí Tôn đã chọn nước VN, dân tộc VN để gieo truyền nền Đại Đạo, và chọn Tây Ninh làm Thánh Địa để cất Tòa Thánh Trung Ương, rồi từ nơi đây mới khởi truyền bá nền Đại Đạo ra các nước trên toàn thế giới.
TNHT: "Vốn Thầy lập nền Chánh giáo cho dân Nam Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu.
Thầy đã lập Đạo nơi cõi Nam nầy là cốt để ban thưởng một nước từ thử đến giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy. Thầy tha thứ, lại còn đến ban thưởng một cách vinh diệu. Từ tạo Thiên lập Địa, chưa nước nào dưới quả địa cầu 68 nầy đặng vậy."
Khi Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Đạo, Đức Chí Tôn luôn luôn mở đầu bằng câu: "NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT, GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG." (Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế gọi là Đấng Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, giảng dạy Đạo lý tại nước VN.)
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giáo đạo tha phương
敎道他方
A: To teach the true doctrine in the foreign countries.
P: Enseigner la vraie doctrine dans les pays étrangers.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Đạo: giáo lý của một nền tôn giáo. Tha: khác. Phương: vùng đất. Tha phương: địa phương khác, nước khác, ý nói các nước ngoại quốc.
Giáo đạo tha phương là giảng dạy đạo lý cho dân chúng các nước ngoại quốc.
TNHT: Bần đạo khi đắc lịnh làm Chưởng Đạo lập Hội Thánh giáo đạo tha phương thì tùng lòng bác ái của Chí Tôn, mở rộng thế cho nhơn sanh dâng công đổi vị.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giáo điều
敎條
A: Religious commandments.
P: Commandements religieux.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Điều: điều mục, điều khoản.
Giáo điều là những điều giảng dạy của Đấng Giáo chủ, trở thành những điều luật bất di bất dịch của tôn giáo.
Chủ nghĩa Giáo điều: (A: Dogmatism. P: Dogmatisme)
Trong Triết học, Chủ nghĩa Giáo điều là phương pháp tư duy căn cứ trên những công thức bất biến, không biết uyển chuyển theo các điều kiện cụ thể mới, cho thích hợp với hoàn cảnh mới, về không gian và thời gian.
Chủ nghĩa Giáo điều xuất hiện gắn liền với sự phát triển của những quan niệm tôn giáo, của những yêu cầu phải tin vào những tín điều khắc khe của tôn giáo được khẳng định là chân lý bất di bất dịch, không thể phê phán và có tính cách bắt buộc đối với các tín đồ.
Giáo đồ
敎徒
A: Adept, Disciple.
P: Adepte, Disciple.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Đồ: học trò, tín đồ.
Giáo đồ là tín đồ của một tôn giáo.
Giáo giả học chi bán
敎者學之半
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Giả: ấy là. Học: học tập. Chi: tiếng đệm. Bán: phân nửa.
Giáo giả học chi bán: Dạy ấy là học phân nửa.
Người thầy giáo khi soạn bài để giảng dạy học sinh, ấy là một lần học ôn vậy.
Giáo hóa
敎化
A: Teaching.
P: Enseignement.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Hóa: thay đổi.
Giáo hóa là dạy dỗ để cho biến đổi từ dốt ra biết chữ, từ xấu trở nên tốt.
TNHT: Cái công giáo hóa cũng đồng sanh.
Câu Thánh Ngôn nầy ý nói: Cái công ơn giáo hóa của thầy dạy học cũng bằng với cái công sanh dưỡng của cha mẹ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giáo Hoàng
敎皇
A: Pope.
P: Pape.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Hoàng: vua.
Giáo Hoàng là người đứng đầu Hội Thánh của Thiên Chúa giáo, tức là người cầm đầu Giáo Hội Thiên Chúa giáo.
Giáo Hội Trung Ương Thiên Chúa giáo đặt tại La Mã (Roma) trong nước Ý, nên thường gọi là Giáo Hoàng La Mã.
Phẩm vị Giáo Hoàng do các vị Hồng Y bầu lên. Khi Đức Giáo Hoàng qui vị, tất cả các vị Hồng Y khắp nơi trên thế giới đều tụ họp về La Mã để bầu một vị Hồng Y lên làm Giáo Hoàng thay thế. Khi một vị Hồng Y đắc cử, toàn thể Giáo Hội làm lễ đăng quang cho Ngài lên ngôi Giáo Hoàng.
Phẩm vị Giáo Hoàng không có thời hạn nhiệm kỳ. Khi Giáo Hoàng đương kim chết thì mới bầu vị khác lên thay thế.
Giáo Hội
敎會
A: The Church.
P: L'église.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Hội: họp lại nhiều người.
Giáo Hội là đoàn thể lãnh đạo cao nhất của một tôn giáo.
Trong nghĩa nầy, Giáo Hội cũng là Hội Thánh.
Đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành phân ra: Giáo Hội Trung Ương và các Giáo Hội địa phương.
Giáo Hữu
敎友
A: The Priest.
P: Le Prêtre.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Hữu: bạn.
Giáo Hữu là một phẩm Chức sắc CTĐ, đối phẩm với Địa Thánh trong Cửu phẩm Thần Tiên, nên phẩm Giáo Hữu đứng vào hàng Thánh Thể của Đức Chí Tôn.
PCT của Đức Chí Tôn ấn định, tổng số Giáo Hữu đương quyền bên Nam phái CTĐ (không kể các vị Giáo Hữu hàm phong hay hồi hưu dưỡng lão) của toàn Đạo Cao Đài không được quá 3000 vị. Số Nữ Giáo Hữu của CTĐ Nữ phái không giới hạn số lượng, nghĩa là nhiều bao nhiêu cũng được.
Quyền hành, Nhiệm vụ và Đạo phục của Giáo Hữu, xin xem trong PCT Chú giải, qui định đầy đủ chi tiết.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
PCT: Pháp Chánh Truyền.
Giáo lý
敎理
A: Doctrine, Dogma.
P: Doctrine, Dogme.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Lý: lý thuyết, học thuyết.
Giáo lý của một nền tôn giáo là học thuyết về triết lý siêu hình và triết lý vũ trụ, nhân sinh, đem áp dụng vào việc giáo hóa nhơn sanh nhằm hai mục tiêu:
■ Dạy cho con người một nếp sống đạo đức cao thượng, tạo lập gia đình hạnh phúc, một xã hội thái bình an lạc, tiến đến cảnh đại đồng huynh đệ.
■ Dạy cho con người phương pháp tu luyện, cốt yếu giải thoát con người khỏi những khỗ não của thế gian và hưởng được sự hằng sống và phẩm tước cao quí nơi cõi thiêng liêng.
Giáo lý của Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng cơ giảng dạy, nên nó gồm đủ các phương diện của một nền Đại Đạo chơn chánh, kể ra các mục lớn sau đây:
· Bí pháp và Thể pháp, tức là phần Đại Đạo Công truyền và Đại Đạo Tâm truyền.
· Nhơn Đạo và Thiên Đạo, Luật Tiến hóa.
· Phụng sự nhơn sanh.
