VÁI
VÁI
VÁI: Chấp hai tay đưa lên trán cầu nguyện.
Td: Vái Trời, Vái van.
Vái cùng sư phụ
A: To invoke one's teacher.
P: Invoquer son maître.
Vái: Chấp hai tay đưa lên trán cầu nguyện. Cùng: với. Sư phụ: thầy dạy mình học.
Vái cùng sư phụ: xin cầu khẩn thầy.
KTKTQV: |
Vái cùng sư phụ linh thiêng,
Chứng lòng đệ tử đáp đền ơn xưa. |
KTKTQV: Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị.
Vái Trời
A: To invoke the Sky.
P: Invoquer le Ciel.
Vái: Chấp hai tay đưa lên trán cầu nguyện. Trời: Ông Trời, các Đấng trên trời.
Vái Trời là cầu nguyện với Trời.
Đây là tâm trạng của một người tuyệt vọng hoàn toàn, chỉ còn biết cầu nguyện với Trời ban cho phép lạ để vượt qua cảnh nguy hiểm khốn cùng.
Vái van
A: To supplicate.
P: Supplier.
Vái: Chấp hai tay đưa lên trán cầu nguyện. Van: kêu xin.
Vái van hay Van vái là cầu khẩn van xin.
Đạo Sử: |
Vái van xin quí Cửu Thiên Nương,
Tâu với Ngọc Hư rõ ngọn nguồn. |
VÃI
Vãi chùa
A: Buddhist nun.
P: La bonzesse.
Vãi: người phụ nữ xuất gia tu theo Phật giáo.
Vãi chùa là cô vãi (hay bà vãi) tu trong chùa Phật.
Chữ hán gọi Cô vãi là: Ni cô, Ni sư, Sư nữ.
CG PCT: Cái Ni Kim Cô bằng hàng trắng y như của các vãi chùa, có thêu bông sen,....
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
VÀN
Vàn vàn
A: Innumerable.
P: Innombrable.
Vàn: do chữ VẠN nói trại ra. Vạn là muôn, 10 ngàn.
Vàn vàn là vạn vạn, muôn muôn, chỉ một số lượng nhiều lắm, không đếm nổi.
KĐ9C: |
Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,
Tạo hình hài các bậc nguyên nhân. |
KÐ9C: Kinh Ðệ Cửu cửu.
VÃN
VÃN
1. VÃN: 挽 Kéo lại.
Td: Vãn hồi.
2. VÃN: 晚 Buổi chiều, muộn, kẻ đi sau.
Td: Vãn cảnh, Vãn niên, Vãn sinh.
3. VÃN: 輓 Kéo xe, viếng người chết.
Td: Vãn đối.
Vãn cảnh
晚景
A: Old age.
P: La vieillesse.
Vãn: Buổi chiều, muộn, kẻ đi sau. Cảnh: cảnh vật.
Vãn cảnh là cảnh chiều, ý nói cảnh của người già.
Vãn đối - Vãn liễn
輓對 - 輓聯
Vãn: Kéo xe, viếng người chết. Đối: câu đối. Liễn: Liên: câu đối dán cột.
Vãn đối hay Vãn liễn là hai câu đối đem đến để viếng người chết, tỏ lòng thương tiếc và chia buồn cùng tang quyến.
Vãn hồi
挽回
A: To draw back.
P: Ramener.
Vãn: Kéo lại. Hồi: trở về.
Vãn hồi là kéo trở lại một điều gì đã mất hay một việc gì đã sa sút.
Vãn hồi Chánh đạo: Đạo chánh đã suy đồi, bây giờ phục hồi trở lại.
TĐ ĐPHP: Vãn hồi hòa bình trật tự, tháng Thuấn ngày Nghiêu, trở nên thượng cổ.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Vãn niên
晚年
A: The old age.
P: La vieillesse.
Vãn: Buổi chiều, muộn, kẻ đi sau. Niên: năm, tuổi.
Vãn niên là tuổi già.
Vãn niên đắc tử: Tuổi già mới sanh được con trai để nối dõi tông đường. Ý nói: gặp may mắn bất ngờ.
Vãn sinh
晚生
A: A lateborn.
P: Un né tard.
Vãn: Buổi chiều, muộn, kẻ đi sau. Sinh: người trẻ tuổi.
Vãn sinh là kẻ sanh sau, kẻ hậu sanh. (Tiếng tự xưng khiêm tốn của người trẻ tuổi đối với bậc tiền bối).
VẠN
VẠN
VẠN: 萬 Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm.
Td: Vạn chủng, Vạn linh, Vạn thù.
Vạn: Vạn tự: Chữ Vạn
→ |
← |
|
mẫu (A) |
mẫu (B) |
mẫu (C) |
■ Chữ Vạn của Phật (mẫu A hay B): Svastika or Evolution.
■ Chữ Vạn của Hitler (mẫu C): Sauvastika or Destruction.
Chữ Vạn là một biểu hiệu chớ không phải chữ viết.
Bốn cánh của chữ Vạn tạo thành như 4 cái bóng của 4 cái đầu của hình chữ Thập + khi quay tròn.
Do đó, chữ Vạn có chiều quay.
- Theo mẫu (A): chữ Vạn có chiều quay ngược chiều kim đồng hồ, đây cũng là chiều quay tự nhiên của các quả địa cầu quanh mặt trời và cũng là chiều tự quay của nó.
- Theo mẫu (B): chữ Vạn có chiều quay đồng chiều kim đồng hồ, tức là theo chiều tương sanh trong Ngũ Hành.
Các nhà Phật học đã bàn cãi rất nhiều về hai chiều quay của chữ Vạn, cho rằng phải quay theo chiều nầy mới đúng, quay theo chiều kia là sai. Chúng ta sẽ xem chi tiết sự bàn cãi về chiều quay nầy trong phần dưới.
Chữ Vạn của Phật thì vẽ chữ Thập + ở giữa thẳng đứng.
Chữ Vạn của Hitler thì vẽ chữ Thập x ở giữa nằm xiên (mẫu C) làm biểu hiệu của Đảng Quốc Xã nước Đức.
CHỮ VẠN QUAY THEO CHIỀU NÀO ĐÚNG?
Những nhà Phật học không thống nhứt nhau về chiều quay của chữ Vạn, mỗi nhà nêu ra một cách, xin lược kê ra sau đây: Lấy 2 mẫu chữ VẠN bên trên:
- mẫu A: 卐 chiều quay ngược chiều kim đồng hồ.
- mẫu B: 卍 chiều quay cùng chiều kim đồng hồ.
1. Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, trang 68:
Chữ nầy trong kinh truyện không có, chỉ trong nhà Phật có thôi. Nhà Phật nói rằng: khi Phật giáng sinh, trước ngực có hiện ra hình chữ Vạn 卐 (A), người sau mới biết chữ ấy.
Trong bộ Hoa Nghiêm Âm Nghĩa nói rằng: Chữ Vạn (A) nguyên không có, đến niên hiệu Tràng Thọ thứ 2 đời nhà Chu mới chế ra và âm là VẠN nghĩa là muôn đức tốt lành đều hợp cả ở đấy. Lại chữ Vạn (A) nguyên tiếng Phạn là Srivatsalaksana. Các Ngài La Thập, Huyền Trang dịch là ĐỨC, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch là VẠN.
Ở bên Ấn Độ thì tương truyền là cái tướng cát tường, dịch là ĐỨC là nói về phần công đức, dịch là VẠN là nói về phần công đức đầy đủ.
Song, Vạn (A) nguyên là hình tướng chớ không phải là chữ, cho nên dịch là cát tường hải vân tướng, mà theo cái hình xoay về bên hữu (A) là phải hơn. Vì xem như nhiễu Phật thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở khoảng lông mày phóng ra cũng xoay về bên hữu, thì viết xoay về bên hữu mới là tướng cát tường, có chỗ làm xoay về bên tả (B) là lầm.
Vậy theo Thiều Chữu, hình chữ Vạn (A) đúng, (B) sai.
2. Phật học Từ Điển của Đoàn Tr. Còn, tr 600, Q.3:
VẠN TỰ: Svastika, chữ Vạn 卍 (B) cũng kêu Kiết tường.
Ấy là một chữ linh bên Ấn Độ, chữ ấy có sức đưa lại, nêu ra các điểm tốt lành, vui vẻ, phước đức. Vì vậy nên gọi là: Kiết tường, Vạn tự, Đức tự.
Sức lành của chữ Vạn 卍 (B) sâu rộng như biển, cao lớn như mây.
Chư Phật Thế Tôn đều có hình chữ Vạn nổi nơi ngực. Ấy là một tướng quí của các Ngài, và tóc của các Ngài cũng có hình chữ Vạn nữa.
Vì chữ Vạn tiêu biểu cho các điều may mắn, phước đức, tốt lành, cho nên ở trước các ngôi chùa Phật, người ta thường thấy vẽ hình chữ ấy.
NÊN CHÚ Ý: Không nên viết chữ Vạn ngược, vì các nhà học đạo cho là 4 cái đầu lửa, quay thuận chiều thì diệt sạch các phiền não, đem lại sự an lạc; mà quay nghịch chiều thì thiêu hủy các công đức, các thiện căn, thật rất nguy hại!
Vậy theo Đoàn Trung Còn, hình chữ Vạn (A) sai, (B) đúng.
Điều nầy trái ngược với Thiều Chửu mà chúng ta đã thấy ở phần 1 bên trên. Nhưng cả hai ông đều không giải thích được lý do tại sao: chữ Vạn quay theo chiều nầy thì cát tường, quay theo chiều ngược lại thì nguy hại.
Cả hai vị đều không nêu ra được cái lý do xác đáng và có sức thuyết phục mà người ta không thể bài bác được.
3. Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội PGVN Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, chủ biên Kim Cương Tử, Q2 tr1822:
VẠN TỰ: Svastika hoặc Srivatsalaksara (thuật ngữ).
Chữ Vạn có hình dáng là: Vạn (A). Đây là tướng biểu thị sự tốt lành lưu truyền ở Ấn Độ, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ Na giáo, đều sử dụng. Sớm nhất là trên tượng Phạm Thiên, Visnu, Krisna. Âm tiếng Phạn là Thất-lị-mạt-sa-lạc-sát-nẵng, tức là tướng hải vân cát tường.
Các tôn sư Cư-ma-la-thập, Huyền Trang dịch là Đức.
Bồ Đề Lưu-Chi đời Ngụy trong Thập Địa Kinh Luận quyển 12 dịch tiếng nầy là chữ VẠN (Vạn tự), trong đó Thất-lị-mạt-sa tức là chữ Vạn (A) dịch là Vạn với nghĩa là công đức viên mãn, nên có nghĩa là hải vân cát tường, còn dịch là không có lầm lỗi. Chỉ có lạc-sát-nẵng dịch là Tự (chữ). Đây là sự lầm lẫn với từ ác-sát-na. Tiếng Phạn lạc-sát-nẵng tức là tướng ác-sát-na là Tự.
Nay chữ Vạn (A) là tướng chớ không phải Tự (chữ), vậy nên có thể dịch là: cát tường hải vân tướng, tức là vạn tướng.
Thế nhưng hình dáng nầy vòng bên phải là Vạn (A) tương tự như khi kính lễ Đức Phật, hoặc vòng về bên phải ba vòng, tương tự như sợi lông trắng ở giữa hai lông mày của Đức Phật chuyển vòng về bên phải. Tóm lại coi việc vòng về bên phải là tốt lành (cát tường).
Xưa nay, có khi viết là Vạn 卍 (B) là nhầm. Cao Ly Bản Tạng Kinh và Tuệ Lâm Âm Nghĩa quyển 21, Hoa Nghiêm Âm Nghĩa đều viết là Vạn 卐 (A).
Lại nữa, để biểu thị tướng vòng về bên phải, nên ghi là
Theo thuyết của Kinh Đại Thừa thì điều đó biểu thị tướng cát tường trên ngực của Đức Phật và Thập Địa Bồ Tát. Đây là một trong 32 tướng tốt.
Theo thuyết của Tiểu Thừa thì tướng nầy không chỉ giới hạn ở ngực. Xét hình Vạn (A) nầy là tướng tốt lành của bậc Phạm Thiên. Phàm khi vẽ các bức tôn tượng đều có vẽ hình Vạn (A) nầy, ở trong khuôn vẽ hình thể làm pháp, đó là hình ngọn lửa cháy rực. Pháp của Phạm Thiên coi lửa là thanh tịnh nhất, cát tường nhất, nên sáng tạo ra tướng nầy.
Vậy theo Kim Cương Tử và các Hòa Thượng soạn giả, hình chữ Vạn (A) đúng, (B) sai.
4. Theo Từ Điển Phật Học VN của Thích Minh Châu - Minh Chi, trang 757:
"VẠN: Một trong 32 tướng đẹp của Phật, vị trí trên ngực của Phật. Nó biểu thị công đức vô lượng của Phật, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật.
Là phù hiệu, không phải là chữ viết.
Viết xoay bên trái, hay bên phải, đều được, tuy rằng có một số nhà Phật học tranh luận nhau về hướng xoay của phù hiệu nầy.
Nhà độc tài Phát xít Hitle cũng dùng phù hiệu nầy cho Đảng áo nâu của mình, nhưng đặt nghiêng.
Vậy, theo Tiến sĩ Triết học Hòa Thượng Thích Minh Châu và nhà Phật học Minh Chi thì chữ Vạn (A) hay (B) đều được cả, vì sự tranh luận của hai nhóm Phật học về chiều quay của chữ Vạn không bên nào đạt được lý lẽ thuyết phục.
5. Vài ý kiến khác:
* Có học giả so sánh chiều quay của chữ Vạn với chiều tương sinh trong Ngũ Hành (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) đặt theo 4 hướng Tây, Bắc, Đông, Nam và Trung ương, và cho rằng: chữ Vạn quay theo chiều kim đồng hồ thì cùng chiều tương sinh của Ngũ Hành, mới đem lại sự an lạc, công đức viên mãn, cát tường; còn nếu quay ngược với chiều tương sinh của Ngũ Hành thì nó thiêu hủy hết công đức, đem lại phiền não, rất nguy hại.
Nhưng có điều là tại sao lại liên kết chiều quay của chữ Vạn với chiều tương sinh của Ngũ Hành? Giữa hai chiều nầy có gì liên hệ nhau? Tại sao không so sánh chiều quay của chữ Vạn với chiều quay của trái đất tự quay hay chiều quay của các địa cầu quanh mặt trời, tức là chiều quay tự nhiên trong vũ trụ? Đây mới thực là chiều quay tự nhiên, thuận dòng tiến hóa và Thiên lý; còn chiều tương sinh của Ngũ Hành chỉ là chiều qui ước do con người đặt ra mà thôi, không phải là chiều tự nhiên, hay chúng ta bị chữ tương sinh ám ảnh: "tương sinh" của Ngũ Hành cũng tương sinh công đức?
* Cũng có vài học giả cho rằng: Khi xưa, vẽ hình chữ Vạn quay theo chiều kim đồng hồ: Vạn 卍 (B), tượng trưng Nhứt bổn tán vạn thù; ngày nay là thời kỳ Vạn thù qui nhứt bổn, nên phải vẽ chữ Vạn quay theo chiều ngược lại: Vạn 卐 (A).
* Việc tranh cãi chiều quay của chữ Vạn, chiều nào đúng, chiều nào sai, đều căn cứ trên những nhận thức riêng của mỗi người hay mỗi nhóm người, nhưng không có cơ sở nào đủ sức thuyết phục một cách tuyệt đối, cho nên chúng ta không thể kết luận một cách khách quan bên nào hoàn toàn đúng, bên nào hoàn toàn sai.
Việc nầy giống như việc tranh cãi của hai người nói về sự xa và gần của mặt trời lúc sáng sớm và lúc trưa.
- Ông nầy thì cho rằng, buổi sáng sớm nhìn thấy mặt trời lớn hơn lúc buổi trưa. Vậy thì lúc sáng sớm, mặt trời ở gần nên thấy nó lớn, còn buổi trưa mặt trời ở xa hơn nên thấy nó nhỏ hơn.
- Ông kia cãi lại: buổi sáng sớm trời mát chứng tỏ mặt trời ở xa, còn buổi trưa thì nóng bức chứng tỏ mặt trời ở gần hơn, giống như khi ta đứng gần đống lửa vậy.
Hai ông có hai cái nhìn khác nhau đối với cùng một sự kiện nên có hai nhận định trái ngược nhau, ai cũng có lý cả, nên dầu cãi nhau cho đến tận thế thì không ai thắng ai và cũng không ai thua ai. Nhưng chân lý vẫn có một.
Kết luận:
Hình chữ Vạn quay theo chiều ngược kim đồng hồ (mẫu A) hay quay cùng chiều kim đồng hồ (mẫu B) thì đó chỉ là hai cái nhìn khi đứng ở hai vị trí trước mặt hay sau lưng của cùng một chữ Vạn mà thôi.
Trên nóc tháp chuông của Báo Ân Từ trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, có gắn hình chữ VẠN: nếu chúng ta đứng trước Báo Ân Từ tại cột phướn nhìn lên, chúng ta thấy chữ Vạn theo (mẫu A) tức là quay ngược chiều kim đồng hồ; nếu chúng ta bước đến ngang hông Báo Ân Từ nhìn lên, tức là nhìn phía sau lưng chữ Vạn thì thấy theo 卍 (mẫu B) nghĩa là quay theo chiều kim đồng hồ.
Chữ Vạn tượng trưng chơn lý, và chơn lý nầy chỉ có một. Nhưng tùy theo vị trí đứng nhìn mà thấy chơn lý theo kiểu nầy, mang hình thức nầy; nếu đứng ở vị trí khác nhìn chơn lý thì thấy chơn lý theo kiểu khác với hình thức khác. Khi chúng ta hợp lại tất cả nhận thức, hợp lại tất cả kiểu dáng của tất cả sự mô tả chơn lý thì may ra chúng ta mới có thể hiểu được chơn lý một cách toàn vẹn đủ các mặt.
Cho nên, chúng ta không nên lấy cái quan điểm riêng của mình, ở tại vị trí của mình với cái nhìn của mình mà cho rằng, chỉ có mình là đúng, rồi phê bình chê bai những nhận thức khác là sai.
Chữ Vạn tượng trưng điều lành, điều tốt đẹp, vì nó hiện ra trên ngực của Đức Phật, nó là một trong 32 tướng tốt của Phật. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng, nếu chữ Vạn quay theo chiều nào đó thì nó thiêu hủy công đức. Cái công đức của ta, chỉ có những việc làm sai trái của ta mới tiêu hủy được công đức của ta, như cái lửa giận của ta chẳng hạn, ngoài ra không có điều gì bên ngoài khác mà thiêu hủy được công đức của ta.
Chúng ta là những tín đồ Cao Đài đang ở trong Trường thi công quả do Đức Chí Tôn tạo lập, chúng ta cứ để mặc cho chữ Vạn quay tự do theo chiều quay của nó mà không cần bàn cãi, chúng ta cố gắng lo làm tròn nghĩa vụ của mình, lập công bồi đức càng nhiều càng tốt, vì cái công đức nầy mới đem chúng ta lên những ngôi vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.
