OAI (UY)
OAI
OAI: 威 Uy: vẻ tôn nghiêm khiến người ta nể sợ.
Td: Oai dõng, Oai linh. (Xem thêm: UY)
Oai dõng
威勇
A: Powerful.
P: Puissant.
Oai: vẻ tôn nghiêm khiến người ta nể sợ. Dõng: Dũng: mạnh mẽ, can đảm.
Oai dõng hay Uy dũng là có vẻ tôn nghiêm đáng nể sợ và có tinh thần mạnh mẽ.
TNHT: Nếu không đủ tài tình oai dõng thì chẳng hề thắng đặng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Oai đức
威德
A: Severe and virtuous.
P: Sévère et vertueux.
Oai: vẻ tôn nghiêm khiến người ta nể sợ. Đức: đạo đức.
Oai đức là oai quyền và đạo đức.
Có oai để hàng phục kẻ tà, xử trị việc ác; có đức để hộ trợ người chánh, giúp đỡ việc thiện.
Nhờ có oai mà người ta kính sợ, nhờ có đức mà người ta yêu mến.
Oai linh
威靈
A: Majestic and sacred.
P: Majestueux et sacré.
Oai: vẻ tôn nghiêm khiến người ta nể sợ. Linh: thiêng liêng.
Oai linh là vẻ tôn nghiêm có tính cách thiêng liêng khiến ai cũng phải kính sợ.
Oai linh cũng có nghĩa là oai quyền thiêng liêng.
TNHT: Thương thì để dạ, dụng oai linh.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Oai nghiêm
威嚴
A: Majestic and grave.
P: Majestueux et grave.
Oai: vẻ tôn nghiêm khiến người ta nể sợ. Nghiêm: cái vẻ trang nghiêm đáng kính.
Oai nghiêm là oai nghi và nghiêm trang đáng kính sợ.
Đạo Cao Đài có Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Ba Đấng Giáo chủ cầm quyền Tam giáo trong thời Tam Kỳ Phổ Độ. Tam Trấn Oai Nghiêm gồm:
■ Nhứt Trấn Oai Nghiêm: Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch, cầm quyền Tiên giáo, kiêm nhiệm Giáo Tông ĐĐTKPĐ.
■ Nhị Trấn Oai Nghiêm: Quan Thế Âm Bồ Tát, cầm quyền Phật giáo thời Tam Kỳ Phổ Độ.
■ Tam Trấn Oai Nghiêm: Quan Thánh Đế Quân, cầm quyền Nho giáo thời Tam Kỳ Phổ Độ.
KĐLC: |
Nam mô Tam Trấn Hư Vô,
Oai Nghiêm độ rỗi Cao đồ qui nguyên. |
KÐLC: Kinh đưa linh cửu.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Oai phong lẫm liệt
威風凜冽
A: Awe-inspiring air.
P: Majesté terrible à voir.
Oai: vẻ tôn nghiêm khiến người ta nể sợ. Phong: dáng điệu. Lẫm: lạnh. Liệt: khí lạnh. Oai phong: có phong thái oai nghi đáng nể sợ. Lẫm liệt: lạnh rét phát sợ.
Oai phong lẫm liệt là cái dáng oai nghi đáng sợ.
Oai quyền
威權
A: Authority, power.
P: Autorité, pouvoir.
Oai: vẻ tôn nghiêm khiến người ta nể sợ. Quyền: quyền hành.
Oai quyền là có quyền thế làm người ta kính sợ.
TNHT: Hễ trách phận đàn anh, tuy lấy oai quyền khuyên nhủ trừng trị lấy em mặc dầu, chớ cũng nên hiểu tâm của mỗi đứa.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Oai Thần
威神
A: The majestic genius.
P: Le génie majestueux.
Oai: vẻ tôn nghiêm khiến người ta nể sợ. Thần: vị Thần.
Oai Thần là vị Thần có oai quyền đáng nể sợ.
KĐ5C: Dựa xe Như Ý, Oai Thần tiễn thăng.
KÐ5C: Kinh Ðệ Ngũ cửu.
OAN
OAN
OAN: 冤 - Thù giận, thù oán. - Bị ức, không làm mà chịu.
Td: Oan cừu, Oan gia, Oan khúc.
Oan cừu
冤仇
A: Animosity.
P: Animosité.
Oan: Thù giận, thù oán. Cừu: thù hằn.
Oan cừu là giận ghét thù hằn.
Oan gia
冤家
A: Enemy of the anterior existence.
P: Ennemi de l'existence antérieure.
Oan: Thù giận, thù oán. Gia: người.
Oan gia là người có mối thù giận với mình từ kiếp trước.
Kiếp trước mình làm cho người ta thù giận mình thì kiếp nầy người ta là oan gia của mình, người ta sẽ tìm đến mình để đòi món nợ thù giận trước và mình có nhiệm vụ phải đền trả.
Oan gia nghi giải bất nghi kết: Việc thù hằn nên cổi bỏ ra chớ không nên cột buộc vào. (Nghi là nên, giải là cởi bỏ, kết là buộc).
KCHKHH: Dầu oan gia tội báo buộc ràng.
KCHKHH: Kinh cầu hồn khi hấp hối.
Oan hồn
冤魂
A: The soul of a person who died a victim of injustice.
P: L'âme d'une personne morte victime d'une injustice.