· Đại Ân Xá Kỳ Ba.
· Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt, Nho Tông chuyển thế…
· Triết lý: Vũ trụ quan và Nhân sinh quan.
(Xin xem các từ ngữ nầy trong bộ CĐTĐ theo mẫu tự đứng đầu)
Giáo nhi - Lễ sĩ
敎兒 - 禮士
A: The institutress of children of chorus - The acolyte.
P: L'institutrice des enfants de choeurs - Le cérémoniaire.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Nhi: trẻ em, chỉ các Đồng nhi. Lễ: nghi lễ. Sĩ: học trò, người.
■ Giáo nhi là cô giáo dạy các đồng nhi tụng kinh cho đúng giọng và đúng nhịp đờn.
■ Lễ sĩ là học trò lễ, là những người có phận sự dâng các phẩm vật cúng tế lên người chủ lễ, để vị nầy cầu nguyện rồi đem đặt trên bàn thờ.
Thuở mới Khai Đạo, người hiến lễ được Đức Chí Tôn gọi là Lễ sanh (Lễ sinh) theo như bên Nho giáo thường gọi, nhưng sau đó, Đức Chí Tôn định một phẩm Chức sắc CTĐ là Lễ Sanh, nên Đức Lý Giáo Tông giáng cơ đặt cho người hiến lễ là Lễ sĩ để phân biệt:
"Nhiều khi chư Hiền hữu lạm dụng danh từ Lễ Sanh mà cho kẻ hiến lễ, làm mất thể diện của vị Thiên phong. Vậy Lão đặt tên cho kẻ hiến lễ là Lễ sĩ."
Bổn phận, quyền lợi, đạo phục của Lễ sĩ và Giáo nhi được Đức Phạm Hộ Pháp qui định trong Sắc Lịnh số 51 ngày 22-12-1936. Sau đây xin chép lại nguyên văn Sắc Lịnh nầy:
Văn Phòng |
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ |
PHẠM HỘ PHÁP |
(Thập nhị niên) |
----- |
TÒA THÁNH TÂY NINH
|
SỐ: 51 |
|
SẮC LỊNH
Nghĩ vì Tân Kinh là Kinh Tận độ đã ra, nên cần nhứt phải có Lễ sĩ và Giáo nhi dạy mấy em Đồng nhi cho thành thuộc, phòng độ rỗi phần hồn của toàn con cái Chí Tôn khắp cả các nơi mà phướn đạo đã đủ huyền linh che chở,
Nghĩ vì Hội Thánh mong mỏi mở rộng con đường Thánh đức cho đoàn hậu tấn bước vào Thánh Thể của Chí Tôn đặng lập vị,
Nghĩ vì trẻ em Đồng nhi từ 11 năm mở Đạo đến nay đã trưởng thành nên buộc Hội Thánh định phần phong thưởng công nghiệp, nên:
SẮC LỊNH:
Từ đây mở khoa mục mỗi năm cho Lễ sĩ và Giáo nhi thi cử.
Lễ sĩ thì thi theo mặt kinh luật của Đạo về Quan, Hôn, Tang, Tế, nhứt là về Lễ Nhạc. Buộc Lễ sĩ phải cần cho hay một món đờn trong mấy thứ âm nhạc: Tam, Tiêu, Tranh, Đản, Kìm, Tỳ, Cò, Độc.
Giáo nhi thì phải thuộc lòng Tân Kinh và cũng phải thuộc một môn âm nhạc như Lễ sĩ.
Những Đồng nhi Nam Nữ có đủ giấy chứng Tòa Thánh, lớn trên 20 tuổi mới đặng thi Lễ sĩ và Giáo nhi, và phải biết viết với đọc chữ quốc ngữ.
Mỗi năm mở khoa mục ngày rằm tháng 10 tại Tòa Thánh .
Hội Thánh chia ra hai thứ Lễ sĩ và Giáo nhi:
■ Thứ nhứt thì những hạng Lễ sĩ và Giáo nhi trọn hiến thân cho Hội Thánh, nhứt là Giáo nhi đã tuyên thệ thủ trinh hành đạo thì sẽ đặng thuyên bổ hành đạo trong các Thánh Thất bất cứ nơi nào. Hễ đủ 5 năm công nghiệp thì thăng Lễ Sanh, khỏi phải cầu phong lại nữa. Hạng Lễ sĩ và Giáo nhi nầy trên quyền Chánh Trị Sự và dưới quyền Lễ Sanh, nhưng về mặt Lễ Nhạc, Quan Hôn Tang Tế mà thôi, chớ không đặng dự vào chánh trị hay là luật pháp Tòa Đạo.
■ Thứ nhì là hạng Lễ sĩ và Giáo nhi ở lại gia đình, nhứt là Giáo nhi có chồng con theo thế thì không đặng vào nơi Thánh Thất nào mà hành đạo hết, duy hành đạo nơi xóm làng của mình mà thôi, lại buộc mỗi năm phải dạy ít nữa là trên 36 đứa Đồng nhi; Lễ sĩ thì dạy Nam, Giáo nhi thì dạy Nữ, chớ không đặng dạy lộn xộn Nam Nữ chung nhau. Cấm nhặt Lễ sĩ không đặng dạy Đồng nhi Nữ. Nếu mỗi năm có một phái Chức sắc, Chức Việc sở tại nói rằng dạy thiếu và không đi hành đạo thì bị ngưng chức liền. Hội Thánh không cần minh tra lại nữa.
Hạng nầy tùng quyền Chánh Trị Sự và ngang quyền Phó Trị Sự và Thông Sự nhưng về mặt Lễ Nhạc, Quan Hôn Tang Tế mà thôi, chớ không đặng dự vào chánh trị hay là luật pháp Tòa Đạo. Đủ 8 năm công nghiệp đổ lên mới đặng cầu phong vào hàng Lễ Sanh, nhưng do nơi tờ yêu cầu của Chức sắc và Chức Việc sở tại mới đặng.
■ Lễ sĩ mặc như Lễ Sanh Nam phái, nhưng trên mão ngay trán có Tam Sắc Đạo và Cổ pháp của Giáo Tông là Thư Hùng Kiếm, Long Tu Phiến và cây Phất Chủ thêu trên.
■ Giáo nhi mặc Đại phục như Lễ Sanh Nữ phái nhưng không đặng giắt Bông sen trên đầu tóc, còn Tiểu phục cũng vậy nhưng trước ngực có choàng một tấm choàng đen.
Kiểu y phục nầy phải do nơi tiệm Linh Đức.
Kỳ dư mấy vị Lễ sĩ và Giáo nhi đương thời hành đạo trong Hội Thánh và có tờ Hội Thánh công nhận chánh thể rồi; Hội Thánh nhứt định cấm nhặt không ai đặng xưng danh hiệu Lễ sĩ hay Giáo nhi mà không có khoa mục và cấp bằng của Tòa Thánh ban cho đủ lẽ.
Khai Pháp, Tiếp Thế, Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài,
Quyền Thái, Thượng, Ngọc Chánh Phối Sư, Nữ Chánh Phối Sư và Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo, mỗi vị tùy phận sự thi hành Sắc lịnh nầy.