Vạn bất đắc dĩ
萬不得已
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Bất: không. Đắc: được. Dĩ: thôi.
Bất đắc dĩ: chẳng đặng đừng, cực chẳng đã phải làm.
Vạn bất đắc dĩ: muôn lần chẳng dừng được, muôn lần không thể không làm được.
Vạn biến bất di
萬變不移
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Biến: thay đổi. Bất: không. Di: dời đổi.
Vạn biến bất di: muôn sự biến đổi mà lòng không đổi.
Ý nói: người có chí khí kiên quyết.
Vạn chủng
萬種
A: All the human races.
P: Toutes les races humaines.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Chủng: giống nòi, loại.
Vạn chủng là muôn chủng tộc, tức là tất cả các chủng tộc của loài người, như chủng tộc da vàng, da trắng, da đen, v.v..
PMCK: Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Vạn cổ
萬古
A: Eternal, for ever.
P: Éternel, toujours.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Cổ: xưa.
Vạn cổ là muôn xưa, tức là rất lâu đời.
Vạn cổ lưu phương: Tiếng thơm lưu truyền muôn đời.
TNHT: Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn dặm trường
A: Very far.
P: Très loin.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Dặm: một dặm Tàu bằng 135 trượng, gần bằng 500 mét. Dặm Anh bằng 1609 mét. Trường: dài.
Vạn dặm trường là chỉ một khoảng đường rất dài, ý nói: cách nhau xa lắm.
TNHT: Gần gũi sau ra vạn dặm trường.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn đại
萬代
A: Ten thousand generations.
P: Dix mille générations.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Đại: đời, thời đại.
Vạn đại là muôn đời, trải qua nhiều thế hệ lâu xa lắm.
TNHT: Đạo thành vạn đại chiếu sơn hà.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn hữu
萬有
A: All beings.
P: Tous les êtres.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Hữu: có, tồn tại.
Vạn hữu là muôn cái có, tức là vạn vật trong vũ trụ.
Vạn khổ thiên tân
萬苦千辛
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Khổ: đắng. Thiên: ngàn. Tân: cay.
Vạn khổ thiên tân là muôn đắng ngàn cay.
Ý nói: Rất nhiều nỗi khó khăn vất vả ở đời.
Vạn kiếp
萬劫
A: Eternally.
P: Éternellement.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Kiếp: một đời sống.
Vạn kiếp là muôn kiếp, đồng nghĩa: Vạn đại, chỉ một khoảng thời gian rất dài, hằng triệu năm.
TNHT: Thoát xác xưa tầng tu vạn kiếp.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn linh
萬靈
A: All the souls.
P: Toutes les âmes.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Linh: linh hồn, chơn linh.
Vạn linh là tất cả các chơn linh trong CKVT gồm đủ Bát hồn (vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn).
Vạn linh đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh. Do đó, từ ngữ Vạn linh đôi khi dùng để chỉ chúng sanh.
Chúng sanh gồm: vật chất kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại.
TNHT: Dìu bước vạn linh đến cảnh nhàn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Vạn loại
萬類
A: All the kinds of creatures.
P: Toutes les sortes de créatures.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Loại: loài, giống.
Vạn loại là muôn loài, chỉ tất cả các vật trong CKVT.
KNHTĐ: Vạn loại thiện ác tất kiến.
KNHTÐ: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Vạn pháp
萬法
A: All the principles (doctrines).
P: Tous les principes (doctrines).
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Pháp: sự lý, giáo lý, nguyên tắc.
Vạn pháp là muôn pháp, ý nói tất cả các pháp.
Nghĩa rộng: Vạn pháp là tất cả mọi sự, mọi lý, mọi vật, dù thấy được hay không thấy được.
Nghĩa hẹp: Vạn pháp là tất cả giáo lý đã có từ trước tới nay.
Trong ngày Đại Lễ Khai Đạo Cao Đài tại chùa Gò Kén, ngày 15-10-Bính Dần (1926), Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung có cho treo đôi liễn Vạn Pháp:
萬法圓融化度眾生無量無邊無數劫
三宗普現隨機說敎大雄大力大慈悲
Vạn pháp viên dung hóa độ chúng sanh vô lượng vô biên vô số kiếp,
Tam tông phổ hiện tùy cơ thuyết giáo đại hùng đại lực đại từ bi.
Nghĩa là:
Tất cả giáo lý của các tôn giáo đều dung hợp hài hòa, giáo hóa và cứu độ vô số chúng sanh trong rất nhiều kiếp. Ba tôn giáo lớn bày hiện ra khắp nơi, tùy cơ hội mà thuyết giảng giáo lý với hùng tâm đại lực và đại từ bi.
Vạn Pháp Cung
(Xem chữ Trí Huệ Cung, vần Tr)
Vạn pháp qui tông
萬法歸宗
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Vạn pháp: (đã giải ở trên), ý nói tất cả các giáo lý của các nền tôn giáo. Qui: trở về. Tông: Tôn: tôn giáo.
Vạn pháp qui tông là tất cả các giáo lý của các nền tôn giáo qui về lập thành một nền tôn giáo lớn gọi là Đại Đạo.
Vạn pháp qui tông đồng nghĩa: Vạn thù qui nhứt bổn, hay Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt. (Coi các chữ nầy)
Vạn quốc
萬國
A: All nations.
P: Toutes les nations.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Quốc: quốc gia, nước.
Vạn quốc là tất cả các quốc gia trên thế giới.
Hội Vạn Quốc: một tổ chức gồm đại diện tất cả quốc gia trên thế giới, để giải quyết các bất đồng xảy ra giữa các nước bằng sự thương thuyết hòa bình.
Hội Vạn Quốc về sau đổi tên thành Hội Quốc Liên, và ngày nay được gọi là Liện Hiệp Quốc. Trụ sở đặt tại thành Phố New York (Nữu Ước) của nước Mỹ.
TNHT: Thầy chưa giáng cơ lập đạo tại nước Nam, chớ chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đã dùng huyền diệu nầy mà truyền đạo cùng vạn quốc.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn sự do Thiên
萬事由天
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Sự: việc. Do: bởi. Thiên: Trời.
Vạn sự do Thiên: tất cả các việc đều bởi nơi Trời định.
Trong sách Minh Tâm Bửu Giám có bài thi hán văn:
Vạn sự do Thiên mạc cưỡng cầu,
Hà tu khổ khổ dụng tâm mưu.
Tam xan phạn nội hưu hồ tưởng,
Đắc nhứt phàm phong tiện khả thâu.
Sanh sự sự sanh hà nhựt liễu?
Hại nhân nhân hại kỷ thời hưu?
Oan gia nghi giải bất nghi kết,
Các tự hồi đầu khán hậu đầu.
Nghĩa là:
Muôn sự do Trời chớ gượng cầu,
Chớ nên khổ não dụng lòng mưu.
Cơm ngày ba bữa, đừng mơ tưởng,
Được gió buồm xuôi tiện khá thâu.
Sanh sự, sự sanh bao thuở dứt?
Hại người, người hại lúc nào thôi?
Oan gia nên giải, không nên kết,
Đều tự ngoảnh nhìn thấy trước sau.
Vạn sự khởi đầu nan
萬事起頭難
A: The beginning is difficult in any work.
P: Le début est difficile dans tout travail.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Sự: việc. Khởi đầu: lúc bắt đầu. Nan: khó.
Vạn sự khởi đầu nan: muôn việc khởi đầu đều khó khăn.
Bất cứ việc gì, cái khó khăn là ở buổi đầu, công việc còn mới lạ, chưa quen, chưa có kinh nghiệm giải quyết. Làm lâu ngày thì quen dần, nhờ rút tỉa kinh nghiệm mà trở nên tài giỏi, lúc đó thấy công việc như là dễ dàng.
Vạn sự như ý
萬事如意
A: Everything to your liking.
P: Tout conforme aux désirs.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Sự: việc. Như ý: được như ý muốn.
Vạn sự như ý là muôn việc đều được như ý muốn.
Đây là câu chúc tụng thường dùng trong những ngày Tết, hay chúc mừng Tân gia. Những câu chúc khác tương tự:
Vạn sự đại cát: 萬事大吉 Mọi việc rất tốt.
Vạn sự hanh thông: 萬事亨通 Mọi việc hanh thông.
Vạn sự viết vô
萬事曰無
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Sự: việc. Viết: nói rằng, gọi là. Vô: không.
Vạn sự viết vô: mọi việc đều gọi là không.
Thành ngữ nầy có nghĩa như: Sắc tức thị không.
Muôn việc trong cõi trần nầy rốt cuộc cũng đều hư hoại cả, và biến thành không tất cả.
Đôi liễn trên thuyền Bát Nhã:
Vạn sự viết vô, nhục thể thổ sanh hoàn tại thổ,
Thiên niên tự hữu, linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.
Nghĩa là:
Muôn sự đều không, xác thịt do đất sanh hoàn trả đất,
Ngàn năm tự có, linh hồn do Trời ban quay trở về Trời.
Vạn thế sư biểu
萬世師表
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Thế: đời. Sư: thầy. Biểu: đứng đầu thay mặt.
Vạn thế sư biểu: vị thầy kiểu mẫu muôn đời.
Người đời sau tôn tặng Đức Khổng Tử là: Vạn thế sư biểu, là vị thầy đúng nghĩa nhứt, không ai có thể so sánh được với Ngài, làm kiểu mẫu muôn đời về sau.
Vạn thù qui nhứt bổn
萬殊歸一本
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Thù: khác, sai biệt. Qui: trở về. Bổn: gốc.
Vạn thù qui nhứt bổn: muôn sai biệt trở về một gốc.
(Xem chi tiết nơi chữ: Nhứt bổn tán vạn thù, vần Nh)
Vạn trượng
萬丈
A: Very long.
P: Très longue.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Trượng: đơn vị đo bề dài. Một trượng ta bằng 4 thước mộc, bằng 1,70 mét.
Vạn trượng là chỉ một khoảng cách rất lớn, rất dài.
TNHT: Vạn trượng then gài ngăn Bắc Đẩu.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn tử thiên hồng
萬紫千紅
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Tử: màu tím. Thiên: ngàn. Hồng: màu đỏ.
Vạn tử thiên hồng: muôn tím ngàn hồng. Thường nói: muôn hồng nghìn tía, chỉ trăm hoa đua nở trong mùa xuân.
Vạn tượng
萬象
A: All aspects.
P: Tous les aspects.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Tượng: hình trạng.
Vạn tượng: muôn hình trạng của vạn vật.
Vạn tượng đồng nghĩa: Thiên hình vạn trạng: ngàn hình muôn vẻ.
PMCK: Thập Thiên can bao hàm vạn tượng.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Vạn vật chi linh
萬物之靈
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Vật: vật. Chi: hư tự. Linh: thiêng liêng.
Vạn vật chi linh: vật thiêng liêng của muôn vật, đó là nhơn loại, vì người có đủ tam hồn, nên linh hơn vạn vật.
KTT: |
Con người đứng phẩm tối linh,
Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi. |
KTT: Kinh Tắm Thánh.
Vạn vật đồng nhứt thể
萬物同一體
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Đồng: cùng. Nhứt: một. Thể: cách thức.
Vạn vật đồng nhứt thể là vạn vật đều có một thể cách như nhau, bởi vì vạn vật đều có một nguồn gốc chung là Thái Cực, tức là đều do Đấng Thượng Đế tạo ra.
Mỗi vật trong vạn vật đều có hai phần:
· phần vật chất hữu hình là thể xác.
· phần tinh thần vô hình là hồn.
Vạn vật tuy là đồng nhứt thể nhưng được phân chia làm nhiều cấp tiến hóa cao thấp khác nhau: cấp tiến hóa thấp nhứt là kim thạch, rồi tiến hóa lên cấp thảo mộc, rồi thú cầm, và cấp tiến hóa cao nhứt là nhơn loại.
Vạn vật đều là con của Thượng Đế mà nhơn loại là cấp đàn anh, thú cầm là cấp tiến hóa đàn em,....
TNHT: Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy rằng:
"Vì vạn vật do Đức Từ Bi sanh hóa trong cả thế gian, vậy vạn vật đồng nhứt thể. Tánh háo sanh của Đức Đại Từ Bi cũng nhân đó mà vô biên vô giới."
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn vật tịnh dục
萬物並育
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Vạn vật: (đã giải bên trên). Tịnh: đều, ngang nhau. Dục: nuôi dưỡng.
Vạn vật tịnh dục là vạn vật đều được nuôi dưỡng đồng đều như nhau.
Sách Trung Dung có viết:
"Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại,
Đạo tịnh hành nhi bất tương bội,
Tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn hóa,
Thử Thiên Địa chi sở dĩ vi đại dã."
Nghĩa là:
Muôn vật đều hóa dục mà không hại nhau,
Đạo Trời đều lưu hành mà không trái,
Đức nhỏ thì tiếp tục như nước sông chảy,
Đức lớn thì dày dặn mà sinh hóa vô cùng,
Ấy là điều làm cho Trời Đất lớn vậy.
VÃNG
VÃNG
VÃNG: 往 Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem.
Td: Vãng cảnh, Vãng lai, Vãng sanh.
Vãng cảnh
往景
A: To visit a site.
P: Visiter un site.
Vãng: Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem. Cảnh: phong cảnh, cảnh vật.
Vãng cảnh là viếng thăm phong cảnh.
Vãng cảnh Thiên Hỷ Động: đi viếng thăm phong cảnh vùng Thiên Hỷ Động, Trí Huệ Cung.
Vãng lai
往來
A: To go and come.
P: Aller et venir.
Vãng: Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem. Lai: tới, lại.
Vãng lai là qua lại, đi qua đi lại, lui tới.
Khách vãng lai: những người khách qua đường, đi qua đi lại, hay đi đến đi về.
Vãng sanh
往生
Vãng: Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem. Sanh: sinh ra.
Vãng sanh là chết ở cõi trần nầy để sanh qua một thế giới khác.
Bỏ thế giới ác trược nầy mà qua cõi thế giới thanh tịnh yên vui của Đức Phật A-Di-Đà, đó kêu là vãng. Khi qua đó rồi thì sanh vào hoa sen, đó kêu là sanh.
Chẳng những chúng sanh ở cõi Ta bà của Phật Thích Ca vãng sanh cõi Cực Lạc của Phật A-Di-Đà, mà ở vô số cõi thế giới khác, những chúng sanh nào quyết vãng sanh về đó, thì khi lâm chung được vãng sanh ngay.
Theo quyển Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh: những nhà tu hành khi được vãng sanh thì phân nhau, tùy công đức mình, mà ở trong Chín phẩm đài sen. (PHTĐ của Đoàn Trung Còn)
Vãng Sanh Thần Chú
往生神咒
Vãng: Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem. Vãng sanh: (đã giải nghĩa ở trên). Thần: thiêng liêng huyền diệu. Chú: câu niệm đặc biệt thuộc mật ngữ, có tác dụng huyền diệu về vô hình.
Vãng sanh Thần chú là câu niệm bằng tiếng Phạn đặc biệt của Phật giáo để cầu nguyện với Đức Phật A-Di-Đà cứu độ linh hồn người chết được sanh về cõi CLTG.
Trong tang lễ của Đạo Cao Đài, lúc linh cữu đã đưa đến nghĩa địa rồi, trước khi hạ huyệt, đồng nhi tụng bài Kinh Hạ Huyệt, tụng đủ 3 lần, xong rồi tiếp tụng Vãng Sanh Thần Chú, cũng tụng 3 lần, xong thì niệm Câu Chú của Thầy 3 lần.
Vãng sanh Thần chú bằng tiếng Phạn gồm 59 chữ, được giải nghĩa theo PHTĐ của Đoàn Trung Còn như sau:
Nam-mô A-Di-Đà Bà-Dạ: Tiếng Phạn là Namah Amitabhavyuha, nghĩa là: qui kính Đức A-Di-Đà Phật.
Đa-Tha-Già-Đa-Dạ: Tiếng Phạn là Tathagata, nghĩa là: Như Lai. (Như Lai là một trong 10 hiệu của Phật).
Đa-Điệt-Dạ-Tha: dịch là tức thuyết chú viết, nghĩa là: liền đọc bài chú dưới đây:
A-Di-Rị-Đô-Bà-Tì, A-Di-Rị-Đa,
Tất-Đam-Bà-Tì, A-Di-Rị-Đa,
Tì-Ca-Lan-Đế, A-Di-Rị-Đa,
Tì-Ca-Lan-Đa, Già-Di-Nị,
Già-Già-Na, Chỉ-Đa-Ca-Lệ,
(10 câu trên đều là mật ngữ, đại ý có nghĩa là: nhổ bỏ tận gốc các nghiệp chướng).
Ta-Bà-Ha: tiếng Phạn là Swâha. Thường các bài Thần chú đều có ba chữ chót là Ta-Bà-Ha, có nghĩa là: Thành tựu, kiết tường, tiêu tai tăng phước, viên tịch, vô trụ, kính Phật chứng minh.
Vãng Sanh Thần Chú còn được gọi là: Chú Vãng Sanh, Vãng Sanh Chơn ngôn, Vãng Sanh Quyết định Chơn ngôn.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
VÀY
VÀY
VÀY: VẦY: dùng tay hay chân làm cho nhầu nát.
Td: Vày đạp, Vày vả, Vày vò.
Vày đạp (Vầy đạp)
A: To treat roughly.
P: Maltraiter.
Vày: dùng tay hay chân làm cho nhầu nát. Đạp: dùng chân đạp xuống.
Vày đạp hay Vầy đạp là chà đạp, dẫm nát. Ý nói: hành hạ cho đau đớn khổ sở.
Vày đạp đồng nghĩa: Vày xéo (Vầy xéo).
TNHT: Nhưng dòm Thiên thơ thì thấy 8 phần10 đã sa vào chơn của Quỉ vương vày đạp, mà lại phần đông các con là bậc phẩm cao, chức trách trọng hậu.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vày vả (Vầy vả)
A: To suffer unhappy.
P: Souffrir le malheur.
Vày: dùng tay hay chân làm cho nhầu nát. Vả: vất vả khổ cực.
Vày vả là bị chà đạp và chịu vất vả.
TNHT: Có vày vả nẻo chông gai, lần theo bước đường hạnh đức mới có ngày vui vẻ bất tận.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vày vò (Vầy vò)
A: To pain a long time.
P: Affliger longuement.
Vày: dùng tay hay chân làm cho nhầu nát. Vò: làm cho nhầu nát.
Vày vò hay Vầy vò là làm cho nhầu nát cõi lòng.
Ý nói: làm cho đau đớn ray rứt trong lòng.
TNHT: Kiếp trần ai lắm nỗi vày vò.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
VẠY
VẠY
VẠY: Cong, không thẳng, đồng nghĩa: Tà.
Td: Vạy tà, Vạy vò.
Vạy tà
A: Perverse.
P: Pervers.
Vạy: Cong, không thẳng, đồng nghĩa: Tà. Tà: đồng nghĩa Vạy: không chánh.
Vạy tà hay Tà vạy là không ngay thẳng, không chơn chánh, tức là gian dối và xảo trá.
TNHT: Một nét vạy tà Thần Thánh chép.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạy vò
A: Treacherous.
