CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN

 

Danh mục vần B

 

BA

·         Ba chi -Ba nhánh - Ba phái

·         Ba giềng - Ba mối

·         Ba mươi sáu cõi Thiên Tào

·         Ba sanh (Ba sinh)

·         Ba Trấn

·         Ba vạn sáu ngàn ngày

·         Ba vòng Vô vi

 

·         Bà Ðen: Linh Sơn Thánh Mẫu

 

·        

·         Bá Huê Viên

·         Bá nạp quang

·         Bá Nha - Tử Kỳ

·         Bá tánh

·         Bá thiên vạn ức Phật

·         Bá tòng

·         Bá trạo

·         Bá tước công khanh

 

BẢ

·         Bả bươn

·         Bả vinh hoa

 

BÁC

·         Bác ái

·         Bác luật - Phá cổ

 

BẠC

·         Bạc đãi

 

BÁCH

·         Bách

·         Bách niên giai lão

·         Bách tuế vi kỳ

·         Bách văn bất như nhất kiến

·         Bách xuyên quy hải

 

BẠCH

·         Bạch

·         Bạch câu quá khích

·         Bạch Khỉ (Bạch Khởi)

·         Bạch Ngọc Chung đài

·         Bạch Ngọc Chung minh

·         Bạch Ngọc Công Ðồng

·         Bạch Ngọc Kinh

·         Bạch phát

·         Bạch tuyết thần quang đái

·         Bạch vân thương cẩu

·         Bạch Vân Ðộng

 

BÀI

·         Bài bác

·         Bài vị

 

BAN

·         Ban

·         Ban Kiến trúc

·         Ban môn lộng phủ

·         Ban Phép lành

·         Ban sắc

·         Ban sơ

·         Ban Thế Ðạo

·         Ban Tứ Vụ

·         Ban Ủy Viên Hội Nhơn Sanh

·         Ban Ủy Viên Phước Thiện

 

BÀN

·         Bàn

·         Bàn Cai Quản Phước Thiện

·         Bàn Cổ

·         Bàn cờ huyền bí

·         Bàn đào

·         Bàn Trị Sự

 

BÁN

·         Bán

·         Bán đồ nhi phế

·         Bán hữu hình

·         Bán tự vi sư

 

BÀNG

·         Bàng Cử

·         Bàng môn Tả đạo

 

BÁNH

·         Bánh Dầy - Bánh Chưng

·         Bánh vẽ

 

BAO

·         Bao

·         Bao hàm

·         Bao nả

·         Bao tóc

 

BÁO

·         Báo

·         Báo Ân Ðường

·         Báo Ân Từ

·         Báo Quốc Từ

·         Báo ứng nhãn tiền

 

BẢO

·         Bảo

·         Bảo Ðạo

·         Bảo Ðạo Ca Minh Chương (1850-1928)

·         Bảo hộ

·         Bảo kê

·         Bảo lãnh

·         Bảo mạng

·         Bảo Pháp

·         Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu (1892-1961)

·         Bảo Quân

·         Bảo Sanh

·         Bảo Sanh Quân

·         Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch (1896-1978)

·         Bảo Thế

·         Bảo Thế Lê Thiện Phước (1895-1975)

·         Bảo Thể - Thánh Vệ

·         Bảo thủ chơn truyền

·         Bảo Văn Pháp Quân

·         Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu (1884-1958)

 

BÁT

·         Bát

·         Bát âm

·         Bát bộ

·         Bát bửu - Dàn Bát bửu

·         Bát cảnh cung

·         Bát Ðạo Nghị Ðịnh

·         Bát hồn

·         Bát nhã

·         Bát nhã ba la mật

·         Bát nhã thuyền

·         Bát Nương

·         Bát quái

·         Bát Quái Ðài

·         Bát Quái Mạo

·         Bát Tiên

·         Bát vu

 

BẠT

·         Bạt tiến

 

BẢY

·         Bảy dây oan nghiệt

·         Bảy Lão

·         Bảy bài

 

BẮC

·         Bắc

·         Bắc Ðẩu

·         Bắc Khuyết

 

BẦN

·         Bần

·         Bần cùng sanh đạo tặc

·         Bần dùng

·         Bần đạo

·         Bần tăng

·         Bần tiện mạc vong

 

BẤT

·         Bất

·         Bất cập

·         Bất câu

·         Bất di bất dịch

·         Bất đắc kỳ tử

·         Bất hoặc

·         Bất hủ

·         Bất khả tri, bất khả nghị

·         Bất khả tư nghị

·         Bất mục

·         Bất sanh bất diệt

·         Bất tận

·         Bất tức

 

BẦU

·         Bầu

·         Bầu nhựt nguyệt

·         Bầu Tiên

 

BẪY

·         Bẫy vô thường

 

BẺ

·         Bẻ bai biếm nhẻ

 

BÈO

·         Bèo bọt

 

BẾ

·         Bế

·         Bế Ðạo - Khai Ðạo

·         Bế địch trợ hoang

 

BỂ

·         Bể (Xem: Biển)

 

BẾN

·         Bến khổ sông mê

 

BI

·         Bi - Trí - Dũng

·         Bi thương

 

·        

·         Bí pháp - Thể pháp

·         Bí tích

·         Bí truyền

 

BỈ

·         Bỉ ngạn

 

·         Bĩ thái

 

BIẾM

·         Biếm bác

 

BIẾN

·         Biến

·         Biến kinh

·         Biến sanh

·         Biến thể

 

BIỂN

·         Biển dâu - Biển nọ hóa cồn dâu

·         Biển giác

·         Biển hoạn

·         Biển khổ - Biển trần - Biển trần khổ

·         Biển mê

 

BIỆN

·         Biện nhi

 

BIỆT

·         Biệt điện

 

BÌNH

·         Bình

·         Bình địa

·         Bình sanh

·         Bình tâm

·         Bình thân

 

BÓNG

·         Bóng

·         Bóng dương - Bóng nhựt

·         Bóng hồng

·         Bóng khuất xương tan

·         Bóng ngọc

·         Bóng quang âm

·         Bóng tùng

 

BỒ

·         Bồ đoàn

·         Bồ đề

·         Bồ Ðề Ðạt Ma

·         Bồ liễu

·         Bồ Tát

·         Bồ Tát Ma Ha Tát

 

BỐ

·         Bố

·         Bố cáo

·         Bố hóa

·         Bố thí

·         Bố trí

·         Bố tử

 

BỔ

·         Bổ báo

 

BỘ

·         Bộ

·         Bộ công

·         Bộ hạ

·         Bộ Nhạc

·         Bộ Pháp Chánh (Tòa Ðạo)

·         Bộ từ khí

 

BÔN

·         Bôn xu

 

BỔN (BẢN)

·         Bổn

·         Bổn đạo

·         Bổn hội

·         Bổn lai diện mục

·         Bổn nguyên

·         Bổn quốc

 

BỒNG

·         Bồng Dinh - Bồng Ðảo - Bồng Lai

 

BỜ

·         Bờ

·         Bờ dương

·         Bờ giác

 

BỢN

·         Bợn sầu

 

BÚT

·         Bút

·         Bút cơ

·         Bút hoa

·         Bút thần

 

BƯỜNG

·         Bường

 

BỬU (BẢO)

·         Bửu

·         Bửu điện

·         Bửu pháp

·         Bửu tháp

·         Bửu tòa

·         Bửu tương

 

 

 

 

BA

Ba chi -Ba nhánh - Ba phái

A: Three branches - Three sects.

P: Trois branches - Trois sectes.

Chi: Nhánh. Ba chi là ba nhánh.

■ Các Chức sắc CTÐ được phân ra làm ba chi hay ba phái:

·         Phái Ngọc , cũng gọi là phái Nho hay phái Thánh: mặc đạo phục màu đỏ, mão đỏ, có Thánh danh khởi đầu bằng chữ Ngọc.

·         Phái Thượng, cũng gọi là phái Lão hay phái Tiên: mặc đạo phục màu xanh, mão xanh, có Thánh danh khởi đầu bằng chữ Thượng.

·         Phái Thái, cũng gọi là phái Thích hay phái Phật: mặc đạo phục màu vàng, mão vàng, có Thánh danh khởi đầu bằng chữ Thái.

Các Chức sắc đồng phẩm nhưng khác phái đều đồng quyền nhau, không ai lớn hay nhỏ hơn ai.

PCT: Ba chi tuy khác chớ quyền lực như nhau.

Hàng phẩm Chức việc Bàn Trị Sự cầu phong lên hàng Lễ Sanh, được Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ chấm phái. Khi đã được chấm phái rồi thì phải giữ sắc phái đó suốt đời, dù được thăng lên nhiều cấp hay thay đổi đời Giáo Tông khác.

Ba nhánh là chỉ Tam Giáo.

Tam giáo gồm: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.

KK: Một cội sanh ba nhánh in nhau.

■ Bên HTÐ, Thập nhị Thời Quân được chia làm ba chi:

·         Chi Pháp: do Ðức Hộ Pháp chưởng quản, dưới quyền có 4 vị Thời Quân: Bảo Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp, Tiếp Pháp.

·         Chi Ðạo: do Ðức Thượng Phẩm chưởng quản,dưới quyền có 4 vị Thời Quân: Bảo Ðạo, Hiến Ðạo, Khai Ðạo, Tiếp Ðạo.

·         Chi Thế: do Ðức Thượng Sanh chưởng quản, dưới quyền có 4 vị Thời Quân: Bảo Thế, Hiến Thế, Khai Thế, Tiếp Thế.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

KK: Khai Kinh.

 

Ba giềng - Ba mối

A: Three net ropes. - Three duties.

P: Trois liens sociaux. - Trois devoirs.

Giềng: Cái dây lớn của tấm lưới. Mối: Ðầu sợi dây.

Ba giềng hay Ba mối là dịch nghĩa chữ Tam cương hay Tam cang. Cương hay Cang là giềng mối.

Tam cang gồm: Quân thần cang, Phụ tử cang, Phu thê cang, nghĩa là: Giềng mối vua tôi, Giềng mối cha con, Giềng mối vợ chồng.

Tam cang còn được giải thích là: Trung, Hiếu, Kính, nghĩa là: Trung với vua, Hiếu với cha mẹ, Kính bậc thầy và người trên trước. (Xem chi tiết nơi chữ Tam cang)

KSH: - Trai trung hiếu sửa trau ba mối.

- Ba giềng nắm chặt, năm hằng chớ lơi.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Ba mươi sáu cõi Thiên Tào

A: Thirty-six Heavens.

P: Trente-six Cieux.

Thiên: Trời. Tào: Cơ quan có nhiệm vụ chuyên môn trong triều đình của Thượng Ðế. Mỗi Thiên Tào là một từng Trời.

Ba mươi sáu cõi Thiên Tào là 36 từng Trời, chữ Hán gọi là Tam thập lục Thiên. (Xem chi tiết: Tam thập lục Thiên)

KKÐCR:

Ba mươi sáu cõi Thiên Tào.

Nhập trong Bát Quái mới vào Ngọc Hư.

KKÐCR: Kinh Khi Ðã Chết Rồi.

 

Ba sanh (Ba sinh)

A: The three lives.

P: Les trois existences.

Sanh hay sinh là sống.

Ba sanh hay Ba sinh là ba kiếp sống.

Nợ ba sinh: Món nợ tình ái giữa hai người Nam Nữ trong ba kiếp luân hồi phải gặp nhau.

Ðiều nầy phù hợp với luật Nhân Quả. Trong chuyện tình yêu, một câu thề nguyền hẹn hò giữa hai người Nam và Nữ, không phải nói rằng chơi mà có Thần Thánh chứng biết, nếu cuộc tình dang dở không kết thành chồng vợ được trong kiếp nầy thì nội trong ba kiếp tới, hai người cũng phải tái kiếp để gặp nhau mà kết thành chồng vợ.

Trong văn học, Ba sinh là để chỉ mối duyên vợ chồng ràng buộc hai người từ kiếp trước.

Ðiển tích: Theo Cam Trạch Dao, Lý Nguyên đời Ðường kết bạn thân với ông sư Viên Trạch chùa Huệ Lâm. Một hôm hai người cùng đi chơi núi Tam Giáp, gặp một người đàn bà đi gánh nước. Sư Viên Trạch nói:

- Bà đó là nơi thác thân của tôi. Mười hai năm sau, bạn sẽ gặp lại tôi tại mé ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu.

Ðêm hôm đó, Viên Trạch chết. Mười hai năm sau, Lý Nguyên nhớ lời hẹn ước, liền tìm đến Chùa Thiên Trúc, gặp một đứa trẻ chăn trâu. Ðứa trẻ ấy cất tiếng hát:

Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,

Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luận,

Tàm quí tình nhân viễn tương phỏng,

Thử thân tuy dị tánh trường tồn.

Nghĩa là:

Tinh hồn cũ gởi trên đá ba sinh,

Thưởng trăng ngâm gió không bàn định,

Thẹn với bạn tình xa đến thăm,

Thân tuy khác, tánh vẫn trường tồn.

Nghe lời đứa trẻ hát, Lý Nguyên hiểu ngay đứa trẻ ấy chính là Viên Trạch tái kiếp.

KHP: Ðốt cho nồng từ bữa ba sanh.

KHP: Kinh Hôn Phối.

 

Ba Trấn

A: Three Governors of the Celestial Empire.

P: Trois Gouverneurs de l'Empire Céleste.

Ba Trấn là diễn nôm và nói tắt của: Tam Trấn Oai Nghiêm, trong Ðạo Cao Ðài.

Tam Trấn Oai Nghiêm là ba Ðấng thay mặt ba vị Giáo Chủ Tam Giáo để cầm quyền Tam Giáo trong ÐÐTKPÐ. (Xem chi tiết nơi chữ: Tam Trấn Oai Nghiêm, vần T).

TNHT: Thầy chẳng để thử thất, Ba Trấn trách Thầy vì yêu mến quá lẽ mà làm mất hết công bình, nhứt là Lý Thái Bạch kêu nài hơn hết.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Ba vạn sáu ngàn ngày

A: Thirty six thousand days.

P: Trente six mille jours.

Một năm Âm lịch, nói một cách đại khái cho tròn số, gồm có 360 ngày. Như vậy 100 năm có 36.000 ngày, tức là ba vạn sáu ngàn ngày.

Thiên Khúc Lễ trong Kinh Lễ có câu: Nhân thọ dĩ bách niên vi kỳ. Nghĩa là: Con người sống lâu lấy trăm năm làm kỳ hạn.

Trong sách Trang Tử cũng có viết: Bách niên cảnh nhi ngã do vi nhân. Nghĩa là: Cõi trăm năm mà ta làm người.

Ba vạn sáu ngàn ngày hay 100 năm là chỉ thời gian kỳ hạn

của một kiếp sống con người nơi cõi trần. (nói tổng quát)

KKTD: Ðếm ba vạn sáu ngàn ngày khó khăn.

KKTD: Kinh Khi Thức Dậy.

 

Ba vòng Vô vi

A: Three mysterious circles.

P: Trois cercles mystérieux.

■ Ba vòng vô vi là ba vòng tròn có ba màu vàng, xanh, đỏ, liên kết với nhau theo hình dọc tạo thành một xâu (Hình 1) hay liên kết theo hình tam giác (Hình 2). Ba màu: vàng, xanh, đỏ, tượng trưng Tam giáo: Thích giáo, Lão giáo và Nho giáo.

Chúng ta thường thấy ba vòng vô vi đặt trên các cửa Tam quan hay nơi trung tâm của các cửa sổ ở các Thánh Thất địa phương.

Nơi Trí Huệ Cung Thiên Hỷ Ðộng, Ðức Phạm Hộ Pháp trấn pháp với hai món bí pháp: Long Tu phiến và cây Kim tiên, hiệp với ba vòng vô vi tức là Diệu Quang Tam Giáo hay là hình trạng của CKVT, mà đó cũng là tượng ảnh Huệ Quang Khiếu của chúng ta đó vậy.

  

Hình 1

Hình 2

Hình 3

Ba màu của ba vòng vô vi tượng trưng: Màu đỏ tượng trưng phái Ngọc (Thánh), màu xanh tượng trưng phái Thượng (Tiên), màu vàng tượng trưng phái Thái (Phật). Phái Ngọc chỉ liên quan với phái Thượng, còn phái Thượng thì liên quan cả hai phái Thái và Ngọc, để tượng trưng cho: Pháp thân, Pháp giới và Pháp Thiên, là hiệp Tinh, Khí, Thần, ấy là Ðạo.

Ba vòng vô vi treo theo thế nằm ngang, trên lầu của Trí

Huệ Cung, trên một cái cán, giống như treo cờ, ba vòng quay tự do qua lại theo chiều gió thổi.

"Trí Huệ Cung là con đường thứ ba của Ðại Ðạo, mà hễ luận đến danh Ðạo lại là vô vi chi pháp, nên tượng trưng cửa hữu hình ba vòng vô vi vàng xanh đỏ, thấy trống không mà là bí pháp, nên phải lập hữu hình trấn tại Trí Huệ Cung.

Treo nằm ngang là ám chỉ bình đẳng, Phật, Thánh, Tiên, kết liền, liên quan cùng nhau thành qui Tam Giáo, không còn chia rẽ nữa, mà bạch y bạch giáp vi chủ thống nhứt là bí mật cao siêu mầu nhiệm.

Thành ra màu trắng làm chủ các màu khác, nên muốn tu chơn là cửa Phật vô vi, không có sắc tướng là thanh bạch, lấy chủ định Thiên lương mới qui nhứt bổn, là căn bản đắc đạo, là nhờ tu Chánh pháp.

Trời là Lý, thì Lý ấy rất thông minh sáng suốt bao quát cả CKTG. Tầm cho được Lý Hư Vô mới đạt pháp, mới thông cặp nhãn nhục vào tâm cho thành ngôi Thái Cực, tức Thiên nhãn, mới xem thấy ba vòng vô vi chi pháp.

Ấy là Bí pháp trấn tại Trí Huệ Cung Thiên Hỷ Ðộng.

Toàn thể chúng ta, ai cũng đều ngó thấy không có gì hết, trống trơn, mà trong đó huyền pháp siêu hình vô biên vô giới. Tu mà giải thoát đặng cùng chăng là do bao nhiêu đó mà thôi.

Nếu người tu chơn mà không rõ thấu trấn pháp ba vòng vô vi để làm gì, thì làm sao giải thoát cho đặng Lục dục Thất tình, làm sao đạt Lục thông, là tu giả." (TÐ ÐPHP)

■ Trên áo Ðạo phục của ba vị Nam Ðầu Sư và của vị Nữ Ðầu Sư Cửu Trùng Ðài, trước ngực và sau lưng đều có một miếng vải hình tròn gọi là bố tử, trên đó có thêu sáu chữ nho 大道三期普度 (Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ) theo vòng tròn, bao quanh ba vòng vô vi.

Ba vòng vô vi nầy là ba vòng tròn đồng tâm. (Hình 3)

Trên mão Ngưỡng Thiên của các vị Giáo Hữu ba phái, Thiên nhãn thêu trước mão đều có bao quanh ba vòng vô vi.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

CKTG: Cực Lạc Thế giới.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Bà Ðen: Linh Sơn Thánh Mẫu

Nơi tỉnh Tây Ninh có một ngọn núi cao nhất miền Nam VN, được gọi là núi Ðiện Bà, tục gọi là núi Bà Ðen, vì trên núi có lập một cái Ðiện để thờ Bà Ðen. Bà Ðen rất linh hiển nên được vua Gia Long truyền cho đúc cốt Bà bằng đồng đen và sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu.

Vào khoảng cuối năm 1953, Ông Bùi Trung Phẩm có làm tờ dâng lên Ðức Phạm Hộ Pháp xin rước cốt Bà Ðen về thờ nơi Báo Ân Từ TTTN, Ðức Phạm Hộ Pháp phê như sau:

"Tư cho Quyền Ngọc Chánh Phối Sư cùng hai vị Quyền Thượng Chánh Phối Sư, Thái Chánh Phối Sư, sắp đặt trước đặng rước cốt Bà Linh Sơn Thánh Mẫu về để thờ tạm nơi Báo Ân Từ cho tới khi thái bình trở lại, trùng tu am tự nơi Ðiện Bà rồi sẽ đem về Ðiện trả lại.

Nghĩ đến tình cũ trong hồi lao khổ tù đày nơi ngục, mà Bà đến thăm viếng, an ủi, bênh vực và phò hộ, Bần đạo phải lo trả nghĩa nầy.

Công chuyện làm cũng lễ nghi phải cho long trọng, phải tuyên truyền cho toàn tỉnh, nhứt là Châu Thành Tây Ninh hay đặng định ngày họ đến dự lễ."

Trong thời gian Ðức Phạm Hộ Pháp cùng 5 vị Chức sắc (*1) bị nhà cầm quyền Pháp lưu đày nơi đảo Madagascar ở Phi Châu, Bà Linh Sơn Thánh Mẫu thường đến giáng bút chuyện trò cùng an ủi Ðức Phạm Hộ Pháp. Bà không xưng tước hiệu của Bà, chỉ nói rằng: Thầy thiếp là Vương Thất Nương sai thiếp đến đây để viếng thăm Ðức Hộ Pháp. (Vương Thất Nương là Thất Nương DTC, thế danh Vương thị Lễ).

Khi Bà thăng rồi thì Ðức Phạm Hộ Pháp thấy hột ngọc của chiếc nhẫn đeo nơi ngón tay phát ra mấy tia hào quang thì Ðức Ngài biết đó là Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, vì hột ngọc nầy do ông Lễ Sanh Giáo Thiện Võ văn Ðợi kiếm được ở trên núi Ðiện Bà khi ông lên thỉnh cốt Bà về thờ nơi Báo Ân Từ.

Lúc còn bị đày trong ngục Nossilava ở đảo Madagascar, Ðức Hộ Pháp tay cầm một cái que, tay kia khỏa cát thì liền tiếp điển của Bà Linh Sơn, viết trên cát bài thi sau đây:

Nô - Si - Lao tiếng đặt buồn cười,

Mi đã rước ai hỡi hỡi ngươi?

Lượn thảm bổ gành tình ột ạt,

Gió sầu khua đảnh ái tơi bời.

Yêu phu điểu gợi thương cành sớm,

Vọng ngạn quyên kêu nhớ bụi mơi.

Tổ quốc đon đường bao dặm thẳng,

Ðưa xa thăm thẳm một phương trời.

Hòn đảo nầy đây trước nhốt tù,

Ngày nay làm khám khảo thầy tu.

Quả như oan nghiệt vay rồi trả,

Thì lũ Tây man Nhựt Bổn trừ.

SỰ TÍCH BÀ ÐEN:

Có hai truyền thuyết về sự tích Bà Ðen:

  • Bà Ðen là nàng Ðênh, người Cao Miên.
  • Bà Ðen là Lý Thị Thiên Hương, người Việt Nam.
1.- Bà Ðen là Nàng Ðênh:

" Tương truyền rằng, khi xưa, thuở còn là phần đất của Cao Miên, tại vùng rừng núi Tây Ninh có một viên quan trấn thủ người Miên sinh hạ được hai con: một trai tuấn tú và một gái hiền thục, tục gọi là nàng Ðênh.

Lúc nàng Ðênh 13 tuổi, có ông sư người Tàu tên là Trung Văn Danh từ Bến Cát (Thủ Dầu Một) đến vùng núi Tây Ninh tìm chùa làm nơi hoằng dương Phật pháp. Khi đến nhà quan trấn, sư ông thăm hỏi việc truyền bá đạo Phật trong vùng và dò la kiếm nơi cất chùa hành đạo. Quan trấn thủ mời nhà sư tạm nghỉ nơi nhà mình để ông thừa dịp học đạo.

Sư ông vui vẻ nhận lời và từ đó bắt đầu truyền bá Phật pháp trong gia đình quan trấn và cơ vệ đội.

Tuy tuổi trẻ nhưng sớm nhuộm màu thiền, nàng Ðênh miệt mài nghe sư ông giảng đạo. Quan trấn cũng mộ đạo nên thiết lập cho sư ông một cảnh chùa, nay còn di tích là chùa Ông Tàu, nằm về phía Ðông chân núi, phía làng Phước Hội đi lên.

Thời gian thấm thoát trôi qua, nghĩ lại đã mấy năm xa cách thiện nam tín nữ Bến Cát, sư ông bèn tạm biệt quan trấn để trở về thăm cảnh cũ người xưa.

Từ ngày sư ông vắng mặt, nàng Ðênh vẫn một lòng sùng kính Phật đạo, luôn luôn lo việc hương khói trong chùa.

Vốn con nhà trâm anh, lại tuổi tới tuần cập kê, nên nhan sắc nàng Ðênh càng thêm xinh lịch, tiếng đồn khắp nơi. Quan trấn địa phương vùng Trảng Bàng có dinh đặt tại Sông Ðua thuộc làng Lộc Hưng (nay còn di tích), mới cậy mai mối hỏi cưới nàng Ðênh cho con trai trưởng của ông. Thân sinh nàng Ðênh vui vẻ tán thành. Nhưng khi nói lại cho nàng Ðênh biết thì nàng rất bối rối, chưa biết trả lời ra sao, nàng xin cha mẹ đình đãi để kịp suy nghĩ. Qua nhiều đêm trằn trọc, vì nàng Ðênh đã phát nguyện xuất gia tu hành, không thể lấy chồng, nàng quyết tâm lánh mặt. Một đêm, khi cha mẹ ngủ yên, nàng Ðênh lén ra đi tìm nơi thuận tiện để tiếp tục tu hành. Mọi việc vỡ lở ra, quan trấn cho lính đi tìm nàng Ðênh khắp nơi, kẻ băng rừng, người lên núi, mãi đến trưa, quân lính tìm thấy trong kẹt đá một khúc chân của nàng Ðênh, có lẽ nàng bị thú dữ bắt ăn thịt còn sót lại một khúc chân, vội báo về cho quan trấn rõ.

Sau khi khóc than thương tiếc, quan trấn cho mai táng khúc chân nàng Ðênh trên núi và rước thầy tụng kinh giải oan cho nàng. Dân địa phương cho rằng, nàng Ðênh chết oan như thế ắt rất linh hiển, nên từ đó, khi gặp việc gì khó khăn thì khấn vái nàng Ðênh phò hộ thì thường được toại ý.

Việc nàng Ðênh hiển linh đồn xa, nhân dân rất sùng kính nên gọi nàng là Bà Ðênh để tỏ ý tôn kính.

Thời gian trôi qua... Bao nhiêu năm sau, lúc ấy Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi theo rất gấp, từ Gia Ðịnh, Nguyễn Ánh theo đường sứ đi Tây Ninh định trốn qua Miên.

Lúc Nguyễn Ánh chạy đến Trảng Mang Chà vùng bùng binh hiện nay thì quân Tây Sơn cũng đuổi theo gần tới, nhân dân cho biết trên núi có Bà rất linh, ai cầu gì được nấy. Nguyễn Ánh liền sai quan Quản Cơ Lê văn Duyệt phi ngựa lên núi cầu Bà mách giùm cách thoát nạn và cho biết tương lai.

Trong đêm, Nguyễn Ánh được Bà hiện ra trong giấc chiêm bao cho biết cứ theo đường sứ đến Tây Ninh, vòng qua núi, lên Võ môn Tam cấp, rồi qua Xiêm cầu viện, nghiệp cả sẽ nên, còn việc ngăn đón quân Tây Sơn để Bà lo liệu giúp cho.

Sau khi Nguyễn Ánh dẹp được nhà Tây Sơn, lên ngôi vua xưng là Gia Long, Ngài nhớ ơn cũ, cho đúc tượng Bà bằng đồng đen để thờ và sắc phong cho Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu." (Viết theo sách Nếp Cũ Hội Hè Ðình Ðám của Toan Ánh)

Dân chúng truyền nhau sự tích của Bà Ðênh, và vì kiêng úy nên gọi trại ra là Bà Ðen.

2.- Bà Ðen là Lý Thị Thiên Hương:

Tại Trảng Bàng, có cô gái tên Lý thị Thiên Hương, con của ông Lý Thiên và Bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp. Tuy Thiên Hương không đẹp nhưng rất có duyên và có tài năng khiến nhiều người để ý. Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng từ nhỏ, nên có được văn hay võ giỏi.

Lúc đó, con trai của Hà Ðảnh, quan Huyện Trảng Bàng, rất bạo ngược, dùng quyền thế, tiền bạc mua chuộc Thiên Hương đem về làm thiếp nhưng không được, nên sai một thuộc hạ thân tín tên Châu Thiện cầm đầu nhóm người Miên dùng võ lực quyết bắt nàng Thiên Hương đem về cho kỳ được.

Thiên Hương bị đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Nàng rất cảm động tạ ơn chàng, rồi về nhà thuật chuyện cho cha mẹ nàng rõ. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn. Ngày chia tay, nàng ngậm ngùi nói:

- Một lời đã hứa cùng nhau, thiếp nguyện thủ tiết chờ chàng trở về. Xin chàng an tâm lên đường nghĩa vụ.

Chàng ra đi, nàng ở nhà vò võ trông chờ ngày đoàn tụ.

Một hôm nàng lên núi lễ Phật và thăm sư Trí Tân, dưỡng phụ của Lê Sĩ Triệt. Lúc về đến chơn núi, thình lình bọn Châu Thiện thấy nàng đi một mình, liền vây bắt. Nàng chạy trở lên núi nhưng bị tuyệt đường, đành nhào xuống khe núi tử tiết. Ba hôm sau, Thiên Hương báo mộng cho sư Trí Tân, trụ trì ngôi chùa trên núi. Hoà Thượng thấy Thiên Hương hiện ra nói:

- Ðệ tử là Thiên Hương 18 tuổi, chẳng may bị bọn gia nô của quan Huyện Trảng Bàng vây bắt nên phải nhào xuống khe núi tử tiết. Nhờ căn tu kiếp trước nên linh hồn được siêu thoát, dù đã 3 ngày nhưng xác vẫn còn nguyên, xin sư phụ xuống triền núi đông nam đem thi hài của đệ tử hỏa táng giùm.

Hòa Thượng làm theo lời mách bảo, tìm gặp xác của Thiên Hương, làm lễ hỏa táng chu đáo. Bọn Châu Thiện đến xem hỏa táng bị nàng Thiên Hương báo oán, khiến cho hộc máu chết liền tại chỗ.

Sau một thời gian khá lâu, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy lạc đến Tây Ninh, nàng Thiên Hương đến báo mộng, mách bảo Nguyễn Ánh phải qua Xiêm tá binh, sau nầy sẽ khôi phục cơ đồ, thống nhứt giang sơn.

Sự linh hiển của nàng Thiên Hương được đồn vang, dân chúng các nơi lên núi Tây Ninh cầu cúng rất đông. Lúc bấy giờ Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt ở Gia Ðịnh đi lên núi Tây Ninh xem xét hư thực thế nào, đến nơi nói với người khuất mặt:

- Hồn trinh nữ Thiên Hương quả có hiển linh, hãy xuất hiện cho bổn chức xem thử.

Xảy thấy một cô gái chạy đến ứng tiếng:

- Tôi là Thiên Hương đây, xin chào Thượng quan.

Thì ra Lý Thị Thiên Hương nhập vào xác của một cô gái đến nói chuyện với quan Thượng Công. Cô nói tiếp:

- Tôi xin mách trước cho Thượng quan biết, Thượng quan sau nầy sẽ được phong Thần vinh hiển, nhưng xác của Thượng Công bị hành hạ, mả bị xiềng xích, tên tuổi bị đục khoét, sau mới được minh oan.

Ngài Thượng Công Lê văn Duyệt nói:

- Bổn chức không cầu xin biết tương lai của mình mà muốn biết rõ căn do của nàng.

Hồn Thiên Hương qua miệng cô gái thuật rõ mọi việc:

- Thượng Ðế chứng lòng đoan chính của thiếp, nên cho thiếp hết đọa luân hồi và được xuống trần cứu nhơn độ thế.

Ngài Thượng Công không còn nghi ngờ gì nữa, liền dâng sớ về triều tâu rõ mọi việc.

Vua Gia Long nhớ lại chuyện bôn tẩu năm xưa, khi đến Tây Ninh, có nàng Thiên Hương hiển linh báo mộng, nên ra sắc chỉ phong Lý Thị Thiên Hương là Linh Sơn Thánh Mẫu, chủ trì Linh Sơn Tiên Thạch Ðộng, cho cất điện và đúc tượng bằng đồng đen để thờ nơi núi Tây Ninh.

Kể từ đó, núi Tây Ninh được gọi là núi Linh Sơn, và để tránh gọi tên Thiên Hương, dân chúng gọi là Bà Ðen, vì tượng của Bà màu đen, và gọi núi ấy là núi Bà Ðen.

Lễ Vía Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức hằng năm tại Ðiện Bà vào dịp đầu Xuân, từ ngày mùng 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch, có hằng trăm ngàn người đến cúng vái cầu xin sự phò hộ của Bà để việc kinh doanh và việc gia đình được may mắn tốt đẹp.

(*1) Theo Ðạo sử, ngày 4-6 Nhuần- Tân Tỵ (dl 27-7-1941), Ðức Phạm Hộ Pháp bị nhà cầm quyền Pháp bắt tại Tòa Thánh. Ngày 11-7-Tân Tỵ (dl 2-9-1941), nhà cầm quyền Pháp lại vào Tòa Thánh bắt thêm 3 Chức sắc nữa là: Ngài Chánh Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Sĩ Tải Ðỗ Quang Hiển; đồng thời tại Sài Gòn chúng bắt Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, và bắt Giáo Sư Thái Phấn Thanh tại Nam Vang. Nhà cầm quyền Pháp đưa Ðức Hộ Pháp trở về Tòa Thánh ngày 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946). Như vậy, Ðức Hộ Pháp bị đày ở Madagascar thời gian 5 năm 2 tháng.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

1.    BÁ: Còn đọc là Bách: một trăm.
Td: Bá Huê Viên, Bá nạp quang.

2.    BÁ: Cây bá, tức là cây trắc.
Td: Bá tòng, Bá trạo.

3.    Một tước trong 5 tước quan triều đình.
Td: Bá tước công khanh.

 

Bá Huê Viên

百花園

A: The hundred flowers garden.

P: Le jardin aux cent fleurs.

Bá: Còn đọc là Bách: một trăm. Huê: Bông hoa. Viên: Vườn trồng hoa.

Bá Huê Viên là vườn trồng trăm hoa.

Bá Huê Viên được lập nên do sáng kiến của Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước vào năm 1963, rộng một mẫu rưởi tây, đối diện với Báo Ân Từ trong Nội Ô TTTN.

Bá Huê Viên được các địa phương Ðạo ủng hộ, dâng hiến nhiều loại hoa kiểng rất đẹp và quí hiếm, tạo thêm cảnh sắc tươi đẹp cho Nội Ô Tòa Thánh.

Ðây cũng là một thắng cảnh cho du khách đến thưởng ngoạn và chụp hình lưu niệm.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

Bá nạp quang

百衲光

A: The cloak in hundred squares.

P: Le manteau en cent carrés.

Bá: Còn đọc là Bách: một trăm. Nạp: Vá lại cho lành. Quang: Cái choàng.

Bá nạp quang là cái choàng khoác lên vai được kết lại bởi hằng trăm miếng vải nhỏ.

Bên Phật giáo, các vị sư thường mặc áo bá nạp (bá nạp y). Bá nạp y là cái áo được kết lại bởi hằng trăm miếng vải vụn mà người ta đem bỏ, màu sắc khác biệt nhau, để biểu lộ rằng, người xuất gia tu hành thì không cần mặc đẹp, mà chỉ cần mặc cho lành và cho ấm, lại tỏ ý tiết kiệm, không tốn tiền mua vải, chỉ lấy vải phế liệu mà dùng.

Trong Ðạo Cao Ðài, các Chức sắc phái Thái (phái Phật) từ phẩm Giáo Sư đổ lên, khi mặc Ðại phục, bên ngoài đều có khoát một Bá nạp quang màu đỏ, gọi là Khậu.

Có hai loại Bá nạp quang: Ðại (lớn) và Tiểu (nhỏ):

■ Thái Chưởng Pháp, Thái Ðầu Sư, Thái Chánh Phối Sư đều choàng Ðại Bá nạp quang.

■ Thái Phối Sư và Thái Giáo Sư thì choàng Tiểu Bá nạp quang.

Thái Giáo Hữu không có choàng Bá nạp quang.

 

Bá Nha - Tử Kỳ

Bá Nha và Tử Kỳ là đôi bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bá Nha làm quan, Tử Kỳ là tiều phu. Do đó, nơi bao lơn Tòa Thánh có đắp bức tranh Bá Nha - Tử Kỳ để tượng trưng TIỀU, một trong Tứ Dân Tứ Thú.

■ Bá Nha họ Du tên Thụy, người ở Sính Ðô nước Sở (nay là phủ Kinh Châu, tỉnh Hồ Quảng). Tuy là người nước Sở, nhưng làm quan cho nước Tấn, chức Thượng Ðại Phu.

■ Tử Kỳ, họ Chung tên Huy, nhà tại Tập Hiền Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông Hán Dương, là một danh sĩ ẩn dật, báo hiếu cha mẹ tuổi già nua, làm nghề đốn củi (Tiều).

Một hôm, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua Sính Ðô nước Sở, vào triều kiến vua Sở, trình quốc thư và giải bày tình giao hiếu giữa hai nước, được vua Sở và quần thần thiết tiệc khoản đãi. Bá Nha nhơn dịp nầy đi thăm mộ phần tổ tiên, thăm họ hàng, xong vào từ biệt vua Sở trở về nước Tấn.

Khi thuyền trở về đến cửa sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu, trăng sáng vằng vặc, phong cảnh hữu tình, Bá Nha cho lịnh cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên để thưởng ngoạn. Cảm thấy hứng thú, muốn dạo chơi một vài khúc đàn, Bá Nha liền sai quân hầu lấy chiếc lư ra, đốt hương trầm xông cây dao cầm đặt trên án. Bá Nha trịnh trọng nâng đàn, so dây vặn trục, đặt hết tâm hồn đàn lên một khúc réo rắt âm thanh, quyện vào khói trầm, chưa dứt, bỗng đàn đứt dây.

Bá Nha giựt mình tự nghĩ, dây đàn bỗng đứt thế nầy ắt có người nghe lén tiếng đàn, bèn sai quân hầu lên bờ tìm xem có ai là người nghe đàn mà không lộ mặt. Quân hầu lãnh lịnh lên bờ thì bỗng có người từ trên bờ lên tiếng:

- Xin đại nhân chớ lấy làm lạ, tiểu dân là tiều phu kiếm củi về muộn, trộm nghe được khúc đàn tuyệt diệu của Ngài.

Bá Nha cười lớn bảo:

- Người tiều phu nào đó dám nói hai tiếng nghe đàn với ta, sao ngông cuồng thế?

- Ðại nhân nói sai quá vậy. Há chẳng nghe: Thập thất chi ấp, tất hữu trung tín (Một ấp 10 nhà ắt có nhà trung tín). Nếu đại nhân khinh chỗ quê mùa không người biết nghe đàn, thì cũng không nên có người khảy lên khúc đàn tuyệt diệu.

Nghe đáp xong, Bá Nha hơi choáng váng, hối hận những lời vừa thốt ra, vội bước ra mũi thuyền, dịu giọng nói:

- Người quân tử ở trên bờ, nếu thực biết nghe đàn, biết vừa rồi ta khảy khúc gì không?

- Khúc đàn đại nhân vừa tấu đó là: Ðức Khổng Tử khóc Nhan Hồi, phổ vào tiếng đàn, lời rằng:

Khá tiếc Nhan Hồi yểu mạng vong,

Dạy người tư tưởng tóc như sương.

Ðàn, bầu, ngõ hẹp vui cùng đạo,

Ðến cuối câu ba thì dây đàn đứt, còn lại câu bốn là:

Lưu mãi danh hiền với kỹ cương.

Bá Nha nghe xong, đúng quá, mừng rỡ sai quân hầu bắc cầu lên bờ mời người quân tử xuống thuyền đàm đạo.

Người tiều phu ung dung xuống thuyền, chấp tay vái Bá Nha. Bá Nha vội đưa tay đáp lễ, nói:

- Xin quí hữu miễn lễ cho.

Rồi bắc ghế mời ngồi, phân ngôi chủ khách.

- Quí hữu biết nghe đàn, ắt biết ai chế ra đàn?

- Mong ơn Ngài hỏi tới, kẻ tiểu dân đâu chẳng dám nói hết cái biết của mình.

Khi xưa, vua Phục Hy thấy tinh hoa của năm vì sao rơi xuống cây ngô đồng, chim phượng hoàng liền đến đậu. Vua Phục Hy biết ngô đồng là gỗ quí, hấp thụ tinh hoa Trời Ðất, có thể làm đồ nhã nhạc, liền sai người đốn cây ngô đồng xuống, cắt làm ba đoạn để phân Thiên, Ðịa, Nhơn. Ðoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, duy đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được, liền đem ra giữa dòng sông nước chảy ngâm 72 ngày đêm, rồi lấy lên phơi khô, chọn ngày tốt, thợ khéo Lưu Tử Kỳ chế làm nhạc khí, bắt chước nhạc Cung Dao Trì, đặt tên là Dao cầm.

Dao cầm nầy dài 3 thước 6 tấc, án theo 360 độ chu Thiên , phía trước rộng 8 tấc án theo Bát tiết, sau rộng 4 tấc án theo Tứ Tượng, dầy 2 tấc án theo Lưỡng Nghi, đầu như Kim đồng, lưng như Ngọc Nữ, trên chạm Long Phụng, gắn phím vàng trục ngọc. Ðàn ấy có 12 phím tượng trưng 12 tháng, lại thêm một phím giữa tượng trưng tháng nhuận, trên mắc 5 dây, ngoài tượng Ngũ Hành, trong tượng Ngũ Âm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ.

Vua Thuấn khảy Dao cầm, ca bài Nam phong, thiên hạ đại trị. Vua Văn vương bị Trụ vương giam cầm nơi Dũ Lý, con trưởng Bá Ấp Khảo thương nhớ không nguôi, nên thêm một dây nữa gọi là dây Văn (Văn huyền), đàn nghe thêm ai oán.

Võ vương đem quân phạt Trụ, thêm vào Dao cầm một dây phấn khích gọi là dây Võ (Võ huyền).

Như thế, Dao cầm lúc đầu có 5 dây, sau thêm 2 dây Văn và Võ nữa thành 7 dây, gọi là Thất huyền cầm.

Ðàn ấy có Sáu kỵ, Bảy không, Tám tuyệt, kể ra:

* Sáu Kỵ là: Rét lớn, nắng lớn, gió lớn, mưa lớn, sét lớn, tuyết rơi nhiều.

* Bảy Không là: Nghe tiếng bi ai và đám tang thì không đàn, lòng nhiễu loạn thì không đàn, việc bận rộn thì không đàn, thân thể không sạch thì không đàn, y quan không tề chỉnh thì không đàn, không đốt lò hương thì không đàn, không gặp tri âm thì không đàn.

* Tám Tuyệt là: Thanh cao, kỳ diệu, u uất, nhàn nhã, bi đát, hùng tráng, xa vời, dằng dặc.

Ðàn ấy đạt đến tận thiện tận mỹ, hổ nghe không kêu, vượn nghe không hú, một thứ nhã nhạc tuyệt vời vậy.

Bá Nha nghe xong , kính phục bội phần, hỏi thêm:

- Quí hữu quả thấu triệt nhạc lý. Khi xưa, Ðức Khổng Tử đang khảy đàn, Nhan Hồi từ ngoài bước vào, thoảng nghe tiếng đàn u trầm, nghi là có ý tham sát, lấy làm lạ, liền hỏi Ðức Khổng Tử. Ngài đáp: Ta đang khảy đàn, bỗng thấy mèo bắt được chuột, liền khởi lên ý niệm tham sát mà hiện ra tơ đồng.

- Nhan Hồi đã nghe tiếng đàn mà biết lòng người khảy đàn. Nay Hạ quan khảy đàn, lòng tư lự điều gì, quí hữu có thể đoán biết chăng?

- Ðại nhân thử dạo một khúc xem.

Bá Nha nối lại dây đàn, tập trung tinh thần đến chốn non cao, khảy lên một khúc. Tiều phu khen rằng:

Ðẹp thay vòi vọi kìa, chí tại non cao.

Bá Nha ngưng thần, ý tại lưu thủy, khảy lên một khúc nữa. Tiều phu lại khen rằng:

Ðẹp thay, mông mênh kìa, chí tại lưu thủy.

Bá Nha thấy tiều phu đã thấy rõ lòng mình qua tiếng đàn, lấy làm kính phục, liền gác đàn, sai bày tiệc rượu, đối ẩm luận đàm. Hai người hỏi nhau tên họ, nguyên quán, nghề nghiệp. Bá Nha lại sanh lòng cảm mến Tử Kỳ về sự hiếu với phụ mẫu, nên xin kết nghĩa anh em với Tử Kỳ, để không phụ cái nghĩa TRI ÂM mà suốt đời Bá Nha chưa từng gặp.

Hai người đến trước bàn hương án lạy Trời Ðất, rồi lạy nhau 8 lạy kết làm anh em. Tử Kỳ nhỏ hơn Bá Nha 10 tuổi nên làm em. Hai anh em đối ẩm cùng nhau tâm sự mãi cho đến sáng mà không hay. Tử Kỳ vội đứng lên từ biệt.

Bá Nha bùi ngùi xúc động, hẹn ước Tử Kỳ, đúng ngày Trung Thu năm sau, hai anh em sẽ hội ngộ nhau tại ghềnh đá nầy. Bá Nha lấy ra hai đỉnh vàng, hai tay nâng lên nói:

- Ðây là chút lễ, kính dâng bá phụ và bá mẫu. Tấm tình chí thành, em đừng từ chối.

Hai người từ biệt, lòng đầy lưu luyến.

Chẳng bao lâu, thuyền về tới bến. Bá Nha vào kinh đô tâu trình Tấn Vương các việc, được Tấn vương khen tặng.

Thời gian lặng lẽ trôi qua. . . Nhớ ngày ước hẹn với Tử Kỳ, Tử Nha tâu xin vua Tấn cho nghỉ phép về thăm quê nhà.

Bá Nha thu xếp hành trang đến núi Mã Yên kịp ngày Trung Thu ước hẹn. Kìa là núi Mã Yên mờ mờ sương lạnh, tịch mịch, không một bóng người. Bá Nha nghĩ thầm, năm trước nhờ tiếng đàn mà gặp được tri âm, đêm nay ta phải đàn một khúc để gọi Tử Kỳ. Rồi sai đốt hương trầm, đem Dao cầm ra so dây. Bá Nha đặt hết lòng nhớ nhung của mình vào tiếng đàn réo rắt, bỗng trong tiếng đàn lại có hơi ai oán nổi lên. Bá Nha dừng tay suy nghĩ: Cung Thương có hơi ai oán thảm thê, ắt Tử Kỳ gặp nạn lớn. Sáng mai ta phải lên bờ dọ hỏi tin tức về Tử Kỳ.

Ðêm ấy, Bá Nha hồi hộp lo âu, trằn trọc suốt đêm, chờ cho mau sáng, truyền quân hầu mang theo Dao cầm, 10 đỉnh vàng, vội vã lên bờ, tiến vào núi Mã Yên. Khi qua cửa núi, gặp ngã ba đường, chưa biết nên đi đường nào, đành ngồi chờ người trong xóm đi ra hỏi thăm. Không bao lâu, gặp một lão trượng tay chống gậy, tay xách giỏ, từ từ đi lại. Bá Nha thi lễ, hỏi:

- Xin lão trượng chỉ giùm đường đi Tập Hiền Thôn?

- Thượng quan muốn tìm nhà ai?

- Nhà của Chung Tử Kỳ.

Vừa nghe 3 tiếng Chung Tử Kỳ, lão trượng nhòa lệ, nói:

- Chung Tử Kỳ là con của lão. Ngày Trung thu năm ngoái, nó đi đốn củi về muộn, gặp quan Ðại Phu là Du Bá Nha kết bạn tri âm. Khi chia tay, Bá Nha tặng hai đỉnh vàng, nó dùng tiền nầy mua sách học thêm, ngày đi đốn củi, tối về học sách, mãi như vậy, sức khỏe hao mòn, sanh bệnh rồi mất.

Bá Nha nghe vậy thì khóc nức nở, thương cảm vô cùng. Lão trượng ngạc nhiên hỏi quân hầu thì biết thượng quan đây chính là Du Bá Nha, bạn tri âm của Chung Tử Kỳ. Chung lão biết vậy lại càng bi thảm hơn nữa nói:

- Mong ơn thượng quan không chê con lão hàn tiện. Lúc mất, nó dặn rằng: Con lúc sống không vẹn niềm hiếu dưỡng, lúc chết không vẹn nghĩa tri giao, xin cha chôn con nơi cửa núi Mã Yên để thực hiện lời ước hẹn với quan Ðại Phu Bá Nha.

Lão phu y lời con trối lại. Con đường mà thượng quan vừa đi qua, bên phải có một nấm mộ mới, đó là mộ của Tử Kỳ. Hôm nay là đúng 100 ngày, lão mang vàng hương ra cúng mộ.

- Việc đời biến đổi, may rủi không lường. Xin Lão bá đưa đến mộ Tử Kỳ, bốn lạy cho vẹn tình tri kỷ.

Khi đến phần mộ, Bá Nha sửa lại áo mũ, sụp lạy khóc rằng: Hiền đệ ơi, lúc sống thông minh anh tuấn tuyệt vời, nay chết, khí thiêng còn phảng phất, xin chứng giám cho ngu huynh một lạy ngàn thu vĩnh biệt.

Lạy xong, Bá Nha phục bên mồ, khóc nức nở. Sau đó, Bá Nha gọi mang Dao cầm tới, đặt lên phiến đá trước mộ, ngồi xếp bằng trên mặt đất một cách nghiêm trang, so dây tấu lên một khúc nhạc thiên thu, tiễn người tri âm tài hoa yểu mạng. Bỗng thấy gió rừng thổi mạnh, mây đen kéo lại, u ám bầu trời, hồi lâu mới tan. Có lẽ đó là anh hồn của Tử Kỳ hiển linh chứng giám. Tấu khúc nhạc xong, Bá Nha phổ lời ai oán, thay lời ai điếu, vĩnh biệt bạn tri âm, rồi đến vái cây Dao cầm một vái, tay nâng đàn lên cao, đập mạnh vào phiến đá trước mộ Tử Kỳ, đàn vỡ tan nát, trục ngọc phím vàng rơi lả tả.

Chung lão không kịp ngăn, sợ hãi nói rằng:

- Sao đại quan hủy cây đàn quí giá nầy?

Bá Nha liền ngâm 4 câu thơ thay câu trả lời:

Dao cầm đập nát đau lòng phượng,

Ðàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai?

Gió Xuân khắp mặt bao bè bạn,

Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!

- Nguyên do là vậy. Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật cao siêu. Nhân đây, xin mời thượng quan đến nhà lão để lão cảm tạ tấm lòng tốt đẹp của thuợng quan đối với con lão.

- Cháu quá bi thương, không dám theo bá phụ về quí phủ e gợi thêm nỗi đau lòng. Nay nghĩa đệ vắng số mất rồi, cháu kính dâng lên bá phụ và bá mẫu 10 đỉnh vàng, một nửa dùng mua mấy mẫu ruộng làm Xuân Thu tế tự cho Tử Kỳ, một nửa xin để phụng dưỡng bá phụ và bá mẫu trong tuổi già. Chừng cháu trở về triều, dâng biểu lên vua xin cáo quan, cháu xin đến rước bá phụ, bá mẫu đến an hưởng tuổi già.

Nói xong, Bá Nha lấy vàng dâng lên, rồi khóc lạy mộ Tử Kỳ một lần nữa, mới trở về thuyền.

Chung lão cảm động không cùng, nghẹn ngào đứng lặng nhìn theo bóng Bá Nha cho đến khi khuất bóng.

 

Bá tánh

百姓

A: The people.

P: Le peuple.

Bá: Còn đọc là Bách: một trăm. Tánh: Họ.

Bá tánh hay Bách tính là trăm họ, chỉ một số đông người đủ các họ và đủ các thành phần. Nói rộng ra, bá tánh là dân chúng, nhơn sanh.

BDR: Thoát tai bá tánh ngưỡng ân sinh.

BDR: Bài Dâng Rượu.

 

Bá thiên vạn ức Phật

百千萬億佛

A: The numberless Buddhas.

P: Les innombrables Bouddhas.

Bá: Còn đọc là Bách: một trăm. Thiên: Ngàn. Vạn: Muôn, mười ngàn. Ức: Một trăm ngàn. Phật: Ðức Phật.

Bá thiên vạn ức Phật là rất nhiều vị Phật, không thể đếm hết được, đồng nghĩa: Hằng hà sa số Phật.

KCK: Bá thiên vạn ức Phật, hằng hà sa số Phật,....

KCK: Kinh Cứu Khổ.

 

Bá tòng

柏松

A: The cypress and the pine.

P: Le cyprès et le pin.

Bá: Cây bá, tức là cây trắc. Tòng: Cây tùng, cũng gọi là cây thông.

Bá tòng là cây bá và cây tùng, là hai loại cây sống rất lâu năm, luôn luôn xanh tươi dù gặp mùa đông giá rét, thường được trồng ở các sân chùa. Do đó, cảnh bá tòng là chỉ cảnh chùa, nơi thanh tịnh để tu hành.

TNHT: Lần đến tìm nơi cảnh bá tòng.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bá trạo

柏櫂

A: The rower.

P: Le rameur.

Bá: Cây bá còn gọi là cây bách. Thời xưa người ta thường đóng thuyền bằng gỗ bách nên gọi là bách châu (bách chu), nghĩa là thuyền bách hay chiếc bách. Trạo: Chèo.

Bá trạo là người chèo thuyền.

Trong tổ chức Chèo thuyền Bát Nhã nơi Tòa Thánh, Bá trạo là người chèo thuyền Bát Nhã. Ðội Bá Trạo gồm 12 em nhỏ, mặc đồng phục như thủy thủ, mỗi em cầm một mái chèo nhỏ. Theo Thể pháp, 12 bá trạo tượng trưng Thập nhị Thời Quân của HTÐ, nên cũng tượng trưng Thập nhị Ðịa chi. (Ðức Chí Tôn chọn 12 vị Thời Quân HTÐ có 12 tuổi đúng theo Thập nhị Ðịa chi). Các đội Bá trạo đều do một vị Tổng trạo cai quản. (Xem: Thuyền Bát Nhã, vần T).

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

 

Bá tước công khanh

伯爵公卿

Bá: Một tước trong 5 tước quan triều đình. Tước: Chức tước do vua phong tặng. Công: Một trong 5 tước lớn nơi triều đình: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Khanh: Chức quan đại thần, như Chánh Khanh, Thiếu Khanh.

Bá tước công khanh là chỉ chung các chức quan lớn trong triều đình.

Người làm quan cố gắng đem hết sức lực ra để lập công với vua để được vua ban các phẩm tước ấy. Nhưng đối với người tu, đó chỉ là con đường ràng buộc vào lo âu và sầu thảm.

TNHT:

Bá tước công khanh ý vị gì,

Mà đời dám đổi kiếp sầu bi?

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BẢ

Bả bươn

A: To hasten to.

P: Se hâler de.

Bả bươn hay Bươn bả là vội vàng, hối hả, như sợ trễ nải.

TNHT: Ðạo Trời khai dẫn bước lỗi lầm, đem kẻ hữu căn lánh vòng phiền não. Nếu chẳng bả bươn, nhặt thúc bóng thiều, kiếp phù sinh qua dường nháy mắt.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bả vinh hoa

A: The bait of glory.

P: L'appât de gloire.

Bả: Cái có sức cám dỗ để lôi kéo con người vào chỗ xấu xa nguy hiểm. Vinh hoa: Vẻ vang đẹp đẽ.

Bả vinh hoa là cái mồi giàu sang vinh hiển.

Dùng chữ Bả là để tỏ ý khinh cái giàu sang vinh hiển.

Ðây là quan niệm của người tu, vì muốn đạt được giàu sang vinh hiển thì phải gây nhiều tội lỗi, chịu lắm phiền não; sao bằng lánh vòng danh lợi, an nhàn lo tu tâm dưỡng tánh.

TNHT: Mùi chung đỉnh, bả vinh hoa có khác chi ngọn cỏ phơi sương, vừng mây giữa gió.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BÁC

Bác ái

博愛

A: The universal love.

P: L'amour universel.

Bác: Rộng lớn. Ái: Thương yêu.

Bác ái là lòng thương yêu bao la, thương khắp chúng sanh.

TNHT: Bác ái là hay thương xót sanh linh hơn mình, cho nên, kẻ có lòng bác ái coi mình nhẹ hơn mảy lông mà coi thiên hạ nặng bằng Trời Ðất.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bác luật - Phá cổ

駁律 - 破罟

A: To reject the ancient laws.

P: Rejeter les lois anciennes.

Bác: Bác bỏ. Luật: Pháp luật. Phá: Bỏ đi. Cổ: Tấm lưới pháp luật, ý nói hình pháp khắt khe.

Bác luật là bác bỏ luật pháp xưa vì không còn thích hợp.

Phá cổ là phá bỏ luật pháp khắt khe cũ.

Ý nói bác bỏ những luật pháp xưa lỗi thời, không còn thích hợp với trình độ tiến hóa hiện nay của nhơn sanh.

CG PCT: Chính Thầy đã giáng cơ nói: "Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ." Ấy vậy, cựu luật thì Ngọc Hư Cung đã biếm bác, còn cổ pháp thì Lôi Âm Tự đã phá tiêu. Vậy thì ngày nay, cựu luật và cổ pháp chẳng còn ý vị chi hết. Những bực tu hành mà tưởng lầm phải tùng cựu luật hay cổ pháp thì trái hẳn với Thiên điều của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thể Thiên hành chánh.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

BẠC

Bạc đãi

薄待

A: To ill-treat.

P: Maltraiter.

Bạc: Mỏng, tệ, trái với Hậu. Ðãi: Ðối xử.

Bạc đãi là đối xử tệ bạc, có ý rẻ rúng, trái với Hậu đãi.

TNHT: ... lại bị các con bạc đãi, biếm nhẻ,...

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BÁCH

BÁCH

BÁCH: Trăm, còn đọc là Bá.

Td: Bách niên giai lão, Bách tuế vi kỳ.

 

Bách niên giai lão

百年皆老

A: To live together in throughout life.

P: Vivre ensemble dans toute la vie.

Bách: Trăm, còn đọc là Bá. Niên: Năm. Giai: Ðều, cùng. Lão: Già.

Bách niên là trăm năm, ý nói suốt đời.

Bách niên giai lão là trăm năm cùng già.

Ðây là câu cầu chúc thường nghe trong đám cưới, chúc cho đôi vợ chồng mới cưới được bách niên giai lão, nghĩa là chúc hai người sống bền chặt bên nhau suốt đời.

 

Bách tuế vi kỳ

百歲為期

A: Hundred years are the limit of life.

P: Cent ans sont la limite de la vie.

Bách: Trăm, còn đọc là Bá. Tuế: năm. Vi: Làm, là. Kỳ: Hạn định.

Bách tuế vi kỳ là một trăm năm làm kỳ hạn.

Nhân sinh bách tuế vi kỳ nghĩa là con người sống một trăm năm là kỳ hạn. Thông thường, con người chỉ sống đến 100 năm là cùng, nên người xưa lấy con số 100 năm làm hạn định.

 

Bách văn bất như nhất kiến

百聞不如一見

Bách: Trăm, còn đọc là Bá. Văn: Nghe. Bất như: Không bằng. Nhất kiến: Một lần thấy.

Bách văn bất như nhất kiến nghĩa là trăm lần nghe danh không bằng một lần thấy mặt.

 

Bách xuyên quy hải

百川歸海

Bách: Trăm, còn đọc là Bá. Xuyên: Sông. Quy: Ðổ về. Hải: Biển.

Bách xuyên quy hải là trăm sông chảy về biển.

Ý nói: Dù con đường đi khác nhau, phương tiện khác nhau, nhưng mục đích đều giống nhau.

Trong sách Hoài Nam Tử có câu: Bách xuyên dị nguyên, nhi giai quy hải. Nghĩa là: Trăm sông khác nguồn nhưng đều đổ về biển cả.

 

BẠCH

BẠCH

BẠCH: Màu trắng, rõ ràng.

Td: Bạch Ngọc Kinh, Bạch vân.

 

Bạch câu quá khích

白駒過隙

A: The white colt passes a crack: Rapidity of times.

P: Le poulain blanc passe devant une fente: Rapidité du temps.

Bạch: Màu trắng, rõ ràng. Câu: Con ngựa tơ. Quá: Ði qua. Khích: Cái khe hở.

Bạch câu quá khích là con ngựa trắng chạy qua khe cửa.

Ý nói: Thời gian đi qua rất mau, mau như thời gian con ngựa chạy qua khe cửa.

Trang Tử có viết: "Nhân sinh Thiên Ðịa chi gian, nhược bạch câu quá khích, hốt nhiên nhi dĩ." Nghĩa là: Người ta sống trong khoảng Trời Ðất, như ngựa trắng lướt qua khe cửa, trong chốc lát mà thôi.

TNHT: Ngựa qua cửa sổ cuộc tan tành.

Ngựa qua cửa sổ là nói theo thành ngữ: Bạch câu quá khích.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bạch Khỉ (Bạch Khởi)

白起

Bạch Khỉ, thường đọc là Bạch Khởi, là tên của một đại tướng tài giỏi bách chiến bách thắng của vua Tần Chiêu Tương Vương thời Ðông Châu Liệt Quốc. Nhưng Bạch Khởi có tánh độc ác và háo sát. Suốt cuộc đời làm tướng của Bạch Khởi, ông ta đã giết hằng trăm vạn quân địch.

Trong trận quân Tần đem quân đánh nước Ngụy ở Y Khuyết, Bạch Khởi lấy được 61 thành, chém 24 vạn địch quân.

Sau đó, Bạch Khởi đem quân đánh nước Sở, chiếm Yên Dĩnh, định được hai đất Vu, Kiềm, rồi lại đánh nước Ngụy, đuổi được Mang Mão, chém 13 vạn thủ cấp, lại kéo quân đánh nước Hàn, lấy 5 thành, chém 5 vạn thủ cấp, lại chém tướng Triệu là Giả Yến, đánh chìm 2 vạn quân Triệu xuống sông.

Do những chiến công lẫy lừng đó, vua Tần phong cho Bạch Khởi chức Võ An Quân.

Nước Tần muốn chiếm nước Triệu, nhưng còn ngại Lão tướng Liêm Pha của Triệu. Thừa Tướng nước Tần là Phạm Chuy bí mật sai người đem vàng bạc qua Triệu, thực hiện kế ly gián khiến vua Triệu nghi ngờ Liêm Pha, tước hết binh quyền rồi giao cho Triệu Quát làm Ðại Tướng.

Vua Tần cử Bạch Khởi kéo quân đánh Triệu. Triệu Quát kéo quân ra cự địch. Bạch Khởi lừa Triệu Quát vào hiểm địa Trường Bình, đánh cho một trận, giết chết Triệu Quát và 5 vạn quân Triệu, số quân Triệu còn lại chừng 40 vạn đều đầu hàng. Bạch Khởi bàn với Phó Tướng Vương Hạt rằng:

- Trước quân ta đã lấy được hai thành Giả Vương và Thượng Ðảng, dân chúng ở đó không chịu theo Tần mà vẫn theo Triệu. Nay quân Triệu đầu hàng trước sau được 40 vạn, nếu lỡ chúng nó sanh biến thì phòng sao giữ được.

Nghị rồi liền cấp rượu thịt cho quân Triệu ăn uống no say, hẹn ngày mai sẽ thả những quân già yếu, còn quân cường tráng thì phát cho khí giới sung vào quân Tần.

Ðêm ấy, Bạch Khởi cho quân Tần lấy vải trắng bịt đầu, ai không có vải trắng trên đầu thì cứ giết. Tất cả 40 vạn quân Triệu đều bị giết sạch trong một đêm, máu chảy thành sông, thây chất thành núi.

Vua quan và dân chúng nước Triệu ở Hàm Ðan nghe tin đều thất đảm kinh hồn, than khóc vang Trời.

Bạch Khởi kéo quân đánh tiếp, lấy thêm được 70 thành nữa của Triệu, tiến gần đến kinh đô Hàm Ðan của Triệu. Nước Triệu mất hết tinh thần, may nhờ mưu thần Tô Ðại dâng kế, vua Triệu cấp tốc cung ứng tiền bạc cho Tô Ðại bí mật sang Tần, tìm cách yết kiến Thừa Tướng Phạm Chuy của Tần.

Tô Ðại phân tích tình hình cho Phạm Chuy thấy, nếu để Bạch Khởi tóm thâu nước Triệu thì công cán lớn lao ấy làm cho ghế Thừa Tướng của Phạm Chuy lung lay và có thể mất. Chi bằng Thừa Tướng nên tâu với vua Tần ra lịnh cho Bạch Khởi lui binh, nước Triệu và Hàn sẽ sai sứ cầu hòa và cắt đất dâng cho Tần, và đó là cái công lớn của Thừa Tướng, mà lại giải bớt binh quyền của Bạch Khởi.

Phạm Chuy nghe bàn đúng lý nên làm theo kế ấy, khiến Bạch Khởi rất tức giận, vì chỉ không đầy một tháng nữa thì Bạch Khởi sẽ bắt sống được vua Triệu, nhưng nay theo lịnh của vua Tần, Bạch Khởi đành phải lui binh.

Hai năm sau, vua Tần lại sai Bạch Khởi đem quân đánh Triệu. Bạch Khởi biết cơ hội đánh thắng Triệu trước đây hai năm đã bỏ qua, nay quân Triệu đã hùng mạnh. Lão Tướng Liêm Pha tái thủ binh quyền thì làm sao đánh Triệu cho nổi.

Do đó, Bạch Khởi cáo bịnh không đi. Vua Tần nghi ngờ, lại có Phạm Chuy gièm vào, vua Tần thâu hết quan tước của Bạch Khởi, đồng thời thâu hồi các đất ăn lộc, giáng Bạch Khởi xuống làm lính, rồi sai sứ đem trao cho Bạch Khởi một thanh gươm buộc phải tự tử.

Bạch Khởi than rằng: "Ta có tội gì mà ra nông nỗi nầy? À! Ta thực đáng chết lắm! Trong trận Trường Bình, ta đã đánh lừa và giết chết 40 vạn quân Triệu đã đầu hàng. Chúng nó có tội gì? Ôi! Nay ta bị vua Tần giết chết là đáng lắm."

Than rồi liền lấy gươm tự đâm cổ chết.

Một thời gian dài về sau, thời nhà Ðường, có tiếng sét đánh chết một con trâu ngoài đồng, người ta thấy dưới bụng trâu có hai chữ Bạch Khởi. Dân chúng tin rằng, Bạch Khởi giết người nhiều quá nên mấy trăm năm sau vẫn còn bị đọa làm kiếp trâu và bị sét đánh chết.

TNHT:

Thạnh bỏ suy đương lao khổ phận,

Cũng như Bạch Khỉ đến hôn mê,

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bạch Ngọc Chung đài

白玉鐘臺

A: The tower of the Bạch Ngọc Bell.

P: La tour de la Cloche Bạch Ngọc.

Bạch: Màu trắng, rõ ràng. Ngọc: Loại đá quí có màu sáng bóng rất đẹp. Chung: Cái chuông. Ðài: Cái tháp cao.

Bạch Ngọc Chung đài là cái tháp cao trên đó có đặt một cái chuông lớn, gọi là chuông Bạch Ngọc.

Nơi mặt tiền TTTN có hai cái đài hình vuông cất cao lên, mỗi đài cao 36 thước, đài bên mặt có đặt một cái chuông lớn gọi là Bạch Ngọc Chung đài, đài bên trái có đặt một cái trống lớn gọi là Lôi Âm Cổ đài.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

Bạch Ngọc Chung minh

白玉鐘鳴

A: The Bạch Ngọc bell rings.

P: La cloche Bạch Ngọc sonne.

Bạch Ngọc Chung: Chuông Bạch Ngọc. Minh: Kêu.

Bạch Ngọc Chung minh là dộng cái chuông Bạch Ngọc cho nó kêu to lên.

Ðây là câu xướng của lễ sĩ trong nghi tiết cúng Ðại đàn hay Tiểu Ðàn tại các Thánh Thất.

Sau khi tiếng trống bên Lôi Âm Cổ đài chấm dứt thì lễ sĩ xướng: "Bạch Ngọc Chung minh", người trực bên Bạch Ngọc Chung đài khởi dộng chuông. Trước tiên dộng 3 tiếng khởi đầu, tiếp theo ngâm 4 câu kệ chuông, dứt mỗi câu kệ, dộng một tiếng chuông lớn.

KỆ CHUÔNG

Thần chung thinh hướng phóng Phong Ðô,

Ðịa Tạng khai môn phóng xá cô.

Tam Kỳ vận chuyển kim quang hiện,

Sám hối âm hồn xuất u đồ.

(Bài kệ nầy có giải thích trong chữ: Kệ chuông, vần K)

Tiếp theo, dộng tiếp 12 tiếng chuông nữa, rồi dộng tiếp 3 hồi, mỗi hồi 12 chập, mỗi chập 12 tiếng, cộng 3 hồi là 432 tiếng. Sau cùng dộng thêm 3 tiếng chuông lớn nữa là chấm dứt.

Tổng cộng lúc khởi dộng chuông cho đến lúc dứt chuông gồm có: 3 + 4 + 12 + 432 + 3 = 454 tiếng chuông.

Tiếng trống và tiếng chuông đánh lên trước giờ bái lễ Ðức Chí Tôn có mãnh lực mầu nhiệm, âm thanh vang dội truyền lên đến tận Bạch Ngọc Kinh, CLTG, các từng Trời, để chư Thần, Thánh, Tiên, Phật biết giờ chầu lễ Ðức Chí Tôn, và nhứt là vang dội đến cõi Âm Quang, để cho các linh hồn tội lỗi thức tỉnh, hồi tâm hướng thiện, cầu xin Ðức Chí Tôn cứu vớt.

CLTG: Cực Lạc Thế giới.

 

Bạch Ngọc Công Ðồng

白玉公同

A: The reunion in the White Jade Palace.

P: La réunion dans le Palais de Jade Blanc.

Bạch Ngọc: Bạch Ngọc Kinh. (Xem giải thích Bạch Ngọc Kinh)

Công Ðồng: Một cuộc hội gồm nhiều thành phần để bàn luận và quyết nghị các công việc chung.

Bạch Ngọc Công Ðồng là một hội nghị tổ chức tại Bạch Ngọc Kinh, mà thành viên của Hội nghị là các Ðấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, để quyết định các công việc của CKVT.

KÐLC:

Nam mô Bạch Ngọc Công Ðồng,

Thần Tiên Thánh Phật mở vòng trái oan.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

KÐLC: Kinh Ðưa Linh Cửu.

 

Bạch Ngọc Kinh

白玉京

A: The White Jade Palace.

P: Le Palais de Jade Blanc.

Bạch: Màu trắng, rõ ràng. Ngọc: Loại đá quí có màu sáng bóng rất đẹp. Kinh: Tòa nhà to lớn làm nơi thường ngự của Ðức Chí Tôn.

Bạch Ngọc Kinh là tòa nhà to lớn làm bằng ngọc trắng, ở tại trung tâm của CKVT, là nơi thường ngự của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

Trong TNHT, có bài thi mô tả Bạch Ngọc Kinh như sau:

TÂN TẢ BẠCH NGỌC KINH

Một tòa Thiên các ngọc làu làu,

Liền bắc cầu qua nhấp nhóa sao.

Vạn trượng then gài ngăn Bắc Ðẩu,

Thiên trùng nhíp khảm hiệp Nam Tào.

Chư Thần chóa mắt màu thường đổi,

Liệt Thánh kinh tâm phép vẫn cao.

Dời đổi chớp giăng đoanh đỡ nổi,

Vững bền muôn kiếp chẳng hề xao.

(1-1-Bính Dần)

Bạch Ngọc Kinh là tòa lâu đài quí báu nhứt, đồ sộ nhứt, đẹp đẽ nhứt, huyền diệu nhứt trong CKVT.

Lâu đài nơi cõi trần còn bị hư sập hay bị hủy hoại theo thời gian, nhưng Bạch Ngọc Kinh thì tồn tại vĩnh viễn.

Tất cả các chơn hồn khi đắc đạo, đều phải đến Bạch Ngọc Kinh bái lễ Ðức Chí Tôn.

Tòa Thánh Tây Ninh được Ðức Phạm Hộ Pháp xây cất theo kiểu vở do Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ vẽ ra, mô phỏng theo hình ảnh của Bạch Ngọc Kinh nơi cõi thiêng liêng. Do đó, Tòa Thánh Tây Ninh được xem là Bạch Ngọc Kinh tại thế.

Trong Con đường Thiêng liêng Hằng sống, Ðức Phạm Hộ Pháp mô tả Bạch Ngọc Kinh như sau:

"Lại gần tới còn thấy một vật khác thường quái lạ, nhưng nó là một tòa Thiên các đẹp đẽ lắm, màu sắc thay đổi sáng rỡ, mà cả Thoại khí bao quanh làm như thể vận chuyển hình trạng của nó vậy. Lâu đài chớn chở mà nó là con vật sống chớ không như gạch đá chúng ta làm đây, nó vận hành như con vật sống vậy, thay đổi màu sắc vô cùng vô biên. Bí pháp ấy không thế gì tả đặng, ngó thấy đặc sắc lắm.

Nhà cửa ở thế gian nầy là con vật chết, Bạch Ngọc Kinh là con vật sống, biến hóa thay đổi như thể vận hành, xung quanh Thoại khí bao trùm, từ Nam chí Bắc, từ Ðông qua Tây, khối lửa ánh sáng ấy, chúng ta ngó thấy như mặt trời vậy, mà ánh sáng mặt trời thì nóng nực bực bội, còn ánh sáng nơi tòa Bạch Ngọc Kinh lại dịu dàng và huyền bí lắm, sung sướng khoái lạc lắm! Tại sao đài các nó là con tử vật mà nó sống? Sống là do nơi đâu? Nếu biết được thì không lạ gì.

Nơi Bạch Ngọc Kinh là Hỗn Nguơn Khí biến hình nó ra. Hỗn Nguơn Khí là Khí Sanh Quang của chúng ta đã thở, đã hô hấp, khí để nuôi cả sanh vật sống, ta cũng do nơi nó xuất hiện, mà biểu nó làm sao không sống?

Khi Bần đạo ngồi trên pháp xa đến, thấy các chơn linh hằng hà sa số, bao vây trước cửa la liệt không thể đếm. Pháp xa vừa ngừng, Bần đạo bước xuống thấy ba cửa nơi Bạch Ngọc Kinh có 12 vị Thời Quân mặc khôi giáp, tay cầm bửu pháp, đứng cản đường không cho thiên hạ vô. Bần đạo giận quá đỗi. Ba cửa ấy xa nhau, mỗi cửa có bốn người giữ. Bần đạo muốn nói chuyện thì ba cửa ấy gom lại, 12 người hiệp lại đứng trước mặt Bần đạo. Bần đạo hỏi vì cớ nào không cho người ta vô?

Vừa hỏi thì họ bỡ ngỡ nói người ta biểu đừng cho vô. Nói người ta biểu thì Bần đạo biết là Kim Quang Sứ biểu nó, xúi nó đừng cho các chơn linh vào Bạch Ngọc Kinh.

Giận quá, Bần đạo day mặt ra ngoài biểu các chơn linh vô. Họ tràn vô nghe một cái ào dường như nước bể bờ chảy vào Bạch Ngọc Kinh vậy. Tới chừng các chơn linh vô hết, liền biểu 12 vị Thới Quân vô, rồi đứng dòm cùng hết thảy coi còn ai ở ngoài nữa không. Bần đạo vác cây Giáng Ma Xử đi vô Bạch Ngọc Kinh sau hết.

Bạch Ngọc Kinh chia làm ba căn, cửa chính giữa là các vị Phật cao siêu, mình đứng day vô, phía bên tả là phái nữ, phía bên hữu là phái nam. Bần đạo nghe đi rần rần rộ rộ, bên kia thì thấy hình bóng chiếu qua vách mà thôi, tấm vách thật lạ lùng, trong trắng giống như sương sa vậy. Buổi đầu Bần đạo không để ý, đi tới nữa, thấy tất cả đều có ngôi vị của họ sẵn. Bần đạo vô cửa thấy họ ngồi có chỗ hết, còn mình thì bơ thờ, vác cây Giáng Ma Xử đi vô, không biết đi đâu. Nói sao người ta có chỗ ngồi, còn mình không có?

Vừa nói rồi thì thấy có người đứng gần bên mình mà không hay, họ trả lời: Cái ngai của Ngài kia. Bần đạo dòm lên thấy cái ngai tốt lắm, thấy rồi trong bụng hồ nghi, nói không biết họ có gạt mình không. Bần đạo sợ, vừa sợ thì có người nói: Chính cái ngai đó là của Ngài.

Từ thử đến giờ, dầu vạn kiếp sanh chịu khổ để tạo vị nơi mặt thế gian nầy cũng không bằng ngồi được trên đó. Nơi đó sung sướng lắm, sung sướng làm sao đâu!

Trong bụng nói làm sao lên được trên đó? Vừa tính rồi thì dường như có nấc thang, Bần đạo lên ngồi rồi thì thấy trước mặt của mỗi người đều có vật ăn và rượu để uống. Bần đạo nói sao họ có ăn mà mình không có. Vừa nói thì có một trái đào Tiên và một chung Tiên tửu. Ở đó tưởng muốn cái gì đều có hết, nhứt nhứt không có món gì mình muốn mà không có."

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bạch phát

白髮

A: The white hair.

P: Les cheveux blancs.

Bạch: Màu trắng, rõ ràng. Phát: Tóc. Bạch phát là tóc bạc.

Do câu: Tâm sầu bạch phát, nghĩa là lòng quá sầu muộn thì sanh ra tóc bạc. Ngũ Tử Tư sau một đêm âu sầu lo nghĩ nát óc, sáng ra thấy đầu bạc trắng.

TNHT: Bước thế chịu đày khơi bạch phát.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bạch tuyết thần quang đái

白雪神光帶

A: The white belt of the spiritual light.

P: La ceinture blanche de la lumière spirituelle.

Bạch: Màu trắng, rõ ràng. Bạch tuyết: Màu trắng như tuyết. Thần: Thiêng liêng. Quang: Ánh sáng. Ðái: Cái đai lưng.

Bạch tuyết Thần quang đái là cái đai lưng làm bằng hàng trắng trong bộ đại phục của Bảo Văn Pháp Quân.

Ðai nầy có bề dài 3,330 mét và bề ngang 0,333 mét.

Khi buộc ngang lưng, phải buộc mối chừa ra trước thế nào đủ thắt một bông sen năm cánh.

 

Bạch vân thương cẩu

白雲蒼狗

A: The white cloud changes into the form of a blue dog.

P: Le nuage blanc change en forme d' un chien bleu.

Bạch: Màu trắng, rõ ràng. Vân: Mây. Thương: Xanh. Cẩu: Con chó.

Bạch vân thương cẩu là mây trắng biến hình chó xanh.

Ý nói: Việc đời biến đổi không lường được.

Thành ngữ trên rút ra từ hai câu thơ của Ðỗ Phủ:

 

Thiên thượng phù vân như bạch y,

Tu tư hốt biến vi thương cẩu.

Nghĩa là:

Trên trời mây nổi như chiếc áo trắng,

Bỗng chốc đột biến ra hình chó xanh.

 

Bạch Vân Ðộng

白雲洞

A: The White Lodge.

P: La Loge Blanche.

Bạch: Màu trắng, rõ ràng. Vân: mây. Ðộng: cái hang núi.

Bạch Vân Ðộng là một cái Ðộng tên là Bạch Vân, nơi ở của các vị Thánh mà Ðộng chủ là Trạng Trình Ng. B. Khiêm.

Ðức Phạm Hộ Pháp giải thích về Bạch Vân Ðộng:

"Theo Kinh Phật thì trái địa cầu hiện ta đang ở nay đã đến kiếp thứ nhì. Sau bảy lần biến hóa, mỗi kỳ 61 triệu năm, vị chi là 427 triệu năm, địa cầu đã chết một lần rồi, di hài kiếp trước còn lại là Nguyệt cầu (Mặt trăng là một tinh tú đã chết, ở trên đó không có một vật sống nào). Xưa nay người ta vẫn coi Nguyệt cầu là nơi dừng chân của những vị Thánh, Thần, trước khi xuống trần giới đầu thai. Các vị đó phải ở lại Nguyệt cầu ít lâu để liên lạc với địa cầu và với các Thần linh ở địa cầu, để quen dần với đời sống ở thế gian nầy.

Từ cổ, Thần thoại đã mệnh danh Nguyệt cầu là Bạch Vân Ðộng (Quảng Hàn Cung). Cơ giáng bên Âu châu, mệnh danh là Loge Blanche (Bạch Ðộng).

Giáo chủ của Bạch Vân Ðộng là Bạch Vân Hòa Thượng, miêu duệ của Từ Hàng Ðạo Nhơn, dòng dõi Ðức Phật Quan Âm. Bạch Vân Hòa Thượng đã hai lần giáng trần ở Pháp: Một lần là Hồng Y Giáo chủ Richelieu; một lần là Quận Công La Roche Foucault. Ở Việt Nam, Ngài giáng trần là Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức gọi Trạng Trình."

Như vậy, Bạch Vân Ðộng là Cung trăng hay Mặt trăng, mà Mặt trăng là vệ tinh của địa cầu, nên nó là trạm tiếp chuyển từ địa cầu đi vào CKVT, hay từ các cõi của CKVT đi đến địa cầu. Trên Cung trăng không có sinh vật sống, nên chỉ làm nơi trú ngụ cho các Ðấng thiêng liêng mà thôi.

Ðức Quan Âm Bồ Tát và Bạch Vân Hòa Thượng đều là chiết linh của Từ Hàng Bồ Tát. Từ Hàng Bồ Tát chưởng quản từng Trời Phi Tưởng Thiên trong Cửu Trùng Thiên.

May mắn cho dân tộc VN, Bạch Vân Hòa Thượng chuyển kiếp làm dân VN với tên là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi trở về cõi thiêng liêng, Ngài có Thánh danh là Thanh Sơn Ðạo Sĩ, cầm quyền Ðộng chủ và cũng là Sư Phó Bạch Vân Ðộng.

Trong thời ÐÐTKPÐ, các vị Thánh của Bạch Vân Ðộng lãnh lịnh Ðức Chí Tôn giáng trần để Chí Tôn lập thành Hội Thánh giúp Chí Tôn khai đạo, làm hình thể của Ðức Chí Tôn tại thế mà hoằng dương Chánh pháp, giúp tay vào công cuộc Chuyển thế, gọi là Nho Tông Chuyển Thế.

Do đó, Tam Thánh đứng đầu Bạch Vân Ðộng là: Thanh Sơn Ðạo Sĩ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo), Tôn Sơn Chơn Nhơn (Tôn Văn) được lịnh đứng ra công bố bản Thiên Nhơn Hòa Ước cho toàn thể nhơn loại trên thế giới biết, nếu ai thực hiện được bốn chữ: BÁC ÁI - CÔNG BÌNH, thì Ðức Chí Tôn cam kết rước về cõi TLHS. (Xem: Tam Thánh Bạch Vân Ðộng ký Hòa Ước, vần T)

Khi cúng Ðức Phật Mẫu, chúng ta niệm:

- Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn,

- Nam mô Cửu vị Tiên Nương,

- Nam mô Bạch Vân Ðộng chư Thánh.

Bạch Vân Ðộng chư Thánh có nhiệm vụ hộ vệ Ðức Phật Mẫu mỗi khi Ðức Phật Mẫu xuất hành đến các cõi trần.

Tại Báo Ân Ðường Kim Biên, đêm 15-8-Bính Thân (dl 19-9-1956), Ðức Hộ Pháp và Ngài Bảo Ðạo phò loan, Ðức Thanh Sơn ÐS và Nguyệt Tâm Ch. Nh. giáng cơ, xin chép ra sau đây:

THANH SƠN ÐẠO SĨ

Bần tăng xin chào Thiên Tôn, Chơn Quân và hiền đệ.

Thưa Thiên Tôn, có Nguyệt Tâm Chơn Nhơn đến nhưng người lại nhượng cơ cho Bần tăng trước. Cười . . .

Nhiều điều Thiên Tôn hỏi thì Bần tăng khó trả lời đặng, duy Nguyệt Tâm đảm đương Thiên vụ, người hiểu biết rõ hơn Bần tăng, vậy Thiên Tôn nên hỏi nơi người.

Chỉ có về bài thi của Bần tăng có hơi huyền bí tiên tri, nên Bần tăng có thể giải đáp.

Thiên Tôn nhớ lại khi lập thành Phong Thần Bảng, những người đứng vào hàng Thất Thánh là ai?