Oan: - Thù giận, thù oán. - Bị ức, không làm mà chịu. Hồn: linh hồn.
Oan hồn là linh hồn của người bị chết oan.
Chết oan là chưa tới số mà bị chết thình lình.
Thường thì những oan hồn rất đau khổ, tức giận, thù oán người đã gây cho họ cái chết oan ức, nên các oan hồn thường đi theo kẻ thù để chờ dịp báo oán.
Thân nhân của các oan hồn cần phải tụng kinh Cầu Siêu, kinh Di-Lạc, tụng thường xuyên để các oan hồn thức tỉnh, cởi bỏ điều thù giận, thì mới có thể siêu thoát được.
Oan khiên
冤愆
A: The hate and sin.
P: La haine et le péché.
Oan: Thù giận, thù oán. Khiên: tội lỗi.
Oan khiên là thù giận và tội lỗi.
TNHT: Tránh mối oan khiên chớ buộc mình.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Oan khuất
冤屈
A: Oppressed.
P: Opprimé.
Oan: Bị ức, không làm mà chịu. Khuất: bị che lấp, bị đè nén không tỏ ra được.
Oan khuất là bị oan ức mà không kêu ca tỏ bày ra được.
Oan khúc
冤曲
Oan: Bị ức, không làm mà chịu. Khúc: cong, gãy.
Oan khúc, đồng nghĩa Oan khuất, tức là bị oan ức mà không tỏ bày ra được.
CG PCT: Tiếp Đạo là người tiếp cáo trạng, án tiết, thì phải quan sát trước coi có oan khúc chi chăng,....
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Oan nghiệt
冤孽
A: Retribution for evil.
P: Rétribution par la mal.
Oan: Thù giận, thù oán. Nghiệt: nghiệp ác, cái mầm ác.
Oan nghiệt là những thù giận và những điều ác mà mình đã gây ra trong kiếp sống, sẽ tạo thành ác nghiệp, báo đáp lại trong kiếp sống hiện tại, gây ra hoạn nạn đau khổ, hoặc chưa báo đáp được thì nó tạo thành những sợi dây oan nghiệt ràng buộc chơn thần, không cho chơn thần xuất ra khỏi xác khi thể xác chết.
Có tất cả 7 sợi dây oan nghiệt ràng buộc chơn thần. Phép Đoạn căn là phép bí tích cắt đứt 7 dây oan nghiệt giúp cho chơn thần thoát ra khỏi xác, trở về cõi thiêng liêng.
KTL: Dây oan nghiệt dứt rời trái chủ.
KTL: Kinh Tẫn Liệm.
Oan oan tương báo
冤冤相報
Oan: Thù giận, thù oán. Tương: lẫn nhau. Báo: đáp lại.
Oan oan tương báo là lấy oán thù báo đáp oán thù.
Sự thù oán, kẻ gây ra, người báo đáp, rồi lại gây lại đáp, cứ thế thù oán kéo dài từ lớp nọ đến lớp kia, liên miên bất tận, gây ra biết bao nỗi đau khổ trong kiếp sống.
Do đó, cổ nhơn thường khuyên rằng: Oán thù nghi giải, bất nghi kết, nghĩa là việc thù oán nên cổi bỏ, không nên kết buộc, hoặc là: Dĩ ân báo oán, tức là lấy ơn đáp oán thì oán ấy mới dứt được.
Oan trái
冤債
A: The debt from the previous existence.
P: La dette de l'existence antérieure.
Oan: Thù giận, thù oán. Trái: món nợ.
Oan trái là món nợ về thù giận.
Mình làm cho người ta bị tổn hại, khiến người ta thù giận mình, như vậy mình đã gây ra một oan trái, mình là con nợ và người ta là chủ nợ, nợ nầy là nợ thù giận.
Bây giờ người ta kém thế, không đòi nợ được, người ta sẽ chờ một cơ hội nào đó, để đến đòi nợ, và nhứt định mình phải đền trả món nợ ấy đúng theo luật công bình thiêng liêng. Ấy cũng chính là luật Nhân Quả. Trong kiếp nầy chưa trả được thì những kiếp sau cũng phải trả, không trốn chạy vào đâu cho thoát được.
TNHT: Dứt dây oan trái chớ riêng thương.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Oan uổng
冤枉
A: Injustice.
P: Injustice.
Oan: Bị ức, không làm mà chịu. Uổng: nhọc mà không ích lợi.
Oan uổng là bị thiệt hại mà không phải vì lỗi của mình.
Oan ưng
冤應
A: Injustice and consent.
P: Injustice et consentement.
Oan: Bị ức, không làm mà chịu. Ưng: bằng lòng nhận tội.
Oan ưng là hai trường hợp trái ngược nhau: - bị oan ức, không làm mà bị buộc tội; - có làm tội nên bằng lòng chịu tội.
CG PCT: Như phải đáng bào chữa thì Khai Đạo phân giải giữa Hội cho ra lẽ oan ưng.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Oan ương (Uyên ương)
鴛鴦
Oan ương hay uyên ương, là một loài chim nhỏ, con trống là oan hay uyên, con mái là ương, luôn luôn sống từng đôi, không rời nhau.
Oan ương là chỉ đôi vợ chồng thương yêu hòa hợp như đôi chim oan ương (uyên ương).
OÁN
OÁN
OÁN: 怨 Giận, hận.
Td: Oán Thiên vưu nhân.