P: Traître.
Vạy: Cong, không thẳng, đồng nghĩa: Tà. Vò: làm cho nhầu nát.
Vạy vò, đồng nghĩa Vạy tà, là gian dối và xảo trá.
KSH: |
Việc chi cũng có chánh tà,
Làm điều phải nghĩa, lành xa vạy vò. |
KSH: Kinh Sám Hối.
VĂN
VĂN
1. VĂN: 文 - Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. - Quan văn, trái với quan võ.
Td: Văn ban võ bá, Văn dĩ tải đạo.
2. VĂN: 聞 Nghe, hiểu biết.
Td: Văn đắc thọ trì.
Văn ban võ bá
文班武百
A: The civilian and military mandarins.
P: Les mandarins civils et militaires.
Văn: Quan văn, trái với quan võ. Ban: nhóm. Võ: về quân sự. Bá: trăm
Văn ban võ bá là nói chung các quan văn và các quan võ trong triều đình, đồng nghĩa: Bá quan văn võ.
Các quan văn võ trong triều giúp vua trị nước an dân.
KTKVTH: Văn ban võ bá triều đình đặc an.
KTKVTH: Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.
Văn chương quốc âm
文章國音
A: The national literature.
P: La littérature nationale.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Chương: bài văn. Quốc âm: tiếng nói của một dân tộc trong một nước.
Văn chương quốc âm là văn chương theo ngôn ngữ của dân tộc ta.
TNHT: Hiền hữu lúc nầy chuyên về văn chương quốc âm nhiều lắm há?
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Văn dĩ tải đạo
文以載道
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Dĩ: lấy, dùng để. Tải: chở. Đạo: đạo đức.
Văn dĩ tải đạo: dùng văn chương để chở đạo đức, tức là dùng văn chương để truyền bá đạo đức cho nhiều người biết.
Một số nhà văn học ý thức bổn phận của kẻ sĩ là phải duy trì phong hóa, gìn giữ cang thường, bảo tồn đạo đức, nên chủ trương văn dĩ tải đạo, thường tìm các tác phẩm đạo đức dịch thuật ra để truyền bá, hoặc sáng tác các sách đề cao đạo đức. Nhà văn Lý Văn Phức (1785-1849) dịch quyển "Nhị thập tứ Hiếu" được liệt vào nhóm chủ trương "văn dĩ tải đạo".
Văn dĩ tải đạo là dùng văn tự để minh đạo và truyền đạo. Thánh nhân lưu truyền kinh điển là mong cho người học đạo do theo kinh mà ngộ đạo. Một khi đã ngộ đạo, đạt được trí huệ tức là cứu cánh thì phải xem văn tự chỉ là phương tiện. Như khi qua sông, ta phải dùng thuyền hay dùng bè, nhưng khi đã qua sông rồi thì sẽ không dùng đến bè nữa. Nếu qua sông rồi mà còn vác bè theo, chẳng những lố bịch, vô bổ mà lại còn thêm chướng ngại trên bước đường đi tới.
Văn đàn
文壇
A: Literary club.
P: Le cénacle littéraire.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Đàn: nơi tụ họp đông người.
Văn đàn là nơi các nhà văn tụ họp để bàn luận văn học.
Văn đắc thọ trì
聞得受持
Văn: Nghe, hiểu biết. Đắc: được. Thọ: nhận lãnh. Trì: gìn giữ.
Văn đắc thọ trì: nghe biết được, nhận lấy và gìn giữ.
DLCK: Ngã kim thính văn đắc thọ trì, Nguyện giải Tân Kinh chơn thiệt nghĩa.
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
Văn hào
文豪
A: The great writer.
P: Le grand écrivain.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Hào: tài trí hơn người.
Văn hào là người có danh tiếng lừng lẫy trong làng văn.
Td: Văn hào Nguyễn Du, Văn hào Victor Hugo.
Văn hiến
文獻
A: Civilisation.
P: Civilisation.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Hiến: người tài đức.
Văn hiến, nghĩa đen là sách và người tài đức, nghĩa thường dùng là: truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời.
TĐ ĐPHP: Hội Thánh CTĐ bảo vệ văn hiến tôn giáo, Hội Thánh Phước Thiện cứu khổ, còn có chỗ nào hay hơn nữa!
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
Văn hóa
文化
A: The culture.
P: La culture.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Hóa: thay đổi, giáo hóa.
Văn hóa có nghĩa đen là: làm thay đổi cho tốt đẹp hơn.
Nghĩa thường dùng:
■ Văn hóa là sự giáo hóa về văn học.
NTTP: Dụng văn hóa trau tria nữ phách.
■ Văn hóa là chỉ chung các công trình của con người làm đời sống vật chất và tinh thần trở nên phong phú và tốt đẹp hơn.
TĐ ĐPHP: Tại tiêm nhiễm văn hóa Âu Châu, rồi đem của quí liệng đi, hốt của bỏ đem vào,....
NTTP: Nữ Trung Tùng Phận.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Văn miếu - Văn chỉ
文廟 - 文址
A: The temple of Confucius in the prefecture or province.
P: Le temple de Confucius dans la préfecture ou province.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Miếu: đền thờ. Chỉ: cái nền đất.
Văn miếu hay Văn chỉ đều có nghĩa là nơi thờ phượng và tế lễ Đức Khổng Tử, vì Đức Khổng Tử được xem là ông tổ của văn chương, nhưng cần phân biệt:
- Văn miếu là đền thờ Đức Khổng Tử tại kinh đô hay tại các tỉnh thành, được xây dựng qui mô lớn lao.
- Văn chỉ là đền thờ Đức Khổng Tử tại các làng xã hay quận huyện, nếu nó chỉ là cái nền đất để tế lễ thì gọi là Văn chỉ, còn nếu có cất nhà thờ thì gọi là Văn từ (文祠 )
"Mỗi làng có một Văn từ hoặc Văn chỉ. Đàn lộ thiên gọi là Văn chỉ, có lợp mái gọi là Văn từ.
Văn từ, Văn chỉ để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt thì thờ Đức Khổng Tử, gọi là Tiên Thánh Sư để làm chủ trương cho việc văn học trong làng.
Các nơi thờ riêng những bậc khoa hoạn, đại để chia làm ba hạng:
- Hạng nhất là những người đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) và những người làm quan từ Tam Tứ phẩm trở lên, thờ ban giữa.
- Hạng nhì là những người đỗ Trung khoa (Cử nhân) và những người làm quan từ Lục Thất phẩm trở lên, thờ ban hữu.
- Hạng ba là những người đỗ Tiểu khoa (Tú tài) và những người làm quan đến Bát Cửu phẩm, thờ ban tả.
Đến khi tế tự thì đem cả hào mục, tổng lý và các thầy đồ truyền giáo trong làng vào phối hưởng.
Nhưng nhiều nơi chỉ trọng riêng về đường khoa mục, hễ có đỗ mới được liệt tự, còn như làm quan, dẫu đến Nhất Nhì phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự, chỉ đến lúc tế mới đem vào phối hưởng mà thôi.
Mỗi năm, tháng hai, tháng tám, tế hai kỳ gọi là Xuân Thu nhị đình. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ người có chân trong hội tư văn mới được dự tế.
Năm nào có khoa thi thì cả sĩ tử trong làng hội lại làm lễ kỳ khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt.
Khi thi xong, ai được đỗ thì lúc về phải có lễ ra Văn chỉ để tạ ơn tiền hiền." (Trích trong VN Phong Tục của Phan Kế Bính)
Văn minh
文明
A: Civilisation.
P: Civilisation.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Minh: sáng.
Văn minh là trình độ phát triển cao, sáng đẹp của một nền văn hóa về vật chất và tinh thần của một dân tộc.
KTKVTH: Dẩy xa thơ trổi nhặt văn minh.
KTKVTH: Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.
Văn ngã ưng đương
聞我應當
Văn: Nghe, hiểu biết. Ngã: ta. Ưng: bằng lòng. Đương: gánh vác.
Văn ngã ưng đương: nghe lời Ta bằng lòng gánh vác.
Văn nhân tài tử
文人才子
A: The scholar and artist.
P: Le lettré et artiste.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Nhân: người. Tài: có tài nghề. Tử: người. Văn nhân là người có học thức, biết làm văn làm thơ. Tài tử là người có tài nghề giỏi về một môn văn nghệ, như: đờn, ca, diễn xuất, v.v...
Văn nhân tài tử là chỉ chung những nhà văn và nghệ sĩ.
Văn nhứt tri thập
聞一知十
Văn: Nghe, hiểu biết. Nhứt: một. Tri: biết. Thập: mười.
Văn nhứt tri thập: nghe một biết mười. Ý nói: người có thiên tư đặc biệt, thông minh sáng suốt hơn người.
Văn quá tắc hỷ
聞過則喜
Văn: Nghe, hiểu biết. Quá: lỗi lầm. Tắc: thì (trợ từ). Hỷ: mừng.
Văn quá tắc hỷ là nghe biết được lỗi lầm thì mừng.
Ý nói: Người có tinh thần cầu học cầu tiến. Ai chỉ trích mình thì không giận mà lại mừng, vui lòng sửa đổi những điều mà mình còn sai trái. Cũng như câu: Người khen ta là kẻ thù của ta, người chê ta là người ơn của ta.
Văn thân
文紳
A: The scholars.
P: Les lettrés.
Văn: - Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. - Quan văn, trái với quan võ. Thân: cái đai áo chầu của các quan, chỉ người làm quan. (Tấn thân: đang làm quan. Thân sĩ: quan về hưu)
Văn thân là chỉ chung lớp sĩ phu, tức là những người nho học trí thức thời xưa.
Văn thi
文詩
A: The poetry.
P: La poésie.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Thi: thơ, văn vần.
Văn thi hay Thi văn là chỉ chung các bài thơ có vần điệu.
Văn thỉ thượng cung
文始上宮
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Thỉ: Thủy: khởi đầu, bắt đầu. Thượng: trên. Cung: cung điện. Cung là tòa nhà nhỏ, Điện là tòa nhà lớn. Trong một Điện có nhiều cung.
Văn thỉ là khởi đầu về văn chương.
Thượng cung là cái cung ở trên hết.
Kinh Nho giáo:
Quế Hương nội điện,
Văn Thỉ thượng cung.
Nghĩa là:
Trong điện Quế Hương, có cung Văn Thỉ ở trên hết.
Đó là nơi thường ngự của Đức Khổng Tử nơi cõi Thiêng Liêng.
Văn Tuyên Đế Quân - Văn Tuyên Khổng Thánh
文宣帝君 - 文宣孔聖
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Tuyên: thông suốt.
Văn Tuyên là thụy hiệu của Đức Khổng Tử, tức là danh hiệu mà các vua đời sau truy tặng cho Đức Khổng Tử.
Đế Quân: phẩm tước do Đức Chí Tôn phong thưởng. Khổng Thánh: Đức Thánh Khổng Tử.
■ Trong Kinh Nho giáo thì gọi Đức Khổng Tử là: Văn Tuyên Đế Quân.
Kinh Nho Giáo:
Văn Tuyên tư lộc,
Hoằng nhơn Đế Quân.
(Tư lộc: lo việc ban phước lộc. Hoằng nhơn: lòng nhơn rộng lớn)
■ Trong Bài Kinh Xưng Tụng Công Đức Phật Tiên Thánh Thần, gọi Đức Khổng Tử là: Văn Tuyên Khổng Thánh.
BXTCĐPTTT: Văn Tuyên Khổng Thánh khuyến dân răn đời.
Ngày nay, thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tước hiệu của Đức Khổng Tử là: Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.
Trong tập "PHỔ CÁO CHÚNG SANH" có một đoạn Thánh ngôn của Đức Chí Tôn nói rằng: Đức Khổng Tử là do Văn Xương Đế Quân (tức là Văn Xương Tiên) đầu kiếp xuống trần để phục hưng Nho giáo.
Xin chép bài Thánh ngôn nầy ra:
Thánh ngôn ngày 25 tháng 2 Lang sa năm 1926.
"Trọng Ni (Khổng Phu Tử) là Văn Xương Tiên hạ trần đặng thừa mạng Thầy làm Chưởng giáo Nhơn đạo, lo xong phân sự thì Thầy đến độ hồi cựu vị."
(Xem thêm chi tiết nơi chữ: Văn Xương Đế Quân)
BXTCÐPTTT: Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần.
Văn từ
文詞
A: Style.
P: Le style.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Từ: lời nói, lời văn.
Văn từ là nói chung về văn chương, kinh sách.
KVH: Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ.
KVH: Kinh vào học.
Văn tự
文序
A: The writing.
P: L'éctiture.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Tự: chữ viết.
Văn tự là chữ viết.
Văn tự cũng có nghĩa là những giấy tờ do hai bên thỏa thuận viết ra rõ ràng rồi đồng ký tên để hai bên căn cứ vào đó mà thi hành cho khỏi điều trở ngại.
Văn uyển
文苑
A: Garden of letters.
P: Le jardin des lettres.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Uyển: cái vườn.
Văn uyển là vườn văn chương.
Văn uyển cũng là một mục mở ra trên báo chí để đăng những bài thơ văn.
Văn Vương
文王
Văn Vương là vị vua khai sáng ra nhà Châu (Chu) vào thời thượng cổ nước Tàu, nên được gọi là Châu Văn Vương.
Theo Trung quốc sử:
- Năm 1136 trước TL, vua Văn Vương, con ông Vương Quý, cháu ông Thái Vương, dựng cơ nghiệp ở đất Phong.
- Năm 1122 trước TL, vua Võ Vương, con Văn Vương đánh diệt vua Trụ, lên làm Hoàng đế, đóng đô ở đất Hạo.
Lúc vua Trụ đang trị vì nước Tàu, ở phía Tây có Tây Bá Hầu Cơ Xương, đặt thủ phủ ở Tây Kỳ, thống suất các chư Hầu ở phía Tây. Vua Trụ hôn ám, bị nịnh thần xúi giục, bắt Tây Bá Hầu Cơ Xương giam tại thành Dũ Lý 7 năm.
Tây Bá Hầu bị cầm chơn tại đây chớ không phải tù tội chi, nên ông lấy điều nhân nghĩa dạy dân, khiến cho dân trong thành đều mến đức.
Tây Bá dùng thời giờ nhàn rỗi để nghiên cứu thêm về Bát Quái Tiên Thiên của vua Phục Hy, Hà Đồ, và Lạc Thơ, rồi ông chế ra Bát Quái Hậu Thiên bằng cách thay đổi vị trí các quẻ, rồi phối hợp với Ngũ Hành, giải thích về vạn vật hữu hình.
Vua Phục Hy đặt ra 64 quẻ Tiên Thiên Bát Quái nhưng không có văn tự giải thích, Tây Bá Hầu mới nghiên cứu viết ra Thoán Từ để giải thích ý nghĩa của mỗi quẻ.
Tù túng bảy năm thành Dũ Lý,
Điểm trang một tập quẻ Tiên Thiên.
Dạy đời muôn việc điềm hung kiết,
Để tiếng ngàn thu bậc Thánh hiền.
Khi hết hạn 7 năm ở Dũ Lý, vua Trụ đòi Tây Bá về kinh, khen thưởng phong Tây Bá Cơ Xương làm VĂN VƯƠNG, có búa Việt cờ Mao đặng quyền chinh phạt chư Hầu....
Văn Xương Đế Quân
文昌帝君
"Văn Xương Đế Quân được dân gian lẫn Đạo giáo tôn sùng là Thần chủ quản công danh phúc lộc của sĩ nhân.
Văn Xương là tên vì sao, cũng gọi là sao Văn Khúc (Văn Khúc tinh hoặc Văn tinh). Người Trung quốc xưa cho rằng đây là tinh tú nắm giữ công danh và văn vận của thế nhân.
Sự kiện Văn Xương Đế Quân được dân gian và Đạo giáo phụng thờ có liên quan đến thần Tử Đồng Trương Á Tử.
Đời Đông Tấn (317-420), năm Ninh Khang thứ 2 (374) triều vua Hiếu Vũ Đế [Tư Mã Diệu], một người nước Thục tên là Trương Dục tự xưng là Thục Vương, khởi nghĩa chống Phù Kiên và hy sinh. Dân chúng quận Tử Đồng (Tứ Xuyên) lập miếu thờ (gọi là Trương Dục từ) tại núi Thất Khúc, tôn Ngài là Lôi Trạch Long Thần.
Trên núi Thất Khúc cũng có một miếu thờ thần Tử Đồng Trương Á Tử. Vì hai miếu gần nhau, người đời sau mới gọi chung hai thần là Trương Á Tử hoặc Trương Á Tử Sĩ Tấn chiến một (Trương Á Tử, quan đời Tấn, chết trong chiến tranh). Sự việc Trương Dục có chép trong Tấn Thư.
Thần Trương Á Tử (cũng gọi Trương Ác Tử) được ghi chép trong Hoa Dương Quốc Chí, quyển 2: "Tử Đồng huyện, quận trị, hữu Thiện Bản tự, nhất danh Ác Tử" (huyện Tử Đồng là một quận trị có miếu Thiện Bản, một tên khác là Ác Tử).
Trong dân gian thường truyền nhau sự hiển linh thần dị của thần Tử Đồng Trương Á Tử.
Thái Bình Hoàn Vũ Ký quyển 84 mục Kiếm Châu Tử Đồng huyện có trích dẫn Quận Quốc Chí rằng: "Ác Tử tích chí Trường An kiến Diêu Trường, vị viết: Kiếp hậu cửu niên, quân đương nhập Thục, nhược chí Tử Đồng Thất Khúc sơn, hạnh đương kiến tầm." (Xưa Ác Tử đến Trường An gặp Diêu Trường bảo rằng: 9 năm sau, người phải vào Thục, nếu đến núi Thất Khúc huyện Tử Đồng, may mắn thì tìm gặp ta).
Thập Lục Quốc Xuân Thu Tập Bổ - Hậu Tần Lục ghi rằng: "Tiền Tần Kiến Nguyên thập nhị niên (376), Diêu Trường chí Tử Đồng Thất Khúc sơn, kiến nhất thần nhân vị chi viết: Quân tảo hoàn Tần, Tần vô chủ, kỳ tại quân hồ? Trường thỉnh kỳ tính thị, viết: Trương Ác Tử dã. Ngôn cật bất kiến. Chí cứ Tần xưng đế, tức kỳ địa lập Trương Tướng công miếu tự chi" (Năm Kiến Nguyên thứ 12 [tiền Tần, 376], Diêu Trường đến núi Thất Khúc ở huyện Tử Đồng, gặp một thần nhân bảo rằng: Ngươi hãy sớm quay về Tần, Tần không có chủ, chẳng phải chủ ở nơi ngươi sao? Trường xin hỏi danh tánh, người đó đáp: Trương Ác Tử đây. Nói xong thì chẳng thấy người đó. Đến lúc Tần xưng đế, nơi nầy lập miếu Trương tướng công mà thờ).