Ðức Hộ Pháp bạch: - Lý Thiên Vương, Kim Tra, Na Tra, Mộc Tra, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử.

- Phải, thì trước đầu kiếp vào nhà họ Vi, còn nay vào nhà họ Phạm. Ðiều ấy có chi khó hiểu mà phỏng đoán. Tiên tri của Bần tăng đã hiểu và chỉ rõ, Việt Nam xuất Thánh thì đã hẳn rồi, còn chi không rõ rệt. Lại còn một điều trọng hệ hơn nữa là Di-Lạc giáng linh, thì Thiên Tôn đã thấy rằng tiên tri vốn không sai sót đủ điều. Còn lời thứ hai, Thiên Tôn hỏi Bần tăng thì xin Ngài vấn đáp với Nguyệt Tâm vì chính mình người đã truyền tin ấy.

Vui mừng hơn nữa là từ đây, thiên hạ đã hiểu rõ Thánh chất của Thiên Tôn và ngọn cờ cứu khổ sẽ cứu quốc cho giống nòi Việt Nam, rồi lan truyền cho toàn thế giới chung hưởng.

Bảo Ðạo, có phải ta tri âm với nhau về điều ấy chăng?

Cười . . . THĂNG. (Xem thêm chữ: Thanh Sơn Ðạo Sĩ)

TÁI CẦU:

NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN

Thưa chào Thiên Tôn, Chơn Quân và hiền đệ.

Hèn lâu, tệ nhơn không đến là bởi quá thẹn thùa, không tròn Thiên mạng. Nhờ ơn Thiên Tôn không kể lỗi, lại còn khẩn đảo Chí Tôn xin cho tệ nhơn tái thủ Ðạo quyền hầu chỉnh đốn Hội Thánh Ngoại Giáo lại cho vừa Thiên ý. Ngọc Hư Cung đã đòi tệ nhơn đặng giao truyền Thiên lịnh.

Tệ nhơn khi đặng lời an ủi của Ngọc Hư thì cũng trông mong hội ngộ cùng Ngài, song, thiếu cơ bút thì làm thế nào cho đặng thông công cùng nhau.

Về sự truyền tin vắn tắt làm cho Thiên Tôn suy nghĩ, cũng vì lẽ thiếu cơ bút. Cười....

(Mấy bữa trước, Ðức Hộ Pháp nằm thiu thỉu chợt thấy một hàng chữ lửa viết là APOTHÉOSE mà không hiểu ý nói gì?)

Nếu điều truyền tin ấy cho ai khác hơn thì tệ nhơn làm đặng dùng vào đâu? Apothéose sẽ hiện tượng trong một thời gian ngắn đây thì Thiên Tôn mới rõ biết ai hưởng đặng điều ấy. Còn nghi cho tệ nhân nói đến họ Ngô là chuyện buồn cười!

Ðiều thứ ba, Thiên Tôn hỏi về Lễ Hội Yến Diêu Trì, sắp ngôi vị cho các Ðấng lập giáo thì như đã sắp là trúng.

Hình ảnh của Lễ nó phải tượng hình càn khôn vũ trụ, bởi nơi tay Ðại Từ Phụ lập pháp, Thiên Tôn đã hiểu thấu huyền bí chuyển luân của thế giới Manvantara thì cửa Hoàng địa của Dương quyền di chuyển phải có trật tự đẳng cấp thiêng liêng hạp cùng chơn pháp.

Khi mở Bí pháp ấy, Chí Tôn để trọn quyền cho Diêu Trì Cung thay quyền cho Cửu phẩm Thần Tiên cùng Phật vị.

Chiếu đối lại là HTÐ thay quyền Vạn linh: Pháp - Ðạo - Thế. Pháp thì Hộ Pháp, Ðạo thì Thượng Phẩm, Thế thì Thượng Sanh. Ngôi vị của Tam quyền, có thể đã định sẵn là Ðạo bên tay mặt, Thế bên tay trái (của Hộ Pháp), còn Pháp thì tại trung ương. Vậy thì Khai Pháp đặng quyền ngồi chính giữa. Một ngày kia nếu cả thảy qui vị thì cũng sắp như thế. Thiên Tôn xem lại địa vị của họ nơi Ðền Thánh mà sắp thì là đúng chơn pháp.

Về việc tái thủ quyền hành Chưởng Ðạo thì tệ nhơn đợi thi hành trọn vẹn Thánh Lịnh của Thiên Tôn, rồi tệ nhân sẽ đến trả lời cùng Ngài và quyết định. Xin Ngài miễn lỗi cho./.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

 

BÀI

Bài bác

排駁

A: To disapprove.

P: Désapprouver.

Bài: chê bai, gạt bỏ. Bác: không chấp nhận.

Bài bác là chê bai nhằm gạt bỏ ra ngoài.

TNHT: Mà lắm kẻ trốn lánh, bài bác mối Ðạo Trời.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bài vị

簰位

A: The tablet of the deceased.

P: La tablette du défunt.

Bài: cái thẻ bằng gỗ mỏng hay bằng giấy cứng có viết chữ trên đó. Vị: chỗ đứng.

Bài vị, còn gọi là Thần chủ, là một tấm thẻ trên đó có ghi đầy đủ tên họ người chết, năm sanh, ngày chết, chức tước, quê quán, để tế lễ và thờ phượng.

 

BAN

BAN

1.    BAN: Cấp cho, tặng cho.
Td: Ban Phép lành, Ban sắc.

2.    BAN: Một tổ chức gồm nhiều người có phận sự đặc biệt.
Td: Ban Thế Ðạo.

3.    BAN: (Nôm) Ðương lúc, đang buổi.
Td: Ban sơ.

 

Ban Kiến trúc

( Xem chữ: Kiến Trúc, vần K )

 

Ban môn lộng phủ

班門弄斧

Ban: Tên Ban, họ Công Thâu, người nước Lỗ thời Xuân Thu Chiến Quốc, nên thường được gọi là Lỗ Ban, có nghề làm thợ mộc rất giỏi, về sau được tôn là Ông Tổ nghề thợ mộc. Môn: Cửa. Lộng: Múa. Phủ: Cái búa.

Ban môn lộng phủ là múa búa trước cửa Lỗ Ban.

Ý nói: Khoe tài trước mặt bậc thầy, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Ðồng nghĩa với thành ngữ: Múa rìu qua mắt thợ.

Vào triều nhà Minh, có văn nhân Mai Chí Hoán du lãm miền Thái Thạch, đến thăm mộ Lý Thái Bạch, thấy trước bia mộ của Ngài chép đầy thơ vịnh của các thi nhân đời sau, nhưng không có bài thơ nào hay. Hoán bèn cảm xúc viết 4 câu thơ:

 

Thái Thạch giang biên nhất đôi thổ,

Lý Bạch chi danh cao thiên cổ.

Lai lai vãng vãng nhất thủ thi,

Lỗ Ban môn tiền lộng đại phủ.

Nghĩa là:

Mộ xưa Thái Thạch bên sông,

Tuổi tên Lý Bạch cao cùng ngàn xưa.

Ngày nay thơ chép sờ sờ,

Khác nào múa búa trước nhà Lỗ Ban.

 

Ban Phép lành

A: To administer the sacrament of benediction.

P: Administrer le sacrement de bénédiction.

Ban: Cấp cho, tặng cho. Ban Phép lành là làm Bí tích huyền diệu để ban phát điển quang sáng suốt cho các tín đồ, hoá giải các điển quang ô trược, giúp cho chơn thần tín đồ được trong sáng nhẹ nhàng, tránh khỏi mê lầm, bước trọn trong đường đạo đức.

Trong dịp Giao thừa năm Ất Mùi (1955), Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo có nhắc lại ngày mùng 1 Tết Ðinh Mão (1927), Ðức Chí Tôn giáng cơ kiểm điểm việc truyền đạo trong năm Bính Dần, độ được bốn vạn môn đệ. Ðức Chí Tôn vui mừng khen tặng các môn đệ và ban Phép lành cho các môn đệ.

"Ðêm nay, đêm giao thừa năm Ất Mùi, cũng như các năm trước, Bần đạo nhớ khi Ðức Chí Tôn mở Ðạo ngày 15-10-Bính Dần tại chùa Từ Lâm Tự (Gò Kén), qua đầu năm Ðinh Mão, cũng giờ nầy, cũng đêm nay, khi hầu đàn rồi phò loan, Ðức Chí Tôn biểu cả thảy con cái của Ngài hiện diện nơi đó rằng: Thầy đưa cơ lên, các con chun ngang qua cơ, Thầy ban phép lành cho các con.

Ðức Cao Thượng Phẩm và Bần đạo bị Ðức Chí Tôn xách đứng lên, ra ngay giữa Ðại điện, đưa cần cơ lên cho cả thảy con cái của Ngài, nam nữ chun ngang qua.

Bần đạo vâng mạng lịnh của Ðức Chí Tôn, đêm nay, Bần đạo ban Phép lành cho toàn cả con cái của Ngài, nam nữ. Cả thảy cầu nguyện Ðức Chí Tôn chan rưới hồng ân thiêng liêng, hồng ân của Ngài rải khắp cho con cái nam nữ." (Xem: Bài thuyết đạo của Ðức Phạm Hộ Pháp nơi chữ: Phép lành, vần P)

TNHT: Thầy ban ơn trọn cả các con, dầu không có mặt tại đây cũng vậy. Thầy giở cơ lên, các con đều chun ngang qua cho Thầy ban Phép lành.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Ban sắc

頒敕

A: To grant a royal decree.

P: Accorder un décret royal.

Ban: Cấp cho, tặng cho. Sắc: Tờ giấy viết lịnh của vua.

Ban sắc là Ðức Chí Tôn ban lịnh truyền xuống thi hành.

TNHT: Thầy đã ban sắc cho Thần Hoàng Long Thành thăng lên chức Văn Xương vào trấn nhậm làng Hiệp Ninh.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Ban sơ

A: In the beginning.

P: Au commencement.

Ban: Ðương lúc, đang buổi. Sơ: Lúc đầu, lúc mới bắt đầu.

Ban sơ là đang buổi khởi đầu.

TNHT: Ba con lãnh mạng lịnh lớn lao, vẹt đường tăm tối trong buổi ban sơ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Ban Thế Ðạo

  1. Giải thích về Ban Thế Ðạo
  2. BẢN QUY ÐIỀU của Ban Thế Ðạo
  3. NỘI LUẬT của Ban Thế Ðạo
  4. Lời giáng dạy của Ðức Hộ Pháp về Ban Thế Ðạo
  5. Văn thư của Ngài Bảo Thế giải thích phù hiệu Hiền Tài
  6. Thông Tri của Hội Thánh CTÐ về Tang lễ của Hiền Tài qui vị

1. Giải thích về Ban Thế Ðạo

班世道

A: Committee of the lay dignitaries.

P: Comité des dignitaires laïques.

Ban: Một tổ chức gồm nhiều người có phận sự đặc biệt. Thế: Ðời. Ðạo: Tôn giáo.

Ban Thế Ðạo là cơ quan đặc biệt do Ðạo Cao Ðài lập ra để tạo điều kiện cho những người tài giỏi đang phục vụ trong các cơ quan của quyền đời để họ lập công quả nơi cửa Ðạo.

Ý nghĩa của việc thiết lập Ban Thế Ðạo: "Có nhiều bậc ưu thời mẫn thế, sẵn có đạo tâm, giàu lòng nhân ái, muốn phụng sự Ðại Ðạo, nhưng còn ràng buộc trách nhiệm đối với quốc gia xã hội, chưa phế đời hành Ðạo được. Ban Thế Ðạo là nơi dụng hiền, tạo cơ hội cho những bậc có đạo tâm thực hành thiện nguyện ấy."

Ban Thế Ðạo được thành lập theo Thánh giáo của Ðức Lý Thái Bạch, Giáo Tông ÐÐTKPÐ, giáng cơ tại Giáo Tông Ðường đêm 3-12-Quý Tỵ (dl 7-1-1954), Phò loan: Phạm Hộ Pháp và Cao Tiếp Ðạo. Xin trích ra sau đây:

"Khi hôm qua có luận về Thế Ðạo, nên căn dặn phò loan đặng Lão giải nghĩa điều ấy.

Hộ Pháp đã hiểu tổ chức của Hội Thánh Thiên Chúa Giáo, có Chức sắc Thế Ðạo, pháp văn gọi rằng Dignitaires laïques.

Hiền hữu đã có phong phẩm HIỀN TÀI, sao không thêm 3 phẩm trên nữa cho đủ 4 như của họ.

Hộ Pháp bạch: - Xin Ngài chỉ rõ.

- Thêm vào 3 phẩm Thế Ðạo nầy: Quốc Sĩ, Ðại Phu, Phu Tử."

Như vậy, Ban Thế Ðạo có 4 phẩm Chức sắc:

·         Phẩm Hiền Tài, do Ðức Phạm Hộ Pháp lập ra.

·         Ba phẩm: Quốc Sĩ, Ðại Phu, Phu Tử, do Ðức Lý Giáo Tông lập ra.

Tuy Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp đã định ra như vậy từ ngày 7-1-1954, nhưng mãi đến 11 năm sau, Hội Thánh HTÐ mới lập Quy Ðiều cho Ban Thế Ðạo, được Ðức Cao Thượng Sanh ban hành ngày 28-2-Ất Tỵ (dl 30-3-1965), và sau đó lập Nội Luật Ban Thế Ðạo, được Ðức Cao Thượng Sanh ban hành ngày 27-11-Mậu Thân (dl 15-1-1969).

2. BẢN QUY ÐIỀU của Ban Thế Ðạo

·         Chương I: NHIỆM VỤ và PHẨM TRẬT

·         Chương II: HỆ THỐNG

·         Chương III: LỄ PHỤC

·         Chương IV: CẦU PHONG VÀO HÀNG THÁNH

BẢN QUY ÐIỀU của Ban Thế Ðạo do Hội Thánh HTÐ lập ra, được Ðức Phạm Hộ Pháp chấp thuận theo Thánh giáo ngày 9-2-Ất Tỵ (dl 11-3-1965) và được Ðức Cao Thượng Sanh ban hành ngày 28-2-Ất Tỵ (dl 30-3-1965).

Sau đây, xin chép lại Bản Quy Ðiều nầy.

QUY ÐIỀU

Thể theo tinh thần Thánh giáo của Ðức Lý Giáo Tông đêm mùng 3 tháng 12 năm Quý Tỵ (dl 7-1-1954) và theo tôn chỉ của ÐÐTKPÐ, Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh thành lập Ban Thế Ðạo, cốt yếu mở rộng trường công quả, tiếp đón những bực nhơn tài văn võ có khả năng phụng sự cho Ðạo mà không phế đời hành đạo.

Ban Thế Ðạo tức là cơ quan thuộc về phần Ðời, bắt nguồn từ cửa Ðạo, phát xuất làm dây nối liền cho Ðạo Ðời tương đắc tương liên, ngỏ hầu tạo lập một đời sống thanh bình cho nhơn loại trong thời chuyển thế.

Chương I: NHIỆM VỤ và PHẨM TRẬT

Chức sắc trong Ban Thế Ðạo có nhiệm vụ độ đời nâng đạo, hành sự trực tiếp với CTÐ về mặt chuyên môn trong xã hội, trực thuộc HTÐ chi Thế về mặt chơn truyền và luật pháp.

Ban Thế Ðạo gồm bốn phẩm: Hiền Tài, Quốc Sĩ, Ðại Phu, Phu Tử.

Những vị nào muốn được tuyển trạch vào Ban Thế Ðạo, phải có hai vị Chức sắc trong Ðạo tiến cử và phải nhập môn cầu đạo, khi được Hội Thánh chấp nhận vào hàng phẩm kể trên tùy địa vị ngoài đời của đương sự:

1. HIỀN TÀI: là bậc trí thức chọn trong hàng Ðạo hữu có văn bằng Trung Học Ðệ Nhứt Cấp hoặc văn bằng Sơ Học (Certificat d'Études Primaires) hồi xưa, hoặc trong hàng công tư chức bậc trung cấp nam nữ đương quyền từ 40 tuổi sắp lên, hay đã hồi hưu, hay trong hàng sĩ phu có Tú Tài Toàn phần từ 21 tuổi sắp lên và hàng sĩ quan từ Ðại úy sắp lên.

Ngoài ra, những vị có học lực khá, và có khả năng mở mang kinh tế, làm nên sự nghiệp như: Nghiệp chủ, Ðiền chủ, nhà Thầu khoán, đã có giúp ích cho Ðạo, có đủ bằng chứng, cũng được xin vào phẩm Hiền Tài.

Những vị 40 tuổi sắp lên được chọn vào phẩm Hiền Tài phải có thành tích lập công với Ðạo và đầy đủ hạnh đức.

Con nhà Ðạo dòng, khi xin gia nhập Ban Thế Ðạo, được miễn xuất trình Sớ Cầu Ðạo (con những vị Chức sắc tiền bối có công khai Ðạo lúc ban sơ).

Hai vị Chức sắc tiến cử phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với Hội Thánh về phương diện hạnh đức của người mình tiến cử vào Ban Thế Ðạo.

2. QUỐC SĨ: Những danh nhân được trạch cử vào hàng Quốc Sĩ phải có điều kiện sau đây:

1.    Bậc Hiền Tài đầy đủ hạnh đức, đã dày công giúp Ðạo trợ Ðời, được công chúng hoan nghinh có văn bằng minh chứng.

2.    Bậc nhân sĩ có công nghiệp vĩ đại đối với quốc gia dân tộc, có bằng chứng cụ thể đắc nhơn tâm.

3.    Các Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, Sứ Thần, Tướng Lãnh, và các vị Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, có thiện tâm giúp Ðạo, kỳ công trợ đời.

3. ÐẠI PHU: Những danh nhơn được sắp vào hạng Ðại Phu là:

1.    Bậc Quốc Sĩ đầy đủ hạnh đức, dày công giúp Ðạo về việc phổ thông giáo lý và giúp đời về mặt thâu phục nhơn tâm.

2.    Những bậc có địa vị cao trọng trong nước như: Quốc Trưởng, Tổng Thống hay Thủ Tướng và các ân nhân của nhơn loại có thiện tâm giúp Ðạo và kỳ công trợ đời.

4. PHU TỬ: Những danh nhơn được sắp vào hàng Phu Tử là:

1.    Bậc Ðại Phu đầy đủ hạnh đức, lại có công tế thế an bang.

2.    Bậc vĩ nhân khổ hạnh phổ truyền Chơn giáo dìu độ toàn dân một nước hay nhiều nước.

PHƯƠNG THỨC CHỌN LỌC VÀ PHONG VỊ:

a)    Hàng phẩm Hiền Tài do Hội Thánh HTÐ chọn lựa và tấn phong.

b)    Các hàng phẩm Quốc Sĩ, Ðại Phu, Phu Tử do Hội Thánh HTÐ tuyển chọn và dâng lên quyền thiêng liêng phán định.

Chương II: HỆ THỐNG

Ban Thế Ðạo đặt Văn phòng Trung Ương tại Tòa Thánh Tây Ninh, và những Văn phòng địa phương tại các Châu và Tộc Ðạo.

Tại Trung Ương thì hành sự trực thuộc dưới quyền Hội Thánh HTÐ chi Thế.

Tại địa phương, Ban Quản Nhiệm địa phương hoặc Ðại diện Ban Quản Nhiệm địa phương hành sự trực tiếp với Ban Quản Nhiệm Trung Ương và tiếp xúc với Chức sắc CTÐ tại địa phương ấy về mặt Ðạo.

Chương III: LỄ PHỤC

- Lễ phục Hiền Tài: Áo tràng trắng, đầu bịt khăn đóng đen, mang dấu hiệu Cổ pháp Giáo Tông nơi ngực, thêm hai chữ HIỀN TÀI bằng quốc ngữ, trong giờ chầu lễ giữ địa vị trên phẩm Lễ Sanh dưới Giáo Hữu.

- Lễ phục Quốc Sĩ: Y như của Hiền Tài, Cổ pháp thêm hai chữ QUỐC SĨ, khi chầu lễ giữ địa vị trên phẩm Giáo Hữu dưới Giáo Sư.

- Lễ phục Ðại Phu: Y như của Quốc Sĩ, nhưng đầu bịt khăn đóng đen 9 lớp chữ Nhứt, Cổ pháp có thêm hai chữ ÐẠI PHU, khi chầu lễ giữ địa vị trên Giáo Sư, dưới Phối Sư.

- Lễ phục Phu Tử: Y như Ðại Phu, Cổ pháp thêm hai chữ PHU TỬ , khi chầu lễ giữ địa vị trên phẩm Phối Sư dưới Ðầu Sư.

Lễ phục của nữ phái y như nam phái, nhưng để đầu trần.

Về thế phục thì tùy ý, nhưng được mang phù hiệu theo đẳng cấp, nơi ngực bên trái.

Chức sắc Ban Thế Ðạo khi lãnh nhiệm vụ đặc biệt của Hội Thánh HTÐ và với sự chấp thuận của Hội Thánh HTÐ, được mang trường y sáu nút như Tiểu phục Chức sắc HTÐ, trong thời gian thi hành nhiệm vụ được giao phó.

Chương IV: CẦU PHONG VÀO HÀNG THÁNH

Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn cầu phong vào hàng Chức sắc HTÐ hay CTÐ, phải nộp hồ sơ gồm có:

1.    Chứng chỉ cấp bậc hiện tại do chi Thế cấp phát.

2.    Tờ hiến thân trọn đời cho Ðạo.

3.    Tờ khai lý lịch.

4.    Tờ ước nguyện gìn giữ trai giới theo Luật pháp Ðại Ðạo.

Quyền phong vị vào hàng Chức sắc Thánh thể Ðức Chí Tôn tại thế do Hội Thánh HTÐ đề cử và dâng lên quyền thiêng liêng định đoạt.

Thể theo tinh thần Thánh lịnh của Ðức Hộ Pháp số 49 ngày mùng 1 tháng 6 năm Tân Mão (dl 4-7-1951) thành lập ngôi vị Hiền Tài trong cửa Ðạo, sau 5 năm công nghiệp có Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ, bậc Hiền Tài sẽ cầu phong vào hàng Chức sắc HTÐ hay CTÐ do thiêng liêng chỉ định.

Cũng như trên, bậc Quốc Sĩ, Ðại Phu và Phu Tử sẽ được cầu phong do quyền thiêng liêng định đoạt.

Khi đắc phong vào hàng Thánh rồi thì không còn phận sự trong Ban Thế Ðạo nữa và phải tuân y trọn vẹn TL và PCT.

Ngày sau, bổn Quy Ðiều nầy có thể bổ sung hay điều chỉnh tùy nhu cầu tiến hóa của nhơn sanh.

Quy Ðiều nầy đã được tu chỉnh do Hội Thánh HTÐ theo Vi Bằng số 10/VB ngày mùng 6 tháng 6 năm Kỷ Dậu (dl 19-7-1969) và được Ðức Hộ Pháp phê chuẩn do Thánh giáo đêm mùng 4 tháng 7 năm Kỷ Dậu (dl 16-8-1969).

_________________

3. NỘI LUẬT của Ban Thế Ðạo

  • Chương mở đầu
  • Chương I: TỔ CHỨC
  • Chương II: GIA NHẬP, NHIỆM VỤ, HOẠT ÐỘNG 
  • Chương III: THĂNG THƯỞNG, KỶ LUẬT
  • Chương IV: TÀI CHÁNH
  • Chương V: SỬA ÐỔI NỘI LUẬT

Cách Tổ chức và Ðiều hành các hoạt động của Ban Thế Ðạo từ Trung ương đến Ðịa phương được qui định trong NỘI LUẬT của Ban Thế Ðạo, được Hội Thánh HTÐ duyệt phê.

Chiếu Vi Bằng của Hội Thánh HTÐ số 02/VB ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thân (dl 15-1-1969), dưới quyền chủ tọa của Ðức Thượng Sanh. Nội Luật được tu chỉnh lần thứ nhì và ban hành cho toàn Ban Thế Ðạo tuân hành.

NỘI LUẬT

Chương mở đầu

"Ðạo không đời không sức, Ðời không Ðạo không quyền." Ban Thế Ðạo đặt căn bản và định phương hoạt động trên tư tưởng ấy. Ðạo lo cho phần hồn của chúng sanh, phổ độ nhơn sanh để sau khi trả xong nợ thế, trở về cõi TLHS, đồng thời Ðạo cũng chú trọng đến phần xác của con người, cải thiện xã hội nhơn quần ngay tại thế nầy.

Có nhiều bậc ưu thời mẫn thế, sẵn có đạo tâm, giàu lòng nhân ái, muốn phụng sự Ðại Ðạo nhưng còn ràng buộc trách nhiệm đối với quốc gia xã hội, chưa phế đời hành đạo được. Ban Thế Ðạo là nơi dụng hiền, tạo cơ hội cho những bậc có đạo tâm thực hành thiện nguyện ấy.

Ðó là ý nghĩa của sự thiết lập Ban Thế Ðạo. Ý nghĩa nầy được minh định trong bản QUY ÐIỀU.

Ban Thế Ðạo là cơ quan thuộc về phần đời, bắt nguồn và phát xuất từ cửa Ðạo, làm dây nối liền cho Ðạo Ðời tương liên tương đắc, ngỏ hầu tạo lập đời sống thanh bình cho nhơn loại trong thời Chuyển thế.

Như vậy, nhiệm vụ của Ban Thế Ðạo là tuân Thế Luật của Ðạo, đem công đức và giáo lý đạo hướng dẫn nhơn sanh trở về nguồn cội Ðạo, tô điểm cho nền Ðại Ðạo mỗi ngày một thêm huy hoàng.

Ðể đạt mục đích ấy, Hội Thánh mở rộng cửa Ban Thế Ðạo, đón nhận nhơn tài, chí sĩ đã có thành tích, lập công với Ðạo và giúp ích xã hội.

Nội Luật nầy được soạn thảo để qui định Tổ chức, Nhiệm vụ và Ðiều hành Ban Thế Ðạo theo những chương điều sau đây:

Chương I: TỔ CHỨC

Ðiều thứ nhứt: Ban Thế Ðạo thành lập do Thánh Lịnh số 01/TL ngày 28 tháng 2 năm Ất Tỵ (dl 30-3-1965) của Ðức Thượng Sanh thể theo Thánh giáo của Ðức Lý Ðại Tiên đêm mùng 3 tháng 12 Quý Tỵ (dl 7-1-1954), cơ quan nầy trực thuộc HTÐ, dưới quyền chưởng quản của một vị Thời Quân chi Thế HTÐ do Hội Thánh ủy nhiệm.

Ðiều thứ nhì: Ðể giúp ý kiến về sự điều hành công việc chung của Ban Thế Ðạo, Hội Thánh đề cử một Ban Cố Vấn mà thành phần gồm có: Chức sắc từ Giám Ðạo, Giáo Sư và Chơn Nhơn trở lên.

Ðiều thứ ba: Dưới quyền lãnh đạo của vị Chưởng quản Ban Thế Ðạo, một Ban Quản Nhiệm Trung Ương được thành lập để điều hành công việc của Ban Thế Ðạo, thành phần như sau:

·         1 Tổng Quản Nhiệm

·         1 Ðệ nhứt Phó Tổng Quản Nhiệm

·         1 Ðệ nhị Phó Tổng Quản Nhiệm

·         1 Thủ bổn

·         1 Trưởng Nhiệm Giáo lý

·         1 Trưởng Nhiệm Văn hóa

·         1 Trưởng Nhiệm Xã hội

·         1 Trưởng Nhiệm Quốc chính

·         1 Trưởng Nhiệm Kế hoạch và Tổ chức

·         1 Trưởng Nhiệm Kinh tài

·         1 Trưởng Nhiệm Ngoại vụ

·         1 Trưởng Nhiệm Thanh sát.

Ban Quản Nhiệm Trung Ương Ban Thế Ðạo do Ðại hội toàn thể Chức sắc Ban Thế Ðạo bầu lên theo thể thức đơn danh, kín, đa số tương đối. Cuộc bầu cử đặt dưới quyền chủ tọa của vị Chưởng quản Ban Thế Ðạo, hoặc vị Chức sắc HTÐ đặc trách Ban Thế Ðạo nếu vị Chưởng quản bận việc, và một Ban Phụ tá do Ðại hội bầu cử gồm có:

·         1 Phụ tá Chủ tọa

·         2 Thơ ký

·         2 Kiểm soát viên.

Thành phần Ban Quản Nhiệm được bầu cử gồm: 1 Tổng Quản Nhiệm và 2 Phó Tổng Quản Nhiệm.

Sau khi đắc cử, 3 vị nầy trọn quyền tuyển chọn các vị Trưởng Nhiệm trong Ban Quản Nhiệm Trung Ương, trình danh sách lên vị Chưởng quản chấp thuận và Hội Thánh HTÐ chuẩn phê.

Nếu Ðại hội lần thứ nhứt không đủ 2/3 tổng số Chức sắc Ban ThếÐạo thì phải triệu tập lần thứ hai trong vòng một tháng và lần nầy Ðại hội đương nhiên hợp lệ bất cứ với tỷ số nào.

Về việc tính túc số Ðại hội, một hội viên hiện diện chỉ có quyền nhận một Ủy nhiệm thư của một Chức sắc Ban Thế Ðạo vắng mặt, nhưng khi biểu quyết và bỏ phiếu, vị hội viên hiện diện chỉ bỏ một phiếu cho phần mình.

Mỗi Chức sắc Ban Thế Ðạo có quyền ra ứng cử các chức vụ Tổng Quản Nhiệm, Ðệ I hoặc Ðệ II Phó Tổng Quản Nhiệm.

Các vị Chức sắc Ban Thế Ðạo có phẩm trật cao hơn vị Tổng Quản Nhiệm đắc cử, đương nhiên là cố vấn Ban Quản Nhiệm.

Nếu không có ứng cử viên, Ðại hội có quyền đề cử ứng cử viên. Tuy nhiên chức vụ Tổng Quản Nhiệm, Ðệ I hoặc Ðệ II Phó Tổng Quản Nhiệm là chức vụ rất quan trọng, hành động và tư cách của những vị đắc cử có liên quan đến uy tín và danh dự của Ban Thế Ðạo, nên khi đề cử ứng cử viên và biểu quyết, Ðại hội dựa vào 3 điều kiện:

1.    Không can án Ðạo và Ðời.

2.    Không bị ràng buộc vì chức vụ Ðời như công chức, quân nhân tại ngũ hay chức vụ chính trị khác.

3.    Phải liên tục điều hành Ban Quản Nhiệm.

Trong trường hợp 2 ứng cử viên có số thăm đồng nhau thì vị nào cao niên hơn được đắc cử, trừ phi vị cao niên bằng lòng nhường lại cho vị nhỏ tuổi hơn,vị sau nầy mới được đắc cử.

Ðiều khoản dự liệu:

Trong trường hợp vì lý do gì không bầu được vị Tổng Quản Nhiệm, Ðại hội yêu cầu Hội Thánh HTÐ chỉ định một Chức sắc HTÐ kiêm nhiệm chức vụ Tổng Quản Nhiệm trong thời gian một năm. Vị Chức sắc nầy có nhiệm vụ tổ chức cuộc bầu cử lại vị Tổng Quản Nhiệm. Nếu cuộc bầu cử vẫn không kết quả, Ðại hội yêu cầu Hội Thánh HTÐ bổ nhiệm vị Chức sắc khác đảm trách chức vụ Tổng Quản Nhiệm, hoặc chỉ định vị Chức sắc đương kiêm tái nhiệm.

Trong trường hợp vị Tổng Quản Nhiệm vì một lý do nào không thể tiếp tục hành quyền, vị Chưởng quản Ban Thế Ðạo phải triệu tập Ðại hội bầu cử vị Tân Tổng Quản Nhiệm trong vòng 6 tháng để tiếp tục đến mãn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử nầy chỉ được thực hiện khi nhiệm kỳ còn lại tối thiểu 18 tháng. Nếu nhiệm kỳ còn lại dưới 18 tháng, vị Ðệ I Phó Tổng Quản Nhiệm được ủy nhiệm hành quyền Tổng Quản Nhiệm đến mãn nhiệm kỳ.

Ðiều thứ tư: Tổng Quản Nhiệm Ban Quản Nhiệm Trung Ương được quyền đề nghị một số nhân viên văn phòng. Những vị nầy là Chức sắc Ban Thế Ðạo do vị Chưởng quản bổ nhiệm. Ngoài ra mỗi vị Trưởng Nhiệm có quyền đề cử một hay nhiều Phụ tá Trưởng Nhiệm liên hệ. Các vị nầy sẽ được hợp thức hóa bằng một Sắc lịnh do vị Chưởng quản bổ nhiệm.

Ðiều thứ năm: Thành phần Ban Quản Nhiệm Ðịa phương và Hải ngoại cũng tổ chức như Trung Ương, tuy nhiên nhân số có thể giảm bớt tùy theo nhu cầu. Các Ban Quản Nhiệm Ðịa phương và Hải ngoại phải tuân hành chỉ thị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương về mọi phương diện. Các Ban Quản Nhiệm Ðịa phương do một vị Ðệ I Phó Tổng Quản Nhiệm chủ tọa bầu cử. Ðịa phương nào chưa đủ 20 Chức sắc Ban Thế Ðạo thì chỉ có quyền cử một Ðại diện và một Phụ tá Ðại diện để trực tiếp thi hành chỉ thị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương.

Ðiều thứ sáu: Nhiệm kỳ của Ban Quản Nhiệm Trung Ương là ba năm và có thể lưu nhiệm từng một năm do quyết định của vị Chưởng quản, tuy nhiên không được lưu nhiệm quá hai lần.

Do đề nghị của vị Chưởng quản, vì một lý do xác đáng, Hội Thánh HTÐ có thể giải tán toàn thể Ban Quản Nhiệm đương nhiệm. Trong trường hợp nầy, vị Chưởng quản với sự hộ trợ của Ban Cố Vấn sẽ đảm nhiệm điều hành Ban Thế Ðạo. Thời gian tối đa để thành lập Tân Ban Quản Nhiệm là 6 tháng.

Chương II: GIA NHẬP, NHIỆM VỤ, HOẠT ÐỘNG

Ðiều thứ bảy: Khi được tuyển trạch vào Ban Thế Ðạo, tùy theo công đức, tài năng và đạo hạnh, vị Chức sắc Ban Thế Ðạo tân phong được xếp vào một trong bốn phẩm tính từ dưới lên như sau:

·         Hiền Tài

·         Quốc Sĩ

·         Ðại Phu

·         Phu Tử

Ðiều thứ tám: Muốn vào Ban Thế Ðạo, đương sự phải lập hồ sơ cầu phong theo Quy Ðiều ấn định, trình lên vị Chưởng quản, do hai vị Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu đương hành quyền Tòa Thánh Tây Ninh tiến cử. Những vị được tiến cử phải có thành tích lập công với Ðạo và đầy đủ hạnh đức.

Chức sắc Ban Thế Ðạo, sau thời gian một năm thọ phẩm không phạm kỷ luật, được cùng với một Chức sắc Hội Thánh tiến cử nhân tài gia nhập Ban Thế Ðạo.

Ðiều thứ chín: Nhiệm vụ của Chức sắc Ban Thế Ðạo về phương diện Chánh trị đạo.

·         Truyền bá giáo lý của Ðại Ðạo.

·         Bảo vệ và giúp đỡ tín đồ của Ðại Ðạo trong mọi hoàn cảnh.

·         Giúp ý kiến cho Chức sắc Hành Chánh Ðạo địa phương.

·         Ðề nghị với Ban Quản Nhiệm Trung Ương đệ lên vị Chưởng quản xin Hội Thánh điều chỉnh hoặc bổ túc phương châm hành đạo nơi địa phương cho thích hợp và hữu hiệu hơn.

Ðiều thứ mười: Nhiệm vụ của Chức sắc Ban Thế Ðạo về phương diện Chánh trị đời.

1.) Lập trường: Ban Thế Ðạo có nhiệm vụ thực thi Chính trị đời của Ðạo. Do đó, lập trường chính trị của Ban Thế Ðạo phải do Hội Thánh hoạch định, hoặc do Ban Thế Ðạo đề nghị và được Hội Thánh chấp thuận.

Ban Thế Ðạo không phải là một đảng phái chánh trị. Chức sắc Ban Thế Ðạo không có quyền tuyên bố bất cứ một đường lối chính trị nào của Ban Thế Ðạo mà không phù hợp với lập trường chung của Hội Thánh. Vị nào vi phạm điều nầy tức là vi phạm kỷ luật Ban Thế Ðạo sẽ bị xử theo điều 18 của Nội Luật nầy.

2.) Với tư cách một Chức sắc: Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn tham chánh với danh nghĩa Chức sắc phải được sự đề nghị của vị Chưởng quản và sự chấp thuận của Hội Thánh HTÐ.

3.) Với tư cách cá nhân: Chức sắc Ban Thế Ðạo có thể tham gia các sinh hoạt lợi ích cho nhơn sanh trong mọi lãnh vực quốc gia, xã hội, miễn là không tương phản với chủ trương của Hội Thánh, nhưng phải trình báo cho Ban Quản Nhiệm Trung Ương và vị Chưởng quản.

Riêng đối với các chức vụ dân cử khi Ban Thế Ðạo chủ trương đưa người ra ứng cử tại một địa phương nào thì Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn ra ứng cử tại địa phương đó, phải qua cuộc bầu cử nội bộ do Ban Quản Nhiệm Trung Ương tổ chức, có sự chấp thuận của vị Chưởng quản.

Ðiều thứ mười một: Nhiệm vụ của Ban Quản Nhiệm Trung Ương:

·         Thi hành các chỉ thị của vị Chưởng quản và Hội Thánh.

·         Phát triển và điều hành Ban Thế Ðạo.

·         Thực thi các chương trình đã được vị Chưởng quản chấp thuận.

·         Biểu quyết các kế hoạch đề nghị.

Ðiều thứ mười hai: Nhiệm vụ của các chức vụ của Ban Quản Nhiệm Trung Ương được ấn định như sau:

1. Tổng Quản Nhiệm:

·         Ðiều hành Ban Thế Ðạo theo đúng Quy Ðiều và Nội Luật của Ban Thế Ðạo.

·         Chịu hoàn toàn trách nhiệm với vị Chưởng quản.

·         Quản trị Hành chánh, Tài chánh của Ban Thế Ðạo.

·         Kiểm soát các Ban Quản Nhiệm địa phương hoặc Ðại diện Ban Quản Nhiệm T.Ư tại địa phương.

·         Có quyền phê xuất tối đa 20.000$00. Trên số nầy, phải được sự chấp thuận của Ban Quản Nhiệm T.Ư.

·         Thủ bổn trực tiếp dưới quyền Tổng Quản Nhiệm.

2. Ðệ I Phó Tổng Quản Nhiệm:

·         Phụ tá Tổng Quản Nhiệm.

·         Ðiều hành công việc của 4 Trưởng Nhiệm: Kế hoạch và Tổ chức, Quốc chính, Kinh tài, Ngoại vụ.

·         Chủ tọa bầu cử Ban Quản Nhiệm địa phương hay Ðại diện.

·         Thay mặt Tổng Quản Nhiệm điều hành thường vụ khi vị nầy vắng mặt.

3. Ðệ II Phó Tổng Quản Nhiệm:

·         Phụ tá Tổng Quản Nhiệm

·         Ðiều hành công việc của 4 Trưởng Nhiệm: Giáo lý, Văn hóa, Xã hội, và Thanh sát.

·         Thay mặt Tổng Quản Nhiệm điều hành thường vụ khi vị nầy và vị Ðệ I Phó Tổng Quản Nhiệm vắng mặt.

4. Thủ bổn:

·         Lập và giữ số sách chi thu tài chánh của B.Thế Ðạo.

·         Giữ tối đa là 50.000$00, trên số nầy phải gởi vào Hộ Viện hoặc Ty Ngân Khố.

·         Phiếu gởi và phiếu chi thu phải có chữ ký của vị Tổng Quản Nhiệm.

·         Tất cả sổ sách tài chánh phải có chữ ký kiểm soát hằng tháng của vị Trưởng Nhiệm Thanh sát.

·         Chịu trách nhiệm về kế toán và tài chánh của Ban Thế Ðạo và chịu sự kiểm soát của Ban Kiểm Soát Tài chánh của Hội Thánh.

5. Trưởng Nhiệm Giáo lý:

·         Soạn lập chương trình Giáo lý tại các Trung Tiểu học để dâng đề nghị lên Hội Thánh cứu xét.

·         Thành lập Thư viện để tập trung các tài liệu liên quan đến Giáo lý nền Ðại Ðạo.

·         Phát huy và phổ thông triết lý Ðại Ðạo trong nhơn sanh.

·         Nghiên cứu và xuất bản sách về Giáo lý và triết lý Ðại Ðạo.

·         Hằng tháng lập Bản Tin Tức nội bộ để phổ biến cho các Ban Quản Nhiệm và cơ quan Ðạo.

6. Trưởng Nhiệm Văn hóa:

·         Thành lập Viện Khảo Cổ, sáng tác và dịch thuật các sách Ðạo.

·         Tổ chức báo chí: Nhựt báo, Tuần báo, Ðặc san, Nguyệt san.

·         Phát huy và sưu tầm Sử liệu của Ðạo.

·         Nghiên cứu thành lập nhà Nội trú và các trường chuyên nghiệp cho học sinh Ðạo.

·         Lập kế hoạch trợ cấp học bổng cho học sinh nghèo học giỏi.

·         Vận động học bổng cho học sinh Ðạo ưu tú, nghèo, hiến thân đang học tại Ðại Học VN hoặc xuất ngoại.

7. Trưởng Nhiệm Xã hội:

·         Lo về Quan, Hôn, Tang, Tế.

·         Tổ chức cứu trợ.

·         Tổ chức Y Tế.

8. Trưởng Nhiệm Quốc chính:

·         Ðưa ý kiến về ảnh hưởng của tình hình chính trị đối với Ðạo và quốc gia.

·         Nghiên cứu và hội thảo về lập trường chính trị của Ðạo để có thể đệ trình lên Hội Thánh duyệt xét.

9. Trưởng Nhiệm Kế hoạch và Tổ chức:

·         Tổ chức nghi lễ khánh tiết của Ban Thế Ðạo.

·         Soạn thảo kế hoạch chung của Ban Quản Nhiệm.

10. Trưởng Nhiệm Kinh tài:

·         Tổ chức kinh tế cho Ban Thế Ðạo: Nông, Công, Thương và Kỹ nghệ.

·         Hoạt động tài chánh cho Ban Thế Ðạo.

·         Quản trị các bất động sản và động sản của Ban Thế Ðạo.

11. Trưởng Nhiệm Ngoại vụ:

·         Liên lạc với các Ban Quản Nhiệm Ðịa phương và Hải ngoại để tìm hiểu và giúp đỡ.

·         Liên lạc với chính quyền địa phương và trung ương khi có ủy nhiệm của Chưởng quản Ban Thế Ðạo.

·         Liên lạc với các đoàn thể và tôn giáo bạn để gây tình thông cảm.

·         Liên lạc với các cơ quan ngoại giao khi hữu cần và với sự ủy nhiệm của Hội Thánh.

12. Trưởng Nhiệm Thanh sát:

·         Kiểm soát và đôn đốc Chức sắc Ban Thế Ðạo thi hành Nội Luật.

·         Kiểm soát và đôn đốc về hoạt động của các Ban Quản Nhiệm địa phương hay Ðại diện Ban Quản Nhiệm T.Ư. tại địa phương.

·         Kiểm soát và khuyến khích Chức sắc Ban Thế Ðạo giữ gìn Luật Ðạo.

·         Kiểm soát tài chánh và tài sản của Ban Thế Ðạo.

Ðiều thứ mười ba: Văn phòng Ban Quản Nhiệm T.Ư đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh và làm việc theo ngày giờ của Hội Thánh. Văn phòng các Ban Quản Nhiệm khác nên đặt trụ sở tại các cơ quan Hành Chánh Ðạo địa phương do sự đồng ý của Khâm Châu Ðạo, tuy nhiên địa điểm có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh.

Ðiều thứ mười bốn: Ðại hội Chức sắc Ban Thế Ðạo mỗi năm họp một lần do vị Chưởng quản triệu tập vào thượng tuần tháng chạp âm lịch. Ban Quản Nhiệm họp mỗi tháng một lần do Tổng Quản Nhiệm triệu tập vào ngày Chúa nhựt cuối tháng âm lịch. Trong trường hợp đặc biệt, vị Chưởng quản có thể triệu tập Ðại hội bất thường.

Chương III: THĂNG THƯỞNG, KỶ LUẬT

Ðiều thứ mười lăm: Khi có công trạng đặc biệt, Chức sắc Ban Thế Ðạo sẽ được khen thưởng, thể theo đề nghị của Ban Quản Nhiệm T.Ư. và Chưởng quản.

Ðiều thứ mười sáu: Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn cầu phong vào hàng phẩm Thánh thể Ðức Chí Tôn phải có 5 năm công nghiệp hành đạo không gián đoạn, được Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ theo điều kiện pháp định. Hồ sơ gồm có:

1.    Ðơn xin cầu phong.

2.    Chứng chỉ cấp bực hiện tại do chi Thế cấp phát.

3.    Tờ hiến thân trọn đời cho Ðạo.

4.    Tờ khai lý lịch, công nghiệp và tờ tánh hạnh có sự xác nhận của Tổng Quản Nhiệm và sự phê kiến của vị Chưởng quản.

5.    Tờ ước nguyện giữ gìn trai giới theo Luật Ðạo.

Quyền phong vị vào hàng Chức sắc Thánh thể Ðức Chí Tôn do Hội Thánh HTÐ đề cử và dâng lên quyền thiêng liêng định đoạt.

Nếu cầu phong vào hàng Thánh thể, nguyên tắc đối phẩm sau đây sẽ được áp dụng:

·         Hiền Tài cầu phong Giáo Hữu.

·         Quốc Sĩ cầu phong Giáo Sư.

·         Ðại Phu cầu phong Phối Sư.

·         Phu Tử cầu phong Ðầu Sư.

Ðiều thứ mười bảy: Chức sắc Ban Thế Ðạo muốn cầu thăng theo phẩm vị của Ban Thế Ðạo từ dưới lên trên cũng phải đầy đủ điều kiện ghi ở điều 16, ngoại trừ việc lập tờ hiến thân phế đời hành đạo.

Sự cầu thăng hay tuyển trạch vào hàng Quốc Sĩ trở lên phải do quyền thiêng liêng định đoạt.

Ðiều thứ mười tám: Hội Ðồng Kỷ Luật.

Ban Thế Ðạo có một Hội Ðồng Kỷ Luật để phán quyết hình phạt đối với Chức sắc Ban Thế Ðạo vi phạm Luật Ðạo như: Tân Luật, Quy Ðiều, và Nội Luật Ban Thế Ðạo.

Thành phần Hội Ðồng Kỷ Luật gồm có:

·         1 vị Chủ Tọa: Lựa trong hàng Chức sắc Ban Thế Ðạo cao phẩm hơn can nhân, trường hợp chưa có Chức sắc cao phẩm hơn thì Chủ Tọa là một Chức sắc HTÐ cao phẩm hơn do vị Chưởng quản chỉ định.

·         2 vị Nghị Án: Chức sắc nầy đồng phẩm với can nhân.

·         1 vị Thư Ký chép án: Vị nầy có thể là một Chức sắc Ban Thế Ðạo hoặc vị Thư Ký Văn phòng Tổng Quản Nhiệm.

2 vị Nghị Án và Thư Ký cũng do Chưởng quản chỉ định.

Án lịnh của Hội Ðồng Kỷ Luật là chung thẩm nhưng phải có sự duyệt y của vị Chưởng quản mới được ban hành.

Hội Ðồng Kỷ Luật chỉ xét xử Chức sắc Ban Thế Ðạo khi phạm lỗi nhẹ như:

·         Tuyên bố về chánh trị sai với lập trường của Hội Thánh.

·         Lấy tư cách Chức sắc Ban Thế Ðạo đi dự hội với các đoàn thể, tôn giáo, hay các nhóm chính trị mà không có phép của Chưởng quản Ban Thế Ðạo.

·         Thất lễ với người trưởng thượng.

·         Bỏ bê phận sự hoặc bất tuân lịnh của Ban Quản Nhiệm Trung Ương.

Trong những trường hợp kể trên, vị Tổng Quản Nhiệm lãnh phần minh tra, đệ hồ sơ lên vị Chưởng quản để đưa nội vụ ra Hội Ðồng Kỷ Luật. Tùy theo trường hợp, can nhân có thể bị ngưng chức từ 1 tới 2 năm.

Hội Ðồng Kỷ Luật được triệu tập do quyết định của Chưởng quản Ban Thế Ðạo.

Ðiều thứ mười chín: Khi Chức sắc Ban Thế Ðạo phạm tội nặng hay tái phạm, vị Chưởng quản đệ trình lên Hội Thánh HTÐ để đưa ra Tòa HTÐ, chiếu theo Thập Hình của Ðức Lý Giáo Tông mà xét xử do sự minh tra và đề nghị của Bộ Pháp Chánh.

Chương IV: TÀI CHÁNH

Ðiều thứ hai mươi: Mỗi tháng, Chức sắc Ban Thế Ðạo chung đậu một số tiền nhiều ít do Ban Quản Nhiệm Trung Ương quyết định để giúp quỹ điều hành Ban Thế Ðạo.

Riêng ở địa phương, Ban Q.Nhiệm được quyền sử dụng 60% để điều hành, còn 40% để giúp Ban Quản Nhiệm T.Ư.

Ðiều thứ hai mươi mốt: Ngân quỹ của Ban Thế Ðạo sẽ được dùng vào việc tương trợ tang tế, tiếp tân, điều hành và phát triển các cơ sở của Ban Thế Ðạo.

Ðiều thứ hai mươi hai: Ban Thế Ðạo cũng có thể nhận sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, không phân biệt Ðạo hay Ðời, gồm hiện kim, hiện vật, động sản và bất động sản.

Ðiều thứ hai mươi ba: Tài sản của Ban Thế Ðạo đương nhiên là tài sản của Hội Thánh ÐÐTKPÐ TTTN.

Chương V: SỬA ÐỔI NỘI LUẬT

Ðiều thứ hai mươi bốn: Ðể thích ứng với những tiến triển của tình thế nếu cần, Hội Thánh có thể sửa đổi một phần hay toàn phần Bản Nội Luật nầy.

Ngoài ra, 2/3 Chức sắc Ban Thế Ðạo trong Ðại hội thường niên hoặc bất thường cũng có thể đệ đạt ý kiến lên Hội Thánh để xin tu chỉnh Nội Luật.

Ngoài ra, các điều khoản khác không thay đổi.

 

Nội Luật Ban Thế Ðạo được Hội Thánh HTÐ duyệt y do phiên họp ngày 22 tháng 11 năm Ðinh Mùi (dl 23-12-1967) Vi bằng số 03/VB.

Nội Luật đã sửa đổi chiếu theo Vi bằng số 07/VB do phiên nhóm Hội Thánh HTÐ tại Giáo Tông Ðường ngày 30 tháng 2 năm Mậu Thân (dl 28-3-1968) dưới quyền chủ tọa của Ðức Thượng Sanh.

Nay chiếu Vi bằng Hội Thánh HTÐ số 02/VB ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thân (dl 15-1-1969) dưới quyền chủ tọa của Ðức Thượng Sanh, Nội Luật được tu chỉnh lần thứ nhì và ban hành cho toàn Ban Thế Ðạo tuân hành.

Chủ Tọa: THƯỢNG SANH

4. Lời giáng dạy của Ðức Hộ Pháp về Ban Thế Ðạo

Sau đây xin trích lời giáng dạy của Ðức Hộ Pháp về Ban Thế Ðạo trong đàn cơ tại Giáo Tông Ðường đêm mùng 4-7-Kỷ Dậu ( dl 16-8-1969) hồi 20 giờ 45 phút, Phò loan: Hiếp Pháp - Khai Ðạo. Hầu đàn gồm: Ðức Thượng Sanh, Ngài Hiến Ðạo, Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu, cùng nhiều Chức sắc HTÐ và CTÐ.

HỘ PHÁP

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

III. Ðức Thượng Sanh bạch:

- Bản Nội Qui Ban Thế Ðạo đã được Hội Thánh HTÐ tu chỉnh vài điều khoản để cho sự tuyển chọn Chức sắc Ban Thế Ðạo được thực hành kỹ lưỡng hơn, hầu gìn giữ chơn giá trị của Ban Thế Ðạo, xin dâng lên Ðức Ngài phê chuẩn.

- Cười . . . Cũng là việc hữu hình nữa, nếu các bạn để trọn tâm trí về việc ấy mà tu chỉnh thì phải hay thêm chớ sao. Vậy Bần đạo chấp thuận.

IV. Ðức Thượng Sanh bạch:

- Hội Thánh CTÐ còn thiếu Chức sắc cao cấp đầy đủ khả năng điều khiển, nên guồng máy Hành Chánh Ðạo không tiến triển khả quan.

- Cứ để vậy còn hơn là đem những phần tử đã kể là bất lực thì càng rối thêm.

Ðức Lý Ðại Tiên có thảo luận với Bần đạo về việc tuyển chọn Chức sắc cao cấp CTÐ thì nên tìm kiếm nhân tài trong hoặc ngoài Ban Thế Ðạo, sẵn lòng tình nguyện hiến thân phục vụ cho Ðạo, thì các bạn nên mời về tham khảo ý kiến, nếu được thì Ðức Lý Ðại Tiên đặc cách ân phong quyền tước để phụng sự có hiệu lực hơn. Các bạn đồng ý chăng?

Ðức Thượng Sanh bạch:

- Nếu áp dụng thể thức đó thì phải đợi thời gian mới tuyển chọn được nhơn tài sẵn lòng phục vụ. Tiểu đệ và các bạn HTÐ sẽ cố gắng thực hành lời chỉ giáo của Ðức Ngài.

- Chừng đó Bần đạo sẽ giúp đỡ các bạn thành lập đàn cơ nơi Cung Ðạo.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chào các bạn. THĂNG.

 

Kể từ ngày Ðức Thượng Sanh ban hành Quy Ðiều Ban Thế Ðạo (Ngày 28-2-Ất Tỵ, dl 30-3-1965), Hội Thánh HTÐ đã tấn phong 5 đợt Hiền Tài, kể ra như sau:

* Khóa I:

57 vị,

tấn phong ngày 21-09-1966.

* Khóa II:

123 vị,

tấn phong ngày 30-12-1967

* Khóa III:

78 vị,

tấn phong ngày 15-02-1970.

* Khóa IV:

162 vị,

tấn phong ngày 19-04-1972.

* Khóa V:

286 vị,

tấn phong ngày 15-08-1973.

Tổng cộng:

706 vị

Hiền Tài đã được tấn phong.

Số người đã nạp hồ sơ cầu phong Hiền Tài nhưng chưa được tấn phong là: 424 vị.

5. Văn thư của Ngài Bảo Thế giải thích phù hiệu Hiền Tài

HIỆP THIÊN ÐÀI

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

Văn Phòng

(Tứ thập niên)

Thượng Sanh

TÒA THÁNH TÂY NINH

-----
Số: 01/TL


BẢO THẾ
Thừa quyền Thượng Sanh

Kính gởi: Quí vị Hiền Tài Ban Thế Ðạo.

Kính quí vị Hiền Tài,

Nhập vào Ban Thế Ðạo với phẩm Hiền Tài, quí vị đã lãnh phù hiệu để mang khi chầu lễ Ðức Chí Tôn và khi đi đường.

Tôi xin giải thích ý nghĩa của phù hiệu về sở dụng thiêng liêng và sở dụng phàm trần của nó cho quí vị tường lãm.

Số là Chức sắc Thiên phong CTÐ có nhiệm vụ trực tiếp với đời để độ đời vào cửa Ðạo nên cần thiết nhờ ba cổ pháp của Giáo Tông ủng hộ trong mọi hành tàng của mình.

Quí vị Hiền Tài còn một phần ở thế, nên phải tùng Chi Thế HTÐ, lại thêm có một phần tùng Ðạo nên vẫn gần Hội Thánh CTÐ, tức phải mang cổ pháp của Giáo Tông.

Một ngày kia, quí vị nào có đủ điều kiện muốn hiến thân trọn vẹn cho Ðạo thì được xin vào hàng Thánh CTÐ, cũng giữ luôn phù hiệu hiện hữu để bảo vệ mình về cả hai phần hữu hình và vô vi.

Ba cổ pháp của Giáo Tông là: Phất trần, Thư Hùng kiếm và Long Tu phiến.

Phất trần biểu hiệu sự quét sạch trược chất vấn vương lòng phàm. Thư Hùng kiếm là gươm thần huệ nghiêm trị xảo trá, khử trừ tà mị. Long Tu phiến xướng xuất khả năng mở vòng oan trái, đưa chơn linh tái nhập trường thi Tiên Phật.

Về sở dụng thiêng liêng, cả ba cổ pháp hiệp lại làm phép phò trì Thiên mạng và vì phép nầy sắc bén cả hai bề sống và lưỡi thì chẳng phải mang nó để làm đồ trang sức mà để làm khuôn luật khử ám hồi minh, nắm bổn chơn pháp.

Còn sở dụng phàm trần là phù hiệu có cái vi diệu đưa đời dành cho Ðạo một ý niệm sùng đạo và thân dân, và cũng đưa Ðạo dành cho đời tất cả tinh thần phục vụ.

Hiểu ý nghĩa siêu nhiên mầu nhiệm của phù hiệu, quí vị không còn thắc mắc khi mang nó vào thân và sẽ gặp nhiều may duyên trong nghiệp tương lai của quí vị về mặt đời lẫn mặt Ðạo.

Nay kính.

Tòa Thánh, ngày 2-9-Bính Ngọ (dl 15-10-1966).

BẢO THẾ, Thừa quyền Thượng Sanh.

LÊ THIỆN PHƯỚC (ấn ký)

_____________________

 

6. Thông Tri của Hội Thánh CTÐ về Tang lễ của Hiền Tài qui vị

CỬU TRÙNG ÐÀI

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

Văn Phòng

(Tứ thập lục niên)

Ngọc Ch.Phối Sư

TÒA THÁNH TÂY NINH

-----

Số 14-NCPS/TT


THÔNG TRI
Hội Thánh Cửu Trùng Ðài

Kính gởi:

Khâm Trấn, Khâm Thành, Khâm Châu,

Ðầu Phận, Ðầu Tộc Ðạo và Chức việc

Bàn Trị Sự NAM và TRUNG TÔNG ÐẠO.

Kính chư Hiền hữu,

Chiếu Vi Bằng số 6/VB phiên nhóm thu hẹp Hội Thánh Lưỡng Ðài Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện nam nữ tại Giáo Tông Ðường ngày 7-3-Tân Hợi (dl 2-4-1971) dưới quyền chủ tọa của Ðức Thượng Sanh, chưởng quản HTÐ, nơi khoản 3 quyết nghị 2 điều về việc đài thọ cấp táng phẩm Hiền Tài Ban Thế Ðạo khi qui vị như sau:

A. Chư vị Hiền Tài đã thật sự hiến thân phế đời hành đạo, có lãnh phận sự do Hội Thánh bổ dụng, khi qui vị, Hội Thánh mới đài thọ về phần cấp táng, còn vị nào mãi lo việc đời, không hiến thân hành đạo thì phần tổn phí về cuộc tống táng do gia đình người qui vị đài thọ.

B. Ngoài ra, vị Hiền Tài nào có ăn chay 10 ngày một tháng, do tờ chứng nhận của Bàn Trị Sự nơi đương sự cư ngụ, thì khi qui vị mới được Hội Thánh cho làm lễ theo phẩm Lễ Sanh (cúng tế, cầu siêu, chèo hầu tại Khách đình, an táng có bàn đưa 1 lọng và 2 lễ sĩ hầu tới huyệt). Còn vị nào không có ăn chay thì khi qui vị chỉ hành lễ Bạt tiến mà thôi (không có chèo hầu, không có bàn đưa 1 lọng và không có lễ sĩ hầu).

Ðể thi hành theo Vi Bằng chiếu thượng, chư Hiền hữu cần lưu ý và nhắc nhở Chức việc Bàn Trị Sự đương quyền hiểu biết thực hành khi gặp trường hợp nói trên thuộc phạm vi hành sự của các cấp Hành Chánh Ðạo địa phương cho châu đáo.

Quyền Thượng Thống Lại Viện thi hành và ban hành thông tri nầy đến các nơi rõ biết.

Nay kính.

 

Tòa Thánh, ngày 28-6-Tân Hợi (dl 18-8-1971).

THÁI CPS 

(ấn ký)

Thái Bộ Thanh

Q.THƯỢNG CPS

(ấn ký)

Thượng Tửng Thanh

NGỌC CPS

(ấn ký)

Ngọc Nhượn Thanh

PHÊ CHUẨN:
ÐẦU SƯ
Ch. quản CTÐ nam phái.
(ấn ký)
Thượng Sáng Thanh

 

Vâng lịnh ban hành:
Nội Chánh, ngày 28-6-T.H.
(18-8-71)

Q. Thượng Thống Lại Viện
Giáo Sư Ngọc Tịnh Thanh
(ấn ký)

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

TL và PCT: Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

ÐÐTKPÐ TTTN: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ Tòa Thánh Tây Ninh.

 

Ban Tứ Vụ

班四務

A: Committee of four affairs.

P: Comité de quatre affaires.

Ban: Một tổ chức gồm nhiều người có phận sự đặc biệt. Tứ: Bốn. Vụ: Việc.

Ban Tứ Vụ là một ban gồm bốn vụ: - Hộ Vụ, - Công Vụ, - Lễ Vụ, - Lương Vụ.

Tại Văn phòng của mỗi Tộc Ðạo, vị Lễ Sanh Ðầu Tộc Ðạo phải tổ chức Ban Tứ Vụ của Thánh Thất cho đầy đủ, và hướng dẫn các Chức việc Bàn Trị Sự và Ðạo hữu trong Tộc Ðạo hiểu rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi Vụ để phối hợp hoạt động Ðạo sự nơi Thánh Thất và trong Tộc Ðạo được hiệu quả và tiến triển tốt đẹp. Sau đây là nhiệm vụ của mỗi Vụ:

Hộ Vụ: Lo về tài chánh, giữ Sổ Thâu Xuất hằng ngày, minh chứng cho hợp lệ.

Công Vụ: Tu tạo, gìn giữ tài sản của Ðạo nơi Thánh Thất.

Lễ Vụ: Quán xuyến về nghi lễ, cúng Tứ thời, Ðàn lệ, Sớ điệp, quả phẩm, nhang đèn nơi Thánh Thất.

Lương Vụ: Khuyến khích, cổ động việc tự túc lương thực, lúa gạo cho Chức sắc, Chức việc, các công quả nơi Thánh Thất và bá tánh đến có đủ chi dùng.

 

Ban Ủy Viên Hội Nhơn Sanh

班委員會人生

Sau khi khai mạc Hội Nhơn Sanh, Nghị Trưởng trình bày chương trình nghị sự xong rồi thì toàn Hội chọn cử ra các Ban Ủy Viên ngánh theo phái đặng tùy phương diện thảo luận các vấn đề cho cặn kẽ thấu đáo. Có bốn Ban Ủy Viên:

1.    Phái Thái,

2.    Phái Thượng,

3.    Phái Ngọc,

4.    Phái Nữ.

Các Nghị viên và Phái viên Nữ thì vào Ban Ủy Viên phái Nữ. Các Nghị viên và Phái Viên Nam phái thì chọn lựa để vào 3 Ban Ủy Viên: phái Thái, phái Thượng và phái Ngọc.

Các vị Lễ Sanh phái nào thì vào Ban Ủy Viên phái đó.

Mỗi Ban Ủy Viên gồm có:

1.    Một Nghị Trưởng,

2.    Một Phúc sự viên,

3.    Số Nghị viên còn lại chia đều cho các Ban.

4.    Mỗi khi bàn định điều chi rồi thì Phúc sự viên tóm tắt lại, lập tờ phúc, đệ ra Ðại Hội nghị quyết.

Ban Ủy Viên Hội Nhơn Sanh, khi nhóm thì mặc Ðạo phục thường dùng hằng ngày.

 

Ban Ủy Viên Phước Thiện

班委員福善

Ban Ủy Viên Phước Thiện là toàn thể số Nghị viên và Phái viên được chọn cử trong một Quận Ðạo Phước Thiện, để thay mặt cho Phước Thiện của Quận Ðạo đó trong Ðại Hội PT.

- Phái viên thì đại diện cho ba hạng: Minh Ðức, Tân Dân, Thính Thiện. Cứ 500 người hiến thân công quả thì đặng cử ra một vị Phái viên thay mặt; từ 501 đến 1000 thì được cử thêm một vị Phái viên nữa.

- Nghị viên thì đại diện cho hạng Hành Thiện, tức là hạng Chủ Sở và Chức việc Bàn Cai Quản nhà Sở Phước Thiện chánh. Mỗi Quận đạo Phước Thiện được cử một Nghị viên.

Cuộc chọn cử Ban Ủy Viên Phước Thiện để thay mặt cho Phước Thiện nơi mỗi Quận đạo thì phải có vị Giáo Thiện Ðầu Quận Phước Thiện làm chủ tọa.

Ban Ủy Viên phải có mặt tại Tòa Thánh trước ngày Khai Ðại Hội Phước Thiện ít nhứt là 5 ngày.

 

BÀN

BÀN

1.    BÀN: Do chữ Ban đọc trại ra, là một tổ chức gồm nhiều người có phận sự đặc biệt.
Td: Bàn Cai Quản, Bàn Trị Sự.

2.    BÀN: Quanh co.
Td: Bàn đào.

 

Bàn Cai Quản Phước Thiện

班該管福善

A: Managing board of Charity District.

P: Comité administratif d'un Quartier Charitable.

Bàn: Do chữ Ban đọc trại ra, là một tổ chức gồm nhiều người có phận sự đặc biệt. Cai quản: Ðứng đầu coi sóc bao quát các công việc. Phước Thiện: Cơ Quan Phước Thiện.

Bàn Cai Quản Phước Thiện là một Ban có phận sự cai quản các hoạt động về Phước Thiện trong một Quận đạo Phước Thiện, thuộc Cơ Quan Phước Thiện của Ðạo Cao Ðài.

ÐLMD: Mỗi Nhà Sở Phước Thiện trong Quận đạo phải cử ra một Bàn Cai Quản để lãnh trách nhiệm Chủ Trưởng Nhà Sở ấy. Mỗi Bàn Cai Quản phải có ít nữa 12 người Chức việc:

·         1 Chủ Trưởng.

·         1 Phó Chủ Trưởng.

·         1 Từ Hàn.

·         1 Phó Từ Hàn.

·         1 Thủ Bổn.

·         1 Phó Thủ Bổn.

·         6 Nghị viên.

Trong 6 Nghị viên, phải chọn cử ra 2 vị Kiểm Soát.

Chức việc nầy phải chọn trong hạng người hiến thân trọn đời vào Sở Phước Thiện, có tâm đức, có tư cách xứng đáng, trừ ra chức Chủ Trưởng thì phải lựa chọn công cử trong hạng Chủ Sở Lương điền Công nghệ mà thôi.

Cuộc công cử nầy phải có mặt Ðầu Họ, Ðầu Quận, và Sĩ Tải hay Luật Sự chứng kiến. Mỗi khi công cử phải lập Vi bằng.

- Lo chăm nom xem xét các cơ sở Lương điền, Công nghệ thuộc về Sở Phước Thiện của mình cai quản.

- Mỗi tháng, Bàn Cai Quản phải hội nhóm ít nữa là 2 kỳ trong khi có đàn lệ tại Thánh Thất sở tại.

- Nếu xa Thánh Thất thì được nhóm tại Nhà Sở P.Thiện.

Phận sự Chủ Trưởng:

·         Khi nhóm, Chủ Trưởng làm chủ tọa, người đem các vấn đề của các cơ sở Phước Thiện, sắp đặt có thứ tự trong chương trình, cho chư Nghị viên bàn định.

·         Nghị viên không đặng bàn tính việc gì khác hơn là vấn đề đã lập trong chương trình. Khi Chủ Trưởng xướng đề ra thì phải giải rành rẽ cho chư Nghị viên được thông hiểu rồi để cho chư Nghị viên tự do bàn định. Chủ Trưởng không nên bàn cãi chi với Nghị viên. Sau khi chư Nghị viên bàn cãi rồi, Chủ Trưởng gom tất cả ý kiến hay của phần đông Nghị viên mà lập thành quyết nghị.

Phận sự Phó Chủ Trưởng:

·         Phó Chủ Trưởng phải chung trí giúp Chủ Trưởng lập chương trình và bàn định các vấn đề trước khi đem ra nhóm hội.

·         Khi Chủ Trưởng vắng mặt thì Phó Chủ Trưởng đặng quyền thay thế cũng như Chủ Trưởng vậy.

Phận sự Thủ Bổn:

·         Thủ Bổn lãnh phần việc bút toán và biên bản Sổ Thâu xuất cho Bàn Cai Quản xem xét trong mỗi kỳ nhóm lệ. Thủ Bổn chịu trách cứ về số tiền mình giữ và không đặng phép xuất chi phí nào mà không có Chủ Trưởng hay là Phó Chủ Trưởng thế quyền chứng kiến.

·         Thủ Bổn gìn giữ Sổ Thâu Xuất (Thâu Xuất phải biên hằng ngày và cộng chung mỗi tháng).

·         Một cuốn sổ ghi công quả.

·         Một cuốn sổ biên tài sản.

·         Một cuốn sổ cấp tế những người cô quả bịnh hoạn, đói khổ, già cả, tật nguyền, góa bụa và quan hôn tang tế.

Lúc nào Bàn Cai Quản muốn xem xét thì Thủ Bổn phải bày các sổ sách. Bất hạn là lúc nào, Chủ Trưởng cũng có quyền xem xét sổ sách và tiền bạc.

Mỗi kỳ nhóm lệ, Thủ Bổn phải lược thuật sự quản suất tài chánh cho rõ ràng.

Phận sự Phó Thủ Bổn:

·         Phó Thủ Bổn lãnh giúp Thủ Bổn trong phần giấy tờ sổ sách tài chánh và thay mặt Thủ Bổn trong khi người vắng mặt.

Phận sự Từ Hàn:

·         Từ Hàn lãnh lập Vi bằng trong mỗi kỳ hội nhóm. Người giữ một cuốn sổ biên tên họ những Ðạo hữu hiến thân trọn đời vào Sở Phước Thiện, có đủ ngày tháng hiến thân và những điều cần yếu thuộc về gia tộc của Ðạo hữu ấy.

·         Một cuốn sổ biên nhận các thơ tín tiếp đặng.

·         Một cuốn sổ biên nhận thơ tín gởi đi.

·         Một cuốn sổ biên tên Chức việc Bàn Cai Quản và tên các Ðạo hữu có công sáng tạo Cơ Sở Phước Thiện.

Phận sự Phó Từ Hàn:

·         Phó Từ Hàn lãnh phần giúp Từ Hàn trong các phận sự.

Phận sự Nghị viên:

·         Nghị viên lo chăm nom quyền lợi chung để giúp hay cho Cơ Sở P.Thiện được mau chóng thạnh hành phát triển.

·         Các vị nầy giúp Chủ Trưởng trật tự trong các kỳ nhóm.

·         Phải chọn lựa trong hàng Nghị viên, cử ra 2 vị Kiểm Soát, trong hạn lệ là 1 năm, để lãnh phận sự tra xét sổ sách của Thủ Bổn và Từ Hàn.

·         Giấy tờ nào cần ích trong việc điều tra sổ sách thì Thủ Bổn phải giao cho Kiểm Soát viên xem xét.

·         Kiểm Soát viên đặng tự quyền lập phúc sự các việc điều tra sổ sách đệ về cho Hội Thánh biết.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

Bàn Cổ

盤古

A: The first ancestor of man from the Chinese legends.

P: Le premier ancêtre de l'homme d'après les légendes chinoises.

Theo Lão giáo, Bàn Cổ là thủy tổ của loài người, do Trời sanh ra, cũng giống như bên Thiên Chúa Giáo là Adam.

Theo Tam Hoàng Thiên Kinh, sự tích Bàn Cổ như sau:

Tại núi Côn Lôn có một cục đá lớn đã thọ khí Âm Dương chiếu diệu rất lâu đời, nên đã thâu được các tánh linh thông của vũ trụ mà tạo thành thai người.

Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần, một tiếng nổ vang, khối đá linh ấy nứt ra, sản xuất một vị Linh Chơn hy hữu, một con người đầu tiên của thế gian, được gọi là Bàn Cổ.

Vừa sanh ra thì vị ấy tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt sương, ăn hoa quả, lần lần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng.

Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái dùi ước đặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm búa, tay trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần.

Thuở đó Trời Ðất còn mờ mịt. Ngài ước cho phân biệt Trời Ðất thì nhơn vật mới hóa sanh được. Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì sấm nổ vang, Thiên thanh, Ðịa ninh, vạn vật sinh ra đều có đủ cả.

Ngài liền chỉ Trời là Cha, chỉ Ðất là Mẹ, muôn dân là con. Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên cũng gọi Ngài là Thái Thượng Ðạo Quân.

Ngài tự xưng là Thiên tử, tức là con Trời, cai trị muôn dân. Ngài là vị vua đầu tiên của cõi thế gian nên gọi Ngài là Thiên Hoàng.

Bàn Cổ thọ được 18.000 tuổi rồi qui Thiên.

Tiếp theo thì có Ðịa Hoàng, rồi Nhơn Hoàng, nối nhau cai trị thiên hạ.

Ðó là Tam Hoàng (Thiên Hoàng, Ðịa Hoàng, Nhơn Hoàng) vào thời khởi thủy của nước Tàu.

 

Bàn cờ huyền bí

A: The mysterious chess - board.

P: L' échiquier mystérieux.

Bàn cờ huyền bí do Ðức Phạm Hộ Pháp đưa ra vào năm 1947. Hiền Tài Lê văn Thuộc, Ðạo hiệu Chơn Ðăng giải ra được, ông dùng thể thơ lục bát viết ra lời giải, dâng lên Ðức Hộ Pháp. Ðến năm Tân Hợi (1971), Phạm Môn ấn hành.

Bàn Cờ Huyền Bí gồm 10 quân cờ có kích thước lớn nhỏ khác nhau, và được đặt tên theo hình vẽ. (Xem hình nơi trang sau). Mỗi quân cờ được làm bằng gỗ, trên đó có khắc tên và sơn màu cho đẹp. Còn bàn cờ thì cũng làm bằng gỗ, có đóng viền chung quanh.

Luận Hành Kỳ là đi từ Bàn cờ số 1 đến Bàn cờ số 2.

Luật Huờn Kỳ là đi từ Bàn cờ số 2 trở về Bàn cờ số 1, gọi là Phản bổn huờn nguyên.

 

 

Thượng Thừa

THƯỢNG SANH

THƯỢNG PHẨM

HIẾN PHÁP

TIẾP PHÁP

KHAI PHÁP

HỘ PHÁP

BẢO PHÁP

ÐẦU SƯ

GIÁO TÔNG

CHƯỞNG PHÁP

 

Hửu Biên

Tả Biên

 

Hạ Thừa

BÀN CỜ số 1

 

 

Thượng Thừa

HIẾN PHÁP

GIÁO TÔNG

TIẾP PHÁP

KHAI PHÁP

BẢO PHÁP

HỘ PHÁP

THƯỢNG SANH

THƯỢNG PHẨM

ÐẦU SƯ

CHƯỞNG PHÁP

 

Hửu Biên

Tả Biên

 

Hạ Thừa

 

BÀN CỜ số 2

 

Dẫn giải

Bàn Cờ Huyền Bí được chia làm 2 phần và 4 địa phận khác nhau:

·         Phía trên gọi là Thượng thừa.

·         Phía dưới gọi là Hạ thừa.

·         Phía trái gọi là Tả biên hay Tả lề.

·         Phía mặt gọi là Hữu biên hay Hữu lề.

Hình tích và Tên cờ

GIÁO TÔNG hình lớn lại vuông,

CHƯỞNG, ÐẦU, THƯỢNG, THƯỢNG hai chuông dính liền.

HỘ PHÁP ngang dọc đồng viên,

BẢO, TIẾP, KHAI, HIẾN, bốn viên vuông đều.

Lời chỉ sắp Bàn cờ huyền bí

Trăm năm biển khổ bụi trần,

Phản huờn nguyên bổn tinh thần chỉnh tu.

Dõng mưu, trí sĩ xuân thu,

Bốn phương tám hướng nên trù về đông.

 

Ðạo Thầy quyền có GIÁO TÔNG,

Hữu biên CHƯỞNG PHÁP, tả thì ÐẦU SƯ.

Nhiệm mầu huyền bí kinh thư,

Cầm cờ HỘ PHÁP trung cư bản đồ.

 

Tả chi hữu dực tung hô,

THƯỢNG SANH, THƯỢNG PHẨM  sát vô lề tường.

Dựng gầy mối đạo đông phương,

Cần dùng tứ trụ cột rường bên ta.

 

BẢO, KHAI, TIẾP, HIẾN PHÁP nhà,

Chia phiên gìn giữ để mà giúp nhau.

Cuộc cờ thế sự làm sao,

Khi tan khi hiệp, khi xao khi bình.

 

Nhờ ông GIÁO CHỦ thông minh,

Tang thương biến đổi công bình đạo Cao.

Thuyền đạo chở cả đồng bào,

Gay chèo tôn giáo đưa vào an ninh.

Giải quyết Bàn cờ Huyền bí

Muốn cho chí cả rạng ngời,

GIÁO TÔNG vì đạo lên ngồi tòa trên.

Ðông Tây Nam Bắc tiếng rền,

BẢO, KHAI, TIẾP, HIẾN hai bên bốn vì.

 

Hoằng khai Ðại Ðạo tu trì,

Giữ nền tôn giáo, chức thì Thiên phong.

Trung tâm HỘ PHÁP bền lòng,

CHƯỞNG, ÐẦU, THƯỢNG, THƯỢNG song song một hàng.

Tích Bàn cờ Huyền bí

Bàn cờ gốc ở Hoa sơn,

Trần Ðoàn Lão Tổ thiệt hơn tỏ bày.

Buổi kia đang lúc hai Ngài,

Trần Ðoàn, Quỉ Cốc vui say cuộc cờ.

 

Ngồi chơi để sẵn vần thơ,

Cấm không được chỉ thế cờ cho ai.

Mặc dầu lời dặn rất hay,

Nhưng ông Khuôn Dẫn tự Ngài không tuân.

 

Chỉ qua xúi lại không ngừng,

Trần Ðoàn luận biện nếu ưng mời vào.

Tiên sinh biết rõ liền trao.

Nhường cho họ Triệu thấp cao ông Trần.

 

Hai bên giao kết cân phân,

Nếu thua phải thế núi thần Hoa sơn.

Ông Triệu đâu rõ nguồn cơn,

Bằng lòng chịu thế Hoa sơn cuộc cờ.

 

Hi Di thấu rõ thời cơ,

Thắng luôn họ Triệu, viết tờ ký tên.

Trần Ðoàn cất giữ nào quên,

 Ðến sau Khuôn Dẫn được lên ngai vàng.

 

Cầu ông Lão Tổ hạ san,

Mời hầu cờ tướng đôi bàn cho vui.

Trần Ðoàn ba trận thối lui,

Chịu nhường Thái Tổ muốn xuôi nói rằng:

 

Vận người nào khác bóng trăng,

Cơn lu hồi tỏ, khi thăng khi trầm.

Hoa sơn bị cố muôn năm,

Không phương đòi lại, giấy cầm còn luôn.

 

Trần Ðoàn sợ Thái Tổ buồn,

Ðặt ra bài luận nói suông mấy tờ.

Khuyên đừng vui thú cuộc cờ,

Siêng lo việc nước thời giờ vàng thoi.

 

Trần Ðoàn sợ Triệu chẳng noi,

Tặng Bàn cờ trí học đòi Thánh Tiên.

Giải bày mối Ðạo thiêng liêng,

Nước nhà trị, loạn, ngửa nghiêng cuộc cờ.

 

Lưu truyền từ ấy đến giờ,

Song người trần tục lẳng lơ không màng.

Tam Kỳ Phổ Ðộ được ban,

Bàn cờ Huyền bí Trần Ðoàn Hi Di.

 

Thiên phong cần phải biết đi,

Ðó là huyền bí, đó là bực cao.

Tham thiền nhập định khác nào,

Muốn cho đắc đạo, công lao rất nhiều.

 

Khuyên cùng Ðạo hữu bấy nhiêu,

Rửa lòng trong sạch, siêu phàm đăng Tiên.

Tu thì lòng dạ chớ nghiêng,

Mong ngày thoát tục, cửa Tiên hầu gần.

 

Mạng căn định ở cõi trần,

Một lòng giữ Ðạo, trăm phần không sai.

May duyên nay đã đến ngày,

Cùng nhau nhứt trí, Thiên Thai thấy liền.

 

Cơ cầu thế sự truân chuyên,

Quốc gia thành lập, Ðạo Tiên đổi dời.

Tam Kỳ khắp cả thảnh thơi,

Muôn ân Hộ Pháp, ba nơi hiệp hòa.

Luận Hành Kỳ

Trên Trời dưới thế mấy ai,

Hơn nhau vì chỗ trí tài sĩ mưu.

 

    1.        TIẾP lên trên HIẾN đụng tường,

    2.        PHẨM qua bên tả hết đường dừng chơn.
BẢO đừng so thiệt tính hơn,

    3.        Thỉnh ông CHƯỞNG PHÁP một cơn hành trình.

    4.        GIÁO TÔNG huyền bí làm thinh,

    5.        ÐẦU SƯ cầu cạnh giữ gìn hữu chi.

    6.        KHAI PHÁP bổn phận phải đi,

    7.        THƯỢNG SANH cũng xuống một khi hạ tường.

    8.        TIẾP, HIẾN lưỡng vị dựa nương,

    9.        Mời Ngài THƯỢNG PHẨM tả phương luôn về.

  10.        BẢO PHÁP sầu muộn chán chê,
Một mình một góc đi về thọ trung.

  11.        Ông CHƯỞNG trọn thủy trọn chung,
Tiến lên một bực lên cùng hữu chi.

  12.        HỘ PHÁP lắm nghĩ nhiều suy,
Kiếm tìm phía hữu, việc ni phải thành.

  13.        THƯỢNG PHẨM về với THƯỢNG SANH,

  14.        TIẾP hồi trở lại một cành BẢO cư.

  15.        THƯỢNG PHẨM cùng với ÐẦU SƯ,
Tiến lên tường thượng thẳng ư một đàng.

  16.        KHAI PHÁP cần phải qua ngang,
Kế bên GIÁO CHỦ dưới hàng ÐẦU SƯ.

  17.        THƯỢNG SANH, HIẾN PHÁP di cư,
Ngang hàng KHAI PHÁP, ÐẦU SƯ tường lề.

  18.        THƯỢNG PHẨM tả dực đi về,

  19.        ÐẦU SƯ thế chỗ chớ hề để lâu.

  20.        HIẾN PHÁP tài liệu năm châu,
Hiệp cùng KHAI PHÁP để hầu thảo ra.

  21.        Ðến hồi HỘ PHÁP sang qua,
Tả chi nghiên cứu quốc gia hiện tình.

  22.        BẢO PHÁP, TIẾP PHÁP đăng trình,
Tiến qua hữu dực giữ gìn GIÁO TÔNG.

  23.        CHƯỞNG PHÁP kế bạn đồng song,

  24.        BẢO, TIẾP hai vị gắng công lên cùng.

  25.        HỘ PHÁP hiểu rõ kỳ chung,
Trở về phía hữu đúc nun nhân tài.

  26.        THƯỢNG SANH thẳng bước đi ngay,
Ðụng cùng THƯỢNG PHẨM hôm nay tiến hành.

  27.        KHAI qua HIẾN xuống đụng ranh,

  28.        ÐẦU SƯ trở lại THƯỢNG SANH ngang hàng.

  29.        CHƯỞNG PHÁP phía tả vừa sang,

  30.        TIẾP lên kế cận đứng ngang BẢO đồng.

  31.        HỘ PHÁP nhường chỗ GIÁO TÔNG,
Tiến lên một bực phương đông danh rền.

  32.        HIẾN, KHAI mau đến một bên,
Dưới chơn GIÁO CHỦ dựa nền hữu biên.

  33.        CHƯỞNG, ÐẦU, THƯỢNG, THƯỢNG đăng liền,

Ðồng nhau xuống hết tả biên hạ tường.

  34.        TIẾP, BẢO bên trái dựa nương,

  35.        HỘ PHÁP cần đến thượng tường hữu xong.

  36.        Thỉnh cầu Ðức Lý GIÁO TÔNG,
Lên ngang CHƯỞNG PHÁP Ðức Ông lại ngừng.

  37.        KHAI lên trên HIẾN giữa chừng,

  38.        ÐẦU SƯ tiến hữu gặp mừng HIẾN, KHAI.