Oán chạ thù vơ
A: The nonsensical hate.
P: La haine de bêtise.
Oán: Giận, hận. Chạ: bậy bạ, bừa bãi. Thù: căm giận. Vơ: không căn cứ.
Oán chạ thù vơ là thù oán bậy bạ, không căn cớ, chỉ hạng tiểu nhân hèn hạ đi kiếm chuyện gây sự.
KSH: Mà gổ ganh oán chạ thù vơ.
KSH: Kinh Sám Hối.
Oán Thiên vưu nhân
怨天尤人
Oán: Giận, hận. Thiên: Trời. Vưu: trách. Nhân: người.
Oán Thiên: giận Trời. Vưu nhân: trách người.
Trong sách Trung Dung nói về người quân tử, viết rằng: " Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân, cố quân tử cư dị dĩ sĩ mệnh." Nghĩa là: Trên không oán Trời, dưới không trách người, cho nên người quân tử cứ ở bình dị mà đợi mệnh Trời.
"Người quân tử cứ theo địa vị mình mà ăn ở, không cầu ở ngoài. Ở địa vị giàu sang thì ăn ở theo cách giàu sang; ở địa vị nghèo hèn thì ăn ở theo cách nghèo hèn; ở địa vị mọi rợ thì ăn ở theo nơi mọi rợ; ở vào lúc hoạn nạn thì ăn ở theo cảnh hoạn nạn. Người quân tử ở vào cảnh nào cũng tự đắc cả: ở địa vị cao thì không khinh khi lấn lướt kẻ dưới; ở địa vị thấp thì không cầu cạnh người trên, chỉ giữ mình được ngay chánh mà thôi, không cầu gì ở ngoài thì không phải oán hận; trên không oán Trời, dưới không trách người, cho nên người quân tử cứ bình dị mà đợi mệnh; kẻ tiểu nhân làm sự nguyhiểm để cầu may.
Đức Thánh nói: người bắn cung cũng như người quân tử, bắn mà sái đích thì trở lại xét mình vì sao."
(Trên đây là dịch nghĩa chương thứ 14 sách Trung Dung)
OANH
Oanh liễu
鶯柳
A: The oriole in willow.
P: Le loriot dans le saule.
Oanh: chim hoàng anh, loại chim rất nhỏ, tiếng hót trong vắt. Liễu: cây liễu, thường được trồng quanh bờ hồ.
Oanh liễu là con chim oanh đậu trên cành liễu.
Liễu là loại cây có cành rất yếu, chỉ có con chim oanh đậu được trên cành liễu mà thôi, còn các con chim khác đều lớn hơn chim oanh, nên cành liễu chịu không nổi sức nặng nên nó oằn sát xuống đất, không đậu được. Do đó, trong vườn liễu, chỉ có chim oanh bay vào đậu mà thôi.
Trong văn chương, người ta dùng hai chữ Oanh liễu để chỉ đôi vợ chồng xứng đôi vừa lứa, phải duyên phải nợ.
Oanh nhặt thúc - Oanh thưa nhặt
Oanh: chim oanh. Nhặt thúc: thúc giục cho nhanh. Thưa nhặt: khi chậm khi nhanh.
Oanh nhặt thúc là tiếng oanh hót như thúcgiục nhanh lên.
Oanh thưa nhặt là tiếng chim oanh hót khi mau khi chậm.
Oanh nhặt thúc đồng nghĩa Oanh thưa nhặt, ý nói: Thời gian qua mau, đời người không mấy chốc.
TNHT: |
● Non xế nhành thung oanh nhặt thúc. |
|
● Ngày thâu bóng xế oanh thưa nhặt. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Oanh oanh liệt liệt
轟轟烈烈
A: Imposing.
P: Grandiose.
Oanh: vang lừng. Liệt: mạnh mẽ dữ dội.
Oanh liệt là lẫy lừng vang động.
Oanh oanh liệt liệt là tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi.
OÁT
OÁT
OÁT: 斡 Chuyển xoay, quay.
Td: Oát truyền, Oát vận.
Oát triền vô biên
斡旋無邊
Oát: Chuyển xoay, quay. Triền: về, xoay lại. Vô: không. Biên: giới hạn.
Chữ Triền 旋 còn đọc là Toàn hay Tuyền.
Td: Triền Càn chuyển Khôn: Xoay Trời chuyển đất.
Triền phong hay Toàn phong: gió cuốn xoay tròn như trôn ốc.
Oát triền hay Oát toàn là quay vần, xoay vần.
Oát triền vô biên là xoay chuyển rộng ra không giới hạn.
Đây là một câu trong bài Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, lâu nay thường được in là: Hoát truyền vô biên.
Nhưng theo bản kinh bằng Hán văn "Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh" của hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, in năm 1928, thì phần Hán văn in là: 斡旋無邊
Như vậy, khi phiên âm ra Việt văn, chúng ta phải viết là "Oát triền vô biên" thì mới đúng chánh tả.
Oát vận
斡運
A: To turn around.
P: Tourner.
Oát: Chuyển xoay, quay. Vận: chuyển vận.
Oát vận là vận chuyển xoay vần.
Kinh Tiên giáo có câu: Càn Khôn oát vận.
Lâu nay câu kinh nầy được in là: Càn Khôn hoát vận.