Khi loạn An Lộc Sơn nổi lên, Đường Huyền Tông lánh nạn chạy vào đất Thục, trên đường đi ngang núi Thất Khúc, nghĩ đến Trương Á Tử anh liệt kháng Tiền Tần, bèn dừng chân vái lạy. Tương truyền khi tá túc núi Thất Khúc, Huyền Tông mộng thấy Trương Á Tử hiển linh mách rằng, không bao lâu nữa, Huyền Tông sẽ trở thành Thái Thượng Hoàng. Hiện nay trên núi Thất Khúc còn dấu tích "Ứng mộng tiên đài" của Đường Huyền Tông.
Năm Quảng Minh thứ 2 đời Đường, Hy Tông lánh loạn Hoàng Sào vào Thục, đi ngang núi Thất Khúc cũng vào vái lạy, truy phong Trương Á Tử là Tế Thuận Vương và cởi bội kiếm tặng cho Thần.
Thần Tử Đồng Trương Á Tử vì được các vua Đường sùng bái, thanh danh lan truyền xa, từ một vị Thần địa phương trở thành một đại thần khắp Trung quốc.
Năm Hàm Bình thứ 3 (1000) triều vua Tống Chân Tông (trị vì 998-1023) (Bắc Tống), Đô Ngu Hầu ở Ích Châu là Vương Quân nổi loạn, thần Tử Đồng linh hiển trợ giúp vua diệt quân phiến loạn. Tống Chân Tông bèn sắc phong Trương Á Tử là Anh Hiển Vũ Liệt Vương, đồng thời cho tu bổ miếu thờ.
Đời Nam Tống, năm Thiệu Hưng thứ 10 (1140), vua Tống Cao Tông (trị vì 1127-1162) cho đại tu Tử Đồng Thần miếu và sắc phong miếu thờ là Linh Ứng Từ.
Vua Tống Quang Tông (trị vì 1190-1194) truy phong Trương Á Tử là Trung Văn Nhân Vũ Hiếu Đức Thánh Liệt Vương. Tống Lý Tông (trị vì 1225-1264) truy phong Trương Á Tử là Thần Văn Thánh Võ Hiếu Đức Trung Nhơn Vương.
Đời Nguyên, năm Diên Hựu thứ 3 (1316), vua Nhân Tông (trị vì 1312-1320) sắc phong Trương Á Tử là Phụ Nguyên Khai Hóa Văn Xương Tư Lộc Hoằng Nhơn Đế Quân và khâm định là Trung Quốc Hiếu Gia Ích Dân Chính Trực Thần.
Kể từ đó, thần Tử Đồng và sao Văn Xương được hợp nhất thành một danh xưng là Văn Xương Đế Quân.
Từ đời Tống rất thịnh hành vô số câu chuyện linh dị kể lại thần Tử Đồng hiển linh phù hộ các sĩ tử thi đậu làm quan, cho nên việc phụng thờ Ngài càng thêm thịnh.
Đời Nam Tống, Ngô Tự Mục trong quyển Mộng Lương Lục thứ 14 chép rằng Tử Đồng Đế Quân tại đạo quán Thừa Thiên ở Ngô Sơn là thần nước Thục, chuyên nắm giữ lộc tịch (sổ sách về quan lộc) của con người, nói chung các sĩ tử bốn phương đi thi cầu danh đều xin Ngài ban phúc. Ngài được phong là Huệ Văn Trung Vũ Hiếu Đức Nhân Thánh Vương (Tử Đồng Đế Quân tại Ngô Sơn Thừa Thiên quán, thử Thục trung thần, chuyên chưởng lộc tịch, phàm tứ phương sĩ tử cầu danh phó tuyển giả tất đảo chi. Phong vương tước viết Huệ Văn Trung Vũ Hiếu Đức Nhân Thánh Vương).
Cuối đời Nam Tống, các châu và phủ đều lập nhiều miếu thờ Tử Đồng Đế Quân. Như vậy, những tượng thờ Văn Xương Đế Quân trong các chùa miếu và đạo quán ngày nay tức là tượng Tử Đồng Đế Quân.
Đạo giáo đã sớm có tín ngưỡng Văn Xương, trong Lão Quân Âm Tụng Giới Kinh chép: Đương giản trạch chủng dân, lục danh Văn Xương cung trung. (Phụ trách tuyển chọn phẩm hạng dân chúng, ghi danh vào cung Văn Xương).
Đến đời Nguyên (1279-1368) và đời Minh (1368-1644) các đạo sĩ lợi dụng tín ngưỡng dân gian về Văn Xương Đế Quân mà viết ra "Thanh Hà Nội Truyện" và "Tử Đồng Đế Quân Hóa Thư" kể lại những thần tích của Văn Xương Đế Quân.
Sách viết rằng:
"Văn Xương Đế Quân vốn sanh đầu đời Chu (Châu), đã trải 73 kiếp hóa thân, từng là sĩ đại phu. Cuối đời Tây Tấn, Ngài giáng sanh nơi đất Thục tên là Á, họ là Trương, tự là Bái Phu, được lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế cho chưởng quản Văn Xương Phủ và lộc tịch (sổ sách về quan lộc) của nhân gian."
Đạo Tạng Tập Yếu thu thập quyển Văn Xương Đế Quân Bản Truyện viết vào những năm Sùng Đức (1638-1648) đời Thanh, trong đó ghi rằng:
"Văn Xương Đế Quân họ là Trương, húy là Thiện Huân, có những thần tích linh dị, phàm nhương tai khử họa, đảo vũ, cầu tự, hễ có thành tâm tất có ứng nghiệm, có thể trấn phục yêu ma, tảo trừ dịch bệnh. Ngài được gọi là Văn Chương Tư Mệnh, vì các giới quí tiện văn võ y bốc sĩ nông công thương, hễ có lòng mong cầu công danh đều trông cậy vào Ngài. Ngài cư ngụ nơi cung Văn Xương, nơi chòm sao Tử Vi, thường giáng cơ viết kinh, hiển mộng báo tin, phân thân ứng hóa, cứu độ nhân sanh."
Trong Tử Đồng Đế Quân Hóa Thư (do Đàm Tiễu viết đầu thế kỷ thứ 10) tóm lược 17 kiếp của Văn Xương Đế Quân nhưng nội dung hết sức hoang đường. Có lẽ sáng tác nầy của đạo sĩ Đàm Tiễu muốn củng cố và chuyển tín ngưỡng Văn Xương Đế Quân từ một tín ngưỡng dân gian sang tín ngưỡng của Đạo giáo.
Trong Đạo Tạng và Đạo Tạng Tập Yếu thu thập rất nhiều kinh sách do Văn Xương Đế Quân giáng cơ bút, trong đó thịnh hành nhứt kể từ đời Tống và đời Nguyên là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn. Tác phẩm nầy tuyên xưng: Văn Xương Đế Quân cứu dân chi nạn, tế nhân chi cấp, mẫn nhân chi cô, dung nhân chi quá, quảng hành âm chất, thượng cách thương khung. (Văn Xương Đế Quân cứu nạn dân chúng, giúp người trong khốn khó nguy cấp, xót thương kẻ bơ vơ, khoan dung lỗi lầm của thế nhân, [ai] thi hành rộng khắp âm chất được đặc cách lên trời [ghi tên trong Tiên tịch]).
Đồng thời khuyến dạy người đời: "Hành thời thời chi phương tiện, tác chủng chủng chi âm công, lợi vật lợi nhân, tu thiện tu phúc, chính trực đại thiên hành hóa, từ tường vị quốc cứu dân, trung chủ hiếu thân, kính huynh tín hữu. Hoặc phụng Chân triều đẩu, hoặc bái Phật niệm kinh, báo đáp tứ ân, quảng hành Tam giáo." (Thường thi hành tiện ích, tạo vô vàn công đức vô hình, ích lợi cho người cho vật, tu thiện tu phúc, chính trực thay Trời hành hóa đạo đức, từ ái vì nước cứu dân, trung vua hiếu cha mẹ, kính trọng huynh trưởng, tin cậy bằng hữu. Hoặc thờ Tiên tu đạo, hoặc bái Phật niệm kinh, để báo đáp bốn ân và quảng hành Tam giáo). Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn là một trong tam đại khuyến thiện thư của Đạo giáo, có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian.
Từ đời Nguyên và đời Minh về sau, các địa phương ở Trung quốc kiến tạo rất nhiều cung và đền miếu thờ Văn Xương Đế Quân (gọi là Văn Xương Cung, Văn Xương Từ, Văn Xương Các) nguy nga, hiện nay vẫn còn.
Đài Loan hiện có 29 miếu thờ Văn Xương Đế Quân.
Tại Việt Nam, Văn Xương Đế Quân được thờ trong đền Ngọc Sơn nơi Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội kể từ khi đền được trùng tu năm Thiệu Trị thứ nhứt (1841), ngoài ra Ngài còn được thờ trong các ngôi chùa miếu của người Hoa. Đạo giáo lấy ngày 3 tháng 2 âm lịch làm ngày vía Đức Văn Xương Đế Quân.
Khi Văn Xương Đế Quân du hành, tùy tòng có Huyền Đồng Tử (Thiên lung: trời điếc) và Địa mẫu (Địa á: đất câm). Hai tùy tòng có nhiệm vụ biệt lập về hành chánh, phụ giúp Văn Xương Đế Quân. Để giữ công bình và bí mật, Thiên lung không thể lắng nghe những lời van xin cầu khẩn của thế nhân, Địa á không thể tiết lộ cho họ những dự định của Đế Quân."
(Bài Lược khảo về Văn Xương Đế Quân nầy của Lê Anh Minh).
Trong quyển "Đại Động Chơn Kinh" 大洞眞經 in vào triều vua Hàm Phong nhà Thanh bên Tàu vào năm Đinh Tỵ (1857), có một bài kinh tụng về Văn Xương Đế Quân. Bài kinh nầy rất giống bài kinh Nho giáo trong kinh Nhựt Tụng của Đạo Cao Đài, xin chép ra sau đây:
桂香內殿
文昌上宮
九十五回
種善果於詩書之圃
百千萬化
培桂根於陰騭之田
自雷杼炳靈於鳳山
至如意儲祥於鰲岫
開人心必本於篤親之孝
壽國脈必先於致主之忠
夢保生垂慈憫苦
大仁大孝大聖大慈
神文聖武孝德忠仁
王新冊輔元開化
文昌司祿宏仁帝君
澄眞正觀寶光慈濟天尊
(諱亞二月初三日生)
Phiên âm:
Quế Hương Nội Điện
Văn Xương Thượng Cung.
Cửu thập ngũ hồi,
Chưởng thiện quả ư thi thơ chi phố
Bá thiên vạn hóa
Bồi quế căn ư âm chất chi điền
Tự lôi trữ bính linh ư phụng sơn
Chí như ý trừ tường ư ngao trụ.
Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu.
Thọ quốc mạch tất tiên ư trí chúa chi trung.
Ứng mộng bảo sanh, thùy từ mẫn khổ
Đại nhơn đại hiếu, đại Thánh đại từ,
Thần văn Thánh võ, hiếu đức trung nhơn,
Vương tân sách phụ nguyên khai hóa
Văn Xương tư lộc, hoành nhơn đế quân,
Trừng chơn chánh quan,
Bửu quang từ tế Thiên Tôn.
(Húy Á nhị ngoạt sơ tam nhựt sanh)
(Tên húy là Á, ngày sanh là mùng 2 tháng 3)
(Tài liệu của Lê Anh Dũng)
VĂNG
Văng mày
A: To be broken the visage.
P: Être brisé le visage.
Văng: bắn ra, ném ra. Mày: lông mày, chỉ cái mặt.
Thành ngữ: Văng mày xể mặt, hay Dập trán văng mày, là có ý nói công việc rất khó khăn, phải tranh đấu đến nỗi bị thương tích nơi mày nơi mặt mới đạt được kết quả.
Từ ngữ "Văng mày" dùng với ý nghĩa như hai thành ngữ vừa kể trên.
TNHT: Từ khai Thiên lập Địa, Thầy cũng vì yêu mến các con mà trải bao nhiêu điều khổ hạnh, mấy lần lao lý, mấy lúc văng mày, nuôi nấng các con hầu lập nền đạo.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
VÂN
VÂN
VÂN: 雲 Mây.
Td: Vân ám, Vân đài, Vân xa.
Vân ám đảnh hồ
雲暗鼎瓠
Vân: Mây. Ám: che cho tối. Vân ám: mây che. Đảnh: Đỉnh: cái đỉnh có ba chân, cũng gọi là cái Vạc. Hồ: trái bầu. Đảnh hồ: cái đỉnh có hình trái bầu.
Theo sử ký, vua Huỳnh Đế (Hoàng Đế) và Hoàng hậu tu theo đạo Tiên. Nhà vua vâng lịnh thầy là Quảng Thành Tử, đúc một cái đỉnh bằng đồng, hình dạng giống như trái bầu, đặt trên lầu cao. Khi cần cầu thầy hỏi điều chi trong việc tu luyện thì đốt trầm hương trong đỉnh mà cầu nguyện thì thầy hay biết và sẽ giáng lâm chỉ dạy. Sau đó, vua Huỳnh Đế và Hoàng hậu tu đắc đạo, có rồng hiện xuống rước hai vị về trời.
Do đó, trong văn chương dùng chữ "đỉnh hồ" để chỉ vua lên trời, tức là vua chết, bỏ xác trần trở về cõi Tiên.
Trong cổ thi có câu:
Vân ám đảnh hồ, long khứ viễn,
Nguyệt minh hoa biểu, hạc qui trì.
Nghĩa là:
Mây che đỉnh hồ, rồng đi xa,
Trăng soi trụ hoa, hạc lại muộn.
(Hoa biểu hay Huê biểu là những cây trụ đá mà trên đầu trụ có tạc hình hoa sen, trồng chung quanh các ngôi mộ).
Câu "Vân ám đảnh hồ long khứ viễn" là nói về sự tích vua vua Hiên Viên chết, bỏ xác trần, trở về cảnh Tiên.
Câu "Nguyệt minh hoa biểu hạc qui trì" là tả cảnh nghĩa địa lúc đêm trăng, chỉ cảnh biệt ly, âm dương xa cách.
Trong Tang lễ, bài thài hiến lễ hàng vong thường trong Tuần Sơ (Tuần tửu 1) có dùng hai câu thơ cổ ở trên, là để chỉ một người đã chết và có ý mong người đó được về cõi Tiên.
Vân cẩu
(Xem: Bạch vân thương cẩu)
Vân du
雲遊
A: To travel everywhere as a cloud.
P: Voyager partout comme un nuage.
Vân: Mây. Du: đi chơi.
Vân du là đi chơi đây đó một cách thảnh thơi như đám mây trên bầu trời.
TNHT: |
Vân du thế giới vui mùi đạo,
Mơi viếng Kỳ sơn, tối Cẩm sơn. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vân du thiên ngoại
雲遊天外
Vân: Mây. Du: đi chơi. Vân du: (đã giải ở trên)
Thiên ngoại: ngoài trời, tức là bên ngoài bầu trời của địa cầu 68 của nhơn loại chúng ta.
Vân du thiên ngoại là đi chơi đây đó bên ngoài bầu trời của địa cầu 68, tức là đi chơi đến các thế giới khác.
TNHT: Bậc chơn tu, khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất (chơn thần) ra trước buổi chết mà vân du thiên ngoại.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vân đài
雲臺
A: The sky-high tower.
P: Le tour élevé jusqu'au ciel.
Vân: Mây. Đài: cái đài cất cao lên.
Vân đài, dịch Đài mây, là một cái đài cất cao tận mây.
Đài nầy do vua Hán Minh Đế cho xây dựng rất cao, nhìn như thấy cao tận mây, làm nơi đặt ảnh của 28 vị đại công thần nhà Hán, để ghi nhớ công đức của các vị ấy và cũng để làm gương tốt cho đời.
Được treo hình nơi Vân đài là một danh dự cao quí nhứt của các bề tôi. Đó cũng là mục tiêu phấn đấu để cho các bực anh hùng ra sức phục vụ cho nước cho dân, sẽ được hưởng cái vinh dự tột bực đó.
Như thế, Vân đài là đài vinh quang, là đài công danh, ở nước Pháp họ gọi là Panthéon (Công thần miếu), trong Đạo Cao Đài gọi là Báo Ân Từ (Temple de Reconnaissance).
(Báo Ân Từ hiện nay được tạm dùng làm Đền Thờ Đức Phật Mẫu. Khi Hội Thánh cất Điện Thờ Phật Mẫu trung ương xong thì sẽ trả Báo Ân Từ lại để thờ các bực vĩ nhân có đại công với nhơn loại, và các bực có đại công trong Đạo Cao Đài).
Trong tôn giáo, Vân đài là đài danh vọng thiêng liêng của người tu, tức là nơi dành cho những người đắc đạo, đạt được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.
TNHT: |
Ÿ |
Dìu dắt sanh linh lo tế độ,
Thiên niên ghi tạc chốn Vân đài. |
|
Ÿ |
Phước gặp Tam Kỳ Trời cứu độ,
Gắng tu kịp buổi lướt Đài vân. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vân hán
雲漢
A: The milky way.
P: La voie lactée.
Vân: Mây. Hán: sông Ngân hà.
Vân hán là sông Ngân hà trên bầu trời.
Vân tán tuyết tiêu
雲散雪消
Vân: Mây. Tán: tan ra. Tuyết: hơi nước gặp lạnh đông lại rơi xuống trắng xóa. Tiêu: mất.
Thường nói: Vân tán tuyết tiêu, hoa tàn nguyệt khuyết.
Vân tán tuyết tiêu: mây tan, tuyết rã.
Hoa tàn nguyệt khuyết: hoa tàn, trăng khuyết.
Ý nói: cảnh tang tóc thê lương.
Hai câu nầy thường thấy khởi đầu của một bài điếu văn nói về cái chết của một trang tài sắc.
Vân thê
雲梯
A: Ladder for ascension to the clouds.
P: L'échelle pour monter dans les nuages.
Vân: Mây. Thê: cái thang.
Vân thê là thang mây, cái thang bắc lên tới mây, ý nói con đường công danh.
Vân trình
雲程
A: Road of glory.
P: Le chemin de gloire.
Vân: Mây. Trình: con đường.
Vân trình, dịch Đường mây, là con đường lên mây, ý nói con đường công danh, đồng nghĩa: Vân thê.
Vân trung bạch hạc
雲中白鶴
Vân: Mây. Trung: trong. Bạch hạc: chim hạc trắng.
Vân trung bạch hạc là con chim hạc trắng trong mây, ý nói: người cao khiết.
Vân xa
雲車
A: The mysterious carriage on the clouds.
P: La voiture mystérieuse sur les nuages.
Vân: Mây. Xa: chiếc xe.
Vân xa là chiếc xe đi trên mây.
Đây là pháp bửu của các Đấng Tiên Phật, dùng để di chuyển đến các thế giới trong CKVT.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
VẤN
VẤN
VẤN: 問 Hỏi, hỏi thăm.
Td: Vấn an, Vấn nạn.
Vấn an
問安
A: To ask about s.o.'s health.
P: Demander des nouvelles de santé.
Vấn: Hỏi, hỏi thăm. An: yên ổn.
Vấn an là hỏi thăm sức khỏe của bề trên có được an ổn không. Thường nói: Vấn an sức khỏe.