  39.        CHƯỞNG PHÁP giáng hạ bằng nay,
Mời về thế chỗ dựa Ngài GIÁO TÔNG.

  40.        THƯỢNG PHẨM đứng kế sát hông,

  41.        TIẾP, BẢO trở xuống tả đồng phẩm ngang.

  42.        HỘ PHÁP muốn hiểu ngay gian,
Phải gần tả phái hãn tàng giả chơn.

  43.        GIÁO TÔNG thấu hiểu nguồn cơn,
Phản hồi tường thượng ngỏ đờn Chí Tôn.

  44.        KHAI, HIẾN cần phải đến đồn,
Dưới ngai GIÁO CHỦ hữu môn lại ngừng.

  45.        ÐẦU SƯ, CHƯỞNG PHÁP dời chơn,

  46.        Nhường cho THƯỢNG PHẨM  về mừng cùng nhau.

  47.        TIẾP, BẢO cần phải ngang vào,
BẢO bên GIÁO CHỦ, TIẾP, KHAI giao kề.

  48.        THƯỢNG SANH cấp tốc trở về,
Ðến ngang BẢO, TIẾP chớ hề lo âu.

  49.        THƯỢNG PHẨM, CHƯỞNG PHÁP, ông ÐẦU,
Ba Ngài trở lại giải sầu tả chi.

  50.        HIẾN, KHAI trở xuống một khi,

  51.        Thỉnh Ngài GIÁO CHỦ cũng đi lên đường.

  52.        HỘ PHÁP trở lại hữu phương,

  53.        BẢO, TIẾP, hai vị lên đường THƯỢNG SANH.

  54.        GIÁO TÔNG muốn rưới phước lành,
Trung tâm Tòa Thánh kính thành chứng minh.

  55.        Hai Ngài KHAI, HIẾN đăng trình,

  56.        ÐẦU SƯ, CHƯỞNG PHÁP  đồng tình thượng phong.

  57.        THƯỢNG SANH đi xuống một vòng,

  58.        BẢO, TIẾP hai vị cũng đồng xuống luôn.

  59.        HỘ PHÁP nghĩ lại thêm buồn,
Tả chi chẳng muốn như tuồng gượng theo.

  60.        KHAI, HIẾN cũng phải ráng theo,

  61.        ÐẦU SƯ thượng lộ giữ lèo GIÁO TÔNG.

  62.        CHƯỞNG PHÁP, THƯỢNG, THƯỢNG  công đồng,

Tiến về phía hữu ngóng trông nhơn tài.

  63.        TIẾP, BẢO hạ đẳng xuống ngay,

  64.        GIÁO TÔNG qua tả bằng nay một mình.

  65.        ÐẦU SƯ tua khá giữ gìn,
Sát hông GIÁO CHỦ mựa hình lãng xao.

  66.        HIẾN, KHAI cần phải về mau,

  67.        Nhờ Ông HỘ PHÁP trở vào hữu biên.

  68.        GIÁO TÔNG toan liệu nào yên,
Mau lên tường thượng độ khuyên môn đồ.

  69.        TIẾP, BẢO tả hữu dời vô,

  70.        THƯỢNG SANH, THƯỢNG PHẨM  đi vô tả biền.

  71.        ÐẦU SƯ tiếp xuống đồng thuyền,

  72.        HIẾN, KHAI một nhịp qua liền tả chi.

  73.        CHƯỞNG PHÁP vì đạo ra đi,
Tìm Ông HỘ PHÁP kịp kỳ gặp nhau.

  74.        ÐẦU SƯ, THƯỢNG, THƯỢNG đều vào,
Vân du hữu dực phước trao người lành.

  75.        BẢO, TIẾP làm việc cho nhanh,
Xuống tìm đặng gặp THƯỢNG SANH ngang hàng.

  76.        GIÁO TÔNG trong dạ không an,
Thương cho đồ đệ muôn ngàn tai ương.
Cần đi du ngoạn bốn phương,

  77.        Nhường cho HỘ PHÁP pháp đường chỉ huy.

  78.        KHAI, HIẾN cần phải ra đi,
KHAI qua mé hữu, HIẾN thì gần bên.

  79.        GIÁO TÔNG trung điểm giữ nền,

  80.        Nhờ hai TIẾP, BẢO tiến lên gần Ngài.

  81.        THƯỢNG SANH, THƯỢNG PHẨM đi ngay,

  82.        ÐẦU SƯ, CHƯỞNG PHÁP hôm nay hội đồng.

  83.        Thỉnh cầu Ðức Lý GIÁO TÔNG,
Trở qua phía hữu Ðức Ông vui lòng.

  84.        TIẾP PHÁP chịu khó đi vòng,
Ngang hàng BẢO PHÁP để hòng tiếp nghinh.

  85.        HỘ PHÁP cần phải điều đình,
Nên Ngài giáng hạ theo mình bốn viên.

  86.        HIẾN, KHAI mau khá theo liền,

  87.        Thỉnh Ông GIÁO CHỦ lên miền thượng du.

  88.        TIẾP, BẢO trở lại hữu trù,
Dưới Ngài Ðức Lý chỉnh tu cơ đồ.

  89.        HỘ PHÁP tiếp điển hư vô,
Ðến trên THƯỢNG, THƯỢNG  mưu mô cuộc trần.

  90.        KHAI PHÁP xuống dưới bạn thân,
HIẾN trên nằm dựa về phần tả chi.

  91.        Mời Ngài GIÁO CHỦ hồi qui,
Tòa trên Ngài ngự đơn trì trung tâm,

  92.        TIẾP, BẢO hữu phái về thăm,

  93.        Rước Ðức HỘ PHÁP năm năm phản hồi.

Luật Huờn Kỳ
(Phản bổn huờn nguyên)

Ðạo Trời huyền bí khó bày,
Chỉ người mưu sĩ trí tài mới hay.
Kể từ Ðại Ðạo hoằng khai,
Cứu đời độ thế Cao Ðài Tiên Ông.

    1.        Thỉnh Ngài HỘ PHÁP về đông,
Tả biên mời đến sát hông bên lề.

    2.        BẢO, TIẾP hai vị đứng kề,
CHƯỞNG, ÐẦU ngó lại TIẾP lề hữu biên.

    3.        GIÁO TÔNG phía hữu qua liền,

    4.        KHAI PHÁP qua dựa kề bên HIẾN nhà.

    5.        HỘ PHÁP lắm nỗi thiết tha,
Tiến gần KHAI, HIẾN cùng mà gặp nhau.

    6.        BẢO, TIẾP hai vị đâu vào,
Trở về tả phái hiệp nhau một đoàn.

    7.        GIÁO TÔNG xuống đụng vừng ngang,

    8.        KHAI qua, HIẾN kế một đoàn hữu chi.

    9.        Mời Ông HỘ PHÁP sớm đi,
Thượng tường lề tả một khi tiến hành.

  10.        TIẾP PHÁP cần phải cho nhanh,
Lên trên BẢO PHÁP tả ranh giữ gìn.

  11.        GIÁO TÔNG đến lúc hành trình,
Trung tâm Ngài ngự hữu đình chứng tri.

  12.        CHƯỞNG PHÁP ông phải lên đi,
Kế Ngài GIÁO CHỦ một khi cho rồi.

  13.        ÐẦU SƯ, THƯỢNG, THƯỢNG lìa ngôi,
Hữu biên ba vị tiến thôi sát lề.

  14.        BẢO, TIẾP mau khá lộn về,

  15.        GIÁO TÔNG qua tả lộn về bằng nay.

  16.        CHƯỞNG PHÁP gấp phải qua ngay,

  17.        KHAI đi HIẾN xuống đứng dài dựa bên.

  18.        HỘ PHÁP tiến thẳng tường trên,

  19.        GIÁO TÔNG Ngài cũng đi lên thượng tường.

  20.        TIẾP, BẢO hữu tả hai phương,

  21.        THƯỢNG SANH, THƯỢNG PHM một đường thẳng qua.

  22.        CHƯỞNG PHÁP nhiều lúc kêu ca,
Cùng nhau hiệp lại bốn nhà Thiên phong.

  23.        HIẾN, KHAI ngang tiến vô trong,

  24.        ÐẦU SƯ đi thẳng ngang vòng HIẾN, KHAI.

  25.        CHƯỞNG rồi THƯỢNG, THƯỢNG đi ngay,

  26.        BẢO, TIẾP rày phải hôm nay phản hồi.

  27.        GIÁO TÔNG thay đổi tòa ngôi,
Xuống gần THƯỢNG, TIẾP  đứng ngồi bằng nhau.

  28.        HỘ PHÁP phản bộ cho mau,

  29.        HIẾN, KHAI lên quẹo gặp nhau đụng tường.

  30.        GIÁO TÔNG trung điểm hồi hương,

  31.        TIẾP, BẢO cứ tiến một đường lên ngay.

  32.        THƯỢNG, THƯỢNG, CHƯỞNG PHÁP ngày nay.

Trở về phía tả, vui say ba vì.

  33.        ÐẦU SƯ gấp xuống kịp kỳ,

  34.        HIẾN, KHAI hạ giáng can gì phải lo.

  35.        HỘ PHÁP nhiều nỗi đắn đo,
Hữu chi Ngài đến ấm no môn đồ.

  36.        TIẾP, BẢO tìm kiếm đường vô,

  37.        THƯỢNG SANH cần phải xưng hô thất từ.

  38.        THƯỢNG PHẨM, CHƯỞNG PHÁP, ÐẦU SƯ,
Ba Ông đều phải di cư tả biền.
Hai người hữu phải thiêng liêng,

  39.        HIẾN, KHAI lưỡng vị xuống miền hạ thương.

  40.        GIÁO TÔNG lòng mến đông phương,
Qua miền hữu phái đảm đương cuộc trần.

  41.        THƯỢNG SANH cũng đến ở gần,

  42.        BẢO PHÁP, TIẾP PHÁP cũng cần xuống luôn.

  43.        HỘ PHÁP nghĩ lại thêm buồn,
Trở về phái tả như tuồng chẳng xuôi.

  44.        GIÁO TÔNG trong dạ không nguôi,
Trở về tường thượng không vui trong lòng.

  45.        KHAI, HIẾN hai vị đi vòng,
Ðỡ nâng GIÁO CHỦ để phòng việc tư.

  46.        Hai Ông CHƯỞNG PHÁP, ÐẦU SƯ,
Trở qua bên hữu di cư một lần.

  47.        THƯỢNG SANH đi xuống bạn thân,

  48.        TIẾP, BẢO dời gót về gần GIÁO, KHAI.

  49.        THƯỢNG PHẨM tiến bộ đường ngay,

  50.        THƯỢNG SANH, CHƯỞNG PHÁP nắm tay Ông ÐẦU.

Tả biên ba vị thâm bâu,

  51.        HIẾN, KHAI hạ xuống sát đầu hữu chi.

  52.        GIÁO TÔNG trở lại một khi,

  53.        Mời Ông HỘ PHÁP cùng đi qua liền.

  54.        TIẾP, BẢO tường thượng tả biên,

  55.        Cầu Ngài CHƯỞNG PHÁP dựa quyền GIÁO TÔNG.

  56.        ÐẦU SƯ cùng bạn lập công,
Tả chi phản bộ hội đồng tứ danh.

  57.        KHAI xuống tường hạ chí ranh,
Ngang cùng HIẾN PHÁP nhị khanh sát lề.

  58.        GIÁO TÔNG tiến xuống một đường,

  59.        Mời Ông HỘ PHÁP chủ trường Hiệp Thiên.
Xuống gần GIÁO CHỦ bàn riêng,

  60.        BẢO PHÁP, TIẾP PHÁP hữu biên lại về.

  61.        CHƯỞNG, ÐẦU, THƯỢNG, THƯỢNG một quê.

Tiến lên một bực tiện bề tới lui.

  62.        HIẾN, KHAI hai vị rất vui,
Phản hồi tả phái qua xuôi sát lề.

  63.        GIÁO TÔNG, HỘ PHÁP một bề,
Cùng nhau một lúc trở về hạ căn.

  64.        BẢO PHÁP đi xuống thẳng băng,

  65.        TIẾP vô lề hữu với ông BẢO cùng.

  66.        CHƯỞNG PHÁP một lúc qua chung,

  67.        Nhường đường thượng lộ thỉnh cùng ÐẦU SƯ.

  68.        HIẾN PHÁP cần phải di cư,
Lên ngang HỘ PHÁP dưới SƯ đứng chờ.

  69.        KHAI PHÁP xa bạn ngẩn ngơ,

  70.        Tiến qua tường hạ cậy nhờ GIÁO TÔNG.

  71.        THƯỢNG SANH trở xuống sát hông,

  72.        Ðường về mé tả HIẾN xông đụng lề.

  73.        ÐẦU SƯ Ngài lại trở về,

  74.        Thỉnh Ông THƯỢNG PHẨM qua lề CHƯỞNG phong.

  75.        HIẾN PHÁP lên thẳng một vòng,

  76.        THƯỢNG SANH Ngài lại một lòng tiến lên.

  77.        KHAI PHÁP chí cả rất bền,
Tiến về phái tả sát qua tường lề.

  78.        ÐẦU SƯ, THƯỢNG PHẨM liền về,

  79.        Tường trên nhường chỗ HIẾN về nghỉ chơn.

  80.        THƯỢNG SANH đã tính thiệt hơn,
Ðầu tườngmé tả một cơn tiến hành.

  81.        KHAI PHÁP lên đụng THƯỢNG SANH,

  82.        ÐẦU SƯ Ngài phải qua ranh tả lề.

  83.        THƯỢNG PHẨM cần thỉnh lộn về,

  84.        Mời Ngài HIẾN PHÁP dựa kề KHAI viên.

  85.        THƯỢNG SANH cấp tốc đi liền,
Thẳng qua CHƯỞNG PHÁP ở miền hữu chi.

  86.        KHAI, HIẾN hai vị phải đi,
Tiến lên tường thượng một khi hai người.

  87.        HỘ PHÁP tả phái Ngài cười,

  88.        Nhường cho BẢO, TIẾP hai người dời chơn.

  89.        CHƯỞNG PHÁP suy nghĩ thiệt hơn,

  90.        THƯỢNG SANH hiệp lại một cơn hữu lề.

  91.        HIẾN PHÁP cần phải tiến về,
Ðứng ngay KHAI PHÁP hầu kề THƯỢNG SANH.

  92.        HỘ PHÁP cần gấp tiến hành,

  93.        BẢO qua TIẾP đến đã đành đi luôn.

  94.        THƯỢNG SANH, CHƯỞNG PHÁP một xuồng,
Xuống tìm GIÁO CHỦ giải nguồn quốc gia.

  95.        HIẾN, KHAI hai vị thẳng qua,

  96.        Thỉnh Ngài HỘ PHÁP thiết tha thượng tường.

  97.        BẢO trên TIẾP dưới dựa nương,
Ðến gần lề tả chừa đường người sau.

  98.        Chờ Ông THƯỢNG PHẨM về mau,

  99.        GIÁO TÔNG Ngài ngự giữa trào Thiên cung.

100.        CHƯỞNG PHÁP Ông lại về chung,

101.        HIẾN, KHAI hội họp để cùng xuống luôn.

102.        Kính Ngài HỘ PHÁP đừng buồn,
Hữu biên trở lại cứu luôn đồng bào.

103.        BẢO, TIẾP hai vị kíp mau,
Thượng tường sát cánh cùng nhau một lần.

104.        ÐẦU SƯ lên kiếm người ân,

105.        GIÁO TÔNG tả độ đâu phân người hiền.

106.        THƯỢNG SANH mau khá xuống liền,

107.        THƯỢNG PHẨM cần trở về miền hữu ban.

108.        BẢO, TIẾP đi xuống một đàng,

109.        HỘ PHÁP trở lại hữu ban một kỳ.

110.        HIẾN, KHAI hai vị lên đi,

111.        Mời Ông THƯỢNG PHẨM một khi hữu về.

112.        THƯỢNG SANH lắm nỗi bộn bề,
Trở lên kịp phẩm quyết thề trọn tu.

113.        GIÁO TÔNG lên hội trung thu,
Phản hồi nguyên bổn đông du chính vì.

114.        ÐẦU SƯ trở lại đơn trì,

115.        TIẾP, BẢO hội kiến cấp kỳ với SƯ.

116.        HỘ PHÁP hiểu rõ địa dư,
Xuống gần BẢO, TIẾP cũng như lệ thường.

117.        KHAI, HIẾN mau đến tả phương,

118.        THƯỢNG SANH, THƯỢNG PHẨM luôn đường tiến lên.

119.        BẢO, TIẾP qua hữu một bên,

120.        Thỉnh Ngài HỘ PHÁP về Ðền Thánh xưa.

121.        HIẾN PHÁP trở xuống tả thừa,

122.        THƯỢNG SANH đắc lịnh mau đưa trở về.
KHAI, HIẾN tiếp đến dựa kề,

123.        TIẾP, BẢO hai vị đi về tường trên.

124.        HỘ PHÁP muốn được Ðạo nên,
Phản hồi cố thủ ở trên hữu biền.

125.        HIẾN, KHAI đi xuống quẹo liền,

126.        THƯỢNG SANH trở lại tòa trên của Ngài.

127.        HIẾN PHÁP tiến thẳng đường ngay,

128.        Nhờ Ông HỘ PHÁP đổi thay thế tình.
Thỉnh Ngài trở lại trung đình,

129.        Mời Ông THƯỢNG PHẨM  một mình xuống luôn.

130.        TIẾP, HIẾN hữu phái một xuồng,

131.        THƯỢNG SANH vận động khỏi ruồng chúng dân.

132.        BẢO, HIẾN, THƯỢNG phải qua gần,
Muôn ơn Ðạo giáo hạ trần rưới ân.

133.        KHAI PHÁP dạ phải cho cần,
Tiến lên tường tả một lần cho xong.

134.        HỘ PHÁP lắm nỗi cực lòng,
Môn đồ mấy triệu ai hòng biết cho.
Trở qua tả phái xét dò,

135.        BẢO, HIẾN hai vị một đò hiệp đi.

136.        TIẾP PHÁP trở lại tả chi,

137.        Mời Ngài THƯỢNG PHẨM hồi qui ngôi mình.

138.        BẢO PHÁP trở lại cựu dinh,

139.        Thỉnh Ông HỘ PHÁP trung đình độ dân.

140.        KHAI PHÁP trở lại cựu thần,

141.        THƯỢNG SANH cựu vị về lần ngôi xưa.

142.        HIẾN PHÁP tả phái còn chưa,

143.        TIẾP PHÁP trở xuống ghế xưa hiệp đoàn.

 

Chung qui thế sự một bàn,

Cuộc cờ dời đổi, muôn ngàn biến thiên.

Muốn cho đạo cả lưu truyền,

Kết thành một khối đoàn viên một lòng.

 

Phân minh tỏ hết đục trong,

Bốn phương hiền sĩ ước mong phản hồi.

Nhơn sanh tế độ trau giồi,

Lập nên Quốc Ðạo đắp bồi giang san.

 

Từ đây nước thới nhà an,

Muôn dân hạnh phúc, muôn ngàn vui tươi.

Hết lo những việc trêu ngươi,

Cuộc cờ đã mãn nực cuời hân hoan./.

 

Bàn đào

蟠桃

Bàn: Quanh co. Ðào: Cây đào.

Bàn đào là cây đào có thân mọc quanh co ở cõi Tiên.

Theo sách Thập Châu Ký, biển đông có núi Ðạc Sách sơn, trên đỉnh có cây đào lớn, thân mọc quanh co đến 3000 dặm, gọi là cây Bàn đào hay cây Ðào Tiên.

Bàn đào là loại cây ở thượng giới, trồng nơi vườn Ðào Tiên của Ðức Phật Mẫu. Tương truyền vườn Ðào Tiên của Phật Mẫu có 3600 cây Bàn đào, chia ra:

■ Ðàng trước có 1200 cây, hoa nhỏ quả nhỏ, 3000 năm mới chín một lần. Người ăn đào nầy, thân thể khỏe mạnh nhẹ nhàng.

■ Khoảng giữa có 1200 cây, quả ngọt thơm, 6000 năm mới chín một lần. Người ăn đào nầy có thể bay bổng lên mây, trường sanh bất lão.

■ Ðàng sau có 1200 cây, vân cây đỏ tím, hột vàng nhạt, 9000 năm mới chín một lần. Người ăn đào nầy thì được thọ bằng Trời Ðất.

Vào thời nhà Hán bên Tàu, vua Hán Võ Ðế rất mộ đạo nên cất một Hoa Ðiện lộng lẫy và ngày đêm đến Hoa Ðiện cầu khẩn Ðức Phật Mẫu giáng xuống trong dịp lễ khánh thọ của Ngài. Ðức Phật Mẫu cảm lòng thành của nhà vua, nên bằng lòng giáng xuống. Ðêm rằm Trung Thu, đúng giờ Tý, Ðức Phật Mẫu cỡi chim Thanh loan cùng với Cửu vị Tiên Nương, và 4 Tiên đồng Nữ Nhạc, giáng xuống sân Hoa Ðiện.

Ðức Phật Mẫu ban cho Hớn Võ Ðế bốn quả Ðào Tiên và bảo Tiên đồng Nữ Nhạc đờn và ngâm bài chúc thọ.

Hớn Võ Ðế nhận lãnh Ðào Tiên, lấy ra ăn chừa hột, bảo thái giám đem ương. Ðức Phật Mẫu cười và phán rằng:

"Trái Bàn đào nầy là thứ Ðào Tiên rất quí, ở cõi thế gian không trồng được, vì đất mỏng lắm. Cây Bàn đào trồng 3000 năm mới trổ bông, 3000 năm mới kết quả, 3000 năm mới chín. Người ăn vào thì được sống mạnh khỏe và trường thọ."

KÐ9C:

Hội Bàn đào Diêu Trì Cung,

Phục sanh đào hạnh rượu hồng thưởng ban.

KÐ9C: Kinh Ðệ Cửu cửu.

 

Bàn Trị Sự

班治事

A: Administrative Committee of a religious village.

P: Comité administratif d'un village religieux.

Bàn: Do chữ Ban đọc trại ra, là một tổ chức gồm nhiều người có phận sự đặc biệt. Trị: Sắp đặt cho yên. Sự: Việc.

Bàn Trị Sự là một ban gồm nhiều người có nhiệm vụ quản lý và điều hành các công việc của một cơ quan.

Thông thường, khi nói Bàn Trị Sự là nói Bàn Trị Sự của một Hương đạo, gồm các Chức việc điều hành và sắp đặt công việc đạo trong Hương đạo đó. Hương đạo gồm những tín đồ cư ngụ trong một làng hay trong một xã.

Tổ chức Bàn Trị Sự Hương đạo là cấp thấp nhứt trong hệ thống Hành Chánh Ðạo Cửu Trùng Ðài.

Ðứng đầu Bàn Trị Sự của mỗi Hương đạo là một vị Chánh Trị Sự, chức vụ là Ðầu Hương đạo. Dưới Chánh Trị Sự có nhiều vị Phó Trị Sự và Thông Sự. Mỗi một Ấp đạo có một vị Phó Trị Sự và một vị Thông Sự phụ trách đạo sự.

Phẩm Chánh Trị Sự được gọi là Ðầu Sư Em, Phó Trị Sự được gọi là Giáo Tông Em, và Thông Sự là Hộ Pháp Em. Các Chức việc Bàn Trị Sự được gọi chung là Hội Thánh Em. Hội Thánh Em làm nền tảng cho Hội Thánh Anh ở Trung Ương.

ÐLMD: Bàn Trị Sự nên chọn cử hạng người có tài đức, bất luận là hạng thanh niên hay là bậc trưởng lão, miễn vị ấy đặng phần đông tín nhiệm là đủ.

Nếu như một ai còn đương quyền đời mà muốn vào hàng phẩm Chức việc thì phải từ bỏ quyền đời đặng để trọn tâm lo tròn trách nhậm đạo.

Mỗi khi khuyết Chánh Trị Sự thì chỉ có hàng Phó Trị Sự và Thông Sự đặng quyền dự cử mà thôi, trừ ra những vị nào đã bị phạm Luật pháp có hình phạt của Hội Thánh.

Còn như khuyết Phó Trị Sự, Thông Sự thì chọn những vị nào có đạo đức, đủ tư cách, hoặc dày công; ngoài những vị trên đây thì Ðạo hữu nào, dầu mới nhập môn, cũng đặng dự cử, miễn là đủ sức tín nhiệm của toàn đạo trong địa phận thì đặng. Nhưng trừ ra những vị nào đã bị phạm Luật pháp có hình phạt của Hội Thánh và người trong các Chi phái mới trở lại.

 

Tài liệu HẠNH ÐƯỜNG huấn luyện Chức việc Bàn Trị Sự nam nữ khóa Canh Tuất (1970)

 

xin chép ra sau đây:

I. Bổn phận Chức việc Bàn Trị Sự đối với Hội Thánh:

Thánh giáo Ðức Chí Tôn dạy: Thầy dùng lương sanh mà cứu vớt quần sanh. Cả lương sanh ấy, Thầy dụng quyền thiêng liêng dạy dỗ, trước un đúc nơi lòng một khiếu từ bi cho tâm địa có tính ái vật ưu sanh theo tánh đức háo sanh của Thầy, dùng lợi khí phàm tục để độ rỗi người phàm tục.

Những lương sanh ấy hiệp lại làm một, lập thành Hội Thánh, là xác thân phàm, tức hình thể hữu vi của Thầy tại thế để thể Thiên hành hóa, làm gương mẫu giáo hóa dìu dắt con cái của Thầy trên đường Ðạo và đường Ðời trong buổi TKPÐ để Thầy tránh khỏi phải hạ trần như lúc Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Ðộ.

Bổn phận của Chức việc Bàn Trị Sự là phải tuân mạng lịnh của Hội Thánh truyền dạy, không được phép trái với sở định của bề trên, chẳng lấy ý riêng của mình mà canh cải, bất tùng giáo hóa. Phải giữ lễ nghĩa khiêm cung đối với Chức sắc Hội Thánh cho vẹn toàn bổn phận làm em, dầu có người kém tài trí đi nữa, đàn em cũng chẳng nên khinh khi, vi lịnh. Khinh khi vi lịnh người tức là buộc vào mình tội bất tuân luật pháp.

Thảng như Chức sắc bề trên cầm quyền Hành Chánh của Ðạo rủi ro có việc chi ngộ bất cập lượng, sai suyễn một đôi điều không phù hạp với luật thương yêu và quyền công chánh, thì bổn phận của đàn em được phép gián can với lễ độ của tình huynh đệ nhất gia, chỉ rõ những việc làm khuyết điểm để cho đàn anh suy độ mà cải cách hành vi cho phù hạp nhơn tâm, thuận tùng Thiên lý. Một điều nên ghi nhớ trong Tứ Ðại Ðiều Qui là: Dưới gián trên đừng thất khiêm cung mà lỗi đạo làm em và bị phạm luật đạo.

Tóm lại, bổn phận Chức việc Bàn Trị Sự, đã mang danh là Hội Thánh Em, mà đối với Hội Thánh cùng Chức sắc đàn anh bề trên được như vậy thì bao giờ Hội Thánh cũng tín nhiệm và thương yêu đàn em có tâm vì Ðạo, và cũng làm tròn sứ mạng thiêng liêng của một Chức việc đối với Hội Thánh.

II. Bổn phận Chức việc Bàn Trị Sự đối với bổn đạo:

Chúng ta công nhận Ðức Chí Tôn là Ông Cha chung của nhơn loại về phần thiêng liêng, tức nhiên nhơn loại là anh em với nhau, mặc dù khác màu da sắc tóc; cái tình huynh đệ nầy giữa người đồng Ðạo càng thêm thâm thúy và mật thiết hơn.

Ðức Chí Tôn có giảng dạy:

Chẳng quản đồng tông mới một nhà,

Cùng nhau một Ðạo tức một Cha.

Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,

Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.

Vậy Chức việc Bàn Trị Sự đối với bổn đạo đàn em phải hết dạ thương yêu, thành thật giúp đỡ và dìu dắt đàn em trên đường Ðạo cũng như trên đường đời. Phải giữ hạnh khiêm cung từ nhượng, dùng lời dịu ngọt mà dạy dỗ, nhứt là phải đối xử cho công bình, giữ cho mình trong sạch để nêu gương tốt cho đàn em bắt chước.

Chức việc Bàn Trị Sự được quyền sai khiến đàn em trong phạm vi quyền hạn của mình. Phải chỗ khiến thì ôn tồn mà khiến, chẳng phải chỗ sai chớ cưỡng bách mà sai, đừng làm điều chi quá quyền mà mất niềm hòa khí cùng nhau trong tình huynh đệ của đại gia đình tôn giáo.

Chức việc Bàn Trị Sự là người mang nơi mình một trọng trách thay Hội Thánh, thân cận với nhơn sanh trong Hương đạo, thì bổn phận của mỗi vị cần phải thực thi đúng trách nhiệm của mình y trong Pháp Chánh Truyền, tóm lược sau đây:

1. Chánh Trị Sự: Mỗi Hương đạo có một Chánh Trị Sự, thay mặt Hội Thánh làm đầu tín đồ, gọi là Ðầu Hương Ðạo, làm anh cả trong địa phận ấy, chịu trách nhiệm về phần Ðời và phần Ðạo đối với Hội Thánh.

Vì vậy, Chánh Trị Sự phải là người đầy đủ đạo hạnh, hiểu biết về Luật pháp Chơn truyền của Ðại Ðạo, có đủ năng lực dìu dẫn bổn đạo được trong ấm ngoài êm, chăm nom giúp đỡ sanh hoạt của môn đệ Thầy, giúp khó trợ nghèo, coi cả tín đồ như em ruột.

2. Phó Trị Sự: là người thay mặt Chánh Trị Sự trong một Ấp, gọi là Tri Lý Ðạo để lo về phần hành chánh đạo, đặng phép sửa đương giúp đỡ, dìu dắt, dạy dỗ chư tín đồ trong địa phận trấn nhậm.

Về mặt xã hội, giúp đỡ bổn đạo trong xóm ấp được tương thân tương trợ, gặp người hoạn nạn thì Phó Trị Sự phải sốt sắng kêu gọi bổn đạo chung tâm trợ giúp. Phó Trị Sự có quyền giáo hóa chớ không có quyền sửa trị.

3. Thông Sự: là người thay mặt Chánh Trị Sự trong một Ấp, gọi là Thông Lý Ðạo, để lo về phần luật lệ.

Thông Sự có quyền răn dạy người đạo phạm luật pháp của đạo bằng cách giải thích khuyên lơn, nếu đôi ba lần mà người phạm lỗi không biết ăn năn chừa cải thì Thông Sự có quyền phúc sự lên Chánh Trị Sự khuyên giải hoặc định hình phạt sám hối.

III. Quyền hành và Luật công cử Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự:

Quyền Hành Chánh địa phương có hai vấn đề quan trọng là Quyền Hành và Luật Công Cử Chức việc Bàn Trị Sự.

Ðể thi hành theo nguyên tắc khỏi vi phạm Luật pháp Chơn truyền của Ðạo; vì nhiều nơi đã tỏ ra lắm điều sơ sót trong việc công cử Bàn Trị Sự, hoặc cũng có nhiều trường hợp thi thố quyền hành của ba phẩm: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự không đúng qui định của PCT. Sự sơ sót ấy do nơi quyền hành chánh địa phương không được châu đáo ở hạ tầng cơ sở nơi Hương đạo và Ấp đạo, căn bản của nền Chánh Trị Ðạo.

1. Quyền Hành:

Chức việc Bàn Trị Sự có ba phẩm trọng yếu là: Thông Sự, Phó Trị Sự, Chánh Trị Sự.

- THÔNG SỰ: là người cầm luật pháp, nên trong Pháp Chánh Truyền gọi là Hộ Pháp Em, nghĩa là đồng quyền đồng thể, không hơn không kém, nhưng Hộ Pháp cầm quyền toàn Ðạo khắp thế giới, còn Thông Sự chỉ trong địa phận một Ấp mà thôi, vì thế mới gọi là Hộ Pháp Em.

- PHÓ TRỊ SỰ: Người cầm quyền hành chánh tức là Chánh Trị Ðạo, ở Pháp Chánh Truyền gọi là Giáo Tông Em. Hễ quyền trên lớn lao bao nhiêu thì quyền dưới cũng thế, nhưng Phó Trị Sự cầm quyền một Ấp đạo. Hai vị Phó Trị Sự và Thông Sự đều đồng thể, không ai lớn ai nhỏ, cũng như Giáo Tông và Hộ Pháp, song quyền hành riêng biệt: Phó Trị Sự có quyền về Hành Chánh Ðạo,còn Thông Sự có quyền về Luật lệ.

Phó Trị Sự và Thông Sự có quyền ứng cử chức Chánh Trị Sự.

- CHÁNH TRỊ SỰ: Người cầm quyền Luật pháp và Hành Chánh Ðạo. Tại sao người cầm hết hai quyền? Bởi vì Chánh Trị Sự là Ðầu Sư Em, nên phải kiêm cả hai quyền và làm đầu trong một Hương đạo. Trong Luật pháp, cấm người không cho đi ngoài ranh giới Chánh Trị Sự khác.

Ngoài ra, Luật pháp còn nghiêm cấm không cho công cử Chánh Trị Sự Nội dung, Chánh Trị Sự Ðầu Văn Phòng, hoặc Chánh Trị Sự Phổ Tế.

2. Luật Công Cử:

Theo như thường tình ở ngoài đời thì ta cũng đã thấy Luật công cử Hội Ðồng Xã, Ấp, Tỉnh, vv. . . Hễ có công cử thì có người ra ứng cử và người thừa sai (cử tri), quyền ứng cử của mỗi người đều có quyền như công cử.

Phó Trị Sự và Thông Sự phải chịu cho tín đồ trong Ấp đạo xúm nhau công cử, mà trong một Hương đạo chia ra nhiều Ấp đạo, mỗi Ấp có một Phó Trị Sự và một Thông Sự làm đầu.

Chánh Trị Sự phải chịu cho toàn cả Phó Trị Sự và Thông Sự trong Hương đạo xúm nhau công cử, chớ không phải để cho các tín đồ xúm nhau công cử. (Tín đồ được mời đến dự kiến để phê bình chỉ trích hoặc đồng ý ứng cử viên và ký tên vào Vi bằng công cử.)

Hồ sơ Ứng cử viên gồm có:

1.    Ðơn xin ứng cử.

2.    Chứng chỉ Hạnh kiểm.

3.    Tờ khai lý lịch công nghiệp.

Chức Chánh Trị Sự phải có làm Phó Trị Sự hoặc Thông Sự mới được ra ứng cử.

Hồ sơ ứng cử phải nạp cho Ðầu Phận đạo.

Sau khi Ðầu Phận xem xét xong hồ sơ mỗi vị rồi thì phải gởi danh sách cho toàn Chức việc trong Hương hiểu biết và định ngày công cử, ít nhứt là 10 ngày.

Chánh Trị Sự đắc cử mỗi nhiệm kỳ là 5 năm.

Ðắc cử rồi mà vô cớ phế phận, không trọn khóa đắc cử thì không được kể công nghiệp, mặc dù có viện lý do. Chánh Trị Sự mãn khóa được quyền ra ứng cử và tái cử lại một khóa nữa (Thủ tục cũng như mới ra ứng cử vậy).

Luật ứng cử Phó Trị Sự và Thông Sự cũng y như công cử Chánh Trị Sự. Ứng cử viên Phó Trị Sự và Thông Sự phải là người Ðạo hữu giữ thập trai, có đạo tâm, sốt sắng và có năng lực hành sự.

Mỗi tín đồ, khi được nhập môn thiệt thọ, nghĩa là sau khi đổi Sớ Cầu Ðạo Tạm rồi đều có quyền đầu phiếu công cử và ứng cử Phó Trị Sự hay Thông Sự, nhưng Nam Nữ riêng biệt.

Một khi có cuộc công cử Chức việc Bàn Trị Sự thì phải thành lập một Ủy Ban chứng sự, lo xem xét cuộc công cử hầu tránh điều gian lận trong khi đầu phiếu.

Ủy Ban nầy có ba nhân viên:

·         Ðầu Phận Ðạo sở tại làm Chủ Tọa.

·         Luật Sự Pháp Chánh địa phương làm Giám Thị.

·         Chánh Trị Sự Ðầu Hương Ðạo kế cận chứng kiến.

Sau cuộc đầu phiếu công cử xong thì phận sự của Ủy Ban nầy là phải tuyên bố liền tên họ của người đắc cử, kế lập Vi bằng công cử và tờ cử 3 bổn y nhau, gởi về cho Khâm Thành Thánh Ðịa nhờ sự xem xét và phê kiến, rồi giao trả cho Phận Ðạo 1 bổn để hồ sơ lưu chiếu, 1 bổn để hồ sơ văn phòng Khâm Thành, còn 1 bổn gởi về văn phòng Lại Viện. Ðến mãn hạn kỳ 6 tháng tạm vị, nếu xét đủ tinh thần phục vụ, hạnh kiểm tốt, không phạm luật pháp đạo thì Ðầu Phận Ðạo lập phúc trình và hồ sơ ứng cử, luôn cả Vi bằng Công cử, Tờ cử, đính theo ba ảnh bán thân (4 x 6), Hội Thánh sẽ ban Ðạo Cấp chánh vị. Ðó là cuộc công cử đúng phép.

Trường hợp đặc biệt: Ðề cử.

Về Hương đạo mới phổ độ lập thành thì Ðầu Phận Ðạo có quyền đề cử, nghĩa là lựa chọn trong hàng Ðạo hữu, vị nào có hạnh kiểm tốt, đạo tâm sốt sắng, lập thành Bàn Trị Sự gồm: 1 Chánh Trị Sự, 1 Phó Trị Sự, và 1 Thông Sự.

Sau khi đề cử xong, Ðầu Phận Ðạo phải đệ tờ về Hội Thánh xin chứng nhận mới có giá trị.

IV. Quyền sửa trị:

Khi đã nhận trách nhiệm Bàn Trị Sự thì có quyền giáo hóa chư tín đồ trong Hương đạo hoặc Ấp đạo của mình cai quản và có quyền hòa giải sự xích mích giữa những người bổn đạo.

1. Khuyên giải: Khi có người phạm lỗi nhẹ, về thế luật hoặc thiếu hạnh kiểm, làm mất tư cách người đạo, làm tổn

thương chung cho người đồng đạo, thì Bàn Trị Sự có bổn phận phải dạy khuyên người phạm lỗi cho biết ăn năn sám hối.

2. Răn phạt: Nếu vị nào chẳng biết sửa mình chừa lỗi, lại còn tái phạm, Bàn Trị Sự có quyền răn phạt bằng quì hương, và tụng Kinh Sám hối.

3. Hòa giải: Những việc xích mích tranh tụng thường sự giữa người đồng đạo, dầu thuộc việc đời hay việc đạo, Bàn Trị Sự chẳng nên dễ dãi bỏ qua để mất niềm hòa khí, sanh mầm hờn giận, ghét ganh mất tình tương thân tương ái cùng nhau.

Trong trường hợp nầy, Chức việc Bàn Trị Sự cần mời hết cả đôi bên đến, dùng lời đạo đức giải thích phép đời, luật đạo, lời thuận lẽ êm, cân phân phải quấy cho đôi bên hiểu rõ, rồi hòa giải cho được thuận hòa cùng nhau.

4. Răn trị: Người giữ đạo buộc phải tuân y Luật pháp của Ðạo:

·         Luật có Tân Luật và Luật lệ xử đoán.

·         Pháp có Pháp Chánh Truyền.

Thoảng như có vị nào phạm luật, phạm pháp về mấy khoản nặng mà Bàn Trị Sự hiểu biết hay do Trưởng thập nhị gia phúc tờ lên thì chẳng nên yêm ẩn, mà chính mình Bàn Trị Sự phải đích thân đến tận nơi xảy ra, mở cuộc minh tra cho minh bạch, hoặc mời đến văn phòng hạch vấn cho ra lẽ, rồi phúc sự lên Lễ Sanh Ðầu Phận Ðạo hay Ðầu Tộc Ðạo để cho người liệu phương giáo hóa, hay là Ðầu Phận đệ tờ với nội vụ lên Khâm Thành định đoạt.

5. Kiện tụng: Khi có việc kiện tụng rắc rối đại sự, Chức việc Bàn Trị Sự đã hết lời hòa giải mà chẳng đặng, đôi đàng vẫn cố tình tranh hơn thiệt, hoặc vì quyền lợi, hoặc vì danh thể cá nhân có ảnh hưởng đến quyền dân sự, thì chừng đó mới buộc lòng để đôi đàng kiện đến Tòa Án quốc gia.

Còn những vụ tranh tụng về phần đạo mà Bàn Trị Sự hòa giải không đặng, thì nên dùng quyền điều tra riêng với tánh cách vô tư, rồi phúc sự nội vụ lên Ðầu Phận Ðạo phân xử.

CHÚ Ý:

Việc Hành Chánh Ðạo phải giữ đúng trật tự đẳng cấp: Trưởng thập nhị gia chăm sóc 12 gia đình, Phó Trị Sự giáo hóa một Ấp đạo, Thông Sự gìn giữ Luật pháp một Ấp đạo, Chánh Trị Sự có quyền giáo hóa và sửa trị trong một Hương đạo./.


CHÚ THÍCH QUAN TRỌNG:

Không nên hiểu lầm: Chánh Trị Sự là người coi việc Chánh Trị. Ở đây, chữ Chánh đi với chữ Phó: Có người làm Chánh, có người làm Phó.

Nếu viết ra chữ NHO thì thấy 2 chữ CHÁNH khác hẳn:

·         Chánh Trị Sự: 正治事 Chánh là đứng đầu.

·         Phó Trị Sự: 副治事 Phó là bực thứ.

·         Chánh trị: 政治 Chánh là việc nhà nước.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

TKPÐ: Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

BÁN

BÁN

 BÁN: Phân nửa, một nửa.
Td: Bán đồ nhi phế, Bán hữu hình.

 

Bán đồ nhi phế

半途而廢

A: To stop half-way.

P: S'arrêter à demi-chemin.

Bán: Phân nửa, một nửa. Ðồ: Ðường đi. Nhi: Mà, thì. Phế: Bỏ đi.

Bán đồ nhi phế là nửa đường bỏ cuộc.

Ý nói: Làm việc gì được nửa chừng, khi gặp trở ngại, lòng chán nãn, đành bỏ cuộc, chịu thất bại. Ðây là một lời khuyên răn đối với những người thiếu bền tâm vững chí, thường chán nãn bỏ dở công việc nửa chừng, khiến không khi nào thành công, dù việc lớn cũng như việc nhỏ.

Sách Trung Dung: Quân tử tuân đạo nhi hành, bán đồ nhi phế, ngô phất năng dĩ hỹ. Nghĩa là: Người quân tử tuân theo Ðạo mà làm, nửa đường bỏ cuộc, ta không thể làm vậy.

 

Bán hữu hình

半有形

A: Semi-material and semi-spiritual.

P: Semi-matériel et semi-intellectuel.

Bán: Phân nửa, một nửa. Hữu: Có. Hình: Hình thể thấy được.

Bán hữu hình là phân nửa thì có hình thể, tức nhiên phân nửa kia thì vô hình, nên có thể nhìn thấy được mà cũng có khi không nhìn thấy được. Ðó là đặc tính của chơn thần của con người, vì chơn thần là thể làm trung gian cho thể xác (hữu hình) và linh hồn (vô hình). Linh hồn ra lịnh cho chơn thần, rồi chơn thần mới ra lịnh cho thể xác thi hành.

TNHT: Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân: Một phàm gọi là Corporel, một thiêng liêng gọi là Spirituel, mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng.

[ Corps corporel: Xác thân vật chất hữu hình.

Corps spirituel: Xác thân thiêng liêng vô hình.]

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bán tự vi sư

半字為師

Bán: Phân nửa, một nửa. Tự: chữ. Vi: là, làm. Sư: thầy.

Bán tự vi sư nghĩa là nửa chữ là thầy.

Ý nói: Dầu mình học được của người nửa chữ thì người đó vẫn là thầy mình.

Ðức Khổng Tử nói: Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư. Nghĩa là: Học được một chữ là thầy, học được nửa chữ cũng là thầy.

Một người dạy ta học, dù học được một chữ hay học được nửa chữ thì người đó cũng vẫn là thầy ta, ta có bổn phận kính trọng.

 

BÀNG

Bàng Cử

旁舉

Bàng Cử là hiệu của Nhạc Phi, một danh tướng trung dũng của nhà Tống thời vua Tống Cao Tông bên Tàu.

Nhờ Nhạc Phi cầm quân bảo vệ giang sơn mà quân nước Kim phía bắc nước Tàu không dám đem quân xâm lấn.

Nhưng vua Cao Tông hôn ám, tin dùng gian thần Tần Cối, nên Tần Cối lộng quyền, lén lút lập mưu bắt Nhạc Phi hãm hại và giết chết một cách oan uổng, làm cho giang sơn nhà Tống phải chinh nghiêng.

TNHT: Tâm ưu Bàng Cử trắng đầu non.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bàng môn Tả đạo

旁門左道

A: Perverse religion, Heresy.

P: Religion perverse, Hérésie.

Bàng: Bên cạnh. Môn: Cửa. Tả: Trái lẽ, không chánh. Ðạo: Tôn giáo.

Bàng môn là cửa hông, không phải cửa chánh. Tả đạo là tôn giáo sai trái. Bàng môn Tả đạo là chỉ chung các tôn giáo, học thuyết dẫn dắt con người vào đường tà vạy quanh co, có xu hướng trục lợi cầu danh, không đạt được kết quả chơn chánh.

Bàng môn Tả đạo do Quỉ Vương lập ra, để kình chống và giành giựt nhơn sanh đối với các Chánh đạo do các Ðấng Phật, Tiên mở ra hay do Ðức Chí Tôn mở ra.

Với trí xét đoán phàm phu, chúng ta khó phân biệt đâu là Chánh đạo, đâu là Tả đạo Bàng môn, vì Tả đạo được Quỉ Vương phủ lên một lớp nước sơn hoa mỹ tinh vi; chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều bị chúng mạo danh, lại còn dùng nhiều hình thức huyền diệu hơn cả chánh đạo, để mê hoặc nhơn sanh.

Trong Hội Lý Xiển Chơn Luận của tác giả Giáo Sư Ngọc Kinh Thanh (Nguyễn văn Kinh), phần Bàng môn luận có viết:

"Ðạo Bàng môn dị thuật phần nhiều tham danh thủ lợi, tài sắc trái lẽ đạo đức, nên khiến học thoạt qua mà không gặp đường ngay lý chánh, vì căn duyên suyễn bạc, phước đức chưa đầy đủ, dẫu cho gặp nẻo chánh rồi cũng khiến lòng nghi hoặc thối chí, lại đem mối chánh đó biến ra tà.

Nho nói rằng: Tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn hóa. Nghĩa là: Người ít phước đức phải tuôn rơi, kẻ phước đức đầy đủ thì ngưng đọng lại đặng. Thương ôi! Lấy sự dối giả lầm lạc mà dạy cho người khác nữa thì muôn kiếp không thành, lạc ngõ sai đường, thiệt hại cho đời lắm lắm."

TNHT: "Buổi Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự lập pháp TKPÐ, Quỉ Vương đã khởi khuấy phá chơn đạo, đến danh Ta nó còn mượn, duy Ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi. Lại còn hiểu rõ rằng, Ta đến với huyền diệu nầy, mượn cơ mầu nhiệm, hiệp Tam thập lục Ðộng đổi gọi Tam thập lục Thiên, các tên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật bị mạo nhận mà lập nên Tả đạo."

Nội dung Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8 do Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp lập ngày 15-7-Giáp Tuất (dl 25-8-1934):

"Những Chi phái nào do ÐÐTKPÐ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng môn Tả đạo."

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

TKPÐ: Tam Kỳ Phổ Ðộ.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

BÁNH

Bánh Dầy - Bánh Chưng

Bánh Dầy và Bánh Chưng là hai loại bánh đặc biệt được làm ra trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc VN ta. Cả hai loại bánh đều được làm bằng nếp, đậu, và bánh chưng thì có thêm thịt heo.

Bánh Dầy có hình tròn, tượng trưng Trời, và bánh Chưng có hình vuông tượng trưng Ðất, vì người xưa cho rằng Trời tròn Ðất vuông (Thiên viên Ðịa phương).

SỰ TÍCH: Vua Hùng Vương thứ sáu có nhiều con trai. Một ngày kia, trước Tết nguyên đán, vua truyền lịnh cho các hoàng tử, mỗi người phải tìm ra một món ăn ngon, trước cúng tổ tiên, sau nhà vua ăn. Món ăn nào ngon nhất và có ý nghĩa nhất thì vua sẽ truyền ngôi cho hoàng tử làm ra món ăn đó.

Các hoàng tử y lịnh, đi khắp bốn phương tìm sơn trân hải vị đem về dâng vua cha. Riêng hoàng tử Tiết Liêu, con bà Thứ Phi, không đủ tiền bạc để đi đây đi đó, nên ông nghĩ ra cách dùng nếp và đậu để làm hai thứ bánh: Bành Dầy hình tròn làm bằng bột nếp và bánh Chưng làm bằng nếp hột. Cả hai đều có nhưn đậu và hấp chín rất thơm ngon.

Ðến ngày hẹn, hoàng tử Tiết Liêu đem hai thứ bánh nầy dâng lên vua cha. Vua cha hỏi ý nghĩa của hai thứ bánh thì hoàng tử Tiết Liêu thưa rằng:

- Tâu Phụ vương, trong Trời Ðất không chi quí hơn ngũ cốc, vì ngũ cốc là thực phẩm chính nuôi sống loài người. Nay con lấy gạo nếp là một thứ trong ngũ cốc làm ra hai thứ bánh: Bánh dầy hình tròn tượng trưng cho Trời là Cha, bánh Chưng hình vuông tượng trưng cho Ðất là Mẹ. Vậy con đem hai thứ bánh nầy dâng lên Phụ vương, trước cúng Tổ Tiên, sau Phụ vương dùng.

Nhà vua thấy hoàng tử Tiết Liêu có lòng hiếu hạnh và biết kỉnh thờ Trời Ðất thì rất hài lòng, lại khi ăn thử hai thứ bánh thì cảm thấy rất thơm ngon. Do đó, vua quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Tiết Liêu.

Cũng từ đó về sau, vua truyền cho dân chúng đến ngày Tết nguyên đán, làm hai thứ bánh của hoàng tử Tiết Liêu để dâng cúng Tổ Tiên.

Về sau, dân chúng cử tên Tiết Liêu, gọi là Bánh Tết.

Ở miền Bắc Việt Nam, bánh Dầy và bánh Chưng vẫn giữ đúng hình dáng thuở xưa, bánh Dầy thì tròn, bánh Chưng thì vuông. Riêng bánh Chưng thì có biến cải cho có mùi vị hấp dẫn hơn bằng cách thêm vào đó một ít thịt heo.

Ở miền Nam VN, hai thứ bánh trên biến đổi khá nhiều từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

Chúa Nguyễn ở phương Nam muốn lập một nước riêng biệt đối với Chúa Trịnh ở phương Bắc, nên Chúa Nguyễn truyền lịnh sửa đổi phong tục của dân miền Nam cho khác miền Bắc. Do đó, bánh Dầy trở thành bánh ÍT và bánh Chưng trở thành Bánh TÉT.

 

Bánh vẽ

A: The cake picture.

P: Le gâteau en peinture.

Bánh vẽ là hình vẽ cái bánh trên giấy, nó không phải là cái bánh thật, không ăn được. Chữ Hán gọi là Họa bỉnh.

Bánh vẽ có nghĩa bóng là cái hình thức giống như thật, nhưng thực chất không có gì.

■ Sách Tam quốc Chí, phần Ngụy chí, truyện Lư Dục có câu: "Danh như họa địa tác bỉnh, bất khả đạm dã." Nghĩa là: Tiếng tăm như cái bánh vẽ trên đất, không thể ăn được.

■ Sách Truyền Ðăng Lục, lời nói của Trí Nhàn: "Họa bỉnh bất khả sung cơ." Nghĩa là: Bánh vẽ không làm nguôi cơn đói.

TNHT: Ðạo trễ một ngày thì hại cho chúng sanh một ngày, mà mỗi đứa đều gây ác cảm làm cho mối Ðạo thành ra bánh vẽ, thì chừng nào Ðạo trọn thành nơi đây.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BAO

BAO

BAO: Bọc lại, gồm chứa.
Td: Bao hàm, Bao tóc.

 

Bao hàm

包含

A: To contain.

P: Contenir.

Bao: Bọc lại, gồm chứa. Hàm: Chứa đựng.

Bao hàm là bọc lấy và chứa vào bên trong.

PMCK: Thập Thiên can bao hàm vạn tượng.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Bao nả

A: How much?

P: Combien?

Bao nả là bao nhiêu? Ngần nào?

Ðây là từ ngữ xưa, ngày nay ít dùng.

 

Bao tóc

A: To enveloppe the hair.

P: Envelopper les cheveux.

Bao tóc là lấy vải bọc mái tóc lại, ý nói quyết giữ lòng chung thủy với chồng, theo Ðiển tích sau đây:

Ðiển tích: Ðời Ðường bên Tàu có ông Giả Trực Ngôn đang làm quan tại triều, vì mang tội với vua, nên bị vua đày vào đất Lãnh Nam 20 năm. Giả Trực Ngôn về nhà than với vợ:

- Tôi chẳng may bị vua bắt tội, đày vào Lãnh Nam 20 năm, không biết sống chết lẽ nào. Vậy nay tôi không buộc nàng làm vợ tôi nữa, mà để cho nàng được tự do, đặng nàng chọn người chồng khác mà nương nhờ tấm thân về sau.

Vợ của ông nghe nói như vậy thì khóc ngất, rồi đi lấy lụa trắng, vấn mái tóc lại thật chặt, xong biểu chồng đề lên đó mấy chữ: "Phi quân thủ bất giải", nghĩa là: không phải tay chồng thì không được mở ra. Người vợ ngụ ý cương quyết giữ lòng chung thủy với chồng, chờ đợi ngày chồng mãn hạn lưu đày trở về sum họp gia đình.

KHP: Ôm bình bao tóc sang hèn cũng cam.

KHP: Kinh Hôn Phối.

 

BÁO

BÁO

BÁO: Ðáp lại.
Td: Báo Ân Từ, Báo ứng.

 

Báo Ân Ðường

報恩堂

A: Amita Buddha.

P: La maison de reconnaissance.

Báo: Ðáp lại. Ân: Ơn. Ðường: Cái nhà.

Báo Ân Ðường là nhà thờ các bậc tiền bối có công lớn với Ðạo để tỏ lòng biết ơn.

Báo Ân Ðường được xây dựng ở một vài địa phương như: Báo Ân Ðường nơi Trấn đạo Kim Biên (Nam Vang), Báo Ân Ðường nơi Trí Giác Cung.

Báo Ân Ðường nơi Trí Giác Cung do Ngài Ðinh Công Trứ, Ðốc Trường Qui Thiện, khởi đầu xây dựng bằng nhà gỗ lợp tranh vách đất từ năm Giáp Thân (1945), sau nầy được Hội Thánh xây dựng lại bằng vật liệu nặng kiên cố, trong đó có lập bàn thờ để thờ Ðức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa,...

Phía trước ngôi Báo Ân Ðường nầy có đắp hai đôi liễn để nói lên ý nghĩa của sự báo ân:

* Ðôi liễn thứ nhứt: do ông Ðinh Công Trứ đặt ra:

行道犧生憐恤前人遺大業

將功立位感懷後世念深恩

Hành đạo hy sinh lân tuất tiền nhơn di đại nghiệp,

Tương công lập vị cảm hoài hậu thế niệm thâm ân.

Nghĩa là:

Hy sinh hành đạo, thương xót các bậc tiền nhân, lưu lại sự nghiệp lớn,

Lấy công quả lập nên phẩm vị, hậu thế cảm hoài tưởng nhớ ơn sâu.

* Ðôi liễn thứ nhì: do ông Bùi quang Hoà đặt ra:

報補山河世界回心歸善本

恩培社稷人群悟道識靈根

BÁO bổ sơn hà thế giới hồi tâm qui thiện bổn,

ÂN bồi xã tắc nhơn quần ngộ đạo thức linh căn.

Nghĩa là:

Báo bổ ơn quốc gia và thế giới, hồi tâm trở về gốc lành,

Ơn bồi đắp quốc gia và nhơn loại, hiểu rõ đạo lý, biết được nguồn gốc thiêng liêng.

 

Báo Ân Từ

報恩祠

A: The Temple of Gratitude.

P: Le Temple de Reconnaissance.

Báo: Ðáp lại. Ân: Ơn. Từ: Ðền thờ, nhà để thờ phượng.

Báo Ân Từ là đền thờ các bậc tiền bối có đại công với Ðạo và các bậc vĩ nhân có công lớn với nhơn loại.

Báo Ân Từ được xây cất trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh. Hiện nay, Hội Thánh tạm mượn Báo Ân Từ dùng làm Ðền thờ Ðức Phật Mẫu. Sau nầy, khi xây dựng Ðiện Thờ Phật Mẫu Trung Ương xong thì sẽ trả Báo Ân Từ trở lại đúng chức năng của nó.

Ðức Phạm Hộ Pháp nói rằng: "Báo Ân Từ là Panthéon của Ðạo, Ðức Chí Tôn gọi nó là Vân Ðài."

Panthéon là Công Thần Miếu hay Vĩ Nhân Miếu ở tại Paris của nước Pháp, nơi đây dùng làm nơi chôn cất thi hài các bực vĩ nhân của nước Pháp, có Ðền thờ trang nghiêm to lớn. Mộ của văn hào Victor Hugo ở trong Panthéon.

Thuở Báo Ân Từ còn làm bằng cây ván, phía trước có làm cái cổng lớn, hai bên có treo đôi liễn khởi đầu bằng hai chữ BÁO ÂN, nói lên ý nghĩa của Báo Ân Từ:

報得聖名香火千秋奉祀

恩遺世代威靈萬古留存

BÁO đắc Thánh danh, hương hỏa thiên thu phụng tự,

ÂN di thế đại, oai linh vạn cổ lưu tồn.

Nghĩa là:

Báo đáp được các bực Thánh, cúng tế ngàn năm thờ phượng,

Cái ơn lưu li đi đi, cái oai linh mãi mãi tn ti.

Lịch sử xây dựng Báo Ân Từ:

Vào năm 1932, Ðức Phạm Hộ Pháp bảo các vị công quả Phạm Môn đi tháo dở ba căn nhà gỗ của ba Sở Phạm Môn: Sở Dưỡng Lão, Sở Nữ Công Nghệ và Sở Trường Hòa, vì ba căn nhà nầy đều có cùng kiểu vở và kích thước, đem chở tất cả vào Nội Ô Toà Thánh để ráp lại thành một ngôi nhà lớn bên cạnh Hộ Pháp Ðường, dùng làm Báo Ân Từ.

Lúc đó, Báo Ân Từ có cột làm bằng gỗ, vách đắp bằng đất, và mái lợp ngói.

Qua năm sau, 1933, Hội Thánh khởi công xây dựng Tòa Thánh thiệt thọ bằng vật liệu nặng với bê-tông cốt sắt, nên phải tháo dở Ðền Thánh cũ làm bằng cây ván lúc trước, và đem dời Quả Càn khôn đến tạm đặt thờ nơi Báo Ân Từ.

Vì không tính trước, nên khi Quả Càn khôn đưa vào cửa Báo Ân Từ thì không lọt, bề ngang cửa nhỏ hơn một chút, túng thế đành phải ép Quả Càn Khôn móp vô một chút đặng cho lọt qua khung cửa. Ðứng trước cảnh nầy, Ðức Phạm Hộ Pháp khóc và nói rằng: "Rồi đây Phước Thiện sẽ khổ lắm."

Việc xây cất Tòa Thánh trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, kéo dài ngót 14 năm, mãi đến Tết năm Ðinh Hợi (1947), Tòa Thánh mới được xây cất và trang trí xong.

Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Ðinh Hợi (dl 27-1-1947), Ðức Phạm Hộ Pháp làm lễ di chuyển Quả Càn khôn từ Báo Ân Từ trở về an vị nơi BQÐ của Tòa Thánh mới để thờ.

Ðức Hộ Pháp cho dọn dẹp và sửa soạn trở lại Báo Ân Từ để dùng tạm làm Ðền Thờ Phật Mẫu, bởi vì từ ngày Khai Ðạo đến giờ, trong Nội Ô chưa có Ðền Thờ Phật Mẫu.

Ðức Hộ Pháp dạy Hội Thánh Phước Thiện tổ chức buổi lễ thỉnh Long vị Phật Mẫu nơi Ðền Thờ Phật Mẫu tại Trường Qui Thiện đem về thờ nơi Báo Ân Từ và dạy Lễ vụ Phước Thiện tạo thêm hai Long vị chữ Nho để thờ hai gian bên là: 諸眞靈男派 (Chư Chơn Linh Nam phái) và 諸眞靈女派 (Chư Chơn Linh Nữ phái).

Ðây là một vinh dự cho các vị công quả nơi Trường Qui Thiện mà Ông Ðinh Công Trứ đứng đầu.

Nguyên Ông Ðinh Công Trứ là Chủ trưởng của Minh Thiện Ðàn do Ðức Lý Giáo Tông lập năm 1928 tại làng Phú Mỹ tỉnh Mỹ Tho; đến năm 1929, Ðức Lý Giáo Tông bàn giao Minh Thiện Ðàn cho Ðức Hộ Pháp cai quản. Nơi đây có lập một Thánh Thất gọi là Thánh Thất Khổ Hiền Trang và một Sở Thảo Ðường, do lời dạy của Ðức Phật Mẫu giáng cơ năm 1928 với bài thi Thảo Ðường, chép ra như sau:

Thảo Ðường phước địa ngộ tòng hoa,

Lục ức dư niên võ trụ hòa.

Cộng hưởng phàm gian an lạc nghiệp,

Thế đăng Bồng đảo định âu ca.

Thích nghĩa:

Ngôi nhà tranh nơi đất phước gặp mối Ðạo mới mở ra,

Hơn sáu trăm ngàn năm, vũ trụ được hòa bình.

Nhơn loại cùng nhau hưởng cảnh an cư lạc nghiệp,

Cõi trần tiến lên thành cõi Tiên, mọi người đều có đời sống thạnh vượng vui vẻ.

Do đó Ðức Phạm Hộ Pháp có dạy Ông Ðinh Công Trứ lập bàn thờ Ðức Phật Mẫu nơi Sở Thảo Ðường. Sự thờ phượng Ðức Phật Mẫu nơi đây còn rất đơn sơ.

Thời gian kể từ năm 1941, giặc giã bắt đầu nổi lên và cuờng độ chiến tranh càng lúc càng lớn. Nơi làng Phú Mỹ không còn được an ninh như trước, nên từ năm 1943 đến năm 1945, Ông Ðinh công Trứ cùng với các bạn đạo trong Minh Thiện Ðàn, rời bỏ Phú Mỹ, tản cư về Tây Ninh, lập ra Trường Qui Thiện để làm cơ sở tiếp tục tu hành.

Tại Trường Qui Thiện, Ông Ðinh công Trứ tạo lập một Ðền Thờ Ðức Phật Mẫu khang trang hơn nhiều so với lúc còn ở Phú Mỹ, gọi là Ðền Thờ Phẫt Mẫu Qui Thiện. Long vị của Ðức Phật Mẫu thờ nơi Qui Thiện có đề ở giữa bốn chữ Nho lớn thẳng đứng là: DIÊU TRÌ KIM MẪU 瑤池金母.

Ðức Phạm Hộ Pháp dạy Lễ Viện Phước Thiện sửa soạn đúng 6 giờ chiều ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ðinh Hợi (dl 30-1-1947), thiết Lễ an vị Ðức Phật Mẫu.

Từ từ, toàn thể Chức sắc và Ðạo hữu tề tựu tại Báo Ân Từ, các Chức sắc đều mặc Ðại phục theo sắc phái, khi thấy Ðức Hộ Pháp mặc áo dài trắng thường phục, cả thảy đều trở về thay đổi, mặc áo dài trắng tay chẹt hết.

Ðức Hộ Pháp nói: "Nơi triều Thiên ở Ðền Thánh chầu Lễ Ðức Chí Tôn là đẳng cấp nên phải có áo mão, còn về nơi đây là cửa Phật của Ðức Phật Mẫu, chỉ với tình MẸ - CON mà thôi, nên không mặc Thiên phục với áo mão."

Ðức Ngài sắp đặt Chức sắc Nữ phái quì ban giữa, kế tiếp đến Nữ Ðạo hữu quì chót. Ban bên hữu toàn là Nữ phái quì cúng; Ban bên tả thì thuộc Nam phái, Chức sắc Nam phái quì trước, nối theo là các Nam Ðạo hữu.

Ngoại nghi được gọi là Bàn Hội Ðồng, cũng hương hoa trà tửu quả, để mời chư Chức sắc Ðại Thiên Phong Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài quá vãng như Ðức Cao Thượng Phẩm, Ðức Quyền Giáo Tông, vv... đến dự lễ cúng Phật Mẫu.

Trong khoảng từ bàn Lễ sĩ đến Ngoại nghi, dành cho Ðức Hộ Pháp cùng chư vị Thời Quân và Chức sắc HTÐ quì cúng Ðức Phật Mẫu. Sau khi cúng Ðức Phật Mẫu xong, lễ thành, Ðức Ngài gọi Lễ Viện Phước Thiện và các Giáo Nhi, Ðồng Nhi, đến đứng chung quanh Bàn Hội Ðồng.

Ðức Ngài dạy:

"Khi cúng rồi phải day ra xá một xá, cũng như ở Ðền Thánh vậy. Nên hiểu, không phải xá Hộ Pháp, mà là xá để kỉnh chào Khí Sanh quang, tức là nguồn cội của Pháp biến sanh vạn vật: trước là Phật Pháp Tăng gọi là Tam Qui, trong Pháp ấy xuất hiện Phật Mẫu, kế tiếp vạn linh, vạn vật, vv ... Bởi cái Bí Pháp Diêu Trì Cung có liên quan mật thiết cùng Hiệp Thiên Ðài (một căn cội Pháp) vận hành nguơn khí. Nơi nào có Hiệp Thiên Ðài thì có Tam Qui thường bộ Pháp giới. Mặc dầu nơi đây không có thờ chữ KHÍ mà buộc mình phải xá ra, đó là lòng tin tưởng biết ơn và chào mạng sanh của chúng ta đó vậy.

Mấy em lễ sĩ nhớ, khi cúng Ðức Phật Mẫu, phải xướng câu: "NAM NỮ NHẬP ÐÀN". Nơi nầy về MẸ , ai cũng là con, không ai dám xưng Chức sắc, dầu Hộ Pháp cũng là con.

Lễ sĩ mặc áo vàng, được phép đi giày mang vớ trắng. Theo lẽ có Lễ sĩ Nữ dâng Tam Bửu, mà thấy coi bộ bề bộn, phải mấy đứa thủ trinh, còn nhỏ, bắt nó tập lễ đi coi gọn hơn.

Mấy em Giáo Nhi, khi cúng đàn nơi Ðền Thờ Phật Mẫu, đọc bài Kinh Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu, rồi kế Ðiện Hoa. Khi cúng Tứ Thời mới tụng bài Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu, tụng đến câu: Cùng chung giáo hóa chung cùng lo âu, thì sửa lại là: Cùng chung giáo hóa ân cần lo âu; để rồi Bần đạo cho lịnh Tiếp Lễ Nhạc Quân sửa lại những chữ trùng tự trong Kinh.

Bài Dâng Hoa đến chữ: Cúi mong Thượng Ðế ... thì sửa lại là: Cúi mong Phật Mẫu rưới ân Thiên.

Kỳ cúng Phật Mẫu nầy, theo lẽ cúng giờ Ngọ, nhưng Bần đạo định cúng thời Dậu là cốt yếu thuộc Âm, lại là ngày Vía Ðức Chí Tôn. Buổi đầu, Bần đạo biết thế nào cũng bỡ ngỡ và sơ sót, nên cúng để chỉ dạy. Ðến kỳ Sóc Vọng tới đây, phải chấn chỉnh cho trang hoàng.

Từ đây, Lễ Viện Phước Thiện, Hành Chánh, phải tuân y lịnh dạy, đừng sửa đổi. Vào những ngày Sóc Vọng cùng các ngày Lễ, Vía, phải thiết lễ cúng Ðức Chí Tôn vào thời Tý, còn cúng Ðức Phật Mẫu vào thời Ngọ.

Từ đây về sau, nơi nào muốn lập Ðền Thờ Phật Mẫu thì phải lập Thánh Thất trước, rồi mới lập Ðền Thờ Phật Mẫu sau. Phải coi cách thức hành lễ nơi Ðền Thánh và nơi Báo Ân Từ đây mà bắt chước làm y theo một khuôn mẫu, chẳng nên canh cải trái Pháp mà sanh biến, loạn hàng thất thứ."

(Viết theo bài Tường thuật của  Ông Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn).

 

Ngày 2-2-Ðinh Hợi (dl 22-2-1947), Ðức Phật Mẫu giáng cơ tại Báo Ân Từ, bày tỏ sự cảm động vì con cái của Phật Mẫu đã lập Ðền Thờ Phật Mẫu trang trọng để thờ phụng Người.

Bài giáng cơ của Ðức Phật Mẫu chép ra như sau:

Ðàn cơ tại Báo Ân Từ lúc 1 giờ khuya ngày 2-2-Ðinh Hợi. Phò loan: Hộ Pháp - Khai Pháp. Hầu đàn: Bảo Thế, Khai đạo, Giáo Sư Hương Nhiều, Chức sắc PT và Pháp Chánh.

DIÊU TRÌ KIM MẪU

Mụ chào các con. Mừng.

Mụ lấy làm thậm cảm tình mặn nồng hiếu hạnh của các con, nhứt là Hộ Pháp, đã lập nên Ðền thờ trọng hậu. Cả Diêu Trì Cung đều để lời cảm ơn.

Nữ phái các con,

Kể từ đây đã có nơi Mẹ con hội hiệp. Khá nên để trí tưởng rằng, chẳng buổi nào Mẹ không ở gần các con, chung chia đau thảm, chỉ xin các con có một điều trọng yếu là các con phải tập tánh hòa nhã, yêu ái lẫn nhau mà chia buồn sớt thảm cùng nhau. Ấy là lễ hiến cho Mẹ quí hóa hơn hết.

Nếu biết thương yêu thì chẳng có chi hơn là dạy dỗ trẻ thơ đặng khôn ngoan đạo đức.

THI:

Ðầy lòng yêu ái đám quần linh,

Nghĩa cử chỉ trông một tấc thành.

Lựa chọn những gì riêng kiếp trái,

Ðớn đau chỉ nặng mối thâm tình.

Nếu Mụ còn điều ước vọng thì chỉ trông Ngự Mã Thiên Quân giúp Mụ thường thường cơ bút đặng dạy dỗ Nữ phái.

Hộ Pháp, theo ý Mụ thì chẳng nên làm lễ Mụ trong thời Tý, e cho thất lễ với Từ Bi. Vậy nên sửa lại trong giờ Ngọ Sóc Vọng cho có thế con cái của Từ Bi dâng lễ cho Người. Thăng.

"Ðức Phạm Hộ Pháp có dành một khu đất rộng 4 mẫu phía trước cửa Hòa Viện để chánh thức kiến tạo Ðền Thờ Phật Mẫu (Trung Ương).

Nhưng lòng từ bi của Phật Mẫu thấy con cái còn đang chịu loạn lạc khổ sở, trong cửa Ðạo lại có sự chia phân, nên Ðức Phật Mẫu dạy tạm thờ Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ, là nhà thờ công nghiệp của con cái Phật Mẫu, đặng thấy lòng thương yêu cưng con đáo để của Phật Mẫu dường nào, cho đến khi cổi xác phàm, còn đem vô tế lễ cũng là trình diện trước mắt Bà MẸ Thiêng liêng." (Thuyết đạo của Ðức Phạn Hộ Pháp).

Khu đất rộng 4 mẫu mà Ðức Hộ Pháp dành để cất Ðiện Thờ Phật Mẫu Trung Ương, nằm ở ngoại ô Tòa Thánh, trên đường Bình Dương, cách cửa Hòa Viện (cửa số 1) chừng 1000 thước về hướng Núi Bà, bên tay mặt, tại xóm Tà Mun hiện nay.

Vào cuối năm Tân Mão (1951), nhận thấy Báo Ân Từ bằng cây ván, cất trước đây 20 năm, nay đã hư mục hầu hết, mái ngói quá cũ bị dột nhiều chỗ khi trời mưa, nên Bà Phối Sư Hương Nhiều, Chưởng quản Phước Thiện Nữ phái, có dâng tờ lên Ðức Hộ Pháp và Hội Thánh xin cho Nữ phái Phước Thiện được lãnh cất lại Báo Ân Từ bằng vật liệu nặng cho chắc chắn.

Ðức Hộ Pháp chấp thuận, nhưng kiểu mẫu phải do Ðức Ngài chỉ định và Ban Kiến Trúc đứng ra xây dựng.

Ðức Ngài kêu Tá Lý Ðinh văn Cung (Ban Kiến Trúc) chỉ dẫn từng chi tiết để chỉ huy công quả thợ hồ làm việc.

Phần làm móng, đúc cột và đà ngang, hoàn toàn bằng bê-tông cốt sắt, cả mái lợp bên trên cũng đúc bê-tông luôn, vách xây hai mươi bằng gạch rất chắc chắn.

Phần trang trí và đắp vẽ, Ðức Hộ Pháp giao cho Tá Lý Hà văn Chỉnh hướng dẫn công thợ đắp vẽ và sơn phết.

Ðức Ngài dạy đắp một khuôn bao thật lớn ở ngay giữa tấm vách ngăn (mà phía sau làm Hậu điện), để đắp các pho tượng thờ theo sự tích HỚN RƯỚC DIÊU TRÌ, tức là vua Hớn Võ Ðế rước Ðức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương và bốn Tiên đồng Nữ nhạc, cỡi chim Thanh loan đi xuống phàm trần, chứng lễ Khánh thọ của vua Hớn Võ Ðế.

1. Trên hết đắp chơn dung Ðức Phật Mẫu cỡi chim Thanh loan. (Thanh loan là con chim loan màu xanh, cùng một loại với chim phụng, con chim trống gọi là phụng, con mái gọi là loan. Thanh loan được dùng làm con chim lịnh của Ðức Phật Mẫu và để Ðức Phật Mẫu cỡi đi du hành đến các cõi trần.).

2. Kế đó đắp chín pho tượng của Cửu vị Tiên Nương.

3. Tiếp theo đắp bốn pho tượng của bốn vị Tiên đồng Nữ nhạc theo hầu Ðức Phật Mẫu.

4. Ðắp pho tượng của Ông Tiên Ðông Phương Sóc đứng, hai tay nâng cái dĩa rước bốn quả đào Tiên do Ðức Phật Mẫu đem xuống tặng mừng vua Hớn Võ Ðế. Tượng của Ðông Phương Sóc phải đặt bên tay mặt của Ðức Phật Mẫu mới đúng.

5. Bên phía tả của Ðức Phật Mẫu đắp lên một ngôi chùa cổ thật đẹp gọi là Hoa Ðiện, rồi đắp Pho tượng Ðức Thượng Phẩm Cao quỳnh Cư quì trước sân Hoa Ðiện.

Anh em công quả Sở Ðắp Vẽ bạch: - Bạch Thầy, làm sao biết được hình dung của Ðức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương cùng các Ðấng mà đắp.

Ðức Hộ Pháp dạy: - Tượng của Ðức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương đắp theo hình chưng cộ lần đầu tiên năm Ðinh Hợi (1947). Thầy có chỉ Chí Thiện Trạch với Trần Phong Lưu làm và Tá Lý Lâm Thành Kía cất giữ, coi theo đó làm mẫu. Khi trước có mượn bức ảnh của Bà Nữ Phối Sư Hương Hiếu về sự tích đời nhà Hớn bên Tàu. Biểu mấy đứa nó rọi lại bức ảnh và chép lại sự tích ấy.

Trong lúc công thợ làm việc, Ðức Hộ Pháp thường đến xem sóc, chỉ dạy việc nầy việc nọ, khơi nhắc nhiều chuyện vui vẻ làm phấn khởi tinh thần của các anh em công thợ.

Nơi khuôn bao hình chữ nhựt ở tấm vách ngoài, ngó ngay vào Chánh điện, Ðức Hộ Pháp định cho đắp tượng Ðức Cao Thượng Phẩm quì nghinh tiếp Ðức Phật Mẫu, nhưng sau đó Ðức Ngài đổi ý, dạy chừa trống.

Ðức Ngài nói:

- Chờ ngày nào tạo được Ðền Thờ Phật Mẫu Trung Ương chánh thức thì nơi đó sẽ đắp hình NAM BÌNH VƯƠNG PHẬT, cũng như nơi Ðền Thánh có Hộ Pháp ngự trên ngai trông vào Bát Quái Ðài. Còn ở đây là Báo Ân Từ dùng tạm làm Ðền Thờ Phật Mẫu , nên chỗ nầy không đắp, để trống.

Anh em thợ hồ bạch: - Xin Thầy cho biết hình Nam Bình Vương Phật để sau nầy mấy con đắp.

Ðức Hộ Pháp nói:

- Chừng nào tạo Ðền Thờ Phật Mẫu chánh thức thì Thầy sẽ cho biết, không gì lạ. Ðền Thánh tượng trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế có hình Hộ Pháp mặc Thiên phục khôi giáp, thì nơi Ðền Thờ Phật Mẫu tượng trưng Lôi Âm Tự, lẽ dĩ nhiên có hình Ngài, nhưng không mặc Thiên phục, chỉ mặc áo cà sa nhà Phật.

Hai gian hai bên của Báo Ân Từ, gian bên Nam phái lập long vị thờ "CHƯ CHƠN LINH NAM PHÁI", gian bên Nữ phái lập long vị thờ "CHƯ CHƠN LINH NỮ PHÁI" .

Theo tài liệu của Ban Kiến Trúc, Báo Ân Từ được:

■ Khởi công xây dựng ngày 16-1-Nhâm Thìn (dl 11-2-1952).

■ Ðức Hộ Pháp trấn Thần và An vị cúng Ðức Phật Mẫu ngày 4-8-Quí Tỵ (dl 11-9-1953).

■ Khánh thành ngày 9-1-Ất Mùi, nhân dịp Ðại Lễ Khánh Thành Tòa Thánh Tây Ninh từ ngày mùng 6 đến ngày 16-1-Ất Mùi.

 

Báo Quốc Từ

報國祠

A: The National Pantheon.

P: Le Panthéon national.

Báo: Ðáp lại. Quốc: Nước, quốc gia. Từ: Ðền thờ.

Báo Quốc Từ là đền thờ những vị có công lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.

Ðức Phạm Hộ Pháp có cho xây dựng một ngôi Báo Quốc Từ nằm sừng sựng giữa đại lộ đi từ Tòa Thánh xuống Chợ Long Hoa, làm như một quảng trường lớn, xe cộ phải đi vòng chung quanh.

Báo Quốc Từ cất theo hình lục giác đều, hai mặt trước và sau có đắp đôi liễn nơi cổng chánh nói lên sự tôn kính đối với các bực anh hùng chí sĩ xả thân bảo vệ tổ quốc, xây dựng giang sơn. Ðôi liễn nầy do Ngài Hiến Pháp HTÐ đặt ra:

保守基圖英雄揚氣魄

護持國運志士顯威靈

Bảo thủ cơ đồ anh hùng dương khí phách,

Hộ trì quốc vận chí sĩ hiển uy linh.

Nghĩa là:

Bảo thủ cơ đồ, người anh hùng nêu cao khí phách,

Hộ trì vận nước, người chí sĩ hiển lộ oai linh.

Trong Báo Quốc Từ, nơi bàn thờ chánh thì thờ Quốc Tổ Hùng Vương, các vị Cứu quốc công thần, chiến sĩ trận vong.

Bài vị thờ viết bằng Hán tự, chép ra như sau:

Chữ lớn hàng giữa: HÙNG VƯƠNG QUÂN CHI THỈ.

Hàng bên trái: CHIẾN SĨ TRẬN VONG.

Hàng bên phải: CỨU QUỐC CÔNG THẦN.

 











 

Trong Báo Quốc Từ (BQT) cũng thờ linh vị các vua nhà Nguyễn có tinh thần cách mạng chống Pháp đô hộ như: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, và nhà cách mạng Cường Ðể.

Cho nên, trong buổi lễ Khánh Thánh Báo Quốc Từ ngày 16-8-Ất Mùi (dl 1-10-1955), Ðức Phạm Hộ Pháp có nói:

"Nơi Ðền thờ nầy, các Ngài đã thấy linh vị của mấy vị Cựu hoàng và Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể, xin các Ngài đừng tưởng lầm rằng: Ðạo Cao Ðài đã xu hướng theo thuyết bảo hoàng, mà kỳ thật các Ðấng ấy chỉ liệt vào hạng trung quân ái quốc của VN mà thôi, vì công nghiệp của họ là tranh đấu giải ách lệ thuộc cũng như các chiến sĩ cách mạng khác kia vậy.

Tưởng niệm tới lễ ấy nên Hội Thánh mới quyết định lập Báo Quốc Từ (BQT) thờ trọn cả các vong linh của các anh hùng chiến sĩ, cứu quốc công thần cùng là trận vong chiến sĩ.

Hôm nay các anh linh chư vị anh hùng tiền bối và hậu bối đang ngự trị trong khối Quốc hồn của ta và đang vơ vẩn bên ta. Giờ phút thiêng liêng nầy, Bần đạo xin các Ngài hiệp tâm làm một cùng Bần đạo thành một khối tưởng niệm duy nhứt đặng cầu xin các Ðấng ấy giúp cho nòi giống ta khỏi cơn ly loạn, cốt nhục tương tàn, đặng đem hạnh phúc hòa bình lại cho nước nhà và cho toàn thiên hạ."

Hoàng thân Tuy Lý Vương Tôn Ưng An Thúc Dật Thị được mời dự lễ Khánh Thánh Báo Quốc Từ ngày 16-8-Ất Mùi (dl 1-10-1955), Ông có viết một bài cảm tưởng, đại ý như sau:

"Trước cảnh các tín đồ Cao Ðài nam nữ kéo đến BQT niệm hương, lễ bái thành kỉnh, tôn sùng anh linh của các bậc tiền nhân, thật làm cho kẻ thân tộc nầy không sao tả xiết nỗi cảm kích tri ân, nó xúc động cả tâm hồn. Những sự tai nghe mắt thấy đã đưa người xem từ cái mới lạ nầy qua cái mới lạ khác. Khi tôi trở về Sài Gòn, cảm thấy tinh thần rất khoan khoái, tâm trí nhẹ nhàng:

THI:

Muôn vàn cảm tạ các chơn linh,

Ẩn ước Thiên cơ chỉ giáo mình.

Ðôi ngả âm dương tuy cách biệt,

Một niềm thành kính thấu U Minh.

U Minh hiển hiện giữa quang minh,

Quá khứ tương lai kể sự tình.

Báo quốc tinh trung gương vạn cổ,

Ân cần khuyên nhủ khách tài danh."

Ðức Phạm Hộ Pháp cho xây dựng BQT ngay giữa đường, không bên tả, không bên hữu, cũng không ở đầu đường hay cuối đường, có ý nghĩa là công nghiệp của mỗi vị vua vẫn còn dang dở nửa chừng, cần có sự nối tiếp của các thế hệ sau.

Trong dịp trùng tu và làm hàng rào bao quanh BQT, rồi làm lễ Khánh thành ngày 20-10-Bính Ngọ (dl 1-12-1966), Ngài Lê Bảo Thế có đọc bài diễn văn và thuật lại như sau:

"Người Việt chúng ta từ ngàn xưa đã sẵn chất chứa trong cõi lòng một nguồn tri ân nồng hậu đối với những nhân vật nào, dầu xa dầu gần, bất luận người bổn xứ hay khách ngoại bang, đã chơn thành hy sinh tấm thân trần cấu, giúp hộ cho quốc dân ta, tạo dựng một uy lực hùng cường trong quốc nội hay lập nên một ngôi thứ gì trong vạn chủng. Tình giao hảo giữa người thi ân và kẻ thọ ân bắt buộc như thế, cho nên, để lưu niệm thành tích của nhiều đấng Tiên Vương trong hiện kim thời đại, Ðức Hộ Pháp xây cất ngôi BQT nầy thành hột kim cương chói rạng miền Nam VN, lại đặt vị trí nơi trung tâm Châu Thành Thánh Ðịa, thật là một may duyên hy hữu. . . .

