CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN

 

Danh mục vần Đ

ĐA

·         Đa

·         Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề

·         Đa ngôn đa quá

·         Đa phú đa oán

·         Đa số tuyệt đối

·         Đa Thần giáo

·         Đa thi huệ trạch

·         Đa thọ đa nhục

·         Đa văn quảng kiến

 

ĐÀI

·         Đài

·         Đài Chiếu Giám - Đài Minh Cảnh

·         Đài gương

·         Đài liên

·         Đài Linh Tiêu

·         Đài Nghiệt Cảnh

·         Đài vân

 

ĐÁI

·         Đái tội lập công

 

ĐẠI

·         Đại

·         Đại Ân Xá - Đại xá

·         Đại đàn - Tiểu đàn

·         Đại Đạo

·         Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

·         Đại Đạo Thanh Niên Hội

·         Đại đăng khoa - Tiểu đăng khoa

·         Đại điện

·         Đại đồng

·         Đại đồng xã

·         Đại giác

·         Đại hạnh

·         Đại hỷ phát đại tiếu

·         Đại hóa

·         Đại hồi - Tiểu hồi

·         Đại Hội Phước Thiện

·         Đại hồn - Tiểu hồn

·         Đại khái

·         Đại La Thiên Đế

·         Đại liệm - Tiểu liệm

·         Đại Linh quang - Tiểu Linh quang

·         Đại lụy

·         Đại mộc

·         Đại Nam Việt quốc

·         Đại ngọc cơ - Tiểu ngọc cơ

·         Đại ngoạt - Tiểu ngoạt

·         Đại phục - Tiểu phục

·         Đại sĩ

·         Đại Thiên Địa - Tiểu Thiên Địa

·         Đại Thiên phong

·         Đại thiên thế giới

·         Đại Thiên Tôn

·         Đại thừa - Tiểu thừa

·         Đại thừa Cửu chuyển

·         Đại tịnh

·         Đại trí nhược ngu

·         Đại Từ Phụ - Đại Từ Mẫu

·         Đại tường - Tiểu tường

 

ĐÀM

·         Đàm đạo

 

ĐẢM

·         Đảm

·         Đảm bảo

·         Đảm đương

 

ĐẠM

·         Đạm bạc

 

ĐAN

·         Đan (Xem: Đơn)

 

ĐÀN

·         Đàn

·         Đàn cơ

·         Đàn lệ

·         Đàn-na

·         Đàn nội

·         Đàn tràng

 

ĐẢNH (ĐỈNH)

·         Đảnh

·         Đảnh hạc

·         Đảnh hồ

·         Đảnh nghiệp

·         Đảnh Tần

·         Đảnh Thần

·         Đảnh Việt

 

ĐÀO

·         Đào

·         Đào độn

·         Đào hạnh

·         Đào luyện

·         Đào nguyên

·         Đào thải

·         Đào Tiên

·         Đào viên kết nghĩa

·         Đào viên pháp

 

ĐÁO

·         Đáo

·         Đáo đầu

·         Đáo để

·         Đáo tuế

 

ĐẢO

·         Đảo cáo

·         Đảo huyền

 

ĐẠO

·         Đạo

·         Đạo - Tôn giáo

·         Đạo bế - Đạo khai (Xem: Bế Đạo, vần B)

·         Đạo cả

·         Đạo cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng

·         Đạo dâu

·         Đạo Đời

·         Đạo Đức

·         Đạo Đức Học Đường & Trường Lê Văn Trung

·         Đạo Đức Kinh

·         Đạo Đức Văn đàn

·         Đạo giả tựu vị (Xem: Đạo tỳ)

·         Đạo giáo

·         Đạo hạnh

·         Đạo hữu

·         Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền

·         Đạo kỳ

·         Đạo lịch

·         Đạo Luật Mậu Dần

·         Đạo lý

·         Đạo Nghị Định

·         Đạo ngô ác giả thị ngô sư

·         Đạo Nhơn

·         Đạo nhơn luân

·         Đạo pháp bao la - Đạo pháp trường lưu

·         Đạo phục

·         Đạo sĩ

·         Đạo sở

·         Đạo sử - Ban Đạo sử

·         Đạo táng

·         Đạo tâm

·         Đạo thiền

·         Đạo triều

·         Đạo tỳ

·         Đạo xuất ư đông

·         Đạo y

 

ĐẠT

·         Đạt

·         Đạt lý

·         Đạt vị

 

ĐẮC

·         Đắc

·         Đắc duyên đắc vị

·         Đắc đạo

·         Đắc kiếp

·         Đắc kỳ sở nguyện

·         Đắc lịnh

·         Đắc lộ

·         Đắc Pháp đắc Phật

·         Đắc phong

·         Đắc quả

·         Đắc thất

 

ĐẶC

·         Đặc an

 

ĐĂNG

·         Đăng

·         Đăng đàn thuyết pháp

·         Đăng điện

·         Đăng Tiên

 

ĐẰNG

·         Đằng cát

·         Đằng giao khởi phụng

 

ĐẲNG

·         Đẳng

·         Đẳng bất khả liệp

·         Đẳng cấp

 

ĐẤNG

·         Đấng Chơn linh

 

ĐẦU

·         Đầu

·         Đầu Tộc Đạo - Đầu Phận Đạo - Đầu Hương Đạo

·         Đầu kiếp

·         Đầu Phòng Văn

·         Đầu Sư

·         Đầu Sư Đường

·         Đầu Sư Em

·         Đầu thai

·         Đầu thượng viết Cao Đài

·         Đầu vọng bái

 

ĐẨU

·         Đẩu tinh

·         Đẩu vân

 

ĐÈN

·         Đèn Tam giáo

·         Đèn Thái Cực - Cặp đèn Lưỡng nghi

·         Đèn Thất tinh

 

ĐÊ

·         Đê đầu khấu bái

 

ĐẾ

·         Đế khuyết

·         Đế Thiên Đế Thích

 

ĐỆ

·         Đệ

·         Đệ huynh bất mục

·         Đệ trình

·         Đệ tử

 

ĐỊA

·         Địa

·         Địa ách

·         Địa cầu 68

·         Địa chi

·         Địa đàng

·         Địa giái

·         Địa hoàn

·         Địa Kỳ Thần Tướng

·         Địa linh nhơn kiệt

·         Địa ngục

·         Địa phận

·         Địa phủ

·         Địa quyển

·         Địa Tạng Vương Bồ Tát

 

ĐIỀM

·         Điềm nhiên tọa thị

 

ĐIỂM

·         Điểm

·         Điểm Linh quang

·         Điểm Quang minh

·         Điểm trà

 

ĐIỂN

·         Điển

·         Điển chiếu

·         Điển cố - Điển tích

·         Điển quang

 

ĐIỆN

·         Điện

·         Điện lễ

·         Điện Tiên hoa - Điện Tiên tửu - Điện Tiên trà

·         Điện Thờ Phật Mẫu

·         Điện tiền

 

ĐIÊU

·         Điêu

·         Điêu linh

·         Điêu tàn

 

ĐIỀU

·         Điều đình

·         Điều trần

 

ĐIẾU

·         Điếu

·         Điếu giả tất bái

·         Điếu khách - Phúng điếu

·         Điếu tang tất hữu ai

·         Điếu văn

 

ĐÌNH

·         Đình

·         Đình án

·         Đình đãi

 

ĐỊNH

·         Định

·         Định bá đồ vương

·         Định phân

·         Định phận

·         Định thần định tánh

·         Định tỉnh

·         Định vị

 

ĐỌA

·         Đọa

·         Đọa lạc

·         Đọa sa A Tỳ

·         Đọa tam đồ bất năng thoát tục

·         Đọa tam pháp

·         Đọa trần

 

ĐOÁI

·         Đoái

·         Đoái hoài

·         Đoái tình

 

ĐOAN

·         Đoan dương

 

ĐOÀN

·         Đoàn Thị Điểm (1705-1748)

 

ĐOẠN

·         Đoạn

·         Đoạn căn

·         Đoạn ly

·         Đoạn tình yểm dục

·         Đoạn trần kiều

·         Đoạn trường

·         Đoạn trường bổ đoản

 

ĐÒI

·         Đòi

·         Đòi đoạn

·         Đòi ngàn

·         Đòi phen

 

ĐON

·         Đon đường

 

ĐỒ

·         Đồ

·         Đồ đệ

·         Đồ lưu hải ngoại

·         Đồ nghiệp

·         Đồ thán

·         Đồ thơ

 

ĐỐ

·         Đố

·         Đố hiền tật năng

·         Đố phụ loạn gia

 

ĐỔ

·         Đổ bác

 

ĐỘ

·         Độ

·         Độ căn

·         Độ sanh - Độ tử

·         Độ tận

·         Độ thăng - Hành pháp Độ thăng

 

ĐỐC

·         Đốc thân chi hiếu

 

ĐỘC

·         Độc

·         Độc chúc

·         Độc Thần giáo

·         Độc thiện kỳ thân

 

ĐỐN

·         Đốn

·         Đốn ngộ - Tiệm ngộ

·         Đốn thủ - Đốn thư

 

ĐÔNG

·         Đông

·         Đông chí

·         Đông hiên - Tây hiên

·         Đông lang - Tây lang

·         Đông Nhạc Đế Quân

·         Đông Phương Sóc

 

ĐỒNG

·         Đồng

·         Đồng bào

·         Đồng bệnh tương lân

·         Đồng cam cộng khổ

·         Đồng lạc

·         Đồng lai phối hưởng

·         Đồng mạch

·         Đồng môn

·         Đồng nhi - Biện nhi - Giáo nhi

·         Đồng nhứt thể

·         Đồng quan đồng quách

·         Đồng qui thù đồ

·         Đồng quyền đồng thể

·         Đồng sàng dị mộng

·         Đồng sanh đồng tịch

·         Đồng song

·         Đồng tâm hiệp chí

·         Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu

·         Đồng tông

·         Đồng tử

·         Đồng ưu cộng lạc

·         Đồng vị

 

ĐỔNG

·         Đổng Hồ chi bút

 

ĐỘNG

·         Động

·         Động Bích

·         Động đào

·         Động Đình Hồ

·         Động tịnh

 

ĐỞM

·         Đởm (Xem: Đảm)

 

ĐƠN (ĐAN)

·         Đơn

·         Đơn cử

·         Đơn điền

·         Đơn đình

·         Đơn khâm cô chẩm

·         Đơn sai

·         Đơn tâm

·         Đơn trạng

 

ĐUỐC

·         Đuốc huệ

 

ĐỨC

·         Đức

·         Đức cao ân trọng

·         Đức hóa

·         Đức hoán hư linh

·         Đức lập quyền

·         Đức tánh

·         Đức tin

·         Đức tồn hậu lai

·         Đức trọng quỉ thần kinh

 

ĐỨNG

·         Đứng đợt

 

ĐƯƠNG

·         Đương

·         Đương cự

·         Đương đạo sài lang

·         Đương sanh - Vị sanh

 

ĐƯỜNG

·         Đường

·         Đường Đạo - Đường Đời

·         Đường hoa

·         Đường huynh đệ

·         Đường mây

·         Đường Ngu

·         Đường nhơn

·         Đường Thánh - Nẻo tà

·         Đường thi

·         Đường tý đương xa

 

 

 

 

ĐA

ĐA

ĐA: Nhiều.
Td: Đa ngôn, Đa số, Đa văn.

 

Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề

多羅三藐三菩提

Đây là từ ngữ của Phật giáo, phiên âm từ tiếng Phạn: TARA SAMYAS SAMBODHI, có nghĩa như sau:

Đa-La (Tara): Thượng, ở trên cao. Tam-Diệu (Samyas): Chánh đẳng. Tam-Bồ-Đề (Sambodhi): Chánh giác.

Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề, dịch ra Hán văn là: Thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghĩa là bực giác ngộ chơn chánh cấp cao. Đó là phẩm vị Phật.

DLCK: Tùng thị pháp điều TKPĐ tất đắc giải thoát luân hồi, đắc lộ Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề thị chi chứng quả Cực Lạc Niết Bàn.

 

Đa ngôn đa quá

多言多過

A: Speak a lot, sin a lot.

P: Qui parle beaucoup, faute beaucoup.

Đa: Nhiều. Ngôn: nói, lời nói. Quá: lỗi, sai lầm.

Đa ngôn đa quá là: Nói nhiều thì sai nhiều.

 

Đa phú đa oán

多富多怨

Đa: Nhiều. Phú: giàu. Oán: thù giận.

Đa phú đa oán là càng giàu càng có nhiều người oán giận.

Tại sao? Bởi vì: "Vi phú bất nhơn, vi nhơn bất phú." Nghĩa là: Người làm giàu thì không có lòng nhơn, còn người có lòng nhơn thì thường không giàu.

 

Đa số tuyệt đối

多數絕對

A: The absolute majority.

P: La majorité absolue.

Đa: Nhiều. Số: số lượng.

Đa số là số lượng nhiều hơn. Trái với Đa số là Thiểu số.

Trong một cuộc bàn luận, khi lấy ý kiến quyết định thì Thiểu số phải phục tùng Đa số, tức là ý kiến nào mà Đa số đồng ý thì trở thành quyết nghị.

Trong các cuộc bầu cử, có hai cách lấy Đa số: Đa số tương đối và Đa số tuyệt đối.

1. Đa số tương đối: Số thăm thuận nhiều hơn số thăm chống là được, không cần biết tổng số cử tri là bao nhiêu người và số thăm trắng là bao nhiêu.

2. Đa số tuyệt đối: còn gọi là Đại Đa số, Đa số quá bán, tức là số thăm thuận phải nhiều hơn phân nửa tổng số cử tri tham dự.

Thí dụ: Tổng số cử tri là 100, tức là có 100 phiếu bầu.

- Nếu số phiếu đạt được như sau: 45 phiếu thuận, 40 phiếu chống, 15 phiếu trắng. Trường hợp nầy gọi là Đa số tương đối. (vì số phiếu thuận chưa bằng phân nửa tổng số cử tri)

- Nếu số phiếu đạt được: 51 phiếu thuận, 45 phiếu chống, 4 phiếu trắng. Trường hợp nầy gọi là Đa số tuyệt đối, bởi vì số phiếu thuận 51 lớn hơn số 50 là phân nửa tổng số cử tri.

Luật công cử Chức sắc CTĐ qui định trong PCT thì sự đắc cử phải đạt quá bán, tức là đạt Đa số tuyệt đối.

PCT: Phối Sư muốn lên Đầu Sư thì 36 vị công cử.

CG: Tỷ như phẩm Đầu Sư bị khuyết thì phép chia thăm làm hai theo luật công cử thường tình, nghĩa là mỗi người phải cho đủ 18 lá thăm hay là hơn mới đắc cử. Sự công cử ấy phải tại nơi Tòa Thánh, trước Hội Thánh CTĐ, có HTĐ chứng kiến mới đặng.

Phẩm Phối Sư, Đức Chí Tôn qui định trong PCT, tổng cộng chỉ có 36 vị, mỗi phái 12 vị Phối Sư.

Thí dụ như phẩm Thượng Đầu Sư bị khuyết, tất cả 36 vị Phối Sư ba phái họp lại công cử 1 vị Thượng Phối Sư lên Thượng Đầu Sư. Ứng cử viên là những vị Thượng Phối Sư. Các vị Thái Phối Sư và Ngọc Phối Sư không được làm ứng cử viên vì khác phái. Vị Thượng Phối Sư đắc cử phải có số thăm quá bán.

Nếu có 1 Thượng Phối Sư ứng cử, và vị nầy không bỏ thăm. Như vậy tổng số phiếu bầu là 36 - 1 = 35, và phân nửa của 35 là 17,5. Muốn đắc cử, vị Thượng Phối sư nầy phải có số thăm quá bán là 18 thăm. Ấy là lấy theo Đa số tuyệt đối.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

CG: Chú Giải.

 

Đa Thần giáo

多神敎

A: The polytheism.

P: Le polythéisme.

Đa: Nhiều. Thần: vị Thần. Giáo: tôn giáo.

Đa Thần giáo là tôn giáo tôn thờ nhiều vị Thần linh như: Thần mặt trời, Thần lửa, Thần gió, Thần mưa, Thần sấm, Thần sông, Thần núi, Thần đá, v.v...

Đó là tôn giáo của loài người thời nguyên thủy, còn ở chế độ thị tộc, bộ lạc. Mỗi thị tộc có một vị Thần hộ mệnh riêng, không giống với thị tộc khác.

 

Đa thi huệ trạch

多施惠澤

A: To distribute the numerous benefits.

P: Distribuer de nombreux bienfaits.

Đa: Nhiều. Thi: làm, thi hành. Huệ: ơn. Trạch: ơn.

Đa thi huệ trạch: ban phát nhiều ơn huệ cho chúng sanh.

 

Đa thọ đa nhục

多壽多辱

Đa: Nhiều. Thọ: sống lâu. Nhục: nhơ nhuốc.

Đa thọ đa nhục là càng sống lâu càng nhục nhã nhiều.

Càng sống lâu thì càng thấy rõ nhiều nỗi ê chề của tình đời, càng thấy cái nhục thêm chồng chất.

 

Đa văn quảng kiến

多聞廣見

Đa: Nhiều. Văn: nghe. Quảng: rộng. Kiến: thấy.

Đa văn quảng kiến là nghe nhiều thấy rộng, chỉ người có trình độ bác học, thông suốt nhiều việc.

Trong số các đệ tử của Đức Phật Thích Ca, Ông A-Nan là người nổi tiếng là đa văn quảng kiến.

 

ĐÀI

ĐÀI

ĐÀI: Toà nhà cao, chỗ xây cao, cái giá đỡ.
Td: Đài Chiếu Giám, Đài liên, Đài Vân.

 

Đài Chiếu Giám - Đài Minh Cảnh

臺照鑑 - 臺明鏡

Đài: Toà nhà cao, chỗ xây cao, cái giá đỡ. Chiếu: soi rọi. Giám: cái gương soi. Minh: sáng. Cảnh: có một âm nữa là Kính: gương soi.

Đài Chiếu Giám, cũng gọi là Minh Cảnh Đài, dịch ra là Đài Gương Sáng, là một cái đài nơi cõi thiêng liêng, nơi đó có đặt một tấm gương rất huyền diệu.

Khi một chơn hồn đến đứng trước tấm gương huyền diệu ấy thì trong tấm gương sẽ lần lượt hiện rõ ra tất cả những việc làm, cử chỉ hay lời nói của chơn hồn trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, không bỏ sót một điều gì hết, dầu thiện, dầu ác, chiếu lại một cách minh bạch giống như chiếu một khúc phim sống động, để không ai có thể chối cãi tội lỗi của mình đã gây ra, hay khai gian dối công nghiệp, để cây Cân công bình thiêng liêng nơi Tòa Tam Giáo định phân tội phước. Phước nhiều thì thăng, tội nhiều thì bị đọa luân hồi.

Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo Con đường TLHS:

"Khi chúng ta bước vào Tòa Tam Giáo BQĐ rồi thì chúng ta thấy hào quang chiếu diệu xông lên rồi biến mất, kế thấy một cây Cân công bình hiện ra trước mắt, rồi cũng biến mất. Chúng ta thấy mình chẳng khác nào như khán giả đứng trước đài kia, coi lại cả kiếp sanh của chúng ta, diễn tiến trước mắt chúng ta, không có điều gì sót. Khi trước chúng ta làm những việc gì thì giờ đây nó chiếu y lại như xem hát bóng vậy. Nơi đó, kinh Phật gọi là Minh Cảnh Đài.

Mỗi hành động của chúng ta trong kiếp sanh đều hiện rõ ra, ngó thấy trước mặt, và cây Cân công bình để cân tội phước, nên hư, quyết đoán một cách công bình, không sai chút nào hết. Đó là sự huyền bí của Đài thiêng liêng ấy."

KĐ5C:

Đài Chiếu Giám Cảnh Minh nhẹ bước,

Xem rõ ràng tội phước căn sinh.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

KĐ5C: Kinh Ðệ Ngũ cửu.

 

Đài gương

A: The mirroir on the support.

P: Le miroir sur le support.

Đài: Toà nhà cao, chỗ xây cao, cái giá đỡ. Gương: tấm kiếng có tráng thủy để soi mặt.

Đài gương là tấm gương sáng đặt trên giá gỗ để soi mặt.

GTK: Làu làu một tấm tợ đài gương.

GTK: Giới Tâm Kinh.

 

Đài liên

臺蓮

A: The throne of lotus.

P: Le trône de lotus.

Đài: Toà nhà cao, chỗ xây cao, cái giá đỡ. Liên: sen.

Đài liên, tức là Liên đài, là tòa sen dùng làm nơi ngự của chư Bồ Tát và chư Phật.

Phật chọn bông sen làm tòa ngự bởi vì hoa sen có các đặc tính sau đây:

- Theo Kinh Pháp Cú:

Như giữa đống rác nhớp,

Quăng bỏ nơi bờ đầm,

Chỗ ấy hoa sen nở,

Thơm sạch đẹp ý người.

Cũng vậy, giữa quần sanh,

Uế, nhiễm, mù, phàm tục,

Đệ tử bậc Chánh giác,

Sáng ngời với trí huệ.

- Theo Kinh Tăng Nhứt A Hàm:

Như hoa sen đẹp đẽ dễ thương,

Không ô nhiễm bùn dơ nước đục,

Giữa đám bụi trần,

Ta không vướng chút bợn nhơ,

Như vậy, ta là Phật.

Hoa sen có đặc tính gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, lại tỏa hương thơm ngát. Cũng như Phật, sống giữa trần gian mà không nhiễm bụi trần, nên Phật chọn hoa sen làm tòa ngự.

TNHT: Uy linh Trời giữ tạc đài liên.

Trên Thánh Tượng Thiên Nhãn thờ tại tư gia, chúng ta thấy Đức Phật Thích Ca và Đức Quan Âm Bồ Tát đều ngự trên tòa sen.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đài Linh Tiêu

臺靈霄

Đài: Toà nhà cao, chỗ xây cao, cái giá đỡ. Linh: thiêng liêng. Tiêu: khoảng Trời không.

Đài Linh Tiêu là cái đài cao nơi Linh Tiêu Điện trong Ngọc Hư Cung ở từng Trời Hư Vô Thiên.

Mỗi khi có Đại hội Quần Tiên, Đức Chí Tôn Thượng Đế ngự trên cái đài cao ấy để chủ tọa Đại hội Ngự triều.

Linh Tiêu nhất tháp thị Cao Đài,

Đại hội Quần Tiên thử ngọc giai.

Vạn trượng hào quang tùng thử xuất,

Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai.

(Cần Thơ, 1927)

Nghĩa là:

Nơi Điện Linh Tiêu có một cái tháp cao gọi là Cao Đài,

Đại hội các vị Tiên nhóm tại bệ ngọc ấy.

Muôn trượng hào quang từ nơi đó chiếu ra,

Tên xưa, cảnh quí báu đó là Lạc Thiên Thai.

TTCĐDTKM:

Kể từ Hỗn Độn sơ khai.

Chí Tôn hạ chỉ trước Đài Linh Tiêu.

TTCĐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

 

Đài Nghiệt Cảnh

臺孽鏡

Đài: Toà nhà cao, chỗ xây cao, cái giá đỡ. Nghiệt: mầm ác, nghiệp ác. Cảnh: còn một âm nữa là Kính, nghĩa là tấm gương soi.

Đài Nghiệt Cảnh hay Nghiệt Cảnh Đài chính là Minh Cảnh Đài hay Đài Chiếu Giám, đặt trong Tòa Tam Giáo thiêng liêng, để diễn lại các hành vi tội lỗi của mỗi chơn hồn khi đến đứng trước Đài ấy, để cây Cân công bình thiêng liêng xác định có bao nhiêu tội phước đặng Tòa Tam Giáo định phận cho chơn hồn: Thăng hay đọa. (Xem Đài Chiếu Giám).

TNHT: Đài Nghiệt Cảnh rọi chẳng biết bao nhiêu tội tình mà chốn tội tình lắm người đưa chơn tìm đến.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đài vân

臺雲

A: The high tower.

P: La tour élevée jusqu'aux nuages.

Đài: Toà nhà cao, chỗ xây cao, cái giá đỡ. Vân: mây.

Đài vân hay Vân đài, dịch ra là: Đài mây, Gác mây, là cái đài cất lên rất cao, ngó lên thấy dường như cao tới mây.

Đài nầy do vua Hán Minh Đế (57-75) nhà Hậu Hán xây dựng lên để treo hình 28 vị Đại công thần của nhà Hán, ghi nhớ công đức của các vị để lưu truyền cho đời sau về những tấm gương trung nghĩa phò vua giúp nước.

Được treo hình nơi Vân Đài là một danh dự cao quí nhứt của kẻ bề tôi, là đỉnh cao nhứt của sự nghiệp công danh.

Trong văn chương, từ ngữ Đài Vân, Vân đài, Gác mây, dùng để chỉ những bực trung thần có đại công với đất nước, ghi đậm nét son trong lịch sử của triều đại.

Trong tôn giáo, Vân đài dùng để chỉ người đắc đạo, đạt được phẩm vị cao quí nơi cõi thiêng liêng.

TNHT:

Đài vân Quan Võ để phong Thần.

Gắng tu kịp buổi lướt Đài vân.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐÁI

Đái tội lập công

戴罪立功

A: To bring a fault and to accomplish a merit.

P: Porter une faute et accomplir une oeuvre pour expier.

Đái: đội lên đầu. Tội: tội lỗi. Lập: làm nên. Công: công trạng.

Đái tội lập công là đội cái tội lên đầu để lo lập công chuộc tội.

Đồng nghĩa: Đái công chuộc tội, Lập công chuộc tội.

 

ĐẠI

ĐẠI

1.    ĐẠI: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ.
Td: Đại Ân Xá, Đại đàn, Đại đạo.

2.    ĐẠI: Thay thế, một đời.
Td: Đại biểu, Đại diện.

 

Đại Ân Xá - Đại xá

大恩赦 - 大赦

A: General Amnesty of God.

P: Amnistie Générale de Dieu.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Ân: ơn huệ. Xá: tha tội.

Đại Ân Xá hay Đại Xá là Đức Chí Tôn ban ơn huệ lớn lao bằng cách tha thứ tội lỗi cho những kẻ có tội.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được gọi là Đại Ân Xá Kỳ Ba của Thượng Đế ở phương Đông.

PMCK: Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên.

Kể từ ngày khai Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn mở ra một thời kỳ Đại Ân Xá cho các đẳng linh hồn và cho chúng sanh, để chúng sanh tu hành dễ đắc đạo.

Muốn hưởng được sự ân xá nầy, mỗi người phải biết thành tâm hối lỗi, ăn năn sám hối tội tình, cải tà qui chánh, nguyện thề từ bỏ lỗi lầm, chuyên tâm tu hành lập công bồi đức.

"Mỗi lần khai Đạo là mỗi lần Đức Chí Tôn Đại Ân Xá, tức là ban cho những người biết hồi đầu hướng thiện, biết lo tu hành, một ân huệ lớn lao, nghĩa là những tội lỗi của họ đã chồng chất từ mấy kiếp trước được Ơn Trên bôi xóa và cho họ làm một Tân Dân (người dân mới) trong cửa Đạo với một Tư Pháp Lý lịch trong sạch, nhờ vậy người nhập môn hành đạo mới rảnh nợ tiền khiên, chỉ lo trau giồi Đạo hạnh và lập công bồi đức, là đắc đạo trong một kiếp tu.

Hạ nguơn nầy, Đức Chí Tôn lập Đạo Kỳ Ba nên mới có Đại Ân Xá Kỳ Ba. Phép Giải oan, Phép Cắt dây oan nghiệt, Phép Độ thăng và các phép Bí tích khác của ĐĐTKPĐ được đem áp dụng trong sự thi hành Luật Đại Ân Xá đó vậy." (Trích Giáo Lý bài 18, khóa Huấn luyện Giáo Hữu tại TTTN)

Ngày khai Đạo Cao Đài là 15-10 âl năm Bính Dần (1926) là ngày khởi đầu thời kỳ Đại Ân Xá Kỳ Ba.

Đức Chí Tôn ban cho nhơn loại những đặc ân sau đây:

1. Tha thứ tội lỗi ở các kiếp trước của những người biết hồi đầu hướng thiện, nhập môn cầu đạo, lập Minh Thệ với Đức Chí Tôn, có các Đấng chứng minh, nhứt tâm tu hành.

May đặng gặp hồng ân chan rưới,

Giải trái oan sạch tội tiền khiên.

(KGO)

Chí Tôn xá tội giải oan,

Thánh, Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ căn.

Ơn Tạo hóa tha tiền khiên trước,

Đưa linh phan tiếp rước nguyên nhân.

(KCBCTBCHĐQL)

2. Đức Chí Tôn đặc ân cho các tín đồ Cao Đài, khi chết, linh hồn được Cửu vị Tiên Nương hướng dẫn đi lên các từng Trời của Cửu Trùng Thiên, mỗi nơi đều được quan sát các cảnh Trời đẹp đẽ mà dưới thế gian nầy không bao giờ có, đến bái kiến các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, đến Minh Cảnh Đài để xem trở lại tất cả hành vi thiện ác của mình đã gây ra trong suốt một kiếp sống nơi cõi trần, đến DTC ở từng Trời Tạo Hóa Thiên để bái kiến Đức Phật Mẫu, đến Ngọc Hư Cung bái kiến Đức Chí Tôn để cây Cân công bình thiêng liêng của Tòa Tam Giáo cân tội phước.

Phước nhiều thì được phong thưởng bằng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật tương xứng. Nếu tội nhiều thì bị đưa đến cõi Âm Quang, vô Tịnh Tâm Xá mà định tâm tịnh trí xét mình, cầu nguyện Đức Chí Tôn độ rỗi. Tại đây có Thất Nương DTC giáo hóa các nữ tội hồn và Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các nam tội hồn.

3. Đức Chí Tôn cho đóng cửa Địa ngục. Các tội hồn không còn bị hành hình thảm khốc nơi Địa ngục như trước nữa, mà được đưa đến cõi Âm Quang để học Đạo, cầu khẩn Đức Chí Tôn cứu rỗi, chờ ngày tái kiếp trở lại cõi trần để trả cho xong nghiệp quả.

4. Đức Chí Tôn cho mở cửa CLTG để rước những người đầy đủ công đức đắc đạo. Nếu người nào quyết chí tu hành, chỉ trong một kiếp tu cũng có thể đắc đạo. Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại trong CKVT, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng.

Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,

Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương.

(KGO)

5. Những người bị tội Tận đọa Tam đồ bất năng thoát tục hay bị tội Ngũ Lôi tru diệt, cũng nhờ Đại Ân Xá nầy mà được Đức Phật Mẫu huờn lại chơn thần, đặng tái kiếp lập công chuộc tội.

Thời kỳ Đại Ân Xá không phải kéo dài đến thất ức niên (700 000 năm) mà chỉ được giới hạn trong thời gian đầu của thời kỳ Khai Đạo. Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng không tiết lộ cho biết thời kỳ Đại Ân Xá kéo dài trong bao nhiêu năm, nhưng theo sự khảo cứu của chúng tôi, thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn khởi đầu từ năm Khai Đạo (Bính Dần, 1926) cho đến khi Đức Di-Lạc Vương Phật mở Đại Hội LongHoa là chấm dứt, vì đã bước vào một thời kỳ tiến hóa mới của nhơn loại.

Chúng ta hôm nay gặp Đạo Cao Đài, được làm môn đệ của Thượng Đế, là một duyên may ngàn năm một thuở, nếu không mau bước chân vào cửa Đạo lo tu hành, cứ để dần dà ngày tháng trôi qua, có mong chi đắc đạo trở về ngôi vị cũ.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

DTC: Diêu Trì Cung.

CLTG: Cực Lạc Thế giới.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Đại đàn - Tiểu đàn

大壇 - 小壇

A: The great ceremony - The small ceremony.

P: La grande cérémonie - La petite cérémonie.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Đàn: nghĩa đen là cái nền đất đắp cao lên để làm chỗ tế lễ, ở đây Đàn là chỉ sự cúng tế. Tiểu: nhỏ.

Đại đàn là sự cúng tế lớn, với đầy đủ nghi tiết long trọng. Do đó, Đại đàn còn được gọi là Đại lễ.

Tiểu đàn là sự cúng tế nhỏ hơn, với nghi tiết châm chế cho đơn giản ngắn gọn hơn, nên còn gọi là Tiểu lễ. (Xem chi tiết nơi chữ: Nghi tiết Đại đàn và Tiểu đàn, vần Ng)

 

Đại Đạo

大道

A: The great way, the great doctrine.

P: La grande voie, la grande doctrine.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Đạo: con đường, tôn giáo.

"Đạo tức là con đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Đạo thì các bậc ấy mất hết ngôi phẩm." (TNHT)

Đại Đạo là con đường lớn do Đức Chí Tôn Thượng Đế mở ra cho nhơn sanh do theo đó mà tu hành, chắc chắn sẽ được đắc đạo thành Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Khi chiết tự để giải nghĩa hai chữ Đại Đạo theo Hán văn thì hai chữ ấy có ý nghĩa rất cao xa, bao gồm được nhiều mặt thể hiện. (Xem chi tiết nơi chữ: Chiết tự, vần Ch)

Tại sao Đạo Cao Đài xưng là Đại Đạo, còn các tôn giáo khác như Phật giáo, Thiên Chúa giáo không xưng là Đại Đạo?

Đạo Cao Đài rất xứng đáng là một nền Đại Đạo, vì ba lý do kể ra sau đây:

1. Thứ nhứt, Giáo chủ của Đạo Cao Đài là Đấng Thượng Đế, Đấng đã tạo hóa ra CKVT và vạn vật. Đấng ấy là vua của Nhựt, Nguyệt, Tinh, là chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, là Đại Từ Phụ của vạn linh sanh chúng.

2. Thứ nhì, giáo lý của Đạo Cao Đài là nguyên căn của các giáo lý của các tôn giáo, nên nó dung hợp được các giáo lý của Tam giáo và Ngũ Chi, nên Đạo Cao Đài sẽ thành công trong tôn chỉ: Qui nguyên Tam giáo và Phục nhứt Ngũ Chi.

3. Thứ ba, Đạo Cao Đài có nhiệm vụ tận độ 92 ức nguyên nhân và phổ độ chúng sanh trong một thời gian rất dài là thất ức niên, tức 700 000 năm, mà trước đây không có một tôn giáo nào có thời kỳ phổ độ nhơn sanh lâu dài như thế.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

 

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

大道三期普度

A: Third Amnesty of God in the East.
Third Revelation of the Great Way.
The Great Way of Third Universal Salvation.

P: Troisième Amnistie de Dieu en Orient.
Troisièm Révélation de la Grande Voie.
La Grande Voie de Troisième Salvation Universelle.

Đại Đạo: (đã giải ở trên). Tam Kỳ: thời kỳ thứ ba. Phổ Độ: cứu giúp chúng sanh khắp nơi.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một nền Đạo lớn mở ra vào thời kỳ thứ ba để cứu giúp toàn cả chúng sanh nơi cõi trần thoát khỏi khổ cảnh luân hồi mà trở về cõi TLHS.

Khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Đức Chí Tôn xưng danh hiệu là: CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT, nên ĐĐTKPĐ được gọi vắn tắt là Đạo Cao Đài.

Gọi là Đại Đạo bởi vì Đạo Cao Đài là một nền Đạo lớn do Thượng Đế lập nên, bao gồm Tam giáo (Nho, Thích, Lão) và Ngũ Chi (Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo).

Gọi là Tam Kỳ Phổ Độ là vì trước đây đã có hai kỳ phổ độ: Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ.

■ Nhứt Kỳ Phổ Độ mở ra vào thời thượng cổ gồm các tôn giáo: Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo, Đức Brahma Phật mở Đạo Bà La Môn, Đức Thái Thượng Đạo Tổ mở Tiên giáo, vua Phục Hy mở Nho giáo, Đức Moïse mở Thánh giáo ở nước Do Thái gọi là Do Thái giáo, vv...

■ Nhị Kỳ Phổ Độ mở ra vào thời Trung cổ với các tôn giáo: Đức Phật Thích Ca mở Phật giáo ở Ấn Độ, Đức Lão Tử mở Tiên giáo và Đức Khổng Tử mở Nho giáo ở Trung hoa, Đức Chúa Jésus mở Thánh giáo ở nước Do Thái, Đức Mahomét mở Hồi giáo ở nước Á Rập, Đức Khương Thượng cầm Bảng Phong Thần mở ra Thần đạo Trung hoa, vv...

■ Nay là đến thời TKPĐ, ứng với vận hội cuối Hạ nguơn Tam Chuyển bước qua Thượng nguơn Tứ Chuyển, Đức Chí Tôn Thượng Đế không cho mở ra nhiều Đạo như hai thời kỳ phổ độ trước, vì ngày nay Càn khôn dĩ tận thức, Năm châu chung chợ, Bốn biển chung nhà, nên Đức Chí Tôn chỉ mở ra một nền Đại Đạo tại nước Việt Nam bao gồm hết thảy Tam giáo và Ngũ chi, thống nhứt thành một mối, để nhơn loại không còn bị chia rẽ nhau vì khác tôn giáo, hầu tiến đến một xã hội đại đồng.

Đức Chí Tôn cho biết đây là kỳ phổ độ chót, trước khi có Đại Hội Long Hoa là cuộc Phán Xét Cuối Cùng, để tận độ toàn cả chúng sanh, cứu giúp không để sót một ai.

Đức Chí Tôn khẳng định: "Gặp TKPĐ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi."

ĐĐTKPĐ chánh thức mở ra vào ngày Rằm Hạ nguơn năm Bính Dần (1926) và Đức Chí Tôn chọn dân tộc VN, đất nước VN để Khai Đạo, dùng TâyNinh làm Thánh Địa xây dựng các cơ quan trung ương, để từ nơi đây truyềnbá khắp hoàn cầu.

■ Vấn đề: Tại sao có Tam giáo rồi mà Đức Chí Tôn còn mở ĐĐTKPĐ?

Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 22-6-Mậu Dần (1938) giảng giải như sau:

"Do Tam giáo thất chơn truyền, Nho, Thích, Đạo hiện nay đã trở nên phàm giáo. Chư đệ tử trong ba nhà đạo không giữ y luật pháp qui điều, lại canh cải chơn truyền, bày ra các điều giả cuộc làm cho Tam giáo biến thành dị đoan.

Đệ tử nhà Đạo chẳng tùng giáo pháp của Đức Thái Thượng Lão Quân, tuy ở trong nhà Đạo mà dị đoan mê tín.

Đệ tử nhà Thích không thuận theo lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca thì đệ tử nhà Thích dị đoan mê tín.

Đệ tử nhà Nho chẳng thật hành điều mục của Đức Văn Tuyên Khổng Thánh thì đệ tử nhà Nho dị đoan bất chánh.

Tóm lại, hai chữ dị đoan nghĩa là đồ theo không trúng kiểu cái qui giới thể lệ chơn truyền của Tam giáo.

Tiên giáo, Đức Thái Thượng dạy Tam bửu Ngũ Hành, tu tâm luyện tánh, thủ cảm ứng công bình.

Phật giáo, Đức Thích Ca dạy Tam qui Ngũ giới, minh tâm kiến tánh, thật hành bác ái từ bi.

Nho giáo, Đức Khổng Tử dạy Tam cang Ngũ thường, tồn tâm dưỡng tánh, giữ theo hai chữ Trung Hiếu mà làm tiêu chuẩn cho mọi hành vi.

Cả luật pháp khuôn viên điều mục của ba nhà tôn giáo từ buổi sơ khai có đủ phương diện quyền năng dìu đời thống khổ, nhơn sanh trong thời kỳ thượng cổ còn tánh đức biết giữ chơn truyền, chuẩn thằng, qui củ của ba nhà Nho Thích Đạo, làm lành lánh dữ, dưỡng tánh tu tâm, nên mới chung hưởng đời thái bình, an cư lạc nghiệp.

Nay đến đời Hạ nguơn cuối cùng, thế Đạo suy vi, nhơn tâm bất cổ, đạo đức đổi dời, lòng người chẳng giống như xưa, luật Tam cang chẳng giữ, phép Ngũ thường không noi, Tam giáo thất chơn truyền, nhơn tâm biến đổi, bỏ phép công bình, tranh danh trục lợi, cướp giựt hiếp đáp, giết hại lẫn nhau, thành ra một trường náo nhiệt, nên gọi là đời mạt kiếp.

Các vì Giáo chủ ngày xưa tiên tri rằng: Buổi sau nầy, Tam giáo phải qui phàm, nên có để lời trong Sấm truyền:

- Như trong Phật Tông Nguyên Lý, Đức Thích Ca có nói: Lục vạn dư niên Thiên khai Huỳnh đạo.

- Còn Nho giáo, Đức Khổng Tử nói: Mạt hậu Tam Kỳ Thiên khai Huỳnh đạo.

- Đức Chúa Jésus khi bị đóng đinh trên cây Thánh giá có nói tiên tri với các môn đồ rằng: Trong 2000 năm Tận thế, Ta sẽ đến phán xét cho nhơn loại một lần nữa, và Ngài nói: Còn nhiều chuồng chiên, sau Đức Chúa Cha sẽ qui về một mối.

Nay Đức Chí Tôn khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là đúng theo lời Sấm truyền của các vị Giáo chủ ngày xưa.

Chỉ có phương diện là do nơi Tam giáo thất chơn truyền, chính mình Đức Chí Tôn giáng cơ lập Đạo đặng qui nguyên phục nhứt, gọi là chấn hưng Tam giáo lại cho hoàn toàn, lập luật pháp khuôn viên cho phù hạp theo dân trí buổi nầy, mới tìm phương độ rỗi nhơn sanh. Hiệp cả tinh thần của các dân tộc biết nhìn nhau một Cha Chung mà thuận hòa cùng nhau, thật hành chủ nghĩa thương yêu, chung thờ một nền tôn giáo đại đồng, thì nhơn loại mới đặng gội nhuần ân huệ, và đời tranh đấu tự diệt sẽ trở nên đời mỹ tục thuần phong, thì vạn loại mới chung hưởng hòa bình, phục lại đời thượng cổ, là do nơi Thiên thơ tiền định, buổi Hạ nguơn chuyển thế hoán cựu nghinh tân.

Tóm lại, Đức Chí Tôn khai Đạo kỳ ba nầy là thuận theo lẽ tuần hoàn, châu nhi phục thủy."

■ Vấn đề: Từ ngữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đấng nào giáng cơ dạy cho biết lần đầu tiên vào ngày nào và nơi đàn cơ nào?

Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I trang 14, chúng ta nhận thấy Đức Phật Thích Ca giáng cơ dạy về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lần đầu tiên vào ngày 8-4-1926 (âl 26-2-Bính Dần) tại đàn cơ nơi Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc). Bài Thánh ngôn nầy chép ra sau đây:

Thích Ca Mâu Ni Phật giáng cơ:
THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Chuyển Phật Đạo,

Chuyển Phật Pháp,

Chuyển Phật Tăng,

Qui nguyên Đại Đạo.

Tri hồ chư chúng sanh?

Khánh hỷ! Khánh hỷ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ.

Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đại hỷ phát đại tiếu.

Ngã vô lự tam đồ chi khổ.

Khả tùng giáo Ngọc Đế viết Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

(Chú thích: Qui nguyên Đại Đạo: Trở về nguồn gốc là nền Đại Đạo. Tri hồ chư chúng sanh? Chư chúng sanh biết không? Khánh hỷ: Vui mừng. Hội đắc TKPĐ: Hợp được vào TKPĐ. Đại hỷ phát đại tiếu: Mừng lớn phát cười lớn. Ngã vô lự tam đồ chi khổ: Ta không lo cái khổ của ba đường luân hồi đày đọa. Khả tùng giáo Ngọc Đế: Khá nghe theo lời dạy của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế.)

Cũng trong đàn cơ nầy, khi tái cầu, Đức Chí Tôn giáng dạy như sau đây:

CAO ĐÀI

Lịch! Con nghe Phật Như Lai nói chưa?

Tam Kỳ Phổ Độ là gì? là phổ độ lần thứ ba.

Sao gọi là phổ độ? Phổ độ nghĩa là gì?

Phổ là bày ra. Độ là gì? là cứu chúng sanh.

Muốn trọn hai chữ Phổ Độ phải làm thế nào?

Chúng sanh là gì?

Chúng sanh là toàn cả nhơn loại, chớ không phải là lựa chọn một phần người, như ý phàm các con tính rối.

Muốn trọn hai chữ phổ độ phải làm thế nào? Thầy hỏi?

Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa.

Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng 5 nầy về theo Trung đặng đi truyền Đạo. Nghe và tuân theo.

Phải mặc y phục như Trung mà màu hồng.

(Chú thích: Trung: tên của Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt. Lịch: tên của Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.)

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

TKPÐ: Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Đại Đạo Thanh Niên Hội

Giải thích về Đại Đạo Thanh Niên Hội

Nghị Định thành lập Đại Đạo Thanh Niên Hội

Đạo Lịnh thành lập Đại Đạo Thanh Niên Hội

Điều Lệ Đại Đạo Thanh Niên Hội

Nội Quy Đại Đạo Thanh Niên Hội


 

大道青年會

Đại Đạo: (đã giải ở trên). Thanh niên: Tuổi xanh, tuổi trẻ. Hội: Một đoàn thể có tổ chức gồm nhiều người.

Đại Đạo Thanh Niên Hội là tên của một đoàn thể gồm các thanh niên con nhà Đạo Cao Đài, có mục đích huấn luyện các thanh thiếu niên 3 phương diện: đức dục, trí dục và thể dục, để đào tạo thành lớp người trẻ hữu dụng cho Đạo và cho đời.

Khởi thủy vào năm 1963, một nhóm trí thức Cao Đài như quí ông: Kỹ sư Nguyễn Ngọc Hòa, Hạ Chí Khiêm,... xin lập đàn cơ cầu các Đấng dạy đạo. Đức Quyền Giáo Tông thường giáng cơ dạy đạo và có gợi ý với quí ông nên lập một tổ chức để huấn luyện các thanh thiếu niên con nhà Đạo.

Thế là hai vị trên vận động cùng với các giáo viên và học sinh của Đạo Đức Học Đường (ngôi trường của Đạo trong Nội Ô Tòa Thánh ), lập ra Ban Vận Động thành lập Đại Đạo Thanh Niên Hội.

Đức Quyền Giáo Tông, Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Phạm Hộ Pháp thường giáng cơ giúp ý kiến cho Ban Vận Động thảo ra Điều Lệ và Nội Qui hoạt động của Hội.

Khi Bản Điều Lệ và Nội Qui được soạn thảo xong thì Ban Vận Động cầu cơ dâng lên Đức Quyền Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp duyệt xét và được hai Đấng ấy chấp thuận.

Kế đó, Ban Vận Động lập văn thư dâng Bản Điều Lệ và Nội Qui lên cho Hội Thánh HTĐ. Đức Thượng Sanh và Ngài Bảo Thế chấp thuận theo Đạo Lịnh số 038/ĐL ngày 25-5-Ất Tỵ (dl 24-6-1965).

Mặt khác, Ban Vận Động làm đơn gởi lên Chánh phủ quyền Đời xin thành lập Đại Đạo Thanh Niên Hội, được ông Tổng Trưởng Thanh Niên và Thể Thao thời bấy giờ chấp thuận cho phép thành lập theo Nghị Định số 67 ngày 16-3-1965.

Sau đây, xin chép lại Nghị Định và Đạo Lịnh nói trên:

Nghị Định thành lập Đại Đạo Thanh Niên Hội

NGHỊ ĐỊNH số 67-BTNTT/TN9/NĐ ngày 16-3-1965 cho phép Đại Đạo Thanh Niên Hội thành lập và hoạt động trong toàn quốc.

TỔNG TRƯỞNG
THANH NIÊN và THỂ THAO

- Chiếu Hiến chương lâm thời ngày 20-10-1964,

- Chiếu Sắc lịnh số 040/b/QL/SL ngày 16-2-1965 ấn định thành phần Chánh phủ,

- Chiếu Dụ số 10 ngày 6-8-1950 sửa đổi bởi Dụ số 24 ngày 19-11-1952 ấn định Quy chế các Hiệp Hội,

- Chiếu đơn đề ngày 4-11-1964 của ông Lê Minh Khôi và Hạ Chí Khiêm xin cho Đại Đạo Thanh Niên Hội được phép thành lập và hoạt động,

- Chiếu công văn thỏa hiệp của Bộ Nội Vụ số 1784-BNV/KS ngày 9-3-1965,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều thứ 1: Nay cho phép "Đại Đạo Thanh Niên Hội" thành lập và hoạt động trong toàn quốc theo Điều Lệ đính kèm, kể từ ngày ký Nghị Định nầy.

Điều thứ 2: Hội trên đây phải tuân theo những thể lệ hiện hành và quy chế Hiệp Hội.

Điều thứ 3: Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thanh Niên và Thể Thao, Tổng Giám Đốc Thanh Niên và Thể Thao, chiếu nhiệm vụ thi hành Nghị Định nầy.

Sài Gòn, ngày 16 tháng 3 năm 1965.

Tổng Trưởng Bộ Thanh Niên và Thể Thao,
Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Tấn Hồng.
(ấn ký)


 

Đạo Lịnh thành lập Đại Đạo Thanh Niên Hội

 

HIỆP THIÊN ÐÀI

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

Văn Phòng

(Tứ thập niên)

Quyền Chưởng quản

TÒA THÁNH TÂY NINH

-----
Số: 038/ĐL


ĐẠO LỊNH

BẢO THẾ, Quyền Chưởng Quản HTĐ

Chiếu Tân Luật và Pháp Chánh Truyền,

Chiếu Hiến pháp và Nội luật HTĐ ngày 15-2-Nhâm Thân (1932),

Chiếu Hiến pháp HTĐ ngày 8-Giêng-Giáp Thìn (20-2-1964) và Hiến pháp HTĐ bổ túc ngày 27-2-Ất Tỵ (29-3-1965).

Nghĩ vì trào lưu tiến hóa của thanh niên VN đã phát khởi rất mạnh để tiếp sức đàn anh trong việc cứu quốc và kiến quốc,

Nghĩ vì thanh niên trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng phải kịp bước theo trào lưu trên để giúp Đạo trong sự thi hành Thế luật của Đạo cho được tận mỹ,

Nghĩ vì một số thanh niên ưu tú con nhà Đạo đã được Chánh phủ VNCH cho phép lập thành một cơ quan thanh niên, lấy danh hiệu là ĐẠI ĐẠO THANH NIÊN HỘI (Nghị Định của Tổng trưởng Thanh niên và Thể thao số 67/BTNTT/NĐ ngày 16-3-1965).

Nghĩ vì Nội Qui của Đại Đạo Thanh Niên Hội có ấn định một phần lớn trong nhiệm vụ chung là thi hành Thế luật của Đạo dưới quyền chăm nom của Hội Thánh,

Nghĩ vì Hội Thánh đã công nhận Đại Đạo Thanh Niên Hội là một cơ quan của Đạo, do Vi Bằng số 09/VB ngày mùng 6-5-Ất Tỵ (dl 5-6-1965),

Nghĩ vì Ban Chấp Hành Trung ương của Đại Đạo Thanh Niên Hội có cam kết với Hội Thánh không làm chánh trị, không lập cơ bút riêng, và trọn tuân mạng lịnh của Hội Thánh, nên:

ĐẠO LỊNH:

Điều thứ nhứt: Hội Thánh công nhận Đại Đạo Thanh Niên Hội là một cơ quan để tiếp sức với Hội Thánh trong việc thi hành Thế luật của Đạo cho được đắc lực.

Điều thứ nhì: Chức sắc hành quyền Đạo ở trung ương cũng như địa phương phải hết lòng nâng đỡ Đại Đạo Thanh Niên Hội trong nhiệm vụ nói trên.

Điều thứ ba: Chư vị Hiến Pháp chưởng quản Bộ Pháp Chánh, Đầu Sư CTĐ, Chưởng quản Phước Thiện, Nữ Chánh Phối Sư chưởng quản Nữ phái CTĐ, và Nữ Phối Sư chưởng quản Nữ phái Phước Thiện, các tư kỳ phận, lãnh ban hành và thi hành Đạo Lịnh nầy.

Tòa Thánh, ngày 25 tháng 5 Ất Tỵ (dl 24-6-1965).

BẢO THẾ
(ấn ký)

PHÊ KIẾN:

Thượng Sanh Chưởng quản HTĐ
(ấn ký)

 


 

Điều Lệ Đại Đạo Thanh Niên Hội

  • Chương I: Danh hiệu, Trụ sở, Mục đích, Phạm vi, Thời hạn
  • Chương II: Thành phần, Nhiệm vụ, Điều kiện nhập Hội và ra Hội
  • Chương III:

Tổ chức

Kỷ Luật

  • Chương IV: Tài chánh
  • Chương V: Nội Qui, Sửa đổi Điều lệ, Giải tán

 

ĐIỀU LỆ
ĐẠI ĐẠO THANH NIÊN HỘI

Chương I: Danh hiệu, Trụ sở,
Mục đích, Phạm vi, Thời hạn

Điều 1: Nay thành lập trong hàng thanh niên nam nữ Đạo Cao Đài một Hội lấy tên là: Đại Đạo Thanh Niên Hội.

Điều 2: Cơ quan Trung ương đặt tại Tòa Thánh TâyNinh (VN).

Điều 3: Đại Đạo Thanh Niên Hội thành lập nhằm mục đích:

·         Đoàn kết chặt chẽ các từng lớp thanh niên con em của Đạo thành một khối vững chắc để phục vụ Hội Thánh.

·         Gây tình tương thân tương ái, trao đổi văn hóa, kiến thức và kinh nghiệm giữa các đoàn thể thanh niên tôn giáo trên thế giới, thể hiện tình thương vạn loại đúng theo tôn chỉ của ĐĐTKPĐ.

·         Đào tạo nhân tài cho xã hội trên căn bản: Đức, Trí, và Thể dục để bảo đảm hạnh phúc chung cho nhơn loại.

·         Quyết tâm giữ vững nền Tân pháp của ĐĐTKPĐ, bảo vệ tự do tín ngưỡng và tôn trọng các tôn giáo, tiến tới một thế giới đại đồng duy nhứt trong Bảo sanh, Nhânnghĩa, Công bằng.

Hội chủ trương đặt tình yêu nhơn loại lên trên hết và tuyệt đối không tham gia chánh trị.

Điều 4: Hội hoạt động trên toàn lãnh thổ VN và vô kỳ hạn.

Chương II: Thành phần, Nhiệm vụ,
Điều kiện nhập Hội và ra Hội

Điều 5: Thành phần Đại Đạo Thanh Niên Hội gồm có:

1.    Hội viên sáng lập: là những người khởi xướng và đứng ra thành lập Hội.

2.    Hội viên danh dự: là những Chức sắc cao cấp trong Đạo hoặc những nhân sĩ trí thức có uy tín trong xã hội có nhiệt tâm đối với Hội. Các vị nầy sẽ được Ban Chấp Hành Trung Ương mời và loan báo cho toàn thể Hội viên hay.

3.    Hội viên chỉ đạo: là những người được mời giúp ý kiến và hoạch định đường lối cho Hội, là thành phần cốt cán của Hội.

4.    Hội viên ân nghĩa: là những người hảo tâm thiện chí giúp Hội về phương diện tinh thần lẫn vật chất một số vật liệu hoặc tiền bạc trị giá từ 5000 đồng trở lên. Các Hội viên nầy được Ban Chấp Hành Trung ương giới thiệu với Đại Hội.

5.    Hội viên hoạt động: là tất cả Hội viên thiệt thọ của Hội có trách nhiệm trực tiếp về sinh hoạt của Hội.

Điều 6: Nhiệm vụ của Hội viên:

·         Thi hành triệt để Thế luật của Đạo.

·         Trung thành với tôn chỉ, mục đích của Hội.

·         Tôn trọng Điều Lệ và Nội Qui của Hội.

·         Tuân hành chỉ thị của Trung ương đúng theo tinh thần của các quyết nghị của Đại Hội đã ấn định.

·         Gia công khảo cứu và sưu tầm để trau giồi văn hóa, tập luyện thể dục thể thao để kiện toàn bản thân hầu làm tròn bổn phận một tín đồ xứng đáng của đạo giáo, một công dân tốt của đất nước.

·         Kính lão kỉnh trưởng, giúp chư vị Chức sắc Thiên phong của Đại Đạo, cũng như các bậc Đạo đức chơn tu, không phân tôn giáo, chủng tộc, bằng những phương tiện sẵn có.

·         Tham gia các công việc từ thiện của Hội Thánh.

·         Khuyến khích và giúp đỡ lẫn nhau trên đường tu học, thực hiện đại đoàn kết. Giữ niềm hòa ái tương thân, làm cho mọi người hướng về Thượng Đế, nhìn nhận Đấng Cha Chung theo tinh thần đại đồng nhơn loại.

Điều 7: Điều kiện nhập Hội và ra Hội:

Những thanh niên có khuynh hướng đạo đức xã hội từ 18 tuổi trở lên muốn gia nhập Hội:

1.    Phải làm đơn xin gia nhập Hội có 2 Hội viên tiến dẫn và gởi đơn đến Đơn vị trưởng thuộc địa phương.

2.    Đóng tiền nhập Hội và tiền nguyệt liễm.

3.    Lập thệ trước Hội Kỳ tại trụ sở Hội với sự chứng minh của một Đơn vị trưởng từ cấp Quận trở lên.

4.    Hội viên muốn ra Hội phải gởi đơn đến Đơn vị trưởng và thanh toán các món tiền nợ của Hội (nếu có).

5.    Khi Hội viên xin ra khỏi Hội hoặc bị Hội khai trừ, không được đòi lại những khoản tiền đã đóng góp cho Hội.

6.    Hội viên đã xin ra khỏi Hội có thể xin gia nhập trở lại, cũng phải tùng theo thể lệ đã ấn định như một Hội viên mới xin gia nhập Hội.

Điều 8: Những thiếu niên dưới 18 tuổi sẽ được kết nạp vào Đoàn Thiếu Sinh Đại Đạo nếu có sự chấp thuận của cha mẹ mà không phải đóng một món tiền nào vào Hội.

Chương III: Tổ chức

Điều 9: Tổ chức của Đại Đạo Thanh Niên Hội theo hệ thống từ dưới lên trên, gồm có:

·         Phân hội

·         Hương hội

·         Quận hội

·         Tỉnh hội

·         Khu hội

·         Liên Khu hội

·         Bang hội

·         Trung Ương.

Điều 10: Thành phần của mỗi cấp sẽ được qui định rõ trong Bản Nội Qui.

Điều 11:

A. Nhiệm kỳ: Sau khi được Chánh phủ chính thức cho phép thành lập Hội, trong thời hạn tối đa là 6 tháng, các sáng lập viên phải triệu tập Đại Hội để bầu Ban Chấp Hành Trung Ương (BCH TƯ) chính thức.

·         Nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành Trung Ương là 3 năm.

·         Nhiệm kỳ của các cấp khác là 1 năm.

B. Định kỳ:

·         Ban Chấp Hành các cấp họp hằng tháng 1 kỳ.

·         Ban Chấp Hành Trung Ương họp tam cá nguyệt 1 kỳ.

·         Riêng BCH TƯ có thể họp bất thường do Hội Trưởng triệu tập hoặc do 2/3 số nhân viên yêu cầu.

C. Đại Hội:

1.    Mỗi năm vào dịp rằm tháng Giêng (âm lịch) sẽ tổ chức Đại Hội thường niên để tường trình công việc năm qua và hoạch định chương trình hoạt động cho năm tới.

2.    Bầu cử BCH TƯ khi mãn nhiệm kỳ.

3.    Thành phần của Đại Hội gồm có các Hội Viên lãnh đạo các cấp đại diện.

4.    Thủ tục bầu cử và Nghị quyền:

·         Đại Hội chỉ hợp lệ khi có sự hiện diện của 2/3 các đại diện hợp pháp.

·         Trong trường hợp không đủ số nầy, BCH sẽ triệu tập Đại Hội lần thứ hai trong thời hạn 1 tháng và Đại Hội nầy bất cứ bao nhiêu đại diện hợp pháp tham dự cũng đều có giá trị. Bầu cử và Nghị quyết theo thể thức đa số tương đối những đại diện có mặt, hoặc có đại diện hợp pháp.

·         Trường hợp số phiếu tương đương, phải bỏ phiếu lại lần thứ hai.

·         Trong lần bỏ phiếu lần thứ hai, nếu hai số phiếu bằng nhau thì ý kiến của Chủ tọa Hội nghị sẽ có giá trị tuyệt đối.

KỶ LUẬT

Điều 12:

A- Tưởng thưởng: Sau 5 năm làm Hội viên không gián đoạn công nghiệp và có đủ điều kiện về:

·         Phương diện hạnh đức,

·         Trình độ học thức,

·         Tinh thần phục vụ,

·         Trên 25 tuổi,

Sẽ được Hội Thánh chọn cho cầu phong lên Lễ Sanh. Do đề nghị của vị Lãnh đạo. Chư vị Tân Lễ Sanh nầy sẽ làm cán bộ ưu tú để dạy lại đàn em. Sau 3 năm làm cán bộ sẽ được Hội Thánh bổ nhiệm hành đạo địa phương.

B- Trừng phạt: Những Hội viên không tuân hành đúng theo quyết nghị của Trung ương và hành động có phương hại đến danh nghĩa Hội, tùy trường hợp phải chịu kỷ luật sau đây:

·         Phê bình, - Cảnh cáo, - Quì hương,

·         Khai trừ có thời hạn, - Khai trừ vĩnh viễn.

Điều 13: Hội Đồng Kỷ Luật gồm:

·         Hội Trưởng,

·         3 Phó Hội Trưởng,

·         Tổng Thơ Ký,

·         2 Kiểm Soát Viên tham dự.

Hội Trưởng: Chủ tọa phiên họp và nghị quyết trừng phạt (theo các Qui luật của Hội).

Đệ I Phó Hội Trưởng: Giữ quyền buộc tội Hội viên phạm kỷ luật của Hội.

Đệ II Phó Hội Trưởng: Đứng ra biện hộ cho Hội viên phạm kỷ luật của Hội.

Đệ III Phó Hội Trưởng: Tuyên đọc bản phạm kỷ luật trạng của Hội viên phạm kỷ luật (nêu rõ điều khoản).

2 Kiểm Soát Viên: (Tham gia ý kiến và chứng kiến).

Trong trường hợp một trong những Hội viên chỉ đạo phạm kỷ luật, sẽ do Đại Hội họp Hội Đồng Kỷ Luật xét xử dưới sự chứng kiến của Hội Thánh.

Tổng Thơ Ký: là thuyết trình viên và có phận sự ghi chép các phiên xử.

Chương IV: Tài chánh

Điều 14: Tài chánh của Hội gồm có:

·         Tiền gia nhập Hội và tiền niên liễm của Hội viên.

·         Tiền do các Hội viên ân nghĩa giúp.

·         Nguồn lợi hợp pháp do hoạt động của Hội tạo nên.

·         Động sản, bất động sản hiện hữu và đang được tạo mãi do nhu cầu của Hội có Ban Chấp Hành đứng tên.

Điều 15: Chi thu:

a)    Tiền gia nhập Hội và tiền niên liễm của Hội do Thủ quỹ thâu.

b)    Thủ quỹ chỉ giữ được tối đa 10.000 $, ngoài ra sẽ đưa gởi ở Ngân khố hoặc Hộ Viện Hội Thánh.

c)    Thủ quỹ chỉ được quyền chi tới 1.000 $ mỗi lần trong một công việc và không được chi quá 3 lần trong 1 tháng. Trên 5.000 $ đến 10.000 $ phải có chữ ký của Hội Trưởng. Từ 10.000 $ trở lên, phải do toàn Ban Chấp Hành ấn định. Nếu công việc chi không ở trong chương trình của Đại Hội quyết định thì phải chờ tới Đại Hội kỳ sau để lấy quyết nghị.

d)    Tiền niên liễm sẽ đóng từng tam cá nguyệt vào khoảng từ 1 đến 10 ngày của tháng đầu tam cá nguyệt.

Tiền nhập Hội đóng một lần ngay khi làm Lễ Nhập Hội.

Chương V: Nội Qui,
Sửa đổi Điều lệ, Giải tán

Điều 16: Nội Qui:

a)    Bản Nội Qui của Hội do một Ủy Ban nghiên cứu và soạn thảo, được Đại Hội chấp thuận.

b)    Chỉ Đại Hội mới có quyền quyết định sửa đổi Điều lệ.

c)    Hội có thể bị giải tán khi hội đủ các điềukiện sau đây:

·         Do quyết nghị của Hội Thánh.

·         Do quyết nghị của 2/3 tổng số Hội viên.

·         Do quyết định của Chánh quyền.

Trong trường hợp Hội giải tán, tài sản của Hội sẽ giao cho Cơ Quan Phước Thiện của Hội Thánh.

Làm tại Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 8 tháng 4 Giáp Thìn.

(dl 19-5-1964)

T.M. BAN CHẤP HÀNH

Hội Trưởng

Lễ Sanh Ngọc Hòa Thanh

(Kỹ sư Nguyễn Ngọc Hòa)


Nội Quy Đại Đạo Thanh Niên Hội 

  • Chương I: Hệ thống Tổ chức
  • Chương II:
  • Chương III: Tài chánh
  • Chương IV: Phù hiệu, Đồng phục, Lối chào, Khẩu hiệu, Hội kỳ, Con dấu

NỘI QUY

CHƯƠNG I: Hệ thống Tổ chức

Điều 1: Đơn vị căn bản của Đại Đạo Thanh Niên Hội là Phân Hội gồm 12 thanh niên nam hoặc 12 thanh nữ Đạo riêng biệt hợp lại thành một Phân Hội, dưới sự điều khiển của một Phân Hội trưởng và một Thư ký do trong 12 người tự chọn bầu ra.

Điều 2: Hương Hội: Số Phân Hội trong một xã họp thành một Hương Hội. Các Phân Hội trưởng và Thư ký sẽ bầu ra:

·         1 Hương Hội trưởng,

·         1 Hương Hội phó,

·         1 Thư ký,

·         1 Thủ quỹ.

Điều 3: Quận Hội: Số Hương hội trong một Quận họp thành Quận Hội. Các Hương Hội trưởng và Hương Hội phó sẽ bầu lên một Ban Chấp Hành (BCH) gồm có:

·         1 Hội trưởng,

·         1 Phó Hội trưởng,

·         1 Thư ký,

·         1 Thủ quỹ,

·         1 hoặc nhiều Ủy viên tùy nhu cầu của Hội.

Điều 4: Tỉnh Hội: Số Quận Hội trong một tỉnh họp thành Tỉnh Hội. Các BCH Quận Hội sẽ bầu lên BCH Tỉnh Hội gồm có:

·         1 Hội trưởng,

·         1 Phó Hội trưởng,

·         1 Thư ký,

·         1 Thủ quỹ,

·         1 hoặc nhiều Ủy viên tùy nhu cầu của Hội.

Điều 5: Khu Hội: Số Tỉnh Hội trong một khu họp thành Khu Hội. Các BCH Tỉnh Hội sẽ bầu BCH Khu Hội, gồm có:

·         1 Hội trưởng,

·         1 Phó Hội trưởng,

·         1 Thư ký,

·         1 Thủ quỹ,

·         1 hoặc nhiều Ủy viên tùy nhu cầu của Hội.

Điều 6: Liên Khu Hội: Số Khu Hội trong một Miền họp thành Liên Khu Hội. Các BCH Khu Hội sẽ bầu BCH Liên Khu Hội gồm có:

·         1 Hội trưởng,

·         1 Phó Hội trưởng,

·         1 Thư ký,

·         1 Thủ quỹ,

·         1 hoặc nhiều Ủy viên tùy nhu cầu của Hội.

Điều 7: Bang Hội: Số Liên Khu Hội trong một quốc gia họp thành một Bang Hội. Các BCH Liên Khu Hội sẽ bầu lên BCH Bang Hội, gồm có:

·         1 Hội trưởng,

·         1 Phó Hội trưởng,

·         1 Thư ký,

·         1 Thủ quỹ,

·         1 hoặc nhiều Ủy viên tùy nhu cầu của Bang Hội.

Điều 8: Ban Chấp Hành Trung Ương (BCH TƯ):

BCH TƯ sẽ do Đại Hội bầu lên trong số các Hội viên lãnh đạo cấp tỉnh trở lên.

a. Thành phần của BCH TƯ gồm có:

·         1 Hội trưởng

·         3 Phó Hội trưởng

·         1 Tổng Thư Ký

·         3 Thư Ký

·         1 Thủ quỹ

·         1 Phó Thủ quỹ

·         3 Ủy viên Kiểm Soát

·         5 Ủy viên đặc trách.

b. Quyền hạn và nhiệm vụ:

* Hội Trưởng: Đại diện cho Hội, điều khiển BCH và điều hành các chương trình hoạt động của Hội, kiểm soát và phụ trách việc thi hành các quy điều của Hội.

·         Triệu tập các buổi họp của BCH và chủ tọa các phiên Đại Hội.

·         Thay mặt Hội với Hội Thánh và Chánh quyền hay tư nhân trong các trường hợp liên hệ đến quyền lợi của Hội.

·         Xuất phát khi đã đồng ý với BCH.

* Đệ nhứt Phó Hội Trưởng: Phụ tá và thay thế Hội Trưởng khi vắng mặt.

* Đệ nhị Phó Hội Trưởng: Phụ trách Nội Vụ.

* Đệ tam Phó Hội Trưởng: Phụ trách Ngoại Vụ.

* Tổng Thư Ký: Phụ trách văn thư.

·         Lập Biên bản các buổi họp của BCH và Đại Hội.

·         Thay mặt BCH mời nhóm họp.

·         Đảm nhiệm việc pháthành các tài liệu sáchbáo của Hội.

·         Xử Lý Thường Vụ khi Chánh Phó Hội Trưởng vắng mặt.

* Thư Ký: Phụ tá và thay thế TổngThư Ký khi vắng mặt.

* Thủ quỹ: Thâu nguyệt liễm và các khoản thâu khác của Hội và ký phát biên lai khi nhận.

·         Sổ Biên lai do Tổng Thư Ký đánh số và ký tên.

·         Ghi các khoản xuất của Hội theo các chứng thư của Hội Trưởng chuẩn xuất.

·         Trình sổ sách lên BCH trong các phiên nhóm khi cần đến.

·         Chịu trách nhiệm về kế toán.

·         Trình kết toán các khoản chi thu hằng niên lên Đại Hội có sự kiểm nhận của một Ủy viên Kiểm soát.

* Ủy viên Kiểm soát: Kiểm tra đôn đốc giúp ý kiến cho BCH, minh tra các công việc của BCH giao phó.

* Ủy Viên đặc trách:

1. Văn Hóa và Xã hội: Phụ trách Tuyên Nghiên Huấn cho Hội như: Soạn sách báo và Giáo lý, sưu tầm sáng tác văn nghệ, thực hiện các công tác xã hội theo chương trình của Hội, phối hợp với cơ quan Phước Thiện của Hội Thánh để cải thiện sanh hoạt cho đồng đạo và Hội viên.

2. Kinh Tế và Tài Chánh: Lo tiếp tế, vận chuyển và gây quỹ cho Hội, tạo tác các ngành kinh tế do Hội Thánh hoạch định, gìn giữ tài sản của Hội, báo cáo tình hình tài chánh cũng như các ngành hoạt động kinh tế hằng tháng lên BCH.

3. Kế hoạch và Tổ chức: Nghiên cứu đặt kế hoạch và tổ chức các chương trình để thực hiện đường lối của Hội.

4. Văn nghệ, Thể thao và Khánh tiết: Lo phần tiếp tân trong các kỳ họp hay Đại Hội. Sắp đặt trang hoàng mỗi kỳ lễ của Hội tổ chức bất thường hoặc thường kỳ, lo tổ chức chương trình sinh hoạt vui trẻ của Hội (Thể thao, Văn nghệ, Cấm trại, vv...)

5. Đặc nhiệm: Theo dõi tinh thần và hoạt động chung của Hội, có nhiệm vu lo lắng bảo vệ Hội.

Điều 9: Mỗi Ủy viên Đặc trách có quyền chọn 1 hay 2 phụ tá tùy theo nhu cầu.

Điều 10: Nhiệm kỳ:

·         Nhiệm kỳ của BCH TƯ là 3 năm.

·         Nhiệm kỳ của BCH các cấp là 1 năm.

CHƯƠNG II:

Điều 11: Tại các cấp Trung Ương, Bang Hội, Liên Khu Hội, Khu Hội, Tỉnh Hội, Quận Hội sẽ có các Ủy Ban đặc trách:

a)    Văn hóa và Xã hội.

b)    Kinh tế và Tài chánh.

c)    Tổ chức và Kế hoạch.

d)    Văn nghệ, Thể thao và Khánh tiết.

e)    Đặc nhiệm.

Điều 12: Hội viên được bầu vào thành phần lãnh đạo các cấp, phải chịu thụ huấn ở các khóa huấn luyện của Trung Ương tổ chức trước khi ra hành sự.

CHƯƠNG III: Tài chánh

Điều 13:

a. Tiền gia nhập: Khi gia nhập ĐĐTNH, mỗi Hội viên phải đóng một số tiền là 15 đồng.

b. Tiền niên liễm Hội viên phải đóng là 24 đồng, có thể đóng phân từng tam cá nguyệt. Mỗi khi đóng tiền gì cho Hội phải nhận một biên lai của Thủ quỹ phát.

Điều 14: Sự phân phối sẽ do một Tiểu ban soạn thảo hằng năm và đệ trình trước Đại Hội để lấy quyết nghị.

Điều 15: Kiểm soát:

·         Phải có Sổ Tài chánh của từng BCH các cấp.

·         Chi thu phải có chứng thư hợp lệ (có kèm chữ ký của Đơn vị trưởng nếu ở các cấp và Hội Trưởng nếu ở trung ương).

·         Sổ chi thu phải cập nhựt và phải trình lên BCH hằng tháng.

Điều 16: Thành phần và tổ chức của Đoàn Thiếu Sinh Đại Đạo sẽ do cuộc Đại Hội đầu tiên của ĐĐTNH nghị quyết.

CHƯƠNG IV: Phù hiệu, Đồng phục,
Lối chào, Khẩu hiệu, Hội kỳ, Con dấu

Điều 17:

a. Phù hiệu Hội viên làm bằng kim loại hình tròn, đường kính 1 cm 80, nền xanh thẩm, chính giữa có 3 vòng Tam Thanh.

b. Đồng phục ĐĐTNH qui định như sau:

·         NAM: Áo chemise trắng, tay ngắn, cà vạt xanh, mũ trắng, quần dài nâu, giày bố trắng loại thể thao.

·         NỮ: Áo chemise trắng tay dài, cà vạt nâu, mũ trắng, váy nâu, giày bố trắng loại thể thao.

Điều 18: Lối chào: Lối chào của ĐĐTNH qui định như sau:

·         Cánh tay phải đưa lên ngang vai.

·         Ngón cái họp với ngón trỏ thành một vòng tròn (vòng vô vi), 3 ngón tay còn lại để thẳng và khép kín lại (tất cả tượng trưng 3 vòng vô vi), đầu ngón giữa để ngang màng tang, lòng bàn tay đưa nghiêng về phía trước.

Điều 19: Nghi thức lập thệ và khẩu hiệu:

·         Lập thệ vào Hội, Hội viên sẽ chịu lễ Nhập Hội và tuyên thệ trung thành với tôn chỉ mục đích và triệt để tôn trọng Nội qui của Hội trước Hội Kỳ và Bàn thờ Chí Tôn, có một Đơn vị trưởng từ cấp Quận trở lên chứng kiến.

·         Sau khi lập thệ, Hội viên mới được công nhận chính thức và được cấp thẻ Hội viên có chữ ký của Hội Trưởng Ban Chấp Hành Trung Ương.

·         Khẩu hiệu: "Quyết Tâm" "Đoàn Kết"

Điều 20: Hội Kỳ: Hội Kỳ hình chữ nhựt, kích thước theo tỉ lệ 2/3, nền xanh thẩm, tua trắng, góc trên cán cờ có 3 vòng Tam Thanh (vàng, xanh, đỏ) chiếm 1/3 bề rộng, trên nền xanh còn lại có hình Thất Tinh (ngôi sao Bắc đẩu đứng trên).

Điều 21: Con dấu của Hội: Con dấu của Hội hình tròn, đường kính 4 cm, ở giữa có 3 vòng tròn tượng trưng cho 3 vòng Tam Thanh, về phía dưới con dấu có ghi tên:

Hương Hội, Quận Hội, Tỉnh Hội,

Khu Hội, Liên Khu Hội, Bang Hội,

Trung Ương.

Ý nghĩa Hội Kỳ:

Nền cờ xanh tượng trưng cho tuổi trẻ, cho sự tiến hóa, màu thanh bình hạnh phúc cho nhơn loại.

Viền trắng, màu trắng chỉ sự trong sạch tinh khiết.

Ba vòng vô vi tượng trưng Tam giáo: Nho, Thích, Đạo, trong sự hợp nhứt hay sự đoàn kết đại đồng tôn giáo đúng như chủ trương Tam giáo qui nhứt của nền ĐĐTKPĐ.

Ngôi sao Bắc đẩu: Trung tâm của vũ trụ, định hướng cho vạn vật, noi theo đó để tiến hóa.

(Tài liệu về ĐĐTNH của Ông Hạ Chí Khiêm)

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Đại đăng khoa - Tiểu đăng khoa

大登科 - 小登科

A: Laureate at Pre-Court competitive examination. - Wedding.

P: Lauréat au grand concours - Mariage.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Đăng: ghi tên vào sổ. Khoa: kỳ thi.

Đại đăng khoa là thi đậu khoa thi lớn, đậu Trạng Nguyên.

Hồi xưa, thi đậu Đại khoa là thi đậu kỳ thi Hội và thi Đình trước đền vua, người thi đậu được gọi là Trạng Nguyên hoặc Tiến Sĩ, được vua trọng dụng, bổ làm quan.

Tiểu đăng khoa là thi đậu khoa nhỏ, ý nói cưới vợ.

Thuở xưa, việc thi đậu và việc cưới vợ gần như liên tiếp gắn liền với nhau, vì thi đậu Trạng Nguyên thì được nên danh phận, rồi có nhiều gia đình quyền quí kêu gả con gái cho. Do đó, người xưa xem việc thi đậu Trạng là đậu lớn (Đại đăng khoa), cưới vợ là đậu nhỏ (Tiểu đăng khoa).

 

Đại điện

大殿

A: The principal palace.

P: Le Palais principal.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Điện: cung điện của vua hoặc nơi trang trọng để thờ chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Đại điện còn được gọi là Chánh điện, Bửu điện là nơi tôn nghiêm nhất trong Thánh Thất để thiết lập Thiên Nhãn thờ Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng.

Nơi đặt Thiên Nhãn thờ Đức Chí Tôn được gọi là BQĐ.

Trước BQĐ, chỗ nhơn sanh quì cúng, là CTĐ.

Sau CTĐ, nơi đặt tượng chữ Khí là HTĐ.

TL: Điều 10: Mỗi Thánh Thất từ đây phải lập Minh thệ. Còn ai mới vô Đạo, nội ngày đem tên vào sổ, phải đứng giữa đại điện thề liền.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

TL: Điều 10: Tân Luật: Điều 10.

 

Đại đồng

大同

A: The universal fraternity (concord).

P: La fraternité (concorde) universelle.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Đồng: cùng chung.

Đại đồng là cả thế giới chung một nhà, không phân biệt quốc gia hay chủng tộc.

Xã hội đại đồng là một xã hội trong đó khắp mọi nơi đều hòa bình, an lạc, mọi người đều bình đẳng, không còn phân biệt chủng tộc, quốc gia, xem nhau như anh em một nhà.

Đó là một xã hội thái bình an lạc lý tưởng, là đời Thượng nguơn Thánh đức, mà nhơn loại đều mong ước.

Trong Kinh Lễ, Đức Khổng Tử nói về xã hội đại đồng như sau:

"Ở thời đại đạo thực hành thì thiên hạ là của chung, người ta chọn kẻ hiền năng, giảng điều xác thực, thực hiện trên thuận dưới hòa. Cho nên, người ta không chỉ thương kính riêng cha mẹ mình, không riêng yêu con mình. Kẻ già được nuôi dưỡng trọn đời, người trẻ được sử dụng, trẻ con được săn sóc đến trưởng thành, người ta thương kẻ góa, con côi, người già cô độc, người tàn tật được châu cấp, con trai có chức phận, con gái có chồng con. Người ta ghét thấy của cải bỏ phí trên đất mà lượm lên, chứ không chủ ý giấu giếm trong mình, ghét sự không dùng sức mình (tức không chịu ngồi không) nên làm việc chứ không chủ ý lo lợi riêng cho mình. Vì vậy mà cơ mưu phải bế tắc, kẻ trộm cắp, người làm loạn làm giặc không nổi lên, cho nên cửa ngõ không cần đóng. Đó là thời đại đồng.

Nay đại đạo đã bỏ, người ta lấy thiên hạ làm của riêng, ai nấy đều riêng thân cha mẹ mình, đều riêng yêu con mình, cho của cải và sức lực là riêng của mình, vua quan thì cha truyền con nối, quốc gia thì lấy thành quách hào trì mà giữ vững, lấy lễ nghĩa làm kỷ cương, làm cho chính cái nghĩa vua tôi, hậu cái tình cha con, thuận cái tình anh em, hòa cái đạo vợ chồng, đặt chế độ, lập điền lý, tôn trọng kẻ trí dũng, lập công khởi sự riêng cho mình. Cho nên, sự dùng mưu chước mới sanh ra việc chiến tranh do đó khởi lên.

Vua Vũ, vua Thang, vua Văn, vua Võ, Thành Vương, Chu Công, bởi đó mà được chọn là bậc hơn cả. Sáu bậc quân tử ấy chưa từng không cẩn thận ở lễ. Lễ là để làm cho rõ cái nghĩa, thành điều tín, rõ người có lỗi, lấy nhân làm phép, giảng điều tôn nhượng, bảo dân theo phép thường. Nhưng có ai không theo những điều ấy, thì dẫu có thế vị, chúng nhân cho là họa ác, bắt tội mà truất bỏ đi. Ấy là đời Tiểu khang."

Như vậy, theo ý của Đức Khổng Tử, thời Tam Vương: nhà Hạ, nhà Thương, nhà Châu, không phải là thời đại đồng, mà chỉ là thời Tiểu khang; còn thời Ngũ Đế: Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế, Nghiêu, Thuấn mới thật là thời Đại đồng.

Từ xưa cho tới nay, đã có nhiều nhà đạo đức, nhiều triết gia, nêu ra nhiều học thuyết để thực hiện đưa đến một thế giới Đại đồng, nhưng tất cả đều không đạt được, vì con người còn có lòng tham lam ích kỷ. Chính cái tham lam ích kỷ đó khiến con người có nhiều dục vọng, nên gây ra biết bao nhiêu tai họa cho loài người.

Muốn tiến tới xã hội đại đồng thì phải có những con người hoàn toàn mới (Tân dân) có hai phẩm chất căn bản là: Bác ái và Công bình.

Bác ái là thương người thương khắp chúng sanh, luôn luôn muốn giúp đỡ chúng sanh, xem nhau như anh em một nhà, vì tất cả đều là con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

Công bình là nguyên tắc căn bản từ ngàn xưa để lại là: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân", nghĩa là: Điều nào mình không muốn thì đừng làm cho người.

Chỉ có Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, với quyền pháp tuyệt đối của Ngài, mới có thể thực hiện cho loài người một xã hội đại đồng.

Trước nhứt, Đức Chí Tôn mở ĐĐTKPĐ với tôn chỉ qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ chi, để thống nhứt tín ngưỡng của nhơn loại, đồng nhìn nhận Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu là hai Đấng Cha Mẹ Chung thiêng liêng của toàn nhơn loại.

Đức Chí Tôn lập ra một trường thi công quả để tuyển lựa những người đầy đủ bác ái và công bình, đúng theo Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước. Những người nầy sẽ được Đức Di-Lạc Vương Phật chấm đậu và cho tham dự Đại Hội Long Hoa.

Những người không đủ bác ái và công bình thì bị rớt, tức là thể xác của họ bị tiêu diệt và linh hồn của họ phải chờ đợi một thời gian dài để sau đó nhập vào một chu trình tiến hóa mới sau Đại Hội Long Hoa.

Chừng đó, trên thế giới chỉ còn lại những người bác ái và công bình. Đó là những Tân dân có đầy đủ đức tánh để thành lập một xã hội đại đồng đúng nghĩa.

Chính đó cũng là đời Thượng nguơn Thánh đức, khởi đầu một kỷ nguyên mới là kỷ nguyên Thượng nguơn của Đệ tứ Chuyển trên quả địa cầu 68 nầy.

KTP:

Muốn cho thiên hạ đại đồng,
Lấy câu Cứu Khổ dụ lòng thương sanh.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ PhổÐộ.
KTP:
Kinh Thuyết Pháp.

 

Đại đồng xã

大同社

A: The great terrace of universal fraternity.

P: La grande terrace de la fraternité universelle.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Đồng: cùng chung. Xã: nơi tế lễ. Đại đồng: (Xem giải nghĩa ở trên).

Đại đồng xã là tên của một cái sân rộng lớn, nằm ngay phía trước Tòa Thánh, giữa hai cụm rừng Thiên nhiên, dùng làm nơi tổ chức các buổi lễ lớn trong Đạo Cao Đài.

Hai bên Đại đồng xã là hai khán đài lớn, xây dựng kiên cố, ẩn dưới tàn các cây cổ thụ nơi bìa rừng Thiên nhiên.

Giữa Đại đồng xã có: (từ Tòa Thánh kể ra)

■ Một cây cột phướn hình vuông rất cao, có treo lá phướn ĐĐTKPĐ dài 12 thước mỗi khi có lễ vía hay đàn lệ.

■ Một cây Bồ đề do Hội Phật giáo Tích Lan trao tặng, lấy giống từ cây Bồ đề ở Ấn Độ mà khi xưa, Đức Phật Thích Ca ngồi thiền định đắc đạo.

■ Một đài tám cạnh có 9 bực cao, sơn ba màu đạo, được gọi là Cửu Trùng Thiên, dùng làm nơi đặt liên đài của Chứcsắc Đại Thiênphong hàng Tiên vị để tế lễ và đưa đi nhập bửu tháp.

■ Tượng Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta cỡi bạch mã Kiền trắc và người hầu là ông Xa-Nặc vượt hoàng cung, đi vào rừng tìm nơi thanh vắng tu hành.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Đại giác

大覺

A: The great enlightened: Buddha.

P: Le grand illuminé: Bouddha.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Giác: biết rõ, giác ngộ.