Vấn danh
(Xem: Lục lễ danh nghi, vần L)
Vấn đạo ư manh
問道於肓
Vấn: Hỏi, hỏi thăm. Đạo: đường. Ư: tại, nơi. Manh: người mù.
Vấn đạo ư manh là hỏi đường nơi người mù.
Ý nói: Học hỏi với người ngu.
Vấn nạn
問難
A: To set the difficult questions.
P: Poser des questions difficiles.
Vấn: Hỏi, hỏi thăm. Nạn: khó khăn.
Vấn nạn là đặt ra nhiều câu hỏi khó khăn để hỏi cho thấu đáo mọi khía cạnh của một vấn đề phức tạp.
TĐ ĐPHP: Từ hôm trước đến nay, Bần đạo đã thuyết minh những điều vấn nạn của các chơn linh siêu thoát.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Vấn tâm
問心
A: To ask oneself.
P: Se demander.
Vấn: Hỏi, hỏi thăm. Tâm: lòng.
Vấn tâm là hỏi lòng mình, hỏi lương tâm mình.
Ý nói: Phải tự xét mình.
VẬN
VẬN
VẬN: 運 Chở, chuyển, dời đi, xoay vần, số mạng.
Td: Vận dụng, Vận động, Vận mạng.
Vận dụng
運用
A: To utilize.
P: Utiliser.
Vận: Chở, chuyển, dời đi, xoay vần, số mạng. Dụng: dùng.
Vận dụng là đem những điều đã học ra áp dụng vào thực tế, tùy theo trường hợp mà thay đổi phương pháp thích hợp.
Vận dụng thân tâm: đem sức lực và tâm trí ra áp dụng vào công việc cho đạt kết quả tốt.
Vận động
運動
A: To make in motion.
P: Faire mouvoir.
Vận: Chở, chuyển, dời đi, xoay vần, số mạng. Động: hoạt động.
Vận động là hoạt động làm việc.
KĐRĐ: Thân vận động trong trường thế sự.
KÐRÐ: Kinh đi ra đường.
Vận hạn
運限
A: Misfortune.
P: Le malheur.
Vận: Chở, chuyển, dời đi, xoay vần, số mạng. Hạn: ngăn trở.
Vận hạn là số mạng bị ngăn trở nên gặp phải những việc không may hay tai họa xảy đến.
Vận hội
運會
A: Occasion.
P: L'occasion.
Vận: Chở, chuyển, dời đi, xoay vần, số mạng. Hội: cơ hội.
Vận hội là cơ hội tốt xảy đến.
Sớ Văn: Kim vì vận hội Thượng nguơn Ngọc Hư Cung Linh Tiêu Điện đại khai ân xá các đẳng linh hồn,....
Vận mạng
運命
A: The fatality.
P: La fatalité.
Vận: Chở, chuyển, dời đi, xoay vần, số mạng. Mạng: mệnh: số mạng.
Vận mạng là số mạng của mỗi người.
Những việc xảy tới cho mình một cách bất ngờ, không thể biết trước được, cũng không thể tránh được, như có sự sắp đặt sẵn cứ xoay vần mà tới, đó là vận mạng.
TNHT: Chư Đạo hữu đã có nghe lời Thánh giáo về vận mạng nên hư của nền Đạo.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vận thới - Vận bĩ
運泰 - 運否
A: The prosperity - Adversity.
P: La prospérité - L'adversité.
Vận: Chở, chuyển, dời đi, xoay vần, số mạng. Thới: Thái: thịnh, hanh thông. Bĩ: suy, bế tắc.
Vận thới là thời vận tốt, hưng thịnh.
Vận bĩ là thời vận xấu, suy vi, bế tắc.
KSH: |
Lúc vận thới lung lăng chẳng kể,
Lúc suy vi bày lễ khẩn cầu. |
KSH: Kinh Sám Hối.
Vận trù
運籌
A: To project.
P: Projecter.
Vận: Chở, chuyển, dời đi, xoay vần, số mạng. Trù: tính toán, liệu định.
Vận trù là vận động và định liệu kế hoạch để thi hành.
PMCK: Qui Thiên lương quyết sách vận trù.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Vận tử hồi môn
運子回門
Vận: Chở, chuyển, dời đi, xoay vần, số mạng. Tử: con. Hồi: trở về. Môn: cửa, nhà.
Vận tử hồi môn là vận động đem các con trở về ngôi nhà cũ nơi cõi thiêng liêng.
PMCK: Nghiệp hồng vận tử hồi môn.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Vận Từ Thứ
(Xem chữ Từ Thứ, vần T)
VẬT
VẬT
1. VẬT: 物 Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật.
Td: Vật cực tất phản, Vật hữu linh.
2. VẬT: 勿 Đừng, chớ, chẳng, không nên.
Td: Vật cạnh Thiên trạch.
Vật cạnh Thiên trạch
勿競天擇
Vật: Đừng, chớ, chẳng, không nên. Cạnh: cạnh tranh. Thiên: Trời. Trạch: chọn.
Vật cạnh Thiên trạch: không nên cạnh tranh với sự lựa chọn của Trời.
Ý nói: Thiên nhiên đã lựa chọn đào thải rồi thì chỉ nên hành động cho thuận với qui luật thiên nhiên, chớ không thể tùy tiện thay Trời được.
Vật chất văn minh
物質文明
A: The material civilisation.
P: La civilisation matérielle.
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Chất: cái chất cấu tạo của vật thể. Văn: đẹp. Minh: sáng. Vật chất: tất cả những vật và những chất hiện có trong vũ trụ mà giác quan con người nhận biết được.
Vật chất văn minh là nền văn minh về khoa học thực nghiệm, sản xuất ra nhiều của cải vật chất làm cho đời sống vật chất của con người được tiện nghi tốt đẹp.
Đối với Văn minh vật chất là Văn minh tinh thần.
Vật cực tất phản
物極必反
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Cực: đến chỗ đầu cùng. Tất: ắt hẳn. Phản: đi ngược trở lại.
Vật cực tất phản: vật đi đến cùng tột rồi ắt hẳn trở lại.
Sách Tả Truyện có viết rằng:
Vật cực tất phản, Lạc cực tất bi,
Thái hợp tất ly, Thế thạnh tất suy, Bĩ cực thái lai.
Nghĩa là:
Vật đến cùng tột thì trở lại, vui tột thì buồn,
Rất hợp thì lìa, đời thạnh tất suy, Suy tột thạnh đến.
Đó là luật thay đổi luôn luôn, nhưng có tính cách tuần hoàn. Không bao giờ suy hoài, mà cũng không bao giờ thạnh hoài. Hết suy tới thạnh, hết thạnh tới suy. Cho nên khi được thạnh thì phải phòng lúc suy, ấy mới gọi là trí.
Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi
勿以惡小而為之
Vật: Đừng, chớ, chẳng, không nên. Dĩ: lấy. Ác tiểu: điều ác nhỏ. Nhi: mà. Vi: làm. Chi: hư tự.
Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi: chớ lấy điều ác nhỏ mà làm đó.
Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi: chớ lấy điều thiện nhỏ mà không làm.
Vật dục
物欲
A: The carnal desires.
P: Les désirs charnels.
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Dục: ham muốn.
Vật dục là lòng ham muốn vật chất nhằm thoa mãn nhu cầu của thể xác con người như: ăn ngon, mặc đẹp, sung sướng xác thân, v.v....
KKĐN: Các vật dục xảy ra một buổi.
KKÐN: Kinh khi đi ngủ.
Vật dưỡng nhơn
物養人
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Dưỡng: nuôi. Nhơn: người.
Vật dưỡng nhơn là thú vật dùng để nuôi sống con người.
Đây là câu thường nói của người chủ trương ăn mặn, không ăn chay, binh vực cho rằng: Vật dưỡng nhơn, trời sanh ra các loài động vật là để làm thực phẩm nuôi sống con người.
Để đối lại, người chủ trương ăn chay, không ăn thịt cá, cho rằng: Nhơn vật dữ đồng, nghĩa là người và vật đồng một thể với nhau, cũng đều biết ham sống sợ chết, biết đau đớn rên la, biết sanh con và nuôi con, biết bảo tồn nòi giống.
Thật ra, con người không bị bắt buộc phải ăn thịt thú vật mới sống được, con người chỉ cần ăn rau, đậu, ngũ cốc thì vẫn sống khỏe mạnh mà lại ít đau ốm nữa.
Con người có trí khôn ngoan suy nghĩ hiểu biết để lựa chọn cho mình những thức ăn thích hợp, ăn để mà sống, sống một cách cao thượng, sống hòa đồng trong tinh thần bác ái "Nhơn vật dữ đồng", không nên vì sự sống của mình mà giết hại sự sống của các loài khác kém tiến hóa hơn.
Vật hoán tinh di
物換星移
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Hoán: dời đổi. Tinh: ngôi sao. Di: thay đổi.
Vật hoán tinh di: vật đổi sao dời.
Vật đổi sao dời là chỉ các vật trong Trời Đất đều luôn luôn chuyển động và biến hóa, bởi vì tất cả đều nằm trong qui luật tiến hóa, nghĩa là phải luôn luôn thay đổi để tiến hóa.
Vật hữu linh
物有靈
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Hữu: có. Linh: thiêng liêng.
Vật hữu linh là loài vật có tánh linh.
Cái tánh linh nầy do Thượng Đế ban cho nó, hoặc nhiều hoặc ít tùy theo loài, để nó bảo tồn sự sống của nó.
Td: Con kiến biết trước trời sắp mưa to nên bỏ chỗ thấp, dời lên ở chỗ cao cho khỏi bị nước ngập. Con chim biết trước sắp có bão tố, nên bay đi tìm chỗ ẩn núp. Con thú rừng biết trước núi lửa sắp phun nên lo chạy trốn thật xa, v.v....
KĐRĐ: |
Gót chơn đưa rủi như sát mạng,
Vật hữu linh phàm nhãn không soi. |
KÐRÐ: Kinh đi ra đường.
Vật loại
物類
A: The kinds of beings.
P: Les sortes des êtres.
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Loại: loài.
Vật loại là các thứ loài vật, từ kim thạch đến con người.
PMCK: Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Vật phi nghĩa bất thủ
物非義不取
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Phi: không. Nghĩa: lẽ phải, đúng đạo lý. Thủ: lấy, đạt được. Bất thủ: không lấy.
Vật phi nghĩa bất thủ: vật chẳng phải nghĩa thì chẳng lấy.
Sách Cảnh Hành Lục có viết: "Nhân phi hiền bất giao, vật phi nghĩa bất thủ, phẫn phi thiện mạc cử, sự phi thị mạc thuyết." Nghĩa là: Người chẳng hiền không giao thiệp, vật chẳng phải nghĩa không lấy, giận chẳng phải lẽ chớ nên, việc chẳng phải chớ nói.
Vật thực
物食
A: The foods.
P: Les aliments.
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Thực: ăn.
Vật thực là các vật dùng để ăn.
Vật thực thường được gọi là Thực phẩm: gạo, rau cải,...
TNHT: Các vật thực vào tỳ vị lại biến ra khí, khí mới biến ra huyết,....
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vật vô giá bửu
物無價寶
Vật: Những cái có trong Trời Đất, vật chất, động vật, cảnh vật. Vô: không. Giá: giá trị. Bửu: Bảo: quí báu. Vô giá: không thể định được giá trị của nó cao đến mức độ nào, tức là quí báu vô cùng.
Vật vô giá bửu là món đồ quí báu vô cùng.
VẺ
Vẻ ngọc
A: The beauty of woman.
P: La beauté de la femme.
Vẻ: màu sắc bề ngoài. Ngọc: chỉ người phụ nữ.
Vẻ ngọc là sắc đẹp của phụ nữ.
TNHT: Linh oai vẻ ngọc là gươm sắc.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
VẸT
Vẹt ngút mây xanh
Vẹt: vén ra cho trống chỗ. Ngút: bốc lên cao. Mây xanh: mây màu xanh trên bầu trời.
Vẹt ngút mây xanh là vén lớp mây xanh trên bầu trời cao để cho trống đường đi lên trời.
Ý nói: Mở đường đi lên trời, tức là mở đường cho người tu đi theo mà đắc đạo.
TNHT: Đường đạo hạnh chớ dần dà, công vẹt ngút mây xanh của các con sẽ làm cho sáng sủa bạch minh cho bước đường sau nầy do theo dấu ấy mà lần đến cõi vô ưu,....
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
VI
VI
1. VI: 為 Làm, ấy là, có, với, bị, như thế.
Td: Vi bằng, Vi chứng, Vi tiên.
2. VI: 微 Nhỏ nhặt, hèn, suy, sâu kín, mầu nhiệm.
Td: Vi diệu, Vi trần, Vi tiếu.
3. VI: 違 Làm trái, lìa ra, lánh.
Td: Vi phạm, Vi hiến, Vi lịnh.
Vi bằng
為憑
A: Official report.
P: Procès-verbal.
Vi: Làm, ấy là, có, với, bị, như thế. Bằng: cậy vào để làm chứng.
Vi bằng là làm chứng cớ để tin.
Tờ Vi bằng: là tờ giấy ghi chép các ý kiến bàn cãi và quyết nghị trong một phiên họp, đồng ký tên xác nhận để làm pháp lý căn cứ vào đó mà thi hành.
Trong Đạo gọi là Vi bằng, ngoài đời gọi là Biên bản.
ĐLMD: Từ hàn lãnh phân sự lập Vi bằng trong mỗi kỳ hội nhóm.
ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
Vi cảnh
違警
A: To break of the police regulation.
P: Contravention de simple police.
Vi: Làm trái, lìa ra, lánh. Cảnh: răn bảo, cảnh sát.
Vi cảnh là phạm lỗi nhẹ vì làm trái với luật lệ sinh hoạt nơi công cộng, phạm vào pháp lệnh của cảnh sát.
Vi chỉ
微旨
A: Secret attention.
P: Attention secrète.
Vi: Nhỏ nhặt, hèn, suy, sâu kín, mầu nhiệm. Chỉ: ý chỉ.
Vi chỉ là ý chỉ sâu kín.
Vi chủ
為主
A: To be the master of.
P: Être le maître de.
Vi: Làm, ấy là, có, với, bị, như thế. Chủ: người chủ.
Vi chủ là làm chủ.
TĐ ĐPHP: Chính Đức Chí Tôn là chúa tể CKTG, làm chúa nền chánh giáo tại nước Nam, vi chủ tinh thần loài người.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
CKTG: Càn Khôn Thế giới.
Vi diệu
微妙
A: Subtle.
P: Subtil.
Vi: Nhỏ nhặt, hèn, suy, sâu kín, mầu nhiệm. Diệu: khéo léo.
Vi diệu là mầu nhiệm, huyền diệu.
Cái pháp thể sâu kín là vi, tinh thông khéo léo, không thể dùng ý mà xét, dùng lời nói mà bàn, ấy là diệu.
Phật pháp là vi diệu pháp.
DLCK: Vô lượng thậm thâm vi diệu pháp,....
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
Vi hành
微行
A: To go incognito.
P: Aller incognito.
Vi: Nhỏ nhặt, hèn, suy, sâu kín, mầu nhiệm. Hành: đi, thi hành.
■ Vi hành là đi kín đáo, không để cho người ngoài biết.
■ Vi hành là các phương pháp thi hành một cách vi diệu.
Vi hiến
違憲
A: Anti-constitutional.
P: Anticonstitutionnel.
Vi: Làm trái, lìa ra, lánh. Hiến: hiến pháp.
Vi hiến là trái với hiến pháp, phạm vào hiến pháp.
Vi Hộ Pháp
韋護法
Vi: họ Vi. Hộ: che chở, giữ gìn. Pháp: pháp luật. Hộ Pháp: Đấng có nhiệm vụ gìn giữ và che chở Luật pháp, không cho ai phạm đến.
Vi Hộ Pháp là Đức Hộ Pháp họ Vi.
Vào thời Phong Thần Trung hoa, Vi Hộ, một trong Thất Thánh, sau khi giúp dựng nhà Châu xong thì trở về núi tu hành, đắc đạo thành Phật Hộ Pháp, nên gọi là Vi Hộ Pháp.
Chúng ta được biết, Ngự Mã Thiên Quân hộ giá Đức Chí Tôn, chiết chơn linh giáng trần vào thời Phong Thần là Vi Hộ, và ngày nay, thời TKPĐ, Ngài cũng chiết chơn linh giáng trần là Phạm Công Tắc. Khi Đức Chí Tôn trục chơn thần của Phạm Công Tắc để đưa chơn linh Ngự Mã Thiên Quân vào xác thân của Phạm Công Tắc thì kể từ đây, chơn linh Ngự Mã Thiên Quân giáng linh trọn vẹn vào xác thân của Phạm Công Tắc, để Ngài Phạm Công Tắc có đủ uy quyền về mặt thiêng liêng cũng như mặt phàm trần, thay mặt Đức Chí Tôn cầm quyền nền Đạo thì nền Đạo mới ra thiệt tướng.
Thánh Ngôn của Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) nói với Đức Phạm Hộ Pháp:
"- Thiên Tôn nhớ lại khi lập thành Phong Thần Bảng, những người đứng vào hàng Thất Thánh là ai?
Hộ Pháp đáp: - Lý Thiên Vương, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử.
- Phải, thì trước đầu kiếp vào nhà họ VI, còn nay vào nhà họ PHẠM. Điều đó có chi khó hiểu mà phỏng đoán. Tiên tri của Bần tăng đã nhiều và chỉ rõ Việt Nam xuất Thánh thì đã hẳn rồi, còn cho không rõ rệt, hơn nữa còn một điều trọng hệ hơn là DI-LẠC giáng linh thì Thiên Tôn đã thấy rằng tiên tri vốn không sai sót đủ điều."
TNHT: "Đến bàn Vi Hộ Pháp, cũng quì xuống, vái y vậy, đều câu sau thì như vầy: Như ngày sau phạm Thiên điều thề có Hộ Pháp đọa tam đồ bất năng thoát tục."
Hộ Pháp Vi Đà: "Vi Đà 韋馱 (Skanda) là thần Hộ Pháp mà mình thấy tượng ở các chùa. Ngài là thần chấp kim cang, cầm cái chày bằng kim cang." (Theo PHTĐ của Đoàn Trung Còn)
Chớ lầm lộn 2 chữ: Di Đà và Vi Đà.
■ Di-Đà 彌陀 tức là A Di Đà Phật, Đức Phật làm Giáo chủ cõi CLTG thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
■ Vi Đà tức là Hộ Pháp Vi Đà, cầm cái chày bằng kim cang, thì chính Ngài là Vi Hộ cầm Giáng ma xử (xử là cái chày) để hàng phục quỉ ma, sau thành Phật gọi là Vi Hộ Pháp.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
TKPÐ: Tam Kỳ Phổ Ðộ.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
Vi lịnh
違令
A: To infringe an order.
P: Enfreindre un ordre.
Vi: Làm trái, lìa ra, lánh. Lịnh: mệnh lệnh của cấp trên.
Vi lịnh là làm trái mệnh lệnh của cấp trên.
TNHT: Đã vi lịnh Thầy mà dìu dắt các con lạc bước.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vi mang
微芒
A: Mysterious.