Nhưng vận mạng Việt Thường còn truân chuyên thống khổ, nên sau khi vua Gia Long tức vị thì nước VN bị Pháp tóm thâu làm thuộc địa. Một lần nữa, dòng châu kia chưa ráo, lệ thảm nọ lại tuôn, quân khí ta lẫy lừng định kế chống ngoại xâm. Ngặt nỗi sức yếu cô đơn, chư liệt Vương: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, lần lượt bị biếm và đồ lưu hải ngoại, rồi gởi xác nơi xứ lạ quê người. Ðức Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể cũng bôn ba ra khỏi nước, rồi khuất bóng ngàn thu nơi đất khách, song nắm tro được đem về đất nhà. Chính Ðức Hộ Pháp buổi nọ thân hành vượt đại hải trùng dương qua xứ Phù Tang, thỉnh tro về cho còn di tích công thần nhà Nguyễn, và nơi Chánh điện nầy là bài vị của tứ vị Tiên Ðế đó. Thương thay! Chí cả của chư Tiền Vương tuy bị chôn lấp trong thất bại, nhưng hồn nước VN nhờ chí cao cả ấy mà tăng phần hiển hách, giữ mãi còn dân khí bất khuất trước sự bất công và sức mạnh.

Ngộ nghĩnh một điều và cũng là may mắn một dịp bất trùng lai là tôi cùng ông bạn Thời Quân Tiếp Pháp, trong thời kỳ học hỏi riêng với các Ðấng thiêng liêng hồi năm Ất Mùi (1955), Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy chúng tôi thủ lễ, có ba vị Cựu Hoàng đến.

* Ðầu tiên là Việt Nam Ðại Quốc HÀM NGHI:

Cô nhân thiệt cảm đội ơn sâu của Ngự Mã Thiên Quân, quí Thiên Sứ và Hội Thánh. Nhân nhìn lại xã tắc mà đau lòng, tuy trước đã chẳng nên trò, nay vẫn vậy. Thật là tang thương quá đỗi!

THI:

Nhìn ra xe ngựa cõi phồn ba,

Giống trống trời Nam hiệp nước nhà.

Ðem mối cựu thù tô xã tắc,

Ðịnh giềng tận thế cứu san hà.

Vì do quyền lợi nên đành vậy,

Ấy bởi hư danh mới thế à!

Cứu khổ từ đây nhờ Ðạo pháp,

An dân lập quốc tại Kỳ ba.

Cô nhân xin cảm ơn và xin được phép lui gót.

* Kế tiếp là: THÀNH THÁI chi quân:

Xin chào chư Ðại Thiên Phong và Tiểu Thiên mạng.

THI:

Tách bước đồ lưu nhớ hận nhà,

Buồn cho thân thế đã về già.

Mong nhờ liệt sĩ toan trau sửa,

Ðắp điếm non sông gấm vóc ta.

* Ðoạn tới vua DUY TÂN:

Tiểu vị kính chào quí Ðại Ðức, quí Thiên ân.

THI:

Mở lối nghĩa nhân quét hận thù,

Qua dòng tân khổ quốc gia thu.

Cái gia khô cổ, nay nhờ Ðạo,

Về cõi Hư linh cũng vận trù.

(Cái gia là con đa đa)

* Sau hết là NGUYỄN CƯỜNG ÐỂ:

Kính mừng chư Chơn Quân và Thiên phong. Cười . .

Xin để lời cám ơn và mừng Bảo Thế Chơn Quân chi đức.

THI:

Vị quốc bôn ba ở nước ngoài,

Chí mong chưa đoạt đoạn trần ai.

Tủi mừng đâu biết giờ tiền định,

May đặng duyên xưa ngự quốc đài."

Bốn bài thi giáng cơ của 4 vị Tiên Vương nói trên được dùng làm 4 bài thài hiến lễ cho 4 vị khi cúng tế nơi BQT.

Mỗi năm tại Báo Quốc Từ, Hội Thánh có thiết lễ cúng tế thường lệ vào năm ngày, kể ra như sau:

·         Ngày 16 tháng Giêng âl: Thượng Nguơn.

·         Ngày 10 tháng 3 âl: Giổ Tổ Hùng Vương.

·         Ngày 16 tháng 7 âl: Trung Nguơn.

·         Ngày 16 tháng 8 âl: Trung Thu.

·         Ngày 16 tháng 10 âl: Hạ Nguơn.

Cũng trong dịp lễ Khánh thành sự trùng tu nầy, Ðức Cao Thượng Sanh ban huấn từ, trích đoạn ra sau đây:

"Vì muốn tôn thờ cái tinh thần vị quốc vong thân đó, nên Ðức Hộ Pháp có sáng kiến xây dựng ngôi BQT để làm nơi hương hỏa phụng sự các Ðấng Tiền Vương, các bậc anh hùng đã dày công với tổ quốc. Ðại Ðạo có phận sự bảo tồn quốc túy, giữ cho còn mãi cái hay cái đẹp đó hầu roi truyền cho con cháu đời sau. Lòng ái quốc chơn chánh của Ðức Hộ Pháp đã làm cho toàn Ðạo mãn nguyện. Nay Hội Thánh tiếp tục gìn giữ dấu tích của Ðức Ngài và tô điểm cho nó còn mãi vẻ uy nghiêm.

Ðạo thì dụng từ bi bác ái, cứu khổ nâng nguy. Ðời thì dụng tiết tháo anh hùng, trung can nghĩa khí... Cho nên dù trong cửa Ðạo hay Ðời, những bậc siêu phàm đều có giá trị hiển hách ngang nhau.

Trải thân hữu dụng để phục vụ cho Ðạo và nhơn sanh, hay lấy chí anh phong để phụng sự quốc gia, gìn giữ biên cương lãnh thổ. Khi nợ trần giũ sạch, nhục thể trả lại cho lòng đất thì dầu Ðạo hay Ðời, những linh hồn bất diệt cũng đều được hưởng sự ban thưởng thiêng liêng, qui hồi cựu vị.

Cái gương của Quan Thánh Ðế Quân được phong Phật vị và Ðức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được đứng vào hàng Tiên vị, đã chứng cho chúng ta thấy sự cầm quyền thưởng phạt công bình của Ðức Chí Tôn. Một người thì đem tài bách chiến và khí phách anh hùng để phò vua giúp nước; một người thì dụng văn chương bác lãm để trị quốc an dân. Hai Ðấng ấy chẳng phải vì tu hành mà vì nơi tâm chí quá cao siêu, nên được thủ đắc thiêng liêng vị.

Vậy tôi mong ước cho chư Ðạo hữu nam nữ nên nhận thức được cái ý nghĩa cao quí của Báo Quốc Từ." (Tài liệu của Hồng Ân Nguyễn Ngọc Ấn)

BÀI KINH CÚNG NƠI BÁO QUỐC TỪ
Năm Giáp Thìn 1964

Hương đăng hoa quả kính dâng,

Tửu trà cung hiến Linh Thần chứng minh.

Giúp cho thiên hạ thái bình,

An cư lạc nghiệp Giáp Thìn đương niên.

Cầu xin các Ðấng Thánh Hiền,

Hộ trì Ðại Ðạo đủ quyền chuyển xây.

Bắc Nam hòa hiệp Ðông Tây,

Bốn biển huynh đệ sum vầy một nơi.

Nhứt tâm tín ngưỡng Ðạo Trời,

Thực hành nhơn nghĩa, lập đời Thượng Nguơn./.

 

Báo ứng nhãn tiền

報應眼前

A: The retribution of acts before the eyes.

P: La rétribution des actes devant les yeux.

Báo: Ðáp lại. Ứng: Hiển hiện một cách mầu nhiệm. Nhãn: Con mắt. Tiền: Trước. Nhãn tiền: Ngay trước mắt.

Báo ứng nhãn tiền là báo đáp trở lại một cách hiển hiện lẹ làng trước mắt, không phải chờ đợi lâu.

Sự báo ứng nầy xảy ra ngay trong một kiếp sống, xảy ra liền sau đó, hoặc sau vài năm. Do đó, sự báo ứng nhãn tiền còn được gọi là Tốc báo (Báo ứng cấp tốc).

Sự báo ứng xảy ra chỉ là thi hành theo đúng Luật Nhân Quả: Chưởng qua đắc qua, chưởng đậu đắc đậu. (Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu). Nhân nào quả nấy, không bao giờ sai chạy, chỉ có thời gian quả báo lâu hay mau mà thôi.

Ðó là Luật Công Bình thiêng liêng của Tạo Hóa.

TNHT: Nhãn tiền báo ứng dễ đâu sai.

TNHT:Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BẢO

BẢO

1.    BẢO: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng.
Td: Bảo Ðạo, Bảo hộ.

2.    BẢO: Quí báu. Xem: BỬU.

 

Bảo Ðạo

保道

A: Religious Conservator.

P: Conservateur Religieux.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Ðạo: Tôn giáo.

Bảo Ðạo là một phẩm Chức sắc của Thập nhị Thời Quân HTÐ, thuộc chi Ðạo, dưới quyền trực tiếp của Thượng Phẩm.

Bảo Ðạo là Ðầu Phòng Văn của Thượng Phẩm.

Khi tiếp nhận giấy tờ do Hiến Ðạo dâng lên, thì Bảo Ðạo phải gìn giữ cho bí mật, kín nhiệm, làm tờ lý đoán binh vực chiếu y theo Luật Ðạo, rồi dâng lên cho Thượng Phẩm đặng Người lo phương bào chữa.

Theo Hiếp pháp của HTÐ, trách nhiệm của Bảo Ðạo là bảo tồn luật Ðạo, bảo hộ những điều cần ích cho Ðạo đã ra mặt luật rồi.

Ðạo phục của Bảo Ðạo có 2 bộ: Ðại và Tiểu phục.

Bộ Ðại phục: toàn hàng trắng, cổ trịch, viền chỉ kim tuyến bạc, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo (Mão Quạ) cũng bằng hàng trắng, lưng nịt dây Lịnh sắc thả mối bên hông mặt (để chỉ rằng thuộc Chi Ðạo), chơn đi giày Vô Ưu màu trắng.

Bộ Tiểu phục: cũng toàn hàng trắng, lưng nịt dây Lịnh sắc y như Ðại phục, đầu đội Hỗn Nguơn Mạo y như Tiểu phục của Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, trên mão có để cổ pháp Thượng Phẩm (Long Tu Phiến và Phất Chủ), chơn đi giày Vô Ưu màu trắng.

Khi hành chánh thì mặc Tiểu phục, còn Ðại phục chỉ mặc khi Ðại lễ.

Ngoài ra, Ðức Phạm Hộ Pháp còn cho chư vị Thời Quân thêm một kiểu Ðạo phục nữa là:

Áo cổ bẻ, có yếm tâm ở trước ngực, tay ráp rộng 25 phân. Mão Tam Quang (Nhựt Nguyệt Tinh) tức là kiểu mão của Ðức Khổng Tử trị thế ngày xưa, màu trắng, có thêu chữ kim tuyến vàng, trước mão thêu NHỰT ở giữa, NGUYỆT bên hữu, TINH bên tả (của cái mão) trong vòng Minh khí, mặt Nhựt có cổ pháp của Thượng Phẩm. Mỗi bên hông mão có thêu 6 ngôi sao 8 góc và 6 đường Linh khí.

Ðạo phục nầy dùng để hành lễ ngày thường.

Khi Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTÐ ngày 12-1-Ðinh Mão (dl 13-2-1927), Ðức Chí Tôn phong Ngài Ca Minh Chương vào chức Bảo Ðạo.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

 

Bảo Ðạo Ca Minh Chương (1850-1928)

Trong Thập nhị Thời Quân, Ngài Ca Minh Chương lớn tuổi hơn hết và đăng Tiên sớm hơn tất cả.

Ngài Ca Minh Chương sanh năm 1850 (tuổi Canh Tuất) tại ấp Thanh Ba, làng Mỹ Lộc Tây, tổng Phước Ðiền Trung, quận Cần Giuộc, trong một gia đình thấm nhuần Nho giáo. (Ngài Ca Minh Chương cùng quê với Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung).

Ngài được dân chúng làng Mỹ Lộc cử lên làm chức Hương Bộ trong làng. Sau một thời gian, Ngài chán nãn việc làng xã nên xin nghỉ và đi dạy học.

Hiền nội của Ngài Ca Minh Chương là Bà Phạm Thị Kế (1860-1933), Ông Bà sanh được một con gái đặt tên là Ca Thị Thế (1884-1956).

Ðầu năm 1926, ngày 3-4-1926 (âl 21-2-Bính Dần), Ðức Chí Tôn giáng cơ tại Vĩnh Nguyên Tự, Ngài Ca Minh Chương có hầu đàn, được Ðức Chí Tôn ban cho bốn câu thi và thâu nhận Ngài vào hàng môn đệ.

THI:

Thế thượng hề vô bá tuế nhân.

Thất tuần dĩ định vấn thời quân.

Ưu tư mạc vọng thường vô lộ,

Nghiệp trái tùy căn định số phần.

Khoảng tháng 5 năm Bính Dần (1926), Ðức Chí Tôn cho lập sáu đàn cơ để phổ độ nhơn sanh, trong đó có một đàn cơ lập tại nhà Ông Cựu Hội Ðồng Ðịa Hạt Nguyễn Văn Lai ở Tân Kim quận Cần Giuộc, quan Phủ Nguyễn Ngọc Tương và Ngài Lê Văn Lịch thay phiên chứng đàn, hai Ngài Ca Minh Chương và Phạm Văn Tươi phò loan, để dân chúng đến hầu đàn, nhập môn cầu Ðạo.

Ngày Khai Ðạo tại chùa Gò Kén, 14-10-Bính Dần (dl 18-11-1926), Ðức Chí Tôn lập tịch Ðạo Nữ phái, phong cho Cô Ca Thị Thế vào chức Phó Giáo Sư (tức là Giáo Hữu), lấy Thiên ân là Hương Thế. Cũng trong đàn cơ nầy, Ðức Chí Tôn phong Bà Lâm Ngọc Thanh là Nữ Giáo Sư, Thánh danh Hương Thanh. [Trong bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn gọi Ca thị Thế là Ca thị]

Khi Ðức Chí Tôn lập PCT HTÐ, ngày 12-1-Ðinh Mão (dl 13-2-1927), Ðức Chí Tôn phong Ngài Ca Minh Chương chức Bảo Ðạo, nên người ta thường gọi Ngài là Ca Bảo Ðạo.

Ðức Chí Tôn khai khiếu cho Ngài Ca Minh Chương, để Ngài ngồi phò loan cùng Ngài Hiến Ðạo Phạm Văn Tươi, lập thành cặp Phò loan truyền đạo trong buổi sơ khai.

Ðức Chí Tôn giáng cơ cho Ngài Ca Bảo Ðạo bài thi để an ủi cho hoàn cảnh gia đình bi thảm của Ngài:

Thấy con gia đạo tợ tơ cuồn,

Chạnh đến lòng Thầy dạ ướm tuôn.

Ngặt nỗi vợ nhà đau dã dượi,

Khật khùng con trẻ nói luông tuồng.

Khiến nên mai đảnh khơi màu trắng,

Cho đến tòng lâm trổ sắc buồn.

Công quả đã đành công quả đủ,

Nay đem ba kiếp dập dồn luôn.

Qua bài thi trên, Ðức Chí Tôn cho biết: Ðức Chí Tôn cho gia đình của Ngài Ca Bảo Ðạo nhồi quả ba kiếp nhập lại trả trong một kiếp nầy: Ngài bị bịnh, vợ cũng bị bịnh, con bị điên khùng. Nay phải ráng chịu đựng để trả trong kiếp nầy cho sạch nợ tiền khiên thì mới có thể trở về cựu vị.

Ngài Ca Bảo Ðạo hành quyền Bảo Ðạo được một thời gian gần ba năm thì Ngài đăng Tiên ngày 19-10-Mậu Thìn (dl 30-11-1928), trở về thiêng liêng vị, hưởng thọ 79 tuổi.

Lễ An táng của Ngài được tổ chức rất trọng thể tại quê nhà của Ngài, và bửu tháp được xây cất tại đây. (Sau nầy Hội Thánh lấy cốt, cải táng, đưa về nhập Bửu tháp tại phần đất dành riêng để xây tháp cho Thập nhị Thời Quân, ở Ngã Ba Ao Hồ, Châu Thành Thánh địa, Tây Ninh)

Bài Thài tế lễ Ngài Ca Bảo Ðạo:

Thủ phận rước hồn kíp phục hồi,

Gạn công tính quả định theo ngôi.

Sạch trong tâm tánh lo trau trước,

Cân tạo công bằng chẳng để lơi.

Bảo Ðạo Chơn Quân

Ngài Ca Bảo Ðạo có giáng cơ cho bài thi:

Từ đây ra khỏi chốn nhơn gian,

Thủy tú sơn tinh thích chí nhàn.

Vì bởi lục căn lòng chẳng bợn,

Cho nên mới đặng nhập Tiên bang.

Qua bài thi nầy, chúng ta nhận thấy rõ, Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương đã đắc Tiên vị nơi cõi Thiêng liêng.

Ngay sau khi Ngài Ca Bảo Ðạo đăng Tiên, Ðức Chí Tôn giáng cơ ban cho bài Thánh ngôn dạy như sau:

Ngày 30-11-1928 (âl 19-10-Mậu Thìn).

Phò loan: Hộ Pháp - Bảo Pháp.

Thầy, Các con.

Ðại lụy! Cái thảm trạng chia lìa ngày nay có thể làm cho các con vì đau đớn mà biết thương yêu nhau chăng?

Thảm! Từ thử có một mình Bảo Ðạo là niên cao kỷ trưởng hơn các con hết, mà buộc Thầy phải đem về thì tưởng các con đủ biết mình là côi cút về đường Ðời không ai đủ trí thức hoàn toàn mà binh vực các con nữa, thì mới biết lập mình có đủ khôn ngoan tài tình đạo đức thì địa vị các con mới trở nên cao đặng.

Thầy đôi phen phải buộc lòng lấy hình phạt mà làm ra phần thưởng, các con đã hiểu Ðạo đặng chút ít, Thầy tưởng chẳng cần phải cạn lời, Thầy khuyên các con lấy "CHƯƠNG" làm dây thân ái mà buộc nhau, mới đặng hòa nhã nơi HTÐ.

Thầy cho phép các con làm lễ táng cho nó long trọng, hầu nêu gương cho hậu tấn.

TẮC! Phải biểu CƯ xuống cho kịp đặng làm lễ y như lời Thầy dạy đám táng của THỤ, nhớ đừng bỏ nữa nghe!

Thầy cũng nhắc lại với con rằng: Ðủ ba năm phải thiêu hài cốt, lên tượng đặng đem nó vào Bát Quái Ðài nghe!

Nơi mộ nó phải để quan tài khỏi mặt đất một tấc mà đắp xây tháp y như lời Thầy đã dặn. Trên mặt tháp để chữ vàng: "BẢO ÐẠO CHƠN QUÂN" nhớ à!

(Trích trong Thánh giáo chép tay tr. 42 của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Tr. Hậu)

Ghi chú:

CHƯƠNG: Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương.

TẮC: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

CƯ: Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.

THỤ: Ðức Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ.

 

Sau đây là Bài Ðiếu Văn của Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung điếu Bảo Ðạo Ca Minh Chương qui vị:

Chư Hiền Hữu, Hiền Tỷ, Hiền muội,

Từ ngày Khai Ðạo, lần nầy là lần thứ ba, tôi vì phận sự nên phải dự vào việc tống chung ba vị Ðại Ðức trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ: Năm Dần Ông Thượng Tương Thanh, Thượng Chưởng Pháp ly trần ngày mồng 5 tháng 1 mãn phục; năm nay tháng 3 Ðức Nho Tông Chưởng Pháp Trần Ðại nhơn liễu đạo. (Ngọc Chưởng Pháp Trần văn Thu).

Ấy là hai vị Ðại Ðức bên CTÐ, ngày nay Ông Ca Minh Chương thọ Thiên ân Bảo Ðạo HTÐ qui Thánh.

Theo thế tình, tôi cũng rơi lụy mà tỏ lòng bi ai nơi mộ phần chưa ráo đây. Con người thây phàm xác thịt ai tránh khỏi sự yêu thương, tình chồng vợ đầu ấp tay gối, khó giàu có nhau, cang thường nghĩa trọng, cha con hui hút sớm trưa, công sanh thành dưỡng dục bằng non biển; người đồng đạo tất con một CHA, tâm hiệp ý hòa, chia vui sớt nhọc, ngảnh lại mấy năm tình ấy rồi xem cảnh hôm nay, người qui Thánh nương bóng Ðức Cao Ðài, kẻ còn lao nhao lố nhố nơi bể khổ sông mê. Ôi! Gặp cuộc phân ly như thế, không ngăn giọt lụy, cảnh sầu bi nầy làm cho ruột thắt gan bào.

Anh Bảo Ðạo ôi! Thương vì nhớ mấy lúc cùng nhau hội hiệp, khi thi phú, lúc cờ bàn nơi Tòa Thánh. Nhớ đến tiếng cợt tiếng cười, thương vì nghĩa, rồi đây xác phàm của anh phải ở đồng trống sương gieo, thương vì thế, vì bình bồng, có ai giữ mồ trăm năm, lâu rồi cũng là mồ hoang cỏ loáng, thương nỗi vợ yếu trông chồng nhìn cảnh sầu khuya với ngọn đèn leo lét, thương cuộc con ngây, bặt vắng lời châu ngọc của cha hiền đức, nhìn nơi đây đồng không mông quạnh, nhớ tới xác phàm anh ở chỗ như thế thì khó lấp cơn sầu,mà nghĩ kỹ thì Chơn linh vẫn còn, vì anh hữu duyên nên gặp ÐạoTrời rộng mở TKPÐ.

Mấy năm dư, anh đã mượn nâu sồng lánh tục, anh vui cùng sanh chúng. Nay hồn lìa khỏi xác, vẹt ngút mây xanh trông vào Cực Lạc an nhàn, non chiều hạc gáy, động tối qui chầu, nghĩ đến đó lấp đặng mạch sầu. Nên tôi mới tỏ ít câu sau đây nhắc công nghiệp của anh đối cùng xã hội.

Tôi xin nhắc một ít công lao của Bảo Ðạo trong đường Ðời và trong Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Nguyên anh là người nhao rún ở ấp Thanh Ba làng Mỹ Lộc Tây, tổng Phước Ðiền Trung, huyện Phước Lộc. Hồi anh còn thiếu niên, gặp nhiều bậc Nho văn Hiền triết, cư trú trong huyện Phước Lộc, như Ông Ðồ Chiểu, Ông Cống Quỳnh, vv...

Ông Ca Minh Chương cũng là chí Thánh, lúc làm Giáo huấn là lo Nhơn đạo, mà người cũng gần lo Thiên đạo. Anh trường chay giữ giới thọ giáo đạo Minh Sư, có câu kinh: Bá niên vạn kiếp nan tao ngộ, trăm năm muôn kiếp khó mà gặp mối Ðạo khai. Ông Ca Minh Chương hữu duyên hữu phần, nên gặp lúc Trời khai Long Hoa Tam Hội.

Tôi xin nhắc lại, năm Bính Dần, hội Thượng nguơn, tôi cùng hai em: Cư, Tắc, thọ Thánh chỉ đi phổ độ tại huyện Phước Lộc nầy, khi ấy Ông Ca Minh Chương đã có hầu đàn nghe lời châu ngọc của Ðấng Ðại Từ Bi. Người hữu duyên mau hiểu lời Thánh giáo, nên người liền nhập môn cầu Ðạo. Qua hạ tuần tháng 2 năm đó, ba anh em tôi thọ Thánh chỉ xuống Vĩnh Nguyên Tự ở 10 ngày học đạo, khi đó Ông Ca Minh Chương cũng theo xuống Vĩnh Nguyên Tự.

Có một bữa, Ðại Từ Phụ khai khiếu cho Ông Ca Minh Chương. Hồi mới khai khiếu, ba anh em tôi ngơ ngơ ngáo ngáo không hiểu chi hết, tưởng là Ðạo hữu Chương niên cao kỷ trưởng mắt mờ nên Ðại Từ Phụ khai khiếu cho sáng láng, ngõ hầu khi nào Ðại Từ Phụ giáng cơ viết Hán tự thì Ðạo hữu Chương coi đọc cho dễ, té ra không phải vậy, mình bàn theo trí phàm, thiệt rất lạc lầm.

Ðức Chí Tôn khai khiếu cho Ông Chương là để cho người làm phò loan đặng đi phổ độ. Không bao lâu sau, người cùng Ðạo hữu Phạm Văn Tươi, là hai Chức sắc HTÐ phò loan đặng phổ độ nhiều nơi. Lúc ấy, Ông Bảo Ðạo sức kém lực suy mà nhờ huyền diệu thiêng liêng bảo hộ nên người lập được công quả.

Nhớ lúc Ông dầm mưa trải nắng, thiệp hải đăng sơn, sức tuy yếu mà chí chẳng sờn, không kém gì Huỳnh Trung buổi trước, nghĩ mấy hồi ma khảo, người vô tâm ngăn phá Ðạo Trời mà anh cũng thìn một dạ, thiệt chí hào kiệt, trí tri dễ núng, khiến lụy anh hùng đây. Trước nhờ Ðấng Chí Tôn dìu hồn anh đem về cõi thọ.

Ông Bảo Ðạo, lúc gần qui vị, linh quang anh thiệt tinh tấn, nhớ đến mấy lời châu ngọc anh than cùng tôi, thiệt ruột dường dao cắt. Anh nhắc những ân anh thọ nơi Bác tôi, khi anh lo việc hương đảng, anh khiêm từ đến đỗi cung tụng những việc phải của tôi đối đãi với anh khi anh làm Giáo Thọ, ấy là nhơn nghĩa anh giữ vẹn, thiệt anh là chí Thánh đó. Anh than cùng tôi, anh buồn lo vì nhiều kẻ tính riêng, người toan tự lập, còn phận anh thì thủy chung như nhứt, cứ do Tòa Thánh.

Nay anh về Tiên cảnh, xin cũng chung lo giúp Ðạo đặng tâm hòa như một, xin anh chứng lòng thảo của mấy em.

Hôm nay làm lễ tiễn hành, đưa linh hồn anh về Cực Lạc, an nhàn Bồng Lai.

Huy lụy

THƯỢNG ÐẦU SƯ Thượng Trung Nhựt

 

Sau đây là Bài Văn Tế của Ðức Phạm Hộ Pháp đọc tại Bửu tháp của Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương (nơi sanh quán):

Ôi! Cấp Cô Ðộc vườn thiền quạnh quẽ,

Hội Thanh Vương chợ thế đìu hiu.

Dấu xe lìa nước Lỗ đóng rong rêu,

Bầu rượu lạt nhà Nam đầy bụi đất.

Cuộc đời giống huỳnh lương một giấc,

Mà kiếp phù sinh là phướn chiêu Tiên,

Cõi trần là khổ hải muôn phiền,

Song cơ thoát tục là thuyền Bát Nhã.

Thất tuần thọ, đời cho rằng lạ,

Ngoài phong vân chưa phải sống bao lăm?

Tam bửu linh Ðạo dạy không lầm,

Trong võ trụ, cầu nhàn âu mấy kẻ?

Nhớ Linh xưa,

Tánh hạnh hiền lương, ngôn từ nhỏ nhẹ,

Trên lớn thương yêu, dưới bé kỉnh nhường,

Nét gia phong cửa Khổng để nêu gương,

Phương hóa chúng, học đường ra huấn giáo.

Công xã hội, công trình ngồi chép Ðạo,

Kế hoằng dân, nghĩ đến lắm công lao.

Vẻ quan viên tuy chẳng áo cẩm bào,

Bề đạo đức đáng vào Tòa Bát Quái.

Hỡi ôi! Vợ già yếu, gái thời ngây dại,

Nối lửa hương, ngó lại vắng người.

Theo linh xa một gái chơi vơi,

Phò giá triệu bóng trời không kẻ đậy.

Kìa gia tộc ruột rà còn đấy,

Sao Anh không ngồi dậy nói đôi điều?

Ðể đau thương cho kẻ mến người yêu,

Nhìn niếp tử chín chiều ruột héo.

Từ đây phủi cuộc trần lạnh lẽo,

Phận phàm Tiên hai nẻo khác đường,

Ðể các em nuốt thảm ngậm thương,

Tình bậu bạn một trường đành cách biệt.

Hay Anh tránh tình đời xảo quyệt,

Nhắm mắt không muốn biết lòng phàm.

Hay Anh xem thế sự đã nhàm,

Ði cho rảnh tiếng tham chung đỉnh.

Hay không thắng đặng đời, Anh phải nhịn,

Về cõi Tiên toan tính phép chiêu hồn.

Hay sợ đời lắm sự dại khôn,

Về cõi thọ bảo tồn câu chánh lý.

Tuy đã biết tử qui sanh ký,

Câu biệt ly ai nghĩ cũng đau lòng,

Chữ đồng môn tình lại mặn nồng,

Ai gan sắt dạ đồng không đổ lụy.

Trước linh cữu, các em cùng chị,

Cúi đưa Anh an nghỉ giấc ngàn thu.

Nguyện hương hồn bền giữ căn tu,

Miền Cực Lạc ngao du nơi đất Thánh.

Chung rượu lạt, lòng thành xin kính,

Dâng đưa Anh đặng tỏ chút tình.

Hồn linh xin chứng,

Phục vi thượng hưởng.

PHẠM HỘ PHÁP

Thuở sinh tiền, Ngài Ca Bảo Ðạo rất ít làm thơ.

Sau đây, chúng tôi sưu tầm được một bài thơ đường luật của Ngài, họa vận bài thơ CHỮ BẦN của Ngài Thuần Ðức Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Ngài đề bên dưới bài thơ của Ngài là: Giáo Chương, tức là thầy giáo Ca Minh Chương.

Chi bận trần gian nẻo phú bần,

Dốc tìm đường cả đẩy đưa chân.

Kinh luân chí dễ an thân phận,

Hồ hải tình mong lánh nợ nần.

Vui lại ngổn ngang dòng nước trí,

Buồn về lẩn bẩn khóm non nhân.

Huỳnh Ðình mấy cuốn hằng ngâm đọc,

Ngỏ họa thân sau khỏi bợn trần.

Giáo CHƯƠNG

Tại Minh Thiện Ðàn ở Phú Mỹ (Mỹ Tho), Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương giáng đàn ngày 25-7-1929, cho bốn câu thi khuyến tu, khoán thủ Bảo Ðạo Chơn Quân:

BẢO người ở thế gắng công tu,

ÐẠO đức cao thâm vẹt ngút mù.

CHƠN chất thành tâm thì biện bạch,

QUÂN năng ưu Ðạo lập công phu.

THĂNG

Tại Tòa Thánh, ngày 9-10-Kỷ Sửu (dl 28-11-1949), Ngài Ca Bảo Ðạo giáng cơ, xin chép ra sau đây:

BẢO ÐẠO CHƠN QUÂN

Mừng mấy em văn thần võ sĩ của Chí Tôn,

Hèn lâu, Qua mới gặp đặng mấy em, vì Qua mắc lo với Ðức Cao Thượng Phẩm cho cơ Ðạo đặng mau chóng để làm gương cho mặt thế ngày nay, cho toàn cả nhơn sanh đặng biết nhiệm mầu huyền vi của Ðức Chí Tôn và cả chư Thần Thánh Tiên Phật. Nay đã đến thời kỳ Năm Châu đặng hiểu biết mối Ðạo Trời. Vậy mấy em ráng lo sao cho tròn phận sự một người con hiếu của Chí Tôn.

Từ tạo Thiên lập Ðịa tới giờ, biết bao Thần Thánh Tiên Phật thọ lịnh Ngọc Hư xuống trần dạy Ðạo, nhưng vì vật dục sở tế, khí bẩm sở câu, làm cho cả con cái Chí Tôn đều bị nhiễm trần mà không đặng hồi cựu vị.

Nay các em đã lãnh lịnh Ngọc Hư mà nỡ để cho sanh linh chịu hồi chìm đắm hay sao? Mấy em nên cầm cờ Ðạo đi khắp mọi nơi, rồi làm như quan Phương Bá nhà Châu để dựng nền nhơn nghĩa cho đời rõ thấu.

Có vậy, nhơn sanh hiểu đặng rồi mới nạp mình vào cửa Thánh. Bằng chẳng vậy thì nhơn sanh lầm đường lạc nẻo rất nhiều, lại uổng một kiếp sanh đã gặp kỳ Khai Ðạo, đến lúc lâm chung, hồn ra khỏi xác rồi mới biết tự hối ăn năn mà phải chịu luật Thiên điều trừng trị. . . Biết bao phen mới trở về cùng Ðức Chí Tôn đặng.

Thôi, Qua mừng chung mấy em. THĂNG.

Ngài Ca Bảo Ðạo giao quyền Bảo Ðạo tại thế cho Ông Hồ Tấn Khoa:

■ Ngày 7-Giêng-Canh Dần (dl 23-2-1950), Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ tại Báo Ân Từ nói với Ðức Hộ Pháp:

"Bần đạo đến cốt yếu đặng cậy Hộ Pháp, rằm tới đây làm ơn phò loan cho Ca Bảo Ðạo đến nói về vụ Ông Khoa.

Theo ý của Ca Bảo Ðạo thì Người nói rằng: Tốt hơn để cho Khoa tu luyện ít nữa mười năm thì mới đủ đạo đức tài tình mà chống cự cùng Cơ Khảo thí. Nếu đức tin chưa vững, e phải thối tâm thì rất nên oan uổng."

■ Ngày 15-Giêng-Canh Dần (dl 3-3-1950), Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương giáng cơ nói với Ðức Phạm Hộ Pháp và Ông Hồ Tấn Khoa:

"Bạn KHOA nghe:

Trước đã có lời hẹn với nhau,

Thì ơn tri ngộ đã dường nào.

Cửa Thiên đưa bạn vào chơn vị,

Cầm vững đạo mầu mới gặp nhau."

"Thưa Ðại huynh Hộ Pháp,

Bần đệ xin Ngài dìu dắt dạy dỗ dùm KHOA cho đến ngày đệ đến giao quyền Bảo Ðạo cho KHOA.

Thầy đã chấp thuận và có Thiên thơ tiền định. Cái thiệt phận của KHOA, Người đã hiểu biết.

Vậy, ngày nào Người chịu khảo duợt chẳng nổi thì Ngài nhắc nhở rằng: Cửa chứa chơn tinh phải cho xứng giá mới được."

■ Ba năm sau, ngày 13-8-Quí Tỵ (dl 20-9-1953), Ngài Ca Bảo Ðạo giáng cơ báo cho biết là ngày rằm tháng 8 năm Quí Tỵ tới đây, Ngài sẽ đến ban quyền Bảo Ðạo hữu hình cho Ông Hồ Tấn Khoa.

Khi Ông Khoa được Ðức Phạm Hộ Pháp cho biết tin nầy thì ngay đêm hôm sau là 14-8-Quí Tỵ (dl 21-9-1953), Ông Hồ Tấn Khoa liền làm một Bức Khải đốt dâng lên Ngài Ca Bảo Ðạo và Ðức Cao Thượng Phẩm. (Bức Khải là tờ sớ dâng lên để bày tỏ ý kiến).

Nguyên văn Bức Khải của ông Hồ Tấn Khoa, xin chép ra sau đây:

 

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

(Nhị thập bát niên)

TÒA THÁNH TÂY NINH


Thành kính bạch Ðức Ca Bảo Ðạo,

Ðệ tử là Hồ Tấn Khoa đặng nghe Ðức Phạm Hộ Pháp và quí vị Trần Khai Pháp với Lê Bảo Thế cho hay rằng, ngày rằm tháng 8 năm Quí Tỵ tới đây, Ðức Ngài sẽ đến để ban quyền Bảo Ðạo cho đệ tử .

Trước nhiệm vụ lớn lao ấy, đệ tử hết sức sợ sệt và lo lắng, vì đệ tử xét mình nặng mang phàm thể, phải bị lục dục thất tình trì níu, mà đệ tử chẳng đủ chí, đủ tài, đủ đức để chống chỏi cho nổi, nên với sức phàm nầy, đệ tử không sao gánh nổi nhiệm vụ giao phó.

Ðã vậy, từ ngày đệ tử đặng dịp về ở Tòa Thánh và hiểu biết mối Ðại Ðạo Cao Ðài thì đệ tử vẫn luôn luôn thắc mắc và khổ tâm khổ trí về chỗ Ðức Chí Tôn đã nói, mối Ðại Ðạo của Thầy chỉ có MỘT. Nhưng trái lại, sự thật hiển hiện trước mắt, đệ tử thấy nền Ðại Ðạo Cao Ðài hiện giờ chia ra đến 12 Phái, mỗi Phái đều lập qui mô sự nghiệp riêng, không sao hiệp nhứt đặng. Vì lẽ ấy nên khi nhập môn cầu Ðạo, đệ tử có lập đại nguyện xin với Ðức Chí Tôn ban bố huyền diệu giúp sức cho đệ tử đóng góp một phần công quả vào CƠ QUI NHỨT và cho đệ tử đặng thấy kết quả trong kiếp sanh nầy.

Bởi cớ nên đệ tử đã hết tâm gây dựng cho Phái Tiên Thiên hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh để lấy đó làm một cây cầu cho các Phái khác sớm hiệp về một mối.

Ðệ tử đã lao tâm khổ nhọc trong mấy năm trường, vừa hả dạ thấy Ðức Lý Giáo Tông chấp thuận chuẩn y phẩm vị (nhưng giáng nhứt cấp) cho các Chức sắc Tiên Thiên hiệp về Tòa Thánh, thì thình lình đất bằng sóng dậy, một cuộc khảo đảo quá sức nặng nề làm cho cây cầu Tiên Thiên phải tan rã theo bọt nước, và từ ấy, CƠ QUI NHỨT phải bị bế tắc.

Ngày nay, Ðức Ngài định giao quyền Bảo Ðạo cho đệ tử thì đệ tử khép nép dưng bức Khải nầy, cúi xin Ðức Ngài mở lượng khoan hồng giúp xin hai điều sau đây, nếu đặng thì đệ tử mới dám nhận:

1). Ðức Ngài và Ðức Cao Thượng Phẩm cố gắng thế nào cầu xin cho đặng Ðức Chí Tôn về hứa chắc với đệ tử rằng: Ðức Ðại Từ Phụ sẽ ban bố đầy đủ hồng ân, giúp cả về huyền diệu thiêng liêng và phương tiện hữu hình cho đệ tử thật hành trong kiếp sanh nầy đặng CƠ QUI NHỨT 12 Phái Ðạo Cao Ðài hiệp về một mối, anh lớn em nhỏ thật tâm hòa hiệp, thương yêu vui vầy với nhau, chớ không còn chia rẽ nữa.

2). Ðức Ngài và Ðức Cao Thượng Phẩm cố gắng thế nào cầu xin cho đặng Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp long trọng hứa sẽ thủ tiêu Ðạo Nghị Ðịnh số 8 để cho các Chi Phái dễ bề qui hiệp.

Ðó là đại nguyện của đệ tử, và đệ tử tin chắc rằng Ðức Ngài và Ðức Cao Thượng Phẩm, cùng luôn cả Ðức Lý Giáo Tông với Ðức Ðại Từ Phụ, Ðức Ðại Từ Mẫu đã soi tâm biết rằng đệ tử xin hai điều kể trên để thật hành đại nguyện của đệ tử là vì Thầy, vì Ðạo, vì chúng sanh, chớ đệ tử chẳng có mảy may nào tư kỷ.

Ngoài đại nguyện nầy, nếu Ðức Ngài còn cần giao phận sự chi khác cho đệ tử thì đệ tử xin nguyện hứa để hết tâm lo lắng, còn việc thành bại xin do nơi quyền thiêng liêng của Ðức Ngài xây chuyển, chớ sức phàm của đệ tử thì chẳng làm chi nên việc.

Ðệ tử thành tâm khấn nguyện Ơn Trên thương tình ban phước cho đệ tử đặng đắc thành sở nguyện thì đệ tử mới dám nhận chức BẢO ÐẠO, bằng không thì đệ tử xin cáo thối trước để làm một vị tín đồ mà thôi.

Ðệ tử đê đầu cúi tạ ơn Ðức Ngài.

Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 14 tháng 8 năm Quí Tỵ.
(ký tên Hồ Tấn Khoa)

 

Do bức Khải cầu xin hai điều của Ông Hồ Tấn Khoa, thật sự là đặt điều kiện tiên quyết với các Ðấng thiêng liêng, nên ngay tối hôm sau, ngày 15 tháng 8 năm Quí Tỵ, Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ trách cứ nhẹ nhàng:

"Hồ Hiền đệ,

Bạn nên biết rằng, Chí Tôn dành cho mỗi đứa ta mỗi phận sự, mà phận sự chẳng hề đồng đều. Bạn biết rằng, có Trời mới có mình. Ai đã ngồi chờ Thiên mạng mà đặng nên, bạn đã tự hiểu, sứ mạng thiêng liêng của mình thì tự mình định liệu, bằng chẳng vậy, ngôi vị tạo thành mới xứng đáng vào đâu?

Ca Bảo Ðạo đã cầu xin cho Hiền hữu nơi Ngọc Hư Cung định vị thì Hiền hữu cứ tuân lời, chẳng nên khước từ mà phạm Thiên điều.

Ông Hồ Tấn Khoa bạch: - Xin thâu hồi Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8 để thống nhứt nền Ðạo.

Ðức Cao Thượng Phẩm dạy tiếp: - Phải biết Thiên cơ không luật phàm nào sửa cải được. Ta mong muốn như thế nhưng nghịch Thiên điều thì oai quyền như Cổ Phật cũng không sửa cải được. Hiền hữu nên biết điều ấy. Chi chi cũng do Chí Tôn định liệu."

Do bức Khải nầy mà việc ban quyền Bảo Ðạo cho Ông Hồ Tấn Khoa bị Ngài Ca Bảo Ðạo đình lại một thời gian.

Ðến đêm mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (dl 11-2-1954), tức là gần 5 tháng sau, tại Cung Ðạo Tòa Thánh, Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương giáng cơ xin với Ðức Phạm Hộ Pháp trao quyền Bảo Ðạo tại thế cho Ông Hồ Tấn Khoa để HTÐ có đủ chư vị Thời Quân làm việc.

Bài giáng cơ nầy, chép ra như sau:

CA MINH CHƯƠNG

Chào Hộ Pháp Thiên Tôn, cùng chư vị Thời Quân HTÐ.

Cùng các bạn,

Thưa Ðại huynh Hộ Pháp Thiên Tôn,

Ðệ xin giao nơi tay Ngài uy quyền Bảo Ðạo đặng Ngài ban lại cho bạn Hồ Tấn Khoa và lập Thánh lịnh.

Bổn Quân Bảo Ðạo Ca Minh Chương tuân y mệnh lệnh của Chí Tôn và quyền Ngọc Hư phê chuẩn, giao chức tước quyền hành nơi thế về hữu vi nhi trị, còn phần thiêng liêng về phần Bổn Quân nắm giữ.

Hồ Hiền hữu! Bổn Quân lấy làm hữu hạnh đặng hiểu Hiền hữu kế nghiệp thì chỉ mong một điều trọng hệ hơn hết là trách vụ khó khăn cực nhọc ấy, Hiền hữu cáng đáng kham tất.

Vậy Hiền hữu nên nhớ rằng, nghiệp thiêng liêng hằng tồn tại mãi, còn quán tục là thừa.

Hiền hữu nên nhớ mãi lời ký thác của Bổn Quân hầu ngày sau vui gặp nhau nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống.

Bổn Quân xin nhượng cơ cho Cao Thượng Phẩm.

THĂNG.

 

Tiếp điển:

CAO THƯỢNG PHẨM

Chào Hộ Pháp và các bạn.

Hộ Pháp làm ơn trấn thần Thiên phục và ban Phép Giải Thể cho Hồ Hiền đệ. Còn Khai Pháp lập Minh Thệ cho Người, có Bần tăng chứng giám. THĂNG.

Do đàn cơ tại Cung Ðạo trên đây, Ðức Phạm Hộ Pháp lập Thánh Lịnh ban quyền Bảo Ðạo tại thế cho Ông Hồ Tấn Khoa. Nguyên văn Thánh Lịnh chép ra sau đây:

 

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

(Nhị thập cửu niên)

TÒA THÁNH TÂY NINH


THÁNH LỊNH

HỘ PHÁP
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Ðài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng

Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền ban quyền cho Giáo Tông và Hộ Pháp;

Chiếu y Ðạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (15-2-1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh Trị Ðạo cho Hộ Pháp đến ngày có Ðầu Sư chánh vị;

Chiếu y Thánh Ngôn của Bảo Ðạo Ca Minh Chương đêm 9 tháng Giêng Giáp Ngọ (11-2-1954):

"Thưa Ðại huynh Hộ Pháp Thiên Tôn,

Ðệ xin giao nơi tay Ngài uy quyền Bảo Ðạo đặng Ngài ban lại cho bạn Hồ Tấn Khoa và lập Thánh Lịnh.

Bổn Quân Bảo Ðạo Ca Minh Chương tuân y mệnh lệnh của Chí Tôn và quyền Ngọc Hư phê chuẩn, giao chức tước quyền hành nơi thế về hữu vi nhi trị, còn phần thiêng liêng về phần Bổn Quân nắm giữ."

Chiếu y Thánh Ngôn của Ðức Cao Thượng Phẩm nói rằng: "Hộ Pháp làm ơn trấn Thần Thiên phục và ban Phép Giải Thể cho Hồ Hiền đệ, còn Khai Pháp lập Minh Thệ, có Bần tăng chứng giám."

Nên:

THÁNH LỊNH:

Ðiều thứ nhứt: Kể từ ngày ký tên Thánh Lịnh nầy, chức tước và phận sự Bảo Ðạo về mặt hữu vi, giao trọn cho Hồ Tấn Khoa đảm nhận.

Ðiều thứ nhì: Các cơ quan Chánh Trị Ðạo các tư kỳ phận thi hành Thánh Lịnh nầy.

Tòa Thánh, ngày 13 tháng 1 Giáp Ngọ.
(15-2-1954)

HỘ PHÁP
(ấn ký)

PCT HTÐ: Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

TKPÐ: Tam Kỳ Phổ Ðộ

 

Bảo hộ

保護

A: To protect.

P: Protéger.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Hộ: Giúp đỡ, che chở, bênh vực.

1. Bảo hộ là giữ gìn và trông nom che chở.

PCT: Lo bảo hộ luật đời và luật Ðạo, chẳng ai qua luật mà HTÐ chẳng biết.

2. Bảo hộ là cai trị bằng cách dùng bộ máy chánh quyền thực dân đặt trên chánh quyền bản xứ bù nhìn.

TNHT: (Ðức Chí Tôn nói với một người Pháp) Vậy Thầy nhờ con truyền bá giáo lý nầy cho dân tộc đặt dưới quyền bảo hộ của con.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bảo kê

A: Insurance.

P: Assurance.

Bảo kê, từ ngữ bình dân, dùng đồng nghĩa với: Bảo hiểm. Hãng Bảo hiểm thì người bình dân gọi là Hãng Bảo kê.

Từ ngữ Bảo kê còn dùng theo nghĩa là Bảo đảm, cam kết chắc chắn và nhận trách nhiệm về sự cam kết đó.

TÐ ÐPHP: Bần đạo dám bảo kê rằng: Nơi cảnh ấy chưa có buổi nào huyên náo hay có tiếng nào buồn.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Bảo lãnh

保領

A: To guarantee.

P: Se porter garant.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Lãnh: nhận lấy.

Bảo lãnh là nhận lấy trách nhiệm về hành vi của một người nào.

TNHT: Thầy bảo lãnh các con, un đúc chí Thánh của các con.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bảo mạng

保命

A: Insurance.

P: Assurance.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Mạng: cái mạng sống của con người.

Bảo mạng là bảo vệ mạng sống của con người.

KVĂC: Nhớ ơn bảo mạng Huyền Thiên.

KVĂC: Kinh Vào Ăn Cơm.

 

Bảo Pháp

保法

A: Juridical Conservator.

P: Conservateur Juridique.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Pháp: Pháp luật.

Bảo Pháp là một phẩm Chức sắc của Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Ðài, thuộc chi Pháp, dưới quyền trực tiếp của Hộ Pháp.

Bảo Pháp là Ðầu Phòng Văn của Hộ Pháp.

Khi tiếp nhận giấy tờ do Hiến Pháp dâng lên, thì Bảo Pháp phải gìn giữ cho bí mật, kín nhiệm, làm tờ xét đoán và định án chiếu y theo Luật Ðạo, rồi dâng lên cho Hộ Pháp đặng Người phân xử.

Theo Hiếp pháp của HTÐ, trách nhiệm của Bảo Pháp là bảo tồn luật pháp của Ðạo, bảo hộ không cho ai phạm đến những điều luật nào đã thành mặt luật.

Ðại phục và Tiểu phục của Bảo Pháp giống hệt Ðại phục và Tiểu phục của Bảo Ðạo, chỉ khác chỗ bỏ mối dây Sắc lịnh: - Bảo Pháp bỏ mối dây Sắc lịnh ngay giữa bụng để chỉ rằng thuộc Chi Pháp; - Bảo Ðạo bỏ mối dây Sắc lịnh ở hông mặt để chỉ rằng thuộc Chi Ðạo HTÐ. (Xem: Bảo Ðạo).

Ngày 12-1-Ðinh Mão (dl 13-2-1927), Ðức Chí Tôn lập PCT HTÐ, Ðức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn Trung Hậu vào chức Bảo Pháp.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

PCT HTÐ: Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài.

 

Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu (1892-1961)

Ngài Nguyễn Trung Hậu, tên thật là Nguyễn Văn Hậu, bút hiệu Thuần Ðức, sanh ngày 5-3-Nhâm Thìn (dl 1-4-1892) tại làng Bình Hòa, tỉnh Gia Ðịnh.

Thân phụ là Cụ Nguyễn Phục Lễ, tức là Cụ Nguyễn Văn Nhiêu, bút hiệu Tiết Văn, Ðông Y Sĩ, làm bốn khóa Hội Ðồng Ðịa Hạt làng An Thịt (Gia Ðịnh) và Thân mẫu là Cụ Bà Lê Thị Cơ, người gốc Bình Ðịnh.

Hiền nội của Ngài Nguyễn Trung Hậu là Bà Diệp Thị Nguy, sanh ngày 24-11-Canh Tý (dl 14-1-1901), từ trần ngày 10-12-Nhâm Thìn (dl 24-1-1953).

Ông Bà sanh đặng 8 người con, gồm 5 trai 3 gái, đều là người học thức, noi theo chí hướng của phụ thân, chung lo phục vụ cho Ðạo, và đều đắc phong phẩm Hiền Tài Ban Thế Ðạo, Tòa Thánh Tây Ninh.

Thuở thiếu thời, Ngài Nguyễn Trung Hậu theo Tây học, nhưng Ngài cũng tự học Hán văn. Năm 1911, Ngài tốt nghiệp Trường Sư Phạm Gia Ðịnh (École Normale de Gia Ðịnh) và được bổ làm giáo viên tại một trường Tiểu học ở đường Tabert thời đó, sau trường nầy bị bãi bỏ, mới về dạy tại trường Tiểu học ở đường Richaud.

Năm 1919, Ngài làm Thơ Ký cho Ông Giám Ðốc các trường Tiểu Học Sài gòn.

Năm 1922, Ngài xin nghỉ làm Thơ Ký, để làm Giám Ðốc Tư Thục Internat de Dakao ở đường D'Ariès, nay là đường Huỳnh Khương Ninh.

Ðến năm1926, Ngài Nguyễn Trung Hậu giao trường lại cho Ông Huỳnh Khương Ninh, rồi gia nhập Ðạo Cao Ðài.

Những năm sau đó, Ngài làm giáo sư dạy Pháp văn cho các trường Hưng Việt, Nguyễn Anh Bổn, Nguyễn Du.

Ngài có viết cho các báo thời đó là: Ðuốc Nhà Nam, Hoàn Cầu, Tân Văn, và sau đó làm chủ bút tạp chí LA REVUE CAODAISTE, để truyền bá giáo lý của Ðạo Cao Ðài cho người Pháp, và người ngoại quốc khác.

Ngài Nguyễn Trung Hậu có khiếu làm thi. Ngay từ thuở thanh niên, Ngài thường xướng họa với các thi sĩ trong Ngưu Giang Thi Xã vào các năm 1918-1920, bút hiệu Thuần Ðức đã có tiếng tăm từ những năm đó.

Tháng Giêng năm 1926, Ngài Nguyễn Trung Hậu nghe đồn quí Ngài: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc,Cao Hoài Sang, xây bàn thỉnh Tiên cho thi hay lắm, Ngài rất để ý. Bữa nọ, Ngài đến nhà ông Cư hầu đàn xem thử lời đồn thiệt hay giả.

Cho thi mấy người hầu đàn trước rồi, tới phiên Ngài Nguyễn Trung Hậu, Ðấng AĂÂ gõ bàn cho Ngài bốn câu thi:

THUẦN văn chất ÐỨC tài cao,

Tên tuổi làng thơ đã đứng vào.

Non nước muốn nêu danh tuấn kiệt,

Ðến hồi búa Việt giục cờ Mao.

Ở trong đàn nầy, không ai biết cái bút hiệu Thuần Ðức của Ngài, thế mà Ðấng AĂÂ biết, nên khi cho xong bài thi, Ngài Nguyễn Trung Hậu mới chịu phục, và sau đó nhập môn vào Ðạo Cao Ðài và trở thành một trong 12 môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn.

Ðêm 30 tháng Chạp năm Ất Sửu, là đêm giao thừa bước qua năm Bính Dần, Ðức Chí Tôn biểu các môn đệ lập thành phái đoàn đi viếng thăm từng nhà môn đệ, đem ngọc cơ theo để cầu Thầy. Khi đến nhà Ngài Nguyễn Trung Hậu, Ðức Chí Tôn giáng cho bốn câu thi:

THUẦN phong mỹ tục giáo nhơn sanh,

ÐỨC hóa thường lao mạc vị danh.

HẬU thế lưu truyền gia pháp quí,

Giáo dân bất lậu, tán thời manh.

Thời gian sau, Ðức Chí Tôn cũng có cho Ngài Nguyễn Trung Hậu bài thi bốn câu nữa:

Ðã có căn phần dựa cảnh Tiên,

Bước đời chớ quản bậc sang hèn.

Mưa mai nắng xế chờ qua khỏi,

Ðêm tối lần ra gặp ánh đèn.

Ngày 15-3-Bính Dần (dl 26-4-1926), Ðức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn Trung Hậu cùng với Ngài Trương Hữu Ðức làm Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo Sĩ.

Hai Ngài trở thành cặp phò loan cầm cơ cho các Ðấng thiêng liêng phổ độ nhơn sanh các tỉnh: Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.

Ngày 12-1-Ðinh Mão (dl 13-2-1927), Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTÐ, Ðức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn Trung Hậu vào phẩm Bảo Pháp HTÐ.

Lúc bấy giờ, Ngài cũng như chư vị Thời Quân HTÐ khác đều là công chức hay tư chức, nên sau khi mãn giờ làm việc ở cơ quan thì mới đi phò loan cho nhơn sanh nhập môn cầu đạo, có khi chấp cơ suốt đêm, sáng lại đi làm việc luôn. Nhờ các Ðấng hộ trì, nên tuy vất vả nhưng các Ngài không biết mệt nhọc và ốm đau.

Ngày mùng 7-3-Quí Dậu (dl 1-4-1933), Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung cùng với Ðức Phạm Hộ Pháp ra Châu Tri số 1, cử ba vị Thời Quân HTÐ tạm qua cầm quyền Chưởng Pháp bên CTÐ: Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu đảm nhiệm Quyền Thái Chưởng Pháp.

Khi Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung qui Thiên năm 1934, Ngài Bảo Pháp trở về HTÐ. Sau đó, Ngài bị bịnh hoạn liên miên, nên xin phép lui về tư gia dưỡng bịnh ở đường Ngô tùng Châu Gia Ðịnh.

Ngày mùng 5-Giêng-Bính Thân (dl 16-2-1956), Ðức Phạm Hộ Pháp bị Chánh quyền Ngô Ðình Diệm bó buộc nên phải đi lánh nạn, lưu vong sang Cao Miên.

Lúc bấy giờ nền Ðạo tại TTTN thiếu người gánh vác. Hội Thánh yêu cầu Ðức Thượng Sanh lên Tòa Thánh nắm quyền điều hành nền Ðạo. Ðức Thượng Sanh họp cùng chư vị Thời Quân HTÐ, trong đó có Ngài Bảo Pháp, đồng ý trở về Tòa Thánh, trấn an bổn đạo, và đứng ra gánh vác nền Ðạo.

Ngày 15-4-Ðinh Dậu (dl 14-5-1957), Ngài Bảo Pháp được Hội Thánh cử làm Giám Ðốc Hạnh Ðường, huấn luyện Chức sắc hai phẩm Lễ Sanh và Giáo Hữu, cho có đủ trình độ về đạo đức và giáo lý để bổ đi hành đạo các địa phương.

Ngài Bảo Pháp có cảm tác bài thi để kỷ niệm:

CẢM TÁC

Hội Thánh giao cai quản Hạnh đường,

Ân cần lo lập kỷ trần cương.

Giúp người tâm chí hành Thiên mạng,

Tuyển bực nhân hiền trấn tứ phương.

Học hỏi khép vào khuôn Ðạo lý,

Lọc lừa mở rộng cửa khoa trường.

Góp phần xây dựng trong muôn một,

Khó vẫn không nao, nhọc chả màng.

Cũng trong thời gian nầy, Ngài tái lập Ðạo Ðức Văn Ðàn, mà trước đây Ngài Cao Tiếp Ðạo đã lập ra vào năm 1950, để khuếch trương thi văn Ðại Ðạo, được nhiều người hưởng ứng và có tiếng vang tốt mãi đến ngày nay.

Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu có viết và xuất bản nhiều sách Ðạo, giải thích và truyền bá Giáo lý của Ðạo Cao Ðài, kể ra sau đây:

1.    Luận Ðạo Vấn Ðáp (1927)

2.    Tiên Thiên Tiểu Học (1927)

3.    Bài Thuyết Ðạo.

4.    Châu Thân Giải.

5.    Ăn Chay.

6.    Ðức Tin.

7.    Chơn Lý (1928)

8.    Ðại Ðạo Căn Nguyên (1930)

9.    Thiên Ðạo (1955), viết chung với Phan Trường Mạnh.

10.  Luân Hồi Quả Báo (1956) viết chung với Ngài Khai Ðạo Phạm Tấn Ðãi.

Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu đã viết và xuất bản nhiều đầu sách nhứt về Giáo lý Ðạo Cao Ðài trong số các Chức sắc Ðại Thiên Phong của Ðạo Cao Ðài.

Về việc viết sách phổ truyền Giáo lý Ðạo Cao Ðài, Ngài Bảo Pháp lo ngại có điều sai sót không tránh khỏi, nên Ngài cầu hỏi Ðức Chí Tôn, thì Ðức Chí Tôn giáng cơ trả lời như sau: (Phò loan: Bảo Pháp - Hiến Pháp) [tháng 5-1927]

"Hậu! Sách con làm ra đều có giá trị, là nhờ Thầy giáng tâm con.

Con sợ sai lầm cũng phải, nhưng về sự sai siễn, dầu bậc Thánh xưa làm sách cũng còn nhiều chỗ khuyết điểm.

Vậy con cứ an lòng mà làm ích thêm nữa. Thầy hằng ở bên con mà dìu dắt cho trí hóa rộng thêm, nghe con!"

Năm 1928, Ngài Bảo Pháp cũng có hỏi Ðức Chí Tôn về việc viết sách Ðạo, Ðức Chí Tôn đáp:

"- Hay đó con! Con cứ lần lần đến đâu thì có giá trị đến đó, tùy theo trình độ học cứu mà tấn hóa, nghe!"

Sau khi Ngài Bảo Pháp đăng Tiên, người con trưởng nam của Ngài là Hiền Tài Nguyễn Trung Ngôn, đại diện gia đình của Ngài Bảo Pháp, viết văn thư đề ngày 26-7-1973 (âl 27-6-Quí Sửu), hiến dâng cho Hội Thánh bản quyền tất cả sách của Ngài Bảo Pháp viết ra kể trên để Hội Thánh tùy nghi ấn hành phổ biến, và được Hội Thánh chấp nhận ngày 7-8-1973.

Ngoài việc làm thi và viết sách Ðạo, Ngài Bảo Pháp còn có thiên tài đặc biệt viết các câu liễn đối. Tuy Ngài tự học chữ Nho, nhưng nhờ sự thông minh lỗi lạc của bậc nguyên căn, khiến các cụ đồ Nho và người Tàu phải chịu khâm phục.

Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Ðức có thuật lại: "Tôi còn nhớ lúc nọ, Ðức Lý Ðại Tiên giáng cơ khen tặng và nói rằng: Ai muốn xin liễn thì xin nơi Hậu."

Ngài Bảo Pháp đã viết đôi liễn cho Thuyền Bát Nhã:

Vạn sự viết vô, nhục thể ký qui tam xích thổ,

Thiên niên tự hữu, linh hồn trực đáo Cửu Trùng Thiên.

Nghĩa là:

Muôn việc đều không, xác thịt gởi trả lại ba tấc đất,

Ngàn năm tự có, linh hồn đi thẳng lên chín từng Trời.

Hai câu liễn nầy rất hay, đối rất chỉnh, nhưng khi dâng lên Ðức Lý Giáo Tông thì Ðức Lý chỉnh lại khúc sau, lại càng tuyệt diệu hơn nữa:

Vạn sự viết vô, nhục thể thổ sanh hoàn tại thổ,

Thiên niên tự hữu, linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.

Nghĩa là:

Muôn việc đều không, xác thịt đất sanh hoàn lại đất,

Ngàn năm tự có, linh hồn Trời ban trở về Trời.

Trong gia đình, Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu là người con hiếu thảo. Nhờ công quả của Ngài lập được trong ÐÐTKPÐ mà thân mẫu của Ngài được siêu thăng và tăng cao phẩm vị nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống, đúng với hai câu kinh trong bài Kinh Tụng Cha Mẹ qui liễu:

Thong dong cõi thọ nương hồn,

Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa.

Thân mẫu của Ngài Bảo Pháp được Ðức Chí Tôn cho phép giáng cơ bày tỏ với Ngài như sau:

Ngày 19-2-1929, Phò loan: Bảo Pháp - Khai Pháp.

"Mẹ mừng con, Mẹ cám ơn con đó.

Con đâu rõ đặng ngày nay Mẹ nhờ công con mà đặng thăng cấp. Nay Mẹ đặng vào Ðông Ðại Bộ Châu. Ấy cũng nhờ ơn của Ðức Chí Tôn rất thương mà cho Mẹ vào phẩm ấy.

Mẹ chẳng biết lấy chi mà thông công cho hai con và các cháu, nên mới dụng huyền diệu mà Mẹ đã cầu xin Chí Tôn ban cho Mẹ đặng cho con cùng cháu hay rằng, Ðức Chí Tôn đã giữ lời hứa cùng con. Nay Mẹ đến khuyên hai con khá lo sao cho tròn phận sự, ngày thêm vun đắp nền Ðạo đặng báo đáp Ơn Trên đã hết lòng vì cả nhà ta. Nếu con có lòng ấy thì Mẹ rất vui lòng đó, con hiểu . . .

Mẹ rất vui thấy lòng con, nên Mẹ mới xin phép Chí Tôn đến đây tỏ ít lời cho con hiểu. Vậy con khá an lòng mà lo Ðạo, chớ nên vì việc nhỏ mà nao chí nghe!

Tôi chào nhị vị Thánh (nói với ông Khai Pháp Trần Duy Nghĩa và Bác vật Lưu Văn Lang). Tôi chẳng biết lấy chi cám cảnh cho bằng dùng vài lời nhắc đây: Xin nhị vị khá hết lòng lo hiệp tác mà nâng cao địa vị mình càng ngày cho tột phẩm.

Tôi đây chẳng chi xứng phận mà cũng nhờ ơn Chí Tôn thương tưởng thay. Ấy cũng nhờ sức con mới đặng vậy, không thì biết sao mà kể xiết. Ấy đó, công của nhị vị càng dầy thì Chí Tôn càng yêu dấu. Xin khá để hết tâm chí mà hành phận sự. Ấy là lời tôi xin nhị vị khá để ý.

(Hỏi về việc ông thân của tôi)

Mẹ không dám nói. Thôi, Mẹ lui."

Vào cuối năm 1958, do tuổi già sức yếu, lại bị bịnh áp huyết cao, Ngài Bảo Pháp phải xin phép trở về dưỡng bịnh tại tư gia ở đường Ngô Tùng Châu, Gia Ðịnh.

Nhưng Thiên số định kỳ, Ngài đăng Tiên tại tư gia lúc 16 giờ 50 phút ngày 7-9-Tân Sửu (dl 16-10-1961), hưởng thọ 70 tuổi. Hội Thánh có đến cử hành tang lễ trong năm ngày và tạm an táng nơi nghĩa trang gia đình của Ông Bảy Bích tại Cây Quéo, Gia Ðịnh.

Bài Thài tế lễ Ngài:

Nhà Phật hôm nay giữ Ðạo mầu,

Phiền ba ngảnh lại có vui đâu.

Tẽ đường phi thị, noi đường tịnh,

Tìm cửa từ bi, lánh cửa hầu.

Xác thịt trải qua miền gió bụi,

Nắm xương nhờ gởi bóng tang du.

Lửa lòng vụt tắt từ đây vẫn,

Giọt nước nhành dương gội tấm sầu.

13 năm sau, vào giữa năm Giáp Dần (1974), (theo lời thuật lại của Hiền Tài Nguyễn Trung Nhơn, thứ nam của Ngài Bảo Pháp), thì Ngài Bảo Pháp ứng mộng cho các con của Ngài, bảo lên xin Hội Thánh cải táng cho Ngài về Thánh địa Tây Ninh nội trong năm nay (1974).

Do đó, các con của Ngài dâng tờ lên Ngài Hiến Pháp, lúc đó đang cầm quyền Chưởng quản HTÐ, và được Ngài Hiến Pháp chấp thuận.

Ngày 4-9-Giáp Dần (dl 17-10-1974), Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Ðức đích thân ra lịnh tổ chức lễ cải táng.

Ban Nhà Thuyền Trung Ương do Giáo Sư Thái Hồ Thanh hướng dẫn các Ðạo tỳ đến phần mộ, đưa quan tài lên khỏi huyệt và mở ra.

Ðiều đặc biệt làm mọi người ngạc nhiên là thi hài của Ngài Bảo Pháp vẫn còn nguyên vẹn như lúc mới thoát xác, sau 13 năm mà không bị tan rữa như các thi hài khác, lại không khô cứng, nên chỉ cần dùng rượu trắng thoa bóp thì có thể sửa đổi tay chân, đặt thi hài từ tư thế nằm trở thành tư thế ngồi kiết già, tay bắt Ấn Tý, để liệm vào liên đài một cách dễ dàng.

Liên đài được quàn tại tư gia một đêm để tế điện, hôm sau, Hội Thánh rước liên đài kỵ long mã đi về TTTN, tới nơi vào chiều mùng 6-9-Giáp Dần, và được đặt tại Báo Ân Từ.

Hội Thánh thiết lễ tế điện và cầu siêu.

Ngày mùng 7-9-Giáp Dần, liên đài kỵ long mã đến Ðền Thánh, thỉnh bửu ảnh vào kỉnh lễ Ðức Chí Tôn, và sau đó, liên đài kỵ long mã đi ra đất Ao Hồ nhập bửu tháp.

Về nguyên căn của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Ngài có ghi lại như sau:

"Ngày mùng 3-7-Ðinh Mão (dl 31-7-1927), nguyên Ðức Chí Tôn có cho biết tiền thân của Hậu là Xích Tinh Tử và của Ðức là Từ Hàng Ðạo Nhơn. May được Quỉ Cốc Ðại Tiên giáng đàn, chúng tôi xin Ngài cho mỗi đứa một bài thi..

Bài thi cho Hậu (Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu):

Ðỏ đỏ một vùng ấy Hỏa tinh,

Nhà Châu tên tuổi đã rành rành.

Tam Kỳ tái thế an thiên hạ,

Hậu nhựt thành công hậu hứng tình,

Bài thi cho Ðức (Hiến Pháp Trương Hữu Ðức):

Thập nhị Tiên gia nhứt tánh Từ,

Hàng phong vương mãn thọ hàn thư.

Trung niên thế cuộc tao vân mộng,

Quản thị Càn Khôn thủ Phật thư.

(Theo Truyện Phong Thần, Ðức Nguơn Thỉ Thiên Tôn, Giáo Chủ Xiển Giáo, có 12 người học trò giỏi, trong đó có: Xích Tinh Tử và Từ Hàng Ðạo Nhơn. 12 vị học trò nầy được lịnh của Ðức Nguơn Thỉ xuống trần giúp Khương Thượng Tử Nha đánh các Tiên Triệt giáo, học trò của Thông Thiên Giáo Chủ, đang ủng hộ Vua Trụ. Phía các Tiên Xiển Giáo đánh phép thắng các Tiên Triệt Giáo, giúp Khương Thượng tiêu diệt Vua Trụ, mở ra nhà Châu, với vua Châu Võ Vương. Xong các Tiên đều trở về núi tiếp tục tu luyện.

Nay đến thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, các Tiên tình nguyện giáng trần làm tướng soái cho Ðức Chí Tôn khai Ðạo.)

 

THI VĂN của NGÀI BẢO PHÁP:

Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu là một thi sĩ nổi danh trên thi đàn với bút hiệu là Thuần Ðức. Ngài làm rất nhiều thơ đường luật, xin trích ra sau đây vài bài tượng trưng:

BÀI THƠ CHỮ BẦN

Vùng vẫy khó toan với chữ bần,

Khuấy chơi chi cứ quẩn bên chân.

Chỉn buồn bảng lảng tình bè bạn,

Ðâu quản đeo đai mối nợ nần.

Rượu sớm mượn mùi khuây thế sự,

Thi chiều lựa vận ngóng tao nhân.

Tuồng đời ấm lạnh qua rồi chán,

Ướm mượn nhành dương quét bụi trần.

(HẬU)

 

DƯỚI CHƠN THẦY

Vì thương sanh chúng độ kỳ ba,

Ba nhánh Thầy đem lại một nhà.

Nhà có chơn sư bền mối đạo,

Ðạo không căn bản lạc đường tà.

Tà quyền khéo giở trò minh chánh,

Chánh pháp đem mưu cuộc hiệp hòa.

Hòa cả tinh thần hòa tín ngưỡng,

Ngưỡng mong Thầy mở Hội Long Hoa.

(1927)

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

Bảo Quân

保君

A: The Protector.

P: Le Protecteur.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Quân: người ở địa vị cao, đáng kính trọng.

Bảo Quân là một phẩm Chức sắc cao cấp trong Hàn Lâm Viện của Ðạo Cao Ðài, có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy nền văn hóa Cao Ðài.

Ðức Chí Tôn lập Hàn Lâm Viện Cao Ðài gồm có 12 vị Bảo Quân, gọi là Thập nhị Bảo Quân, mỗi vị có một ngành chuyên môn riêng biệt. (Xem: Thập nhị Bảo Quân, vần Th)

 

Bảo Sanh

保生

A: To protect the life.

P: Protéger la vie.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Sanh: sự sống.

Bảo sanh là gìn giữ sự sống, bảo vệ mạng sống.

TNHT: Sự thương yêu là giềng bảo sanh của CKTG.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

CKTG: Càn Khôn Thế giới.

 

Bảo Sanh Quân

保生君

A: Protector of Public Relief.

P: Protecteur de l'Assistance Publique.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Sanh: Sống. Bảo sanh là bảo vệ sự sống.

Bảo Sanh Quân là một Chức sắc trong Thập nhị Bảo Quân, có phận sự cứu tế người nghèo và giúp đỡ người hoạn nạn.

Trong PCT, Ðức Chí Tôn có nói rằng: "Bảo Sanh Quân (Assistance Publique), Thầy đang phong đỡ làm Tiếp Y Quân đặng đợi ngày thành Ðạo."

Ðạo phục của Bảo Sanh Quân:

CG PCT: Bộ Ðại phục của Bảo Sanh Quân toàn bằng hàng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo giống như các Chức sắc HTÐ. Ngay giữa mão từ bìa lên 4 phân, thêu một Thiên Nhãn, hai bên mão thêu hai Thiên Nhãn nữa, cả thảy là ba.

Vòng theo vành mão, cột một sợi dây Tiên thằng (bề ngang 8 phân, bề dài 2 thước), buộc thế nào chừa Thiên Nhãn ngay giữa mão ra, cho 2 mối thòng xuống hai bên vai. Lưng đai Song Quang Thần Thông, nghĩa là một đường lụa trắng kết hai bên hai vòng vô vi. Chơn đi giày Vô Ưu cũng bằng hàng trắng.

Bảo Sanh Quân có nhiệm vụ bảo tồn sự sống cho nhơn loại và tìm phương hay giúp đời bớt khổ.

Bảo Sanh Quân đối phẩm với Phối Sư bên CTÐ.

Năm 1930, Ðức Chí Tôn phong Bác sĩ Lê Văn Hoạch vào phẩm Bảo Sanh Quân.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch (1896-1978)

Ông Lê văn Hoạch, sanh năm 1896 tại Phong Ðiền (Cần Thơ), tốt nghiệp Y khoa Bác sĩ tại Pháp năm 1923.

Bác sĩ Lê Văn Hoạch nhập môn theo Ðạo Cao Ðài và được Ðức Chí Tôn phong làm Bảo Sanh Quân vào năm 1930.

Năm 1946, Bác sĩ Hoạch được cử làm Thủ Tướng Chánh phủ Nam Kỳ. Khi nhậm chức Thủ Tướng, Ðức Nhàn Âm Ðạo Trưởng giáng cơ cho Ngài Bảo Sanh Quân bài thi:

Lấy Thánh đức dìu đời giác ngộ,

Dụng bạo tàn đâu phải chỗ an bang.

Ðức lập quyền dân đặng chu toàn,

Quyền xua đức nhơn gian thống khổ.

Trong thời kỳ làm Thủ Tướng, Ngài Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch trợ giúp Hội Thánh nhiều việc quan trọng, như việc Hội Thánh Cao Ðài TTTN nhận của Phật Giáo Tích Lan: Ngọc Xá Lợi và cây Bồ Ðề là do công vận động của Ngài.

Ðàn cơ tại Tổng Hành Dinh đêm 22-12-Kỷ Sửu (dl 8-2-1950), Ðức Cao Thượng Phẩm giáng nói với Bảo Sanh Quân:

"Bảo Sanh Quân là một phần trọng yếu với danh từ của Chí Tôn đặt để. Vậy Hiền hữu khá trọn tâm làm thế nào cho được sự hạnh phúc cho dân, thì các Ðấng sẽ sẵn sàng ám trợ mỗi việc đều được thành công. Vai tuồng của Hiền hữu còn dài, nhơn sanh còn đương mong mỏi thì phải để cho một chí hướng cao siêu tầm phương hay làm đời thoát khổ và bảo tồn sự sống của nhơn loại. Ấy là sở định trách nhậm của Hiền hữu đó."

Ðàn cơ tại Giáo Tông Ðường, Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung nói với Ngài Bảo Sanh Quân Lê văn Hoạch:

"Nay có sự hiện diện của Bảo Sanh Quân, Qua rất vui mừng và khuyên Hiền đệ nên để trọn tâm chí với Ðạo, vì Hiền đệ đã chán hiểu tuồng đời ra thế nào rồi mà còn đeo đuổi làm gì cho nhọc thể xác lẫn tâm hồn. Hiền đệ nên nhớ rằng khi xưa Qua có tài cán gì đâu, bất quá là một học trò khó, chỉ có mảnh văn bằng trung học mà cũng nhờ thời thế tạo anh hùng mà Qua đi đến nơi đến chốn, dám nói rằng đi tới Trời; huống gì Hiền đệ có đủ khả năng mà nỡ nào bỏ trôi cho đành. Lại nữa, Hiền đệ đang mang sứ mạng Bảo Sanh đâu phải tầm thường. Một điều cần lưu ý là lấy đạo đức thắng hung bạo, dùng nghĩa nhân qui phục lòng dân, ấy là phương lập quốc trường cửu đó."

Khi Hội Thánh lập Viện Ðại Học Cao Ðài, có mời Ngài BSQ Lê Văn Hoạch làm Viện Trưởng. Về sau, Ngài tuổi già sức yếu nên xin từ chức Viện Trưởng, rồi trở về quê nhà ở Cần Thơ an dưỡng tuổi già, rồi qui vị tại tư gia, hưởng thọ 83 tuổi.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

Bảo Thế

保世

A: Temporal Conservator.

P: Conservateur Temporel.

Bảo Thế là một Chức sắc trong Thập nhị Thời Quân HTÐ, thuộc Chi Thế, dưới quyền trực tiếp của Thượng Sanh.

Bảo Thế là Ðầu Phòng Văn của Thượng Sanh.

Khi tiếp nhận giấy tờ từ Hiến Thế dâng lên, Bảo Thế phải giữ gìn cho bí mật, kín nhiệm, rồi chiếu y Ðạo luật và Thế luật mà làm tờ buộc án, kế dâng lên cho Thượng Sanh đặng Người đến Tòa Tam Giáo CTÐ, HTÐ hay BQÐ mà buộc tội.

Theo Hiến pháp HTÐ, trách nhiệm của Bảo Thế là bảo tồn Luật Thế,bảo hộ những điều cần ích cho Ðạo đã ra mặt luật.

Ðại phục và Tiểu phục của Bảo Thế giống hệt Ðại phục và Tiểu phục của Bảo Ðạo, chỉ khác chỗ bỏ mối dây Sắc lịnh: - Bảo Thế bỏ mối dây Sắc lịnh ở bên hông trái để chỉ rằng thuộc Chi Thế; - Bảo Ðạo bỏ mối dây Sắc lịnh bên hông mặt để chỉ rằng thuộc Chi Ðạo Hiệp Thiên Ðài. (Xem Bảo Ðạo).

Ngày 12-1-Ðinh Mão (dl 13-2-1927), Ðức Chí Tôn lập PCT HTÐ, Ðức Chí Tôn phong Ngài Lê Thiện Phước vào chức Bảo Thế.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

PCT HTÐ: Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài.

 

Bảo Thế Lê Thiện Phước (1895-1975)

Vào năm Mậu Thân (1968), Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước có tự viết Tiểu sử của Ngài, xin chép nguyên văn ra sau đây:

I. Thế sự:

Sanh ngày 4-6-1985 (Ất Mùi) tại Sài gòn.

■ Xuất thân nơi gia đình mô phạm. Thân phụ tôi là Lê Văn Dương, cố Giám Ðốc trường Tiểu Học Dakao, hiện giờ là trường Tiểu Học Ðinh Tiên Hoàng Sài Gòn. Thân mẫu tôi là Trần Thị Chọn, trong cửa Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, Tòa Thánh Tây Ninh. (Xem chi tiết: Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh, vần T).

■ Có cấp bằng Thành Chung trường bổn quốc Chasseloup Laubat Sài Gòn năm 1912.

■ Có cấp bằng trường Luật Ðông Dương năm 1915.

■ Thi đậu vào ngạch Thơ Ký Thượng Thơ (Dinh Hiệp Lý Sài Gòn) đời Pháp thuộc.

■ Rời quyền môn năm 1927 ra giúp xã hội, đắc cử Hộ Trưởng Quận Tân Ðịnh và Hòa Hưng (Ðô Thành Sài Gòn).

■ Huyện danh dự năm 1944.

■ Chủ hai nhà máy xay gạo: một ở Dakao Sài Gòn sản xuất 25 tấn gạo trắng một ngày và một ở Chợ Lớn, 50 tấn gạo trắng một ngày.

II. Ðạo sự:

Một khi kia, tôi nghe thiên hạ đồn có cơ bút tại tư thất Ông Nguyễn Ngọc Thơ ở Tân Ðịnh, tức Thái Ðầu Sư thuộc Tòa Thánh Tây Ninh lúc sau nầy, tôi liền đến xem cho biết.

Mỗi người hầu đàn được phép biên tên họ mình để trên bàn thờ rồi chờ Ơn Trên giáng cơ định phận. Tôi được Ðức Chí Tôn cho bài thi như vầy:

Cang nhu tình thế lắm đua tranh,

Danh lợi là bia kẻ giựt giành.

Mượn thú điền viên vui tuế nguyệt,

Phồn hoa âu cũng bỏ cho đành.

Ðức Chí Tôn dạy tôi tập ăn chay 10 ngày và thượng Thánh tượng thờ Thầy.

Tuân lịnh trên, tôi mời Ðức Quyền Giáo Tông, Ðức Cao Thượng Phẩm và Ðức Hộ Pháp với vài quan khách đến nhà tôi và chứng thị cho tôi nhập môn cầu Ðạo.

Lập đàn xong, Ðức Chí Tôn giáng dạy:

"Vạn thế vô tri tiếp sắc Thiên,

Khả quang chi hậu kiến nhi tiền.

Hậu lai hữu phúc Tam Kỳ hội,

Chỉ tín tâm thành đắc vị Tiên.

Thâu làm môn đệ chót như Cư, Tắc, Sang."

Chánh thức trọn phế đời về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo năm Bính Tuất (1946). Về Tòa Thánh nhằm lúc Ðức Phạm Hộ Pháp rời hải đảo Madagascar qui hồi cố hương.

A. Trách vụ Thừa Quyền Hộ Pháp:

Ðức Hộ Pháp tái thủ quyền hành, liền giao cho tôi trách vụ Thừa quyền Hộ Pháp, chiếu Nghị Ðịnh của Ðức Ngài số 1 ngày mùng 8 tháng 8 năm Bính Tuất (1946).

Trong thời gian hành đạo đầu tiên nầy, tôi làm những việc sau đây:

1) Nâng cao chức vụ Quản Lý và Phó Quản Lý Cửu Viện Nội Chánh lên hàng phẩm Thượng Thống và Phụ Thống, cho thích ứng với trách nhiệm nặng nề và thể thống nhơn vị của chư Chức sắc Ðại Thiên phong đảm đương công việc trọng hệ trong mỗi Viện.

2) Tạo lập Chợ Quan Âm Các, thay thế Chợ Ngã Năm đang choán một góc ngã tư đường, nơi một vị trí dơ bẩn bùn lầy thiếu vệ sinh luôn cả bốn mùa trong năm (cửa số 4 đi ra).

3) Mở rộng Châu vi Ngoại ô Tòa Thánh bằng cách sáp nhập bốn Hương đạo làm một Phận Ðạo. Châu Thành Thánh địa gồm 7 Phận Ðạo đặt dưới quyền quản suất của một vị Khâm Thành và nhiều vị Ðầu Phận Ðạo. Lần lượt tới hôm nay, Châu Thành Thánh Ðịa mở rộng từ chơn núi Bà đi vòng ngả Cầu Khởi xuống Bến Kéo, trở về Mít Một.

B. Chức vị Tổng Thơ Ký Chánh Trị Ðạo:

Mãn trách nhiệm Thừa quyền Hộ Pháp ngày 1-12- Kỷ Sửu (dl 21-1-1950). Nhận chức vụ Tổng Thơ Ký Chánh Trị Ðạo năm Canh Dần (1951), khai thác 4 khu rừng 176, 316, 56 và 55 (Rạch Rễ Dưới) diện tích chung là 2.354 mẫu tây).

C. Thống lãnh Văn Phòng Hộ Pháp:

Lãnh nhiệm vụ Thống lãnh Văn Phòng Hộ Pháp do Thánh Lịnh ngày 7-5 nhuần năm Nhâm Thìn (dl 28-6-1952), điều chỉnh Cơ quan Hành Chánh Ðạo và Phước Thiện được hoàn mỹ hơn. Giữ gìn cho còn mãi sự tương liên mật thiết giữa Chức sắc CTÐ và Chức sắc Phước Thiện.

D. Phận sự Tam Ðầu Chế:

Ðứng trong Tam Ðầu Chế HTÐ, đại diện chi Thế, do Thánh Lịnh ngày mùng 1-9-Ất Mùi (dl 16-10-1955), hiệp với Hội Thánh CTÐ gìn giữ mối Ðạo trong lúc Ðức Phạm Hộ Pháp nhập tịnh Trí Huệ Cung.

E. Ðại diện Hội Thánh lập Thoả Ước Bính Thân (1956):

■ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm (người Công giáo) làm khó Ðức Phạm Hộ Pháp, nên Ðức Ngài đi Nam Vang ngừa tai họa. Ngô Ðình Diệm phái Ðặc sứ Nguyễn Ngọc Thơ đến Tòa Thánh gặp tôi đặng dàn xếp cho đừng xảy ra mối bất hòa nguy hiểm giữa quyền Ðạo và quyền Ðời.

Trong dịp nầy mới ra đời Thỏa Ước Bính Thân (1956) mà ai ai đều nhìn nhận là một linh phù khi thấy Ðạo được quyền Ðời kính nể. Vì kính nể mà Ðặc sứ Nguyễn Ngọc Thơ gán biệt hiệu cho tôi buổi nọ là Thầy Rùa.