HỘ PHÁP
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
HIỆP THIÊN và CỬU TRÙNG
Phạm Công Tắc
(ấn ký) |
Tòa Thánh, ngày 28-6-Tân Hợi (dl 18-8-1971).
VÂNG LỊNH BAN HÀNH.
Tòa Thánh ngày 12 tháng 11 Bính Tý (le 25-12-36). |
Q. Thái Chánh P.Sư
THÁI TU THANH |
Q. Thượng Chánh P.Sư
THƯỢNG THÀNH THANH |
Q. Ngọc Chánh P.Sư
NGỌC TRỌNG THANH |
Nữ Chánh Phối Sư
HƯƠNG THANH
|
TĐ ĐPHP: "Giáo nhi từ trước cho lên Giáo Thiện (CQPT) là thể theo lòng từ bi bác ái của Đức Chí Tôn mà ân tứ. Nhưng kể từ nay, Giáo nhi có thể lên Lễ Sanh, chớ không được lên Giáo Thiện vì thiếu luật tạo nghiệp cho 12 gia đình."
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Giáo nhi hậu thiện
敎而後善
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Nhi: mà. Hậu: sau. Thiện: lành.
Giáo nhi hậu thiện: Nhờ nghe lời dạy bảo mà sau đó trở nên lành.
Đây là hạng người trung bình trong xã hội, biết nghe lời giáo hóa của Chức sắc bề trên, lần lần sửa đổi những điều sai trái trong tâm tánh, rốt cuộc cũng được lành và đắc quả vị.
Đức Phạm Hộ Pháp nói chuyện với các thợ hồ công quả đang xây cất Tòa Thánh . Đức Phạm Hộ Pháp hỏi:
- Thầy hỏi mấy em về làm công quả, tự mình đi hay có ai biểu?
Một thợ hồ công quả trả lời:
- Mấy con là người hiến thân Phước Thiện thì trọn quyền Hội Thánh sai khiến. Khi nghe Châu Tri mộ công quả, mấy con mới vâng lịnh Ông Đầu Họ biểu về đây.
Đức Phạm Hộ Pháp nói:
- Điều đó là tạo công lập vị hay là chuộc quả, đứng vào hàng "Giáo nhi hậu thiện" là nghe lịnh làm theo. Nếu có em nào tâm đức minh mẫn được "Bất giáo nhi thiện" là thiện công thiện ngôn đó vậy. Hạng nầy gọi là phi thường, khỏi vào nhà tịnh, họ cũng đoạt pháp được, là vì họ sẵn có nguyên nhân do hiểu biết mà làm, họ tự tạo âm chất, thật hành điều nghĩa điều thiện, là Thể pháp, tức nhiên có thể họ đoạt Bí pháp, có điều thiếu một việc, muốn đắc pháp phải có chơn sư khai khiếu mới trọn vẹn được, đó mới là Thượng phẩm chi nhơn.
Còn mấy em đây là "Trung phẩm chi nhơn, giáo nhi hậu thiện", mấy em tạo thiện đức tức là biết nghe theo lời Hội Thánh. Người ta có tài thì họ làm việc hay, còn mình dở thì làm việc thường.
Giáo phẩm
敎品
A: Hierachy.
P: Hiérachie.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Phẩm: bực phẩm Chức sắc.
Giáo phẩm là các phẩm cấp Chức sắc trong Giáo hội của một tôn giáo.
Giáo phụ sơ lai, Giáo tử anh hài
敎婦初來,敎子嬰孩
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Phụ: vợ. Sơ: bắt đầu. Lai: tới. Tử: con. Anh: đứa bé mới sanh. Hài: trẻ con.
Giáo tử anh hài: Dạy con từ thuở còn thơ.
Giáo phụ sơ lai: Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về.
Giáo sĩ
敎士
A: The missionary.
P: Le missionnnaire.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Sĩ: người có học thức.
Giáo sĩ là người tín đồ của tôn giáo được huấn luyện để trở thành những Chức sắc đi truyền đạo.
Giáo Sư
敎師
A: Bishop.
P: Évêque.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Sư: thầy.
Giáo Sư là một phẩm Chức sắc CTĐ, đứng trên Giáo Hữu, dưới Phối Sư.
Giáo Sư đối phẩm Nhơn Thánh trong Cửu phẩm Thần Tiên. Quyền hành, nhiệm vụ và Đạo phục của Giáo Sư và Nữ Giáo Sư được qui định rõ trong PCT Chú Giải.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
PCT: Pháp Chánh Truyền.
Giáo Thiện
敎善
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Thiện: lành.
Giáo Thiện là một phẩm Chức sắc trong Thập nhị Đẳng cấp thiêng liêng của CQPT, đối phẩm Lễ Sanh CTĐ.
Cho nên, thuở chưa thành lập Cơ Quan Phước Thiện, Đức Phạm Hộ Pháp đưa 20 vị công quả Phạm Môn cho Đức Lý Giáo Tông chấm phong, Thánh giáo ngày 15-2-Ất Hợi (1935), Đức Lý tạm phong vào hàng Lễ Sanh gọi là: Lễ Sanh Giáo Thiện. Đó là 20 vị Giáo Thiện đầu tiên trước khi thành lập CQPT, được bổ làm Đầu Họ Đạo Phước Thiện, lo khai mở lập các cơ sở Ph.Thiện cùng khắp trong các tỉnh miền nam VN.
Phẩm Giáo Thiện có ý nghĩa là người đã làm lành (Hành Thiện) rồi thì phải đi dạy lành cho nhơn sanh.
Đạo phục của Giáo Thiện: Khi chầu lễ Đức Chí Tôn, Giáo Thiện mặc áo tràng trắng, mang dây Sắc lịnh màu đỏ, bỏ qua tay mặt (thể Đạo), trên dây Sắc lịnh có gắn Khuê bài để chữ Giáo Thiện bằng quốc tự, đầu đội khăn đóng đen 7 lớp chữ nhơn 人.
Nữ Giáo Thiện: Quyền hành, nhiệm vụ của Giáo Thiện Nữ phái giống y như của Giáo Thiện Nam phái, nhưng chỉ lo về phần Phước Thiện Nữ phái mà thôi.
Đạo phục của Nữ Giáo Thiện giống y như Đạo phục của Giáo Thiện Nam phái, nhưng đầu để trần.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.
Giáo Tông
敎宗
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Tông: thường đọc là Tôn: tôn giáo.
Giáo Tông là phẩm Chức sắc cao cấp nhứt của Đạo Cao Đài, làm Chưởng Quản CTĐ, là anh cả của toàn chư Chức sắc và tín đồ, nên cũng là anh của Hộ Pháp.
Khi khai Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn chuẩn bị cho Ngài Ngô Văn Chiêu đảm nhiệm chức Giáo Tông.
Do đó, ngày 17-4-1926, Đức Chí Tôn dạy ba Ông: Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc lên nhà Ngài Ngô Văn Chiêu biểu Ngài Chiêu may một bộ Đạo phục Giáo Tông. Bài Thánh Ngôn nầy chép ra như sau đây:
"Ngày 17-4-1926 (âl 6-3-Bính Dần).