Đại giác là bậc giác ngộ lớn, giác ngộ hoàn toàn. Ấy là bực Phật, vì chỉ có Phật mới giác ngộ hoàn toàn, viên mãn.

Bực Thánh (A-La-Hán) đạt được sự tự giác nhưng chưa giác tha, tức là tự độ chớ chưa độ tha.

Bực Bồ Tát thì vừa tự giác vừa giác tha, nhưng sự giác ngộ ấy chưa đạt đến chỗ hoàn toàn.

Bực Phật thì tự giác và giác tha viên mãn, nên Phật được gọi là bực Đại giác.

Tiếng Phạn: Bouddha dịch ra Hán văn là Đại giác.

CG PCT: Dầu cho bậc trí thức nhơn sanh đặng tấn hóa lên tới bậc Đại giác đi nữa, cũng chưa hề có phương thế hé trọn vẹn màn bí mật ấy.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

Đại hạnh

大幸

A: The good chance.

P: La bonne chance.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Hạnh: may mắn.

Đại hạnh là điều may mắn lớn.

TNHT: Đại hạnh cho địa cầu 68 nầy!

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đại hỷ phát đại tiếu

大喜發大笑

A: The great joy.

P: La grande joie.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Hỷ: mừng. Phát: đưa ra. Tiếu: cười.

Đại hỷ phát đại tiếu là vui mừng lớn nên phát cười lớn.

Đó là trạng thái một người gặp việc quá vui mừng.

TNHT: Khánh hỷ! Khánh hỷ! Hội đắc TKPĐ: chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đại hỷ phát đại tiếu.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

TKPÐ: Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Đại hóa

大化

A: The great transformation.

P: La grande transformation.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Hóa: thay đổi, biến đổi.

Đại hóa là cuộc biến đổi rộng lớn khắp CKVT.

KNHTĐ: Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

KNHTĐ: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

 

Đại hồi - Tiểu hồi

大回 - 小回

A: The Ego - The Monad.

P: L'Égo - La Monade.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Hồi: lớp, cấp lớp. Tiểu: nhỏ.

Đại hồi là cấp lớp lớn, cao, ý nói nhơn loại.

Tiểu hồi là cấp lớp nhỏ, thấp, chỉ loài thú cầm.

(Xem chi tiết nơi chữ: Tiểu hồi, vần T)

 

Đại Hội Phước Thiện

大會福善

A: The General Assembly of Charitable Body.

P: L'Assemblée Générale du Corps de Charité.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Hội: tụ họp. Phước Thiện: CQPT của Đạo.

Đại Hội Phước Thiện là một Hội nghị lớn gồm đủ các phẩm Chức sắc của CQPT để giải quyết tất cả những vần đề Đạo sự của CQPT.

Theo Đạo luật năm Mậu Dần (1938), thể lệ Đại Hội PT qui định như sau đây:

1. Mỗi năm, sau ngày Hội Quyền Vạn linh có Đại Hội PT một lần.

2. Về phần tuyển chọn Phái viên của hạng Minh đức, Tân dân, và Thính Thiện, tức là hạng mới xin làm công quả học thiện, theo thiện và nghe thiện. Mỗi Quận đạo nào có lập cơ sở Lương điền, Công nghệ, Thương mãi thuộc PT thì từ 1 đến 500 người hiến thân công quả đặng cử 1 vị Phái viên ra thay mặt; từ 501 tới 1000 thì công cử 2 vị, y theo thể lệ chọn Phái viên của Hội Nhơn Sanh.

3. Về phần công cử Nghị viên của hạng Hành Thiện tức là hạng Chủ sở và Chức việc Bàn Cai Quản nhà sở PT chánh. Mỗi Quận đạo nào có lập cơ sở Lương điền, Công nghệ, Thương mãi thuộc PT thì cả Chủ sở nơi ấy và Chức việc Bàn Cai Quản hiệp nhau công cử Nghị viên.

a)    Cả Chủ sở Lương điền, Công nghệ, Thương mãi thì đặng chọn cử 1 vị thay mặt.

b)    Cả Chức việc Bàn Cai Quản nhà sở PT chánh thì đặng chọn cử ra 1 vị thay mặt.

Nghị viên và Phái viên hiệp lại gọi là Ban Ủy Viên thay mặt cho toàn PT nơi mỗi Quận đạo.

4. Người đắc cử phải là hạng trường trai, có tánh đức tốt mới xứng là người thay mặt cho PT.

5. Khi được tuyển chọn rồi, Đầu Quận đạo phải giao cho người đắc cử ấy Tờ Kiết Chứng y như kiểu nhứt định của Hội Thánh.

6. Lúc về Tòa Thánh dự Hội thì phải trình Tờ Kiết Chứng ấy mới đặng vào dự Hội.

7. Cuộc chọn cử Ban Ủy Viên thay mặt cho toàn PT nơi mỗi Quận đạo thì phải có mặt vị Giáo Thiện Đầu Quận đạo PT làm chủ tọa.

8. Ban Ủy Viên phải có mặt tại Tòa Thánh trước ngày dự Hội ít nữa là 5 ngày.

9. Còn phần Chức sắc chánh danh PT Nam Nữ từ Giáo Thiện đổ lên đều có quyền đến dự Đại Hội toàn PT.

Như vậy, Đại Hội PT gồm 3 thành phần:

·         Tất cả Phái viên (đại diện 3 phẩm: Minh Đức, Tân Dân, Thính Thiện).

·         Tất cả Nghị viên (đại diện phẩm Hành Thiện).

·         Tất cả Chức sắc PT ở các phẩm: Giáo Thiện, Chí Thiện, Đạo Nhơn, Chơn Nhơn.

Nhiệm kỳ của Phái viên và Nghị viên là 3 năm. Sau 3 năm thì bầu cử lại.

Đại Hội PT gồm toàn cả hai phái Nam và Nữ.

Chủ Tọa Đại Hội PT:

·         Chưởng Quản PT Nam phái làm Nghị Trưởng.

·         Chưởng Quản PT Nữ phái làm Phó Nghị Trưởng.

Trong khi họp Đại Hội Phước Thiện, phải có một hoặc nhiều vị Chức sắc HTĐ do Bộ Pháp Chánh cử đến chứng kiến Đại Hội PT và bảo thủ luật pháp chơn truyền của Đạo không cho phạm đến.

Nhiệm vụ của Đại Hội PT:

■ Kiểm soát tất cả các hoạt động của CQPT trong một năm hoạt động từ địa phương đến Trung ương, nhứt là đối với Cửu Viện PT nam và nữ, cùng các Ban trực thuộc để nhận xét về ưu khuyết điểm.

■ Định hướng hoạt động cho năm tới.

■ Xem xét và biểu quyết việc cầu phong và cầu thăng của các phẩm Chức sắc PT để dâng lên Đức Phạm Hộ Pháp quyết định.

Ngày 15-12-Bính Tuất (1946) là ngày khai mạc Đại Hội PT, Đức Phạm Hộ Pháp đến khai hội và ban lời giáo huấn, xin chép ra sau đây:

"Ngày nay nhóm Đại Hội PT cũng là một Hội trong Quyền Vạn linh, Bần đạo cần giải rõ nhiệm vụ rất trọng yếu của PT cho Chức sắc, chư Phái viên và Nghị viên được hiểu.

Từ thử, Thiên phong Nam Nữ PT chỉ hiểu mảy may cái trách nhiệm tối cao tối trọng của mình chớ chưa hiểu cùng tột. Bởi cớ cho nên nhiều người không hiểu phận sự, hành đạo không đúng chơn truyền, sái hẳn giá trị của CQPT, việc làm của chư vị không ra gì hết, thành thử CQPT chưa có kết quả chi, lại còn theo lối giành giựt nhau.

Hội Thánh có hai cơ quan: Hành Chánh và Phước Thiện, thường tương khắc nhau, song chưa tìm chơn lý để hòa nhau. Ngày nào chưa hòa nhau là còn thất sách, bất lực, thì không thi thố phận sự trọng yếu cho ra thiệt tướng được.

Mấy em cũng dư biết, Đạo Cao Đài sản xuất do một chơn lý tối cao tối trọng, nên đời buổi nầy khao khát đợi chờ như hạn trông mưa, những kẻ tội tình trong bể khổ khát khao đợi giọt cam lồ của Đức Chí Tôn chan rưới cho bớt sự đau thảm. Đức Chí Tôn đến tạo Đạo giải khổ tâm hồn cả con cái của Ngài, mượn tay các em và các bạn làm hình thể của Ngài, giải khổ cho đời về phần xác.

Phước Thiện lại có nhiệm vụ tối cao tối trọng của Đức Chí Tôn: Giải khổ vừa xác vừa hồn.

Ngài mượn mấy em nuôi nấng con cái của Ngài, nuôi đói, nuôi khát, bảo trợ giúp đỡ cho kẻ nghèo nàn cô độc. Chừng nào cả cơ quan khốc hại của loài người mình gánh vác hết thì mới đúng cái nhiệm vụ của Đức Chí Tôn phú thác.

Mấy em thử tự hỏi: Hồi nào đến giờ làm nên những gì chưa? Chỉ lo bảo bọc anh em trong Đạo mà thôi, có đâu ngó đến ngoài đời. Các vật loại đều là con cái của Đức Chí Tôn, chớ không phải nội trong cửa Đạo mà thôi. Như thế có đủ đâu?

Cơ quan giải khổ của Chí Tôn cậy nhờ mấy em lo, nuôi mấy em còn chưa rồi.

Từ ban sơ, Qua chịu nhọc nhằn hẩm hút, ăn từ miếng tương rau, hiệp cùng nhau gầy dựng lập nên Phạm Môn. Qua chịu khó nhọc như mấy em cho đến ngày CQPT ra thiệt tướng, đã tạo đủ lực lượng cho mấy em thi hành nhiệm vụ.

Tuy vân, lúc nọ mấy em có phương thế lắm, mà mấy em chỉ cố tâm vị kỷ, trót năm năm Qua đi vắng đến khi Qua trở về, Qua còn thấy có kẻ đói không ai nuôi, rách rưới không ai bảo dưỡng, thất lạc nơi nầy nơi khác, đoàn em Qua gởi gấm đã xiêu lạc, thủ phận Đạo không được, nên phải tìm đôi bạn sống theo đời, vì nếu ở thủ phận theo Đạo thì chẳng ai nuôi.

Ngoài nữa, Qua còn nghe, trong lúc Qua đi, đứa nào có thế thì tự vi chủ, giành lấy một mình để toại hưởng. Hỏi vậy, mấy em có nghĩa hay không? Nếu Qua cho Tòa Đạo minh tra thì không có một người nào có thể đứng trước mặt Qua mà xưng là đại công được, cái đói khó cùng khổ của các em nó tố cáo mấy em, không còn chối cãi được.

Qua nói thật, thể Đạo chưa rồi thì mong gì tạo thành chơn tướng của Đạo... ... ...

Qua nói, Qua sẽ mở cửa BQĐ dìu dắt mấy em, mà mấy em có đến được cùng chăng là do tâm lý của mấy em đó.

Ấy vậy, mấy em phải ráng sức định tâm, lấy tinh thần vi chủ, nêu gương cho mấy em sau nầy đi theo. Nếu khối phàm còn trong óc mấy em thì không bao giờ đoạt mục đích tối cao tối trọng được. Phải có một khối óc thiêng liêng mới mong thay hình Thánh thể Đức Chí Tôn đối với con cái Ngài là quần sanh.

Đến đây Qua xin mở Hội, để trọn quyền Hội Thánh PT đủ sáng suốt làm việc, và Bần đạo để trọn tín nhiệm về việc cầu phong, thăng thưởng một cách chánh đáng và công bằng.

(Trích TĐ.ĐPHP. Quyển I trang 21-23)

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

PT: Phước Thiện.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Đại hồn - Tiểu hồn

大魂 - 小魂

A: The universal soul - The individual soul.

P: L'âme universelle - L'âme individuelle.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Hồn: linh hồn. Tiểu: nhỏ.

Đại hồn là Thái Cực, Đại Linh quang của Thượng Đế, là trung tâm ban phát sự sống và sự sáng tạo của toàn thể CKVT.

Tiểu hồn là Tiểu Linh quang, hay là điểm Linh quang được Đấng Thượng Đế chiết ra từ Đại Linh quang của Ngài để ban cho mỗi người làm linh hồn, chủ nhơn ông của thể xác.

Thượng Đế là Đại hồn, cũng gọi là Thiên hồn; con người là Tiểu hồn. Như vậy, con người chính là một Tiểu Thượng Đế, hay nói nôm na là một "Ông Trời Con". Thượng Đế cho các Tiểu hồn đầu kiếp xuống cõi trần, vì thể theo Luật Tiến hóa của Càn khôn, để Tiểu hồn học hỏi và tiến hóa, dần dần lên các phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật, và cuối cùng sẽ tiến hoá lên hiệp nhứt vào Thượng Đế, tức là Tiểu hồn đi giáp một chu kỳ tiến hóa, và sau cùng thì trở về nguồn cội ban đầu.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Đại khái

大概

A: In general.

P: En général.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Khái: bao quát.

Đại khái là bao quát toàn thể, tổng quát những nét lớn.

TNHT: Trừ ra, Nhạc phải cho toàn, đi Lễ cho có vẻ nghiêm nghị, ấy là hai món đại khái đó.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đại La Thiên Đế

大羅天帝

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. La: tấm lưới. Thiên: Trời. Đế: vua.

Đại La là tấm lưới lớn. Thiên Đế là vị vua Trời cai quản một quả tinh cầu trong CKVT.

Vị Thiên Đế cai quản Địa cầu 68 nầy, bên Phật giáo gọi là Đấng Phạm Thiên Vương. Theo kinh sách truyền lại, Đấng Phạm Thiên có hiện đến khuyên Thái Tử Sĩ Đạt Ta nên xuất gia tu hành, khi Đức Phật Thích Ca thành Đạo thì Ngài hiện đến chúc mừng và yêu cầu Phật thuyết pháp cứu độ chúng sanh, khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn thì Ngài cũng có hiện đến để tỏ lời thương tiếc.

CKVT rộng lớn bao la gồm 3072 quả tinh cầu, được ví như một tấm lưới lớn mà mỗi mắt lưới là một tinh cầu, những sợi dây liên kết các mắt lưới là những lực hấp dẫn vô hình ràng buộc các quả tinh cầu quay vòng quanh nhau. Mỗi tinh cầu có một vị Thiên Đế cai quản.

Chưởng quản tất cả các tinh cầu, tức là chưởng quản toàn cả tấm lưới CKVT là một Đấng gọi là Đại La Thiên Đế hay cũng gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Như vậy, Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Đại La Thiên Đế là vua của các vị Thiên Đế (Phạm Thiên Vương). Các vị Thiên Đế thật ra chỉ là những hóa thân của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế để cai quản các tinh cầu.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Đại liệm - Tiểu liệm

大殮 - 小殮

A: To wrap a corpse in two shrouds and to put into the coffin.

P: Envelopper le mort de deux suaires et le mettre en bière.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Liệm: mặc quần áo và bọc xác người chết bằng các lớp vải trắng rồi đem đặt vào áo quan.

Việc liệm xác người chết vào áo quan, có hai cách:

·         Tiểu liệm là bọc xác người chết bằng một lớp vải.

·         Đại liệm là bọc xác người chết bằng hai lớp vải.

Sách Quan Hôn Tang Lễ của Hội Thánh ấn hành có giải rõ về Tiểu liệm và Đại liệm. (Xem chi tiết nơi chữ: Tẫn liệm, vần T, quyển 3).

 

Đại Linh quang - Tiểu Linh quang

大靈光 - 小靈光

A: The Macro-Divine light - The Micro-Divine light.

P: La lumière divine du Macrocosme - La lumière divine du Microcosme.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Linh: thiêng liêng. Quang: ánh sáng.

Đại Linh quang là Đại hồn.

Tiểu Linh quang là Tiểu hồn. (Xem: Đại hồn - Tiểu hồn)

 

Đại lụy

大淚

A: Great pain.

P: Grande douleur.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Lụy: còn đọc là Lệ: nước mắt.

Đại lụy là nỗi đau khổ dữ dội.

TNHT: Thầy cũng đại lụy mà ngó xem một phần môn đệ xứng đáng của Thầy phải sa vào vực thẳm.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đại mộc

大木

A: Great tree.

P: Grand arbre.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Mộc: cây.

Đại mộc là cây to.

TNHT: Chẳng khác chồi non xô đại mộc.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đại Nam Việt quốc

大南越國

Đại Nam: Quốc hiệu của nước Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Việt quốc: nước Việt.

Đại Nam Việt quốc là chỉ nước Việt Nam.

TNHT: Thầy có hội chư Tiên, Phật lại mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt quốc.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đại ngọc cơ - Tiểu ngọc cơ

大玉機 - 小玉機

A: The great apparatus: Billed-Basket.

P: Le grand appareil: Corbeille à bec.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Ngọc: ý nói quí báu như ngọc. Cơ: cái máy.

Ngọc cơ là dụng cụ dùng cầu các Đấng thiêng liêng giáng vào để viết ra chữ tạo thành bài văn dạy Đạo.

Khi cầu các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật thì dùng Tiểu ngọc cơ. Khi cầu Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu thì phải dùng Đại ngọc cơ. (Xem chi tiết nơi chữ: Cơ bút, vần C)

 

Đại ngoạt - Tiểu ngoạt

大月 - 小月

A: The full lunar month - The incomplete lunar month.

P: Le mois lunaire plein - Le mois lunaire incomplet.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Ngoạt: tức là Nguyệt: tháng âm lịch.

Đại ngoạt là tháng âm lịch đủ, có 30 ngày. (Xem: Âm lịch)

Tiểu ngoạt là tháng âm lịch thiếu, chỉ có 29 ngày.

 

Đại phục - Tiểu phục

大服 - 小服

A: The great ceremony dress - The small ceremony dress.

P: La grande tenue de céremonie - La petite tenue de céremonie.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Phục: y phục, quần áo. Tiểu: nhỏ.

Đại phục là áo mão Chức sắc phải mặc trong dịp Đại lễ cúng Đại đàn tại Tòa Thánh hay tại Thánh Thất.

Tiểu phục là áo mão Chức sắc phải mặc trong các ngày Tiểu lễ cúng Tiểu đàn nơi Tòa Thánh hay Thánh Thất, hoặc khi thi hành Đạo sự.

Đại phục và Tiểu phục, gọi chung là Đạo phục, là y phục của người Đạo. Từ phẩm Giáo Sư đổ lên, Đạo phục mới có 2 bộ: Đại phục và Tiểu phục. Các phẩm Chức sắc: Giáo Hữu, Lễ Sanh và Chức việc Bàn Trị Sự, Đạo phục chỉ có một bộ mà thôi.

 

Đại sĩ

大士

A: The great hero.

P: Le grand héro.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Sĩ: người học thức.

Đại sĩ là từ ngữ mà Phật giáo dùng để gọi bực Bồ Tát và bực Phật. Đại sĩ còn được gọi là Thượng sĩ.

Trong sách Luận Du Già: Người hành giả không đủ tự lợi lợi tha thì gọi là Hạ sĩ, có tự lợi lợi tha thì gọi là Trung sĩ, đủ cả tự tha lưỡng lợi thì gọi là Thượng sĩ.

Quan Âm Đại sĩ là Đức Quan Âm Bồ Tát.

 

Đại Thiên Địa - Tiểu Thiên Địa

大天地 - 小天地

A: Macrocosm - Microcosm.

P: Macrocosme - Microcosme.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Thiên Địa: Trời Đất.

Đại Thiên Địa là Đại vũ trụ, chỉ Đấng Thượng Đế.

Tiểu Thiên Địa là Tiểu vũ trụ, chỉ con người.

Đấng Thượng Đế tạo nên con người theo luật tạo hóa CKVT, cho nên hễ Trời Đất có gì thì con người có nấy.

Trời có Tam bửu: Nhựt, Nguyệt, Tinh; Đất có Tam bửu: Thủy, Hỏa, Phong, con người có Tam bửu: Tinh, Khí, Thần.

Trời có Ngũ Khí, Đất có Ngũ Hành, con người có Ngũ tạng, v.v...

Con người là Tiểu Thiên Địa, Tiểu hồn, Tiểu Linh quang, hay nói vắn tắt, con người là một Tiểu Thượng Đế. Cho nên, con người nếu biết tu hành thì sẽ trở nên Thần, Thánh, Tiên, Phật, và cuối cùng thì sẽ trở thành Thượng Đế, để hiệp nhứt vào Thượng Đế. (Xem: Tiểu Thiên Địa, vần T).

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Đại Thiên phong

大天封

A: The great dignity.

P: Le grand dignitaire.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Thiên: Trời. Phong: phong chức.

Đại Thiên phong là những Chức sắc cao cấp trong Đạo do Đức Chí Tôn hay Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch thay mặt Đức Chí Tôn phong chức.

Chức sắc vào hàng Tiên vị trở lên: bên CTĐ, Chức sắc từ phẩm Đầu Sư trở lên; bên HTĐ, Chức sắc từ phẩm Thời Quân trở lên, đều được gọi là Chức sắc Đại Thiên phong. Còn các Chức sắc ở các phẩm thấp hơn thì chỉ gọi là Chức sắc Thiên phong.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

Đại thiên thế giới

大千世界

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Thiên: ngàn. Thế giới: các quả tinh cầu trong CKVT. Đại thiên: một ngàn lớn, ý nói ba ngàn.

Đại thiên thế giới là ba ngàn thế giới, tức là ba ngàn quả tinh cầu trong CKVT, đó cũng gọi là Tam thiên thế giới.

TG: Đại thiên thế giới, dương tụng từ ân.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.

 

Đại Thiên Tôn

大天尊

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Thiên: Trời. Tôn: kính trọng.

Đại Thiên Tôn là Đấng lớn nhứt và được kính trọng nhứt ở trên Trời. Đó là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Danh hiệu "Đại Thiên Tôn" chỉ dùng duy nhứt cho Đức Chí Tôn, còn các Đấng khác đều nhỏ hơn Đức Chí Tôn nên chỉ gọi là "Thiên Tôn" mà thôi.

Td:

Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

Nhiên Đăng Cổ Phật Vô Vi Xiển Giáo Thiên Tôn.

 

Đại thừa - Tiểu thừa

大乘 - 小乘

A: The great vehicle - The small vehicle.

P: Le grand véhicule - Le petit véhicule

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Thừa: còn đọc là Thặng: chiếc xe.

Đại thừa hay Đại thặng, tiếng Phạn là MAHAYANA (Maha: lớn, yana: xe), là chiếc xe lớn, chở được nhiều người.

Tiểu thừa hay Tiểu thặng, tiếng Phạn là HINAYANA (Hina: nhỏ, yana: xe), là chiếc xe nhỏ chỉ chở được một người.

Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca ví như một cỗ xe chở người tu hành đến bờ giác ngộ. Giáo pháp nầy phân làm hai bực: Bực thấp và bực cao.

Bực thấp ví như cỗ xe nhỏ (Tiểu thừa) chỉ chở được một người và đưa đến nơi gần, dành để độ bậc hạ trí.

Bực cao ví như cỗ xe lớn (Đại thừa) chở được nhiều người và đưa đi xa, đến bờ Giác ngạn, dành cho bậc thượng trí.

"Nhắc lại cuộc hoằng hóa của Đức Phật như thế nầy: Ban đầu Ngài đem Thinh Văn thừa hay Tiểu thừa mà độ chúng sanh. Ngài dạy cho họ Tứ Diệu Đế để họ đắc quả La Hán. Kế đó Ngài đem Duyên Giác thừa, cũng có thể kêu là Trung thừa mà độ chúng sanh. Ngài chỉ cho họ tu Thập nhị Nhơn duyên để đắc quả Duyên Giác (Bích Chi Phật).

Tiến lên nữa, Ngài đem Bồ Tát thừa tức là Đại thừa mà độ chúng sanh, dạy cho họ tu Lục Độ để đắc thành Bồ Tát.

Sau rốt, Ngài gom tất cả ba thừa (Tam thừa) vào một thừa (Nhứt thừa) gọi là Phật thừa, Thượng thừa, Thắng thừa, Vô thượng thừa, Vô đẳng thừa. Ngài trao quả Phật cho chúng sanh. Ngài bảo, ai nấy noi theo Giáo pháp của Ngài mà tu cho thành Phật là bậc Vô thượng tôn.

Trong những năm sau rốt của Phật, Ngài hằng giảng Kinh Đại thừa (Phật thừa), nhứt là trong Hội Pháp Hoa tại núi Kỳ Xà Quật (Linh Thứu sơn), Ngài tuyên bố giáo lý Đại thừa rất đắc lực, khiến cho vô số chúng sanh phát tâm dõng mãnh quyết tu cho thành Phật." (Phật học Từ Điển của Đoàn Trung Còn)

Do Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca chia làm hai bực nên Phật giáo phân thành hai nhánh lớn:

·         Phật giáo Đại thừa,

·         Phật giáo Tiểu thừa.

Phật giáo Đại thừa thạnh hành ở miền Bắc Ấn Độ, được truyền bá sang Tây Tạng, qua Trung Hoa, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhựt Bổn, và từ Trung hoa truyền xuống Việt Nam. Do đó, Phật giáo Đại thừa còn được gọi là Bắc Tông.

Phật giáo Tiểu thừa thịnh hành ở miền Nam Ấn Độ, được truyền bá sang đảo quốc Tích Lan, qua Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên, Lào và cũng truyền đến Việt Nam. Do đó, Phật giáo Tiểu thừa được gọi là Nam Tông, đối lại với Bắc Tông là Phật giáo Đại thừa.

Kinh điển của Phật giáo là Tam Tạng Kinh, cũng được phân thành Đại thừa và Tiểu thừa: - Tam Tạng Kinh Đại thừa viết bằng tiếng Phạn (Sancrit: Bắc Phạn). - Tam Tạng Kinh Tiểu thừa viết bằng tiếng Pali (Nam Phạn).

 

Đại thừa Cửu chuyển

大乘九轉

Đại thừa: (đã giải ở kế trên). Cửu: chín. Chuyển: đổi hướng khác khi hành động.

Đại thừa Cửu chuyển là Tâm pháp vô vi luyện đạo, luyện Tinh Khí Thần hiệp nhứt, trải qua chín giai đoạn luyện pháp.

Xin chép ra sau đây bài Đại Thừa Cửu Chuyển trong sách Đại Thừa Chơn Giáo:

Cao Đài Giáo Kỳ Ba chánh giác,

Người chán đời tầm đoạt chơn truyền.

Đại thừa đạo chánh Tiên Thiên,

Luyện hồn chế phách đăng Tiên hưởng nhàn.

Trong CỬU CHUYỂN phải tàng tâm pháp,

Hãy hành y cho hạp phép tu.

Ở ăn theo lẽ hạp phù,

Trước tua vẹt phá ám mù cho tan.

Làm Tiên Phật phải tàng cơ nhiệm,

Phải tham thiền mà kiếm lý minh.

Nhứt là dưỡng Khí tồn Tinh,

Tinh khô Khí tận, Thần linh chẳng còn.

NHỨT CHUYỂN lo tròn luyện kỷ,

Xây đắp nền Thần Khí giao thông.

Diệt trừ phiền não, lòng không,

Thất tình lục dục tận vong đơn thành.

Tâm đạo phát thanh thanh tịnh tịnh,

Dưỡng Thánh thai chơn bỉnh đạo huyền.

Ngày đêm cướp khí hạo nhiên,

Hiệp hòa tánh mạng, hống diên giao đầu.

Sang NHỊ CHUYỂN diệu mầu ứng lộ,

Bế ngũ quan, tứ Tổ qui gia.

Âm Dương thăng giáng điều hòa,

Huân chưng đầm ấm, Tam hoa kết huờn.

Khai cửu khiếu kim đơn phanh luyện,

Vận ngũ hành lưu chuyển càn khôn.

An nhiên dưỡng dục chơn hồn,

Làm cho cứng cát lớn khôn diệu huyền.

Đến TAM CHUYỂN Hậu Thiên ngưng giáng,

Nhứt Bộ thành, ngọc bảng đề danh.

Công phu khử trược lưu thanh,

Linh đơn một phẩm, trường sanh muôn đời.

Qua TỨ CHUYỂN cơ Trời phát lộ,

Thoát ngoài vòng tứ khổ trần ai.

Gom vào tư tưởng trong ngoài,

Luyện phanh trong sạch Thánh thai nhẹ nhàng.

NGŨ CHUYỂN đạo thông toàn cơ nhiệm,

Ngồi tịnh Thần tầm kiếm căn nguyên.

Xuất Thần lên cảnh Thần Tiên,

Học thêm tâm pháp bí truyền cao siêu.

Lần LỤC CHUYỂN tam diêu bất động,

Tâm vô vi trống lỏng căn cơ.

Bụi trần không thể đóng dơ,

Linh đơn Hai Phẩm giựt cờ Thánh Tiên.

THẤT CHUYỂN pháp hạo nhiên chi khí,

Luyện chơn thần qui vị hưởng an.

Linh sơn nở búp sen vàng,

Cổi rồi bảy thể nhẹ nhàng biết bao!

BÁT CHUYỂN đức thanh cao thấm nhuận,

Đến bực nầy thì chứng Kim Tiên.

Không không, không hậu không tiền,

Không hay không biết, không phiền não, an.

Lửa cung Ly nấu vàng cung Khảm,

Lọc Âm Dương hai tám thành cân.

Hồn còn nương náu xác thân,

Nhưng không dính líu bụi trần vào tâm.

CỬU CHUYỂN đắc Lôi Âm an hưởng,

Mặc vui chơi bốn hướng ba nhà.

Rượu cờ vui thú sen tòa,

Đào Tiên chung cuộc, điều hòa cảnh không.

Pháp Tiên Phật thần thông vô lượng,

Ứng hóa linh cao thượng toàn năng.

Quí thay cảnh báu chi bằng,

Nghêu ngao khiển hứng gió trăng khó lường.

Pháp Cửu Chuyển là nền thanh khiết,

Thoát luân hồi đoạn diệt oan khiên.

Còn chi nghiệp quả nối chuyền,

Tâm không đắc Phật thành Tiên tại trần./.

 

Đại tịnh

大淨

A: Perfectly pure.

P: Parfaitement pur.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Tịnh: trong sạch.

Đại tịnh là hoàn toàn trong sạch.

Muốn được hoàn toàn trong sạch thì phải giữ cho Tâm được trong sạch, và Thân Khẩu Ý phải cho trong sạch.

Tâm trong sạch khi không vọng động, lặng yên, không không. Thân trong sạch khi được tắm rửa sạch sẽ và xông hương khử trược. Khẩu trong sạch khi nói lời đạo đức, khuyến nhơn tu hành. Ý trong sạch khi không mơ tưởng việc quấy, giữ ý tưởng trong những điều cao thượng.

TNHT: Thơ! Con ngồi đại tịnh đặng tối nay nghe Thầy dạy việc. (Thơ: Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh).

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đại trí nhược ngu

大智若愚

A: Great mind like ignorant.

P: Grand esprit comme ignorant.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Trí: sự sáng suốt hiểu biết sự lý. Nhược: giống như. Ngu: khờ dại.

Đại trí nhược ngu là người có trí tuệ lớn thường có vẻ giống như kẻ ngu khờ.

Khác hẳn với kẻ tiểu trí, thường làm bộ khôn lanh, ăn nói ba hoa như thông suốt hết mọi sự việc, để lòe bịp người.

 

Đại Từ Phụ - Đại Từ Mẫu

大慈父 - 大慈母

A: The Great Holy Father - The Great Holy Mother.

P: Le Père Divin Suprême - La Mère Divine Suprême.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Từ: lòng thương yêu chúng sanh và muốn giúp đỡ chúng sanh. Phụ: cha. Mẫu: mẹ.

Đại Từ Phụ là Đấng Cha lành nơi cõi thiêng liêng mà con cái của Ngài là toàn cả chúng sanh nơi cõi trần nầy. Đấng ấy là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Đại Từ Mẫu là Đấng Mẹ hiền nơi cõi thiêng liêng mà con cái của MẸ là toàn cả chúng sanh nơi cõi trần nầy. Đó là Đức Diêu Trì Kim Mẫu, hay Đức Phật Mẫu.

Mỗi một người của chúng ta nơi cõi trần đều có tam thể xác thân: Chơn linh, Chơn thần và xác phàm. Chơn linh do Đức Chí Tôn ban cho. Chơn thần tức xác thân thiêng liêng do Phật Mẫu tạo ra, còn xác phàm do cha mẹ phàm trần tạo nên.

Cho nên Đức Chí Tôn là CHA của Chơn linh và Đức Phật Mẫu là MẸ của Chơn thần chúng ta.

Không có chi trong CKVT nầy mà không do Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu tạo hóa, dù một vật rất nhỏ mọn như con vi trùng hay một vật lớn lao như trái đất, dù một người nghèo khổ dốt nát hay những bậc thượng lưu trí thức, bác học hay Thánh nhân, cả đến các vật vô hình và vạn linh cũng đều do Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu tạo hóa ra tất cả.

Đức Phạm Hộ Pháp khi xuất chơn thần đi lên cõi TLHS, vào yết kiến Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ, trở về thuật lại như sau:

"Khi Bần đạo vô trong (Bạch Ngọc Kinh) muốn biết Đại Từ Phụ, Ổng là ai? Ông nầy có phải là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế? Mà Ổng có phải là người không? Làm sao cho tôi được biết Ổng với.

Bần đạo vừa tưởng thì xa lắm, thấy cái gì bao phủ như tấm màn che vậy, vô gặp rồi, biết Ổng ở trỏng, có tấm màn che, ý muốn cái màn nầy vẹt ra đặng thấy Ổng. Vừa muốn thì cái màn hé vẹt ra, dường như có từng có nấc, xa lắm, không thế gì tả đặng. Kế ngó thấy Ổng bước ra, mặc áo trắng, bịt khăn trắng, giống như bộ đồ tiểu phục của Giáo Sư mặc vậy, cũng có mấy miếng vải lòng thòng sau lưng, râu bạc trắng, coi đẹp lắm, thấy thương làm sao đâu!

Trong bụng nói, Ổng ngồi tại Linh Tiêu Điện, mình thấy Ổng mặc bộ đồ khác, không lẽ hai người, chắc không phải Ổng. Vừa nói rồi thì thấy Ổng bước ra, đứng ngay chính giữa, ngó ngay Bần đạo, dường như thể biểu: Con coi đây.

Ngó ngay lên Ổng, thấy một đạo hào quang chiếu diệu ra, tay cầm cây gậy đẹp lắm, cây gậy của Ổng quảy cái bầu, bên mình Ổng mang một cái bị, mặc bộ đồ Ngọc Hoàng Thượng Đế, nắm ngang cây gậy trên tay thành cái đòn cân, Ổng kéo cái bầu ra thành cái giá cân, Ổng kéo cái bị ra thành trái cân. Ba món báu ấy hiệp lại thành cây Cân Công bình thiêng liêng mà chính mình đã thấy Ổng nơi Linh Tiêu Điện, không còn ai xa lạ nữa, cũng là Đại Từ Phụ nhưng thiên biến vạn hóa của Ổng mà tạo ra CKVT vậy."

Cũng trong Con đường TLHS, Đức Phạm Hộ Pháp đến bái yết Đức Phật Mẫu, thuật lại như sau:

"Bần đạo cùng các bạn kỳ trước đã ghé nơi Tạo Hóa Thiên, tức Tòa Thiên Cung Phật Mẫu là Diêu Trì Cung.

Bần đạo có nói một điều làm cho chúng ta nên suy nghĩ nhiều là: Huyền bí vô biên của Phật Mẫu.

Bần đạo nói sơ lược huyền năng thế nào mà khi chúng ta vào kiến diện Ngài, ta ngó trên mặt Ngài, ta thấy bà mẹ ta sanh ra ta, đương như buổi sống, đương lo buổi trở về. Bần đạo tưởng ngó thấy bà mẹ sanh Bần đạo, tưởng cả thảy đều ngó thấy người mẹ của họ vậy.

Nếu lấy theo trí tưởng tượng không biết con mắt thiêng liêng có chiếu hình mẹ ta chiếu diệu ra không, hay là huyền diệu vô biên của Phật Mẫu cho chúng ta thấy như vậy.

Bà mẹ hình hài của chúng ta đây là nhân viên của Đức Phật Mẫu bên phái Nữ đó... ...

Có điều trọng hệ là dầu Nam Nữ cũng vậy, ráng giữ một điều nầy: Coi chừng đừng thất hiếu với cha mẹ. Ngày mình ngó thấy hình ảnh của Đức Phật Mẫu thì thấy người Mẹ nhơn từ, hiền hậu vô cùng, hạnh phúc mình được hưởng đó, còn trái ngược lụng lại, nếu ta thất hiếu, ta dòm vào hình ảnh của Phật Mẫu, ta thấy vẻ mặt nghiêm nghị và lãnh đạm, chúng ta sẽ hết sức đau khổ đó."

"Bần đạo đi ngang cung Hỗn Ngươn Thượng Thiên là nơi Đức Di-Lạc đã thâu pháp, định vị nơi ấy, Bần đạo có tả mà trong tâm còn mờ hồ, không biết tại sao, vì lẽ gì Đức Phật Mẫu là Mẹ mà phải chịu dưới quyền con là Đức Di-Lạc, trong bụng coi hơi bất mãn.

Liền khi ấy, Bần đạo ngó thấy tướng hình của Đức Phật Mẫu đứng đằng trước, còn Đức Di-Lạc ở đằng sau lưng quì xuống đưa hai tay lên, đặng tỏ cho Bần đạo hiểu, dầu người con ấy mạnh mẽ quyền hành thế nào mà quyền Mẹ vẫn là quyền Mẹ, không thể gì qua được. Ngài chỉ tuân theo mạng lịnh của Đức Phật Mẫu đặng trị thế mà thôi."

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

Đại tường - Tiểu tường

大祥 - 小祥

A: The great ceremony in the end of mourning - The small ceremony in the middle of mourning.

P: La grande cérémonie à la fin de deuil - La petite cérémonie au milieu de deuil.

Đại: Lớn, trái với Tiểu là nhỏ. Tường: điềm tốt lành. Tiểu: nhỏ.

Tiểu tường là điều tốt lành nhỏ.

Đại tường là điều tốt lành lớn.

Trong nhà có tang, cả nhà đều buồn rầu thương nhớ người quá cố. Nhưng thời gian trôi qua lâu dần, xoa dịu nỗi đau thương, cái buồn vơi đi, đem lại cái vui như một điều lành, điều tốt trở lại. Vì vậy, Tiểu tường là tiểu kiết tường, và Đại tường là đại kiết tường.

Theo Nho giáo, Tiểu tường là ngày giỗ đầu tiên của người chết, tức là sau khi chết đúng một năm. Đại tường là ngày giỗ lần thứ hai tức là đúng hai năm sau khi chết, và cũng là ngày mãn tang.

Theo Tân Luật của Đạo Cao Đài, kể từ ngày làm Tuần Cửu Cửu tức tuần thứ 9 sau khi chết 81 ngày, rồi tiếp tục đếm thêm 200 ngày nữa thì làm Lễ Tiểu tường; từ ngày Tiểu tường đếm thêm 300 ngày nữa thì làm Lễ Đại tường và mãn tang.

Như vậy, Lễ Tiểu tường cách ngày chết 281 ngày (chưa đầy 1 năm) và Lễ Đại tường cách ngày chết 581 ngày (chưa đầy 2 năm).

Lễ Tiểu tường cũng như Đại tường, phải làm tại Thánh Thất sở tại. Trước hết là cúng Đức Chí Tôn có dâng đủ Tam bửu và thượng sớ, song không có lễ nhạc. Khi cúng Đức Chí Tôn xong, thỉnh linh vị của người chết đến trước Điện, đồng nhi tụng Kinh Khai Cửu Tiểu tường và Đại tường, rồi tụng tiếp Kinh Tiểu tường (nếu là lễ Tiểu tường), hoặc tụng Kinh Đại tường (nếu là lễ Đại tường). Tụng như vậy cho đủ 3 hiệp, rồi niệm Câu Chú của Thầy 3 lần, lạy Thầy 3 lạy, mỗi lạy 4 gật có niệm Câu chú của Thầy.

Tiếp theo là tụng Di-Lạc Chơn Kinh, tụng dứt thì niệm danh hiệu mỗi vị Phật, lạy 1 lạy (không gật), lạy tất cả 53 lạy, xong niệm Câu Chú của Thầy 3 lần, lạy Thầy 3 lạy, 12 gật.

Lễ Tiểu tường tại Thánh Thất đến đây là dứt.

Nếu là Lễ Đại tường thì có thêm phần Lễ Trừ phục và Xả tang. Lập một nghi Trừ phục, tang gia cúng Đức Chí Tôn, cầu nguyện xong thì lột tất cả khăn tang và áo tang để vào một cái mâm trên nghi, đem đốt cùng lá phướn và linh vị người chết.

Lễ Tiểu tường có mục đích đưa chơn hồn người chết lên từng Trời thứ 10 là Hư Vô Thiên, bái kiến Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, đến Ngọc Hư Cung, ra trước Tòa Tam Giáo để cây Cân Công bình thiêng liêng cân tội phước và các Đấng theo đó mà định phận cho chơn hồn: Siêu thăng hay bị tái kiếp trả quả.

Lễ Đại tường có mục đích đưa chơn hồn lên từng Trời thứ 12 là Hỗn Nguơn Thiên, bái kiến Đức Di-Lạc Vương Phật, Giáo chủ Hội Long Hoa.

Trong Lễ Tiểu tường hay Đại tường, sau phần cúng cầu nguyện về Thiên đạo tại Tòa Thánh hay Thánh Thất, tang gia có thể trở về tư gia làm thêm phần Thế đạo cúng tế người chết, có sự hướng dẫn và chứng kiến của Bàn Trị Sự và Đầu Tộc Đạo, có đầy đủ nhạc lễ và đồng nhi. Nếu là Đại tường thì phần Lễ Trừ phục và Xả tang không làm nơi Thánh Thất, mà đem về làm trước Thiên bàn tại tư gia, cách làm thì cũng y như tại Thánh Thất.

Kể từ ngày Đại tường, con cháu không còn để tang người chết nữa, chờ tới ngày kỷ niệm làm đám giỗ mà thôi.

 

ĐÀM

Đàm đạo

談道

A: To converse.

P: Converser.

Đàm: nói chuyện. Đạo: nói, trình bày ý kiến.

Đàm đạo là nói chuyện với nhau.

 

ĐẢM

ĐẢM

ĐẢM: Gánh vác, gánh lấy.
Td: Đảm bảo, Đảm đương.

 

Đảm bảo

擔保

A: To guarantee.

P: Garantir.

Đảm: Gánh vác, gánh lấy. Bảo: gìn giữ.

Đảm bảo hay Bảo đảm là hứa gìn giữ chắc chắn.

PMCK: Ân dưỡng sanh đảm bảo hồn hài.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Đảm đương

擔當

A: To take charge of.

P: Se charger de.

Đảm: Gánh vác, gánh lấy. Đương: hay Đang là nhận lãnh.

Đảm đương hay Đảm đang là nhận lãnh gánh vác công việc với ý thức trách nhiệm cao.

TNHT: Chớ chi một Đấng Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong của Phong đô thoát kiếp.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐẠM

Đạm bạc

淡薄

A: Frugal.

P: Frugal.

Đạm: vị lạt lẽo. Bạc: mỏng.

Đạm bạc là sơ sài, đơn giản, nghèo nàn.

TTCĐDTKM: Nén hương đạm bạc xin thương chứng lòng.

TTCĐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

 

ĐAN

ĐAN

(Xem: Đơn)

 

ĐÀN

ĐÀN

ĐÀN: Chỗ cao ráo sạch sẽ dùng làm nơi cúng tế, chỉ một cuộc cúng tế cầu nguyện.
Td: Đàn nội, Đàn tiền, Đàn tràng.

 

Đàn cơ

壇機

A: A spiritual seance.

P: Une séance spirituelle.

Đàn: Chỗ cao ráo sạch sẽ dùng làm nơi cúng tế, chỉ một cuộc cúng tế cầu nguyện. Cơ: máy, dụng cụ dùng để thông công với các Đấng thiêng liêng.

Đàn cơ là một buổi cúng cầu nguyện có tổ chức cầu cơ.

(Xem: Cơ bút, vần C)

 

Đàn lệ

壇例

A: The ordinary ceremony.

P: La cérémonie ordinaire.

Đàn: Chỗ cao ráo sạch sẽ dùng làm nơi cúng tế, chỉ một cuộc cúng tế cầu nguyện. Lệ: cách thức đã quen làm từ trước.

Đàn lệ là đàn cúng theo lệ thường, mỗi tháng hai lần vào ngày Sóc (mùng 1) và ngày Vọng (ngày 15: Rằm) âm lịch.

TNHT: Hiền hữu, mỗi đàn lệ, cần phải buộc nữ phái tới nghe thuyết đạo chung với nam phái.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đàn-na

壇那

A: The donator.

P: Le donateur.

Đàn-na là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn: DÂNA, nghĩa là bố thí, cúng dường, Hán văn dịch là Thí.

Đàn-na là bố thí. Người bố thí thì gọi là Đàn chủ hay Đàn việt, tiếng Phạn là DANAPATI.

Người làm việc bố thí thì vượt qua được biển nghèo túng, và được trường thọ.

Kệ U Minh Chung: Viễn cận đàn-na tăng viên phước thọ

 

Đàn nội

壇內

A: The interior of the esplanade of ceremony.

P: L'intérieur de l'esplanade de cérémonie.

Đàn: Chỗ cao ráo sạch sẽ dùng làm nơi cúng tế, chỉ một cuộc cúng tế cầu nguyện. Nội: trong, bên trong.

Đàn nội là ở trong một đàn cúng.

TNHT:

Đã để vào tòa một sắc hoa,

Từ đây đàn nội tỷ như nhà.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đàn tràng

壇場

A: The esplanade of ceremony.

P: L'esplanade de cérémonie.

Đàn: Chỗ cao ráo sạch sẽ dùng làm nơi cúng tế, chỉ một cuộc cúng tế cầu nguyện. Tràng: hay Trường: chỗ đất rộng có nhiều người tụ họp. Td: Hý trường, trường đời, vận động trường.

Đàn tràng hay Đàn trường là cuộc cúng tế có đông người tham dự, chỉ cuộc cúng tế nơi Thánh Thất.

Kệ chuông bãi đàn:

Đàn tràng viên mãn, Chức sắc qui nguyên vĩnh mộc từ ân phong điều võ thuận.

Thiên phong hải chúng quốc thới dân an hồi hướng đàn trường tận thâu pháp giới. (Xem giải nghĩa nơi chữ: Kệ Chuông)

 

ĐẢNH (ĐỈNH)

ĐẢNH

1.    ĐẢNH: còn đọc là Đỉnh hay Đính: Chỗ cao nhất, chỉ đỉnh đầu, đỉnh núi.
Td: Đảnh hạc, Đảnh thần.

2.    ĐNH: còn đc là Đnh: cái vc ln, ch s to ln hin hách.
Td: Đ
nh nghip, Đnh Vit.

 

Đảnh hạc

頂鶴

A: The fairy land.

P: Le séjour des immortels.

Đảnh: còn đọc là Đỉnh hay Đính: Chỗ cao nhất, chỉ đỉnh đầu, đỉnh núi. Hạc: chim hạc.

Đảnh hạc hay Đỉnh hạc là cái núi có chim hạc đến đậu, ý nói cảnh Tiên, cõi Tiên.

TNHT: Không sắc, sắc không, vui đảnh hạc.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đảnh hồ

鼎瓠

Đảnh: còn đọc là Đỉnh: cái vạc lớn, chỉ sự to lớn hiển hách. Hồ: trái bầu. Khi trái bầu khô, người ta móc bỏ ruột, lấy vỏ dùng làm cái bình đựng rượu.

Đảnh hồ hay Đỉnh hồ là cái vạc đúc theo hình trái bầu, chỉ việc vua chết. (Xem điển tích nơi chữ: Vân ám đảnh hồ, vần V)

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đảnh nghiệp

鼎業

A: The glorious work of king.

P: L'oeuvre glorieux du roi.

Đảnh: còn đọc là Đỉnh: cái vạc lớn, chỉ sự to lớn hiển hách. Nghiệp: sự nghiệp.

Đảnh nghiệp là sự nghiệp to lớn hiển hách của một vị vua.

Khi xưa, Ông Hạ Võ trị thủy thành công, được vua Thuấn truyền ngôi. Vua Hạ Võ đúc ra 9 cái vạc (Cửu đỉnh) thật lớn tượng trưng 9 châu (Cửu Châu) dùng làm vật trấn quốc. Do đó, sau nầy người ta dùng chữ Đảnh nghiệp (hay Đỉnh nghiệp) là để chỉ công nghiệp to lớn và hiển hách của một vị vua.

KTKVTH: Giữ bền đảnh nghiệp vĩnh tồn hậu lai.

KTKVTH: Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.

 

Đảnh Tần

頂秦

Đảnh: còn đọc là Đỉnh hay Đính: Chỗ cao nhất, chỉ đỉnh đầu, đỉnh núi. Tần: tên một ngọn núi ở Triều Châu, có sách chép ở tỉnh Thiểm Tây.

Do hai câu thơ của Hàn Dũ: "Vân hoành Tần lãnh gia hà tại." Nghĩa là: Mây che ngang núi Tần, quê nhà ở đâu?

Do đó: Đảnh Tần là chỉ nơi quê nhà, lòng nhớ quê nhà.

TNHT:

- Hơn ngự lầu Yên ngó đảnh Tần.

- Mây tỏa sương phơi bạc đảnh Tần.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đảnh Thần

頂神

A: The fairyland.

P: Le séjour des immortels.

Đảnh: còn đọc là Đỉnh hay Đính: Chỗ cao nhất, chỉ đỉnh đầu, đỉnh núi. Thần: Thần Tiên, thiêng liêng.

Đảnh Thần là chỉ cõi Tiên, cõi Bồng lai.

TNHT: Đưa chiếc thuyền sen dựa đảnh Thần.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đảnh Việt

鼎越

A: The country Viêtnam.

P: Le pays Viêtnam.

Đảnh: còn đọc là Đỉnh: cái vạc lớn, chỉ sự to lớn hiển hách. Việt: nước Việt Nam.

Đảnh Việt là nước Việt Nam hiển hách.

TNHT: Đảnh Việt chờ qua cơn bão tố.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐÀO

ĐÀO

1.    ĐÀO: Chế tạo, hun đúc nhân tài.
Td: Đào luyện, Đào tạo.

2.    ĐÀO: Cây đào, trái đào.
Td: Đào hạnh, Đào nguyên.

3.    ĐÀO: Giữ phần tốt, bỏ phần xấu.
Td: Đào thải.

 

Đào độn

陶沌

A: To form.

P: Former.

Đào: Chế tạo, hun đúc nhân tài. Độn: trộn qua trộn lại.

Đào độn là hun đúc và rèn luyện.

TĐ ĐPHP: Long Tu Phiến có thể vận chuyển CKVT do nguơn khí đào độn sanh ra đó vậy. Nó có quyền đào độn nguơn khí, thâu hoạch nguơn khí để trong sanh lực.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Đào hạnh

桃杏

A: The peach and apricot.

P: Le pêche et l'abricot.

Đào: Cây đào, trái đào. Hạnh: trái hạnh, giống như trái mận.

Đào hạnh là trái đào và trái hạnh.

Nơi cõi thiêng liêng, Đức Phật Mẫu có vườn đào tiên và vườn trồng hạnh. Các chơn hồn có nhiều công đức trở về trình diện Đức Phật Mẫu, được ban thưởng trái đào và trái hạnh.

KĐ9C: Phục sinh đào hạnh rượu hồng thưởng ban.

KĐ9C: Kinh Ðệ Cửu cửu.

 

Đào luyện

陶煉

A: To form.

P: Former.

Đào: Chế tạo, hun đúc nhân tài. Luyện: rèn đúc, tập tành cho hay giỏi.

Đào luyện là đào tạo và rèn luyện cho tài giỏi.

TĐ ĐPHP: Chúng ta nhờ tìm mà hay, nhờ học mà hiểu, đào luyện trí lự đặng nối chí tiền nhơn.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Đào nguyên

桃源

A: The fairyland.

P: Le séjour des immortels.

Đào: Cây đào, trái đào. Nguyên: nguồn nước, dòng suối.

Đào nguyên, dịch ra là Nguồn đào, Suối hoa đào, là một dòng suối từ trong khe núi chảy ra, hai bên bờ có những cây đào, hoa đào rơi xuống trông rất đẹp mắt.

Đào nguyên là chỉ cảnh Tiên, cõi Tiên.

Điển tích: Trong bài Đào Hoa Nguyên ký, tác giả Đào Tiềm kể chuyện về suối hoa đào như sau:

Vào triều vua Hiếu Vũ Đế nhà Tấn (376-396), có một người ở huyện Vũ Lăng tỉnh Hồ Nam làm nghề đánh cá, theo dòng khe mà bơi thuyền đi chơi, quên mất đường xa gần, bỗng gặp một rừng hoa đào mọc sát bờ khe mấy trăm bước, không xen loại cây nào khác, cỏ thơm tươi đẹp, hoa rụng rực rỡ.

Người đánh cá lấy làm lạ, tiến thêm vô đến cuối khu rừng. Rừng hết, hiện ra một cái suối và một ngọn núi. Núi có hang nhỏ, mờ mờ như có ánh sáng, bèn buộc thuyền rồi lên bờ, đi vào lối cửa hang. Mới đầu, hang rất hẹp, chỉ vừa lọt một người đi. Nhưng đi vô vài chục bước thì hang nở rộng ra, sáng sủa, đất bằng phẳng trống trải, thấy có nhà cửa tề chỉnh, ruộng tốt ao đẹp, có trồng cây dâu cây trúc, đường ruộng thông nhau, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa tiếp nhau, thấy có người đi lại, có người đang làm ruộng, đàn ông đàn bà đều ăn mặc giống như những người bên ngoài, từ người già tóc bạc đến những đứa trẻ để tóc trái đào, đều hớn hở vui vẻ.

Họ thấy người đánh cá đi tới thì lấy làm kinh dị, hỏi ở đâu tới? Người đánh cá kể rõ đầu đuôi. Họ bèn mời về nhà, bày rượu thịt ra thết đãi. Người trong xóm hay tin có người lạ vào xóm thì đến xem rồi hỏi thăm chuyện nầy chuyện nọ.

Họ bảo tổ tiên của họ trốn loạn đời Tần Thủy Hoàng, dắt vợ con và người trong ấp đến ở chỗ hiểm trở xa xôi nầy, rồi không trở ra nữa. Từ đó cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Họ hỏi người đánh cá bây giờ là đời nào? Vì họ không biết có đời Hán nữa, nói chi đến đời Ngụy và đời Tấn.

Người đánh cá nhất nhất kể lại đủ cả sự tình. Họ nghe nói thì đều tỏ lòng đau xót và than thở.

Người đánh cá ở lại chơi vài ngày rồi từ tạ trở về. Trong bọn họ có người dặn: Đừng kể lại việc nầy cho người ngoài hay biết làm gì nhé!

Người đánh cá ra khỏi hang, đến bờ khe thì gặp lại chiếc thuyền cũ, bèn bơi thuyền trở về, bơi tới mỗi khúc rẽ thì đánh dấu chỗ đó. Về tới Quận, người đánh cá đến yết kiến quan Thái Thú, kể lại tất cả sự tình.

Viên Thái Thú sai người đánh cá trở lại suối hoa đào, tìm theo những chỗ có đánh dấu mà đi, nhưng các dấu đã bị mất hết, không tìm lại được đường cũ.

Ông Lưu Tử Ký, người ở đất Nam Dương tỉnh Hà Nam, là bậc cao sĩ, nghe kể chuyện, hân hoan tự mình băng rừng vượt suối đi tìm nơi đó, nhưng chưa tìm ra được thì ông bị bệnh mà chết. Kể từ đó, không ai hỏi thăm đường đi vào chỗ đó nữa.

Từ điển tích nầy, trong văn chương, người ta dùng các từ ngữ: Đào nguyên, Nguồn đào, suối hoa đào là để chỉ cảnh Tiên, nơi đó có phong cảnh tuyệt đẹp và người sống rất sung sướng, hạnh phúc.

TNHT: Nguồn đào đoạt vị mới hầu nên.

KCBCTBCHĐQL: Cõi đào nguyên cỡi hạc thừa long.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

KCBCTBCHĐQL: Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Ðã Qui Liễu.

 

Đào thải

淘汰

A: To eliminate.

P: Éliminer.

Đào: Giữ phần tốt, bỏ phần xấu. Thải: gạn cái vô ích bỏ đi.

Đào thải là lọc bỏ những cái vô dụng hay không hợp thời.

 

Đào Tiên

桃仙

A: The fairy peach.

P: Le pêche féerique.

Đào: Cây đào, trái đào. Tiên: cõi Tiên.

Đào Tiên là trái đào nơi cõi Tiên.

Theo truyện Tây Du Ký, vườn Bàn đào (Đào Tiên) của Đức Tây Vương Mẫu được mô tả như sau:

Xinh tươi rực rỡ hoa đầy ngọn,

Mơn mởn rườm rà quả trĩu cành.

Quả mọng đầu cành hơn gấm rủ,

Hoa ngời quanh ngọn cánh rung rinh.

Khai hoa kết quả ba nghìn năm chín,

Không đông, không hạ, vượt thời gian.

Quả chín trước màu da đỏ lựng,

Trái ra sau đài cuống còn xanh.

Mỡ màng phô sắc lục,

Óng ánh nổi vân hồng.

Quanh gốc mọc hoa thơm cỏ lạ,

Bốn mùa tám tiết vẫn tươi xanh.

Sau trước lâu đài cùng quán các,

Ráng chiều mây sớm lượn vây quanh.

Đào Tiên Vương Mẫu trồng ra đó,

Chẳng phải huyền đô giống dưới trần.

■ Theo lời thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp, nơi Diêu Trì Cung, Đức Phật Mẫu trụ Sanh quang lại làm thành một khối gọi là quả Đào Tiên, có đủ sự sống vĩnh cửu nơi cõi Hư linh.

Người ăn được trái Đào Tiên thì luôn luôn mạnh khỏe, trẻ mãi không già.

Đức Phật Mẫu dùng các quả Đào Tiên làm phần thưởng cho các chơn hồn mà trong kiếp sanh nơi cõi trần lập được nhiều công đức, khi trở về đến bái kiến Đức Phật Mẫu.

PMCK: Chưởng đào Tiên thủ giải trường tồn.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Đào viên kết nghĩa

桃園結義

A: To make friends in the garden of peach trees.

P: Se lier d'amitié dans le jardin de pêchers.

Đào: Cây đào, trái đào. Viên: vườn. Kết: ràng buộc với nhau. Nghĩa: đường lối cư xử đúng theo đạo lý.

Đào viên kết nghĩa là nơi vườn đào, anh em bạn kết chặt tình thân thiết với nhau bằng điều nghĩa.

Đây là nói về việc ba vị: Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, đời Tam Quốc, tế cáo Trời Đất, thề nguyền kết chặt tình nghĩa anh em với nhau nơi vườn đào.

Điển tích: Đào viên kết nghĩa.

Vào cuối thời Đông Hán, loạn lạc nổi lên khắp nơi trong nước Tàu. Lúc bấy giờ có ba thanh niên chí khí anh hùng, không hẹn mà cùng gặp nhau trong một quán rượu tại đất Cối Kê, đó là ba ông:

·         Lưu Bị, tự là Lưu Huyền Đức, dòng dõi nhà Hán.

·         Quan Võ hay Quan Vũ, tự là Quan Vân Trường.

·         Trương Phi, tự là Trương Dực Đức.

Ba ông gặp nhau bàn chuyện anh hùng trong thiên hạ, trở nên tâm đầu ý hiệp, nên nguyện kết làm anh em với nhau. Trương Phi, nhà giàu có, lại ở gần nơi đó, liền mời hai bạn kia về nhà mình, sai người nhà làm thịt trâu dê, đem ra vườn đào, tế cáo Trời Đất để ba người thề nguyền kết nghĩa anh em:

"Chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, tuy khác họ, nhưng nguyện kết làm anh em với nhau, đồng tâm hiệp lực, cứu khổn phò nguy, trên báo ân quốc gia, dưới giúp an bá tánh, chúng tôi không sanh đồng năm đồng tháng đồng ngày, chỉ nguyện chết được cùng ngày cùng tháng cùng năm. Xin Hoàng Thiên Hậu Thổ chứng giám, ai bội nghĩa có Trời Đất tru diệt."

Thề rồi, so tuổi nhau, Lưu Bị lớn tuổi nhứt nên làm Đại Ca, kế đó là Quan Vũ làm Nhị Ca, và nhỏ tuổi nhất là Trương Phi làm Tam đệ.

 

Đào viên pháp

桃園法

Đào: Chế tạo, hun đúc nhân tài. Viên: vườn. Pháp: cách thức.

Đào viên: vườn đào, ý nói: Đào viên kết nghĩa của ba anh em Lưu, Quan, Trương. (đã nói trong điển tích bên trên).

Đào viên pháp là lập hồng thệ kết nghĩa anh em trong cơ quan Phạm Môn, giống như ba anh em Lưu Quan Trương kết nghĩa tại vườn đào.

Vị nào được lập hồng thệ rồi mới chánh danh là môn đệ của Phạm Môn. Muốn được lập hồng thệ, Đức Phạm Hộ Pháp phải làm phép "cân thần" tức là trục chơn thần của vị đó ra, để Đức Hộ Pháp xem người đó có đủ Hạnh, Đức, Trí, Lực không, nếu đủ thì Đức Hộ Pháp mới cho thọ Đào Viên pháp, và lập hồng thệ Phạm Môn. (Xem chữ: Cân thần, vần C)

Trong Lược sử Phạm Môn, ông Đạo Nhơn Nguyễn Đức Hòa có thuật lại lễ thọ Đào viên pháp của quí vị Phạm Môn tại Sở Trường Hòa, ngày mùng 3 tháng giêng năm Nhâm Thân (1932), xin chép ra sau đây:

Đến 7 giờ tối, Đức Thầy (Đức Phạm Hộ Pháp) dạy lấy một cái thau rửa thật sạch, đem để trước Thiên bàn.

Đức Thầy nói:

- Đáng lẽ mỗi người có tên hồng thệ hôm nay, tự mình cắt tay lấy máu đựng chung trong thau nầy, rồi mỗi người uống một hớp, nhưng mấy em là người đạo, mỗi người đều giữ trường trai, không thể làm như vậy được, nên phải dùng rượu chát đỏ thay thế, đổ rượu vào thau nầy cho nhiều, vì mấy em đông lắm, lại thêm cha mẹ, vợ con của mấy em.

Khi đổ rượu vào thau xong, Đức Thầy làm lễ Đức Chí Tôn và hành pháp vào thau rượu, rồi kêu vô từ người theo danh bộ đã chọn sẵn và cả cha mẹ, vợ con của người được hồng thệ vô. Người chánh danh Phạm Môn được hồng thệ, quì trước Thiên bàn, nguyện như vầy:

"Tôi là: . . . . . . . . . . . . . . . . . tuổi . . . . . thề rằng:

Từ nay tôi coi anh em Phạm Môn như ruột thịt, sanh tử bất ly, thoảng có điều chi hoạn nạn thì tôi liều mình với anh em tôi. Nếu ngày sau tôi thất nguyện, quyền thiêng liêng hành pháp tận đọa tam đồ bất năng thoát tục, và Thầy tôi không nhìn đến tôi nữa."

Lạy 3 lạy, đứng dậy, rồi thọc ngón tay giữa của bàn tay mặt vô rượu chát đỏ mà nói rằng: "Đây là huyết thệ của tôi." Rồi uống mỗi người một hớp, cha mẹ vợ con của người chánh danh cũng uống mỗi người một hớp.

Như vậy, kế người sau đó cũng làm y như vậy, tiếp theo cho đến hết.

 

ĐÁO

ĐÁO

ĐÁO: Tới, đến.
Td: Đáo đầu, Đáo tuế.

 

Đáo đầu

到頭

A: To arrive to the end.

P: Arriver à la fin.

Đáo: Tới, đến. Đầu: cái đầu cùng.

Đáo đầu là đến đầu cùng, ý nói việc đến lúc kết thúc.

Sách Nho có câu rằng: "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu giả nan tàng." Nghĩa là: Lành dữ đến lúc cuối cùng thì có quả báo, cao bay xa chạy khó ẩn trốn.

TNHT: Đáo đầu mới rõ Đạo là cao.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đáo để

到底

A: To the bottom, excessively.

P: Jusqu'au fond, excessivement.

Đáo: Tới, đến. Để: ở dưới đáy.

Đáo để là đến cái đáy thùng, đến tận cùng, ý nói: Quá quắt, quá lắm, dữ dội.

Thí dụ:

Con bé nầy đáo để thật! (Quá quắt)

Khổ não đáo để. (Quá lắm)

 

Đáo tuế

到歲

A: To arrive at the birth year (according to the lunar calendar).

P: Arriver à l'année de naissance (suivant le calendrier lunaire)

Đáo: Tới, đến. Tuế: năm (theo âm lịch).

Đáo tuế là đến cái năm mà mình được sinh ra, tính theo năm âm lịch, lúc đó được 61 tuổi.

Năm âm lịch tính theo Can Chi, chu kỳ của Can Chi là 60.

Thí dụ: Một người được sanh ra vào năm Giáp Tý, theo truyền thống dân tộc VN, đứa bé mới sinh ra được tính là 1 tuổi, vì tính cả thời kỳ còn là bào thai trong bụng mẹ. Người ấy sống và lớn lên, qua nhiều năm Tý nhưng không phải là năm

Giáp Tý, như: - đến năm Bính Tý thì được 13 tuổi, - đến năm Mậu Tý thì được 25 tuổi, - đến năm Canh Tý thì được 37 tuổi, - đến năm Nhâm Tý thì được 49 tuổi, - và đến đúng năm Giáp Tý nữa thì được 61 tuổi. Đây là năm Đáo tuế.

Thuở xưa, y học chưa phát triển như ngày nay, nên tuổi thọ trung bình của người VN còn thấp, sống được 61 tuổi là mừng lắm, nên đến tuổi nầy thì người ta tổ chức Lễ Chúc thọ, hay Khánh thọ để mừng Đáo tuế. (Xem chữ: Chúc thọ, vần Ch)

 

ĐẢO

Đảo cáo

禱告

A: To pray the Espirits, to implore.

P: Prier les Esprits, implorer.

Đảo: cúng tế để cầu phước. Cáo: trình báo.

Đảo cáo là cúng tế cầu nguyện và trình báo các Đấng Thiêng Liêng.

NH: Lòng sở vọng gắng ghi đảo cáo,

NH: Niệm Hương.

 

Đảo huyền

倒懸

Đảo: lộn ngược. Huyền: treo.

Đảo huyền là treo lộn ngược, ý nói sự thay đổi đảo ngược, tình trạng rất tốt đổi thành rất xấu.

TNHT: Biến chuyển trời Nam cuộc đảo huyền.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐẠO

ĐẠO

·         ĐẠO: có nhiều nghĩa kể ra sau đây:

1.    ĐẠO: Tôn giáo, con đường.
Td: Đạo đời, Đạo phục.

2.    ĐẠO: Nguyên lý đầu tiên của Càn Khôn Vũ Trụ..
Td: Đạo giáo.

1.    ĐẠO: Bổn phận và nguyên tắc phải theo.
Td: Đạo lý

2.    ĐẠO: Nói.
Td: Đạo ngô ác giả thị ngô sư.

3.    ĐẠO: Một toán quân: Đạo binh.

3.    ĐẠO: Dẫn dắt.
Td: Đạo ngôn, Đạo luận.

4.    ĐO: Trm.
Td: Đ
o tc.

 

Đạo - Tôn giáo

Phần thứ nhứt: ĐẠO là gì?

1. Giải nghĩa ĐẠO theo Nho giáo

2. Giải nghĩa ĐẠO theo Lão giáo

3. Giải nghĩa Đạo theo Phật giáo

4. Giải nghĩa Đạo theo Cao Đài

o Tổng kết

Phần thứ hai: TÔN GIÁO là gì?

1. Định nghĩa

2. Nguồn gốc của các tôn giáo


- 宗敎

A: The absolute principle - The religion.

P: Le principle absolu - La religion.

Phần thứ nhứt: ĐẠO là gì?

1. Giải nghĩa ĐẠO theo Nho giáo:

Đầu tiên hết, chúng ta giải nghĩa ĐẠO theo lối chiết tự:

Viết chữ Đạo bắt đầu hai phết , tượng trưng Âm Dương, gạch dưới một gạch là chữ Nhứt tượng trưng Âm Dương hiệp nhứt là cơ Sanh hóa, kế bên dưới là chữ Tự nghĩa là chính mình, tự tri tự giác, tự giải thoát, chớ không ai làm giùm cho mình được, trên và dưới ráp lại thành chữ Thủ nghĩa là đứng đầu, là trên hết, là nguồn gốc của CKVT và vạn vật, bên hông lại có chữ Tẩu là chạy, tức là vận chuyển biến hóa.

Vậy trong chữ ĐẠO có hàm ý Âm Dương, động tịnh, động thì sanh hóa, tịnh thì vô hình vô ảnh.

Chúng ta cũng thấy rõ rằng "Nhứt Âm nhứt Dương chi vị Đạo". Âm Dương ấy chính là Lưỡng nghi do Thái Cực biến sanh. Khi Âm Dương hiệp nhứt tức là trở về Thái Cực.

Chu Liêm Khê nói rằng: Vô Cực nhi Thái Cực nghĩa là: "Vô Cực mà Thái Cực" vì Thái Cực ở trong Vô Cực mà ra.

Vô Cực ấy chính là ĐẠO.

2. Giải nghĩa ĐẠO theo Lão giáo:

Trong Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử giảng giải về Đạo:

Đạo là cái nguyên lý hoàn toàn huyền diệu, không thể bàn được, không thể định danh được, không thể dùng lý trí mà hiểu được. Muốn hiểu Đạo phải dùng Tâm mà thôi.

Vậy, Đạo là cái nguyên lý vô danh, vô hình vô ảnh, nó là nguyên căn của Trời Đất và vạn vật.

Đức Lão Tử mô tả cái đó như sau:

Có một vật do sự hỗn hợp mà thành, nó sanh ra trước Trời Đất, vừa trống không, vừa yên lặng, đứng yên một mình mà không biến cải, trôi đi khắp mọi nơi mà không thôi, có thể làm mẹ đẻ của thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, phải đặt tên cho nó là Đạo và gượng gọi nó là Đại.

(Hữu vật hỗn thành, tiên Thiên Địa sanh, tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại).

Xem thế thì Đạo chỉ là một chữ mà Đức Lão Tử miễn cưỡng phải dùng. Kỳ thực, cái vật nguyên thủy sanh ra Trời Đất vẫn là một vật không tên, hay nói cho đúng, nó chưa có tên, vì nó có trước loài người và nó chưa thành một hình thái nhứt định.

Muốn cho người ta khỏi hiểu lầm, Lão Tử nói thêm:

Cái Đạo mà người ta có thể nói được thì chẳng phải là cái Đạo bất biến, cái tên mà người ta có thể gọi là tên được thì chẳng phải là cái tên bất biến. Cái không tên là khởi thủy của Trời Đất, cái có tên là mẹ của muôn vật. Cho nên, thường lúc thì Không (Vô) để cho người ta thấy cái ảo diệu của nó, thường lúc thì Có (Hữu) để cho người ta thấy cái phạm vi giới hạn của nó. Hai mặt nầy cùng xuất hiện một lượt với nhau, nhưng tên khác nhau, đều gọi là huyền diệu. Huyền diệu đến mấy từng và là cái cửa đi vào mọi sự huyền diệu.

(Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh. Vô danh Thiên Địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu. Cố thường Vô dục dĩ quan kỳ diệu, thường Hữu dục dĩ quan kỳ hạo. Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh, đồng vị chi huyền, huyền nhi hựu huyền, chúng diệu chi môn.)

Sách Châu Dịch Xiển Chơn cũng có giải về chữ Đạo:

Hữu vật tiên Thiên Địa, Vô danh bổn tịch liêu,

Năng vi vạn vật chủ, Bất trục tứ thời điêu.

Nghĩa là:

Có một vật trước Trời Đất,

Không tên mà vốn yên lặng trống không,

Có khả năng làm chủ vạn vật,

Không quay theo bốn mùa mà điêu tàn.

Vậy Đạo có trước Trời Đất, chẳng những không tên mà còn vô hình vô ảnh, vô thinh vô xú nữa.

Nói như thế thì Đạo là cái Không. Đức Lão Tử sợ người ta hiểu lầm Đạo là trống rổng, nên Ngài nói thêm:

Đạo dường như Không mà cũng dường như Có, trong cái Không có cái Diệu Hữu là năng lực sanh hóa. Vậy:

Đạo có 3 trạng thái: Di, Hi, Vi hỗn hợp thành một thể:

·         Xem mà chẳng thấy gọi là Di,

·         Lóng mà chẳng nghe gọi là Hi,

·         Bắt mà chẳng nắm được gọi là Vi.

(Thị chi bất kiến, danh viết Di; Thính chi bất văn, danh viết Hi; Đoàn chi bất đắc, danh viết Vi).

Tóm lại, Đạo là cái vô danh, vô hình, vô sắc, vô thanh, vô xú, dường như có, dường như không. Ấy là cái lẽ huyền nhiệm định vị Tạo đoan, định vị Trời Đất, hóa sanh vạn vật.

Đạo rất huyền diệu, siêu viễn, cao thâm. Người căn trí thấp không thể hiểu nổi nên cho là huyễn hoặc và chê cười.

Bậc thượng sĩ nghe Đạo thì siêng năng làm theo.

Bậc trung sĩ nghe Đạo thì dường như còn, dường như mất, tức là nửa tin nửa ngờ, nửa nhớ nửa quên, khi làm khi bỏ.

Bậc hạ sĩ nghe Đạo thì cười lớn. Nếu chẳng cười lớn thì không đủ là Đạo.

(Thượng sĩ văn Đạo cần nhi hành chi. Trung sĩ văn Đạo nhược tồn nhược vong. Hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi, bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo.)

3. Giải nghĩa Đạo theo Phật giáo:

"Đạo, tiếng Phạn là Marga (Mạt già), có nghĩa là con đường thông tới chỗ đã nhứt định.

Đạo có khi chỉ là một đường, một nẻo, một nơi tụ họp như: thiện đạo, ác đạo, lục đạo,...

Đạo cũng có nghĩa là con đường tôn trọng, đạo lý, tôn giáo, như Phật đạo, Thánh đạo.

Đạo lại có nghĩa là Bồ đề (bodhi), Chánh đẳng Chánh giác, như: đạo tâm, đạo thọ, đạo trường.

Đạo cũng có nghĩa là tôn giáo như: đạo Lão (Lão giáo), đạo Phật (Phật giáo), đạo Nho (Nho giáo).

Cốt yếu, Đạo có 3 thứ:

1. Hữu lậu đạo: Đạo hữu lậu, do nghiệp lành hoặc nghiệp ác của con người đưa tới cảnh sướng hoặc cảnh khổ. Như thân làm lành, miệng nói lành, ý tưởng lành, ba nghiệp lành ấy thông tới cảnh phước lạc của loài người hoặc Thần, Tiên. Còn như làm ác, nói ác, tưởng ác, ba nghiệp ác ấy thông tới cảnh độc dữ của Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, hoặc cảnh của người nghèo khổ hoạn nạn.

2. Vô lậu đạo: Đạo vô lậu, đường giải thoát. Ấy là con đường cao thượng đưa những nhà tu học có tâm giải thoát. Như Bát Chánh Đạo, Thinh Văn Đạo, Duyên Giác Đạo, Bồ Tát Đạo. Nhà tu hành nương theo nền Vô lậu đạo để tới Niết Bàn.

3. Đạo là thể Niết Bàn, nền Chánh giác, quả Bồ đề, mức cao siêu cùng cực, vượt khỏi các mối chướng ngại, được tự do tự tại như: Đạo nhãn, Đạo tâm, Đạo thọ.

Theo Câu Xá Luận, đạo là con đường đưa đến Niết Bàn.

Đạo vẫn trường tồn, lúc nào cũng có, nên lúc nào mình cũng tu học được, chớ chẳng phải đợi đến lúc Phật ra đời. Nhưng trong khi Phật hiện ra ở thế, chúng sanh dễ hành đạo đắc quả, vì nhờ có Phật giáo hóa chỉ đường.

Đạo có dễ (dị đạo), có khó (nan đạo). Như ở cõi ta bà thế giới nầy đầy ngũ trược mà tu theo phép Lục Độ Vạn hạnh thì rất khó mà thành đạo, ấy là Đạo khó. Còn ở tại cõi nầy mà tu phép Tịnh Độ, niệm Phật A-Di-Đà cầu về Cực Lạc thì rất dễ dàng, ấy là Đạo dễ. Vậy chúng ta nên tinh tấn mà tu trì pháp môn niệm Phật." (Trích Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn)

Vậy, theo Phật giáo, chữ Đạo có ý nghĩa thông thường mà thôi: Đạo là con đường luân hồi, Đạo là tôn giáo, Đạo là con đường tu đưa đến CLTG hay Niết Bàn.

4. Giải nghĩa Đạo theo Cao Đài:

a. Nghĩa thông thường: Đạo là con đường tu, là tôn giáo.

Đức Chí Tôn dạy: "Đạo là gì? Sao gọi là Đạo? Đạo là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà hồi cựu vị. Đạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Đạo thì các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết ngôi phẩm. Đạo nghĩa lý rất sâu xa, nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó, rồi mới học các nghĩa huyền bí khác cho đích xác đặng." (TNHT)

Bài thi của Đức Chí Tôn về chữ Đạo: (29-3-1933)

Đạo Trời cao lắm đó con ơi!

Đạo vốn gay go khó cạn lời.

Đạo ví dòng sông luồng gió bạt,

Đạo như thuyền bách giữa dòng khơi.

Đạo đưa người tục về Tiên cảnh,

Đạo giúp đưa ngu rõ cuộc đời.

Đạo quí đem đường Tiên, Thánh, Phật,

Đạo mầu gắng chí trẻ hôm mơi.

Như vậy, nghĩa thông thường của Đạo là con đường tu, con đường giải thoát, là tôn giáo. Thí dụ: Đạo Cao Đài.

b. Nghĩa triết lý: Đức Chí Tôn dạy như sau:

"Như kẻ bên Phật giáo hay tặng Nhiên Đăng là Chưởng giáo, Nhiên Đăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Đế.

Người gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Đạo Nhơn biến thân, Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần, đời nhà Thương.

Người gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.

Người gọi Lão Tử là Tiên Tổ Giáo, thì Lão Tử cũng sanh ra đời nhà Châu.

Người gọi Jésus Christ là Thánh Đạo Chưởng giáo, thì Jésus lại sanh ra nhằm đời nhà Hớn.

Thầy hỏi vậy chớ ai sanh ra các Đấng ấy?

Khi Hư Vô sanh có một Thầy. Còn mấy Đấng kể đó ai sanh? Ấy là ĐẠO. Các con nên biết.

Nếu không Thầy thì không có chi trong CKTG nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có Thầy."

Bài Thánh ngôn trên cho chúng ta hiểu rằng ĐẠO là Hư Vô chi Khí. Khí Hư Vô là chất khí nguyên thủy biến hoá sanh ra Thái Cực, là ngôi của Đức Chí Tôn Thượng Đế. Thái Cực biến hóa sanh ra Lưỡng nghi: Dương quang và Âm quang. Âm Dương ấy mới phối hợp sanh hóa ra CKVT và vạn vật.

Đạo là Hư Vô chi Khí, mà Hư Vô chi Khí sanh Thái Cực, mà Thái Cực cũng là Vô Cực (Vô Cực nhi Thái Cực).

Vậy, chúng ta có thể xem Đạo, Khí Hư Vô, Vô Cực, Thái Cực đều đồng một thể, và đó là nguồn cội của tất cả những cái vô hình và hữu hình trong CKVT.

Tổng kết:

Đạo rất huyền bí cao siêu, trước khi chưa có Trời Đất thì đã có Đạo. Tuy dùng nhiều danh từ khác nhau, nhưng tựu chung đều chỉ có một, ấy là cái nguồn cội của CKVT và vạn vật. Cái nguồn cội ấy khi còn bất động thì gọi là Đạo (Hư Vô chi Khí, Vô Cực), khi đã động để sanh hóa thì gọi là Thái Cực hay Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đấng ấy là Đấng duy nhứt, tuyệt đối, được các tôn giáo gọi bằng nhiều từ ngữ khác nhau, nhưng chung qui chỉ có một Đấng mà thôi.

Đạo là chơn lý tuyệt đối. Bổn tánh của Đạo là hư không, lặng lẽ, xem chẳng thấy, lóng chẳng nghe, rờ chẳng đụng, không lớn không nhỏ, không trước không sau, không thể đem ra so sánh, cũng không thể dùng lời nói mà diễn tả cho hết được vì ngôn ngữ thì có giới hạn mà Đạo thì vô cùng.

Đạo là nguyên lý tuyệt đối tột cùng, là nguồn gốc của CKVT và vạn vật, nên Đạo lưu hành khắp vũ trụ, tàng ẩn trong vạn vật. Bất cứ vật nào cũng có một phần linh diệu bên trong (đó là Đạo) để điều hòa trưởng dưởng nó. Đạo là tinh thần của Trời Đất và vạn vật. Trời Đất và vạn vật là bản thể của Đạo.

Đạo bền vững mãi mãi, không bao giờ hư hoại. Vạn vật không thể xa Đạo. Hễ còn Đạo thì sống, mất Đạo thì chết.

Đạo vốn vô hình, nên muốn trình bày cái Đạo tất phải mượn hữu hình. Đó là cái thể và cái dụng của Đạo.

·         Cái thể của Đạo là những hình thể do Đạo sản xuất. Tôn giáo là cái cửa, muốn biết Đạo thì phải đi vào cái cửa ấy.

·         Cái dụng của Đạo là phá mê khải ngộ, đem ánh sáng chơn lý rọi vào cái vô minh, bảo tồn con người trở về với Đạo.

Phần thứ hai: TÔN GIÁO là gì?

1. Định nghĩa: Tôn là một học phái. Chữ nầy đúng ra đọc Tông, nhưng vì kỵ húy vua Minh Mạng (Miên Tông) nhà Nguyễn nên đọc trại là Tôn, lâu dần thành quen. Giáo là dạy.

Tôn giáo là một học thuyết dạy con người tín ngưỡng tu hành. Nếu ai thực hiện đúng theo lời dạy của tôn giáo thì:

·         Khi người đó còn sống, họ có đời sống tâm linh an lạc hạnh phúc, tâm trí trở nên sáng suốt, biết rõ quá khứ vị lai và những điều huyền diệu của Trời Đất.

·         Còn khi người đó chết, linh hồn trở về cõi thiêng liêng được Đấng Thượng Đế ban cho phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật tương xứng, và đời đời hưởng cực lạc nơi cõi TLHS.

2. Nguồn gốc của các tôn giáo:

Trên thế gian có nhiều tôn giáo khác nhau do nhiều vị Giáo chủ khác nhau lập ra trong nhiều thời kỳ khác nhau, tại những địa phương khác nhau. Các tôn giáo tuy hình thức khác nhau như vậy, nhưng đều là cái thể của Đạo.

Nói khác đi, tôn giáo là cái cửa đi vào tòa nhà Đạo, hay tôn giáo là con đường dẫn đến mức cuối cùng là Đạo, là chơn lý tuyệt đối hằng hữu.

Xét như thế, tất cả tôn giáo đều có chung một nguồn gốc là Đạo. Nhưng tôn giáo không phải là Đạo, tất nhiên tôn giáo không phải là chơn lý tuyệt đối, mà chỉ là những phương tiện để đạt đến chơn lý tuyệt đối ấy.

Mỗi tôn giáo chỉ diễn tả được một khía cạnh, một màu sắc của chơn lý, nên chỉ nói lên được một phần nào của chơn lý mà thôi. Không một tôn giáo nào diễn đạt trọn cả chơn lý, vì chơn lý đó là Đạo, là Thượng Đế, là nguyên lý tuyệt đối, tuyệt diệu tuyệt huyền, không thễ diễn tả hết bằng ngôn ngữ và cũng không thễ nghĩ bàn. Vả lại, tôn giáo mở ra là để giáo hóa nhơn sanh nên phải tùy thuộc vào trình độ tiến hóa của nhơn sanh, nên tôn giáo cũng phải có giới hạn.

Các Đấng Giáo chủ như: Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử, Đức Jésus Christ, vv... và tất cả những Giáo chủ khác đều là những Đấng thiêng liêng lãnh lịnh Đấng Thượng Đế giáng trần, có sứ mạng giáo hóa một sắc dân ở một địa phương, rao giảng điều lành, khuyến dân hành thiện, thể hiện những màu sắc tốt đẹp khác nhau của chơn lý, hầu tùy duyên trợ lành, tùy phương tiện và trình độ mà hướng dẫn nhơn sanh phấn đấu vươn lên đến sự giác ngộ sáng suốt.

Vì nhơn loại có nhiều chủng tộc khác nhau, ở nhiều địa phương khác nhau, có trình độ tiến hóa khác nhau, nên Thượng Đế phải lập ra nhiều tôn giáo khác nhau để thích hợp với từng hoàn cảnh mà giáo hóa và độ rỗi nhơn sanh.

Nhưng người đời còn quá vô minh, mê chấp, nên người ở tôn giáo nầy bài xích tôn giáo kia, tự cho tôn giáo mình là chơn chánh, tôn giáo khác là tà mị, gây mối hiềm khích rẽ chia, đưa đến nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc, được phủ một lớp sơn tốt đẹp là Thánh chiến, giết hại biết bao nhiêu người trong tham vọng của những vị lãnh đạo mù quáng.

Ngày nay, nhơn loại ở vào thời kỳ cuối cùng của Hạ nguơn Tam Chuyển, gọi là đời Mạt kiếp, sắp bước qua Thượng nguơn Tứ Chuyển, gọi là Thượng nguơn Thánh đức, Đấng Thượng Đế mở lòng Đại từ bi khai sáng ĐĐTKPĐ gọi tắt là Đạo Cao Đài, để tha thiết kêu gọi toàn thể nhơn loại một lần cuối cùng trước khi đến đại nạn Tận Thế, mở Hội Long Hoa.

- Thứ nhứt, nhơn loại dù khác chủng tộc, nhưng đều có chung một gốc sanh ra là Thượng Đế, Đấng Cha lành thiêng liêng của toàn thể chúng sanh. Nhơn loại cần nhìn nhau là anh em một nhà, thương yêu giúp đỡ nhau, người khôn dẫn đường kẻ dại, kẻ giàu giúp đỡ kẻ nghèo, kẻ mạnh bảo vệ người yếu...