■ Thỏa Ước nầy được ký kết giữa Ðặc sứ Nguyễn Ngọc Thơ, đại diện Chánh phủ VNCH (thời Ngô Ðình Diệm) với Chức sắc đại diện Hội Thánh HTÐ, CTÐ và Phước Thiện ngày 28-2-1956. (Xem Nội dung Thỏa Ước Bính Thân bên dưới)

■ Thay mặt Ðức Thượng Sanh trong lúc Ðức Thượng Sanh chưa về Tòa Thánh hành đạo (Thánh Lịnh Ðức Hộ Pháp số 65/HP ngày 6-5-Bính Thân, dl 14-6-1956).

■ Ngày 11-Giêng-Kỷ Hợi (dl 18-2-1959), lãnh phận sự Quyền Ðầu Sư, Ðạo Lịnh số 15/ÐL ngày 11-1-Kỷ Hợi. Sau khi nghỉ một thời gian ngắn, tái thủ nhiệm vụ Quyền Ðầu Sư, Ðạo Lịnh số 08/ÐL ngày 8-12-Canh Tý (dl 24-1-1961).

■ Sáng lập Bá Huê Viên, diện tích một mẫu rưỡi tây, bên kia Ðại lộ Phạm Hộ Pháp, trước Báo Ân Từ.

■ Ngày mùng 8-Giêng-Giáp Thìn (dl 20-2-1964) lãnh phận sự Quyền Chưởng quản HTÐ, Vi Bằng Hội Thánh HTÐ số 01/VB ngày 8-1-Giáp Thìn.

■ Ngày 14-11-Ất Tỵ (dl 6-12-1965), lãnh phận sự Thừa quyền Thượng Sanh, Thánh Lịnh số 27/TL ngày 14-11-Ất Tỵ (dl 6-12-1965).

■ Ngày 21-2- Ất Tỵ (dl 23-3-1965) Trưởng Ban Thế Ðạo và Thống quản Ðại Ðạo Thanh Niên Hội.

■ Ngày 27-2-Ất Tỵ (dl 29-3-1965) Thống quản Nữ phái CTÐ do Hiến Pháp bổ túc ngày 27-2-Ất Tỵ (dl 29-3-1965), chiếu Thánh giáo của Ðức Lý Giáo Tông Nhứt Trấn Oai Nghiêm đêm mùng 9-Giêng-Quí Mão (dl 2-2-1963).

■ Ngày 25-Giêng-Giáp Ngọ (dl 14-2-1966) Thống quản CQPT do Thánh Lịnh số 34/TL ngày 25-1-Bính Ngọ.

■ Ngày 24-3-Bính Ngọ (dl 1-4-1966) Chủ Tọa Tòa HTÐ.

■ Ngày mùng 3-12-Bính Ngọ (1966) lâm trọng bịnh.

■ Ngày 19-8-Ðinh Mùi (dl 29-9-1967) phục hồi sức khỏe và tiếp tục phận sự như cũ.

■ Thánh Lịnh số 04/TL ngày 3-12-Ðinh Mùi (dl 2-1-1968) sửa đổi danh từ Trưởng Ban Thế Ðạo lại là Chưởng quản Ban Thế Ðạo.

■ Thánh Lịnh số 10/TL ngày 2-2-Mậu Thân (dl 19-3-1968) tái thủ trách vụ Chủ Tọa Tòa HTÐ.

■ Hiện thời đang lo thống nhứt các Chi Phái.

Lập tại TTTN, ngày 8-6-Mậu Thân (dl 3-7-1968).

BẢO THẾ LÊ THIỆN PHƯỚC (ấn ký)

 

Thỏa Ước Bính Thân (1956)

Sau đây chúng tôi xin chép nguyên văn Thỏa Ước Bính Thân (1956):

THỎA ƯỚC

Sau các cuộc hội đàm ngày 22, 26 và 28 tháng 2 năm 1956, Ðại diện Chánh Phủ VNCH và các đại diện Ðạo Cao Ðài Tây Ninh đồng đi đến sự thỏa thuận hoàn toàn các điểm sau đây:

I. Ðạo Cao Ðài Tây Ninh được tự do truyền bá và được tự do hội họp cúng kiếng theo phép Ðạo trong khắp nước VN.

Ðạo Cao Ðài Tây Ninh do các Chức sắc cao cấp trong Ðạo đại diện và dìu dắt trong lúc vắng mặt Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, nhìn nhận chỉ biết hành đạo mà thôi, không làm chánh trị trên toàn lãnh thổ VN và về mặt pháp lý, chịu hệ thống luật lệ hiện hành của Chánh phủ VNCH do Ngô Tổng Thống lãnh đạo.

II. Những phần đất nào của Ðạo Cao Ðài ở Tây Ninh đã làm chủ vĩnh viễn bằng cách hoặc khẩn, hoặc mua, hoặc hưởng của cho, thì Ðạo Cao Ðài đặng toàn quyền sử dụng.

Những đất quốc gia nào trong vùng Tây Ninh, khi trước là rừng cấm hay đất hoang, đã được tín đồ Cao Ðài khai phá và được trong Ðạo Cao Ðài phân chia theo cách tiểu sản, sẽ được hợp thức hóa đúng theo tinh thần chương trình cải cách điền địa của Chánh phủ đang thi hành bằng cách sẽ cấp phát bằng khoán vĩnh viễn đúng theo thủ tục và thể lệ hiện hành cho mỗi người, để cho các tín đồ đóng thuế mỗi năm cho Chánh phủ theo số đất mình sẽ làm chủ.

Trong thời hạn không quá 3 tháng kể từ ngày Thỏa Ước nầy được chấp thuận, Ông Tỉnh Trưởng Tây Ninh và đại diện Cao Ðài phải khởi sự hợp thức hóa sự cấp đất và phát bằng khoán vĩnh viễn cho các người choán đất.

III. Trong 6 làng: Long Thành, Hiệp Ninh, Cẩm Giang, Trường Hòa, Phước Hội, Ninh Thạnh, bao trùm 13 Phận đạo hiện hữu, Ðạo Cao Ðài được cử ra 2 hay là 3 tín đồ tùy theo chỗ để đại diện Ðạo cộng tác với mỗi Ban Hội Ðồng Hương chính.

IV. Trừ tiền hỷ cúng của tín đồ, Ðạo Cao Ðài bãi bỏ những thuế có thâu thuở giờ, hoặc trên đất Ðạo làm chủ, hoặc trên đất quốc gia, còn trong vùng ảnh hưởng của Ðạo.

Những Chợ hiện hữu trong vùng Ðạo thuộc 6 làng kể trên do Ðạo Cao Ðài tạo ra, dầu trên đất Ðạo cũng là nguồn lợi của quốc gia và chỉ có quốc gia mới được phép sắp đặt, sử dụng và hưởng huê lợi. Dầu vậy, Chánh phủ cũng bằng lòng để Ðạo Cao Ðài thâu những chợ nầy trong khoảng 4 năm liên tiếp (1956, 1957, 1958, 1959) bằng cách đóng góp cho làng sở tại một số tiền mỗi tháng:

·         Năm đầu bằng 1 phần 5 số thâu góp hằng tháng.

·         Năm thứ 2 bằng 1 phần 4 số thâu góp hằng tháng.

·         Năm thứ 3 bằng 1 phần 3 số thâu góp hằng tháng.

·         Năm thứ 4 bằng 1 phần 3 số thâu góp hằng tháng.

Số tiền thâu góp chợ mỗi ngày hay mỗi tháng do bên Ðạo và Ông Tỉnh Trưởng Tây Ninh thỏa thuận nhất định một năm 2 lần, trong tháng 6 và tháng 12 dương lịch.

Về phần Chợ Long Hoa, Ðạo Cao Ðài đang cất, Hành Chánh tỉnh đảm nhận tiếp tục theo bản đồ đã có. Những tổn phí của Ðạo Cao Ðài đã xuất phát tới ngày nay, Hành Chánh tỉnh chịu trả lại, sau khi được đôi bên xác nhận tánh cách chi phí và số tiền. Số tiền nầy được trả phân kỳ không quá 4 năm, mỗi năm đóng một lần nhằm trong tháng 4 dương lịch.

V. Trật tự an ninh trong 13 Phận đạo theo tổ chức hiện thời của Ðạo sẽ đặt dưới hệ thống của Ban Hội Ðồng Hương chính của 6 làng nói trên. Các Ban nầy hành sự với những toán từ 20 đến 30 người Dân Vệ, gốc người tín đồ Cao Ðài, được Ông Tỉnh Trưởng chọn với sự đề cử của Ban Hội Ðồng Hương chính. Những toán Dân Vệ nầy được võ trang và trả lương theo thể lệ hiện hành. Hành Chánh tỉnh cấp súng, công nho làng trả lương.

VI. Cơ Thánh Vệ hiện hữu chỉ có phận sự về nghi lễ, giữ vẻ tôn nghiêm cho Ðạo trong các cuộc hành lễ lớn nhỏ trong Nội Ô. Số người có thể lên không quá 160 người do Ðạo Cao Ðài hoàn toàn chọn lựa và trả lương (nếu không phải làm công quả).

Người trong cơ Thánh Vệ có thể có võ trang nhưng phải xin phép sắm và giữ súng theo luật lệ hiện hành. Súng ống đạn dược do Ðạo Cao Ðài đài thọ.

Trong Nội Ô, các lực lượng quân sự và cảnh sát quốc gia không được xâm nhập, trừ khi phải can thiệp hoặc để thi hành phận sự theo luật lệ hiện hành hoặc để đem trật tự an ninh lại, hoặc vì xảy ra thường tội hay trọng tội.

VII. Ðược miễn thuế (đủ các sắc) theo thể lệ hiện hành:

- Những Tu viện, Trường học cùng Dưỡng đường của Ðạo Cao Ðài Tây Ninh cất ra hoặc trên đất Ðạo hoặc trên đất quốc gia.

- Những đất trên đó có những bất động sản nói trên. Hiện hữu những bất động sản có tên trong bản đính theo đây, được miễn thuế.

VIII. Các công trình của Ðạo Cao Ðài về mặt xã hội, y tế, mở mang hay tu bổ kiều lộ trong vùng Ðạo, sau khi giao cho Hành chánh Tỉnh Tây Ninh đảm nhận, thì sẽ được tiếp tục tiến hành với sự hợp tác của các Chức sắc chuyên môn của Ðạo Cao Ðài.

Làm tại Tây Ninh, ngày 28 tháng 2 năm 1956.

ÐẠI DIỆN CHÁNH PHỦ VNCH
(ký tên)
Nguyễn Ngọc Thơ

 

HIỆP THIÊN ÐÀI

Bảo Thế
(ký tên)
Lê Thiện Phước

Tiếp Pháp
(ký tên)
Trương văn Tràng

Hiến Pháp
(ký tên)
Trương Hữu Ðức

Tiếp Ðạo
(ký tên)
Cao Đức Trọng

 

CỬU TRÙNG ÐÀI

Thái ChánhPhốiSư
(ký tên)

Thái Bộ Thanh

Thượng ChánhPhốiSư
(ký tên)

Thượng Sáng Thanh

Ngọc ChánhPhốiSư
(ký tên)

Thượng Tước Thanh

 

PHƯỚC THIỆN

Chơn Nhơn
(ký tên)

Trịnh Phong Cương

Ðạo Nhơn
(ký tên)

Nguyễn văn Phú

Ðạo Nhơn
(ký tên)

Trần văn Lợi

Ðạo Nhơn
(ký tên)

Ðỗ văn Viên

 

Số 337-BNV/VP:

CHUẨN Y
Sàigòn, ngày 1 tháng 3 dl 1956.
BỘ TRƯỞNG NỘI VỤ
(ấn ký)
Bùi văn Thinh

____________________________

 

Năm 1960, Ðức Hộ Pháp giáng cơ tại GiáoTông Ðường, khen Ngài Bảo Thế bằng bài thơ khoán thủ: Bảo Thế Cứu Nước:

BẢO trọng vạn linh hiệp Chí Linh,

THẾ nguy chuyển loạn lập hòa bình.

CỨU đời mở đạo kinh luân sẵn,

NƯỚC Việt trông chờ sách cứu tinh.

Ngày 6-2-Ất Tỵ (dl 8-3-1965) Ðức Phạm Hộ Pháp cũng có giáng cho Ngài Bảo Thế bài thi khoán thủ: "Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Ðài Thừa mạng":

QUYỀN uy nhờ bởi giữ Chơn truyền,

CHƯỞNG đức dụng hiền mộ Thánh Tiên.

QUẢN quán chúng sanh tu cội phúc,

HIỆP hào nhân sĩ hưởng tiền duyên.

THIÊN môn mở rộng nguyên nhân đến,

ÐÀI nội tuyển thăng Thánh đức lên.

THỪA thế chuyển nguy an Thánh địa,

MẠNG Trời đâu để quỉ hành quyền.

Ngài Bảo Thế lúc về già bị bệnh bán thân bất toại, sức khỏe yếu dần và Ngài đăng Tiên vào lúc 6 giờ 30 phút sáng ngày 17-3-Ất Mão (dl 27-4-1975) hưởng thọ 81 tuổi.

Ðàn cơ đêm 18-3-Ất Mão (dl 29-4-1975) tại Cung Ðạo Ðền Thánh hồi 19 giờ, Phò loan: Hiến Pháp - Khai Ðạo, Ðức Phạm Hộ Pháp giáng cơ cho bài thài tế lễ Ngài Bảo Thế:

HỘ PHÁP

Chào chư Chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng, PT.

Quí bạn có điều chi hỏi?

Chưởng Ấn bạch: Xin bài thài tế lễ Ngài Bảo Thế.

- Bài thài chúng ta đã thấy: "Bảo Thế Cứu Nước" đã trúng lúc, vậy cứ dùng bài ấy thài cúng tế Bảo Thế.

- Còn về bài thài mà Hiến Pháp đã cho để cúng tế chung chư vị Thời Quân thì cứ dùng như vậy trong lễ cúng tế chung.

Bần đạo ban ơn lành cho Hội Thánh và toàn thể.

THĂNG

 

Ngài Bảo Thế giáng cơ, lấy hiệu Vân Phong:

VÂN PHONG vừa đẩy đám mây lành,

Hội hiệp quần sanh bất cạnh tranh.

Phất phướn truy hồn qui lối cũ,

Vén màn mờ ám cứu nhơn sanh.

Ngài Bảo Thế lúc sinh tiền, rất ít làm thơ, may mắn chúng tôi sưu tầm được bài thi của Ngài họa thi Bát Nương:

BÀI XƯỚNG của BÁT NƯƠNG:

Hễ muốn làm sư phải hược trò,

Vụng may thường đổ lỗi người đo.

Nhái duyên Tây tử cười môi méo,

Ðoạt điệu Ðường phi bước trẹo giò.

Bắt nguyệt lại mò trăng đáy nước,

Theo Tây bợ ngợ viết nhà nho.

Vui chi hơn gặp trang tài tử,

Vẩy lưới chòm cây có cứt cò.

BÀI HỌA của NGÀI BẢO THẾ

Lố xố lăng xăng mấy chú trò,

Văn chương lá mít cũng so đo.

Vác mai chạy quấy ngồi rơi lụy,

Múa búa khoe danh chạy bại giò.

Trí thiển dòm Trời bằng cái xịa,

Tài sơ ngóng chữ tợ rừng nho.

May duyên đưa đến mùi Tiên Thánh,

Mừng được bài thi khỏi gắn cò.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

 

Bảo Thể - Thánh Vệ

保體 - 聖衛

A: Guard of the Body of Saints - The Sainted Guard.

P: Garde du Corps des Saints - La Sainte Garde.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Thể: Ý nói Thánh Thể của Ðức Chí Tôn, tức là Hội Thánh. Vệ: Gìn giữ.

Về từ ngữ, Bảo Thể và Thánh Vệ đồng nghĩa, là cơ quan lập ra để bảo vệ các Chức sắc của Ðạo, bảo trọng Ðạo quyền và bảo tồn nghiệp Ðạo.

Nhiệm vụ của hai cơ quan nầy phân ra như sau:

·         Cơ quan Bảo Thể hay nói tắt Cơ BảoThể giữ gìn trật tự trong các đền đài, dinh thự, tức là trong các cơquan của Ðạo.

·         Cơ quan Thánh Vệ hay nói tắt là Cơ Thánh Vệ có nhiệm vụ giữ gìn trật tự trên các đường phố Nội Ô và Ngoại Ô của Tòa Thánh.

Tuy nhiệm vụ có phân chia giữa hai cơ quan riêng biệt như vậy, nhưng nhiệm vụ chung là bảo vệ các Chức sắc của Hội Thánh khi hành quyền và buộc mọi người phải tuân hành các luật lịnh của Hội Thánh ban truyền. Có thể nói rằng đó là hai cơ quan công lực của Ðạo vậy.

■ Toán Bảo Thể đầu tiên được thành lập vào khoảng năm 1929. Lúc đó, Ðức Phạm Hộ Pháp gọi ông Châu (thường gọi là Châu Hiệp Phố, sau cầu thăng lên phẩm Chí Thiện, có thời gian được bổ đi hành đạo ở miền Bắc VN), bảo ông Châu đi kiếm thêm cho đủ 12 anh em nữa để tạo thành một toán, rồi cả toán phải lo tập luyện võ nghệ, hẹn trong một tháng thì phải trình diện Ðức Ngài.

Ðức Phạm Hộ Pháp đặt tên là toán Bảo Thể quân. Ðây là toán Bảo Thể đầu tiên được thành lập để giữ gìn trật tự trong Nội Ô Tòa Thánh. Ðức Hộ Pháp dẫn toán Bảo Thể nầy qua trình diện với Ðức Quyền Giáo Tông và được Ngài chấp thuận.

Nhơn viên trong Cơ Bảo Thể được gọi là Bảo Thể quân. Những người mới vào Cơ Bảo thể, còn trong thời gian tập sự gọi là Tuần quân. Tuần quân làm việc một thời gian, nếu có hạnh kiểm tốt và làm việc đắc lực thì đưa lên làm Bảo Thể quân. Chánh Bảo Thể là người cai quản một toán gồm 12 Bảo Thể quân.

Ðứng đầu Cơ Bảo Thể là một Chức sắc (phẩm Giáo Hữu) được gọi là Thủ Lãnh Bảo Thể quân.

■ Cơ Thánh Vệ đặt dưới quyền của Thánh Vệ Trưởng. Nhân viên trong Cơ Thánh Vệ được gọi là Thánh Vệ viên.

Cơ Bảo Thể và Cơ Thánh Vệ được đặt dưới quyền Thống Quản của Hộ Ðàn Pháp Quân.

Khi Ðức Lý Giáo Tông phong Cựu Trung Tướng Nguyễn văn Thành làm Tổng Thanh Tra Ðặc Nhiệm Chánh Trị Ðạo kiêm Thống Quản Cơ Thánh Vệ và Bảo Thể, thì Hộ Ðàn Pháp Quân chỉ còn nhiệm vụ giữ gìn trật tự và trang nghiêm trong các đàn cúng tại Tòa Thánh mà thôi.

Nghị quyết của Hội Nhơn Sanh năm Giáp Dần (1974) qui định:

·         Chánh Bảo Thể có đủ 5 năm công nghiệp và có đủ hạnh đức thì được cầu phong lên phẩm Lễ Sanh.

·         Bảo Thể quân và Thánh Vệ viên đủ 10 năm công nghiệp và đủ hạnh đức cũng được cầu phong lên phẩm Lễ Sanh.

Ðạo phục của Bảo Thể quân:

Bảo Thể quân mặc áo trường y 6 nút, lưng buộc thắt lưng trắng, bề ngang 3 phân, tay áo mang Tam sắc đạo, đầu đội mão giống như cái calot màu trắng, tay cầm cây Tam thanh (thanh gỗ tròn, đầu lớn đầu nhỏ, sơn ba màu vàng xanh đỏ). Nếu là Chánh Bảo Thể thì trên mão có cổ pháp Hộ Pháp.

Nhân dịp Tất Niên năm CanhTuất (1970), trong bữa tiệc ủy lạo các nhân viên Thánh Vệ, Bảo Thể và Phòng Bảo, Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Ðức có phát biểu, trích ra như sau:

"Công lao của chư hiền đệ, nhân viên công lực của Ðạo, đáng khen tặng và khích lệ. Tôi ước mong chư hiền đệ cứ tiếp tục hành sự tốt đẹp như vậy mãi để xứng đáng với vai trò của mình.

Ðã gọi là nhơn viên công lực thì phải áp dụng công lực cho phải chỗ, nghĩa là không khuất phục dưới một áp lực nào và bảo vệ người đồng đạo khỏi bị áp lực bất luận từ đâu đến, cũng không nên lợi dụng quyền công lực sẵn có mà áp đảo kẻ yếu kém hơn mình, nhứt là đối với tín hữu là con cái của Ðức Chí Tôn thì không nên hiếp đáp đá động đến, nếu họ có làm điều gì sái quấy thì dùng cách êm thấm mà khuyên lơn dạy bảo, chớ không nên hành hung họ.

Ðó là ý nghĩa của hai chữ công lực của Ðạo và tác phong đạo đức mà người nhơn viên công lực Ðạo cần phải có.

Công lực Ðạo còn được áp dụng để đem lại chủ quyền cho Hội Thánh bằng cách bắt buộc bổn đạo phải tôn trọng luật pháp đạo, tức là tôn trọng công lý và lẽ phải.

Ngày nào công lực Ðạo được áp dụng cho đúng chỗ như vậy thì ngày ấy Ðạo thành và người Ðạo mới đi đến chỗ vinh quang rực rỡ."

Trong buổi Lễ Khánh Thành Văn phòng Cơ Bảo Thể ngày 28-4-Quí Sửu (dl 30-5-1973), Ngài Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Nhượn Thanh có phát biểu như sau:

"Cơ quan Bảo Thể quân được Ðức Hộ Pháp và Hội Thánh thành lập từ buổi Khai Ðạo, nhằm bảo trọng Thánh Thể Ðức Chí Tôn, giữ gìn an ninh trật tự tại Ðền Thánh và dinh thự các cơ quan công quyền của Ðạo. Dù là một cơ quan không có tầm quan trọng về phương diện hành chánh đạo, nhưng đã hữu công, đồng chung chịu khổ hạnh trong tất cả mọi biến thiên của nền Ðại Ðạo từ 48 năm nay.

Trải qua những cơn thử thách, những bước thăng trầm của Ðạo, các em Bảo Thể quân biểu dương lòng trung kiên, ý chí hy sinh, thể hiện bằng hành động cang trực để bảovệ Thánh Thể Ðức Chí Tôn, gìn giữ Tổ đình và sản nghiệp Ðạo mà các bậc tiền bối đã dày công xây dựng. Sở hành của các em quả xứng đáng với danh nghĩa của nó, phản ánh tấm lòng hiếu hạnh, trung thành đối với Ðức Chí Tôn và Hội Thánh."

Sau đây là Thánh Lịnh số 29 của Ðức Phạm Hộ Pháp qui định về tổ chức và quyền lợi của Cơ quan Bảo Thể.

 

BỘ PHÁP CHÁNH

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

Văn Phòng

(Nhị thập lục niên)

-----

TÒA THÁNH TÂY NINH

Số: 29


THÁNH LỊNH

HỘ PHÁP
Chưởng quản Nhị Hữu Hình Ðài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng

Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền;

Chiếu y Ðạo luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (15-2-1938) ban quyền Thống Nhứt Chánh Trị Ðạo cho Hộ Pháp nắm giữ cho đến ngày có Ðầu Sư chánh vị;

Nghĩ vì Cơ Quan Bảo Thể là một cơ quan để giữ gìn trật tự trong Nội Ô Thánh Ðịa và Ðền Thánh, kiêm luôn phận sự cận vệ Chức sắc Ðại Thiên phong bên CTÐ từ Ðầu Sư trở lên, và bên HTÐ từ Thập nhị Thời Quân sắp lên, thì công quả của Bảo Thể cũng tương đương với các nhân viên khác trong nền Chánh Trị Ðạo.

Nghĩ vì con đường lập vị của mỗi người đều được Hội Thánh chăm nom nâng đỡ nếu đầy đủ công nghiệp.

THÁNH LỊNH:

Ðiều thứ nhứt: Trong Cơ quan Bảo Thể có nhiều nhân viên thì chia nhiều Tiểu bộ cho dễ sắp đặt phiên thứ hành sự.

Mỗi Tiểu bộ có 12 nhơn viên, 12 vị nầy xúm nhau công cử một vị Chánh Bảo Thể lãnh trách nhiệm cai quản Tiểu bộ của mình.

Mỗi Tiểu bộ sẽ có thứ tự riêng, nhưng về cách làm việc thì Hòa Viện tổng hợp các Tiểu bộ đặng phân công và toàn cả nhơn viên trong các Tiểu bộ, ngoại trừ những vị Chánh, đều đồng thể và đồng nhiệm vụ.

Ðiều thứ hai: Mỗi vị Bảo Thể phải vào hàng Chánh Bảo Thể và đầy đủ 5 năm công nghiệp trong địa vị Chánh nầy mới được cầu phong lên hàng Lễ Sanh.

Ðiều thứ ba: Những vị Tuần quân đầy đủ 2 năm công nghiệp liền được bổ sung vào Cơ quan Bảo Thể, nhưng phải là người có đủ đạo hạnh và siêng năng cần mẫn trong phận sự và đúng 21 tuổi mới đặng. Hễ đủ hạng công quả trên đây thì Hòa Viện đệ tờ phúc xin cho sáp nhập liền.

Ðiều thứ tư: Chư vị Bảo Thể, Tổng Thơ Ký Chánh Trị Ðạo, Khai Pháp Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, Thượng Thống Lại Viện, Quyền Thượng Thống Hoà Viện, các tư kỳ phận, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.

Tòa Thánh, ngày 26 tháng 3 năm Tân Mão.
(dl 1-5-1951)

HỘ PHÁP
(ấn ký)

Ðôi liễn đặt tại cổng Cơ Thánh Vệ, khởi đầu bằng hai chữ THÁNH VỆ nói lên nhiệm vụ của cơ quan nầy:

聖德眞傳振整精神從大道

衛權宗敎保存國體合三期

THÁNH đức chơn truyền chấn chỉnh tinh thần tùng Ðại Ðạo.

VỆ quyền tôn giáo bảo tồn quốc thể hiệp Tam Kỳ.

Nghĩa là:

Ðức của bực Thánh, giáo lý chơn thật truyền lại để chấn chỉnh tinh thần đạo đức tùng theo ÐÐTKPÐ,

Quyền bảo vệ tôn giáo và bảo tồn quốc thể hiệp vào Ðạo Cao Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Bảo thủ chơn truyền

保守眞傳

A: To conserve the true doctrine.

P: Conserver la vraie doctrine.

Bảo: Giữ gìn, che chở, nuôi dưỡng. Thủ: Gìn giữ. Chơn: Thật. Truyền: Truyền lại. Bảo thủ là gìn giữ chặt chẽ. Chơn truyền là giáo lý chơn thật được truyền lại.

Bảo thủ Chơn truyền là giữ gìn chặt chẽ cái giáo lý chơn thật được truyền lại, không cho biến đổi.

 

Bảo Văn Pháp Quân

保文法君

A: Protector of Arts and Litterature.

P: Protecteur des Arts et Littérature (Belles Lettres).

Bảo Văn Pháp Quân là một phẩm Chức sắc trong Thập nhị Bảo Quân, mà Thập nhị Bảo Quân hợp thành Hàn Lâm Viện của Ðạo Cao Ðài. (Xem: Thập nhị Bảo Quân, vần Th)

CG PCT: "Ngoại PCT, dưới quyền Hộ Pháp thì còn Bảo Văn Pháp Quân (Arts et Belles Lettres) trước Thầy phong đỡ làm Tiếp Lễ Nhạc Quân, nay đã vào chánh vị, đặng chỉnh đốn Lễ Nhạc lại cho hoàn toàn cho tới ngày thành Ðạo."

Ðạo phục của Bảo Văn Pháp Quân:

CG PCT: "Bộ Ðại phục của Bảo Văn Pháp Quân toàn bằng hàng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo như các Chức sắc HTÐ, song hai bên ngay chính giữa có kết một bông sen 5 cánh, trên mỗi bông sen thêu Thiên Nhãn Thầy, ngay đường giữa trước mão cũng kết một bông sen nhưng khỏi thêu Thiên Nhãn, cả thảy là 3 bông sen trên mão.

Lưng đai Bạch Tuyết Thần Quang bằng hàng trắng, bề dài 3 thước 3 tấc 3 phân, bề ngang 3 tấc 3 phân 3 ly, buộc mối chừa ra trước thế nào đủ thắt một bông sen 5 cánh.

Chơn đi giày Vô Ưu cũng bằng hàng trắng, trước mũi mỗi chiếc cũng có một bông sen nhỏ hơn một thí."

Bảo Văn Pháp Quân có nhiệm vụ gìn giữ, sắp đặt, phát huy nghệ thuật, văn chương và lễ nhạc. Ðó là vị Tướng Lễ mà nhiệm vụ đặc biệt được Ðức Chí Tôn giao phó là sắp đặt việc Lễ và Nhạc trong Ðạo Cao Ðài.

Năm 1927, Ngài Cao Quỳnh Diêu được Ðức Chí Tôn phong làm Tiếp Lễ Nhạc Quân, và đến năm 1930 thì thăng lên làm Bảo Văn Pháp Quân.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

PCT HTÐ: Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài.

 

Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu (1884-1958)

Ngài Cao Quỳnh Diêu, hiệu là Mỹ Ngọc, nên thường xưng là Cao Mỹ Ngọc, Ðạo hiệu là Cao Liên Tử, sanh năm Giáp Thân (1884) tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh Thượng, tỉnh Tây Ninh, trong một gia đình Nho phong thế phiệt.

Thân phụ là Ông Cao Quỳnh Tuân làm Cai Tổng Hàm Ninh Thượng. Ông Cao Quỳnh Tuân mất lúc Ông Diêu được 14 tuổi. Ðức Chí Tôn cho biết Ông Cao Quỳnh Tuân là Xuất Bộ Tinh Quân ở Thượng giới giáng trần.

Thân mẫu của Ngài Diêu là Bà Trịnh Thị Huệ, đắc phong Nữ Giáo Sư ngày 14-Giêng-Ðinh Mão (dl 15-2-1927) do Ðức Chí Tôn ân phong kỳ phong Thánh Nữ phái lần thứ I.

Ngài Diêu là anh ruột thứ ba của Ngài Cao Quỳnh Cư, Ngài Cư là em thứ tư. Cả hai vị đều đắc phong hàng Chức sắc Ðại Thiên phong đầu tiên của Ðạo Cao Ðài:

Ngài Cao Quỳnh Diêu đắc phong Bảo Văn Pháp Quân trong Thập Nhị Bảo Quân, Hàn Lâm Viện của Ðạo Cao Ðài.

Ngài Cao Quỳnh Cư đắc phong Thượng Phẩm HTÐ.

Hiền nội của Ngài Cao Quỳnh Diêu là Bà Trần Thị Lựu, đắc phong Nữ Giáo Hữu trong kỳ phong Thánh Nữ phái lần I, được Ðức Chí Tôn giao nhiệm vụ cùng với Nữ Giáo Sư Hương Hiếu (hiền nội của Ngài Cư, đây là hai chị em bạn dâu trong gia đình họ Cao) dạy các Ðồng nhi tụng kinh.

Trong TNHT, quyển I trang 44, Ðức Chí Tôn bảo:

"Lựu và Hiếu tập một lũ Nữ Ðồng nhi chừng 36 đứa đặng mỗi khi Ðại lễ nó tụng kinh cho Thầy."

(Lựu: Nữ Giáo Hữu Hương Lựu, hiền nội Ngài Diêu. Hiếu: Nữ Giáo Sư Hương Hiếu, hiền nội Ngài Cư.)

Ngài Diêu là một trong bốn vị (Cư, Tắc, Sang, Diêu) khởi sự xây bàn đầu tiên tại nhà Ông Cao Hoài Sang để tiếp xúc với các vong linh nơi cõi vô hình.

(Trong công cuộc Xây bàn nầy, Ông Cư đóng vai chủ động. Tiếp theo là thời kỳ phò Ngọc cơ tại nhà Ông Cư, với Lễ Hội Yến DTC được tổ chức tại nhà Ông Cư, rồi Vọng Thiên Cầu Ðạo, cũng tại nhà Ông Cư số 134 đường Bourdais Sài Gòn, Ông Cư đều chủ động tổ chức, nên các việc xảy ra trong giai đoạn nầy, xin độc giả xem các mục: I, II, III trong Tiểu sử của Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, sẽ biết rõ các việc của 4 vị: Cư, Tắc, Sang, Diêu, khỏi phải lập lại nơi Tiểu sử của mỗi vị.)

[Xem: Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, vần Th]

Sau ngày lễ Hội Yến DTC tại nhà Ông Cư, bốn Ông phân làm hai nhóm: Ông Cư và Tắc xây bàn hay phò ngọc cơ tại nhà Ông Cư; Ông Diêu và Sang thì tại nhà Ông Sang.

Khoảng tháng 5 năm1926 (Bính Dần), Ðức Chí Tôn dạy thành lập 6 đàn cơ phổ độ, trong đó có một đàn ở Chợ Lớn, tại nhà Ông Cựu Thượng Nghị Viên Lê Văn Trung, Ngài Trung và Ngài Ðốc Phủ Lê Bá Trang thay phiên nhau chứng đàn, phò loan là hai Ông: Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu.

Ngày mùng 6-8-Bính Dần (dl 12-9-1926), Ðức Chí Tôn giáng dạy riêng Ngài Cao Quỳnh Diêu (hiệu Mỹ Ngọc), sau đó cho Xuất Bộ Tinh Quân Cao Quỳnh Tuân, thân phụ của Ông Diêu và Cư giáng cơ dạy tiếp. Phò loan: Sang - Diêu.

THẦY,

Mừng mấy con. Mỹ Ngọc, từ đây việc nhà con an ổn, dầu điều chi nhớ để ý rằng có Thầy bên con.

Ðặng một việc chi chớ vội mừng, thất một việc chi chớ vội buồn, vì sự buồn vui và sự buồn tủi thường pha lẫn kế cận nhau, còn sự gì phải đến cho con, ấy là tại nó phải vậy, chớ cượng cầu mà nghịch Thánh ý Thầy.

Hãy xem dò theo đây mà day trở trong bước đường Ðạo:

Mối Ðạo từ đây ráng vẹn gìn,

Tu là khổ hạnh khá đinh ninh.

Lòng thành một tấm Trời soi xét,

Gương rạng nghìn thu nguyệt chiếu minh.

Gai gốc lần đường công trước gắng,

Thảnh thơi có lúc buổi sau dành.

Vòng trần chìm nổi từ đây dứt,

Công quả tua bền độ chúng sinh.

Thầy sẽ cho Xuất Bộ Tinh Quân đến nhập cơ. THĂNG.

 

Tái cầu:

CAO QUỲNH TUÂN

Mừng mấy con và mấy cháu,

Diêu! Từ đây thầy lấy làm vui mà thấy con đặng để bước vào đường Thánh đạo. Vậy hãy ráng tu hạnh hầu phục hồi cựu vị.

Thầy rất vui mà thấy Cư và con đã đem tấm nhiệt thành cứu độ nhơn sanh khỏi dòng khổ hải. Ấy cũng số phần rất may mắn của lịnh Ngọc Hoàng đã định cho con và Cư, Tắc, Sang.

Vậy thầy có mấy lời thiết yếu cùng con sau đây:

Cựu vị ngày xưa đã có rồi,

Ðường về chớ bỏ há con ôi!

Công trình chớ nệ xây nền Ðạo,

Phước mỏng đâu hay bởi tứ Trời.

Ðức trước hưởng rồi tua trả đức,

Ngôi sau gìn ắt đặng an ngôi.

Từ đây son sắt vì sanh chúng,

Cảnh tịnh mai sau cũng đặng ngồi.

Thầy đã an lòng cho con và Cư, còn ÐỨC, AN, THÂN, thì có lịnh Thượng Ðế định phần cho chúng nó. LƯỢNG từ đây phải ở nơi Lôi Âm Tự mà chầu Phật Như Lai và nghe lịnh, chừng có lịnh Thượng Ðế đòi sai trấn thì nó sẽ về cùng con đặng. Thầy kiếu mấy con. THĂNG.

GHI CHÚ:

Diêu: Cao Quỳnh Diêu, tức Mỹ Ngọc.

Cư: Cao Quỳnh Cư. Tắc: Phạm Công Tắc. Sang: Cao Hoài Sang.

Ðức: Cao Quỳnh Ðức, con thứ hai của Ngài Cao Quỳnh Diêu.

An: Cao Quỳnh An, con của Ngài Cao Quỳnh Cư, mất bên Pháp.

Thân: là Huệ Chương, con của Ngài Cao Quỳnh Diêu.

Lượng: Cao Quỳnh Lượng, con của Ngài Cao Quỳnh Diêu, đã chết.

Năm Ðinh Mão (1927), Ngài Cao Quỳnh Diêu thọ phong Tiếp Lễ Nhạc Quân, có phận sự sắp đặt Lễ nghi và âm nhạc trong việc cúng tế trong Ðạo.

Ðầu năm 1929, Ngài Tiếp Lễ Nhạc Quân Cao Quỳnh Diêu vâng lịnh Hội Thánh, đặt ba Bài Dâng Tam Bửu (Bài Dâng Hoa, Dâng Rượu và Dâng Trà), có dâng lên Bát Nương giáng cơ chỉnh văn lại, để thay thế ba bài Dâng Tam Bửu cũ đã dùng lúc mới mở Ðạo do Ngài Ngô Văn Chiêu đặt ra.

Năm 1929, trong lúc Ngài Cao Quỳnh Diêu còn ở phẩm Tiếp Lễ Nhạc Quân, Ngài viết quyển "NGHI TIẾT ÐẠI ÐÀN TIỂU ÐÀN" có mục đích chỉnh đốn Lễ Nhạc trong các Ðàn cúng Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng cho đúng qui cách tốt đẹp, đạt được sự trang nghiêm, để áp dụng thống nhứt trong Ðạo Cao Ðài, dâng lên Ðức Chí Tôn duyệt xét, rồi Ðức Phạm Hộ Pháp chuyển qua Hội Thánh. Hội Thánh xem xét đồng ý và Ðức Quyền Giáo Tông ban hành, kể từ ngày 17-6-Canh Ngọ (dl 12-7-1930), áp dụng thống nhứt cho tất cả các Thánh Thất.

Trong quyển "Nghi Tiết Ðại Ðàn Tiểu Ðàn" nầy, Ngài Tiếp Lễ Nhạc Quân Cao Quỳnh Diêu, tức Cao Mỹ Ngọc, viết Lời Tựa:

LỄ là một việc rất trọng hệ, vì là cái hình thể của nền Ðạo phô bày ra trước mặt người.

Chư Ðạo hữu cần phải để công xem sóc nhắc nhở nhau mà gìn giữ tư cách trong mỗi khi hành lễ cho trang hoàng, hầu tỏ tấc lòng thành kỉnh của mình cùng Ðức Chí Tôn và chư Tiên Phật Thánh Thần, lại cũng là một phươngchâm về đường phổ độ.

Mỗi khi chúng ta hành lễ, thì người ngoại Ðạo sẵn ý xem vào mà phân biệt Tà Chánh một ít của nền Ðạo trong đó, vì Ðạo là việc nhiệm mầu huyền bí sâu xa, người ngoài nào thấu đặng, duy có chăm nom cách cử chỉ của chúng ta trọng kỉnh các Ðấng thế nào, thì đủ cho người vẽ ảnh Ðạo ra thế nấy mà thôi.

NHẠC cũng là một việc cần yếu, vì là phương làm cho đầm ấm tao nhã cốt để dìu dẫn giúp cho thành Lễ, ra vẻ long trọng, vì đã che lấp các việc xao động trong cơn hành lễ, trên thì hiến cái vẻ tiêu tao phù trầm cho các Ðấng, dưới là làm cho chúng ta, vì nghe đặng cái giọng tao nhã, nhặt khoan, hoặc có lúc vì tiếng nhạc trổi mà lòng ta hân hoan mà quên bẵng cái mỏi mệt trong cơn hành lễ hoặc có khoản vì cái thức phù ba của giọng đờn mà làm cho ta yên tịnh, mới có thể thiền tâm vọng cầu các Ðấng cho thấu đáo.

Có câu phương ngôn của bậc hiền triết miền Âu rằng: "La musique adoucit les moeurs", lại có nói rằng: Nếu muốn biết sự tấn hóa của một sắc dân, sau sẽ trở nên thế nào, thì duy có xem trong nét văn chương và nghe giọng nhạc của sắc dân ấy cũng đủ hiểu trước. Huống chi Ðấng Chí Tôn ra công khó nhọc khai sáng cho ta một nền Ðại Ðạo như vầy, lại dìu dẫn ta từ bước, mà ta lại chẳng để hết tâm chí chấn chỉnh nghề Nhạc cho hoàn toàn hầu gìn giữ đường tấn hóa cho nền Ðạo sao?

Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 20-4-Kỷ Tỵ (1929)
LỄ NHẠC QUÂN Cao Mỹ Ngọc

 

Ðầu năm Canh Ngọ (1930), Ngài Cao Quỳnh Diêu được thăng lên phẩm Bảo Văn Pháp Quân chánh vị đặng chỉnh đốn Lễ Nhạc cho hoàn toàn, cho tới ngày Thành Ðạo.

Năm 1932, Ngài Cao Quỳnh Diêu viết bài Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu, cũng được dâng lên Bát Nương DTC chỉnh văn lại, dùng để làm Kinh Cúng Tứ Thời Ðức Phật Mẫu.

Ðầu năm Giáp Tuất (1934), nền Ðạo chinh nghiêng vì có sự chia rẽ trong nội bộ các Chức sắc lãnh đạo, để rồi sau đó, một vài Chức sắc cao cấp tách ra lập Chi phái chống lại TTTN, đứng đầu là hai Ngài Quyền Ðầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) và Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang).

Ngài Bảo Văn Pháp Quân cũng bị Chi phái lôi kéo làm cho Ngài phân vân. May nhờ Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ giáng cơ khuyên nhủ, phân tách cho thấy điều hơn lẽ thiệt, làm cho Ngài thức tỉnh, quyết phụng sự Ðạo nơi TTTN.

Bài giáng cơ của Ðức Thái Thượng ngày16-7-Giáp Tuất (dl 25-8-1934) khá dài, xin trích ra một đoạn:

"Nền Ðạo đã chia ba, theo lời Bần Ðạo đã nói, Mỹ Ngọc Hiền hữu muốn lập công nơi nào? Tòa Thánh, Trung Ương, Hậu Giang? Mỹ Ngọc bạch: Nơi Tòa Thánh.

- Tòa Thánh là gốc cội của Ðạo, nếu muốn lập công nơi đó, vì Thầy đã dạy, thì nên làm đi, cách xây đổi phương lược tùy cơ ứng biến, ấy là cơ nghiệp riêng của mỗi Ðạo hữu, Bần đạo không dám dạy, nếu chờ thì phải trễ chăng? Hiền hữu nên xét, Ðời khác Ðạo khác, những sự lỗi lầm của mình tạo khổ cho mình mà nguyên nhân vẫn cứ huyền bí, mắt thịt tâm phàm chưa dễ độ đặng, nên xét cho xa." (TNHT. II. 96)

(Phần công nghiệp hành Ðạo của Ngài Bảo Văn Pháp Quân, xin độc giả xem nơi bài Ðiếu Văn của Ðức Cao Thượng Sanh).

Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu đăng Tiên vào ngày 4-9-Mậu Tuất (dl 16-10-1958), tại Văn Phòng Trung Tông Ðạo, trong Nội Ô Tòa Thánh, hưởng thọ 75 tuổi.

Hội Thánh tổ chức Lễ Ðạo Táng cho Ngài rất trọng thể.

Sau đây là Bài Ai Ðiếu của Ðức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, đọc trong Lễ An Táng Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu ngày 6-9-Mậu Tuất (dl 18-10-1958):

Kính thưa quí Quan chức,

Kính thưa quí Quan khách,

Kính thưa quí Ông, quí Bà,

Thay mặt Hội Thánh HTÐ, tôi xin thành thật để lời cám ơn quí vị không nệ đường sá khó nhọc, có lòng chiếu cố đến dự lễ an tọa liên đài của Ðạo huynh chúng tôi là Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, một vị trong Thập nhị Bảo Quân.

Kính thưa Hội Thánh và toàn Ðạo Lưỡng phái,

Trước liên đài, tôi xin nhắc lại công nghiệp của Ngài Bảo Văn Pháp Quân, đã hết lòng tận tụy sứ mạng thiêng liêng và trải qua bao nhiêu khổ cực để góp phần xây dựng nền Ðại Ðạo trong lúc ban sơ.

Hưởng thọ 75 tuổi, Ngài Bảo Văn Pháp Quân sanh trưởng tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh Thượng, thuộc tỉnh Tây Ninh, trong một gia đình thế phiệt Nho phong.

Cụ thân sinh Ngài có ba người con trai, mà Ngài là Anh cả, và kế Ngài là Ðức Cao Thượng Phẩm của ÐÐTKPÐ.

Ngài là một vị trong Chức sắc HTÐ mà buổi Ðạo mới khai, Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng đã đến dìu dắt trước nhứt để giao phó sứ mạng thiêng liêng sử dụng cơ bút đặng độ nhơn sanh nhập vào cửa Ðại Ðạo.

Ðầu năm 1926, tức là năm Bính Dần, một lượt với chư vị Chức sắc cao cấp HTÐ, Ngài đắc lịnh nâng loan, hiệp với Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, lúc đương phẩm Ðầu Sư, và các vị Ðại Thiên phong CTÐ đi phổ độ khắp các tỉnh, nhứt là các tỉnh trung ương và miền Tây Nam Việt.

Mặc dầu còn giúp việc cho một hãng tư, Ngài không nệ cực nhọc gắng làm tròn nhiệm vụ trong hai năm Bính Dần và Ðinh Mão (1926 và 1927), là hai năm mà Ðức Chí Tôn cho huyền diệu cơ bút, thâu nhập môn gần một triệu tín đồ, đem lại cho nền Ðạo một thắng lợi vẻ vang về mặt tinh thần cũng như về mặt phổ thông Chơn đạo.

Ngài thọ phong Tiếp Lễ Nhạc Quân năm Ðinh Mão (1927), qua năm Kỷ Tỵ (1929) lối tháng 10, mặc dầu hưởng lương bổng trọng hậu, Ngài phế đời về Tòa Thánh hiến thân lo Ðạo, giúp Hội Thánh sắp đặt nội bộ, nhứt là góp công trong việc nâng loan cho Ðức Chí Tôn và các Ðấng dạy truyền Ðạo lý.

Ðầu năm Canh Ngũ (1930), được đắc phẩm vị Bảo Văn Pháp Quân, Ngài cố tâm chấn chỉnh Lễ Nhạc, ra công dạy Nhạc cho ban Nhạc sĩ tại Tòa Thánh, từ điệu nghệ cầm roi trống cho tới bài bản Âm nhạc.

Ðến cuối năm Canh Ngũ (1930), Ngài rủi bị nạn hỏa tai, cả nhà cửa sự nghiệp bị thiêu hủy, nên vì sinh kế Ngài trở về Phú Nhuận (Gia Ðịnh).

Kể một thời gian qua, Ngài hiệp với mấy bạn Thập nhị Thời quân HTÐ để gầy dựng cơ quan tái lập tại Thánh Thất Từ Vân nơi Phú Nhuận, lo chú giải Tân Luật, Pháp Chánh Truyền và lập Luật điều phụ thuộc, để sau nầy giúp cho Chức sắc dễ thi hành phận sự.

Mãi đến năm Canh Dần (1950), Ngài trở về Tòa Thánh, quyết lòng cộng tác với Chức sắc cao cấp HTÐ lo làm phận sự.

Nhưng từ ấy đến sau, vì tuổi cao sức yếu, Ngài không thể đảm đương nhiệm vụ chung lo với Hội Thánh, hơn nữa Ngài đã phế cả sự nghiệp vì chủ nghĩa của Ðạo và bởi đó, Ngài chịu lắm vất vả về vật chất, xác thân càng tiều tụy hao mòn.

Vừa rồi Ngài ngọa bịnh không mấy ngày, bỗng phút vĩnh biệt cố thân, xa miền dương thế.

Hôm nay, Ngài Bảo Văn Pháp Quân đã ra người thiên cổ. Tuy đã biết nợ Ðạo rồi xong, tuồng đời chấm dứt, Ngài trả xác thân lại cho gió bụi để về với Ðức Chí Tôn Ðại Từ Phụ, và rồi đây chúng tôi có thể tiếp xúc với Ngài bằng huyền diệu cơ bút.

Nhưng trước cảnh tử biệt kẻ mất người còn, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi mến tiếc khi nhớ đến bạn đồng thuyền đã cùng chúng tôi chia sớt ấm lạnh mặn nồng và chung lưng đâu cật trót hơn mấy mươi năm để mưu cầu hạnh phúc cho nhơn loại.

Vậy nơi đây là nơi an nghỉ giấc ngàn thu, chúng tôi thành kỉnh nghiêng mình để bái biệt liên đài lần cuối cùng và xin thành tâm cầu nguyện cho Ngài được hưởng đầy ân huệ của Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu nơi cõi TLHS.

Tòa Thánh, ngày 6-9-Mậu Tuất (dl 18-10-1958)

Thay mặt Hội Thánh HTÐ
THƯỢNG SANH Cao Hoài Sang

 

Nguyên căn của Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu là Liên Huê Tiên, một vị Tán Tiên mà vị Ðệ nhứt Tổ Sư là Ðông Phương Sóc, Ðệ nhị Tổ Sư là Tây Phương Sóc. Trong Truyện Phong Kiếm Xuân Thu, Liên Huê Tiên có phép thuật rất huyền diệu, khi gặp biến thì miệng nhả ra một cái bông sen để chống đỡ. Liên Huê Tiên có theo Ðông Phương Sóc xuống trần giúp Liễu Nhứt Chơn Nhơn Tôn Tẫn đánh Hải Triều Thánh nhân.

Thời TKPÐ, Liên Huê Tiên chiết chơn linh giáng trần là Ngài Cao Quỳnh Diêu làm tướng soái cho Ðức Chí Tôn mở Ðạo.

Do đó, lúc ban sơ, còn xây bàn năm1925, Liên Huê Tiên có giáng, kêu ngay Mỹ Ngọc, dặn dò:

"Mỹ Ngọc! Nghe Lão:

Hoành thượng đơn khai chí bách thiền,

Hựu tu chưởng hiệp khởi tranh liên.

Mật đài khánh nhựt khinh hành định,

Cửu tái quang minh đắc cộng niên.

Mật sự khá kiếm hiểu."

LIÊN HUÊ TIÊN

 

Thuở sanh tiền, Ngài Bảo Văn Pháp Quân là một thi sĩ có tiếng trên thi đàn. Sau đây xin trích tượng trưng vài bài thi của Ngài:

NGỤ ÐỜI

Tuồng đời mộng ảo có chi mong,

Giành giựt càng thêm lấm bụi hồng.

Phú quí dường mây treo trước gió,

Lợi danh như bọt nổi trên dòng.

Gặp cơn nước đổ giông tuông đến,

Là buổi mây tan, bọt há còn?

Nào bẵng lánh mình xa bến tục,

Lần theo Chơn đạo bước thong dong.

TRÒ ÐỜI

Dừng chơn toan hỏi thử trò đời,

Ngảnh lại tuổi đầu đã sáu mươi.

Thấy nẻo công danh thêm chán ngán,

Dòm gương phú quí bắt buồn cười.

Ðai cân mượn vẻ như con hát,

Chung đỉnh bày trò ấy chuyện chơi.

Sao bẵng đưa chơn theo hạc nội,

Ven mây lần bước đến thang Trời.

CAO LIÊN TỬ

Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao quỳnh Diêu giáng cơ:

Ðêm 12-9-Mậu Tuất (dl 24-10-1958), tức là sau khi Ngài Diêu mất được 8 ngày, Ngài giáng cơ tại Trung Tông Ðạo, Phò loan: Huệ Chương và Nữ Giáo Hữu Hương Cường.

BẢO VĂN PHÁP QUÂN CAO QUỲNH DIÊU

Chào tất cả mấy em Nam Nữ và mấy con,

Bần đạo có mấy lời nầy để mấy em và mấy con được hiểu: Bần đạo rất mừng được mấy em và mấy con lo lắng cho Bần đạo. Vậy Bần đạo hết lòng cảm tạ.

Bần đạo được Ðức Phật Mẫu ban ân, nên được nhẹ nhàng lo phổ độ vô vi nơi miền Á Ðông cùng mấy bạn tiền bối.

Mấy em và mấy con nên vui để lo phận sự tiếp tục. Bần đạo được đặc ân mới được về sớm để tạo nghiệp thiêng liêng, công quả như thế để kịp buổi Long Hoa Ðại Hội.

Bà Ngoại con Vân, rán lo phục dược ân cần, chớ nên âu sầu theo thường tình. Bần đạo mất cũng như còn, chớ đâu phải biệt tích mà buồn. Nên tự giải mới là hiểu Ðạo đó, có Bần đạo trợ giúp luôn về vô hình. Hiện giờ Bần đạo thơ thới, chớ không phải khổ nhọc như hồi sanh tiền. Nên vui mừng cho Bần đạo đã thoát khổ.

Có Phối sư Thái Hào Thanh ở nhà không?

Bạch: Ông Phối Sư Hào đã vào nghỉ tại Nội Chánh.

Nói lại, Bần đạo rất cám ơn về sự hết lòng với Bần đạo buổi chung qui, và xin cảm tạ ơn Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng Nam Nữ và Phước Thiện, toàn thể Trung Tông, tất cả Giáo Viên Ðạo Ðức Học Ðường và toàn đạo.

Sự dĩ định của Thiên Thơ đúng theo với thời cơ xây chuyển. Kiếm Thánh giáo cũ xem lại thì thấy rõ. Mấy em và mấy con cần cấp lo bồi đắp công quả thiêng liêng cho kịp buổi, đừng để mất thì giờ, vì cơ mầu nhiệm mắc lắm đó, khó đoán được. THĂNG.

Ðàn cơ đêm 26-11-Mậu Tuất (dl 5-1-1959) tại Giáo Tông Ðường, Phò loan: Thượng Sanh - Tiếp Pháp. (8 giờ 30)

BẢO VĂN PHÁP QUÂN CAO QUỲNH DIÊU

Chào hai em Thượng Sanh và Tiếp Pháp, và mấy em.

Cười....

Tiếp Pháp! Bây giờ Bần đạo hết rệu rồi nghe không! Nhớ lại buổi trước còn nằm dầm tại Trung Tông thì chán quá! Ði ở cũng là sự thường. Ði rồi ngảnh lại thương mấy bạn còn ở phải chịu bao nhiêu nhọc nhằn tâm trí, nhưng đó là nhiệm vụ của mỗi bạn do Ðức Chí Tôn sắp đặt.

Bần đạo nhờ từ tâm của Phật Mẫu và Cửu vị Phật Nương DTC nên cũng đặng phần ân huệ thiêng liêng.

Hiện giờ, Bần đạo hiệp với mấy bạn của chúng ta nơi thiêng liêng tiếp tục làm công quả về mặt phổ độ Á Châu.

Bần đạo có lời hiến chư quí bạn:

Ðau khổ ném xong cái gánh trần,

Nhẹ nhàng mới toại chí thanh vân.

Ðường mây vừa thoát tầm sông lệ,

Cánh hạc vui qua tận đảnh thần.

Công lớn chưa ghi trang sử đạo,

Nghiệp hồng còn tiếp dựng nền nhân.

Giựt mình hối tiếc bao tâm sự,

Nhắn bạn trường tu gắng vẹn phần.

Thượng Sanh cùng cả thảy mấy bạn, Bần đạo xin để lời cám ơn, thôi xin kiếu. THĂNG.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

DTC: Diêu Trì Cung.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

TKPÐ: Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

BÁT

BÁT

1.    BÁT: Tám, thứ tám.
Td: Bát âm, Bát Nương, Bát quái.

2.    BÁT: Cái chén đựng đồ ăn.
Td: Bát vu.

 

Bát âm

八音

A: The eight sounds.

P: Les huit sons.

Bát: Tám, thứ tám. Âm: Tiếng, âm thanh.

Bát âm là tám loại âm thanh phát ra từ tám nhạc khí cổ ở đông phương.

Bát âm tương ứng với Bát Quái, kể ra:

1.

Kim:

Tiếng chuông thuộc cung Ðoài.

2.

Thạch:

Tiếng khánh thuộc cung Cấn.

3.

Ty:

Tiếng dây đàn thuộc cung Ly.

4.

Trúc:

Tiếng sáo tre thuộc cung Khảm.

5.

Bào:

Tiếng sinh, kèn thuộc cung Tốn.

6.

Thổ:

Tiếng trống đất thuộc cung Khôn.

7.

Cách:

Tiếng trống da thuộc cung Càn.

8.

Mộc:

Tiếng mõ cây thuộc cung Chấn.

Bát âm là chỉ âm nhạc nói chung.

 

Bát bộ

( Xem: Tam Châu Bát B, vn T )

 

Bát bửu - Dàn Bát bửu

八寶

A: Eight precious things.

P: Huit objets précieux.

Bát: Tám, thứ tám Bửu: còn đọc là Bảo, nghĩa là quí báu.

Bát bửu là tám món quí báu.

Từ ngữ Bát bửu thường dùng để chỉ tám món bửu bối của Bát Tiên thường giữ luôn bên mình.

Mỗi vị Tiên trong Bát Tiên có thể luyện được nhiều bửu bối, nhưng Bát bửu là tám bửu bối thường dùng của Bát Tiên.

1.    Lý Thiết Quả có 2 bửu bối: Hồ lô và gậy sắt.

2.    Hớn Chung Ly có 2 bửu bối: Quạt Long tu, Phất chủ.

3.    Lữ Ðồng Tân có 3 bửu bối: Gươm, Phất chủ, Ống tiêu.

4.    Lam Thể Hòa có 1 bửu bối: Ngọc bản.

5.    Trương Quả Lão có 2 bửu bối: Gậy và Lừa giấy.

6.    Hà Tiên Cô có 1 bửu bối: Hoa sen.

7.    Hàn Tương Tử có 2 bửu bối: Gươm và Giỏ Hoa lam.

8.    Tào Quốc Cựu có 1 bửu bối: Thủ quyển bằng ngọc.

Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, ở cấp thứ tám của CTÐ, hai bên có đặt hai Dàn Bát bửu song song và đối xứng nhau để trấn nơi Chánh điện, trên đó có 8 bửu bối của Bát Tiên đặt xen kẽ với 3 cây lọng, có thứ tự theo hình sau đây:

(8)

(7)

O

(6)

(5)

(4)

O

(3)

(2)

O

(1)

 

 

phía Bát Quái Ðài

 

DÀN BÁT BỬU

(1) Hồ lô và gậy (Nai chở): Bửu pháp của Lý Thiết Quả.

O là cây lọng, có 3 cây lọng cắm xen kẽ trên Dàn Bát Bửu.

(2) Quạt và Phất chủ (Chim chở): Bửu pháp của Hớn Chung Ly.

(3) Gươm và Phất chủ (Chim chở): Bửu pháp của Lữ Ðồng Tân.

(4) Hai cây gậy trong cái ống (Nai chở): Bửu pháp Trg Q. Lão.

(5) Giỏ Hoa Lam (Phụng chở): Bửu pháp của Hàn Tương Tử.

(6) Hoa sen (Rùa chở): Bửu pháp của Hà Tiên Cô.

(7) Thủ quyển (ống sáo) bằng ngọc (Cá chở) của Tào Q. Cựu.

(8) Cặp Ngọc bản (Công chở) của Lam Thể Hòa.

Công dụng của Dàn Bát bửu:

■ Về phương diện hình thức: Dàn Bát bửu với tám bửu bối của Bát Tiên đặt thành hai hàng dài song song trước nơi thờ phượng, thay thế cho hai Dàn Lỗ Bộ thường thấy, để làm tăng thêm vẻ uy nghi trang trọng nơi thờ phượng.

■ Về phương diện thiêng liêng: Tám bửu bối của Bát Tiên trấn giữ ngôi thờ Ðức Chí Tôn, không cho tà quái xâm nhập vào, vì hễ xâm nhập thì bị tám bửu bối nầy đánh đuổi.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

Bát cảnh cung

八境宮

A: The palace of eight sights.

P: Le palais de huit sites.

Bát: Tám, thứ tám Cảnh: Phong cảnh. Cung: Tòa nhà lớn.

Bát Cảnh Cung là tòa nhà lớn trong đó có tám cảnh do Ðức Phật Mẫu chưởng quản để un đúc cho Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh.

Do đó, nơi Báo Ân Từ, Ðức Phạm Hộ Pháp dùng tám lồng căn để làm nơi thờ tạm Ðức Phật Mẫu, mỗi lồng căn có đặt tấm bảng nhỏ đề chữ nho 八境宮 (Bát Cảnh Cung).

 

Bát Ðạo Nghị Ðịnh

八道議定

A: Eight religious decrees.

P: Huit décrets religieux.

Bát: Tám, thứ tám. Ðạo: Tôn giáo, thuộc về tôn giáo. Nghị định: Lời quyết nghị trở thành luật.

■ Bát Ðạo Nghị định là Tám Nghị Ðịnh quan trọng của Ðạo Cao Ðài do Ðức Lý Giáo Tông hiệp cùng Ðức Phạm Hộ Pháp tạo thành Quyền Chí Tôn lập ra và đồng ký tên ban hành để chỉnh đốn các cơ quan và chỉnh đốn cách hành đạo.

■ Bát Ðạo Nghị Ðịnh cũng có nghĩa là Ðạo Nghị Ðịnh thứ tám trong Tám Ðạo Nghị Ðịnh do Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp lập ra.

Chúng ta đã biết, theo Thánh Ngôn của Ðức Chí Tôn thì Quyền Chí Tôn được phần làm hai: một nửa cho Giáo Tông và một nửa cho Hộ Pháp. Cho nên khi Giáo Tông hiệp cùng Hộ Pháp lập ra điều gì thì đó là của Quyền Chí Tôn và nó trở thành Thiên điều, không bao giờ thay đổi.

Vậy Bát Ðạo Nghị Ðịnh là Thiên điều bất di bất dịch.

Bát Ðạo Nghị Ðịnh được Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp lập ra vào hai thời kỳ:

■ Ngày 3 tháng 10 năm Canh Ngọ (dl 22-11-1930), đàn cơ tại Cung Ðạo Tòa Thánh Tây Ninh, phò loan: Hộ Pháp - Bảo Văn Pháp Quân, từ hàn: Sĩ Tải Phạm văn Ngọ, có Ðức Quan Thánh Ðế Quân trấn đàn.

Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ lập 6 Ðạo Nghị Ðịnh từ số 1 đến số 6 có mục đích lập lại trật tự phân minh trong nền Ðạo, phân quyền cho các phẩm Chức sắc, đưa Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt lên làm Quyền Giáo Tông tại thế, và giao cho Ðức Hộ Pháp chú giải Pháp Chánh Truyền.

Sau khi ban hành 6 Ðạo Nghị Ðịnh nầy thì Ðức Hộ Pháp chú giải PCT, phân định quyền hành toàn cả Chức sắc HTÐ và CTÐ, phẩm phục chầu lễ Ðức Chí Tôn, rồi dâng cho Ðức Lý Giáo Tông xem xét và phê chuẩn.

■ Bốn năm sau, ngày 16 tháng 7 năm Giáp Tuất (dl 25-8-1934), đàn cơ tại Cung Ðạo Tòa Thánh, phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Ðạo, có Ðức Cao Thượng Phẩm trợ điển, Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ lập thêm hai Ðạo Nghị Ðịnh số 7 và số 8, nhứt là Ðạo Nghị Ðịnh số 8 là lá bùa ngăn chận và trừ khử tà quyền lồng trong cửa Ðạo.

Sau đây, xin chép nguyên văn Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8:

ÐẠO NGHỊ ÐỊNH THỨ TÁM

Chiếu y Pháp Chánh Truyền CTÐ và HTÐ,

Chiếu y các Thánh giáo của Chí Tôn,

Nghĩ vì Ðạo duy có một.

NGHỊ ÐỊNH:

Ðiều thứ nhứt: Những Chi phái nào do bởi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng môn Tả đạo.

Ðiều thứ hai: Các tôn giáo xin nhập môn vào mối Chơn truyền phải có đủ quyền Vạn linh và quyền Chí Tôn công nhận.

Lập tại Tòa Thánh Tây Ninh
ngày rằm tháng 7 năm Giáp Tuất.

HỘ PHÁP
Phạm Công Tắc

GIÁO TÔNG
Lý Thái Bạch

 

Việc xin hủy bỏ Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8:

Ngài Bảo Ðạo Hồ Tấn Khoa là người rất tích cực dâng sớ vận động hủy bỏ Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8, vì Ngài có đại nguyện thống nhứt các Chi phái của Ðạo Cao Ðài.

Ngài có hai lần dâng sớ cầu xin hủy bỏ, nhưng không được các Ðấng chấp thuận.

■ Lần thứ nhứt: Năm 1953, khi Bảo Ðạo Ca Minh Chương giáng cơ báo tin sẽ nhượng quyền Bảo Ðạo tại thế cho Ngài Hồ Tấn Khoa, thì Ngài Khoa liền dâng bức Khải lên Ca Bảo Ðạo yêu cầu hiệp với Ðức Cao Thượng Phẩm cầu xin Ðức Lý Giáo Tông hủy bỏ Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8.

Ðức Cao Thượng Phẩm và Ca Bảo Ðạo giáng cơ trách cứ Ngài Khoa và cho biết đặt điều kiện như vậy là phạm Thiên điều. Ðiều tốt nhứt cho Ngài Khoa là vâng lịnh Ðức Chí Tôn và Ngọc Hư Cung. (Xem lại: Bảo Ðạo Ca Minh Chương, vần B)

■ Lần thứ nhì: Năm 1978, khi Ngài Bảo Ðạo Hồ Tấn Khoa cầm quyền Chưởng quản HTÐ (vì tất cả vị Thời Quân khác đã đăng Tiên), Ngài lại dâng mật sớ lên Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp một lần nữa cầu xin hủy bỏ Ðạo Nghị Ðịnh số 8 để Ngài qui hiệp các Chi phái về TTTN. Nhưng lần cầu xin thứ nhì nầy cũng không được các Ðấng chấp thuận.

Trong lúc nầy, việc thông công với các Ðấng thiêng liêng bằng cơ bút bị nhà nước cấm hẳn, nên Ông Hữu Phan Quân Lê Văn Thoại được Ðức Cao Thượng Phẩm cho phép xuất chơn thần lên cõi thiêng liêng gặp Ðức Thượng Phẩm để xem mật sớ nầy và cho biết quyết định của quyền thiêng liêng.

Ông Hữu Phan Quân Lê Văn Thoại có thuật lại việc nầy và nói đại khái như sau:

■ Cái gì mà Ðức Giáo Tông và Ðức Hộ Pháp lập ra thì đó là Thiên điều, không sửa cải được, có giá trị đến thất ức niên.

■ Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8 là lá bùa hiệu nghiệm để tiêu diệt và ngăn ngừa các Chi phái lồng vào nội bộ của Ðạo.

Ðạo Thiên Chúa có cả trăm mấy chục Chi phái mà Ðức Giáo Hoàng không biết làm sao thống nhứt cho được; Ðạo Phật có hơn 300 Chi phái mà cũng không có một quyền lực nào thống nhứt làm thành một mối cho được.

Nếu hủy bỏ Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8 thì số Chức sắc của Ðạo mỗi khi bất bình Hội Thánh liền tách ra lập Chi phái, thì số Chi phái càng ngày càng tăng, lấy gì để ngăn chận?

Nếu hủy bỏ Ðạo Nghị Ðịnh số 8 thì khi Chi phái trở về lồng vào Hội Thánh thì làm sao đuổi nó ra?

Cho nên, Ðạo Nghị Ðịnh số 8 là lá bùa trừ khử sự chia rẽ, ngăn ngừa việc lập Chi phái, giữ gìn toàn vẹn nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn mãi mãi trong thất ức niên.

Các Chi phái đã lập ra trước khi có Ðạo Nghị Ðịnh số 8, nếu không tự giác qui hiệp về TTTN theo các điều luật đã được qui định trong Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938) thì dần dần rồi đây sẽ suy tàn và mất hẳn.

Chúng ta nhớ bài thi tiên tri của Ðức Chí Tôn:

Ðạo Thầy nhiều nhánh các con coi,

Nhánh có trái bông, nhánh cụt còi.

Rốt cuộc cành khô cùng lá héo,

Còn gì tươi tốt để con coi.

Chúng ta kiểm điểm lại quá trình lập các Chi phái do các Chức sắc TTTN bất bình Chức sắc bề trên tách ra tự lập, trước khi Ðạo Nghị Ðịnh số 8 ra đời, tức là từ năm1926 đến 1934.

■ Khởi đầu là Ngài Ngô Văn Chiêu không nhận chức Giáo Tông do Ðức Chí Tôn dự bị phong thưởng, Ngài tách ra khỏi nhóm Phổ Ðộ để lo tu đơn. Khoảng năm 1928, Ngài lập phái Chiếu Minh Vô Vi ở Cần Thơ, chuyên về tịnh luyện.

Kế đó, năm 1930, Giáo Hữu Ngọc Chính Thanh tách ra khỏi TTTN, lập phái Tiên Thiên ở làng Sóc Sãi tỉnh Bến Tre. Cơ bút riêng của ông Chính phong ông chức Chưởng Pháp.

■ Năm 1930, Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh (Vương Quan Kỳ) không tuân lịnh TTTN áp dụng nghi lễ mới, nên tách ra lập phái Cầu Kho tại Thánh Thất Cầu Kho.

■ Năm 1931, ông Phối Sư Thái Ca Thanh cũng tách khỏi TTTN, lập phái Minh Chơn Lý ở Cầu Vỹ, Mỹ Tho.

■ Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Ðạo Quang tách khỏi TTTN, theo ủng hộ phái Minh Chơn Lý của Phối Sư Ca, sau thấy Minh Chơn Lý biến thành Tà đạo, liền bỏ Minh Chơn Lý, xuống Bạc Liêu, hợp với Cao Triều Phát lập phái Minh Chơn Ðạo vào năm 1934.

■ Năm 1933, Nguyễn Phan Long lập Liên Hòa Tổng Hội, kéo về TTTN mở Hội Vạn Linh mà ông Long làm Nghị trưởng có ý định truất phế Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, nhưng không thành công, đành kéo về Sài Gòn.

■ Ðầu năm 1934, hai Ngài Quyền Ðầu Sư: Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) và Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) bất đồng ý kiến trầm trọng với Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, nên tách ra lập Ban Chỉnh Ðạo, lấy Thánh Thất An Hòa ở Bến Tre làm trụ sở, nên thường gọi là phái Bến Tre. Sau khi Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung đăng Tiên vào cuối năm 1934 thì ở Bến Tre tổ chức bầu cử vào năm 1935: Ngài Nguyễn Ngọc Tương lên làm Giáo Tông và Ngài Lê Bá Trang lên làm Chưởng Pháp.

Sau khi hai Ngài Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang tách khỏi TTTN lập Chi phái Bến Tre vào đầu năm 1934, thì giữa năm 1934, Ðức Lý Giáo Tông hiệp cùng Ðức Phạm Hộ Pháp lập Ðạo Nghị Ðịnh số 8, thì kể từ đó về sau, không còn Chức sắc nào dám tách ra khỏi TTTN để lập Chi phái nữa.

Nhưng trong mỗi Chi phái các vị lại bất đồng ý kiến, tự tách ra lập thêm Chi phái nữa, đó là Chi phái sanh Chi phái, làm cho số Chi phái tăng lên rất nhiều. (Xem: Chi phái, vần Ch)

Hai phong trào Chi phái chống lại TTTN rất mạnh mẽ, có sự ủng hộ của Chánh quyền Pháp, khủng bố các Chức sắc và tín đồ TTTN là của quí Ông: Nguyễn Phan Long (Liên Hòa Tổng Hội) và Nguyễn Ngọc Tương + Lê Bá Trang (Ban Chỉnh Ðạo), làm Hội Thánh TTTN điêu đứng khổ sở, nhưng rốt cuộc họ vẫn thất bại, dầu họ không ngại áp dụng bạo lực và được cường quyền giúp đỡ.

Chính những việc đó mới thấy rõ rằng, câu nói của Ðức Chí Tôn là chơn lý: "Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi."

Nhìn lại, từ ngày các vị tách khỏi TTTN lập Chi phái đến nay thì các vị ấy lập được những công trình gì làm vẻ vang cho Ðạo? Hay đó chỉ là thỏa mộng bá quyền, tranh quyền tranh chức? Và vì không có chánh nghĩa thật sự nên dần dần mất đi sự ủng hộ của tín đồ, theo thời gian lộ rõ các nét phàm, nên cuối cùng tan rã dần, sẽ tự diệt trong một tương lai gần.

Kết luận: Nhờ Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8 của Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Hộ Pháp mà từ đây về sau Ðạo Cao Ðài không còn nảy sinh Chi phái, trở thành một nền Ðại Ðạo duy nhất, chỉ có một Hội Thánh duy nhất đến thất ức niên.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

Bát hồn

八魂

A: Eight grades of souls.

P: Huit grades d'âmes.

Bát: Tám, thứ tám. Hồn: Linh hồn, chơn linh.

Bát hồn là tám đẳng cấp tiến hóa của linh hồn, nên còn được gọi là Bát phẩm chơn hồn.

Tất cả Chơn linh trong CKVT, gọi là Vạn linh, được chia làm 8 bực tiến hóa cao thấp khác nhau, kể từ thấp lên cao:

1.    Kim thạch hồn.

2.    Thảo mộc hồn.

3.    Thú cầm hồn.

4.    Nhơn hồn.

5.    Thần hồn.

6.    Thánh hồn.

7.    Tiên hồn.

8.    Phật hồn.

Cấp thấp nhất là Kim Thạch hồn, gồm vật chất, đất đá, kim loại. Ðó là những vật chưa có tri giác.

Thứ tự trong Bát hồn là nấc thang tiến hóa của chơn hồn.

Khởi đầu đi từ bực thấp nhứt là Kim Thạch hồn, dần dần tiến hóa lên Thảo mộc hồn, rồi đến Thú cầm hồn, kế tiến hóa lên Nhơn hồn. Sự tiến hóa nầy kéo dài không biết bao nhiêu ngàn kiếp, nó có tánh cách liên tục và tự nhiên, vì các loài Kim Thạch, Thảo mộc, Thú cầm đều sống theo bản năng của nó do Trời ban cho. Chúng chưa có ý thức, chưa có suy nghĩ hiểu biết về thiện ác, về từ bi bác ái.

Khi tiến hóa đạt phẩm Nhơn hồn thì xem như đạt được phân nửa chu kỳ tiến hóa. Nhơn hồn có đầy đủ trí thức tinh thần.

Từ Nhơn hồn, con người có thể tiến hóa lên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn, nếu biết làm lành lánh dữ, bác ác vị tha, công bình chánh trực, sống theo Thiên lý. Ðó là sự tiến hóa có được do ý thức tu hành. Bằng ngược lại, con người làm ác, hại người lợi mình, đắm mình vào vật dục thấp hèn, thì Nhơn hồn sẽ bị thoái hóa xuống các đẳng cấp thấp kém hơn.

Tóm lại:

■ Sự Tiến hóa trong giai đoạn đầu từ Kim thạch hồn lên Nhơn hồn là sự Tiến hóa tự nhiên, do sự thúc đẩy của Luật Tiến hóa của Thượng Ðế, sự tiến hoá đi lên dần dần theo từng cấp bực, không có sự vượt cấp và cũng không có sự thoái cấp.

■ Sự Tiến hóa trong giai đoạn tiếp theo, từ Nhơn hồn lên Phật hồn là do sự Tu luyện của Nhơn hồn, nên Nhơn hồn có thể tiến hóa vượt cấp và cũng có thể thoái hóa xuống Cầm thú.

Tiến hóa vượt cấp là khi Nhơn hồn tu luyện có công đức dồi dào thì tiến hóa vượt qua Thần hồn và Thánh hồn, để đạt đến Tiên hồn và Phật hồn.

Sự Tiến hóa đi lên của Nhơn hồn, khi đã đến Phật hồn rồi thì chưa phải là đến mức tận cùng của nấc thang tiến hóa. Phật hồn còn phải tiếp tục tu luyện để tiến hóa lên mức tận cùng tối cao là Thiên hồn, tức là Ðại hồn của Thượng Ðế.

Tới đây mới giáp một chu trình tiến hóa của Vạn linh, bởi vì Vạn linh xuất phát từ Thiên hồn (Ðại Hồn, Ðại Linh Quang, Thái Cực), đi chu du một vòng tiến hóa, trải qua Bát hồn, nay trở về hiệp nhập vào Ðại hồn của Thượng Ðế là đúng một chu trình tiến hóa.

Ðức Cao Thượng Phẩm có giáng cơ giảng giải về sự tiến hóa của Bát hồn, trong Luật Tam Thể, trích ra như sau:

Từ lúc Hỗn Ðộn sơ khai, Âm Dương biến hóa, trong Khí Hư Vô đã sẵn các tế bào. Sau tiếng nổ, Âm Dương phân tách: Khí Dương quang là khí nhẹ nhàng bay lên trên, còn khí Âm quang là khí chất chứa các tế bào nên lóng xuống dưới.

■ Sau một Chuyển, các chất khí trên liên đới với tế bào mà tụ lại thành chất khí và biến thành vạn vật. Khi chưa thành hình thể hữu vi, thì chất khí vẫn là một cục lửa do khí Dương quang đốt cháy, sau đó, nơi Diêu Trì Cung thâu Thập nhị Ðịa Chi mà biến khí Dương quang và chất khí làm Ngũ Hành. Vậy cho nên, Ðất, Nước, Sắt, Ðá, và Lửa được nẩy sanh trước hết, đó là Kim thạch hồn.

■ Sau một Chuyển nữa, Nước, Ðất, Ðá, Lửa và Sắt mới tiêu ra một chất khí và liên đới với các tế bào lại mà tạo nên cây cỏ, đó là Thảo mộc hồn.

■ Sau một Chuyển nữa, các cây cỏ chia tế bào mà liên đới với Ngũ Hành tạo nên Bách Thú, trong đó phần ở khô gọi là Ðiểu thú, còn phần ở nước gọi là Ngư thú, đó là Thú cầm hồn. Cầm thú đều là Bách thú.

■ Sau một Chuyển nữa, Ngũ Hành hiệp với Thảo mộc mà nuôi Thú cầm. Trong Thú cầm, chơn hồn đã bước vào Cơ Tấn hóa, do đó tạo nên Thỉ Tổ loài người là La Hầu, tức người khỉ đó. La Hầu lần lần sanh hóa và nhờ điểm Linh quang của Chí Tôn mà lần đến loài người như hiện giờ, đó là Nhơn hồn."

"Nhơn hồn nào được trọn Trung, ấy đã vào Thần vị.

Biết được nghĩa chánh, bồi bổ đạo Nhơn luân, tức là Thánh vị.

Ðến Thánh hồn thì tự nhiên phải thông suốt phần Thế Ðạo đó vậy. Trong phần Thế Ðạo mà tạo được Bí pháp đặng bước qua mặt Thể pháp Thiên Ðạo, tức là Tiên vị.

Ðã lập được Thể pháp Thiên Ðạo mà tầm nên Bí pháp Thiên Ðạo, tức là đắc pháp, ấy là Phật vị."

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Bát nhã

般若

A: The wisdom.

P: La sagesse.

Bát nhã là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn: Prajnâ hay tiếng Pali: Pannâ, phiên âm ra chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt là Ban nhược.

Bát nhã là từ ngữ đặc biệt của Phật giáo, bao hàm nhiều nghĩa cao xa, nên người ta thường dùng tiếng phiên âm hơn là dịch nghĩa. Bát nhã gồm những ý nghĩa sau đây:

·         Trí huệ: Cái trí sáng về đạo lý.

·         Huệ là sự sáng suốt của bực thoát trần.

·         Thanh tịnh: Trong sạch, không nhiễm trược trần.

·         Minh: Sự sáng suốt, không còn mê muội hay lầm lạc.

·         Viễn ly: Thoát khỏi các phiền não và các oan nghiệt.

Bát nhã là cái tâm trí thoát ra ngoài Tham, Sân, Si, dứt các mê lầm, tự mình thông đạt, sáng suốt giác ngộ.

Như thế, Bát nhã là cái trí huệ cao siêu đệ nhất trong tất cả trí huệ, là thứ mà không gì sánh bằng hay cao hơn nó được.

Có ba thứ Bát nhã:

1.    Thật Tướng Bát nhã: Cái trí sáng suốt sẵn có nơi mỗi người.

2.    Quán chiếu Bát nhã: Cái trí sáng suốt phân biệt các pháp, loại trừ những tà chấp, vọng niệm.

3.    Văn tự Bát nhã: Cái trí sáng suốt nhận biết cái lý cao siêu trong các kinh điển.

 

Bát nhã ba la mật

般若波羅蜜

Ðây là từ ngữ phiên âm từ tiếng Phạn: Prajnâ paramita, phiên âm đầy đủ là: Bát nhã ba la mật đa, nghĩa là:

·         Bát nhã là trí huệ.

·         Ba la mật là vượt qua bỉ ngạn và đưa người cùng qua với, tức là độ người vượt qua biển khổ đến bờ giác ngộ.

Bát nhã ba la mật nghĩa là trí huệ đáo bỉ ngạn hay huệ độ.

Ðó là cái trí huệ siêu việt. Lấy cái trí huệ nầy soi tỏ thực tướng, làm thành con thuyền hay cái bè để đưa nhơn sanh từ bờ sinh tử luân hồi sang bờ bên kia là bờ tuyệt luân giác ngộ, vào cõi Niết Bàn.

Cái mầm mống của trí huệ siêu việt vốn sẵn có trong mỗi người, nhưng vì bị vô minh và dục vọng che lấp nên con người không biết. Các pháp môn tu hành của Phật giáo là để khơi dậy là phát triển cái mầm mống ấy trong mỗi con người để nó thành Bát nhã ba la mật. Trong kinh điển Ðại thừa, các bộ kinh Bát nhã chiếm vị trí quan trọng bực nhứt.

Bát nhã ba la mật là nền đại đức đại hạnh cao rốt về trí huệ của người tu Phật giáo, quyết chí tu hành cho đạt Phật vị.

Có 6 nền đại hạnh đại đức đưa đến đắc đạo, nên thường được gọi là Lục độ hay Lục Ba la mật, kể ra:

1.    Bố thí.

2.    Trì giới.

3.    Nhẫn nhục.

4.    Tinh tấn.

5.    Thiền định.

6.    Trí huệ.

 

Bát nhã thuyền

( Xem: Thuyền Bát nhã, vần Th )

 

Bát Nương

八娘

A: Eighth Muse, the Chinese Muse.

P: Huitièm Muse, la Muse Chinoise.

Bát: Tám, thứ tám. Nương: Cô, Bà, tiếng gọi người phụ nữ quí phái.

Bát Nương là vị Nữ Tiên thứ tám trong Cửu vị Tiên Nương DTC, hầu cận Ðức Phật Mẫu.

Bát Nương mặc áo xanh, tay cầm bửu pháp là Giỏ Hoa lam, ngồi bên mặt Ðức Phật Mẫu, nơi tượng thờ Ðức Phật Mẫu trong Báo Ân Từ TTTN.

Bát Nương có một kiếp giáng trần ở Trung hoa vào thời Tiền Hán, tên là Bạch Liên hay Liên Bạch (hoa sen trắng), nên thường giáng cơ xưng là Hớn Liên Bạch.

Bài thài hiến lễ Bát Nương trong Lễ Hội Yến DTC:

Hồ HỚN HOA SEN TRẮNG nở ngày,

Càng gần hơi đẹp lại càng say.

Trêu trăng hằng thói dấu mày,

Cợt mây tranh chức Phật đài thêm hoa.

Bát Nương có công rất lớn trong việc dẫn dắt các vị tiền khai Ðại Ðạo như: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, Thượng Sanh Cao Hoài Sang, và Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.

Cho nên trong bài Kinh TTCÐDTKM có 2 câu:

Bát Nương thật Ðấng chí linh,

Cùng chung giáo hóa ân cần lo âu.

Nơi Báo Ân Ðường ở Nam Vang, nhơn khi Ðức Phạm Hộ Pháp và Ngài Cao Tiếp Ðạo phò loan, Bát Nương giáng cơ cho nguyên bài Phật Mẫu Chơn Kinh. Ðây là bài kinh rất quan trọng nêu lên triết lý và giáo lý mới mẻ rất đặc biệt của Ðạo Cao Ðài mà từ trước tới nay, chưa một tôn giáo nào có được. Ðó là sự tôn thờ Ðức Phật Mẫu, là ngôi Âm của CKVT, nắm quyền tạo hóa CKVT và vạn vật.