Nhưng theo bản kinh bằng Hán văn "Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh" của hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt in năm 1928, thì phần Hán văn in là: 乾坤斡運
Như vậy, khi phiên âm ra Việt văn, chúng ta phải viết là "Càn Khôn oát vận" thì mới đúng chánh tả.
OẰN
Oằn oại
A: To twist.
P: Se tordre.
Oằn là cong xuống vì bị một sức nặng đè xuống.
Oằn oại là thân mình bị cong quẹo do một sức quá nặng đè lên vai hay do sự đau đớn quá sức.
TNHT: Đồ thơ oằn oại gánh nghiêng vai.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
ONG
Ong bướm
A: Bee and butterfly: Licentious love.
P: Abeille et papillon: Amour licencieux.
Ong: con ong. Bướm: con bươm bướm.
Con ong hay con bướm khi thấy hoa nở thì đáp vào để hút lấy mật hoa trong nhụy.
Hoa tượng trưng người con gái, ong bướm tượng trưng những chàng trai phóng đãng. Khi ong bướm thấy hoa thì đáp vào, cũng như các chàng trai phóng đãng thấy đàn bà con gái thì đến gần tìm cách ve vãn, dụ dỗ.
Ong tay áo
A: The traitor.
P: Le traïtre.
Ong tay áo là nói tắt thành ngữ: Nuôi ong tay áo.
Nuôi con ong trong tay áo thì thế nào cũng bị ong chích.
Ong tay áo là chỉ kẻ phản bội, ăn của chủ nhà rồi trở lại hại chủ nhà.
KSH: Phải chừa thói loài ong tay áo.
KSH: Kinh Sám Hối.
Ô
Ô
1. Ô: 汙 Nhơ bẩn, nhơ nhớp.
Td: Ô danh. Ô sinh.
2. Ô: 烏 con quạ, màu đen.
Td: Ô hợp, Ô thước.
Ô danh
汙名
A: Bad reputation.
P: Mauvaise réputation.
Ô: Nhơ bẩn, nhơ nhớp. Danh: tiếng tăm.
Ô danh là tiếng tăm xấu xa, nhơ nhớp.
Ô đầu mã giác
烏頭馬角
Ô: con quạ, màu đen. Đầu: cái đầu. Mã: ngựa. Giác: sừng.
Ô đầu là đầu con quạ. Mã giác là sừng ngựa.
Câu trên nói đầy đủ là: Ô bạch đầu, mã sinh giác, nghĩa là: đầu quạ trắng, ngựa mọc sừng. Ý nói việc không thể có được, cũng giống như câu: Lông rùa sừng thỏ.
Điển tích: Cuối đời Chiến Quốc, nước Tần dần dần hùng mạnh, nước Yên phải sai Thái tử Đan sang kinh đô của Tần ở làm con tin để xin hòa với Tần. Một thời gian sau, Thái tử Đan xin vua Tần cho trở về nước. Vua Tần nói:
- Chừng nào đầu con quạ trắng, ngựa mọc sừng thì ta sẽ cho ông về nước. (Linh ô bạch đầu, mã sinh giác, nãi đắc qui.)
Thái tử Đan biết vua Tần muốn giam giữ mình mãi nơi đây, nên quá buồn bã, ngước mặt nhìn lên Trời than rằng: "Trời ơi Trời! Chẳng lẽ ta vĩnh viễn không được trở về nước Yên sao? " Đột nhiên từ xa, nghe tiếng quạ kêu quang quác, liền đó có một con quạ đầu trắng bay xuống đậu trên tay Thái tử Đan. Thái tử ôm lấy quạ, vui mừng vô hạn. Động tâm, Thái tử liền ra tàu ngựa, thấy con ngựa mình thường cỡi đã mọc lên hai cái sừng. Thái tử kinh ngạc hết sức, biết là Trời đã cứu mình, nên Thái tử vội đem hai con vật ấy ra mắt vua Tần. Vua Tần buộc phải thả Thái tử Đan trở về nước Yên.
Ô hợp
烏合
A: The jumble.
P: Le ramas.
Ô: con quạ, màu đen. Hợp: hợp lại.
Ô hợp là tình trạng lộn xộn vô trật tự như một bầy quạ.
Ô-li-vê
A: Mount of Olives.
P: Mont des Oliviers.
Ô-li-vê là tiếng phiên âm từ tiếng Pháp, là tên của một ngọn núi nhỏ và thấp ở ngoại thành Jerusalem nước Do Thái.
Đức Chúa Jésus Christ cùng với 12 vị Tông đồ thường lên núi nầy để cầu nguyện.
Tại núi nầy, Chúa Jésus dự ngôn về thành Jérusalem bị tàn phá, về cái chết của Ngài và sự phục sinh của Ngài.
Trước khi Ngài bị bắt và bị hành hình trên cây thập tự, Ngài đã lên núi Ô-li-vê cầu nguyện cho nhơn loại.
KKV: |
Núi Ô-li-vê để dấu chơn,
Gia Tô Giáo chủ giải phần hữu sanh. |
KKV: Kinh khi về.
Ô nhiễm
汙染
A: To infect.
P: Infecter.
Ô: Nhơ bẩn, nhơ nhớp. Nhiễm: nhuốm vào, thấm vào.
Ô nhiễm là chất dơ bẩn nhuốm vào.
Không khí ô nhiễm là không khí bị nhiễm các chất khí độc hại, ảnh hưởng xấu lên sức khỏe của con người.