- Thứ nhì, nhơn loại dù khác tín ngưỡng tôn giáo, nhưng đều có chung một nguồn gốc là Đạo và đều có chung một mục đích là tiến hóa trên con đường cao thượng đạo đức tốt đẹp, nên phải hòa đồng cùng nhau, xem nhau là đồng tâm đồng chí, giúp đỡ nhau để cùng tiến hóa.

CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

CLTG: Cực Lạc Thế giới.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Đạo bế - Đạo khai

(Xem: Bế Đạo, vần B)

 

Đạo cả

A: The great way.

P: La grande voie.

Đạo: tôn giáo. Cả: lớn.

Đạo cả là nền Đạo lớn, tức là Đại Đạo hay ĐĐTKPĐ.

KCBCTBCHĐQL:

Nơi Cung Ngọc học thông Đạo cả,

Chốn hư vô Tạo hóa tìm cơ.

KCBCTBCHĐQL: Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Ðã Qui Liễu.

 

Đạo cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng

道高一尺, 魔高一丈

Đạo: tôn giáo. Cao: trên cao. Nhứt: một. Xích: thước. Ma: ma quỉ. Trượng: một trượng dài bằng 10 thước.

Đạo cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng,

Đạo cao nhứt trượng, ma thượng đầu nhơn.

Nghĩa là:

Đạo cao 1 thước thì ma cao 10 thước,

Đạo cao 1 trượng thì ma cao khỏi đầu người.

(Ở đây, xích và trượng là đồ dùng để đo bề dài của người Tàu thời xưa, 1 xích bằng khoảng 2 tấc tây)

Hai câu trên ý nói: Người tu hành sẽ bị ma khảo dữ dội lắm, chớ không phải Quỉ Ma có tài phép cao hơn Tiên Phật.

Nếu tinh thần của người tu không đủ vững chắc, tâm tu không đủ trung kiên, thì khi bị ma khảo sẽ bị ngã nhào; còn nếu vượt qua được tức là thắng được các cuộc khảo duợt cám dỗ của quỉ ma thì quỉ ma mới chịu phục tùng và người tu đắc đạo đạt phẩm vị cao trọng.

Ma quỉ là giám khảo của người tu vì Đức Chí Tôn đã cho chúng nó cái quyền khảo duợt ấy, và đó cũng là việc cần thiết để đánh giá trị tinh thần và tâm đức của người tu.

 

Đạo dâu

A: The duties of the daughter-in-law.

P: Les devoirs de la belle-fille.

Đạo: những phép tắc và lề lối hợp lẽ phải và đạo lý mà mọi người phải tuân theo để có được cuộc sống trật tự tốt đẹp. Dâu: con dâu, vợ của con trai của mình.

Đạo dâu là bổn phận làm một đứa con dâu trong gia đình.

KSH:

Ở sao đáng phận đạo dâu,

Thờ chồng tiết hạnh mới hầu gái ngoan.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Đạo Đời

A: The religion and the lay life, Religious and laymen.

P: La religion et la vie laïque, Religieux et laïques.

Đạo: tôn giáo. Đời: bên ngoài tôn giáo, thuộc về thế tục, không tin tưởng tôn giáo.

Đời và Đạo là 2 mặt thể hiện khác nhau của con người:

Người Đạo thì cho rằng tiền tài, danh vọng, vật chất là phù du, giả tạm, là huyễn, xác thân của con người cũng là giả tạm, gây ra nhiều phiền não và đau khổ, nên lo tu hành để linh hồn giải thoát khỏi biển khổ luân hồi, để linh hồn tiến hóa lên cảnh Cực Lạc Niết Bàn, hưởng đặng hạnh phúc đời đời.

Người đời thì cho rằng linh hồn là mơ hồ huyễn hoặc, viễn vông, không thực tế, nên chỉ lo cho cuộc sống thấy rõ trước mắt, với tiền bạc, địa vị, tước quyền, ăn sung mặc sướng, thâu đoạt danh lợi càng nhiều càng thích.

Đạo thì lo về tinh thần, Đời thì lo về vật chất. Không nên phế Đời mà chỉ biết Đạo, không nên phế Đạo mà chỉ biết Đời. Đời Đạo phải nương nhau và bổ sung nhau, có thể làm thành hai giai đoạn sống của con người.

Khi nào Đời biết trọng Đạo, Đạo dìu Đời thì đời thái bình, dân chúng hạnh phúc.

Khi nào Đời khinh thường Đạo, tìm cách tiêu diệt Đạo thì đời ấy loạn lạc, luân lý suy đồi, trộm cướp nổi lên khắp nơi, dân chúng lầm than khổ sở.

Đức Chí Tôn có dạy rằng: "Đời cũng thế, Đạo cũng thế, chẳng Đạo chẳng nên Đời, Đời Đạo chẳng trọn, lấy Đạo trau Đời, mượn Đời giồi Đạo, Đạo nên Đời rạng, giũ áo phồn hoa, nương bóng khổ trăm năm mãn cuộc, tự thanh cao, nếm mùi tự toại, dưỡng chí thanh nhàn, thì có chi hơn. Vậy là mầu, vậy là trí!" (TNHT)

Hai bài thi sau đây: Đạo và Đời.

Thi chữ ĐẠO

Đạo như đuốc huệ rọi đường tu,

Đạo vốn nguồn trong rửa mạch sầu.

Đạo giải oan khiên căn nghiệp trước,

Đạo gìn hạnh phúc cháu con sau.

Đạo dìu kẻ đến miền an lạc,

Đạo chỉ người tìm chước diệt lao.

Đạo để làm nền vun cội đức,

Đạo là thang bắc tận Trời cao.

Thuần Đức

Thi chữ ĐỜI (họa vận)

Đời muốn trọn lành cố gắng tu,

Đời trau đạo đức khỏi đeo sầu.

Đời gìn kinh kệ noi gương trước,

Đời giữ luật điều tránh họa sau.

Đời Trụ chăn dân bày ngục thất,

Đời Châu trị nước dẹp đề lao.

Đời chưng nước ấy, Đời nương Đạo,

Đời biết nhận nhìn Đạo tối cao.

Võ Thành Lượng

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đạo Đức

1. Nghĩa thông dụng

2. Nghĩa theo Đạo Đức Kinh

3. Bài Giáo lý Đạo Đức, khóa Hạnh Đường Lễ Sanh

4. Đức Chí Tôn dạy về Đạo Đức


道德

A: The wisdom and holiness.

P: La sagesse et sainteté.

1. Nghĩa thông dụng:

Đạo: tôn giáo. Đức: những việc làm hợp lòng người, thuận đạo Trời.

Đạo Đức là cái khuôn mẫu để con người phải nương theo đó mà sửa mình, rèn tâm luyện tánh, đặng mở mang trí não cho được sáng suốt, đạt đến chỗ trí huệ.

Con người mà xa lìa Đạo Đức thì chẳng khác chi kẻ mù, biết đường nào hay hướng nào mà đi cho tới nơi tới chốn. Con người cần phải biết rõ con đường đạo đức, lo tu tâm luyện tánh mà trở lại bổn nguyên, dùng cái Đức sáng (Minh đức) mà sửa mình nên thiện mỹ, thì nhứt định sẽ thoát khỏi luân hồi, linh hồn siêu thăng lên miền Bồng đảo.

TNHT: Thế không đạo đức thế không thành.

2. Nghĩa theo Đạo Đức Kinh:

Theo Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử:

Cái gốc sinh ra vạn vật là ĐẠO, nhưng đến làm vật nào cho ra vật nấy và có thể tồn tại trong vũ trụ thì không phải ĐẠO mà lại là ĐỨC. (Xem chữ: Đạo Đức Kinh)

3. Bài Giáo lý Đạo Đức, khóa Hạnh Đường Lễ Sanh:

Theo Đức Lão Tử, cái nguyên lý tự nhiên là Đạo, được vào lòng người rồi gọi là Đức.

Theo nghĩa thông thường, Đạo Đức là lý pháp người ta noi theo để cư xử với đời thế nào cho trên hợp với lẽ Trời, dưới hợp cùng luân lý.

Người có đạo đức bao giờ cũng biết thận trọng: Đối nội không làm việc gì tổn thương đến nhân cách mình, dù cho là việc âm thầm không ai hay biết; đối ngoại cũng không bao giờ làm việc phi nghĩa và tổn nhơn hại vật, mặc dù việc ấy có lợi cho mình.

Người không đạo đức, không cần phải quấy, phàm việc gì có lợi cho mình thì cứ mạnh dạn làm, mặc dù việc ấy có hại cho ai. Vì vậy, họ tính đủ trăm mưu ngàn kế quyết làm sao cho nên việc, hầu thỏa mãn những bản năng đê tiện của họ.

Người không đạo đức thì không có tín ngưỡng và tư tưởng thanh cao. Họ chỉ sống với sự lôi cuốn của thị hiếu và dục vọng, không cần biết nghĩa vụ đối với nhơn quần xã hội.

Người không đạo đức chẳng thế nào bền chịu cảnh nghèo túng, họ dám làm liều, miễn sao cho có tiền xây dụng. Cho nên trong một xã hội mà đa số người không đạo đức, thường xảy ra những thảm kịch giết người đoạt của, hoặc lừa đảo lẫn nhau, tưởng không phải là việc lạ.

Trái lại, người có đạo đức thì vui chịu với số phận, gặp cảnh nào cũng yên ổn thảnh thơi, thì đâu đến nỗi bị ngoại vật lôi cuốn vào vòng tội lỗi.

Nhưng đạo đức cần phải đi đôi với tài năng, một người có đạo đức mà thiếu tài năng thì chưa đủ tư cách giúp đời và giúp Đạo. Một người có tài năng mà thiếu đạo đức, chỉ lo sống ích kỷ và làm hại cho nhơn quần xã hội thôi.

Một người khả dĩ được hoàn toàn là khi nào kiêm cả tài đức. Có đức để làm tròn nghĩa vụ, có tài để làm tròn nhiệm vụ.

Còn như chịu kém một phần, thà kém tài hơn kém đức.

Câu: "Đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhân" thật là chí lý.

Đạo đức làm nền tảng tinh thần xã hội. Thiếu đạo đức, xã hội sẽ lâm vào cảnh cuồng loạn.

Đức Chí Tôn đã dạy:

"Những sự phàm tục đều là mưu kế của tà mị yêu quái, cốt để ngăn cản bước đường Thánh đạo của các con. Thầy đã nói: Thầy thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con, nó hằng thừa dịp cắn xé các con. Nhưng Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con. Thầy lại khuyên các con gìn giữ bộ thiết giáp ấy hoài cho đến ngày hội hiệp cùng Thầy.

Ấy vậy, đạo đức rất hữu ích cho các con như thiết giáp hữu ích cho thân. Nếu các con bỏ thiết giáp thì thân các con ra trần lỗ, còn bỏ đạo thì các con ở dưới phép tà quyền." (TNHT)

Nhờ đạo đức, chúng ta chế phục thất tình lục dục. Chế phục được tình dục tức khỏi lo vướng phải lưới rập của tà mị bủa giăng, tức là tránh khỏi những điều cám dỗ.

Đạo đức là nguồn cội của sự sáng. Nhờ đạo đức, thần trí được quang minh thông huệ. Thần trí minh huệ thì biết phán đoán giả chơn và thấu đáo một phần lẽ huyền vi của Tạo hóa.

Lòng đạo đức vốn làm nòng cốt cho Thần Thánh, vì một tư tưởng hay hành vi đạo đức luôn luôn được Thần Thánh chứng giám và hộ trì. Lòng vô đạo đức tức có nét vạy tà, mà tâm tánh vạy tà là chỗ cho tà thần xâm nhập để giục quấy thêm lên.

Đạo đức là chiếc thang tấn hóa đưa lần chúng ta lên tột phẩm vị thiêng liêng. Bước đặng một nấc tức đặng một phần cao, bước lên tột nấc thang tức là đến cõi hoàn toàn chí thiện, tức đến cõi Thượng Đế vậy.

4. Đức Chí Tôn dạy về Đạo Đức:

"Đạo Đức phải đi cặp nhau. Đạo là dương, Đức là âm. Âm Dương phải tương cảm tương ứng, điều hoà mới thành đặng.

Con người phải biết đường Thiên lý, lo tu hành quày bước trở lại bổn nguyên, nương pháp đạo mà luyện tánh tu tâm, dùng đức cả sửa mình nên hạnh tốt.

Người phải có Đạo nhưng phải làm cho Đạo rộng lớn thêm ra, chớ Đạo không thế làm cho người rộng lớn đặng. (Nhơn năng hoằng Đạo, Đạo bất hoằng nhơn).

Đạo đức là cái khuôn mẫu để cho loài người phải nương đó mà sửa mình, đặng mở trí hóa thông minh sáng suốt hoàn toàn cho đến chí thiện chí mỹ. Chớ con người mà bỏ xa đạo đức đi rồi, nào khác chi kẻ bị quáng làn, cặp nhãn mờ tối, có biết đường nào mà đi cho khỏi sa hầm sa hố.

THI BÀI:

Người không Đạo như hồ không đáy,

Chứa bao nhiêu nó chảy bấy nhiêu.

Người tròn đạo đức xuôi chiều,

Như thuyền sẵn nước gió xuôi thuận đường.

Đạo tẩm nhuận chơn dương không khí,

Muôn vật nhờ báu quí hấp nuôi.

Thảnh thơi khỏe khoắn mừng vui,

Trăm hoa đua nở phất mùi THANH HƯƠNG.

Làm cho đặng thông thương trên dưới,

Phước đức lành nhuận rưới khắp chung.

Nhờ đây nhơn vật vẫy vùng,

Nhờ đây mở hoát Cửu Trùng bước lên.

Người học Đạo là nền chơn lý,

Nhờ sức người lập chí đạt thành.

Luyện tu chiếm địa vị lành,

Đạo khai tâm tánh bạch thanh huệ từ.

Người có Đạo cũng như có ngọc,

Ngọc không trau nên vóc nên hình.

Thì đâu có vẻ đẹp xinh,

Đức là trau luyện, Đạo hình ngọc kia.

Đạo đức để xa lìa mãi mãi,

Thì khác gì thuyền lại không sông.

Đức là nước chảy lưu thông,

Tâm nhuần khắp cả non sông gội nhờ.

Người quân tử bao giờ bỏ Đức,

Đức làm nên thước mực cho người.

Đức còn muôn vật tốt tươi,

Đức minh minh đức ráng khươi cho đời.

Đức cao thượng Phật Trời do đó,

Đức Thánh Hiền sáng tỏ hơn sao.

Đức như cây có vỏ bao,

Cây mà không vỏ cây nào sống đâu.

Đức tô điểm thanh cao giá phẩm,

Đức từ hòa nhuận tẩm bốn phương.

Đức làm người vật yêu thương,

Đức ân vô lượng phải tường mới cao.

Đức âm đức dồi dào minh mẫn,

Đức lưu hành im ẩn tự nhiên.

Đức ưa gần với Thánh Hiền,

Người làm âm đức là Tiên trong trần.

Âm đức tợ như vầng trăng chói,

Không khoe mình hay giỏi cao sang.

Sửa mình chính đính hoàn toàn,

Trọng người như ngọc như vàng như châu."

(ĐTCG)

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

ĐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.

 

Đạo Đức Học Đường & Trường Lê Văn Trung

A: Đạo Đức School - Lê Văn Trung School.

P: École de Đạo Đức - École de Lê Văn Trung.

Học đường là nhà dạy học hay trường học.

■ Đạo Đức Học Đường là một ngôi trường Trung Tiểu Học do Hội Thánh lập ra, cất trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, để dạy văn hóa và đạo đức cho các con em trong Đạo.

■ Trường Lê Văn Trung cũng là một ngôi trường Trung Tiểu Học, do Quân Đội Cao Đài xây dựng, đặt dưới sự quản trị của Học Viện CTĐ Tòa Thánh, lấy thế danh của Đức Quyền Giáo Tông đặt tên cho ngôi trường để tưởng nhớ công nghiệp vĩ đại trong thời kỳ Khai Đạo, và đức tánh chăm lo mở mang văn hóa của Ngài. Trường Lê Văn Trung nằm giữa khoảng Cửa số 7 ngoạ i ô và ngã tư Ao Hồ, Châu Thành Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh.

1. Đạo Đức Học Đường:

Đạo Đức Học Đường (ĐĐHĐ) được Hội Thánh thành lập rất sớm, do Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) vào năm 1928 (Mậu Thìn), tại phần đất kế bên Đông Lang Tòa Thánh (tại Sở Bông Huệ ngày nay). Lúc đó Đạo còn rất nghèo, Tòa Thánh cất tạm bằng cây ván, nên ĐĐHĐ lúc đó cũng chỉ cất bằng mái tranh vách đất, bàn ghế thô sơ, học trò không có tập giấy để viết, phải viết trên lá buông. Các học sinh là những con em trong nhà Đạo mới qui tụ về Tòa Thánh làm công quả.

Các thầy giáo đều là những người làm công quả, có trình độ học vấn Văn bằng Tiểu học và Thành Chung, được Hội Thánh bổ nhiệm làm Giáo viên. Ông Đốc phủ Nguyễn Hữu Đắc làm Giám Đốc đầu tiên.

ĐĐHĐ thật sự là một Nghĩa thục của Đạo Cao Đài, giáo viên ăn cơm Đạo dạy công quả, học sinh không đóng học phí, những học sinh mà gia đình quá nghèo được Hội Thánh cho ăn cơm nơi Trai Đường của Hội Thánh.

Niên học đầu tiên 1928-1929, ĐĐHĐ chỉ có 3 lớp: 2 lớp Đồng Ấu (Cours enfantin) và 1 lớp Dự Bị (Cours préparatoire) tức là lớp 1 và lớp 2 ngày nay, dạy theo chương trình Pháp.

Cuối niên học nầy, Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt đến dự Lễ Phát thưởng cho học sinh, vào ngày18-8-1929 (âl 14-7-Kỷ Tỵ). Ngài có đọc một bài diễn văn, trong đó, phần đầu nói chung về tình hình Đạo sự trong năm, phần cuối Ngài mới đề cập đến Lễ Phát thưởng và các học sinh, xin trích ra:

"Trong mấy năm dư, Đạo nghèo, mấy em chịu phần hui hút, còn mấy anh đây lại bị kẻ thúc người đè, cũng không săn sóc mấy em trẻ dại, để mấy em chiu chít như gà kia mất mẹ.

Ít người xét cổ suy kim, mới biết rằng tôn giáo nào cũng nhờ học thức mà thìn mối Đạo, truyền Chánh giáo mới đặng tròn câu phổ độ. Đạo nghèo, đồng tiền eo hẹp, còn thầy giáo huấn không một đồng lương, lại thêm ngày dạy ấu nhi, lại còn phải làm công quả vùi cùng sanh chúng. Học sinh đồng nhi nam nữ tập viết bằng lá buông, chỗ ngủ lấy ván sạp làm giường, bề ăn uống tương rau hẩm hút.

Ba năm dư mới rảnh chút thì giờ, mấy anh đây mới lập trường mà phát thưởng. Lễ đơn sơ để dạ yêu thương, giục mấy cháu hết lòng lo đạo đức."

THƯỢNG TRUNG NHỰT

 

Cơ Sở Đạo Đức Học Đường sau đó được dời đến phần đất mà ngày nay là Bệnh Viện Y Học Dân Tộc trong Nội Ô, góc đường Phạm Hộ Pháp và Oai Linh Tiên. Trường được xây cất rộng rãi hơn, gồm hai dãy hai bên và một văn phòng ở giữa, bằng mái tranh vách đất, cột bằng cây rừng, số học sinh cũng tăng lên nhiều hơn vì số gia đình Đạo qui tụ về Thánh Địa lập nghiệp cũng đông hơn.

Năm 1931 (Tân Mùi), Đạo Đức Học Đường có được 8 lớp học, gồm: 6 lớp học sinh nam, 1 lớp học sinh nữ, 1 lớp dạy trẻ em người Miên. Lớp cao nhất là lớp Trung Đẳng (Cours Moyen). Tổng số học sinh nam nữ là 247 học sinh.

Qua năm 1932 (Nhâm Thân), ĐĐHĐ phát triển thêm 3 lớp: 1 lớp Cao Đẳng (Cours Supérieur) và 2 lớp Đồng Ấu, nên trường có tất cả 11 lớp với tổng số học sinh là 417, chia ra: 312 nam học sinh và 105 nữ học sinh.

Kỳ thi Tiểu Học năm nay, ĐĐHĐ đưa 26 học sinh lớp Cao Đẳng đi thi, tất cả đều thi đậu, chiếm tỷ lệ 100 %, trong đó có 21 học sinh đậu Mention de Français. Kết quả vẻ vang nầy có được là do sự chăm nom dạy dỗ học sinh của các thầy giáo và sự chịu khó và siêng năng học tập của các học sinh.

Trong số học sinh ĐĐHĐ, Hội Thánh có nuôi 94 học sinh nam nữ là con mồ côi, vừa đi học vừa làm đồng nhi.

Từ năm 1933 đến năm 1941, Đạo Đức Học Đường liên tục phát triển, nhưng vẫn chỉ dạy bậc Tiểu Học, số học sinh và số phòng học mỗi năm mỗi tăng.

Giám Đốc ĐĐHĐ đầu tiên là ông Nguyễn Hữu Đắc. Sau khi Đức Quyền Giáo Tông qui Thiên (ngày 19-11-1934), ông Đắc trở về Sài Gòn, sau đó ông ... ... Huờn được Hội Thánh bổ làm Giám Đốc, và vị Giám Đốc thứ 3 là ông Nguyễn Văn Hợi (sau nầy đắc phong Tiếp Dẫn Đạo Nhơn HTĐ).

Các Giáo viên ĐĐHĐ gồm có: ông Lê văn Chương (thường gọi là thầy giáo Văn), ông Phạm Ngọc Trấn, ông Nguyễn Văn Kiết (sau đắc phong Chưởng Ấn HTĐ), ông Phan Hữu Phước (sau đắc phong Thừa Sử), ông Nguyễn Công Cảnh (sau đắc phong Phối Sư Thượng Cảnh Thanh), ông Ba Chắc,...

Năm Tân Tỵ (1941), Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc cao cấp khác của Hội Thánh bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam và lưu đày ở đảo Madagascar, Phi Châu, Tòa Thánh Tây Ninh bị quân đội Pháp chiếm đóng, họ đóng cửa các cơ quan của Đạo và đuổi các Chức sắc và công quả không cho ở trong Nội Ô nữa, nên ĐĐHĐ cũng bị đóng cửa, học sinh bị giải tán.

Đến ngày 30-8-1946, Chánh quyền Pháp trả tự do cho Đức Phạm Hộ Pháp và các Chức sắc, rồi đưa về Tòa Thánh Tây Ninh. Tòa Thánh và các cơ quan của Đạo được Chánh quyền Pháp giao trả, Hội Thánh được tái lập.

Cơ sở vật chất của ĐĐHĐ qua nhiều năm bỏ phế nên hư hỏng hoàn toàn, nên Hội Thánh tái lập ĐĐHĐ trên phần đất mới nơi đường Cao Thượng Phẩm, gần Cửa số 6 Nội Ô, trường vẫn được cất bằng mái tranh vách đất, được các công quả gấp rút xây dựng cho kịp khai giảng niên học 1946-1947. Cơ sở trường mới được xây dựng gồm có: 8 dãy nhà tranh vách đất, 1 dãy lợp ngói, 1 ngôi nhà ở chính giữa làm văn phòng.

Hội Thánh cử Lễ Sanh Ngọc Hài Thanh (Lê Phú Hài) và Lễ Sanh Thượng Cảnh Thanh (Nguyễn Công Cảnh) ở Học Viện, lập Ban Quản Trị phụ trách ĐĐHĐ.

Hội Thánh cử ông Nguyễn Hữu Lương làm Hiệu Trưởng, Phụ tá có hai ông: Trần Hữu Khuôn làm Giám Đốc, Hạ Chí Khiêm làm Phó Giám Đốc.

Các Giáo viên gồm các vị: Nguyễn Văn Đáng, Huỳnh Văn Tiểng, Huỳnh Văn Lòng, Lê Văn Vang, Nguyễn Phùng Hưng, Nguyễn Phước Thanh, Nguyễn Văn Xem, Hà Văn Kiêu, Trần Nhơn Tâm, Lê Văn Vinh, Nguyễn Văn Thơ, Hoàng Châu, Huỳnh Văn Danh, Lê Kim Tấn, Nguyễn Văn Nhiều, thầy Nho Võ Văn Hợi (Võ Thiện Tâm),... Các Cô: Hồ Kim Quang, Huỳnh thị Long Vân Phi, Trương Bửu Châu, Trương Từ Tâm, Nguyễn Thị Trụ, Lê Kim Huê, Phùng Kim Lan, Hà Huệ Tươi, Nguyễn Thị Hân, Cô Phụng, Cô Xuân Ba, Cô Khoe, Cô Thuấn, vv... (còn nhiều Giáo viên khác nữa mà không nhớ hết)

Chương trình dạy học là theo Chương trình dạy tiếng Việt của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Trường khởi đầu mở các lớp Tiểu học gồm các cấp lớp Đồng Ấu (lớp 1), Dự Bị (lớp 2), Sơ Đẳng (lớp 3), Trung Đẳng (lớp 4), Cao Đẳng (lớp 5), và sau đó mở tiếp lên Trung học. Các lớp Trung học thì còn dạy theo Chương trình Pháp, gồm 4 lớp: Première année, Deuxième année, Troisième année, và Quatrième année. Học sinh lớp nầy đi thi bằng Thành Chung (Diplôme d'Études primaires supérieures, dịch là Bằng Cao Đẳng Tiểu Học).

Nhân dịp Lễ Bãi trường niên khóa đầu tiên tái lập nầy, ngày 30-9-1947 (âl 16-8-Đinh Hợi), Đức Phạm Hộ Pháp đến dự lễ và ban Huấn Dụ cho Ban Giám Đốc và các Giáo viên nam nữ, xin chép ra sau đây: (trích TĐ ĐPHP, Q.1 trang 73)

"Mời mấy vị Giáo viên và ân nhân của Đạo Đức Học Đường vào trước mặt Bần đạo.

Lời Tiên Nho chúng ta đã nói: Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần. Hoàn cảnh khó khăn làm cho Bần đạo khó định tâm, cảm xúc vô hạn, thấy tinh thần mấy em đối với đoàn hậu tấn, tức là tương lai vận mạng nước nhà. Đạo ngày sau cũng nhờ đám nầy. Cả thảy thống khổ của mấy em, Đức Chí Tôn và Hội Thánh đều nhận thấy cả yếu lý.

Hại thay! Gặp buổi loạn lạc, khuôn khổ phong hóa nước nhà bị tiêu hủy, đời xu hướng theo vật hình, bỏ rơi đạo đức... Hễ tranh đấu tức nhiên còn trường tiêu diệt. Có cơ quan tiêu diệt tức là có cơ quan bảo tồn, chẳng phải mình ta là đủ.

Chí Tôn mở trường dạy con cái của Ngài là lo làm sao bảo tồn sanh mạng cho nhơn loại, chẳng phải kiếp nầy mà đời đời kiếp kiếp. Phận sự tối trọng, Ngài giao cho Đạo. Chúng ta chỉ mới vẽ một nét đầu mà thôi, kết quả không phải trong buổi nầy mà trong tương lai đoàn hậu tấn. Mấy em nhận định được điều ấy, chẳng kể vì danh vị, chẳng kể hoàn cảnh khó nhọc, chẳng nài đói khó khổ não, chẳng tủi hờn, cái cảnh mấy em chịu đói rách với Đạo, tạo đầu óc cho mấy em nhỏ, thì không ân nào trọng hơn nữa.

Đài Tần đảnh Hớn từ thượng cổ tới giờ còn ghi, đó là cơ quan hữu hình, cả khối tinh thần chúng nó do mấy em tạo sẽ trường cửu, không có năng lực nào đối phó đặng. Mấy em như là Kiến trúc viên, vẽ từ nét, coi từ điều, quan sát tất cả mọi hay dở mà sửa đổi cho tận thiện tận mỹ, cái thành trì Chí Tôn giao cho mấy em kiến trúc đó, sẽ tạo lập thành quách tương lai mà chớ.

Bần đạo cám ơn và tin cậy mấy em."

Trong lúc đó, do nạn chiến tranh lan tràn khắp nơi, số gia đình của các tín đồ tản cư về Thánh Địa càng lúc càng đông, Ban Giám Đốc ĐĐHĐ xin phép Hội Thánh cho mở thêm các chi nhánh trong khắp các Phận Đạo, nơi dân cư đông đúc, để dạy các học sinh nhỏ thuộc bậc Sơ đẳng, gồm các cấp lớp: lớp Đồng Ấu, lớp Dự Bị, và lớp Sơ Đẳng. Khi học hết Sơ Đẳng rồi thì học sinh phải vào ĐĐHĐ trong Nội Ô để học lớp Trung Đẳng và Cao Đẳng, để đi thi lấy bằng Tiểu Học.

Tính ra, ĐĐHĐ lúc đó, kể cả các chi nhánh nơi các Phận Đạo có tổng số hằng trăm lớp bậc Tiểu Học.

Đầu niên học 1952-1953, Ban Trung Học của ĐĐHĐ được sáp nhập với Trường Phổ Thông, và Trường Phổ Thông nầy được Hội Thánh cải danh là Trường Trung Tiểu Học Lê Văn Trung. (Xem phần 2, phía sau: Trường Lê Văn Trung)

ĐĐHĐ vẫn tiếp tục hoạt động liên tục, đào tạo các học sinh là con em nhà Đạo trong bậc Tiểu Học. Khi lên bậc Trung Học thì các học sinh được chuyển ra trường Lê Văn Trung học tiếp cho đến hết bậc Trung Học.

Năm 1957, ĐĐHĐ tạm dời ra phần đất Cơ Thánh Vệ cũ, gần Chợ Thương Binh ở ngoại ô Tòa Thánh. Ông Nguyễn Văn Công làm Giám Học ĐĐHĐ từ năm 1957 đến năm 1963.

Mãi đến năm 1963, ĐĐHĐ mới được dời về vị trí cũ trong Nội Ô Tòa Thánh.

Lúc đó cơ sở cũ gần như hư hỏng hoàn toàn nên Ban Giám Đốc nhà trường phải lo kiến thiết lại. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Ông Phối Sư Thượng Cảnh Thanh, Thượng Thống Học Viện (Ông Cảnh nguyên là giáo viên ĐĐHĐ thuở đầu tiên), Ông vận động các nhà hảo tâm giúp tiền bạc và vật liệu xây dựng được một Văn phòng, 6 dãy nhà gồm 30 phòng học, xây vách tường, mái lợp ngói hay lợp tôn, có bàn ghế học sinh và bảng đen đầy đủ. Ông Nguyễn Hữu Lương trở lại làm Hiệu Trưởng từ năm 1964 đến năm 1968. Lúc bấy giờ, ĐĐHĐ phát triển lên bậc Trung Học đệ nhứt cấp và đệ nhị cấp.

Năm 1967, ông Hạ Chí Khiêm đang làm Phó Giám Đốc trường Lê Văn Trung, được Hội Thánh rút về ĐĐHĐ làm Phụ Tá Hiệu Trưởng, tiếp tay với ông Hiệu Trưởng Nguyễn Hữu Lương điều hành nhà trường.

Sau đó, Ban Giám Đốc vận động với Ban Bảo Trợ nhà trường xây cất 10 phòng học có lầu đúc bằng vật liệu kiên cố.

Từ năm 1969 đến năm 1978, ông Hạ Chí Khiêm lên làm Hiệu Trưởng thay thế ông Nguyễn Hữu Lương.

Đến cuối tháng 4 năm 1978, các cơ quan của Đạo Cao Đài trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh đều bị giải thể, hai ngôi trường của Đạo là ĐĐHĐ và Lê Văn Trung được giao cho nhà nước quản lý.

ĐĐHĐ được Sở Giáo Dục tỉnh Tây Ninh phân thành hai trường: một trường dạy học sinh cấp 3 được đặt tên là trường Phổ Thông Trung Học Lý Tự Trọng và một trường dạy học sinh cấp 1 và 2 đặt tên là trường Mạc Đỉnh Chi.

Hai câu liễn đặt tại cổng ĐĐHĐ thuở ban sơ của trường:

道德留傳後進孝忠扶社稷

學堂敎化書生仁義立江山

Đạo Đức lưu truyền hậu tấn hiếu trung phò xã tắc.

Học Đường giáo hóa thư sinh nhơn nghĩa lập giang sơn.

Nghĩa là:

Đạo đức lưu truyền cho đoàn hậu tấn, lấy hai chữ hiếu trung giúp dân giúp nước,

Trường học giáo hóa học sinh lấy hai chữ nhơn nghĩa xây dựng quốc gia.

2. Trường Lê Văn Trung:

Tiền thân của trường Lê Văn Trung là trường Phổ Thông do Thiếu Tướng Trình Minh Thế và Thiếu Tá Nguyễn Văn Ngọ của Quân Đội Cao Đài, lấy khu đất làm trại cưa công nghiệp của quân đội nơi vườn Mít, xây dựng lên vào năm 1950 đặt tên là trường Phổ Thông, chủ yếu là để dạy các con em trong quân đội. Ngôi trường nầy tọa lạc tại đường Hoàng Tòng Hướng, ở khoảng giữa từ Cửa số 7 Ngoại ô đến ngã tư Ao Hồ, thuộc Ấp Hiệp An, xã Hiệp Ninh, Quận Châu Thành,Tây Ninh.

Việc xây dựng còn đơn sơ, chỉ mái tranh vách đất. Ông Thiếu Tá Nguyễn Văn Ngọ làm Quản lý.

Niên học 1952-1953, Ban Trung Học của ĐĐHĐ được sáp nhập vào Trường Phổ Thông và cải danh trường nầy là Trường Trung Tiểu Học Lê Văn Trung, đặt dưới sự quản lý của Học Viện CTĐ của Hội Thánh. Các học sinh của ĐĐHĐ, sau khi thi đậu Tiểu Học thì được chuyển ra Trường Lê Văn Trung học Ban Trung Học, khởi đầu là lớp Đệ Thất (lớp 6 ngày nay), rồi lên lớp Đệ Lục, Đệ Ngũ và Đệ Tứ, thi Trung Học Đệ I Cấp.

Niên học 1951-1952, 500 học sinh lớp Cao Đẳng của ĐĐHĐ đi ra tỉnh lỵ Tây Ninh thi bằng Tiểu Học, đậu được 499 học sinh, chỉ rớt 1, và số 499 học sinh nầy được đưa ra Trường Trung Học Lê Văn Trung học Lớp Đệ Thất niên học 1952-1953, chiếm tất cả 10 lớp. Kết quả học sinh thi đậu vẻ vang kể trên là nhờ công lao khó nhọc của thầy cô giáo nơi ĐĐHĐ, chăm lo dạy dỗ học sinh, không kể giờ giấc nghỉ ngơi, trên có Hội Thánh khuyến khích và chăm lo đời sống của thầy cô giáo về vật chất cũng như tinh thần.

Việc lấy thế danh Lê Văn Trung của Đức Quyền Giáo Tông của Đạo Cao Đài đặt tên cho một ngôi Trường Trung Tiểu Học của Đạo có hai ý nghĩa lớn:

- Thứ nhứt, để tưởng nhớ công nghiệp vĩ đại của Ngài trong buổi ban sơ Khai Đạo.

- Thứ nhì, để tưởng nhớ đến một vị mà lúc nào cũng có tư tưởng lập trường dạy học nâng cao dân trí, ở ngoài đời cũng như trong cửa Đạo. Nhớ lại thuở Ngài Lê Văn Trung còn làm Hội viên Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, Ngài đề xướng việc mở Nữ Học Đường. Đây là một ý kiến mới mẻ rất táo bạo vào thời đó, Ngài hiệp tác với Bà Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương đi vận động tiền bạc xây dựng được một ngôi trường Nữ đầu tiên tại Sài Gòn gọi là Collège des Jeunes filles vào năm 1911. Về sau, trường đổi tên là Trường Nữ Trung Học Gia Long, Sài Gòn. Khi Ngài cùng với quí Chức sắc tiền bối trả chùa Từ Lâm, dời về đất mới là Tòa Thánh ngày nay thì song song với việc tổ chức Hội Thánh, Ngài Lê Văn Trung liền lập ĐĐHĐ bên cạnh Tòa Thánh để dạy con em nhà Đạo học tập.

Ban Giám Đốc đầu tiên của Trường Trung Tiểu Học Lê Văn Trung kể từ niên khóa 1952-1953 gồm có:

·         Giám Đốc (Hiệu Trưởng): Luật Sư Trần Tuyên.

·         Phó Giám Đốc: Ông Nguyễn Hữu Lương.

·         Tổng Giám Thị: Ông Trần Hữu Khuôn.

·         Đầu Phòng Văn: Ông Hạ Chí Khiêm.

·         Quản Lý: Thiếu Tá Nguyễn Văn Ngọ.

Năm 1954, ông Trần Tuyên xin nghỉ, ông Chu Văn Bình (nhà văn Chu Tử) làm Giám Đốc thay ông Trần Tuyên.

Ban Giáo Sư và Giáo viên của nhà trường gồm có: Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn văn Thơ, Nguyễn Văn Xem, Đinh Khắc Quyết, Trương Bảo Sơn, Hồ Việt Điểu, Hồ Thái Bạch, Lâm Ngọc Diệp, Bùi Đắc Sử, Nguyễn Minh Đạo, Huỳnh Văn Danh, Tạ Cao Huê, Tạ Chí Đông Hải, Âu Quang Nhứt, thầy Nho Võ Văn Hợi (Võ Thiện Tâm), Ông Phước, Ông Tịnh, Ông Thức, Ông Thụy, v.v... (còn nhiều vị Giáo Sư nữa mà không nhớ hết); Nữ Giáo Sư, quí Cô: Hồ Kim Quang, Phạm thị Côn, Châu Kim Anh, v.v...

Các học sinh của Trường Lê Văn Trung, cũng như của ĐĐHĐ, có truyền thống là mỗi đầu buổi học, đều vào lớp, đứng nghiêm trang tại chỗ, hai tay bắt Ấn Tý đặt trước ngực, đọc Kinh Vào Học (Đại Từ Phụ xin thương khai khiếu, Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ...) xong rồi mới ngồi xuống và bắt đầu buổi học.

Năm 1958, Trường Trung Học Lê Văn Trung bị nhà nước bán công hóa, ông Hiệu Trưởng Chu Văn Bình và ông Trần Hữu Khuôn xin nghỉ và rút về Sài Gòn, ông Nguyễn Hữu Lương thì vắng mặt, Ban Giám Đốc chỉ còn lại ông Hạ Chí Khiêm. Ông Hiệu Trưởng trường Trung Học Công Lập Tây Ninh kiêm nhiệm Hiệu Trưởng Bán Công Lê Văn Trung.

Mãi đến niên học 1963-1964, Trường Trung Học Bán Công Lê Văn Trung mới được chánh phủ trả lại cho Hội Thánh. Hội Thánh bổ nhiệm Hiền Tài Dương Văn Dũng làm Hiệu Trưởng từ đó cho đến cuối tháng 4 năm 1978.

Sau ngày Giải phóng, Trường Trung Học Lê Văn Trung được Sở Giáo Dục tỉnh Tây Ninh quản lý và đổi tên là Trường Bán Công Lê Quí Đôn.

(Viết theo tài liệu của thầy Hạ Chí Khiêm)

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

ĐĐHĐ: Đạo Đức Học Đường

 

Đạo Đức Kinh

Bàn về chữ Đạo

Bàn về chữ Đức

Chủ nghĩa Vô Vi

Bàn về việc Chánh trị


道德經

A: The book of Laotze.

P: Le livre de Laotseu.

Đạo Đức Kinh là quyển sách do Đức Lão Tử viết ra, truyền lại cho ông Doãn Hỷ, trong lúc ông Doãn Hỹ đang làm quan Doãn giữ ải Hàm Cốc, dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó thì đắc đạo. Do đó, Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.

Đạo Đức Kinh gồm có 81 chương, chia làm 2 phần: Thượng Kinh và Hạ Kinh.

■ Thượng Kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu: Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Thượng Kinh luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh.

■ Hạ Kinh gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: Thượng Đức bất Đức thị dĩ hữu Đức. Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh.

Lời lẽ trong Đạo Đức Kinh rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, luận về hai chữ Đạo Đức, nói về cơ Tạo Hóa, định vị Trời Đất, hóa sanh vạn vật, và những phương pháp huyền bí dạy về tu luyện để đắc thành bậc Thiên Tiên.

Đây là quyển Kinh căn bản của Tiên Giáo do Đức Lão Tử viết ra và chính Ngài là Giáo Chủ Tiên giáo.

Quan niệm về Vũ trụ và nhân sinh của Đức Lão Tử căn cứ trên hai chữ Đạo và Đức, nên Ngài theo đó mà lập thành giáo lý của Ngài.

1. Bàn về chữ Đạo:

Trong chương mở đầu phần Thượng Kinh, Đức Lão Tử bàn về chữ Đạo:

Đạo khả Đạo phi thường Đạo,

Danh khả Danh phi thường Danh.

Vô Danh Thiên Địa chi thủy,

Hữu danh vạn vật chi mẫu.

Nghĩa là:

Đạo nói được không phải là Đạo thường,

Danh gọi được không phải là Danh thường.

Vô Danh (không tên) là đầu của Trời Đất,

Hữu Danh (có tên) là mẹ của muôn vật.

Chữ thường ở đây có nghĩa là mãi mãi, luôn luôn , bất biến, dù mọi vật biến đổi nhưng tự nó không đổi. Vậy chữ thường mà Đức Lão Tử dùng để chỉ cái gì luôn luôn là thế, tức là xem nó là qui tắc.

Đạo là vô danh, nên nó không thể chứa đựng ngôn ngữ, nhưng khi ta muốn nói tới nó , ta phải mượn ngôn ngữ nên gọi là Đạo. Đạo là cái mà bất cứ vật gì và tất cả mọi vật đều do đó mà sanh ra. Bởi nó luôn luôn có trong mọi vật nên Đạo luôn luôn hiện hữu. Nó là cái bắt đầu của mọi cái bắt đầu.

Đức Lão Tử nói về Lý Âm Dương: Đạo sinh nhứt, nhứt sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Nghĩa là: Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật.

Vạn vật giai phụ Âm bảo Dương, xung khí dĩ vi hòa. Nghĩa là: Muôn vật đều cõng một Âm và bồng một Dương, nhân chỗ xung nhau mà hòa nhau.

2. Bàn về chữ Đức:

Đức Lão Tử nói: Đạo sinh chi, Đức xúc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quí Đức. Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên. Cố Đạo sinh chi, Đức xúc chi, trưởng chi, dục chi, đình chi, độc chi, dưỡng chi, phúc chi.

Nghĩa là: Đạo sanh ra nó (vạn vật), Đức chứa đựng nó, rồi thì vật chất khiến nó thành hình, hoàn cảnh khiến nó thành vật. Vì thế, muôn vật đều phải tôn Đạo mà quí Đức. Đạo được tôn, Đức được quí, không có cái gì sai khiến mà vẫn tự nhiên như thế. Cho nên, Đạo sanh ra nó, Đức xúc tích nó, làm cho nó lớn, làm cho nó sống, làm cho nó hiện ra hình, làm cho thành ra chất, và nuôi nấng che chở nó.

Xem như thế thì Đạo sanh ra và Đức nuôi dưỡng.

Đạo như là khối gỗ chưa đẽo gọt, tức là giản dị. Không có gì giản dị hơn cái Đạo vô danh. Đức là cái gì giản dị sau Đạo, và người theo Đức thì phải sống cuộc đời càng giản dị càng hay. Người có cuộc sống hợp với Đức thì phải ở ngoài vòng phân biệt tốt xấu, thiện ác. Lão Tử nói: Nếu thiên hạ biết được đẹp là đẹp thì ấy là có xấu, biết thiện là thiện ấy là có bất thiện. (Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.)

Vì vậy, Đức Lão Tử cho cái Nhân và Nghĩa của Nho gia là những đức tánh làm suy đồi Đạo và Đức. Do đó, Lão Tử nói: Mất Đạo mới có Đức, mất Đức mới có Nhân, mất Nhân mới có Nghĩa, mất Nghĩa mới có Lễ. Lễ là suy đồi của Trung Tín, bước đầu của rối loạn. (Cố thất Đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ. Phù Lễ giả Trung Tín chi bạc, nhi loạn chi thủ).

Người ta để mất cái Đức nguyên thủy là vì có quá nhiều ham muốn và hiểu biết. Thỏa mãn ham muốn tức là tìm hạnh phúc, nhưng khi cố tìm cách thỏa mãn quá nhiều ham muốn thì ta chỉ đạt kết quả trái lại. Lão Tử nhấn mạnh đến quả dục (ít muốn) nên nói: Chẳng có họa nào lớn hơn là không biết đủ, chẳng có lỗi nào lớn hơn là muốn được.

3. Chủ nghĩa Vô Vi:

Vô Vi là không làm, tức là để cho tự nhiên diễn tiến.

Đức Lão Tử thấy cái tự nhiên bao giờ cũng có lợi chớ không có hại. Đã thế thì cứ phó mặc cho tự nhiên làm việc. Nhúng tay vào guồng máy thiên nhiên thì không khỏi mang họa vào mình.

Bởi vậy, Lão Tử cho Vô Vi là chủ nghĩa rất hợp với lẽ tự nhiên, vừa là chủ nghĩa vạn năng. Lão Tử đem nó ứng dụng vào tất cả các việc trong đời, từ việc nhỏ như tu thân, xử sự hằng ngày, cho đến việc lớn như lo hạnh phúc cho xã hội.

Chữ Vô trong Vô Vi không có nghĩa tuyệt đối, nên chủ nghĩa Vô Vi cũng không phải là không hành động mảy may.

Lão Tử nói: "Đạo thường không làm", nghĩa là thuận với lẽ tự nhiên, nhưng không cái gì mà nó không làm. (Đạo thường Vô Vi nhi vô bất vi). Vì sao thế?

Trong Trời Đất, cái gì cũng có nguyên nhân. Có sống mới có chết, có làm mới có thất bại, có cạnh tranh mới có người tranh cạnh với mình. Muốn được bình yên vô sự thì đừng cạnh tranh, mình không tranh thì thiên hạ không ai cạnh tranh với mình. (Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.)

Vậy muốn khỏi thất bại và muốn tránh những di hại do nó mà ra, người ta phải trừ cái nguyên nhân của nó.

Nguyên nhân của sự thất bại là gì?

Đức Lão Tử cho nó là "Có làm" (Hữu vi). Lão Tử nói: Người có làm tất có thất bại, người muốn cầm giữ tất bị mất. Cho nên Thánh nhân không làm việc gì nên không bại, không giữ cái gì nên không mất. Người thường làm việc, thường khi gần thành thì thất bại. (Vi giả bại chi, chấp giả thất chi. Thị dĩ Thánh nhân vô vi cố vô bại, vô chấp cố vô thất. Dân chi tòng sự, thường ư cơ thành nhi bại chi).

Chủ nghĩa Vô Vi làm thế nào mà trừ được những nguyên nhân sanh ra những điều có hại?

Người đời thường hay khinh suất, coi thường những việc nhỏ mọn dễ dàng, đến lúc những cái nhỏ mọn đã thành ra những nguyên nhân to lớn, những cái dễ dàng đã thành ra những nguyên nhân khó khăn mới làm, thì lúc bấy giờ không thể làm được nữa.

Chủ nghĩa Vô Vi cốt diệt những nguyên nhân tai hại từ khi nó chưa phát hiện. Lão Tử nói: Làm cách Vô Vi, thờ cái Vô Sự, mến cái Vô Vị. Lớn nhỏ nhiều ít đều lấy Đức báo lại thù oán. Lo việc khó từ khi còn dễ, làm việc lớn từ khi còn nhỏ. Việc khó trong thiên hạ tất phải làm từ khi còn dễ, việc lớn trong thiên hạ tất phải làm từ khi còn nhỏ. Vì vậy, Thánh nhân không bao giờ làm việc lớn nào mà có thể thành được việc lớn. Vâng nhận một cách khinh suất tất nhiên ít được đúng lời, coi là dễ bao nhiêu thì càng khó khăn bấy nhiêu. Vì vậy Thánh nhân thường lấy làm khó mà chung qui không có việc gì khó. (Vi Vô Vi, Sự Vô Sự, Vị Vô Vị. Đại tiểu đa thiểu báo oán dĩ đức. Đồ nan ư kỳ dị, vi đại ư kỳ tế. Thiên hạ nan sự tất tác ư dị, thiên hạ đại sự tất tác ư tế. Thị dĩ Thánh nhân chung bất vi đại, cố năng thành kỳ đại. Phù khinh nặc tất quả tín, đa dị tất đa nan. Thị dĩ Thánh nhân do nan chi, cố chung vô nan kỳ.)

Bổn ý của Đức Lão Tử không phải ngồi khoanh tay mà nhìn. Ngài cũng muốn lo việc thiên hạ, nhưng lo hẳn bằng cách trừ những cái mầm hại trước khi nó xảy ra.

Vì vậy chủ nghĩa Vô Vi không phải là không làm, không trị, nhưng phải làm từ lúc chưa có việc gì xảy ra, trị lúc chưa loạn. (Vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn).

4. Bàn về việc Chánh trị:

Đức Lão Tử cho rằng quốc gia lý tưởng là quốc gia được một Thánh nhân cai trị. Điều nầy đồng quan điểm với Nho gia, nhưng Nho gia lại nói rằng: Khi lên cầm quyền, Thánh nhân phải làm nhiều việc cho dân.

Còn Lão Tử thì nói trái lại: Bổn phận của Thánh vương không phải làm việc mà phải không làm gì cả (Vô Vi) vì những việc rối loạn xảy ra trong đời nầy không phải vì nhiều việc chưa được làm, mà vì quá nhiều việc đã được làm.

Lão Tử nói rõ: Dân có nhiều ngày kỵ húy thì dân nghèo, dân có nhiều khí giới thì nước loạn. Nhiều người tài khéo thì vật giả mạo càng thêm, pháp lệnh càng tăng thì trộm cướp càng nhiều. Hành động đầu tiên của Thánh vương là bãi bỏ hết những điều ấy.

Lão Tử nói thêm: Dứt Thánh bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt khéo bỏ lợi, trộm cướp chẳng còn. Không chuộng người hiền, khiến dân không tranh; không trọng vật quí hiếm khiến dân không trộm cướp; không thấy vật đáng ham khiến lòng dân không loạn. (Tuyệt Thánh khí trí, dân lợi bách bội; tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ; tuyệt xảo khí lợi, đạo tặc vô hữu; bất thượng hiền, sử dân bất tranh; bất quí nan đắc chi vật, sử dân bất vị đạo; bất kiến khả dục,sử dân tâm bất loạn)

Cho nên, lối trị dân của Thánh vương là làm cho lòng trống bụng no, yếu chí, mạnh xương, thường khiến dân không biết ham muốn, để những kẻ có biết cũng không dám làm. (Thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường kỳ cốt. Thường sử dân vô tri vô dục, sử tri giả bất cảm vi giả.)

Thánh vương sẽ diệt mọi nguyên nhân rối loạn trong đời, sau đó sẽ trị vì bằng chủ nghĩa Vô Vi. Vô Vi là không làm gì nhưng mọi việc đều thành.

Đức Lão Tử nói: Ta không làm mà dân tự hay, ta thích yên mà dân tự chánh, ta vô sự mà dân tự giàu, ta không muốn mà dân tự phác.

Không làm (Vô Vi) mà không có gì chẳng làm được. Đó là một tư tưởng đặc biệt của Lão Tử, nó có vẻ như mâu thuẫn, nghịch lý, nhưng theo các Đạo gia, vị cầm quyền quốc gia phải bắt chước theo Đạo. Nhà cầm quyền không làm gì, mà để cho mọi người dân làm điều gì mà mỗi người có thể làm.

Từ luận lý đó, Đức Lão Tử nói thêm: Thánh vương không làm cho dân sáng mà làm cho dân ngu.

Chữ ngu ở đây có nghĩa đặc biệt như: Đại trí nhược ngu. Cái ngu của bực Thánh nhân là đại trí; cái ngu của dân ở đây là không tham vọng, sống giản dị tự nhiên.

 

Đạo Đức Văn đàn

道德文壇

A: Đạo Đức Poetical Club.

P: La tribune de Poésie Đạo Đức.

Văn đàn: nơi hội họp của các nhà văn, nhà thơ để bàn về việc văn chương thi phú. Văn đàn cũng có nghĩa là Thi đàn, nơi hội họp của các nhà thơ xướng họa với nhau.

Đạo Đức Văn đàn là một hội các nhà thơ trong Đạo Cao Đài ở Tòa Thánh Tây Ninh.

Đạo Đức Văn đàn do Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng (bút hiệu Chánh Đức) đứng ra thành lập vào năm 1950, hoạt động được hai năm thì ngưng, vì Ngài Cao Tiếp Đạo bận lo việc Đạo, và sau đó Ngài thường bịnh hoạn luôn.

Đến năm 1957, Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu (bút hiệu Thuần Đức) về Tòa Thánh hành đạo, Ngài Bảo Pháp phục hồi sinh hoạt của Đạo Đức Văn đàn, đảm nhiệm trọng trách Trưởng Ban, để giáo hóa anh em. Phó Ban là Phối Sư Thái Đến Thanh, thế danh là Huỳnh Văn Đến (bút hiệu Thông Quang), nhưng Văn đàn hoạt động cũng không lâu, chỉ hơn một năm, vì Ngài Bảo Pháp tuổi già sức yếu, phải lui về tư gia ở Sài Gòn dưỡng bịnh.

Phần Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trong thì bịnh nặng và đăng Tiên ngày 23-5-Mậu Tuất (dl 9-7-1958).

Sau đó, Ngài Bảo Pháp đăng Tiên tại tư gia vào ngày 7-9-Tân Sửu (dl 16-10-1961).

Một thời gian sau, Đạo Đức Văn đàn nhóm Đại hội, bầu Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức (bút hiệu Thân Dân) làm Cố Vấn và Ngài Phối Sư Thái Đến Thanh làm Trưởng Ban Văn đàn, Ông Chơn Nhơn Phạm Mộc Bổn (bút hiệu Phước Huệ) làm Phó Ban.

Văn đàn hoạt động khởi sắc được chừng đôi năm thì cũng phải dừng bước tiến thủ.

Mãi đến tháng 7 năm Kỷ Dậu (1969), Đạo Đức Văn đàn hoạt động trở lại với sự hướng dẫn của Cụ Thông Quang.

Thành phần tổ chức theo Nội Qui gồm: Ban Kiểm duyệt, Ban Ấn loát, Thủ bổn, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký.

Ngày mùng 3 Tết năm Canh Tuất (1970), Đạo Đức Văn đàn họp mặt đầu năm, có mời nhà thơ lão thành Võ Trung Nghĩa (bút hiệu Lâm Tuyền) và thi sĩ Hà Ngọc Dự đến dự.

Ông Võ Trung Nghĩa là người từng làm môi giới cho các thi nhân khác đến gần gũi với anh em thi nhân trong Đạo Đức Văn đàn. Trong dịp nầy, nhà thơ Hà Ngọc Dự (lúc đó đang làm Trưởng Ty Quan Thuế tỉnh Tây Ninh) đọc một bài thi mừng Đạo Đức Văn đàn, xin chép ra sau đây:

Tao đàn hội hữu đã từ lâu,

Tôi đến đây là kẻ đến sau.

Cao thượng từng nghe vang một dạo,

Đài tiền chợt thấy sáng muôn màu.

Nhu hòa điệu nhạc tơ vờn trúc,

Réo rắc dòng thơ ngọc kết châu.

Nhắn nhủ những ai mong thoát tục,

Tìm Tiên đây vậy biết tìm đâu.

Dứt lời, ông Hà Ngọc Dự tỏ ý tiếc phải xa cách anh em vì ông được lịnh đổi đi Mỹ Tho.

Thi sĩ Huệ Phong thay mặt cho anh em trong Đạo Đức Văn đàn liền họa lại bài thơ của ông Hà Ngọc Dự:

Ngọn bút thần giao mộ bấy lâu,

Duyên văn tao ngộ trước hòa sau.

Thi hương ngào ngạt hoa phô gấm,

Xuân tứ trau tria cảnh rỡ màu.

Một áng văn chương lời nhả ngọc,

Năm vần tình cảm nét phun châu.

Non sông nước Việt thanh bình lại,

Muôn dặm đường xa chửa mấy đâu.

(Theo Tây Ninh Xưa và Nay của Huỳnh Minh, trang 290)

Trước năm 1975, các thi nhân trong Đạo Đức Văn đàn đã xuất bản được nhiều tập thơ giá trị, đượm mùi đạo đức và triết lý của Đạo Cao Đài. Tuy Văn đàn nầy đã giải tán từ lâu, nhưng các thi nhân vẫn có một số còn đó, vẫn dệt ra những vần thơ đầy xúc cảm trước những biến đổi của cuộc đời.

Như bài thi sau đây:

CÚNG NGOÀI TRỜI BUỔI TRƯA

Thượng nguơn Tân Dậu cúng ngoài trời,

Ngồi cội bồ đề thật thảnh thơi.

Gió thổi bụi trần bay hết sạch,

Nắng soi gương đạo sáng trong ngời.

Trong Đền vọng tưởng không nên một,

Ngoài Điện thành tâm chứng gấp mười.

Nếu biết Chí Tôn đâu cũng có,

Thì đừng cố chấp chỗ cao ngôi.

Hồng Ân (1981)

 

Đạo giả tựu vị

(Xem: Đạo tỳ)

 

Đạo giáo

道敎

Đạo giáo có hai nghĩa tùy theo nghĩa của chữ Đạo:

1. Đạo là tôn giáo, giáo là dạy. Đạo giáo là tôn giáo.

Đôi liễn của Bộ Pháp Chánh:

Pháp luật vô tư đạo giáo từ oai tùng lý,

Chánh tông bất dịch chơn truyền thiện ác tùy hình.

(Pháp luật của tôn giáo thì vô tư, nhơn từ, oai nghiêm, tùng theo lẽ phải,)

(Chơn truyền của một nền tôn giáo chơn chánh không thay đổi, lành dữ tùy theo hình phạt.)

2. Đạo là từ ngữ đặc biệt của Đức Lão Tử dùng để chỉ cái vô danh định vị Trời Đất, hóa sanh vạn vật.

Đạo giáo là tôn giáo dạy về chữ Đạo.

Đó là tôn giáo của Đức Lão Tử, nên còn được gọi là Lão giáo, hay Tiên giáo, và Đức Lão Tử làm Giáo chủ.

 

Đạo hạnh

道行

A: The virtue.

P: La vertu.

Đạo: tôn giáo. Hạnh: đức hạnh, tánh tết.

Đạo hạnh là đức hạnh của người tu.

Đó là những tánh nết tốt đẹp, cử chỉ đoan chính, lời nói thanh nhã hiền lành, đúng theo tư cách của kẻ chơn tu.

Người đời chỉ cần nhìn nét mặt, cử chỉ, lời nói của người tu thì có thể đoán biết đạo hạnh của vị đó đạt đến mức độ nào.

 

Đạo hữu

道友

Từ ngữ Đạo hữu có hai nghĩa sau đây:

Đạo hữu là phẩm khởi đầu trong 9 phẩm cấp của CTĐ.

Người mới nhập môn vào Đạo Cao Đài được gọi là tín đồ, ở phẩm Đạo hữu. Theo Tân Luật, hàng tín đồ có hai bực: Hạ thừa và Thượng thừa.

1. Một bực còn ở thế, có vợ chồng làm ăn như người thường, song buộc phải giữ trai kỳ hoặc 6 hoặc 10 ngày trong tháng, phải giữ Ngũ Giới Cấm và phải tuân theo Thế luật của Đại Đạo truyền bá. Bực nầy gọi là người giữ Đạo mà thôi, vào phẩm Hạ thừa.

2. Một bực đã giữ trường trai, giới sát và Tứ Đại Điều Qui, gọi là vào phẩm Thượng thừa.

Nếu vị Đạo hữu nào giữ trọn 10 ngày chay mỗi tháng, giữ tròn luật Đạo, thì theo Pháp Chánh Truyền, vị Đạo hữu ấy được đối phẩm Địa Thần trong Cửu phẩm Thần Tiên và được thọ truyền bửu pháp.

Từ phẩm Đạo hữu mới được bầu lên làm Thông Sự hay Phó Trị Sự. Đây là 2 phẩm Chức Việc Bàn Trị Sự trong một Ấp đạo dưới quyền của một vị Chánh Trị Sự làm Đầu Hương đạo.

Có làm Đạo hữu rồi mới được phép xin qua làm công quả nơi CQPT (nếu muốn), và được vào phẩm Minh Đức trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của CQPT.

Đạo hữu là bạn đạo, người bạn trong cửa đạo.

Những người tu nhưng khác tôn giáo, ở độ tuổi gần bằng nhau, khi gặp nhau cũng gọi nhau là Đạo hữu, nếu lớn tuổi hơn thì gọi là Đạo huynh, Đạo tỷ và nhỏ tuổi hơn thì gọi là Đạo đệ hay Đạo muội.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, có một số trường hợp, các Đấng giáng cơ gọi các Chức sắc tiền bối là Đạo hữu.

TNHT: Phần nhiều các Đạo hữu dày công mà xây đắp nền Đạo.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

 

Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền

A: Without the Temporal, the Spiritual has no strengh;
Without the Spiritual, the Temporal has no right.

P: Sans le Temporel, le Spirituel n'a aucune force;
Sans le Spirituel, le Temporel n'a aucun droit.

Trước khi giải thích hai câu trên, chúng ta đọc lại hai đoạn Chú Giải Pháp Chánh Truyền của Đức Phạm Hộ Pháp nơi trang 4, 5 nói về quyền hành của Đức Giáo Tông:

"Hễ nói về phần Xác là nói phần hữu hình, mà nói về phần hữu hình của chúng sanh tức là nói về phần Đời.

Còn như nói về phần Hồn tức là phần thiêng liêng, mà nói về phần thiêng liêng ấy là phần Đạo.

Như Thầy để cho Giáo Tông trọn quyền về phần Xác và phần Hồn (nghĩa là Đạo với Đời) thì Hiệp Thiên Đài lập ra chẳng là vô ích lắm sao?

Cửu Trùng ĐàiĐời, Hiệp Thiên ĐàiĐạo.

Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền. Sức quyền tương đắc mới mong tạo thời cải thế, ấy là phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau, chăm nom săn sóc lẫn nhau, mà giữ vẹn Thánh giáo của Thầy cho khỏi trở nên Phàm giáo."

Chúng ta rút ra được định nghĩa hai chữ ĐẠO và ĐỜI:

■ ĐẠO là cơ quan quản lý về phần linh hồn, tức là phần thiêng liêng vô hình. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của HTĐ, dưới quyền chưởng quản của Đức Hộ Pháp. Còn nhiệm vụ phàm trần của HTĐ là quản lý về pháp luật của Đạo.

■ ĐỜI là cơ quan quản lý phần thể xác tức là phần hữu hình, phần đời sống vậtchất của chúng sanh. Đó là CTĐ. Ngoài ra CTĐ còn có nhiệm vụ giáo hóa và phổ độ chúng sanh, thi hành luật pháp Đạo tức là cơ quan hành chánh của Đạo.

Đạo không Đời không sức: nghĩa là HTĐ mà không có CTĐ thì lấy ai thi hành luật pháp cho Đạo được mạnh mẽ.

Đời không Đạo không quyền: nghĩa là CTĐ mà không có HTĐ bảo thủ luật pháp Chơn truyền thì CTĐ không có quyền hành, ắt Đạo phải loạn hàng thất thứ. Quyền hành của CTĐ là do nơi Luật pháp lập nên, mà không có HTĐ gìn giữ luật pháp, tất nhiên mạnh ai nấy làm, không có trật tự chi cả thì làm sao CTĐ có được quyền hành!

■ Luận trong phạm vi nhỏ hẹp của con người, Đạo là chơn thần và Đời là thể xác thì: Đạo không Đời không sức là chơn thần mà không có thể xác thì làm sao có sức mạnh để làm công quả phụng sự nhơn sanh; Đời không Đạo không quyền là thể xác mà không có chơn thần điều khiển thì chỉ là người điên khùng, đâu có giá trị gì.

■ Nếu suy rộng ra, Đạo là tôn giáo như Đạo Cao Đài, Đời là nhơn quần xã hội thì:

Đạo không Đời không sức: Đạo mở ra là vì Đời, để giúp nhơn sanh giải khổ. Nếu dân chúng nghe theo Đạo giác ngộ tu hành thì tạo thành một khối đức tin mạnh mẽ, có quyền lực lớn để cứu độ nhơn sanh. Nếu Đạo mở ra mà Đời không hoan nghinh, không theo Đạo, tức nhiên Đạo ấy không chơn chánh thì Đạo không thể nào cứu độ được nhơn sanh.

Đời không Đạo không quyền: Đạo mở ra là để giáo hóa nhơn sanh sống đời lương thiện, làm ăn chơn chánh, tức nhiên Đạo dạy dân tuân theo luật pháp của Đời để có được đời sống hòa bình, hạnh phúc. Đó là Đạo lập quyền cho Đời.

Đời phải nương Đạo thì mới thạnh trị thái bình; còn Đạo phải nương Đời mới trọn câu phổ độ. Đời không nương Đạo thì Đời loạn, đạo đức suy đồi, luân thường điên đảo.

"Đời cũng thế, Đạo cũng thế, chẳng Đạo chẳng nên Đời, Đời Đạo chẳng trọn, lấy Đạo trau Đời, mượn Đời giồi Đạo, Đạo nên Đời rạng." (TNHT)

Đạo Đời tương đắc mới mong tạo thời cải thế, đưa nhơn loại đến cảnh Đại đồng.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đạo kỳ

道旗

A: The religious flag.

P: Le drapeau religieux.

Đạo: tôn giáo. Kỳ: lá cờ.

Đạo kỳ là lá cờ Đạo tượng trưng nền tôn giáo đó.

Mỗi tôn giáo đều có Đạo kỳ. Đạo Cao Đài có Đạo kỳ gồm 3 màu vàng, xanh, đỏ, nên còn gọi là Cờ Tam Thanh.

Lá cờ Đạo treo trước Tòa Thánh hay các Thánh Thất, lá cờ treo theo bề đứng, phần trên hết là màu vàng, phần giữa màu xanh và phần dưới màu đỏ. Trên phần màu vàng có thêu 6 chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bằng chữ Nho màu đen, trên phần màu xanh có thêu Thiên Nhãn và Cổ pháp Tam Giáo (Xuân Thu, Phất chủ, Bát vu).

Ý nghĩa của lá cờ Đạo Cao Đài được Thượng Thống Lễ Viện Phối Sư Thượng Sáng Thanh giải thích bằng một văn thơ, chép ra sau đây: (*1)

 

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

(Nhị Thập Tứ Niên)

TÒA THÁNH TÂY NINH

-------------------------------------------

GIẢI THÍCH VỀ LÁ CỜ ĐẠO
CỦA TÔN GIÁO CAO ĐÀI

Đạo CAO ĐÀI là một nền Chánh Tông chơn giáo Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ khai sáng nơi nước VIỆT NAM, qui cả ba Đại TÔN GIÁO lớn nhứt Á ĐÔNG, PHẬT GIÁO, TIÊN GIÁO, KHỔNG GIÁO; và dung hợp cả tinh thần cao siêu Thần Giáo của nhơn loại để làm tiêu chuẩn cho tâm lý nhơn sanh. Truyền nhơn nghĩa làm phương cứu cánh, dụng trung hòa định phép hóa dân. Bởi thế lá Cờ Đạo có ba sắc phái và ba thể Cổ Pháp; tượng thể Tam Thanh xuất thế.

Thái Thanh, sắc vàng (Phái Phật) Cổ Pháp BÌNH BÁT DU.

Thượng Thanh, sắc xanh (Phái Tiên) Cổ Pháp PHẤT CHỦ.

Ngọc Thanh, sắc đỏ (Phái Thánh) Cổ Pháp BỘ XUÂN THU.

PHẬT GIÁO: Dùng Bình Bát Du trì bình khất thực, dụng của bố thí để tạo duyên lành, chưởng thiện nghiệp cho nhơn sanh trong thời kỳ lập GIÁO, truyền bá tinh thần bác ái, độ tha.

TIÊN GIÁO: Dùng Phất Chủ tức là chổi tiên, Thánh Giáo có câu: Dùng chổi tiên quét sạch bụi trần, Định huệ tánh lập thành chơn pháp; khử phàm tánh đem về Thiên tánh hợp với yếu pháp Tiên Môn.

NHO GIÁO: Bảo trọng Xuân Thu để làm cương kỷ cho các vị Đế Vương trị đạo, định rõ chánh tà; biệt phân thiện ác, lập phép tu thân xử thế cho các phẩm nhơn sanh, ấy là phép Nho Gia trị Thế.

Ba CỔ PHÁP là hình ảnh của Thể Pháp và Bí Pháp của Đạo CAO ĐÀI tạo thành một Chánh Giáo độ tận Vạn Linh trên đường nhập thế và xuất thế, trong buổi Tam Giáo qui tông Hạ Ngươn tái tạo.

THIÊN NHÃN ngự ư trung tức là Thiên khai hoàng Đạo.

Làm tại Tòa Thánh, ngày 09 tháng 11 năm Mậu Tý
(Le 09 Décembre 1948)

 

Kính Ngài Bảo Thế

Có một đôi chỗ hỏi về lá cờ Đạo, phần nhiều chưa rõ cái chơn lý của nó.

Nhờ Ngài xem giùm lời giải thích trên đây, có điều sơ sót, xin dạy thêm được cho trong Đạo hiểu rõ.

Ngày 13-11-Mậu Tý
Thượng Thống Lễ Viện
Phối Sư
Ấn ký
Thượng Sáng Thanh

Giải trúng rồi đó

Hộ Pháp

(Ấn ký)


Giao hồi cho Ngài Thượng Thống Lễ Viện nội chánh để hồ sơ.

16-11-Mậu Tý,
Bảo Thế Ấn ký

 

(*1) Ghi chú: Chúng tôi xin hiệu đính lại phần GIẢI THÍCH VỀ LÁ CỜ ĐẠO theo tài liệu cập nhật mới nhất.

CDEB kính cáo

 

Đạo lịch

道曆

A: Calendar of Caodaism.

P: Calendrier du Caodaisme.

Đạo: Tôn giáo, ý nói Đạo Cao Đài. Lịch: Phép tính năm tháng và ngày giờ.

Đạo lịch là niên lịch của Đạo Cao Đài tức là niên lịch của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Muốn tính Đạo lịch, chúng ta phải xác định kỷ nguyên của Đạo lịch là năm nào hay là ngày nào.

Kỷ nguyên là năm hay ngày khởi đầu tính Đạo lịch.

Phật lịch (Lịch của Phật giáo) lấy kỷ nguyên là năm Đức Phật Thích Ca tịch diệt. Công lịch (Lịch của Thiên Chúa giáo, cũng là Dương lịch) lấy kỷ nguyên là năm Giáng sanh của Đức Chúa Jésus. Còn đối với Đạo Cao Đài, tức ĐĐTKPĐ, kỷ nguyên của Đạo lịch là năm nào hay ngày nào?

Kỷ nguyên của Đạo lịch: - hoặc là lấy ngày 15-10-Bính Dần là ngày Đại Lễ Khai Đạo; - hoặc lấy năm Bính Dần là năm Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài.

Chúng ta đã thấy, mỗi năm vào ngày 15 tháng 10 âl, trong Sớ văn thượng tấu, Đạo lịch tăng thêm 1 năm. Điều nầy có nghĩa là Hội Thánh đang dùng ngày 15-10-Bính Dần làm kỷ nguyên Đại Đạo. Chúng ta có Bảng Đạo lịch sau đây:

Đạo lịch

ÂM LỊCH

DƯƠNG LỊCH

Năm Đạo 1

từ 15-10-B. Dần
đến 14-10-Đ. Mão

từ 19-11-1926
đến 08-11-1927

Năm Đạo 2

từ 15-10-Đ. Mão
đến 14-10-M. Thìn

từ 09-11-1927
đến 25-11-1928

Năm Đạo 3

từ 15-10-M. Thìn
đến 14-10-Kỷ Tỵ

từ 26-11-1928
đến 14-11-1929

Năm Đạo 4

từ 15-10-Kỷ Tỵ
đến 14-10-C. Ngọ

từ 15-11-1929
đến 03-12-1930

Năm Đạo 5

từ 15-10-C. Ngọ
đến 14-10-T. Mùi

từ 04-12-1930
đến 23-11-1931

Năm Đạo 6

từ 15-10-T. Mùi
đến 14-10-N. Thân

từ 24-11-1931
đến 11-11-1932

Năm Đạo 7

từ 15-10-N. Thân
đến 14-10-Q. Dậu

từ 12-11-1932
đến 01-12-1933

Năm Đạo 8

từ 15-10-Q. Dậu
đến 14-10-G. Tuất

từ 02-12-1933
đến 20-11-1934

Năm Đạo 9

từ 15-10-G. Tuất
đến 14-10-Ất Hợi

từ 21-11-1934
đến 09-11-1935

Năm Đạo 10

từ 15-10-Ất Hợi
đến 14-10-Bính Tý

từ 10-11-1935
đến 27-11-1936

Năm Đạo 11

từ 15-10-Bính Tý
đến 14-10-Đ. Sửu

từ 28-11-1936
đến 16-11-1937

Năm Đạo 12

từ 15-10-Đ. Sửu
đến 14-10-M. Dần

từ 17-11-1937
đến 05-12-1938

Năm Đạo 13

từ 15-10-M. Dần
đến 14-10-Kỷ Mão

từ 06-12-1938
đến 24-11-1939

Năm Đạo 14

từ 15-10-Kỷ Mão
đến 14-10-C. Thìn

từ 25-11-1939
đến 13-11-1940

Năm Đạo 15

từ 15-10-C. Thìn
đến 14-10-Tân Tỵ

từ 14-11-1940
đến 02-12-1941

Năm Đạo 16

từ 15-10-Tân Tỵ
đến 14-10-N. Ngọ

từ 03-12-1941
đến 21-11-1942

Năm Đạo 17

từ 15-10-N. Ngọ
đến 14-10-Q. Mùi

từ 22-11-1942
đến 11-11-1943

Năm Đạo 18

từ 15-10-Q. Mùi
đến 14-10-G. Thân

từ 12-11-1943
đến 29-11-1944

Năm Đạo 19

từ 15-10-G. Thân
đến 14-10-Ất Dậu

từ 30-11-1944
đến 18-11-1945

Năm Đạo 20

từ 15-10-Ất Dậu
đến 14-10-B. Tuất

từ 19-11-1945
đến 07-11-1946

Năm Đạo 21

từ 15-10-B. Tuất
đến 14-10-Đ. Hợi

từ 08-11-1946
đến 26-11-1947

Năm Đạo 22

từ 15-10-Đ. Hợi
đến 14-10-Mậu Tý

từ 27-11-1947
đến 14-11-1948

Năm Đạo 23

từ 15-10-Mậu Tý
đến 14-10-Kỷ Sửu

từ 15-11-1948
đến 03-12-1949

Năm Đạo 24

từ 15-10-Kỷ Sửu
đến 14-10-C. Dần

từ 04-12-1949
đến 23-11-1950

Năm Đạo 25

từ 15-10-C. Dần
đến 14-10-T. Mão

từ 24-11-1950
đến 12-11-1951

Năm Đạo 26

từ 15-10-T. Mão
đến 14-10-N. Thìn

từ 13-11-1951
đến 30-11-1952

Năm Đạo 27

từ 15-10-N. Thìn
đến 14-10-Quí Tỵ

từ 01-12-1952
đến 20-11-1953

Năm Đạo 28

từ 15-10-Quí Tỵ
đến 14-10-G. Ngọ

từ 21-11-1953
đến 09-11-1954

Năm Đạo 29

từ 15-10-G. Ngọ
đến 14-10-Ất Mùi

từ 10-11-1954
đến 27-11-1955

Năm Đạo 30

từ 15-10-Ất Mùi
đến 14-10-B. Thân

từ 28-11-1955
đến 16-11-1956

Năm Đạo 31

từ 15-10-B. Thân
 

từ 17-11-1956

. . . . . . . . . . .

. . . . . . . . . . .

. . . . . . . . . . .
 

Năm Đạo 65

từ 15-10-C. Ngọ
đến 14-10-Tân Mùi

từ 31-12-1990
đến 19-11-1991

Năm Đạo 66

từ 15-10-Tân Mùi
đến 14-10-N. Thân

từ 20-11-1991
đến 08-11-1992

Năm Đạo 67

từ 15-10-N. Thân
đến 14-10-Quý Dậu

từ 09-11-1992
đến 27-11-1993

Năm Đạo 68

từ 15-10-Quý Dậu
đến 14-10-G. Tuất

từ 28-11-1993
đến 16-11-1994

Năm Đạo 69

từ 15-10-G. Tuất
đến 14-10-Ất Hợi

từ 17-11-1994
đến 05-12-1995

Năm Đạo 70

từ 15-10-Ất Hợi
đến 14-10-Bính Tý

từ 06-12-1995
đến 24-11-1996

Năm Đạo 71

từ 15-10-Bính Tý
đến 14-10-Đ. Sửu

từ 25-11-1996
đến 13-11-1997

Năm Đạo 72

từ 15-10-Đ. Sửu
đến 14-10-Mậu Dần

từ 14-11-1997
đến 02-12-1998

Năm Đạo 73

từ 15-10-Mậu Dần
đến 14-10-Kỷ Mão

từ 03-12-1998
đến 21-11-1999

Năm Đạo 74

từ 15-10-Kỷ Mão
đến 14-10-C. Thìn

từ 22-11-1999
đến 09-11-2000

Năm Đạo 75

từ 15-10-C. Thìn
đến 14-10-Tân Tỵ

từ 10-11-2000
đến 28-11-2001

Năm Đạo 76

từ 15-10-Tân Tỵ
đến 14-10-N. Ngọ

từ 29-11-2001
đến

Nhận xét: Qua Bảng kê Đạo lịch trên, chúng ta nhận thấy mỗi năm có 2 Đạo lịch: đầu năm Đạo lịch khác và cuối năm Đạo lịch khác, mà ranh giới phân chia là ngày 15 tháng 10.

Do đó, cách tính Đạo lịch nầy có phần rắc rối phức tạp.

Chúng tôi xin phép đề nghị lấy năm Bính Dần (năm Khai Đạo) làm kỷ nguyên Đạo lịch để cách tính đơn giản và mỗi năm chỉ có một Đạo lịch mà thôi. (Xem: Kỷ nguyên, vần K)

Việc làm nầy giống như: Đức Phật Thích Ca tịch diệt ngày 15 tháng 2 nhưng vẫn lấy năm tịch diệt nầy làm kỷ nguyên Phật lịch; Đức Chúa Jésus giáng sanh ngày 25 tháng 12, nhưng vẫn lấy năm giáng sinh làm kỷ nguyên Công lịch.

Khi lấy kỷ nguyên Đạo lịch là năm Bính Dần thì:

- Năm Bính Dần, 1926, Đạo lịch 1 (Đệ nhứt niên).

- Năm Đinh Mão, 1927, Đạo lịch 2 (Đệ nhị niên).

- Năm Mậu Thìn, 1928, Đạo lịch 3 (Đệ tam niên).

Nếu chọn như thế thì mùng 1 Tết mỗi năm mới tăng Đạo lịch lên 1 năm. Ta có Bảng kê sau đây:

 

ÂM LỊCH

Dg lịch

Đ.lịch

ÂM LỊCH

Dg lịch

Đ.lịch

Bính Dần

1926

1

Bính Tý

1936

11

Đinh Mão

1927

2

Đinh Sửu

1937

12

Mậu Thìn

1928

3

Mậu Dần

1938

13

Kỷ Tỵ

1929

4

Kỷ Mão

1939

14

Canh Ngọ

1930

5

Canh Thìn

1940

15

Tân Mùi

1931

6

Tân Tỵ

1941

16

Nhâm Thân

1932

7

Nhâm Ngọ

1942

17

Quí Dậu

1933

8

Quí Mùi

1943

18

Giáp Tuất

1934

9

Giáp Thân

1944

19

Ất Hợi

1935

10

Ất Dậu

1945

20

 

ÂM LỊCH

Dg lịch

Đ.lịch

ÂM LỊCH

Dg lịch

Đ.lịch

Bính Tuất

1946

21

Bính Thân

1956

31

Đinh Hợi

1947

22

Đinh Dậu

1957

32

Mậu Tý

1948

23

Mậu Tuất

1958

33

Kỷ Sửu

1949

24

Kỷ Hợi

1959

34

Canh Dần

1950

25

Canh Tý

1960

35

Tân Mão

1951

26

Tân Sửu

1961

36

Nhâm Thìn

1952

27

Nhâm Dần

1962

37

Quí Tỵ

1953

28

Quí Mão

1963

38

Giáp Ngọ

1954

29

Giáp Thìn

1964

39

Ất Mùi

1955

30

Ất Tỵ

1965

40

 

ÂM LỊCH

Dg lịch

Đ.lịch

ÂM LỊCH

Dg lịch

Đ.lịch

Bính Ngọ

1966

41

Bính Thìn

1976

51

Đinh Mùi

1967

42

Đinh Tỵ

1977

52

Mậu Thân

1968

43

Mậu Ngọ

1978

53

Kỷ Dậu

1969

44

Kỷ Mùi

1979

54

Canh Tuất

1970

45

Canh Thân

1980

55

Tân Hợi

1971

46

Tân Dậu

1981

56

Nhâm Tý

1972

47

Nhâm Tuất

1982

57

Quí Sửu

1973

48

Quí Hợi

1983

58

Giáp Dần

1974

49

Giáp Tý

1984

59

Ất Mão

1975

50

Ất Sửu

1985

60

 

ÂM LỊCH

Dg lịch

Đ.lịch

ÂM LỊCH

Dg lịch

Đ.lịch

Bính Dần

1986

61

Bính Tý

1996

71

Đinh Mão

1987

62

Đinh Sửu

1997

72

Mậu Thìn

1988

63

Mậu Dần

1998

73

Kỷ Tỵ

1989

64

Kỷ Mão

1999

74

Canh Ngọ

1990

65

Canh Thìn

2000

75

Tân Mùi

1991

66

Tân Tỵ

2001

76

Nhâm Thân

1992

67

Nhâm Ngọ

2002

77

Quí Dậu

1993

68

Quí Mùi

2003

78

Giáp Tuất

1994

69

Giáp Thân

2004

79

Ất Hợi

1995

70

Ất Dậu

2005

80

Cách tìm Năm Đạo tương ứng với năm Dương lịch:

Công thức: Năm Dương lịch - 1925 = Năm Đạo

Thí dụ: Năm 2000 tương ứng với Năm Đạo thứ mấy?

Đáp: 2000 - 1925 = 75. Năm Đạo thứ 75.

 

Đạo Luật Mậu Dần

道律戊寅

A: The religious laws Mậu Dần.

P: Les lois religieuses Mậu Dần.

Đạo: Tôn giáo. Luật: Pháp luật. Mậu Dần: Năm âm lịch Mậu Dần, tương ứng năm dương lịch 1938.

Đạo luật là luật pháp của Đạo Cao Đài nằm dưới PCT và Tân Luật, giúp cho sự điều hành nền Đạo được đúng pháp lý và thích hợp trong một giai đoạn mới.

Đầu năm Mậu Dần (1938), Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài: Hiệp Thiên và Cửu Trùng, ra lịnh cho Chức sắc HTĐ dự thảo một Bộ Đạo luật, xong chuyển qua cho các Chức sắc CTĐ và CQPT thảo luận và bàn cãi, sửa đổi.

Khi cả hai Cơ quan CTĐ và Phước Thiện thống nhứt đồng ý thì dâng lên cho Đức Phạm Hộ Pháp phê chuẩn và ban hành vào ngày rằm tháng Giêng năm Mậu Dần (1938).

Do đó, Đạo luật trên được gọi là Đạo luật Mậu Dần.

Đạo luật Mậu Dần qui định nền Chánh Trị Đạo của Đạo Cao Đài có 4 cơ quan:

1. Hành Chánh

2. Phổ Tế

3. Tòa Đạo

4. Phước Thiện

·         Hành Chánh và Phổ Tế thuộc CTĐ.

·         Tòa Đạo và Phước Thiện thuộc HTĐ.

Do đó, Đạo luật Mậu Dần có 4 chương, mỗi chương qui định luật lệ cho một cơ quan:

·         Chương thứ nhứt: Hành Chánh

·         Chương thứ nhì: Phước Thiện.

·         Chương thứ ba: Phổ Tế.

·         Chương thứ tư: Tòa Đạo (Pháp Chánh).

PCT: Pháp Chánh Truyền.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

 

Đạo lý

道理

A: The axiom, doctrine.

P: L'axiome, la doctrine.

Từ ngữ Đạo lý có 2 nghĩa tùy trường hợp:

1. Đạo: Đường lối và nguyên tắc mà con người phải gìn giữ và tuân theo trong cuộc sống chung đụng nhiều người cho được trật tự, yên ổn, hạnh phúc. Lý: lẽ phải, lý lẽ.

Đạo lý là cái lẽ phải đương nhiên mà ai cũng phải công nhận, vì nó phù hợp với lương tâm và đạo đức. Đạo lý đồng nghĩa: Công lý.

Đạo lý công bình trong phép xử thế là: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" nghĩa là: mình không muốn điều đó làm cho mình thì mình đừng làm điều đó cho người khác.

TNHT: Mang nặng xác phàm, miếng đỉnh chung, mồi danh lợi, giành giựt phân chia, mà chẳng kể đạo lý, luân thường, khiến cho mối đạo quí báu ngàn năm, đã thành nấc thang để dắt người xuống hang sâu vực thẳm.

2. Đạo: tôn giáo. Lý: lẽ phải, lý lẽ.

Đạo lý là giáo lý của một nền tôn giáo, do vị Giáo chủ thiết lập cho tôn giáo ấy, gồm hai phần: Giáo lý Công truyền và Giáo lý Tâm truyền.

TNHT: Con tự hy sinh để đem lại cho dân tộc ấy một nền Đạo lý chơn chánh.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đạo Nghị Định

道議定

A: The religious decree.

P: Le decret religieux.

Đạo: tôn giáo. Nghị: thảo luận. Định: quyết chắc.

Nghị Định là bàn luận và quyết định một vần đề quan trọng để đem ra thi hành.

Đạo Nghị Định là những Nghị Định của Đạo Cao Đài do Đức Lý Giáo Tông hợp cùng Đức Phạm Hộ Pháp bàn luận và quyết định đồng lập ra để toàn Đạo thi hành.