Trong Cửu vị Tiên Nương, Bát Nương giáng cơ dạy Ðạo nhiều nhất, khi thì giáng cho thi, khi thì giáng cho văn xuôi, kế đó là Thất Nương, rồi Lục Nương, còn các vị Tiên Nương khác thì ít giáng hơn.

Bát Nương cùng với Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy về Luật Tam Thể. Ðây là căn bản của triết lý về Nhân sinh quan của Ðạo Cao Ðài.

DTC: Diêu Trì Cung.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Bát quái

  1. Tiên Thiên Bát quái đồ

               1.      Tên và ý nghĩa của Tám quẻ

               2.      Nguồn gốc của Bát quái

               3.      Vua Phục Hy làm ra Bát quái thế nào?

               4.      Ðặc điểm của Tiên Thiên Bát quái

  1. Hậu Thiên Bát quái đồ

               1.      Lạc Thư

               2.      Văn Vương lập Hậu Thiên Bát quái đồ thế nào?

  1. Tương quan giữa Tiên Thiên Bát quái & Hậu Thiên Bát quái

               1.      Ðứng về mặt không gian

               2.      Ðứng về mặt thời gian

               3.      So sánh phương vị của Tiên Thiên BQ và Hậu Thiên Bát Quái

               4.      Chiết KHẢM điền LY: Chuyển Hậu Thiên Bát quái thành Tiên Thiên Bát quái

  1. Cao Ðài Bát quái 

Bát quái

八卦

A: Eight diagrams.

P: Huit diagrammes.

Bát: Tám, thứ tám. Quái: Quẻ, nghĩa là treo, vì khi xưa, văn tự thời thái cổ (trước Thương Hiệt) được khắc vào ngọc hay đá rồi đem treo trong các hang động. Quái được dùng làm những định pháp để quyết đoán sự nghi ngờ, chọn những quyết sách để dạy dân và đem khắc vào đá để lưu lại đời sau.

Bát quái là tám quẻ. Bái quái đồ là một bức vẽ gồm tám quẻ xếp đặt trên tám cạnh của một hình bát giác đều.

Mỗi quẻ của Bát quái có ba vạch liền hay đứt đoạn. Vạch liền tượng trưng Dương, vạch đứt đoạn tượng trưng Âm.

Sách diễn giải Bát Quái và các quẻ do Bát quái biến hóa ra gọi là Kinh Dịch.

Có 3 cách sắp đặt Bát quái trên Bát quái đồ:

1. Thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, vua Phục Hy (2852-2737 trước Công nguyên) chế ra Bát quái để giải thích sự hình thành Trời Ðất, nên Bát quái ấy được gọi là Tiên Thiên Bát quái.

2. Thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, vua Văn Vương (1136-1122 trước Công nguyên) nhà Châu biến đổi Tiên Thiên Bát Quái của vua Phục Hy để giải thích sự hình thành vạn vật, sau khi đã có Trời Ðất, do đó Bát quái do vua Văn Vương chế ra được gọi là Hậu Thiên Bát quái.

3. Thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài, lập nên Tòa Thánh có Bát Quái Ðài để thờ phượng Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Bát quái đó do Ðức Chí Tôn đặt ra nên gọi là Cao Ðài Bát quái.

Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt trình bày ba kiểu Bát quái vừa nêu trên.

I. Tiên Thiên Bát quái đồ:

先天八卦圖

A: Eight Diagrams of Ante-Creation.

P: Huit Diagrammes de l'Ante-Création.

1. Tên và ý nghĩa của Tám quẻ:

Vua Phục Hy căn cứ vào hai nguyên lý Âm Dương chế ra Bát quái, mà Âm Dương nầy do Thái Cực biến hóa tạo ra.

Thái Cực

được biểu thị bằng một vòng tròn:

¡

Nghi Dương

được biểu thị bằng một vạch liền:

Nghi Âm

được biểu thị bằng một vạch đứt:

* Ðem hai vạch Âm Dương chồng lên nhau thành từng đôi và thay đổi vị trí trên dưới giữa hai vạch ấy thì ta được 4 hình sau đây gọi là Tứ Tượng:

Thái Dương

Thái Âm

Thiếu Dương

Thiếu Âm

* Nếu đem hai vạch Âm Dương đặt chồng lên nhau thành từng nhóm ba vạch và thay đổi vị trí trên dưới của chúng, ta được 8 hình sau đây, gọi là Bát quái:

 

TT

Quái

Tên

Hình tượng Thiênnhiên

Thành phần

Hình thức

1

CÀN

Trời
Con rồng

3 Dương (thuầndương)

Càn ba liền

2

ÐOÀI 

Ðầm
Hơi nước

2 Dương
1 Âm

Ðoài khuyết trên

3

LY

Lửa
Mặt Trời

2 Dương
1 Âm

Ly rổng giữa

4

TỐN

Gió
Rừng

2 Dương
1 Âm

Tốn đứt dưới

5

KHÔN

Ðất
Con trâu

3 Âm
(thuần âm)

Khôn 6 đoạn

6

CHẤN

Sấm
Cây cối

1 Dương
2 Âm

Chấn ngửa bát

7

KHẢM

Nước
Mặt trăng

1 Dương
2 Âm

Khảm đầy giữa

8

CẤN

Núi

1 Dương
2 Âm

Cấn úp chén

2. Nguồn gốc của Bát quái:

Ông Khổng An Quốc, một Nho gia đời nhà Hán có viết rằng: "Ðời vua Phục Hy có con Long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà. Nhà vua quan sát thấy trên lưng của nó có những đốm đen trắng ở những vị trí đặc biệt, nhà vua ghi nhớ và vẽ lại thành một bức đồ gọi là Hà đồ, và từ Hà đồ nhà vua lập ra Bát quái." Vậy, nguồn gốc của Bát quái là Hà đồ và người lập ra Bát quái là vua Phục Hy.

a). Vua Phục Hy (2832-2737) là vị vua thông thái thời thái cổ nước Tàu. Ngài tượng trưng cho ánh sáng mặt trời nên dân gọi Ngài là Thái Hạo. Ngài dạy dân đánh cá, chăn nuôi các giống vật dùng để tế Thần, nên còn gọi Ngài là Bào Hy. Ngài làm vua 95 năm, truyền lại 15 đời, tổng cộng 1260 năm.

b) Long mã là loại thú linh, đầu rồng mình ngựa nhưng có vảy như rồng, xương cổ dài, cao lớn, mình không thấm nước. Long mã có đầu rồng tượng trưng Dương, mình ngựa tượng trưng Âm, nên Long mã là thú linh tượng trưng Âm Dương.

Truyện thần thoại xưa chép lại sự xuất hiện của Long Mã trên sông Hoàng Hà như sau:

Thình lình có một trận dông lớn nổi lên, nước sông Hoàng Hà dâng cao, giữa sông nổi lên một con quái, đầu rồng mình ngựa, đứng khơi khơi trên mặt nước. Dân chúng thấy lạ, cấp báo cho vua Phục Hy biết. Nhà vua liền đến nơi quan sát. Phục Hy là vị Thánh Ðế nên biết con quái ấy là Long mã, một loại thú linh biết hiểu tiếng người. Nhà vua phán: Nếu phải nhà ngươi đem vật báu đến dâng cho ta thì hãy lại đây. Long mã từ từ đi vào bờ, đến trước mặt nhà vua quì xuống. Vua Phục Hy thấy trên lưng Long mã có mang một cây kiếm báu và có một bức đồ gồm 55 đốm nhỏ đen trắng, vua ghi nhớ rồi gỡ lấy kiếm báu. Long mã liền đứng dậy đi ra khơi và biến mất.

Mực nước sông Hoàng Hà trở lại như lúc bình thường.

c) Hà đồ: Vua Phục Hy vẽ lại các đốm đen trắng thấy được trên mình Long Mã, tạo thành một bức đồ, gọi là Hà đồ. Ðồ là bức vẽ, Hà là sông Hoàng Hà. Hoàng Hà là một con sông lớn và dài ở Trung hoa, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, dài 8800 dặm, chảy ra biển Trung hoa.

55 đốm đen trắng của Hà đồ tượng trưng những con số từ 1 đến 10, biểu thị Âm Dương: Các đốm trắng là những số lẽ: 1, 3, 5, 7, 9 tượng trưng Dương; các đốm đen là những số chẵn: 2, 4, 6, 8, 10 tượng trưng Âm.

Dịch Hệ Từ Thượng viết: Trời 1 Ðất 2, Trời 3 Ðất 4, Trời 5 Ðất 6, Trời 7 Ðất 8, Trời 9 Ðất 10.

■ Trời có năm số lẽ, là CƠ tượng trưng Dương. Cộng năm số lẽ nầy được 25: (1 + 3 + 5 + 7 + 9 = 25)

■ Ðất có năm số chẵn, là NGẪU tượng trưng Âm. Cộng năm số chẵn nầy được 30: (2 + 4 + 6 + 8 + 10 = 30)

Tổng cộng hai số của Trời Ðất, được 55: (25 + 30 = 55)

Số 55 nầy biểu thị sự biến hóa vô cùng của Trời Ðất.

3. Vua Phục Hy làm ra Bát quái thế nào?

Ngày xưa, vua Phục Hy cai trị thiên hạ, ngẩng lên thì xem tượng Trời, cúi xuống thì nhìn hình trên mặt đất, xem các vẻ của chim muông, cùng những tiện nghi của mặt đất, gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở mọi vật, lại quan sát cái tượng Âm Dương của Hà đồ, suy nghĩ sự biến hoá của Trời Ðất: Từ Thái cực là số 1 mới có Lưỡng nghi là số 2, từ số 2 mới có 3 và 4 tức là từ Lưỡng nghi mới có Tứ Tượng, rồi biến hoá ra số 5, 6, 7, 8, tức là tạo thành Bát quái, vv...

Như vậy, việc phát minh ra Bát quái của vua Phục Hy là nhờ sự quan sát và suy luận của một bậc đại trí.

Ðặt vị trí các quái theo phương vị, tiến hành như sau:

■ CÀN là Trời (Dương), KHÔN là Ðất (Âm). Trời Ðất tức Âm Dương là gốc của muôn vật nên xuất hiện trước nhất.

·         CÀN thì ấm áp nên đặt ở phương Nam.

·         KHÔN thì lạnh lẽo nên đặt ở phương Bắc.

■ Ấm và lạnh tạo ra hơi nước, sương mù, nên đặt ÐOÀI tiếp theo CÀN.

■ Còn LY là lửa, là mặt trời thì đặt ở phương Ðông là hướng mặt trời mọc, nên đặt LY tiếp theo ÐOÀI.

■ Hơi nước và khí nóng phát động tạo ra sấm sét, đồng thời giúp cây cỏ nẩy sanh, nên đặt CHẤN tiếp theo LY.

■ Mặt đất thì lồi lõm, nơi cao thành núi, nên đặt CẤN kế bên KHÔN; còn nơi thấp thì nước đọng lại thành sông, biển, hồ, nên đặt KHẢM tiếp theo CẤN.

■ Các chuyển động đều tạo ra gió, nên đặt TỐN sau cùng

Ðó là Bát quái có đầy đủ: Trời Ðất, mặt trời mặt trăng, và Thủy Hỏa Phong.

Phục Hy bố trí các quẻ theo hình tròn, đứng từ tâm điểm hướng ra ngoài, vì Phục Hy quan niệm Vũ trụ rộng lớn bao la đến đâu đi nữa nhưng khởi điểm vẫn ở trung tâm là Thái Cực.

Trước khi có Âm Dương là thời Hỗn Ðộn (Hồng Mông) mờ mờ mịt mịt gọi là VÔ CỰC, rồi từ Vô Cực mới có THÁI CỰC, có Thái Cực mới có Âm Dương, Tứ Tượng, Ngũ Hành, Bát Quái, rồi từ Bát quái mới biến hóa ra mãi để tạo thành CKVT và vạn vật.

4. Ðặc điểm của Tiên Thiên Bát quái:

■ Bát quái Tiên Thiên phân làm 2 phía, mỗi phía 4 quẻ.

·         Quẻ Dương là quẻ có hào Dương ở đáy (vạch liền ở dưới)

·         Quẻ Âm là quẻ có hào Âm ở đáy (vạch đứt ở dưới).

·         Bốn quẻ: Càn, Ðoài, Ly, Chấn thuộc Dương.

·         Bốn quẻ: Khôn, Cấn, Khảm, Tốn thuộc Âm.

■ Các quẻ đối ngược với nhau từng đôi một xuyên qua tâm của vòng tròn: Hào Âm đối với hào Dương.

·         Quẻ CÀN đối với quẻ KHÔN,

·         Quẻ ÐOÀI đối với quẻ CẤN,

·         Quẻ LY đối với quẻ KHẢM,

·         Quẻ CHẤN đối với quẻ TỐN.

II. Hậu Thiên Bát quái đồ:

後天八卦圖

A: Eight Diagrams of Post-Creation.

P: Huit Diagrammes de Post-Création.

Vua Phục Hy đã lập ra Tiên Thiên Bát quái đồ, phát họa cả một thời gian dài của vũ trụ lúc khởi đầu còn là vô hình.

Vua Văn Vương kế tục sự nghiệp đó, thiết lập Hậu Thiên Bát quái đồ, để mô tả giai đoạn biến hóa của vũ trụ vô hình qua hữu hình.

Có Tiên Thiên Bát quái đồ mà không có Hậu Thiên Bát quái đồ thì quan niệm về vũ trụ chưa toàn diện, cũng như có Phục Hy mà không có Văn Vương thì Dịch lý còn thiếu sót.

Văn Vương tham khảo ba đồ hình: Hà đồ, Tiên Thiên Bát quái đồ và Lạc Thư để thiết lập Hậu Thiên Bát quái đồ.

Hà đồ và Tiên Thiên Bát quái đã trình bày ở phần trước.

Còn Lạc Thư là gì ?

Lạc Thư là sách có nguồn gốc ở sông Lạc, tức là sách ghi lại những nốt đen trắng trên lưng Thần qui xuất hiện ở sông Lạc, nơi vua Hạ Võ đang trị thủy. Do đó, Lạc Thư còn được gọi là Qui Thư. (Qui là con qui, giống như rùa; thư là sách).

Hán nho Khổng An Quốc viết: "Ðời vua Hạ Võ có con Thần qui nổi lên ở sông Lạc. Nhà vua quan sát những nốt trên lưng qui, vẽ lại thành một bức đồ, gọi là Lạc Thư. Nhờ Lạc Thư, vua Hạ Võ thiết lập Hồng Phạm Cửu Trù."

1. Lạc Thư:

Sông Lạc phát nguyên từ tỉnh Thiểm Tây, chảy về hướng đông nam qua các đất Bảo An, Cam Tuyền, rồi hợp với sông Vị để cùng đổ vào sông Hoàng Hà.

Thần qui là con rùa Thần, tức con rùa sống trên 5.000 năm, nên rất thiêng. Vua Hạ Võ đang trị thủy ở sông Lạc, thấy một con Thần qui rất lớn xuất hiện, có nhiều nhiều vết chấm đặc biệt trên lưng, đếm từ số 1 đến 9. Nhà vua theo đó sắp đặt thành Cửu Trù. Những vết chấm trên lưng Thần qui được ghi lại thành sách gọi là Lạc Thư hay Qui thư.

Sau đây là biểu đồ của Lạc Thư:

Lạc Thư mô phỏng theo hình lưng rùa, nên vuông, gồm 9 số, bố trí theo hình chữ TỈNH :

Tổng cộng các chấm trên Lạc Thư là 45:

(4 + 9 + 2) + (3 + 5 + 7) + (8 + 1 +6) = 45

Âm là các số chẵn (số ngẫu) gồm 4 số, cộng lại là 20.

2 + 4 + 6 + 8 = 20

Theo biểu đồ của Lạc Thư, nếu cộng ba số theo hàng ngang, bất kỳ hàng nào; rồi cộng ba số theo hàng dọc, bất kỳ hàng nào; rồi cộng ba số theo hai đường chéo, ta thấy chúng đều bằng nhau và bằng 15.

Do đó hình vuông của Lạc Thư được gọi là Ma phương, nghĩa là hình vuông kỳ dị như ma quái.

Nhờ đặc tính kỳ lạ của Lạc Thư mà vua Hạ Võ đem ứng dụng để đặt ra Hồng Phạm Cửu Trù 洪範九疇 làm chuẩn mực cho việc cai trị Thiên hạ được trật tự, hòa bình và thịnh vượng. (Hồng phạm là khuôn phép lớn, Cửu trù là chín phương pháp gồm: Ngũ Hành, Ngũ sự, Bát chính, Ngũ kỷ, Hoàng cực, Tam đức, Kê nghi, Thứ trưng, Ngũ phúc, Lục cực.)

2. Văn Vương lập Hậu Thiên Bát quái đồ thế nào?

Khi vua Văn Vương bị vua Trụ nhà Thương (Ân) cầm tù 7 năm nơi Dũ Lý, Ngài để tâm nghiên cứu Hà đồ, Lạc Thư, Tiên Thiên Bát quái đồ của Phục Hy, để từ đó, Ngài thiết lập Hậu Thiên Bát quái đồ, phối hợp với Ngũ Hành, để giải thích vạn vật hữu hình trong CKVT.

Vua Văn Vương sắp đặt tám quẻ theo một ước định về sự tương ứng giữa các hiện tượng thiên nhiên theo tứ thời bát tiết với tám hướng:

■ Phương Bắc, mùa đông, tiết đông chí, khí trời giá lạnh, nước đóng thành băng, là hiện tượng Âm khí hãm Dương khí, nên Ngài lấy quẻ KHẢM có hình tượng hai hào Âm bao bọc một hào Dương đặt ở đó.

■ Phương Nam, mùa hạ, tiết hạ chí, khí trời nóng, lửa dễ cháy, là hiện tượng Dương khí hãm Âm khí, nên Ngài lấy quẻ LY có hình tượng hai hào Dương bao bọc một hào Âm đặt ở đó.

■ Phương Ðông, mùa xuân, tiết xuân phân, Dương khí ở trên giáng xuống, Âm khí ở dưới bốc lên, hai khí Âm Dương va chạm nhau thành tiếng sấm, nên Ngài lấy quẻ CHẤN có hình tượng hai hào Âm ở trên, một hào Dương ở dưới đặt ở đó.

■ Phương Tây, mùa thu, tiết thu phân, khí trời hanh khô, dương khí chiếm hết mặt đất, nên Ngài lấy quẻ ÐOÀI có hình tượng một hào Âm ở trên, hai hào Dương ở dưới đặt ở đó.

■ Phương Ðông Bắc, tiết lập xuân, Dương khí vừa thoát khỏi sự bao bọc của Âm khí, Ngài lấy quẻ CẤN có hình tượng một hào Dương ở trên, hai hào Âm ở dưới đặt ở đó.

■ Phương Ðông Nam, tiết lập hạ, bắt đầu mùa gió chướng và mùa bão, đây là hiện tượng Dương khí lấn lướt Âm khí, Ngài lấy quẻ TỐN có hình tượng hai hào Dương ở trên, một hào Âm ở dưới, đặt vào đó.

■ Phương Tây Nam, tiết lập thu, lúc nầy là vào mùa mưa, đây là hiện tượng Âm khí lấn lướt Dương khí, nên lấy quẻ KHÔN có hình tượng ba hào Âm đặt ở đó.

■ Phương Tây Bắc, tiết lập đông, khí hậu lúc nầy là rất hanh khô, vạn vật trở nên cứng rắn, nên lấy quẻ CÀN có ba hào Dương đặt ở đó.

III. Tương quan giữa Tiên Thiên Bát quái & Hậu Thiên Bát quái:

■ Tiên Thiên là trước Trời, tức là trước khi thành hình vũ trụ hữu hình, lúc đó còn ở trạng thái vô hình, nên thuộc về Hình Nhi Thượng học, do vua Phục Hy hoạch định.

■ Hậu Thiên là sau Trời, tức là vũ trụ đã có hình thể hữu vi, nên thuộc Hình Nhi Hạ học, do vua Văn Vương chủ trương.

1. Ðứng về mặt không gian:

■ Tiên Thiên là cái KHÔNG (Hư Vô) vĩ đại của vũ trụ lúc ban đầu, là cái ÐẠO hay cái LÝ gọi là Thái Cực, vô hình vô ảnh, vô thủy vô chung, được tượng trưng bằng một vòng tròn rổng.

■ Hậu Thiên là cái CÓ (Hữu hình) vĩ đại của vũ trụ lúc đã thành hình cùng với vạn vật, thiên hình vạn trạng, được tượng trưng bằng Bát quái Hậu Thiên.

2. Ðứng về mặt thời gian:

■ Tiên Thiên là lúc từ vô thủy đến lúc có Âm Dương tác động sanh Ngũ Hành.

■ Hậu Thiên là bắt đầu từ lúc có Ngũ Hành và Âm Dương hình thành vũ trụ và vạn vật cho đến vô chung.

Như vậy, Tiên Thiên Bát quái và Hậu Thiên Bát quái chỉ là hai chặng đường trong quá tình diễn tiến của vũ trụ vạn vật từ vô thủy đến vô chung, mà trong đó các vấn đề: Xuất nhập, Hữu vô, Sanh diệt, đều do Thái Cực mà ra.

Do đó, cái học về Tiên Thiên là cái học về TÂM, còn cái học Về Hậu Thiên là cái học về TÍCH. (Tích là dấu vết).

3. So sánh phương vị của Tiên Thiên BQ và Hậu Thiên Bát Quái:

Phương vị của Bát quái Hậu Thiên hoàn toàn thay đổi so với Bát quái Tiên Thiên, quẻ nào cũng bị đổi chỗ hết.

■ Ở Bát quái Tiên Thiên, trục Nam Bắc do hai quẻ Càn Khôn trấn giữ, và trục Ðông Tây do hai quẻ Ly Khảm chế ngự.

■ Ở Bát quái Hậu Thiên, trục Nam Bắc chuyển cho Ly Khảm, còn trục Ðông Tây chuyển cho Chấn Ðoài.

■ Trong giai đoạn Tiên Thiên, sở dĩ trục Nam Bắc là Càn Khôn là vì Trời Ðất đóng vai trò chủ yếu trong công cuộc hình thành vũ trụ. Càn là Trời (Dương), Khôn là Ðất (Âm).

■ Qua giai đoạn Hậu Thiên, vũ trụ thành hình xong thì Ngũ Hành đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tạo ra muôn loài sinh vật.

Trong Ngũ Hành (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) thì hai Hành THỦY và HỎA vượng khí nhất nên lãnh đạo ba Hành kia. Quẻ LY thuộc HỎA và quẻ KHẢM thuộc THỦY, nên LY KHẢM thay thế Càn Khôn để ngự trị trục Nam Bắc, khiến cho hai quẻ Càn và Khôn phải thay đổi vị trí.

■ Trong Hậu Thiên Bát quái đồ, các quẻ đối xứng nhau qua trục Ðông Tây; còn trong Tiên Thiên Bát quái đồ thì các quẻ đối xứng nhau qua tâm điểm của Bát quái đồ.

4. Chiết KHẢM điền LY: Chuyển Hậu Thiên Bát quái thành Tiên Thiên Bát quái:

So sánh hai Bát quái đồ Tiên Thiên và Hậu Thiên:

■ Theo trục Bắc Nam trong Bát quái Hậu Thiên, nếu thay quẻ KHẢM bằng quẻ KHÔN và thay quẻ LY bằng quẻ CÀN thì Bát quái Hậu Thiên trở thành Bát quái Tiên Thiên.

■ Quẻ KHẢM khác quẻ KHÔN do nét giữa. Chiết KHẢM là bẻ gãy làm hai cái nét giữa của quẻ KHẢM thì nó biến thành quẻ KHÔN.

■ Quẻ LY khác quẻ CÀN cũng do nét giữa. Ðiền LY là lấp đầy chỗ trống của nét giữa quẻ LY thì nó thành quẻ CÀN.

Vậy chiết Khảm điền Ly là ý nói chuyển Bát quái Hậu Thiên thành Bát quái Tiên Thiên, tức là chuyển từ Hữu hình qua Vô hình.

Trong phép luyện đạo, luyện cho Hậu Thiên trở thành Tiên Thiên, tức là luyện cho Hữu hình trở về Vô hình thì đắc đạo, thành Tiên, Phật tại thế.

IV. Cao Ðài Bát quái:

高臺八卦

A: Eight diagrams of Caodaism.

P: Huit diagrammes du Caodaisme.

Bát Quái Ðài nơi TTTN là nơi để thờ phượng Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Bát Quái Ðài xây theo hình Bát quái tức là một hình tám cạnh đều nhau, mỗi cạnh là một quẻ, xây cao 12 bực, ngoài lớn trong nhỏ, làm như bực thang đi lên, tượng trưng Thập nhị Thiên (12 từng Trời), hình thức của nó cũng giống như Cửu Trùng Thiên đặt nơi Ðại Ðồng Xã trước Tòa Thánh, nhưng Cửu Trùng Thiên chỉ có 9 bực tượng trưng 9 từng Trời.

Trên mặt cao nhứt của đài nầy có cẩn 8 cung Bát Quái.

Thứ tự các quẻ trong Bát Quái Cao Ðài được Ðức Chí Tôn dạy trong Chú Giải PCT như sau:

"Tòa Thánh day mặt ngay hướng Tây, tức là chánh cung ÐOÀI, ấy là Cung Ðạo, còn bên tay trái Thầy là cung CÀN, bên tay mặt Thầy là cung KHÔN.

Ðáng lẽ Thầy phải để bảy cái ngai của phái nam bên tay trái Thầy, tức là cung Càn mới phải, song chúng nó vì thể Nhơn đạo cho đủ Ngũ Chi nên Thầy buộc phải để vào Cung Ðạo là cung Ðoài cho đủ số. Ấy vậy, cái ngai của Ðầu Sư nữ phái phải để bên cung Khôn, tức là bên tay mặt Thầy."

■ Các quẻ trong Bát Quái Cao Ðài có thứ tự giống như thứ tự các quẻ trong Bát Quái Hậu Thiên, nhưng lại chuyển theo chiều ngược lại.

Thứ tự tám quẻ khởi đầu từ Càn: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Ðoài:

·         Bát Quái Hậu Thiên chuyển theo chiều kim đồng hồ.

·         Bát Quái Cao Ðài chuyển theo chiều nghịch kim đồng hồ.

Bát Quái Hậu Thiên tượng trưng thời kỳ nhứt bổn tán vạn thù; Bát Quái Cao Ðài tượng trưng thời kỳ vạn thù qui nhứt bổn, nên có chiều quay ngược lại với Bát Quái Hậu Thiên.

■ Trục Ðông Tây của Bát Quái Cao Ðài là Chấn Ðoài thì giống y trục Ðông Tây của Bát Quái Hậu Thiên.

Trục Bắc Nam của Bát Quái Cao Ðài là Ly Khảm, ngược chiều với trục Bắc Nam của Bát Quái Hậu Thiên là Khảm Ly, để cho Thủy Hỏa trong hai Bát Quái đồ ký tế tương tác tức Âm Dương tương hiệp mà đắc đạo tại thế.

Ngoài ra, trong dân gian, chúng ta còn thấy một loại Bát Quái đồ nữa gọi là Bát Quái đồ trừ tà, hay thường gọi là Bùa Bát Quái, người Tàu vẽ sẵn, bán ở các tiệm kiếng. Bát Quái đồ trừ tà, gồm các quẻ giống hệt Bát Quái Tiên Thiên, nhưng sắp thứ tự các quẻ theo chiều quay ngược lại.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

Bát Quái Ðài

八卦臺

A: Octogonal Divine Palace.

P: Palace octogonale divine.

Bát: Tám, thứ tám. Quái: Quẻ. Ðài: Tòa nhà cao lớn.

Bát Quái Ðài là tòa nhà cao lớn, có tám cạnh đều nhau, là nơi ngự của Ðức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, dưới quyền chưởng quản của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế.

Trong Chú giải PCT, Ðức Phạm Hộ Pháp có viết:

"Trong BQÐ, kể từ Tiên vị đổ lên tới Thầy thì đã vào địa vị của các Ðấng trọn lành; từ Thánh vị trở xuống Nhơn vị thì vào hàng Thánh; từ cầm thú xuống vật chất thì vào hàng phàm tục. Ấy vậy, trong BQÐ, từ bực Thánh hồn thì còn phận sự điều đình CKTG, giao thiệp cùng các chơn hồn ở trong vòng vật chất, nâng đỡ, dạy dỗ cho phàm phẩm tấn hóa lên tới Thánh vị. Hễ vào đặng Thánh vị rồi thì tự nhiên mình biết lấy mình, dầu phải bị đọa trần đi nữa cũng còn giữ vẹn Thánh đức mà tu hành, đặng đạt đến địa vị trọn lành. Lên địa vị trọn lành rồi thì mới đồng quyền cùng Tạo Hóa, từ bi, tự tại, bất tiêu bất diệt."

Ðức Chí Tôn lập Ðạo Cao Ðài với hình thể gồm ba đài:

1.    Cửu Trùng Ðài là phần hữu hình, thuộc về Ðời, tức là xác thể của Ðạo.

2.    Hiệp Thiên Ðài là phần bán hữu hình, nửa Ðời nửa Ðạo, tức là chơn thần của Ðạo.

3.    Bát Quái Ðài là phần vô hình thuộc về Ðạo, tức là linh hồn của Ðạo.

Xác nhờ chơn thần mà liên lạc với Hồn, thì CTÐ cũng nhờ HTÐ mà thông công với BQÐ. Hồn muốn điều khiển Xác thì phải qua trung gian của chơn thần, nên BQÐ phải nhờ HTÐ mà điều khiển CTÐ.

·         Ðức Giáo Tông làm chủ CTÐ.

·         Ðức Hộ Pháp làm chủ HTÐ.

·         Ðức Chí Tôn làm chủ BQÐ.

Ðức Chí Tôn làm chủ BQÐ tức là nắm Hồn của Ðạo thì chẳng khi nào Ðạo chịu dưới quyền phàm nữa, cho nên Ðức Chí Tôn nói: "Thầy không giao chánh giáo cho tay phàm nữa."

Cơ mầu nhiệm của Ðạo là do chỗ Ðức Chí Tôn mở cửa BQÐ cho các chơn linh đã tự mình lập vị nơi CTÐ thì được vào BQÐ mà hiệp cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

CTÐ chỉ cách BQÐ có một cánh cửa, cũng như Niết Bàn cách phàm trần có một xác thân. Cánh cửa ấy nay đã mở thì cơ đắc đạo tại thế đã mở ra rồi vậy.

CTÐ lo phần độ rỗi chúng sanh thì BQÐ lo phần siêu rỗi

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo về Con đường TLHS, Ngài đến quan sát BQÐ nơi cõi thiêng liêng thuật lại như sau:

"Ðài ấy có 8 góc, kêu là BQÐ, không thế gì chúng ta tả ra với lời nói đặng, bởi đài ấy huyền bí lắm, biến hóa vô cùng. Nó có 8 cửa. Trong 8 cửa ấy, chúng ta ngó thấy cả vạn linh và vật loại, các hình thể vạn linh đều xuất hiện, hình ảnh sáng suốt, hiện ra hào quang chiếu diệu. Trong 8 góc có 8 cái cầu. Lạ thay, cầu ấy không phải bằng cây ván, mà nó là 8 đạo hào quang. Cầu ấy bắc ngang bờ. Dưới cầu ấy, chúng ta ngó thấy dường như một Bích Hải, nước xao sóng dợn như biển sôi nổi đó vậy. Trong 8 góc chúng ta thấy đó, chắc cả thảy đều để ý nơi góc ta đến, thấy nhơn loại đi tới đi lui nhiều hơn hết.

Lạ thay cầu ấy rất huyền diệu, ai đứng lên đó được mới biết mình nhập vô BQÐ. Lúc để bước lên cầu, cầu ấy chuyển đi, làm cho chúng ta phải yếu, đi không đặng. Chúng ta muốn thối bộ. Khi chơn vừa bước tới, chính mình ta ngó thấy dường như mình yếu đi, nhưng người nào bước tới cũng đặng. Ði được nửa chừng, nếu không đủ Thiên vị, hay vì tội tình oan gia nghiệt chướng mà chúng ta đã đào tạo nơi mặt thế nầy, chúng ta đi tới nửa cầu sẽ bị lọt xuống Bích Hải. Lọt xuống đó rồi, ta thấy hồi lúc đi, còn ở trên cầu, chúng ta thấy hình ảnh còn đẹp đẽ tốt tươi, hễ lọt xuống Bích Hải rồi, chúng ta thấy hình thù trở nên đen thui, dị hợm lắm, ta không thể tưởng tượng, còn hơn loài mọi kia tối đen như vậy."

Cách thờ phượng nơi Bát Quái Ðài TTTN:

BQÐ nơi TTTN có hình Bát quái, cao 12 bực, trên bực cao nhứt có cẩn 8 cung Bát quái, tại trung tâm của 8 cung Bát Quái nầy có đúc một cái trụ, trên trụ đặt Quả Càn Khôn hình cầu. Quả Càn Khôn có đường kính 3 thước 3 tấc, sơn màu xanh da trời, trên đó có cẩn 3072 ngôi sao tượng trưng Vũ trụ hữu hình gồm Tam thiên thế giới và Thất thập nhị Ðịa, phía trước Quả Càn Khôn vẽ Thiên Nhãn trên ngôi sao Bắc Ðẩu.

Dưới Quả Càn Khôn là bệ thờ trên đó đặt Long vị của Ba Ðấng Giáo Chủ Tam giáo: Ðức Phật Thích Ca, Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ, Ðức Khổng Tử. Phía dưới ba Long vị nầy là ba Long vị của Tam Trấn Oai Nghiêm: Ðức Quan Âm Bồ Tát, Ðức Ðại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch, Quan Thánh Ðế Quân.

Tiếp theo bên dưới nửa, theo hàng dọc ở giữa là Long vị của Ðức Chúa Jésus, Giáo Chủ Thánh Ðạo; kế dưới nữa là Long vị của Khương Thượng Tử Nha, cầm quyền Thần Ðạo.

Nếu kể theo hàng dọc ở giữa từ trên xuống dưới thì có: Ðức Phật Thích Ca, Lý Ðại Tiên Trưởng, Ðức Chúa Jésus, Ðức Khương Thượng Tử Nha, kết hợp với 7 cái ngai nơi cấp 9 CTÐ tượng trưng Nhơn Ðạo, thì hàng giữa gồm đủ Ngũ Chi Ðại Ðạo: Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo, và Nhơn đạo.

Cách sắp đặt thờ phượng nơi BQÐ như vậy là để thể hiện tôn chỉ của Ðạo Cao Ðài là "Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt."

Nơi BQÐ của TTTN còn có Long vị thờ chư vị Thánh Tử Ðạo và các Chức sắc nam nữ đã qui vị, để cho trọn phép: Thiên Nhơn hiệp nhứt.

Phía bên trên của BQÐ TTTN là một kiến trúc xây cao ba từng hình 8 cạnh bát quái, dính liền với CTÐ: từng dưới cao chừng 9 mét, từng giữa cao chừng 4 mét và từng trên hết cao chừng 5 mét, có nóc bát quái, trên nóc là một tòa sen lớn, trên đó có đắp tượng ba vị Cổ Phật gọi là Tam Thế Phật:

·         Brahma Phật đứng trên lưng con Thiên nga, day mặt về hướng Tây, tay mặt bắt ấn, tay trái cầm bửu châu.

·         Civa Phật đứng trên lưng con Giao long, nhìn hướng Nam, tay mặt cầm kiếm chống xuống, tay trái chống nạnh.

·         Christna Phật đứng trên Thất đầu xà, nhìn hướng Bắc, cầm ống sáo thổi.

(Xem chi tiết nơi chữ: Tam Thế Phật, vần T)

PCT: Pháp Chánh Truyền

BQÐ: Bát Quái Ðài.

CKTG: Càn Khôn Thế giới.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

Bát Quái Mạo

八卦帽

A: The hight octogonal cap of ceremony.

P: Le haut bonnet octogonale de cérémonie.

Bát: Tám, thứ tám. Quái: Quẻ. Mạo: Cái mão đội trên đầu.

Bát Quái mạo là cái mão cao có hình bát quái, tức là có 8 cạnh đều nhau, trên đó có thêu 8 chữ Hán: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Ðài. Mỗi cạnh bát quái của mão, phần trên thì tròn và vảnh ra ngoài. Màu sắc của Bát Quái mạo thì tùy theo phái: Vàng cho phái Thái, xanh cho phái Thượng và đỏ cho phái Ngọc. Hai phẩm Ðầu Sư và Phối Sư nam phái đều đội Bát Quái Mạo khi hành đại lễ cúng Ðức Chí Tôn.

 

Bát Tiên

八仙

A: Eight Immortals.

P: Huit Immortels.

Bát: Tám, thứ tám. Tiên: Vị Tiên nơi cõi thiêng liêng.

Bát Tiên là 8 vị Tiên ở 8 động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng.

Bát Tiên gồm 8 vị Tiên kể tên ra sau đây:

1.    Lý Thiết Quày. (Thiết Quày hay Thiết Quải là cây gậy sắt) nhưng thường gọi là Lý Thiết Quả.

2.    Hớn Chung Ly.

3.    Lam Thể Hòa.

4.    Trương Quả Lão.

5.    Hà Tiên Cô.

6.    Lữ Ðộng Tân, (Ðộng là cái hang núi) nhưng thường gọi là Lữ Ðồng Tân.

7.    Hàn Tương Tử.

8.    Tào Quốc Cựu.

Trên tấm diềm phía bên Nữ phái của Bát Quái Ðài, có đắp tượng Bát Tiên trên những cụm mây lành ngũ sắc. Trong Bát Tiên, có bốn vị cỡi thú bay và bốn vị cỡi thú chạy.

Sau đây là sự tích của Bát Tiên, viết theo Truyện Ðông Du Bát Tiên:

1. Lý Thiết Quả:

Ngài họ Lý, tên là Huyền, hiệu là Ngưng Dương, nên thường gọi là Lý Ngưng Dương, diện mạo nghiêm trang, tánh hạnh trong sạch, học rộng biết nhiều, không mộ công danh, muốn đi tu Tiên. Biết được Lý Lão Tử đang dạy Ðạo trên núi Họa Sơn, Lý Ngưng Dương liền tìm đến đó để xin học Ðạo.

Ði dọc đường, Ông ngâm thơ rằng:

Tâm tánh con người có thấp cao,

Khen lò Tạo Hóa đúc anh hào.

Làm trai biết thấu vòng vinh nhục,

Ðặng chữ thanh nhàn khỏi chữ lao.

Khi đến núi Họa sơn thì Trời đã tối. Lý Ngưng Dương tự nhủ: Mình là đệ tử đi cầu thầy học Ðạo, lẽ nào ban đêm dám gõ cửa. Chi bằng ngủ đỡ trên bàn thạch trước cửa động, chờ Trời sáng sẽ xin vào ra mắt.

Ở trong động, Ðức Lão Tử đang đàm đạo với Huyễn Khưu Chơn Nhơn, xảy có cơn gió thanh, Ðức Lão Tử hỏi:

- Ông có biết gió ấy là điềm chi chăng?

- Chắc có người gần thành Tiên đi tới.

- Ta đã rõ Lý Ngưng Dương gần thành Tiên và là Tiên đứng đầu sổ hết thảy.

Nói rồi, Ðức Lão Tử truyền Tiên đồng ra mở cửa động mà đón. Xảy thấy một Ðạo sĩ đang đứng trước động, liền hỏi:

- Có phải Lý Ngưng Dương đó không?

- Sao Tiên đồng lại biết tên tôi?

- Tôi vâng lịnh Lão Quân ra cửa đón anh.

Lý Ngưng Dương vô cùng mừng rỡ, chắc là mình có phước lớn nên mới được Lão Quân biết đến, liền đi theo Tiên đồng vào ra mắt, thấy Lão Quân có hào quang sáng lòa, dung nhan tươi nhuận, râu tóc bạc phơ, và Huyễn Khưu Chơn Nhơn cũng vậy.

Lý liền quì lạy ra mắt Lão Quân và Huyễn Khưu. Hai vị đáp lễ rồi mời ngồi. Lý Ngưng Dương quì thưa rằng: Ðệ tử tầm sư học Ðạo, lẽ nào dám ngồi. Xin Thầy dạy bảo.

Lão Tử bảo: Ngươi ngồi xuống rồi ta nói cho nghe:

Học Ðạo cho minh,

Lẳng lặng làm thinh,

Ðừng lo đừng rán,

Cho tịnh cho thanh,

Chẳng nên nhọc sức,

Chớ khá tổn tinh,

Giữ đặng tánh tình,

Là thuốc trường sanh.

Lý Ngưng Dương mừng rỡ lạy tạ Lão Quân.

Huyễn Khưu nói: Ngươi có tên trong Sổ Tiên, đứng đầu hết thảy. Về tu như vậy thì thành.

Nói rồi truyền Tiên đồng đưa Lý Ngưng Dương ra khỏi động, xuống núi. Lý Ngưng Dương lạy tạ rồi theo Tiên đồng rời khỏi động, trở về quê, lên núi cất nhà bên động đá, tu theo lời Ðức Lão Tử dạy, cứ tu luyện hoài như vậy. Chẳng bao lâu cảm thấy nhẹ mình, bước đi như gió.

Một người dân quê tên là Dương Tử lên núi thấy vậy cũng phát tâm mộ đạo, xin Lý Ngưng Dương thâu làm đệ tử, ở lại tu hành.

Ngày kia, Lý Ngưng Dương thấy hào quang chiếu vào cửa sổ, thì biết có Thần Tiên giáng hạ, rồi mau sửa soạn lên núi đón tiếp. Xảy nghe tiếng hạc, ngó lên thấy Ðức Lão Tử và Huyễn Khưu Chơn Nhơn cỡi hạc đáp xuống.

Lý Ngưng Dương lạy chào mừng rỡ.

Ðức Lão Tử nói:

- Bữa nay tinh thần hơn trước. Ta nhắm ngươi xuất hồn đặng. Vậy 10 ngày nữa, ngươi xuất hồn đi dạo các nước với ta.

Nói rồi liền từ giã, và hai vị cỡi hạc bay trở về núi.

Cách 9 ngày sau, Lý Ngưng Dương kêu học trò là Dương Tử đến dặn rằng: Thầy sẽ xuất hồn đi thiếp bảy ngày ngươi phải gìn giữ xác ta cẩn thận. Nếu sau bảy ngày mà ta không trở về thì hãy thiêu xác.

Dặn dò xong, Lý Ngưng Dương nằm thiếp xuất hồn đi.

Khi Dương Tử giữ xác thầy được 6 ngày thì người nhà đến báo tin rằng: Mẹ anh bịnh nặng, đang hấp hối, trông anh mau về cho mẹ thấy mặt mà tắt hơi. Dương Tử khóc lớn than rằng: Thầy đi thiếp chưa về, nếu ta đi, lấy ai giữ xác thầy, bằng không đi thì làm sao thấy mặt mẹ, ôi khổ biết chừng nào!

Người nhà liền hỏi rõ Dương Tử về sự đi thiếp của thầy, rồi nói: "Xác người chết đã 6 ngày, ngũ tạng thảy đều hư hết, lẽ nào sống lại bao giờ. Vả lại, thầy có dặn 7 ngày thì thiêu xác, chắc thầy đã thành Tiên. Nay 6 ngày mà thiêu xác thầy cũng không lỗi. Mau thiêu xác thầy rồi về gặp mặt mẹ."

Dương Tử bần dùng không nỡ, nhưng túng thế cũng phải nghe lời, liền đặt nhang đèn, hoa quả tế thầy, rồi thiêu xác. Vừa khóc vừa đọc bài kệ sau đây:

Mẹ bịnh ngặt hầu kề, Thầy đi thiếp chưa về,

Mẫu thân tình một thuở, Sư phụ nghĩa nhiều bề,

Vẹn thảo nên quyền biến, Lỗi nghì luống ủ ê,

Hồn linh xin chứng chiếu, Khoái lạc chốn non huê.

Thiêu xác thầy xong, Dương Tử liền gấp rút chạy về nhà, vừa đến cửa nhà thì mẹ vừa tắt thở. Rủi ơi là rủi! Lỗi hết hai đàng, đã bất nghĩa với thầy, lại không tròn hiếu sự.

Nhắc lại, Lý Ngưng Dương, hồn xuất về chầu Ðức Lão Tử, được thầy dẫn đi khắp các nước trên cõi thiêng liêng, đến núi Bồng Lai, gặp các Thánh Tiên, ra mắt đủ mặt, đến bảy ngày thì xin về. Ðức Lão Tử cười nói rằng:

Hãy nghe bài kệ nầy thì rõ:

Tịch cốc ăn lúa mì, Ðường quen xe phơi phới,

Muốn tìm cốt cách xưa, Lại gặp mặt mày mới.

Lý Ngưng Dương nghe bài kệ của thầy thì ghi nhớ chớ không hiểu ngụ ý gì, nhưng cũng lạy thầy từ tạ ra về. Khi hồn về tới nhà thì không thấy xác, không thấy học trò, coi lại thì xác đã ra tro bụi.

Lý Ngưng Dương rất giận đứa học trò bất nghĩa nầy. Hồn bay phưởng phất xuống chơn núi, gặp một thây ăn mày nằm dựa bên đường, kế bên cây gậy, có một chân cùi.

Lý Ngưng Dương nghĩ lại bài kệ của thầy cho, chợt hiểu, biết phận mình phải vậy chớ không nên oán trách học trò, liền nhập hồn vào xác ăn mày, rồi ngậm nước phun vào gậy tre hóa ra gậy sắt. Bởi cớ đó, người đời không biết họ tên ông ăn mày nầy, thấy cầm cây gậy sắt, nên gọi là Ông Thiết Quày, sau gọi trại ra là Thiết Quả.

Sở dĩ Ðức Lão Tử không cho hồn Lý Ngưng Dương về kịp trước khi học trò thiêu xác là vì Ðức Lão Tử muốn Lý Ngưng Dương bỏ xác phàm cho tuyệt sự hồng trần mà về luôn nơi Tiên cảnh, còn xác ăn mày là mượn tạm để tu, chớ muốn biến hóa thế nào cũng được.

Thiết Quả đánh tay biết rõ các việc đã xảy ra với đứa học trò mình là Dương Tử. Thiết Quả liền đem linh dược đến cứu tử mẹ nó, kẻo đứa học trò tức tối ân hận cả đời tội nghiệp. Ðến nơi thấy Dương Tử đang ôm quan tài mẹ khóc ngất, rồi rút gươm ra định tự vận. Thiết Quả kịp đến ngăn cản và nói:

- Ngươi có lòng thành nên Trời khiến ta đến đây đem linh dược cứu tử mẹ ngươi. Vậy ngươi mau giở nắp quan tài ra, cạy miệng mẹ ngươi ra mà đổ thuốc.

Nói rồi lấy ra một hoàn thuốc đưa cho Dương Tử. Dương Tử làm y lời, giây lát, bà mẹ hắt hơi lấy lại hơi thở, rồi ngồi dậy bước ra khỏi quan tài, xem có vẻ mạnh khỏe hơn trước. Cả nhà vô cùng mừng rỡ. Dương Tử quì lạy Thiết Quả, thưa rằng:

- Cảm tạ Tiên ông, xin Tiên ông cho biết danh hiệu.

- Ta đây là Lý Ngưng Dương, là thầy của ngươi. Bởi ngươi thiêu xác ta nên hồn ta phải nhập vào xác ăn mày nầy. Biết rõ việc làm của ngươi, nên ta không chấp, lại đến cứu tử mẹ ngươi để ngươi nuôi mẹ phỉ tình. Ta tặng thêm cho ngươi một hoàn thuốc nữa để ngươi uống vào sống lâu nuôi mẹ. Thầy trò sẽ gặp lại sau nầy.

Dương Tử cúi đầu lạy tạ thầy, chưa kịp hỏi thăm thì Thiết Quả đã biến mất.

Thiết Quả biến hóa về núi Họa sơn, hầu thầy. Ðức Lão Tử cười nói:

- Vậy mới chắc thành Tiên, không lo trở lại trần thế.

Nói rồi truyền dọn tiệc ăn mừng Thiết Quả.

2. Hớn Chung Ly:

Hớn Chung Ly, họ là Chung Ly đời nhà Hớn (Hán), tên là Quyền, hiệu là Vân Phòng, làm Ðại Tướng trong triều đình nhà Hớn.

Khi mới sanh, Chung Ly Quyền có điềm khác lạ, trên nóc nhà hào quang sáng đỏ, ai nấy đều kinh, lớn lên thành một vị tướng quân, võ nghệ như thần, oai danh quá cọp.

Khi ấy triều đình nhà Hớn nhận được sớ khẩn cấp của tướng trấn ải báo có binh Phiên do Bất Dực thống lãnh đánh vào ải rất nguy kịch, xin triều đình cử binh cứu viện.

Xem xong, Hớn Ðế rất kinh hãi, liền hạ chiếu sai Ðại Tướng Chung Ly Quyền làm Nguyên soái, Phùng Dị làm Phó Tướng, kéo đại binh 50 vạn gấp rút đi ra quan ải cứu viện.

Nguyên Soái Chung Ly tế cờ, hiểu dụ tướng sĩ xong thì kéo quân đi ngay tới ải Kỳ Thủy đóng trại. Rạng ngày hôm sau, hai bên ra trận. Bất Dực đánh không thắng nổi Chung Ly, quân Phiên bại trận chạy dài. Tin chiến thắng liên tiếp báo về triều đình, danh tiếng Nguyên soái Hớn Chung Ly vang dậy.

Lúc đó, Lý Thiết Quả đang ở Cung Tiên, đánh tay biết Hớn Chung Ly đã thắng quân Phiên nhiều trận, uy danh lừng lẫy, và lại biết kiếp trước của Hớn Chung Ly là Tiên coi sổ bộ ở Thượng giới, phạm tội bị đọa trần, nay mê việc chiến tranh mà không lo tu hành, biết chừng nào trở về ngôi vị cũ.

Lý Thiết Quả muốn độ Chung Ly, nhưng nếu để Chung Ly thắng trận hoài, triều đình sẽ gia phong quan tước, thì bị mê đắm trong vòng phú quí vinh hoa, nên Thiết Quả định làm cho Chung Ly bại trận thì mới độ được. Tính rồi liền hóa ra một Ông già bay xuống dinh Phiên của Bất Dực.

Lúc bấy giờ Bất Dực đang ngồi trong dinh, thở vắn than dài, không tìm được kế chi để đánh binh Hớn. Xảy thấy quân vào báo: Có một ông già cốt cách Thần Tiên xin vào ra mắt.

Bất Dực lấy làm lạ, liền cho mời vào, hỏi:

- Lão trượng đến tôi có việc gì?

- Tôi đến đây bày cho Tướng quân kế thắng binh Hớn. Ðêm nay tôi biết bên dinh Hớn có hỏa hoạn lớn, Tướng quân thừa dịp nầy kéo quân vào cướp dinh thì chắc thắng mười phần.

Ông già nói xong liền từ giã đi mất.

Bất Ðực, lòng bán tín bán nghi, sợ lầm kế của Nguyên soái Chung Ly, nhưng cũng truyền lịnh chuẩn bị canh hai đến cướp dinh Hớn. Nếu thấy dinh Hớn bị hỏa hoạn như lời của ông già thì sẽ tràn quân đánh vào, bằng không thì rút binh về.

Bên dinh Hớn, tuy vừa mới thắng quân Phiên, nhưng cũng không dám kiêu, cắt đặt canh phòng ban đêm rất cẩn mật vì sợ cướp dinh.

Khoảng giữa canh ba, Lý Thiết Quả hóa phép đốt dinh Hớn, ngọn lửa cháy lan rất mạnh, binh lính không dập tắt nổi.

Bất Dực thấy đúng thời cơ, liền kéo đại binh đánh vào. Chung Ly Nguyên soái cầm giáo lên ngựa đánh với Bất Dực, thấy binh Hớn hoảng sợ chạy hết thì cả kinh, quày ngựa bại tẩu. Bất Dực muốn bắt sống Chung Ly nên buông tên nhắm vào con ngựa của Chung Ly đang cỡi, làm ngựa trúng tên té nhào, may Phó tướng Phùng Dị chạy đến tiếp cứu, bắt một con ngựa khác đưa cho Nguyên soái. Hai người bại tẩu, ngó lại dinh Hớn bị lửa thiêu rụi, binh Hớn bỏ chạy tán loạn. Nguyên soái tức quá té nhào xuống ngựa chết giấc. Khi tỉnh lại than rằng:

- Ta làm Ðại Tướng vâng chỉ đánh Phiên, ngỡ là cứu nước rạng danh, nào hay Trời khiến ta thảm bại thế nầy, chẳng những mắc tội với vua, lại còn hổ mặt với triều thần, thiệt là Trời muốn giết ta, ta còn sống làm chi nữa.

Than rồi, Hớn Chung Ly toan rút gươm tự vận. Phùng Dị cứ mãi khuyên can. Xảy thấy binh Phiên kéo đến truy nã. Phùng Dị cản hậu, Hớn Chung Ly chạy trước. Chạy tới sáng thì lạc mất, Hớn Chung Ly đến một nơi không có nhà cửa dân chúng, phía trước là núi, vừa đói vừa khát, tiến thoái lưỡng nan. Xảy thấy một ông sãi mắt xanh chống gậy đi tới. Chung Ly mừng rỡ bước đến thưa rằng:

- Tôi là Hớn Nguyên soái Chung Ly Quyền đem quân đi đánh Bắc Phiên, bị bại trận nên chạy lạc tới đây, xin thầy chỉ nhà cho tôi tá túc để trở về triều đình xin binh cứu viện.

Ông sãi gật đầu, dắt Chung Ly chỉ một cái am, nói rằng

- Ðây là chỗ ở của Ðông Huê Chơn nhơn, tướng quân vào đó mà tạm nghỉ.

Nói rồi đi thẳng như bay. Hớn Chung Ly đi đến am, nhìn thấy cảnh vật xinh tươi yên tĩnh, phải chỗ của Thần Tiên, đến trước cửa am, định gõ cửa thì nghe có tiếng ngâm thơ từ trong am vọng ra:

Việc thế chẳng đua tranh,

Thanh nhàn lánh lợi danh,

Thân nương theo động đá,

Tình gởi tại mây xanh.

Chơi dạo say mùi đạo,

Thong dong dưỡng tánh lành,

Hỏi ai là bạn tác?

Gió mát với trăng thanh.

Lý Thiết Quả sắp đặt trước, giả làm sãi mắt xanh dẫn Hớn Chung Ly đến cho Ðông Huê Chơn Nhơn dạy đạo.

Hớn Chung Ly nghe tiếng ngâm thơ vừa dứt thì có một ông Lão cốt cách Thần Tiên, chống gậy bước ra hỏi:

- Có phải Chung Ly Quyền Nguyên soái đó chăng?

Hớn Chung Ly kinh hãi thưa:

- Phải, tôi vâng chỉ đi đánh Phiên, chẳng may thất trận chạy lạc đến đây, xin Thượng Tiên từ bi cho tôi tá túc.

Ðông Huê Chơn Nhơn mời vào am đãi cơm chay, nói:

- Công danh như bọt nước, phú quí như ngọn đèn trước gió. Từ xưa đến nay, giang sơn nhiều chủ, phước thọ ít người. Bần đạo chán cảnh đời đau khổ, tìm nơi u nhã,sống thanh nhàn, thoát vòng lợi danh trần tục. Tướng quân cũng nên thừa dịp nầy mà tu tâm dưỡng tánh, còn ham công danh phú quí làm chi.

Chung Ly Nguyên soái lắng nghe, liền tỉnh ngộ, muốn theo học đạo, hỏi:

- Tiên ông luyện phép chi mà đặng trường sanh?

- Phép trường sanh có gì lạ đâu, lòng phải trống mà bụng phải đặc. Lòng trống là không lo lắng, để cho thơ thới như không; bụng đặc là không theo sắc dục, nguơn khí chẳng hao, được như vậy thì thành Tiên, trường sanh bất tử.

Hớn Chung Ly nghe vậy thì mừng rỡ thưa rằng:

- Nhờ Tiên ông chỉ dạy, tôi xin lạy để làm học trò. Xin thầy cho biết tôn hiệu.

- Ta là đạo sĩ thời thượng cổ, nay đã thành Tiên, hiệu là Ðông Huê.

Nói rồi truyền cho Hớn Chung Ly phép tu luyện và dạy luôn cho Chung Ly phép chỉ đá hóa vàng, rồi tặng cho một cây gươm thanh long chém quỉ.

Hôm sau, Hớn Chung Ly lạy thầy xin trở về nhà lo thu xếp việc nhà. Ðông Huê Chơn Nhơn chỉ đường về nhà. Khi Chung Ly ngó lại thì thấy thầy và nhà cửa đều biến mất, suy nghĩ biết là Tiên ông biến hóa để độ mình. Chung Ly Quyền tự đặt hiệu cho mình là Vân Phòng, rồi cải trang đi riết về nhà đặng thăm gia quyến.

Gia đình Chung Ly Nguyên soái hay tin thất trận và mất tích, tin tưởng là đã chết nên cả nhà than khóc để tang. Nay lại thấy Chung Ly cải trang trở về thì thất kinh mừng rỡ, hỏi thăm cớ sự. Chung Ly thuật lại đủ hết. Gia quyến mừng rỡ nói rằng: Khi mới sanh ra có điềm lành, chẳng lẽ lại thác về nghiệp dữ.

Chung Ly Quyền không dám ở nhà lâu, sợ vua hay tin bắt tội, liền ăn mặc theo Ðạo sĩ, từ giã gia quyến để đi tu, lại đến thăm anh ruột là Chung Ly Giảng, đang làm chức Lang Trung. Chung Ly Giảng ham mộ đạo đức đã lâu, nay nghe em nói, mừng rỡ bội phần, liền sắp xếp hành trang, cùng em trốn lên non tu luyện. Hai người nhắm núi Họa sơn đi tới. Dọc đường, thấy con cò trắng đang ngóng cổ, Vân Phòng nói:

- Con cò cổ dài, le le cổ ngắn, không thể nào cắt bớt mà can bổ cho bằng. Việc đời cũng vậy, kẻ ưa danh lợi, người mến thanh nhàn.

Nhờ có gươm phép của thầy trao tặng, Vân Phòng giết được cọp tinh đang phá hại dân làng, lại thấy dân quá nghèo khổ, nên dùng phép chỉ đá hóa vàng, lấy vàng phát cho dân.

Ngày kia, Ðông Huê Chơn Nhơn tìm đến để dạy đạo thêm, truyền thêm phép tu luyện cho hai người.

Chung Ly Vân Phòng đi dạo chơi đến núi Tứ Hạo, thình lình một tiếng sấm nổ vang, núi nứt ra một cái khe. Vân Phòng thấy lạ, liền tiến vào khe, gặp một cái hộp đá có một cuốn kinh, liền lấy kinh đem ra ngoài xem thì khe núi biến mất, vách núi liền lại như cũ. Vân Phòng thầm biết là Thần Tiên đã ban kinh cho mình tu luyện, nên càng cố công. Chẳng bao lâu thì đạt đến mức cao siêu.

Bỗng nghe tiếng nhạc vang Trời, nhìn lên thấy mây lành năm sắc, Tiên hạc bay xuống đáp trước mặt Vân Phòng, nói tiếng người rằng: "Thượng Ðế sai tôi xuống rước Vân Phòng trở về phục chức cũ ở Thượng giới,"

Vân Phòng liền đưa sách lại cho anh, dặn dò và giã từ, cỡi hạc lên Trời. Chung Ly Giảng ở lại tu theo sách đó, lâu ngày cũng thành Tiên, được Vân Phòng cỡi hạc xuống rước.

3. Lam Thể Hòa:

Lam Thể Hòa là Xích Cước Ðại Tiên đầu thai xuống trần, nên còn nhớ tánh cũ, thường mặc áo rộng xanh, buộc dây lưng đen, một chân đi đất, một chân mang giày, mùa hè mặc áo bông mà không biết nóng nực, mùa đông chỉ mặc áo chiếc mà không biết lạnh, thật lạ lùng.

Thường ngày, Ông Lam Thể Hòa hay cầm cặp sanh dài ba thước (thước Tàu), đi ra ngoài chợ, vừa ca vừa nhịp, để xin tiền bố thí. Những bài ca do Ông tự đặt ra đều có ý khuyên đời bỏ dữ theo lành. Tiền xin được, Ông cột vào dây lưng, vừa đi vừa ca, khi tiền rớt cũng không thèm ngó lại, khi lại dùng tiền nầy bố thí lại cho người nghèo khổ.

Những trẻ nhỏ có dịp thấy Ông Lam Thể Hòa, đến chừng lớp trẻ nầy lớn lên rồi già (tức là 60 hay 70 năm sau) thì vẫn gặp ông Lam giống y như thuở trước, vẫn ăn mặc như trước, vừa đi vừa ca vừa nhịp, không già như người thường.

Về sau, Lam Thể Hòa gặp Lý Thiết Quả, hai người đàm đạo trên lầu ở quận Hào Lương. Kế nghe tiếng nhạc vang Trời, đôi chim hạc từ trên không đáp xuống, rước hai vị Tiên về Thượng giới.

Khi cỡi hạc, Ông Lam bỏ cặp sanh rơi xuống đất, hóa thành ngọc, giây phút biến mất.

Trong Bát Tiên, Lam Thể Hòa có tánh thuần hậu nhứt.

4. Trương Quả Lão:

Trương Quả Lão gốc là một con dơi trắng hồi tạo Thiên lập Ðịa, tu luyện lâu năm, hóa hình người, sau đến núi Trung Ðiều ở Hàng Châu, học đạo với Huyễn Khưu Chơn Nhơn, làm bạn với Lý Thiết Quả.

Các ông già bà lão thuật chuyện về Trương Quả Lão:

Khi các ông bà ấy còn con nít, thì đã biết và gặp Ông Trương, thường thấy Ông cỡi con lừa trắng đi dạo khắp nơi, đặc biệt Ông ngồi ngược chiều, quay mặt ra phía sau. Ðến khi đi về tới nơi ở, Ông liền đè bẹp con lừa, biến ra lừa giấy, xếp cất vào khăn. Khi muốn đi chơi, Ông lấy lừa giấy ra, phun nước vào thì hiện ra con lừa trắng để Ông cỡi đi chơi. Khi các ông bà ấy già, vẫn gặp lại Ông Trương giống y như trước, không già hơn chút nào, thật là Ông đã đạt được phép trường sanh bất lão.

Ðến đời vua Ðường Thái Tông, vua cho triệu Ông vào triều, nhưng Ông không chịu đến.

Qua đời Võ Hậu, Bà cũng biết tiếng Ông Trương, nên cũng cho sứ giả đến triệu vào triều. Ông Trương đi được nửa đường thì chết, giây lát thây thúi hóa vòi, sứ giả phải bỏ thây lại đó mà về triều tâu lại cho Võ Hậu rõ.

Nhưng sau đó, người ta vẫn gặp Ông Trương cỡi lừa trắng đi dạo như thường.

Ðến đời Ðường Minh Hoàng, vua sai quan là Bùi Ngộ đem chiếu đến rước ông Trương, ông Trương giả chết. Bùi Ngộ thắp nhang cầu khẩn, ông Trương từ từ sống lại, nhưng không chịu đi. Bùi Ngộ không dám ép, đành trở về triều tâu lại.

Ðường Minh Hoàng lại sai hai sứ giả nữa là Dự Thông và Lư Trang Huyền, đem sắc chỉ đến rước nữa. Ông Trương thấy vua có lòng trọng vọng nên mới chịu tới, được nhà vua và bá quan kính trọng mười phần. Minh Hoàng hỏi Trương Quả Lão về chuyện Thần Tiên, Ông Trương ngồi làm thinh, nín hơi mấy bữa, không chịu nói.

Ngày kia Minh Hoàng làm tiệc đãi Trương Quả Lão, Ông từ chối, nói rằng: "Tôi không biết uống rượu, duy có học trò tôi nó uống tới một đấu."

Vua Minh Hoàng xin vời tới. Giây phút có một đạo sĩ trẻ chừng 16 tuổi từ ngoài bay vào, ra mắt nhà vua.

Trương Quả Lão nói:

- Nó là đệ tử của tôi, xin đứng hầu Bệ hạ.

Minh Hoàng thưởng cho nó một đấu rượu, nó liền uống hết. Minh Hoàng lại ép uống nữa. Trương Quả Lão nói:

- Chẳng nên cho nó uống nhiều, nếu quá chén, ắt sanh điều quái gở.

Minh Hoàng cứ ép uống rượu để xem sự thể ra sao.

Giây phút, trên đầu đệ tử hiện ra một cái quả bằng vàng, rồi người đệ tử biến mất, quả bằng vàng ở dưới đất trơ trơ, giở nắp ra thấy rượu đầy quả. Coi lại, đó là quả vàng của vua. Ai nấy đều phục phép Tiên của Trương Quả Lão.

Vua hỏi Ông Trương bao nhiêu tuổi. Ông Trương đáp:

- Tôi sanh năm Bính Tý đời vua Nghiêu.

Vua Ðường lấy làm lạ, vì thấy Ông Trương tuổi lối 70 hay 80, liền truyền lịnh cho quan coi tướng là Hình Hòa Phát coi tuổi Trương Quả Lão, nhưng coi cũng không ra.

Vua liền sai Sư Dạ Quang là người coi thấu việc quỉ thần, coi cũng không biết tướng tinh của Trương Quả Lão. Khi ấy có Ðạo sĩ Diệp Pháp Thiện, học được phép Tiên, biết việc quỉ thần, rất được Minh Hoàng yêu mến, được Minh Hoàng vời đến hỏi tướng tinh của Trương Quả Lão.

Diệp Pháp Thiện tâu rằng:

- Nếu Bệ hạ chịu cất mão cổi giày mà xin tội cho tôi với Trương Quả Lão thì tôi mới dám nói.

Vua Minh Hoàng vì tính hiếu kỳ nên ưng chịu.

Diệp Pháp Thiện tâu rằng:

- Trương Quả Lão cỡi lừa kỳ lắm, ngồi day ngược ngó ra sau, thiệt là con dơi trắng thời thượng cổ.

Nói vừa dứt lời thì Diệp Pháp Thiện bị sặc máu tươi chết liền tại chỗ. Vua Minh Hoàng kinh hãi, liền cất mão cổi hài như đã hứa, đến gặp Trương Quả Lão xin tội cho Pháp Thiện. Trương Quả Lão nói:

- Nó nhiều chuyện lắm, nếu không trị nó thì lậu cơ Trời.

Minh Hoàng cứ đứng đó năn nỉ hoài, buộc lòng Trương Quả Lão phải tha cho Pháp Thiện, đến phun nước vào mặt thì Pháp Thiện sống lại như thường.

Minh Hoàng sắc phong cho cho Trương Quả Lão là Thông Huyền Tiên Sinh, lại sai vẽ chơn dung của Ông Trương treo ở lầu Tập Hiền.

Ngày kia, Minh Hoàng đi săn, bắt được con nai tại đất Hàm Dương, truyền làm thịt đãi yến. Ông Trương can rằng:

- Nó là Tiên lộc ngàn năm, chẳng nên giết. Nguyên trước đây, vua Hớn Võ Ðế săn đặng con nai nầy, vua cho đóng đính bài trên gạt bên tả rồi thả cho đi.

Minh Hoàng truyền coi lại thì trên gạt con nai nầy có đính bài đúng như Ông Trương nói, nhưng chữ trên đính bài đã mòn. Minh Hoàng hỏi: - Từ đó đến nay bao nhiêu năm?

Trương Quả Lão đáp: - Năm Quí Hợi, Hớn Võ Ðế đào ao Côn Minh, đến nay là năm Giáp Tuất, cộng lại là 852 năm.

Vua truyền quan Thái Sử coi lại thì y số.

Sau Trương Quả Lão xin về dưỡng già. Minh Hoàng cầm không được, liền ban tặng cho một chiếc xe, một cây lụa, hai lính hầu, đưa Trương Quả Lão về Hàng Châu. Ông Trương cho một tên lính hầu về trào, chỉ giữ lại một tên, rồi hai thầy trò đi vào núi Thiên Bửu.

Ít lâu sau, Minh Hoàng lại cho triệu Trương Quả Lão. Ông bèn giả chết, tên lính hầu lo chôn cất tử tế rồi báo về triều. Mấy hôm sau đó, người ta lại thấy Trương Quả Lão cỡi lừa ngược đi dạo. Tên lính ấy lấy làm lạ, đào mộ của Ông Trương lên xem, chỉ thấy cái hòm không.

Vua Minh Hoàng hay tin, cho lập một cái miểu tại núi Thiên Bửu để thờ Trương Quả Lão.

5. Hà Tiên Cô:

Hà Tiên Cô, tên thật là Hà Tố Nữ, quê ở Quảng Châu, huyện Tăng Thành. Khi còn bé, Hà Tố Nữ có sáu cái xoáy trên đầu, ai cũng cho là kỳ. Hà Tố Nữ ở với mẹ tại khe Vân Mẫu.

Nhằm đời Ðường Võ Hậu, Hà Tố Nữ nằm chiêm bao được Thánh nhơn mách bảo nên ăn bột Vân Mẫu thì nhẹ mình chẳng thác. Hà Tố Nữ thức dậy, nhớ lại làm y lời. Bà mẹ thấy Tố Nữ đến tuổi trưởng thành nên có ý kén rể. Hà Tố Nữ nhứt định không chịu lấy chồng, chỉ muốn ở vậy nuôi mẹ.

Ngày kia, Tố Nữ đi kiếm bột Vân Mẫu thì gặp hai Tiên Lý Thiết Quả và Lam Thể Hòa đang mang giỏ Hoa Lam đi hái bông. Hai vị thấy Hà Tố Nữ gần thành Tiên, liền gọi đến, truyền cho phép tu luyện, và kêu tặng là Hà Tiên Cô.

Võ Hậu nghe đồn, cho người đến rước Hà Tiên Cô, nhưng dọc đường đi về trào, Hà Tiên Cô biến mất.

Sau quan Thứ Sử họ Cao gặp Hà Tiên Cô ở trên lầu Quảng Châu. Thứ Sử về trào tâu cho Võ Hậu rõ.

Lý Thiết Quả đến độ cả hai mẹ con Hà Tiên Cô về cảnh Bồng Lai.

6. Lữ Ðồng Tân:

Lữ Ðồng Tân, con của Thứ Sử Hải Châu, sanh ngày 14 tháng 4. Khi bà mẹ mới sanh Ông thì trong phòng mùi hương thơm phức, có hạc trắng bay vào phòng rồi biến mất. Ấy là Huê Dương Chơn Nhơn đầu thai xuống trần làm Lữ Ðồng Tân.

Lữ Ðồng Tân lớn lên, mắt phụng mày ngài, tay dài, cổ cao, mũi thẳng, xương gò má cao, chơn mày bên tả có nốt ruồi, dưới bàn chơn có chỉ như lưng qui, mình cao 8 thước 2, tánh ưa bịt khăn huê dương (bao đảnh xanh), mặc áo đạo sĩ.

Khi ấy có thầy coi tướng Mãn Tổ đến coi đoán rằng: "Người trẻ nầy tướng khác phàm tục, sau gặp chữ Lư thì đắc thời, gặp chữ Chung thì thành đạo."

Mọi người trong nhà đều nghe nhưng không hiểu gì.

Năm 20 tuổi, Lữ Ðồng Tân xưng hiệu là Thuần Dương, nên gọi là Lữ Thuần Dương, đi thi đỗ Tú Tài, tiếp theo đỗ luôn Cử Nhân, nhưng khi thi Tiến Sĩ thì rớt. Khi đến núi Lư sơn, gặp Huỳnh Long Chơn Nhơn dạy cho phép tu luyện và tặng cho một thanh gươm chém được yêu quái.

Ngày kia, Lữ Ðồng Tân đến chợ Trường An, huyện Hàm Ðan, vào quán rượu, gặp một đạo sĩ mặc áo trắng đang đề thơ trên vách ba bài thi như sau:

Ngồi đứng hằng mang rượu một bầu,

Chẳng cho cặp mắt thấy Hoàng Châu.

Dạo chơi ít kẻ tường tên họ,

Trên thế thanh nhàn muốn được đâu?

Thần Tiên tìm bạn khó không nài,

Có phước theo ta dễ mấy ai?

Ðông Hải rõ ràng nhiều động đá,

Ít người được thấy núi Bồng Lai.

Dạo chơi theo thuở, ở theo thời,

Danh lợi làm chi mắc nợ đời.

Nằm nghĩ co tay hằng đếm mãi,

Mấy ai ao ước được như lời.

Lữ Ðồng Tân thấy đạo sĩ cốt cách Thần Tiên, đề thơ thanh thoát thì cảm phục lắm, liền đến làm quen, chắp tay chào hỏi và xin Ðạo sĩ cho biết họ tên. Ðạo sĩ mời ngồi, rồi nói rằng:

- Ông hãy làm một bài thơ cho ta biết ý trước đã.

Lữ Ðồng Tân liền đọc:

Cân đai ràng buộc ý không màng,

Áo vải coi ra rất nhẹ ï nhàng.

Danh lợi cuộc đời chưa phỉ nguyện,

Làm tôi Thượng Ðế mới nên trang.

Ðạo sĩ nói:

- Ta là Chung Ly Vân Phòng, tu ở núi Triều Hạc, Ông có muốn đi chơi với ta không?

Ðồng Tân có vẻ lưỡng lự. Vân Phòng biết họ Lữ còn muốn đi thi Tiến Sĩ để trổ danh với đời, nên ý còn dùng dằng.

Vân Phòng muốn độ Lữ Ðồng Tân nên ngồi nấu một nồi huỳnh lương, tức là nồi bắp vàng. Trong lúc chờ cho nồi bắp chín, Vân Phòng đưa cho Lữ Ðồng Tân một cái gối, bảo nằm xuống nghỉ, còn mình thì tiếp tục chụm củi đun nồi bắp.

Ðồng Tân nằm xuống, kê đầu lên gối, giây lát chiêm bao thấy mình vác lều chõng đi thi, ngang qua nhà giàu nọ, gặp người con gái rất đẹp thì ướm lời. Nàng nói rằng: Nếu chàng thi đậu Trạng Nguyên thì thiếp nguyện nâng khăn sửa trấp.

Lữ Ðồng Tân vào khoa thi đỗ Trạng, về cưới nàng ấy, sau lại cưới thêm hầu thiếp, được vua bổ làm quan Gián Nghị, lần lần thăng lên. Sau 40 năm được vua phong tới chức Thừa Tướng, con cái đông đảo, sui gia cũng bực quan lớn, lại có cháu nội cháu ngoại. Thật là vinh sang phú quí tột bực.

Chẳng may, sau đó bị gian thần hãm hại, vu oan giá họa, vua tin lời, bắt tội, truyền tịch thâu gia sản, đày qua núi Lãnh Biển, cực khổ vô cùng. Kế giựt mình thức dậy.

Vân Phòng ngồi kế bên cười lớn, ngâm câu thơ:

Nồi bắp hãy còn ngòi,

Chiêm bao đà thấy cháu.

Lữ Ðồng Tân lấy làm lạ hỏi rằng:

- Thầy biết sự chiêm bao của tôi sao?

- Chiêm bao 50 năm, công việc cả muôn, thiệt không đầy một lát, đặng chẳng khá mừng, mất không nên thảm, hết vinh tới nhục là lẽ thường. (Do sự tích nầy mà người ta nói: Giấc Huỳnh lương, Giấc kê vàng, Giấc Hàm Ðan, là để chỉ giấc mộng của Lữ Ðồng Tân, xem vinh hoa phú quí là phù du mộng ảo).

Ðồng Tân nghe Vân Phòng nói vậy, liền tỉnh ngộ, ngẫm nghĩ thấy chán ngán cuộc đời, cầu xin Vân Phòng truyền đạo.

Vân Phòng nói:

- Việc nhà hãy chưa an, đời sau tu cũng không muộn.

Nói rồi liền bỏ đi. Lữ Ðồng Tân trở về nhà, bỏ việc công danh, lo tu tâm dưỡng tánh. Trong thời gian đó, Chung Ly Vân Phòng lần lượt bày ra 10 điều để thử tâm chí của Lữ Ðồng Tân. Vân Phòng rất hài lòng về người đệ tử nầy, nói:

- Ta đã thử 10 điều, khen ngươi bền chí, đáng được truyền đạo trường sanh. Song ngươi chưa có công quả bao nhiêu, nên ta rước gấp chưa được. Nay ta dạy ngươi phép chỉ đá hóa vàng, ngươi cứu đời cho có công quả, rồi ta sẽ rước ngươi về Thượng giới.

Lữ Ðồng Tân thưa rằng:

- Vàng ấy chừng bao lâu mới phai?

- Cách 3000 năm mới trổ.

Lữ Ðồng Tân châu mày thưa rằng:

- Như vậy thì cứu người nghèo bây giờ mà lại làm hại những kẻ 3000 năm sau nhiều lắm, thiệt tôi chẳng nỡ.

Vân Phòng khen:

- Lòng ngươi nhơn đức 10 phần, truyền đạo bây giờ cũng đặng.

Nói rồi dắt Lữ Ðồng Tân về núi Triều Hạc, và sau đó truyền hết các phép tu luyện cho Lữ.

Một ngày nọ, Vân Phòng gọi Lữ Ðồng Tân nói:

- Ta sắp lên chầu Thượng Ðế, sẽ tâu xin đem tên ngươi vào sổ Tiên. Cách 10 năm nữa, đến gặp ta tại Ðộng Ðình Hồ.

Xảy có một vị Tiên cỡi hạc bay đến nói:

- Có chiếu chỉ của Ðức Thượng Ðế phong Vân Phòng làm chức Kim Khuyết Thượng Tiên. Hãy mau lên lãnh sắc.

Vân Phòng liền từ giã Lữ Ðồng Tân rồi bay lên mây. Lữ Ðồng Tân vẫn ở núi Triều Hạc để tu và lập công quả.

Ngày nọ, Lữ Ðồng Tân đến sông Giang Hoài, được biết có một con giao thành tinh, phá hại dân chúng. Ðã có nhiều đạo sĩ đến trị nó không nổi. Lữ Ðồng Tân biết mình có gươm phép của Huỳnh Long Chơn Nhơn ban cho, chắc trừ nó đặng, nên nói với quan Phủ để mình lãnh cho.

Nói rồi, rút gươm phép ra, miệng niệm Thần chú, phóng gươm xuống sông Giang Hoài, giây phút thấy nước sông nổi sóng, máu tươi vọt lên thắm đỏ dòng sông, con giao long bị chém đứt họng nổi lên. Gươm linh nầy chém xong lại trở vô vỏ. Quan Phủ rất mừng, tặng cho Lữ vàng bạc để đền ơn, nhưng họ Lữ không nhận.

Lữ Ðồng Tân đi qua Châu Nhạc Dương, bố thí thuốc chữa bịnh, và tìm người lành độ dẫn tu hành. Kế tới ngày hẹn với Chung Ly, Lữ Ðồng Tân sắp đặt để đi đến Ðộng Ðình Hồ đón Vân Phòng và cùng Vân Phòng đi độ Hàn Tương Tử.

7. Hàn Tương Tử:

Hàn Tương Tử sanh nhằm đời Ðường, cháu ruột của Hàn Dũ, kêu Hàn Dũ bằng chú. Thuở nhỏ, Hàn Dũ ép cháu học Nho để tiến thân trên đường làm quan nhưng Hàn Tương Tử không chịu nên nói:

- Chú mộ công danh phú quí, cháu mộ đạo Thần Tiên.

Vì vậy, Hàn Tương Tử thường lo tu tâm dưỡng tánh.

Ngày nọ, Hàn Tương Tử gặp Chung Ly và Lữ Ðồng Tân. Ba người dắt lên non hái đào chín. Chung Ly biết Hàn Tương Tử sắp thành Tiên, liền kêu Hàn leo lên cây hái đào chín, nhánh đào gãy, Hàn Tương Tử té xuống bỏ xác thành Tiên, theo Hớn Chung Ly và Lữ Ðồng Tân lên ở núi Bồng Lai.

Hàn Tương Tử có ý muốn độ chú mình là Hàn Dũ. Năm ấy, Trời hạn hán, Hàn Dũ vâng lịnh vua cầu mưa nhưng không linh. Bỗng nghe một đạo sĩ (do Hàn Tương Tử biến hóa ra) rao lên rằng:

- Ai muốn mua mưa tuyết, ta bán cho.

Hàn Dũ liền rước vào yêu cầu đạo sĩ cầu mưa, giây phút mưa xuống ngập đồng, tuyết sa chất ngất. Hàn Dũ nói:

- Không chắc ai đảo võ mà đặng mưa tuyết nầy. Ta cầu đã nửa ngày rồi, có khi kết quả chậm một chút.

Ðạo sĩ nói:

- Mưa tuyết do tôi cầu cao 3 thước 3 tấc.

Hàn Dũ đo lại, đúng y như lời đạo sĩ, mới tin đạo sĩ là Thần Tiên có phép mầu.

Ðến ngày Hàn Dũ ăn lễ sinh nhựt, Hàn Tương Tử đến chúc thọ chú. Hàn Dũ thấy vậy, nửa mừng nửa giận hỏi:

- Bấy lâu nay ngươi theo học đạo Thần Tiên thế nào? Làm một bài thơ nghe thử.

Hàn Tương Tử ngâm rằng:

Ðã quyết chí tu trì, Thành Tiên chẳng khó chi,

Mây xanh hằng cỡi hạc, Ðộng đá cứ ngâm thi.

Ðặt rượu trong giây phút, Trồng hoa nở tức thì.

Lâu dài ngàn tuổi thọ, Ðiều độ kẻ tương tri.

Hàn Dũ nói:

- Ngươi cướp quyền Tạo Hóa đặng sao? Hãy đặt rượu và trồng hoa xem thử.

Hàn Tương Tử bảo đem một cái ché không, đặt giữa bàn, lấy mâm đậy lại, trong giây phút, rượu ngon đầy ché. Rồi Hàn ra trước sân, đào đất vun đống, tức thì mọc lên một cây hoa mẫu đơn nở bông rất lớn, giữa bông có hiện ra hàng chữ:

Vân hoành Tần lãnh gia hà tại,

Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền.

Hàn Dũ đọc rồi ngẫm nghĩ mãi mà không hiểu ý gì, liền hỏi Hàn Tương Tử. Hàn Tương Tử đáp rằng:

- Ngày sau chú sẽ biết, bây giờ không dám lậu Cơ Trời.

Ai nấy trong bàn tiệc đều lấy làm lạ kỳ. Mãn tiệc, Hàn Tương Tử từ giã về núi.

Lúc ấy nhằm đời vua Ðường Hiến Tông, bên Tây Trúc đem dâng tượng Phật, vua muốn rước vào cung để thờ. Bá quan không ai dám can gián. Hàn Dũ thấy vậy liền dâng sớ can vua:

- Từ Tam Hoàng Ngũ Ðế đến vua Võ vua Thang, vua Văn Vương, chưa có Ðạo Phật thì thiên hạ thái bình. Ðến đời Hớn, vua Minh Ðế đem Ðạo Phật vào Trung Nguyên thì nhà Hớn chẳng lâu dài. Sau qua đời Lương Võ Ðế, vua rước Phật về thờ phượng hết lòng, nhưng vua bị Hầu Kiển vây khổn, phải chết đói tại Ðài Thành, sao Phật không cứu? Như thế chẳng nên tin Phật. Xin Bệ hạ đãi bọn Tây Vức rồi truyền đem tượng Phật ném xuống sông hay quăng vào lửa mà hủy đi kẻo thiên hạ mê lầm.

Ðường Hiến Tông xem sớ xong thì nổi giận, truyền lột chức Hàn Dũ và đày ra Triều Châu tức thì.

Hàn Dũ bị dẫn đi đày, đến một nơi hoang vắng, chẳng có nhà cửa người ở, mây giăng chót núi mịt mù, tuyết rơi bít lối. Chợt thấy phía trước có một đạo sĩ đang quét tuyết dọn đường, nhìn kỹ lại là Hàn Tương Tử. Hàn Dũ mừng rỡ hỏi:

Xứ nầy là chốn nào?

Hàn Tương Tử đáp:

Ðây là Ải Lam quan, núi nầy là Tần lãnh.

Hàn Dũ nhớ lại hai câu thơ trong hoa mẫu đơn thì than:

Như vậy, số Trời đã định, chạy sao cho khỏi.