THẦY
Trung, Cư, Tắc, ba con lập tức lên Chiêu biểu nó phải sắm sửa liền một bộ Thiên phục màu trắng, trên đầu chẳng phải bịt khăn mà đội mão trắng, có chữ Càn thêu bằng chỉ vàng. Dặn nó mua thứ hàng thiệt tốt. Mão cũng vậy, áo cũng vậy.
Hiếu! lại phải nhọc công nữa. Thầy giao phần may sắm cho con, con liệu cho kịp, rằm phải có nghe con.
Hiếu! lấy chén nước lạnh Thầy vẽ kiểu mão cho con coi.
Bà Hiếu bạch Thầy: Mitre (mão nầy là mão Giáo Tông)
Trước ngực, ngay trán phải để chữ cung Càn chữ vàng, chữ Bát Quái; còn cái áo con phải tái cầu trong lúc may đặng Thầy chỉ sắp mấy cung kia trên áo.
Nghe và tuân theo nghe con!" (ĐS.I.106)
Nhưng 5 ngày sau, ngày 22-4-1926 (âl 11-3-Bính Dần), Đức Chí Tôn giáng cơ nói với Bà Hiếu:
"Hiếu! dâng mão Giáo Tông cho Thầy xem. Trúng, mà ai đội con phòng lật đật. (Đức Chí Tôn biết là Ông Chiêu không lãnh chức Giáo Tông nên mới nói câu nầy.)" (ĐS.I.109)
Về sau, ngày 3-8-1926, trong đàn cơ ở Tân Định, tại nhà Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, Đức Chí Tôn tiết lộ cho biết là khi Đức Chí Tôn định giao chức Giáo Tông cho Ngài Ngô Văn Chiêu thì Quỉ Vương xin thử thách Ngài Chiêu, vì lẽ công bình Đức Chí Tôn phải chấp thuận, và rốt cuộc Ngài Chiêu không thắng nổi các thử thách của Quỉ Vương, đành chịu mất ngôi Giáo Tông. (Xem chi tiết nơi chữ: Ngô Văn Chiêu, vần Ng)
Do đó, khi đến ngày Khai Đạo, Đức Chí Tôn giao chức Giáo Tông cho Đức Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, kiêm nhiệm.
Vị Giáo Tông đầu tiên của Đạo Cao Đài là Đức Lý Thái Bạch. Ngài là Giáo Tông vô hình nên khi cầm quyền điều khiển CTĐ hữu hình thì Ngài phải thông qua cơ bút nơi HTĐ, và trong tình hình nghiêm trọng của nền Đạo do nhà cầm quyền Pháp gây ra, sự đối phó không được mau lẹ, nên ngày 3-10-Canh Ngọ (dl 22-11-1930), Đức Lý Giáo Tông ban quyền cho Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt cầm quyền Giáo Tông hữu hình tại thế để điều khiển nền Đạo cho kịp thời ứng phó tình hình của Đạo đối với nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ.
Như vậy, quyền Giáo Tông lúc đó được phân làm hai:
· Phần vô vi thiêng liêng do Đức Lý Giáo Tông nắm giữ.
· Phần hữu hình tại thế do Ngài Lê Văn Trung nắm giữ.
Do đó, Đạo Cao Đài gọi Ngài Lê Văn Trung là Đức Quyền Giáo Tông.
Quyền hạn, nhiệm vụ và Đạo phục của Đức Giáo Tông được qui định rất rõ trong Pháp Chánh Truyền Chú giải.
HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
Giáo Tông Đường
敎宗堂
A: The office of the Pope.
P: L'office du Pape.
Giáo: Dạy, truyền dạy, tôn giáo. Tông: thường đọc là Tôn: tôn giáo. Đường: nhà, văn phòng làm việc.
Giáo Tông Đường là tòa nhà dành để làm Văn phòng làm việc của Đức Giáo Tông.
Đôi liễn đặt tại cổng của Giáo Tông đường:
敎化人生日日中心歸善果
宗開僧眾時時重道合眞傳
GIÁO hóa nhơn sanh nhựt nhựt trung tâm qui thiện quả,
TÔNG khai tăng chúng thì thì trọng đạo hiệp Chơn truyền.
Nghĩa là:
Giáo hóa nhơn sanh cho mỗi ngày mỗi giữ được cái tâm trung dung để được trở về ngôi vị nơi cõi thiêng liêng,
Đạo mở ra cho dân chúng tu hành, luôn luôn tôn trọng đạo đức cùng với chơn truyền.
GIÀY
GIÀY
GIÀY: Đồ dùng để mang vào chân lúc đi đứng để bảo vệ chân.
Td: Giày đạo, Giày sen, Giày vô ưu.
Giày đạo
A: The religious shoes.
P: Les chaussures religieuses.
Giày: Đồ dùng để mang vào chân lúc đi đứng để bảo vệ chân. Đạo: tôn giáo.
Giày đạo là đôi giày của người tu.
Thuở xưa, người tu thường dùng loại giày dép làm bằng cỏ, lát, nên Hán văn gọi là Thảo hài, dịch ra là: Giày cỏ, dép cỏ; ngày nay dùng loại giày dép làm bằng nhựa, vải hay simili, tránh việc dùng giày dép bằng da thú vật, bởi vì da thú vật có được là do sự sát sanh thú vật.
TNHT: Áo dà cũng muốn mặc, giày đạo cũng muốn mang, muốn đứng trước cả nhơn sanh để cho họ biết mình hướng đạo.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giày gai áo bã
Giày: Đồ dùng để mang vào chân lúc đi đứng để bảo vệ chân. Gai: nhám, không êm tay. Bã: phần còn lại của một vật khi đã ép lấy hết nước cốt, ý nói chất phế thải.
Giày gai là giày bằng cỏ, nhám, mang không êm chân.
Áo bã là áo làm bằng vải vụn phế thải may ghép lại.
Giày gai áo bã là chỉ cảnh sống của người tu, thiếu thốn bề vật chất, chỉ cốt lo trau luyện tinh thần.
TNHT: Thầy nhớ khi xưa, kẻ mộ đạo chịu ngàn cay muôn đắng, biết có người mà chẳng biết nhọc mình, giày gai áo bã, đội nguyệt mang sao, gió trước lọt chòi tranh, mưa sau hư giậu lá, bần hàn chẳng quản, tay trắng dìu người, một mảy không bợn nhơ, mới có thể lập ngôi cho mình đặng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giày sen
A: The shoes of a noble woman.
P: Les chaussures d'une femme noble.
Giày: Đồ dùng để mang vào chân lúc đi đứng để bảo vệ chân. Sen: bông sen.
Giày sen là giày của người phụ nữ quí phái.
Điển tích: Thời Lục triều bên Tàu, vua Nam Tề là Đông Đôn Hầu có nàng quí phi rất đẹp là Phan thị. Đôn Hầu sai thợ khéo làm những bông sen bằng vàng lót trên gạch trong cung để mỗi khi Phan phi bước đi trên đó thì dường như dưới gót chân nàng có nở hoa sen. Đôn Hầu nhìn Phan phi đi, khen rằng: "Bộ bộ sinh liên hoa" (mỗi bước đi nở ra hoa sen).