Khi Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại đồng ý lập ra một điều gì thì đó là quyền của Đức Chí Tôn quyết định, nó trở thành Thiên điều, có giá trị trong thất ức niên tức là có giá trị trong suốt thời gian tồn tại của Đạo Cao Đài.

Đạo Cao Đài có tất cả 9 Đạo Nghị Định quan trọng, lập ra vào 3 thời kỳ, kể ra:

1) Năm Canh Ngọ (1930), ngày 3 tháng 10 âl, Đức Lý Giáo Tông hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp đồng ký tên lập 6 Đạo Nghị Định từ Thứ nhứt đến Thứ sáu, để chấn chỉnh việc tổ chức và phân quyền trong nền Đạo.

2) Năm Giáp Tuất (1934), ngày 16-7 âl, Đức Lý Giáo Tông lại hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp lập thêm 2 Đạo Nghị Định: Thứ bảy và Thứ tám, để trị loạn và phòng ngừa việc tiếp tục phân chia Chi phái sau nầy.

3) Năm Mậu Dần (1938), ngày 19-10 âl, Đức Lý Giáo Tông lại hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp lập Đạo Nghị Định số 48/PT chánh thức thành lập CQPT với Thập nhị đẳng cấp Thiêng Liêng.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

 

Đạo ngô ác giả thị ngô sư

道吾惡者是吾師

Đạo: nói. Ngô: ta. Ác: xấu. Giả: tiếng trợ từ. Thị: ấy là. Sư: thầy. Ngô sư: thầy của ta.

Thường nói: Đạo ngô ác giả thị ngô sư, Đạo ngô hảo giả thị ngô tặc. Nghĩa là: Nói xấu ta ấy là thầy ta, nói tốt ta ấy là kẻ hại ta.

 

Đạo Nhơn

道人

Đạo: tôn giáo. Nhơn: người.

Đạo Nhơn là một phẩm Chức sắc trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của CQPT.

Đạo Nhơn đứng trên phẩm Chí Thiện, dưới phẩm Chơn Nhơn, đối phẩm Giáo Sư CTĐ.

Đạo phục của Đạo Nhơn: Khi đi chầu lễ Đức Chí Tôn, Đạo Nhơn mặc áo tràng trắng, mang dây Sắc lịnh xanh có đeo khuê bài đề chữ Đạo Nhơn bằng quốc tự, đầu đội khăn đóng trắng 7 lớp chữ nhơn.

Đạo Nhơn còn là phẩm vị nơi cõi thiêng liêng.

Thí dụ: Tây phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm. Tiếp Dẫn Đạo Nhơn là một vị Phật có nhiệm vụ tiếp rước các chơn hồn đắc đạo đi vào CLTG.

Từ Hàng Đạo Nhơn là Từ Hàng Bồ Tát, vị Phật chưởng quản từng Trời thứ 8 Phi Tưởng Thiên trong Cửu Trùng Thiên.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

CLTG: Cực Lạc Thế giới.

 

Đạo nhơn luân

道人倫

A: The moral laws.

P: Les lois morales.

Đạo: đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận gìn giữ và tuân theo trong cuộc sống chung đụng trong gia đình và xã hội. Nhơn: người. Luân: phép tắc đạo đức.

Đạo nhơn luân là đường lối cư xử theo lẻ phải trong cuộc sống đối với gia đình và xã hội.

Trong Đạo nhơn luân có Ngũ luân, là 5 cách đối xử với 5 hạng người: Quân Thần (vua và bề tôi), Phụ tử (cha và con), Phu phụ (chồng vợ), Huynh đệ (anh em), Bằng hữu (bạn bè).

KĐRĐ: Đạo nhơn luân cư xử cùng đời.

KĐRĐ: Kinh Ði Ra Ðường.

 

Đạo pháp bao la - Đạo pháp trường lưu

道法包羅 - 道法長流

Hai từ ngữ: Đạo và Pháp có nhiều nghĩa, nhưng ở đây, chúng ta dùng hai nghĩa nầy:

Đạo: tôn giáo. Pháp: pháp luật.

Đạo pháp là pháp luật của một nên tôn giáo.

Trong Tân Luật của Đạo Cao Đài có phân làm 3 phần:

·         Phần đầu là Đạo pháp: Pháp luật tổ chức nền Đạo.

·         Phần hai là Thế luật: Pháp luật về mặt đời.

·         Phần ba là Tịnh Thất: Nhà để luyện đạo.

Đạo: tôn giáo. Pháp: giáo lý.

Đạo pháp là giáo lý của một nền tôn giáo.

- Kinh Phật giáo có câu: Đạo pháp trường lưu:

Trường là lâu dài, lưu là nước chảy. Đạo pháp trường lưu là Giáo lý của Phật như dòng nước chảy hoài không dứt.

- Kinh Tiên giáo có câu: Đạo pháp bao la:

Bao là trùm cả, la là tấm lưới. Đạo pháp bao la là Giáo lý của Tiên rộng lớn mênh mông như tấm lưới bao trùm tất cả.

 

Đạo phục

道服

A: The religious dress.

P: La tenue religieuse.

Đạo: tôn giáo. Phục: y phục, quần áo.

Đạo phục là áo mão và giày của các phẩm Chức sắc.

Đạo phục của các phẩm Chức sắc CTĐ và HTĐ được qui định rõ ràng trong Pháp Chánh Truyền.

Đạo phục của các Chức sắc HTĐ dưới Thập nhị Thời Quân được qui định trong Hiến pháp HTĐ.

Đạo phục của các Chức sắc PT được qui định trong Đạo Nghị Định số 48 thành lập CQPT.

Các Chức sắc từ phẩm Giáo Sư hay tương đương đổ lên, Đạo phục thường có hai bộ: Đại phục và Tiểu phục. Đại phục dùng để chầu lễ Đức Chí Tôn trong những ngày Đại lễ, cúng Đại đàn. Tiểu phục mặc khi Tiểu lễ và Tiểu đàn.

Các Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu hay tương đương trở xuống chỉ có một bộ Đạo phục mà thôi.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.         CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

 

Đạo sĩ

道士

A: Taoist priest.

P: Prêtre Taoiste.

Đạo: đạo của Đức Lão tử: đạo Tiên. Sĩ: người có học.

Đạo sĩ là người tu theo Tiên giáo (Đạo Tiên).

Theo nghĩa rộng, Đạo sĩ là người xuất gia tu hành.

TNHT: Nhưng cái khó mình lướt qua được mới có công, mới anh hùng, mới chí sĩ, mới đáng Đạo sĩ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đạo sở

道所

Đạo: tôn giáo, Đạo Cao Đài. Sở: nơi làm việc.

Đạo sở là người đạo mới hiến thân vào làm công quả nơi các Sở Lương điền, Công nghệ hay Thương mãi của CQPT.

Sau một thời gian làm công quả, giữ đúng nội qui và các điều luật Phước Thiện, Đạo sở được đưa vào phẩm Minh Đức, là phẩm khởi đầu của Thập nhị Đẳng cấp thiêng liêng.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

 

Đạo sử - Ban Đạo sử

道史 - 班道史

A: The history of a religion - Committee of religious history.

P: L'histoire d'une religion - Comité de l'histoire religieux.

Đạo: tôn giáo. Sử: lịch sử. Ban: một tổ chức gồm nhiều người có phận sự được qui định rõ rệt.

Đạo sử là lịch sử của một nền tôn giáo.

Ban Đạo sử là một tổ chức chuyên môn có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu lịch sử của Đạo Cao Đài từ lúc sơ khai để viết thành quyển sách: Lịch Sử Đạo Cao Đài.

Ban Đạo Sử được Hội Thánh thành lập theo Vi bằng số 02/VB ngày 26-10-Mậu Thân (dl 15-12-1968) do phiên họp của Hội Thánh Lưỡng Đài: Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện, dưới sự chủ tọa của Đức Thượng Sanh.

Sau đó, Đức Thượng Sanh bổ nhiệm Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức làm Trưởng Ban Đạo Sử.

Trong buổi lễ ra mắt Ban Đạo Sử, Ngài Hiến Pháp đọc diễn văn khai mạc, có nói:

"Đạo Sử của chúng ta có ảnh hưởng nhiều đến giá trị cao siêu và danh dự của nền Đại Đạo, nên tôi trân trọng thỉnh cầu Hội Thánh tán đồng hai chữ 'Vô tư ' để cho cơ quan Đạo Sử hoàn thành sứ mạng. Và đời đời hậu tấn, kể từ nay cho đến thất ức niên, cứ theo lề lối ấy tiến hành. Có được như thế,người đời trông vào việc làm của chúng ta, mới cóphần nể trọng."

Cũng trong buổi lễ trên, Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, Quyền Chưởng quản HTĐ, ban Huấn Từ, nói lên ý kiến của Ngài về Ban Đạo Sử:

"Ban Đạo Sử phải có những ngòi bút vô tư, thanh khiết, để dệt lại những dòng lịch sử đầy dũng cảm, đầy hy sinh của bao nhiêu chí sĩ trong nền Đạo hầu lưu lại những nét đan thanh cho ngàn đời sau giữ làm của quí...

Cho hay, dù là viết Đạo Sử hay Quốc Sử, sự cần yếu nhứt là tôn trọng sự thật. Người viết sử phải giữ triệt để công bằng, không nên thiên vị, không nên vì tôn trọng một nhơn vật nào mà đề cao quá sự thật, không nên vì mình ít mến một cá nhân nào mà bỏ qua công trạng đáng ghi của cá nhân đó."

Trong quyển sách: Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Ngài Hiến Pháp viết Lời Tựa:

"Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (hay là Đạo Cao Đài) nay đã có tên tuổi trong lịch sử rồi, vì tôn chỉ của Đạo rất chính đáng, sự công ích của Đạo đã rõ ràng, nên công chúng lấy làm hữu hạnh mà hoan nghinh tôn giáo ấy.

Tôn giáo ấy, ai sáng lập ra? Những tay tế thế là ai? Câu hỏi đó, tưởng ai ai cũng đều mong mỏi cho có câu trả lời.

Nhưng câu trả lời phải ở đâu mà ra cho có đủ bằng cớ chơn thật? Chắc là phải tự nơi những người đầu công sáng lập, có nghe thấy rõ ràng từ lúc ban sơ. Nhưng người ấy cũng phải cho có đủ tư cách một người Đạo nhơn, thì câu trả lời mới là chơn thật và có giá trị.

Nếu Lịch sử của một nền tôn giáo mà mất sự thật, hay là còn một điểm tư vị, thì sao đáng gọi là Lịch sử? Sao đáng gọi là căn nguyên của nền Chánh giáo?

Tôi sở dĩ phải nói mấy câu nầy ra là vì có lòng mừng chung với anh em, chị em mà đặng thấy cuốn Đại Đạo Căn Nguyên ra đời, mà tác giả là một người trong mấy vị đầu công, lại có lòng vô tư, vô ngã.

Như vậy thì từ đây mới có một quyển Lịch sử của Đạo rất đứng đắn, không tư vị, mà không mất sự thật."

Sài Gòn, le 15 Mars 1930.
TRƯƠNG HỮU ĐỨC tự Hoà Dân.

 

Đức Phạm Hộ Pháp lúc tỵ nạn ở Nam Vang, có thố lộ cùng vị Chức sắc hầu cận về điều mong ước viết Đạo Sử của Đức Ngài như sau:

"Khi nước nhà được hoàn toàn độc lập và thống nhứt, Bần đạo sẽ trở về Tòa Thánh, giao trọn quyền cho Hội Thánh Lưỡng Đài, còn Bần đạo sẽ ra Phạm Nghiệp tịnh dưỡng. Bần đạo sẽ chọn lựa vài em trường chay, ly gia để thường xuyên gần gũi bên cạnh Bần đạo, hầu hoàn thành pho sử của Đạo.

Bần đạo sẽ kể lại cho mấy em chép các nguyên nhân vì sao Đức Chí Tôn dùng huyền diệu mở Đạo. Mở Đạo rồi, tại sao Đức Chí Tôn không truyền Bí pháp cho ai mà lại truyền cho Bần đạo, và trong trường hợp nào Bần đạo được thọ pháp và thọ những gì? Lý do nào nền Đạo bị chia phe phân phái như các phái: Minh Chơn Lý, Ban Chỉnh Đạo, Tiên Thiên và các phái khác, v.v...

Bần đạo sẽ cho ghi lại công nghiệp của các vị tiền bối như: Đức Quyền Giáo Tông, Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh, Ông Thái Thơ Thanh, Đức Cao Thượng Phẩm,..."

Tiếc thay, Đức Phạm Hộ Pháp đã qui Thiên, nên điều mong ước viết Đạo Sử của Đức Ngài không thực hiện được.

Trong dịp Lễ Khánh Thành Văn phòng Ban Đạo Sử, Ngài Phối Sư Thượng Cảnh Thanh, Phó Trưởng Ban Đạo Sử, dâng đôi liễn cho Ban Đạo Sử:

道脈開成敎理搜尋今驗古

史綱編撰眞經藏貯本追原

Đạo mạch khai thành giáo lý sưu tầm kim nghiệm cổ,

Sử cương biên soạn chơn kinh tàng trữ bổn truy nguyên.

Nghĩa là:

Con đường Đạo đã mở ra xong, sưu tầm học hỏi giáo lý, xem việc ngày nay nghiệm lại việc thời xưa.

Biên soạn sách Sử cương, cất chứa Chơn kinh, và tìm tòi biết đến tận nguồn gốc.

 

Đạo táng

道喪

A: The religious funeral.

P: Les funérailles religieuses.

Đạo: tôn giáo. Táng: lễ chôn cất người chết.

Đạo táng là việc tổ chức tế lễ, cầu siêu và chôn cất thể xác của người Đạo qui liễu theo nghi thức của tôn giáo.

Lễ Đạo táng các phẩm Chức sắc của Đạo Cao Đài được qui định đầy đủ chi tiết trong quyển sách "Quan Hôn Tang Tế" do Hội Thánh xuất bản và phát hành.

 

Đạo tâm

道心

A: The religious faith.

P: La croyance religieuse.

Từ ngữ Đạo tâm có 2 nghĩa:

1. Đạo: tôn giáo. Tâm: lòng dạ, cái tâm con người.

Đạo tâm là lòng tín ngưỡng mạnh mẽ vào tôn giáo mình.

TNHT: Còn mấy đứa chưa đặng phong thưởng cũng không nên vội buồn mà thất đạo tâm.

2. Đạo Tâm là tịch Đạo dành cho Chức sắc nối tiếp theo tịch đạo Thanh Hương của Đức Lý Giáo Tông.

CG PCT: Đương đời nầy của Đức Lý Giáo Tông thì nam lấy chữ THANH, nữ lấy chữ HƯƠNG làm tịch, tức là cả Đạo hữu nam nữ, từ tín đồ dĩ chí Thiên phong đều trong đời Đức Lý Giáo Tông hành chánh, đứng vào tịch THANH HƯƠNG.

Qua đời Giáo Tông khác thì nam sẽ lấy chữ ĐẠO, nữ chữ TÂM. Rồi cả chư Đạo hữu nam nữ sẽ lấy tịch ĐẠO TÂM, như vậy nối truyền hoài cho hết tịch đạo, thì Thầy sẽ giáng cơ cho tịch đạo khác nữa. Lớn nhỏ sau trước, nhờ chữ tịch đạo ấy mà phân biệt. (Xem chi tiết nơi chữ: Tịch Đạo, vần T)

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

Đạo thiền

道禪

A: Buddhism.

P: Bouddhisme.

Đạo: tôn giáo. Thiền: nói đầy đủ là Thiền-Na, do phiên âm từ tiếng Phạn: DHYANA, Hán văn dịch là Tịnh lự, nghĩa là để tâm trong sạch mà suy tư.

Đạo Phật có pháp môn Thiền định, trực chỉ vào tâm, kiến tánh thành Phật, được gọi là Thiền tông, thuộc Đại thừa.

Đức Đạt Ma Tổ Sư đem pháp môn Thiền từ Ấn Độ truyền qua Trung Hoa, và đến đời Lục Tổ Huệ Năng thì pháp môn Thiền mới phát triển cao độ, rực rỡ nhất.

Do đó, Thiền là chỉ Đạo Phật. Đạo Thiền là Đạo Phật.

TNHT: Chánh pháp bị nơi Thần Tú làm cho ra mất Chánh giáo, lập riêng pháp luật buộc mối Đạo Thiền.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đạo triều

道朝

A: The festival of the advent of Caodaism

P: La fête de l'avènement du Caodaïsme.

Đạo: tôn giáo. Triều: thời đại. Chữ Triều còn có một âm nữa là Triêu: Ngày. Nhứt triêu: một ngày, mỗi ngày.

Đạo triều là thời đại của Đạo Cao Đài, tức là thời đại của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Lễ Đạo Triều là lễ kỷ niệm ngày khai ĐĐTKPĐ, là ngày rằm tháng 10 âl hằng năm.

TNHT: Nay vì Lễ Đạo Triều nên đến chúc mừng Hiền hữu.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Đạo tỳ

道隨

A: The undertaker.

P: Le croque-mort.

Nguyên gốc là chữ ĐÔ TÙY, rồi biến thể thành chữ ĐẠO TÙY, và người miền Nam không quen uốn lưỡi nên đọc là ĐẠO TỲ, để chỉ những người lãnh làm nhiệm vụ khiêng quan tài người chết đem đi chôn.

- Đô tùy 都隨 [Đô là đều, tùy là theo],

- Đạo tùy 道隨 [Đạo là một toán quân, tùy là theo].

Người bình dân còn gọi những vị Đô tùy là Đạo hò, vì mỗi lần khiêng quan tài, họ phải hò lên để ra hiệu lịnh cùng làm cho ăn nhịp.

- Đạo hò: Bọn lãnh việc khiêng quan cữu trong đám ma.

Ngoài ra, người ta còn dùng các từ ngữ:

- Giang quan giả 扛棺者: Người khiêng quan cữu đem chôn. [Giang là khiêng, quan là quan tài, giả là người].

- Nhơn quan giả 堙棺者: Người đem quan tài đi chôn. [Nhơn là chôn vùi, quan là cái quan tài, giả là người].

Nhưng lúc Khiển điện thì Lễ xướng là Đạo giả, chớ không xướng là Đạo tỳ, như mấy câu Lễ xướng sau đây:

·         Đạo giả tựu vị: Đạo tỳ đi vào đứng trước bàn vong.

·         Đạo giả nhập cữu: Đạo tỳ vào đứng hai bên quan tài.

·         Đạo giả cử cữu thăng xa phát hành: Đạo tỳ nâng quan tài đặt lên xe (Thuyền Bát Nhã) và khởi đi. (Cữu là linh cữu). (Xem chữ: Khiển điện, vần Kh)

- Đạo giả 道者: Đạo là Đạo tỳ, giả là người.

Ngày nay, trong Đạo Cao Đài, ĐẠO TỲ là những người có nhiệm vụ: Tẫn liệm, khiêng quan tài, kéo Thuyền Bát Nhã đến nghĩa địa, đào huyệt chôn cất.

Sắc phục của Đạo tỳ là: Áo đen quần đen có viền vải trắng, đội kết trắng viền đen và mang giày bố đen.

Những người Đạo tỳ là nhân viên của Ban Thuyền Bát Nhã. Theo Bí pháp, Đức Phật Di-Lạc là chủ của Thuyền Bát Nhã nên những người trong Ban Thuyền Bát Nhã đều là nhân viên của Đức Di-Lạc Vương Phật.

 

Đạo xuất ư đông

道出於東

A: The new religion comes from the East.

P: La religion nouvelle vient de l'Orient.

Đạo: tôn giáo. Xuất: sản xuất. Ư: ở tại. Đông: phương Đông, chỉ nước Việt Nam.

Đạo xuất ư đông là một nền tân tôn giáo xuất hiện ở một nước phương đông, tức là xuất hiện ở nước VN.

TĐ ĐPHP: Có nhiều Hội giáo đã lập thành có trót trăm năm trước khi mở Đạo, đặng dạy lần cho vạn quốc rõ thấu Chánh truyền; ngày nay Thầy mới đến lập một cái CAO ĐÀI, nghĩa là đền thờ cao hay là đức tin lớn tại thế nầy làm nên nền Đạo, lại mượn một sắc dân hèn hạ nhỏ nhít của Á Đông là

Việt Nam ta, đặng cho trọn lời tiên tri: "Đạo xuất ư đông" và cho trúng Thánh ý chiều lụy hạ mình của Thầy...

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Đạo y

道衣

A: The religious dress.

P: Le tenue religieuse.

Đạo: tôn giáo. Y: cái áo.

Đạo y là y phục của người đạo.

Đạo y đồng nghĩa với Đạo phục.

TNHT: Môn đệ của Thầy nhiều đứa muốn bỏ Đạo y, ném dép cỏ, lột khăn tu mà mong hồi tục thế.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐẠT

ĐẠT

Đạt: Thông suốt, thành tựu, hiển vinh.
Td: Đạt lý, Đạt vị.

 

Đạt lý

達理

A: To understand the reason.

P: Comprendre la raison.

Đạt: Thông suốt, thành tựu, hiển vinh. Lý: cái lẽ của sự việc.

Đạt lý là thấu suốt cái lẽ của sự việc.

Thường nói: Thấu tình đạt lý, là thông suốt cả tình và lý, tức là hai mặt tình cảm và lý trí đều đạt hết.

 

Đạt vị

達位

A: To attain the situation.

P: Atteindre la situation.

Đạt: Thông suốt, thành tựu, hiển vinh. Vị: phẩm vị, địa vị.

Đạt vị là đạt được phẩm vị.

CG PCT: Nhắc rằng Lễ Sanh, hoặc đặng đắc cử, hay là có khoa mục mới đạt vị.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

ĐẮC

ĐẮC

ĐẮC: Được, có được.
Td: Đắc đạo, Đắc lộ, Đắc Pháp đắc Phật.

 

Đắc duyên đắc vị

得緣得位

Đắc: Được, có được. Duyên: mối dây ràng buộc được định sẵn từ trước. Vị: phẩm vị, ngôi vị.

Đắc duyên là có được cái duyên lành với Phật, tức là có được mối dây ràng buộc với Phật từ kiếp trước.

Đắc vị là có được phẩm vị nơi cõi thiêng liêng.

DLCK: Đắc duyên đắc vị, đắc A-Nậu Đa-La Tam....

DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

 

Đắc đạo

得道

A: To reach to the great wisdom.

P: Parvenir à la grande sagesse.

Đắc: Được, có được. Đạo: tôn giáo, con đường tu hành.

Đắc đạo là đạt được cái mức cuối cùng của con đường tu hành, tức là đạt được phẩm vị Tiên, Phật nơi cõi thiêng liêng.

TNHT: Người dưới thế nầy, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của cải. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo phải có công quả.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đắc kiếp

得劫

Đắc: Được, có được. Kiếp: một kiếp sống.

Đắc kiếp là đắc đạo trong một kiếp tu.

Đắc kiếp đồng nghĩa đắc đạo.

 

Đắc kỳ sở nguyện

得其所願

A: To attain one's vow.

P: Atteindre son voeu.

Đắc: Được, có được. Kỳ: cái ấy. Sở: chỉ về mình. Nguyện: lòng mong ước. Sở nguyện: điều mà mình hằng mong ước.

Đắc kỳ sở nguyện là đạt được cái mà lòng mình hằng mong ước.

TNHT: Con sẽ đắc kỳ sở nguyện của một người làm phải.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đắc lịnh

得令

A: To have an order.

P: Avoir un ordre.

Đắc: Được, có được. Lịnh: mệnh lệnh của cấp trên.

Đắc lịnh là được lịnh của cấp trên truyền xuống.

TNHT: Bần đạo khi đắc lịnh làm Chưởng Đạo lập Hội Thánh giáo đạo tha phương thì tùng lòng bác ái của Chí Tôn....

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đắc lộ

得路

Đắc: Được, có được. Lộ: đường đi, con đường, đồng nghĩa: Đạo.

Đắc lộ là đắc đạo, tức là đạt được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

DLCK: Đắc lộ Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề....

DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

 

Đắc Pháp đắc Phật

得法得佛

Đắc: Được, có được. Pháp: tâm pháp tu luyện. Phật: ngôi vị Phật.

Đắc Pháp đắc Phật là đạt được tâm pháp tu luyện nên đắc đạo thành Phật.

DLCK: Độ dẫn chơn linh đắc Pháp đắc Phật, đắc....

DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

 

Đắc phong

得封

A: To be confered a dignity.

P: Être conférée une dignité.

Đắc: Được, có được. Phong: ban cho phẩm tước.

Đắc phong là được ban cho phẩm tước Chức sắc.

ĐLMD: Khi đắc phong rồi phải về Hạnh Đường học đạo.

ĐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

Đắc quả

得果

Đắc: Được, có được. Quả: cái trái, kết quả.

Đắc quả là đạt được cái kết quả tốt đẹp của việc tu hành, tức là do công phu tu hành mà đạt được phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Làm công quả là cái Nhân, đắc thành Tiên Phật là Quả.

Đắc quả đồng nghĩa đắc đạo.

 

Đắc thất

得失

A: The success and failure.

P: Le succès et échec.

Đắc: Được, có được. Thất: mất, thất bại.

Đắc thất là được mất, thành công hay thất bại.

TNHT: Đắc thất đều do tại máy Trời.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐẶC

Đặc an

特安

A: Entirely calm.

P: Entièrement calme.

Đặc: đặc biệt, hơn hẳn bình thường. An: yên ổn.

Đặc an là đặc biệt an ổn, tức là hoàn toàn an ổn.

KTKVTH: Văn ban Võ bá triều đình đặc an.

KTKVTH: Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.

 

ĐĂNG

ĐĂNG

ĐĂNG: Lên, bước lên cao.
Td: Đăng điện, Đăng Tiên.

 

Đăng đàn thuyết pháp

登壇說法

A: To mount the rostrum and to preach the doctrine.

P: Monter à la tribune et prêcher la doctrine.

Đăng đàn là lên diễn đàn để nói trước công chúng.

Đăng đàn thuyết pháp là lên diễn đàn để giảng giải về giáo lý của một tôn giáo.

 

Đăng điện

登殿

A: To mount the throne

P: Monter au trône.

Đăng: Lên, bước lên cao. Điện: chánh điện, nơi thờ phượng.

Đăng điện là lên ngồi trên ngai nơi Chánh điện.

Đây là nói về việc Đức Giáo Tông lên ngồi trên ngai của Ngài đặt nơi Chánh điện của Tòa Thánh .

Theo PCT, khi Đức Giáo Tông đã được đắc cử chánh thức rồi thì Hội Thánh tổ chức một cuộc lễ long trọng cho Ngài lên ngự trên ngôi Giáo Tông nơi Chánh điện. Lễ nầy được gọi là Lễ Đăng điện, giống như Lễ Đăng quang của Đức Giáo Hoàng Thiên Chúa Giáo.

CG PCT: Đắc cử quả quyết rồi, nghĩa là Hội Thánh đã đủ chứng chắc không điều gì bất công thì Hội Thánh mới xúm nhau làm Lễ Đăng điện cho Ngài.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

Đăng Tiên

登仙

A: To mount the fairyland (Disincarnation).

P: Monter au séjour des immortels (Disincarnation).

Đăng: Lên, bước lên cao. Tiên: cõi Tiên.

Đăng Tiên là đi lên cõi Tiên, ý nói thể xác chết, linh hồn xuất ra đi lên cõi Tiên.

Trong Đạo Cao Đài, từ ngữ nầy dùng để nói sự chết của Chức sắc Đại Thiên phong hàng Tiên vị như: Đầu Sư, Chưởng Pháp, Thập nhị Thời Quân, Thượng Phẩm, Thượng Sanh.

Đức Giáo Tông, Đức Hộ Pháp chết thì gọi là qui Thiên.

KĐ9C: Huờn hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên.

KĐ9C: Kinh Ðệ Cửu cửu.

 

ĐẰNG

Đằng cát

藤葛

Đằng: dây bìm. Cát: dây sắn.

Đằng cát là hai loại dây leo, có thân nhỏ yếu ớt, phải dựa vào một cây khác rắn chắc để leo lên mà sống.

Do đó, đằng cát là chỉ thân phận yếu mềm của người phụ nữ, phải sống nương tựa vào người chồng.

Đằng cát cũng chỉ người cô đơn thế yếu, phải nương dựa vào một thế lực mạnh mẽ khác.

TNHT: Đằng cát may đưa dựa bóng tùng.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đằng giao khởi phụng

騰蛟起鳳

Đằng: vượt lên cao. Giao: con giao long, một loại rồng. Khởi: dấy lên. Phụng: con chim phụng.

Đằng giao khởi phụng là con giao long vọt lên (khí thế rất mạnh), con chim phụng dấy lên để bay (thế rất mạnh), thường dịch là: Rồng bay phụng dậy, chỉ người tài giỏi hiếm có, khí thế rất mạnh, văn chương vượt bậc.

Bài thài hiến lễ Tứ Nương DTC:

Đằng giao khởi phụng chẳng ngừa Tiên thi.

DTC: Diêu Trì Cung

 

ĐẲNG

ĐẲNG

ĐẲNG: Thứ bực, ngang nhau, bọn.
Td: Đẳng cấp.

 

Đẳng bất khả liệp

等不可躐

Đẳng: Thứ bực, ngang nhau, bọn. Bất khả: không thể. Liệp: vượt qua.

Đẳng bất khả liệp là thứ bực không thể vượt qua, ý nói: Làm việc phải có trật tự, theo thứ bực cao thấp.

 

Đẳng cấp

等級

Đẳng: Thứ bực, ngang nhau, bọn. Cấp: bực thềm.

Đẳng cấp là thứ bực trên dưới, cao thấp.

TNHT: Trong địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐẤNG

Đấng Chơn linh

A: Spirit, Soul, Superior Spirit.

P: Esprit, Âme, Superior Esprit.

Đấng: từ ngữ đặt trước danh hiệu của Thần, Thánh, Tiên, Phật để tỏ sự tôn kính. Chơn linh: linh hồn.

Có hai trường hợp sau đây:

1. Đấng Chơn linh: là các vị có chơn linh cao trọng nơi cõi thiêng liêng, tức là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

TNHT: Thầy lại cũng đã nói: Mỗi khi chơn linh Thầy giáng đàn thì cả vàn vàn muôn muôn Thần, Thánh, Tiên, Phật theo hầu hạ. Các con nếu lấy mắt phàm thấy đặng, phải khủng khiếp kinh sợ vô cùng, nhưng thấy chẳng đặng nên tội cũng giảm nhẹ đó chút. Thất lễ là đại tội trước mắt các Đấng Chơn linh ấy. Thầy phải thăng cho các con khỏi bị hành phạt.

2. Đấng Chơn linh nhập thể, trong Kinh Vào Học:

Cầu khẩn Đấng Chơn linh nhập thể,

Đủ thông minh học lễ học văn.

Ở đây có sự hiểu lầm là: Chơn linh của đứa học sinh ở ngoài thể xác, bây giờ đọc bài kinh nầy để cầu khẩn chơn linh ấy nhập vào thể xác của đứa học sinh để nó thông minh học giỏi. Vậy thì chúng ta đặt câu hỏi: Nếu không cầu khẩn thì chơn linh không nhập vào thể xác hay sao?

Theo triết lý của Đạo Cao Đài thì chơn linh của con người đã nhập vào thể xác ngay khi được sanh ra khỏi lòng bà mẹ, và chơn linh ấy ngự tại trái tim, chớ không phải ở bên ngoài thể xác. (Xem chữ Nhơn Sinh Quan, vần Nh).

Câu kinh: Cầu khẩn Đấng Chơn linh nhập thể, có nghĩa là: Cầu khẩn với chơn linh đang ngự trong thể xác, sớm hiển lộ Thiên chức sáng suốt và lành để làm chủ nhân thể xác, để mà học hỏi cho mau tiến hóa.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐẦU

ĐẦU

1.    ĐẦU: Cái đầu, người đứng đầu.
Td: Đầu Tộc Đạo, Đầu vọng bái.

2.    ĐẦU: Nhập vào, nương dựa, hợp nhau.
Td: Đầu kiếp, Đầu thai.

 

Đầu Tộc Đạo - Đầu Phận Đạo - Đầu Hương Đạo

頭族道 - 頭分道 - 頭鄉道

A: The chief of a religious district - Chief of a religious village.

P: Le chef d'un district religieux - Chef d'un village religieux.

Đầu: Cái đầu, người đứng đầu. Tộc: họ. Tộc Đạo là Họ Đạo. Phận: phần.

Tộc Đạo: Chữ nôm là Họ Đạo. Theo Tân Luật, nơi nào có đông tín đồ, được chừng 500 người sắp lên, thì được lập riêng một Họ Đạo, đặt riêng một Thánh Thất, có Chức sắc được Hội Thánh bổ xuống làm đầu. Sự lập Họ Đạo phải có phép của Đức Giáo Tông.

Nhưng số tín đồ của Đạo lúc đầu còn ít, nên Hội Thánh căn cứ theo sự phân chia các đơn vị hành chánh địa phương của quyền đời là Làng hay Xã, Quận, Tỉnh, mà áp dụng vào Đạo.

■ Hương Đạo là Làng Đạo, gồm số tín đồ cư ngụ trong một Làng hay một Xã.

Đầu Hương Đạo là người đứng đầu cai quản một Hương Đạo, phẩm Chánh Trị Sự, do tất cả các vị Phó Trị Sự và Thông Sự trong Hương Đạo bầu lên, và được Hội Thánh chuẩn nhận.

■ Tộc Đạo là một Quận Đạo, gồm số tín đồ trong một Quận. Như vậy, Tộc Đạo gồm nhiều Hương Đạo.

Đầu Tộc Đạo là người đứng đầu cai quản một Tộc Đạo, phẩm Lễ Sanh, do Hội Thánh bổ nhiệm.

■ Phận Đạo: Chỉ có Châu Thành Thánh Địa Tây Ninh mới chia ra Phận Đạo, bởi vì nơi Châu Thành Thánh Địa, tất cả đều là người đạo từ các tỉnh về đây cư ngụ lập nghiệp.

Mỗi Phận Đạo có chừng 10 Hương Đạo, mỗi Hương Đạo có 3 Ấp Đạo, mỗi Ấp Đạo có 36 nóc gia (gia đình người Đạo). Năm 1974, số Phận Đạo nơi Châu Thành Thánh Địa là 19, sắp sửa lập Phận Đạo 20, tổng số Hương Đạo là 198.

Đầu Phận Đạo là người đứng đầu cai quản một Phận Đạo, phẩm Lễ Sanh, do Hội Thánh bổ nhiệm.

 

Đầu kiếp

投劫

A: To reincarnate.

P: Se reincarner.

Đầu: Nhập vào, nương dựa, hợp nhau. Kiếp: một đời sống nơi cõi trần.

Đầu kiếp là nhập vào một kiếp sống nơi cõi trần, tức là chơn linh và chơn thần từ cõi thiêng liêng đi xuống cõi trần, nhập vào một hài nhi vừa mới được sanh ra khỏi lòng mẹ để làm một con người mới, có một kiếp sống mới nơi cõi trần.

 

Đầu Phòng Văn

頭房文

A: Chief of the bureau.

P: Le chef du bureau.

Đầu: Cái đầu, người đứng đầu. Phòng văn: văn phòng, bộ phận phụ trách công việc văn thư hành chánh trong một cơ quan.

Đầu Phòng Văn là người đứng đầu trông coi về văn thư, giấy tờ, sổ sách trong một văn phòng.

Mỗi Tộc Đạo hay Châu Đạo, Hội Thánh bổ xuống một vị Đầu Phòng Văn để trông coi văn thư, giấy tờ, sổ sách của Tộc Đạo hay của Châu Đạo.

Đầu Phòng Văn phải do khoa mục tại Tòa Thánh tuyển chọn qua một kỳ thi tuyển, thi đậu rồi mới dự lớp huấn luyện làm Đầu Phòng Văn và thi tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, có cấp bằng của Hội Thánh mới được bổ đi làm Đầu Phòng Văn nơi Tộc Đạo và Châu Đạo, hay Phận Đạo.

Đầu Phòng Văn đối phẩm Chánh Trị Sự, khi đủ 5 năm công nghiệp thì được cầu phong lên Lễ Sanh.

Đạo phục của Đầu Phòng Văn: Mặc áo trường y trắng 7 nút, đội mão trắng giống cái calô, trước mão có phù hiệu tròn, kính 4 cm, nền xanh trên đó có hai cây viết đỏ cột lại bởi sợi dây vàng, một cây viết chỉ lên, cây viết kia chỉ xuống.

 

Đầu Sư

頭師

A: The Cardinal.

P: Le Cardinal.

Đầu: Cái đầu, người đứng đầu. Sư: thầy.

Đầu Sư là phẩm Chức sắc cao cấp của CTĐ, dưới phẩm Chưởng Pháp và Giáo Tông, trên phẩm Chánh Phối Sư.

Bên Nam phái CTĐ có 3 vị Đầu Sư, mỗi phái một vị: - Thái Đầu Sư, - Thượng Đầu Sư, - Ngọc Đầu Sư.

Bên Nữ phái CTĐ chỉ có một vị gọi là Nữ Đầu Sư.

Phẩm vị Đầu Sư rất quan trọng, vì Đầu Sư nắm cả hai quyền: Hành Chánh và Luật pháp, nên thay thế Đức Giáo Tông và Chưởng Pháp điều hành trực tiếp nền Đạo.

Đầu Sư đối phẩm Thập nhị Thời Quân HTĐ, và đối phẩm Địa Tiên trong Cửu phẩm Thần Tiên.

Quyền hành và Đạo phục của Đầu Sư được qui định rõ trong Pháp Chánh Truyền Chú Giải, xin độc giả xem trong đó.

Các vị Nam Đầu Sư và Tiểu sử:

Trong năm Khai Đạo, Đức Chí Tôn Thiên phong 3 vị Đầu Sư sau đây vào phẩm Đầu Sư đầu tiên của Đạo Cao Đài:

■ Đầu Sư phái Ngọc: Ngài Lê Văn Lịch, Thánh danh là Ngọc Lịch Nguyệt.

■ Đầu Sư phái Thượng: Ngài Lê Văn Trung, Thánh danh Thượng Trung Nhựt, sau được thăng Quyền Giáo Tông.

■ Đầu Sư phái Thái: Hòa Thượng Thiện Minh, Thánh danh là Thái Minh Tinh.

Ngài Thiện Minh là học trò của Hòa Thượng Như Nhãn, được Thiên phong ngày 13-10-Bính Dần, nhưng Ngài không hành Đạo, nên ngày 12-12-Bính Dần (dl 15-1-1927), Đức Lý Giáo Tông cất chức Thái Đầu Sư của Ngài Thiện Minh.

Cũng trong ngày nầy (12-12-Bính Dần), Đức Chí Tôn phong Ngài Dương Văn Nương chức Thái Đầu Sư, Thánh danh Thái Nương Tinh. Ngài Thái Nương Tinh cũng không hành đạo.

Ngày 11-2-1933 (âl 17-1-Quí Dậu), ba vị Chánh Phối Sư ba phái đầu tiên là: Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ), Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) và Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) được Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp (có sự đồng ý của Đức Lý Giáo Tông) đồng ký tên ra Thông Tri thăng phẩm Quyền Đầu Sư cho 3 vị Chánh Phối Sư nầy. Qua năm sau, hai vị Quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh tách khỏi TTTN lập Ban Chỉnh Đạo, sau thành chi phái Bến Tre.

Về sau, có ba vị Chánh Phối Sư được Đức Lý Giáo Tông thăng thưởng lên phẩm Đầu Sư là: Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, Đầu Sư Thái Bộ Thanh, Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh.

 

Sau đây là Tiểu sử của mỗi vị Đầu Sư:


1. Đầu Sư Thượng Trung Nhựt:

Ngày 11-3-Bính Dần (dl 22-4-1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Lê văn Trung làm Đầu Sư phái Thượng, Thánh danh Thượng Trung Nhựt.

Ngày 3-10-Canh Ngọ (dl 22-11-1930), Đức Lý Giáo Tông giáng cơ ban quyền Giáo Tông tại thế cho Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, nên gọi Ngài là Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung. (Xem tiểu sử của Ngài nơi chữ: Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, vần Q)

2. Đầu Sư Thái Nương Tinh (1870-1929):

Ngài Thái Nương Tinh, thế danh là Dương Văn Nương, làm Tri Huyện Hàm tại Sađéc, sanh năm Canh Ngọ (1870) tại Sađec và mất ngày 25-10-Kỷ Tỵ (dl 25-11-1929) tại Sađéc, hưởng thọ 60 tuổi.

Mộ của Ngài hiện ở phần đất dành làm nghĩa trang gia đình của hai họ Dương và Phạm, tại đường Đinh Tiên Hoàng (Tạ Thu Thâu cũ), Thị xã Sađéc, cách chợ Sađéc chừng hơn 1000 thước.

Được biết, trước kia, mộ của Ngài ở Chợ Cồn xã Tân Qui Đông, Sađéc, bên bờ sông Tiền Giang. Vì bờ sông bị đất lở, nên con cháu trong gia đình cải táng về đây ngày 21-8-1959. Kế bên mộ của Ngài là mộ của Bà Huyện Dương Văn Nương, nhũ danh Nguyễn Thị Quế (1876-1951) cũng được cải táng về đây ngày 24-4-1960.

Sau đây xin chép lại hai bài Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn liên quan đến quí Ngài: Đầu Sư Thái Minh Tinh, Đầu Sư Thái Nương Tinh và Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh. (Trích trong Đạo Sử quyển II của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, trang 172 và 177).

 

Ngày 12-12-Bính Dần (dl 15-1-1927).

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG

Các con,

Nhị Chưởng Pháp, Nhị Đầu Sư tọa vị.

Đạo Quang! Con phải quyền Chưởng Pháp.

Nương! Thầy dặn con, con chẳng hề nghe đến. Thầy muốn bỏ, song vì cựu vị nên chẳng đành. Từ đây phải lo Đạo nghe. Thầy phong cho con chức Thái Đầu Sư. Phải hành Đạo mà hiệp sức phổ độ phái Thái.

Thái Minh Tinh bị Thái Bạch cách chức...

 

Ngày 14-12-Bính Dần (dl 17-1-1927).

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG

Thơ! con đừng lo lắng về chơn thần con lắm vậy nghe!

Nhiều phen Thầy nghe con vái, nhưng mà ngày chưa đến, nên Thầy chưa nói, ngày nay Thầy tỏ thiệt cho con hiểu.

Con là một chơn linh cùng Quan Âm Bồ Tát, con đã hiểu rồi, vậy từ đây phải biết mình trân trọng mà trau giồi tánh hạnh nghe.

Thầy chẳng nói căn cội của Nương, e con giận. Vậy Thầy nói luôn để cho anh em nhìn nhau, thương yêu nhau. Nó là Văn Thù Bồ Tát tái thế, nghe à!

Nó lập ngôi vị cho con, nó đi một đường với con mà hành Đạo cho tới ngày hai con đắc quả đặng trở về cùng Thầy.

. . . . . . . . . . . . . . . . .

3. Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (1890-1947):

Ngọc Lịch Nguyệt là Thánh danh của Ngài Lê Văn Lịch, khi Đức Chí Tôn phong Ngài làm Đầu Sư phái Ngọc.

Ngài Ngọc Lịch Nguyệt, hiệu là Thạch Ẩn Tử, sanh ngày mùng 1 tháng 9 năm Canh Dần (dl 14-10-1890) tại làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.

Thân sinh của Ngài là Cụ Lê Văn Tiểng, tu theo Đạo Minh Sư đến bực Thái Lão Sư, hiệu Lê Đạo Long, là người sáng lập ngôi chùa Vĩnh Nguyên Tự ở Cần Giuộc. Cụ Tiểng tu đắc đạo, sau khi qui liễu, đắc quả Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Cụ có lời di chúc:

"Lập Vĩnh Nguyên Tự để sau nầy có Thập nhị Khai Thiên đến mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ."

Thân mẫu của Ngài Lê Văn Lịch là Cụ Bà Trần Thị Đắc, hiền nội của Ngài là Bà Trần Thị Khá, con gái của Ngài Trần Văn Thụ (Ngọc Chưởng Pháp). Ngài Lê Văn Lịch có người con gái là Cô Lê Ngọc Trang, Đạo hiệu Bạch Tuyết.

Ngài Lê Văn Lịch thọ nhận từ phụ thân bí thuật huyền môn của Đạo Lão (Tiên giáo) và Y thuật. Sau khi nhập môn vào Đạo Cao Đài, Ngài không dùng bí thuật huyền môn nữa, chỉ truyền lại cho con gái Lê Ngọc Trang về Y học cổ truyền.

Đầu năm Bính Dần 1926, quí Ngài Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc được lịnh cơ bút dạy xuống Vĩnh Nguyên Tự lập đàn cầu cơ, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn (Cụ Lê Văn Tiểng, đạo hiệu Lê Đạo Long, thân sinh của Ngài Lịch) giáng cơ dạy Ngài Lịch, lúc bấy giờ đã tu tới bực Dẫn Ân (Minh Đường), phải hiệp với quí Ngài Cư, Tắc để mở Đạo Cao Đài.

Trong thời gian nầy, Ngài Đốc phủ Nguyễn Ngọc Tương đang làm Chủ quận Cần Giuộc đã gia nhập Đạo Cao Đài, nên cũng khuyên Ngài Lê Văn Lịch nhập môn vào Đạo.

Đêm 12-3-Bính Dần (dl 23-4-1926), Ngài Lê Văn Lịch được Đức Chí Tôn giáng cơ ân phong Ngọc Đầu Sư, Thánh danh Ngọc Lịch Nguyệt, cùng một lượt với Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, trong cuộc Lễ Thiên phong đầu tiên tổ chức tại nhà Ngài Lê Văn Trung ở Chợ Lớn.

Trong TNHT, Đức Chí Tôn có giáng cơ dạy Ngài Ngọc Lịch Nguyệt như sau:

TNHT. I.14: "CAO ĐÀI. Lịch! Con nghe Phật Như Lai nói chưa?

Tam Kỳ Phổ Độ là gì? Là phổ độ lần thứ ba.

Sao gọi là phổ độ? Phổ độ nghĩa là gì?

Phổ là bày ra, độ là cứu chúng sanh.

Muốn trọn hai chữ Phổ độ, phải làm thế nào?

Chúng sanh là gì?

Chúng sanh là toàn cả nhơn loại,chớ không phải là lựa chọn một phần người, như ý phàm các con tính rối.

Muốn trọn hai chữ Phổ độ, phải làm thế nào? Thầy hỏi? Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa. Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng năm nầy về theo Trung đi truyền đạo. Nghe và tuân theo...

Phải mặc y phục như Trung, mà màu hồng."

TNHT. I. 22: "Thích Ca Như Lai thị Ngã, dục cứu chúng sanh, tá danh Cao Đài Đại Bồ Tát. Nhữ tri hồ?

Hữu Ngã đồ Thái Đầu Sư tại thử, nhĩ vô thức luyện đạo, Ngã phái Ngọc Đầu Sư chỉ giáo thọ bửu pháp.

Tam thập tứ vị chúng sơn bất tri Chơn lý luyện thành. Ngã vi Chủ khảo giáo hóa. Khả tuân Ngã mạng.

Nhữ đẳng tu thọ pháp, tu thọ pháp. Khâm tai!"

Diễn nôm:

Thích Ca Như Lai là Thầy (Ta), muốn cứu chúng sanh, tá danh Cao Đài Đại Bồ Tát. Con biết không?

Có học trò của Thầy là Thái Đầu Sư tại đây, nó không biết luyện đạo. Thầy phái Ngọc Đầu Sư chỉ giáo thọ bửu pháp.

34 vị tăng không biết Chơn lý luyện thành. Thầy là Chủ khảo giáo hóa. Khá tuân lịnh Thầy.

Các con tu thọ pháp, tu thọ pháp. Kính vậy thay!

 

Những ngày đầu Khai Đạo, Ngài Ngọc Lịch Nguyệt đóng vai trò quan trọng không kém Ngài Thượng Trung Nhựt.

Ngài được lịnh Đức Chí Tôn sưu tập 3 bài Kinh Tam giáo trong Kinh Tam Thánh Đại Động để làm Kinh của ĐĐTKPĐ. Ngài cùng với Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt phụng soạn và ban hành quyển "TỨ THỜI NHỰT TỤNG KINH", trong đó các bài Kinh Nhựt Tụng của Đạo Cao Đài được viết bằng chữ Nho, chữ Nôm và chữ quốc ngữ, cùng là giải thích ý nghĩa tổng quát của mỗi câu kinh, có phần phụ thêm giải về Nghi tiết phụng thờ của Đạo Cao Đài, in và ban hành vào năm Mậu Thìn (1928).

Khi hai Ông Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang rút khỏi TTTN lập Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre, thì Ngài Ngọc Lịch Nguyệt cũng rời Tòa Thánh, trở về Vĩnh Nguyên Tự tu hành.

Năm 1943, trong công cuộc nhà cầm quyền Pháp khủng bố Đạo Cao Đài, Ngài bị họ bắt đày đi Côn Đảo, đến năm 1945, Ngài mới được trả tự do trở về.

Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt bị sát hại trong cuộc chiến chống Pháp xâm lược của phong trào Việt Minh, Ngài qui liễu tại Chợ Lớn ngày 2-9-Đinh Hợi (dl 15-10-1947) thọ 58 tuổi. Mộ của Ngài đặt tại phần đất phía sau Vĩnh Nguyên Tự, gần mộ của thân phụ Ngài là Cụ Lê Văn Tiểng.

Ngài Ngọc Lịch Nguyệt thỉnh thoảng có giáng cơ tại đàn cơ ở Vĩnh Nguyên Tự. Ngày 7-1-Ất Tỵ (1965), Ngài Ngọc Lịch Nguyệt giáng cơ, xin trích lục ra sau đây:

THI:

NGỌC chiếu khai xuân đã vẹn tròn,

LỊCH trình quí giá đáng vàng son.

NGUYỆT lai sẽ rõ cơ mầu nhiệm,

Mừng thấy đệ huynh chí chẳng mòn.

Hỡi chư Hiền đệ, Hiền muội!

THI:

Bần đạo thấy khắp trong huynh đệ,

Gối đã dùn, chẳng nệ mỏi xương.

Bạc màu tóc đã điểm sương,

Mà không nệ nhọc trên đường quả công.

Thiệt quí giá phúc hồng hiếm có,

Bước dặm trường đi đó đi đây.

Phổ thông giáo lý Đạo Thầy,

Thiêng liêng nương đó giải bày thiệt hơn.

Dầu nóng bức chẳng sờn cực nhọc,

Dẫu ngày đêm lăn lóc phụng hành.

Hiệp hòa lớn nhỏ em anh,

Rày đây mai đó chẳng canh cải lời.

Bần đạo thấy nghĩ thôi quá tiếc!

Mảnh thân phàm bị diệt tiêu tan.

Lấy đâu làm một con thoàn,

Để cùng huynh đệ một đàng thi đua.

Còn ở tục dễ thừa hành đạo,

Nương cõi đời giả, tạo cái Chân.

Có nhiều phương tiện xa gần,

Để mà khuyến thiện dìu nhân trở về.

Như Bần đạo lỡ bề thoát tục,

Cõi vô hình mấy lúc tiếc thương.

Tùng chung Tiên Phật một đường,

Muốn dìu sanh chúng phải nương cơ huyền.

Vì lẽ đó lời khuyên hơn thiệt,

Để đệ huynh nghiệm biết gần xa.

Ráng mà khắc kỷ xông pha,

Ráng mà giữ tánh để ra giúp đời.

Đừng bê trễ than ôi uổng bấy!

Đời mỏi mòn chẳng phải còn xa.

Trước tiên gìn giữ chữ hòa,

Tuy rằng số ít mà ra muôn phần.

Đến chùa, Thất, rửa lần tội lỗi,

Nghe kệ kinh tắm gội linh hồn.

Mau chân mà tiến bước dồn,

Quả đầy công đủ bảo tồn nguyên căn.

THI:

Căn lành gìn giữ chớ buông lơi,

Dù mấy năm qua cũng một đời.

Mải miết mặc ăn cùng chỗ ở,

Hơi tàn vạn sự thảy buông trôi.

4. Đầu Sư Thái Thơ Thanh (1873-1950):

Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, thế danh là Nguyễn Ngọc Thơ, tên thật là Nguyễn Văn Tơ, sanh năm 1873 tại quận Bãi Xàu tỉnh Sóc Trăng, sau lên Sài Gòn lập nghiệp ở Tân Định. Thân sinh là Ông Nguyễn Hưng Học, cháu ruột của Trung Quân Nguyễn Văn Thiền (kêu bằng Chú ruột), vốn dòng trâm anh thế phiệt, trung hưng công thần.

Thuở thiếu thời, Ngài theo Nho học, sau theo Tây học, rất ái mộ Phật giáo, phụng thờ cha mẹ rất hiếu hạnh. Ngài có làm Thơ Ký tại phòng Phiên dịch được ít lâu, sau nghỉ ở nhà, noi theo nghiệp làm thầy hốt thuốc Bắc của ông thân, rồi ra làm thầy hốt thuốc, lại có phụ dịch nhựt trình cho nhựt báo tỉnh.

Sau đó, Ngài bước qua đường buôn bán, mở mang trước nhỏ, sau to, trở nên giàu có, mua được một sở Đại Thương Cuộc tại Sài Gòn.

Nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ cử Ngài làm Hội Đồng Thẩm Án tại Tam Tòa Sài Gòn, tất cả trước sau được thưởng 7 Huân chương với 2 tấm Kim Khánh, Kim Tiền.

Chánh thất của Ngài là Bà Bùi Thị Đông, một phụ nữ khôn khéo bề tề gia nội trợ, thuận tùng theo chồng, tạo lập nhà cửa, phố xá tại Tân Định, sự nghiệp càng ngày càng thạnh lợi, bề thế lớn lao.

Về sau, Ngài được ban cho phẩm Hàm Tri Huyện, nên người đời thường gọi Ngài là ông Huyện Thơ.

Ông Nguyễn Liên Phong, trong tập Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập, có làm bài thơ khen tặng Ngài Nguyễn Ngọc Thơ:

Làm trai chí khí trước sau bền,

Án viện luận bàn hiển họ tên.

Nề nếp ông thân khuôn những tạc,

Phụng thờ từ mẫu thảo tâm đền.

Dựng nền buôn bán ra đồ sộ,

Cậy sức vợ hiền hiệp giúp nên.

Nẻo lợi thâu vào thành nghiệp cả,

Ơn nhờ che chở hộ hai bên.

Con gái của Ngài Nguyễn Ngọc Thơ là Nguyễn Thị Hương, có chồng là Trương Văn Tuấn, chủ nhà in Đức Lưu Phương ở Tân Định, sanh người con trai là Bác sĩ Trương Văn Quýnh. Bà Nguyễn Thị Hương cũng theo cha nhập môn vào Đạo Cao Đài, đắc phong phẩm Giáo Hữu ngày 14-Giêng-Đinh Mão (dl 15-2-1927) đàn cơ Phong Thánh Nữ phái kỳ I.

Đầu năm Bính Dần (1926), Ông Phạm Tấn Đãi, nhà ở Rạch Kiến, tỉnh Long An, thường chấp bút để học đạo. Ngày nọ, Ông chấp bút thì được lịnh Đức Chí Tôn dạy: "Con hiệp cùng Trung để đi độ Thơ."

Ông Phạm Tấn Đãi (sau đắc phong Khai Đạo HTĐ) vâng lịnh Đức Chí Tôn lên Sài Gòn, tìm đến nhà Ông Cao Quỳnh Cư để hỏi thăm nhà Ông Trung. Bà Cư đáp: Ông Trung có ra đây, vừa mới đi lên nhà Ông Thơ.

Ông Đãi hỏi thăm địa chỉ của Ông Thơ, liền đi lên Tân Định tìm nhà Ông Thơ, thì gặp Ông Trung tại đó.

Ông Đãi liền trình bày Thánh giáo của Đức ChíTôn dạy cho hai ông xem. Ông Thơ xem xong nói: Tôi muốn làm sao hai ông cầu nguyện thế nào cho tôi chấp bút được thì tôi mới tin.

Ông Trung liền chịu và bảo Ông Thơ phải trai giới 3 ngày, đồng thời hai Ông Trung và Đãi cũng ở đó hiệp nhau cầu nguyện. Ông Thơ chấp bút thông công được với các Đấng một cách tốt đẹp, nên Ông bằng lòng theo Đạo. Ông nói với Ông Trung và Ông Đãi làm thế nào để độ cho vợ của Ông là Bà Lâm Ngọc Thanh đang ở Vũng Liêm theo Đạo luôn cho thuận chiều xuôi gió một đường.

Ông cầu nguyện, Ơn Trên cho biết hiện giờ nầy bà Lâm Ngọc Thanh đang làm gì ở Vũng Liêm, cho biết từng chi tiết để ông ghi chép, rồi hôm sau, ông đánh điện kêu bà lên Sài Gòn. Khi bà lên tới Sài Gòn, ông hỏi các hoạt động của bà trong ngày vừa qua thế nào, thì bà nói đúng như Ơn Trên đã mách bảo, không sai một mảy. Thế là 2 ông bà đều tin và theo Đạo.

Hai ông bà Thơ bàn tính làm thế nào để độ thầy mình là Hòa Thượng Như Nhãn theo Đạo luôn. Ông Trung và ông Thơ cậy ông Đãi ra nhà ông Cao quỳnh Cư để mời 3 ông Cư, Tắc, Sang và Đạo hữu đến nhà ông Thơ để lập đàn cầu cơ. Đàn cơ được kết quả, Đức Chí Tôn thâu phục được Ngài Như Nhãn.

Tại nhà của Ngài Nguyễn Ngọc Thơ ở Tân Định, Đức Chí Tôn cho phép mở một cái Đàn để thâu nhận những người mộ đạo, Ngài Thơ chứng đàn, phò loan là 2 Ngài: Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc.

Ngày 2-7-Bính Dần (dl 9-8-1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Thơ làm Phối Sư phái Thái, cầm quyền Thái Chánh Phối Sư, Thánh danh là Thái Thơ Thanh.

Ngày 17-2-Quí Dậu (dl 12-3-1933), Ngài Thái Thơ Thanh được thăng lên Quyền Thái Đầu Sư.

Ngài Nguyễn Ngọc Thơ có chấp nối thành vợ chồng với Bà Lâm Ngọc Thanh ở Vũng Liêm, tục gọi là Bà Huyện Xây. Hai Ông Bà đều được Đức Chí Tôn độ theo Đạo, và về sau bà Lâm Ngọc Thanh đắc phong Nữ Đầu Sư, Thánh danh là Hương Thanh. (Xem Tiểu sử: Nữ Đầu Sư Hương Thanh, vần N)

Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh và Bà Lâm Hương Thanh, nhờ giàu có sẵn, và một lòng tin tưởng vào nền Chánh giáo của Đức Chí Tôn, nên đã đem nhiều tiền bạc ra hiến cho Đạo trong buổi sơ khai để xây dựng nền móng cho Đạo, kể ra như sau:

- Khi Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm Tự tại Gò Kén (Tây Ninh) cho Đạo Cao Đài làm Thánh Thất để tổ chức Lễ Khai Đạo, Ngài Thái Thơ Thanh xuất tiền ra tu bổ, sơn phết, trang trí lại thành một Thánh Thất Cao Đài, làm đường thông ra quốc lộ cho rộng rãi, cất thêm nhà cho bổn đạo ở làm công quả, vv... Nhờ vậy mới có chỗ rộng rãi tốt đẹp để tổ chức long trọng Đại Lễ Khai Đạo Cao Đài ngày 15-10-Bính Dần (dl 19-11-1926).

- Qua đầu năm 1927, Hòa Thượng Như Nhãn đổi ý, đòi chùa Từ Lâm lại, không hiến cho Đạo Cao Đài nữa, Đức Lý Giáo Tông dạy Ngài Thái Thơ Thanh hiệp cùng chư Chức sắc CTĐ và HTĐ đi coi mua 100 mẫu đất rừng tại làng Long Thành với giá 25.000 đồng thuở đó để làm nơi xây dựng Tòa Thánh và các cơ quan Trung ương của Đạo, trả chùa Từ Lâm Tự lại cho Hòa Thượng Như Nhãn. Số tiền 25.000 đồng mua đất do Ngài Thái Thơ Thanh và Bà Lâm Hương Thanh xuất ra cho Hội Thánh mượn, sẽ từ từ hoàn lại sau.

- Ngài Thái Thơ Thanh xuất tiền in 10.000 tấm Thánh Tượng Thiên Nhãn Ngũ Chi khổ lớn để phát không cho bổn đạo lập Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn tại tư gia.

Riêng phần Ngài Thái Thơ Thanh và Bà Lâm Hương Thanh thì xuất tiền ra khai thác một sở rừng hoang để xây dựng Cực Lạc Cảnh, có ý muốn qui tụ các tăng ni Phật giáo qui hiệp về đây tu hành theo Tân pháp Đạo Cao Đài, nên lập ra nhiều cảnh như: Quan Âm Các, Long Nữ Điện, Tây Vức Trì, đặt tên các con đường là: Phước Đức Cù, Di-Lạc Đạo. Tuy là cảnh tạm nơi cõi trần mà nghe qua như là cảnh Phật nơi cõi CLTG.

Sau đây xin chép lại Sớ Văn phúc trình của Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh và Bà Lâm Hương Thanh (lúc đang cầm quyền Nữ Chánh Phối Sư) dâng lên Hội Thánh và Đức Chí Tôn.

 

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ

(Đệ lục niên)

Chánh ngoạt, sơ nhị nhựt, Tân Vị, Khâm Thiên Tổng quản Tài Chánh, phụng sắc Chưởng quản tài liệu, Tổng lý Công viện, Lương viện, Hộï viện, Nông viện, Phổ Độ viện.

Quyền Thái Đầu Sư Chủ Tọa Hội Thánh, Quản lý tạo tác Tổ đình, Thái Thơ Thanh kỉnh bút,

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đệ lục niên, Chánh ngoạt, sơ tam nhựt, Tân Vị, Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh đề bút,

Tượng mảng Đại Đạo hoằng khai Tam Kỳ Phổ Độ lưu truyền thiên vạn cổ, bủa khắp Ngũ Châu, thì nền Chơn đạo phải to tát mới ra cảnh tượng thể thống Đạo cả.

Vì vậy mà hai tôi nong nả đêm ngày lo mở mang cuộc Thánh địa, chế ra nền Tây Vức, bởi công trường cực nhọc, trên nhờ sức thiêng liêng Đại Từ Phụ ban bố, mới xui khiến mua thêm được 100 mẫu đất rừng, của tư bổn vợ chồng tôi xuất ra mua, liên tiếp Thánh địa, nối dài ra tới Ngã ba Mít Một (Boulevard d'Anglais), bề mặt tiền trên 2000 mét, giáp ranh Bá Huê Viên, nối liền Động Đình Hồ, 1000 mét Thánh địa nữa, cộng chung là 3000 mét.

Cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn ngày sau Hội Thánh mở mang 3 phía là Đông, Nam, Bắc, mỗi phía 3000 mét, vuông vức cộng là 12.000 mét vuông, đặng xây vách thành cao lớn giáp 4 phía, dựng nên miền Tây Vức, đề hiệu là THÁI CỰC TOÀN ĐỒ.

Trong chia ra 2 cuộc: Phía Chánh Bắc, xây cửa thành lớn, đắp nổi cao chữ "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ", lộ ra 4 chữ to tát là "ĐẾ THIÊN THƯỢNG HOÀNG"; còn phía Chánh Nam, cũng tại cửa thành y kiểu 3 mặt như nhau, đề hiệu là "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ", hiện ra 4 chữ "ĐẾ THÍCH PHẬT TỔ"; phía Chánh Đông, tạo một cuộc Ngũ Quang Môn, nghĩa là Đại Thành Môn, có 5 cửa Ngũ Chi Đại Đạo, hiện ra 4 chữ "THÁI CỰC TOÀN ĐỒ"; còn Chánh Tây Môn thì cửa thành y kiểu 3 phía đề hiệu là Tây Vức Cảnh.

Trong Thái Cực Toàn Đồ chia ra làm 2 cuộc: Bên phía Bắc là BẠCH NGỌC KINH, tạo tác Tổ Đình,Bá Huê Viên, Động Đình Hồ, Đức Thế Tôn ngự mở cảnh thoát trần, Đức Di-Lạc giáng thế khai Long Hoa Hội. Hai bên là Rừng Thiên Nhiên, phía sau lập Cửu Viện, Thiên Phong Đường, Đầu Sư Đường, Chánh Phối Sư Đường, Hộ Pháp Đường, Thái Y Viện, Dưỡng Lão Ấu, Tịnh Thất Sở, và Học Đường, Dưỡng Đường, với các xưởng Bá công kỹ nghệ.

Còn các con đường: 1) Như Lai Đồ, 2) Di-Lạc Đạo, 3) Phước Đức Cù, 4) Oai Linh Tiên, 5) Bình Đặng Đồ, 6) Sử Quân Tử, 7) Thái Hòa Lộ, 8) Bình Dương Đạo.

Còn bên phía Nam thì tạo CỰC LẠC VÔ VI CẢNH GIỚI, là đắp con đường chữ Thập lớn dài từ Nam chí Bắc, từ Đông giáp Tây, gọi là TỨ TƯỢNG ĐỒ biến BÁT QUÁI, chính giữa Ngã Tư biến ra Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Giữa trung tim, un đúc một cảnh Nội Điện Đế Thích, giống in như cuộc cổ tích trên chốn Đế Thiên gần nước Xiêm La vậy.

Phía bên hữu Tây Bắc thì tạo Quan Âm Các, phía bên tả Tây Bắc thì dựng Long Nữ Điện. Phía bên hữu Đông Bắc thì cất Tòa Kinh Viện 15 căn lầu 3 từng nóc. Phía bên tả Đông Nam thì xây núi Tô Sơn, trên chót núi có đắp tượng Đức Thế Tôn nằm qui Niết Bàn, bề dài 12 thước tây, trên đảnh trung có thạch động Phổ Đà Sơn, Đức Từ Hàng Đạo Nhơn thành Phật, ấy là 5 cuộc to lớn.

Còn các cuộc nhỏ khởi tạo trước là: tạo Thất Bửu Tháp, đào Tây Vức Trì, cất Thưởng Liên Đình, tạo Từ Thiền Lâm. Trong cuộc Từ Thiền có 3 con đường cái: 1) Bát Nhã Đạo, 2) Bồ Đề Lộ, 3) Như Ý Cảnh. Lựa những bậc chơn tu trường trai khổ hạnh, từ trung thừa sắp lên mới cho vào trong cuộc Từ Thiền Lâm nầy, vuông vức 500 công.

Ấy là bên hướng Nam. Còn bên hướng Bắc thì Thái Bình Địa, cũng 500 công, cất Chợ Từ Bi, Nhà Thương, Nhà Thí, Nhà Mát, Nhà Nghỉ cho bực tín đồ nhập môn theo Hạ thừa sắp lên thì được phép ở.

Ước mong ngày sau, Hội Thánh mở mang cuộc Thánh Địa nầy cho giáp hết núi Điện Bà đặng ra vẻ nền Chơn đạo.

Trân trọng một bài kính cáo, nguyện cầu Đạo mạch hoàn toàn lưu truyền, trăm họ trước sau an nhàn.

Thái Thơ Thanh, Lâm Hương Thanh kỉnh đề.

Chuyển đạt Thiên Đình, ngưỡng vọng Đại Từ Phụ Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát chứng chiếu.

Ngu đệ tử phục thủ bá bái.

 

Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Ngài Thái Thơ Thanh:

TNHT. II. 6: "THƠ, nghe dạy:

Thời kỳ Mạt pháp nầy khiến mới có Tam Kỳ Phổ Độ, các sự Hữu hình phải hủy phá tiêu diệt.

Thầy đến chuyển Đạo, lập lại Vô Vi, các con coi thử bên nào Chánh lý: Hữu hình thì bị diệt đặng, chớ Vô Vi chẳng thế nào diệt đặng.

Thơ! Thầy đã khiến con đi Đế Thiên Đế Thích đặng xem cho tạng mặt Hữu hình, nội thế gian nầy ngày nay ai cũng nhìn nhận cho là tối đại, mà con đã thấy nó còn bền vững đặng chăng? Lòng đạo đức của con, Thầy thấy rõ, nhưng thời giả dối đã qua, thời kỳ chân thật đã đến, Thầy không muốn cho con hao tài tốn của mà gìn giữ sự giả dối.

Chẳng cần chi con lập Thánh Thất của Thầy và sùng tu Phật tượng chi hết. Con hiểu bổn nguyên Bảo Sanh là bổn nguyên Thánh chất Thầy.

Thầy khuyên con để dạ lo cho nhơn sanh mà thôi, phần hồn về Thầy."...

Các Đấng thiêng liêng giao cho Lục Nương DTC giáng cơ trả lời Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh về Tờ Sớ xin làm Cực Lạc Cảnh và Thái Cực Đồ. Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng mở đầu, sau đó nhượng cơ cho Lục Nương.

NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN

Mặt nhựt rạng nhờ trời thanh bạch,

Cõi trần may nhờ khách đức dày.

Mùi hương sen Phật đã bay,

Từ bên Đông Á phô bày Tây Âu.

Nước hằng sống rửa bầu thế sự,

Khiến nguyên nhân đổi dữ theo lành.

Vạn bang dẹp cuộc chiến tranh,

Lập cơ thoát khổ độ sanh muôn loài.

Kẻ vì mị đoái hoài giả đạo,

Kẻ hay tin quái giáo gây trò.

Nguyên nhân lỡ bước ai lo,

Đon đường Cực Lạc đưa đò mê tân.

Khá hiểu nghĩa Thiền Lâm cho chóng,

Các nguyên nhân trông ngóng bấy lâu.

Biết thân lại đợi ai cầu,

Tái cầu, Lục Nương tiếp:

Cầm gươm thần huệ soi lầu nguyệt quang.

Dục thế tục an nhàn lấy phận,

Cửa Thiên cơ khỏi vấn vương oan.

Để chân vào cõi Niết Bàn,

Thoát vòng luân chuyển may đàng tầm duyên.

Tu đặng phép nhà Thiền ít kẻ,

Những đam mê theo lẽ dối đời.

Sa môn chánh pháp đổi dời,

Con buôn cửa Phạm gạt người thiện tâm.

Khá hiểu nghĩa Thiền Lâm cho rõ,

Các thinh âm chẳng có cửa Không.

Bớt điều sắc tướng hoàn vong,

Bớt điều hồ mị nhọc lòng phạn hương.

Bớt những lẽ người đương mê tín,

Nhập Tịnh gia cậy lịnh Thích Ca.

Bớt điều làm sãi bó ma,

Đưa linh lại mượn có nhà minh sanh.

Bớt những lẽ giựt giành bái phước,

Lấy Vu Lan đặng được ấm no,

Bớt kinh bớt xá dâng thơ,

Mã môn con hát giả đò giải khiên.

Bớt cậy Phật lập quyền Địa Ngục,

Bớt đồ mưu lấy phục Di-Đà.

Bớt phương giải nạn tinh ma,

Lập nên danh phận cho nhà quỉ tăng.

THÁI THƠ THANH,

Anh khá kiếm lời răn của Phật,

Lấy từ bi dìu dắt sa môn.

Phật tăng như xác không hồn,

Lấy câu cứu khổ làm môn độ đời.

Anh khá mở cho rồi Cực Lạc,

Lập đường tu cho các chư sơn.

Tùng theo Tân Pháp Chí Tôn,

Đường tu cửa Phật may huờn như xưa.

EM nói rõ cho vừa ANH hiểu,

Bác Thiền Lâm, tùng kiểu Tam Kỳ.

Phép mầu hai chữ Từ Bi.

THĂNG

Đức Chí Tôn giáng cơ tiết lộ cho biết, nguơn linh của Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh là Từ Hàng Bồ Tát, và của Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh là Long Nữ, đồ đệ của Đức Quan Âm Bồ Tát, và của Ngài Đầu Sư Thái Nương Tinh là Văn Thù Bồ Tát. (Xem lại mục 2: Đầu Sư Thái Nương Tinh)

Sau đây xin chép lại bài: Đức Phạm Hộ Pháp xuất vía về Bạch Ngọc Kinh và CLTG, thấy Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, Chơn linh của Đức Từ Hàng Bồ Tát giáng trần, vào năm Đinh Mão (1927):

"Lúc mở Đạo ở Nam Vang (Tần quốc), Đức Phạm Hộ Pháp xuất Chơn thần về Thiên đình, qua Bạch Ngọc Kinh và CLTG, thấy Cửu phẩm Liên Hoa, nên thuật y câu chuyện lại cho Ngài Thái Thơ Thanh nghe như vầy:

Đương lúc mơ màng, Chơn thần liền xuất đi, thấy ngồi trên một cái xe ngựa, day qua thấy cảnh Thất thập nhị Địa, qua đến Tứ Đại Bộ Châu, nhìn thấy Đức Chí Tôn đứng trên Tòa Kim Khuyết, Đức Lý Giáo Tông cũng đứng trên bàn, kế Chức sắc Thiên phong, mấy vị Đạo tâm đứng hầu Ngài.

Chừng sắp trận Đại chiến với Quỉ Vương trên Thiên đình, Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thắng trận, chúng Quỉ đều chạy tan vỡ, rồi kéo nhau qua CLTG, chừng đến cửa Niết Bàn thì thấy Ngài Thái Thơ Thanh cầm bửu kiếm ngồi trên lưng con Kim Mao Hẩu, trấn thủ CLTG.

Lúc ấy Đức Hộ Pháp hỏi Ngài Thái Thơ Thanh rằng:

Anh về trên nầy hồi nào vậy?

Ngài Thái Thơ Thanh trả lời:

Tôi phải về trước để rước chư Hiền hữu.

Đức Phạm Hộ Pháp ngó ra ngoài thấy các vị Đại Đức đứng lao nhao lố nhố, đoàn ba lũ bảy, đến yêu cầu Ngài Thái Thơ Thanh cho họ nhập vào CLTG.

Ngài Thái Thơ Thanh không cho ai vào cửa hết, làm Đức Hộ Pháp động lòng, hỏi rằng:

- Tại sao Anh không cho họ vào?

Ngài Thái Thơ Thanh trả lời:

- Ngài không nhớ hồi đó chúng ta độ họ không đặng sao? Nếu người nào không nhập môn làm môn đệ của Đức Chí Tôn thì không thể gì vào được, vì các đạo giáo đều bị bế, chỉ có Đại Đạo Chánh Truyền dưới quyền của Di-Lạc Vương tận độ, mà điều trọng yếu hơn hết là không có lịnh Ngọc Hư Cung, tôi đâu dám cho họ vào. Nếu tôi cho vào, họ bị cây Giáng Ma Xử của Anh thì Anh nghĩ sao? Không cho họ vào là cứu linh hồn của họ vì họ có công tu. Nếu cượng lại mà cho vào thì họ sẽ bị lửa Thái Cực trong chữ VẠN đốt cháy ra tro mạt, mình lại có tội nữa mà chớ. Tốt hơn hết là để họ trở lại Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mà đợi thời gian, rồi họ sẽ tái kiếp, sẽ tu, rồi về sau. Hữu duyên mới gặp Tam Kỳ độ.

Đức Phạm Hộ Pháp ngó vào cửa CLTG thấy chữ VẠN quay cuồng trông như cái chong chóng, hào quang chiếu diệu sáng ngời. Không có lịnh cho vào, mà chơn linh nào vào gần đó thì bị đốt tiêu ra tro mạt. Nên thảm thương thay cho các vị Đại Đức đã dày công tu luyện mà khi về đến cõi Tây phương, chẳng đặng nhập vào cõi CLTG.

Nên họ phát ra nhiều tiếng rên siết rầm rĩ, họ xúm nhau, đoàn năm lũ bảy, kẻ thì tụng kinh, người thì đánh chuông cầu nguyện, kẻ đánh mõ vang dậy.

Phần thì con Kim Mao Hẩu hả miệng nhăn răng le lưỡi rất dữ tợn, nên không vị nào dám đến gần cửa CLTG.

Ấy là đúng theo Thánh giáo của Đức Chí Tôn đã tiên tri hồi mới Khai Đạo năm Bính Dần, các Đạo bị bế lại, thảm thương cho các con, tu có công mà thành chẳng đặng. Nếu không đi vào con đường Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì không thế gì nhập vào CLTG cho đặng.

Chừng tới giờ Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ kéo cờ về tới cửa CLTG, thì Ngài Thái Thơ Thanh, ngồi trên lưng Kim Mao Hẩu, tay cầm bửu kiếm, chỉ ngay chữ VẠN thì cửa CLTG hóa ra to lớn rộng rãi vì chữ VẠN đã ngừng quay. Đức Hộ Pháp dẫn đầu đi vào trước, kế là những vị Chức sắc Đại Đạo Tam Kỳ và Đức Lý Giáo Tông tiến vào, sau mỗi vị đều có dấu hiệu cờ cùng sắc phục khác nhau.

Lần lượt liên tiếp, Đức Lý Giáo Tông dẫn vào 9 ức nguyên nhân, chừng vào xong, kiểm soát lại, Đức Hộ Pháp nghe trong Niết Bàn hô lớn lên rằng: Còn thiếu một ức nữa.

Đức Hộ Pháp vội vàng muốn trở lại trần gian đặng độ tiếp cho đủ, thì có lịnh của Đức Chí Tôn phán rằng:

- Không hề chi đâu con, cửu nhị ức Nguyên nhân mới độ về có 9 ức, thì lần lượt sau cũng độ hết đặng.

Chừng nghe xong, Đức Hộ Pháp mới yên lòng.

Nhưng còn nghe văng vẳng bên tai rằng: "Phương pháp độ rỗi chỉ khuyên lơn các chơn linh, dầu Nguyên nhân hay Hóa nhân, đoạt được chữ HÒA với chữ NHẪN, mới về cửa nầy được. Dầu cho vạn kiếp sanh dày công tu luyện mà còn ganh ghét thì sẽ bị vào tay Chúa Quỉ, không trông mong gì về cùng Thầy được."

Đến đây, Đức Hộ Pháp ghi nhớ tỉ mỉ, để rồi biên chép lại cho các Chức sắc Kim Biên xem và đem về Tòa Thánh Tây Ninh cho Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh biết rõ tự sự.

Đức Ngài dạy sao ra nhiều bổn để lưu truyền đến ngày sau trau thân học Đạo."

Năm 1950, Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh trở về nhà riêng ở Tân Định Sài Gòn để dưỡng bịnh. Ngài bị một bọn cướp ăn mặc giả trang là người thân đến thăm, lọt được vào nhà, chúng ám hại Ngài để cướp bóc tiền của và vàng bạc.

Ngài qui vị ngày 21-7-Canh Dần (dl 3-9-1950) hưởng thọ 77 tuổi.

Hội Thánh hay tin, đem Liên đài xuống Sài Gòn để tẫn liệm thi thể rồi rước về Tòa Thánh Tây Ninh làm lễ Đạo táng rất long trọng. Liên đài nhập Bửu tháp, xây tại Đông Lang Tòa Thánh, và đem bửu ảnh thờ nơi Báo Ân Từ.

Bài thài hiến lễ Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh:

Tu thân giáo hóa chỉnh đời thanh,

Đồng chúc lê dân hưởng phước lành.

Cõi tục cầu an kinh tụng niệm,

Lời truyền nguyện thấu đến cao xanh.

Mưa nhuần gió thuận NghiêuThang tịnh,

Nắng tốt tuyết hòa Thuấn Võ thanh.

Đồng hưởng đời đời câu thạnh trị,

Tiêu diêu khoái lạc chí hùng anh.

Bài thài nầy về sau được Hội Thánh dùng làm bài thài hiến lễ chung trong Lễ cúng kỷ niệm và tế lễ các vị Nam Nữ Đầu Sư quá vãng hằng năm.

Ngày mùng 8-4-Nhâm Dần (dl 5-8-1962), tại Thánh Tịnh Huỳnh Quang Sắc ở Bình Đông, Chợ Lớn, Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh có giáng cơ cho bài thi ngụ ý cho biết Ngài trở về cõi thiêng liêng được đắc phong là Từ Hàng Đạo Nhơn.

THI:

TỪ bi xây dựng lập ban vui,

HÀN mặc viết tu bước thẳng xuôi.

ĐẠO lý sáng soi dìu khách tục,

NHƠN luân tô điểm tợ hoa tươi.

NGUYỄN gia gội phước gìn nên một,

NGỌC quí đượm màu giữ vẹn mười.

THƠ phú Thần Tiên ngâm hiểu nghĩa,

Giáng khuyên ráng học đạo làm người.

Khoán thủ 8 câu thơ trên là: Từ Hàn(g) Đạo Nhơn Nguyễn Ngọc Thơ giáng.

Tiếp theo, ngày 15-9-Nhâm Dần (dl 13-10-1962), cũng tại Thánh Tịnh Huỳnh Quang Sắc, Ngài Thái Thơ Thanh giáng cơ ban cho Kinh Nhạc Đạo Hành Ca, giảng giải về Đạo lý:

Từ tâm cứu khổ độ quần sanh,

Hàng uyển chỉnh tu tạo sống lành.

Đạo lý gieo truyền gầy hạnh lạc,

Nhơn luân bồi đắp tạc thinh danh.

Nguyễn gia phước huệ nêu màu đẹp,

Ngọc tốt tinh vi rạng sắc thanh.

Thơ viện sáng soi gìn giác thế,

Giáng phân lẽ phải gắng thi hành.

Đàn nay, Bần đạo thừa vâng sắc lịnh của Đức Chí Tôn giáng tả Kinh NHẠC ĐẠO HÀNH CA quyển nhứt trên đường khai thông chuyển hóa.

TỰA KINH:

NHẠC lòng hòa tấu bản Đường Tu,
ĐẠO đức sáng soi vẹt ngút mù.
HÀNH hóa cảm thông khai mạch sống,
CA ngâm đúng điệu tỉnh phàm phu.

Nhạc Đạo Hành Ca là những điệu sóng đàn lành mạnh hòa nhịp bản ca đạo đức, là những giọng dịu hiền giác hóa khách trần đi trên khúc quanh mê lộ.

NHẠC ĐẠO hồn quê gọi kêu người lạc lối,

HÀNH CA lý tưởng khai triển bước quang vinh.

Câu đối:

Nhạc Đạo Tam Kỳ giác ngộ trần mê  khai tâm chuyển hóa,

Hành Ca nhứt lộ xiển dương chánh pháp  bỉnh tánh hồi nguyên.

5. Đầu Sư Thượng Tương Thanh (1881-1951)
6. Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (1879-1936):

Hai vị Đầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) và Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang), bất đồng ý kiến trầm trọng với Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung và Đức Phạm Hộ Pháp, nên hai Ngài rút khỏi TTTN, xuống Sài Gòn và Bến Tre lập Ban Chỉnh Đạo, chống lại TTTN, và sau đó Ban Chỉnh Đạo biến thành Chi Phái Cao Đài Bến Tre. (Xem tiểu sử của hai Ngài nơi chữ: Chi Phái, phần sau, vần Ch)

7. Đầu Sư Thượng Sáng Thanh (1888-1980):

Sau đây xin chép lại nguyên văn Bản Tuyên Dương Công Nghiệp của Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, do Đại diện của Hội Thánh CTĐ (Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh) đọc trước Liên đài của Cố Thượng Đầu Sư:

"Nhân danh Ngọc Đầu Sư, Đại diện Hội Thánh ĐĐTKPĐ, tôi xin trân trọng tuyên dương công nghiệp hành đạo của Ngài Thượng Đầu Sư Thượng Sáng Thanh vừa qui Thiên, hưởng thọ 93 tuổi.

A. Phần lai lịch hành đạo:

Ngài Thượng Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, thế danh là Trần Ngọc Sáng, sanh năm 1888 tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình , tỉnh Mỹ Tho, người quốc tịch Việt Nam.

Nhập môn ngày 16 tháng 11 năm Bính Dần (1926) tại chùa Gò Kén, Tây Ninh. Sau ngày nhập môn tùng giáo, Ngài giữ trọn phận sự tín đồ Đại Đạo, xứng đáng là môn đệ yêu dấu của Đấng Chí Tôn.

- Ngày 21-5-Đinh Mão (1927), trong một đàn cơ tại Thánh Thất Hữu Đạo (Mỹ Tho), có Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt chứng đàn, Ngài thọ phong phẩm Giáo Hữu phái Thượng, do Đức Chí Tôn giáng cơ phong Thánh.

- Từ ngày đắc phong vào hàng Thánh Thể, Ngài xả thân hành đạo, tận tụy với nhiệm vụ thiêng liêng của Hội Thánh giao phó trong sứ mạng Thể Thiên hành hóa.

- Năm Đinh Mão (1927), Ngài đắc lịnh hành đạo tại Mỹ Tho, nơi Thánh Thất của Ông Phối Sư Thái Ca Thanh để phổ độ nhơn sanh trong tỉnh.

- Năm Mậu Thìn (1928), đảm nhiệm Đầu Họ Đạo Mỏ Cày, đồng thời đi phổ độ và truyền giáo ở các tỉnh Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Long Xuyên.

- Năm Kỷ Tỵ (1929), đắc lịnh đi quan sát tình hình Đạo sự ở 5 tỉnh Hậu Giang.

- Năm Canh Ngọ (1930), đảm nhiệm Đầu Tỉnh Đạo Long Xuyên, và mỗi tháng về Tòa Thánh dạy Hạnh Đường 10 ngày, trong suốt gần 2 năm trường.

- Ngày 15-10-Nhâm Thân (1932), được thăng Giáo Sư.

- Năm Quí Dậu (1933), kiêm nhiệm Đầu Tỉnh Đạo Mỹ Tho.

- Năm Giáp Tuất (1934), đảm nhiệm Đầu Tỉnh Đạo Sa Đéc.

- Năm Ất Hợi (1935), đảm nhiệm Khâm Trấn Đạo Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Bà Rịa, Vũng Tàu.

- Năm Kỷ Mão (1939), đảm nhiệm Khâm Trấn Đạo Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre.

- Năm Canh Thìn (1940), đảm nhiệm Khâm Trấn Đạo Chợ Lớn, Gia Định, Tân An,

- Năm Tân Tỵ (1941), về Tòa Thánh hành đạo.

- Năm Quí Mùi (1943), Chánh quyền Pháp bắt đày ra Côn Đảo trong 2 năm, cho đến ngày Đảo Chánh 9-3-1945 mới được trả tự do trở về xứ.

- Năm Bính Tuất (1946), đảm nhiệm Khâm Trấn Đạo Định Tường.

- Năm Đinh Hợi (1947), về Tòa Thánh dạy Hạnh Đường, khóa Huấn Luyện Lễ Sanh.

- Năm Mậu Tý (1948), kiêm nhiệm Quyền Thượng Thống Lại Viện.