Ô sinh
汙生
A: The sullied life.
P: La vie souillée.
Ô: Nhơ bẩn, nhơ nhớp. Sinh: sống, kiếp sống.
Ô sinh là kiếp sống nhơ bẩn, ý nói kiếp sống nơi cõi trần, vì nơi đây, thanh khí có ít mà trược khí thì có nhiều, làm cho chơn thần con người bị nhiễm trược, nên dơ bẩn nặng nề.
Câu chú để niệm khi hành pháp luyện Cam Lồ Thủy:
"Cam lồ thủy năng hủy trược kiếp ô sinh oan nghiệt tội chướng chi đọa."
Ô thước
烏鵲
A: The crown and the magpic.
P: Le corbeau et la pie.
Ô: con quạ, màu đen. Thước: con chim khách.
Ô thước là con quạ và con chim khách.
Tương truyền, vào đêm thất tịch mùng 7 tháng 7 âm lịch, chim ô và chim thước kết cánh liền nhau, đầu đội đá, tạo thành cái cầu bắc ngang sông Ngân Hà để cho nàng Chức Nữ đi qua sông gặp chồng là Ngưu Lang cho thỏa niềm thương nhớ trong suốt một năm dài xa cách.
Do đó, trong tháng 7 âm lịch, chim ô và chim thước đều bị rụng lông trên đầu vì phải đội đá bắc cầu.
Người xưa thấy hiện tượng thay lông đầu của chim ô và chim thước trong tháng 7 mà đặt ra truyền thuyết nầy chăng?
Ô trược (Ô trọc)
汙濁
A: Dirty and impure.
P: Sale et impure.
Ô: Nhơ bẩn, nhơ nhớp. Trược: Trọc: bẩn thỉu, dơ đục.
Ô trược hay Ô trọc là bẩn đục dơ dáy.
KGO: Chịu ô trược chơn thần nặng trịu.
KGO: Kinh Giải Oan.
Ô uế
汙穢
A: Sullied.
P: Souillé.
Ô: Nhơ bẩn, nhơ nhớp. Uế: hôi hám dơ bẩn.
Ô uế là nhơ nhớp hôi hám.
KĐ6C: Trừ tiêu tàn ô uế sinh quang.
KÐ6C: Kinh Ðệ Lục cửu.
ỐC
Ốc trần huờn ư song thủ chi nội
握塵寰於雙手之內
Ốc: còn đọc là ÁC: nắm giữ, cầm giữ. Trần huờn: Trần hòan: cõi trần, cõi thế gian. Ư: ở tại. Song thủ: hai tay, hàm ý về Âm Dương. Chi: hư tự. Nội: trong, ở trong.
Đây là một câu trong bài kinh Phật Giáo nói về quyền pháp của Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, có nghĩa là:
Nắm giữ các cõi trần vào trong hai tay, ý nói: Chưởng quản các cõi trần.
Ốc mượn hồn
Ốc là con ốc.
Ốc mượn hồn là loại ốc không có vỏ, nó mượn cái vỏ không của một con ốc đã chết, để ở.
Ngất ngơ như ốc mượn hồn: dáng điệu ngơ ngẩn dại dột.
ÔM
Ôm bình
Ôm: dùng hai tay mà giữ lấy. Bình: tấm bình phong.
Ôm bình là giữ lấy tấm bình phong để làm kỷ niệm.
Ý nói: Cái duyên thành vợ chồng.
Điển tích: Theo Đường thư, ông Đậu Nghị, người đất Mậu Lăng, làm quan Thượng Trụ Quốc thời Nam Bắc triều, có một con gái yêu, muốn kén rể, bèn sai vẽ hai con khổng tước (con công) lên tấm bình phong, ước hẹn rằng cậu trai nào giương cung bắn hai phát, mà trúng mắt khổng tước thì sẽ được gả con gái cho.
Nhiều cậu trai đến thử tài nhưng không bắn trúng. Sau có Lý Uyên đến dự thi, chỉ bắn một phát là trúng mắt công, nên được Đậu Nghị nhận làm rể.
Về sau, Lý Uyên khởi lên và làm vua ở đất Đường, hiệu là Đường Cao Tổ và con gái của Đậu Nghị làm Hoàng Hậu, gọi là Đậu Hoàng Hậu.
Hai vợ chồng Lý Uyên giữ mãi tấm bình phong có vẽ hai con khổng tước ấy để làm kỷ niệm duyên vợ chồng.
Từ điển tích nầy, người ta rút ra hai chữ "Xạ tước", ý nói là bắn con mắt chim khổng tước, nhưng vì chữ "tước" còn có nghĩa là con chim se sẻ, nên chữ Xạ tước lại được dịch ra là "Bắn sẻ" và được dùng rộng rãi, cũng từ điển tích nầy mà ra, nên cùng có một ý nghĩa là chỉ việc thử tài kén rể và kết duyên thành vợ chồng.
KHP: Ôm bình, bao tóc sang hèn cũng cam.
KHP: Kinh Hôn Phối.
Ôm cầm
Ôm cầm là ôm cây đàn tỳ bà, ý nói việc phụ nữ lấy chồng, việc tái giá, hay việc bỏ chồng cũ lấy chồng mới.
Điển tích: Theo sách Thiên Hương Tập, nàng Kiều Oanh có nói với chồng là: "Thiếp dĩ thân hứa quân, tuy toái ngọc trầm châu, diệc bất bảo tỳ bà quá biệt thuyền dã."