Do đó, trong văn chương cổ, người ta dùng các thành ngữ: Bước sen, Gót sen, để chỉ người đàn bà đẹp quí phái.
TNHT: |
Muốn đi cho tận trường sanh địa,
Phải đổi giày sen lấy thảo hài. |
Ý nói: Muốn đi đến tận cõi trường sanh bất tử (đắc đạo thành Tiên) thỉ phải bỏ đời sống vật chất xa hoa để lo việc tu hành. (Thảo hài là giày cỏ, giày của người tu hành).
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giày vô ưu
A: The shoes "Without-worry".
P: Les souliers "Sans-souci".
Giày: Đồ dùng để mang vào chân lúc đi đứng để bảo vệ chân. Vô: không. Ưu: lo nghĩ.
Giày vô ưu là đôi giày của người tu. Khi mang đôi giày nầy thì phải nhớ giữ cái tâm cho trong sạch, không lo phiền.
Giày vô ưu được làm bằng vải, có hình dáng như giày của các quan văn thời xưa.
Các Chức sắc từ phẩm Phối Sư hay tương đương trở lên, mới được phép mang giày vô ưu khi mặc Đạo phục vào bái lễ Đức Chí Tôn.
■ Đức Giáo Tông mang giày vô ưu màu trắng, trước mũi giày có đề chữ tịch đạo nam nữ: Thanh Hương 清香.
■ Thái Chuởng Pháp mang giày vô ưu màu vàng, trước mũi giày có đề chữ Thích 釋.
■ Thượng Chưởng Pháp mang giày vô ưu màu trắng, trước mũi giày có đề chữ Đạo 道.
■ Ngọc Chưởng Pháp mang giày vô ưu màu hồng, trước mũi giày có đề chữ Nho 儒.
■ Ba vị Đầu Sư nam phái đều mang giày vô ưu màu đen, trước mũi giày của Thái Đầu Sư có chữ Thái 太, trước mũi giày của Thượng Đầu Sư có chữ Thượng 上, trước mũi giày của Ngọc Đầu Sư có chữ Ngọc 玉.
■ Ba vị Chánh Phối Sư và các Phối Sư nam phái đều mang giày vô ưu màu đen,trước mũi giày không có chữ chi hết.
■ Nữ Đầu Sư, Nữ Chánh Phối Sư và các Nữ Phối Sư đều mang giày vô ưu màu trắng, trước mũi giày có để chữ Hương 香 là tịch đạo của nữ phái.
■ Thượng Phẩm và Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân, Thập nhị Bảo Quân đều mang giày vô ưu màu trắng, nhưng đặc biệt giày vô ưu trắng của Thượng Phẩm, trước mũi có chữ Đạo 道; và của Thượng Sanh trước mũi chữ Thế 世.
GIẤC
Giấc huỳnh lương
A: The yellow-millet dream.
P: Le rêve de millet-jaune.
Giấc huỳnh lương là giấc chiêm bao của Ông Lữ Đồng Tân nằm bên nồi bắp vàng đang được nấu chín. Ý nói: Công danh phú quí của cuộc đời ngắn ngủi như giấc chiêm bao.
(Xem điển tích nơi chữ: Bát Tiên, mục Lữ Đồng Tân)
Giấc mộng trần
A: The humain life is like a dream.
P: La vie humaine semble un rêve.
Giấc mộng trần là xem những việc công danh phú quí của con người nơi cõi trần ngắn ngủi như một giấc chiêm bao.
Đời người nhiều lắm kéo dài được trăm năm, mà mảng lo tranh danh đoạt lợi, cấu xé giành giựt cho thỏa lòng ham muốn. Hỏi: Khi nhắm mắt xuôi tay, linh hồn đem theo được những gì? Vàng bạc, chức tước, hay chỉ hai bàn tay trắng?
Linh hồn chỉ đem theo được những phước đức và những tội lỗi đã gây ra trong suốt kiếp sống nơi cõi trần.
TNHT: Kiếp phù sinh không mấy chốc, đời mộng ảo chẳng là bao, sanh đứng nên người, chen vai vào vòng thế cuộc, có khác chi kẻ bị đày vào biển khổ, để làm xong nhân sự, đặng chuộc thửa tội tiền khiên; bao nhiêu tiếng khóc câu cười, thế lộ bước đã mòn, mà giấc mộng trần chưa thức tỉnh.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIÈM (DÈM)
GIÈM
GIÈM: còn viết Dèm: Đặt điều nói xấu hại người.
Td: Gièm pha, Gièm siểm.
Gièm pha
A: To vilify.
P: Médire.
Gièm: còn viết Dèm: Đặt điều nói xấu hại người. Pha: trộn lẫn vào.
Gièm pha hay Dèm pha là đặt điều thế nầy thế nọ để nói xấu người khác với cấp trên, để cấp trên không tin dùng người ấy nữa, mà lại tin dùng mình.
TNHT: Tại lời gièm pha của phái phụ nữ mà ra nỗi ấy.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Gièm siểm
A: To vilify and to flatter.
P: Médire et flatter.
Gièm: còn viết Dèm: Đặt điều nói xấu hại người. Siểm: dua nịnh, thường nói Siểm nịnh.
Gièm siểm hay Dèm siểm là nịnh bợ cấp trên vừa đặt điều nói xấu người khác để người đó không còn được cấp trên tin dùng nữa mà lại tin dùng mình.
TNHT: Nhóm lại nghịch lẫn nhau, gièm siểm nhau, lo đứng trên người khác nhưng lại không tài liệu biện cho có ích....
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIEO
GIEO
GIEO: Đem hạt giống rải lên mặt đất để hạt giống nẩy mầm lên cây mới.
Td: Gieo thảm, Gieo truyền.
Gieo thảm chất sầu
A: To sow and to amass the sorrow.
P: Semer et entasser la tristesse.
Gieo: Đem hạt giống rải lên mặt đất để hạt giống nẩy mầm lên cây mới. Chất: chứa lại. Thảm sầu: buồn rầu sâu đậm.
Gieo thảm chất sầu là gieo hạt giống sầu thảm thì thâu hoạch được rất nhiều sầu thảm rồi chất chứa lại.
TNHT: Ngày vui vẻ của sanh linh đã mòn, họa Thiên điều đã cận, CKTG còn đeo đuổi, dụng thất đức vô nhân mà gieo thảm chất sầu trong nhơn loại.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CKTG: Càn Khôn Thế giới.
Gieo truyền
A: To sow and to spread.
P: Semer et répandre.
Gieo: Đem hạt giống rải lên mặt đất để hạt giống nẩy mầm lên cây mới. Truyền: truyền rộng ra cho nhiều người biết.
Gieo truyền là đem hạt giống gieo rộng ra.
Nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn ví như hột giống lành, cần phải gieo truyền cho rộng ra để hột giống lành nẩy mầm thành cây lành khắp nơi để nhơn sanh hưởng nhờ.
TNHT: Từ nền Đạo khai sáng, gieo truyền mối Chánh giáo đến nay,....