Từ đó, Hàn Dũ mới tin Trời và trọng Ðạo. Ðêm ấy, chú cháu bàn chuyện đạo đức đến khuya. Rạng ngày, Hàn

Tương Tử tặng cho chú một hoàn thuốc, rồi dặn chú:

- Chú uống một hoàn thuốc Tiên nầy thì khỏi sanh các bịnh. Không bao lâu, ở Triều Châu có sấu nổi lên phá hại, chú đặt văn tế đưa nó phải đi, kế đặng phục chức trở về triều. Sau đó, cháu sẽ về độ chú, truyền cho phép tu luyện.

Nói rồi, Hàn Tương Tử từ giã chú trở về cung Tiên.

8. Tào Quốc Cựu:

Tại núi Bồng Lai, trong lúc ăn tiệc, uống rượu quỳnh tương, Lý Thiết Quả nói:

- Tại Bồng Lai có 8 động đá, mà anh em ta có 7 người, phải rán độ thêm một vị nữa. Ta nhắm em của Tào Thái Hậu là Tào Quốc Cựu có khí tượng Thần Tiên, cũng nên độ kẻo uổng.

Hớn Chung Ly thưa rằng:

- Ðể tôi xuống coi thử, nếu thực vậy thì tôi lo điều độ.

Nói về Tào Quốc Cựu, tên thật là Tào Hữu, em ruột của Tào Thái Hậu, đời vua Tống. Tào Hữu có một người em ruột là Tào Nhị, ỷ thế của anh và chị, lập phe đảng hại dân, bắt hiếp gái lành, sang đoạt tài sản. Tào Hữu rất giận, thường la mắng Tào Nhị, nhưng Tào Nhị vẫn chứng nào tật nấy, lại đem lòng oán trách.

Tào Hữu thường than rằng: Chứa lành có phước, chứa dữ mang họa. Em mình làm dữ mười phần, lẽ nào không bị hại, tuy qua đặng dương pháp, chớ chạy sao khỏi luật Trời. Nếu tai họa tới thì mình phải tội liên can, chi bằng nên lánh trước kẻo nhơ danh và mắc nạn.

Suy nghĩ rồi, liền bán hết tài sản, đem tất cả tiền thâu được bố thí cho dân nghèo, rồi mặc áo quần đạo sĩ đi lên núi, tìm chỗ thanh vắng để tu hành. Qua được vài năm thì Hớn Chung Ly và Lữ Ðồng Tân tìm đến gặp mặt, hỏi rằng:

- Ông tu luyện ra sao?

- Lòng mộ đạo Thần Tiên thì lánh việc trần, chớ tôi không biết phép tu luyện chi hết.

Hai Tiên liền hỏi tiếp: - Ðạo ở đâu mà mộ?

Tào Quốc Cựu chỉ Trời.

- Trời ở đâu?

Tào Quốc Cựu chỉ vào trái tim.

Hớn Chung Ly nói: - Tâm là Trời, Trời là đạo. Ông đã biết rõ cội rễ, tu chắc thành Tiên.

Nói rồi, liền đưa Tào Quốc Cựu về núi Bồng Lai.

Từ đây về sau, núi Bồng Lai có đủ Bát Tiên ở trong 8 động, tiêu diêu nhàn lạc vô cùng.

Ngày kia, Hà Tiên Cô nói với bảy Tiên rằng:

- Lẽ thường, Tiên Ông mới thành thì ra mắt Ðông Vương Công, còn Tiên Nữ mới thành thì ra mắt Tây Vương Mẫu. Kỳ trước, sanh nhựt của Ðông Vương Công, Tiên Nữ cũng đi chúc thọ. Nay gần đến sanh nhựt của Ðức Tây Vương Mẫu, bảy Ông tính đi chúc thọ không?

Hớn Chung Ly và Lam Thể Hòa đồng nói:

- Tây Vương Mẫu không cai trị chúng ta, song Bà là vị làm đầu Tiên Nữ, các Thần Tiên đều phó hội, lẽ nào chúng ta không đi, ngặt chẳng có vật chi báu để dâng lễ Chúc thọ. Trương Quả Lão nói:

- Tây Vương Mẫu ở Cung Diêu Trì thiếu chi vật báu, chúng ta đặt văn chúc thọ mà khánh hạ thì hay hơn.

Lý Thiết Quả khen phải. Lữ Ðồng Tân nói:

- Văn của chúng ta cũng tầm thường, ước đặng văn của Lão Quân thì mới xứng đáng.

Hà Tiên Cô nói:

- Thái Thượng Lão Quân hậu đãi Lý Tiên Trưởng lắm, nếu Lý Tiên Trưởng cầu Ngài chắc đặng.

Lý Thiết Quả nói:

- Phải, song việc đông người mà đi một mình ta thì thất lễ. Vậy thì tám anh em ta cùng đi đến mà cầu Lão Quân.

Nói rồi, Bát Tiên đồng đằng vân qua Cung Ðâu Suất. Ðức Lão Quân tiếp Bát Tiên, mời vào Cung, nói:

- Thuở nay, nhà Nho hay học sách của ta như Ðạo Ðức Kinh, Kinh Cảm Ứng, song dùng cho thông ý tứ mà làm văn, chớ chẳng bắt chước theo lời dạy bảo. Lại có kẻ kiêu ngạo, chê Phật, chê Lão, nên ta chẳng đặt sách chi thêm nữa mà dạy đời.

Lý Thiết Quả thấy Lão Quân có sắc buồn, nhưng cũng rán cầu xin đặt bài chúc thọ Vương Mẫu. Lão Quân cười nói:

- Ta ít ưa việc ấy, vì nhiều người làm không đặng mà lại hay chê. Song tám vị cầu ta, ta đặt giúp cho một bài từ cũng đủ.

Lão Quân nói xong, liền viết một bài, đưa cho Bát Tiên xem thử. Ai nấy đều khen ngợi vô cùng. Bát Tiên từ tạ lui ra, đến cậy Chức Nữ làm trục bằng gấm, dán chữ sáng như sao, rồi đem đi chúc thọ. Bát Tiên đến Hội Bàn Ðào chúc thọ Tây Vương Mẫu, thấy các Thần Tiên đến đông lắm. Bát Tiên dâng bức trướng chúc thọ. Tây Vương Mẫu khen văn đặt rất hay.

Sau khi mãn tiệc, các Thần Tiên đều về hết, Bát Tiên còn lưu lại. Tây Vương Mẫu gọi bốn nàng thị nữ đến bảo rằng:

- Ðổng Song Thành, Vương Tử Phá, Hứa Phi Yến, An Phát Trinh, bốn người từ khi ca múa tại Hoa Ðiện của vua Hớn Võ Ðế đến nay cũng đã khá lâu, bây giờ hãy thổi sáo và đờn ca cho Bát Tiên uống rượu.

Bốn nàng vâng lời. Lam Thể Hòa khen hay, rót rượu dâng lên Tây Vương Mẫu. Vương Mẫu nói:

- Nghe tiếng Lam Tiên ca hay, nên trình nghề chung vui.

Lam Thể Hòa vâng lời, lấy cặp sanh ra, vừa nhịp vừa ca. Ai nấy đều khen và cười ngất. Tây Vương Mẫu thưởng cho rượu và đào. Lam Thể Hòa nói:

- Hàn Tương Tử thổi sáo hay lắm.

Tây Vương Mẫu bảo thử. Hàn Tương Tử vâng lời. Tây Vương Mẫu nghe xong, khen hay, bảo:

- Bản ấy rất hay, An Phát Trinh phải nhớ mà tập.

Tiệc xong, Bát Tiên từ tạ. Tây Vương Mẫu truyền đưa Bát Tiên đến chơn mây.

Bát Tiên thấy sóng biển Ðông cao lắm. Ðồng Tân nói:

- Thuở nay nghe đồn Ðông hải mà chưa đến xem phong cảnh thế nào. Sẵn dịp nầy, chúng ta nên xem qua một chuyến.

Lý Thiết Quả nói phải. Trương Quả Lão can rằng:

- Bữa nay chúngta uống nhiều rượu say rồi, để khi khác.

Hớn Chung Ly nói:

- Sẵn dịp nầy chẳng đi dạo, còn đợi dịp nào?

Bát Tiên đồng đi đến mé biển. Lữ Ðồng Tân nói:

- Nay đằng vân quá hải, không lấy làm tài, chi bằng mỗi người thả một phép xuống biển, cỡi qua tới mé bên kia mới thiệt thần thông.

Lý Thiết Quả quăng gậy xuống nổi lên mặt nước, rồi nhảy xuống đứng một chân trên gậy.

Hớn Chung Ly ném Phất chủ xuống biển và nhảy xuống đứng trên Phất chủ.

Trương Quả Lão thả Lừa giấy, Lữ Ðồng Tân thả Ống tiêu, Lam Thể Hòa thả Ngọc bản, Hàn Tương Tử thả giỏ Hoa lam, Tào Quốc Cựu thả Thủ quyển, Hà Tiên Cô thả Bông sen.

Tất cả Bát Tiên đều đứng trên bửu pháp của mình, giống như đứng trên thuyền, đồng vượt qua Ðông hải.

Khi Ðức Chí Tôn lập ÐÐTKPÐ, Bát Tiên lãnh lịnh Ðức Chí Tôn giáng trần, làm tướng soái cho Ðức Chí Tôn khai Ðạo.

Các Chức sắc tiền bối cho biết:

·         Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung là nguơn linh của Lý Thiết Quả giáng trần.

·         Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư là nguơn linh của Hớn Chung Ly giáng trần.

·         Ðức Thượng Sanh Cao Hoài Sang là nguơn linh của Lữ Ðồng Tân giáng trần.

·         Phối Sư Thái Bính Thanh, người được Chí Tôn giao làm Quả Càn khôn, là nguơn linh của Lam Thể Hòa.

·         Nữ Giáo Sư Hương Hồ, con gái của Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh, là nguơn linh của Hà Tiên Cô.

Còn ba vị nữa mới đủ Bát Tiên nhưng chưa được biết.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ

.

Bát vu

缽盂

A: The bowl for alms.

P: Le bol à l'aumône.

Bát: Tám, thứ tám. Vu: Cái bầu đựng đồ ăn.

Bát vu là cái bình đựng đồ ăn của các tăng ni Phật giáo thuộc phái khất sĩ, dùng để đi khất thực.

Mỗi vị sư trong phái Khất sĩ, khi thọ cụ túc giới thì được vị hoà thượng nhơn danh Giáo hội phát cho một cái bát, hoặc khi cái bát bị bể thì Giáo hội cũng phát cho cái khác.

Lúc thọ lãnh bát, vị sư nguyện ba lần bài chú sau đây:

"Thiện tai Bát-đa-la, Như Lai ứng lượng khí!

Phụng trì dĩ tư thân, trưởng dưỡng trí mạng.

Án chỉ rị chỉ rị phạt nhựt ra hồng phấn tra."

Nghĩa là: Lành thay cái Bát-đa-la, món đồ ứng lượng của Phật! Tôi nay phụng trì để nuôi thân và nuôi lớn cái mạng trí huệ. Tiếp theo sau cùng là câu Thần chú bằng tiếng Phạn.

Bát-đa-la là chữ phiên âm từ tiếng Phạn: Patra, có nghĩa là cái Bát, cái Bình bát hay Bình bát vu.

Khi Ðức Phật Thích Ca sắp nhập Niết Bàn, Ðức Phật giao cho Ma Ha Ca Diếp hai món Y và Bát của mình để làm tín vật giữ ngôi Nhứt Tổ, chưởng quản Giáo hội tăng già.

Y là áo cà sa, Bát là bình Bát vu của Ðức Phật Thích Ca sử dụng lúc sanh tiền. Y Bát nầy được truyền dần đến Tổ Sư thứ 28 Bồ Ðề Ðạt Ma của Phật giáo Ấn Ðộ, thì Y Bát theo Tổ Sư Ðạt Ma sang Trung hoa để mở mang Phật giáo tại đó.

Ðạt Ma Tổ Sư trở thành Sơ Tổ của Phật giáo Trung hoa.

Tại Trung hoa, Sơ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma truyền Y Bát lại cho Nhị Tổ, Nhị Tổ truyền cho Tam Tổ, Tam Tổ truyền cho Tứ Tổ, Tứ Tổ truyền cho Ngũ Tổ, Ngũ Tổ truyền cho Lục Tổ Huệ Năng, và sau đời Lục Tổ Huệ Năng, thì không còn lệ truyền Y Bát nữa, vì theo lời dặn dò của Ðạt Ma Tổ Sư, sau 200 năm kể từ ngày Ðạt Ma Tổ Sư nhận Y Bát thì không truyền nữa.

Do đó, Lục Tổ Huệ Năng là vị Tổ Sư cuối cùng của Phật giáo có được Y và Bát. Có lẽ các vị Tổ Sư biết trước rằng, sau đời Lục Tổ Huệ Năng thì Phật giáo bắt đầu thất chơn truyền, đi vào thời kỳ Mạt pháp.

Vì ý nghĩa quan trọng của bình Bát vu như thế, nên Ðạo Cao Ðài chọn bình Bát vu làm cổ pháp tượng trưng Phật giáo.

PMCK:

Xuân Thu, Phất chủ, Bát vu,

Hiệp qui Tam giáo hữu cầu chí chơn.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

BẠT

Bạt tiến

拔薦

A: To recommend a soul; the proposition of elevation of a soul.

P: Recommander une âme; la proposition de l'élévation d'une âme.

Bạt: Cất lên, đề cử. Tiến: Dâng lên, tiến cử.

Bạt tiến là đề cử dâng lên các Ðấng thiêng liêng cứu giúp một linh hồn cho được siêu thăng.

Những tín đồ Cao Ðài, ăn chay kỳ không đủ 10 ngày trong một tháng, hoặc sau nầy sa ngã, không còn giữ gìn giới luật của Ðạo nữa, hoặc những người chưa nhập môn cầu Ðạo, mà khi chết, con cháu muốn nhờ Ðạo cứu giúp linh hồn, thì Chức việc Bàn Trị Sự tại địa phương phải đến lo lắng giúp đỡ, cho đúng với tôn chỉ của Ðạo Cao Ðài là tận độ chúng sanh.

"Ðiều trọng yếu hơn hết là trọn tang môn phải giữ trai giới trong mấy ngày linh cữu còn tại tiền thì mới làm Bạt tiến cho linh hồn giải thoát đặng." (Tiểu Dẫn Kinh Thiên Ðạo Thế Ðạo)

Khi hành Lễ Bạt Tiến thì:

·         Không đọc bài Kinh Khi Ðã Chết Rồi.

·         Không làm Phép Xác và Phép Ðoạn Căn.

·         Không làm Tuần Cửu, Tiểu Tường và Ðại Tường.

Ngoài ba điều kể trên, các nghi thức cử hành tang lễ khác thì giống y như đối với hàng Vong thường, có ghi rõ trong quyển Tang Lễ của Ðạo Cao Ðài do Hội Thánh ấn hành.

 

BẢY

Bảy dây oan nghiệt

A: Seven bonds of Karma.

P: Sept liens Karmiques.

Bảy dây: Bảy sợi dây vô hình nối liền thể xác với chơn thần của con người. Oan: Thù giận. Nghiệt: Nghiệp ác.

Khi con người còn sống nơi cõi trần, chơn thần liên lạc với thể xác qua bảy dòng điện từ (còn gọi là bảy sợi dây từ khí) mà mắt phàm không thấy được. Do bảy dòng điện từ nầy, thể xác đòi hỏi chơn thần phải làm cho nó thoả mãn những ý muốn về vật chất của nó. Nếu chơn thần xuôi theo những ý muốn nầy của thể xác thì thể xác sẽ gây ra nhiều mối oan nghiệt trong kiếp sống. Do đó, Ðạo Cao Ðài gọi bảy dòng điện từ nầy là Bảy dây oan nghiệt.

Nhưng cũng nhờ Bảy dòng điện từ nầy mà chơn thần ra lịnh cho thể xác không được làm điều sái quấy.

Khi ta ngủ, nằm chiêm bao, chơn thần xuất ra khỏi thể xác đi đó đi đây, nhưng vẫn luôn luôn nối với thể xác bằng Bảy sợi dây nầy. Lúc đó, Bảy sợi dây nhập lại thành một sợi lớn, nếu có huệ nhãn thì thấy nó có màu bạc. Khi có tiếng động mạnh, thể xác nghe được, liền dùng Bảy sợi dây nầy kéo chơn thần trở về nhập vào xác và liền đó ta giựt mình thức dậy.

Bảy dây oan nghiệt nầy ở vào bảy nơi trên thân thể:

1.    Trên đầu (mỏ ác hay nê huờn cung).

2.    Ngay trán (thượng đình, giữa hai chân mày).

3.    Ngay cổ (trung đình, đầu cuống họng và cuống phổi).

4.    Ngay tim.

5.    Ngay hông trái (thận).

6.    Dưới dạ dưới (hạ đình, rún, hạ đơn điền)

7.    Dưới xương khu (xương cụt).

Khi thể xác chết, Bảy sợi dây oan nghiệt nầy kéo níu chơn thần, ràng buộc chơn thần, không cho chơn thần xuất ra khỏi thể xác mà bay lên cõi thiêng liêng.

Do đó, Ðức Chí Tôn ban cho Phép Ðoạn Căn, để Chức sắc hành pháp cắt đứt Bảy dây oan nghiệt nầy, chơn thần mới tách rời khỏi thể xác mà bay lên cõi thiêng liêng.

Trước khi làm Phép Ðoạn Căn, Chức sắc phải làm Phép Xác trước, tức là Phép tẩy rửa chơn thần bằng nước Cam Lồ cho chơn thần được trong sạch và thanh nhẹ.

KÐIC:

Bảy dây oan nghiệt hết ràng,

Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương.

KÐIC: Kinh Ðệ Nhứt cửu.

 

Bảy Lão

A: The seven Sages.

P: Les sept Sages.

Bảy Lão là ý nói Trúc Lâm Thất Hiền, bảy Ông Hiền ở rừng trúc, vào thời sau Tam Quốc bên Tàu.

Bảy Ông tu theo Lão giáo và đều thành Tiên, ở động Thiên Thai nơi cõi thiêng liêng. (Xem: Trúc Lâm Thất Hiền)

KÐ3C:

Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng đảo,

Ðộng Thiên Thai Bảy Lão đón đường.

KÐ3C: Kinh Ðệ Tam cửu.

 

Bảy bài

A: The seven pieces of music.

P: Les sept pièces de musique.

Bảy bài là ý nói bảy bài đờn trong Nhạc Tấu Quân Thiên khi Ðại lễ cúng Ðức Chí Tôn. (Xem: Nhạc Tấu Quân Thiên)

TNHT: Khi nhập lễ, xướng Khởi Nhạc thì phải đánh trống và đờn bảy bài.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BẮC

BẮC

Bắc: Hướng Bắc.
Td: Bắc Ðẩu, Bắc Khuyết.

 

Bắc Ðẩu

北斗

A: The polar star.

P: L'étoile polaire.

Bắc: Hướng Bắc. Ðẩu: Ngôi sao Bắc Ðẩu.

Bắc Ðẩu là ngôi sao Bắc Ðẩu, một ngôi sao nằm ngay hướng Bắc của trục Ðịa cầu.

Bắc Ðẩu là một định tinh, dùng để định chính xác hướng Bắc của Ðịa cầu.

Ở Miền Nam Việt Nam khó nhìn thấy sao Bắc Ðẩu hơn miền Bắc VN vì ngôi sao Bắc Ðẩu nằm gần sát chơn trời, nên thường bị cây cối che khuất. Vị trí của ngôi sao Bắc Ðẩu ở chừng 10 độ so với đường nằm ngang.

Cách tìm sao Bắc Ðẩu:

Muốn tìm sao Bắc Ðẩu để định hướng Bắc, trước hết chúng ta phải tìm chùm sao Ðại Hùng tinh (Chùm sao Gấu lớn: Grande Ourse) gồm 7 ngôi sao khá sáng xếp theo hình bánh lái, dễ nhìn thấy trên bầu Trời về đêm, hoặc tìm chùm sao Thiên Hậu gồm 5 ngôi sao xếp đặt theo hình chữ M, rồi mới tìm chùm sao Tiểu Hùng tinh (Chùm sao Gấu nhỏ: Petite Ourse). Chùm sao Gấu nhỏ có 7 ngôi sao, nên được gọi là Thất Tinh, sao Bắc Ðẩu nằm trên đầu cán của chùm Thất Tinh nầy.

Trên Quả Càn Khôn thờ nơi BQÐ của Tòa Thánh, Ðức Chí Tôn bảo vẽ Thiên Nhãn ngay phía trên sao Bắc Ðẩu.

Sao Bắc Ðẩu là một định tinh ở tại trung tâm của CKVT, các ngôi sao khác đều chuyển động quanh ngôi Bắc Ðẩu, và trục quay của các hành tinh đều hướng về sao Bắc Ðẩu.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Bắc Khuyết

北闕

A: The great door of the North.

P: La grande porte du Nord.

Bắc: Hướng Bắc. Khuyết: Cái cổng lớn vào đền vua.

Bắc Khuyết là Huỳnh Kim Khuyết ở hướng Bắc, đó là cái cổng lớn làm bằng vàng ròng nơi cõi thiêng liêng. Cổng nầy dẫn vào Linh Tiêu Ðiện, nơi họp triều đình của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

Một cuốn kinh của Ðạo Minh Sư từ Trung hoa truyền sang nước ta, trên bìa kinh có đôi câu liễn tiên tri:

高如北闕人瞻仰

臺在南方道統傳

CAO như Bắc Khuyết nhân chiêm ngưỡng,

ÐÀI tại Nam phương Ðạo thống truyền.

Nghĩa là:

Cao như Huỳnh Kim Khuyết ở hướng Bắc, nhơn sanh đều chiêm ngưỡng,

Cái Ðài cao tại nước Việt Nam (Nam phương) tượng trưng mối Ðạo lớn thống quản tất cả và truyền bá khắp nơi.

Ðôi liễn nầy khởi đầu bằng hai chữ CAO ÐÀI, tiên tri Ðạo Cao Ðài sẽ xuất hiện ở nước VN, là một nền Ðại Ðạo để qui hiệp tất cả các tôn giáo khác.

 

BẦN

BẦN

BẦN: Nghèo, thiếu thốn.
Td: Bần cùng, Bần đạo,

 

Bần cùng sanh đạo tặc

貧窮生盜賊

A: Wretched poverty creates the robber.

P: L'extrêmement pauvre crée le brigand.

Bần: Nghèo, thiếu thốn. Cùng: Khổ cực. Sanh: Gây ra. Ðạo: Ăn trộm. Tặc: Kẻ trộm.

Thành ngữ: Bần cùng sanh đạo tặc, có nghĩa là nghèo khổ quá thì sanh ra trộm cắp.

Ý nói, nếu hoàn cảnh của dân chúng quá nghèo khổ, không phương sanh sống thì phải sanh ra trộm cắp, cướp giựt để giành lấy miếng ăn cho sự sống.

 

Bần dùng

A: Hesitating.

P: Hésistant.

Bần dùng là dụ dự, không còn hăng hái tiến bước.

TNHT: Thấy sự chi khó thì đã muốn bần dùng thối bước.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bần đạo

貧道

A: Poor monk.

P: Pauvre religieux.

Bần: Nghèo, thiếu thốn. Ðạo: Người tu hành, tu sĩ.

Bần đạo là Ông đạo nghèo, vị tu sĩ nghèo.

Bần đạo là tiếng tự xưng khiêm nhượng của những vị đạo cao đức trọng, hay những vị có đại đức lãnh đạo tôn giáo.

Các Ðấng Tiên, Phật khi giáng cơ cũng thường tự xưng là Bần đạo. Ðức Nhàn Âm Ðạo Trưởng, Ðức Lý Giáo Tông, Ðức Thanh Sơn Ðạo sĩ, Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, khi giáng cơ thường xưng mình là Bần đạo.

Ðức Phạm Hộ Pháp khi thuyết đạo cũng tự xưng mình là Bần đạo.

Ðức Phạm Hộ Pháp có gởi văn thư cho ba vị Chánh Phối Sư CTÐ, khuyên các Chức sắc Tòa Thánh không nên dùng các danh xưng ở ngoài Ðời như: Bổn chức, Tiểu chức,... mà nên dùng các tiếng xưng hô khác cho có tính cách khiêm cung để tỏ ra mình là người đạo đức.

Văn thư có đoạn như sau:

Tiếng Bổn chức là xưng hô của quan viên triều chánh, nó chỉ là tiếng tự tôn của phẩm vị quan viên trường đời đối với dân chúng.

Ðức Giáo Hoàng xưng mình là SERVITUS, là SERVITEUR, nghĩa là đày tớ của Ðức Chí Tôn, cũng như tiếng Bần đạo của tôi đã dùng. Muốn có vẻ Ðạo, ta nên tránh dùng những ngôn ngữ của quyền Ðời.

Tỷ như:

·         Hàng Lễ Sanh xưng mình là Thiểu phẩm,

·         Hàng Giáo Hữu xưng mình là Thiểu vị,

·         Hàng Giáo Sư xưng mình là Thiểu đức,

·         Hàng Phối Sư xưng mình là Tiện minh, Khiếm minh.

·         Hàng Ðầu Sư hay Chưởng Pháp xưng là Tế Tinh.

·         Giáo Tông hay Hộ Pháp xưng mình là Bần đạo.

(Ghi chú: Thiểu là thiếu, Tiện là thấp, Khiếm là thiếu sót, Minh là sáng, Tế là nhỏ, Tinh là ngôi sao).

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

Bần tăng

貧僧

A: Poor bonze.

P: Pauvre bonze.

Bần: Nghèo, thiếu thốn. Tăng: Người đàn ông xuất gia đi tu.

Bần tăng là ông thầy chùa nghèo, ông sư nghèo.

Ðây là tiếng tự xưng khiêm tốn và vinh hạnh của quí Hòa Thượng hay Thượng Tọa của Phật giáo.

Chư Ðức Phật và Chư Bồ Tát khi giáng cơ cũng xưng mình là Bần tăng.

Phật Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn ở Tây Phương giáng cơ:

Nhớ tới Long Hoa gần sắp đặt,

Bần tăng vội vã dắt thuyền qua.

 

Bần tiện mạc vong

貧賤莫忘

Bần: Nghèo, thiếu thốn. Tiện: Thấp hèn. Mạc: Chớ. Vong: Quên.

Bần tiện mạc vong là bốn chữ nói tắt của câu: Bần tiện chi giao mạc khả vong, nghĩa là: Bạn bè lúc còn nghèo hèn, bây giờ giàu sang rồi, chớ nên quên.

 

BẤT

BẤT

BẤT: Không, chẳng, đừng.
Td: Bất cập, Bất câu, Bất hoặc.

 

Bất cập

不及

A: Too late.

P: Ne pas atteindre.

Bất: Không, chẳng, đừng. Cập: Kịp, tới kịp.

Bất cập là không đến kịp, tức là chưa đúng mưc, còn thiếu sót vì vội vã.

Hối chi bất cập: Ăn năn không kịp.

KSH:

Chớ thái quá, đừng lòng bất cập,

Phép tu hành luyện tập nhiều ngày.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Bất câu

不拘

A: Without count; Without distinction.

P: Sans compter; Sans distinction.

Bất: Không, chẳng, đừng. Câu: Bó buộc, hạn chế.

Bất câu là không hạn chế, sao cũng được.

CG PCT: Người phải chăm nom binh vực những kẻ cô thế, bất câu người có đạo hay người ngoại đạo.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

Bất di bất dịch

不移不易

A: Immutable, irremovable.

P: Immuable, inamovible.

Bất: Không, chẳng, đừng. Di: Dời đổi. Dịch: Biến đổi.

Bất di bất dịch là không dời đổi, không thay đổi.

Lời tựa PCT: Chẳng hạn luật công bình giữa người với người thì phải có nguyên tắc bất di bất dịch là: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn.

Lời tựa PCT: Lời tựa Pháp Chánh Truyền.

 

Bất đắc kỳ tử

不得期死

A: To die accidentally.

P: Mourir accidentellement.

Bất: Không, chẳng, đừng. Ðắc: Ðược. Kỳ: Hạn định. Tử: Chết.

Bất đắc kỳ tử, nghĩa đen là chết không đúng kỳ hạn, nghĩa thường dùng là chết thình lình, chết đột ngột vì tai nạn.

TÐ ÐPHP: Một vị Phật chẳng lẽ chết bất đắc kỳ tử như thế được.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Bất hoặc

不惑

A: Unobcured.

P: Inobscurci.

Bất: Không, chẳng, đừng. Hoặc: Lầm lẫn, mê muội.

Bất hoặc là không lầm lẫn, không mê muội.

Trong sách Luận Ngữ, Ðức Khổng Tử nói về Ngài:

"Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri Thiên mệnh lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ.”

Nghĩa là:

Ta từ 15 tuổi để chí vào sự học,

30 tuổi thì lập chí không còn thay đổi,

40 tuổi thì hết nghi hoặc,

50 tuổi thì biết được mệnh Trời,

60 tuổi thì tai nghe đã thuận đạo Trời,

70 tuổi thì tùy lòng muốn mà không ra ngoài phép tắc.

Do câu nói nầy của Ðức Khổng Tử, người ta dùng chữ Bất hoặc để chỉ tuổi 40; chữ Tri Thiên mệnh để chỉ tuổi 50.

 

Bất hủ

不朽

A: Indestructible.

P: Indestructible.

Bất: Không, chẳng, đừng. Hủ: Hư hoại, mục nát.

Bất hủ là không mục nát, ý nói vẫn tồn tại mãi mãi.

Người xưa có nói rằng: Có ba điều bất hủ (Tam bất hủ): Một là Lập đức, hai là Lập công, ba là Lập ngôn.

 

Bất khả tri, bất khả nghị

不可知, 不可議

A: Impossible to know, impossible to discuss.

P: Impossible à connaiâtre, impossible à discuter.

Bất: Không, chẳng, đừng. Khả: Khá, có thể. Tri: Biết. Nghị: Bàn luận.

Bất khả tri là không thể biết rõ được.

Bất khả nghị là không thể bàn luận được.

TG: Thánh bất khả tri, công bất khả nghị.

Nghĩa là: Không thể biết rõ hết sự thiêng liêng mầu nhiệm của Ngài, cũng không thể luận bàn cho hết được công đức của Ngài.

TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.

 

Bất khả tư nghị

不可思議

A: Impossible to reflect and to discuss.

P: Impossible à réfléchir et à discuter.

Bất: Không, chẳng, đừng. Khả: Khá, có thể. Tư: Suy nghĩ. Nghị: Luận.

Bất khả tư nghị là không thể suy nghĩ bàn luận được.

Ý nói việc nầy rất cao siêu huyền diệu mà trí phàm của con người không thể suy nghĩ bàn luận cho thấu đáo được.

 

Bất mục

不睦

A: Disaccord.

P: Désaccord.

Bất: Không, chẳng, đừng. Mục: Hòa thuận.

Bất mục là nói việc anh em không hòa thuận với nhau.

TNHT: Còn trong luân lý chẳng hòa thì dân cư bất mục.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bất sanh bất diệt

不生不滅

Bất: Không, chẳng, đừng. Sanh: Sanh ra. Diệt: Làm cho mất đi.

Bất sanh bất diệt là không sanh ra, cũng không mất đi.

Ý nói: Không còn sanh không còn tử, tức là thoát khỏi vòng Luân hồi, mãi mãi tồn tại với Trời Ðất mà an nhàn tự tại.

Người tu, khi đã đắc đạo thành Tiên Phật thì thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, trường tồn cùng Trời Ðất.

 

Bất tận

不盡

A: Endless.

P: Sans fin.

Bất: Không, chẳng, đừng. Tận: Hết, chấm dứt.

Bất tận là không hết, còn hoài.

TNHT: Ðạo thiêng liêng bất tận.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bất tức

不息

A: Incessant.

P: Incessant.

Bất: Không, chẳng, đừng. Tức: Ngừng, thôi.

Bất tức là không ngừng, không thôi.

KNHTÐ: Thời thừa lục long, du hành bất tức.

KNHTÐ: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

 

BẦU

BẦU

BẦU: Cái gì có hình dạng như quả bầu tròn, dùng để chứa các vật khác.
Td: Bầu nhựt nguyệt, Bầu Tiên.

 

Bầu nhựt nguyệt

A: The vault of heaven.

P: La vouâte céleste.

Bầu: Cái gì có hình dạng như quả bầu tròn, dùng để chứa các vật khác. Nhựt: Mặt trời. Nguyệt: Mặt trăng.

Bầu nhựt nguyệt là bầu trời, trong đó có chứa mặt trời mặt trăng, tinh tú.

Ý nói: Sống với cảnh vật thiên nhiên, xa lánh nơi phồn hoa đô hội đua chen danh lợi, vui thú với gió mát trăng thanh.

 

Bầu Tiên

A: The holywater gourd.

P: La gourde de l'eau bénite.

Bầu: Cái gì có hình dạng như quả bầu tròn, dùng để chứa các vật khác. Tiên: Bực Tiên.

Bầu Tiên là cái bầu của các vị Tiên dùng để đựng Tiên tửu (Rượu Tiên) hay đựng nước Cam lồ.

Ðức Quan Âm Bồ Tát thì chứa nước Cam lồ trong Tịnh bình. Nước Cam lồ là thứ nước huyền diệu, do các vị Tiên, Phật luyện thành, dùng để cứu tử huờn sanh, hay để tẩy rửa chơn thần cho sạch hết các thứ ô trược nơi cõi trần đã nhiễm vào.

TNHT: Bến khổ, bầu Tiên rưới thế tình.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BẪY

Bẫy vô thường

A: The inconstant trap.

P: Le piège inconstant.

Bẫy: Sự bố trí sẵn để nhử người ta vô đó thì bị mắc vào,

không thể thoát ra khỏi được. Vô thường: Không luôn luôn như vậy, mà biến hoá thay đổi luôn.

Bẫy vô thường là cái bẫy biến hoá luôn luôn, khiến người ta không thể biết được, nên bị lừa gạt mắc vào bẫy.

Ðó là cái bẫy rập hết sức nguy hiểm, nó luôn luôn biến đổi hình thức, để người ta không biết mà tránh đi. Quỉ vương dùng miếng mồi là: Danh, Lợi, Quyền, Tài, Sắc để nhử người ta ham thích mà mắc vào bẫy.

TNHT: Thì một mai mới tránh khỏi bẫy vô thường của Quỉ vương đương giành xé.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BẺ

Bẻ bai biếm nhẻ

A: To criticize and to rally.

P: Critiquer et railler.

Bẻ: Bắt bẻ. Bai: Chê bai. Biếm: Chê trách.

Bẻ bai là bắt bẻ và chê bai.

Biếm nhẻ là chế giễu.

TÐ ÐPHP: Vì phần nhiều người lạm dự vào bậc Thiên phong, lấy tà tâm bẻ bai biếm nhẻ, chớ chẳng truyền bá lời lành.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

BÈO

Bèo bọt

A: Water lentil and foam.

P: Lentille d'eau et écume.

Bèo bọt là cánh bèo và cái bọt nước.

Bèo thì lênh đênh trên mặt nước, không biết trôi dạt về đâu. Bọt nước thì không bền, chỉ trong chốc lát liền bể tan.

Bèo bọt là ý nói thân phận bấp bênh như cánh bèo và không bền vững như cái bọt nước.

KÐRÐ: Thân như bèo bọt giữa vời linh đinh.

KÐRÐ: Kinh Ði Ra Ðường.

 

BẾ

BẾ

BẾ: Ðóng lại.
Td: Bế Ðạo, Bế địch.

 

Bế Ðạo - Khai Ðạo

閉道 - 開道

A: To close the way - To open the way (the Saint Doctrine).

P: Fermer la voie - Ouvrir la voie (la Sainte Doctrine).

Bế: Ðóng lại. Ðạo: Tôn giáo, Giáo lý, Luật pháp tu hành. Khai: Mở ra.

Ðạo là con đường để cho các bậc Thánh Tiên lầm lỗi bị đọa trần do theo để trở về cựu vị nơi cõi thiêng liêng. Ðạo cũng là con đường để cho các phẩm chơn hồn do theo mà tiến hóa đạt những phẩm vị cao trọng hơn.

Như vậy, Ðạo luôn luôn có (hằng hữu), không bao giờ mất đi hay bị tiêu diệt, chỉ có trường hợp Ðạo bế hay Ðạo khai mà thôi..

Việc bế Ðạo hay khai Ðạo, tỉ như một dòng suối. Dòng suối nầy phát khởi từ hồi có Trời Ðất và cứ chảy mãi, không bao giờ ngừng nghỉ.

Qua nhiều năm, cỏ rác lần lần mọc bít che lấp dòng suối, đến một lúc nào đó thì dòng suối bị cỏ rác phủ kín, không còn để lại dấu vết gì nữa. Nhưng dòng suối vẫn chảy mãi không ngừng. Dòng suối ấy là Ðạo.

Cỏ rác lần lần thu hẹp dòng suối, ấy là thời kỳ chơn truyền của Ðạo bị người phàm cải sửa nên sai lạc một phần. Ðến khi dòng suối bị phủ kín hoàn toàn thì chơn truyền đã sai lạc hẳn. Ðó là thời kỳ Ðạo bế, người tu bị lầm lạc, tu không đúng chơn truyền nên công đức có mà đắc đạo thì không.

Sau đó một thời gian, có một vị thông minh sáng suốt phi thường, biết nơi ấy có một dòng suối đã bị phủ kín, liền đến đó khai thông, chặt cỏ hốt rác, dọn dẹp sạch sẽ thoáng mát thì dòng suối hiện ra để nhơn sanh nhìn thấy. Ðó là thời kỳ Ðạo khai, sau khi đã bị bế lại một thời gian. Vị khai quang dòng suối ấy là Giáo chủ mở ra một chơn truyền mới.

Ðạo bị bế rồi lại khai, khai rồi lại bế, cứ luân chuyển mãi như thế, nhưng Ðạo vẫn là Ðạo, Ðạo vẫn như nhiên, lưu hành mãi trong CKVT. Nói là Ðạo khai hay là Ðạo bế là đứng về phía nhơn loại mà nhìn Ðạo.

Ðạo khai là khi có một Ðấng Giáo chủ vạch ra một phương pháp tu hành để cho người tu dễ đắc đạo.

Ðạo bế là khi Ðấng Giáo chủ đã qui Thiên, chơn truyền của Ngài bị môn đồ canh cải lần lần, qua nhiều thế hệ thì sai lạc hẳn, làm cho người tu lầm lạc, tu không đúng pháp, nên không đắc quả được.

Ðạo không bao giờ thay đổi, nhưng phương pháp khai Ðạo hay dạy Ðạo thì thay đổi tùy theo vị Giáo chủ và tùy theo hoàn cảnh của đời, tùy theo trình độ tiến hóa của nhơn sanh. Do đó, mới có nhiều tôn giáo khác nhau, mở ra tại nhiều địa phương khác nhau trên thế giới.

Các tôn giáo có danh xưng khác nhau, phương pháp tu hành khác nhau, kinh kệ khác nhau, nhưng vẫn có một gốc duy nhất là Thượng Ðế mà thôi. Các vị Giáo chủ chỉ là những Ðấng Tiên, Phật, nhận lãnh mạng lịnh của Thượng Ðế giáng trần giáo hóa nhơn sanh tu hành. Do đó, chúng ta đừng mê chấp cho rằng: Ðạo mình cao, Ðạo kia thấp, Ðạo ta chánh, Ðạo nọ tà. Con mắt phàm của chúng ta không thể phân biệt tà hay chánh.

Trước năm Bính Dần (1926) là thời kỳ Ðạo bế, vì các nền tôn giáo lớn ở phương Ðông như Tam giáo: Nho, Thích, Ðạo, cũng như Thánh giáo Gia Tô (Thiên Chúa giáo) ở phương Tây, đã trải qua gần 2000 năm đến 2500 năm, nên chơn truyền bị nhơn sanh sửa cải sai lạc hoàn toàn so với lúc ban đầu, Thánh giáo đã biến thành Phàm giáo, nhơn tâm ly tán, thiện ác bất phân, kẻ tu hành chỉ chuộng âm thanh sắc tướng, cố chấp kinh điển, làm cho phép tu sai lạc, thì làm sao đắc đạo.

Ðến năm Bính Dần (1926), Ðức Chí Tôn Thượng Ðế dùng huyền diệu cơ bút, khai ÐÐTKPÐ để qui Tam giáo, hiệp nhứt Ngũ chi, sàng lọc các giáo lý, để tạo nên một chơn truyền mới, có khả năng bao gồm và dung hợp tất cả giáo lý cũ, để tận độ nhơn sanh trong thời Hạ Nguơn Tam Chuyển, đưa nhơn loại vào Thượng Nguơn Thánh đức của Tứ Chuyển.

Ðức Chí Tôn khẳng định rằng: Gặp TKPÐ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Bế địch trợ hoang

閉糴助荒

Bế: Ðóng lại. Ðịch: Việc nhập cảng lúa gạo, mua lúa gạo từ nước ngoài chở về nước mình vì dân mình đang thiếu gạo ăn. Trợ: Giúp đỡ. Hoang: Mất mùa. Ruộng không sản xuất được lúa gạo vì hạn hán, sâu rầy, hay bão lụt.

Bế địch trợ hoang là bế lại, không cho nhập cảng lúa gạo trong lúc bị mất mùa, làm cho lúa gạo khan hiếm, giá lúa lên cao, bọn đầu cơ lúc ấy khai kho lúa ra, bán thật mắc, được giàu to trên sự khốn khổ của dân nghèo.

KSH:

Bàn chông nhọn liền liền đánh khảo,

Tra tội nhơn gian giảo ngược ngang.

Hành người bế địch trợ hoang,

Thừa năm hạn đói, mưu toan bức nghèo.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

BỂ

BỂ

( Xem: Biển )

 

BẾN

Bến khổ sông mê

A: The river of passion.

P: La rivière de passion.

Bến: Chỗ mé sông hay mé biển để cho tàu thuyền ghé vào, đưa khách xuống và rước khách lên. Mê: Lầm lạc.

Theo triết lý của Phật giáo, con người sống nơi cõi trần phải chịu trong vòng Tứ Khổ: Sanh, Lão, Bệnh, Tử, và nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước bốn biển. Do đó, Phật ví cõi trần là biển khổ. Con người bị lục dục thất tình cám dỗ, làm mê muội, nên cõi trần cũng được gọi là Sông mê, hễ có Sông mê thì có Bến mê (Mê tân), hễ có Biển khổ thì có Bến khổ

Cho nên, các từ ngữ: Bến khổ, Bến mê, Sông mê, Biển khổ, Bến tục, Bến trần, đều đồng nghĩa, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại đang sống.

TNHT: - Hiếm chi bậc Thánh bị đày vào chốn trần ai khổ nhọc, chìm đắm nơi bến khổ sông mê.

TNHT:

Bến mê rước khách thuyền đang đợi.

Dẫn khách Nam qua khỏi bến trần.

Thuyền chờ bến tục, buồm trương sẵn.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BI

Bi - Trí - Dũng

- -

A: Pity - Sageness - Courage.

P: Pitié - Sagesse - Courage.

Bi: Lòng thương xót của Tiên, Phật đối với chúng sanh đang trầm luân trong sông mê biển khổ, và lúc nào cũng muốn cứu vớt chúng sanh thoát khỏi các nơi khổ não.

Trí: Sự sáng suốt thông hiểu rốt ráo cái lý của sự vật, không còn mê muội lầm lẫn, và nhờ đó mà không còn phiền não. Thường nói đó là Trí Huệ.

Dũng: Cái tinh thần mạnh mẽ dám đương đầu với các khó khăn nguy hiểm, hoặc quyết thắng những cám dỗ vật chất do dục vọng gây ra.

Bi Trí Dũng là ba thể tánh của Tiên hay Phật.

Bi Trí Dũng của Thượng Ðế mới là hoàn toàn.

Tu hành là học tập Bi Trí Dũng và phát triển Bi Trí Dũng cho đến mức cùng tột để được hòa nhập vào Thượng Ðế.

■ Phật giáo thờ ba pho tượng gọi là Di Ðà Tam Tôn hay còn gọi là Tam Thể Phật gồm: Ðức Phật A-Di-Ðà ngồi chính giữa, bên mặt là Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát.

Ðức Phật A-Di-Ðà tượng trưng phần sáng suốt, tức là TRÍ.

Ðức Quan Âm Bồ Tát tượng trưng sự thương yêu, tức là thể BI.

Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát tượng trưng ý lực, tức là thể DŨNG.

Thờ Di-Ðà Tam Tôn chính là thờ BI TRÍ DŨNG để nhơn sanh học tập, bắt chước noi theo.

■ Thiên Chúa giáo thờ Ðức Chúa Ba Ngôi: Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa con, và Ðức Chúa Thánh Thần.

Ðức Chúa Cha chính là thể TRÍ.

Ðức Chúa con là ngôi tình thương yêu, đó là thể BI.

Ðức Chúa Thánh Thần là ý lực của Thượng Ðế, đó là thể DŨNG.

Vậy, thờ Chúa Ba Ngôi chính là thờ BI TRÍ DŨNG.

■ Ðạo Cao Ðài, thuở đầu tiên, Ðức Chí Tôn giáng bàn xưng danh là A Ă Â, ba mẫu tự đầu tiên, cũng tượng trưng Thượng Ðế Ba Ngôi giống như Thiên Chúa giáo, hay Ba Ngôi đó, Ðạo Cao Ðài gọi là: Phật, Pháp, Tăng.

Phật là Chí Tôn, vị Phật lớn hơn các Phật, tượng trưng thể TRÍ.

Pháp là ngôi tình yêu, đó là thể BI.

Tăng là ý lực của Ðức Chí Tôn, đó là thể DŨNG.

Vậy, kính Phật, Pháp, Tăng là kính BI TRÍ DŨNG.

Ðạo Cao Ðài thờ Tam Trấn Oai Nghiêm cũng là thờ Bi Trí, Dũng.

Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát tượng trưng thể BI.

Ðức Lý Ðại Tiên Trưởng tượng trưng thể TRÍ.

Ðức Quan Thánh Ðế Quân tượng trưng thể DŨNG.

■ Tam Lập gồm: Lập Ðức, Lập Công, Lập Ngôn. Trong Lập Công có ba phần: Công Phu, Công quả, Công trình.

Làm Công quả là tập mở rộng lòng thương yêu đối với đồng loại và chúng sanh, thể hiện chữ BI.

Lo Công phu ngày đêm tinh tấn để cho tâm trí được mau sáng suốt, thể hiện thể TRÍ.

Phần Công trình là quyết chí gìn giữ giới luật tu hành, không cho sa ngã, không chiều theo sự cám dỗ của vật chất, đó là thể hiện chữ DŨNG.

Cho nên, phần Lập Công là để rèn luyện BI TRÍ DŨNG cho nó phát triển.

Bi Trí Dũng tương quan chặt chẽ nhau, kềm cặp nhau, không thể tách rời ra từng phần được.

Muốn mở Trí, phải học Bi. Bi nhiều hơn, Dũng nhiều hơn thì Trí mới được sáng hơn.

Mục đích của việc Công phu là để mở Trí, nhưng có Trí cũng chỉ để thức giác, biết thương yêu nhiều hơn, tức là Bi; biết thương yêu nhiều hơn cũng chỉ để dùng ý chí phấn đấu chiến thắng những đòi hỏi của thể xác và để xông lướt cứu khổ chúng sanh, tức là Dũng.

Ba đức tánh Bi, Trí, Dũng gắn bó chặt chẽ với nhau và cùng phát triển đồng đều với nhau.

Trường công quả mà Ðức Chí Tôn lập ra là trường đào luyện Bi Trí Dũng để người tu đắc thành Tiên, Phật vậy.

 

Bi thương

悲槍

A: Piteous.

P: Pitoyable.

Bi là thương xót. Thương (chữ Hán, không phải chữ nôm) nghĩa là đau đớn xót xa.

Bi thương là thương xót và đau buồn.

 

BÍ: Giấu kín, không hở ra cho ai biết.
Td: Bí pháp, Bí tích.

 

Bí pháp - Thể pháp

  1. Ðịnh nghĩa Bí pháp và Thể pháp
  2. Thể pháp của Ðạo Cao Ðài
  3. Bí pháp của Ðạo Cao Ðài

I. Ðịnh nghĩa Bí pháp và Thể pháp:

秘法 - 體法

A: Esoterism - Exoterism; Esoteric doctrine- Exoteric doctrine.

P: Esotérisme - Exotérisme; Doctrine ésotérique - Doctrine exotérique.

Bí: Giấu kín, không hở ra cho ai biết. Pháp: Pháp luật, phương thức, giáo lý. Thể: là có hình thể thấy được, thuộc về hữu hình.

Một cách tổng quát, chúng ta có thể định nghĩa:

Bí pháp là pháp luật bí ẩn, là định luật vô hình chi phối sự tiến hóa của các chơn linh trong CKVT.

Thể pháp là pháp luật hữu hình, là định luật định tướng định hình để dẫn dắt đời sống của nhơn loại vào nẻo thanh cao và hạnh phúc.

Như vậy, những điều gì mà chúng ta quan sát thấy được thì gọi là Thể pháp; còn những điều gì bí ẩn mà chúng ta không thể thấy được thì gọi là Bí pháp.

Bất cứ một nền tôn giáo nào cũng đều phải có hai phần: Thể pháp và Bí pháp. Trong trường hợp nầy, Bí pháp và Thể pháp được định nghĩa như sau:

Thể pháp là tất cả những giáo lý, luật pháp, kinh kệ, thờ phượng, cúng lạy, nhạc lễ, dạy dỗ và dẫn dắt nhơn sanh đi theo con đường đạo đức. Ðó là những luật hữu hình ràng buộc đời sống của tín đồ vào trọn trong khuôn viên đạo đức để được sống hòa bình, thanh cao và hạnh phúc. Như thế, Thể pháp chính là cơ quan giải khổ cho chúng sanh.

Bí pháp là các phương thức luyện đạo, cứu giúp linh hồn mà mục đích cuối cùng là đắc đạo, đạt được phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật nơi cõi thiêng liêng, thoát vòng luân hồi đau khổ, sống an nhàn tự tại miên viễn nơi cõi Cực Lạc Niết Bàn. Như thế, Bí pháp chính là cơ quan giải thoát chúng sanh.

Những phương pháp luyện đạo trong Bí pháp không được phổ biến ra ngoài, chỉ bí truyền cho những đệ tử đã được chọn lọc kỹ lưỡng có đầy đủ hạnh đức. Các phương pháp ấy được truyền trực tiếp từ Thầy sang trò bằng lời nói riêng, nên gọi là Bí pháp khẩu thọ tâm truyền, hay Tâm pháp bí truyền.

Do đó, Thể pháp và Bí pháp của Ðạo Cao Ðài rất đặc biệt, hoàn toàn mới so với các nền tôn giáo cổ, nhưng rất phù hạp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh hiện nay, lại thể hiện được thời kỳ Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn để tận độ nhơn sanh.

TÐ ÐPHP: "Bần đạo vâng lịnh Ðức Chí Tôn xuống trần mở Ðạo thì Chí Tôn mới hỏi rằng: Con phục lịnh xuống thế mở Ðạo, con mở Bí pháp hay là mở Thể pháp trước?

Bần đạo mới trả lời: Xin mở Bí pháp trước.

Chí Tôn nói: Nếu con mở Bí pháp trước thì phải chịu khổ đa, đang lúc đời cạnh tranh tàn bạo, nếu mở Bí pháp trước thì cả sự bí mật huyền vi của Ðạo, đời thấy rõ rồi xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Ðạo mới ra thế nào? Vì thế con nên mở Thể pháp trước, dầu cho đời quá dữ, tranh giành phá hoại cả cơ thể hữu vi hư hủy đi nữa thì cũng vô hại, miễn là mặt Bí pháp còn là Ðạo còn."

II. Thể pháp của Ðạo Cao Ðài:

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo chỉ rõ rằng: Thể pháp của Ðạo Cao Ðài nói gọn trong bốn chữ: PHỤNG SỰ VẠN LINH.

Vạn linh là tất cả các chơn linh trong CKVT, gồm đủ Bát hồn: Vật chất hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Vạn linh đầu kiếp xuống cõi trần là chúng sanh. Vậy, Phụng Sự Vạn Linh tức là PHỤNG SỰ CHÚNG SANH.

Danh từ tuy không mới mẻ nhưng ý tưởng lại rất tiến bộ tân kỳ, vì từ xưa tới nay, người tu bao giờ cũng lo cho chính mình để mình được thành Tiên Phật, mà chơn lý của Ðạo Cao Ðài hiện nay là: Lo cho người tức lo cho ta; giúp người tiến hóa tức là giúp ta tiến hóa.

Do đó, đối với các tín đồ Cao Ðài, Ðức Chí Tôn dạy: Hãy hoàn toàn quên mình để phụng sự vạn linh.

Phụng sự vạn linh là một quan niệm sống rất cao cả, thỏa mãn đầy đủ ba mục đích sống của ba hạng người tiêu biểu của nhơn loại:

·         Hạng mang quả kiếp nặng nề nên phải đầu kiếp trở lại cõi trần để trả quả.

·         Hạng muốn học hỏi thêm để tiến hóa thêm nữa.

·         Hạng muốn lập công đức để cho phẩm vị của mình thêm cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

Chúng ta không thể tự biết rõ mình thuộc hạng nào trong ba hạng vừa kể trên, cho nên cứ lấy việc Phụng sự Vạn linh làm mục đích cuộc sống, nhờ đó mình sẽ được:

■ Chúng ta không biết mình bị quả kiếp nơi nào, người nào, nhưng nhờ Phụng sự Vạn linh, và nhờ hồng ân của Ðức Chí Tôn, cho ta gặp được những người đó để chúng ta trả hết các quả kiếp tiền khiên.

■ Chúng ta học hỏi để biết bộ máy mầu nhiệm của Tạo Hóa, chúng ta nhờ Phụng sự Vạn linh và do việc Phụng sự ấy nó chỉ cho ta những điều mà ta muốn học hỏi, cũng như nhờ đó ta sẽ khám phá được những điều mà ta muốn biết.

■ Chúng ta muốn cho phẩm vị của chúng ta nơi cõi thiêng liêng được thăng lên cao hơn nữa thì chúng ta càng phải Phụng sự Vạn linh nơi cõi trần nầy, dẫn dắt chúng sanh vào đường đạo đức, thì cái công quả to lớn đó mới giúp phẩm vị ta thêm cao trọng.

Lại nữa, việc Phụng sự Vạn linh là phương thức hiệu quả nhứt để mỗi chúng ta trả ba món nợ mà bất cứ ai đã mang xác thịt nơi cõi trần nầy đều mắc phải. Ba món nợ đó là:

·         Món nợ đối với cha mẹ phàm trần: Cha mẹ sanh ta ra, nuôi nấng dạy dỗ cho khôn lớn, công khó nhọc biết bao nhiêu mà kể.

·         Món nợ đối với hai Ðấng Cha Mẹ thiêng liêng là Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu đã tạo ra Chơn linh và Chơn thần của ta.

·         Món nợ đối với xã hội đã cung cấp cho ta những vật thực và những tiện nghi của cuộc sống, và món nợ quốc gia, đã bảo vệ của chúng ta được an lành.

Muốn trả dứt ba món nợ nầy thì chỉ có cách là Phụng sự Vạn linh, Phụng sự một cách triệt để và chí thành.

Nếu được như vậy thì khi chúng ta thoát xác, cõi Thiêng liêng Hằng sống sẽ mở rộng cửa rước chúng ta trở về, vì không ai còn níu lưng đòi nợ chúng ta hết. Chúng ta đã Phụng sự Vạn linh tức là chúng ta đã trả dứt nợ.

Muốn Phụng sự Vạn linh đạt được hiệu quả tối đa và hoàn toàn tốt đẹp thì phải có phương pháp và tổ chức khoa học. Do đó, Ðức Chí Tôn lập ra cho chúng ta một cơ quan Phụng sự Vạn linh là nền Ðại Ðạo Cao Ðài với hình thể gồm ba Ðài: Cửu Trùng Ðài, Hiệp Thiên Ðài và Bát Quái Ðài.

Cửu Trùng Ðài: lo việc phổ độ và giáo hóa nhơn sanh, giúp nhơn sanh giác ngộ, cải ác tùng lương, dẫn dắt nhơn sanh vào đường đạo đức.

Hiệp Thiên Ðài: lo gìn giữ luật pháp Chơn truyền Ðại Ðạo, không cho ai sửa cải.

Bát Quái Ðài: chỉ huy hai Ðài trên để điều động toàn thể cơ quan Phụng sự Vạn linh cho được hiệu quả.

Bên cạnh Cửu Trùng Ðài còn có Cơ Quan Phước Thiện để cứu khổ và giải khổ cho nhơn sanh.

Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Ðạo Luật, Ðạo Nghị Ðịnh, là những cái hàng rào dựng lên dọc theo con đường Phụng sự, và Giáo lý Ðại Ðạo là người dẫn đường cho mỗi người chúng ta đi trọn vẹn trong con đường đó, đúng theo Thánh ý của Ðức Chí Tôn.

Việc Phụng sự Vạn linh và đánh giá kết quả việc phụng sự đó, Ðức Chí Tôn gọi là một Trường Thi Công Quả.

"Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng: Một Trường thi Công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc Thế giới thì phải đi tại cửa nầy mà thôi." (TNHT. I. 34)

Tất cả những hình thức tổ chức trên: CTÐ, HTÐ, BQÐ và CQPT đều được gọi chung là Thể pháp của Ðạo Cao Ðài trong mục tiêu quan trọng nhứt là Phụng sự Vạn linh.

III. Bí pháp của Ðạo Cao Ðài:

"Ðạo Cao Ðài có đủ quyền năng hiển hách anh linh của nó, không có một nền tôn giáo nào tại thế nầy khả dĩ đối thủ được cả thảy, tức nhiên Bí pháp của Ðạo Cao Ðài, giờ phút nầy không có kẻ nào dám cả gan nói Bí pháp ấy do tay phàm hay do một vị Giáo chủ mang xác phàm cầm nó, mà chính trong tay Ðức Chí Tôn là Ðấng tạo CKVT và Chúa vạn vật, cầm Bí pháp trong tay đặng độ rỗi phần hồn nhơn loại." (Thuyết đạo của Ðức Phạm Hộ Pháp).

Bí pháp thì bí mật, nhưng ÐÐTKPÐ nầy, Ðức Chí Tôn ban cho ân huệ là Ðại Ân Xá, nên Ðức Chí Tôn không giấu giếm Bí pháp nữa, mà Ðức Chí Tôn bày ra trước mắt nhơn sanh, để nhơn sanh thấy rõ mà thực hành. Và Ðức Chí Tôn nhấn mạnh: "Gặp Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi."

Bí pháp đó là: Ðức Chí Tôn biểu chúng ta dâng Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) của chúng ta lên cho Ðức Chí Tôn để Ðức Chí Tôn lấy đó làm phương tiện phụng sự vạn linh.

Tại sao gọi đó là Bí pháp của Ðạo Cao Ðài?

Vì chính đó là cơ quan giải thoát chúng ta khỏi luân hồi để trở về hiệp nhứt cùng Ðức Chí Tôn, tức là đắc đạo vậy.

Ðức Phạm Hộ Pháp giải thích như sau:

"Ấy vậy, mỗi ngày, từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya đến sáng, mình vô Ðền Thánh kêu Ðức Chí Tôn, kêu Tam giáo và các Ðấng thiêng liêng mà phân chứng trước: Thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã hiến dâng cho Ðức Chí Tôn, để làm tôi tớ cho vạn linh thay thế Ðức Chí Tôn.

Giờ phút đó, chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm, dầu có tội, mà chúng ta không làm điều gì thêm tội nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt, không thể gì định tội được.

Ðức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta, mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy cũng không phải là của chúng ta, tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát."

Như vậy, mỗi ngày chúng ta cúng Ðức Chí Tôn, chúng ta đều cầu nguyện dâng Tam Bửu Tinh Khí Thần, tượng trưng bằng Bông Rượu Trà, tức là dâng Thể xác, Chơn thần và Linh hồn của chúng ta lên cho Ðức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng, tức là chúng ta hoàn toàn tùy thuộc Ðức Chí Tôn sai khiến định liệu. Chúng ta không còn gì để lo lắng ngoài sự lo lắng làm thế nào thực hiện cho hoàn tất mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn giao phó.

Bí pháp nầy, Ðức Chí Tôn để hiển hiện trước mắt nhơn sanh, mà ít ai để ý suy nghĩ.

Nhưng việc thực hiện Bí pháp nầy một cách trọn vẹn thì cũng rất khó khăn, nhưng càng khó khăn thì càng có giá trị xứng đáng. Ðâu có gì dễ đâu! Nhưng cũng không phải là quá khó khăn để chúng ta không thể thực hiện được. Nếu chúng ta có một đức tin mạnh mẽ nơi Ðức Chí Tôn, và có một tấm lòng hy sinh quên mình, thì mọi việc đều trở nên dễ dàng.

Như thế, cái tấm thân của ta đây, cả chơn thần và linh hồn nữa, ta đều giao hết cho Ðức Chí Tôn, giao thật sự với đầy đủ ý nghĩa của nó, thì không còn gì là của ta nữa, đừng nói chi là của cha mẹ ta hay của vợ con ta.

Như vậy cái TA (tức là cái NGÃ) không còn nữa, thì đâu còn gì để CHẤP NGÃ. Ðây là cách PHÁ CHẤP triệt để vô cùng hiệu quả hơn tất cả các phương pháp khác.

Sự dâng hiến nầy, nếu chúng ta thi hành một cách chí thành thì đủ đem chúng ta trở về cùng Ðức Chí Tôn, mà không cần phải làm thêm một điều chi khác nữa.

Trong TNHT, Ðức Chí Tôn có dạy rằng: "Trong các con, có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào Ðạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều là phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao."

Nhưng trong kỳ Ðại Ân Xá nầy, đối với nhơn sanh trong thời Hạ Nguơn Mạt kiếp, và cũng do sự mơ ước của nhơn sanh nên Ðức Chí Tôn cũng mở ra con đường tu luyện gọi là con đường thứ ba của Ðại Ðạo, bằng cách trao Bí pháp Luyện đạo cho Ðức Phạm Hộ Pháp để Ngài truyền lại cho những người nào có đủ Tam Lập (Lập Ðức, Lập Công, Lập Ngôn) trong việc phụng sự chúng sanh. Bí pháp luyện đạo được thực hành trong Tịnh Thất mà Ðức Phạm Hộ Pháp đã cho xây dựng ba Tịnh Thất là: Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung và Vạn Pháp Cung.

Bí pháp nầy dạy luyện Tam Bủu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, tức là: Luyện Tinh hóa Khí, Luyện Khí hiệp Thần, Luyện Thần huờn Hư. Lúc đó thì Tam Huê tụ đảnh, Ngũ Khí triều nguơn, tạo thành Thánh Thai, đắc đạo thành Tiên Phật tại thế.

Tóm lại, Bí pháp của Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn nắm giữ. Ðức Chí Tôn mở Bí pháp theo hai con đường tu:

Con đường chánh yếu là Dâng Tam Bửu cho Ðức Chí Tôn để Ðức Chí Tôn dùng làm phương tiện phụng sự vạn linh. Con đường nầy là lập công trong CTÐ hay CQPT.

Chỉ cần làm trọn vẹn bao nhiêu đó trong suốt kiếp sanh gặp Ðạo thì đủ để thoát khỏi luân hồi, được Ðức Chí Tôn rước về hội hiệp cùng Ngài.

Con đường tu luyện: Ðức Chí Tôn trao Bí pháp luyện đạo cho Ðức Phạm Hộ Pháp để truyền lại cho những vị nào đã thực hành đủ Tam Lập, tịnh luyện trong Tịnh Thất để luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, đắc đạo tại thế.

Những môn đệ muốn đủ Tam Lập thì phải qua một thời gian phụng sự vạn linh tức phải làm công quả phổđộ nhơn sanh.

Trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn cấm hẳn lối tu "độc thiện kỳ thân", một lối tu ích kỷ, chỉ biết lo riêng cho mình.

Như vậy, Thể pháp và Bí pháp của Ðạo Cao Ðài đều đặt việc Phụng sự Vạn linh lên trên hết, luyện đạo chỉ là phụ thuộc. Ðắc đạo cùng chăng là do công quả Phụng sự Vạn linh.

Trong một phương diện khác, Bí pháp còn được định nghĩa là các phép Bí tích, tức là những phép thuật huyền diệu, những Chơn pháp bí truyền, có tác dụng về phương diện thiêng liêng để cứu giúp linh hồn. Các Phép Bí tích nầy được Ðức Hộ Pháp và Thập nhị Thời Quân truyền cho các Chức sắc đi hành đạo nơi các địa phương, hộ trợ cho công cuộc phổ độ nhơn sanh cho được nhanh chóng và hiệu quả, như các Phép Bí tích: Giải Oan, Tắm Thánh, Phép Xác, Ðoạn Căn, v.v... (Xem chữ: Bí tích)

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

TNHT. I. 34: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển I trang 34.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

 

Bí tích

秘跡

A: The sacrament.

P: Le sacrement.

Bí: Giấu kín, không hở ra cho ai biết. Tích: Dấu vết, cũng có nghĩa là pháp thuật.

Bí tích là những pháp thuật huyền diệu, mà khi thi hành sẽ có những hiệu quả thiêng liêng mà ta không thể dùng trí phàm hiểu biết hết được.

Bí tích còn được gọi là Bí pháp, hay Bí pháp Chơn truyền.

CG PCT: "Nhờ Ngài (Ðức Lý Giáo Tông) và Hội Thánh cầu khẩn, Thầy đã giáng bút truyền các Bí pháp ấy cho Hộ Pháp."

"Mừng thay cho nhơn loại chút ít rồi! Hội Thánh Chơn truyền Tân pháp đã đạt đặng: Phép Giải Oan, Phép Khai Sanh môn, Ban Kim Quang, vv . . . lại còn nhiều Bí pháp nữa mà Hộ Pháp chưa có lịnh truyền và lại bị chúng sanh và Hội Thánh còn mờ hồ không nạp dụng.

Ngày nay, chẳng biết các Ðấng thiêngliêng là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại BQÐ đã thọ lịnh Thầy mà hành pháp, vì thuộc về quyền hành của các Ðấng ấy, ngày nay mới tính sao?

Trong các Bí pháp có cơ mầu nhiệm đắc đạo, bây giờ các Ðấng ấy có cho hay là không? Thảm!"

Trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Phạm Hộ Pháp vâng lịnh Ðức Chí Tôn truyền cho các Chức sắc hàng Thánh Thể của CTÐ, của HTÐ hay Phước Thiện đi hành đạo ở địa phương bảy Phép Bí tích sau đây, để cứu độ nhơn sanh phần xác phần hồn, hầu hộ trợ cho công cuộc phổ độ nhơn sanh được kết quả:

·         Phép Tắm Thánh.

·         Phép Giải Oan.

·         Phép Hôn Phối.

·         Phép Giải bịnh.

·         Phép Xác.

·         Phép Ðoạn Căn.

·         Phép Ðộ Thăng.

Bên Thiên Chúa giáo cũng có Bảy Phép Bí tích:

·         Rửa tội.

·         Thêm sức.

·         Thánh Thể.

·         Giải tội.

·         Xức dầu.

·         Truyền chức.

·         Hôn phối.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

 

Bí truyền

秘傳

A: To transmit secretly.

P: Transmettre secrètement.

Bí: Giấu kín, không hở ra cho ai biết. Truyền: Trao lại.

Bí truyền là những bí tích hay phép luyện đạo trong tôn giáo được truyền dạy một cách bí mật, không cho người ngoài biết được.

Ðối với người tu luyện, khi công quả và hạnh đức được đầy đủ, sẽ được Tôn sư bí mật truyền tâm pháp luyện đạo cho đệ tử thực hành. Tôn sư luôn luôn theo dõi để bảo hộ đệ tử khi luyện đạo vì sợ đệ tử luyện sai pháp thì nguy hiểm tánh mạng.

Khi đệ tử thọ tâm pháp bí truyền của Tôn sư thì không được truyền lại cho người khác mà không có phép của Tôn sư.

 

BỈ

Bỉ ngạn

彼岸

A: The other border: The kingdom of felicity.

P: L'autre bord: Le royaume de la félicité.

Bỉ: Cái kia, bên kia. Ngạn: Bờ sông hay bờ biển.

Bỉ ngạn là bờ bên kia. Ðây là từ ngữ đặc biệt của Phật giáo, chỉ bờ bên kia của sông mê hay bờ bên kia của biển khổ.

Bờ bên nây là Bến mê (Mê tân), là Bến khổ, chỉ cõi trần. Bờ bên kia là Giác ngạn (Bờ giác), tức là cõi giải thoát của người đắc đạo, tức là cõi TLHS.

Bỉ ngạn là Giác ngạn, chỉ cõi TLHS.

Lòng sớ: Phục vọng Vô Trung Từ Phụ, phát hạ Thiên ân, chuyển họa vi phước, tập kiết nghinh tường, độ tận các đẳng chơn hồn, đồng đăng bỉ ngạn.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

Bĩ thái

否泰

A: Misfortune and fortune.

P: Infortune et fortune.

Bĩ: Tên một quẻ trong Kinh Dịch, chỉ sự bế tắc, ngưng trệ, thời vận xấu. Thái: còn đọc là Thới, cũng là tên một quẻ trong Kinh Dịch, chỉ sự hanh thông, hưng thịnh, thời vận tốt.

Bĩ thái là hai trạng thái: Ngưng trệ hay hanh thông, suy thịnh, xấu tốt, rủi may. Ðó là sự biến đổi trong Ðịnh luật tuần hòan của Tạo Hóa: Hết suy tới thịnh, hết rủi tới may, hết bĩ đến thái và ngược lại.

Thường nói: Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai, nghĩa là: Hết cơn bế tắc dữ dội thì tới hồi thịnh vượng đến.

TNHT: Tác hiệp sẵn nhờ xây bĩ thái.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BIẾM

Biếm bác

眨駁

A: To dismiss and to criticize.

P: Blâmer et critiquer.

Biếm: Chê bai. Bác: Không ưng, bỏ đi.

Biếm bác là chê bai, bác bỏ.

CG PCT: Ấy vậy, cựu luật thì Ngọc Hư Cung đã biếm bác.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

BIẾN

BIẾN

1.    BIẾN: Thay đổi.
Td: Biến sanh, Biến thể.

2.    BIẾN: Một lượt.
Td: Biến kinh.

 

Biến kinh

遍經

A: A tour of religious prayer.

P: Un tour de prière religieuse.

Biến: Một lượt. Kinh: Bài kinh để tụng.

Biến kinh là tụng bài kinh qua một lượt.

Tụng nhứt thiên biến: Tụng một ngàn lần bài kinh.

Tụng đắc nhứt vạn biến: Tụng được một vạn lần bài kinh.

 

Biến sanh

變生

A: To transform and to create.

P: Transformer et créer.

Biến: Thay đổi. Sanh: Tạo ra. Biến sanh là biến hóa sanh ra.

PMCK: Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Biến thể

變體

A: Modification.

P: Modification.

Biến: Thay đổi. Thể: Hình thể.

Biến thể là thay đổi hình thể, đổi ra hình thức khác.

TNHT: Nhơn loại phải chịu đau khổ vì sự biến thể của các Thánh Tông đồ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BIỂN

Biển dâu - Biển nọ hóa cồn dâu

A: The sea changes into the field of mulberry-trees.

P: La mer change en champ de muâriers.

Biển: Vùng nước rộng bao la. Biển còn gọi là bể, chữ Hán là Hải. Dâu: Cây dâu tằm ăn. Cồn: Cái gò đất ở bãi sông hay bãi biển do phù sa bồi đắp dần dần tạo thành.

Biển dâu, chữ Hán là Tang hải. Biển nọ hóa cồn dâu do thành ngữ chữ Hán là: Tang điền biến vi thương hải, nghĩa là: Ruộng dâu biến thành biển xanh.

Thành ngữ chữ Hán trên được nói tắt là: Tang điền thương hải, hay vắn tắt hơn là: Tang hải.

Từ đó xuất phát các thành ngữ trong văn chương VN: Biển dâu, Bể dâu, Ruộng dâu biến thành biển xanh, Cồn dâu hóa bể, Bể hóa cồn dâu, Bãi bể nương dâu, v.v... Ý nói rằng: Cảnh đời luôn luôn thay đổi, không có gì là bền vững cả.

Ðiển tích: Theo Thần Tiên truyện, Vương Phương Bình, người đời Hậu Hán, đỗ Hiếu Liêm, làm quan đến chức Trung Tán Ðại Phu, từ quan đi tu Tiên, đắc đạo, giáng xuống nhà Thái Kinh, cho sứ giả mời Tiên Nữ Ma Cô đến. Phương Bình hỏi Ma Cô về thời gian cách biệt. Ma Cô nói với Phương Bình rằng: Từ khi biết ông đến nay, đã thấy biển Ðông đã ba lần biến thành ruộng dâu.

 

Biển giác

A: The sea of the understanding.

P: La mer de l'entendement.

Biển: Vùng nước rộng bao la. Biển còn gọi là bể, chữ Hán là Hải. Giác: Biết rõ ràng, không còn lầm lạc. Thường nói là Giác ngộ. Trái với Giác là Mê. Giác thì thành Phật, Mê thì còn là chúng sanh.

Phật lấy sự Giác ngộ làm cứu cánh. Sự Giác ngộ ấy sâu rộng như biển cả nên gọi là Biển giác, hán văn gọi là Giác hải.

Ai giác ngộ rồi thì tới Bờ giác (Giác ngạn), ai chưa giác ngộ thì còn ở Bến mê (Mê tân). Giác hải thì có Giác ngạn; Biển mê thì có Mê tân.

 

Biển hoạn

A: The mandarinate.

P: Le mandarinat.

Biển: Vùng nước rộng bao la. Biển còn gọi là bể, chữ Hán là Hải. Hoạn: Làm quan.

Biển hoạn hay Bể hoạn là tiếng dịch từ Hán văn: Hoạn hải, chỉ chốn quan trường, con đường làm quan.

Cánh buồm bể hoạn mênh mông,

Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.

(Cung Oán NK)

Con đường làm quan của các sĩ phu thời xưa lắm gian nan vất vả, vinh cũng nhiều mà nhục cũng có, lập công cũng nhiều mà khi trái ý vua thì bị bắt tội cũng không ít, nhưng cái tai hại nhứt là luôn luôn phiền não lo âu.

TNHT: Bể hoạn dập dồn thương bấy trẻ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Biển khổ - Biển trần - Biển trần khổ

A: The ocean of humain pain.

P: L'océan de douleur humaine.

Biển: Vùng nước rộng bao la. Biển còn gọi là bể, chữ Hán là Hải. Trần: Bụi bặm, chỉ cõi thế gian, cõi trần.

Chữ Khổ hải được dịch ra là: Biển khổ, Biển trần khổ, Bể thảm, Biển trần.

Ðức Phật nói: Nước mắt chúng sanh trong cõi trần nhiều hơn nước bốn biển. Nhơn sanh phải chịu biết bao nhiêu đau khổ, mà bốn cái khổ không thể tránh khỏi là: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Ngoài ra nhơn sanh còn phải chịu những nỗi đau khổ trong việc mưu sinh và trong việc tranh danh đoạt lợi.

Ðức Phật ví cõi trần là biển khổ. Nhưng Ðức Phật cũng nói: "Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn." Nghĩa là: Tuy biển khổ rộng mênh mông nhưng khi quay đầu lại thì thấy bờ giác.

Nơi cõi thiêng liêng, biển khổ hiện ra rõ rệt nhứt. Con người muốn đến cõi TLHS thì phải vượt qua biển khổ nầy.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo trong Con đường TLHS, có mô tả biển khổ nơi cõi thiêng liêng như sau:

"Chúng ta dòm lại phía dưới thấy đại hải mênh mông, nước cuồn cuộn xanh như biếc, sóng dợn ba đào, mỗi làn sóng có đề chữ KHỔ. Chúng ta chia ra đi trên ấy, chúng ta thấy dợn hào quang nổi lên dữ tợn lắm, mấy chữ lớn là: SANH, LÃO, BỆNH, TỬ. Làn sóng dợn lên rồi hạ xuống, mỗi làn đều có chữ KHỔ. Chúng ta thấy đau khổ trong buổi sanh, thấy làn sóng rồi, chúng ta thấy khổ dữ lắm, mỗi làn sóng đều thấy khổ. Thử nghĩ đại hải như thế nào thì cái khổ của cả nước chúng ta như thế."

TNHT:

Biển khổ vớt người thuyền gặp lúc.

Biển trần đắm khách nhiều trôi nổi.

KK:

Biển trần khổ vơi vơi trời nước.

Thi sĩ Ðoàn Như Khuê đã cảm khái nỗi đau khổ của con người nơi cõi trần, viết nên bài thơ "Bể thảm" đầy xúc cảm:

BỂ THẢM

Bể thảm mênh mông sóng lụt trời,

Khách trần chèo một lá thuyền chơi.

Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,

Coi lại cùng trong bể thảm thôi.

Coi lại cùng trong bể thảm thôi,

Nổi chìm, chìm nổi biết bao người.

Kiếp người nghĩ cũng lênh đênh quá,

Quá cánh bèo trên mặt nước trôi.

Quá cánh bèo trên mặt nước trôi,

Nước trôi bèo nổi, ngán cho đời.

Cuộc đời đổi đổi thay thay mãi,

Trải mấy lần dâu hóa bể khơi.

Trải mấy lần dâu hóa bể khơi,

Một hai ba tuổi, chín mười mươi.

Xiết bao mừng rỡ bao thương xót,

Khóc mấy mươi phen, mấy trận cười?

Khóc mấy mươi phen, mấy trận cười?

Dẫu cười chưa hẳn đã là vui.

Trần vui sao lại cho là tục?

Mới lọt lòng ra đã khóc rồi!

Mới lọt lòng ra đã khóc rồi!

Kiếp trần ngán lắm khách trần ơi!

Một lần mình khóc, lần người khóc,

Sống thác đôi lần, giọt lệ rơi.

Sống thác đôi lần, giọt lệ rơi.

Cảnh phù du cũng khéo trêu người.

Bể bao nhiêu nước, bao nhiêu thảm,

Lấp chẳng đầy, cho tát chẳng vơi.

Ðoàn Như Khuê

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

KK: Khai Kinh.

 

Biển mê

A: Ocean of passion.

P: L'océan de passion.

Biển: Vùng nước rộng bao la. Biển còn gọi là bể, chữ Hán là Hải. Mê: Tối tăm, lầm lẫn. Trái với Mê là Giác.

Biển mê trái với Biển giác; Bến mê trái với Bến giác.

Con người trong cõi trần đắm chìm trong dục vọng si mê tăm tối, nên cõi trần được ví với Biển mê.

Biển mê thì có Sông mê. Vượt khỏi Biển mê thì tới Bờ giác (Giác ngạn), rồi đi vào cõi giác ngộ của bậc đắc đạo.

TNHT: Biển mê cầu ngọc liên phàm tục.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển

 

BIỆN

Biện nhi

辦兒

A: The chief of chorus-children.

P: Le chef des enfants de choeur.

Biện: Sắp đặt, cáng đáng công việc. Nhi: Trẻ em, chỉ các em đồng nhi, là các em nhỏ được luyện tập tụng kinh.

Biện nhi là một đồng nhi có tư cách được cử ra để làm đầu Ban đồng nhi, điều hành công việc của Ban đồng nhi nơi Thánh Thất hoặc nơi Ðiện Thờ Phật Mẫu.

Biện nhi lãnh lịnh nơi vị Giáo nhi hay Trưởng Ban Lễ.

Giáo nhi là người đã thi đậu cấp bằng của Hội Thánh, có phận sự dạy đồng nhi tụng kinh đúng giọng và đúng nhịp.

 

BIỆT

Biệt điện

別殿

A: Personal palace.

P: Palais personnel.

Biệt: Riêng. Ðiện: Tòa nhà.

Biệt điện là tòa nhà dành riêng làm nơi làm việc cho một vị Chức sắc Ðại Thiên phong cầm quyền nền Ðạo.

·         Biệt điện của Ðức Giáo Tông là Giáo Tông Ðường.

·         Biệt điện của Ðức Hộ Pháp là Hộ Pháp Ðường.

·         Biệt điện của Ðầu Sư là Ðầu Sư Ðường.

 

BÌNH

BÌNH

BÌNH: Bằng phẳng, yên ổn, bình thường.
Td: Bình địa, Bình tâm, Bình thân.

 

Bình địa

平地

A: Paceful region.

P: La région paisible.

Bình: Bằng phẳng, yên ổn, bình thường. Ðịa: Ðất.

Bình địa là đất bằng, vùng đất yên ổn vui vẻ.

TNHT: Ðem chiếc thuyền cận bến để dìu dắt vào chỗ bình địa đặng tự tại thung dung.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bình sanh

平生

A: During the lifetime.

P: Durant la vie.

Bình: Bằng phẳng, yên ổn, bình thường. Sanh: sống.

Bình sanh là lúc ngày thường còn sống.

 

Bình tâm

平心

A: The tranquillity of mind.

P: La tranquilité d'esprit.

Bình: Bằng phẳng, yên ổn, bình thường. Tâm: Lòng dạ.

Bình tâm là cái tâm yên ổn, không vọng động lo âu.

ÐLMD: Chẳng những trợ giúp về mặt vật chất hình thức bên ngoài mà thôi, mà đến tinh thần bên trong cũng phải có sự an ủi tâm hồn cho người được an vui, bình tâm định trí.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

Bình thân

平身

A: To stand up, to get up.

P: Se tenir droit, se mettre debout.

Bình: Bằng phẳng, yên ổn, bình thường. Thân: Thân mình.

Bình thân là đứng dậy (khỏi phải quì).

TNHT: Chư hiền hữu bình thân.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BÓNG

BÓNG

1.    BÓNG: Ánh sáng, hình ảnh.
Td: Bóng dương, Bóng khuất.

2.    BÓNG: Phần tối phía sau khi vật được chiếu sáng.
Td: Bóng tùng.

 

Bóng dương - Bóng nhựt

A: The sun light.

P: La lumière du soleil.

Bóng: Ánh sáng, hình ảnh. Dương: chỉ mặt trời. Nhựt: Mặt trời.

Bóng dương hay Bóng nhựt là ánh sáng mặt trời.

TNHT:

Bóng dương tỏ rạng lố chơn mây.

Rừng thung bóng nhựt đã hầu chinh.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bóng hồng

A: The red light.

P: La lumière rouge.

Bóng: Ánh sáng, hình ảnh. Hồng: Màu hồng, màu đỏ.

Bóng hồng là ánh sáng màu đỏ.

KCHKHH: Kìa chiếu diệu bóng hồng Bắc Ðẩu.

KCHKHH: Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối.

 

Bóng khuất xương tan

A: To be death from longtime.

P: Être mort depuis longtemps.

Bóng: Ánh sáng, hình ảnh. Khuất: Không thấy.

Bóng khuất là hình ảnh đã mất, ý nói chết.

Bóng khuất xương tan là người chết đã lâu rồi, xương thịt đã tan rã hết.

KSH:

Việc lành việc dữ đồn vang,

Tuy là bóng khuất xương tan tiếng còn.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Bóng ngọc

A: Image of a beautiful girl.

P: Image d'une belle fille.

Bóng: Ánh sáng, hình ảnh. Ngọc: chỉ người con gái đẹp.

Bóng ngọc là hình ảnh của người con gái đẹp.

KHP: Dưới trăng bóng ngọc còn nguyên.

KHP: Kinh Hôn Phối.

 

Bóng quang âm

A: As the time goes on.

P: Comme le temps passe.

Bóng: Ánh sáng, hình ảnh. Quang: Sáng, chỉ ngày. Âm: Tối, chỉ đêm.

Quang âm là ngày đêm.

Bóng quang âm là hình ảnh ngày và đêm thay đổi nhau, hết ngày tới đêm, chỉ thời gian trôi qua mau.

KSH:

Việc sanh tử như đường chớp nhoáng,

Bóng quang âm ngày tháng dập dồn.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Bóng tùng

A: The shadow of pine (the husband).

P: L'ombre de pin (le mari).

Bóng: Phần tối phía sau khi vật được chiếu sáng. Tùng: Cây tùng, thuộc loại thông, thân thẳng, ruột chắc, cành lá xanh tươi suốt bốn mùa, nên thường được ví với người quân tử. Người vợ sống trong sự che chở của chồng nên gọi là núp bóng tùng.

Bóng tùng là bóng của người quân tử, chỉ người chồng.

TNHT: Ðằng cát may đưa dựa bóng tùng.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BỒ

Bồ đoàn

蒲團

A: The round rushy carpet

P: Le tapis rond en jonc.

Bồ: Cỏ bồ, ở nhà quê gọi là lác, lá già dùng làm chiếu, làm đệm, hay làm cái túi đựng đồ vật. Ðoàn: Hình tròn.

Bồ đoàn là một tấm tròn, đan bằng cỏ lác, dùng trải trên gạch cho nhà sư ngồi thiền.