Nghĩa là: Thiếp đã đem thân theo chàng, dẫu đến nát ngọc chìm châu, cũng không ôm đàn tỳ bà qua thuyền khác vậy.
Ý nàng Kiều Oanh nói rằng: Dầu hoàn cảnh nào cũng không đi lấy chồng khác, nhứt định chung thủy với chàng.
Trong Đường Thi cũng có câu: "Khẳng tỳ bà quá biệt thuyền." Nghĩa là: Ôm đàn tỳ bà chẳng nỡ qua thuyền khác.
Do đó, trong văn chương thường dùng các thành ngữ: Ôm cầm, Ôm cầm thuyền ai, Ôm đàn qua thuyền, là lấy ý nghĩa theo điển tích nầy.
Ôm cầu
Ôm: dùng hai tay giữ chặt vào lòng. Cầu: trái tú cầu làm bằng lụa nhiều màu rất đẹp, dùng để cho các công chúa kén chồng.
Điển tích: Vua Hán Võ Đế, mỗi khi kén lựa phò mã (rể của vua, chồng của công chúa) thì thường cất một cái lầu cao, bảo công chúa lên ngồi trên đó. Các vương tôn, công tử, anh hùng, ai muốn làm rể vua thì tụ tập đứng dưới lầu. Công chúa nhìn xuống, phải lòng chàng trai nào thì ném tú cầu cho người ấy. Chàng trai nào bắt được tú cầu, ôm chặt lấy, đem vào trình vua thì được vua nhận làm rể và gả công chúa cho.
Tục lệ nầy cũng được các nhà quyền quí dùng để kén chồng cho các công nương và tiểu thư.
Theo điển tích trên, ôm cầu là ôm trái tú cầu, chỉ người chồng của công chúa.
KTKVQL: |
Bước Tiên nàng đã ngao du,
Đoái tình thương kẻ ôm cầu khóc duyên. |
Kẻ ôm cầu là chỉ người chồng.
■ Từ ngữ "ÔM CẦU" còn có thể được giải nghĩa là: Ôm cột cầu, hay Ấp cây (Hán văn: Bảo trụ) theo điển tích sau đây:
Theo sách Trang Tử, chàng trai Vỹ Sinh, người nước Lỗ thời Xuân Thu, có hẹn với người tình là một nàng con gái đến gặp nhau dưới một cây cầu. Người con gái thất hẹn, không đến, Vỹ Sinh cứ đứng đó ôm cột cầu chờ mãi, đến nỗi nước triều dâng lên ướt cả mình mà cũng không chịu rời tay, cuối cùng nước ngập lên đến đầu, bị chết ngộp.
Đây có lẽ là một câu chuyện do Trang Tử tưởng tượng viết ra với một dụng ý bỡn cợt hay châm biếm mà thôi, chớ thực tế đâu có một chàng trai nào ngu ngốc đến như thế, bỏ cả cha mẹ và cuộc đời mình vì lời ước hẹn với một cô gái thất hứa, không ra gì.
Cho nên, trong Luận Ngữ Chú Sớ Giải Kinh, lời sớ của ông Hình Bỉnh viết rằng: Vỹ Sinh làm như vậy, tuy là có thủ tín nhưng không phải nghĩa.
Theo như điển tích nầy, kẻ ôm cầu là một người tình lãng mạn, chỉ là một người tình chớ chưa phải là chồng, với hành động ôm cột cầu để bị chết ngộp một cách ngu xuẩn và mê muội như thế, không thể được luân lý và lẽ phải chấp nhận.
Do đó, chúng ta không thể dùng điển tích Vỹ Sinh nầy để giải thích chữ Ôm Cầu trong bài kinh Chồng Tế Vợ khi vợ qui liễu.
KTKVQL: Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.
ÔN
ÔN
1. ÔN: 溫
· Học lại bài vở.
Td: Ôn cố tri tân.
· Ôn là ấm, hoà nhã.
Td: Ôn hòa, Ôn sảnh.
2. ÔN: 瘟 Bệnh dịch truyền nhiễm.
Td: Ôn Thần.
Ôn cố tri tân
溫故知新
A: To recall the past and to know the present.
P: Se rappeler le passé et connaïtre le présent.
Ôn: Học lại bài vở. Cố: xưa, cũ, chuyện xưa. Tri: biết. Tân: mới.
Ôn cố tri tân là xem xét lại những điều xưa cũ thì biết được nhiều điều mới.
■ Sách Luận Ngữ có viết rằng: Ôn cố nhi tri tân, khả vi sư hỹ. Nghĩa là: Ôn lại những điều cũ mà biết được điều mới, có thể làm thầy được vậy. Ý nói: Xem xét nghiền ngẫm các việc đời xưa, thì có thể suy đoán biết rõ việc ngày nay, và như thế là có thể làm thầy dạy kẻ khác.
■ Trong sách Trung Dung, Chương thứ 27 có viết rằng:
Cố quân tử tôn đức tính nhi đạo vấn học,
Trí quảng đại nhi tận tinh vi,
Cực cao minh nhi đạo Trung Dung,
Ôn cố nhi tri tân, đôn hậu dĩ sùng lễ.
Thị cố cư thượng bất kiêu, vi hạ bất bội,
Quốc hữu đạo, kỳ ngôn túc dĩ hưng;
Quốc vô đạo, kỳ mặc túc dĩ dung.