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIỌT
GIỌT
GIỌT: Hạt nước rơi xuống.
Td: Giọt lụy, Giọt máu mủ, Giọt từ bi.
Giọt lụy
A: The teardrops.
P: Les larmes.
Giọt: Hạt nước rơi xuống. Lụy: nước mắt.
Giọt lụy là giọt nước mắt, chỉ sự khóc lóc vì đau khổ buồn rầu, đồng nghĩa với: Giọt châu, Giọt lệ.
KKCĐTTT: |
Giọt lụy của cửu huyền dầu đổ,
Chớ đau lòng thuận nợ trầm luân. |
KKCÐTTT: Kinh Khai Cửu, Ðại Tường, Tiểu Tường.
Giọt máu mủ
A: Drop of blood.
P: Goutte de sang.
Giọt: Hạt nước rơi xuống. Máu mủ: chỉ sự quan hệ huyết thống ruột thịt.
Giọt máu mủ là ý nói đứa con của dòng họ để nối dõi tông đường.
KCTPĐQL: |
Giọt máu mủ lưu truyền tại thế,
Con nhẫng mong truyền kế lửa hương. |
KCTPÐQL: Kinh cầu Tổ Phụ đã qui liễu.
Giọt nhành dương
A: The drop of Holy Water.
P: La goutte de l'Eau Bénite.
Giọt: Hạt nước rơi xuống. Nhành dương: cành cây dương liễu.
Giọt nhành dương là giọt nước Cam lồ do Đức Quan Âm Bồ Tát cầm cành dương liễu rải ra.
Nước Cam lồ có tác dụng rất huyền diệu, làm cho con người hết phiền não, tẩy trược làm chơn thần trong sáng, và có thể cải tử huờn sanh.
KĐ3C: |
Cam lồ rưới giọt nhành dương,
Thất tình, lục dục như dường tiêu tan. |
KÐ3C: Kinh Ðệ Tam cửu.
Giọt từ bi
Giọt: Hạt nước rơi xuống. Từ bi: hạnh của Phật, chỉ Đức Phật.
Giọt Từ bi là giọt nước của Phật, tức là giọt nước Cam lồ do Đức Phật chế luyện tạo thành.
Giọt Từ bi đồng nghĩa Giọt nhành dương.
TNHT: Hứng giọt Từ bi rửa bợn sầu.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIỚI
GIỚI
GIỚI: 戒 Răn cấm.
Td: Giới luật, Giới sát.
Giới cấm
戒禁
A: Interdiction.
P: Interdiction.
Giới: Răn cấm. Cấm: không cho phép làm.
Giới cấm là những điều răn cấm, không cho làm.
Trong sách Khóa Hư Lục, vua Trần Thái Tông có giải thích chữ Giới như sau:
"Giới như đất bằng, vạn điều lành từ đây mà sanh ra. Giới như lương y, có thể cứu chữa mọi bệnh. Giới như hạt châu sáng, có thể phá tan mọi u ám. Giới như thuyền bè, có thể đi qua biển khổ."
Tân Luật của Đạo Cao Đài có 5 Giới cấm quan trọng làm căn bản cho người tu, gọi là Ngũ Giới cấm.
TNHT: Phải giữ giới cấm ấy cho lắm.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Giới - Định - Huệ
戒 - 定 -
慧
A: Prohibition - Contemplation - Wisdom.
P: Prohibition - Contemplation - Sagesse.
Giới: lời răn của Phật.
Định: thiền định, giữ tâm ý cho yên ổn, không loạn động, để suy nghiệm các vấn đề đạo lý.
Huệ: sự phát sáng của trí hiểu biết sau khi đã tẩy sạch phiền não và vô minh.
Giới, Định, Huệ là Tam Học của Phật giáo, phân ra làm ba như vậy cho dễ giải thích. Thật ra chúng tương quan mật thiết với nhau, nương dựa nhau, tuy là ba nhưng đồng một thể.
Do giữ được Giới mà thân tâm không loạn động, nên tâm trí được Định, nhờ đó trí não lần lần phát sáng, ấy là Huệ.
Ngược lại, trí não phát sáng thì tâm dễ định, tâm đã định thì giữ giới dễ dàng.
Giới, Định, Huệ tương liên mật thiết nhau, một cái tăng thì hai cái kia cùng tăng theo và ngược lại.
Học Giới Định Huệ là học Tam Tạng Kinh: Học Giới là học Tạng Luật, học Định là học Tạng Kinh, học Huệ là học Tạng Luận.
Giới được ví như cái bóng thủy tinh bao bọc ngọn đèn dầu, tâm ví như ngọn đèn, Trí Huệ ví như ánh sáng phát ra. Nhờ có bóng thủy tinh che gió mà ngọn đèn đứng yên không lay động, tức là nhờ Giới mà định được tâm. Ngọn đèn đứng yên thì ánh sáng mới tỏa ra chói lọi, tức là nhờ Định được tâm mà Trí Huệ phát sáng.
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng giải về Giới, Định, Huệ như sau:
"Đại chúng chớ mê lầm mà nói Định với Huệ khác nhau. Định và Huệ chỉ là một thể, chẳng phải hai. Định là cái thể của Huệ, Huệ là cái dụng của Định, tức là lúc Định thì Huệ ở trong Định, lúc Huệ thì Định ở trong Huệ. Nếu biết cái nghĩa ấy thì Định và Huệ đều phải học.
Các người học Đạo chớ nói rằng: trước Định rồi mới phát Huệ, trước Huệ rồi mới sanh Định, rồi phân biệt Định với Huệ là khác nhau.
Nếu thấy hiểu như thế thì Pháp có hai tướng. Miệng nói lời lành mà trong lòng chẳng lành, nói khống rằng có Định Huệ mà Định Huệ chẳng đồng một thể. Nếu lòng và miệng đều lành, trong ngoài như một, thì Định và Huệ đồng nhau.
Phép tự ngộ tu hành chẳng phải tại chỗ tranh. Nếu tranh chỗ trước sau, tức là đồng với người mê. Chẳng dứt lòng phân hơn thua thì quả nhiên làm lớn thêm lòng chấp ngã, chấp pháp, mà không lìa khỏi bốn tướng: Ngã tướng, Nhơn tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng.
Định và Huệ giống như cái đèn và cái ánh sáng. Có đèn tức là sáng, không đèn tức là tối. Đèn là cái thể của ánh sáng, ánh sáng là cái dụng của đèn. Tên tuy có hai mà thể vẫn có một. Phép Định Huệ nầy cũng giống như thế."
"Một ngày kia, Đại Sư Thần Tú bảo môn nhơn tên là Chí Thành rằng:
- Ngươi thông minh đa trí, khá vì Ta mà đến Tào Khê (chỗ Lục Tổ Huệ Năng thuyết pháp) nghe Pháp. Nếu nghe được chỗ nào hay thì nhớ lấy, rồi trở về đây nói lại cho ta rõ.
Chí Thành vâng lịnh đến Tào Khê, nhập theo đại chúng đến viếng Tổ Sư và cầu dạy, nhưng chẳng xưng ở đâu lại.