- Ngày 7-4-Mậu Tý (1948), Ngài được thăng Phối Sư.

- Năm Kỷ Sửu (1949), đảm nhiệm Quyền Thượng Chánh Phối Sư.

- Năm Tân Mão (1951), kiêm nhiệm Quyền Thái Chánh Phối Sư.

- Năm Ất Mùi (1955), Ngài được thăng Thượng Chánh Phối Sư Chánh vị, do Quyền Chí Tôn tại thế phong thưởng.

- Năm Quí Mão (1963) thăng phẩm Quyền Đầu Sư.

- Năm Giáp Thìn (1964), thăng phẩm Đầu Sư Chánh vị, nhưng phải tạm hành quyền Thượng Chánh Phối Sư.

- Năm Bính Ngọ (1966), Ngài chỉ hành quyền Đầu Sư sau khi có Thánh giáo của Đức Lý Đại Tiên, Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ giáng cơ phong thưởng vị Phối Sư Thượng Tửng Thanh, lãnh nhiệm vụ Quyền Thượng Chánh Phối Sư.

B. Phần công nghiệp khổ hạnh:

- Năm Tân Mùi (1931), Ngài bị nhà chức trách Pháp bắt giam tại Sa Đéc, giải xuống Vĩnh Long, xét vô tội nên được thả.

- Năm Nhâm Thân (1932), Ngài cùng với Đức Quyền Giáo Tông đi hành đạo tại Chợ Mới Long Xuyên, bị kẻ nghịch đạo vu oan, khiến nhà chức trách bắt Ngài cùng Đức Q. Giáo Tông, giải ra Tòa Long Xuyên xét xử được trắng án.

- Năm Giáp Tuất (1934), Ngài đi dự Lễ Khánh Thành Thánh Thất Tân Khánh Tây Sa Đéc, bị Chủ Quận Châu Thành Sa Đéc ố đạo, bắt giải ra Tòa Sa Đéc xét xử, được trắng án.

- Năm Quí Mùi (1943), Chánh Phủ Pháp bắt Ngài đày ra Côn Đảo, nơi đây do ân huệ thiêng liêng tiền định, Ngài cảm hóa được dân chúng địa phương nhập môn tùng giáo, mà phần đông là nhân viên chánh quyền buổi ấy, khuyến khích họ tạo dựng được một ngôi Thánh Thất sở tại mà hiện nay di tích Thánh Thất nơi Côn Đảo vẫn còn.

C. Phần công nghiệp ban khen:

- Trong những năm dài hành đạo tại Sa Đéc, Ngài chịu nhiều cực nhọc và khổ hạnh, vì bị quyền Đời buổi nọ gây khó khăn, tuy nhiên, Ngài vẫn một lòng tận tụy với nhiệm vụ, không một lời than thở, chí nguyện tận trung với Đạo, tận hiếu với Thầy mà thôi.

Cảm đến công khó của Ngài, nên Đức Bát Nương DTC có giáng cơ đề nghị với Ngài Khai Pháp Chơn Quân, lúc ấy đang đảm nhiệm Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, cấp Ban Khen cho Ngài về tinh thần phục vụ, có chí đảm đương, gánh chịu sự khó khăn nơi tỉnh Sa Đéc. Hội Thánh có lập Tờ Ban Khen đọc tại Đền Thánh và cũng có lời Ban Khen của Đức Quyền Giáo Tông khi Ngài hành đạo tại Long Xuyên.

- Năm Tân Mão (1951), Ngài Chủ Tọa Đại Hội Nhơn Sanh được Đức Phạm Hộ Pháp gởi văn thư để lời Ban Khen Ngài đã ngoan khéo cầm quyền chủ tọa, đủ trí, vững tâm, nắm oai quyền gìn giữ Chơn pháp của Đạo, nên Đại Hội Nhơn Sanh được kết quả hoàn toàn.

- Năm Tân Mão (1951), Ngài vâng lịnh Hội Thánh đi chứng Lễ An Vị Thánh Thất Bạc Liêu, được Đức Cửu Nương DTC về cơ khen ngợi lập được kỳ công đắc thắng và để lời cám ơn Ngài có chút từ tâm để khêu ngọn đuốc huệ cho nhiều nhân vật đạo đức nơi tỉnh Bạc Liêu theo đường Chánh giáo.

D. Tổng Luận:

Ôn lại quá trình 55 năm hành đạo của Ngài, chúng ta nhận thấy:

- Ngài là một Chức sắc Đại Thiên phong tiền bối đạo hạnh và gương mẫu.

Ngài đã vì chúng sanh, vì Đạo, mà 4 lần lâm vào vòng lao lý. Nhưng không vì khổ hạnh ấy mà Ngài thối bước ngã lòng. Khó nhọc không màng, gian nan chẳng quản, Ngài để bước ta-bà khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ buổi trước để hoằng dương nền Chơn pháp của Đức Chí Tôn theo Thiên ý. Với sứ mạng thể Thiên hành hóa, Ngài là một trong những sứ giả tiền bối, mang lời châu tiếng ngọc của Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng gieo vào cân não nhơn sanh, để giục thức các bậc nguyên căn hữu phước tỉnh giấc mộng trần, qui tùng Chánh giáo, hầu chung hưởng hồng ân của Đại Từ Phụ trong buổi Chuyển thế khai Nguơn Thánh Đức.

Với đức tánh từ hòa, khiêm nhượng, rộng lượng, khoan hồng, giàu lòng bác ái, Ngài thu phục được nhơn tâm, cảm hóa được lòng người, khiến toàn đạo ai cũng cảm mến, kính yêu.

Đối với bề trên, Ngài một mực kính ngưỡng.

Đối với bạn đạo đồng hành, Ngài trọn tình trọn nghĩa, hữu thủy hữu chung.

Đối với đàn em, Ngài hết dạ thương yêu, đùm bọc và nhất là hết lòng dìu dắt, nâng đỡ, an ủi, vỗ về những đứa em lạc bước.

Toàn đạo thường ca tụng Ngài là:

Hiện thân của sự thương yêu, từ nhượng.

Một bậc đại đức chơn tu, mẫu mực hoàn toàn.

Tóm lại, chúng ta thấy cuộc đời hành đạo của Ngài luôn luôn gắn bó với nghiệp Đạo trên 50 năm qua. Với chí hy sinh vì đời thọ khổ, Ngài đã miệt mài và tận tụy với Thiên trách, cùng gánh vác chia xẻ những nỗi vui buồn vinh nhục với Hội Thánh và toàn đạo trong những lúc cơ Đạo thăng trầm.

Trên 15 năm cầm quyền Thượng Đầu Sư, là cấp lãnh đạo Hội Thánh CTĐ về mặt hữu vi, Ngài tỏ ra luôn luôn ôn hòa và khéo léo dìu dắt Chức sắc đàn em đi trong khuôn viên luật pháp chơn truyền của Đại Đạo.

Với đức độ từ ái của Ngài, toàn đạo đều hết lòng chiêm ngưỡng, công nghiệp lớn lao của Ngài sẽ ghi đậm nét son nơi thanh sử muôn đời lưu dấu và ngời sáng ánh huệ quang cho hậu tấn soi chung.

Mấy năm sau nầy, vì niên kỷ quá cao, sức phàm hữu hạn, mặc dù tinh thần Ngài vẫn còn tráng kiện, sáng suốt, song thể xác theo định luật của Tạo đoan phải lần lượt hao mòn, đi đứng khó khăn, yếu ớt, nên Ngài phải trở về tư gia tịnh dưỡng cho con cháu được thỏa niềm hiếu đạo. Mặc dầu Hội Thánh hằng lui tới viếng an và gia đình tận tình lo lắng cho Ngài, nhưng mạng căn và Thiên số đã định, sức khỏe của Ngài kiệt dần, nên ngày mùng 6 tháng Giêng năm Canh Thân, Hội Thánh rước Ngài vào biệt điện Nam Đầu Sư Đường an dưỡng, chờ giờ về Thầy, cho đến lúc 11 giờ 30 phút khuya đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng Giêng năm Canh Thân (1980), Ngài nhẹ nhàng viên tịch, hưởng thọ được 93 tuổi.

Hôm nay, Thiên mạng đã xong, nợ trần giũ sạch, công viên quả mãn, Ngài trở về bái mạng Ngọc Hư. Hội Thánh và toàn đạo ngậm ngùi thương tiếc. Từ đây, Hội Thánh vắng bóng hình một bậc Chức sắc Đại Thiên phong tiền bối lão thành rất dày công cùng Đạo nghiệp.

Nhưng công nghiệp đặc biệt nhất của Ngài là:

1. Công cuộc truyền giáo Ngoại quốc.

2. Việc phổ độ nhơn sanh ở Côn Đảo, nơi mà Ngài chịu cảnh lưu đày tù tội.

- Về mặt truyền giáo Ngoại quốc, với cương vị Thượng Chánh Phối Sư có trọng trách về phần Ngoại giao, Ngài vâng lịnh Đức Hộ Pháp và Hội Thánh, đi dự Đại Hội Tôn giáo Quốc Tế tại Nhựt Bổn. Nơi đây, Đạo kỳ của tôn giáo Cao Đài được phất phơ trên Kỳ đài quốc tế, triết lý và tôn chỉ của Đại Đạo được xương minh mạnh mẽ, chủ thuyết Tứ hải giai huynh đệ hay là Đại đồng huynh đệ của Đại Đạo nhận định: Bốn biển đều là anh em, tất cả loài người là đồng bào, do một nguồn cội, một gốc thiêng liêng mà ra , được Đại Hội Tôn giáo Quốc tế chân thành tán dương nhiệt liệt.

Đây là một thắng lợi tinh thần đáng kể của Đạo Cao Đài trên vũ đài quốc tế mà chính Ngài đạt được kỳ công đó.

- Mặt khác, Chánh phủ Pháp bắt Ngài lưu đày ra Côn Đảo, những tưởng nơi đây xa xứ biệt nhà, với cảnh trời nước bao la, núi cao rừng rậm, biển cả mênh mông, hết trông ngày qui hồi cố quốc, và có thể gởi xương nơi đất khách. Nào ngờ đâu, chính nơi đây, do ơn huệ thiêng liêng chan rưới và tiền định, trong lúc tiếp xúc với dân chúng địa phương trong các công tác tù nhân hằng ngày, Ngài cảm hóa được họ nhập môn cầu đạo khá đông đảo, trong đó đa số là nhân viên chánh quyền buổi ấy, khuyến khích họ tạo dựng thành công một ngôi Thánh Thất, mà hiện nay di tích vẫn còn.

Thật là một việc hy hữu, một kết quả hiếm có bất ngờ, ngoài sự ước muốn của Ngài. Âu đó cũng là một diễm phúc mà Ơn Trên đã dành để đặc biệt cho Ngài đó vậy. (Trích bài Điếu Văn của Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh, đọc trước Liên đài khi nhập bửu tháp).

Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh có làm Tờ Di Ngôn để lại căn dặn các con của Ngài như sau:

"Từ trước tới giờ, Ba hành đạo không muốn làm hao tổn của Hội Thánh và nhơn sanh, nên chừng nào Ba có về thiêng liêng thì các con làm y như Má các con buổi trước, nghĩa là: Từ điếu và mọi việc mua sắm quả phẩm cúng tế như bánh trái, rượu, trà,... làm hao tốn của nhơn sanh, chỉ dùng bông hoa tươi một ít để cúng tế mà thôi."

Tờ Di Ngôn nầy được các con của Ngài gởi đến Hội Thánh, và Hội Thánh thông truyền cho Chức sắc, Chức việc và toàn đạo nên nghiêm chỉnh tuân hành di ngôn đáng kính trên đây và cũng để chư vị ái nữ của Cố Thượng Đầu Sư giữ được trọn lời căn dặn cuối cùng của thân sinh.

Bài Thài hiến lễ Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh:

SÁNG đèn cánh bướm phải điêu tàn,

Phải biết gần quan mới hiểu quan.

Thinh thế mượn con tua trả lại,

Thử chơn danh mối đạo tìm đàng.

Bài thi 4 câu nầy là của Đức Chí Tôn ban cho Ngài Đầu Sư vào năm Bính Dần khi Chí Tôn thâu nhận Ngài làm môn đệ, nay lấy bài thi nầy làm bài thài hiến lễ.

8. Đầu Sư Thái Bộ Thanh (1891-1976):

Sau đây là BẢN TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP của Ngài Đầu Sư Thái Bộ Thanh, do Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh thay mặt Hội Thánh tuyên dương tại Giảng Đài Tòa Thánh ngày 29-9-Bính Thìn (dl 20-11-1976):

BẢN TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,

Kính quí Chức sắc Thiên phong, Chức việc, các Ban Bộ và toàn đạo lưỡng phái.

Nhơn danh Ngọc Đầu Sư đại diện Hội Thánh Cửu Trùng Đài Nam Nữ, tôi trân trọng tuyên dương công nghiệp của Ngài Cố Thái Đầu Sư Thái Bộ Thanh vừa đăng Tiên.

Sơ lược phần Tiểu sử:

Ngài Cố Thái Đầu Sư Thái Bộ Thanh, thế danh là Nguyễn Lễ Bộ, sanh ngày 7-7-Nhâm Thìn (dl 28-8-1892) tại làng Bình Hòa, tổng Cửu Cư Thượng quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An. Ngài là con của Cụ Nguyễn Văn Ngưu và Bà Lê Thị Biếu, xuất thân trong một gia đình thế phiệt, nhỏ tùng Nho học, lớn lên theo đà tiến triển của xã hội, chuyển qua học Tây học, làm Đại Hương Cả và cũng là một nghiệp chủ có tiếng tại làng Bình Hòa. Người bạn hôn phối của Ngài là Bà Thái Thị Hảnh, tức Lễ Sanh Hương Hảnh.

Năm Đinh Mão, ngày 12-Giêng (dl 13-2-1927), Ngài nhập môn tùng theo ĐĐTKPĐ tại Chùa Gò Kén. Cho đến ngày 18-6-Đinh Mão (dl 16-7-1927), Ngài thọ phẩm Giáo Hữu phái Thái, do đàn cơ Phong Thánh tại Xuyên Mộc (Bà Rịa), Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi và Hiến Đạo Phạm Văn Tươi phò loan.

Sau khi nhập môn, Ngài hiến nhà làm Thánh Thất tạm, là cơ sở đầu tiên để lo truyền giáo nơi tỉnh Long An.

Lúc thọ phong xong, vâng lịnh Thượng Đầu Sư (tức Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung) đi mở Đạo trong tỉnh Long An, Ngài châu lưu khắp các làng xã phổ độ nhơn sanh nhập môn tùng giáo.

Ngài vận động và hiến tài vật để xây cất Thánh Thất đáng giá, suốt 3 năm liền, chi phí trong Thánh Thất và việc ăn uống cho bổn đạo trong các kỳ đàn vía, sóc vọng, Ngài đều đài thọ tất cả. Ngài còn vận động và hướng dẫn công quả lãnh phá một mẫu rừng để lập Tòa Thánh hiện giờ.

Năm 1930, Ngài được lịnh về Tòa Thánh lãnh phận sự trong Ban Tài Chánh.

Năm 1931, Ngài làm Quản Lý Hộ Viện.

Năm 1932, lãnh trách nhiệm Đầu Họ Đạo Cần Thơ.

Cuối năm 1933, Ngài được chuyển về đảm nhiệm Đầu Họ Đạo Tân An.

Tháng Giêng năm 1940, Ngài trở về Tòa Thánh lãnh phận sự Phó Quản Lý Lương Viện, rồi chuyển qua Phó Quản Lý Nông Viện.

Đến năm 1941, cường quyền Pháp khủng bố, đóng cửa Tòa Thánh và các Thánh Thất, Đức Phạm Hộ Pháp và nhiều vị Đại Thiên phong bị bắt đồ lưu nơi Hải ngoại, Hội Thánh cơ hồ bị tan rã, mỗi người tự tầm phương lánh nạn, chỉ còn Ngài và hai vị Chức sắc khác (Giáo Sư Thượng Đứa Thanh Quản Lý Lương Viện, Lễ Sanh Thượng Thanh Thanh Lễ Viện) là ba người sau cùng còn ở lại Nội Ô Tòa Thánh .

Qua năm 1942, Ngài và cả gia đình đều hưởng ứng cơ chuyển thế, hiệp tác với hãng tàu Nitinan (Sài Gòn).

Năm 1943, đảm nhiệm Khâm Châu Đạo Sài Gòn kiêm Tân An.

Năm 1944, lãnh trách nhiệm Tổng Quản Tài Chánh tại Sở đóng tàu Nitinan Rạch Ông (Sài Gòn) và lãnh đóng một chiếc tàu cho Châu Đạo Tân An để tạo ngân quỹ thêm cho cơ quan rất đắc lực.

Năm 1945, nguyện ước cuộc đảo chánh Pháp đạt thành, Ngài hiệp cùng Chức sắc khác lo phục hưng các cơ sở Đạo.

Nhưng đến tháng 9 năm 1945, quân đội Pháp được sự che chở của Đồng Minh, tái chiếm VN và thẳng tay đàn áp Đạo. Cơ sở Đạo bị đốt phá, Chức sắc thì bị lưu đày hoặc bị hành quyết. Ngài may mắn thoát khỏi và trở về quê nhà tại làng Bình Hòa để chờ thời cơ.

Năm 1946, Đức Phạm Hộ Pháp hồi loan, Ngài trở lên Tòa Thánh hành đạo và lãnh nhiệm vụ Quản Lý Hộ Viện, do Đạo Nghị Định số 1 ngày 8-9-Bính Tuất (1946).

Thánh Lịnh số 18 ngày 7-4-Mậu Tý (dl 15-5-1948) Ngài được vinh thăng phẩm Giáo Sư do Quyền Vạn Linh năm Bính Tuất công nhận.

Thánh Lịnh số 713/TL ngày 8-8-Kỷ Sửu (1949) lãnh trách nhiệm Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo.

Thánh Lịnh số 27/TL ngày 16-12-Canh Dần (1951) lãnh trách nhiệm Khâm Trấn Đạo Miền Đông.

Sắc Huấn số 5/PC ngày 19-4-Nhâm Thìn (1952) kiêm nhiệm vụ Chủ Tọa Pháp Chánh Tư Quyền CTĐ.

Huấn Lịnh số 17/HL ngày 2-5-Quí Tỵ (1953) kiêm thêm trách vụ Phó Trưởng Ban Kiểm Soát Công nghiệp của Chức sắc thăng phẩm.

Hành quyền Khâm Trấn Đạo Miền Đông đến năm Quí Tỵ, Ngài được về Tòa Thánh hành đạo, lãnh trách nhiệm Giám Đốc trường Huấn Luyện Giáo Sĩ do Thánh Lịnh số 38/HP ngày 11-6-Quí Tỵ (dl 21-7-1953).

Thánh Lịnh số 575/HP ngày 2-12-Quí Tỵ (dl 6-1-1954) Ngài được vinh thăng phẩm Phối Sư.

Năm Giáp Ngọ, lãnh phận sự Quyền Thái Chánh Phối Sư do Thánh Lịnh số 915/VPHP ngày 11-4-G.Ngo ï(dl13-5-54).

Thánh Lịnh số 1/TL ngày 16-11-Ất Mùi (dl 29-12-1955), Ngài được Đức Phạm Hộ Pháp ban cho hành quyền chánh vị Thái Chánh Phối Sư.

Đến hạ tuần tháng 6 năm Đinh Dậu (1957), Ngài bị chế độ Ngô Đình Diệm áp bức bắt quản thúc và xử lưu xứ 5 năm.

Do Đạo Lịnh số 1/ĐL ngày 2-1-Nhâm Dần (1962), Ngài tái thủ nhiệm vụ Thái Chánh Phối Sư.

Thánh giáo đêm rằm tháng 4 năm GiápThìn (dl 26-5-64) tại Cung Đạo Đền Thánh, Đức Lý Đại Tiên cho Ngài hồi hưu dưỡng lão.

Thánh Lịnh số 6/TL ngày 18-12-Bính Ngọ (dl 28 -1- 67) Ngài được tái lãnh nhiệm vụ Thái Chánh Phối Sư do đàn cơ đêm 11-12-Bính Ngọ (dl 21-1-1967) của Đức Lý Giáo Tông tại Cung Đạo Đền Thánh.

Sắc Lịnh số 11/ĐS-SL ngày 6-3-Mậu Thân (1968), Ngài kiêm nhiệm Chủ Tọa Hội Công Đồng phái Thái.

Ngài chấm dứt nhiệm vụ Thái Chánh Phối Sư vì kém sức khỏe theo tinh thần Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông đêm rằm tháng 11 năm Tân Hợi (dl 1-1-1972).

Do Thánh Lịnh số 25/TL ngày 8-Chạp-Nhâm Tý (dl 11-1-1973), Ngài được vinh thăng lên phẩm Đầu Sư do đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 1-Chạp-Nhâm Tý (dl 4-1-1973) của Đức Lý Giáo Tông và tiếp tục hành đạo cho đến ngày nay.

Ôn lại công nghiệp hành đạo của Ngài Cố Thái Đầu Sư Thái Bộ Thanh trong 50 năm qua, Ngài đã từng cam chịu lắm khổ tâm, nếm biết bao mùi cay đắng vì Đạo vì Thầy, nhưng với một ý chí cương quyết, một nghị lực nhẫn nại phi thường, Ngài trầm tĩnh lướt qua mọi cơn khảo đảo để bảo vệ và phát huy đại nghiệp Đạo, thực thi tròn sứ mạng thể Thiên hành hóa.

Từ ngày lãnh trọng trách Thái Đầu Sư, Ngài quá lo âu và tận tụy với nhiệm vụ nặng nề khó nhọc, nên thường hay bịnh hoạn. Hội Thánh hết lòng lo lắng, săn sóc, nhưng hễ bệnh căn được thuyên giảm phần nào thì Ngài lại cố gắng tiếp tục Đạo quyền, chẳng quản tuổi già mệt nhọc.

Mới đây, bệnh Ngài tái phát, Hội Thánh liền rước Ngài vô Y Viện Hành Chánh để cho bác sĩ điều trị, nhưng thuốc Đông y và Tây y chữa vẫn không thuyên giảm được bệnh căn, nên Ngài thoát xác qui Tiên vào lúc 7 giờ 15 phút ngày 27-9-Bính Thìn (dl 18-11-1976) tại Y Viện Hành Chánh Tòa Thánh .

Than ôi! Một giấc thiên thu, ngàn năm vĩnh biệt! Vẫn biết sống ở thác về là định luật của Đấng Hóa Công, nhưng Ngài về bái mạng Ngọc Hư, Hội Thánh CTĐ mất một Chức sắc Đại Thiên phong lãnh đạo nhiệt thành và toàn đạo mất một đàn anh khả kính.

Nay Ngài đã rảnh rồi nợ thế, duyên Đạo trả xong, nợ trần phủi sạch, nhưng trước cảnh tử biệt sanh ly, kẻ còn người mất, Hội Thánh cùng toàn đạo không khỏi ngậm ngùi mến tiếc, nhớ thương một Chức sắc đàn anh trọn đời chỉ biết sống và hy sinh cho đại nghiệp Đạo.

Thay mặt Hội Thánh CTĐ và toàn đạo, tôi xin chân thành phân ưu cùng tang quyến.

Trước khi dứt lời, xin kính mời Hội Thánh và toàn đạo hướng vào BQĐ thành tâm cầu nguyện Ơn Trên Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu và các Đấng thiêng liêng ban ân lành cho chơn linh Ngài Cố Đầu Sư Thái Bộ Thanh được cao thăng Thiên vị nơi cõi TLHS.

Nay kính.

Tòa Thánh ngày 29-9-Bính Thìn (dl 20-11-1976)
ĐẦU SƯ NGỌC NHƯỢN THANH

 

Bài Thài hiến lễ Ngài Đầu Sư Thái Bộ Thanh:

Giáo Tông ban chức Thái Đầu Sư,

Lao khổ bao nhiêu cũng chẳng từ.

Lục bá, tam thiên công quả mãn,

Nhứt thời đắc pháp ngộ chơn như.

Liên đài của Ngài Thái Đầu Sư nhập bửu tháp lúc 8 giờ ngày 2-10-Bính Thìn (dl 22-11-1976).

9. Đầu Sư Ngọc Nhuợn Thanh (1906-1985):

* Buổi thiếu thời, Ngài được sanh trưởng trong gia đình đạo đức Nho phong, Bùi Đắc Nhượn chào đời lúc 10 giờ đêm 10-5-Bính Ngọ tại làng An Hòa, tổng Hàm Ninh Hạ, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, con thứ sáu của Cụ Ông Bùi Đắc Vị và Cụ Bà Nguyễn Thị Bích. Hai Cụ đều tu theo Đạo Minh Sư, đến chức Lão Sư.

Năm 1918, Ngài Bùi Đắc Nhượn là con thứ sáu của gia đình mới ra tùng học vở lòng tại trường Tổng Trảng Bàng cho đến năm 1922, thi đậu vào trường tỉnh Tây Ninh.

Cuối năm 1922, Cụ thân sinh qua đời. Cách một tháng sau, Bà ngoại liễu đạo. Qua năm 1924, Bà thân mẫu thất lộc.

Sớm mồ côi cha mẹ, nhờ người anh cả chăm nom cho tiếp tục ăn học đến thành tài.

Năm 1925, thi đỗ bằng Sơ Học và thi đậu học bổng vào trường bổn quốc Chasseloup Laubat Sài Gòn. Nha Học Chánh gởi học bổng nội trú vào trường Trung Học Cần Thơ trong lúc đang thọ ba cái tang: Bà ngoại và cha mẹ.

Với thiên tư sẵn có và chí công đèn sách, nên năm 1930 thi đỗ bằng Thành Chung (Diplôme d'Études Supérieures Franco Indigènes: DESFI), kế thi tuyển đậu vào trường Đại Học Công Chánh Hà Nội. Nhưng chưa kịp đi Hà Nội nhập học thì gặp hồi kinh tế khủng hoảng, nên đành nghỉ học.

Người anh cả lo lập gia đình cho Ngài Bùi Đắc Nhượn, kết hôn với Cô Võ Thị Nam, út nữ của Cụ Võ Thiện Giáo, Cai Tổng ở làng Mỹ Bình, tổng An Ninh Hạ, Thủ Thừa, Tân An.

* Ngài Bùi Đắc Nhượn lập gia đình rồi thì sanh tổng cộng được 10 người con: 6 trai và 4 gái, vì chạy loạn năm 1945, nên bỏ 3 trai 3 gái, hiện giờ còn lại 3 trai và 1 gái, kể ra:

1. Trưởng nam Bùi Đắc Sử, tốt nghiệp Tú Tài Toàn Phần, thọ phẩm Giáo Hữu phái Thượng, phế đời hành đạo.

2. Thứ nữ Bùi thị Ký, Giáo Sư trường Trung học Tư thục Đức Trí, Tây Ninh.

3. Thứ nam Bùi Đắc Chương, tốt nghiệp Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, biệt phái làm Trưởng Ty Xã Hội Tây Ninh.

4. Thứ nam Bùi Ngọc Yên, tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa, Giáo Sư trường Nữ Trung học Công lập Tây Ninh.

Lập thành gia thất thì Ngài Bùi Đắc Nhượn phải lo sinh kế cho gia đình về phần Nhơn đạo, nên:

Năm 1932, 1933, 1934, Ngài dạy học tại trường Trung học Tư thục Hoàn Tỷ đường Kitchener Sài Gòn.

Năm 1935, 1936, dạy trường Trung học Tư thục Chấn Thanh của Phan Bá Lân, đường Marchaise Sài Gòn.

Năm 1937, 1938, 1939 Ngài làm quản lý rượu của hãng Đông Pháp Công ty, đường Paris Chợ Lớn.

Năm 1940, thôi làm việc, trở về làng sống nghề nông và kỹ nghệ máy xay lúa, và bắt đầu tham chính ở hương thôn, với chức Hương Giáo, rồi Hương Trưởng, và lãnh chức Xã Trưởng năm 1943 đến 1945.

* Bước vào đường Đạo:

Khi Đức Chí Tôn khai ĐĐTKPĐ tại chùa Gò Kén Tây Ninh, toàn thể anh em trong gia đình đều nhập môn vào Đạo:

1. Anh thứ hai Bùi Tấn Tước (sanh 1898) đắc phẩm Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tước Thanh.

2. Anh thứ ba Bùi Văn Tứ (sanh 1900) đắc phẩm Ngọc Phối Sư Ngọc Tứ Thanh.

3. Anh thứ tư Bùi Văn Tác (sanh 1901) đắc phẩm Thái Phối Sư Thái Tác Thanh.

4. Anh thứ năm Bùi Quang Chiếu (sanh 1904) đắc phẩm Thượng Giáo Sư Thượng Chiếu Thanh.

5. Thứ sáu là Bùi Đắc Nhượn (sanh 1906) đắc phẩm Ngọc Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh.

6. Em thứ bảy là Bùi Văn Khảm (sanh 1908) chết vào năm Canh Ngọ (1930) lúc 23 tuổi.

7. Em thứ tám Bùi Đắc Hùng (sanh 1910) Hiền Tài BTĐ

8. Em thứ chín Bùi Đắc Cẩn (sanh 1911) làm chức Thông Sự nơi Hương Đạo An Hòa.

9. Em gái thứ mười Bùi Thị Nhường (sanh 1914) thọ phẩm Giáo Hữu Hương Nhường.

10. Em út Bùi Cung Kỉnh (sanh 1917), thọ phẩm Luật Sự HTĐ, qui vị ngày 18-7-Giáp Thân (1944) tại Thánh Thất Chợ Lớn, an táng tại An Hòa, được truy thăng Truyền Trạng vào năm 1946, là nghĩa tế thứ ba của Đức Phạm Hộ Pháp.

Ngài Bùi Đắc Nhượn nhập môn vào Đạo Cao Đài ngày 15-1-Đinh Mão (1927) tại chùa Bà Quan làng Lộc Giang tỉnh ChợLớn, lúc còn là học sinh nội trú trường Trung học Cần Thơ.

Năm 1944, đắc cử Chánh Trị Sự Phổ Tế Tộc Đạo Thủ Thừa, Châu Đạo Tân An, tham gia phong trào hãng tàu Nitinan dưới sự chỉ đạo của Giáo Sư Đại biểu Thượng Vinh Thanh.

* Giai đoạn phế đời hành Đạo:

Tháng 11 năm Bính Tuất (1946) được Hội Nhơn Sanh công nhận vào hàng phẩm Lễ Sanh.

Ngày 26-7-Đinh Hợi (1947), Hội Thánh bổ làm Đầu Phòng Văn và thông ngôn cho Khâm Châu Đạo Tân An để giao thiệp với nhà cầm quyền Pháp, do tờ tạm bổ số 34/LV.

Ngày 16-10-Đinh Hợi (1947), được Hội Thánh công nhận phẩm Lễ Sanh, rồi bổ làm Đầu Tộc Đạo Châu Thành Tân An, do Thánh Lịnh số 30 đề ngày 18-1-Mậu Tý (dl 27-2-1948) thay thế Lễ Sanh Thượng Lâu Thanh trở về Phước Thiện.

* Công nghiệp hành đạo:

Do quyền Vạn Linh năm Bính Tuất (1946), Đức Phạm Hộ Pháp chấp bút tại Hộ Pháp Đường, Đức Lý Giáo Tông chấm cho Lễ Sanh phái Ngọc, do Thánh Lịnh số 177 ngày 7-4-Mậu Tý (dl 15-5-1948).

Để giúp cho trẻ em Đạo tản cư khỏi nạn thất học, năm 1948 sáng lập Đạo Đức Học Đường tại căn cứ Đạo Châu Thành Tân An, được Tỉnh Trưởng cho đứng làm Hiệu Trưởng, và được Hội Thánh hợp thức hóa là ngôi trường của Đạo. Ngày 3-1-1951 được Hội Thánh ban khen hữu công với Đạo trong việc sáng lập Đạo Đức Học Đường tại Tân An.

Ngày 15-5-Tân Mão (dl 19-6-1951) khởi công tạo tác Thánh Thất và Tây Lang tại Châu Thành Tân An được hoàn thành cho bổn Đạo có nơi bái lễ Đức Chí Tôn.

Ngày 20-9-Tân Mão (dl 20-10-1951) được Hội Nhơn Sanh công nhận thăng phẩm Giáo Hữu.

Ngày 21-6-Nhâm Thìn (1952) được quyền Hội Thánh công nhận thăng phẩm Giáo Hữu.

Thánh Lịnh số 522/VPHP đề ngày 2-12-Quí Tỵ (dl 6-1-1954) quyền Thượng Hội phê chuẩn thăng phẩm Giáo Hữu.

Đức Phạm Hộ Pháp dạy Ngài Giáo Hữu Ngọc Nhượn Thanh mở lên ban Trung Học Đạo Đức Học Đường tại Tân An, và Nghị Định số 9602/GD/HV của Chánh phủ cho phép mở hai lớp Đệ Thất bậc Trung Học. Lúc bấy giờ trường có được 3 dãy lợp ngói và tôle, gồm 13 lớp Tiểu Học và Trung Học.

Huấn Lịnh số 99 ngày 13-6-Giáp Ngọ (dl 12-7-1954), Hội Thánh bổ nhiệm làm Quản Văn Phòng Thượng Chánh Phối Sư kiêm Giám Đốc Đạo Đức Học Đường Tân An.

Ngày 19-7-Giáp Ngọ (dl 17-8-1954) 68 vị Chức việc Bàn Trị Sự trong Châu Đạo Tân An dâng tờ về Hội Thánh hoan nghinh công nghiệp hành đạo đắc lực của Giáo Hữu Ngọc Nhượn Thanh và được Hội Thánh ra tờ Ban Khen số 624 ngày 23-9-Giáp Ngọ (dl 19-10-1954).

Sắc Huấn số 19/PC ngày 23-2-Ất Mùi (dl 16-3-1955), Ngài Tiếp Pháp Chưởng quản Bộ Pháp Chánh ban cho quyền Biện hộ Tòa Pháp Chánh Tư Quyền CTĐ và Nghị Án Tòa Pháp Chánh Trị An.

Thánh Lịnh số 69/TL ngày 9-5-Ất Mùi (dl 28-6-1955), Đức Phạm Hộ Pháp thuyên bổ làm Giám Khảo thi Đầu Phòng Văn khoa mục khóa 15-5-Ất Mùi tại Hạnh Đường Tòa Thánh.

Được Hội Thánh ban Bằng cấp Danh dự ngày 15-8-Ất Mùi (dl 30-9-1955) về việc làm đắc lực trong nhiệm vụ Tổng Thơ Ký Ban Tổ Chức Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung và khánh thành Báo Quốc Từ.

Huấn Lịnh số 236/LV ngày 16-6-Đinh Dậu (dl 13-7-1957) Hội Thánh CTĐ bổ làm Giảng viên Hạnh Đường và nhơn viên Ban Tiếp Tân Tòa Thánh .

Đạo Lịnh số 27/ĐL ngày 25-6-Đinh Dậu (dl 22-7-1957) của Hội Thánh HTĐ bổ làm Giảng viên dạy lớp Công truyền tại Hạnh Đường về khoa Xã giao.

Huấn Lịnh số 3/HL ngày 24-11-Đinh Dậu của Hội Thánh CTĐ bổ nhiệm làm Cải Trạng Ban Kỷ Luật CTĐ.

Huấn Lịnh số 25/HL ngày 1-6-Mậu Tuất (dl 17-7-1958) của Hội Thánh CTĐ bổ nhiệm làm Giám Khảo thi cấp bằng năng lực lớp Huấn Luyện Lễ Sanh của Đại Đạo Học Đường.

Đạo Lịnh số 27/ĐL ngày 29-2-Kỷ Hợi (dl 6-4-1959) của Hội Thánh HTĐ bổ làm Giảng viên lớp Huấn Luyện Lễ Sanh Đại Đạo Học Đường khóa Kỷ Hợi (1959), và các khóa Huấn Luyện Lễ Sanh tiếp theo, Canh Tý (1960), Tân Sửu (1961).

Đạo Lịnh số 10/ĐL ngày 6-12-Tân Sửu (dl 11-1-1962) của Hội Thánh HTĐ thăng phẩm Giáo Sư kể từ ngày 4-12-Tân Sửu (dl 9-1-1962).

Thánh Lịnh số 77/TS ngày 19-5-Nhâm Dần (dl 20-6-1962) của Đức Thượng Sanh HTĐ giao phó nhiệm vụ "Xử Lý Thường Vụ Văn phòng Thượng Chánh Phối Sư" cho Ngài Thượng Chánh Phối Sư nghỉ phép dưỡng bịnh.

Huấn Lịnh số 7/HL ngày 21-8-Nhâm Dần (dl 19-9-1962) của Hội Thánh CTĐ bổ nhiệm Tổng Quản Văn Phòng Thái Chánh Phối Sư.

Huấn Lịnh số 30/HL ngày 28-2-Nhâm Dần (dl 2-4-1962) của Hội Thánh CTĐ bổ nhiệm làm Phó Giám Đốc kiêm Giảng viên Hạnh Đường khóa Nhâm Dần (1962).

Huấn Lịnh số 4/HL ngày 17-11-Nhâm Dần (dl 13-12-1962) của Hội Thánh bổ nhiệm làm Khâm Thành Thánh Địa.

Thánh giáo đêm 15-4-Giáp Thìn (dl 26-5-1964) tại Cung Đạo Đền Thánh hồi 8 giờ 35 phút do Hiến Pháp và Tiếp Pháp phò loan, Đức Lý Giáo Tông cho thăng lên phẩm Phối Sư và lãnh Quyền Ngọc Chánh Phối Sư thay thế Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Non Thanh hồi hưu dưỡng lão.

Văn thư số 59/TĐS ngày 13-12-Giáp Thìn (dl 15-1-1965) của Ngài Đầu Sư, được sự chấp thuận của Ngài Bảo Thế Quyền Chưởng quản HTĐ, giao cho Quyền Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Nhượn Thanh đảm nhiệm thêm phận sự Quyền Thái Chánh Phối Sư, vì Quyền Thái Chánh Phối Sư Ngọc Lưỡng Thanh bịnh nặng và qui vị ngày 21-12-GiápThìn (dl 23-1-1965).

Phê văn số 158/QCQ ngày 3-2-Ất Tỵ (dl 5-3-1965) của Ngài Bảo Thế Quyền Chưởng quản HTĐ phê cho Quyền Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Nhượn Thanh kiêm luôn nhiệm vụ Thượng Chánh Phối Sư thế cho Ngài Thượng Đầu Sư kiêm Thượng Chánh Phối Sư nghỉ dưỡng bịnh một tháng.

Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông đêm 11-12-Bính Ngọ (dl 21-1-1967) tại Cung Đạo Đền Thánh, thăng thưởng Ngọc Nhượn Thanh lên chánh vị Ngọc Chánh Phối Sư.

Thánh giáo tại Cung Đạo Đền Thánh đêm mùng 1-12-Nhâm Tý (dl 4-1-1973), Đức Lý Giáo Tông thăng thưởng vị Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Nhượn Thanh lên Đầu Sư chánh vị, nhưng vẫn kiêm nhiệm chức Ngọc Chánh Phối Sư cho đến khi có người thay thế.

Thánh giáo tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 29-5-Giáp Dần (dl 18-7-1974) của Đức Lý Giáo Tông ban cho vị Phối Sư Ngọc Triệu Thanh lãnh Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, và Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh chỉ hành quyền Ngọc Đầu Sư mà thôi.

(Viết theo tài liệu của Giáo Hữu Thượng Sử Thanh [Bùi Đắc Sử] trưởng nam của Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh)

Kể từ năm Giáp Dần (1974), Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh hành quyền Đầu Sư một cách rất đắc lực.

Nhưng tuổi già sức yếu, Ngài bị bịnh thình lình và thoát xác đăng Tiên vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 12-9-Ất Sửu (dl 25-10-1985), hưởng thọ 80 tuổi.

Bài thài hiến lễ Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh:

Từ thuở chung vai gánh Đạo quyền,

Đầu Sư phái Ngọc thọ ân Thiên.

Xả thân hành hóa gìn chung thủy,

Bủa đức dìu nhân vẹn chí nguyền.

Khổ hạnh từng cam cơn gió ngược,

Gian lao lắm chịu buổi chinh nghiêng.

Qua bao thử thách lòng không nãn,

Xông lướt sông mê vững lái thuyền.

Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh cho chúng ta một tấm gương phấn đấu kiên trì hành đạo.

Ngài nhập môn vào Đạo năm 1927 phẩm Đạo hữu, được cử làm Chánh Trị Sự năm 1944, chánh thức thọ phẩm Lễ Sanh phái Ngọc năm 1948, thăng phẩm Giáo Hữu năm 1954, thăng Giáo Sư năm 1962, thăng Quyền Ngọc Chánh Phối Sư năm 1964, Ngọc Chánh Phối Sư chánh vị năm 1967, cuối cùng thăng Ngọc Đầu Sư chánh vị năm 1973.

Đây là vị Đầu Sư duy nhứt của Đạo Cao Đài từ trước đến nay, khởi đầu đi từ phẩm Đạo hữu, hành đạo trong hơn 30 năm, lên đến phẩm Đầu Sư, đối phẩm Địa Tiên của BQĐ.

Điều nầy cho chúng ta thấy rằng, chỉ cần hành đạo tích cực, lập công quả phổ độ chúng sanh, chỉ trong một kiếp tu, chúng ta có thể đạt được Tiên vị.

Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh đã đi đúng vào trường công đức do Đức Chí Tôn lập ra, đạt được phẩm vị cao trọng là do công quả, chớ không phải do tu luyện.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

CLTG: Cực Lạc Thế giới.

DTC: Diêu Trì Cung.

 

Đầu Sư Đường

頭師堂

A: The Cardianals 's office.

P: L'office des Cardinaux.

Đầu: Cái đầu, người đứng đầu. Sư: thầy. Đường: cái nhà.

Đầu Sư Đường là tòa nhà dành làm Văn phòng làm việc của quí Ngài Đầu Sư.

Nam Đầu Sư Đường là tòa nhà dùng làm nơi làm việc của ba vị Đầu Sư Nam phái: Thái Đầu Sư, Thượng Đầu Sư và Ngọc Đầu Sư.

Nữ Đầu Sư Đường là tòa nhà dùng làm nơi làm việc của vị Nữ Đầu Sư.

 

Đầu Sư Em

A: Cardinal in miniature.

P: Cardinal en miniature.

Đầu Sư Em là chỉ phẩm Chánh Trị Sự làm đầu một Hương Đạo.

Theo PCT, Chánh Trị Sự nắm hai quyền: Hành Chánh và Luật pháp trong một Hương Đạo. Quyền hành nầy giống hệt quyền hành của Đầu Sư, nhưng quyền hành của Đầu Sư trong phạm vi rất lớn là toàn cả thế giới, còn quyền hành của Chánh Trị Sự chỉ nhỏ hẹp trong một Hương Đạo mà thôi. Do đó, PCT gọi Chánh Trị Sự là Đầu Sư Em.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

 

Đầu thai

投胎

A: To reincarnate.

P: Se réincarner.

Đầu: Nhập vào, nương dựa, hợp nhau. Thai: cái bào thai trong bụng mẹ.

Đầu thai là nói về một linh hồn nơi cõi thiêng liêng đi xuống cõi trần, nhập vào một bào thai vừa mới được sanh ra, để làm một người mới có một kiếp sống mới nơi cõi trần.

Ở cõi thiêng liêng, con người có hai thể: linh hồn và chơn thần. Khi người ấy được lịnh đi đầu thai nơi cõi trần thì người ấy sẽ đến với một bà mẹ đang mang thai trong bụng theo luật hấp dẫn "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu".

Đức Phạm Hộ Pháp giảng giải chi tiết trong Bí Pháp, trích ra sau đây:

"Cái buổi tượng hình của chúng ta ở trong bụng mẹ, thì chơn thần của chúng ta còn ở bên ngoài thân thể cốt hài của chúng ta, nó vơ vẩn quanh theo bà mẹ, ở dựa một bên bà mẹ, nhứt là bà mẹ đi nơi nào nó đều theo nơi đó, chơn thần luôn luôn theo bảo hộ bà mẹ có chửa, nếu người mẹ có đạo đức, dám chắc đi đâu chưa có sự gì rủi ro đến thiệt hại. Bởi cớ cho nên đứa con nít theo mãi, theo cho đến khi tượng hình của chúng ta ra khỏi lòng bà mẹ, chơn thần mới nhập vô ảnh hài đó, làm khuôn viên cho ảnh hài đó."

Như thế, chơn linh và chơn thần đầu thai chỉ nhập vào thể xác của hài nhi ngay khi hài nhi vừa được mẹ sanh ra; sự xung nhập ấy gây rung động làm hài nhi phát ra tiếng khóc chào đời, bắt đầu một kiếp sống mới nơi cõi trần.

 

Đầu thượng viết Cao Đài

頭上曰高臺

Đầu: Cái đầu, người đứng đầu. Thượng: trên. Viết: gọi là, nói rằng.

Đầu thượng viết Cao Đài: trên đỉnh đầu là Cao Đài.

Đây là một câu trong sách Ấu Học Tầm Nguyên của Nho giáo, có hai ý nghĩa sau đây:

■ Nơi đỉnh đầu của con người là Mỏ ác, tên chữ là Nê Hoàn Cung, cũng gọi là Huyền Quan Khiếu, là cửa xuất nhập của chơn linh và chơn thần. Người tu khi đắc đạo thì chơn linh và chơn thần theo cửa Nê Hoàn Cung mà xuất ra ngoài, đến với Đấng Cao Đài, tức là đến với Đức Chí Tôn Thượng Đế.

■ Đỉnh đầu là nơi ngự của Đấng Cao Đài, ý nói con người tôn thờ Đấng Cao Đài. Đây là câu tiên tri về sự xuất hiện của Đạo Cao Đài, do Đấng Cao Đài lập ra và làm Giáo Chủ.

 

Đầu vọng bái

頭望拜

Đầu: Cái đầu, người đứng đầu. Vọng: trông mong. Bái: lạy.

Đầu vọng bái là cúi đầu cầu nguyện và lạy.

KCS: Đầu vọng bái Tây phương Phật Tổ.

KCS: Kinh Cầu Siêu.

 

ĐẨU

Đẩu tinh

斗星

A: Polar star.

P: Étoile polaire.

Đẩu: sao Bắc Đẩu. Tinh: ngôi sao.

Đẩu tinh là sao Bắc Đẩu. (Xem: Bắc đẩu, vần B)

Đây là một ngôi sao cố định (Định tinh) ở tại trung tâm của CKVT, nơi đó có Bạch Ngọc Kinh, tòa ngự của Đức Chí Tôn. Do đó, khi vẽ Thiên Nhãn để thờ Đức Chí Tôn, phải vẽ Thiên Nhãn ngay phía trên sao Bắc Đẩu.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Đẩu vân

陡雲

A: To jump quickly on the clouds.

P: Sauter rapidement sur les nuages.

Đẩu: thình lình vọt lên. Vân: mây.

Đẩu vân là thình lình vọt lên mây, chỉ phép thuật đi trên mây rất nhanh của các vị Thánh, Tiên.

Trong truyện Tây Du ký, Tề Thiên Đại Thánh học được phép Cân Đẩu Vân (Cân là gân). Cân Đẩu Vân là phép luyện gân sức cho thật khỏe, xoa rốn, giữ hơi thở, miệng niệm Chơn ngôn, bấm quyết, chấp sát hai tay lại, rồi cất mình nhảy vọt lên, rẽ mây bay đi. Mỗi Cân Đẩu Vân bay được 18.000 dặm.

 

ĐÈN

Đèn Tam giáo

A: Three lamps in 3 colours symbolize 3 religions.

P: Trois lampes en 3 couleurs symbolisent 3 religions.

Đèn: cái đèn. Tam giáo: ba nền tôn giáo lớn ở Á Đông là: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Phật giáo được tượng trưng màu vàng, Tiên giáo tượng trưng màu xanh và Nho giáo tức là Thánh giáo tượng trưng bằng màu đỏ.

Đèn Tam giáo là một nhóm 3 lồng đèn tròn, lần lượt có 3 màu vàng, xanh, đỏ, tượng trưng Tam giáo.

Trong Đại lễ cúng Đại đàn tại Tòa Thánh, trước khi tụng kinh Niệm Hương, có 3 cặp lễ sĩ mặc áo lễ màu vàng, xanh, đỏ, cầm đèn Tam giáo đi từ trên lầu HTĐ xuống cầu thang, đi vào bửu điện theo đường giữa. Việc đi nầy rất trang nghiêm và chậm rãi. Theo sau 3 cặp lễ sĩ nầy là vị Chức sắc Ngọc Giáo Sư mang Tráp Tam bửu. Hai lễ sĩ mặc áo vàng, cầm hai lồng đèn vàng có chữ Thái đi trước, hai lễ sĩ mặc áo xanh cầm hai lồng đèn xanh có chữ Thượng đi nối theo và hai lễ sĩ áo đỏ cầm hai đèn đỏ có chữ Ngọc đi sau chót. Khi đi gần tới ngoại nghi thì rẽ làm hai, phân ra mỗi bên 3 lễ sĩ, đứng hai bên ngoại nghi và quay mặt vô ngoại nghi.

Chúng ta thấy lễ sĩ áo vàng cầm đèn vàng đứng trên, lễ sĩ áo xanh cầm đèn xanh đứng kế dưới, lể sĩ áo đỏ cầm đèn đỏ đứng dưới chót.

Khi dâng Tam bửu xong thì 3 cặp lễ sĩ cầm đèn Tam giáo đi theo đường cũ, trở lên lầu HTĐ.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

 

Đèn Thái Cực - Cặp đèn Lưỡng nghi

A: The lamp of Universal Monad - Two lamps of two logos.

P: La lampe de Monade Universelle - Deux lampes de 2 logos.

Đèn Thái Cực là cái đèn đốt lên tượng trưng ngôi Thái Cực của Đức Chí Tôn Thượng Đế.

Cặp đèn Lưỡng Nghi là hai cây đèn đốt lên tượng trưng ngôi Dương và ngôi Âm của CKVT.

Trên Thiên bàn thờ Thánh tượng Thiên Nhãn, ngay chính giữa trước Thánh tượng, đặt một cây đèn tượng trưng ngôi Thái Cực nên gọi là đèn Thái Cực; hai bên lư hương có hai cây đèn tượng trưng Lưỡng Nghi Âm Dương nên gọi là cặp đèn Lưỡng Nghi. Đèn Thái Cực luôn luôn thắp sáng, còn cặp đèn Lưỡng Nghi chỉ đốt lên khi cúng Đức Chí Tôn, cúng xong thì tắt.

Đức Chí Tôn dạy về đèn Thái Cực và Lưỡng Nghi:

"Trước khi chưa phân Trời Đất thì Khí Hư Vô bao quát Càn khôn, sáng soi đầy vũ trụ. Nó là một cái trung tâm điểm, tức là Đạo. Đạo ấy mới sanh Thái Cực, hóa Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi là Âm với Dương (động với tịnh). Có Âm Dương rồi mới hóa sanh muôn vật.

Ngọn đèn các con thờ chính giữa đó là giả mượn làm Tâm đăng. Phật Tiên truyền đạo cũng do đó, các con thành đạo cũng tại đó. Nó ngay chính giữa, không lay động xao xuyến, chiếu soi khắp cả Càn khôn. Mặt Nhựt mặt Nguyệt có lúc sáng hồi tối, chớ nó thì giờ khắc nào cũng tỏ rạng, không lu lờ. Nhơn vật nhờ đó mà sanh, nhờ đó mà thành, nhờ đó mà an vui. Trời Đất nhờ đó mà quang minh trường cửu, người tu hành nhờ đó mà tạo Phật tác Tiên, siêu phàm nhập Thánh. Hễ chinh qua bên tả thì thành Tả đạo, xê quan bên hữu thì lại Bàng môn, ngay ở giữa là Chánh đạo.

Các con nên tường lý ấy. Lý ấy ở trong tâm. Tâm an tịnh vô vi tự nhiên bất động là chánh đạo, tâm còn tính mưu thần chước quỉ, độc ác hiểm sâu, ấy là Bàng môn Tả đạo.

Hai chén nước là Âm Dương (động và tịnh). Âm Dương là cơ động tịnh của Trời Đất, tức là Thần, Khí của các con. Tu hành không nhờ Thần, Khí ấy lấy gì luyện đắc Thánh thai? Trời Đất không có Âm Dương làm sao hóa sanh vạn vật? Muôn vật không trống mái làm sao sanh thêm ra?

Vậy Âm Dương là cái diệu động tịnh của Trời Đất. Âm Dương lại có thêm cái thể dụng của Âm Dương nữa, là Nhựt Nguyệt, tức là cặp đèn Lưỡng Nghi. Người tu hành biết cách hồi quang phản chiếu thì đắc kim đơn vậy." (ĐTCG)

CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

ĐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.

 

Đèn Thất tinh

Thất: bảy. Tinh: ngôi sao.

Đèn Thất tinh là cây đèn có bảy ngọn, thắp lên giống như bảy ngôi sao.

Buổi sơ khai nền Đạo, trong ngày Đại lễ cúng Đức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Mão, Bát Nương giáng cơ dạy tìm một cây đèn có đủ 7 ngọn đèn để làm đèn Thất tinh.

TNHT: "Quí anh tầm một phương pháp dùng tạm một ngọn đèn có đủ yếng sáng, vì chúng ta không có những đèn có đủ yếng sáng, nên cùng chẳng đã phải tạm đó thôi. Đèn 7 ngọn cũng có lẽ đặt tên là đèn Thất tinh.

Bạch: - Cái đèn của anh Phối Sư tuy cũ nhưng chùi lau có lẽ cũng tốt.

- Em gọi rằng tạm thì vật chi miễn có đủ 7 ngọn đèn thì có thể dùng được.

Bạch: - Đèn Thất tinh, Bà định treo ở đâu?

- Để tại đây thế cho ngọn đèn trước hết, để khi nào có cầu đàn mới dùng, còn thường ngày khỏi phải đốt lên, vì một là cho đủ yếng sáng, hai là rọi chơn thần quí anh quí chị cho sáng lạn minh mẫn. Đúng giờ Tý nầy khởi lễ. Khi cầu các Đấng, phải ráng thủ lễ. Mãn lễ cũng để nhang đèn như kỳ nầy vậy."

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐÊ

Đê đầu khấu bái

低頭叩拜

A: To bend the head and to prostrate.

P: Baisser la tête et se prosterner.

Đê: cúi xuống thấp. Đầu: cái đầu. Khấu: cúi rạp mình xuống. Bái: lạy.

Đê đầu khấu bái là cúi đầu rạp mình xuống để lạy, tỏ ý vô cùng kính trọng.

TTCĐDTKM:

Đê đầu khấu bái Nương Nương,

Nén hương đạm bạc xin thương chứng lòng.

TTCĐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

 

ĐẾ

Đế khuyết

帝闕

A: The palace of the Heavenly Emperor.

P: Le palais de l'Empéreur Céleste.

Đế: vua. Khuyết: cửa vào đền vua. Đó là Huỳnh Kim Khuyết nơi cõi thiêng liêng, nơi họp triều đình của Thượng Đế.

Đế Khuyết là Huỳnh Kim Khuyết của Đấng Thượng Đế, nơi họp Thiên triều.

BXTCĐPTTT: Truyền tâu Đế Khuyết dữ lành nhơn gian.

BXTCĐPTTT: Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần.

 

Đế Thiên Đế Thích

帝天帝釋

A: The Temples of Angkor: Angkor Vat and Angkor Thom.

P: Les Temples d'Angkor: Angkor Vat et Angkor Thom.

Đế Thiên Đế Thích là tiếng phiên dịch từ tiếng Miên:

Angkor Vat và Angkor Thom.

Angkor theo tiếng Phạn, có nghĩa là kinh thành, đô thị. Vat là chùa, Thom là lớn. Angkor Vat là khu đền thờ, Angkor Thom là khu đền vua.

Angkor Vat và Angkor Thom, tiếng Việt gọi là Đế Thiên Đế Thích, do các vua Miên xây dựng. Angkor Vat được xây dựng vào đầu thế kỷ 12; Angkor Thom và đền Bayon được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, dưới thời các vua nước Miên anh hùng là Suryavarman II và vua Jayavarman VII, đánh dấu một giai đoạn văn minh rực rỡ trước kia của nước Miên.

Đế Thiên Đế Thích nằm phía Bắc Siem-Reap cách tỉnh lỵ chừng mười mấy cây số. Chung quanh Đế Thiên Đế Thích là một vùng đất rộng lớn trù phú, ruộng vườn mầu mỡ, gần với Biển Hồ là vựa cá lớn của thiên nhiên. Cho nên các vua Miên chọn nơi đây để xây dựng kinh thành, chỉ có điều không tốt là vùng nầy gần biên giới Thái Lan, cách biên giới chừng 100 cây số về hướng Bắc, nên dễ bị quân Thái tràn qua cướp phá khi nước Miên suy yếu. Sau cùng thì từ giữa thế kỷ 15, vua và dân chúng Miên phải rời bỏ khu đền nầy, di cư xuống miền đông nam, dựng đô ở Oudon, phía trên bến đò Kompong Luong vài cây số, rồi lại dời lần xuống nữa, đến Phnom Pênh ngày nay.

Từ đó khu Angkor lần lần bị rừng rậm bao phủ trở thành hoang phế, ít người lui tới. Đến khi người Pháp chiếm lấy Đông Dương, họ mới khám phá ra khu di tích nầy, và năm 1898, Chánh phủ Pháp lập trường Viễn Đông Bác Cổ đặt ra bộ phận bảo tồn khu di tích vĩ đại nầy.

Đền Angkor Vat được xây dựng để thờ Thần Vishnou.

Đường vào Angkor Vat là một đại lộ dài gần 2 cây số, lót những tảng đá lớn. Cuối đường là một cái cổng lớn và rộng độ 200 thước. Bước qua cổng là một đoạn đường rộng chừng 10 thước, hai bên có hành lang bằng đá chạy dọc theo, có hình chạm rắn thần bảy đầu. Trước khi đến chánh điện, có hai hồ nước rất lớn, hình vuông, soi bóng đền Angkor Vat lung linh. Trước chính điện là một sân rộng lót đá, là nơi tổ chức các buổi lễ tôn giáo. Chánh điện là một tháp lớn cao khoảng 60 thước, có 4 tháp nhỏ vây quanh 4 bên. Trong tháp lớn, có một cái giếng sâu, tương truyền là nơi chôn giấu các báu vật của vua, bên cạnh đó là Tàng Kinh Các, lầu chuông, lầu trống, phòng chứa cả ngàn tượng Thần đủ cở lớn nhỏ.

Toàn bộ các công trình kiến trúc nầy được bao bọc bởi 3 dãy hành lang làm bằng đá tảng. Trên các dãy hành lang ấy, nghệ nhân Miên điêu khắc những bức phù điêu khổng lồ, dài cả ngàn thước, ghi lại đời sống nơi cung đình, hoạt cảnh Thần Tiên và các sinh hoạt xã hội khác.

Rời Angkor Vat, đi về hướng Bắc hơn một cây số thì đến khu hoàng thành Angkor Thom, một đại công trình kiến trúc hình vuông, mỗi cạnh chừng 3 cây số, được bảo vệ bởi một tường thành rất kiên cố, ghép bằng đá tảng, cao 8 thước, dày 1 thước. Các tảng đá chồng lên nhau khít khao, khéo đến nỗi cỏ cũng không có chỗ để mọc.

Sau bức tường đá dày nầy là một lũy đất có bề mặt trên rộng 25 thước, đủ rộng để hành quân bảo về hoàng thành, có thiết lập các trạm gác cách khoảng đều nhau và đài chỉ huy.

Bên ngoài tường thành là hào nước sâu, bề mặt rộng hơn 100 thước, như một con sông lớn bao quanh hoàng thành.

Năm cổng vào hoàng thành, tại mỗi cổng có đặt những tượng thần khổng lồ cao 3 thước ôm rắn thần 7 đầu, có tượng voi đá 3 đầu.

Vượt qua những tượng thần, rắn và voi, là 5 con đường đi vào hoàng cung, đoạn đường khá dài, khoảng 1500 thước, với những vách đá hai bên, cuối đường là điện Bayon, trung tâm của hoàng cung.

Điện Bayon dài 160 thước, ngang 140 thước, có hai lớp hành lang bằng đá bao bọc. Nền Điện là một tảng đá khổng lồ. Tại đây có hàng ngàn tượng Thần, vách các tháp đá có tạc hình 172 mặt Phật khổng lồ dài 2 đến 3thước, ngoài ra còn có những bức phù điêu dài hàng ngàn thước giống như ở Angkor Vat.

Điện Bayon thờ vua Jayavarman VII, được xây dựng trong 30 năm mới xong.

Ngoài Điện Bayon, khu hoàng thành còn có hàng ngàn dinh thự bằng đá, hàng trăm ngôi tháp nhỏ, có một ngôi tháp bằng vàng là nơi để cho vua ngủ.

Bên ngoài hai khu vực Angkor Vat và Anhkor Thom, còn có vài chục khu đền khác nằm rải rác cách nhau một tầm nhìn. Toàn bộ các công trình vĩ đại bằng đá ấy tập hợp thành một toàn cảnh hùng vĩ không kép Kim Tự Tháp Ai Cập.

Gần khu đền Đế Thiên Đế Thích còn có một ngôi đền nhỏ hơn, ở về phía biên giới Thái Lan, nhưng tuyệt mỹ, những nét chạm trỗ còn nguyên vẹn rất tinh vi, đường nét đặc sắc gọi là Đền Banteai Srey, được vua Jayavarman V xây dựng vào thế kỷ thứ 10, bị bỏ hoang trong rừng rậm, được một người Pháp tìm ra vào năm 1914.

Khu đền Angkor Vat và Angkor Thom hiện nay được liệt vào một trong những kỳ quan của thế giới, giống như Kim Tự Tháp của Ai Cập, Điện Parthenon của Hy Lạp, Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa, vv . . .

Các khu đền Angkor tượng trưng nền văn hóa cổ của người Cao Miên có một thời rất huy hoàng. Người Cao Miên rất hãnh diện về những khu đền đài nầy, nên trên lá cờ của nước họ, có hình ảnh 5 cái tháp của Angkor.

TNHT: "Thơ! Thầy đã khiến con đi Đế Thiên Đế Thích đặng xem cho tạng mặt hữu hình, nội thế gian nầy ngày nay, ai cũng nhìn nhận là tối đại, mà con đã thấy nó còn bền vững đặng chăng?" (Thơ: Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh).

Đức Phạm Hộ Pháp có 3 lần vãng cảnh Angkor:

* Lần thứ nhứt, vào năm 1928. Khi đến nơi, Ngài liền đặt bàn phò cơ cùng với Tiếp Đạo Cao Đức Trọng. Bồ Tát BAKHANAYOUK giáng cơ cho bài thi:

BAKHANAYOUK

Mưa chầy gió lụn cảnh riêng gìn,

Tạc để nền Tiên rạng trước Minh. (1)

Trời hỡi gượng roi gương viễn đại,

Đất còn chặt giữ dấu anh linh. (2)

Rừng tòng hạc lánh muôn năm khuất,

Chùa đá đời lưu một thuở nhìn.

Dâu bể tan tành non nước cũ,

Dừng chuông cảnh tỉnh vẽ nên tranh.

(Trích trong Lược giải TTTN của Huệ Phong)

(1) Trước đời nhà Minh, quân Mông Cổ kéo vòng quanh Đông Nam Á vào thế kỷ 13, đến tàn phá Đế Thiên Đế Thích.

(2) Trước khi giặc đến tàn phá thì những báu vật đã được chôn giấu dưới nền chùa để làm đồ trấn quốc, nên về đêm ánh ngọc phát sáng cả chùa.

* Lần thứ nhì, vào năm 1939, Đức Phạm Hộ Pháp đến viếng Đế Thiên Đế Thích. Sau đây là các bài giáng cơ của các Đấng trong chuyến du hành nầy:

CAO THƯỢNG PHẨM

Chào mấy bạn và mấy em,

Hộ Pháp hỏi: . . . . . . . . . . .

- Cười . . . Có Bakhanayouk Bồ Tát đến viếng thăm mấy bạn và mấy em.

- Chúng tôi xin chào mừng người.

- Khi hôm qua, có Chuẩn Đề Bồ Tát cho hay rằng: Hộ Pháp giá lâm nơi Đế địa, nên Bần đạo cùng Kim Cang Bồ Tát có đến tại Kim Cang Từ mà lễ triều, nhưng thấy mệt mỏi nên định thần cho an giấc thêm nữa rồi lui chơn. Vậy Người có cậy Bần đạo xin Hộ Pháp rộng tình phò cơ tại chùa cho Người giáng lo phận sự. Hiền hữu nên chủ tâm giùm. Bần đạo nhượng cơ cho Bakhanayouk.

Thăng.

BAKHANAYOUK

Bần tăng để lời cám ơn thăm viếng.

THI:

Cảnh Thiên đợi bạn bấy lâu chầy,

Một phút âm quang ngỡ tỉnh say.

Bóng tục tuy xa muôn vạn bước,

Đường trần cũng giữ một đôi ngày.

Dưới khuôn hồng để tình thiên cổ,

Dựa phép từ bi dụng đức tài.

Hỏi thử ai là người quán thế?

Trước quyền Tạo vật lấy chi hay?

Bần tăng đòi phen đến viếng, nhưng không có cơ bút nên có miệng như câm, không phương thân cận.

Thưa Hộ Pháp, Bần tăng sẽ có mặt nơi Thánh địa khi lễ Lạc thành. Xin Ngài để lòng điều ấy vì cũng còn nhiều vị Bồ Tát khác đến cùng Bần tăng. Cười ...

BADANAYA Bồ Tát

Ananda, Brassei Hoàng Hậu cậy ta đến biểu Hiền hữu dắt BroôlSrey (em dâu) của Người đến trước điện Savomi, đếm từ bên tay mặt ngó qua tháp thứ tư có cốt hài của Người tại đó.

Kim Cang Từ, ngày 2-2-1939.

KIM CANG BỒ TÁT

Chào chư Thiên phong. Hỷ hỷ hỷ chi đại hỉ!

Từ bi dĩ đức độ quần linh,

Hữu kiếp tu chơn đắc đạo thành.

Quần đệ hư vong Tần nghiệp phục,

Chư tăng thậm cố Phật môn linh.

Huệ quang hiện hứng Thiên phong định,

Thánh đế tri duyên Đạo nghiệp bình.

Trí huệ Niết Bàn an cảm hóa,

Môn đồ vấn thử kiến Tam Thanh.

Thưa Thiên Tôn, xin để gót đến tháp đặng cho Thiên hóa mượn tay đề tháp nơi Linh Từ nầy. Kiếu từ, đa tạ.

Thăng.

 

Linh Sơn Tự (Núi Tổ) ngày 3-2-1939.

BRADAYA LA HÁN

Chào chư vị Đại Đức. Cười . . . Nơi đây là nơi Bần tăng đã đổ biết bao giọt thương tâm với đời mộng ảo nầy.

Chư vị Đại đức đã đi ngang qua một nền chùa là nơi Bần tăng đã bị Assovarman cầm ngục, vì nhờ đó mà Bần tăng lập vị Bồ đề. Sau nhờ Bakhanayouk đem lên Thiên cung, đầu kiếp một kỳ nữa mới nên La Hán.

THI:

Trí thượng khuynh thân định quốc thiền,

Hiển linh hữu kiếp tại cường quyền.

Danh lưu thiên cổ hà nhân thức?

Vấn đáp nguyên do tại Đế Thiên.

Bần tăng mừng cho Thiên Tôn đã để bước đến nước của Thiên Tôn đó. Vậy tái ngộ.

Thăng.

Trước cảnh hoang tàn của Đế Thiên Đế Thích (Aux ruines d'Angkor), Bradaya La Hán giáng bút cho bài thi:

THI:

Thổ võ Xiêm quân tức Việt triều,

Đế Thiên hồn nước dấu còn nêu.

Mảnh tâm Hồng Lạc đề thiên sử,

Giọt máu Nam phong định quốc thiều.

Để mắt trông đô xây thế cuộc,

Nhăn mày ngó cảnh vẫn đìu hiu.

Ví đem gan tấc tô hồn nước,

Siem Reap là nơi đắp điếu kiều.

(Tài liệu của Tôn Hưng Huỳnh Văn Hưởng)

 

* Lần thứ ba, Đức Phạm Hộ Pháp du hành đến Angkor từ ngày 16-4-1956 đến ngày 21-4-1956.

Đàn cơ tại Đế Thiên Đế Thích hồi 9 giờ sáng ngày 7-3-Bính Thân (dl 17-4-1956), phò loan: Trung Tá Thoại - Giám Đạo Lợi.

PraMo Mô Pháp, Mô Phật, Đại hỷ, Đại hỷ. Thăng.

Sang Angkor Thom lập đàn trên một tháp cao lúc 11 giờ.

PraMo Mô Phật, Tệ tăng mừng! Mừng! Mừng!

Thiên Tôn giá ngự hữu phước cho nơi nầy.

Mô Phật, tệ tăng nhường cơ cho Đức Tiêu Diêu giáng.  Thăng.

Tái cầu:

TIÊU DIÊU ĐẠO SĨ

Đại hỷ! Đại hỷ! Bình thân.

Cả chư vị Bồ Tát và A La Hán đều đồng thinh nhờ Bần đạo để lời chào mừng Thiên Tôn, họ lấy làm hoan hỷ.

THI:

Để bước Angkor viếng Phật đài,

Tang thương tàn phá bởi Thiên tai.

Chạnh lòng Thượng Đế ban ơn huệ,

Gìn giữ nơi đây tỏ chút tài.

Thăng.

Tái cầu:

HOÀNG HẬU PRASEY

Chị mừng, mừng, mừng. Vui nghe:

Để bước đền xưa bắt chạnh lòng,

Ngôi Thiên nầy kịp định thong dong.

Cửa từ em ráng lo vun đắp,

Thì đến Lôi Âm khỏi bận lòng.

Thăng.

PRASEY PRAKHET

Đại hỷ! Đại hỷ!

THI:

Cửa Phạm dò đon bước đến nơi,

Thong dong tự tại bất qui thời.

Bồ đoàn tưởng niệm tâm an lạc,

Chí ở bốn phương chẳng đổi dời.

Có Đức Tôn Sơn giáng.

Thăng.

Tái cầu:

TÔN TRUNG SƠN

Bần đạo mừng chư Thiên mạng. Bần đạo về đây cho hay tối nay thỉnh Đức Hộ Pháp nâng loan cho các Đấng dạy.

Thăng.

Đàn cơ tại Kim Cang Từ Siem Reap, đêm 17-4-1956, Hợi thời. Phò loan: Đức Hộ Pháp và Giám Đạo Lợi.

TÔN TRUNG SƠN

Xin để lời cám ơn Đức Hộ Pháp. Hôm nay trông gặp nhau đặng tỏ nhiều điều thắc mắc của Tưởng Tổng Thống và Lý Tổng Thống về vần đề giải quyết hiệp nhứt Việt Nam. Theo ý hai bạn của Đức Ngài thì không thể chung cùng Cộng Sản là do hai thuyết bất đồng. Hễ giải quyết đặng VN tức là giải quyết đặng cuộc quốc tế, mà quốc tế tức là vần đề Triều Tiên và Đài Loan đứng đầu trong khối Á Đông nầy hơn hết. Họ cho là Đức Ngài lầm tính, theo Bần sĩ thì Đức Ngài cho hai người một bức tâm thơ Nho văn, đặng minh bạch đường lối quyết định của giải pháp phi thường của Đức Ngài, nhưng chẳng nên quên bí mật cho hiểu rằng chỉ tạm thời gian ngắn duy trì ngày giờ cho tình thế quốc tế xoay hướng, hầu tránh nội loạn VN mà thôi, trước khi Nam và Bắc xung đột.

Hộ Pháp, xin tin chắc rằng sẽ thành công vinh diệu, quốc tế đã đổi chiều hướng thuận tiện cho thuyết chung sống, nhứt là Ấn Độ có nhiều uy tín hơn hết. Đức Ngài nên liên lạc cùng Sứ Thần Ấn Độ thì rộng phương hành động.

Bảo Đạo bạch: Về việc xin hội kiến vừa rồi có thể được không? - Còn bợ ngợ, song sẽ quyết gặp Hộ Pháp vì có lịnh của chánh phủ họ.

Nhị Hiền Hữu Thoại và Bạch nghe Bần tăng:

THI:

Từ bi năng lực gẫm phi thường,

Cửa Đạo mới tìm đặng giống lương.

Nền Khổng nảy sanh bao Thánh triết,

Nhà Nho sản xuất bậc Hiền trung.

Hữu nhơn hữu đức thâu quần chúng,

Vô úy vô tư mới tự cường.

Nguy hiểm tạo thành trang tuấn kiệt,

Thành kiên lũy cố định phong cương.

Tiêu Diêu Đạo Sĩ sẽ hội hiệp cùng các Ngài ngày mai.

Xin Thiên Tôn phò loan cho Người đến.

Thăng.

Dương lịch ngày 19-4-1956, Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Hồ Bảo Đạo và đoàn tùy tùng đến PENTESREY(Bantéai Srey).

Công chúa Prao Srey xin mừng Thiên Tôn giá ngự.

Tệ Nữ tiếc vì không còn tại thế để triều kiến Thiên Tôn. Mô Phật.

Thăng.

Đàn cơ tại Điện Prey-Rup, 11 giờ, Phò loan: Hồ Bảo Đạo và Trung Tá Thoại.

Nầy là cung điện Prey Rup. Hỷ chư Thiên mạng. Mô Phật. Dấu tích hơn ngàn lẽ mấy trăm năm, biết bao công cán tô bồi, rồi rốt cuộc lưu lại chút tàn tích. Ấy vậy, cuộc đời là giả, không có chi còn, nó sẽ trôi theo thời gian và không gian. Kìa là Vương Đế, nọ là Bửu ngôi, thử hỏi còn tồn tại bao nả?

Thăng.

Tại hồ nước của động Angkor Thom.

Thần NOUL,

Đức Tiêu Diêu Đạo sĩ mời Đức Hộ Pháp đến dinh Ngài.

Thăng.

PRA KHEN, Mô Phật. Nơi Thiên đình của Tiêu Diêu ở hướng Đông, nhưng khó bề Thiên Tôn đến. Vậy bất cứ nơi nào, Hộ Pháp phò loan thì Đạo trưởng giáng. Mô Phật, xin kiếu.

Thăng.

Tái cầu: Tại đền.

TIÊU DIÊU ĐẠO SĨ

Tệ tăng xin kiếu lỗi vì đã làm Thiên Tôn bận lòng.

Tệ tăng nói nhiều một chút, xin chư Thiên mạng thứ lỗi.

Thưa Hộ Pháp và Bảo Đạo,

Bần tăng cùng nhị vị Đại Thiên phong thử tìm hiểu coi sắc dân nhược tiểu nơi vùng Á Đông nầy do đâu xuất hiện? Phải chăng là do hai đại dân Ấn Độ và Trung Hoa liên giao mà cấu tạo. Trước họa phân chia Âu Á, thì lẽ các đồng chủng ấy phải họp nhau mà bảo thủ sanh tồn mình, nếu không do quân lực thì ít ra cũng đồng tâm lý tinh thần hay là đồng môn đạo giáo mới phải; trái lại, cảnh tượng nguy vong Á chủng mà không một phương hay bảo thủ, thì số mạng họ phải thế nào? Vừa thoát nạn, Âu Á lại bị giam hãm vào vòng thúc phược tân chủng Mỹ, Anh, thì tránh sao khỏi diệt vong tuyệt chủng do Thiên cơ tiền định. Hộ Pháp đã giáng trần thì trách vụ thiêng liêng cốt để cứu dân độ thế. Phương chước hay của Đức Ngài sẽ tự nhiên gặp nhiều khó khăn gay trở, song không qua phép Thiên thơ tiền định. Xin nhị vị an lòng số kiếp của Miên cũng đồng số kiếp của VN, vì cớ cho nên các chơn linh Phật giáo Miên hội nghị cùng nhau quyết định cho Miên Việt đồng tình tranh đấu. Nhị vị nên để tâm suy tính đặng theo dõi thời cuộc quốc tế xoay chiều, Đạo cứu Đời là như thế.

Xin nhị vị nghe Bần tăng:

THI:

Thân tu cửa Phạm đã nhiều đời,

Thoát tục nay mừng đặng thảnh thơi.

Dạy rõ nhơn duyên thông cách vật,

Đề cao Phật phẩm để nâng người.

Tụng kinh bác ái dìu đường tục,

Lần chuỗi Từ bi định phép Trời.

Buồn chẳng Long Hoa vào kịp hội,

Định phân Phật phẩm với Tiên ngôi.

Thăng.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐỆ

ĐỆ

1.    ĐỆ: Em trai, học trò.
Td: Đệ huynh.

2.    ĐỆ: Dâng lên, đưa lên.
Td: Đệ trình.

 

Đệ huynh bất mục

弟兄不睦

A: The brothers are discord.

P: Les frères sont en désaccord.

Đệ: Em trai, học trò. Huynh: anh. Bất: không. Mục: hòa thuận.

Đệ huynh bất mục là anh em không hòa thuận với nhau.

KSH:

Cũng vì lòng dạ vô lương,

Đệ huynh bất mục, chẳng thương đồng bào.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Đệ trình

遞呈

A: To submit.

P: Soumettre.

Đệ: Dâng lên, đưa lên. Trình: tỏ ra cho người trên biết.

Đệ trình là dâng giấy tờ lên cấp trên.

 

Đệ tử

弟子

A: The disciple.

P: Le disciple.

Đệ: Em trai, học trò. Tử: con.

Đệ tử là học trò.

Trong Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn xưng mình là Thầy, gọi các người theo học Đạo là môn đệ, và các môn đệ xưng mình là đệ tử .

TNHT: Ta rất vui lòng mà thấy đệ tử kính mến Ta như vậy.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐỊA

ĐỊA

ĐỊA: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội.
Td: Địa ách, Địa ngục, Địa vị.

 

Địa ách

地厄

A: The terrestrial misfortune.

P: Les fléaux terrestres.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Ách: tại nạn khốn khổ.

Địa ách là tai nạn khốn khổ do đất gây ra, như: động đất, sụp đất, lở đất,...

Thường nói: Thiên tai Địa ách, nghĩa là những tai nạn khốn khổ do Trời Đất gây ra như: Bão tố, núi lửa, động đất,...

 

Địa cầu 68

地球

A: The Earth number 68.

P: La Terre numéro 68.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Cầu: cái quả tròn. Địa cầu là Trái đất.

Địa cầu 68 là địa cầu mà nhơn loại chúng ta hiện nay đang ở, đứng hàng thứ 68 trong dãy Thất thập nhị Địa.

Các Địa cầu trong Thất thập nhị Địa được đánh số từ cao xuống thấp, từ thanh nhẹ xuống trọng trược. Địa cầu 68 của chúng ta thuộc loại trọng trược. Nhưng còn 4 Địa cầu phía dưới chúng ta lại còn trọng trược hơn nữa, đó là các Địa cầu số: 69, 70, 71, và 72. Còn các Điạ cầu bên trên chúng ta là 67, 66,..., đến số 1 thì càng thanh nhẹ. Hễ càng thanh nhẹ thì trình độ tiến hóa càng cao; càng trọng trược thì trình độ tiến hóa càng thấp.

Đức Chí Tôn có dạy rằng: "Đứng bực Đế Vương nơi trái Địa cầu nầy (Địa cầu 68) chưa đặng vào bực chót của Địa cầu 67. Trong Địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi Địa cầu càng tăng thêm hoài cho tới Đệ nhứt cầu (Địa cầu số 1)."

Nhơn loại trên Địa cầu 68, những người hung dữ gian tà, có chơn thần trọng trược nặng nề, khi chết, chơn thần xuất ra bị hấp lực mạnh của 4 Địa cầu bên dưới hấp dẫn đến đó, và chúng ta gọi đó là bị đọa vào U Minh Địa.

Còn những người nào lương thiện, đạo đức, tâm hồn trong sáng, thì chơn thần thanh nhẹ, khi chết, chơn thần xuất ra bay lên theo lực hấp dẫn của các Địa cầu bên trên, và chúng ta gọi đó là siêu thăng, tức là tiến hóa lên các Địa cầu tốt đẹp hơn, có đời sống thanh cao hơn.

Tóm lại: "Ai giữ trọn bực phẩm thì Tòa Nghiệt Cảnh tương công chiết tội để vào địa vị cao hơn chốn Địa cầu 68 nầy, ai chẳng trọn trách nhiệm nhơn sanh, phải bị đọa vào nơi U Minh Địa, để trả xong tội tình căn quả cho đến lúc trở về nẻo chánh đường ngay mà phục hồi ngôi cũ, bằng chẳng biết sửa mình, thì luật Thiên điều chồng chập, khổ A Tỳ phải vướng muôn muôn đời đời mà đền tội ác." (TNHT)

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Địa chi

地支

A: The Earthly branches.

P: Les branches terrestres.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Chi: cái dấu, cái nhánh.

Địa chi là chi của đất. Có tất cả 12 chi đất được gọi là Thập nhị Địa chi, gồm: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Trời có Thập Thiên can, Đất có Thập nhị Địa chi.

PMCK:

Thập Thiên can bao hàm vạn tượng,

Tùng Địa chi hóa trưởng Càn Khôn.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Địa đàng

地堂

A: The terrestrial paradise.

P: Le paradis terrestre.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Đàng tức là Đường: nhà, ý nói Thiên đàng.

Địa đàng là Thiên đàng tại thế, cõi trên mặt đất mà đời sống rất sung sướng, an vui, hạnh phúc, không còn phiền não.

TNHT: Cảnh nhàn chẳng phải đâu xa, chỉ nơi địa đàng đây, mà vì nhơn loại không để ý tìm ra, cứ theo một lối thấp hèn mà quên đàng cao thượng.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Địa giái

地界

A: The terrestrial world.

P: Le monde terrestre.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Giái hay Giới: cõi, một vùng đất có giới hạn.

Địa giái hay Địa giới là thế giới địa cầu, cõi của nhơn loại đang sống, cõi trần.

KCTPĐQL: Dầu tội chướng ở miền địa giái.

KCTPĐQL: Kinh Cầu Tổ Phụ Ðã Qui Liễu.

 

Địa hoàn

地寰

A: The terrestrial world.

P: Le monde terrestre.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Hoàn: vùng đất lớn, bờ cõi rộng lớn.

Địa hoàn là Địa giái, Trần hoàn, chỉ cõi trần.

TNHT: Day mặt Hồng Quân ngó địa hoàn.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Địa Kỳ Thần Tướng

地祇神將

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Địa Kỳ: Thần Đất, Thổ Thần. Thần Tướng: Các vị Thần làm Tướng trấn nhậm ở địa phương.

Địa Kỳ Thần Tướng là chỉ chư vị Thần Đất, chư vị Thần Tướng trấn nhậm ở một địa phương.

BXTCĐPTTT: Địa Kỳ, Thần Tướng đàn tiền giáng lâm.

BXTCĐPTTT: Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần.

 

Địa linh nhơn kiệt

地靈人傑

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Linh: thiêng liêng. Nhơn: người. Kiệt: tài giỏi hơn người.

Địa linh là vùng đất thiêng, tức là có được nhiều khí thiêng của Trời Đất.

Địa linh nhơn kiệt là đất thiêng thì sản xuất người tài giỏi xuất chúng.

 

Địa ngục

• Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn

• Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội Phật giáo VN

• Theo quyển Kinh Sám Hối của Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu)

• Theo Thiên Chúa Giáo

• Tổng kết vấn đề Địa ngục xét qua các tôn giáo

• Đạo Cao Đài quan niệm về Địa ngục


地獄

A: The Hades, Hell.

P: L'Enfer.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Ngục: nhà tù, nơi giam cầm tội phạm.

Địa ngục là nơi giam giữ và trừng phạt các linh hồn tội lỗi, tương truyền nhà ngục nầy ở dưới đất.

■ Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn:

Địa ngục có những nghĩa sau đây:

1.    Bất lạc, Bất khả lạc: Ấy là nơi chẳng vui, chẳng thể vui được vì có đủ mọi lối khổ.

2.    Bất khả cứu tế: Không thể cứu cho thoát khỏi được, vì cảm ứng các sự ác đã làm.

3.    Âm minh: Nơi tối tăm, chúng sanh ở cảnh ấy không hề nghe biết đạo lý hay chánh pháp.

4.    Địa ngục: Cảnh ngục thất hành phạt ở dưới đất.

Trong Địa Tạng Kinh, nhơn kể tên các Địa ngục với Thánh Mẫu Ma-Da (mẹ của Đức Phật Thích Ca), Ngài Địa Tạng Bồ Tát có giảng rằng:

Về phương Đông cõi Diêm Phù Đề có cảnh núi Thiết Vi. Núi ấy tối om, không có ánh sáng mặt trời mặt trăng rọi tới. Trong núi có Đại Địa ngục Cực Vô gián, lại cũng có Địa ngục Đại A Tỳ, lại có những cảnh Địa ngục nữa tên là: Tứ giác (4 sừng), Phi đao (đao bay), Hỏa tiễn (mũi tên lửa), Giáp sơn (núi ép), Thông sang (đâm lủng), Thiết xa (xe sắt), Thiết sàng (giường sắt), Thiết ngưu (trâu sắt), Thiết y (áo sắt), Thiên nhận (ngàn mũi nhọn), Thiết lư (lừa sắt), Dương đồng (nước đồng nấu sôi), Bảo trụ (ôm cột đồng), Lưu hỏa (lửa táp), Canh thiệt (kéo lưởi ra cày), Tỏa thủ (chém đầu), Thiêu cước (đốt gót chân), Đạm nhãn (móc mắt), Thiết hoàn (viên sắt cháy đỏ),...

Lại còn những cảnh Địa ngục khác như là: Khiếu hoán (kêu gào), Bạt thiệt (lôi lưỡi), Phẩn niệu (phân và nước tiểu), Đồng tỏa (khóa đồng), Hỏa tượng (voi lửa), Hỏa cẩu (chó lửa), Hỏa mã (ngựa lửa), Hỏa ngưu (trâu lửa), Hỏa sơn (núi lửa), Hỏa thạch (đá lửa), Hỏa sàng (giường lửa), Hỏa lương (rường lửa), Hỏa ưng (chim ó lửa), Cứ nha (cưa răng), Bác bì (lột da), Ẩm huyết (uống máu), Thiêu thủ (đốt tay), Thiêu cước (đốt chân), Đảo thích (đâm ngược), Hỏa ốc (nhà lửa), Thiết ốc (nhà sắt), Hỏa lang (sói lửa).

■ Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội Phật giáo VN:

Ở vùng Nam Thiệm Bộ Châu, sâu dưới đất chừng 500 Yojana có Địa ngục Đẳng hoạt. Theo thứ tự thì Địa ngục thứ tám gọi là Vô gián Địa ngục. Tám Địa ngục lớn ấy chồng chất hiện lên khắp cả. Theo Luận Câu Xá quyển 8 thì có:

1.    Đẳng Hoạt Địa ngục (Sonytra): Ở đó có chúng sanh phạm tội bị gươm đao đâm chém, gậy gộc đánh đập, cối xay nghiền giã, khi có gió mát thổi tới thì lại tỉnh như cũ, như lúc còn sống, nên gọi là Đẳng hoạt.

2.    Hắc thằng Địa ngục (Kàlasùtra): Kẻ phạm tội bị dây thừng đen căng tứ chi ra, rồi cưa chém tứ chi và thân thể nên gọi là Hắc thằng.

3.    Chúng hợp Địa ngục (Sanghàta): Nơi đây những kẻ phạm tội hợp nhau lại cấu xé lẫn nhau nên gọi là chúng hợp.

4.    Hào khiếu Địa ngục (Rovuva): Cũng gọi là Khiếu hoán Địa ngục. Nơi đây kẻ mắc tội chịu nhiều nhục hình cực khổ mà kêu la thảm thiết.

5.    Đại Khiếu hoán Địa ngục (Maha rovuva): Nơi đây kẻ mắc tội phải chịu hình phạt tăng lên, kêu khóc càng to nên gọi là Đại hào khiếu Địa ngục.

6.    Viêm nhiệt Địa ngục (Tapana): Ở đây kẻ mắc tội bị lửa thiêu toàn thân bốc cháy, khổ cực không sao chịu được, nên gọi là Viêm nhiệt Địa ngục.

7.    Đại nhiệt Địa ngục (Pratapana): Nơi đây lửa thiêu cực kỳ gay gắt, nỗi khổ tăng gấp bội nên gọi là Đại nhiệt.

8.    Vô gián Địa ngục (Avisi): Nơi đây kẻ mắc tội phải chịu khổ hình liên tục, không lúc nào được nghỉ, nên gọi là Vô gián Địa ngục.

■ Theo quyển Kinh Sám Hối của Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu),

sau bài kinh là phần vẽ Hình Thập Điện kể ra:

1. Nhứt điện: Tần Quảng Vương cầm sổ sống thác.

·         Phước: Lượm giấy chữ đốt ra tro bỏ chảy dòng sông và in phát kinh sách khuyến thiện thì đặng phước.

·         Tội: Tội nhiều bị quỉ dẫn đến Đài Nghiệt Cảnh soi kiếng, biên các tội lỗi theo như trong kiếng ứng ra, rồi các Điện cứ do đó mà hành hình. Ăn tiền tụng kinh thiếu, phải ở Sở Bổ Kinh tụng cho đủ. Liều mạng đổ tội cho người hiền, phạt làm ngạ quỉ (ma đói).

2. Nhị Điện: Sở Giang Vương coi Đẳng Huợt Đại Địa ngục.

·         Phước: Thí tiền, thí thuốc, thí cơm cháo thì đặng phước.

·         Tội: Phạm tội loạn luân, bị cắt (thiến) thận, làm quan tính kế đảo điên, ăn hối lộ, bị nhốt trong hỏa xa, đêm vắng toan mưu dối, bị cát mây đen đè mình, xúi trẻ thơ lầm lỗi bị cầm trong ngục giá lạnh.

3. Tam Điện: Tống Đế Vương coi Hắc Thằng Đại Địa ngục.

·         Phước: Bắc cầu, sửa đường cho thiên hạ đi, đặng phước.

·         Tội: Giết người lấy của, bị cọp xé thây, đoạt thơ của người bị bắn, gian dâm bị gươm chém giáo đâm đao mổ, hung bạo đốt nhà, bắn săn bị trói vào cột đồng bàolạc đốtđỏ chà xát.

4. Tứ Điện: Ngũ Quan Vương coi Chúng Hiệp Đại Địa ngục.

·         Phước: Thí quan tài và đồ liệm thì đặng phước.

·         Tội: Đo gian đong thiếu, lường cân tráo đấu bị cối đạp đồng giã dần cho chó ăn, hoặc bị móc treo mình nhỏng nhảnh; tự vận chẳng màng thảo ngay, hồn oan bị cầm nơi Thành Uổng Tử, đọa đày hành mãi cho đến đúng số mới đặng luân hồi; cho vay ăn lời quá vốn, phạt mang gông cùm.

5. Ngũ Điện: Diêm La Vương coi Kiếu Hoán Đại Địa ngục.

·         Phước: Nhiều năm bố thí cho người nghèo, dân đói.

·         Tội: Tội nhiều lên Đài Vọng Hương ngó về nhà cửa quê hương, hoặc thấy việc buồn rầu, hoặc xem qua cảnh tượng thì tức tối mà khóc than thảm thiết. Hủy hoại lúa gạo, cơm cháo, bị ăn giòi tửa dơ dáy. Con bất hiếu bị chặt, bằm, vv...

6. Lục Điện: Biện Thành Vương coi Đại Kiếu Hoán Đại Địa ngục

·         Phước: cất chùa, sửa am thì đặng phước.

·         Tội: bế vựa chờ giá lúa cao mà bán, để người nghèo chịu đói (bế địch trợ hoang), hoặc là gian giảo ngược ngang, bị hành bàn chông nhọn. Chửi gió mắng mưa, kêu tên Thần Thánh chẳng chút kiêng vì bị cột trói ngược mà cưa xẻ cắt lưỡi.

7. Thất Điện: Thái Sơn Vương coi Nhiệt Não Đại Địa ngục.

·         Phước: Hết lòng phụng dưỡng kính yêu cha mẹ, cần mẫn thuốc thang khi bịnh hoạn thì đặng phước vô cùng.

·         Tội: Bày thuốc phá thai bị quăng lên núi lửa. Khinh khi Tam giáo bị chó phân thây. Nói tục tĩu bị cắt lưỡi. Đàn bà có chồng còn ngoại tình với trai bị đốt nấu trong vạc đồng.

8. Bát Điện: Bình ĐẳngVương coi Đại Nhiệt Não Đại Địa ngục.

·         Phước: Người giàu thường trai tăng bố thí cho thầy tu thì được phước lộc.

·         Tội: Con bất hiếu tới điện nào cũng bị hành phạt hoặc bị xay, cưa, đốt, giã, bị phanh rã tim gan, hoặc bị xe cán. Chứa xâu lường của, trù ếm, chửi rủa, đồ dơ giặt đổ rạch sông, uế trược đến chỗ thờ, phơi áo quần dơ không nể Tam quang, vv. . . bị xô xuống ao huyết phẩn (Huyết Ô Trì).

9. Cửu Điện: Đô Thị Vương coi A Tỳ Đại Địa ngục.

·         Phước: Thí nước uống cho bộ hành, đưa đò thí đặng phước.

·         Tội: Xới bớt tiền cất chùa, tiền in kinh, sửa ngay ra vạy, phản thầy bất trung bị quăng lên núi đao. Ăn thịt trâu chó, sát mạng vật vô cớ, bị quạ mổ. Phân rẽ vợ chồng, thân tộc của người, đặt thơ huê tình bị chó móc ruột ăn tim. Hãm hiếp hoặc dụ dỗ trẻ thơ mà ăn của bị xay ra bột.

10. Thập Điện: Chuyển Luân Vương cho đi đầu thai.

·         Phước: Tụng kinh niệm Phật, giữ y lời, đặng phước lớn.

·         Tội: Không kỉnh giấy chữ, rủ nhau ăn thịt trâu chó, phạt làm ăn mày. Không kỉnh người lớn, chẳng vâng lời phải, thầy không bảo học trò trọng giấy chữ đều bị đá đè. Nói ra nói vô, xúi người kiện cáo, bị xô xuống cầu Nại Hà cho rắn cua ăn thịt.

Hình Thập Điện vẽ ra căn cứ vào Kinh Sám Hối mà các Đấng giáng cơ ban cho Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu).

■ Theo Thiên Chúa Giáo,

quan niệm về Địa ngục như sau: (trích đoạn trong sách Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh trang 80-85 nói về Âm Phủ và Hỏa Ngục. Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X)

"Cửa Âm Phủ nơi Đức Kitô xuống đã được mở rộng để những người bị giam cầm thoát ra, trong khi Hỏa Ngục nơi người bị kết án phải xuống, đóng nhốt họ đời đời.

Cái chết trong lửa kéo dài mãi mãi trong hư nát, đó đã là những hình ảnh Tin Mừng về Hỏa ngục. Đây không còn là Hỏa ngục theo nghĩa thông thường như Shêol (Âm phủ), nhưng là Hỏa ngục có thể nói từ Trời rơi xuống, từ GIAVÊ mà đến. Nếu nó tổng hợp vực thẳm không đáy với trận mưa lửa, hình ảnh Shêol với kỷ niệm Sôđôma, đó là vì Hỏa ngục này được đốt cháy bằng hơi thở của GIAVÊ và cơn giận bừng của Ngài.

Hỏa ngục dành cho người tội lỗi nầy không thể là số phận của kẻ công chánh, nhất là khi họ vì muốn trung thành với Thiên Chúa đã phải chịu kẻ tội lỗi bách hại và đôi khi giết chết. Thật là hợp lý khi từ xứ bụi đất tức Shêol truyền thống, nơi người thánh thiện và kẻ tội lỗi an nghỉ lẫn lộn, kẻ tội lỗi thức dậy để hãi sợ đời đời, trong khi nạn nhân của họ thức dậy để sống muôn đời.

Hỏa ngục không còn định chỗ ở tận đáy sâu trong lòng đất, nhưng là vũ trụ sổ lồng chống lại kẻ ngu dại. Các Tin Mừng lấy lại những hình ảnh nầy: Trong chỗ ở kẻ chết, bị lửa hành hạ, người giàu có thấy Lazarô trong lòng Abraham, nhưng giữa họ có một vực thẳm to lớn không thể vượt qua là vực thẳm, cơn giận của Trời và của Đất nứt ra, sự chúc dữ của Thiên Chúa và sự đối nghịch của muôn vật, đó là Hỏa ngục.

Đức Giêsu quan tâm nhiều đến việc sự sống phải hư mất, đến việc bị phân cách với Người, hơn là mô tả Hỏa ngục theo môi trường Người. Nếu chưa chắc, có thể rút ra từ dụ ngôn người giàu xấu tính một quả quyết minh bạch về Hỏa ngục, thì dù sao cũng phải lưu tâm đến Đức Giêsu khi Người dùng những hình ảnh Thánh Kinh dữ dội nhất, khắc nghiệt nhất nói về vần đề nầy: Khóc lóc và nghiến răng trong lò lửa hực nóng; gehenna nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt, nơi Thiên Chúa có thể diệt cả hồn lẫn xác.

Đức Giêsu không chỉ nói về Hỏa ngục như là một thực tại để dọa; Người tuyên bố rằng chính Người sẽ sai các Thiên Thần ném vào lò lửa hực nóng những kẻ làm điều ác.

Nhưng Đức Kitô, cả trước khi Người đến, đã được hứa ban và mong đợi. Trong mức độ họ tiếp nhận lời hứa ấy, con người thời Cựu Ước nhận thấy Âm Phủ được chiếu sáng lờ mờ rồi thành sáng hẳn. Ngược lại, trong mức độ họ từ chối, Âm Phủ trở thành Hỏa ngục, họ rơi chìm vào một vực thẳm nơi quyền lực SATAN ngự trị khủng khiếp. Sau cùng khi Đức Giêsu-Kitô xuất hiện, những ai không vâng phục Tin Mừng Người sẽ bị phạt diệt vong đời đời, xa cách Thánh nhan Chúa, họ sẽ tái hợp với Thần Chết và Hades trong ao lửa."

■ Vần đề Địa ngục xét qua các tôn giáo

vừa kể trên là một quan niệm có cơ sở hợp lý, bởi vì hễ có thưởng thì phải có phạt, hễ có tự do thì phải có nhà tù, hễ có Phật Tiên thì phải có Ma Quỉ, hễ có Thiên đàng thì phải có Địa ngục, đó là lẽ công bình của Trời Đất mà ai ai cũng phải nhìn nhận.

Thiên đàng và Địa ngục là hai cảnh hoàn toàn đối ngược nhau, thể hiện cán cân công bình thiêng liêng của Thượng Đế và cũng để giúp vào sự thúc đẩy sự Tiến Hóa của CKVT.

Nếu không có Địa ngục thì cán cân công bình thiêng liêng gãy đổ, Luật Tiến Hóa tan vỡ và đó cũng là sự hủy diệt của CKVT, tức là hủy diệt Thượng Đế. Điều này chắc chắn không bao giờ xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải có một quan niệm về Địa ngục một cách khoa học để tránh rơi vào chỗ mê tín dị đoan.

·         Trước hết, Địa ngục không phải ở dưới đất, vì dưới đất sâu là ruột của quả địa cầu, nơi đó chỉ toàn là đất đá nóng chảy lỏng ở nhiệt độ rất cao, hàng trăm ngàn độ.

·         Kế đó, Địa ngục không có các hình phạt như móc mắt, moi tim, xay cưa đốt giã, v.v....

■ Đạo Cao Đài quan niệm về Địa ngục

một cách rất khoa học, như sau: Địa ngục là một cảnh giới hoàn toàn trái ngược với cảnh Cực Lạc Niết Bàn hay Bồng Lai Tiên cảnh. Cảnh Cực Lạc Niết Bàn thì trong sáng, tốt đẹp, an vui; đối lại cảnh Địa ngục tăm tối, ô trược, đau khổ.

Do đó, Đạo Cao Đài đổi chữ Địa ngục thành chữ U Minh Địa giới thì rất đúng và tránh được điều mê tín dị đoan.

Cõi U Minh Địa giới gồm 4 quả Địa cầu: Số 69, 70, 71, và 72 trong dãy Thất thập nhị Địa mà Địa cầu của nhơn loại chúng ta đang ở là Địa cầu số 68. Đó là 4 Địa cầu trọng trược, tối tăm, lạnh lẽo, chìm sâu dưới đáy vũ trụ, buồn thảm vô cùng.

Những người gian tà độc ác, phạm nhiều trọng tội trong kiếp sanh, khi chết thì linh hồn và chơn thần xuất ra bị bao phủ bởi một chất khí ô trược nặng nề, không thể bay lên được, mà bị kéo rơi xuống vào một trong bốn quả Địa cầu của U Minh Địa theo luật hấp dẫn đồng khí tương cầu.

Thánh giáo của Đức Chí Tôn:

"Nếu các con cho Địa ngục là ở dưới đất thì lầm lắm! Trong trung tim trái đất chỉ toàn là lửa. Vả trong vũ trụ nầy có biết bao nhiêu là trái địa cầu, những trái thanh thì vượt nổi lên trên mà hưởng lấy khí Dương rất đỗi nhẹ nhàng sáng suốt, còn những trái trọng trược thì lặn chìm xuống dưới mà bị lấy khí Âm rất đen tối u minh.

Vậy, nếu các con, hoặc đã phạm tội với Trời, hoặc mang đại ác với người, thì linh hồn tất phải bị đọa xuống nơi mấy trái địa cầu mà Âm khí nặng nề khốn nạn ấy để chịu buồn rầu, khổ cực, nhức nhối tâm hồn, xốn xang trí não.

Đó là Nhân quả, nghiệp chướng, oan gia của các con đã tạo gieo, nó theo các con mà hành phạt lấy các con, chớ không có cưa xẻ, trừng trị như người ta hiểu lầm, thường gọi là Thập Điện Diêm Vương đâu.

Những cõi ấy, linh hồn nào rủi ro bị đọa lạc vào thì càng ngày càng thêm mê muội, tối tăm mãi mãi. Ôi! Khốn khổ biết bao! Thầy khó tả ra những sự đọa đày trải qua của các linh hồn phạm tội phải cam chịu trong mấy cõi ấy." (ĐTCG)

Các Đấng Giáo Chủ của các tôn giáo cũng biết Địa ngục là như thế, nhưng tại sao lại ra kinh sách nói rằng Địa ngục có những hình phạt ghê gớm như xay cưa đốt giã, hình bào lạc, cua kình xé thây, ao huyết phẩn gậy cây đánh đầu?

Bởi vì trình độ nhơn sanh lúc đó còn thấp, mô tả ra những điều ghê gớm như thế cốt để người ta kinh sợ, không dám làm ác, lo làm điều lành.

Trong quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo có hai bài kinh còn nói đến các cảnh trừng phạt các tội hồn nơi Địa ngục: Kinh Sám Hối và Giới Tâm Kinh.

Kinh Sám Hối do các Đấng thiêng liêng giáng cơ ban cho Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu) vào năm 1925. Bài Giới Tâm Kinh do các Đấng ban cho Chi Minh Tân.

Đây là hai bài kinh mà Hội Thánh vâng lịnh Đức Chí Tôn thỉnh về làm Kinh của Đạo Cao Đài thuở mới Khai Đạo.

Chúng ta cần phải lưu ý để phân biệt, kinh nào là kinh chánh gốc của Đạo Cao Đài, và kinh nào là kinh thỉnh nơi các tôn giáo khác. Nhưng trong các bài kinh của Đạo Cao Đài, các Đấng vẫn dùng chữ "Địa ngục" mà chúng ta phải hiểu đây là cõi U Minh Địa giới gồm 4 Địa cầu chìm sâu dưới đáy vũ trụ.

Trong thời kỳ khởi đầu của Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn Đại khai Ân Xá, nên Đức Chí Tôn ra lịnh đóng cửa Địa ngục, không cho đày đọa các linh hồn tội lỗi xuống cõi U Minh nữa, mà Đức Chí Tôn giao cho DTC mở ra cõi Âm Quang để dạy Đạo cho các linh hồn nầy. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát dạy Đạo cho các nam tội hồn, và Thất Nương DTC dạy Đạo cho các nữ tội hồn. Khi các tội hồn thức tỉnh, học đạo biết hồi đầu hướng thiện thì được cho tái kiếp nơi cõi trần mà trả quả và tu hành, hầu sớm được trở về cùng Đức Chí Tôn và Phật Mẫu.

Thánh giáo của Đức Chí Tôn nói rằng: Khi nào Đức Phạm Hộ Pháp thoát xác trở về thiêng liêng, Ngài sẽ vâng lịnh Đức Chí Tôn đi đóng cửa các Địa ngục.

Mà Đức Phạm Hộ Pháp qui Thiên năm 1959, tức là năm Kỷ Hợi, năm Đạo thứ 33, như vậy, Địa ngục hoàn toàn được đóng cửa vào năm nầy.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

ĐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.

DTC: Diêu Trì Cung.

 

Địa phận

地分

A: The territorial division.

P: La division territoriale.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Phận: phần.

Địa phận là một phần đất có ranh giới được chia ra căn cứ trên số dân cư ngụ trên vùng đất ấy.

CG PCT: Thầy buộc Giáo Sư phải lo lắng cho các tín đồ trong địa phận mình cai quản như anh ruột lo cho em.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

Địa phủ

地府

A: The Hell.

P: L'Enfer.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Phủ: chỗ làm việc quan.

Địa phủ là Địa ngục. (Coi chữ Địa ngục ở trên)

TNHT: Cứu thế quyết ngưng quyền Địa phủ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Địa quyển

地圈

A: The round earth.

P: La terre ronde.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Quyển: còn đọc là Khuyên: tròn, bao bọc.

Địa quyển là trái đất tròn, đồng nghĩa Địa cầu.

Cũng như từ ngữ: Khí quyển là lớp không khí tròn bao bọc quanh trái đất.

TNHT: Thọ như địa quyển, thạnh hòa Thiên.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Địa Tạng Vương Bồ Tát

地藏王菩薩

Tiếng Phạn gọi là: KSITIGARBHA BODHISATTVA.

Địa: Đất, vùng đất; chỗ đứng trong xã hội. Tạng: chứa, chở. Vương: vua. Bồ Tát: phẩm vị Bồ Tát, dưới Phật, còn nhiệm vụ cứu giúp chúng sanh.

Phật hiệu "Địa Tạng" có ý nghĩa như sau:

Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát có lập nguyện tế độ tất cả chúng sanh, cũng như đất chở muôn vật. Ngài hiện thân ở hằng hà sa số thế giới, độ vô số chúng sanh, không một thế giới nào hay một chúng sanh nào ra ngoài tự tâm của Ngài, nên gọi là Tạng (trùm chứa). Ngài phát nguyện rằng: Địa ngục mà còn chúng sanh thì Ngài chẳng thành Phật.

Do lời Đại nguyện ấy, Đức Chí Tôn phong Ngài làm U Minh Giáo Chủ, độ rỗi các linh hồn tội lỗi bị đọa vào U Minh Địa giới (thường gọi là Địa ngục).

Ngài có đầy đủ công đức thành vị Phật cao siêu, nhưng vì Đại nguyện của Ngài chưa hoàn thành, cõi U Minh vẫn còn nhiều chúng sanh bị đọa, nên Ngài vẫn làm một vị Bồ Tát.

Thất Nương DTC giáng cơ nói với Đức Phạm Hộ Pháp (Thất Nương xưng Em) về Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát:

"Ngày Hội Ngọc Hư lo tiếp pháp của Tây Phương Cực Lạc, Em đặng nghe thấy những lời của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát than thở rằng: Ngài là Phật, nên khó gần gũi các hồn nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ. Bởi cớ nơi Âm Quang, nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn nam phái bội phần.

Em lại nghe Người ước rằng: Chớ chi có một Đấng Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong của Phong Đô thoát kiếp. Em mới để dạ lo lường, cả lòng lân ái đến đó, Em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây, mấy chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm Quang hãm tội." (TNHT)

Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát có nhiều lần giáng sanh xuống cõi trần để độ dẫn chúng sanh. Sau đây xin kể lại một tiền thân và một kiếp giáng trần của Ngài.

I. Tiền thân: Hồi đời quá khứ, lâu xa lắm, có Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương ra đời. Sau Đức Phật ấy nhập diệt, rồi đến thời kỳ Tượng pháp, Ngài Địa Tạng, lúc ấy chưa chứng vị Bồ Tát, sanh làm con gái dòng Bà La Môn ở Ấn Độ.

Thân mẫu của nàng thì tin theo ngoại đạo, thường đem lòng tà niệm khinh khi Tam bảo, đã không tin nhân quả nghiệp báo mà còn chê bai chánh pháp nữa. Khi đó, nàng biết thế nào mẹ mình khi chết cũng phải bị đọa, nên hết sức khuyên can, nhưng thân mẫu nghiệp ác dẫy đầy, đạo tâm nông cạn, chẳng chút nghe nàng. Ôi! Chẳng bao lâu, bà nhuốm bịnh và chết. Thần hồn bà theo nghiệp ác mà bị đọa vào Vô Gián Địa Ngục.

Còn phần nàng, nỗi thương mẹ, nỗi sợ mẹ bị đọa Địa ngục, nên nàng bán hết nhà cửa ruộng vườn, rồi mua sắm đủ các thư hương hoa và đồ quí báu đem đến chùa Phật mà cúng dường. Lúc nàng vào chùa lễ Phật, nàng thấy tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai rất oai nghiêm, linh động như vị Phật sống, lòng nàng bội phần kính ngưỡng.

Nàng lễ Phật xong thì nghĩ rằng: Phật là bực Đại Giác, đủ trí sáng suốt, hiểu thấu các lẽ, nếu được Phật chỉ dẫn thì ta có thể biết được mẹ ta sanh về đường nào và nhờ Phật từ bi chỉ bảo cho ta biết cách cứu mẹ ta thì đâu có bi thảm như thế nầy.

Nàng nghĩ như vậy rồi thì cứ đứng nhìn sửng tượng Phật mà khóc, dường như tỏ lòng cầu khẩn Đức Phật thi ân cứu độ.

Thoạt nghe giữa thinh không có tiếng gọi rằng: "Nàng thiện nữ kia, đừng buồn rầu khóc lóc nữa, ta sẽ chỉ cho biết chỗ thác sanh của mẹ người."

Nàng nghe nói như vậy liền chấp tay ngửa mặt lên không bạch: "Từ khi mẹ tôi mất đến nay, ngày đêm thương nhớ, không biết hỏi ai cho rõ chỗ thác sanh của mẹ tôi, nay không biết Đức Thánh Thần chi có lòng đoái thương như vậy?"

Giữa thinh không lại có tiếng đáp: "Ta là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà ngươi vừa cúng dường và bái lễ đó. Vì thấy ngươi có lòng chí hiếu nên ta đến đây chỉ bảo."

Nàng liền bạch giữa thanh không: "Xin Phật từ bi chỉ giùm chỗ thác sanh của mẹ tôi, và xin cứu giúp mẹ tôi."

Khi ấy Đức Như Lai nói: "Ngươi cúng dường và lễ bái xong, mau trở về nhà, ngồi ngay thẳng và yên lặng, niệm danh hiệu ta thì tự nhiên biết được xứ sở của mẹ ngươi thác sanh."

Nàng lễ Phật xong liền trở về nhà, tắm rửa sạch sẽ rồi nàng ngồi thiền định, niệm danh hiệu của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Nàng thiền định được một ngày một đêm thì thình lình xuất thần đi đến một chỗ bờ biển kia, nước cuộn cuộn sôi tràn, sóng dợn ba đào, thấy nhiều giống ác thú mình bằng sắt nhảy nhót chạy trên mặt biển, lại thấy cả ngàn người đàn ông đàn bà, trồi lên lặn xuống trong biển ấy, bị những thú dữ kia giành giựt cấu xé mà ăn thịt. Còn bọn quỉ Dạ xoa có hình thù kỳ dị, xua đuổi đám người ấy cho thú dữ bắt, xé xác ăn thịt. Cảnh tượng thật là ghê gớm.

Nàng nhờ niệm Phật nên được Phật hộ trì, nên nhìn cảnh ấy mà không sợ hãi chi cả.

Xảy đâu có một Quỉ Vương tên Vô Độc, thấy hình tướng của nàng chẳng phải người phàm, bèn đến trước mặt nàng hỏi:

- Dám hỏi Bồ Tát vì duyên cớ nào đến đây?

- Chỗ nầy kêu là xứ gì?

- Đây là biển nghiệp thứ 1, ở phía Nam núi Thiết Vi.

- Ta nghe nói trong núi Thiết Vi có Địa ngục ở chính giữa. Việc nầy có không?

- Quả thiệt có Địa ngục, chớ không phải huyễn hoặc.

Nàng nghe Quỉ Vô Độc nói như thế thì rất kinh nghi, liền hỏi tiếp rằng:

- Địa ngục là nơi để giam giữ và trừng phạt người có tội, còn ta đây, có lòng kính ngôi Tam Bảo, mà duyên cớ gì ta cũng đến chỗ nầy?

- Phàm người đi đến đây có hai cách: Một là có oai lực thần thông, đến cứu độ mấy người tội khổ hay là đến chơi cho biết; hai là những người tội ác bị giải đến đây chịu khổ.

Nàng lại hỏi nữa rằng:

- Nước biển nầy sao lại trào lên hoài, còn ở trong biển thì có nhiều tội nhơn lặn xuống trồi lên bị thú dữ xâu xé ăn thịt như thế?

- Đây là chỗ nhốt những kẻ tạo ác nơi cõi Diêm Phù Đề, nên khi chết rồi, cái ác nghiệp chiêu cảm khổ báo mà đến đây chịu đày đọa. Ở phía Đông biển nầy, cách chừng 10 vạn do tuần, lại có một cái biển nữa, còn ở phía Tây cũng có một cái biển nữa, sự đày đọa chúng sanh còn khổ hơn tại đây bội phần, thảm thiết không kể xiết. Những người thọ khổ là do khi sống nơi thế gian tạo quá nhiều nghiệp ác.

- Còn Địa ngục ở chỗ nào?

- Ở giữa ba cái biển nghiệp ấy là chỗ Địa ngục. Nếu kể riêng ra thì nhiều đến cả trăm ngàn, mà sự thọ khổ mỗi nơi mỗi khác, như nói về ngục lớn thì có 18 chỗ, ngục trung thì có 500 chỗ, ngục nhỏ thì có cả ngàn chỗ. Sự khổ đau trong các ngục ấy không biết bao nhiêu mà kể.

Nàng lại hỏi Quỉ Vô Độc:

- Mẹ ta khi chết đến nay tuy chưa bao lâu, nhưng chẳng biết thần hồn đi đến chỗ nào?

Quỉ Vô Độc nói:

- Chẳng hay mẹ của Bồ Tát lúc sanh tiền làm những nghiệp gì?

- Mẹ ta trước nhiễm theo tà kiến, chê bai Tam bảo, hủy báng Phật giáo, không nghe điều thiện.

- Vậy mẹ của Bồ Tát tên họ là chi?

- Cha ta là Thi La Thiện Hiện, còn mẹ ta tên là Duyệt Đề Lị, đều là dòng dõi Bà La Môn cả.

- Xin Thánh giả trở về bổn xứ, chẳng cần buồn rầu thương nhớ mẫu thân vì số là bà Duyệt Đề Lị đã khởi sự chịu khổ nơi Địa ngục nầy, nhưng nhờ con của bà hết lòng hiếu thảo, lập đàn tu phước và cúng dường nơi tháp của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai nên mới cảm đến Phật Thánh mà được sanh về cõi Trời rồi. Chẳng những thân mẫu của Bồ Tát nhờ phước đức đó mà khỏi đọa Vô Gián Địa ngục, đặng sanh lên cõi Trời mà thôi, cho đến những người đồng thọ tội ở đó cũng nhờ duyên phước ấy đều đặng sanh về cõi Thiên đàng trong ngày đó nữa.

Quỉ Vô Độc nói đến đây thì chấp tay cung kính xin rút lui. Còn nàng thì dường như chiêm bao tỉnh giấc, mới rõ việc nầy là nhờ Phật lực, đưa nàng đến chỗ Địa ngục để biết về chỗ thác sanh của mẹ nàng.

Nàng cảm đội ơn Đức Phật, liền đến bửu tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, phát lời đại nguyện:

"Nay tôi nguyện cho đến kiếp vị lai, nếu có chúng sanh nào tạo tội mà bị khổ nơi Địa ngục, bất luận là kẻ thân thuộc hay người cừu oán chi, thì tôi lập ra nhiều pháp môn phương tiện để cứu độ cho tất cả được giải thoát."

II. Giáng sanh: Trong truyện Thần Tăng có chép:

Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt 1508 năm, nhằm đời nhà Tấn, niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ tư, Đức Địa Tạng Bồ Tát giáng sanh tại nước Tân La, tên là Kim, hiệu là Kiều Giác.

Khi được 24 tuổi, Ngài xuất gia tu hành, có dắt theo một con chó trắng kêu là con Thiện Thính (con chó biết nghe tiếng người), đi thuyền qua tỉnh Giang Nam, huyện Thanh Dương, phía đông phủ Trì Châu, rồi Ngài lên đỉnh núi Cửu Hoa mà ngồi tu thiền định trọn 75 năm.

Đến đời nhà Đường niên hiệu Khai Nguyên (vua Đường Huyền Tông), năm thứ 6, tối bữa 30 tháng 7, Ngài chứng thành Đạo quả, lúc ấy Ngài được 99 tuổi, và cũng còn ở trong động núi Cửu Hoa.

Thuở đó có một vị quan trong triều là Mẫn Công, thường hay cúng trai tăng cho 100 vị sư tăng. Kỳ nầy thiếu một vị, Mẫn Công bèn lên núi Cửu Hoa thỉnh Ngài Kiều Giác cho đủ 100 vị. Ngài Kiều Giác xin một cái áo cà sa và một khoảnh đất, ước trải đủ cái áo cà sa nầy. Mẫn Công vui lòng ưng thuận, Ngài liền lấy y trải ra, y trùm hết cả một vùng đất rộng bên cạnh núi. Mọi người đều hết sức thán phục thần thông của Ngài.

Mẫn Công thấy sự thần kỳ như vậy, biết đây là một vị Thánh tăng đắc đạo, nên bội phần hoan hỷ, nguyện hiến hết vùng đất ấy cho Thánh tăng sử dụng, và người con của Mẫn Công xin xuất gia theo Thánh tăng, được Thánh tăng bằng lòng thâu nhận, đặt pháp hiệu là Đạo Minh.

Về sau, Mẫn Công thu xếp công việc rồi cũng xuất gia theo Ngài Kiều Giác tu hành.

Ngài Kiều Giác trở về núi thiền định thêm 20 năm nữa, rồi đến niên hiệu Chí Đức thứ nhì, cũng đời nhà Đường, Ngài Kiều Giác nhập diệt, đắc đạo là Địa Tạng Bồ Tát.

Nơi đỉnh núi Cửu Hoa, còn nhiều di tích của Địa Tạng Bồ Tát. Muốn lên tới đỉnh núi nầy, người ta phải leo lên 81 bực đá rất hiểm trở.

Do sự tích nầy, người đời sau tạc tượng thờ Địa Tạng Bồ Tát , bên tả có Đạo Minh Hòa Thượng, bên hữu có Mẫn Công đứng hầu, và hằng năm, đến ngày 30 tháng 7 âl, các chùa đều làm lễ kỷ niệm Ngài.

KCS:

Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát,

Bố từ bi, tế bạt vong hồn.

DTC: Diêu Trì Cung.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

KCS: Kinh Cầu Siêu.

 

ĐIỀM

Điềm nhiên tọa thị

恬然坐視

Điềm: yên lặng, làm thinh. Nhiên: như thế. Tọa: ngồi. Thị: xem. Điềm nhiên: không quan tâm.

Điềm nhiên tọa thị là yên lặng như thế ngồi xem.

Ý nói: Thờ ơ, không muốn tham gia công việc.

 

ĐIỂM

ĐIỂM

ĐIỂM: có hai nghĩa tùy trường hợp:

·         ĐIỂM: Một chấm nhỏ.
Td: Điểm Linh quang.

·         ĐIỂM: Rót nước.
Td: Điểm trà.

 

Điểm Linh quang

點靈光

A: The divine light, the divine spark.

P: La lumière divine, l'étincelle divine.

Điểm: Một chấm nhỏ. Linh: thiêng liêng. Quang: ánh sáng.

Điểm Linh quang là một điểm ánh sáng thiêng liêng.

Điểm Linh quang chỉ là một tia sáng hay một điểm sáng từ trong khối Đại Linh quang (Thái Cực) phát ra. Đức Phật Mẫu thâu điểm linh quang nầy làm linh hồn, rồi dùng nguyên khí Âm Dương trong DTC tạo ra một chơn thần làm xác thân thiêng liêng bao bọc điểm linh hồn nầy, như thế là tạo thành một con người nơi cõi thiêng liêng. Cho nên, Đức Chí Tôn là Cha (vì đã ban cho điểm linh quang làm linh hồn) và Đức Phật Mẫu là Mẹ (vì đã tạo ra chơn thần tức là xácthân thiêng liêng).

Cho nên một con người nơi cõi thiêng liêng có hai yếu tố: Linh hồn (hay Chơn linh) và Chơn thần (hay xác thân thiêng liêng). Khi con người ấy đầu thai xuống cõi trần thì người ấy có thêm một xác thân phàm trần do cha mẹ phàm trần tạo ra. Điểm Linh quang và Chơn thần nhập vào xác thân phàm trần làm khuôn viên và điều khiển xác thân phàm trần.

TNHT: Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhân cách thì rất uổng cái điểm linh quang của Thầy để vào xác thân của các con lắm!

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

DTC: Diêu Trì Cung.

 

Điểm Quang minh

點光明

Điểm: Một chấm nhỏ. Quang: ánh sáng. Minh: sáng.

Điểm quang minh là điểm linh quang, tức là linh hồn của con người.

TNHT:

- Một điểm quang minh một điểm linh.

- Một điểm quang minh là một hồn người, là vật tối linh của Thầy trân trọng. Nếu con muốn làm lành thì gắng dạy mấy hồn ấy cho đặng hiền.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Điểm trà

點茶

A: To pour the tea in a cup.

P: Verser du thé dans un coupe.

Điểm: Rót nước. Trà: nước trà.

Điểm trà là rót nước trà vào tách.

Đây là một câu xướng của lễ sĩ trong nghi thức cúng đại đàn nơi Tòa Thánh hay nơi các Thánh Thất.

Khi lễ sĩ xướng "Điểm trà" thì người quì tại ngoại nghi cầm bình trà rót vào tách trà cho lễ sĩ điện, dâng vào nội nghi.

 

ĐIỂN

ĐIỂN

1.    ĐIỂN: Kinh sách thời xưa.
Td: Điển cố.

2.    ĐIN: cũng đc là Đin, là làn sóng đin.
Td: Đi
n chiếu, Đin quang.

 

Điển chiếu

電照

A: The propagation of the electric waves.

P: La propagation des ondes électriques.

Điển: cũng đọc là Điện, là làn sóng điện. Chiếu: rọi tới.

Điển chiếu là làn sóng điện truyền đi.

Làn sóng điện truyền đi rất nhanh, gần bằng phân nửa vận tốc của ánh sáng, và có thể mang theo tiếng nói và hình ảnh, nên chúng ta có thể dùng máy TV (Truyền hình) để bắt làn sóng điện ấy, làm cho hình ảnh hiện ra trên màn hình và có tiếng nói kèm theo.

KKĐCR:

Kinh Bạch Ngọc muôn lằn điển chiếu.

Mau như điển chiếu, nhẹ thành bóng mây.

KKĐCR: Kinh Khi Ðã Chết Rồi.

 

Điển cố - Điển tích

典故 - 典跡

A: Classic allusions - Classic examples.

P: Allusions classiques - Exemples classiques.

Điển: Kinh sách thời xưa. Cố: cũ, xưa. Tích: chuyện xưa.

Điển cố đồng nghĩa Điển tích là chỉ những việc có chép trong các sách vở thời xưa, được cô đọng lại trong một từ ngữ hay một thành ngữ để nói lên ý nghĩa của chuyện đó.

Văn học cổ thường dùng rất nhiều Điển tích hay Điển cố. Nếu không biết được Điển tích thì không thể hiểu được ý nghĩa của câu văn hay câu thơ ấy.

Thí dụ: Huỳnh lương một giấc cuộc đời in. Nghĩa là: Cuộc đời giống hệt như một giấc huỳnh lương.

Nếu chúng ta không biết điển tích "giấc huỳnh lương" thì chúng ta không thể hiểu được câu thi trên.

Giấc huỳnh lương là giấc mộng của Ông Lữ Đồng Tân khi nằm trên chiếc gối của Ông Hớn Chung Ly đưa cho, bên cạnh nồi huỳnh lương (bắp vàng) mà Hớn Chung Ly đang chụm lửa nấu nhưng chưa chín. Trong giấc mộng đó, Lữ Đồng Tân thấy mình đi thi đậu Trạng Nguyên, cưới được vợ đẹp và giàu, được vua bổ làm quan, thăng quan tiến chức trong 50 năm, lên chức Tể Tướng, vinh hiển tột bực, con cháu đầy nhà. Sau bị gian thần hãm hại, vua bắt tội, tịch thâu hết gia sản, đày đi xa thật vô cùng khổ sở. Kế giựt mình thức dậy, nồi bắp vàng nấu nãy giờ vẫn chưa chín.

Từ điển tích nầy, rút ra thành ngữ: Giấc huỳnh lương là để chỉ sự giàu sang quyền tước nơi cõi đời nầy không bền vững, và ngắn ngủi như một giấc chiêm bao.

 

Điển quang

電光

A: The luminous waves.

P: Les ondes lumineuses.

Điển: cũng đọc là Điện, là làn sóng điện. Quang: ánh sáng.

Điển quang là ánh sáng có tính chất như một làn sóng điện, nghĩa là ánh sáng truyền đi trong không gian giống như làn sóng điện, nhưng làn sóng điện thì có tần số thấp, còn ánh sáng thì có tần số rất cao và truyền đi nhanh hơn sóng điện.

Ở cõi trần, nhơn loại dùng làn sóng điện để truyền tải tiếng nói và hình ảnh trong không gian. Nếu chúng ta có một máy TV, điều chỉnh cho đúng tần số thì chúng ta thu được tiếng nói và hình ảnh đó và làm cho nó hiện ra trên màn hình.

Các Đấng thiêng liêng ở cõi rất thanh, rất vi diệu nên tần số rung động rất lớn so với cõi trần, nên các Đấng dùng ánh sáng có tần số rất cao để truyền tư tưởng. Những đồng tử phò cơ chấp bút là những người có năng khiếu đặc biệt tiếp nhận được các làn sóng ánh sáng ấy, hiểu biết được tư tưởng của các Đấng, nên tay viết ra thành một bài văn của các Đấng dạy đạo.

Đó là nguyên tắc cầu cơ hay chấp bút thường dùng.

Con người phàm chúng ta thì dùng làn sóng điện, vì làn sóng điện có tần số thấp, thích hợp với cõi trần trọng trược, còn các Đấng thiêng liêng thì dùng điển quang tức là ánh sáng với tần số rất cao thích hợp với cõi khinh thanh, để truyền tư tưởng.

TNHT: Còn việc truyền thần lấy điễn quang thì ai ai cũng có điển trong mình, nó tiếp điển ngoài rồi thần của nó viết ra, có khi trúng khi trật.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐIỆN

ĐIỆN

1.    ĐIỆN: Lễ sĩ dâng phẩm vật cúng tế theo cách thức đặc biệt của tôn giáo.
Td: Điện lễ, Điện Tiên hoa.

2.    ĐIỆN: 殿 Nơi trang nghiêm để thờ cúng các Đấng thiêng liêng.
Td: Điện tiền.

 

Điện lễ

奠禮

A: To offer a present with a special manner of Caodaism.

P: Offrir un present avec une manière spéciale du Caodaisme.

Điện: Lễ sĩ dâng phẩm vật cúng tế theo cách thức đặc biệt của tôn giáo. Lễ: nghi thức cúng tế.

Điện lễ là lễ sĩ dâng phẩm vật lên cúng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng theo cách thức đặc biệt của Đạo Cao Đài: Lễ sĩ mặc áo tràng rộng, màu vàng hay màu xanh, đội mão trắng của lễ sĩ, hai tay cung tròn đưa lên ngang mặt, cầm một cái đài trên đó có đặt phẩm vật dâng cúng, chân bước theo hình chữ tâm đi từ ngoại nghi vào nội nghi theo điệu trống và nhạc, với giọng thài của đồng nhi.

TNHT: Chừng nào nội xướng thì để cho Lễ Sanh (nay gọi là Lễ Sĩ) điện lễ, cúng vật thì để sẵn ngoài ba bàn.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Điện Tiên hoa - Điện Tiên tửu - Điện Tiên trà

奠仙花 - 奠仙酒 - 奠仙茶

A: To offer the fairy flowers - To offer the fairy wine  

P: Offrir des fleurs féeriques - Offrir de vin féerique 

Điện: Lễ sĩ dâng phẩm vật cúng tế theo cách thức đặc biệt của tôn giáo. Tiên: ở đây có nghĩa là cao quí, thanh khiết. Hoa: bông hoa. Tửu: rượu. Trà: nước trà.

Điện Tiên hoa là lễ sĩ dâng bông hoa tinh khiết (dùng đủ 5 sắc hoa tươi) từ ngoại nghi vào nội nghi để vị Chức sắc chứng đàn cầu nguyện dâng lên Đức Chí Tôn rồi đem đặt trên bàn thờ.

Mỗi khi điện lễ như vậy thì có 2 cặp lễ sĩ (gồm 4 lễ sĩ), phân làm hai bên, cặp đi đầu cầm đèn, gọi là cặp đăng; cặp đi kế cầm đài, trên đó có đặt cúng phẩm, gọi là cặp đài.

Điện Tiên tửu hay Điện Tiên trà thì cách thức cũng giống như Điện Tiên hoa, nhưng thay Hoa bằng Rượu hay Trà.

Trong cuốn Nghi Tiết Tiểu Đàn và Đại Đàn năm 1930, Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu chú thích như sau:

"Điện Tiên hoa: Trống đổ 3 hồi giót, vừa thấy Lễ sĩ cung tay rồi thì tiếp xây trống, đờn Đảo Ngũ Cung, hễ đờn vô xong thì chầu trống khởi đầu cho Lễ bước, rồi cứ xây đến 7 lá chầu lá 8, nghĩa là đủ một lớp đờn Đảo 8 câu thì chầu tiếp như vậy, cho đến Lễ sĩ dâng lễ tới nội nghi, day vô giữa thì thôi chầu, nhưng cứ đờn tiếp hoài (ấy là Thánh giáo của Đức Chí Tôn). Lễ sĩ cung tay lên đợi, dừng câu chầu, trống nhạc khởi đầu thì cũng khoát cẳng bìa (tả khoát tả, hữu khoát hữu), Lễ phải đi chữ Tâm.

Bước Lễ phải tùy câu trống, nhạc chầu 7 lá mà đi cho rập ràng. (Khoảng nầy, Đức Thái Thượng Lão Quân hằng dặn phải tập Lễ cho rập). Đồng nhi phải tùy bước đầu của Lễ mới khởi thài, nhưng phải có người thông thạo dìu dắt, đặng phân đường cho đồng nhi thài, thế nào trong 4 câu, Lễ sĩ tới bửu điện thì vừa dứt bài, đặng Lễ day vào giữa. Người dắt đồng nhi thài phải hiểu biết câu đờn cao thấp, đặng tùy giọng khởi đầu cho đồng nhi tiếp theo mới rập ràng với đờn, bằng không hiểu thì làm trái giọng, thêm loạn đàn. (Việc nầy rất khó, cần phải hỏi nhiều mới đặng)."

Hoa, Rượu, Trà là tượng trưng Tinh, Khí, Thần, là Tam thể xác thân của con người:

·         Hoa tượng trưng Tinh là xác thân phàm.

·         Rượu tượng trưng Khí là chơn thần.

·         Trà tượng trưng Thần là linh hồn.

1. Điện Tiên Hoa: Phải chuẩn bị một cái bình hoa nhỏ có cắm đủ 5 sắc hoa tươi, chuẩn bị thêm một trái cây đặt trên cái dĩa nhỏ. Lễ sĩ bên phải dâng hoa, Lễ sĩ bên trái dâng quả. Lễ sĩ điện, đồng nhi thài bài Dâng Hoa: Từ bi giá ngự...

Khi dâng hoa, chúng ta cầu nguyện: "Con xin dâng xác thân của con cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."

Đức Chí Tôn dùng Hoa tượng trưng thể xác của chúng ta vì Đức Chí Tôn muốn cho hình hài của con cái Ngài tốt đẹp như cái hoa vậy.

2. Điện Tiên Tửu: Phải chuẩn bị một cái nhạo đựng rượu trắng (bạch tửu) và một cái chung nhỏ đựng rượu. Lễ sĩ bên phải dâng chung rượu, Lễ sĩ bên trái dâng nhạo rượu. Lễ sĩ điện, đồng nhi thài bài Dâng Rượu: Thiên ân huệ chiếu . . . .

Khi dâng rượu, chúng ta cầu nguyện: "Con xin dâng chơn thần của con cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."

Đức Chí Tôn dùng Rượu tượng trưng chơn thần của chúng ta vì Đức Chí Tôn muốn cho chơn thần của các con cái của Ngài được cường liệt như rượu mạnh vậy.

3. Điện Tiên Trà: Phải chuẩn bị một bình trà nhỏ và một tách nước trà. Lễ sĩ bên mặt dâng bình trà, Lễ sĩ bên trái dâng tách trà. Lễ sĩ điện, đồng nhi thài bài Dâng Trà: Mai xuân nguyệt cúc...

Khi dâng trà, chúng ta cầu nguyện: "Con xin dâng linh hồn của con cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."

Đức Chí Tôn dùng trà tượng trưng linh hồn là muốn linh hồn của con cái Ngài được điều hòa và thơm tho như trà vậy.

Câu cầu nguyện chót nầy, chúng ta nên cầu nguyện chung: "Con xin dâng thể xác của con, chơn thần của con và linh hồn của con lên cho Đức Chí Tôn tùy phương sử dụng."

 

Điện Thờ Phật Mẫu

A: The temple of Buddha-Mother.

P: Le temple de Bouddha-Mère.

Điện: Nơi trang nghiêm để thờ cúng các Đấng thiêng liêng. Thờ: thờ phượng. Phật Mẫu: Đức Diêu Trì Kim Mẫu, chưởng quản Âm Quang và chưởng quản Kim Bàn.

Điện Thờ Phật Mẫu là tòa nhà lớn dùng làm nơi thờ Đức Phật Mẫu, Cửu Vị Nữ Phật và Chư Thánh Bạch Vân Động.

Gọi là Điện Thờ Phật Mẫu chớ không gọi Đền Thờ là vì lấy theo sự tích Hớn Rước Diêu Trì nơi Hoa Điện.

Hiện nay, Hội Thánh tạm thờ Đức Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ, vì Điện Thờ Phật Mẫu Trung Ương chưa được xây cất.

Điện Thờ Phật Mẫu Trung Ương sẽ có kiểu vở khác hẳn Báo Ân Từ, do các Đấng thiêng liêng giáng cơ chỉ dạy.

 

Điện tiền

殿前

A: Before the Altar.

P: Devant l'Autel.

Điện: Nơi trang nghiêm để thờ cúng các Đấng thiêng liêng. Tiền: trước.

Điện tiền là trước điện, tức là trước bửu điện thờ Đức Chí Tôn (hay Đức Phật Mẫu) và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

TNHT: Chư Tiên, chư Phật hầu lễ tại điện tiền...

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐIÊU

ĐIÊU

ĐIÊU: Héo rụng, tàn tạ.
Td: Điêu linh, Điêu tàn.

 

Điêu linh

凋零

A: To decay.

P: Dépérir.

Điêu: Héo rụng, tàn tạ. Linh: héo rụng. Linh đồng nghĩa với Điêu.

Điêu linh là tàn tạ, héo rụng, chỉ cảnh khốn đốn sắp mất.

TĐ ĐPHP: Giữa hồi nhơn tâm điên đảo, quyền hành tinh thần đạo đức điêu linh, tâm hồn loài người thống khổ,...

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Điêu tàn

凋殘

A: Faded, ruined.

P: Flétri, ruiné.

Điêu: Héo rụng, tàn tạ. Tàn: hư hại tan tác.

Điêu tàn là héo rụng tan nát.

TNHT: Để cho đến đỗi càng ngày càng tiều tụy mà ra một cảnh điêu tàn.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐIỀU

Điều đình

調停

A: To arrange.

P: Arranger.

Điều: làm cho hòa hợp. Đình: ngưng lại.

Điều đình là bàn tính để làm ngưng lại các sự tranh chấp và khiến đôi bên hòa hợp nhau.

TNHT: Thượng Trung Nhựt! Hiền hữu mang trách nhiệm lớn lao của Đại Từ Bi đặng phổ thông điều đình mối Đạo.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Điều trần

條陳

A: To expose in detail.

P: Exposer en détail.

Điều: một phần nhỏ trong vấn đề lớn. Trần: bày tỏ ra.

Điều trần là trình bày vấn đề theo từng phần chi tiết.

 

ĐIẾU

ĐIẾU

ĐIẾU: Viếng thăm nhà có tang, thương xót.
Td: Điếu khách, Điếu văn.

 

Điếu giả tất bái

弔者必拜

Điếu: Viếng thăm nhà có tang, thương xót. Giả: người. Tất: ắt hẳn. Bái: lạy.

Điếu giả tất bái là người đi viếng tang ắt phải lạy.

Người đến viếng tang, trước hết phải cúng Đức Chí Tôn để cầu nguyện Đức Chí Tôn ân xá tội tình cho linh hồn người chết và xin ban ơn cho linh hồn được siêu thăng.

Kế đó, đến trước bàn vong có đặt linh vị trước quan tài, thắp hương cầu nguyện vong linh nên luôn luôn hướng đến Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu cầu xin cứu độ.

Nếu vong linh là bạn hữu hay là người lớn hơn mình thì mình phải lạy. Khi lạy, tay phải bắt Ấn Tý, vì Ấn Tý là ấn đặc biệt của ĐĐTKPĐ:

·         Khi lạy vong phàm thì lạy 2 lạy quì và 2 lạy đứng.

·         Khi lạy bực Thần, Thánh thì lạy 3 lạy quì, không gật.

·         Khi lạy bực Tiên, Phật thì lạy 3 lại quì, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm danh hiệu của vong linh.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Điếu khách - Phúng điếu

弔客 - 賵弔

A: Visitor of condolences - To make a visit of condolences in offering gifts.

P: Visiteur de condoléances - Faire une visite de condoléances avec présents.

Điếu: Viếng thăm nhà có tang, thương xót. Khách: người khách. Phúng: đem lễ vật tới cúng người chết.

Điếu khách là người khách đến viếng tang và chia buồn.

Phúng điếu là đem lễ vật đến cúng người chết, thăm hỏi và chia buồn cùng tang quyến.

 

Điếu tang tất hữu ai

弔喪必有哀

Điếu: Viếng thăm nhà có tang, thương xót. Tang: cái lễ đối với người mới chết. Tất: ắt hẳn. Hữu: có. Ai: buồn thương.

Điếu tang tất hữu ai nghĩa là đi thăm hỏi nhà có người chết đang làm đám tang thì phải tỏ ra buồn rầu thương tiếc.

Muốn làm được điều đó, người viếng tang phải có thái độ trang nghiêm, không được cười giỡn ồn ào, nói chuyện um sùm, và ăn nhậu rượu thịt.

 

Điếu văn

弔文

A: The funeral oration.

P: L'oraison funèbre.

Điếu: Viếng thăm nhà có tang, thương xót. Văn: bài văn.

Điếu văn là bài văn đọc trước linh cữu của người chết, nhắc lại công nghiệp và tỏ lòng thương tiếc người chết.

Điếu văn còn được gọi là Bài Ai điếu.

Điếu văn thường được viết theo lối phú hay lối biền ngẫu, có vần điệu, đọc lên có thanh âm trầm bổng, giọng lâm ly thống thiết.

 

ĐÌNH

ĐÌNH

ĐÌNH: Ngừng lại.
Td: Đình án, Đình đãi.

 

Đình án

停案

A: To suspend a process.

P: Suspendre un procès.

Đình: Ngừng lại. Án: bản văn ghi kết quả giải quyết một vụ thưa kiện nơi tòa án.

Đình án là ngưng lại việc thi hành bản án để xem xét lại.

CG PCT: Khai Đạo, khi đặng tờ kêu nài cầu rỗi thì liệu như đáng rỗi thì nhứt diện tư tờ qua cho Tòa Tam Giáo CTĐ xin đình án, bao lâu tùy ý song chẳng đặng phép quá 15 ngày.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

Đình đãi

停待

A: To put off, to adjourn.

P: Remettre, ajourner.

Đình: Ngừng lại. Đãi: chờ đợi.

Đình đãi là ngưng lại và chờ đợi.

CG PCT: Khai Pháp,... như đáng việc thì tức cấp nhứt diện tư tờ cho CTĐ xin đình đãi nội vụ lại...

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

ĐỊNH

ĐỊNH

ĐỊNH: có hai nghĩa tùy trường hợp:

1.    ĐỊNH: Sắp đặt, quyết định.
Td: Định án, Định vị.

2.    ĐỊNH: Giữ cho yên.
Td: Định thần định tánh.

 

Định bá đồ vương

定霸圖王

Định: Sắp đặt, quyết định. Bá: vua đứng đầu một số nước chư Hầu. Vua một nước chư Hầu gọi là Công, Công phải chịu dưới quyền của Bá. Vương: Vua của toàn cả Bá và Công, gọi là Thiên Tử. Đồ: mưu tính. Đồ Vương: mưu tính việc làm vua.

Định bá đồ vuơng là sắp đặt và mưu tính việc làm vua.

Ý nói người anh hùng, đứng ra thâu phục nhơn tâm, tranh giành thiện hạ để mưu lập cơ nghiệp vĩ đại, làm vua làm chúa thiên hạ.

KTKVTH:

Sống thì định bá đồ vương,

Qui Thiên dựng lại miếu đường thuở xưa.

KTKVTH: Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.

 

Định phân

定分

A: To decide.

P: Décider.

Định: Sắp đặt, quyết định. Phân: chia ra từng phần.

Định phân là phân tích cho rõ ra để quyết định công việc

KTCMĐQL: E ra tử biệt, Thiên tào định phân.

KTCMĐQL: Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu.

 

Định phận

定分

A: To determinate one's lot.

P: Déterminer son sort.

Định: Sắp đặt, quyết định. Phận: số phận của mỗi người.

Định phận là sắp đặt cái số phận cho mỗi người.

KHP: Ở trước mắt Hồng Quân định phận.

KHP: Kinh Hôn Phối.

 

Định thần định tánh

定神定性

A: To fix the soul and mind.

P: Fixer l'âme et l'esprit.

Định: Giữ cho yên. Thần: chơn linh, tức là cái Tâm của con người. Tánh: chơn thần. Tánh tự Tâm sanh, Tâm là chơn linh thì tánh là chơn thần.

Định thần định tánh là giữ cho yên ổn chơn linh và chơn thần không cho xao động.

KTCMĐQL:

Xin Lịnh Cha định thần định tánh,

Noi khuôn linh nẻo Thánh đưa chơn.

KTCMĐQL: Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu.

 

Định tỉnh

Có hai trường hợp:

* Trường hợp 1: Định tỉnh

定醒

A: To recover oneself.

P: Se ressaisir.

Định: Giữ cho yên. Tỉnh: không mê, hiểu biết rõ mọi việc.

Định tỉnh là giữ tinh thần cho yên ổn để trí não sáng suốt trở lại mà hiểu rõ mọi việc.

KĐ1C: Hồn định tỉnh đã vừa định tỉnh.

* Trường hợp 2: Định tỉnh

定省

A: To be attentive to parents.

P: Prendre soin des parents.

Định: Giữ cho yên. Tỉnh: thăm hỏi cho biết.

Định tỉnh là nói tắt của thành ngữ: Thần hôn định tỉnh, Hôn định thần tỉnh 昏定晨省 hay Thần hôn, nghĩa là: buổi tối hầu cha mẹ cho ngủ yên giấc, buổi sáng thăm cha mẹ có yên ổn không, ý nói chăm lo săn sóc cha mẹ.

KĐ1C: Kinh Ðệ Nhứt cửu.

 

Định vị

定位

A: To determinate the situation.

P: Déterminer la situation.

Định: Sắp đặt, quyết định. Vị: ngôi vị, địa vị.

Định vị là sắp đặt ngôi vị cho mỗi người.

PMCK: Chí Công định vị vĩnh tồn Thiên cung.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

ĐỌA

ĐỌA

ĐỌA: Phạt xuống cõi thấp kém chịu hình phạt khổ sở.
Td: Đọa lạc, Đọa Tam pháp.

 

Đọa lạc

墮落

A: To fall down.

P: Tomber bas.

Đọa: Phạt xuống cõi thấp kém chịu hình phạt khổ sở. Lạc: rơi rụng.

Đọa lạc là phạt cho rơi xuống chỗ thấp kém khổ sở.

KCS: Vớt lê thứ khổ trần đọa lạc.

KCS: Kinh Cầu Siêu.

 

Đọa sa A Tỳ

A: To damn.

P: Damner.

Đọa: Phạt xuống cõi thấp kém chịu hình phạt khổ sở. Sa: (chữ nôm) rơi xuống. A Tỳ: tiếng Phạn là Avichi: Địa ngục vô gián, là cảnh giới Địa ngục đau khổ nhứt, tội nhân bị hành hình không hề gián đọan, để trừng trị những kẻ đại gian ác, đại bất lương.

Đọa sa A Tỳ là phạt cho rơi xuống Địa ngục A Tỳ.

KSH: Phạt người hung ác đọa sa A Tỳ.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Đọa tam đồ bất năng thoát tục

墮三途不能脫俗

A: To be punished 3 tours of metempsychosis, without going out from world.

P: Être puni à 3 tours de métempsycose, sans pouvoir sortir du monde.

Đọa: Phạt xuống cõi thấp kém chịu hình phạt khổ sở. Tam đồ: ba đường. Bất năng: không thể. Thoát tục: thoát ra khỏi cõi trần.

Đọa tam đồ bất năng thoát tục: Bị đày đọa chuyển kiếp 3 vòng luân hồi, không thể thoát khỏi cõi trần.

Ba vòng luân hồi là đi từ Kim thạch tiến hóa lên phẩm Người (1 vòng), rồi từ phẩm Người trở xuống làm Kinh thạch để tiến hoá lên phẩm Người lần thứ hai (2 vòng), rồi trở xuống lần thứ ba nữa mới dứt hình phạt. Mỗi vòng luân hồi như vậy phải hằng ngàn năm mới xong. Đó là một hình phạt rất nặng.

Bát Nương giảng giải về hình phạt nầy như sau:

"Thoảng như bị tận đọa tam đồ bất năng thoát tục thì chơn linh phải bị ngăn cản, không hiệp được với chơn thần, làm cho đệ nhị xác thân phải trở lại chuyển kiếp từ bực Kim thạch cho đến làm Người, và phải chuyển trở lại đủ ba vòng mới khởi lập công trở lại.

- Có phải ba vòng đều trở lại từ bực Kim thạch không?

- Phải vậy.

- Một vòng cũng đủ giác ngộ rồi,cần gì phải tới 3 vòng?

- Bởi phạm thệ Thiên điều, chớ không phải phạm tội. Phạm tội cũng có khi trở về Kim thạch chớ.

- Nếu phạm tội thì phạt tới Thú cầm là đủ, cần gì phải tới Kim thạch?

- Kiếp Hóa nhân thì về Quỉ vị, còn kiếp Nguyên nhân phải bị đọa như vậy mới sánh với Quỉ vị được chớ. Đó là Luật Thiên điều đã định. Dầu cho Nguyên nhân hay Hóa nhân cũng đồng hình phạt, lẽ công bình là đó." (Trích trong Luật Tam Thể)

TNHT: Như ngày sau phạm Thiên điều thề có Hộ Pháp đọa tam đồ bất năng thoát tục.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đọa tam pháp

墮三法

Đọa: Phạt xuống cõi thấp kém chịu hình phạt khổ sở. Tam Pháp: ba phép. Có hai trường hợp:

Đọa tam pháp là đọa tam đồ bất năng thoát tục. Đây là hình phạt đối với những người phạm Thiên điều. (Xem bên trên)

Đọa tam pháp là đọa vào ba đường ác. Đối với những người phạm vào thập ác và ngũ nghịch (nhưng không phạm Thiên điều) thì theo Phật giáo, bị đọa vào ba đường ác là: Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh, trong Lục đạo luân hồi. (Xem Lục đạo)

TNHT: Ai hữu phước thì địa vị đặng cao thêm, ai vô phần thì bị đọa tam pháp.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đọa trần

墮塵

A: To fall down to the vorld.

P: Tomber bas au monde.

Đọa: Phạt xuống cõi thấp kém chịu hình phạt khổ sở. Trần: bụi, chỉ cõi trần.

Đọa trần là phạt cho đầu kiếp xuống cõi trần.

Đó là nói về các bực Thần, Thánh, Tiên, Phật có lầm lỗi, bị phạt đọa xuống cõi trần để lo lập công bồi đức, tương công chiết tội mà trở về ngôi vị cũ.

TNHT: Bậc Chí Thánh dầu bị đọa trần, lòng hỡi còn nhớ hoài nơi Tiên cảnh.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐOÁI

ĐOÁI

ĐOÁI: Ngoảnh lại, nghĩ tới, tưởng đến.
Td: Đoái hoài, Đoái tình.

 

Đoái hoài

A: To look at with compassion.

P: Considérer avec compassion.

Đoái: Ngoảnh lại, nghĩ tới, tưởng đến. Hoài: nhớ tới.

Đoái hoài là tưởng nhớ mà quan tâm đến.

KSH:

Hoặc là đinh nhọn chông gai,

Mau tay lượm lấy đoái hoài kẻ sau.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Đoái tình

A: To have an affection for.  

P: Avoir l'affection de.

Đoái: Ngoảnh lại, nghĩ tới, tưởng đến. Tình: tình cảm thương mến.

Đoái tình là nghĩ tới tình cảm thương yêu thuở trước.

KTKVQL:

Bước Tiên nàng đã ngao du,

Đoái tình thương kẻ ôm cầu khóc duyên.

KTKVQL: Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.

 

ĐOAN

Đoan dương

端陽

Đoan dương là một tiết khí hậu nhằm ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Ngày nầy cũng là kỷ niệm ngày giáng sanh của Đức Phạm Hộ Pháp.

 

ĐOÀN

Đoàn Thị Điểm (1705-1748)


I. Thân thế:

Bà Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà Nữ sĩ, biệt hiệu là Ban Tang, quê quán ở làng Hiến Phạm (còn gọi là Giai Phạm, tên nôm là làng Giữa), huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Châu Giang tỉnh Hải Hưng. Bà chính họ là Đoàn, nhưng vì Bà lấy chồng họ Nguyễn (Ông Nguyễn Kiều), nên có sách chép Bà là Nguyễn Thị Điểm. Đây là một sai lầm đáng tiếc. Bà sanh năm Ất Dậu (1705), thời nhà Lê Trung Hưng, đời vua Lê Hy Tông, Chúa Trịnh là Định Vương Trịnh Căn và Chúa Nguyễn ở phương Nam là Nguyễn Phúc Chu.

Theo gia phả họ Đoàn, tằng tổ của Bà Điểm là Ông Lê Công Nẩm, làm quan võ tới chức Thái Thường Thị Thiếu Khanh, được tước phong Thiêm Hào Tử; nội tổ là Ông Lê Doãn Vi (có bản viết là Lê Công Vị), người có tài văn học, làm quan đến chức Xã quan; Thân phụ là Ông Lê Doãn Nghi, từng theo học với các vị Tiến Sĩ như Nguyễn Hanh (ở Hoa Cầu, huyện Văn Giang), Đoàn Tuấn Hòa (ở Cự Đồng huyện Siêu Loại), đậu Hương Cống (Cử Nhân) năm 21 tuổi, nhưng rớt kỳ thi Hội ở Thăng Long, bèn kiếm chỗ dạy học ở kinh kỳ để dồi mài kinh sử thêm nữa chờ khóa thi sau.

Ông Lê Doãn Nghi nằm mộng thấy một vị Thần bảo Ông đổi sang họ Đoàn thì mới hiển đạt. Do đó, từ đây, Ông đổi qua họ Đoàn, gọi là Đoàn Doãn Nghi.

Hiện nay ở huyện Châu Giang tỉnh Hải Hưng còn có ngôi thờ nhà họ Đoàn. Năm 1944, Trúc Khê Ngô Văn Triện (người ở ngoại thành Hà Nội) có tới thăm ngôi thờ nầy và có ghi được đôi câu đối:

Vũ liệt văn khôi quang thế phả,

Lê tiền Đoàn hậu ký Thần ngôn.

Tạm dịch:

Võ giỏi văn tài ngời phả họ,

Lê xưa Đoàn mới nhớ lời Thần.

Năm Ông Đoàn Doãn Nghi được 20 tuổi, ở tại quê nhà, Ông có lấy một người vợ họ Nguyễn, sanh được một người con trai tên Đoàn Doãn Sỹ, sau Đoàn Doãn Sỹ cũng thi đậu Hương Cống và làm Tri Huyện tại Châu Hoan (Nghệ An).

Khi Đoàn Doãn Nghi dạy học ở Thăng Long, Ông có lấy thêm một bà vợ nữa là con gái của quan Thái Lĩnh Bá họ Vũ, nhà ở phường Hà Khẩu, gần Hồ Hoàn Kiếm. Nguyên vào một buổi tối rằm Trung Thu, Ông Hương Cống họ Đoàn cùng mấy người bạn đi xem bày cỗ triển lãm Trung Thu ở kinh thành, thấy nơi đây có một cô gái xinh đẹp rất có duyên thì đâm ra mê mẩn, liền cậy người mối lái đến hỏi cưới.

Năm 1703, người vợ họ Vũ nầy sanh được một con trai đầu lòng, đặt tên là Đoàn Doãn Luân; qua hai năm sau, năm 1705, sanh thêm một đứa con gái đặt tên là Đoàn Thị Điểm.

Hai anh em Luân và Điểm, từ bé được nuôi dưỡng ở gia đình ông bà ngoại là quan Thái Lĩnh Bá. Quê của họ Vũ ở làng Vũ Điện, huyện Nam Xương, nên ngay từ tấm bé, hai anh em thường được nghe mẹ và bà ngoại kể chuyện Thiếu phụ Nam Xương là nàng Vũ Thị Thiết nổi danh tiết liệt.

Cô Điểm, mặc dầu là gái nhưng rất được gia đình nâng niu, ngay từ thuở nhỏ được học chữ nghĩa giống hệt như anh Luân, học đủ Ngũ Kinh và Tứ Thư. Ngoài ra Cô Điểm còn được mẹ dạy nghề Nữ công làm những món khéo léo đặc biệt để tham dự hội Triển Lãm như: Những khúc mía được làm thành lầu cao gọi là Đài Chín Từng, những trái hồng ngâm dùng làm hình các Cô Tiên múa nón trong đêm Hội Long Trì, những vỏ trái bưởi được cắt xếp thành hình hoa quỳnh, v.v...

Hai anh em Luân và Điểm lớn lên đều có dáng người đẹp đẽ, tư chất thông minh vượt bực và có văn tài đặc biệt.

Đoàn Doãn Luân được thân phụ dạy cho chữ Hán ngay từ lúc 3 tuổi, đến khi 5 tuổi thì biết ráp thành câu, đến năm 10 tuổi thì học thông Kinh Sử, đến tuổi trưởng thành thì thi đậu Hương cống, nhưng sau đó lại rớt kỳ thi Hội.

Đoàn Doãn Nghi hỏi cưới con gái của bạn học cho con trai của mình. Bạn học ấy tên là Lê Hữu Hỷ, có bản chép là Lê Hữu Mưu. Hỷ và Mưu là 2 anh em ruột. Con gái của Hỷ tên là Lê Thị Vy. Sau lễ Hỏi ít lâu, chẳng may Cô Vy bị bệnh đậu mùa, cứu sống được nhưng mặt bị rỗ hoa, chân tay lóng cóng. Bên nhà gái thấy vậy cho người sang xin hủy bỏ cuộc hôn nhân nầy vì e rằng không đảm bảo hạnh phúc vợ chồng. Nhưng Đoàn Doãn Luân nhứt quyết giữ hạnh quân tử, một dạ thủy chung, không đổi ý vì sắc đẹp, làm mọi người đều kính phục.

Lê Thị Vy về nhà họ Đoàn, gặp hoàn cảnh nhà chồng mẹ hiền em thảo, hết lòng giúp đỡ mọi việc trong nhà.

Năm 1726, vợ Doãn Luân sanh đặng con gái đầu lòng, đặt tên là Đoàn Lệnh Khương, ba năm sau sanh thêm một trai đặt tên là Đoàn Doãn Y. Ngay từ khi lọt lòng, hai cháu Khương và Y đều được cô ruột là Điểm chăm sóc tận tình.

Đoàn Thị Điểm là một giai nhân đức độ, có tư cách cao thượng, văn tài càng lúc càng thêm lỗi lạc.

Năm 16 tuổi, Cô Điểm nổi tiếng là một tài nữ trẻ tuổi. Quan Thượng Lê Anh Tuấn, vốn đã quen biết nhiều với Đoàn Doãn Nghi, mến tài văn chương và đức hạnh của Cô Điểm nên nhận Cô làm con nuôi. Kể từ đó, Cô Điểm về ở nhà của dưỡng phụ tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long. Quanh đây toàn là dinh thự của các quan lớn trong triều như dinh quan Tham Tụng Nguyễn Công Hãn,... Quan lại khắp nơi đều luôn luôn lui tới các nhà quan Đại Thần ở phường Bích Câu để cầu cạnh chức tước bổng lộc; còn các văn nhân lui tới để tìm thầy và tìm bạn luyện tập văn bài, chờ khi ứng thí. Đó là dịp để Cô Điểm quen biết nhiều người có danh vọng, có khoa bảng, cũng chính vì vậy mà tiếng tăm về tài ứng đối văn chương và về hoa tay khéo léo của tài nữ họ Đoàn được đồn vang.

Có một lần quan Tham Tụng Nguyễn Công Hãn sang chơi bên dinh của Thượng Thơ Lê Anh Tuấn, thấy Cô Điểm đang đi một mình bên bờ dậu, ông dừng lại, bảo Cô Điểm làm câu đối lấy đề tài là đi một mình. Chỉ giây lát, Cô Điểm đọc:

Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu,

Truy tùy tả hữu cổ quăng thần.

Dịch nghĩa:

Bàn chuyện xưa nay, tim bụng là bạn,

Đi theo trái phải, tay chân là bề tôi.

Ông Hãn đã đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, thường tự phụ về tài mẫn tiệp của mình, nay thấy Cô Điểm chưa đầy 20 tuổi mà làm được như vậy thì Ông vô cùng kinh ngạc, khen ngợi luôn miệng, thưởng cho Cô 10 quan tiền và chúc mừng Lê Anh Tuấn có phước.

Trong thời gian ở nhà dưỡng phụ, Cô Điểm có dịp đọc được rất nhiều sách quí báu trong kho sách của quan Thượng Thơ, nhờ vậy mà kiến thức của Cô Điểm trở nên rộng rãi hơn trước nhiều. Dưỡng phụ của Cô muốn cho Cô có dịp đem tài năng thi thố nên tiến cử Cô vô cung Chúa Trịnh để dạy các cung nữ, nhưng Cô nhứt định từ chối, vì không muốn bị gò bó trong chốn triều đình.

Cô Điểm có thêu ba cái túi đựng trầu cau rất đẹp để đeo bên cạnh dây lưng:

Chiếc túi thứ nhứt thêu hình ba cây Tùng Trúc Mai, phía dưới có thêu hai chữ Tam Hữu; chiếc túi thứ nhì thêu hình Bát Quái, đặc biệt chiếc túi thứ ba thêu hai câu thơ của Lý Bạch đời Đường:

Đãn sử chủ nhân năng túy khách,

Bất tri hà xứ thị tha hương.

Tài nữ công của Cô Điểm được các Tiểu thư phường Bích Câu rất khâm phục, nên nhiều cô đến xin học tập.

Thân phụ của Cô Điểm, Ông Đoàn Doãn Nghi được bạn bè khuyên nên nhận một chức quan nhỏ, nhưng Doãn Nghi với tính phóng khoáng, không quen gò bó luồn lụy, nên không chịu nhận, và Ông chọn con đường dạy học. Hơn nữa, Ông thấy con là Doãn Luân đã đỗ Hương Cống rồi, tuy rớt thi Hội, nhưng còn trẻ, chắc sau nầy có thể đậu được, còn con gái là Cô Điểm thì đã có nơi quyền quí để nương tựa, bề gia thất sau nầy cũng dễ, nên Đoàn Doãn Nghi chuyển đi dạy học ở thôn Lạc Viên, huyện An Dương, nay thuộc Hải Phòng.

Dạy học ở Lạc Viên được vài năm, Đoàn Doãn Nghi đau bịnh và mất tại đây, vào năm 1729. Anh em Luân và Điểm đưa xác cha về an táng tại quê nhà. Nhiều học trò của Ông Nghi góp tiền làm một nhà thờ, và dựng mộ bia cho thầy học. Bia dựng năm Kỷ Dậu (1729), thời vua Lê Vĩnh Khánh.

Nhân tiện chuyến nầy, Đoàn Doãn Luân đưa vợ con về ở luôn quê nhà là làng Hiến Phạm, sau đó lại chuyển qua ở làng Vô Ngại gần bên.

Lúc nầy, Đoàn Thị Điểm cũng xin với dưỡng phụ cho phép về quê nhà đặng săn sóc mẹ già, giúp anh và chị dâu quán xuyến công việc gia đình.

Đoàn Doãn Luân mở trường dạy học. Chị dâu trước đây là một tiểu thư khuê các, nhưng vì bịnh đậu mùa làm cho gương mặt trở nên xấu xí, tay như có tật, nên Cô Điểm đứng ra thay thế chị dâu lo việc tề gia nội trợ, lại giúp anh trong việc giao thiệp với bên ngoài. Cô Điểm tỏ ra rất đảm đang và lịch thiệp trong mọi công việc. Mỗi khi anh Luân đau ốm, Cô thường thay thế anh Luân giảng sách cho đám học trò.

Nhiều giai thoại văn chương rất lý thú xảy ra trong giai đoạn nầy còn ghi chép trong sách vở. (Xem ở phần sau).

Gia đình họ Đoàn đang sống an vui như thế thì Đoàn Doãn Luân bị bạo bịnh đột ngột từ trần, để lại hai đứa con thơ chưa đầy 10 tuổi với một người vợ gần như tật nguyền, và một mẹ già tóc bạc. Năm đó là năm 1735.

Đoàn Thị Điểm đọc một bài văn tế trước quan tài của anh rất lâm ly thống thiết, nhắc lại cảnh gia đình đơn chiếc, ai nấy đều cảm động không cầm được giọt lệ. Cô Điểm và chị dâu đưa xác anh về an táng nơi quê nhà, kế mộ phần của cha.

Gia cảnh bây giờ rất hiu quạnh, chị dâu thì thiếu đảm đang, lại mất sinh kế nuôi sống gia đình. Cô Điểm phải mở tiệm xem mạch và hốt thuốc Bắc cho dân quanh vùng. Cô có tay phục dược, người đến xem mạch hốt thuốc khá đông, nhờ vậy có đủ tiền nuôi mẹ, lo cho hai cháu và chị dâu được tươm tất. Đối với mẹ thì Cô Điểm trọn hiếu, đối với chị dâu thì trọn nghĩa, nuôi dạy hai cháu khôn lớn nên người.

Trong thời gian nầy, nhiều người đem lễ vật trọng hậu tới cầu hôn, nhưng Cô Điểm nhứt định từ chối. Cô rất kén chồng vì Cô gồm đủ tài sắc và đức hạnh. Cô kén một người chồng có tài đức tương xứng với Cô, chớ không nghĩ đến giàu sang hay chức tước. Cô rất ghét bọn giàu có mà dốt nát. Nhiều người có quyền thế tìm cách bắt ép Cô phải ưng họ, nhưng Cô cương quyết không chấp nhận và tìm cách tránh né. Việc nầy đã làm Cô bực mình không ít. Một việc đáng ghi nhớ là quan Bính Trung Công Vũ Tất Thận, cậu ruột của Chúa Trịnh Doanh định làm lễ rước dâu bắt cóc Cô Điểm. Ông tổ chức một lễ rước dâu với đầy đủ nghi tiết mà không cho gia đình Cô Điểm biết trước, thình lình đi đến nhà Cô Điểm. Ông sắp đặt sẵn với đám gia nhân, xông đại vào nhà, bắt ép Cô Điểm mặc áo cô dâu vào, rồi đỡ Cô ra kiệu rước về phủ. Cô Điểm như đã có chuẩn bị trước, liền bình tỉnh đi ra nhà sau, mặc giả dạng là đầy tớ đi mò cua, bùn đất dính đầy quần áo, mặt mày tèm lem, đội nón rách đi thẳng ra cổng rồi lánh mặt sang làng bên. Thế là quan Bính Trung Công bị một phen mắc lỡm.

Nhân dịp có người tiến cử Cô Điểm vào cung Chúa Trịnh để dạy học, Cô Điểm không từ chối như lần ở với dưỡng phụ, liền nhận lời để khỏi phải lo đối phó với những kẻ không xứng đáng đến cầu hôn hoài.

Trong thời gian làm việc trong cung, Cô luôn luôn liên lạc với gia đình để cung cấp tiền bạc nuôi mẹ già, chị dâu và hai cháu. Nhưng khi ở trong cung, Cô lại thấy rõ những điều xấu xa bỉ ổi trong đám quan lại, sự thối nát của triều đình, nên Cô chán nãn xin trở về quê nhà.

Lúc bấy giờ, giặc giã nổi lên đánh phá khắp nơi, Cô Điểm cùng mẹ, chị dâu và hai cháu phải bỏ làng Vô Ngại, tản cư đến làng Chương Dương bên bờ sông Nhị Hà, gần Hà Nội. Năm ấy là năm 1739, Cô Điểm được 35 tuổi.

Cô không muốn làm nghề xem mạch hốt thuốc nữa, vì không phải là chí hướng của Cô, mà chí hướng của Cô là mở trường dạy học, mong đem hết sở học bình sanh truyền lại cho thế hệ sau, đào tạo lớp người mới, vừa có kiến thức cao, vừa có đạo đức để giúp dân giúp nước. Cô rủi sanh làm phận Nữ lưu, nên dù học hành tài giỏi đến bực nào đi nữa cũng không được phép ra ứng thí để thi thố tài năng, nên việc mở trường dạy học là một lối thoát cho tinh thần của Cô, và Cô cũng nhận thấy, từ trước tới nay chưa có một phụ nữ nào dạy học mà có học trò thành đạt cả. Cô quyết tâm làm nên sự lạ, nên xin mở trường dạy học đào tạo nhân tài. Đúng với lòng mong ước của Cô, trong số học trò, có Đào Duy Doãn ở làng Chương Dương, sau nầy thi đậu Tiến Sĩ năm 1763 (nhưng rất tiếc Cô Điểm không hưởng được niềm vui nầy vì Cô đã mất năm 1748).

Trong thời gian Cô Điểm dạy học, ông Nguyễn Kiều nhiều lần đến xin cầu hôn. Năm đó Cô Điểm 37 tuổi.

Ông Nguyễn Kiều, hiệu là Hạo Hiên, sanh năm 1695 (lớn hơn Cô Điểm 10 tuổi), tại làng Phú Xã huyện Hoài Đức, 18 tuổi đậu Giải Nguyên, 21 tuổi đậu Tiến Sĩ, là người có tài văn học lỗi lạc.

Năm 1717, Nguyễn Kiều được bổ làm quan Đốc Đồng ở Nghệ An, và năm 1736 được thăng chức Thị Lang. Ông là bậc danh nho nổi tiếng từ thời còn trẻ, văn hay chữ tốt, sớm đỗ đại khoa nên tính khí có phần kiêu ngạo. Nhiều nhà quyền quí gọi Nguyễn Kiều đến gả con gái cho. Vợ đầu tiên của Nguyễn Kiều là Cô Lê Thị Hằng, con gái của quan Thượng Thơ Lê Anh Tuấn, dưỡng phụ của Cô Điểm. Cô Hằng mất sớm và không có con. Người vợ kế là Cô Đoan, con gái của quan Tham Tụng Nguyễn Quí Đức. Cô Đoan sanh được hai con trai và một con gái, rồi cũng qua đời lúc chưa tới 30 tuổi.

Sách Đoàn Thị Thực Lục chép việc Ông Nguyễn Kiều cầu hôn Cô Điểm như sau: "Một hôm Cô đang giảng bài cho học trò thì từ ngoài có một người vén rèm bước vào, theo sau có vài đầy tớ mang cái quả sơn son thếp vàng, trong quả có một phong thơ dán kín. Bức thơ nầy là của quan Thị Lang, người làng Phú Xã, tên là Nguyễn Kiều gởi thơ đến cầu hôn. Cô Điểm chép miệng than rằng: Lúc trẻ ta mong được người nầy đến cầu hôn. Đã trải qua hơn 20 năm, ta không bao giờ nghĩ tới nữa. Ta từng nhủ lòng, hạng người tài tử giai nhân rất hiếm trên đời nầy. Tốt hơn ta nên rửa lấy lòng trần, an nhàn nuôi lấy khí tượng thanh bình."

Cô Điểm còn đang suy nghĩ chưa vội trả lời thì chừng 10 ngày sau, Nguyễn Kiều lại sai người mang thơ đến nữa. Trong bức thơ kỳ nầy, lời lẽ rất khẩn thiết chân thành, có đoạn như sau: "Tôi rất bận việc quan, lại phải lo chuẩn bị lên đường, việc nhà không ai coi sóc và cai quản. Tôi nghĩ rằng Cô cùng nội trợ tôi vốn trước có tình nghĩa chị em, nếu Cô vui lòng đùm bọc cho nội trợ tôi thì thật là may mắn cho cả nhà tôi đó."

Cô Điểm đọc thơ lần nầy có vẻ cảm động, nhưng vẫn chưa muốn đem mình vào cuộc hôn nhơn muộn màng, gây thêm phiền nhiễu, nhưng mẹ già và cả gia đình đều muốn Cô chấp nhận, nên Cô Điểm bằng lòng kết hôn với Nguyễn Kiều, lúc đó là năm 1743, Cô Điểm được 39 tuổi.

Bà Đoàn Thị Điểm về nhà chồng, sống với chồng rất tâm đầu ý hợp, khi rảnh thường hay xướng họa thơ văn. Nhưng chưa đầy một tháng sau thì quan Thị Lang Nguyễn Kiều được lịnh vua làm Chánh Sứ sang triều cống nhà Thanh. Ông phải từ giã Bà để phụng chiếu ra đi. Lệ thường, đi sứ như vậy trong vòng 2 năm thì trở về tới nhà, nhưng lần nầy, khi sứ bộ trở về tới Quảng Tây, gặp lúc dân chúng vùng nầy nổi lên chống nhà Thanh nên bị nghẽn đường. Sứ bộ VN phải lưu lại cả năm trời, chờ cho đến khi yên giặc. Trong thời gian nầy, Nguyễn Kiều làm nhiều bài thơ, gởi hồn mộng nhớ nhung đến người vợ mới cưới nơi quê nhà, nhứt là trong những ngày Tết tha hương:

Tứ thơ niềm khách bên đèn mộng,

Tiếng pháo hò xe rộn ngõ ngoài.

Trong lúc Nguyễn Kiều đi sứ Trung Hoa, ở nhà, Bà Đoàn Thị Điểm, khi thì ở bên nhà chồng săn sóc ba đứa con của chồng trong đời vợ trước, khi trở về nhà mẹ ruột thăm hỏi mẹ già, cùng chăm nom hai đứa cháu kêu bằng Cô ruột.

Trong khoảng thời gian nầy, ông Đặng Trần Côn có gởi đến cho Bà xem thi phẩm của ông: Chinh Phụ Ngâm viết bằng Hán văn. Bà đọc say mê, vì tác phẩm nầy hay quá! Bà cảm thấy nỗi lòng của nàng chinh phụ trong tác phẩm giống hệt tâm trạng của Bà trong lúc nầy. Cho nên Bà đem hết sự rung động trong lòng về nỗi cô đơn, nhớ nhung, lo lắng cho chồng mà dịch ra thơ nôm bản Chinh Phụ Ngâm Hán văn của Đặng Trần Côn. (Xem phần sau: Tâm trạng Bà Đoàn khi diễn nôm Chinh Phụ Ngâm).

Chính tác phẩm Chinh Phụ Ngâm diễn nôm nầy đưa tên tuổi Đoàn Thị Điểm lên đỉnh cao trong nền văn học nước nhà.