P: Mystérieux.
Vi: Nhỏ nhặt, hèn, suy, sâu kín, mầu nhiệm. Mang: mũi nhọn.
Vi mang là cực nhỏ, không thể thấy được; ý nói: huyền vi mầu nhiệm.
TG: Đơn tích vi mang, khai Thiên Địa,....
TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.
Vi phú bất nhân, vi nhân bất phú
為富不仁,為仁不富
Vi: Làm, ấy là, có, với, bị, như thế. Phú: giàu. Bất: không. Nhân: lòng nhân từ.
Vi phú bất nhân: làm giàu thì không nhơn đức.
Vi nhân bất phú: làm nhơn đức thì không giàu.
Đây là câu nói của Mạnh Tử để chỉ rằng: Người chỉ biết lo làm giàu thì phải tính toán mưu kế, dối gạt người đời, đầu cơ tích trữ, nên phải bất nhơn bất đức. Trái lại, người có lòng nhân từ, lo giúp người giúp đời thì người ấy nhứt định không thể giàu lớn được, nhưng cũng không bao giờ nghèo.
Vi nhơn nan
為人難
Vi: Làm, ấy là, có, với, bị, như thế. Nhơn: Nhân: người. Nan: khó khăn.
Vi nhơn nan: làm người rất khó.
Làm một con người cho được hoàn toàn, đầy đủ bổn phận đối với gia đình và xã hội là một việc vô cùng khó khăn.
Xét lại trong lịch sử, có mấy ai được hoàn toàn như thế?
Sách Cảnh Hành Lục có viết rằng:
Xảo yếm đa lao, chuyết yếm nhàn,
Thiện hiềm nhu nhược, ác hiềm ngoan.
Phú tao tật đố, bần tao tiện,
Cần viết tham lam, kiệm viết kiên.
Xúc mục bất phân giai tiếu xuẩn,
Kiến cơ nhi tác hựu ngôn gian.
Tư lượng ná kiện dương giao tố,
Tố nhân nan tố tố nhân nan.
***
Vi nhân nan, vi nhân nan,
Tả đắc chỉ tận bút đầu can,
Cánh tả kỷ cá vi nhân nan.
Nghĩa là:
Khéo thì nhọc nhiều, vụng thì rảnh,
Lành thì nhu nhược, dữ thì ngang ngạnh.
Giàu thì bị ghen ghét, nghèo bị khinh,
Siêng năng gọi tham lam, cần kiệm nói bỏn xẻn,
Ngó thoáng qua chẳng phân biệt đều bị cười là dại,
Thấy thời cơ mới làm lại bị nói là gian xảo.
Lo lường cái ấy nên khiến làm xong,
Làm người khó, làm người cho xong rất khó.
***
Làm người khó, làm người thật khó,
Viết đặng hết giấy, ngọn bút khô,
Lại viết mấy câu: làm người rất khó.
TĐ ĐPHP: "Ôi! chỉ làm người mà được thành nhơn thì hiểu giá trị của nó thế nào?
Văn minh Nho giáo hiểu giá trị làm người ấy khó khăn lắm, khó mà biện minh được: Vi nhơn nan! Vi nhơn nan! Tố tố vi nhơn nan!
Mong làm người cho xứng đáng là người trong gia đình là khó khăn lắm, mà hễ làm người để dìu đỡ được gia đình, tức là làm chúa gia đình đó; mình là người mà nâng đỡ được quốc vận, là chúa của quốc gia. Giờ ta thử hỏi: Một nền tôn giáo đem tâm lý loài người hiệp một lại là một điều đứng trên cái mức đại gia đình đó.
Làm người chủ xứng đáng của gia đình đã là khó, làm người chủ xứng đáng của quốc gia lại càng khó, rồi làm người chủ xứng đáng của một nền tôn giáo không phải dễ.
Hễ làm chủ được xứng đáng thì đối với Nhơn quả, ta chỉ có nhơn mà không còn quả nữa. Người đã đem thân nầy ra làm chúa gia đình, không còn là mình nữa mà là bậc tiền bối; người đáng là người chủ của một nước là bực Thánh nhơn; người đáng là chủ của một tôn giáo, ấy là vị Phật."
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Vi rồng
(Xem: Trương vi rồng, vần Tr)
Vi Thánh Thần Tiên Phật chi chủ
為聖神仙佛之主
Vi: Làm, ấy là, có, với, bị, như thế. Chi: hư tự. Chủ: người làm chủ.
Đây là một câu trong bài Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, có nghĩa là: Là người chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Đức Chí Tôn là chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
TNHT: Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một chơn thần mà biến hóa CKTG và cả nhơn loại.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CKTG: Càn Khôn Thế giới.
Vi thiện tối lạc
為善最樂
Vi: Làm, ấy là, có, với, bị, như thế. Thiện: lành. Tối: rất. Lạc: vui.
Vi thiện tối lạc là làm lành rất vui.
Cái vui nầy là cái vui tinh thần, rất tốt đẹp.
Vi tiên
為先
A: First of all.
P: Tout d'abord.
Vi: Làm, ấy là, có, với, bị, như thế. Tiên: trước.
Vi tiên là làm trước, ấy là trước.
Trái với Vi tiên là Vi hậu: làm sau, ấy là sau.
Vi tiếu
微笑
A: To smile.
P: Sourire.
Vi: Nhỏ nhặt, hèn, suy, sâu kín, mầu nhiệm. Tiếu: cười.
Vi tiếu là cười nhỏ, tức là mỉm cười.
Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu: Đức Phật Thích Ca đưa cành hoa lên, ông Ca Diếp mỉm cười.
Vi trần
微塵
A: Tiny dust.
P: La poussière ténue.
Vi: Nhỏ nhặt, hèn, suy, sâu kín, mầu nhiệm. Trần: bụi, hạt bụi.
Vi trần là hạt bụi rất nhỏ.
Vi trần bất nhiễm: không nhiễm một chút bụi nhỏ nơi cõi trần. Ý nói: hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn thanh tịnh.
VĨ
VĨ
1. VĨ: 偉 To lớn, đẹp lớn.
Td: Vĩ đại, Vĩ nhơn.
2. VĨ: 緯 Sợi chỉ dệt ngang, đường ngang.
Td: Vĩ độ, Vĩ tuyến.
3. VĨ: 尾 Cái đuôi, cuối cùng, theo sau.
Td: Vĩ hành, Vĩ tam thanh.
Vĩ đại
偉大
A: Grandiose.
P: Grandiose.
Vĩ: To lớn, đẹp lớn. Đại: lớn.
Vĩ đại là to lớn, đồ sộ.
TNHT: Phải lấy nét đạo đức mà đoán xét thì mới hiểu thấu sự mầu nhiệm vĩ đại của Chí Tôn sắp đặt.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vĩ hành
尾行
A: To follow.
P: Suivre.
Vĩ: Cái đuôi, cuối cùng, theo sau. Hành: di.
Vĩ hành là đi theo sau đuôi.
Vĩ nghiệp
偉業
A: The grandiose work.
P: L'oeuvre grandiose.
Vĩ: To lớn, đẹp lớn. Nghiệp: sự nghiệp.
Vĩ nghiệp là sự nghiệp vĩ đại, sự nghiệp to lớn.
Vĩ nhơn
偉人
A: Great man.
P: Grand homme.
Vĩ: To lớn, đẹp lớn. Nhơn: Nhân: người.
Vĩ nhơn hay Vĩ nhân là người có tài đức lớn và có sự nghiệp vĩ đại đối với một quốc gia hay đối với nhơn loại.
TĐ ĐPHP: Các bậc vĩ nhân cố tâm cần cù đặng quyết định vận mạng trị dân, an bang tế thế.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Vĩ tam thanh
尾三聲
Vĩ: Cái đuôi, cuối cùng, theo sau. Tam: ba. Thanh: tiếng, âm thanh.
Vĩ tam thanh là một thể thơ Đường luật biến thể hoàn toàn có tính cách Việt Nam, mà 3 chữ cuối của mỗi câu là 3 tiếng tượng thanh có âm tương tự nhau.
Đây là cách khai thác vốn từ láy rất phong phú trong tiếng Việt để tăng khả năng biểu cảm về ngữ âm.
Sau đây là những bài thơ Đường luật vĩ tam thanh mà chúng tôi sưu tầm được, xin chép ra:
1. |
Tai nghe gà gáy tẻ tè te,
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.
Non một chồng cao von vót vót,
Hoa năm sắc nở lóe lòe loe.
Chim tìm bầu bạn kia kìa kỉa,
Ong nghĩa vua tôi nhé nhẻ nhè.
Danh lợi mặc người ti tí tỉ,
Ngủ trưa chưa dậy khỏe khòe khoe.
(VÔ DANH) |
2. |
Đại Tiên khuyên thế rứa rưa rừa,
Đạo Phật từ bi chứa chửa chưa.
Tam giáo qui nguyên thiên thiển thiện,
Kỳ khai độ chúng đứa đưa đừa.
Phổ thông tám hướng diên diền diện,
Độ tận bốn phương ngửa ngựa ngừa.
Giáo huấn muôn người ngơi ngởi ngợi,
Tông nghiêm gìn sửa thửa thừa thưa.
LÝ GIÁO TÔNG
(Đàn tại Phú Mỹ, Mỹ Tho ngày 6-7-1931) |
3. |
Cuộc đời tàn tạ mỏn mòn mon.
Công quả rán lo bón bỏn bòn.
Giấc mộng Nam kha tinh tính tỉnh,
Công danh phú quí cỏn còn con.
Hồng trần chả nhiễm nhe nhè nhé,
Chung đỉnh nặng mang lón lỏn lòn.
Hạnh phúc nghìn thu hương hướng hưởng,
Tiếng chuông cảnh tỉnh bỏn bòn bon.
QUAN ÂM BỒ TÁT
(Đàn tại Hà Nội đêm 21-8-Canh Dần 1950) |
4. |
Gió luồn thổi mạnh rẻ rè re,
Nhắp rượu ba ly nhé nhẻ nhè.
Thưởng thức chớ dùng qua quá quả,
Nếm mùi cho biết thẻ thè the.
Trăng soi chậu úp ro rò rõ,
Miệng túi càn khôn xé xẻ xè.
Kìa ánh bình minh lô lố lộ,
Nghiêng tai nghe Lão khẻ khè khe.
LÝ ĐẠI TIÊN
(Đàn tại Hà Nội đêm 18-9-Canh Dần 1950) |
5. |
Thế giới đương cơn mít mịt mù,
Việt Nam nầy loạn ú ù u.
Mỹ Nga chuẩn bị ầm ầm chát,
Hồ Diệm gài then bít bịt bù.
Đau thảm nhơn sanh chiu chít chịt,
Khổ sầu dân chúng cú cù cu.
Cao Đài dục khởi bồng bông bổng,
Dân Việt phát khai vú vủ vù.
BÁT NƯƠNG
(Báo Ân Đường Kim Biên ngày 26-4-1956) |
Vĩ tuyến - Vĩ độ
緯線 - 緯度
A: Parallel - Degree of parallel.
P: Latitude - Degré de latitude.
Vĩ: Sợi chỉ dệt ngang, đường ngang. Tuyến: đường. Độ: đơn vị đo góc trong hình học.
■ Vĩ tuyến là đường tròn nằm ngang song song với xích đạo
■ Vĩ độ là khoảng cách từ một địa điểm trên mặt địa cầu đến đường xích đạo, tính bằng độ trên đường kinh tuyến đi qua nơi ấy.
VỊ
VỊ
1. VỊ: 為 Vì, bởi, thiên về, giúp cho.
Td: Vị kỷ.
2. VỊ: 未 Chưa, không.
Td: Vị lai, Vị sanh.
3. VỊ: 味 Mùi vị, nếm, ý vị.
Td: Vị trà hương.
4. VỊ: 位 Ngôi vị, chỗ đứng.
Td: Vị xưa.
5. VỊ: 謂 Nói, bảo, rằng.
Td: Vị chi.
6. VỊ: 胃 Bao tử.
Td: Vị bệnh (đau bao tử).
Vị chi
謂之
A: That is to say.
P: C'est à dire.
Vị: Nói, bảo, rằng. Chi: hư tự.
Vị chi: tức là, nghĩa là, gọi là.
Vị danh - Vị lợi
為名 - 為利
A: For honour - For gain.
P: Pour honneur - Pour intérêt.
Vị: Vì, bởi, thiên về, giúp cho. Danh: tiếng tăm. Lợi: lợi lộc.
Vị danh là vì danh dự mà làm. Vị lợi là vì lợi lộc mà làm.
Vị danh vị lợi tức là Vị kỷ, vì lợi ích riêng cho mình.
Vị kỷ - Vị tha
為己 - 為他
A: Egoist - Altruist.
P: Égoiste - Altruiste.
Vị: Vì, bởi, thiên về, giúp cho. Kỷ: mình, bản thân. Tha: người khác.
Vị kỷ là vì mình, vì ích lợi riêng mình, đồng nghĩa Vị ngã.
Vị tha là vì người khác, vì ích lợi của người khác.
Chủ nghĩa Vị tha dựa trên nguyên tắc đạo đức đòi hỏi chăm lo một cách vô tư đến ích lợi của người khác.
Giáo lý các tôn giáo đều khuyến khích sự Vị tha, nhứt là Đạo Cao Đài với chủ trương Phụng sự nhơn sanh thì lại càng gắn bó với sự Vị tha.
Vị lai
未來
A: The future.
P: Le futur.
Vị: Chưa, không. Lai: tới.
Vị lai là chưa tới, tức là thuộc về tương lai.
Vị qui tam xích thổ
未歸三尺土
Vị: Chưa, không. Qui: trở về. Tam: ba. Xích: thước. Thổ: đất.
Vị qui tam xích thổ: chưa về ba thước đất (thước Tàu), ý nói chưa chết, chưa đem chôn xuống đất, tức là còn sống.
Sách Cảnh Hành Lục có viết rằng:
Thiên hữu bất trắc chi phong vân,
Nhân hữu đán tịch chi họa phúc.
Vị qui tam xích thổ, nan bảo nhất sinh thân,
Ký qui tam xích thổ, nan bảo bách niên phần.
Nghĩa là:
Trời có gió mây không thể đo lường được,
Người có họa phúc sáng chiều không biết được.
Chưa về ba thước đất, khó bảo toàn thân sống,
Đã về ba thước đất, khó giữ nấm mồ trăm năm.
Vị quốc vong xu
為國亡軀
Vị: Vì, bởi, thiên về, giúp cho. Quốc: nước, quốc gia. Vong: quên. Xu: khi xưa đọc là Xu, nay đọc là Khu: thân thể.
Td: Vi khu: tấm thân nhỏ mọn nầy.
Vị quốc vong xu: Vị quốc vong khu: vì nước quên mình.
Ngày nay thường nói: Vị quốc vong thân.
Vị sanh
未生
A: Not born yet.
P: Pas encore né.
Vị: Chưa, không. Sanh: sanh ra.
Vị sanh là chưa được sanh ra.
DLCK: Nhược nhơn đương sanh, nhược nhơn vị sanh,...
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
Vị tất
未必
A: It is not certain that.
P: Il n'est pas certain que.
Vị: Chưa, không. Tất: ắt hẳn, hẳn như thế.
Vị tất là chưa hẳn như thế, chưa chắc.
Vị tất nhân giai bạch thủy: chưa chắc tình người đều như nước lã.
Vị thành niên
未成年
A: Minor.
P: Le mineur.
Vị: Chưa, không. Thành: nên. Niên: tuổi. Vị thành: chưa xong.
Vị thành niên là chưa đến tuổi trưởng thành, chưa đến tuổi mà pháp luật công nhận là công dân có đủ quyền lợi và nghĩa vụ.
Thuở xưa, vị thành niên được gọi là: Vị cập sách, nghĩa là chưa đủ tư cách thành nhân.
Thanh niên dưới 18 tuổi được gọi là Vị thành niên.
Vị trà hương
味茶香
A: The fragrant tea flavour.
P: Le parfum du thé.
Vị: Mùi vị, nếm, ý vị. Trà: nước trà. Hương: mùi thơm.
Vị trà hương là mùi vị thơm tho của nước trà.
BDT: Mai xuân nguyệt cúc vị trà hương.
BDT: Bài Dâng Trà.
Vị tường danh thị
未詳名氏
Vị: Chưa, không. Tường: biết rõ. Danh: tên. Thị: họ.
Vị tường danh thị là chưa biết rõ tên họ.
Vị vong nhân
未亡人
A: Widow.
P: Veuve.
Vị: Chưa, không. Vong: mất, chết. Nhân: người.
Người đàn bà có chồng chết, đáng lý nên chết theo chồng cho đúng câu "đồng tịch đồng sàng, đồng quan đồng quách", nhưng vì còn bổn phận nuôi dưỡng mẹ già con dại nên phải sống. Do đó, người góa phụ tự xưng là Vị vong nhân, nghĩa là người chưa chết.
Vị xưa
A: Ancient position.
P: L'ancienne position.
Vị: Ngôi vị, chỗ đứng. Xưa: chữ hán là Cựu.
Vị xưa, hán văn là: Cựu vị: ngôi vị cũ đã có từ trước.
Các Nguyên nhân, trước khi đầu kiếp xuống cõi trần, đều có ngôi vị nơi cõi thiêng liêng. Nhưng khi xuống trần thì mê luyến hồng trần, quên đi nhiệm vụ của mình, tạo ra nhiều oan nghiệt, nên phải chịu chìm đắm trong vòng luân hồi. Nếu Nguyên nhân giác ngộ lo tu, khi thoát xác, linh hồn được trở về ngôi vị cũ.
TNHT: |
Theo làm âm chất may bồi đắp,
Thì sẽ trở về chỗ vị xưa. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
VÍA
VÍA
Chữ Vía có nhiều nghĩa kể ra sau đây:
1. Vía là phần linh hoạt trong thân thể làm cho người ta sống và xét đoán được. (A: Vital fluid, vital spirit. P: Le fluide vital, l'esprit vital.)
Td:
- Sợ mất vía: sợ hãi dữ dội lắm.
- Nhẹ bóng vía hay Yếu bóng vía: nhút nhát, không hay gàn trở việc gì, thường chiêm bao thấy ma.
- Nặng bóng vía: gan lì, hay gàn trở làm cho kẻ khác mất cái may, không bao giờ chiêm bao thấy ma.
2. Vía là cái phách của con người, tức là chơn thần, xác thân thiêng liêng. (A: Ethereal body. P: Le corps éthéré.)
Td:
Ba hồn bảy vía: hán văn gọi là Tam hồn thất phách. (Xem chữ nầy, vần T).
3. Vía là biểu hiện cho oai lực Thần Thánh.
Td:
Cờ vía: cờ bằng giấy màu của những người đồng bóng thờ Thần Thánh, khi rước đi liền với kiệu.
4. Vía là lễ sinh nhựt, lễ kỷ niệm ngày sanh của một Đấng thiêng liêng. (A: Anniversary of birthday. P: Anniver- saire de la naissance.)
- Vía Đức Chúa Jésus: ngày Noel 25 tháng 12 dl.