Khi ấy, Lục Tổ Huệ Năng bảo chúng nhơn rằng:
- Nay có kẻ trộm Pháp ẩn trong hội nầy.
Chí Thành buộc phải bước ra làm lễ và bày tỏ hết các việc của Đại Sư Thần Tú. Tổ Sư nói:
- Ngươi ở chùa Ngọc Tuyền đến, lẽ ưng là dọ thám?
- Chẳng phải vậy.
- Sao gọi là chẳng phải?
- Chưa nói ra thì phải như thế, nói ra rồi chẳng phải vậy.
- Thầy ngươi dạy chúng môn nhơn thế nào?
- Thường dạy trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm.
- Trụ tâm quán tịnh, ấy là bịnh, chẳng phải Thiền. Thường ngồi là câu thúc cái thân, đối với Đạo lý có ích chi đâu?
Hãy nghe ta đọc kệ:
Khi sống, ngồi không nằm,
Thác rồi, nằm chẳng ngồi.
Thiệt đồ xương thịt thúi,
Sao luống lập công phu!
Chí Thành làm lễ Tổ Sư và bạch rằng:
- Kẻ đệ tử theo Tú Đại Sư học đạo 9 năm mà chẳng đặng tỏ sáng, nay nghe Hòa Thượng nói một lần liền tỏ sáng bổn tâm. Việc sống thác là lớn, đệ tử xin Hòa Thượng mở lòng từ bi chỉ dạy.
- Ta nghe nói thầy ngươi dạy phép Giới, Định, Huệ cho các học giả, nhưng chưa rõ thầy ngươi nói cái hạnh tướng của Giới Định Huệ như thế nào, hãy nói lại cho ta nghe.
- Tú Đại Sư nói: Các điều dữ chớ làm, gọi là Giới. Các điều lành vâng làm, gọi là Huệ. Giữ ý mình trong sạch, gọi là Định. Thầy tôi nói như vậy, chưa rõ Hòa Thượng dùng phép nào mà dạy người?
Tổ Sư nói:
- Nếu ta nói ngay ta có phép dạy người tức là nói dối với ngươi. Ta chỉ tùy phương tiện mà giải thoát cho người. Phương tiện ấy giả gọi là Tam Muội (Chánh định). Cứ như chỗ thầy ngươi nói về môn Giới Định Huệ thiệt không thể nghĩ bàn được. Chỗ ta nói về Giới Định Huệ lại khác.
Chí Thành bạch cùng Tổ Sư:
- Giới Định Huệ chỉ hiệp có một thứ, thế nào lại khác?
Tổ Sư đáp:
- Phép Giới Định Huệ của thầy ngươi để tiếp độ người đại thừa; còn phép Giới Định Huệ của ta để tiếp độ người tối thượng thừa. Chỗ tỏ hiểu không đồng, chỗ thấy có mau chậm. Ngươi nghe chỗ ta nói với chỗ thầy ngươi nói, có đồng nhau chăng? Chỗ ta nói Pháp không lìa Tánh mình, lìa bổn tánh mà nói Pháp là trước tướng mà nói, thế thì Tánh mình thường mê. Phải biết muôn Pháp đều do Tánh mình mà khởi dụng. Thế mới thiệt là Pháp Giới Định Huệ.
Hãy nghe ta nói kệ:
Tâm địa không quấy thì Tánh mình Giới,
Tâm địa không si thì Tánh mình Huệ,
Tâm địa không rối thì Tánh mình Định.
Không thêm không bớt, Tánh mình Kim cang,
Thân tới thân lui vốn là Tam Muội (Chánh Định)."
Giới sát
戒殺
A: The forbiddance of killing.
P: Défense de tuer.
Giới: Răn cấm. Sát: giết chết, sát sanh.
Giới sát là cấm sát sanh, tức là cấm giết hại các loài sanh vật.
Giới sát là giới cấm thứ nhứt trong Ngũ Giới Cấm.
TL: Điều thứ 12: Một bực đã giữ trường trai giới sát và tứ đại điều qui, gọi là vào phẩm Thượng thừa.
TL: Tân Luật.
Giới Tâm Kinh
戒心經
A: The prayer of preservation of heart.
P: La prière de préservation du coeur.
Giới: Răn cấm. Tâm: lòng dạ, cái tâm của con người.
Giới Tâm Kinh là bài kinh tụng thường ngày để ghi nhớ những điều các Đấng răn dạy mà sửa tánh răn lòng.
Giới Tâm Kinh có tác dụng như Kinh Sám Hối.
Bài Giới Tâm Kinh trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo (Vọng Thượng Đế chứng lòng thành tín), do Hội Thánh vâng lịnh Đức Chí Tôn thỉnh nơi chi Minh Tân trong Ngũ Chi Minh Đạo.
Giới tửu
戒酒
A: The forbiddance of wine.
P: L'abstention de vin.
Giới: Răn cấm. Tửu: rượu.
Giới tửu là cấm uống rượu.
TNHT: |
Vì sao phải Giới tửu? . . . . . . .
Vậy Thầy cấm các con uống rượu, nghe à! |
Thánh giáo ngày 29-11-Bính Dần (dl 2-1-1927), Đức Lý Giáo Tông dạy ông Lê Châu Trì không được uống rượu:
Trì! Nghe dạy. Sơn! Phải lấy một ly rượu nhỏ, một ly rượu lớn, rót ly nhỏ vào ly lớn, đem lại đây, đưa cho nó cầm, đội ngay trán, thề rằng: "Tôi tên là Lê Châu Trì, thề uống Tiên tửu một phen nầy với Lý Đại Tiên, từ đây không uống nữa, như ngày sau phạm giới, Ngũ Lôi đả tử,"
Như quỉ giục thì Hiền hữu niệm câu nầy:
"Tửu nhập tâm di, hại tổn bình sanh chi đức, tánh thiên đạo diệt, dục tranh thế sự chi oan."
Giải nghĩa: Rượu vào lòng đổi, hại hao đức bình sanh, tánh dời đạo hủy, dục tranh oan nghiệt thế tình.
Trì! Nhớ nghe. Đợi hầu Thầy.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GIỤC
Giục loạn
A: To foment a rebellion.
P: Fomenter une revolte.
Giục: xúi giục, thúc cho mau lên. Loạn: làm giặc.
Giục loạn là xúi giục làm loạn, tức là thúc đẩy cho cái mầm loạn mau trổ ra để phân rõ chánh tà, dễ dàng đổi phó.
TNHT: Lão đã lắm phen thấy điều khó khăn mắc mỏ của phần ấy, nên ra tay giục loạn đặng phân rõ chánh tà.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GÓA
Góa thân
A: The widowed person: Widow or Widower.
P: Le veuvage: Une femme veuve ou un homme veuf.
Góa: người đàn bà bị chết chồng (Góa chồng) hoặc người đàn ông bị chết vợ (Góa vợ). Thân: thân mình.
Góa thân là:
Người đàn bà có chồng chết; hoặc
Người đàn ông có vợ chết.
KTKCQV: Xin hiển linh giúp kẻ góa thân.