Ngày Nguyễn Kiều đi sứ trở về, vợ chồng sum họp sau hơn ba năm xa cách nhớ nhung, Bà Đoàn trao cho chồng xem bản diễn nôm Chinh Phụ Ngâm như là bức tâm thơ bày tỏ tất cả nỗi niềm thương nhớ chồng sau hơn ba năm xa cách. Nguyễn Kiều xem xong rất cảm động và kính phục tài năng của vợ.

Chuyến đi sứ thành công, Nguyễn Kiều được vua khen thưởng và cho thăng quan tiến chức. Ít lâu sau, ông được bổ làm Tham Thị ở Nghệ An.

Thế là Nguyễn Kiều chuẩn bị đi vào Nghệ An nhậm chức. Ý của Bà Đoàn không muốn theo chồng vào Nghệ An, vì ở nhà còn mẹ già và các cháu thiếu người chăm sóc, cũng như linh tính báo cho Bà biết có điều gì không lành trong chuyến đi nầy xảy đến cho Bà, nhưng Nguyễn Kiều hết lời nài nỉ đem Bà đi theo. Cuối cùng Bà phải chiều chồng, làm bổn phận người vợ tùng phu, xuống thuyền cùng chồng đi vào Nghệ An, với nỗi lòng lo âu buồn bã.

Thuyền xuôi dòng sông Nhị Hà, theo cửa bể Thần Phù để vào sông Chính Đại. Lúc thuyền đến bến Đền Sòng, nơi thờ Công Chúa Liễu Hạnh, Bà bị cảm rất nặng. Biết mình không thể sống được, Bà trăn trối cùng chồng: Chàng nên cố gắng lo tròn việc nước để trở về kinh sớm ngày nào tốt ngày đó, chớ nên ở lâu nơi chốn biên thùy nầy mà dấn thân vào nơi gió bụi hiểm nguy.

Trối xong, Bà từ trần, lúc đó là ngày 11 tháng 9 năm Đinh Mão (1748), hưởng được 44 tuổi. Bà chưa có con với Nguyễn Kiều.

Nguyễn Kiều vô cùng thương tiếc người vợ tài ba lỗi lạc mà lại vắn số. Ông quàn quan tài vợ tại Nghệ An đến một tháng sau mới đưa linh cữu trở về quê nhà của Bà an táng.

Trong thời gian nầy, ông lập đàn cúng tế rất nghiêm bên bờ sông để tế lễ Bà. Ông đọc một bài văn tế rất bi ai thống thiết bằng Hán văn, được ông Hoàng Xuân Hãn diễn nôm trong cuốn Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, chép ra sau đây:

Ô hô! Hỡi nàng! Huệ tốt lan thơm!

Phong tư lộng lẫy, cử chỉ đoan trang,

Nữ đức trọn vẹn, tài học ngõ ngàng.

Giáo mác, ấy bàn luận,

Gấm vóc, ấy văn chương.

Nữ trung, rất hiếm có như nàng.

Sao mà lại,

Gia thất chậm hơn Mạnh Quang,

Con cái hiếm hơn Trang Khương,

Dứt tuổi Từ Phi, vui tài Ban Nương.

Sao hóa cơ khó đoán,

Mà Thiên mệnh phi thường lắm thay!

Xưa nghe được tiếng nàng,

Bèn kết thân hai họ.

Nàng về nhà tôi, vẹn tròn đạo vợ,

Việc bút nghiên tài lạ hằng chuyên,

Nghề kim chỉ tay sành chẳng bỏ.

Thường thường đàm luận cổ thi,

Ngày ngày xướng thơ họa phú.

Ba năm đi sứ Bắc, mày liễu buồn chau,

Năm Sửu trở về nhà, mặt hoa cười nở.

Lúc rảnh việc, cùng vui thú văn hàn,

Mới có chỉ sai trở vào xứ Nghệ.

Non sông chẳng ngại đường dài,

Tần tảo quyết theo nội trợ.

Đường sông nghìn dặm gian nan,

Doanh liệt ba tuần tới đó.

Một bệnh càng thêm, trăm phương khó chữa,

Đào chưa quả đã vội khô,

Quế đang thơm mà đã rủ!

Rừng sâu bể rộng, nàng hỡi đi đâu?

Ngọc nát châu chìm, lòng tôi quặn nhớ.

Những muốn chèo thuyền lan mà sớm phát,

Đưa giá liễu chóng về,

Hẹn lại quê nhà an táng.

Dốc đem ý hậu theo đi.

Nhưng, nghĩa cùng thời trái việc hẳn lòng tùy,

Nửa bước khó dời trấn sở.

Một thân khó vẹn công tư.

Lối về trên bến, tạm dựng bàn thờ,

Lệ tiễn hai hàng chan chứa,

Tình thương một lễ đơn sơ,

Sóng gió xin đừng kinh sợ,

Đường đi chớ ngại rũ rờ.

Hương hồn nàng yên nghỉ,

Cố ấp tôi hằng mơ.

Thượng hưởng!

II. Sự nghiệp văn chương:

Những bài thơ xướng họa:

Bà Đoàn Thị Điểm, những khi nhàn hạ lúc thiếu thời, Bà thường ngâm vịnh với phụ thân và với anh trai Đoàn Doãn Luân. Khi có chồng thì ngâm vịnh với chồng.

Các bài thi ngâm vịnh nầy có đến mấy trăm bài, thường viết bằng chữ Hán, hiện nay hầu như thất lạc hết cả.

Có vài đoạn còn sót lại, do ông Bùi Hạnh Cẩn sưu tầm và dịch ra thơ Nôm:

HỨNG THU

Thu về gió mát nhẹ mưa bay,

Muôn mảng thơm trong ắp chén đầy.

Trời biển chừng nhiều đàn sáo nổi,

Cuộc đời may có chuyến chơi nay.

NIỀM VUI DẠO ĐÊM

Sao nhỉ! Đêm Xuân đốt đuốc chơi,

Sáng như ngày hửng, quế thơm trời.

Cầu Ngân bến Hán treo cao nhịp,

Phách ngọc đầu thu tỏa ánh ngời.

Đồng nội trước nay nhìn chả khác,

Phồn hoa vua chúa đất xưa thôi.

Hứng về chẳng quản sông hồ lạ,

Một mái chèo thênh chuốc rượu mời.

Văn phẩm:

Sau khi thân phụ mất, Bà Đoàn Thị Điểm về quê nhà săn sóc mẹ già, sống chung với anh và chị dâu. Trong thời gian nầy, Bà có viết tập sách Truyền Kỳ Tân Phả hay Tục Truyền Kỳ bằng Hán văn, viết nối tiếp sách Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ. Tác phẩm nầy được biên soạn rất công phu, nội dung viết về những người phụ nữ tài giỏi và tiết liệt, được anh của Bà là Đoàn Doãn Luân, hiệu là Tuyết Am, tự là Đạm Như Phủ, viết lời phê bình.

Tác phẩm Tục Truyền Kỳ, gồm có 6 truyện, kể ra:

·         Bích Câu Kỳ Ngộ, chuyện nàng Tiên trong tranh là Giáng Kiều và chàng hàn sĩ Tú Uyên ở phường Bích Câu. (Chuyện nầy về sau được viết lại bằng văn Nôm theo thể văn vần, không biết tác giả).

·         Hải khẩu Linh Từ (Nữ Thần Chế Thắng).

·         Hoành Sơn Tiên Cục (cuộc cờ Tiên trên núi Hoành Sơn)

·         Vân Cát Thần Nữ (Công Chúa Liễu Hạnh).

·         An Ấp Liệt Nữ (chuyện người vợ của Tiến Sĩ Đinh Nho Hoàn).

·         Nghĩa khuyển khuất miêu (chó khôn bắt mèo).

Trong quyển "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí", Ông Phan Huy Chú ca ngợi tác phẩm Tục Truyền Kỳ như sau: Lời văn trau chuốt, ý chuyện dồi dào.

Về sau, Bà có chồng là Ông Nguyễn Kiều, trong thời gian Ông Nguyễn Kiều đi sứ sang Tàu và bị kẹt ở bên đó ba năm, Bà ở nhà diễn Nôm tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Hán văn của Đặng Trần Côn. Văn chương trong tác phẩm nầy rất hay, lời thơ đẹp đẽ đầy âm điệu, diễn tả sống động hình ảnh của nàng chinh phụ.

Khúc ngâm Chinh Phụ nầy chỉ có 412 câu thơ song thất lục bát, nhưng thể hiện được tài năng xuất chúng của Bà Đoàn Thị Điểm, đưa Bà lên địa vị cao trong nền văn học VN.

III. Tâm Trạng của Bà Đoàn Thị Điểm khi diễn nôm Chinh Phụ Ngâm:

Đoàn Thị Điểm khi còn là thiếu nữ, lúc ở nhà của dưỡng phụ Lê Anh Tuấn tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long, có dịp gặp Đặng Trần Côn. Côn nhỏ hơn Cô Điểm chừng hai tuổi, con nhà quí tộc, quê ở Kẻ Mục Hạ Đình. Đó là một trang thiếu niên anh tuấn tài hoa, năm 15 tuổi đã đậu Hương Cống.

Côn rất quí mến Cô Điểm về nhan sắc cũng như về tài văn chương, nên có gởi đến Cô Điểm một bài thơ tỏ ý cầu hôn.

Cô Điểm không trả lời nhưng nói đùa với chị em bạn:

- Cái Ông Cống Đặng, miệng còn hôi sữa, làm thơ chưa xong mà lại đi nói chuyện vợ chồng.

Đặng Trần Côn nghe thuật lại thì tức lắm, nên cố gắng miệt mài đèn sách, cố đậu cho được Tiến Sĩ trong kỳ thi Hội.

Đầu niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê Trung Hưng, gặp buổi chiến tranh ly loạn, trai tráng bị bắt đi lính đánh giặc phương xa, gây cảnh biệt ly đau đớn cho nhiều gia đình, Ông Đặng Trần Côn cảm xúc, đem hết sức học bình sanh viết nên tác phẩm Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn theo thể thơ xưa Cổ Nhạc Phủ. Khi viết xong, Đặng Trần Côn đưa tác phẩm nầy cho Ông Ngô Thời Sĩ xem. Ông Sĩ xem xong lấy làm thán phục nói rằng: "Văn chương đã tới mức nầy thì Lão Ngô tôi chỉ còn biết bái phục mà thôi."

Ông Đặng Trần Côn sau đó gởi tác phẩm nầy đến cho Bà Đoàn Thị Điểm xem, ngụ ý cho Bà biết rằng, trước đây Bà xem thường ông là lầm to. Lúc nầy Bà Điểm đã lấy chồng là Nguyễn Kiều, và ông Kiều đang đi sứ sang Tàu, bị kẹt ở lại bên đó vì giặc giã cắt đứt đường giao thông, nên chưa trở về Việt Nam được. Bà Điểm xem xong tác phẩm Hán văn của Đặng Trần Côn thì rất phục tài văn chương của họ Đặng, lại thấy tâm sự của nàng Chinh phụ trong tác phẩm giống y hệt tâm sự của Bà lúc đó: Chồng đi sứ sang Tàu giống như đi lính thú chinh chiến ngoài biên thùy, Bà ở nhà lòng nhớ nhung lo lắng cho chồng không nguôi, lại còn lo phụng dưỡng mẹ già, nuôi nấng và dạy dỗ đàn con thơ của chồng xem như con ruột.

Tâm hồn của người Nữ sĩ rung động, và cũng muốn đáp lại tấm tình cảm của Đặng Trần Côn khi trước, Bà đem hết sự xúc cảm của tâm hồn, diễn nôm tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Hán văn của Đặng Trần Côn, theo lối thơ trữ tình hoàn toàn Việt Nam là song thất lục bát.

- Lòng nhớ nhung của Bà đối với chồng khi chồng phụng mạng đi sứ sang Bắc Kinh, giống hệt tâm trạng của nàng Chinh phụ nhớ mong chồng đang đánh giặc ngoài quan ải, nên Bà diễn Nôm đoạn nầy rất tuyệt diệu:

169.


172

Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá,
Gương lầu Tần dấu đã soi chung.
Cậy ai mà gởi tới cùng,
Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư.




176.

Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía,
Ngọc cài đầu thuở bé vui chơi.
Cậy ai mà gởi tới nơi,
Để chàng trân trọng dấu người tương thân.

233.


236.

Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?
Nếm chua cay, tấm lòng mới tỏ,
Chua cay nầy há có vì ai?
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi,

253.


256.

Nếm chua cay, tấm lòng mới tỏ,
Chua cay nầy há có vì ai?
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi,
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề.




260.

Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng,
Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn.
Duy còn hồn mộng được gần,
Đêm đêm thường đến Giang Tân tìm người.

- Trong lúc vắng chồng, Bà ở nhà lo phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy đàn con thơ của chồng, giống y như người Chinh phụ ở nhà nuôi dạy con thơ và săn sóc mẹ già đầu bạc:

153.


156. 

Tình gia thất nào ai chẳng có,
Kìa lão thân khuê phụ nhớ thương.
Mẹ già phơ phất mái sương,
Con thơ măng sữa vả đương phù trì.




160.

Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân.




164.

Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài mang mẻ biết bao.
Nhớ chàng trải mấy sương sao,
Xuân từng đổi mới, đông nào còn dư.

- Sau ba năm, ông Nguyễn Kiều thành công trong nhiệm vụ sứ thần, trở về triều được vua khen thưởng và được thăng quan tiến chức, thì cũng giống hệt như người Chinh phu đã bình xong giặc nơi biên ải, ca khúc khải hoàn, trở về được vua phong thưởng tước lộc, vinh hiển gia đình:

381.


384.

Bóng kỳ xí giã ngoài quan ải,
Tiếng khải ca trở lại thần kinh.
Đỉnh non khắc đá đề danh,
Triều thiên vào trước cung đình dâng công.

389.


392.

Nền huân tướng đai cân rạng vẻ,
Chữ đồng hưu bia để nghìn đông.
Ơn Trên tử ấm thê phong,
Phần vinh thiếp cũng đượm chung hương Trời.

- Rồi chàng trở về sum họp gia đình, viếng thăm mẹ già, nâng niu con cái. Chàng kể cho nàng nghe chiến công và nỗi nhớ gia đình, còn nàng kể lể nỗi hiu quạnh nhớ nhung mong đợi.

401.


404.

Giở khăn lệ, chàng trông từng tấm,
Đọc thơ sầu, chàng thẩm từng câu.
Câu vui đổi với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.




408.

Sẽ rót vơi lần lần từng chén,
Sẽ ca dần rén rén từng thiên.
Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.




412.

Cho bỏ lúc sầu xa cách nhớ,
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.
Ngâm nga mong gữi chữ tình,
Dường nầy âu hẳn tài lành trượng phu./.

IV. Những giai thoại văn chương:

1. Đối chữ sách:

Cô Điểm, khi lên 6 tuổi, đang học Sử Ký Trung Hoa, anh là Đoàn Doãn Luân lấy một câu trong Sử Ký ra câu đối:

Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.

Cô Điểm liền lấy một câu cũng trong Sử Ký đối lại:

Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng Thiên nhi thán viết.

Nghĩa là:

Rắn trắng giữa đường, Ông Quý (Lưu Bang) tuốt gươm mà chém.

Rồng vàng đội thuyền, Ông Vũ (Hạ Vũ) ngửa mặt lên Trời mà than.

 

2. Đối chữ bóng:

Anh Luân thấy Cô Điểm đang soi gương trang điểm nơi cửa sổ, liền ra câu đối:

Đối kính họa mi, nhứt điểm phiên thành lưỡng điểm.

Cô Điểm liền đối lại:

Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.

Nghĩa là:

Trước gương vẽ mày, một điểm hóa thành hai điểm, cũng có nghĩa là một Cô Điểm hóa thành hai Cô Điểm.

Tới ao xem trăng, một vừng tròn chuyển thành hai vừng, cũng có nghĩa là một anh Luân chuyển thành 2 anh Luân.

Sự tài tình ở đây là cảnh rất thực, dùng được tên hai người đúng với cảnh vẽ mày và ngắm trăng.

3. Có lần Đoàn Doãn Luân từ ngoài đi vào nhà, thấy em gái đang ngồi bên rổ kim chỉ, liền đọc:

Huynh lai đường thượng tầm song nguyệt.

(Anh trai đến nhà trên tìm hai mặt trăng)

Song nguyệt là 2 mặt trăng, mà theo chữ Hán, 2 chữ Nguyệt ghép lại là chữ Bằng : Bè bạn, bằng hữu, nên câu trên còn có nghĩa là là: Anh trai đến nhà trên tìm bạn.

Cô Điểm liền đối lại:

Muội đáo song tiền tróc bán phong.

(Em gái đến trước cửa sổ bắt nửa làn gió)

Bán phong là nửa làn gió, mà cũng có nghĩa là phân nửa chữ Phong tức là chữ Sắt nghĩa là con rận. Nên câu đối trên có nghĩa là: Em gái đến trước cửa sổ bắt con rận.

4. Khi hay tin chị dâu sanh được con gái đầu lòng trong đêm rộn rịp vui mừng, Cô Điểm đùa với anh, đọc rằng:

Bán dạ sinh hài, Hợi Tý nhị thời vị định.

(Nửa đêm sanh con, Hợi Tý hai giờ chưa định)

Đoàn Doãn Luân liền đối lại:

Lưỡng tình tương phối, Kỷ Dậu song hợp nãi thành.

(Hai tình phối hợp, Kỷ Dậu hai hợp mà thành)

Với lối chơi chữ, 2 chữ: Hợi và Tý ghép lại thành chữ Hài ; chữ Kỷ và chữ Dậu ghép lại thành chữ Phối .

5. Vịnh nước Đằng bỡn ông hai vợ:

Có lần ở Chương Dương, Bà Đoàn đang giảng sách cho học trò, tới đoạn: Đằng là nước nhỏ, lại lọt vào giữa hai nước lớn là Tề và Sở, nên việc ngoại giao với hai nước lớn rất khó khăn. Vào lúc ấy, ông hàng xóm có hai vợ gây lộn om sòm. Bà tức cười, bảo học trò lấy đầu đề nước Đằng làm thơ bỡn ông hai vợ. Học trò có nhiều đứa làm bài, nhưng bài của Đoàn Lệnh Khương (con của anh Luân) là có ý hay hơn cả, được Bà chỉnh văn lại, ghi ra như sau đây:

Đằng quốc xưa nay vốn nhỏ nhen,

Lại thêm Tề, Sở ép hai bên.

Quay đầu với Sở, e Tề giận,

Ngảnh lại sang Tề, sợ Sở ghen.

Đúng là hoàn cảnh của ông hàng xóm có 2 vợ hay ghen.

6. Thách đối kén chồng:

Nhiều người khoa bảng thời bấy giờ nghe tiếng Cô Điểm hương sắc vẹn toàn, văn chương lỗi lạc, nên có ý muốn đến thử tài và cầu hôn, nhưng tất cả đều chịu thua Cô Điểm và rút lui.

* Chuyện thứ nhứt là Ông Vũ Diệm, bạn của Nhữ Đình Toản, đỗ Hoàng Giáp năm 1739, đến viếng Cô Điểm. Biết được dụng ý của người khách tài hoa nầy, Cô Điểm liền ra tay trước, bằng cách sai con hầu bưng ra một khai trầu mời khách, rồi Cô sẽ ra sau, nhưng trên khai trầu Cô để sẵn một tờ giấy, trên đó Cô viết một câu đối nhờ khách đối giúp:

Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang.

Câu nầy có nghĩa đen là: Trước sân gió thoảng phất cây cau. Thiếu nữ là cơn gió nhẹ, tân lang là cây cau; nhưng nghĩa bóng của câu nầy theo cách đồng âm: Trước sân, người con gái mời chàng rể mới. (Thiếu nữ: Con gái. Tân lang: Chàng rể).

Vũ Diệm thấy câu thách đối khó quá, không thể đối nổi nên đành rút lui, không dám trêu vào giai nhân nữa.

* Chuyện thứ nhì được truyền khẩu trong dân gian là Cô Điểm nhiều lần thách đối Trạng Quỳnh, vì Trạng Quỳnh dò dè trêu Cô và lần nào Trạng Quỳnh cũng đành chịu thua.

- Một hôm, Cô Điểm đang ngồi bên cửa sổ thì Trạng Quỳnh tới, Cô liền đọc một câu thách đối:

Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.

Trạng Quỳnh đối không được, chịu thua rút lui.

- Lần khác, Cô Điểm gặp Trạng Quỳnh theo Cô lên phố Mía Sơn tây, Cô đứng lại chờ Quỳnh tới đọc một câu thách đối:

Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.

Trạng Quỳnh lại chịu thua nữa, vì câu thách đối ra toàn là mía, đường, mật, kẹo, nên không thể kiếm ra chữ để đối lại.

- Lần khác nữa, Trạng Quỳnh lại gần chỗ Cô Điểm tắm, Cô biết vậy liền ra một vế thách đối:

Da trắng vỗ bì bạch.

Bì là da, bạch là trắng, bì bạch là da trắng, nhưng hai tiếng nầy theo nghĩa nôm là để tượng thanh, tiếng vỗ vào da thịt. Trạng Quỳnh cũng đành chịu thua keo nữa.

- Lần cuối, nhân buổi Hội Xuân, Cô Điểm thuận tay bẻ một nhánh xương rồng, chợt thấy Quỳnh đi tới, liền đọc:

Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long.

Long, chữ Hán là rồng, mà tiếng nôm nghĩa là không chặt. Lần nầy, Quỳnh đối lại được, chữ nghĩa rất chỉnh mà lại biểu lộ được tánh ngang tàng của mình:

Quả dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử.

Thử là con chuột, nhưng tiếng nôm nghĩa là làm thử, chưa phải làm thiệt.

Tương truyền, sau lần đối nầy, Trạng Quỳnh và Cô Điểm chia tay, không còn gặp nhau nữa.

7. Sứ Tàu bị lỡm:

Thời xưa, mỗi lần có đoàn sứ bộ nước Tàu sang nước ta, triều đình thường kén chọn những người tài giỏi, lanh lợi, văn hay chữ tốt, thạo việc ứng đối, để giả làm các công việc: Bán hàng, đưa đò, hoặc làm việc nơi các công quán, mục đích là để đối đáp Sứ Tàu làm cho họ kính phục nước Nam ta.

Sử có chép, đoàn Sứ Mãn Thanh sang nước ta, hai vị đứng đầu là: Hàng Địch Lộc và Nhiệm Lan Chi. Trong số những người bán hàng trên đường Sứ Tàu đi qua, có Cô Điểm và chú bé Trần Quang Trạch, con trai của Ông Hoàng Giáp Trần Danh Ninh, mới hơn 10 tuổi mà đã giỏi văn thơ ứng đối. Bộ điệu Sứ Tàu hống hách, thấy có cô bán hàng xinh đẹp thì nói đùa một câu:

Nam phương nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.

(Phương Nam có 1 tấc đất, không biết bao nhiêu người cày)

Cô Điểm đứng đó liền đáp lại rằng:

Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.

(Nước Tàu phương Bắc các bậc đại phu đều bởi đường ấy mà ra)

Hai câu đối trên, nếu giải nghĩa thanh thì đối nhau rất thanh, giải nghĩa tục thì đối nhau rất tục, ý nghĩa hơn hẳn Sứ Tàu, thật xuất sắc tài tình. Bọn Sứ Tàu tưởng nói bỡn như vậy là bóng gió cao kỳ để hạ nhục Cô bán hàng, nào dè Cô hiểu ý, lanh trí trả lời đích đáng, đem cái nhục trả lại chúng, làm chúng hổ thẹn rút lui, phục tài gái nước Nam, không còn dám bỡn cợt gái nước Nam nữa.

Kết luận:

Bà Đoàn Thị Điểm đứng hàng đệ nhứt trong các Nữ sĩ tên tuổi trên văn đàn VN như: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Sương Nguyệt Anh,... Bà là một Nữ sĩ có thi tài lỗi lạc, lời thơ tao nhã, đài các, bóng bẩy đầy âm điệu. Bà còn là một phụ nữ mẫu mực Nho phong, đầy đủ hiếu thảo, nghĩa khí, Tứ Đức, Tam Tùng.

Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Bà được các nhà văn trong nhóm "Mercure de France" nước Pháp dịch ra tiếng Pháp, xuất bản năm 1939 tại Ba-lê (Paris) nhan đề là: "Les Plaintes d'une Chinh phụ."

Bà Đoàn Thị Điểm là một vị Nữ Tiên trên Thượng giới giáng trần. Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Bà không đầu kiếp xuống trần, mà chỉ dùng huyền diệu cơ bút, nhờ hai vị đồng tử trong Đạo Cao Đài phò loan để Bà giáng cơ viết tác phẩm NỮ TRUNG TÙNG PHẬN có mục đích giáo dục phụ nữ Việt Nam trong chủ trương Nho Tông Chuyển Thế của Đạo Cao Đài.

Đức Chí Tôn có nói trước rằng: "Nam phong thử nhựt biến nhơn phong." nghĩa là: Nền phong hóa của người VN ngày ấy sẽ trở thành nền phong hóa của nhơn loại, tức là nhơn loại ngày sau sẽ học tập và bắt chước theo phong hóa VN.

Do đó, cần phải củng cố và chấn chỉnh nền phong hóa nước nhà cho tốt đẹp vẹn toàn thì mới làm gương mẫu được.

Nền phong hóa đó phải bắt đầu từ gia đình, mà người phụ nữ đảm nhiệm vai tuồng quan trọng nhứt. Cần phải hướng dẫn người phụ nữ trở lại nền nếp tốt đẹp thời xưa với Tứ Đức, Tam Tùng, nhưng chỉ nên giữ lại phần tinh hoa tốt đẹp, bỏ bớt những điều làm giảm nhân cách phụ nữ và bất bình đẳng với Nam phái, cho hợp trình độ tiến hóa của nhơn sanh ngày nay.

NỮ TRUNG TÙNG PHẬN của Tiên Nương Đoàn Thị Điểm nhứt định sẽ đóng góp một phần tích cực và quan trọng trong chiều hướng giáo dục nầy. (Xem: Nữ Trung Tùng Phận, vần N).

Ngoài tác phẩm NỮ TRUNG TÙNG PHẬN, Bà Đoàn Thị Điểm còn giáng cơ cho nhiều thi văn dạy Đạo.

Sau đây, chúng tôi xin chép ra hai bài giáng cơ của Bà:

Ngày 16-8-Quí Dậu (dl 5-10-1933)

ĐOÀN THỊ ĐIỂM

Em xin chào chư vị.

Có một tri âm, Em rất vui lòng hầu bút.

Quyền Giáo Tông chỉ làm sao cho nhà Nho về không đặng chơi...

Cười ... Em đâu dám.

Thừa dịp, Đại nhơn, Em cám ơn Ngài đã chỉnh sửa Nữ Trung Tùng Phận, nhiều câu vô tình nhờ tay Ngài trở nên thanh tao thâm thúy. Vậy Em dâng bài thi nầy hầu Ngài gọi là chút tình đền đáp:

THI:

Gấm đẹp thêu hoa vẻ tốt tươi,

Thiên tư vốn sẵn có tay Trời.

Kim chi ngọc điệp nhà noi dấu,

Thổ mã huyền môn đúc rạng ngời.

Áo đỏ chưa hay thân dựa bệ,

Gót son đã sạch bước vân lôi.

Túi vàng rồng ẩn chờ khuôn ấn,

Tạo thế sao may cũng phải thời.

Đọc lại giùm Em những lời tiên tri nầy, sẽ kết quả, xin Ngài triêm nghiệm thì hiểu.

Em sẽ biết chị Hồ Xuân Hương đến hội diện với phu nhân vì hai người có tình cùng nhau trước.

Em kiếu lỗi, đi theo mấy chị Nương Nương cho kịp.

Thăng.

Ngày 18-8-Quí Dậu (dl 7-10-1933)

ĐOÀN THỊ ĐIỂM

Em xin chào chư vị Đại Thiên phong. Xin nghe:

Non nước cũ nay đương sửa mới,

Chốn kinh đô tiến tới đăng quang.

Long nêu thức tỉnh hứng nhàn,

Trong cung cấm trước mở đàng tự do.

Ngoài Pháp binh đang cho nghi hoặc,

Trong triều ca trở mặt khấu quan.

Dẹp an hết lũ quyền thần,

Lên thanh đế khuyết hưu tàn diệt vong.

Nơi văn miếu ân phong Thánh chỉ,

Triệu tường minh giải bĩ qui hương.

Bắc thành nong nả anh hùng,

Cầm gươm Lê Lợi mở vòng thê noa.

Hiệp Chủng quốc khó hoà binh khí,

Trận lửa un thiêu hủy Thái bình.

Kìa trong trào nhứt đồng minh,

Thì quan nô lệ nước mình giải qua.

Trăm máy nhiệm trước hòa dân trí,

Học tài ba đãi sĩ anh hiền.

Xa thơ trước đã ngửa nghiêng,

Cậy cây huệ kiếm mới tìm phước công.

Phải chung trí hiệp đồng Đạo mạch,

Cầm chổi Tiên quét sạch phong trần.

Nền gian đổi lại nền nhân,

Đạo y thể thử đai cân hoàng triều.

Cờ Việt quốc làm nêu buổi Tết,

Tiếng khải ca đổi huyết mã binh.

Thâu thành nhờ tiếng kệ kinh,

Phục hưng lấy một mảnh hình làm đau.

Hòa trí huệ còn cao hành động,

Hòa thế thời hòa rộng tương thân.

Hòa cùng mấy vị cựu thần,

Tương Trang hết phải mới gần phản gian.

Hòa đặng dọ lấy đàng phản nghịch,

Hòa đặng hay lợi ích người hiền.

Nuôi ong tay áo họa riêng,

Để chi gieo thảm rải phiền khắp nơi.

Hòa thì đặng lòng người thương mến,

Hòa thì an những tiếng thị phi.

Hòa cho bạc rẽ khỏi chì,

Hòa làm nghĩa thắng vô nghì dân gian.

Hòa cho đặng bình an cơ Đạo.

Thăng.

 

ĐOẠN

ĐOẠN

ĐOẠN: Cắt đứt, chặt cho đứt lìa ra.
Td: Đoạn căn, Đoạn tình yểm dục.

 

Đoạn căn

斷根

A: To cut off all attachments.

P: Couper tous les attachements.

Đoạn: Cắt đứt, chặt cho đứt lìa ra. Căn: rễ cây, chỉ những mối dây ràng buộc.

Đoạn căn là cắt đứt các mối dây ràng buộc.

Trong Đạo Cao Đài có Bí tích: Phép Đoạn Căn, để cắt đứt 7 dây oan nghiệt để chơn thần người chết rời khỏi thể xác đi lên cõi thiêng liêng. (Xem chi tiết nơi chữ: Bảy dây oan nghiệt)

KĐ1C: Giải thi thoát khổ diệt hình đoạn căn.

KĐ1C: Kinh Ðệ Nhứt cửu.

 

Đoạn ly

斷離

A: To cut off entirely.

P: Couper entièrement.

Đoạn: Cắt đứt, chặt cho đứt lìa ra. Ly: lìa ra.

Đoạn ly là cắt đứt hẳn cho lìa ra.

TNHT: Chia tình xẻ nghĩa, máu thịt đoạn ly, mà làm cho tròn trách nhậm xứng đáng của mình.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đoạn tình yểm dục

斷情掩慾

A: To cut off all sentiments and to master all passions.

P: Couper tous les sentiments et contenir toutes les passions.

Đoạn: Cắt đứt, chặt cho đứt lìa ra. Tình: tình cảm của con người. Con người có Thất tình, tức là bảy tình: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục. Yểm: che đậy, đè nén. Dục: lòng ham muốn. Con người có Lục dục: Sắc dục, Thinh dục, Hương dục, Xúc dục, Vị dục, Ý dục.

Đoạn tình yểm dục là cắt đứt các thứ tình cảm, và đè nén lòng ham muốn.

Ý nói: Mình phải làm chủ Thất tình và Lục dục, không cho nó tự do dấy động, phải chế ngự chúng nó để hướng chúng nó vào đường cao thượng.

Thất tình và Lục dục là những mối loạn hằng ngày trong tâm trí. Con người vì bị Thất tình Lục dục lôi kéo mà làm nhiều việc không chánh đáng, hao tổn tinh thần, tiêu mòn khí phách, chúng xô đẩy con người vào hang sâu vực thẳm.

Làm người phải lập chí vững chắc, đừng để Thất tình Lục dục khiến sai mình. Mình phải cương quyết làm chủ nó, điều khiển nó, chớ đừng yếu ớt lôi thôi để nó điều khiển lại mình, thì mới mong đi lên đường cao thượng, đến cõi Bồng Lai.

KKCTTĐT: Đoạn tình yểm dục đặng vào cõi Thiên.

KKCTTĐT: Kinh Khai Cửu Ðại Tường Tiểu Tường.

 

Đoạn trần kiều

斷塵橋

A: The bridge of renunciation of world.

P: Le pont de renoncement du monde.

Đoạn: Cắt đứt, chặt cho đứt lìa ra. Trần: cõi trần. Kiều: cây cầu.

Đoạn Trần kiều là cây cầu Đoạn Trần, ở phía trước Trí Huệ Cung, bắc ngang qua một con rạch nhỏ được gọi là Suối Đoạn Trần, chảy vào Rạch Rễ và đổ ra sông Cẩm Giang.

Con rạch ấy tượng trưng Sông mê.

Bờ bên Thiên Hỷ Động Trí Huệ Cung tượng trưng Bờ giác, nơi đó khởi đầu đi vào cõi TLHS.

Bờ bên kia, đối diện với Thiên Hỷ Động là Bến mê (Mê tân), đi vào cõi trần.

Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng toàn khu ấy, là tạo Thể pháp để nói lên ý nghĩa của nó là Bí pháp.

Từ Thiên Thọ Lộ, qua Trường Xuân Lộ, rồi mới đến Đọan Trần Kiều. Muốn đi qua Đoạn Trần Kiều thì phải dừng lại nơi Ao Thất Bửu, vào đó tắm để gội cho sạch hết bợn trần:

Ao Thất Bửu gội mình sạch tục.

Gội sạch bợn trần rồi thì bước lên Đoạn Trần Kiều là kể từ đây giũ sạch nợ trần, nhắm Thiên Hỷ Động đi tới, qua Pháp Luân Lộ thì vào Thiên Hỷ Động, trong đó có Trí Huệ Cung là cửa đi vào cõi TLHS, đắc đạo vậy.

Trên Đoạn Trần Kiều, Đức Phạm Hộ Pháp có cho xây một cái nhà mát để du khách dừng chân hóng gió. Trên nóc nhà mát, Đức Ngài dạy ban thợ hồ đắp một con hạc lớn bằng xi măng cốt sắt, trên lưng chở hai thầy trò Tân Dân Tử và Tôn Võ Tử. Đức Ngài dặn đắp con hạc ngó ngay về Trí Huệ Cung, nhưng Đức Ngài không giải thích lý do. Sau đó, Đức Phạm Hộ Pháp đi Nhựt Bổn để rước tro thiêu xác của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để về thờ nơi Báo Quốc Từ.

Khi Đức Phạm Hộ Pháp trở về, Ngài đến nhà mát coi thử công thợ làm tới đâu, thấy Tá Lý Trần Văn Lành và nhóm thợ đắp con hạc xong rồi, nhưng con hạc lại hướng về phía ngược lại. Đức Phạm Hộ Pháp nói:

- Khi đi, Bần đạo có dặn đắp con hạc ngó vô Trí Huệ Cung, trên lưng có chở thầy trò Tân Dân Tử và Tôn Võ Tử. Ấy là thể pháp tượng trưng rước khách phàm nhập cõi Thánh, mấy em lại đắp con hạc trở đầu ra, như vậy là chở Thánh lâm phàm. Một việc quên của mấy em mà làm ra rất ngộ nghĩnh.

Tá Lý Trần Văn Lành bạch cùng Đức Hộ Pháp:

- Bạch Thầy, để mấy con sửa lại. Thầy dạy mà mấy con quên vì cố làm cho mau rồi.

Đức Ngài nói:

- Mấy em làm lỡ rồi, thôi để y như vậy, dầu có sửa lại cũng khó lắm vì đã làm rồi. Việc nầy thiêng liêng khiến vậy, cũng là phương pháp tượng trưng bực tu chơn, dầu có lâm phàm mà thắng nổi cái phàm thì mới là Thánh, bằng chẳng thắng được phàm thì vẫn là phàm. Đáng lý cái nhà mát và cây cầu nầy (Đoạn Trần Kiều) phải đúc cho thật chắc, vì không làm được như thế nên phải tạm làm bằng cây, sợ e ngày kia có kẻ cố tâm phá hoại hư sập, tức nhiên kẻ ấy muốn cắt con đường Phàm Thánh thì tai hại cho kẻ phá hoại ấy.

Vậy cái nhà mát và cây cầu nầy giao cho Ban Kỳ Lão Phạm Môn và Hội Thánh Phước Thiện bảo thủ thế nào cho tồn tại để nối liền cho khách phàm nhập Thánh.

Rồi đây còn phải lập một cái Chợ nữa, kêu là Chợ Thiên Vương tại ngã ba Thiên Thọ Lộ, thuộc xã Trường Hòa, lần lượt mở con kinh ra phía trên sông Cẩm Giang để làm bến ghe tàu xuất nhập cảng hàng hóa, sản phẩm cùng là thực phẩm, tự do thương mãi.

Còn hai hình ngồi trên lưng hạc là Tân Dân Tử và Tôn Võ Tử. Xưa kia, Tân Dân Tử dạy Tôn Võ Tử học đạo Tiên. Ngày nọ, hai thầy trò cỡi hạc vân du ngoạn cảnh. Tân Dân Tử dặn Tôn Võ Tử:

- Thầy dặn con một điều, nếu lòng con còn mến tiếc việc phàm trần, nhứt là khi bay ngang qua chợ Thiên Vương là quê hương của con, nếu lòng con tưởng nhớ việc trần thì con hạc bay không nổi, nó phải đáp xuống, rồi con phải ở lại cõi trần, không về cùng Thầy được.

Tuy Tôn Võ Tử đã đạt phẩm Nhơn Tiên, mà tránh không khỏi nét phàm, nên khi hạc bay ngang qua chợ Thiên Vương, nhìn thấy cảnh cũ, lòng bắt ngậm ngùi, con hạc liền đáp xuống. Tôn Võ Tử ở lại Chợ Thiên Vương, buồn bã đi tìm nơi quê xưa. Khi trở về nhà cũ, thấy người vợ trước kia nay đã già quá 70 tuổi, còn ông thì nhờ tu Tiên, vẫn giữ được như thuở 40, muốn tạo lại sự nghiệp thì đã muộn, muốn tái lập đạo nhơn luân thì vợ đã già, bèn than rằng:

"Ta đã theo thầy học đạo Tiên trên 30 năm, nếu bây giờ ở luôn lại đây thì uổng công tu luyện, mà muốn theo thầy thì con hạc không cất cánh nổi. Ôi! Lỡ Đạo lỡ Đời, ấy cũng vì ta không nghe lời thầy mà không nên Đạo."

Đức Phạm Hộ Pháp thuật đến đây rồi kết luận:

- Ngày nay, nếu mấy em quên làm con hạc hướng về Chợ Thiên Vương, ấy là một duyên cớ về thể pháp, tượng trưng nêu gương cho các bực chơn tu phải cố gắng giữ lòng thanh bạch, dẫu còn ở lẫn lộn nơi trần thế mà không nhiễm trần mới đắc đạo được. Đó cũng là một phương chọn Thánh lọc phàm.

Chúng tôi sưu tầm được một bài giáng cơ của Ông Tôn Võ Tử, xin chép ra sau đây:

Báo Ân Từ, ngày 15-8-Kỷ Sửu (dl 6-10-1949).
Phò loan: Đức Hộ Pháp - Cao Tiếp Đạo.

TÁI CẦU:

THI:

TÔN quân gặp đặng các chư Hiền,

VÕ đức văn nhân của Thánh Tiên.

TỬ hậu bia danh muôn kiếp để,

GIÁNG cơ chuyện vãn chốn đàn tiền.

***

Đàn tiền học Đạo Đức Cao Tiên,

Hứng giọt nhành dương tưới lửa phiền.

Một kiếp duyên may muôn kiếp hưởng,

Thanh nhàn Tiên cảnh cõi thiên nhiên.

Từ ngày Bần tăng xuống thế, biết bao nhiêu những nỗi khó khăn, cũng vì mưu của Tà thần Tinh quái theo hại Bần tăng.

Nền Đạo của Chí Tôn ngày nay cũng vậy. Các em ráng giữ gìn cho lắm, kẻo uổng kiếp sanh nầy rồi làm trò cười, biết bao phen mới rửa sạch. Cửa Đạo là chiếc thuyền từ của Đức Chí Tôn, hiền nhân hay gian trá đều chứa cả, nên hư tự kẻ lọc lừa....

Nếu lấy linh tâm sáng suốt thì đặng nhiễm lấy Đạo mầu, còn mê muội thì vào nơi u thẳm. Phước phước phần phần, hai đường chọn lấy, đừng để sau về đến Thiên cung, khi hội hiệp lại ra tuồng hổ thẹn, còn nơi mặt thế, chúng lại chê cười.

Hỏi thử các bạn, nên làm sao cho xứng đáng là môn đệ của Ngọc Hư Cung?

Thăng.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

Đoạn trường

斷腸

A: To rend the entrails: Great pain.

P: Déchirer les entrailles: Grande douleur.

Đoạn: Cắt đứt, chặt cho đứt lìa ra. Trường: ruột.

Đoạn trường là đứt ruột, chỉ sự đau đớn dữ dội.

Điển tích: Theo Sưu Thần Ký, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đó, trông thấy hai vượn con thì kêu la thảm thiết. Ít ngày sau, vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta mổ bụng vượn mẹ thấy ruột vượn mẹ đứt từng đoạn.

TTCĐDTKM: Trẻ nào có biết khúc nôi đoạn trường.

TTCĐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

 

Đoạn trường bổ đoản

斷長補短

Đoạn: Cắt đứt, chặt cho đứt lìa ra. Trường: dài. Bổ: bù vào. Đoản: ngắn.

Đoạn trường bổ đoản là cắt chỗ dài đắp qua chỗ ngắn.

Ý nói: Bớt chỗ thừa để bù vào chỗ thiếu, làm cho hai bên đều tốt đẹp.

 

ĐÒI

ĐÒI

ĐÒI: Nhiều.
Td: Đòi đoạn, Đòi ngàn.

 

Đòi đoạn

A: Suffering.

P: Douloureux.

Đòi: Nhiều. Đoạn: chặt đứt thành nhiều khúc.

Đòi đoạn đồng nghĩa với Đoạn trường, chỉ sự đau đớn dữ dội như ruột bị cắt ra nhiều khúc.

KCTPĐQL: Tấc lòng đòi đoạn đau thương.

KCTPĐQL: Kinh Cầu Tổ Phụ Ðã Qui Liễu.

 

Đòi ngàn

A: Several mountains and forests.

P: Plusieurs montagnes et forêts.

Đòi: Nhiều. Ngàn: rừng núi.

Đòi ngàn là rừng núi chập chồng.

KĐ3C: Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn.

KĐ3C: Kinh Ðệ Tam cửu.

 

Đòi phen

A: Several times.

P: Plusieurs fois.

Đòi: Nhiều. Phen: lần.

Đòi phen là nhiều lần.

TTCĐDTKM: Đòi phen MẸ luống ưu sầu.

TTCĐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

 

ĐON

Đon đường

A: To inquire about the road.

P: S'informer avec soin sur le chemin.

Đon: hỏi thăm một cách ân cần. Đường: đường đi.

Đon đường là ân cần hỏi thăm đường cho biết đường đi.

KCHKHH: Ngọc Hư, Cực Lạc đon đường ruổi dong.

KCHKHH: Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối.

 

ĐỒ

ĐỒ

·         ĐỒ: có hai nghĩa sau đây:  

1.    ĐỒ: Học trò.
Td: Đồ đệ.

2.    ĐỒ: Bắt giam và làm khổ sai.
Td: Đồ lưu hải ngoại.

·         ĐỒ: có hai nghĩa sau đây:

3.    ĐỒ: Mưu tính, sắp đặt.
Td: Đồ nghiệp

4.    ĐỒ: Bức vẽ, bức họa đồ.
Td: Đồ thơ.

5.    ĐỒ: Bùn dơ.
Td: Đồ thán.

 

Đồ đệ

徒弟

A: The disciple.

P: Le disciple.

Đồ: Học trò. Đệ: em, học trò.

Đồ đệ là học trò theo học với một ông thầy.

Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài chọn đến: Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền, Tam thiên đồ đệ.

Nghĩa là:

·         Nhứt Phật là một vị Giáo Tông.

·         Tam Tiên là ba vị Đầu Sư.

·         Tam thập lục Thánh là 36 vị Phối Sư.

·         Thất thập nhị Hiền là 72 vị Giáo Sư.

·         Tam thiên đồ đệ là 3000 Giáo Hữu.

 

Đồ lưu hải ngoại

徒流海外

A: To exile to foreign country.

P: Exiler à l'étranger.

Đồ: Bắt giam và làm khổ sai. Lưu: bị đày đi xa. Hải ngoại: nước ngoài.

Đồ lưu hải ngoại là bị bắt tội đày đi ra ngoại quốc.

TĐ ĐPHP: "Bần đạo hồi tưởng lại, khi trở về bản xứ sau 5 năm bị đồ lưu nơi hải ngoại, thì thấy một trường náo nhiệt chiến tranh đã biến sanh trong nước."

Theo Đạo Sử, nhà cầm quyền Pháp muốn tiêu diệt Đạo Cao Đài, nên từ giữa năm 1940 đến tháng 5 năm 1941, họ gây ra nhiều hình thức khủng bố Chức sắc và tín đồ Cao Đài. Họ ra lịnh đóng cửa toàn bộ các Thánh Thất và các Sở Phước Thiện.

- Ngày mùng 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941), lính mật thám Pháp vào Tòa Thánh bắt Đức Phạm Hộ Pháp chở đi Sài Gòn.

- Ngày 17-6-Tân Tỵ (dl 11-7-1941), lính mật thám Pháp lại vào Tòa Thánh bắt thêm 3 vị Chức sắc nữa, kể ra:

·         Phối Sư Ngọc Trọng Thanh,

·         Giáo Sư Thái Gấm Thanh

·         Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển.

Đồng thời tại Sài Gòn, chúng đến bắt Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa tại tư gia, và ở Nam Vang, chúng đến Thánh Thất Kim Biên bắt Giáo Sư Thái Phấn Thanh.

- Ngày 28-6-Tân Tỵ (dl 22-7-1941), nhà cầm quyền Pháp dự định đưa Đức Phạm Hộ Pháp đày đi Sơn La (Bắc Việt) là một nơi rừng thiêng nước độc ở sát biên giới VN và Lào.

- Ngày 4-6 Nhuần-Tân Tỵ (dl 27-7-1941), Pháp đổi ý kiến, họ đưa Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc xuống chiếc tàu COMPIÈGE đày sang hải đảo Madagascar ở Phi Châu.

(Chúng ta lưu ý năm Tân Tỵ là năm nhuần, có hai tháng 6, một tháng 6 trước và một tháng 6 nhuần. Ngày Đức Phạm Hộ Pháp bị bắt là ngày 4 tháng 6 trước, và ngày bị đưa đi đày là 4 tháng 6 Nhuần-Tân Tỵ)

Đức Phạm Hộ Pháp và 5 Chức sắc bị giam trong ngục Nossilava của đảo Madagascar (Phi châu), hơn hai năm sau mới được cho ra ngoài làm việc. Đức Hộ Pháp có thuật lại giai đoạn nầy như sau:

"Nhớ lại lúc chánh quyền Pháp đày ra hải đảo Madagascar, trong đó có nhiều vị Chức sắc Thiên phong cùng chung chịu ảnh hưởng, Bần đạo chỉ thấy một Ngài Khai Pháp và em Thánh Hiển hết lòng phụng sự Bần đạo, còn bao nhiêu vì quyền lợi mà xua đuổi hành phạt Bần đạo đáo để.

Có người dựa quyền lợi của thuyết Cộng sản, dùng sức mạnh trở lại khổ khắc Bần đạo mà chưa vừa lòng, họ còn xúi giục chánh quyền đày đọa Bần đạo lên nguồn cao nước độc để giết một cách gián tiếp. Nếu chẳng nhờ quyền năng thiêng liêng giúp sức thì Bần đạo không thể trở về tổ quốc, Thánh địa VN ngày nay. Tội nghiệp em Thánh Hiển và Ngài Khai Pháp, thấy vậy cũng xin đi theo, đã bị chúng đuổi đánh, cũng tính kế đi theo để nuôi dưỡng Bần đạo cho được.

Thánh Hiển vì đi theo Bần đạo, uống nước độc mà phải bỏ mình nơi rừng sâu núi thẳm, chỉ còn Bần đạo và Ngài Khai Pháp. Ngài ôm Bần đạo mà khóc, chỉ van vái một điều là cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu đem về đất Thánh cổi xác mà thôi. Thật quả nhiên như lời nguyện không sai.

Khi trở về Thánh địa, Bần đạo gượng làm vui, chớ kỳ thật riêng Ngài Khai Pháp và Bần đạo không giờ khắc nào quên cảnh tù đày lao khổ. Bần đạo thấy con cái của Đức Chí Tôn rất chú ý về việc đó, nhưng Bần đạo ôm lòng nín chịu, căn dặn Ngài Khai Pháp không nên thốt ra lời nói gì cả. Bần đạo sợ nói ra đây gây thêm oán hờn thêm trong Đạo.

Nếu Bần đạo nói ra, chắc không bút mực nào tả hết, lại gây thêm xung đột." (Trích TĐ ĐPHP ngày 12-3-Ất Sửu 1955, tại bửu tháp của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, nhơn lễ Đại tường)

Trong số 5 vị Chức sắc bị đày theo Bần đạo, có 2 vị chết vì sức khỏe không chịu nổi cảnh khắc khổ lưu đày, đó là Giáo Sư Thái Gấm Thanh và Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển.

Sĩ Tải Hiển vì có lòng trung thành với Đạo và với Đức Hộ Pháp, vẫn giữ được đức tin nơi Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, nên khi thoát xác đắc Thánh vị, trấn ở Phi Châu, gọi là Thánh Hiển hay Thánh Phi Châu.

Trong những năm tháng bị đồ lưu khổ sở, Đức Phạm Hộ Pháp đã được các Đấng thiêng liêng che chở, thoát khỏi nhiều tai nạn hiểm nghèo, mà bọn Pháp cố ý gây ra để giết bớt một số tù nhân, mà khi trước đã có thành tích yêu nước chống Pháp.

Khi Đức Phạm Hộ Pháp cầm một cái que nhỏ và tay kia khỏa cát cho bằng thì liền tiếp điển, có một Đấng giáng vào tay cầm que viết chữ trên cát, dùng lời lẽ an ủi và báo tin cho biết tình hình chuyển biến của thế giới và nơi nước nhà, cũng như để lời tiên tri gây niềm hy vọng:

Đức Tiêu Diêu Đạo Sĩ giáng bút cho bài thi:

THI:

Lược chiến từng quen đã bấy lâu,

Thiên cơ đã rõ máy cao sâu.

Dằn lòng nhẫn nại chờ đôi lúc,

Sẽ thấy khuôn linh phép nhiệm mầu.

TIÊU DIÊU ĐẠO SĨ

Chào Thiên Tôn và chư vị Thiên phong,

Có Đức Nhàn Âm Đạo Trưởng đến.

NHÀN ÂM ĐẠO TRƯỞNG

Bần tăng lấy làm cảm xúc cho chư vị dường nầy. Hận thay cho giống dã man tàn bạo...

Trung Quân là Nam Kinh đó vậy. Nơi ấy là hang ổ của Việt Kiều. Thời cuộc Á Đông sẽ kết cuộc nơi đó.

THI:

Quá hải đòi phen đến viếng nhau,

Ngặt không cơ bút để lời giao.

An nhàn đợi thuở triều linh địa,

Chuyển thế gặp thời phải múa đao.

Cõi Á đã thành nơi chủng quốc,

Phương Âu sẽ diệt tận Nô-Lao.

Lửa hương đất Việt dầu nhen nhúm,

Nhờ đám Trung Quân ở nước Tàu.

Ít lâu sau, có một Đấng giáng bút cho bài thi:

THI:

Nô-Si-Lao tiếng đặt buồn cười,

Mi đã rước ai hỡi hỡi ngươi?

Lượn thảm bổ gành tình ột ạt,

Gió sầu khua đảnh ái tơi bời.

Yêu phu điểu gợi thương cành sớm,

Giọng ngạn quyên kêu nhớ bụi mơi.

Tổ quốc đon đường bao dặm thẳng,

Đưa xa thăm thẳm một phương trời.

Vị nầy giáng không xưng tên, chỉ nói rằng: "Thầy thiếp là Thất Nương sai đến đây để thăm viếng Đức Hộ Pháp."

Khi vị nầy thăng rồi thì Đức Hộ Pháp thấy hột ngọc nơi chiếc nhẫn đeo tay phát ra mấy tia hào quang thì Đức Ngài biết đó là Bà Linh Sơn Thánh Mẫu giáng khi nãy, bởi vì hột ngọc nầy do ông Lễ Sanh Giáo Thiện Võ Văn Đợi lượm được trên núi Bà Đen, đem hiến cho Đức Ngài làm nhẫn đeo tay.

Lần sau, Bà Linh Sơn giáng, viết:

Chào Thiên Tôn và chư vị Đại Thiên phong,

Thiếp vì có mạng lịnh đến đây làm bạn bút nghiên trong lúc chư vị mang lịnh của Đức Chí Tôn cho ngơi nghỉ nơi đây.

Chí Tôn than rằng: Chức sắc Thiên phong bên CTĐ thiếu hùng biện văn tài đặng làm tay qui phục sanh chúng. Vì cớ ấy mà triết lý Đạo khó phổ thông cho toàn thiên hạ.

THI:

Đã phong trần chịu phong trần,

Có thân âu phải biết thương thân.

Nam xa ví chẳng vì đường khó,

Việt đảnh mong chi đượm lửa mừng.

Nặng gánh giang sơn là Thương Trụ,

Nhẹ tay cung kiếm ấy Thường Quân.

Ngũ hồ Tứ hải không lưu lạc,

Mặt địa cầu ta vốn định chừng.

Sau khi giải thích Nam xa, Việt đảnh, Bà cho thi tiếp:

THI:

Hòn đảo nầy đây trước nhốt tù,

Ngày nay làm khám khảo thầy tu.

Quả như oan nghiệt vay rồi trả,

Thì lũ Tây man Nhựt Bổn trừ.

Khi Đức Phạm Hộ Pháp được phép đi ra ngoài làm việc thì Ngài liền nghĩ rằng cần phải tìm cách làm việc cho có tiền để giúp đỡ các Chức sắc đồng cảnh ngộ, và có dư nữa thì giúp các nhà cách mạng yêu nước VN cũng bị Pháp bắt đày qua đây như quí Ông: Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Thế Song, Trần Hữu Nam, vv...

- Ngài để ý thấy phụ nữ bản xứ thích đeo các món nữ trang, nên Ngài tổ chức làm thợ bạc, kiếm được khá tiền để mua lương thực, thuốc men, quần áo gởi vào giúp các Chức sắc và các nhà yêu nước VN đúng như ý Ngài mong muốn.

- Dân bản xứ tại đảo Madagascar còn bán khai, chưa biết dùng trâu bò để cày bừa ruộng đất. Đức Phạm Hộ Pháp tìm cách chế tạo ra chiếc cày và chiếc bừa, rồi bắt trâu bò kéo cày và bừa làm đất cho dân chúng thấy. Họ rất hoan nghinh và bắt chước làm theo. Đức Ngài lại dạy họ làm cối xay lúa quay tay. Dân bản xứ rất biết ơn Đức Ngài.

- Xứ ấy cũng không biết làm gạch ngói. Đức Ngài tổ chức làm gạch và ngói, lập lò hầm gạch và ngói cho chín đỏ, rồi làm vôi, và nhứt là làm xi măng để xây dựng nhà cửa. Dân chúng đều vui vẻ học tập làm theo.

- Đức Hộ Pháp còn giúp dân chúng xây đập dẫn nước từ trên núi xuống ruộng để dân có nước trồng tỉa hoa màu.

- Đức Ngài còn xây dựng một sở trường học để dạy trẻ em nơi đây tiếng Pháp và tiếng bổn xứ.

- Đức Phạm Hộ Pháp mở Huệ khiếu cho một Đạo sĩ:

Đạo sĩ là người địa phương của đảo Madagascar, được vị thầy mách cho biết trước trên đảo nầy hiện có một vị Phật cư ngụ, ngươi cố gắng gặp vị ấy để xin truyền pháp thì ngươi mới có thể đoạt đạo. Đạo sĩ ấy có trình độ Cử nhân Luật. Một hôm Đức Phạm Hộ Pháp đi dạo, không hiểu tại sao lại đi tới đi lui trước nhà Đạo sĩ 3 lần. Đạo sĩ để ý thấy liền ra chào và rước vào nhà, rồi quì xuống làm lễ xin Đức Hộ Pháp truyền pháp. Đức Ngài hẹn 3 hôm sẽ trả lời.

Đức Hộ Pháp xuất thần về Ngọc Hư Cung xin Đức Chí Tôn và được Chí Tôn chấp thuận. Thế là đúng 3 hôm sau, Đức Ngài trở lại gặp Đạo sĩ, cân thần rồi mở Huyền Quan khiếu cho Đạo sĩ. Đạo sĩ xuất được chơn thần vân du Thiên ngoại, nên rất cảm phục ĐứcNgài và tin chắc đây là vị Phật sống đang bị nạn.

- Đức Hộ Pháp thâu nhận một Nữ đệ tử trí thức:

Cô gái nầy con nhà giàu, du học tại Pháp đến năm thứ hai Đại Học Luật, nằm mộng thấy một vị Thần mách bảo: Phật tại xứ không thờ lại đi tìm đâu xa mà lập thân.

Cô tin lời Thần nên bỏ học, trở về nước, bị cha mẹ quở trách nặng nề. Cô cam chịu mà không dám giải bày, và quyết đi tìm Phật. Như đã có căn duyên từ trước, cô tìm gặp được Đức Phạm Hộ Pháp và thọ giáo nhập môn vào Đạo Cao Đài. Đây là tín đồ Cao Đài đầu tiên tại đảo Madagascar.

- Gặp lính Pháp hồi:

Anh em Đạo hữu Cao Đài vâng lịnh Hội Thánh tùng chinh làm lính Công binh giúp Pháp khi nước Pháp bị quân Đức xâm lăng, để đáp ân nhà cầm quyền Pháp cho tôn giáo Cao Đài được tự do truyền bá trên cõi Đông Dương. Có một số được đưa qua đảo Madagascar. Đức Ngài rất nhớ các tín đồ tình nguyện đi lính, các tín đồ cũng nhớ Đức Ngài, mà ai có tưởng ngày hội ngộ trên xứ lạ quê người. Trong số đoàn quân đưa lên đảo, phần nhiều là đồng bào miền Bắc và Trung, còn người miền Nam chỉ có 13 người tín đồ Cao Đài.

Một người miền Trung nói với mấy người Nam: Ở Sài Gòn, mấy anh có quen với ông già chống gậy đằng kia không? Ổng là người Nam, lại đó thử coi có nhìn được bà con không?

Anh Tám Quận liền đến gặp Đức Ngài và hỏi thăm:

Đức Ngài hỏi: - Em ở đâu? Đi lính hồi nào? Do Pháp bắt hay tình nguyện?

Tám Quận trả lời: - Tôi là tín đồ Cao Đài, vâng lịnh Đức Giáo chủ tình nguyện đi lính giúp nước Pháp.

Đức Ngài hỏi: - Cao Đài nào?

- Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh.

- Tây Ninh thiệt không?

- Dạ thiệt.

- Em biết Đức Giáo chủ không?

- Dạ, em mới nhập môn nên chưa biết mặt.

Ngài nghe nói như vậy thì ôm chầm Tám Quận và nói rằng: Thầy đây con. Rồi khóc òa! - Con đi mấy đứa, bảo chúng nó lại hết đây cho Thầy thăm.

Anh Tám Quận mừng quá, vội chạy về trại lính thông báo anh em hay lại chào Thầy. Có ba người gặp trước là: Tám Quận, Chín Tháo, và Mười Phu, chạy riết lại, không kịp chào hỏi, Chín Tháo và Mười Phu thấy đúng là Đức Phạm Hộ Pháp, thì mỗi người ôm một chân nâng bổng Đức Ngài lên, muốn kêu Thầy mà mừng kêu không ra tiếng.

Cảnh quấn quít Thầy trò tương hội nơi xứ lạ, thâm trầm đậm đà trong yên lặng, nó thiêng liêng không bút mực nào tả cho cạn lời được. Bốn Thầy trò quấn quít nhau trong giây lâu, Đức Ngài mới ôn tồn hỏi:

- Mấy con kêu hết các đứa khác đến cho Thầy thăm. Còn bao nhiêu đứa nữa?

Tám Quận thưa:

- Chúng con có tất cả 13 đứa đều là tín đồ Cao Đài là:

1. Chánh Trị Sự Tháo.

2. Đạo hữu Thôi.

3. Đạo hữu Phu.

4. Đạo hữu Dương.

5. Đạo hữu Quận.

6. Đạo hữu Ái.

7. Đạo hữu Tăng.

8. Đạo hữu Lễ.

9. Đạo hữu Noài.

10. Đạo hữu Tợi.

11. Đạo hữu Lân.

12. Thông Sự Én.

13. Đạo hữu Tân.

Đức Phạm Hộ Pháp dẫn các anh em lại nhà của Thiếu Tá Pháp Desanges, người có nhiệm vụ đưa Đức Ngài trở về VN, giới thiệu với Bà vợ của Thiếu Tá. Bà rất vui vẻ.

Các anh em mới thết đãi Đức Ngài một bữa tiệc trùng hoan. Đức Ngài cũng tổ chức một bữa tiệc khác đãi tất cả 13 chiến sĩ Pháp hồi tại nhà Bà Thiếu Tá Desanges, vì chính Bà Thiếu Tá cũng có nhã ý ấy.

Hân hạnh thay! Tưởng rằng kẻ hy sinh vì Đạo pháp sẽ bị thiệt thòi, nhưng ngờ đâu lại có giờ phút tương hội vô cùng cảm động, làm gội mát và an ủi tâm hồn, không ai có thể đoán trước được nó diễn biến huyền diệu như thế. (Tài liệu của Nguyễn Ngọc Thể, Cao lãnh)

- Ngày 25-7-Bính Tuất (dl 21-8-1946), Đức Phạm Hộ Pháp và ba vị Chức sắc Đại Thiên phong: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Phấn Thanh, (còn 2 vị kia là GS Thái Gấm Thanh và ST Đỗ Quang Hiển đã chết trên đảo, ST Hiển đắc Thánh Phi Châu), cùng 10 vị lính Pháp hồi, trở về VN trên chiếc tàu buôn ILE DE FRANCE, cặp bến Vũng Tàu. (còn lại 3 vị lính Pháp hồi trở về 3 tháng sau).

Đức Hộ Pháp được người Pháp đem phi cơ riêng rước về Sài Gòn và đưa đến tạm ngụ nơi nhà của Ông Sĩ Tải Nguyễn Văn Hợi (về sau đắc phong Tiếp Dẫn Đạo Nhơn) gần chợ Thái Bình, Sài Gòn, tới nơi lúc 5 giờ chiều ngày 22-8-1946.

- Ngày mùng 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946) tức là là hơn một tuần lễ sau, nhà cầm quyền Pháp mới tổ chức lễ đưa Đức Phạm Hộ Pháp về Tòa Thánh Tây Ninh. Hội Thánh và rất đông Chức sắc, tín đồ Đạo Cao Đài tổ chức Lễ Nghinh Tiếp vô cùng trọng thể và cảm động đến rơi lệ.

Giáo Sư Đại Biểu Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) thay mặt Hội Thánh CTĐ đọc một bài diễn văn chào mừng Đức Ngài, xin chép nguyên văn ra sau đây:

"Kính bạch Đức Hộ Pháp,

Sau khi 5 năm 2 tháng bị đồ lưu nơi hải ngoại vì chủ nghĩa thương đời, ngày nay, một ngày đáng để vào Sử Đạo, Ngài đã để chơn về Tổ Đình. Tiểu chức xin thay mặt Hội Thánh CTĐ và toàn Đạo nam nữ để tỏ ít lời chúc tụng mừng rỡ Ngài luôn dịp để dâng cho Ngài ý nguyện toàn sanh chúng, nhứt là trong buổi mặt đời biến đổi, tình thế phân vân do cuộc tang thương hiện tại.

Kính Ngài,

Tiếng nói của tâm hồn, nó có thật chăng là khi trí não bị kích thích một cách mạnh mẽ, do sự biến động của cơ hữu hình, hay là nói trái lại, khi xác thịt phải chịu dày bừa quá lẽ, trong cảnh điêu linh sầu khổ, về mặt Đạo cái khổ để lại là phần hồn, bởi thế nên từ khi vắng mặt Ngài, trong Đạo không một ai là không buồn thảm, bất luận già trẻ lớn nhỏ, khi gặp nhau nhắc nhở đến Ngài và các bạn xa quê, thì trên khuôn mặt âu sầu chảy đôi dòng lệ, chỉ nhìn nhau, từ từ rơi xuống khóe miệng, để thế cho lời nói, điểm tô thêm thảm trạng ấy là cảnh Đạo điêu linh, kẻ còn người mất, nhưng đó là ngày chiếc thuyền từ của Đức Thích Ca thả chùm phao tuông trên bể khổ chứa đầy nước mắt, mới độ đặng chúng sanh.

Nhìn tận mặt Ngài nơi đây, Tiểu chức tưởng tượng dường như thấy đặng chiếc bình Bát vu của Đức Thích Ca trôi ngược dòng nước Ma-Ha một cách huyền linh rực rỡ khi người đã thành lập Đạo Phật.

Vậy Tiểu chức xin dâng lên Ngài đóa hoa tươi nở nầy, nó biểu hiệu cho cả triệu quả tim của con cái Đức Chí Tôn cùng đang tươi nở cõi lòng, để hiến lên Ngài mối tình thân ái yêu thương vô giá của Đức Chí Tôn đã đào tạo trong bao nhiêu năm khổ hạnh.

Kính Ngài,

Cái vui mừng của toàn Đạo đối với Ngài tràn trề, nương tựa nơi sự mừng vui ấy là một tiếng kêu đau thương tha thiết của tâm linh, nó làm cho chúng tôi ái ngại xốn xang, đó là tiếng kêu đau thảm của mặt Đời vì hoàn cảnh hiện tại, tiếng kêu đau thảm ấy có khi đã làm cho lay động lòng Ngài giữa trời Nam, ước mong rằng chiếc thuyền từ của Ngài sẽ vẹt lối nguy nan, làm cho nhơn sanh bớt khổ, thì Hội Thánh CTĐ và cả nam nữ nguyện đồng tâm hiệp lực cùng Ngài, theo Ngài từng bước một, đặng đoạt mục đích cao thượng của Đạo là:

Cổi thân ra mảnh áo tơi,

Che mưa đỡ nắng cho đời nguy nan.

thì dù phải quên vết thương lòng, chúng tôi nguyện không hề lui bước."

 TRẦN QUANG VINH

 

Sau bài diễn văn chào mừng của Giáo Sư Đại Biểu Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) đại diện CTĐ, tiếp theo là bài diễn văn chào mừng của Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, đại diện Chức sắc HTĐ.

Tiếp theo là một Sĩ quan Pháp, đại diện Chánh phủ Bảo hộ, đọc diễn văn chúc mừng Đức Hộ Pháp.

Sau cùng, Đức Phạm Hộ Pháp đáp từ, lời lẽ rất cảm động và Đức Ngài tuyên bố về chủ trương của Đạo Cao Đài trong giai đoạn tới.

Tổng kết:

·         Ngày Đức Phạm Hộ Pháp bị Pháp bắt tại Tòa Thánh: ngày 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941).

·         Ngày Đức Phạm Hộ Pháp trở về Tòa Thánh: ngày 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946).

Thời gian Đức Phạm Hộ Pháp bị đồ lưu hải ngoại là:

·         Nếu tính theo âm lịch là: đúng 5 năm 2 tháng.

·         Nếu tính theo dương lịch là: 5 năm 2 tháng 3 ngày.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

 

Đồ nghiệp

圖業

A: To project a work.

P: Projeter une oeuvre.

Đồ: Mưu tính, sắp đặt. Nghiệp: sự nghiệp.

Đồ nghiệp là mưu tính việc lập nên sự nghiệp.

PMCK: Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Đồ thán

塗炭

A: Mud and coal: Miserable.

P: Boue et charbon: Misérable.

Đồ: Bùn dơ. Thán: than củi.

Đồ thán là bùn và than, chỉ đời sống cơ cực nghèo nàn, tối tăm trong chốn bùn lầy và than củi.

TĐ ĐPHP: Nếu trong nước mà cầu lợi như thế thì bá tánh phải chịu lao lung, muôn dân đồ thán...

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Đồ thơ

圖書

A: The paintings and books: The culture.

P: Les peintures et livres: La culture.

Đồ: Bức vẽ, bức họa đồ. Thơ: sách.

Đồ thơ là những bức họa và sách vở, chỉ nền văn hóa của một dân tộc, hay của một nước.

TNHT: Đồ thơ oằn oại gánh ngang vai.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐỐ

ĐỐ

ĐỐ: Ghen ghét.
Td: Đố hiền, Đố phụ.

 

Đố hiền tật năng

妒賢嫉能

Đố: Ghen ghét. Hiền: người có tài năng và đức hạnh. Tật: ghen ghét, đồng nghĩa với Đố. Năng: tài năng.

Đố hiền tật năng là ghen ghét người có tài đức hơn mình.

Đố hiền tật năng đồng nghĩa: Tật đố hiền tài.

 

Đố phụ loạn gia

妒婦亂家

Đố: Ghen ghét. Phụ: vợ, đàn bà. Loạn: làm mất trật tự.

Đố phụ loạn gia là người vợ mà có tánh hay ghen, thường làm cho gia đình rối loạn, mất trật tự.

 

ĐỔ

Đổ bác

賭博

A: Gambling.

P: Jeu d'argent.

Đổ: đánh bài bạc ăn tiền. Bác: đánh bài.

Đổ bác là đánh bài đánh bạc ăn tiền.

Đây là một trong Tứ Đổ tường, làm cho con người hư hỏng, gia đình tan nát.

TNHT: Vui nơi đổ bác là vui khổ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐỘ

ĐỘ

ĐỘ: Cứu giúp.
Td: Độ căn, Độ sanh.

 

Độ căn

度根

A: To succour.

P: Secourir.

Độ: Cứu giúp. Căn: gốc rễ.

Những việc làm thiện hay ác trong kiếp sống trước là gốc rễ của kiếp sống hiện tại. Nếu kiếp trước làm nhiều điều thiện thì kiếp nầy sẽ gặp may mắn và hạnh phúc. Trái lại kiếp trước làm nhiều điều ác thì nó tạo thành nghiệp ác báo lại làm cho kiếp nầy phải chịu nhiều hoạn nạn tai ương.

Độ căn là cứu giúp những tội lỗi đã gây ra trong kiếp trước, để kiếp nầy được rảnh nợ tiền khiên mà lo tu hành.

KCBCTBCHĐQL: Thánh, Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ căn.

KCBCTBCHĐQL: Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Ðã Qui Liễu.

 

Độ sanh - Độ tử

度生 - 度死

A: To save the livings and the mortals.

P: Sauver les vivants et les morts.

Độ: Cứu giúp. Sanh: người sống. Tử: người chết.

Độ sanh là cứu giúp người sống, tức là giúp đỡ về phần vật chất cho đời sống bớt khổ, và an ủi giúp đỡ tinh thần cho được an vui bằng cách dẫn dắt vào đường đạo đức.

TNHT:

Vú MẸ chưa lìa đám trẻ con,

Độ sanh chưa rõ phận vuông tròn.

Độ tử là cứu giúp người chết, tức là cứu giúp linh hồn của người chết bằng cách cầu kinh cho linh hồn sớm thức tỉnh và cầu nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng ân xá tội tình.

Đạo Cao Đài có nhiệm vụ vừa độ sanh và vừa độ tử:

Phần độ sanh là nhiệm vụ của CQPT và CTĐ. CQPT cứu giúp phần thể xác, CTĐ dẫn dắt và giáo hóa.

Phần độ tử là nhiệm vụ của HTĐ. Đức Chí Tôn trao các phép Bí Tích cho HTĐ để cứu độ phần hồn như: Phép Xác, Phép Đoạn căn, Phép Độ thăng,...

ĐỘ SANH: còn có nghĩa là cứu giúp cho linh hồn được siêu thăng lên sống nơi cõi TLHS hay CLTG.

KGO: Chèo thuyền Bát Nhã Ngân Hà độ sanh.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

CLTG: Cực Lạc Thế giới.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

KGO: Kinh Giải Oan.

 

Độ tận

度盡

A: To save all the living beings.

P: Sauver tous les êtres vivants.

Độ: Cứu giúp. Tận: hết.

Độ tận là cứu giúp toàn cả chúng sanh, không để sót một người nào.

"Thầy chẳng hiểu thế nào chư môn đệ ám muội dường ấy? "Chiêu kỳ trung độ dẫn hoài sanh" là nghĩa gì? Dầu cho trẻ con còn trong bụng cũng phải độ, sao các con lại đuổi thiện nam tín nữ?" (TNHT)

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Độ thăng - Hành pháp Độ thăng

度升 - 行法度升

A: To confer the mystery of deliverance.

P: Conférer le mystère de délivrance.

Độ: Cứu giúp. Thăng: bay lên.

Độ thăng là cứu giúp cho linh hồn được siêu thăng.

Hành pháp độ thăng là làm phép Bí tích để giúp linh hồn của vị Chức sắc qui liễu được siêu thăng lên cõi TLHS.

Chỉ có những Chức sắc vào hàng Thánh (Chánh Phối Sư và Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hữu) mới được hành pháp Độ thăng tại Tòa Thánh.

Chức sắc hàng Tiên vị đổ lên khi đăng Tiên, không làm phép Độ Thăng; còn hàng Thần vị qui liễu thì cũng không làm phép Độ thăng, chỉ làm phép xác và cắt dây oan nghiệt.

Cách hành pháp Độ thăng nơi Tòa Thánh:

Vị Chức sắc hành pháp vào Cung Đạo quì trước Thiên bàn cầu nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng, nhứt là cầu nguyện Đức Hộ Pháp ban ân điển hộ trì cho đệ tử hành pháp Độ thăng cho vị Chức sắc: (tên họ, phẩm tước, phái, tuổi) được siêu thăng lên cõi TLHS.

Cầu nguyện rồi lạy và bắt đầu luyện Cam Lồ thủy.

Người hành pháp đến trước Thiên bàn, xông hương khử trược hai bàn tay và mặt mình, đoạn xông hương mấy món sắm để hành pháp. Trong lúc xông hương phải niệm câu: Vạn trược tiêu tan, sanh khí phục hồi.

Xong rồi lấy cái chén không để ngay Thiên bàn, lấy nhành dương gác ngang qua miệng chén, thỉnh hai chung nước Âm Dương cúng trên Thiên bàn để hai bên cái chén không. Đoạn người hành pháp đứng ngay Thiên bàn, định thần ngó ngay Thiên Nhãn, tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, lấy con mắt vẽ trong con ngươi của Thiên Nhãn chữ (.), lấy chơn trái vẽ dưới gạch chữ (.), chơn trái đứng lên chữ ấy, chơn mặt ký chữ Đinh vào gót chơn trái gọi là đạp Đinh Giáp.

Hai tay lấy chung nước Âm Dương kề sát miệng nhau cho Âm Dương ký tế, hai mặt nước hiệp nhau rồi thì đổ ngay giọt nước vào cái chén không vừa niệm câu "Cam Lồ thủy năng hủy trược kiếp ô sinh, oan nghiệt, tội chướng chi đọa." Hễ dứt câu niệm thì phải ngưng giọt nước.

Đoạn tay trái bắt ấn Hộ Pháp, lấy chén nước Cam Lồ để trên ấn. Tay mặt cũng bắt ấn Hộ Pháp chụp trên miệng chén, và niệm danh hiệu Hộ Pháp. Xong rồi co ngón tay giữa vẽ lên mặt nước bùa Tam Thiên (.). Trong lúc vẽ bùa, khi chấm 3 chấm thì niệm: Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng, và khi vẽ 3 chữ Thiên thì niệm: Nam mô Cao Đài Tiên Ông, và khi vẽ 3 vòng Vô vi thì niệm tiếp: Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Vẽ xong, buông ngón tay và xòe bàn tay úp trên miệng chén, nhắm mắt lại, truyền thần xuống mặt nước. Khi thấy Thiên Nhãn giáng ngay mặt nước thì tức cấp rút tay ra, đừng để tiêu Thiên Nhãn mà thất pháp. Cam Lồ thủy đã luyện thành.

(Muốn luyện Thiên Nhãn thì hằng ngày phải tập ngó ngay Thiên Nhãn cho lâu, rồi nhắm mắt lại mà vẫn còn ngó thấy Thiên Nhãn),

Hành pháp Độ thăng:

Khi đem quan tài của vị Chức sắc qui liễu vô cửa hông Đền Thánh yên chỗ xong rồi, người hành pháp bấy bình Cam Lồ thủy, tay trái bắt ấn Hộ Pháp, và để bình Cam Lồ thủy trên ấn Hộ Pháp, tay mặt cầm nhành dương liễu, đưa ngọn đi trước, và từ từ đi xuống đến trước mặt quan tài, sau lưng có vị phụ lễ cầm bó nhang chín cây đốt sẵn theo sau.

Trong lúc ở Cung Đạo đi ra, nếu vị Chức sắc qui liễu là Nam thì đi ra phía nam phái, còn nữ thì đi ra phía nữ phái.

Đến trước quan tài, định thần, tay trái cầm bình Cam Lồ thủy, tay mặt cầm nhành dương đưa ngọc chỉ Thiên, chơn trái vẽ chữ (.) dưới gạch rồi đạp Đinh Giáp, định thần vẽ chữ (.) ngay trên đầu người chết và kêu một cách oai quyền (Ton de commandement) tên họ người qui liễu, biểu xuất thần ra ngoại thân và ngồi trên nắp hòm đặng ta giải trược cho.

Kêu rồi định thần thấy người qui liễu ngồi lên nắp hòm rồi thì cầm nhành dương liễu, nhúng vào Cam Lồ thủy, rải trước mặt 3 cái, bên hông 3 cái, sau lưng 3 cái, và hông bên kia 3 cái. Hễ nam thì đi vòng bên nam trước; còn hễ nữ thì đi vòng bên nữ trước. Xong rồi trở lại trước đầu hòm, giao bình Cam Lồ thủy cho vị phụ lễ, đổi lấy bó nhang chín cây, định thần đứng đạp Đinh Giáp, ngó ngay nguyệt cung (miếng kiếng trước đầu hòm) và ra lịnh một cách oai quyền biếu chơn thần người qui liễu nắm đuôi phướn theo ta vào Cung Đạo, và đồng thời cầm chín cây nhang vẽ bùa chữ (.) trùm lên hết cái thây, trục thần người chết đưa cao lên cho chơn thần theo ta vào Cung Đạo.

Lúc đi vô thì cũng tùy: nam thì đi phía nam, còn nữ thì đi phía nữ. Khi đến Cung Đạo, day lại ra lịnh chơn thần đứng đó chờ. Đoạn xông hương hai tay và mặt, vói lấy nơi bình bông một cái bông, tay trái bắt ấn Hộ Pháp, để cái bông trên ấn, tay mặt cũng bắt ấn Hộ Pháp, chụp lên rồi xả ấn, lấy ngón tay giữa vẽ bùa (.) lên cái bông, xé nhỏ bỏ vào bình Cam Lồ thủy.

Kế đó lấy ly rượu giữa để lên ấn Hộ Pháp như cái bông, vẽ bùa chữ (.) lên ly rượu rồi đổ luôn vô bình Cam Lồ thủy.

Trong bình bây giờ có đủ Tam bửu (Bông, Rượu, Trà). Tay trái bắt ấn Hộ Pháp, để bình Cam Lồ trên ấn, tay mặt cũng bắt ấn Hộ Pháp, xả ấn, lấy ngón tay giữa vẽ bùa Tam Thiên truyền thần xuống bình, hành pháp cho Tam bửu hiệp nhứt.

Xong rồi ngó ngay Thiên Nhãn, định thần, tay trái cầm bình Cam Lồ để trên ấn Hộ Pháp, day lại cây phướn Thượng Phẩm, kêu biểu chơn thần người qui liễu phải tiếp cái nguơn khí của ta giao cho đặng tạo pháp thân của mình, rồi tung chén nước lên không trung cho nó biến thành nguơn khí, (hoặc dùng nhành dương liễu nhúng vào nước Cam Lồ rải tung lên không trung, chỗ phướn Thượng Phẩm) thì người đoạt Đạo sẽ nương theo nguơn khí đó mà đoạt Pháp thân.

Xong rồi để bình và nhành dương liễu lại, lấy bó nhang chín cây cầm đưa Pháp thân theo lá phướn Thượng Phẩm xuống Nghinh Phong Đài, đứng trước quan tài chứng cho đồng nhi đọc kinh . Xong rồi cúi đầu thi lễ và day vô Chánh điện xá 3 xá và cất táng.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

ĐỐC

Đốc thân chi hiếu

篤親之孝

Đốc: rất, lắm. Thân: gần gũi thương yêu, chỉ cha mẹ. Chi: hư tự. Hiếu: chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ.

Đốc thân chi hiếu là hết lòng hiếu thảo với cha mẹ.

NG: Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu.

NG: Nho Giáo, Kinh Nho Giáo.

 

ĐỘC

ĐỘC

1.    ĐỘC: Chỉ có một, một mình.
Td: Độc Thần giáo, Độc thiện kỳ thân.

2.    ĐỘC: Đọc (đọc sách).
Td: Độc chúc.

 

Độc chúc

讀祝

Độc: Đọc (đọc sách).  Chúc: lời khấn, lời chúc mừng.

Độc chúc là đọc kinh cầu nguyện hay đọc văn tế.

Trong nghi tiết Tế Thần, có phần: ĐỘC CHÚC, là đọc bài chúc kể lai lịch và công nghiệp của vị Thần.

 

Độc Thần giáo

獨神敎

A: Monotheism.

P: Monothéisme.

Độc: Chỉ có một, một mình. Thần: Đấng thiêng liêng, chỉ Thượng Đế. Giáo: tôn giáo.

Độc Thần giáo là tôn giáo chỉ nhận có một Thượng Đế và chỉ tôn thờ Đấng Thượng Đế mà thôi.

Đối lại Độc Thần giáo là Đa Thần giáo, là tín ngưỡng thờ nhiều vị Thần.

Độc Thần giáo gồm các tôn giáo: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo.

 

Độc thiện kỳ thân

獨善其身

Độc: Chỉ có một, một mình. Thiện: lành, tốt đẹp. Kỳ: cái ấy. Thân: mình, bản thân mình.

Độc thiện kỳ thân là chỉ cầu cái tốt đẹp cho riêng bản thân mình.

Độc thiện kỳ thân là một lối tu ích kỷ, chỉ biết lo độ mình, mà không nghĩ đến biết bao người khác còn đang chìm đắm trong biển khổ. Người tu độc thiện kỳ thân đóng cửa luyện đạo, mong đạt được thần thông để đưa mình lên địa vị cao thượng. Trong khi đó, đại đa số nhơn sanh còn đang mê muội, tứ khổ vây quanh, mà không để ý tìm phương cứu khổ, thì lối tu đó phỏng có ích lợi gì cho Đạo và cho đời.

"Người dưới thế nầy, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của, ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo, phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên Đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ." (TNHT)

Lối tu độc thiện kỳ thân hoàn toàn xa rời với Chánh pháp của ĐĐTKPĐ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

ĐỐN

ĐỐN

ĐỐN: có hai nghĩa sau đây:

1.    ĐỐN: Tức khắc, mau lẹ.
Td: Đốn ngộ.

2.    ĐỐN: Cúi xuống.
Td: Đốn thủ.

 

Đốn ngộ - Tiệm ngộ

頓悟 - 漸悟

A: To recover oneself immediately - To recover oneself slowly.

P: Se ressaisir tout de suite - Se ressaisir lentement

Đốn: Tức khắc, mau lẹ. Ngộ: giác ngộ, hiểu rõ đạo lý. Tiệm: từ từ.

Đốn ngộ là giác ngộ tức khắc, đó là khả năng của người có đại căn đại tâm nghe thẳng giáo pháp đại thừa, tu hành đại pháp, đột nhiên giác ngộ, thấy được bổn tánh, chứng đắc ngay Phật quả.

Tiệm ngộ là giác ngộ dần dần, đó là hạng người bình thường, căn trí còn thấp, nên phải tu dần dần từ thấp lên cao, từ tiểu thừa lên đại thừa, ban đầu đắc tiểu quả, dần dần tu hành qua nhiều kiếp, mới đắc thành Phật quả.

"Thế nào là Đốn ngộ? Trả lời: Đốn ngộ là lập tức trừ bỏ vọng niệm, ngộ là giác ngộ được điều vô sở đắc. Lại nói: Đốn ngộ là chưa qua đời nầy mà được giải thoát ngay." (PHTĐ)

Phép tu Đốn ngộ được gọi là Đốn pháp và phép tu Tiệm ngộ là Tiệm pháp.

Đốn pháp là phép tu hành thành công tức khắc (liền thấy Tánh thành Phật).

Tiệm pháp là phép tu hành thành công từ bực (từ thấp dần lên cao).

Phật pháp chỉ có một, gọi là Bất nhị Pháp môn. Bởi căn tánh của chúng sanh mê ngộ chẳng đồng, có người tiến hóa mau, có kẻ tiến hóa chậm, nên mới bày ra các phép phương tiện giáo hóa gọi là Đốn pháp, Tiệm pháp. Pháp môn thấy tánh do Thiền Tông đặt ra, là một pháp môn để độ các bậc thượng căn thắng sĩ. Người hạ căn nghe pháp nầy e không hiểu thấu. Đức Lục Tổ Huệ Năng thấy rõ chỗ ấy nên Ngài nói cho đại chúng buổi trước.

Đức Lục Tổ đã nói rõ, Ngài xuống thế mục đích chỉ mở môn Đốn giáo "Kiến tánh thành Phật" đặng độ các bậc thượng căn thắng sĩ là những người hữu duyên với Thiền Tông Bát Nhã. Ngài cũng có tiên đoán các người hạ căn không thể vào pháp môn ấy được." (Trích Pháp Bảo Đàn Kinh của HT. Minh Trực)

Phật pháp vốn không có Đốn Tiệm, song con người có thông minh và có chậm lụt. Với kẻ mê thì khuyến tu Tiệm pháp, với người ngộ thì nên tu Đốn pháp.