- Vía Đức Thái Thượng Lão Quân: ngày 15 tháng 2 âl. (Nhị ngoạt thập ngũ, Phân tánh giáng sanh).
- Vía Đức Phật Thích Ca: ngày mùng 8 tháng 4 âl.
- Vía Đức Khổng Tử: ngày 27 tháng 8 âl.
Chúng ta lưu ý rằng: Ngày chết không gọi là Vía, mà gọi là ngày Lễ kỷ niệm. Td: Lễ Kỷ niệm Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung là ngày 13 tháng 10 âl.
Vía Đức Chí Tôn
A: Great feast of the Supreme.
P: Grande fête du Suprême.
Vía Đức Chí Tôn là ngày Đại lễ cúng bái bày tỏ lòng sùng kính đối với Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đại Từ Phụ của vạn linh, Chúa tể CKVT và vạn vật.
Vía Đức Chí Tôn hằng năm là ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch. Đây không phải là ngày giáng sanh của Đức Chí Tôn, mà việc chọn lựa ngày nầy là căn cứ theo các con số Dịch học của Nho giáo.
Tại sao lại chọn ngày mùng 9 tháng 1 làm ngày Vía Đức Chí Tôn? Tại sao không chọn ngày mùng 1 tháng 9?
Có hai cách giải thích:
1. Giải theo Dịch số trong Kinh Dịch:
· Số Dương là các số lẽ: 1, 3, 5, 7, 9.
· Số Âm là các số chẵn: 2, 4, 6, 8, 10.
Số 9 do ba số dương cộng lại: 9 = 1 + 3 + 5.
Do đó, số 9 là số thành của các số dương nên được gọi là: Thuần dương, Lão dương hay Thái dương.
Đức Chí Tôn là chủ của Dương quang, nên chọn hai số làm ngày và tháng Vía của Đức Chí Tôn phải là phải chọn những con số dương.
Chọn theo Nho giáo: chọn tháng trước và ngày sau.
Mở đầu bài Sớ Văn:
Thời duy Thiên vận Canh Thìn niên, Chánh ngoạt, sơ cửu nhựt, Tý thời, hiện tại Việt Nam quốc,....
Chúng ta để ý việc xếp đặt ngày tháng năm theo Nho giáo có thứ tự ngược với cách nói thông thường của người Việt Nam chúng ta:
· Nho giáo nói theo thứ tự: năm, tháng, ngày, giờ.
Canh Thìn niên, Chánh ngoạt, sơ cửu nhựt, Tý thời.
· Việt Nam nói theo thứ tự: giờ, ngày, tháng, năm.Giờ Tý, ngày mùng 9 tháng Giêng năm Canh Thìn.
Cho nên theo Nho giáo là chọn tháng trước, ngày sau.
· Số 1 là số khởi đầu, là số dương, nên chọn tháng là tháng 1, tức là tháng Giêng.
· Số 9 là số thuần dương nên chọn ngày là ngày 9.
Như vậy theo Dịch số, Vía Đức Chí Tôn được chọn là: ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm.
2. Giải theo Số học:
Theo Số học, khởi đầu là số 0, và số cuối là 9.
Đây là những con số khởi đầu, những số đơn; không có số 10 vì số 10 là số kép do 1 và 0 ghép lại.
Số 0 tượng trưng Vô Cực, là Hư Vô chi khí.
Số 1 tượng trưng Thái cực là ngôi của Đức Chí Tôn. Vô cực sanh Thái cực. Thái cực biến ra Lưỡng nghi.
Số 2 tượng trưng Lưỡng nghi (Âm Dương), số 3 là số trung gian để qua số 4 tạo ra Tứ Tượng, số 5 tượng trưng Ngũ hành, số 6 và 7 làm trung gian để đến số 8 tạo ra Bát quái, đến số 9 thì Bát quái tạo thành CKVT và vạn vật.
Đức Chí Tôn, ngôi là Thái cực nên khởi đầu bằng số 1 nên chọn số 1 làm tháng (chọn tháng trước ngày sau), đến số 9 là số thành hình CKVT nên chọn số 9 làm ngày.
Do đó, ngày Vía Đức Chí Tôn được chọn là ngày mùng 9 tháng 1 để bày tỏ cho biết quan niệm về vũ trụ: cái khởi đầu và cái sau cùng hình thành CKVT và vạn vật, hoàn toàn do quyền năng của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Tóm lại: Ngày Vía Đức Chí Tôn không phải là ngày giáng sanh, mà chỉ là ngày do nhơn loại chọn ra để tượng trưng Đức Chí Tôn và sự hình thành CKVT vạn vật của Đức Chí Tôn.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Vía Đức Phật Mẫu
Vía Đức Phật Mẫu được Hội Thánh chọn ngày rằm Trung Thu, tức là ngày 15 tháng 8 âl, do hai sự tích sau đây:
* Hớn rước Diêu Trì:
Do lòng thành kính cầu khẩn của vua Hớn Võ Đế nhà Hớn (Hán) bên Tàu, Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương với bốn Tiên đồng nữ nhạc, cỡi chim thanh loan, giáng xuống Hoa Điện nơi cõi trần, chứng lễ Khánh Thọ Lục tuần của Hớn Võ Đế vào đêm rằm Trung Thu có trăng sáng vằng vặc. (Xem chi tiết nơi chữ: Diêu Trì Kim Mẫu, vần D)
* Hội Yến Diêu Trì Cung:
Vào dịp Trung Thu, đêm 14 rạng 15 tháng 8 âm lịch năm Ất Sửu (dl 2-10-1925), vào giờ Tý (12 giờ khuya), do theo lịnh của Đức Chí Tôn và theo lời thỉnh cầu của ba vị (Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang), Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương giáng xuống tư gia của Ngài Cao Quỳnh Cư ở tại nhà số 134 đường Bourdais, Quận I Sài Gòn, Việt Nam, để chứng lễ Hội Yến Diêu Trì Cung lần đầu tiên. Lễ Hội Yến nầy chỉ là cái tiệc chay do ba vị (Cư, Tắc, Sang), đãi Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương.
Sau buổi tiệc, Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương lần lượt giáng cơ cảm tạ và cho 10 bài thi, mỗi bài bốn câu, để kỷ niệm buổi tiệc nầy. (Xem chi tiết nơi chữ: Hội Yến DTC, vần H)
Do hai sự tích trên, Hội Thánh chọn ngày 15-8 âl hằng năm làm ngày vía Đức Phật Mẫu. Trong rằm Trung Thu nầy, vào giờ ngọ (12 giờ trưa), thiết Đại lễ cúng Đức Phật Mẫu tại Báo Ân Từ và đến tối lúc 22 giờ thì khởi lễ Hội Yến DTC.
Vía Đức Chí Tôn và Vía Đức Phật Mẫu là hai ngày lễ lớn nhứt của Đạo Cao Đài, các tín đồ Cao Đài và nhơn sanh từ các địa phương về Tòa Thánh dự lễ rất đông.
DTC: Diêu Trì Cung.
VIÊM
Viêm Đế
炎帝
Viêm Đế là đế hiệu của vua Thần Nông vào thời thượng cổ nước Tàu. (Không nên lầm lộn Viêm Đế với Diêm Vương, vua cõi Địa ngục).
Viêm Đế, tức là vua Thần Nông, lên ngôi năm -2737 trước Tây lịch, có công tìm ra các giống ngũ cốc, rồi dạy dân cày cấy gieo trồng, lấy hạt dùng làm lương thực nuôi thân.
Vua Thần Nông còn có công nếm các cây thuốc để biết dược tính của nó mà chữa bịnh cho dân, rồi truyền bá ra cho dân biết cách dùng.
Do đó, đời sau tôn vua Thần Nông, tức Viêm Đế, là ông Tổ của hai nghề: nghề làm ruộng và nghề làm thuốc trị bịnh. (Xem chi tiết nơi chữ: Tam Hoàng - Ngũ Đế, vần T).
KSH: |
Nhờ Viêm Đế đức cao ân nặng,
Tìm lúa khoai người đặng no lòng. |
KSH: Kinh Sám Hối.
Viêm lương
炎涼
A: Hot and cold.
P: Chaud et froid.
Viêm: nóng, ấm. Lương: lạnh, mát.
Viêm lương là nóng và lạnh, ấm và mát, chỉ hai trạng thái luôn luôn biến đổi của sự vật.
Do đó, Viêm lương chỉ:
■ Thái độ thay đổi bất thường.
■ Nhân tình biến chuyển, nay nóng mai lạnh, gọi là: Viêm lương thế thái, đồng nghĩa: Nhân tình thế thái.
VIÊN
VIÊN
1. VIÊN: 圓 Tròn, đầy đủ.
Td: Viên dung, Viên giác.
2. VIÊN: 園 - Vườn trồng hoa quả. - Lăng tẩm.
Td: Viên lâm, Viên lăng.
Viên âm
圓音
A: The voice of Buddha.
P: La voix du Bouddha.
Viên: Tròn, đầy đủ. Âm: tiếng.
Viên âm là tiếng nói tròn đầy, mầu nhiệm. Đó là tiếng nói của Phật.
Mỗi tiếng nói của Phật là viên âm, mỗi việc làm của Phật là Phật sự.
Viên dung
圓融
Viên: Tròn, đầy đủ. Dung: dung hòa, thông suốt.
Viên dung là tròn đầy và dung hòa, tròn đầy và thông suốt, không còn mâu thuẫn đối lập nhau.
Đối với sự và lý, Viên dung là hiểu rõ ràng, đầy đủ, thông suốt, vô ngại, biết dung hòa. Td: thấy nước và sóng thì coi như một, vì cùng một thể chất.
Viên dung là thuyết thống nhứt các mâu thuẫn của Đại thừa: Sanh tử tức Niết Bàn, chúng sanh tức Phật, phiền não tức bồ đề. Như nói sanh tử là chưa chứng Niết Bàn, Niết Bàn là đoạn sanh tử. Chúng sanh là Phật chưa thành, Phật là chúng sanh khi đã giác ngộ.
Cảnh giới của người giác ngộ là cảnh giới viên dung, trong đó, mọi mâu thuẫn đối lập đều biến mất, trở thành hài hòa. Đó cũng chính là thuyết Trung đạo.
Viên giác
圓覺
A: The perfect knowledge.
P: La connaissance parfaite.
Viên: Tròn, đầy đủ. Giác: giác ngộ, không còn mê muội.
Viên giác là giác ngộ hoàn toàn, thông suốt tất cả.
Viên lăng
園陵
A: Royal tombs.
P: Tombeaux royaux.
Viên: Lăng tẩm. Lăng: mả vua.
Viên lăng là mộ của vua.
Viên lâm
園林
Viên: Vườn trồng hoa quả. Lâm: rừng.
Viên lâm là khu vực rộng lớn trồng nhiều loại hoa đẹp và nhiều cây cối mát mẻ, dùng làm khu du lịch.
Viên mãn
圓滿
A: Perfect.
P: Parfait.
Viên: Tròn, đầy đủ. Mãn: đầy.
Viên mãn là tròn đầy, trọn vẹn, thành tựu.
Tu hành viên mãn: tu hành có chứng ngộ, đạt được kết quả hoàn toàn.
Viên thông
圓通
A: Perfect.
P: Parfait.
Viên: Tròn, đầy đủ. Thông: thông suốt, không bị cản trở.
Viên thông là trạng thái thông suốt, hoàn toàn tự tại của người đắc đạo, không còn vướng mắc điều gì.
Viên thông đồng nghĩa: Viên dung.
"Cái lý chứng được cảnh diệu trí, cái tự tánh biến khắp các nơi, ấy là viên. Chỗ tác dụng vi diệu không bị ngăn ngại, ấy là thông. Như Đức Quan Âm Bồ Tát được gọi là Viên Thông Đại Sĩ.
Trong bài Nguyện Chuông, có mấy câu kệ nầy:
Nguyện thử chung thinh siêu pháp giái,
Thiết vi u ám tất giai văn.
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành Chánh giác.
Nghĩa là:
Nguyện cho tiếng chuông nầy vượt qua các cõi pháp giái,
Cho đến nơi u ám là cõi Địa ngục sắt ắt cũng được nghe.
Nghe được thì thanh tịnh chứng được cảnh trí viên thông,
Tất cả chúng sanh đều thành Phật."
(Trích trong PHTĐ của Đoàn Trung Còn).
Viên tịch
圓寂
A: To enter in Nirvana.
P: Entrer dans Nirvana.
Viên: Tròn, đầy đủ. Tịch: yên lặng.
Viên tịch là tịch diệt hoàn toàn, chỉ trạng thái nhập Niết Bàn.
Từ ngữ Viên tịch dùng để chỉ một vị sư tu đắc đạo, bỏ xác trần, nhập Niết Bàn; về sau dùng chỉ sự chết của một cao tăng.
VIỄN
VIỄN
VIỄN:遠 Xa, cách xa, sâu xa, trái với Cận: gần.
Td: Viễn du, Viễn đông, Viễn ly.
Viễn cận
遠近
A: Far and near.
P: Loin et près.
Viễn: Xa, cách xa, sâu xa, trái với Cận: gần. Cận: gần.
Viễn cận là xa và gần.
Kệ U Minh chung: Viễn cận đàn na tăng viên phước thọ.
Viễn du Tiên cảnh
遠遊仙境
A: To take a long journey to the fairyland.
P: Faire un long voyage au séjour des immortels.
Viễn: Xa, cách xa, sâu xa, trái với Cận: gần. Du: đi chơi. Tiên cảnh: cõi Tiên. Viễn du: đi chơi xa.
Viễn du Tiên cảnh là đi chơi xa đến cõi Tiên.
Ý nói: Cầu nguyện linh hồn người chết đi lên cõi Tiên.
Viễn đông
遠東
A: The far-east.
P: L'extrême-orient.
Viễn: Xa, cách xa, sâu xa, trái với Cận: gần. Đông: phương đông.
Người Âu châu gọi các nước ở phía đông của châu Á là Viễn đông, bao gồm các nước: Nhựt bổn, Triều tiên, Trung hoa, Việt Nam, Mã lai.
Nghĩa hẹp: người Pháp gọi Việt Nam là Viễn đông.
Viễn tại nhi tôn
遠在兒孫
Viễn: Xa, cách xa, sâu xa, trái với Cận: gần. Tại: nơi. Nhi: con. Tôn: cháu.
Viễn tại nhi tôn là xa thì nơi con cháu.
Đây là nói về sự quả báo. Trong sách Minh Tâm Bửu Giám, Tử Đồng Đế Quân có dạy rằng:
Sanh sự sự sanh, quân mạc oán,
Hại nhơn nhơn hại, nhữ hưu sân.
Thiên địa tự nhiên giai hữu báo,
Viễn tại nhi tôn, cận tại thân.
Nghĩa là:
Sanh sự thì sự sanh, ngươi đừng oán,
Hại người thì người hại, ngươi đừng hờn.
Trời Đất tự nhiên đều có báo đáp,
Xa thì nơi con cháu, gần thời nơi bản thân.
Viễn tẩu cao phi
遠走高飛
Viễn: Xa, cách xa, sâu xa, trái với Cận: gần. Tẩu: chạy. Cao: trên cao. Phi: bay.
Viễn tẩu cao phi: xa chạy cao bay.
Viễn thân bất như cận lân
遠親不如近鄰
Viễn: Xa, cách xa, sâu xa, trái với Cận: gần. Thân: bà con họ hàng. Bất: không. Như: giống như, bằng. Cận: gần. Lân: láng giềng.
Viễn thân bất như cận lân: bà con xa không bằng láng giềng gần.
Khi hữu sự cần sự cứu cấp thì anh em bà con ở xa không bằng người láng giềng ở gần. Cho nên cần phải ăn ở thế nào cho có được cảm tình tốt đối với những người xung quanh.
Sách Minh Tâm Bửu Giám có chép rằng: "Viễn thủy nan cứu cận hỏa, Viễn thân bất như cận lân." Nghĩa là: Nước xa khó cứu lửa gần, bà con xa không bằng láng giềng gần.
Viễn vọng
遠望
A: To look far.
P: Regarder au loin.
Viễn: Xa, cách xa, sâu xa, trái với Cận: gần. Vọng: trông mong.
Nghĩa đen: Viễn vọng là trông xa.
Nghĩa bóng: Viễn vọng là mong mỏi chuyện xa xôi.
Viễn vọng kính: kính dùng để trông những vật ở xa.
Lưu ý: Viễn vông: không thiết thực và rất xa thực tế.
Td: |
Chuyện viễn vông, mơ ước viễn vông
Hay viễn vọng những chuyện viễn vông. |
VIỆN
Viện dẫn
援引
A: To quote.
P: Citer.
Viện: đưa ra lý lẽ hay chứng cớ. Dẫn: dẫn chứng.
Viện dẫn là nêu ra để làm bằng chứng xác thực cho việc đã nói ở trên.
VIẾT
Viết của chàng Hồ
Viết: cây viết, cây bút. Chàng Hồ: ông Đổng Hồ.
Viết của chàng Hồ là cây viết của ông Đổng Hồ thời Xuân Thu bên Tàu. (Đổng Hồ chi bút).
Đổng Hồ là quan Thái Sử (quan viết sử) của nước Tấn, đời vua Tấn Linh Công thời Xuân Thu. Họ Đổng chép sử rất vô tư, sự thật ra sao thì chép y như vậy, không sợ sự đe dọa của bạo quyền, nên được Đức Khổng Tử khen là: Cổ chi lương sử.
Theo sách Tả Truyện, vua nước Tấn là Tấn Linh Công rất tàn bạo, không chịu nghe lời trung nghĩa, bắt dân đóng sưu cao thuế nặng để dùng vào việc xa hoa hưởng lạc.
Một hôm, đầu bếp nấu thịt gấu cho Linh Công ăn, Linh Công thấy thịt nấu chưa mềm, tức giận, ra lịnh giết đầu bếp.
Tể Tướng Triệu Thuẫn thấy vậy bèn vào bệ kiến, khuyên nhà vua nên thay đổi tánh tình. Linh Công không vui, bàn mưu cùng nịnh thần Đồ Ngạn Giả, sai một người là Tử Nghê ám sát Tể Tướng.
Tử Nghê đột nhập vào dinh Tể Tướng, thấy Triệu Thuẫn thức dậy rất sớm, mặc triều phục chỉnh tề, ngồi đọc sách, chờ đến giờ là đi vào triều. Tử Nghê cảm động, không nỡ giết Triệu Thuẫn, trái lại cảm thấy hổ thẹn, tự đập đầu vào gốc cây tự tử.
Tấn Linh Công bèn lập kế khác, sai mở yến tiệc, có võ sĩ phục sẵn hai bên để giết Triệu Thuẫn, nhưng may mắn nhờ có Đề Di Minh và Linh Chiếp cùng với đám tùy tùng cứu chủ chạy thoát. Triệu Thuẫn phải bỏ trốn qua nước khác.
Trên đường chạy trốn, Triệu Thuẫn gặp Triệu Xuyên là em ruột của Thuẫn, liền kể đầu đuôi tự sự cho em nghe. Triệu Xuyên bảo Triệu Thuẫn hãy chờ ở đây, đừng vội qua nước khác, ít ngày nữa sẽ có tin lành. Triệu Thuẫn nghe lời, dừng lại ở Thú Sơn Dương, vẫn còn trong địa phận của nước Tấn.