KTKVQL: Chịu góa thân tuyết đóng song thu.
· Người đàn bà góa chồng còn được gọi là: Quả phụ 寡婦, hay Sương phụ
孀婦.
· Người đàn ông góa vợ còn được gọi là: Quan phu 鰥夫.
KTKCQV: Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị.
KTKVQL: Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.
GÓT
Gót son
A: The red heel: Noble woman.
P: Le talon rouge: Femme noble.
Gót: cái phần sau của bàn chân. Son: màu đỏ như son.
Gót son là gót chân đỏ như son, chỉ người phụ nữ quí phái.
TNHT: Gót son biết đặng mất hay còn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GÔNG
Gông với tróng
A: The cang and shackle.
P: La cangue et le cep.
Gông: cái khung gỗ nặng có then gài để đóng mở, dùng tròng vào cổ tội nhân bị án nặng. Tróng: Cái cùm để giam chân tội nhân vào một chỗ, gồm hai miếng gỗ hay sắt, ghép lại có lỗ vừa cái cổ chân.
Gông với tróng là chỉ những hình phạt khổ sở để trừng trị các tội nhân thời xưa.
TNHT: Quyền hành Chí Tôn của Thầy, các con nên hiểu thấu thì các con sẽ thấy nó là một hình phạt rất nặng nề, chẳng khác nào như gông với tróng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
GƯƠM
Gươm huệ
A: The sabre of wisdom.
P: Le sabre de sagesse.
Gươm: cây kiếm, một thứ khí giới võ thuật. Huệ: trí huệ, là sự sáng suốt thông hiểu đạo lý, dứt điều mê muội.
Gươm huệ là cây gươm trí huệ.
Người tu dùng cái trí huệ đạt được của mình làm như cây gươm cây kiếm để chặt đứt mọi phiền não và các sợi dây oan nghiệt ràng buộc nơi cõi trần, quyết thắng 6 tên giặc cướp gọi là Lục tặc, và ba tên độc hại Tham, Sân, Si gọi là Tam độc, để cho linh hồn được thong dong trở về cõi TLHS.
Kinh Duy Ma Cật có câu: "Dĩ trí huệ kiếm phá phiền não tặc" Nghĩa là: Lấy cây gươm trí huệ để phá tan tên giặc phiền não.
TNHT: Cầm gươm huệ chặt tiêu oan trái.
KXH: Gươm huệ đưa trị xảo trừ tà.
Các từ ngữ khác đồng nghĩa với Gươm huệ là:
Gươm thần huệ: Cây gươm trí huệ huyền diệu:
KVH: Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn.
Huệ kiếm gươm thần: Cây kiếm, cây gươm trí huệ huyền diệu.
KKCĐTTT: |
Nắm cây huệ kiếm gươm thần,
Dứt tan sự thế nợ trần từ đây. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KXH: Kinh Xuất Hội
KVH: Kinh vào học.
KKCÐTTT: Kinh Khai Cửu, Ðại Tường, Tiểu Tường.
GƯƠNG
GƯƠNG
· Tấm kiếng tráng thủy để soi mặt.
· Cái mẫu mực tốt để mọi người noi theo.
Td: Gương nguyệt, Gương đạo.
Gương đạo
A: The good example.
P: Le bon exemple.
Gương: Tấm kiếng tráng thủy để soi mặt. Cái mẫu mực tốt để mọi người noi theo. Đạo: đạo đức.
Gương đạo là tấm gương tốt về đạo đức, tức là những mẫu mực tốt đẹp về đạo đức để người sau noi theo.
TNHT: Gương đạo noi theo đời Thuấn Đế.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Gương hạnh
A: The example of virtue.
P: L'exemple de la vertu.
Gương: Tấm kiếng tráng thủy để soi mặt. Cái mẫu mực tốt để mọi người noi theo. Hạnh: đức hạnh, tánh nết tốt đẹp.
Gương hạnh là tấm gương tốt về đức hạnh.
TNHT: Làu soi gương hạnh rạng Nam hoa.
(Nam hoa: Gái nước Việt Nam)
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Gương nguyệt
A: The moon.
P: La lune.
Gương: Tấm kiếng tráng thủy để soi mặt. Nguyệt: mặt trăng.
Gương nguyệt là gương trăng, ý nói mặt trăng sáng bóng như gương.
TNHT: Nẻo hạnh làu soi gương nguyệt thắm.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Gương vỡ lại lành
Gương: Tấm kiếng tráng thủy để soi mặt. Vỡ: bể ra thành nhiều mảnh. Lành: liền lại như khi chưa bị bể.
Gương vỡ lại lành, chữ Hán là: Phá kính trùng viên, ý nói: tình cảnh vợ chồng thất lạc nay được đoàn tụ vui vẻ.
Điển tích: Sách Bản Sự Thi của Mạnh Khải đời Đường có chép câu chuyện như sau: Nhạc Xương Công chúa là em gái của vua Trần Hậu Chủ, có chồng là Từ Đức Ngôn. Gặp buổi nhà Trần suy loạn, Từ Đức Ngôn nói với vợ: Nước nhà sắp nghiêng đổ, đôi ta chưa chắc được mãi như thế nầy, chúng ta phải có vật gì để sau nầy làm tin. Nói đoạn, Từ Đức Ngôn lấy cái gương tròn bằng đồng của vợ, bẻ ra làm hai mảnh, mỗi người giữ một nửa và ước hẹn rằng: Mỗi năm vào ngày rằm tháng giêng thì đem nửa mảnh gương ra bán ở chợ kinh đô. Khi tôi thấy được, tôi nhứt định sẽ tìm gặp nàng.
Quả nhiên, không bao lâu sau, Trần Hậu Chủ bị Tùy Dượng Đế tiêu diệt. Công chúa Nhạc Xương bị tướng của Tùy là Dương Tố bắt làm hầu thiếp.
Sau khi yên giặc, Từ Đức Ngôn nhớ lời hẹn với vợ năm xưa, nên y hẹn lên chợ kinh đô đúng ngày rằm tháng giêng. Chàng rảo qua chợ để tìm người bán gương, chàng thấy có một nàng hầu gái cầm một miếng gương vỡ đem ra chợ bán. Chàng thấy đúng là nửa mảnh gương của vợ chàng, liền gọi người hầu gái đến một chỗ vắng hỏi thăm thì biết rõ hiện nay Công chúa Nhạc Xương đang ở trong phủ của Dương Tố.
Chàng liền viết 4 câu thi đưa cho người hầu gái trao lại Công chúa, gọi là Phá kính thi: Kính dữ nhân câu khứ, Kính qui nhân vị qui, Vô phục hằng nga ảnh, Không lưu minh nguyệt huy. (Gương với người đều đi, Gương về người chưa về, Chẳng có bóng hằng nga, Lưu suông ánh trăng sáng.)
Công chúa nhận được bài thơ của chồng, khóc than thảm thiết, suốt ngày không chịu ăn uống. Dương Tố hay được, suy nghĩ kỹ rồi mời Từ Đức Ngôn đến, cho vợ chồng tái hiệp, lại cấp cho tiền bạc khá nhiều để về quê sanh sống.
|