Biết được bổn tâm, tức là thấy bổn tánh. Khi ngộ thì lập tức nhận ra được rằng, hai pháp Đốn Tiệm nầy vốn chẳng sai biệt. Nếu không ngộ thì mãi mãi trôi lăn trong luân hồi.

Phật pháp, Đốn Tiệm gì cũng vậy, từ xưa đến nay đều lấy Vô Niệm làm tông, Vô Tướng làm thể, Vô Trụ làm bổn. Vô Tướng có nghĩa là ở trong tướng mà vẫn ly tướng; Vô Niệm là ở trong niệm mà không niệm; Vô Trụ là bổn tánh của con người.

 

Đốn thủ - Đốn thư

頓首 - 頓書

A: To bow down - To present a letter in bowing repectfully.

P: S'incliner pour saluer - Présenter une lettre en saluant respectueusement.

Đốn: Cúi xuống. Thủ: cái đầu. Thư: bức thơ.

Đốn thủ là cúi đầu chào.

Đốn thư là cúi đầu dâng thơ.

Hai từ ngữ: Đốn thủ và Đốn thư, thường được dùng trong thư tín thời xưa, viết ở cuối lá thơ để tỏ ý kính trọng người nhận thơ và sự khiêm tốn của mình.

 

ĐÔNG

ĐÔNG

1.    ĐÔNG: Mùa đông.
Td: Đông chí.

2.    ĐÔNG: Hướng đông, hướng mt tri mc, ch bên nam phái.
Td: Đông hiên, Đông lang.

 

Đông chí

冬至

A: The winter solstice.

P: Le solstice d'hiver.

Đông: Mùa đông. Chí: tới, đến.

Đông chí là tới mùa đông ở Bắc bán cầu.

Ngày Đông chí là ngày 21 hoặc 22 tháng 12 dương lịch mỗi năm. Vào ngày Đông chí, đêm thì dài nhất và ngày thì ngắn nhất.

 

Đông hiên - Tây hiên

東軒 - 西軒

A: Eastern corridor - Western corridor.

P: Corridor oriental - Corridor occidental

Đông: Hướng đông, hướng mặt trời mọc, chỉ bên nam phái. Hiên: dãy nền có mái che ở phía trước hoặc chung quanh nhà, không có tường bao.

Đông là hướng mặt trời mọc, thuộc Dương, chỉ phái Nam.

Tây là hướng mặt trời lặn, thuộc Âm, chỉ phái Nữ .

Hai chữ Đông và Tây ở đây không lấy theo nghĩa đen là hướng Đông và hướng Tây, mà lấy theo nghĩa về Âm Dương để chỉ hai phái Nam và Nữ.

Đông hiên, không phải là cái hiên ở hướng Đông, mà là cái hiên dành cho Nam phái.

Tây hiên, không phải là cái hiên ở hướng Tây, mà là cái hiên dành cho Nữ phái.

Chỉ những nơi chùa chiền, nhà thờ, Thánh Thất thì mới chia ra Đông hiên và Tây hiên, cho Nam Nữ có chỗ phân biệt.

Tòa Thánh Tây Ninh cất day mặt về hướng Tây, Đông hiên là cái hành lang bên Nam phái, ở bên hướng Nam; Tây hiên là cái hành lang bên Nữ phái, ở bên hướng Bắc.

TNHT: Nam Nữ phân biệt: Nam ở Đông hiên, Nữ ở Tây hiên.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đông lang - Tây lang

東廊 - 西廊

A: The oriental outbuiding - The occidental outbuilding.

P: Les dépendances orientales - Les dépendances occidentales.

Đông: Hướng đông, hướng mặt trời mọc, chỉ bên nam phái. Lang: cái nhà phụ ở ngay sát bên ngôi nhà chánh. Tây: (Xem nghĩa về Âm Dương nơi chữ: Đông hiên, Tây hiên)

Phía sau Tòa Thánh hay các Thánh Thất đều có cất một cái nhà phụ hình chữ U.

Dãy nhà dọc bên Nam phái gọi là Đông lang.

Dãy nhà dọc bên Nữ phái gọi là Tây lang.

Dãy nhà ngang ngay phía sau Thánh Thất được gọi là Thiên Phong Đường. Thiên Phong Đường được dùng làm nơi làm việc của các Chức sắc Thiên phong nam nữ, của Bàn Trị Sự và Ban Tứ Vụ nam nữ, để tiếp khách, hội họp, và trong đó có lập bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ.

Đông lang của Thánh Thất được dùng làm nơi làm việc của các Ban Bộ thuộc bên nam phái như: Ban Nhạc, Lễ,...

Tây lang của Thánh Thất được dùng làm nơi làm việc của các Ban Bộ Nữ phái: Ban Đồng nhi, Ban nấu chay,...

 

Đông Nhạc Đế Quân

東岳帝君

Đông Nhạc Đế Quân là vị Thiên Thần làm đầu Ngũ Nhạc, cai trị phần hồn của nhơn loại.

Ai mới thác xuống, linh hồn phải đến cho Thần Đông Nhạc tra xét tội phước, rồi đến lúc đi đầu thai, linh hồn cũng phải trình qua Thần Đông Nhạc.

Theo truyện Phong Thần, năm vị Thần Ngũ Nhạc chia ra ở trên năm hòn núi theo bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương, kể ra:

1.    Hoàng Phi Hổ, làm Đông Nhạc Thái Sơn, Tề Thiên Nhân Đại Đế, làm đầu Ngũ Nhạc.

2.    Sùng Hắc Hổ, làm Nam Nhạc Hành Sơn, Tư Thiên Chiêu Thánh Đại Đế.

3.    Thôi Anh, làm Bắc Nhạc Hằng Sơn, An Thiên Huyền Thánh Đại Đế.

4.    Tưởng Hùng, làm Tây Nhạc Hoa Sơn, Kim Thiên Thư Thánh Đại Đế.

5.    Văn Sính, làm Trung Nhạc Trung Sơn, Trung Thiên Sùng Thánh Đại Đế.

Năm vị Thần Ngũ Nhạc kể trên có nhiệm vụ xem xét hoạ phước cho dân.

KCS: Ơn Đông Nhạc Đế Quân quảng đại.

KCS: Kinh Cầu Siêu.

 

Đông Phương Sóc

東方朔

Theo sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, Đông Phương Sóc là một học giả cùng thời với ông, dưới trào vua Hán Võ Đế, năm sanh và năm mất không rõ. Sử gia Tư Mã Thiên chép chuyện Đông Phương Sóc trong chương "Hoạt Kê liệt truyện" trích ra sau đây:

"Thời Vũ Đế có người nước Tề, họ Đông Phương tên là Sóc, thích đọc truyện sách xưa, yêu đạo Nho, xem nhiều sách của các nhà. Lúc đầu, Sóc vào Trường An, đến công xa dâng sách, vào khoảng ba ngàn thẻ tre (thời xưa chưa có giấy viết, dùng dao khắc chữ vào thẻ tre), công xa sai hai người ôm thẻ tre đưa lên mới nổi. Nhà vua ở trong cung đọc, ngừng lại chỗ nào thì đánh dấu chỗ đó, đọc hai tháng mới hết. Chiếu cho Sóc làm quan Lang, thường hầu ở bên cạnh nhà vua. Nhà vua mấy lần gọi đến trước mặt để nói chuyện, không lần nào nhà vua không vui lòng, có khi cho thức ăn trước mặt vua, Sóc ăn xong, còn bao nhiêu thịt thì mang đi làm bẩn hết cả áo.

Mấy lần nhà vua thưởng cho lụa là, Sóc vác lên vai mà đi, dùng tất cả lụa và tiền vua cho để lấy những người con gái đẹp và trẻ ở Trường An. Cứ lấy được một năm lại bỏ, lấy người vợ khác. Nhà vua cho được bao nhiêu tiền của đều tiêu hết vào việc lấy vợ. Các quan Lang xung quanh nhà vua, phân nửa gọi Sóc là anh Cuồng.

Nhà vua nghe vậy nói:

- Nếu Sóc làm quan không có điều ấy thì các ngươi làm sao kịp nó được.

Sóc cử con làm quan Lang, lại làm người yết giả để chầu chực, thường cầm cờ tiết đi sứ. Sóc đi trong điện, có quan Lang bảo: - Người ta đều bảo tiên sinh là người cuồng.

Sóc nói: - Như bọn Sóc đây có thể gọi là trốn đời ở giữa triều đình vậy. Người đời xưa mới trốn đời ở trong núi sâu.

Sóc thường ngồi trên chiếu uống rượu, say bò trên đất mà hát: "Luân lạc cùng với bọn thế tục, ở ẩn nơi Kim Mã. Trong cung điện có thể trốn đời, bảo toàn thân mình, cần gì phải vào nơi núi sâu, ngồi dưới lều cỏ."

Cửa Kim Mã là cửa quan, hai bên có hai con ngựa bằng đồng nên gọi là cửa Kim Mã.

Sóc thường cùng các quan Bác sĩ họp nhau trong cung bàn luận. Những người kia hỏi vặn Sóc:

- Tô Tần, Trương Nghi, một khi gặp các vị vua có vạn cổ xe đều lên địa vị Khanh Tướng, ơn đức lưu lại đến đời sau. Nay ông trau giồi đạo tiên vương, hâm mộ các nghĩa của Thánh nhân, đọc thuộc ngâm nga lời của Kinh Thi, Kinh Thư, Bách gia, kể không thể hết. Viết ở trên tre, lụa, cho rằng trong thiên hạ không ai bằng mình. Như thế có thể gọi là kẻ biết nhiều, có tài biện luận vậy. Nhưng ông đem hết sức hết lòng để thờ Thánh đế, đến nay, ngày qua tháng lại đã được mấy chục năm ròng, mà chức quan chẳng qua là Thị Lang, địa vị thực ra chỉ cầm kích để hầu, như thế có phải còn điều gì thiếu sót chăng? Thế là tại làm sao?

Đông Phương Sóc nói:

- Đó không phải là điều các ông biết được! Thời xưa khác, thời nay khác, có giống nhau đâu! Thời Trương Nghi, Tô Tần, ngày xưa là lúc nhà Chu tan rã, chư Hầu không vào chầu, về chánh trị thì dùng võ lực tranh nhau quyền thế, đem binh giữ nhau, thôn tính nhau, còn lại 12 nước, không ai hơn ai. Nước nào được kẻ sĩ thì mạnh, nước nào mất kẻ sĩ thì mất nước. Vì thế cho nên kẻ sĩ nói được nghe, đi được lọt, thân mình ở địa vị tôn quí, ơn đức lưu lại đời sau, con cháu mãi mãi vinh hiển.

Ngày nay không phải thế nữa! Thánh đế ở trên, ơn đức tưới khắp thiên hạ, chư Hầu theo phục, uy thế vang đến tứ di, cả ngoài bốn biển cũng đều liền như chiếu, thế yên ổn như cái chậu úp sấp, tất cả thiên hạ đều cân bằng, thu vào một nhà, có việc gì muốn làm thì dễ như trở bàn tay. Bấy giờ, người hiền người dở có khác gì nhau nữa đâu! Trong lúc nầy, thiên hạ to lớn, kẻ sĩ và dân chúng đông đúc, những người đem hết tâm lực, học thuyết kéo nhau tụ tập, không thể kể hết.

Những kẻ hết sức theo nghĩa, ăn mặc còn thiếu thốn, có kẻ mất cả thể diện, gia thế. Giả sử Trương Nghi, Tô Tần cùng tôi đều sinh ra ở đời nầy thì họ sẽ không được chức quan Chưởng Cố, chứ làm gì mong đến chức Thường Thị Thị Lang. Truyện có câu: Trong thiên hạ nếu không có điều nguy hại, tai họa thì Thánh nhân cũng không có chỗ để thi thố tài năng. Trên dưới hòa hợp thì người hiền cũng không có cách gì lập công. Cho nên nói rằng thời đổi khác thì việc đổi khác. Tuy nhiên, điều đó đâu phải là để ta không lo tu thân.

Kinh Thi nói: Chuông đánh ở cung, tiếng vang ra ngoài. Hạc kêu nơi ao đầm xa xôi, tiếng nghe trên trời. Nếu mình tu thân thì lo gì không được hiển vinh. Xưa, Thái Công lo làm việc nhân đức, năm 72 tuổi gặp Văn Vương, được thực hành cái thuyết của mình, được phong đất ở Tề 700 năm mà không dứt. Chính vì vậy cho nên kẻ sĩ ngày đêm lo lắng trau giồi việc học, thực hành đạo nghĩa không dám thôi. Nay những người xử sĩ, trên đời tuy chưa gặp thời, vẫn đứng nghiễm nhiên ở một nơi, một mình sừng sững, trên xem Hứa Do, dưới nhìn Tiếp Dư, theo sách lược của Phạm Lãi, trung thành hợp với Tử Tư, thiên hạ hòa bình, tu thân để giữ gìn mình. Nếu mình cô độc, ít có bè bạn, thì đó là lẽ thường. Các ông sao lại nghi ngờ ta?

Các Bác sĩ đều im lặng, không biết dùng lời gì đáp lại.

Ở lan can gác sau cung Kiến Chương có con vật xuất hiện, hình nó giống như con nai. Người ta tâu lên, vua Hán Vũ Đế tới xem, hỏi các quan chung quanh và những người am hiểu đạo Nho nhưng không ai biết là con gì. Vua sai Đông Phương Sóc đến xem, Sóc nói:

- Thần biết. Xin nhà vua cho rượu ngon cơm ngọt đãi thần một bữa tiệc sang thì thần mới nói.

Chiếu nói: - Được.

- Ở nơi nọ có mấy sở công điền, ao cá, mấy khoảnh đất lau lách, bệ hạ cho thần thì Sóc mới nói.

Nhà vua cũng bằng lòng cho. Bấy giờ Sóc mới chịu nói:

- Con vật ấy là con Sô Nha. Nơi xa xôi sắp theo về thần phục nên con Sô Nha xuất hiện trước, răng cửa răng hàm nó như nhau, bằng nhau như không có răng vậy, cho nên gọi nó là Sô Nha.

Sau đó một năm, quả nhiên có vua Hồn Gia của Hung Nô đem 10 vạn người đến đầu hàng nhà Hán. Nhà vua bèn thưởng cho Sóc rất nhiều tiền bạc.

Khi Sóc sắp mất, Sóc can nhà vua:

- Lằng xanh nhung nhúc, đậu ở rào giậu. Người quân tử chớ nghe lời gièm pha. Lời gièm pha làm rối loạn các nước bốn phương. Xin bệ hạ đuổi xa bọn xu nịnh, gạt bỏ lời gièm pha.

Nhà vua nói:

- Ngày nay, Đông Phương Sóc cũng nói được những lời hay đến thế sao!

Vua lấy làm lạ, được ít lâu sau, quả nhiên Sóc mắc bệnh chết. Truyện có câu: Con chim sắp chết thì tiếng kêu thảm thương, người sắp chết thì lời nói hay, là ý nghĩa như vậy."

Trong sách Thần Tiên Truyện của Trung quốc có chép về Đông Phương Sóc như sau đây:

"Đông Phương Sóc tự là Mạn Sảnh, người ở Bình Nguyên. Có một lần ông đi chơi một năm sau mới trở về nhà. Anh của ông hỏi vì sao ông đi chơi lâu như thế?

Đông Phương Sóc đáp rằng: Tôi đi đến bờ biển rong chơi, biển có chỗ nước màu tím làm dơ y phục của tôi, tôi chỉ có cách chạy đến Ngô Uyên để rửa sạch. Tôi mới ra đi buổi sáng, trưa lại trở về, sao anh nói tôi đi mất một năm.

Thời vua Hán Vũ Đế, Đông Phương Sóc dâng thư lên vua, tự cử mình như Mao Toại. Ông viết:

"Thần là Sóc, từ nhỏ mất cha mẹ, được anh và chị dâu nuôi dưỡng. Năm 12 tuổi đi học, ba năm hiểu rành văn sử vận dụng rành mạch. Năm 15 tuổi học kiếm, 16 tuổi học Thi Thư, có thể thuộc 22 vạn chữ, 19 tuổi học binh pháp Tôn Tử, tất cả chiến thuật đều thông suốt. Năm nay tôi 22 tuổi, người cao 9 thước ba, môi đỏ như son, răng đều như bắp, dũng mãnh lanh lẹ, thanh liêm và uy tín, nhân tài như tôi tự giới thiệu cho Ngài, giống như Mao Toại, không có vấn đề gì."

Ngữ khí của Đông Phương Sóc không một chút khiêm tốn, mà còn thổi phồng mình nữa, nhưng bậc anh tài đại lược như Hán Vũ Đế dĩ nhiên có mắt sáng nhận biết được anh hùng, xem biết người nầy không phải tầm thường, nên lập tức phong Đông Phương Sóc làm quan, thường ở Kim Mã Môn hầu Hán Vũ Đế, và thường ban thưởng cho ông.

Đông Phương Sóc dùng đồ vua ban thưởng để cưới một thiếu phụ ở Trường An.

Có lúc ông uống rượu say, ngồi trên đất ca hát: "Ta tránh thế gian làm người trong triều đình. Người đời rất nhơ nhớp, ta muốn ẩn cư trong Kim Mã Môn, cung điện có thể bảo tồn tánh mạng cho ta, đâu cần đi vào rừng sâu mà trốn."

Đông Phương Sóc trước khi chết, nói với các bạn đồng liêu: "Thiên hạ chưa có ai biết được lai lịch của ta, biết ta chỉ có một người là Đại Ngũ Công."

Đông Phương Sóc chết rồi, sau đó Hán Vũ Đế biết việc nầy, đòi Đại Ngũ Công tới hỏi, Đại Ngũ Công nói không biết. Vua hỏi về các tinh tú trên Trời, Đại Ngũ Công nói các tinh tú đều có đủ, chỉ có Tuế Tinh 40 năm nay không biết đi đâu, không ngờ ngày gần đây mới xuất hiện trở lại.

Hán Vũ Đế ngước mặt lên Trời than: "Đông Phương Sóc sống bên ta 18 năm mà không biết ông ta là Tuế Tinh."

Đông Phương Sóc tuy đã trở về cõi Trời, nhưng ông đã để lại cho Hán Vũ Đế nhiều văn chương văn bút của ông, có mục đích khuyên Vũ Đế theo thiện bỏ ác, luôn luôn tu thân.

Do bộ óc khôi hài nên được nhiều người gán cho nhã hiệu là: Hoạt kê chi hùng (người hùng có tài hoạt kê)."

Trong truyện Hớn Rước Diêu Trì, có nói về ông Đông Phương Sóc tu thành Tiên, chép ra như sau đây:

"Lòng mộ Đạo và sự tín ngưỡng nơi Trời Phật đã trải qua các triều đại Đế Vương, dĩ chí đến đời nhà Hớn (Hán), duy chỉ có vua Hớn Võ Đế là thật lòng thành kính và tin tưởng có Đấng Phật Mẫu hơn ai hết.

Từ ngàn xưa, nhơn loại đã tin tưởng và thờ phượng Đấng Phật Mẫu, cũng gọi là Diêu Trì Kim Mẫu hay Bà Thiên Hậu, tin chắc rằng Đấng Vô Hình ấy tạo hóa ra nhơn loại và vạn vật, nhưng chưa ai được may mắn nhìn thấy Đức Phật Mẫu.

Vua Hớn Võ Đế hay Hán Vũ Đế (141-87 trước Tây lịch) là vị vua thứ 5 của nhà Hớn (Hán) bên Tàu, có hùng tài đại lược, nhưng cũng rất tín ngưỡng Trời Phật.

Khi Hớn Võ Đế mới lên ngôi, Ngài có phát nguyện lập một cảnh chùa thật tráng lệ gọi là HOA ĐIỆN để sùng bái Trời Phật. Gọi là Hoa Điện, vì chùa nầy được chạm khắc hình các thứ hoa trên các vật liệu xây dựng, nên mới trông vào thấy như là một Cung Điện toàn bằng hoa.

Ngôi chùa lớn lao cực kỳ xinh đẹp như thế, nhưng nhà vua chưa quyết định thờ Đấng nào, chỉ để trống, chủ tâm là chờ đợi đến chừng nào nhà vua thấy được sự huyền diệu hiện tượng ra thì nhà vua mới sùng bái.

Đến năm Hớn Võ Đế được 61 tuổi, nhà vua định tổ chức một Lễ Khánh Thọ Đáo tuế long trọng, và Ngài có sở vọng là cầu khẩn thế nào cho có Đức Phật Mẫu giáng xuống chứng lễ, nên nhà vua lập bàn hương án trước sân chùa cầu khẩn ngày đêm, mà không biết Đức Phật Mẫu ngự ở nơi nào và có thấu biết chăng.

Lúc bấy giờ có Ông Đông Phương Sóc, tu đắc đạo thành Tiên, mà trước kia Ông có làm quan trong triều đình của vua Hớn Võ Đế, sau về núi tu luyện, đang ngồi tịnh, chợt động tâm, liền đoán biết hiểu rõ mọi việc của Võ Đế nơi triều đình. Ông liền xuống núi, đi đến Kinh đô, vào triều đình yết kiến Võ Đế.

Vua Hớn Võ Đế gặp Đông Phương Sóc thì rất mừng rỡ, thuật hết mọi việc cho Đông Phương Sóc nghe và nói rõ ước vọng của nhà vua nhân cuộc Lễ Khánh thọ Đáo tuế là sở cầu Đức Phật Mẫu đến chứng lễ, mà không biết Phật Mẫu ở nơi nào, và nhờ ai đi thỉnh, may mắn có Đông Phương Sóc tới, vậy nhờ khanh giúp trẫm đi thỉnh Đức Phật Mẫu được chăng?

Ông Đông Phương Sóc tâu rằng:

- Bệ hạ đã định thì Hạ thần xin phục mạng, dầu khổ nhọc thế nào, Hạ thần cũng sẽ đến Diêu Trì Cung thỉnh Đức Phật Mẫu, nhưng kết quả được cùng chăng là do lòng thành cầu nguyện của Bệ hạ. Vậy xin Bệ hạ ban chiếu cho Thần đi thỉnh.

Đoạn Đông Phương Sóc lãnh chiếu chỉ ra đi.

Ông dùng huyền diệu Tiên gia có khác, chỉ trong chốc lát, Đông Phương Sóc đã đến được Diêu Trì Cung nơi cõi Tạo Hóa Thiên. Sóc xin vào yết kiến Đức Phật Mẫu và tâu bày hết các việc của vua Hớn Võ Đế khẩn cầu.

Đức Phật Mẫu cảm động và phán:

- Phật Mẫu sẽ giáng phàm vào đêm Trung Thu chứng lễ Khánh thọ của Hớn Võ Đế theo sự khẩn cầu, sẽ đem theo 4 Tiên đồng Nữ nhạc đờn ngâm bài chúc thọ, và tặng 4 quả Đào Tiên . Khi Phật Mẫu đến có Thanh loan báo tin trước.

Sóc rất vui mừng, bái tạ Đức Phật Mẫu, rồi cấp tốc trở lại trần gian, vào triều tâu bày các việc cho vua Võ Đế rõ.

Nhà vua rất vui mừng và hỏi:

- Thanh loan là gì?

Đông Phương Sóc đáp:

- Thanh loan là con chim loan màu xanh, đó là con chim lịnh của Phật Mẫu, dùng để chở Phật Mẫu du hành khắp nơi.

Xin Bệ Hạ chỉnh trang cho long trọng, tinh khiết và thanh tịnh để nghinh tiếp Đức Phật Mẫu, phải lập bàn hương án bên trong và bên ngoài, xông hương khử trược và cho thật tinh khiết và trang nghiêm.

Đêm rằm Trung Thu năm đó, trăng sáng vằng vặc, đầu giờ Tý, Hớn Võ Đế quì trước Hoa Điện, thành tâm cầu khẩn.

Xảy thấy một con chim Thanh loan đáp xuống sân Hoa Điện. Liền khi đó, Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên đồng Nữ nhạc giáng lâm trước Hoa Điện.

Hớn Võ Đế cung nghinh Đức Phật Mẫu vào ngự nơi Chánh điện của Hoa Điện.

Đức Phật Mẫu dạy 4 Tiên đồng Nữ nhạc trao tặng cho Hớn Võ Đế 4 quả Đào Tiên và ca ngâm bài chúc thọ. Ông Tiên Đông Phương Sóc quì, hai tay nâng cái dĩa lên để rước lộc (rước 4 quả Đào Tiên).

Bốn vị Tiên đồng Nữ nhạc ấy có tên là:

- Hứa Phi Yến,      - Đổng Song Thành,

- An Phát Trinh,     - Vương Tử Phá.

Sau khi chứng lễ Đáo tuế của Hớn Võ Đế xong, Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên đồng Nữ nhạc cỡi chim Thanh loan trở về Diêu Trì Cung nơi cõi Thiêng liêng.

Vua Hớn Võ Đế ghi nhớ hình ảnh của Đức Phật Mẫu và Chín vị Nữ Tiên, cho thợ khéo, tạc hình Đức Phật Mẫu và Chín vị Nữ Tiên nơi Hoa Điện để ghi nhớ sự tích và phụng thờ Đức Phật Mẫu."

Sự tích nầy được truyền tụng đến ngày nay.

Chúng tôi sưu tầm được một bài Thánh giáo của ông Đông Phương Sóc, đăng trong Đại Đạo Nguyệt San số 11 (1965), xin chép ra sau đây:

Ngày giáng cơ: 3-6-Mậu Dần (dl 30-6-1938)

"Giáng điển nâng thần bút,

Chào chư Chức sắc Thiên phong,

Có ai biết Ta không? Ta là Đông Phương Sóc.

Nghe nói nhiều tay ham học, hỏi học làm chi? Nói học làm Trời, mà làm người chưa đúng.

Hỏi người tu làm chi? Nói tu thành Phật thành Tiên, mà tánh đảo điên không bỏ.

Hỏi sao không biết hổ, còn ngóng cổ cãi hoài.

Quấy là ai? Phải là ai? Hỏi lại ai ai cũng quấy.

Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, mở miệng ra khoe tôi là trí thức, đua chen rộn rực, làm in tuồng quỉ chực dàn chay, kẻ nói dở, người nói hay, dở hay không quyết đoán. Tu lâu năm chầy tháng, tu nhiều ngày kết án dẫy đầy, quấy ăn mặn, phải ăn chay, mặn chay chay mặn. Đã biết Trời trao gánh nặng, sao không lo gánh nặng cho rồi? Xưng mình là đạo đức cao ngôi, sao lại dám bỏ trôi phận sự. Kẻ đa ưu, người đa lự chưa rành, người ganh ghét, kẻ cà nanh thêm sanh ác cảm.

Ôi! Ôi! Nhìn thấy chư hiền mà thảm, thảm cho người rồi thảm cho đời, đời trở lại phá đời, rồi trở lại nói đời quá dữ.

Đạo thì không lo lánh dữ, rồi trở lại trách Trời, có tiền định đổi dời, người sao dám chống Trời ngăn cản. Nay kết phe, mai kết đảng, quyết lòng đánh tản Thiên điều, sớm tự đắc, tối tự kiêu, tưởng rằng Đạo bấy nhiêu là hết.

Một câu kinh chưa biết, dám xưng mình rằng thiệt thông minh, kẻ thì chống, người thì kình, kình chống cho lâu thêm hại.

Kẻ khoe khôn, người nói dại, khôn dại rồi lại tự hại mình.

Xuống bút thần dặn bảo đinh ninh, phải không phải tự mình hỏi lại.

Tự mình hỏi lại tại vì đâu?

Cũng bởi Thiên cơ chẳng dễ dầu.

Dầu chẳng dễ dầu, dầu khó dễ,

Dễ dầu, khó dễ, chớ cơ cầu.

***

Đông Phương nhựt xuất chiếu kiền khôn,

Sóc giáng phân minh rõ xác hồn.

Ca chẳng biết Ca mà kể giọng,

Được dầu không được, giữ cho tồn.

Bần đạo giáng đàn rất hổ! Hổ vì Ca chê chỗ bất tài. Thần Tiên thảm thiết bi ai, thương vì được việc may đành rủi. Ta khuyên đừng có tủi, buổi cuối cùng rủi đó rồi may. Lời xin người chớ vội khoe tài, cơn rắc rối ỷ tài thêm hại.

Sớm hồi tâm suy nghĩ, suy nghĩ thành chớ ỷ không thành, khuyên bớt việc cành nanh, nanh vút nhọn ắt sanh chuyện dữ.

Xúm nhau mưu sự, dạ hằng lo chống cự cho vừa, ngoài kẻ chắc phần đông, lòng quyết chí lấp sông tát biển.

Chưa xong điều hiển mà luận việc vô vi, chẳng rõ chữ trí tri, lại kẻ canh vật lý. Câu tâm linh phước chí, Trời lựa người mà mượn ký thiêng liêng, căn tình dục đảo huyền, ái nữ phụ sớm khuyên chừa bỏ.

Luật Thiên đình treo đó, người tu phải ngó cho tường, pháp nước rõ chán chường, ai sớm biết tìm phương lánh họa. Muốn tu cho khỏi đọa, ta khuyên chừa cái dạ đa nghi, muốn theo đứa vô nghì thì phải mê si chung với nó.

Trương buồm coi chừng gió, gió có ngược có xuôi, mọi việc đều có đầu đuôi, đầu đuôi có chỗ.

Xét sao không biết hổ, phận mình còn nhiều chỗ chưa rồi, hồn dụ dự lôi thôi, trong đó cũng có hồi còn sơ sót. Tranh đua theo nước bọt, không lo học lo hành, giả dối muốn tranh giành, lòng chẳng ưa việc phải.

Ta nói chung cả thảy, muốn theo Thầy thì phải tin Thầy, lời dặn chớ lầm sai, không tu niệm, tội ai nấy chịu. Xét sớm mau lo liệu, đừng để muộn ăn năn, khuyên chớ có dùng dằng, ắt không tròn bổn phận. Chác chi điều cừu hận, làm cho bạn ưu phiền, dứt hết nợ oan khiên, ngày sau mình khỏi đọa.

Đạo lúc nầy rời rã, cũng vì tứ bửu không hòa, Trời định chẳng dung tha, làm lũ yêu tà thêm vỡ mật.

Một còn một mất, còn mất là lẽ tự nhiên, một dữ một hiền, dữ hiền là thay đổi. Ai sớm may gặp hội, cũng trong một lúc nầy, kẻ vô phước chẳng may, rồi đây toan bỏ việc.

Muốn tu phải giả câm giả điếc,

Dầu thiệt hư mình biết lấy mình.

Hành đạo thì tâm tánh cho thanh,

Dầu trong đục tự mình lóng trước.

Ai có công thì hưởng phước, lòng đừng mơ ước uổng công. Muôn việc chi phải trước đề phòng, hơ hỏng ắt không thành việc.

Giáng bút phân rành hơn thiệt, ai sớm biết liệu lo, sâu thì chống, cạn thì dò, đừng để cho đến đỗi giông tuông rồi gió thổi. Cũng trong một lúc nầy, xây chuyển lại chuyển xây, cuộc đời thay đổi. Ta khuyên đừng có vội, ráng an lòng chờ đợi lịnh Trời. Tiếng nói chẳng phải chơi, nhiều lời ắt vương nên tội lỗi. Có tội thì sau sám hối, để lâu ngày thì tội không trừ, việc thiệt dám chê hư, dầu cho Đấng Đại Từ không chế đặng.

Đường ngay mực thẳng, phe đảng tan tành, lời thiệt phân rành, người tu chung hiệp. Chân thiện lo cần kíp, đừng để trễ ngày giờ, nếu biết luận Thiên cơ, đừng ngẩn ngơ chán ngán.

Khuyên đừng chán ngán, ráng lo tròn,

Ấy mới thật là trọn nghĩa con.

Thoả thuận cùng không cơn rắc rối,

Vững bền theo Đạo mới vuông tròn.

ĐÔNG PHƯƠNG SÓC

 

ĐỒNG

ĐỒNG

1.    ĐỒNG: Cùng, giống nhau.
Td: Đồng bào, Đồng bệnh, - môn.

2.    ĐỒNG: Đứa trẻ nhỏ.
Td: Đồng nhi, Đồng tử.

 

Đồng bào

同胞

A: Compatriot.

P: Compatriote.

Đồng: Cùng, giống nhau. Bào: cái bọc chứa thai nhi trong bụng mẹ.

Đồng bào là những người cùng chung một bào thai sanh ra, chỉ dân tộc Việt Nam.

Theo Sử VN, thời kỳ lập quốc, vua Lạc Long Quân tên là Sùng Lãm, con của vua Kinh Dương Vương và Long Nữ, nối ngôi làm vua. Lạc Long Quân cưới con gái của vua Đế Lai là Bà Âu Cơ, sanh ra một cái bọc trong đó có 100 trứng, nở ra 100 người con. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng:

- Ta là dòng dõi Long Quân (vua rồng), còn nàng là dòng dõi Thần Tiên, ăn ở nhau lâu không đặng. Ta và nàng nay có 100 đứa con, vậy nàng dẫn 50 đứa lên miền núi, còn ta dẫn 50 đứa đi về phương Nam đến vùng Nam Hải.

Đến sau, Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, ngày nay thuộc huyện Bạch Hạc tỉnh Vĩnh Yên.

Đó là truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc VN. Những người VN hiện nay đều là dòng dõi của Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên gọi nhau là đồng bào và xưng là con Rồng cháu Tiên, dòng giống Lạc Hồng (Lạc là Lạc Long Quân, Hồng là Hồng Bàng, họ của vua Hùng Vương).

Trong nghĩa hẹp, đồng bào là anh em ruột có chung một cha một mẹ trong gia đình.

KTHĐMP: Rẽ phân cốt nhục đồng bào.

KTHĐMP: Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần.

 

Đồng bệnh tương lân

同病相憐

A: Fellow-sufferers have mutual compassion.

P: Ceux qui souffrent d'un même mal ont pitié les uns des autres.

Đồng: Cùng, giống nhau. Bệnh: ốm đau. Tương: lẫn nhau. Lân: cũng đọc là Liên: thương xót.

Đồng bệnh tương lân là ý nói những người cùng một cảnh ngộ thì thương xót nhau và giúp đỡ nhau.

Sách Nho có câu: Đồng bệnh tương lân, đồng ưu tương cứu. Nghĩa là: Cùng bệnh thì thương xót nhau, cùng một nỗi lo thì cứu giúp nhau.

 

Đồng cam cộng khổ

同甘共苦

Đồng: Cùng, giống nhau. Cam: ngọt, sung sướng. Cộng: cùng chung. Khổ: đắng, khổ sở.

Đồng cam cộng khổ, nghĩa đen là cùng chung hưởng ngọt bùi thì cùng chung chịu đắng cay.

Ý nói: Bạn bè gắn bó với nhau, cùng vui hưởng những điều sung sướng và cùng nhau gánh chịu những điều khổ cực.

 

Đồng lạc

同樂

A: Of the same joy.

P: De même joie.

Đồng: Cùng, giống nhau. Lạc: vui.

Đồng lạc là cùng vui vẻ với nhau.

TNHT: Giáng ban phúc hạnh nhơn đồng lạc.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đồng lai phối hưởng

同來配享

Đồng: Cùng, giống nhau. Lai: tới, đến. Phối: phối hợp, phân chia thỏa đáng. Hưởng: nhận lấy mà dùng.

Đồng lai phối hưởng là khấn mời Tổ Tiên cùng các vong linh thân thích trong dòng họ đến hưởng những lễ vật cúng tế.

 

Đồng mạch

同脈

A: Of the same way.

P: De même voie.

Đồng: Cùng, giống nhau. Mạch: đường máu chảy trong thân thể.

Đồng mạch là cùng một chung đường nước chảy, ý nói cùng có chung một tín ngưỡng tôn giáo.

PMCK: Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Đồng môn

同門

A: Of the same school and same master.

P: De même école et même maître.

Đồng: Cùng, giống nhau. Môn: cửa, chỉ trường học.

Đồng môn là bạn học cùng một trường một thầy.

KVH: Buộc yêu thương bạn đồng môn.

KVH: Kinh Vào Học.

 

Đồng nhi - Biện nhi - Giáo nhi

童兒 - 辦兒 - 敎兒

A: The children of chorus - Chief of children of chorus - The institutress of children of chorus.

P: Les enfants de choeur - Chef des enfants de choeur - L'institutrice des enfants de choeur.

Đồng: Cùng, giống nhau. Nhi: trẻ nhỏ. Biện: sắp đặt. Giáo: dạy.

Đồng nhi là trẻ nhỏ con nhà Đạo, được tuyển chọn để dạy cho biết cách tụng kinh, để đứng tụng kinh trong các thời cúng tại Thánh Thất và Điện Thờ.

Biện nhi là Trưởng ban đồng nhi, tức là một em đồng nhi lớn tuổi hơn trong Ban được cử lên để điều hành Ban đồng nhi.

Giáo nhi là cô giáo dạy các em đồng nhi tụng kinh.

Mỗi Thánh Thất hay mỗi Điện Thờ, đều có tổ chức Ban đồng nhi. Đồng nhi Nam thì ở trong Ban đồng nhi Nam, đồng nhi Nữ thì ở trong Ban đồng nhi Nữ. Mỗi Ban đồng nhi phải có ít nhứt là 12 em, nhiều nhất là 36 em, tuổi từ 8 đến 15 tuổi.

Tất cả đồng nhi đều mặc đạo phục là áo dài trắng, quần trắng. Đồng nhi nữ thì để đầu trần, còn đồng nhi nam thì đội khăn đóng đen.

Trong Đại lễ cúng Đại đàn tại Tòa Thánh, đồng nhi Nam đứng trên lầu BQĐ, tụng các bài kinh: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo; còn các đồng nhi Nữ thì đứng tại Nghinh Phong Đài, tụng các bài kinh: Niệm Hương, Khai Kinh, thài 3 bài Dâng Tam bửu, tụng Ngũ nguyện.

Ở các Thánh Thất địa phương, thường chỉ có Ban đồng nhi Nữ, ít khi có Ban đồng nhi Nam. Ngoài việc tụng kinh cúng Đại đàn, Tiểu đàn, hay cúng Tứ thời tại Thánh Thất, Điện Thờ, đồng nhi còn đi tụng kinh nơi các đám tang trong Đạo, Tiểu tường hay Đại tường, Thượng tượng.

Khi hết tuổi làm đồng nhi, các em có thể dự thi lên Giáo Nhi khi Hội Thánh có mở kỳ thi tuyển. Khi thi đậu, Hội Thánh phát cho cấp bằng Giáo Nhi, được Hội Thánh bổ đi dạy trở lại các đồng nhi.

Giáo Nhi đối phẩm Chánh Trị Sự, sau 5 năm công nghiệp được cầu phong lên hàng Lễ Sanh. Giáo Nhi phải là con gái không có chồng, khi có chồng thì phải từ chức Giáo Nhi.

Đạo phục của Giáo Nhi giống đạo phục của Nữ Lễ Sanh, nhưng trên đầu không có giắt bông sen. (Xem: Giáo Nhi, vần G)

BQÐ: Bát Quái Ðài.

 

Đồng nhứt thể

同一體

A: Identity of the spirit.

P: Identité de l' esprit.

Đồng: Cùng, giống nhau. Nhứt: một. Thể: thể cách.

Đồng nhứt thể là có cùng một thể như nhau.

Mọi vật trong CKVT, tuy có hình dạng khác nhau, trí khôn khác nhau, cách sống khác nhau, nhưng mỗi vật đều có hai thể:

1. Một thể hữu hình do vật chất tạo thành, gọi là xác thể.

2. Một thể vô hình là hồn, do Thượng Đế ban cho, có thể gọi chung là linh thể (thể thiêng liêng). Cái linh thể nầy có khác nhau về trình độ tiến hoá, nhưng bản chất thì như nhau, vì tất cả đều xuất phát từ một gốc duy nhứt là Thượng Đế.

Cái linh thể đó của vạn vật đều đồng nhứt với nhau, nên mới nói rằng: Vạn vật đồng nhứt thể.

Do đó, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát giáng cơ nói rằng:

"Vì vạn vật do Đức Từ Bi mà sanh hóa trong cả thế gian nầy, vậy vạn vật đồng nhứt thể." (TNHT)

Ông Trang Tử, học trò của Đức Lão Tử, trong thiên "Tề Vật Luận" trong sách Nam Hoa Kinh có viết: "Thiên Địa dữ ngã tịnh sanh, vạn vật dữ ngã vi nhất." Nghĩa là: Trời Đất với ta đều sống, vạn vật với ta làm một.

Vạn vật tuy có lớn có nhỏ, thọ yểu khác nhau, nhưng theo luật tự nhiên thì không vật nào khinh, không vật nào trọng. Từ đó, Trang Tử đưa ta thuyết mọi vật đều ngang nhau, tức là đồng nhất thể vậy.

Cũng với ý thức đồng nhứt thể ấy, Lục Tổ Huệ Năng khi mới đến gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói một câu thật nổi tiếng:

"Con người tuy có phân Nam Bắc, chớ Phật tánh vốn không có Nam Bắc. Cái thân dã man nầy đối với Hòa Thượng tuy chẳng giống nhau chớ cái tánh Phật nào có khác!"

Do đó, đối với Phật giáo Thiền Tông, cái đồng nhứt thể của con người là cái Phật tánh.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đồng quan đồng quách

同棺同槨

A: In the same coffin.

P: Dans le même cercueil.

Đồng: Cùng, giống nhau. Quan: cái áo quan để liệm xác người chết. Quách: cái quách để bọc ngoài áo quan (nhà giàu mới dùng), nên có thành ngữ: Trong quan ngoài quách: Bên trong là áo quan, bên ngoài là quách. (Ở đây, quách không có nghĩa là cái hòm nhỏ để liệm xác con nít chết, hay để lấy cốt đem cải táng).

Đồng quan đồng quách có nghĩa là cùng nằm trong một cái áo quan và cùng trong một cái quách.

Ý nói: Cùng sống với nhau, cùng chết với nhau, cùng nằm chung trong một cái áo quan, cùng chôn một chỗ.

Đây là lời nguyền của những người vợ quyết sống chung thủy với chồng: "Sanh đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách." Nghĩa là: Khi sống thì cùng một chiếc chiếu, cùng một cái giường; khi chết thì cùng trong một cái quan tài.

Điển tích: Vào thời nhà Nguyên bên Tàu, có một đôi vợ chồng trẻ, chồng tên là Trần Sử Chánh. Vợ chồng đang sống hạnh phúc bên nhau thì Chánh phải đi tòng quân đánh giặc. Chẳng may, đội quân của Chánh bại trận, và Chánh bị tử trận giữa chiến trường. Vợ của Chánh hay tin, lặn lội ra chiến tuyến để tìm xác chồng, nhờ cái túi vải mà chồng luôn luôn đeo bên mình, vợ nhận được xác chồng, xin đem xác về nhà lo chôn cất. Vợ Chánh kêu thợ đến đóng một cái áo quan có bề ngang rộng gấp đôi cái áo quan thường. Người thợ nói: Bà biểu đóng rộng như vậy thì làm sao có đủ đồ liệm?

Vợ Chánh trả lời: Ông thợ cứ đóng y theo lời tôi dặn, vì sẽ có đủ đồ liệm.

Khi cái áo quan đóng xong, người vợ ôm xác chồng khóc lóc một hồi rồi nàng nàng cầm dao tự tử chết theo chồng. Lúc đó, người ta mới hiểu ý và cho liệm xác của hai vợ chồng chung trong một áo quan.

Mọi người đều cảm động và hết lời ca ngợi một người vợ chung thủy với chồng.

 

Đồng qui thù đồ

同歸殊途

A: To arrive to the same aim by the different ways.

P: Arriver au même but par des voies différentes.

Đồng: Cùng, giống nhau. Qui: trở về. Thù: khác. Đồ: đường đi.

Đồng qui thù đồ là cùng về một chỗ mà đường đi thì khác nhau. Ý nói: Đạt đến cùng một mục đích nhưng dùng những phương tiện khác nhau.

Tỷ như một cái núi cao, từ chân núi đi lên đỉnh, có nhiều con đường khác nhau, bắt đầu ở những nơi khác nhau, nhưng cuối cùng đều gặp nhau tại đỉnh núi. Như vậy, phương tiện hành động khác biệt nhau, nhưng mục đích thì chỉ có một.

Đức Khổng Tử nói: "Thiên hạ tư hà lự? Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự. Thiên hạ hà tư hà lự?" Nghĩa là: Thiên hạ nghĩ gì lo gì? Thiên hạ cùng về một chỗ mà nhiều đường khác nhau, cùng một mối mà trăm điều lo nghĩ. thiên hạ nghĩ gì lo gì?

Ý của Đức Khổng Tử nói rằng: Thiên lý tuy biến hóa thành trăm đường ngàn lối, nhưng rốt cuộc cũng qui về một mối mà thôi. Nếu người ta biết thế thì còn lo nghĩ gì nữa.

Trên thế giới, nhơn loại có nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng chơn lý chỉ có một. Muốn tìm gặp chơn lý thì phải đi vào cái cửa tôn giáo. Các tôn giáo đều khác nhau về giáo lý, cách thờ phượng, luật tu hành, nhưng cứu cánh của tôn giáo thì chỉ có một, đó là dạy con người làm lành lánh dữ, mở lòng thương yêu giúp đỡ mọi người để cuối cùng thoát khỏi luân hồi, đắc thành Thánh, Tiên, Phật, tức là đạt đến Chơn lý.

Vậy thì không nên vì chỗ khác nhau ở những hình thức mà phỉ báng nhau, đố kỵ nhau, mà phải nghĩ đến cái mục đích cuối cùng vẫn có một, để hòa đồng cùng nhau, tạo lập cuộc sống thanh bình hạnh phúc, lập một Thiên đàng tại thế. Đó là đời Thánh đức vậy.

 

Đồng quyền đồng thể

同權同體

A: Of the same power and the same rank.

P: De même pouvoir et de même rang.

Đồng: Cùng, giống nhau. Quyền: quyền hành. Thể: hình thức.

Đồng quyền đồng thể là có quyền hành như nhau, và có phẩm vị như nhau, không hơn không kém.

CG PCT: Phối Sư là người lãnh quyền của Chánh Phối Sư ban cho, đặng đồng quyền đồng thể cùng Chánh Phối Sư khi người trao trách nhiệm cho mình.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

Đồng sàng dị mộng

同床異夢

A: On the same bed but different dreams.

P: Sur un même lit mais différents rêves.

Đồng: Cùng, giống nhau. Sàng: giường. Dị: khác. Mộng: chiêm bao.

Đồng sàng dị mộng là cùng ngủ chung trên một cái giường mà chiêm bao thấy những việc khác nhau.

Ý nói: Cùng một địa vị như nhau nhưng tâm hồn khác nhau, tư tưởng khác nhau.

 

Đồng sanh đồng tịch

同生同席

A: To live together with the same mat.

P: Vivre ensemble avec la même natte.

Đồng: Cùng, giống nhau. Sanh: sống. Tịch: chiếc chiếu.

Đồng sanh đồng tịch là cùng sống chung với nhau trên một chiếc chiếu.

Thành ngữ nầy đồng nghĩa với: Đồng tịch đồng sàng, Đồng quan đồng quách, để chỉ đôi vợ chồng sống hòa hợp với nhau đến trọn đời.

KHP:

Giữa đền để một tấc thành,

Đồng sanh đồng tịch đã đành nương nhau.

KHP: Kinh Hôn Phối.

 

Đồng song

同窗

A: The school fellow.

P: Le condisciple.

Đồng: Cùng, giống nhau. Song: cái cửa sổ.

Đồng song là bạn cùng học với nhau nơi cái cửa sổ, ý nói bạn cùng học một thầy một trường.

Bài Thài hiến lễ hàng Thánh và Thiên Thần: Tuần Tửu:

Kẻ ở người đi dòng lệ đổ,

Tửu quỳnh kính hiến nghĩa đồng song.

 

Đồng tâm hiệp chí

同心合志

Đồng: Cùng, giống nhau. Tâm: lòng dạ. Hiệp: hợp lại. Chí: ý chí.

Đồng tâm hiệp chí là đồng lòng kết hợp ý chí với nhau để mưu cầu việc lớn cho được thành công tốt đẹp.

TNHT: Điều Thầy vui hơn hết là muốn cho các con thương yêu giúp lẫn nhau như con một nhà, phải đồng tâm hiệp chí, chia vui sớt nhọc cho nhau,...

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu

同聲相應 ,同氣相求

A: Those of the same sound respond to each other,
Those of the same character seek each other.

P: Ceux qui ont la même voix s'accordent entr'eux,
Ceux qui ont le même caractère se recherchent.

Đồng: Cùng, giống nhau. Thanh: tiếng, âm thanh. Tương: cùng nhau, với nhau. Ứng: đáp lại. Khí: cái khuynh hướng của tinh thần. Cầu: tìm.

Đồng thanh tương ứng: Những vật có cùng tiếng thì cùng đáp lại với nhau. Thí dụ như một con gà gáy thì các con gà khác cùng gáy theo. Ý nói: Người hay vật có cùng bản chất thì ứng hiệp nhau.

Đồng khí tương cầu: Những vật có cùng khí chất thì tìm đến nhau. Thí dụ như nam châm và đinh sắt, khi gặp nhau thì hút nhau, vì chúng đều có từ tính. Ý nói: Những người có ý chí giống nhau thì tìm đến kết hợp nhau, những người có ý chí khác nhau thì dang xa nhau.

Đức Cao Thượng Phẩm nói về bửu pháp Long Tu Phiến:

"Long Tu Phiến là cây quạt do điển khí của Tam thập lục Thiên kết thành. Quạt ấy tiết ra một điển lực có ảnh hưởng đến cuộc tiến hóa của quần linh. Chơn thần nào trong sạch thì nương theo đó mà siêu nhập vào CLTG; trái lại, chơn thần nào luyến ái tà mị thì lánh xa mà đi lần đến U Minh cảnh giới.

Cả cơ thu và xuất của Long Tu Phiến với chơn thần đều do luật "đồng khí tương cầu" mà thành tựu, nghĩa là: Nếu chơn thần đạo đức thì Long Tu Phiến hấp dẫn đến gần và đưa vào CLTG; còn nếu chơn thần nào trọng trược thì Long Tu Phiến đẩy ra xa và lần hồi đi đến cõi U Minh đen tối."

CLTG: Cực Lạc Thế giới.

 

Đồng tông

同宗

A: Of the same religion.

P: De même religion.

Đồng: Cùng, giống nhau. Tông: cũng đọc là Tôn, nghĩa là tôn giáo.

Đồng tông là cùng một tôn giáo, cùng một đạo.

Đồng tông, đồng nghĩa với Đồng đạo.

TNHT:

Chẳng quản đồng tông mới một nhà,

Cùng nhau một đạo tức một Cha.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đồng tử

童子

A: The medium.

P: Le médium.

Đồng: Đứa trẻ nhỏ. Tử: người.

Đồng tử là người làm trung gian để người phàm có thể thông công các Đấng thiêng liêng, và cũng để các Đấng thiêng liêng truyền những tư tưởng đạo đức giáo dục người phàm.

Khi xưa, Đạo Tiên dùng đồng tử là những trẻ nhỏ, vì bản chất còn ngây thơ và hồn nhiên. Nhưng ngày nay, Đạo Cao Đài dùng đồng tử là những Chức sắc HTĐ do Đức Chí Tôn chỉ định, và thường được gọi là Phò cơ hay Phò loan. (Xem chi tiết nơi chữ: Cơ bút, vần C)

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

 

Đồng ưu cộng lạc

同憂共樂

Đồng: Cùng, giống nhau. Ưu: lo âu. Cộng: cùng chung. Lạc: vui.

Đồng ưu cộng lạc là cùng nhau lo âu và cùng nhau vui vẻ.

Ý nói: Anh em thương yêu đoàn kết với nhau, khi gặp việc khó khăn thì cùng nhau lo âu giải quyết, khi gặp việc vui vẻ thì cùng nhau chung hưởng.

 

Đồng vị

同位

Đồng: Cùng, giống nhau. Vị: phẩm vị.

Đồng vị là có cùng phẩm vị ngang nhau.

CG PCT: "Tuy trong Hội Thánh có chia ra hai phần hữu hình là: CTĐ và HTĐ, mà nơi HTĐ, dầu cho Hộ Pháp cũng phải là em của Giáo Tông, song Hộ Pháp phải nhỏ về phần hữu hình đã nói trên đây, chớ phần thiêng liêng thì đồng vị."

Đức Hộ Pháp ở phẩm vị Phật. Do đó, Đức Giáo Tông cũng phải ở phẩm vị Phật hay tương đương, tức là bực Thiên Tiên hay Đại Tiên Trưởng.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

ĐỔNG

Đổng Hồ chi bút

董狐之筆

Đổng Hồ: tên của một vị Sử quan (quan chép sử) đời nhà Tấn bên Tàu. Chi: của. Bút: cây viết.

Đổng Hồ chi bút là cây viết của ông Đổng Hồ.

(Xem điển tích nơi chữ: Viết của chàng Hồ, vần V)

 

ĐỘNG

ĐỘNG

1.    ĐỘNG: Cái hang núi.
Td: Động Bích, Động đào.

2.    ĐNG: Chuyn đng.
Td: Đ
ng tnh.

 

Động Bích

洞碧

Động: Cái hang núi. Bích: Bích Du Cung của Thông Thiên, Giáo chủ Triệt giáo.

Động Bích là cái hang núi đi vào Bích Du Cung của Đức Thông Thiên, Giáo Chủ Triệt giáo.

Theo truyện Phong Thần, Đức Hồng Quân Lão Tổ (một danh xưng của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế) có ba người học trò: Lão Tử, Nguơn Thỉ Giáo chủ Xiển giáo và Thông Thiên Giáo chủ Triệt giáo.

Xiển giáo là Chánh đạo, Triệt giáo là Bàng môn Tả đạo. (Triệt là bỏ đi, ý nói bác bỏ những qui tắc của Xiển giáo). Do đó, Xiển giáo và Triệt giáo luôn luôn có sự mâu thuẩn với nhau, khiến cho đệ tử của hai nhà hiềm khích đánh nhau. Triệt giáo tuy đông đảo, đôi khi thắng thế, nhưng cuối cùng thì luôn luôn bị thất bại, thể hiện rõ Chánh luôn luôn thắng Tà.

TNHT: Lối mòn động Bích chớ lầm đường.

Lối mòn động Bích là con đường đi vào Bích Du Cung của Thông Thiên Giáo chủ là con đường đi vào Tà đạo, chớ nên lầm tưởng đó là Chánh đạo.

Đôi liễn treo trước Bích Du Cung, dịch ra như sau:

Đóng cửa tụng Huỳnh Đình, thiệt bực cố thành ngôi Chánh quả,

Tách mình qua Tây Thổ, là người đứng tên Bảng Phong Thần.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Động đào

洞桃

A: The grotte of peach trees.

P: La grotte des pêchers.

Động: Cái hang núi. Đào: cây đào, hoa đào.

Động đào là cái hang núi có mọc nhiều cây đào trổ hoa rơi xuống đường trông rất đẹp mắt.

Động đào chỉ cảnh Tiên. (Xem chữ: Đào nguyên, vần Đ)

 

Động Đình Hồ

洞廷湖

Động Đình Hồ là tên một cái hồ nổi tiếng đẹp nhứt trong Ngũ Hồ ở Trung quốc.

Nước Tàu có tất cả 5 cái hồ lớn phong cảnh rất đẹp, gọi chung là Ngũ Hồ, gồm:

- Động Đình Hồ (tỉnh Hồ Nam, giữa hồ có núi Quân sơn), - Tây Hồ (giữa hồ có núi Cô Sơn), - Thái Hồ (giữa 2 tỉnh Triết giang và Giang tô) , - Phan Dương Hồ, - Sào Hồ.

Động Đình Hồ ở tỉnh Hồ Nam, thông với sông Trường Giang, mùa nước lớn, mặt nước hồ dài đến hơn trăm cây số, rộng hơn tám mươi cây số. Giữa hồ có nhiều núi, nhưng nổi tiếng nhứt là núi Quân Sơn, thi nhân thường đến đây để ngắm cảnh và ngâm vịnh.

Nhà đại thi hào Lý Bạch đời Đường, khi du ngoạn đến Động Đình Hồ thì Ngài thoát xác đăng Tiên. Do đó Ngài cũng tự xưng là Động Đình Hồ Tiên Trưởng.

Ngài giáng cơ cho bài thi:

ĐỘNG lòng thương xót buổi đời nguy,

ĐÌNH hội Phật Tiên đã mấy kỳ.

HỒ điệp mê man chưa tỉnh thức,

ĐẠI TIÊN TRƯỞNG giáng hoát vô vi.

Đức Lý Giáo Tông có dạy Hội Thánh mua khoảnh đất Bào Cà Na để làm Động Đình Hồ, làm tăng thêm cảnh đẹp nơi Tòa Thánh.

TNHT: Động Đình trở gót lại ngôi xưa.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Động tịnh

動靜

A: Movement and repose: The actual situation.

P: Mouvement et repos: La situation actuelle.

Động: Chuyển động. Tịnh: yên lặng, đứng yên.

Động tịnh là chuyển động hay đứng yên, ý nói tình hình diễn ra trong một địa phương.

CG PCT: Mỗi ngày phải chạy nhựt để cho Chánh Trị Sự hiểu điều động tịnh trong địa phận của mình.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

ĐỞM

ĐỞM

(Xem: Đm)

 

ĐƠN (ĐAN)

ĐƠN

1.    ĐƠN: Màu đỏ, màu son.
Td: Đơn đình, Đơn tâm.

2.    ĐƠN:

·         Có một, lẻ loi.
Td: Đơn cử, Đơn sai.

·         Tờ giấy kê khai việc gì.
Td: Đơn trạng.

 

Đơn cử

單舉

A: To cite a single fact as example.

P: Prendre isolément un fait comme exemple.

Đơn: Có một, lẻ loi. Cử: nêu ra.

Đơn cử là kể riêng ra một việc để làm thí dụ.

 

Đơn điền

丹田

Đơn: Màu đỏ, màu son. Điền: ruộng đất để cày cấy.

Đơn điền hay Đan điền là cái huyệt dưới rún độ 3 tắc ta.

Từ ngữ nầy thường được dùng trong phép Luyện đạo.

 

Đơn đình

丹庭

Đơn: Màu đỏ, màu son. Đình: cái sân.

Đơn đình là cái sân màu đỏ trong đền vua để các quan vào đó chầu vua. Ý nói: nơi triều đình.

TNHT: Độ cho trở buổi lại đơn đình.

Đơn đình ở đây là chỉ nơi triều đình của Thượng Đế.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đơn khâm cô chẩm

單衾孤枕

Đơn: Có một, lẻ loi. Khâm: cái mền, cái chăn để đắp cho ấm. Cô: lẻ loi. Chẩm: cái gối kê đầu.

Đơn khâm cô chẩm là chăn đơn gối chiếc, ý nói sống một mình cô độc.

 

Đơn sai

單差

A: Untrue.

P: Infidèle.

Đơn: Có một, lẻ loi. Sai: không đúng.

Đơn sai là không đúng như lời nói, nói sai sự thực.

TNHT: Gìn lòng tu tánh chớ đơn sai.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đơn tâm

丹心

A: True heart.

P: Coeur sincère.

Đơn: Màu đỏ, màu son. Tâm: lòng dạ.

Đơn tâm hay Đan tâm, dịch là Lòng son, nghĩa là tấm lòng thành thật tốt đẹp không phai như màu đỏ của son.

TNHT: Đơn tâm khó định lấy chi mong.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đơn trạng

單狀

Đơn: Tờ giấy kê khai việc gì. Trạng: bài văn viết ra những điều muốn trình bày với cấp trên.

Đơn trạng là chỉ chung các đơn từ thưa kiện hay khiếu nại.

CG PCT: Tiếp Pháp là người tiếp luật lệ, đơn trạng kiện thưa,có quyền xét đoán, coi có nên phân định hay chăng...

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

ĐUỐC

Đuốc huệ

A: The torch of wisdom.

P: Le flambeau de sagesse.

Đuốc: vật cầm tay dùng đốt lên cho sáng để thấy đường đi trong đêm tối. Huệ: trí huệ, sự sáng suốt rõ thông đạo lý, không còn mê lầm.

Đuốc huệ là ngọn đuốc trí huệ. Người tu dùng cái trí huệ đạt được làm ngọn đuốc soi đường cho nhơn sanh bước theo.

TNHT: Ngày giờ nhặt thúc, sanh chúng đương bơ vơ, chẳng biết đuốc huệ soi về phương nào.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

ĐỨC

ĐỨC

ĐỨC: Đạo đức, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời.
Td: Đức hóa, Đức tánh, Đức tin.

 

Đức cao ân trọng

德高恩重

Đức: Đạo đức, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời. Cao: lớn, nhiều. Ân: ơn. Trọng: nặng.

Đức cao ân trọng là đạo đức cao, ơn huệ nhiều.

KSH:

Nhờ Viêm Đế đức cao ân nặng,

Tìm lúa khoai người đặng no lòng.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Đức hóa

德化

A: To transform by emotion of virtue.

P: Transformer par l'émotion de vertu.

Đức: Đạo đức, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời. Hóa: biến đổi.

Đức hóa là dùng đạo đức mà cảm hóa lòng người, làm cho lòng người thay đổi từ xấu ra tốt.

GTK: Đạo Quân đức hóa háo sanh.

GTK: Giới Tâm Kinh.

 

Đức hoán hư linh

德煥虛靈

Đức: Đạo đức, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời. Hoán: rực rỡ. Hư linh: cõi Hư Vô thiêng liêng, thường gọi là cõi TLHS.

Đây là một câu kinh trong bài Kinh Tiên giáo: Cái đạo đức của Thái Thượng Đạo Quân sáng rực nơi cõi Hư Linh.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

Đức lập quyền

德立權

Đức: Đạo đức, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời. Lập: tạo nên. Quyền: quyền hành.

Đức lập quyền là dùng cái đạo đức cao thượng mà lập nên quyền hành.

Thông thường người ta xây dựng quyền hành bằng sức mạnh võ lực, nên cái quyền hành ấy thường không bền vững vì người ta không tâm phục. Khi cái sức mạnh võ lực ấy yếu đi hay không còn nữa thì quyền hành kia cũng mất theo.

Cái quyền hành chỉ bền vững khi nó được xây dựng trên đạo đức, tức là là trên sự thương yêu và công chánh.

TNHT:

Non sông Việt chủng ngày êm lặng,

Chung sức cùng nhau đức lập quyền.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đức tánh

德性

A: The quality.

P: La qualité.

Đức: Đạo đức, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời. Tánh: bản chất, phẩm chất.

Đức tánh là phẩm chất đạo đức tốt đẹp.

TNHT: Đức tánh khuyên con có chí thành.

Khóa Huấn Luyện Lễ Sanh nơi Hạnh Đường dạy về Đức tánh của người tu như sau:

"Người Đạo cần phải giữ bổn hạnh cho chánh đáng thì tinh thần mới mau tấn hóa. Cần phải có những đức tánh: Từ bi, Hỷ xả, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Bình đẳng, Bác ái, Nhu hòa, Tự tại, Chí thành, Vong ngã, Lợi tha, Khiêm tốn.

1. Trọng mạng sống của tất cả loài Tứ sanh, xót thương người đói khó cô đơn mà trợ giúp, buồn thấy người làm dữ, vui xem kẻ làm lành. Đó là Từ bi.

2. Ai chê không giận, ai ghét chẳng hờn, đại lượng với người thù nghịch, dĩ ân báo oán mà không dĩ oán báo oán, hơn nữa dĩ oán vi ân. Đó là Hỷ xả.

3. Vui chịu đủ phương thử thách, gặp biến cảnh thế nào cũng biết chiều theo thế ấy mà không phiền muộn trách than, không ngã lòng thối chí. Đó là Nhẫn nhục.

4. Cố tâm tiến trên đường công đức, trong không nhiễm một mảy vọng niệm để tâm hồn được hư không thơ thới, ngoài không biếng nhác tháo lui, một mực hâm hở lo tròn bổn phận. Đó là Tinh tấn.

5. Xem vạn vật vốn đồng nguyên, xem các loài máy động vẫn đồng tánh, đối đãi với người không phân giai cấp, không phân quốc tịch, chẳng so đo phú bần quí tiện, lấy đức làm trọng, lấy Đạo làm cao, không cậy thế ỷ quyền, không xu phụ người thế lực, xem ta như người, xem người như ta. Đó là Bình đẳng.

6. Xem tất cả chúng sanh là con một Cha, thương người mến vật, trọng tất cả sanh mạng mà không phạm giới sát. Đó là Bác ái.

7. Dùng nhã lượng, lễ nghi ứng đối người phỉ báng, mềm mỏng mà khuyên lơn, ôn hòa mà hóa độ, dầu gặp rối ren gay cấn thế nào cũng bình tỉnh điều đình ổn thỏa. Đó là Nhu hòa.

8. Phàm ở đời, bất câu vào cảnh ngộ nào, hễ tri túc là toại, tùy phận là yên, lập công với đời là phỉ nguyện chớ không cần khen thưởng, thấy lợi thì sợ điều phi nghĩa, gặp may không đắc chí, gặp rủi chẳng nao lòng, lành dữ đều phú cho cơ báo ứng, cứ ung dung thơ thới, chẳng cho lưới trần lao lung câu thúc. Đó là Tự tại.

9. Thành thật với mọi người, dầu trong Đạo hay ngoài đời cũng vậy. Trong tất cả hành vi nhứt nhứt đều ngay thẳng thật thà, không một lời giả dối, không một ý tà tây, xử sự chẳng mưu mô lừa đảo. Đó là Chí thành.

10. Làm phải không cần khen, làm lành không cầu thưởng, giàu sang không ham, quyền hành chẳng thích, một mực cứ quên mình, quên cả nếp sống tiện nghi, quên cả công lạo cực nhọc để phụng sự chúng sanh. Đó là Vong ngã.

11. Giúp người lợi vật, chỉ cho người làm âm đức, giúp người giác ngộ, tùy phương tiện thí tài thí pháp. Ấy là Lợi tha.

12. Không khoe tài đức, nhứt là khi tài đức mình không có đủ, không tự cho mình giỏi hơn ai, hạ mình mà trọng người. Đó là Khiêm tốn.

Người tu hành giữ tròn được 12 đức tánh trên đây thì lo gì không nên Đạo."

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đức tin

德信

A: The belief.

P: La foi.

Đức: Đạo đức, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời. Tin: tin tưởng, tín ngưỡng tôn giáo.

Đức tin là lòng tin tưởng vững chắc vào tôn giáo của mình. Đó là lòng tin tưởng mạnh mẽ vào hai Đấng: Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, là hai Đấng vô hình nhưng có thật, tạo lập CKVT và sanh hóa vạn vật.

TNHT: "Ngày nay, các con chẳng thấy đặng hành vi mầu nhiệm mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin nơi Thầy mà cho lời dạy của Thầy là chơn thật. Nếu các con đợi đến buổi chung qui, hồn ra khỏi xác mới thấy đặng cơ mầu nhiệm thì chừng ấy đã muộn rồi.

Các con liệu phương thế mà nâng đỡ đức tin của môn đệ cao lên hằng ngày, ấy là công quả đầu hết."

TĐ ĐPHP: "Cái chơn lý là các ông không biết tin mình thì còn tin ai?

Đức tin nơi ta đó, trước hết là ta biết ta, có biết ta rồi mới biết thiên hạ, có biết thiên hạ rồi mới biết đến Đức Chí Tôn là ngôi Chúa tể tạo đoan CKVT, biết Đấng ấy là biết mình rồi vậy. Nếu chưa biết Đấng ấy thì đừng trông mong biết mình, mà chính mình không biết mình thì không còn ai biết mình hết.

Sống không đức tin, tức là không tự biết mình, khác nào cây cỏ vật loại kia thì không có nghĩa gì hết, sống ấy vô giá trị.

Đức tin có ở con người tự biết tự trọng, tự thờ mình. Mình thờ mình đặng tức thiên hạ thờ mình đặng. Đức tin do nơi mình tin mình, mình tin mình đặng thì thiên hạ mới tin mình, còn mình chưa tin mình mà biểu thiên hạ tin mình sao đặng?

Mình không tin mình mà biểu nhơn loại tin tưởng Đức Chí Tôn là Đấng tạo sanh CKVT và linh hồn ta sao đặng?

Nếu chưa đủ đức tin làm bằng chứng vô đối thì chưa xứng đáng làm phần tử trong Thánh Thể của Đức Chí Tôn, tức là Hội Thánh của Ngài đó vậy." (Trích Con đường TLHS)

"Đức tin chia ra làm ba phương diện: Tự tín, Tha tín và Thiên tín.

1. TỰ TÍN là gì? là mình tin nơi sở sanh của mình có thể bảo đảm được sanh mạng cho mình. Con người từ buổi ấu thơ đã biết ăn biết nói thì biết thương cha mẹ anh em. Đến lúc trưởng thành, cha mẹ dạy bảo công việc làm ăn, cho đến các sự ở đời, giao thiệp cùng xã hội nhơn quần, việc nào lợi, điều nào hại, cha mẹ đã chỉ vẽ phân minh cũng như có một quyển sách lập thành để làm căn bản. Ngoài ra, hằng ngày ta đã nghe và thấy các tấn tuồng của đời diễn ra từ lớp, hay dỡ tốt xấu, lành dữ hư nên, ta mới lấy đó mà kinh nghiệm kỹ càng rồi mới lọc lược cái hay cái khéo ở trong đó mới lập lại, làm với quyển sách của cha mẹ dạy ta từ thử, rồi ta mới đem lên trên linh đài, ta sẽ do theo đó mà làm mực thước cho hành vi của ta, và ta đủ đức tin nơi đó, là cơ bảo tồn lấy thân, ấy gọi là Tự Tín.

2. Còn THA TÍN nghĩa là gì? là ta biết quang tiền dụ hậu, ta tin nơi ông thầy dạy ta học các bài vở để lập thân cho nên người cao quí, lại có nhiều người trong xã hội, chẳng phải họ cố ý dạy ta học, nhưng cái sở hành của họ, mọi điều phải trái, lành dữ, tội phước, thì nó hiện ra trước mắt ta, đó là một bài học nên chú ý, rồi ta mới gồm tất cả mọi hành vi của người đời, ta sẽ lập làm quyển sách thứ nhì nữa, ta mới cân phân lừa lọc, tuyển chọn điều hay lẽ phải, ta đem lên linh đài (tức là khối óc của ta) đặng làm phương pháp bảo vệ trường tồn tánh mạng của ta. Ấy là Tha Tín.

3. Tự Tín và Tha Tín chưa đủ hoàn toàn, phải có THIÊN TÍN là trọn đức tin nơi Đức Chí Tôn, có đủ quyền năng bảo hộ sanh mạng của chúng ta và toàn thể chúng sanh nơi mặt thế. Nếu để trọn đức tin nơi Đức Chí Tôn và tuân theo bài học của Đức Chí Tôn dạy là Từ bi Bác ái, Nhơn nghĩa Thuận hòa, đem tất cả vào hai quyển sách nói trên, hiệp lại thành một khối đức tin đặc sắc, ta mới dựng lên để tên CAO ĐÀI rồi ta do đó mà thi hành cho chu đáo. Ấy là cơ bảo tồn trường cửu của ta và của tất cả nhơn loại.

Nếu có Tự Tín và Tha Tín là hai cái năng lực hữu hình mà không có Thiên Tín là huyền pháp vô vi, thì cái năng lực ấy nó sẽ cuốn trôi theo cơ tự diệt. Vì vậy, ta phải có đủ đức tin nơi Đức Chí Tôn, phải trọng mạng sống của con người, bởi Đức Chí Tôn hóa sanh một người là một vật báu của Ngài. Nếu ai tàn sát cho tiêu vật báu ấy thì phạm Thiên điều, tức là đại tội.

Ngày nào toàn thể nhơn loại trên mặt thế nầy có đủ đức tin nơi Đức Chí Tôn và thật hành y theo chủ nghĩa Từ bi, Bác ái, Nhơn nghĩa cho được hoàn toàn thì mới mong chung hưởng đời thái bình hạnh phúc. Ấy là gầy dựng lại đời Minh Đức Tân Dân, tái lập Tân thế giới. (TĐ ĐPHP quyển I trang 17)

Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu cũng có giảng giải về Đức Tin như sau đây:

"Đức tin là Chánh tín, Dị đoan là mê tín.

Đức tin là cái làm sao?

Đức tin là cái đắp cao Đạo Trời.

Đức tin chở núi như chơi,

Cho hay Thần lực muôn người khó đương.

Đức tin bày tỏ Thiên đường,

Phân rành Địa ngục, đôi đàng cách xa.

Đức tin gây dựng Đạo nhà,

Đường ngay chỉ đến, nẻo tà tránh dang.

Đức tin đánh đổ dị đoan,

Khỏi điều lãng phí, tiền ngàn bạc muôn.

Đức tin kềm chế trẻ con,

Ai ơi ghi tạc vào lòng chớ sai.

Đức tin chớ để lung lay,

Một phen lâm vấp, ngàn ngày ăn năn.

Nếu chúng ta tu hành mà bụng còn mờ hồ nghi hoặc, không trọn tin nơi quyền năng thiêng liêng, đến khi chung qui mới thấy đặng cơ mầu nhiệm thì chừng ấy đã muộn rồi.

Chúng ta muốn đến được dưới chân Đại Từ Phụ để được thấm nhuần ơn huệ, hầu đoạt đặng cơ hằng sống thì không gì hơn là phải đầy đủ chánh tín, dầu gặp bao trở lực, tâm thành vẫn vững mạnh, chí khí vẫn thanh cao. Muốn thành Đạo phải có tâm thành, muốn đặng tâm thành phải có đức tin mạnh mẽ. Đức tin càng lớn, chí càng cao thì tinh thần đạo đức càng vững."

CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Đức tồn hậu lai

德存後來

Đức: Đạo đức, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời. Tồn: còn. Hậu: sau. Lai: tới.

Hậu lai nghĩa là tới sau, ý nói đời sau.

Đức tồn hậu lai là cái đạo đức còn tồn tại đến đời sau.

KSH:

Giữ cho trong sạch linh hồn,

Rèn lòng sửa nết, đức tồn hậu lai.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Đức trọng quỉ thần kinh

德重鬼神驚

Đức: Đạo đức, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời. Trọng: nặng, nhiều. Quỉ: ma quỉ. Thần: vị Thần. Kinh: nể sợ.

Đức trọng quỉ thần kinh là người có đạo đức lớn thì ma quỉ và chư Thần đều nể sợ và tôn kính.

 

ĐỨNG

Đứng đợt

A: To have the high rank.

P: Avoir le haut grade.

Đứng: Đấng, từ ngữ chỉ người đáng kính. Đợt: bậc, lớp.

Đứng đợt hay Đấng đợt là có thứ bậc cao trong xã hội.

Đây là từ ngữ xưa, ngày nay rất ít dùng.

TĐ ĐPHP: "Trái lại, cần phải tô điểm Nam phong do tinh thần tổ phụ ta để lại làm căn bản, mới đủ sức mạnh, đủ cường liệt đứng đợt với toàn cầu vạn quốc."

"Đến chừng lập thân danh ra đứng đợt với đời...."

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

ĐƯƠNG

ĐƯƠNG

ĐƯƠNG: có hai nghĩa sau đây:

1.    ĐƯƠNG: Cáng đáng, nhận lãnh.
Td: Đương cự.

2.    ĐƯƠNG: Hiện có, đang có.
Td: Đương sanh, Đương sự.

 

Đương cự

當拒

A: To stand up against.

P: Résister à.

Đương: Cáng đáng, nhận lãnh. Cự: chống lại.

Đương cự là đảm nhận việc chống lại.

TNHT: Nếu con chẳng dụng quyền lực của Thầy ban cho con mà đương cự, dìu dắt các em thì một ngày kia, nó dẫn đi lần hồi hết...

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đương đạo sài lang

當道豺狼

Đương: Cáng đáng, nhận lãnh. Đạo: con đường. Sài lang: loài chó sói. Đương đạo: lãnh đạo, ý nói cầm chánh quyền.

Đương đạo sài lang là bọn lang sói đang đắc thế.

 

Đương sanh - Vị sanh

當生 - 未生

A: In living - Not yet born.

P: En vivant - Non encore né.

Đương: Hiện có, đang có.  Sanh: sống, sanh ra. Vị: chưa.

Đương sanh là đang sống.

Vị sanh là chưa sanh ra.

DLCK: Nhược nhơn đương sanh, nhược nhơn vị sanh,...

DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

 

ĐƯỜNG

ĐƯỜNG

1.    ĐƯỜNG: (tiếng nôm) Lối đi, phương diện.
Td: Đường Đạo, Đường hoa, Đường mây.

2.    ĐƯỜNG: Một triều vua nước Tàu, họ Đường.
Td: Đường Ngu, Đường nhơn.

3.    ĐƯỜNG: Nhà, bà con cùng ông tổ, sáng sủa.
Td: Đường đường, Đường huynh đệ.

 

Đường Đạo - Đường Đời

A: The spiritual way - The temporal way.

P: La voie spirituelle - La voie temporelle.

Đường: Lối đi, phương diện. Đạo: đạo đức. Đời: đời sống vật chất.

Đường Đạo là con đường đạo đức tu hành, tức là Đạo pháp trong Tân Luật của Đạo Cao Đài.

Đường Đời là về mặt đời sống, tức là Thế Đạo trong Tân Luật của Đạo Cao Đài.

PCT: Giáo Tông là Anh Cả của các con, có quyền thay mặt cho Thầy mà dìu dắt các con trong đường Đạo và đường Đời. Nó có quyền về phần xác, chớ không có quyền về phần hồn.

CG: Giáo Tông đặng đồng quyền cùng Thầy mà dạy dỗ cả chư môn đệ của Thầy trong đường Đạo đức, dìu bước từ người, chăm nom săn sóc cho khỏi phạm Thiên điều, thì là buộc tuân y Tân Luật.

Ấy vậy, dầu cho phẩm vị nào phạm tội thì Giáo Tông cũng chẳng vị tình riêng gọi là tha thứ khoan dung để lòng che chở, làm cho kẻ phạm phải mất Thiên vị,...

Hễ nói về phần xác là nói phần hữu hình, mà nói về phần hữu hình của chúng sanh tức là nói về phần Đời. Còn như nói về phần hồn tức là phần thiêng liêng, mà nói về phần thiêng liêng ấy là phần Đạo.

Trên đây Thầy đã nói rằng: Có quyền dìu dắt trong đường Đạo và đường Đời, thì Thầy đã chỉ rõ rằng, có quyền dìu dắt cả các con cái của Thầy trên con đường Đạo đức của chính mình Thầy khai tạo và trên con đường Đời do cơ Đạo gầy nên, chớ chẳng phải nói trọn quyền về phần Đạo và phần Đời. Nghĩa lý phân biệt nhau duy có chữ ĐƯỜNG và chữ PHẦN. Xin ráng hiểu, đừng lầm hai chữ ấy.

Đức Giáo Tông dìu dắt nhơn sanh trong đường Đạo và đường Đời, nghĩa là hướng dẫn nhơn sanh tu hành theo đúng Tân Luật (gồm Đạo pháp và Thế Luật).

Đức Giáo Tông chỉ có quyền về phần thể xác hữu hình (gọi là phần Đời), chớ không có quyền về phần hồn, tức là không có quyền về phần độ rỗi linh hồn (gọi là phần Đạo). Phần độ rỗi linh hồn thuộc quyền của BQĐ.

Như vậy, Đức Giáo Tông chỉ có quyền cầu rỗi, chớ không có quyền siêu rỗi.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

CG: Chú Giải.       BQÐ: Bát Quái Ðài.

 

Đường hoa

A: The way of glory.

P: Le chemin de gloire.

Đường: Lối đi, phương diện. Hoa: bông hoa.

Đường hoa là con đường có rải bông hoa tốt đẹp, ý nói con đường vinh quang, con đường hạnh phúc.

TNHT: Nhặt bước đường hoa đến cội tùng.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đường huynh đệ

堂兄弟

Đường: Nhà, bà con cùng ông tổ, sáng sủa. Huynh: anh. Đệ: em.

Đường huynh đệ là anh em bà con có cùng một ông nội, tức là anh em chú bác ruột.

 

Đường mây

A: The road of clouds.

P: Le chemin de nuages.

Đường: Lối đi, phương diện. Mây: mây ở trên bầu Trời.

Đường mây là con đường đi lên mây, tức là con đường đi lên cõi Trời, con đường đi lên của người đắc đạo.

TNHT:

- Mở rộng đường mây rước khách trần.

- Đường mây thẳng gió hồng trương cánh.

Trong văn chương, Đường mây là dịch từ ngữ: Vân trình, chỉ con đường công danh, con đường làm quan.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đường Ngu

唐虞

Đường: họ của vua Nghiêu. Ngu: họ của vua Thuấn.

Vua Đường Nghiêu lên ngôi năm 2356 trước Tây lịch, và truyền ngôi cho vua Ngu Thuấn năm 2255 trước Tây lịch.

Vua Nghiêu, họ Đường, làm chức Hầu, nên gọi là Đường Hầu, sau lên làm vua, đóng đô ở đất Đào, nên lập quốc hiệu là Đào Đường. Ngài lên ngôi vua lúc 16 tuổi, ở ngôi được 70 năm, gả hai con gái tên Nga Hoàng và Nữ Anh cho Ông Thuấn và thử tài Ông Thuấn trong 3 năm rồi truyền ngôi lại cho Ông Thuấn. Vua Nghiêu tuổi già, không thính chính 28 năm mới mất, thọ 117 tuổi.

Vua Thuấn, họ Ngu, nên gọi Ngu Thuấn, nổi tiếng là hiếu và nghĩa, nên được vua Nghiêu tìm hiền, truyền ngôi cho lúc Ông Thuấn 30 tuổi. Vua Thuấn ở ngôi 33 năm, truyền ngôi lại cho Ông Võ, dưỡng lão 50 năm thì mất, thọ 113 tuổi.

(Xem chi tiết nơi chữ: Nghiêu - Thuấn, vần Ngh)

 

Đường nhơn

唐人

A: The chinese.

P: Le chinois.

Đường: Một triều vua nước Tàu, họ Đường. Nhơn: người.

Đường nhơn là người Tàu, người Trung hoa.

Người Tàu rất hãnh diện với nền văn hóa rực rỡ của họ dưới thời nhà Đường (Lý Uyên, Lý Thế Dân), nên họ thường tự xưng là Đường nhơn, tức là người nhà Đường.

Người Trung hoa theo Đạo Cao Đài, lập thành Hội Thánh Đường nhơn, có nhiệm vụ cai quản và phổ độ người Trung hoa vào Đạo. Nơi nào có nhiều Đạo hữu Trung hoa (thí dụ như Chợ Lớn) thì Hội Thánh Đường nhơn lập tại đó một Tộc Đạo Đường nhơn, bổ hai vị Lễ Sanh Đường nhơn Nam và Nữ đến cai quản hai phái Nam và Nữ Đường nhơn.

 

Đường Thánh - Nẻo tà

A: The virtuous way - The perverse way.

P: La voie vertueuse - La voie perverse.

Đường: Lối đi, phương diện. Thánh: thiêng liêng chơn chánh. Nẻo: lối đi. Tà: cong vạy, sai trái.

Đường Thánh là con đường thiêng liêng chơn chánh, đó là Chánh Đạo dẫn người tu đạt đến phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi cõi thiêng liêng.

Nẻo tà là con đường cong vạy, sai lầm, dẫn người tu đến hố sâu vực thẳm. Đó là Bàng môn Tả đạo.

TNHT: Than ôi! Đường Thánh ít kẻ tìm, mà nẻo tà nhiều người đến.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Đường thi

唐詩

A: Poetry of T'ang.

P: Poésie de T'ang.

Đường: Một triều vua nước Tàu, họ Đường. Thi: thơ văn.

Đường thi là thơ văn của các thi sĩ thời nhà Đường.

"Tất cả các nhà phê bình văn học đều công nhận rằng, đời Đường (618-907) là thời đại hoàng kim của thi ca Trung quốc.

Bộ Toàn Đường Thi ấn hành năm 1707 gồm 900 quyển, hợp thành 30 tập, chép 48.900 bài thơ của 2200 thi nhân đời Đường. Nếu đem số lượng thơ nầy so với tổng số thơ làm trong bảy, tám trăm năm của tám đời (Đông Hán, Ngụy, Tấn, Tề, Lương, Trần, Tùy) thì thấy nhiều gấp mấy lần. Nhưng đó chỉ xét về lượng. Thực ra trong lịch sử thi ca Trung quốc, thơ Đường sở dĩ được người ta chú ý đến nhất, yêu chuộng nhất, chính là vì thời ấy đã xuất hiện những nhà thơ vĩ đại, có khuynh hướng sáng tác khác nhau và nghệ thuật đạt đến mức độ thuần thục hoàn hảo, khiến cho thơ của những đời kế tiếp chỉ là những bài mô phỏng, những thi sĩ đời sau chỉ là những đệ tử truyền thuật, và hễ nói đến thơ Tàu, người ta hầu như chỉ nói đến thơ Đường." (Trích: Thơ Đường của Trần Trọng San)

Ba đại thi sĩ đứng hàng đầu thời nhà Đường là:

·         Lý Bạch ( 701-762)

·         Đỗ Phủ (712-770)

·         Bạch Cư Dị ( 772-846)

(Xem thêm: Thơ Đường luật, vần Th)

 

Đường tý đương xa

螳臂當車

Đường: con b nga, thường nói là Đường lang 螳螂. Tý: cánh tay. Đương: chng c. Xa: xe.

Đường tý đương xa là cánh tay con bọ ngựa mà chống cự với xe (Châu chấu chống xe).

Y nói: Không tự lượng sức mình, ắt có ngày thất bại, như con bọ ngựa dương càng ra chống lại xe, bị xe cán nát.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



 

Cập nhật ngày: 28-02-2018

ĐA | ĐĂ | ĐÂ | ĐE | ĐÊ | ĐI | ĐO | ĐÔ | ĐƠ | ĐU | ĐƯ


A | B | C | CH | D | Đ | G | H | K | L | M | N | NG | NH | O | P | Q | R | S | T | TH | TR | U | V | X | Y


[ MỤC LỤC ]

Ấn bản (v.2012)

CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN
Soạn giả: Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng bút hiệu ĐỨC NGUYÊN
Ấn hành do theo hiệu đính 03-2003

DOWNLOAD
E-book-PDF