Nghĩa là:
Cho nên người quân tử tôn đức tánh mà lo học vấn,
Tìm đến chỗ rộng lớn mà xét hết những cái tinh vi,
Rất cao minh mà vẫn noi theo đạo Trung Dung,
Ôn lại việc đời xưa mà biết việc đời nay, đắp dày nền nhân mà sùng kính lễ.
Vậy cho nên ở địa vị cao thì không kiêu, ở địa vị thấp thì không trái,
Lúc nước trị (có đạo) thì lời nói đủ làm hưng thịnh,
Lúc nước loạn (vô đạo) thì sự yên lặng đủ giữ lấy mình.
Ôn hòa
溫和
A: Moderate.
P: Modéré.
Ôn: Ôn là ấm, hoà nhã. Hòa: êm đềm tốt đẹp với nhau.
Ôn hòa là tánh tình hòa nhã, không nóng nảy quá khích.
TNHT: Nơi xứ nầy, dân tình rất thuần hậu, ôn hòa.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Ôn, lương, cung, khiêm, nhượng
溫,良,恭,謙,讓
Ôn: ôn hòa. Lương: tốt, lương thiện. Cung: kính trọng. Khiêm: khiêm tốn. Nhượng: nhường nhịn.
TL: Ra giao thiệp với đời thì phải tập giữ tánh: Ôn, lương, cung, khiêm, nhượng.
TL: Tân Luật.
Ôn nhu
溫柔
A: Moderate.
P: Modéré.
Ôn: Ôn là ấm, hoà nhã. Nhu: mềm mỏng.
Ôn nhu là ôn hòa và mềm mỏng.
Ôn sảnh
溫凊
A: Filial duty.
P: Devoir filial.
Ôn: Ôn là ấm, hoà nhã. Sảnh: mát. Ôn sảnh là ấm và mát.
Thành ngữ: Đông ôn hạ sảnh, nghĩa là: mùa đông thì ấp cho ấm, mùa hạ thì quạt cho mát. Dịch ra thành ngữ Việt văn là: Quạt nồng ấp lạnh, chỉ sự hiếu thảo của con đối với cha mẹ.
Điển tích: Hoàng Hương, tự là Văn Cường, người đời Hậu Hán, mới 9 tuổi thì mẹ mất, thờ cha rất mực cung kính, thức khuya dậy sớm hầu cha, không dám xao lãng.
Vào mùa Đông, Hoàng Hương nằm ủ vào chăn chiếu để truyền hơi ấm cho cha khỏi lạnh, đến mùa hè thì quạt mùng gối cho cha được mát mẻ luôn. Nhờ vậy người cha sống thoải mái vui tươi, không biết cái lạnh mùa đông hay cái nóng mùa hè.
Quan Thái Thú Lưu Hộ ở quận biết Hoàng Hương là người con chí hiếu nên làm sớ tâu lên vua Hán xin ban thưởng để làm gương tốt cho mọi người. (Trích: Nhị thập tứ Hiếu)
HÁN VĂN: |
Dịch nghĩa: |
Đông nhựt ôn khâm noãn,
Viêm thiên phiến chẩm lương.
Nhi đồng tri tử chức,
Thiên cổ nhứt Hoàng Hương. |
Ngày đông ủ ấm chăn,
Ngày nóng quạt mát gối,
Trẻ thơ biết phận con,
Ngàn xưa một Hoàng Hương. |
Ôn Thần
瘟神
A: The genius of plague.
P: Le génie de la peste.
Ôn: Bệnh dịch truyền nhiễm. Thần: vị Thần.
Ôn Thần là những vị Thần làm ra bịnh ôn dịch.
Theo truyện Phong Thần, Ôn Bộ gồm 7 vị Ôn Thần:
1. Lữ Nhạc: |
Chưởng Ôn Hoàng Hạo Nhiên Đại Đế. |
2. Châu Tín: |
Đông phương Hành Ôn Sứ giả. |
3. Lý Kỳ: |
Nam phương Hành Ôn Sứ Giả. |
4. Châu Thiên Lân: |
Tây phương Hành Ôn Sứ Giả. |
5. Dương Văn Huy: |
Bắc phương Hành Ôn Sứ Giả. |
6. Trần Canh: |
Khuyến Thiên Đại Sứ. |
7. Lý Bình: |
Hòa Ôn Đạo Sĩ. |
ÔNG
Ông Công - Ông Táo
A: The genius of kitchen.
P: Le génie du foyer.
Ông Công: tiếng gọi Thổ Công, là một vị Thần trong ba vị Táo Quân.
Ông Táo: tiếng gọi Táo Quân, Táo Công, Táo Thần.
Táo Quân là chỉ chung ba vị Thần trông nom các việc trong nhà, kể ra:
1. Thổ Công: |
tức là Ông Công, trông nom việc bếp. |
2. Thổ Địa: |
tức là Ông Địa, trông nom việc nhà, |
3. Thổ Kỳ: |
trông coi việc chợ búa. |
(Xem chi tiết nơi chữ: Táo Quân, vần T)
Ông Thiện - Ông Ác
A: The Good Genius - The Evil Genius.
P: Le Bon Génie - Le Mauvais Génie.
Trước cửa Tòa Thánh hay các Thánh Thất, có đặt hai pho tượng lớn, đầu đội kim khôi, thân mình mặc giáp.