TNHT: Bồ đoàn mạc hám liên huê thất.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bồ đề

菩提

Bồ đề là tiếng phiên âm từ chữ Phạn: Bodhi. Ðây là tiếng đặc biệt của Phật giáo, nghĩa là: Giác, giác ngộ đạo lý.

Ðắc Bồ đề thì diệt hết phiền não, chứng Niết Bàn.

Ðắc Bồ đề đầy đủ thì thành Phật Như Lai, ấy là Ðại Bồ đề, hay Vô thượng Bồ đề, Vô thượng Trí huệ.

Bực Ðắc Bồ đề mà còn giáng trần cứu độ chúng sanh thì gọi là Bồ đề Tát đoá, gọi tắt là Bồ Tát. (Xem: Bồ Tát)

Bồ đề tâm: là Giác tâm, Ðạo tâm, tức là cái tâm tìm cầu chánh giác. Ðó là cái tâm giác ngộ của Phật.

Nếu Bồ đề tâm sụt lùi thì gọi là thối chuyển.

Nếu Bồ đề tâm tinh tấn thì trí huệ càng ngày càng lớn, gọi là Bất thối chuyển Bồ đề tâm.

Gặp Phật và thỉnh cầu Phật chứng minh lời nguyện mình quyết tu cho đến khi đắc thành Phật vị, gọi là phát Bồ đề tâm.

Bồ đề thọ: cũng gọi là Giác thọ, Ðạo thọ.

Bồ đề thọ là cây Bồ đề. (Thọ hay Thụ là cây).

Cây Bồ đề là loại cây thường ở rừng ở Ấn độ, tên thật của nó là: PIPALA, phiên âm là: Tất-bát-la. Nhưng sở dĩ người ta gọi nó là cây Bồ đề vì thuở trước Ðức Thích Ca ngồi thiền định nơi cội cây ấy mà thành Phật, nó trở thành loại cây thiêng.

Cây Bồ đề là loại cổ thụ, cao vài chục mét, có tàn lớn, nơi nhánh lớn có mọc rễ thòng xuống đất, lá có hình trái tim, ngọn lá dài và nhọn. Trái Bồ đề có hột, hột già phơi khô thì thấy có vằn như mặt trăng, có điểm nhỏ như ngôi sao, nên được gọi là Tinh nguyệt Bồ đề, xỏ xâu thành chuỗi 108 hột, dùng cho các vị sư lần chuỗi niệm Phật.

Lá Bồ đề rụng vào tháng hai, ra lá mới vào tháng năm. Các vị sư thường lấy lá Bồ đề già đem ngâm nước chừng 4 tuần lễ, vớt lên, giũ sạch thì còn lại lá gân mềm, trắng mịn, kết lại làm nón rất đẹp.

Nơi sân Ðại Ðồng Xã trước TTTN có trồng một cây Bồ đề, dưới gốc có làm bồn bông hình tám góc bằng đá mài màu vàng rất đẹp. Cây Bồ đề nầy có nguồn gốc như sau:

Cây Bồ đề nầy được Ðại Ðức Narada Thera, Phó Giáo Tông của Phật giáo Tích Lan, lấy hột của cây Bồ đề nơi Phật Thích Ca thành đạo, đem ương lên thành cây con, đem qua VN tặng TTTN một cây, và tặng một cái hộp đựng Ngọc Xá Lợi của Ðức Phật Thích Ca, vào ngày 15-5-Quí Tỵ (dl 25-6-1953).

Ðức Phạm Hộ Pháp và Hội Thánh TTTN làm lễ tiếp nhận rất long trọng và có thuyết minh cho toàn đạo được rõ.

Hai năm sau, vào ngày Vía Ðức Quan Thánh Ðế Quân, 24-6-Ất Mùi (dl 11-8-1955), Ðức Hộ Pháp cùng các Chức sắc đồng ra sân Ðại Ðồng Xã, trước cột phướn để trồng cây Bồ đề.

Trước đó, Ðức Hộ Pháp đã dạy Công Viện CTÐ đào tại đây một cái hố sâu, đụng tới đá, rồi xây bầu bao quanh để cho rễ cây rừng Thiên nhiên hai bên không lấn vào gốc Bồ đề, rồi đổ xuống đó vài chục xe bò phân hữu cơ để trồng cây quí.

Sau khi cúng Ðại đàn Vía Ðức Quan Thánh xong, Ðức Hộ Pháp kêu Bảo thể xách đèn măng xông ra Ðại Ðồng Xả trồng cây Bồ đề. Ðức Ngài vẫn mặc Thiên phục, nhưng cái mão cầm nơi tay. Các Chức sắc đứng vây quanh. Ðức Ngài ra lịnh cho Lễ Sanh Thái Thu Thanh, Thủ Lãnh của Cơ Bảo Thể, bưng chậu cây Bồ đề đặt vào chỗ trồng. Ðức Ngài lấy vá xúc ba vá đất lấp vào gốc Bồ đề.

Cây Bồ đề bắt phân nên rất mau lớn, là một dấu tích tốt đẹp giữa Phật giáo Tích Lan và Ðạo Cao Ðài.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

Bồ Ðề Ðạt Ma

( Xem: Nhứt Tổ chí Lục Tổ, vần Nh )

 

Bồ liễu

蒲柳

A: The willow.

P: Le saule.

Bồ liễu là một loại cây liễu mọc ở ven nước, cành lá ẻo lả rủ xuống. Trong văn chương, bồ liễu dùng để chỉ người phụ nữ vì thể chất của phụ nữ yếu ớt như cây bồ liễu.

Ðối lại bồ liễu là tùng bách, loại cây rắn chắc, xanh tươi bốn mùa, nên thường dùng tượng trưng người quân tử.

TNHT: Bồ liễu nhứt thân sanh biến hóa.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bồ Tát

菩薩

A: Bodhisattva.

P: Bodhisattva.

Bồ Tát là tiếng nói tắt của: Bồ đề Tát đóa, phiên âm từ tiếng Phạn: Bodhisattva.

Theo nghĩa bên tiếng Phạn thì: Bồ đề là Giác; Tát đóa là chúng sanh. Bồ đề Tát đóa là bậc đắc quả Bồ đề nhưng còn làm chúng sanh để độ đời. Bồ Tát là bậc tự giác, cần đi cứu độ chúng sanh để lập công quả đặng tiến lên phẩm vị Phật.

Trước khi Ðức Thích Ca đắc quả Phật Thế Tôn thì tiền kiếp của Ngài đã chứng quả Bồ Tát. Như thế, muốn đạt phẩm vị Phật thì trước đó phải đắc quả Bồ Tát.

Muốn đắc quả Bồ Tát, người tu phải thệ nguyện thực hiện các điều sau đây:

a) Bốn điều thề lớn khi mới phát tâm:

·         Chúng sanh vô biên, thề xin độ hết.

·         Phiền não vô số, thề xin dứt hết.

·         Pháp môn vô biên, thề xin học hết.

·         Ðạo Phật vô thượng, thề xin thành đạo.

b) Bốn điều nguyện đối với thân tâm:

·         Nguyện cái tâm như đất rộng.

·         Nguyện cái tâm như chiếc thuyền.

·         Nguyện cái tâm như đại dương.

·         Nguyện cái tâm như hư không.

c) Bốn điều nguyện đối với chúng sanh:

·         Nguyện giúp cho những người chưa thông hiểu.

·         Nguyện giúp cho những người chưa được yên ổn.

·         Nguyện độ những kẻ chưa được độ.

·         Nguyện giúp những kẻ chưa đạt Niết bàn.

Chư vị Bồ Tát còn phải thực hiện 10 phép tu hành:

1.    Bố thí: Sẵn sàng bố thí mà không cần báo đáp.

2.    Trì giới: Giữ gìn nghiêm nhặt các điều răn cấm.

3.    Nhẫn nhục: Nhịn nhục chúng sanh dù họ xâmphạm mình.

4.    Tinh tấn: Luôn luôn cố gắng tu học, suy nghĩ.

5.    Thiền định: Luôn tu tập các pháp tham thiền nhập định.

6.    Trí tuệ: Xa lánh phiền não, nuôi dưỡng công đức và an vui.

7.    Ðại từ: Yêu thương chúng sanh và làm lợi ích cho họ.

8.    Ðại bi: Thương xót chúng sanh, chịu khổ thay cho họ.

9.    Giác ngộ: Lấy trí tuệ của mình soi sáng cho chúng sanh giác ngộ như mình.

10.  Chuyển bất thoái pháp luân: Ðể hóa độ chúng sanh,vị Bồ Tát đem pháp luân vô thượng của mình để dạy cho họ noi theo, để đưa họ từ từ vào con đường lập hạnh Bồ Tát.

GHI CHÚ: Các phẩm vị của Phật giáo từ thấp dần lên cao:

1.    Tu-Ðà-Huờn.

2.    Tư -Ðà-Hàm.

3.    A-Na-Hàm.

4.    A-La-Hán. (Thánh)

5.    Bồ Tát.

6.    Phật.

 

Bồ Tát Ma Ha Tát

菩薩摩訶薩

Tiếng Phạn là: Bodhisattva Mahasattva, phiên âm ra là: Bồ Ðề Tát Ðóa Ma Ha Tát Ðóa, nói tắt là Bồ Tát Ma Ha Tát.

Bồ Ðề là giác. Tát Ðóa là chúng sanh.

Ma Ha là lớn, đại. Ma Ha Tát Ðóa là Ðại chúng sanh.

Do đó, Bồ Tát Ma Ha Tát được dịch là Ðại Bồ Tát.

Bồ Tát Ma Ha Tát là những vị Bồ Tát đã có đầy đủ công đức thành Phật, nhưng vì lòng từ bi, phát đại nguyện xuống trần cứu độ chúng sanh, nên chưa chịu ngồi vào ngôi vị Phật.

Các Ðấng kể ra sau đây là những vị Bồ Tát Ma Ha Tát:

·         Quan Thế Âm Bồ Tát

·         Từ Hàng Bồ Tát

·         Phổ Hiền Bồ Tát

·         Chuẩn Ðề Bồ Tát

·         Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.

Trong DLCK, khi Ðức Di-Lạc chưởng quản CKVT thì gọi Ngài là Di-Lạc Vương Phật, khi Ngài đi cứu độ chúng sanh thì gọi Ngài là Di-Lạc Vương Bồ Tát.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

 

BỐ

BỐ

BỐ: có nhiều nghĩa sau đây tùy trường hợp:

1.    Bố là truyền rộng ra, khắp.
Td: Bố cáo.

2.    Bố là cho.
Td: Bố thí.

3.    Bố là sắp đặt, bày biện.
Td: Bố trí.

4.    Bố là vải.
Td: Bố tử.

 

Bố cáo

布告

A: Advice.

P: Avis.

Bố là truyền rộng ra, khắp. Cáo: Báo cho biết.

Bố cáo là báo cho mọi người biết rõ.

TL: Phần Thế Luật, Ðiều 7: Tám ngày trước Lễ Sính, chủ hôn trai phải dán bố cáo nơi Thánh Thất sở tại cho trong bổn đạo hay, sau khỏi điều trắc trở.

TL: Tân Luật.

 

Bố hóa

布化

A: To teach.

P: Enseigner.

Bố là truyền rộng ra, khắp. Hóa: Thay đổi, dạy dỗ cho thay đổi từ xấu ra tốt, từ dốt ra hiểu biết.

Bố hóa là dạy dỗ cho mọi người hiểu biết để sửa đổi cái xấu thành ra cái tốt.

TNHT: Bố hóa người đời gây mối Ðạo.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bố thí

布施

A: To give alms.

P: Faire l'aumône.

Bố là cho. Thí: Giúp, cho.

Bố thí là đem phúc lợi mà giúp cho kẻ khác.

Ðem của cải của mình chia xẻ cho người khác gọi là Bố, bớt của mình đem cho người gọi là Thí. Của bố thí tuy có nhiều loại, nhưng lấy việc bố thí tài vật làm căn bản.

Bố thí là hạnh đầu tiên trong phép tu Lục độ của nhà Phật. Lục độ gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ.

Hễ làm việc Bố thí thì phải không cần sự báo đáp của người được bố thí, và cũng không cần cái phước báo của việc bố thí. Như thế mới thật đúng là bố thí.

Việc bố thí thể hiện lòng từ bi bác ái, thương mến đồng loại, và có tác dụng diệt được lòng tham lam ích kỷ.

Việc Bố thí có ba cách, gọi là Tam chủng Bố thí:

1. Tài thí: Tài là tiền bạc. Tài thí là xuất tiền bạc, của cải để làm việc phước thiện, đem giúp người nghèo khổ hoạn nạn có được miếng cơm, manh áo, thuốc uống. Ðó là sự giúp đỡ về phần vật chất.

2. Pháp thí: Pháp là giáo lý. Pháp thí là dùng lời lẽ đạo đức giảng giải điều thiện, điều ác, để người nghe giác ngộ, sửa đổi, hoặc dùng lời nhỏ nhẹ khuyên lơn để cảm hóa người hung ác, kẻ gian tà quày đầu hướng thiện, cứu giúp linh hồn khỏi sa đọa trầm luân. Ðó là sự giúp đỡ về phần linh hồn.

3. Vô úy thí: Úy là sợ sệt. Vô úy là không sợ sệt. Vô úy thí là giúp đỡ người đang lo âu sợ hãi được yên tâm, bình thản trở lại bằng những lời nói phân tích minh bạch hay việc làm cần thiết. Ðó là cứu giúp về phần tinh thần.

Việc bố thí không chỉ giúp đỡ về đời sống vật chất mà còn giúp đỡ về mặt tinh thần và cứu giúp cả linh hồn nữa. Việc bố thí như vậy mới được trọn vẹn. Trong Ðạo Cao Ðài, phần bố thí giúp đỡ mọi người nằm trong nhiệm vụ của CQPT.

ÐLMD: "Về khoản cấp tế của Phước Thiện, chẳng nên phân biệt người trong Ðạo hay người ngoài Ðời, nghĩa là mỗi phen nơi nào bị tai nạn, khổ tâm khổ trí thì lẽ cố nhiên người hành thiện chẳng thể nào bỏ qua cho đặng, chẳng những trợ giúp về mặt vật chất hình thức bên ngoài mà thôi, mà đến tinh thần bên trong cũng phải có sự an ủi tâm hồn cho người được an vui và bình tâm định trí." " Nếu một ai vì cảnh bi thương trong gia đình hoặc vì đau thảm về phần xác thịt mà đến Nhà Phước Thiện cầu xin cứu giúp, hay là một tấn kịch khốc hại đã phô bày trước mắt mà người hành thiện lại nỡ làm ngơ để cho người khốn khổ ấy phải cam tâm tủi phận, chẳng nhờ nơi lòng ái tuất của người phước thiện đoái đến mà có đủ bằng cớ thì vị hành thiện ấy phải bị lỗi nặng với danh giá Nhà Phước Thiện và phải chịu phần trách cứ."

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

Bố trí

布置

A: To dispose.

P: Disposer.

Bố là sắp đặt, bày biện. Trí: Ðặt để.

Bố trí là sắp đặt theo một kế hoạch có mục đích rõ rệt.

TNHT: Con hiểu Thần cư tại nhãn, bố trí cho chư Ðạo hữu con hiểu rõ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bố tử

布子

P: Morceau rond d'étoffe cousu sur le devant ou l'arrière de l'habit de cérémonie.

Bố là vải. Tử: miếng. Bố tử là một miếng vải hình tròn, bề ngang chừng một gang tay, trên đó có thêu Thiên Nhãn, hoặc sáu chữ Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, dùng để gắn trước ngực và sau lưng áo Ðại phục của Chức sắc cao cấp CTÐ.

Trong Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, quyển II trang 511, tác giả định nghĩa Bố tử là:

"Bố tử: Tấm hàng thêu đính, hoặc tròn, hoặc vuông, kết theo áo quan, áo phẩm phục."

Trên áo Ðại phục ba vị Ðầu Sư Nam, trước ngực và sau lưng đều có miếng bố tử hình tròn, đường kính 20 phân, có sáu chữ Nho 大道三期普度 sắp đặt trên một vòng tròn, được bao quanh bởi 3 vòng vô vi, nơi chính giữa có chữ Thái hay Thượng hay Ngọc tùy theo phái của mình.

Áo Ðại phục của Nữ Ðầu Sư có hai miếng bố tử trước và sau giống như của Ðầu Sư Nam nhưng không để chữ chỉ sắc phái, mà nơi đó thêu Thiên Nhãn bao quanh một vòng Minh khí.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

BỔ

Bổ báo

補報

A: To aid and to recompense.

P: Aider et récompenser.

Bổ: giúp đỡ. Báo: đáp lại.

Bổ báo là giúp đỡ báo đáp lại.

NH: Nhờ Ơn Trên bổ báo phước lành.

NH: Niệm Hương.

 

BỘ

BỘ

BỘ: có nhiều nghĩa tùy trường hợp.

1.    Bộ là sổ sách.
Td: Bộ công, Bộ Từ khí.

2.    Bộ là thuộc dưới quyền.
Td: Bộ hạ.

3.    Bộ là một ngành.
Td: Bộ Nhạc.

 

Bộ công

部功

A: Register of merits.

P: Régistre de mérites.

Bộ là sổ sách. Công: Công quả.

Bộ công là sổ sách ghi chép công quả của mỗi người.

KTTg: Bộ công Di-Lạc Tam Kỳ độ sanh.

Thời ÐÐTKPÐ, Ðức Chí Tôn lập một Trường thi công quả, và giao cho Ðức Phật Di-Lạc làm Chánh Chủ Khảo chấm thi đậu rớt. Do đó, Ðức Phật Di-Lạc lập ra Bộ công quả ghi chép công quả làm được của mỗi người, để căn cứ vào đó mà định ngôi thứ cho mỗi người.

KTTg: Kinh Tiểu Tường.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Bộ hạ

部下

A: The subordinate.

P: Le subordonné.

Bộ là thuộc dưới quyền. Hạ: Thấp, dưới.

Bộ hạ là người thuộc cấp để sai khiến công việc.

TNHT: Mà làm tay chân bộ hạ trong vòng tôi tớ nó.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bộ Nhạc

部樂

A: Department of Music.

P: Département de Musique.

Bộ là một ngành. Nhạc: Âm nhạc. Bộ Nhạc là cơ quan chuyên môn đào tạo các nhạc sĩ cổ nhạc của Ðạo và tổ chức các Ban Nhạc trong việc cúng tế và lễ nghi trong Ðạo.

Bộ Nhạc và các phẩm Chức sắc của Bộ Nhạc được chánh thức thành lập theo Thánh Lịnh số 25 của Ðức Phạm Hộ Pháp ký ngày 29-3-Tân Mão (dl 4-5-1951).

Xin chép nguyên văn Thánh Lịnh nầy:

 

HỘ PHÁP ÐƯỜNG

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

Văn Phòng

(Nhị thập lục niên)

----

TÒA THÁNH TÂY NINH

Số: 25


THÁNH LỊNH

HỘ PHÁP
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Ðài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng

Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền;

Chiếu y Ðạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (15-2-1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh Trị Ðạo cho Hộ Pháp nắm giữ đến ngày có Ðầu Sư chánh vị;

Chiếu y Sắc Lịnh số 51 ngày mồng 9 tháng 11 Bính Tý (22-12-1936) định phần phong thưởng cho Lễ Sĩ và Giáo Nhi đầy đủ 5 năm công nghiệp;

Nghĩ vì Ban Lễ đã định phận thì Bộ Nhạc cũng được hưởng đặc ân của Hội Thánh đặng tiến bước lập vị.

THÁNH LỊNH:

Ðiều thứ 1: Trong Bộ Nhạc của Tòa Thánh có 9 phẩm ân phong như sau nầy:

1. Nhạc Sĩ

6. Lãnh Nhạc

2. Bếp Nhạc

7. Ðề Nhạc

3. Cai Nhạc

8. Ðốc Nhạc

4. Ðội Nhạc

9. Nhạc Sư

5. Quản Nhạc

Ðiều thứ 2: Bộ Nhạc chuyên chú về tài năng nghệ thuật thì từ hạ phẩm đến thượng phẩm, mỗi cấp đều có khoa mục đặng tuyển chọn danh nhơn để điều khiển nội Ban.

Trong mỗi kỳ khoa mục, vị nào đủ tài ứng thí thì được phép xin thi và mỗi khi thi đậu là mỗi lần được thăng phẩm, nhưng không được xin ứng thí vượt bậc.

Ðiều thứ 3: Nếu thi rớt vì không đủ tài thì ở lại phẩm cũ, chờ đủ 5 năm công nghiệp mới được cầu ân phong.

Phẩm Nhạc Sư đủ 5 năm công nghiệp thì thăng lên Phối Sư hay là Tiếp Lễ Nhạc Quân nếu có khuyết.

Ðiều thứ 4: Chín phẩm trong Bộ Nhạc đối với 9 phẩm của HTÐ hay các phẩm khác của CTÐ và PT như sau nầy:

BỘ NHẠC

 

PHÁP CHÁNH

CỬU TRÙNG

PHƯỚC THIỆN

Nhạc Sĩ

 

Luật Sự

Chánh Trị Sự

Hành Thiện

Bếp Nhạc

Cai Nhạc

Sĩ Tải

Lễ Sanh

Giáo Thiện

Ðội Nhạc

Quản Nhạc

Truyền Trạng

Lãnh Nhạc

Thừa Sử

Giáo Hữu

Chí Thiện

Ðề Nhạc

Ðốc Nhạc

Giám Ðạo

Ðạo Nhơn

Nhạc Sư

Cải Trạng

Giáo Sư

Chơn Nhơn

(*)

 

Chưởng Ấn

Phối Sư

Hiền Nhơn

 

Tiếp Dẫn ÐN

Chánh P.Sư

Thánh Nhơn

 

Thập nhị TQ

Ðầu Sư

Tiên Tử

Ðiều thứ 5: Chư vị: Bảo Thế Tổng Thơ Ký Chánh Trị Ðạo, Khai Pháp Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, Thượng Thống Lại Viện, Ðạo Nhơn Chưởng quản Phước Thiện, Phụ Thống Lễ Viện Hành Chánh, Phụ Thống Lễ Viện Phước Thiện, Nhạc Sư Bộ Nhạc, các tư kỳ phận, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.

Tòa Thánh, ngày 29 tháng 3 năm Tân Mão.
(4-5-1951)

HỘ PHÁP
(ấn ký)

(*) Ghi chú:

Chỗ đối phẩm của Nhạc Sư trong Ðiều thứ 4 của Thánh Lịnh nầy, có điều chỉnh lại đúng theo lời dạy của Ðức Phạm Hộ Pháp giáng cơ trong Ðàn cơ tại Cung Ðạo Ðền Thánh đêm 25-6-Nhâm Tý (dl 4-8-1972), xin xem bên dưới.

Khi trước, Ðiều thứ 4 trong Thánh Lịnh ghi là: Nhạc Sư đối phẩm Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn (HTÐ), Phối Sư (CTÐ), Hiền Nhơn, Thánh Nhơn (CQPT). Ðiều nầy trái với Ðiều thứ 3 bên trên: "Nhạc Sư có đủ 5 năm công nghiệp mới được cầu thăng lên Phối Sư hay là Tiếp Lễ Nhạc Quân nếu có khuyết."

Vì có sự không khớp nhau giữa Ðiều thứ 3 và Ðiều thứ 4 trong cùng một Thánh Lịnh như thế, nên trong Ðàn cơ tại Cung Ðạo Ðền Thánh đêm 25-6-Nhâm Tý (dl 4-8-1972) hồi 20 giờ 15 phút, Phò loan: Hiến Pháp và Khai Ðạo, Ngài Bảo Ðạo Hồ Tấn Khoa bạch cùng Ðức Phạm Hộ Pháp: "Theo Thánh Lịnh số 25/TL, Ðiều thứ 3 định phẩm Nhạc Sư sau 5 năm công nghiệp được cầu phong vào phẩm Phối Sư, nhưng qua Ðiều thứ 4, Nhạc Sư cho đối phẩm Phối Sư và Hiền Nhơn, Thánh Nhơn bên Phước Thiện. Hai điều đó không phù hợp nhau. Xin Ðức Ngài chỉ dạy.

Ðức Phạm Hộ Pháp giáng cơ đáp: Cho đối phẩm Giáo Sư, sau 5 năm được đối phẩm Phối Sư."

Ðạo phục của các Chức sắc Bộ Nhạc:

"Ngày 22-8-Ðinh Hợi (6-10-1947), quí ông Nhạc Sư Võ Văn Chở, Ðốc Nhạc Ðinh Văn Biện và Ðề Nhạc Hồ Văn Sai có văn bản thỉnh giáo Ðức Hộ Pháp về Ðạo phục của Chức sắc Bộ Nhạc, được Ðức Hộ Pháp bút phê, nguyên văn như sau:

"Bần đạo đã dạy trước rằng, mặc sắc phục hồng (màu đỏ), áo đỏ, quần trắng, như các vị võ sĩ cựu, có viền kim tuyến bạc nơi cổ nơi tay, ngay ngực có mang ba màu đạo, chính giữa thêu hình cây đờn tỳ bà. Dưới cây đờn thì để chức tước của vị Chức sắc ấy, áo cụt khỏi trôn mà thôi. Từ Nhạc Sĩ trở lên tới Quản Nhạc viền kim tuyến bạc, từ Ðề Nhạc đổ lên viền kim tuyến vàng."

Ngày 27-11-Kỷ Sửu (15-1-1950), Ngài Bảo Thế, Thừa quyền Hộ Pháp, có sao lời phê trên gởi cho Ông Phụ Thống Lễ Viện Phước Thiện và Nhạc Sư Võ Văn Chở qua đạo thư số 84.

Như vậy, Chức sắc Bộ Nhạc đều mặc đại phục y như nhau theo lời dạy trên, chỉ phân biệt ở tước phẩm ghi phía dưới cây đờn tỳ bà trên tam sắc đạo thêu nơi ngực và màu kim tuyến viền nơi cổ và tay. Ðức Hộ Pháp không có dạy về mão và tiểu phục của Chức sắc Bộ Nhạc, nhưng trên thực tế thì Chức sắc Bộ Nhạc đội mão và mặc tiểu phục như sau:

a) Mão đại phục: Gọi là Hỗn Nguơn mạo có hình dáng như mão Ngưỡng Thiên của Giáo Hữu phái Ngọc nhưng thấp hơn một chút (cao khoảng 12 cm), giữa mão, ngay trước trán có Tam sắc đạo, gác xéo một cây đờn tỳ bà.

b) Tiểu phục: Từ Nhạc Sư đổ xuống Nhạc Sĩ đều mặc áo tràng trắng, có thắt ngang lưng một sợi dây nịt trắng như tiểu phục của Chức sắc HTÐ từ phẩm Cải Trạng đổ xuống Luật Sự. Ðầu đội Bán Nguyệt mạo như cái calot trắng (giống mão của Ðầu Phòng văn), ngay giữa trán có huy hiệu hình chữ nhựt bằng kim khí, trên có Tam sắc đạo và cây đờn tỳ bà gác xéo."

Năm 1952, Ðức Phạm Hộ Pháp ra Thánh Lịnh mở khóa thi tuyển Nhạc Sĩ và Bếp Nhạc đặng bổ khuyết cho đủ số ứng dụng trong Ðạo. Nguyên văn Thánh Lịnh ấy chép ra dưới đây:

 

HỘ PHÁP ÐƯỜNG

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

Văn Phòng

(Nhị thập thất niên)

----

TÒA THÁNH TÂY NINH

Số: 13


THÁNH LỊNH

HỘ PHÁP
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Ðài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng

Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền;

Chiếu y Ðạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (15-2-1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh Trị Ðạo cho Hộ Pháp nắm giữ đến ngày có Ðầu Sư chánh vị;

Nghĩ vì cần mở Khoa thi Nhạc Sĩ và Bếp Nhạc đặng bổ khuyết cho đủ số ứng dụng trong cửa Ðạo.

Do theo lời phê của Hộ Pháp ngày 6 tháng 10 Tân Mão phân định thể thức khoa mục Nhạc Sĩ và các cấp trong Bộ Nhạc.

THÁNH LỊNH

Ðiều thứ 1: Khoa thi Nhạc Sĩ và Bếp Nhạc sẽ mở tại Tòa Thánh ngày rằm tháng chạp năm Tân Mão tại Báo Ân Từ đúng 3 giờ chiều. Những đơn xin thi phải đệ lên Văn phòng HTÐ ngày 14 tháng chạp Tân Mão là ngày chót.

Ðiều thứ 2: Thể thức thi Nhạc Sĩ là: Biết cầm một cây đờn và trọn hiểu nhạc khi có Tiểu đàn và Ðại đàn, Nhạc trống tiếp giá. Thể thức thi Bếp Nhạc là: Biết trọn nghi lễ và nhạc nghệ về tài tử.

Ðiều thứ 3: Ban Giám khảo trong cuộc thi nầy là:

Bảo Thế

Tổng Thơ Ký Chánh Trị Ðạo

Chủ tọa.

Nhạc Sư Võ Văn Chở

Giám khảo.

Giáo Hữu Thái Huỡn Thanh

Giám khảo.

Chí Thiện Lê văn Phuông

Giám khảo.

Ðiều thứ 4: Vị Bảo Thế Tổng Thơ Ký Chánh Trị Ðạo và Chức sắc có danh sách trong Ban Giám khảo, các tư kỳ phận, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.

Lập tại Tòa Thánh, ngày 9 tháng 12 Tân Mão.
(5-1-1952)

HỘ PHÁP
(ấn ký)

(Xem tiếp: Tiếp Lễ Nhạc Quân, vần T)

Ngày 25-10-Mậu Thân (dl 14-12-1968), Bộ Nhạc khánh thành HỌC ÐƯỜNG BỘ NHẠC TRUNG ƯƠNG để đào tạo nhơn tài cho Bộ Nhạc và cũng để gìn giữ và phụng sự nền Âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Trong dịp nầy, Ngài Ngọc Chánh Phối Sư có đọc lời Cảm Tưởng, trích ra sau đây:

"Bởi truyền thống của mối Ðạo là Nho Tông Chuyển Thế, Ðức Chí Tôn dùng Nhạc để chế ngự lòng phàm, hóa lòng người, khiến cho được chí thiện chí mỹ. Trên sở năng hoát truyền Lễ Nhạc, người Nhạc sĩ nên ghi nhớ lời dạy của Ðức Chí Tôn như sau: Ngày nào Lễ Nhạc được hoàn toàn thì Ðạo mới mong thành lập, mà Lễ Nhạc tức nhiên Hội Thánh của Ðức Khổng Phu Tử đó vậy.

Ấy vậy, Nhạc sản xuất trong tinh thần, mà tinh thần mới thật là Ðạo, và trong Nhạc biểu tượng cho sự Lễ, như chúng ta đã thấy một bằng cớ là khi hòa đờn cùng nhau, mặc dù ngón đờn của mỗi người đều khác, sự hay dở, song cái nhịp trường canh là qui củ phải nương theo, nếu không tùng, chẳng khi nào hòa nhạc cùng nhau được, bởi khuôn khổ của Nhạc là hòa, ấy là Lễ vậy. Trong tương lai, nơi nầy sẽ là chỗ đào luyện tinh thần Lễ Nhạc điều hòa của Nho Tông Chuyển Thế, vì Nhạc có thế lực rất mạnh về đường đạo đức để sửa lòng người cho ngay chính hòa thuận."

Cũng trong dịp nầy, Ðức Thượng Sanh Quyền Chưởng quản HTÐ ban Huấn Từ, trích ra sau đây:

"Học Ðường của Bộ Nhạc đã hoàn thành, đó là một công quả đáng ghi của Chức sắc Bộ Nhạc. Giờ đây, vị Chưởng quản và Chức sắc Bộ Nhạc phải gắng công đào luyện đàn em cho thành tài, đồng thời trau luyện nghệ thuật mình cho đến chỗ tận thiện tận mỹ, trước để phụng sự nền Ðạo, sau để nâng cao phẩm giá của âm nhạc là môn học rất trọng yếu của Khổng giáo.

Khi mới khai sáng nền Ðạo, Ðức Chí Tôn rất trọng Nhạc và Lễ, vì cái hay của Lễ là giữ trật tự bên ngoài, cái hay của Nhạc là tạo sự điều hòa để kềm chế tâm tình bên trong cho khỏi vọng niệm.

Lễ và Nhạc cùng hợp nhau và nếu giữ đúng nề nếp thì đàn cúng mới nghiêm chỉnh, được bao trùm một bầu không khí huyền diệu thiêng liêng khiến chúng ta cảm tưởng là có Ðức Chí Tôn và chư Tiên Phật giáng ngự để ban ơn cho toàn đạo.

Trái lại, nếu Lễ không nghiêm, Nhạc không hòa, thì đàn cúng có cái trạng thái hỗn loạn khiến cho người đến lễ bái có một tâm trung xao xuyến, tinh thần bất định. Ðó là một sự thất lễ đối với các Ðấng thiêng liêng, và như vậy Ðức Chí Tôn không khi nào giáng đàn, tà quái có thể thừa dịp xung nhập gây nên điều rắc rối. Trong nhiều đàn cúng lúc ban sơ, Chức sắc thường bị Ðức Chí Tôn giáng cơ quở trách vì đàn không nghiêm, Lễ Nhạc còn khuyết điểm.

Trong năm Ất Tỵ (1965), Ðức Hộ Pháp cũng có giáng cơ tại Ðền Thánh dạy Chức sắc Bộ Nhạc nên trau luyện Nhạc điệu vì nghệ thuật còn kém. Sự kém cỏi đó, có lẽ một phần do Nhạc Sĩ thiếu tập duợt, hoặc có thụ huấn mà chưa nhuần nhã.

Tôi ước mong mỗi Chức sắc Bộ Nhạc nên lưu tâm để tự mình trau luyện cho đúng mứcđộ nghệ thuật. Thưởng thức một bài đờn hay như nghe một bài thi sắc sảo, một câu đờn tao nhã điêu luyện như một câu thi tuyệt bút, có mãnh lực gợi cảm làm xúc động tâm hồn.

Vì vậy thời xưa, các Ðấng Ðế Vương dùng Nhạc để cảm hóa lòng người trong đạo trị dân, vì Nhạc có thể khiến cho dân trở nên thuần hậu và có thể di phong dịch tục.

Nhạc là món ăn tinh thần đứng đầu trong bốn thú phong lưu của Thánh Hiền thời xưa: Cầm, Kỳ, Thi, Họa, và các bậc Thánh Hiền đã dùng Nhạc để đạt đến lý tưởng cao siêu, giúp ích cho sự an bang tế thế, xây dựng nước nhà. Vì Nhạc có cái thế lực quan trọng như vậy, nên Ðức Khổng Tử soạn ra Kinh Nhạc và cho đứng vào hàng Ngũ Kinh là: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Nhạc. Về sau, Ngài làm bộ sách Xuân Thu, nhập với năm bộ sách trước gọi là Lục Kinh.

Sau khi Ðức Khổng Tử mất, kế đến nhà Tần có việc đốt sách thì những Kinh ấy bị thiêu hủy hoặc thất lạc ít nhiều, nhứt là Kinh Nhạc thì mất gần hết, chỉ còn lại có một thiên, sau đem nhập vào bộ Lễ Ký đặt tên là thiên Nhạc Ký, thành thử trong sáu bộ Kinh chỉ còn lại có Ngũ Kinh là: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.

Tánh của Ðức Khổng Tử hay ưa thích đàn hát. Lúc Ngài ở nước Tề ham học Nhạc Thiều, trong ba tháng say mê cho đến đỗi ăn không biết mùi vị. Ngài nói: Ta chẳng ngờ học Nhạc vui đến như thế (Bất đồ vi Nhạc chi chí ư tư dã.)

Khi Ngài châu lưu khắp thiên hạ thì bên mình không khi nào rời cây đàn Ngũ huyền cầm. Quan niệm của Ngài là tiếng đàn thanh nhã có thể nâng cao tinh thần và trụ vững tâm chí siêu nhân của người quân tử. Lúc Ngài bị vây giữa khoảng nước Trần và nước Sái, bảy ngày không nấu ăn, chỉ ăn rau luộc suông, các đệ tử như Tử Lộ, Nhan Hồi, Tử Cống , vv... đều băn khoăn lo sợ cho Ngài, nhưng Ngài vẫn ung dung ngồi đàn hát.

Chúng ta thấy rõ Thánh nhơn trọng dụng âm nhạc như vậy vì Nhạc nghệ là một bộ môn văn hóa cao đến tột độ và Nhạc Thiều có mãnh lực huyền bí cao siêu, giúp an dân trị nước, cải hóa xã hội.

Du Bá Nha đập nát Dao cầm, thề không đờn nữa vì người bạn tri âm là Chung Tử Kỳ đã mất thì không còn ai biết nghe tiếng đờn của mình. Khổng Minh Gia Cát Lượng mượn tiếng đờn mà lui giặc Tư Mã Ý. Trương Tử Phòng nhờ có giọng tiêu ai oán mà trong một đêm giải tán tám ngàn đệ tử của Sở Bá Vương tại Cửu Lý San để cho Lưu Bang diệt được kẻ thù chung của thiên hạ, lập nên cơ nghiệp nhà Hớn hơn 400 năm.

Công dụng của Nhạc Thiều thời xưa thì cao thượng như vậy. Ngày nay, người ta dùng âm nhạc làm công cụ cho chủ nghĩa con buôn trên sân khấu, khiến nên nhạc sĩ vì kế sanh nhai phải bán rẻ tài nghệ, làm cái giá trị của Quốc Nhạc phải bị hạ thấp đến cực điểm.

Trong cửa Ðại Ðạo, chúng ta phải nâng đỡ ngành âm nhạc, phải bảo tồn nhạc điệu cổ truyền để lưu lại cho đất nước tinh hoa của một nghệ thuật thuần túy, mặc dù cái tinh hoa ấy nay chỉ còn phưởng phất chút dư hương do sự phế cựu hoán tân của giới nhạc sĩ trong nước. Ði ngược với trào lưu thoái bộ đó, chúng ta không nên coi thường môn âm nhạc và phải cố tâm gìn giữ cái chơn giá trị của nó. Dù Nhạc Lễ hay Nhạc điệu tài tử cổ truyền, mỗi môn đều có cái hay riêng đặc biệt. Nếu học Nhạc dù là môn nào, phải cố gắng học đến chỗ cùng cực uyên thâm, năng luyện tập trau giồi để ngày càng thêm tiến triển mới đáng gọi là biết yêu nghệ thuật.

Từ đây, Bộ Nhạc Trung Ương đã có một ngôi Học Ðường làm nơi đào tạo nhơn tài, Chức sắc đàn anh trong Bộ Nhạc phải ra công dìu dắt Nhạc Sĩ thế nào cho khỏi mang tiếng hữu danh vô thực.

Với sự mong ước nói trên, tôi xin cầu chúc vị Chưởng quản và Chức sắc Bộ Nhạc thành công mỹ mãn để phục vụ cho nghệ thuật và cho nền Ðại Ðạo."

Nay kính. (THƯỢNG SANH Cao Hoài Sang)

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài

PT: Phước Thiện

 

Bộ Pháp Chánh (Tòa Ðạo)

部法正

A: Deparment of Justice.

P: Département de Justice.

Bộ là một ngành. Pháp: Pháp luật. Chánh: Sửa lại cho đúng, cho ngay thẳng. Tòa: Tòa án để xử người phạm luật.

Bộ Pháp Chánh là một cơ quan do HTÐ lập ra để thi hành quyền Tư Pháp của HTÐ, tức là cơ quan trông coi pháp luật về việc hành chánh đạo trong các cơ quan của Ðạo.

Tòa Ðạo là tòa án của Ðạo lập ra để xử đoán các Chức sắc và tín đồ vi phạm pháp luật của Ðạo.

Tòa Ðạo được lập ra theo Ðạo luật Mậu Dần (1938):

"Nghĩ vì Tòa Ðạo là một cơ quan bảo thủ Luật pháp Chơn truyền y theo khuôn viên Ðạo pháp, bảo đảm sanhchúng, trị loạn phò nguy, gìn cân công lý cho toàn cả chúng sanh đặng sống một cách ung dung thơ thới dưới mặt luật công bình của Ðạo.

Tòa Ðạo lập ra cốt yếu để binh vực những người bị uất ức, trừng phạt những người phạm luật pháp, giữ gìn quyền hành phân minh, đẳng cấp trật tự cho nền Chánh Trị Ðạo.

Trách nhiệm trọng hệ hơn hết của Tòa Ðạo là vô tư vô vị."

Ngày 15-10-Ðinh Hợi (dl 27-11-1947), Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa đang đảm nhận nhiệm vụ Chưởng quản Tòa Ðạo, lập ra cách Tổ Chức và Nội Luật của Bộ Pháp Chánh, thì danh từ Bộ Pháp Chánh mới được xử dụng, và ngày 15-10-Ðinh Hợi được xem là ngày thành lập Bộ Pháp Chánh.

Bộ Pháp Chánh là cơ quan Trung ương Tòa Thánh coi về quyền Tư Pháp của Ðạo, dưới quyền Chưởng quản của một vị Thời Quân chi Pháp HTÐ.

Bộ Pháp Chánh tổ chức các Tòa Ðạo từ Trung ương đến địa phương. Bộ Pháp Chánh bổ nhiệm các Chức sắc HTÐ dưới Thập nhị Thời Quân đi hành đạo về Pháp Chánh nơi các địa phương, từ Tộc Ðạo đến Châu Ðạo và Trấn Ðạo.

·         Pháp Chánh tại Tộc Ðạo là một vị Luật Sự (đối phẩm Ch.T.Sự).

·         Pháp Chánh tại Châu Ðạo là một vị Sĩ Tải (đối phẩm Lễ Sanh).

·         Pháp Chánh tại Trấn Ðạo là vị Truyền Trạng (đối ph. Giáo Hữu).

"Ngoài phận sự bảo vệ luật pháp như Chức sắc HTÐ, hay rõ hơn, chư vị cầm quyền PhápChánh còn có phận sự chăm nom cả hành vi toàn thể Ðạo trong phạm vi hành sự của mình, thị chứng các cuộc nhóm họp của cơ quan Hành Chánh và PT"

"Trong trường hợp điều tra, khi một Chức sắc phạm tội, Bộ Pháp Chánh có quyền tạm bãi miễn, tức là tạm thâu quyền và chức của vị ấy, để đưa bị cáo nhân ra Tòa Pháp Chánh điều tra hay thẩm phán, sau khi ấy, nếu trắng án, vô tội sẽ được phục quyền chức như cũ." (Trích trong quyển Chánh Trị Ðạo của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa)

Ðôi liễn đắp nơi cổng của Bộ Pháp Chánh:

法律無私道敎慈威從理

正宗不易眞傳善惡隨刑

Pháp luật vô tư đạo giáo từ oai tùng lý,

Chánh tông bất dịch chơn truyền thiện ác tùy hình.

Nghĩa là:

Pháp luật của Ðạo thì vô tư, nhơn từ, oai nghiêm, tùng lẽ phải,

Chơn truyền của nền Ðạo chơn chánh thì không đổi, việc lành dữ tùy mức độ mà có hình phạt.

Bộ Pháp Chánh còn có nhiệm vụ minh tra công nghiệp của các Chức sắc CTÐ và PT. Nếu Pháp Chánh chứng nhận Chức sắc CTÐ hay PT có đầy đủ công nghiệp thì mới được đem tên vào sổ cầu phong hay cầu thăng phẩm cấp.

Do đó, Bộ Pháp Chánh có quyền hành rất rộng lớn, chi phối tất cả các Chức sắc CTÐ và CQPT.

Tóm tắt các quyền hành rộng lớn của Bộ Pháp Chánh:

1.    Bảo thủ Luật pháp Chơn truyền của Ðạo:

·         Luật thì có Tân Luật, Ðạo luật, Luật Hội Thánh.

·         Pháp thì có Pháp Chánh Truyền và Ðạo Nghị Ðịnh.

2.    Lập các Tòa Ðạo để xử trị những người vi phạm Luật pháp Ðạo, từ hàng Ðạo hữu đến các Chức sắc của CTÐ và PT. (Riêng Chức sắc HTÐ vi phạm Luật Pháp thì có Ban Kỷ Luật HTÐ sửa trị).

3.    Minh tra công nghiệp của Chức sắc CTÐ và PT. Việc thăng phẩm Chức sắc hoàn toàn tùy thuộc vào sự minh tra nầy.

Ðạo Lịnh số 16 ngày 13-Giêng năm Kỷ Hợi (dl 20-2-1959) qui định Bộ Pháp Chánh có ba Văn phòng như sau:

I. Phòng Luận Án: Vả lại phận sự xử đoán người phạm luật của Ðạo vốn do Hội Thánh CTÐ đảm nhận, nhưng trước khi xử đoán, hồ sơ phải gởi đến Pháp Chánh để Bộ nầy định phải giao nội vụ đến: hoặc Hội Công Ðồng, hoặc Ban Kỷ Luật phân xử. Và sau khi phân xử rồi, Hội Công Ðồng hay Ban Kỷ Luật cũng phải gởi hồ sơ đến Pháp Chánh xem lại coi có đúng theo tinh thần luật pháp chăng. Ấy là Pháp Chánh HTÐ giúp cho Hội Thánh CTÐ áp dụng Luật Pháp để giữ trật tự của Hội Thánh.

II. Phòng Kiểm soát công quả: Mỗi năm có một lần phong thưởng những vị dày công phụng sự chúng sanh mà chẳng vi phạm Pháp luật của Ðạo và quốc pháp của Ðời. Pháp Chánh HTÐ có phận sự kiểm soát hồ sơ công quả của Chức sắc, Chức việc hầu cho sự phong thưởng được công minh. (Ðây là Phòng Minh Tra công nghiệp như đã nêu ở trên.)

Hai phận sự giúp cho CTÐ thưởng người có công và răn kẻ có tội đã kể ở trên, đại ý là khuyến khích người đạo đức mau thành công trên đường Ðạo và cảnh tỉnh kẻ sai lầm sớm giác ngộ ăn năn.

III. Phòng Kiểm duyệt Kinh Luật: Ngoài PCT và TL, Hội Thánh cũng tùy trình độ tấn hóa của nhơn sanh mà ban hành những thể lệ bổ túc, hầu nâng đỡ tinh thần đạo đức của bổn đạo. Dĩ nhiên, những thể lệ ấy tạm hữu dụng trong một thời hạn, rồi có ngày nó sẽ trở nên lỗi thời.

Pháp Chánh HTÐ có phận sự kiểm duyệt thể lệ ấy và đề nghị với Hội Thánh lập thể lệ khác thích ứng hơn.

Còn những kinh sách nào có tính cách tổn thương tinh thần đạo đức, Pháp Chánh HTÐ cũng được phép đề nghị hủy bỏ.

Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy Pháp Chánh:

"Pháp luật vốn vô tư, đứng trong chánh giới chơn truyền, nó là Bác ái, Công bình. Thi hành luật pháp đại khái là làm cho cả chúng sanh biết tương thân tương ái trên đường sanh sống và tấn hóa. Vậy phận sự của Pháp Chánh HTÐ là gieo rắc sự thương yêu trong toàn sanh chúng: không tư chẳng vị và giúp chúng sanh một cách cận kề, kẻ hung người bạo, kẻ tham người tà, rồi tìm phương nâng đỡ tinh thần họ trở về với chơn lý. Ðó là áp dụng Luật Bác ái.

Còn như kẻ dữ nào còn muốn dở lối tà mị, không thể sửa cải được, chừng ấy mới đem pháp luật thi hành một cách công minh, chẳng vì thương mà trọng, không vì ghét mà khinh, chẳng vì trung trực mà binh, không vì tà vạy mà bỏ. Như thế thì cân tội phước mới chói rạng. Ấy là phương bảo tồn trật tự trước Luật Công bình.

Vậy, thực hành cái thuyết Bác ái - Công bình là phận sự của Pháp Chánh HTÐ. Thành thử có khi dùng Ðức để cảm hóa, có khi dùng Pháp luật để khuyên răn, cầu cho kẻ sai lầm giác ngộ chơn lý.

Nhưng chúng ta cũng chẳng khá quên rằng, ngoài Pháp luật của Ðạo, kẻ tu hành còn phải chịu dưới hệ thống thưởng phạt của Luật Nhơn Quả: Lành thì thăng, dữ thì đọa. Sự báo ứng chẳng hề sai chạy mảy may. Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu. Ðó là một điều mà người hành đạo nên lưu tâm cho lắm." (Hạnh Ðường 1973)

Quyền Tư Pháp của HTÐ giao Bộ Pháp Chánh, chia 2 phần:

1.    Bộ Pháp Chánh Trung Ương.

2.    Các Ty Pháp Chánh ở mỗi địa phương Châu Ðạo.

Cách làm việc theo qui tắc Trung ương tập quyền, nghĩa là các Ty Pháp Chánh địa phương ở mỗi Châu Ðạo giao cho một vị Luật Sự cầm quyền nắm giữ Luật pháp, trực tiếp các công văn, chịu mạng lịnh ngay nơi Bộ Pháp Chánh Trung Ương.

Tổ chức và Nội Luật của Bộ Pháp Chánh

Dưới đây là cách Tổ chức và Nội Luật của Bộ Pháp Chánh lập thành ngày 15-10-Ðinh Hợi (dl 27-11-1947) [khi danh từ Tòa Ðạo chưa đổi lại là Pháp Chánh] do vị Khai Pháp Chưởng quản Tòa Ðạo HTÐ. (Trích quyển Chánh Trị Ðạo của Ngài Khai Pháp, trang 72)

TÒA ÐẠO (tức là PHÁP CHÁNH)

Y theo Luật Hội Thánh ngày 16-Giêng-Mậu Dần (dl 12-2-1938)

Chiếu y PCT phân định đẳng cấp và quyền hành của Chức sắc HTÐ từ Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh tới Thập nhị Thời Quân;

Chiếu y Thánh giáo của Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn ngày 16 tháng 2 năm Ất Hợi (20-3-1935) phân định đẳng cấp và quyền hành từ phẩm Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn trở xuống đến Luật Sự;

Chiếu y Ðạo Luật Hội Thánh năm Mậu Dần (15-2-1938) về cơ quan Tòa Ðạo, phân định hình phạt và án tiết cho những người phạm luật pháp của Ðạo;

Nghĩ vì Tòa Ðạo là một cơ quan để bảo thủ chơn truyền y theo khuôn viên Ðạo pháp, không ai qua luật đạo mà HTÐ chẳng biết;

Lập Tòa Ðạo để trị kẻ phàm, tức là dụng hình phạt phàm trần đặng giảm bớt hình phạt thiêng liêng. Vậy Tòa Ðạo là một cơ quan trọng yếu nắm Cân Công bình, giữ gìn trật tự trong hàng đồng đạo;

Nghĩ vì hiện thời cần dẫn giải rõ thêm quyền hành và phận sự của Chức sắc Tòa Ðạo tại Tòa Thánh và các địa phương, nên:

TỔ CHỨC và lập NỘI LUẬT TÒA ÐẠO
như sau đây:

Chương thứ nhứt
Ðiều thứ nhứt: TÒA HÒA GIẢI

1. Tòa nầy lập có tính cách hòa giải đôi đàng, tiên cáo và bị cáo, cho thỏa thuận, đừng tranh tụng với nhau nữa, về những vụ lặt vặt ngoài pháp luật của Ðạo, như các vụ phạm về tội nhẹ: Chửi bới, hành hung, đánh đập không có thương tích, hay có thương tích nhẹ. Tòa nầy được quyền ra lịnh điều tra, phân xử và kết án nhẹ, theo bản đính theo đây. Những vụ nầy phạm về luật đời nên Tòa nầy chỉ có tánh cách hòa giải, còn quyền xử đoán quyết định thì thuộc về Tòa Ðời, nếu phạm đến an ninh trật tự công cộng.

2. Về những tội khác phạm pháp hay phạm luật của Ðạo mà tội nhơn bị khép về Thập Hình của Ðức Lý Giáo Tông thì Tòa Hòa Giải nầy vô thẩm quyền.

Trong trường hợp nầy, nội vụ sau khi điều tra xong, phải đệ về Hội Thánh phân định.

Ðiều thứ nhì: PHIÊN NHÓM TÒA HÒA GIẢI

Trong phiên nhóm của Tòa Hòa Giải, có những nhơn viên sau đây:

Chủ Tọa:

Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài lãnh quyền Tòa Ðạo tại Trấn Ðạo.

Nghị Án:

Hai Chức Sắc Cửu Trùng Ðài trong hàng Lễ Sanh hay là Giáo Hữu nơi địa phận sở tại.

Biện Hộ:

Một Chức Sắc hoặc Chức Việc đồng phẩm với tội nhơn.

Chép Án:

Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài lãnh quyền Tòa Ðạo tại Châu Ðạo hay là một Chức Việc có đủ tư cách.

Ðiều thứ ba:

Phiên nhóm xử tại Châu Ðạo nào thì Chức sắc hay Chức việc nơi ấy đặng tuyển chọn 4 người làm nhơn viên dự xử.

Ðiều thứ tư: QUYỀN ÐIỀU TRA

Phận sự điều tra và lập hồ sơ những vụ tranh tụng thì về phần của những vị Chức sắc HTÐ thay mặt Tòa Ðạo ở các Châu. Vị Chức sắc nào đã lãnh phần điều tra thì không được quyền ngồi xử.

Ðiều thứ năm: QUYỀN XỬ ÐOÁN

1. Tòa Hòa Giải được quyền xử đoán những vụ tranh tụng trong hàng Chức việc: Chánh, Phó Trị Sự, Thông Sự, cùng là tín đồ trong địa phận của Tòa Ðạo mỗi Trấn Ðạo.

2. Tòa nầy cũng có quyền phân xử những vụ xảy ra giữa Ðạo hữu bên CQPT từ bậc Hành Thiện trở xuống.

Thảng như có những vụ tranh tụng giữa tín đồ hay là Chức việc với Chức sắc Thiên phong từ Lễ Sanh hay Giáo Thiện sắp lên, thì vị Chức sắc HTÐ lãnh quyền Tòa Ðạo nơi Trấn Ðạo phải tức cấp cho điều tra nội vụ rồi lập phúc trình đệ cả hồ sơ về Văn phòng Tòa Ðạo HTÐ Tòa Thánh cho vị Chưởng quản Tòa Ðạo xem xét.

3. Vị Chưởng quản Tòa Ðạo HTÐ sẽ liệu định, hoặc giả đưa ra Hội Công Ðồng, hoặc đệ ra Tòa HTÐ Sơ thẩm hay Thượng thẩm, hay là Tòa Tam Giáo CTÐ tùy theo mỗi vụ.

Ðiều thứ sáu: ÁN TIẾT CỦA TÒA HÒA GIẢI

Những án tiết của phiên Tòa Hòa Giải (Ðiều thứ 1, 2 và 3) sau khi Tòa đã tuyên án rồi, mà phạm nhơn nghĩ mình bị phạt oan ức thì được phép ký tên nơi Phòng Chép án tại Châu Ðạo đặng cầu nài đệ nội vụ lên Tòa HTÐ Tòa Thánh trong hạn lệ là mười lăm ngày kể tứ ngày tiếp án. Trong thời gian kêu nài (tục gọi là chống án) thì Tòa Hòa Giải không quyền thi hành án tiết đó.

Ðiều thứ bảy:
A. THỂ LỆ RIÊNG

Chức sắc HTÐ lãnh phận sự Tòa Ðạo tại Trấn Ðạo hay tại Châu Ðạo vừa thi hành lịnh Minh Tra do Hội Thánh truyền dạy, vừa được phép thâu nhận đơn trạng các nơi gởi đến và điều tra liền, rồi sẽ phúc sự sau. Chừng nào có lịnh trên phán đoán sẽ nhóm phiên Tòa xử. Trong buổi hành sự, Chức sắc trên đây được phép chăm nom trong địa phận đạo của mình, những hành vi của những Chức sắc Hành Chánh và PT sở tại. Nếu gặp điều gì sái luật hay bất hợp pháp theo thời cuộc thì được phép đệ tờ về Hội Thánh định liệu. 

B. BẢNG ÁN TIẾT

1.    Mắng nhiếc, chửi bới, phạm thượng: Phải xin lỗi trước mặt Tòa và công chúng.

2.    Hành hung, hăm dọa: Quì hương từ 1 đến 3 nhang.

3.    Ðánh đập không có thương tích: Quì hương từ 3 đến 5 nhg.

4.    Ðánh đập có thương tích nhẹ: Chịu sở tổn thuốc men và quì hương từ 5 đến 7 nhang.

5.    Ðánh đập có thương tích nhẹ và hư hao đồ đạc: Chịu tiền thuốc men, bồi thường đồ đạc và quì hương từ 7 nhang đến 10 nhang.

6.    Tái phạm: Bội nhị.

Chương thứ nhì
Ðiều thứ tám: TÒA TAM GIÁO HTÐ

Trong phiên nhóm Tòa Tam Giáo HTÐ tại Tòa Thánh có những vị kể dưới đây:

Chủ Tọa:

Ðức HỘ PHÁP, hay một vị Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài thay mặt, chọn trong hàng THẬP NHỊ THỜI QUÂN của Chi PHÁP.

Nghị Án:

Hai vị Chức Sắc Cửu Trùng Ðài từ bậc Giáo Sư hay là Phối Sư.

Buộc Tội:

Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài trong hàng Thời Quân Chi THẾ.

Biện Hộ:

Một Chức Sắc Cửu Trùng Ðài đồng phẩm với bị cáo nhân, và do bị cáo nhân lựa chọn.

Cải Trạng:

Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài trong hàng Thời Quân Chi ÐẠO.

Chép Án:

Một Chức Sắc tiểu cấp Hiệp Thiên Ðài.

Ðiều thứ chín: QUYỀN XỬ ÐOÁN

Tòa Tam Giáo HTÐ phải nhóm tại Tòa Thánh Tây Ninh để xét đoán, phân xử những đơn kêu nài của phạm nhơn còn uất ức, không vừa lòng án tiết của Tòa Tam Giáo CTÐ.

Ðiều thứ mười: PHÂN ÐỊNH QUYỀN XỬ ÐOÁN CỦA TÒA TAM GIÁO HTÐ

Phiên Tòa Tam Giáo HTÐ cũng có phân định quyền xử đoán những vụ xảy ra:

1.    Giữa Chức sắc và Chức việc với tín đồ.

2.    Giữa Chức sắc với Chức sắc các cơ quan của Ðạo.

3.    Giữa Chức sắc CTÐ hay Chức sắc PT với Chức sắc HTÐ.

4.    Giữa nhơn viên cao cấp của các Bộ ngoại Chánh Trị Ðạo.

Ðiều thứ mười một: DANH SÁCH CÁC NHÂN VIÊN DỰ XỬ CỦA TÒA HTÐ.

Những danh sách của các nhân viên ngồi xử phiên Tòa HTÐ thì phải có Sắc huấn của Ðức Hộ Pháp, đề cử do vị Chưởng quản Tòa Ðạo HTÐ tại Tòa Thánh chuyển đệ xin phê.

Ðiều thứ mười hai: ÁN TIẾT CỦA TÒA HTÐ

Những án tiết của phiên Tòa HTÐ (điều thứ 8, 9, 10) sau khi đã tuyên án rồi thì bị cáo nhân không còn kêu nài nữa.

Ðiều thứ mười ba: QUYỀN PHÁ ÁN VÀ QUYỀN ÂN XÁ

Quyền phá án thì phần Tòa Tam Giáo thiêng liêng và quyền của Ðức Chí Tôn (BQÐ) nhứt định, ấy là về phần của cơ Thiên trị.

Quyền ân xá là quyền của Ðức Hộ Pháp về hình luật hữu vi mà buộc Người phải dâng sớ vào Tòa Ðạo BQÐ cầu xin tha thứ về hình luật Thiên điều.

Cách tổ chức của quyền Tư Pháp của Ðạo hay là Pháp Chánh rất nên đơn sơ giản dị, chỉ có các Tòa Hòa Giải ở địa phương và một Tòa Tam Giáo HTÐ .

Ngoài ra, mỗi cơ quan Chánh Trị Ðạo có kỷ luật riêng, vị nào phạm kỷ luật ấy thì giao cho cơ quan mà họ thuộc thẩm quyền xử trị họ. Ta có thể tạm gọi đó là quyền Tư Pháp Hành Chánh. Quyền nầy gồm có Hội Công Ðồng cho tới Tòa Tam Giáo CTÐ làm cơ quan đặng xử đoán những vụ tranh tụng quyền hành giữa Ðạo hữu với Ðạo hữu, Ðạo hữu với Chức việc, Chức sắc hay là Chức sắc với Chức sắc.

HÌNH ÁN của PHÁP CHÁNH HTÐ

LUẬT: Những vị nào phạm Luật Pháp thì chiếu theo Thập hình của Ðức Lý Giáo Tông mà định tội.

Kẻ phạm phải chịu dưới hai quyền lực:

·         Luật: là Tân Luật, Bát Ðạo Nghị Ðịnh và luật lệ Hội Thánh.

·         Pháp: là Pháp Chánh Truyền và Thánh giáo của Ðức Chí Tôn.

QUYỀN GIÁM SÁT và QUYỀN BÃI MIỄN của PHÁP CHÁNH

Chiếu theo Ðạo luật năm Mậu Dần (1938) thì Pháp Chánh là cơ quan bảo thủ chơn truyền y theo khuôn viên Ðạo pháp, bảo đảm sanh chúng, gìn cân công lý cho toàn cả chúng sanh được sống một cách thung dung thơ thới dưới mặt luật công bình của Ðạo.

Pháp Chánh binh vực những người bị uất ức, trừng phạt những người phạm luật pháp, gìn giữ quyền hành phân minh, đẳng cấp trật tự cho nền Chánh Trị Ðạo.

Ngoài phận sự bảo vệ luật pháp như Chức sắc HTÐ hay rõ hơn chư vị cầm quyền Pháp Chánh còn có phận sự chăm nom cả hành vi của toàn thể Ðạo trong phạm vi hành sự của mình, thị chứng các cuộc nhóm họp của cơ quan hành chánh và Phước Thiện.

Quyền nầy giống như quyền giám sát trong Ngũ quyền Hiến Pháp của Tôn Dật Tiên nước Tàu.

Về Chánh Trị Ðời, trong chánh thể dân chủ, Nghị hội dân chúng có quyền bãi miễn các viên chức của chánh phủ nếu họ không vừa lòng hành vi của các vị nầy.

Trong Chánh Trị Ðạo thường thấy quyền bãi miễn nầy thuộc Bộ Pháp Chánh, tức là thuộc cơ quan của quyền Tư Pháp, chiếu theo Thập Hình của Ðức Lý Giáo Tông.

Trong các trường hợp điều tra, khi một vị Chức sắc phạm tội, Bộ Pháp Chánh có quyền tạm bãi miễn, tức là tạm thâu quyền và chức của vị ấy, để đưa bị cáo nhân ra Tòa Pháp Chánh điều tra hay thẩm phán, sau khi ấy, nếu trắng án vô tội sẽ được phục quyền chức như cũ. (Trích quyển Chánh Trị Ðạo của Khai Pháp Trần Duy Nghĩa)

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

PT: Phước Thiện.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

 

Bộ từ khí

部瓷器

A: Register of the porcelains.

P: Le régistre des objets en porcelaine.

Bộ là sổ sách. Từ: Ðồ gốm, đồ sứ. Khí: Ðồ dùng.

Bộ từ khí là cuốn sổ ghi chép các thứ đồ gốm, đồ sứ và các đồ dùng khác trong Thánh Thất như: Chén, dĩa, bàn, ghế,...

Mỗi Thánh Thất hay Ðiện Thờ phải lập Bộ từ khí để ghi tài sản của Ðạo, kiểm tra thường xuyên, không cho thất thoát.

ÐLMD: Mỗi Thánh Thất phải lập một cuốn Bộ từ khí biên các vật dụng của Ðạo.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

BÔN

Bôn xu

奔趨

A: To run in pursuit of.

P: Se hâter vers.

Bôn: Chạy vội. Xu: Theo về, hướng về.

Bôn xu là chạy theo một cách vội vàng, có ý cầu cạnh để kiếm lợi riêng.

TÐ ÐPHP: Con người trên mặt thế đều bôn xu theo quyền lợi, chẳng kể gì nhơn nghĩa đạo đức.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

BỔN (BẢN)

BỔN (BẢN)

BỔN: Có nhiều nghĩa tùy trường hợp:

1.    Bổn là của mình, của tôn giáo mình, của địa phương mình.
Td: Bổn đạo, Bổn quốc.

2.    Bổn là cái gốc, cội rễ.
Td: Bổn lai diện mục, Bổn nguyên.

 

Bổn đạo

本道

A: The adepts in a parish.

P: Les adeptes dans une paroisse.

Bổn là của mình, của tôn giáo mình, của địa phương mình. Ðạo: Người theo đạo, tín đồ.

Bổn đạo là các tín đồ của tôn giáo mình trong một địa phương.

TL: Bổn đạo trong Họ phải tuân mạng lịnh của Chức sắc làm đầu trong Họ.

TL: Tân Luật.

 

Bổn hội

本會

A: The partners of a pagoda.

P: Les sociétaires d'une pagode.

Bổn là của mình, của tôn giáo mình, của địa phương mình. Hội: Một cái Hội gồm nhiều người. Ở đây là Hội Quản trị và Tế tự trong một ngôi chùa Phật.

Bổn hội là những người trong Hội Quản trị và Tế tự của ngôi chùa trong địa phương của mình.

TNHT: Bổn hội nghe: Giữa chùa, gần hai tran thờ Quan Âm Bồ Tát và Quan Thánh Ðế Quân, phải lập một điện để Thánh Tượng Ta ở giữa. Bên mặt Ta để tượng Quan Âm, bên trái thì tượng Quan Ðế, còn chư Tiên, chư Thánh, chư Phật để hàng dưới. Xưng hiệu chùa là Ngọc Hoàng Tự.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bổn lai diện mục

本來面目

Bổn lai diện mục là thành ngữ đặc biệt của Phật giáo Thiền tông Trung hoa, do Lục Tổ Huệ Năng nói ra trong bài pháp đầu tiên của Ngài.

Nghĩa đen: Bổn lai diện mục là mặt mày có từ vô thỉ đến nay, là khuôn mặt muôn đời của mình.

"Theo Pháp Bảo Ðàn Kinh, Huệ Năng sau khi thọ truyền Y Bát làm Lục Tổ, Ngài vâng lịnh Ngũ Tổ đi về phương Nam ẩn mình một thời gian để khỏi bị hại. Ðại Sư Thần Tú biết được liền cho môn nhân đuổi theo. Ði được hai ngày thì có một môn nhân là Huệ Minh đuổi theo kịp Lục Tổ. Lục Tổ bèn ném Pháp Y lên tảng đá, nói: Cái áo nầy của chư Tổ truyền lại làm tín vật, há dùng sức mà tranh được sao? Nói rồi thì ẩn mình vào bụi rậm. Huệ Minh chạy đến chộp Pháp Y nhưng dở lên không nhúc nhích, như gắn chặt vào đá, thất kinh nói:

- Hành giả! Hành giả! Tôi vì pháp mà đến đây chớ không phải vì áo đâu.

Lục Tổ bước ra ngồi xếp bằng trên tảng đá, Huệ Minh làm lễ nói: - Mong ơn hành giả nói pháp cho tôi nghe.

- Ông vì pháp mà đến đây thì khá dứt hết trần duyên, chớ sanh niệm tưởng, tôi sẽ nói Phật pháp cho ông nghe.

Lẳng lặng một hồi lâu, Lục Tổ nói:

- Chẳng nghĩ việc lành, không nghĩ điều dữ, chính trong thời gian đó, Thượng Tọa Huệ Minh hãy đưa cho tôi xem cái bổn lai diện mục của ông trước khi cha mẹ chưa sanh ra ông. (Bất tư thiện, bất tư ác, chánh đương hưng ma thời hoàn ngã Minh Thượng Tọa phụ mẫu vị sanh thời diện mục lai.)

Thoạt nghe, Thượng Tọa Huệ Minh bỗng sáng tỏ ngay cái pháp (Chơn lý) căn bản mà bấy lâu nay tìm kiếm khắp bên ngoài. Cái hiểu của ông bây giờ là cái hiểu của người uống nước nóng lạnh tự biết.

Thượng Tọa Huệ Minh cảm động quá đến đỗi trào nước mắt, chắp tay làm lễ Lục Tổ, nói: - Ngoài lời mật ý mật như trên, còn có ý mật nào khác nữa không?

- Ðiều tôi nói với ông tức chẳng phải mật. Nếu ông tự soi trở lại (hồi quang phản chiếu) sẽ thấy cái mật là ở nơi ông."

Lục Tổ Huệ Năng đã nói một câu bất hủ: "Thấy cái bổn lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra." Ðó là một thông điệp mới được công bố lần đầu tiên để khai diễn ra dòng sử Thiền vô tận. Lục Tổ Huệ Năng đã mở ra một chơn Trời mới cho Thiền cổ truyền của Ấn Ðộ.

"Phép biến hóa từ đầu suốt cuối,

Khai Huyền Quan tánh muội đắc thông.

Toàn tri hiển hiện chốn không,

Huyền Quan khai xuất nhãn thông côn đoài.

Ðoạt thấu chỗ bổn lai diện mục,

Luyện cho thành cửu khúc minh châu.

Tha tâm thông mới nhiệm mầu,

Lấy kim đơn tại sông mâu vào lò."

(ÐTCG)

GIẢI NGHĨA: Bổn lai diện mục.

Bổn: Gốc, ý nói lúc đầu. Lai: Tới, ý nói lúc sau nầy.

Bổn lai là xưa nay, từ lúc đầu đến nay.

Diện: Cái mặt. Mục: Con mắt. Diện mục là mặt mày.

Bổn lai diện mục là mặt mày xưa nay, tức là cái mặt có từ vô thỉ đến nay, là khuôn mặt muôn đời của mình.

Chúng ta có một bộ mặt thật muôn đời không đổi từ xưa đến nay mà chúng ta lại bỏ quên nó, lại bám víu vào cái thể xác tạm bợ trong kỳ hạn 100 năm nầy mà cho là thật của mình.

Bộ mặt thật của mình xưa nay chưa từng bị sanh diệt, một thực thể không do duyên hợp thì làm gì bị đổi thay hay tan hợp theo thời gian? Nó vẫn hằng có, thường còn, mà vì vô minh nên không nhận ra được nó. Khi nhận biết được nó thì gọi là giác ngộ.

Khi không nghĩ thiện, khi không nghĩ ác, để tâm tỉnh táo, vắng lặng, trong sạch, thì cái bộ mặt xưa nay của mình sẽ xuất hiện. Cái bổn lai diện mục ấy chính là cái Bổn lai diệu giác Chơn tâm (nói tắt là Chơn tâm). Cái Chơn tâm nầy vốn hư không nên vô cùng linh hoạt, tịch diệt mà rất huyền diệu, châu lưu biến hóa khắp cả pháp giới.

Cái thể của nó bất sanh bất diệt, trải qua vô lượng kiếp mà không hư hoại, nên cũng gọi là Kim cang.

Theo Giáo lý của Ðạo Cao Ðài, cái bổn lai diện mục ấy là cái Chơn ngã, Chơn tâm, Chơn linh, hay thường gọi là Linh hồn của mỗi người. Nó là điểm Linh Quang chiết ra từ khối Ðại Linh quang (Thái Cực), nên gọi nó là Tiểu Linh quang, hay Tiểu Thượng Ðế, có đầy đủ các đặc tính mầu nhiệm của Ðại Linh Quang, của Thượng Ðế.

ÐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.

 

Bổn nguyên

本原

A: The origin.

P: L'origine.

Bổn là cái gốc, cội rễ. Nguyên: Gốc.

Bổn nguyên là cái gốc, cái căn cội của sự việc.

TNHT: Con hiểu bổn nguyên Bảo Sanh là bổn nguyên Thánh chất của Thầy.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bổn quốc

本國

A: Our country.

P: Notre pays.

Bổn là của mình, của tôn giáo mình, của địa phương mình. Quốc: Nước.

Bổn quốc là nước mình.

Người Việt Nam chúng ta khi nói với nhau thì gọi người Tàu là Ðường nhơn, và gọi người Việt Nam là người bổn quốc.

 

BỒNG

Bồng Dinh - Bồng Ðảo - Bồng Lai

蓬瀛 - 蓬島 - 蓬萊

A: The fairy land.

P: Le séjour des immortels.

Ba từ ngữ: Bồng Dinh, Bồng đảo, Bồng Lai, đều đồng nghĩa, chỉ cảnh Tiên, cõi Tiên, cõi TLHS.

Theo truyền thuyết, trên biển Bột Hải có ba hòn đảo:

·         Ðảo Bồng Lai, gọi tắt là Bồng đảo.

·         Ðảo Dinh Châu hay Doanh Châu, tức là Dinh đảo.

·         Ðảo Phương Trượng tức là Phương đảo.

Ba hòn đảo nầy có hình giống như cái bầu, nên người ta còn gọi ba hòn đảo nầy là: Bồng hồ, Dinh hồ và Phương hồ. (Hồ là cái bầu). Chung quanh 3 hòn đảo là cái biển mà nước biển rất nhẹ, đỡ không nổi một hột cải, nên gọi là Nhược thủy (Nước nhược). Trên đảo Bồng Lai có núi Bồng Lai hay Bồng Sơn, non Bồng, có 8 động đá rất đẹp, là nơi ở của Bát Tiên.

Tóm lại, các từ ngữ: Bồng Dinh, Bồng đảo, Bồng Lai, Bồng sơn, Phương đảo, non Bồng nước nhược,... đều chỉ cõi Tiên, tức là cảnh đẹp đẽ, vui sướng, hạnh phúc, là cõi TLHS.

TNHT: Lôi Âm tự toại, Bồng Dinh hưởng nhàn.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BỜ

BỜ

BỜ: Dãy đất dọc theo sông hay biển.
Td: Bờ dương, Bờ giác.

 

Bờ dương

A: The shore of poplars.

P: Le rivage des peupliers.

Bờ: Dãy đất dọc theo sông hay biển. Dương: Cây dương.

Ðạo Ðức Kinh có câu: Dương vô trần nhiễm, Ðạo giả như dương. Nghĩa là: Cây dương không nhiễm bụi trần, Ðạo như cây dương. Do đó, cây dương là để chỉ đạo đức.

Bờ dương là cái bờ có trồng cây dương, ý nói bờ đạo đức, tức là bờ giác ngộ, bờ của những người giác ngộ.

KÐ3C: Bờ dương bóng phụng đưa mình nâng thân.

TNHT: Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.

Do câu: Phụng hàm đơn chiếu đề dương bạn. Nghĩa là: Con chim phụng ngậm sắc lịnh của vua tiến lên bờ dương. Ý nói: Ði theo con chim phụng dẫn đường thì sẽ đến bờ giác ngộ.

(Ðơn chiếu là chiếu chỉ của vua, dương bạn là bờ dương).

KÐ3C: Kinh Ðệ Tam cửu.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bờ giác

A: The shore of understanding.

P: Le rivage de l'entendement.

Bờ: Dãy đất dọc theo sông hay biển. Giác: Giác ngộ.

Bờ giác, chữ Hán là Giác ngạn, là nơi đi vào cõi của những người giác ngộ, tức là cõi của người đắc đạo, cõi TLHS.

Chúng sanh đang chìm đắm trong biển khổ (khổ hải). Bên nây biển khổ là Bến mê (Mê tân), bên kia biển khổ là Bờ giác (Giác ngạn, cũng gọi là Bỉ ngạn)

TNHT: Bờ giác nương theo nguyệt rọi làu.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

BỢN

Bợn sầu

A: The dirt of sadness.

P: La souillure de tristesse.

Bợn: Chất dơ bẩn bám vào. Sầu: Buồn rầu, phiền não.

Bợn sầu là sự buồn rầu như là chất dơ bám vào tâm hồn, làm cho tâm hồn nặng nề ô trược.

TNHT: Hứng giọt từ bi rửa bợn sầu.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BÚT

BÚT

BÚT: Cây viết để viết ra chữ.
Td: Bút cơ, Bút hoa, Bút thần.

 

Bút cơ

筆機

A: Spiritual seance.

P: Séance spirituelle.

Bút: Cây viết để viết ra chữ. Cơ: Dụng cụ để thỉnh Tiên.

Bút cơ là nói về việc cầu cơ và chấp bút.

Cầu cơ là cầu xin một Ðấng thiêng liêng giáng điển vào cơ để cơ viết ra chữ tạo thành một bài văn dạy đạo.

Chấp bút là cầu xin một Ðấng thiêng liêng giáng điển vào cánh tay đang cầm cây bút chì để viết ra chữ. (Xem chi tiết nơi chữ: Cơ bút, vần C).

TNHT: Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bút hoa

筆華

A: Flowering pencil.

P: Le pinceau fleuri.

Bút: Cây viết để viết ra chữ. Hoa: Bông, trổ bông.

Bút hoa là cây bút nở hoa, ý nói cây bút viết ra được lời thơ hay lời văn đẹp như hoa.

Nhà thơ Lý Bạch đời Ðường, nằm chiêm bao thấy cán bút của mình trổ hoa rất đẹp. Kể từ đó, văn thơ của họ Lý mỗi ngày một thêm xuất sắc, tiếng tăm lừng lẫy. Do đó, bút hoa là chỉ cây bút của nhà văn hay nhà thơ nổi tiếng.

NTTP:

Tả nỗi thảm thêm đau mấy đoạn,

Mượn bút hoa đắp cạn thành sầu.

NTTP: Nữ Trung Tùng Phận.

 

Bút thần

筆神

A: Miraculous pencil.

P: Le pinceau miraculeux.

Bút: Cây viết để viết ra chữ. Thần: Thiêng liêng huyền diệu.

Bút thần là cây bút huyền diệu, chỉ cây bút được các Ðấng thiêng liêng sử dụng để viết ra Thánh ngôn dạy đạo đức cho nhơn sanh.

TNHT: Trừ diệt tà gian múa bút thần.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

BƯỜNG

BƯỜNG

Bường: Bường là do chữ BÌNH nói trại ra để bắt vần trong thơ.

Bường là bằng, là bình an, yên ổn thoải mái.

TNHT:

Một kiếp muối dưa muôn kiếp hưởng,

Ðôi năm mệt nhọc vạn năm bường.

BDT:

Khai minh Ðại Ðạo hộ thanh bường.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

BDT: Bài Dâng Trà.

 

BỬU (BẢO)

BỬU

BỬU: Còn đọc là Bảo: Quí báu, quí giá, tỏ ý kính trọng.
Td: Bửu điện, Bửu tòa.

 

Bửu điện

寶殿

A: Principal palace.

P: Le palais principal.

Bửu: Còn đọc là Bảo: Quí báu, quí giá, tỏ ý kính trọng. Ðiện: Tòa nhà dùng làm nơi thờ Ðức Chí Tôn và các Ðấng thiêng liêng.

Bửu điện là tòa nhà chánh dùng làm nơi thờ Ðức Chí Tôn và các Ðấng thiêng liêng. (Nói chữ Bửu để tỏ ý kính trọng.)

Trong Tòa Thánh, Bửu điện là BQÐ. Những buổi cầu cơ chánh thức, Hội Thánh lập đàn cơ tại Cung Ðạo trước BQÐ.

TNHT: Trước khi thủ cơ hay chấp bút thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng tắm gội cho tinh khiết, rồi mới đặng đến trước bửu điện mà hành sự. Chớ nên thiếu sót mà thất lễ.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bửu pháp

寶法

Bửu: Còn đọc là Bảo: Quí báu, quí giá, tỏ ý kính trọng. Pháp: Có rất nhiều nghĩa, nhưng ở đây ta lấy hai nghĩa:

·         Pháp là phép bí tích (bí pháp chơn truyền).

·         Pháp là phương pháp luyện đạo.

1. Bửu pháp là các Phép bí tích quí báu và huyền diệu:

TNHT: "Lịch!.... Muốn trọn hai chữ Phổ Ðộ phải làm thế nào? Thầy hỏi? Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa. Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng 5 nầy theo Trung đi truyền đạo." (Lịch: Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt; Trung: Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt)

2. Bửu pháp là Bí pháp luyện đạo quí báu:

TNHT: "Hữu Ngã đồ Thái Ðầu Sư tại thử, nhĩ vô thức luyện đạo, Ngã phái Ngọc Ðầu Sư chỉ giáo, thọ bửu pháp." (Ta: Tiếng tự xưng của Ðức Chí Tôn. Thái Ðầu Sư: Thái Minh Tinh; Ngọc Ðầu Sư: Ngọc Lịch Nguyệt).

Trong Tân Luật, Chương II, Ðiều thứ 13: "Trong hàng Hạ thừa, ai giữ trai kỳ 10 ngày sắp lên được thọ truyền bửu pháp, vào Tịnh Thất có người chỉ luyện đạo."

Bửu pháp ở đây là Bí pháp luyện đạo, vì phải giữ bí mật, nên chỉ truyền cho những đệ tử có đạo hạnh cao, khẩu thọ tâm truyền, chớ không truyền bằng sách vở, và việc luyện đạo chỉ được thực hành trong Tịnh Thất, có Tịnh chủ trông nom và theo dõi chặt chẽ việc luyện đạo của đệ tử .

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bửu tháp

寶塔

A: Precious tower.

P: La tour précieuse.

Bửu: Còn đọc là Bảo: Quí báu, quí giá, tỏ ý kính trọng. Tháp: Cái tháp cao có nhiều từng.

Bửu tháp là cái tháp quí, cao nhiều từng, dùng làm nơi đặt thi hài của Chức sắc cao cấp từ phẩm Ðầu Sư hay tương đương đổ lên.

Thi hài của các Chức sắc nầy được liệm vào một cái áo quan hình bát giác có làm tòa sen bên dưới, gọi là liên đài. Liên đài được đặt trên lưng một con Long Mã gọi là liên đài kỵ Long Mã, đưa đến nhập vào bửu tháp.

Ngay phía sau Tòa Thánh là Bửu tháp của Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.

Bên phía Ðông Lang có 3 bửu tháp của 3 vị Ðầu Sư Nam phái. Bên phía Tây Lang là bửu tháp của Nữ Ðầu Sư.

Phía trước Tòa Thánh, gần cửa Chánh môn, có ba Bửu tháp nằm hàng ngang, đó là Bửu tháp của Ðức Hộ Pháp, của Ðức Thượng Phẩm và của Ðức Thượng Sanh.

12 Bửu tháp của Thập nhị Thời Quân thì được xây dựng ở phần đất 6 mẫu tại Ngã tư Ao Hồ.

 

Bửu tòa

寶座

A: The precious throne of lotus.

P: Le trône précieux de lotus.

Bửu: Còn đọc là Bảo: Quí báu, quí giá, tỏ ý kính trọng. Tòa: Chỗ ngồi, cái ngai.

Bửu tòa là cái ngai quí báu dành làm nơi ngự của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế.

Ðó là cái ngai quí báu nhứt, rực rỡ nhứt nơi Bạch Ngọc Kinh, và nơi Linh Tiêu Ðiện, mà ngày nay gọi là CAO ÐÀI.

TNHT:

Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,

Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Bửu tương

寶漿

A: The precious tea.

P: Le thé précieux.

Bửu: Còn đọc là Bảo: Quí báu, quí giá, tỏ ý kính trọng. Tương: Chất nước dùng để uống. Chất nước đó có thể là Trà hay Rượu. Quỳnh tương là rượu rót vào một cái chung bằng ngọc quỳnh.

Bửu tương là nước trà quí, thơm ngon đặc biệt.

Gọi là Bửu tương vì khi cúng dâng nước trà nầy lên Ðức Chí Tôn thì chung trà ấy tượng trưng một bửu trong Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) của con người. Trà tượng trưng Thần, tức là tượng trưng linh hồn.

BDT: Kỉnh lễ thành tâm hiến bửu tương.

BDT: Bài Dâng Trà.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ba | | | Bả | Bác | Bạc | Bách | Bạch | Bài |
Ban | Bàn | Bán | Bàng | Bánh |
Bao | Báo | Bảo | Bát | Bạt | Bảy |
Bắc | Bần | Bất | Bầu | Bẫy |

Bẻ | Bèo | Bế | Bể | Bến |

Bi | | Bỉ | | Biếm | Biến | Biển | Biện | Biệt | Bình |

Bóng | Bồ | Bố | Bổ | Bộ | Bôn | Bổn | Bồng | Bờ | Bợn |

Bút | Bường | Bửu |


 

Cập nhật ngày: 28-02-2018

BA | | | BE | | BI | BO | | | BU |


A | B | C | CH | D | Đ | G | H | K | L | M | N | NG | NH | O | P | Q | R | S | T | TH | TR | U | V | X | Y


[ MỤC LỤC ]

Ấn bản (v.2012)

CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN
Soạn giả: Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng bút hiệu ĐỨC NGUYÊN
Ấn hành do theo hiệu đính 03-2003

DOWNLOAD
E-book-PDF