- Một ông đứng bên nam phái, tay cầm đại đao, vẻ mặt hiền lành phúc hậu, đứng trên tòa sen, đó là Ông Thiện (Thiện Thần) tượng trưng điều thiện, điều chánh.
- Một ông đứng bên phía nữ phái, một tay cầm cái búa, một tay cầm cục ngọc tỷ, gương mặt hung dữ, đứng trên tòa lửa, đó là Ông Ác (Ác Thần) tượng trưng điều ác, điều tà.
Sự tích Ông Thiện và Ông Ác như sau:
Thời thượng cổ, vua Tỳ Kheo có hai con trai là Tỳ Văn và Tỳ Võ. Tỳ Văn thì hiền lành, trái lại Tỳ Võ rất hung dữ.
Vua Tỳ Kheo rất hâm mộ đạo đức. Lúc ấy, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ổ Ấn Độ, độ được vua Tỳ Kheo. Vua Tỳ Kheo lo lập chùa để tu niệm và muốn nhường ngôi lại cho con trưởng là Tỳ Văn hiền lành, nhưng lại sợ Tỳ Võ hung dữ không chịu.
Vua Tỳ Kheo lập kế, sai Tỳ Võ đi các trấn vỗ an bá tánh và đến Hàng Châu chiêu mộ anh tài. Nơi triều đình, vua Tỳ Kheo nhường ngôi cho Tỳ Văn, còn ông vào chùa tu niệm.
Khi Tỳ Võ hoàn thành nhiệm vụ, trở về triều, thấy anh mình là Tỳ Văn đã lên ngôi vua rồi.
Tỳ Võ liền nói:
- Anh hiền lắm, làm vua sao được, dân không sợ đâu. Anh hãy để ngai vàng lại cho tôi. Tôi dữ là dữ với kẻ hung ác bạo tàn vô đạo chớ không dữ với người đạo đức bao giờ.
Tỳ Văn nghe em nói như vậy biết là Tỳ Võ muốn lên làm vua, sợ phải thất lời với vua cha, nên Tỳ Văn vội vàng cầm ngọc tỷ (ấn của vua bằng ngọc) chạy lên chùa để báo cáo cho vua cha sự việc. Nhưng khi Tỳ Văn chạy tới cửa chùa thì vấp té chết, linh hồn thoát xác đi lên cõi Trời.
Tỳ Võ đuổi theo tới nơi, thấy xác của anh mình nằm chết trước cửa chùa, cúi xuống lượm ngọc tỷ cầm lên, bất giác hối hận ăn năn, thấy con người khi chết không đem theo được gì cả, bao nhiêu tiền tài, danh vọng, quyền thế, đều bỏ lại cõi đời, linh hồn chỉ ra đi với hai tay trắng. Tỳ Võ thức tỉnh, quyết bỏ hết sự đời, theo vua cha tu niệm, cuối cùng thì đắc đạo.
Một người dầu lòng dạ hung ác, nhưng khi biết ăn năn cải hối, giác ngộ tu hành, thì trong một kiếp cũng có thể đắc đạo giải thoát.
Hai pho tượng Ông Thiện và Ông Ác, tức là Thiện Thần và Ác Thần, tiêu biểu cho sự thiện và sự ác, sự chánh và sự tà, đối chiếu hai mặt trái ngược nhau của cuộc đời. Đời chỉ ra hai con đường: con đường thiện và con đường ác. Dù con người đi theo đường ác, nhưng đến phút cuối, biết ăn năn sám hối, quày đầu hướng thiện, thì cũng được Đức Chí Tôn cứu rỗi linh hồn.
Khi Đức Phạm Hộ Pháp trấn thần hai pho tượng Ông Thiện và Ông Ác nầy, Đức Ngài giải thích:
"Đời thường lầm lạc, làm điều ác cho là thiện, và thường lấy điều lành cho là ác. Nên từ đây, năng lực của Thiện Thần sẽ phô bày ra mặt đời thế nào là chánh, việc nào là thiện, làm thế nào là phước cho thiên hạ rõ.
Còn Ác Thần thì phô bày ra mặt đời, thế nào là tà, việc nào là ác, sao gọi là tội, cho nhơn loại rõ.
Hai Ông Thần nầy rất linh hiển, dùng quyền năng thiêng liêng đưa ra thiệt tướng hai con đường: phước và tội, siêu và đọa, để cho con cái Đức Chí Tôn khỏi lầm lạc, hầu tránh khỏi con đường tự diệt. Đi vào con đường sanh thì nhơn loại mới mong hòa bình đặng."
ƠN
Ơn huệ
A: The favour.
P: La faveur.
Ơn: chữ Hán là Ân. Huệ: cái ơn làm cho người khác.
Ơn huệ, tức Ân huệ, là cái ơn do người lớn ban xuống cho kẻ nhỏ.
Ơn Trên
A: The divine grace.
P: La grâce divine.
Ơn Trên là ơn huệ của các Đấng Bề Trên nơi cõi thiêng liêng ban xuống cho dân chúng.
Từ ngữ "Ơn Trên" cũng được dùng để chỉ các Đấng thiêng liêng, hay để chỉ Đức Chí Tôn hoặc Đức Phật Mẫu.
NH: Nhờ Ơn Trên bổ báo phước lành.
NH: Niệm Hương.
|