Triệu Xuyên trở về triều, gặp Tấn Linh Công, liền bất ngờ ra tay giết chết, rồi báo tin cho Triệu Thuẫn hay và cho người đi rước Triệu Thuẫn trở về triều.
Triệu Thuẫn về đến triều, liền cho rước công tử Sắc Điều, tôn lên ngôi kế vị Tấn Linh Công, lấy hiệu là Tấn Thành Công. Triệu Thuẫn vẫn làm Tể Tướng.
Mọi việc tưởng thế là êm xuôi, ngờ đâu, Triệu Thuẫn sang chơi nơi Sử quán, gặp quan Thái Sử Đổng Hồ, Triệu Thuẫn đòi xem bản sử. Đổng Hồ đem ra trình.
Triệu Thuẫn lật ra xem thấy có đoạn chép rằng:
"Mùa Thu, tháng 7 năm Ất Sửu, Triệu Thuẫn giết vua Di Cao ở chốn Đào Viên."
Đọc đến đây, Triệu Thuẫn giựt mình kinh sợ, nói:
- Quan Thái Sử lầm rồi, ta đã chạy ra Hà Đông, cách kinh thành hơn 200 dặm, ta đâu có biết việc giết vua mà quan Thái Sử ghi lỗi cho ta, như vậy chẳng phải là sái lắm sao?
Đổng Hồ đáp:
- Ngài là quan Tướng Quốc, trốn đi chưa khỏi địa phận nước Tấn, mà lại xảy ra vụ giết vua. Khi Ngài trở lại triều, lại không trị tội kẻ giết vua, như thế nói rằng mọi việc không phải do nơi Ngài chủ trương thì còn ai tin được nữa.
Triệu Thuẫn hỏi: - Bây giờ có thể sửa được không?
- Đã là tín sử thì có thế nào, chép y như thế. Vậy đầu của tôi có thể cắt được chớ bản sử nầy không thể sửa được.
Triệu Thuẫn than:
- Thế mới biết cái quyền chép sử trọng hơn cái quyền làm Tướng Quốc. Tiếc thay lúc bấy giờ ta chưa ra khỏi địa giới nước Tấn để chịu cái tiếng giết vua muôn đời, bây giờ có hối tiếc cũng không kịp nữa.
TNHT: Cũng như nương viết của chàng Hồ.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng giải câu Thánh ngôn bên trên như sau:
"Ông Đổng Hồ lãnh cầm cây viết, viết sử của Vương Kiệt là đắc thắng, thấy Vương Kiệt bị hại mà không sợ, vào đó lãnh, cũng như Thầy hiện giờ đến đây, nhơn loại đương tàn ác, mượn cái tàn ác đó đặng thức tỉnh chúng sanh, như Đổng Hồ đã không sợ chết, thì Thầy sẽ thắng như Đổng Hồ vậy, đặng lập quyền cho các con của Ngài đặng thành tựu.
Hồi đời đó, có một người tướng tài của nhà Tấn mà ngồi không, không chịu kháng chiến. Đổng Hồ ghi: "Tội thất quốc nầy là của anh chàng." Hỏi tại sao? - Tại anh ngồi không, làm liệt bại tinh thần tranh đấu, nên tội ấy của anh gánh chịu đó."
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
VIỆT
VIỆT
VIỆT: 越 Nước Việt Nam, vượt qua, quá giới hạn.
Td: Việt điểu, Việt thường, Việt vị.
Việt điểu sào nam chi
越鳥巢南枝
Việt: Nước Việt Nam, vượt qua, quá giới hạn. Điểu: con chim. Sào: cái tổ. Chi: cành cây.
Việt điểu sào nam chi: chim Việt làm tổ ở cành phía nam.
Cổ thi có câu:
Hồ mã y bắc phong,
Việt điểu sào nam chi.
Nghĩa là:
Con ngựa nước Hồ ngóng theo gió Bắc,
Chim Việt kết tổ ở cành cây phía Nam.
Ý nói: Đi đến phương xa, lòng nhớ cố hương.
Con ngựa của nước Hồ ở phương Bắc, khi bị đưa vào Trung hoa, nó vẫn nhớ quê hương của nó là nước Hồ, nên khi có gió Bắc thổi xuống Trung hoa, nó liền ngóng theo.
Con chim của nước Việt phương Nam bị đưa lên Trung hoa, nó vẫn nhớ quê hương của nó là nước Việt, nên khi đậu nó tìm cành cây hướng về phía Nam mới chịu đậu, khi làm tổ thì nó cũng lựa cành cây phía Nam để tỏ lòng vẫn nhớ quê hương.
Việt Thường
越裳
A: Ancient name of VN.
P: L'ancien nom du VN.
Việt Thường là tên của nước Việt Nam thời vua Hùng Vương.
TNHT: Ai ngỡ Việt Thường đã thấy lân.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Việt vị
越位
A: Off-side.
P: Hors-jeu.
Việt: Nước Việt Nam, vượt qua, quá giới hạn. Vị: vị trí.
Trong luật của bóng đá, cầu thủ vào gần thành của đối phương hơn các cầu thủ bên kia, khi quả bóng còn ở sau mình, thì bị lỗi việt vị. Trọng tài biên phất cờ bắt lỗi nầy.
VINH
VINH
VINH: 榮 Vẻ vang.
Td: Vinh diệu, Vinh hoa.
Vinh diệu
榮耀
A: Glorious.
P: Glorieux.
Vinh: Vẻ vang. Diệu: rực rỡ.
Vinh diệu là vẻ vang rực rỡ.
TNHT: Con coi cái vinh diệu có chi bằng chăng?
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vinh hiển
榮顯
A: Glorious.
P: Glorieux.
Vinh: Vẻ vang. Hiển: có tiếng tăm được ngưỡng mộ.
Vinh hiển là vẻ vang và có tiếng tăm được ngưỡng mộ.
KTKCQV: Chàng dầu vinh hiển cảnh Thần.
KTKCQV: Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị.
Vinh hoa - Vinh huê
榮華
A: Honour and prosperous.
P: Honneur et prospère.
Vinh: Vẻ vang. Hoa: Huê: tốt, thịnh vượng.
Vinh hoa hay Vinh huê là vẻ vang và thịnh vượng.
Vinh hoa phú quí: vẻ vang, thịnh vượng và giàu sang.
TNHT: |
- Vinh hoa phẩm cũ ngôi xưa đó. |
|
- Vinh huê ngó lại giấc mơ màng. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vinh qui
榮歸
A: To return home with honour.
P: Retourner au village avec l'honneur.
Vinh: Vẻ vang. Qui: trở về.
Vinh qui là trở về làng quê một cách vẻ vang sau một chiến thắng.
Vinh qui bái tổ: Nói về các sĩ tử đi thi thời xưa, khi thi đậu Trạng nguyên hay Tiến sĩ, được vua phong tước và ban cho áo mão, xe ngựa, quân lính đi khoe quan nơi kinh thành, xong thì cho phép trở về quê nhà để khoe quan với người trong làng xóm, đồng thời bái tạ tổ tiên. Sau thời hạn cho phép thì phải trở lại kinh thành để vua bổ đi làm quan.
Vinh thăng
榮陞
A: Glorious advancement.
P: Avancement glorieux.
Vinh: Vẻ vang. Thăng: lên chức.
Vinh thăng là làm quan mà được lên chức vẻ vang.
Vinh thân phì gia
榮身肥家
Vinh: Vẻ vang. Thân: thân mình. Phì: béo, đầy đủ. Gia: nhà. Vinh thân: tấm thân vẻ vang. Phì gia: nhà sung túc.
Vinh thân phì gia là sướng mình béo nhà, thân mình vẻ vang, gia đình giàu có.
VĨNH
VĨNH
VĨNH: 永 Lâu dài, mãi mãi.
Td: Vĩnh bất tự dụng, Vĩnh hằng.
Vĩnh bất tự dụng
永不敘用
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Bất: không. Tự: ghi chép thuật lại, đồng nghĩa với chữ Lục 錄. Dụng: dùng.
Vĩnh bất tự dụng, đồng nghĩa: Vĩnh bất lục dụng.
Vĩnh bất tự dụng hay Vĩnh bất lục dụng là vĩnh viễn không bao giờ dùng người nầy trở lại nữa, vì người nầy đã phạm lỗi rất nặng và bị cách chức.
Lời phê của Đức Phạm Hộ Pháp về trường hợp Chức sắc phạm lỗi nặng, bị kết án: Vĩnh bất tự dụng:
"Hễ mang án Vĩnh bất tự dụng thì chỉ đặng lãnh các phân sự phụ thuộc mà thôi, chớ không đặng quyền cầm chủ quyền một cơ quan Chánh Trị Đạo nào hết, dầu cho một Hương đạo đến các Trấn đạo, các chủ quyền ấy không đặng cầm, duy đặng làm phân sự phụ thuộc mà thôi."
Vĩnh biệt
永別
A: The eternal separation.
P: La séparation éternelle.
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Biệt: chia lìa.
Vĩnh biệt là chia ly mãi mãi.
KTHĐMP: Niềm thủ túc đã đành vĩnh biệt.
KTHÐMP: Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần.
Vĩnh cửu
永久
A: Eternal.
P: Éternel.
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Cửu: lâu.
Vĩnh cữu là lâu dài mãi mãi.
TNHT: Chỉ có cách đó mới gọi là vĩnh cửu.
Vĩnh hằng
永恆
A: The eternity.
P: L'éternité.
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Hằng: luôn luôn.
Vĩnh hằng là tồn tại mãi mãi, không bao giờ hư hoại.
Cõi Vĩnh hằng: Cõi thiêng liêng Hằng sống.
Vĩnh kiếp quần sanh
永劫群生
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Kiếp: một kiếp sống, một đời sống. Quần sanh: đồng nghĩa Chúng sanh. Vĩnh kiếp: đời đời kiếp kiếp, lâu dài mãi mãi.
Vĩnh kiếp quần sanh: chúng sanh đời đời kiếp kiếp.
TG: Vĩnh kiếp quần sanh, ngưỡng kỳ huệ đức,....
TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.
Vĩnh Nguyên Tự
永源寺
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Nguyên: nguồn gốc. Tự: chùa.
Vĩnh Nguyên Tự là một ngôi chùa ở tại làng Long An, quận Cần Giuộc, thuở xưa thuộc tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An, do một vị Thái Lão Sư của chi Minh Sư là Cụ Lê Văn Tiểng (pháp danh Lê Đạo Long) sáng lập vào năm 1908.
Năm 1926, ngôi chùa nầy gia nhập vào ĐĐTKPĐ, và nó biến thành một Thánh Thất đầu tiên của Đạo Cao Đài.
Vĩnh Nguyên Tự là một cái nôi trong nhiều cái nôi của Đạo Cao Đài lúc ban sơ, nơi đây có tổ chức những đàn cơ rất quan trọng mà Ngài Lê Văn Trung và Ngài Lê Văn Lịch thọ phong Thượng Đầu Sư và Ngọc Đầu Sư, do Đức Chí Tôn ân phong trong một đàn cơ tại ngôi chùa nầy.
Ngôi chùa Vĩnh Nguyên Tự, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, bị chiến tranh tàn phá, không còn được nguyên vẹn như xưa. Để bảo tồn một di tích quan trọng của Đạo Cao Đài, Ban Cai quản và thiện tín nơi Vĩnh Nguyên Tự, với sự trợ giúp của các Hội Thánh và các Thánh Thất, đứng ra tái thiết Vĩnh Nguyên Tự, khởi công vào ngày 10-4-Tân Hợi (dl 4-5-1971), sau ba năm mới hoàn tất và làm Lễ Khánh Thành vào ngày 15-3-Quí Sửu (dl 17-4-1973).
Từ ngoài đường cái nhìn vào Vĩnh Nguyên Tự, thấy trước tiên là một cái cổng tam quan cao lớn đẹp đẽ, bên trên có hàng chữ bằng hán tự: ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, kế dưới là ba chữ lớn VĨNH NGUYÊN TỰ cũng bằng hán tự.
Phía sau cổng là khoảng sân rộng, chính giữa sân có một cột phướn cao. Đi hết khoảng sân là tới Thánh Thất gọi là Thánh Thất Vĩnh Nguyên Tự, có bề ngang rất lớn, hai bên trên nóc cất nhô lên cao hơn chính giữa nhưng chưa thành hình hai cái tháp, phía dưới có đề chữ là: Lôi Âm Cổ Đài và Bạch Ngọc Chung Đài.
Phía sau Vĩnh Nguyên Tự là nhà Hậu Điện, hai bên Hậu Điện là hai dãy nhà phân ra cho nam phái và nữ phái giống như Đông lang và Tây lang. Phía sau Đông lang là phòng thuốc từ thiện, có bác sĩ đến khám bịnh và phát thuốc miễn phí cho dân chúng quanh vùng.
Phía sau các kiến trúc của Vĩnh Nguyên Tự là vườn cây, trong đó có các ngôi mộ lớn: ngôi mộ phía sau cùng, giáp với đồng ruộng là ngôi mộ lớn nhứt và xưa nhứt, làm bằng đá xanh là ngôi mộ của Ngài Thái Lão Sư Lê Đạo Long, gần bên là ngôi mộ mới cải táng của Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ. Trong vườn cây còn có ngôi mộ của Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt và một vài ngôi mộ khác.
Bên trong Vĩnh Nguyên Tự, nơi Chánh điện thờ Thánh tượng Thiên Nhãn của Đức Chí Tôn, vẽ theo kiểu mẫu của Ngài Ngô Văn Chiêu. Theo đường thẳng đứng, trên hết là Thiên Nhãn, kế dưới là sao Bắc đẩu (TINH), kế dưới là vầng trăng khuyết (NGUYỆT), dưới hết là hình phân nửa mặt trời (NHỰT) có các tia sáng chiếu ra.
Dưới Thánh tượng Thiên Nhãn là thờ ba Đấng Giáo chủ Tam giáo: một tượng nhỏ Đức Phật Thích Ca đặt chính giữa, hai bên đặt hai long vị đề là: Thái Thượng Đạo Tổ, Khổng Thánh Tiên Sư.
Dưới tượng Đức Phật Thích Ca là một long vị đề là: Lý Đại Tiên Trưởng.
Hai căn hai bên của Chánh điện thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và Đức Quan Thánh Đế Quân, kết hợp với Chánh điện là thờ đủ Tam Trấn Oai Nghiêm.
Thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát nơi căn bên nữ phái với bốn chữ nho đại tự: TỪ HÀNG PHỔ TẾ, vì nguyên căn của Quan Âm Bồ Tát là Đức Từ Hàng Bồ Tát biến thân.
Thờ Đức Quan Thánh Đế Quân nơi căn bên nam phái với bốn chữ nho đại tự: ĐỨC SÙNG VIỄN CHÁNH, do trong Minh Thánh Kinh nói về lai lịch và công đức của Đức Quan Thánh có ba câu:
Thái thượng thần uy, anh văn hùng võ,
Tinh trung đại nghĩa, cao tiết thanh liêm,
Vận hiệp hoàng đồ, Đức Sùng Viễn Chánh.
Nghĩa là:
Thần oai tột bực, văn đẹp võ dũng,
Trung nghĩa lớn ròng, tiết cao thanh liêm,
Vận số hiệp mạng Trời, Đức lớn theo đường chánh.
Đối diện với Thánh tượng Thiên Nhãn nơi vách ngoài là bàn thờ lá bùa chữ KHÍ.
Phía sau tấm vách đặt Thánh tượng Thiên Nhãn là một khoảng hẹp có cửa lớn thông ra Hậu điện là nơi đặt bàn thờ linh vị của: Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn Lê Văn Tiểng, Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ, và Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.
Phía trước ngôi Thánh Thất Vĩnh Nguyên Tự, ngay tại bực thềm, có dựng một tấm bia đá màu vàng, trên đó có khắc chữ quốc ngữ, tóm tắt Tiểu sử của Vĩnh Nguyên Tự, xin chép ra sau đây:
Tiểu sử VĨNH NGUYÊN TỰ
Sáng lập năm Mậu Thân (1908) tại làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, thuộc Nam phần Việt Nam.
Do Ngài Lê Văn Tiểng, pháp danh Lê Đạo Long. Ngài dùng phương tiện riêng của Ngài sáng lập ngôi Vĩnh Nguyên Tự nhằm mục đích hoằng giáo độ nhơn, giúp người đời cải dữ về lành và theo mệnh Trời, truyền trao Bí pháp chơn tu, giải thoát cho hàng nguyên nhân tá thế.
Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long được Đức Di Minh Tử (Ngô Đạo Chánh) truyền đạo vào năm Bính Tý, thuộc tông đạo Minh Sư. Thái Lão Sư Lê Đạo Long có mấy trăm môn đệ, trong số môn đệ của Ngài có nhiều người tu tới bậc Thái Lão Sư như:
· Thái Lão Sư Trần Đạo Minh.
· Thái Lão Sư Nguyễn Chánh Sắc.
· Thái Lão Sư Trương Thiện Thành.
· Thái Lão Sư Nguyễn Đạo Chí.
· Thái Lão Sư Võ Nhật Thuận.
· Thái Lão Sư Nguyễn Đạo Cần.
Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long tu chứng tại tiền, linh thông mà biết được việc thế, cơ Trời, nên để lời tiên tri rằng: "Vĩnh Nguyên Tự là nơi Thập nhị Khai Thiên làm cơ quan của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hoằng dương chánh pháp chơn truyền, sau trong môn đệ có người ra thọ nhận Thiên ân mà mở cơ Tận độ."
Năm Bính Dần (1926), chư quí ông Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, đến Vĩnh Nguyên Tự cầu cơ, Đức Cao Đài Ngọc Đế giảng dạy Đạo và cho biết Thái Lão Sư Lê Đạo Long là Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, cùng với Thái Ất Chơn Nhơn đang phổ độ Tây phương.
Đức Cao Đài cho vời Đức Như Ý về giáng cơ. Ngài dạy người học trò lớn của Ngài là Trần Đạo Minh và con của Ngài là Lê Văn Lịch theo lời tiên tri của Ngài mà tòng giáo sang Tam Kỳ Phổ Độ, thọ nhận Thiên ân hoằng dương chánh pháp.
Đức Cao Đài Ngọc Đế phong Trần Đạo Minh làm Ngọc Chưởng Pháp, Lê Văn Lịch làm Ngọc Đầu Sư.
Đức Cao Đài dạy nơi Vĩnh Nguyên Tự, Thầy vận chuyển cho Trung, Lịch, Cư, Tắc, đến để luận bàn hoạch định, cùng nhận lãnh thi hành một sứ mạng mà Thầy đã giao phó. Đó là sứ mạng khai minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, lập thành trụ tướng cùng những kinh điển, quyền pháp, Đạo luật, để hoằng dương chánh pháp, phổ độ nhơn sanh.
Vĩnh Nguyên Tự trở thành di tích lịch sử của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
LÊ PHỦ ĐƯỜNG Tộc phái
Năm Quí Dậu (1993)
Sau đây là Tiểu sử của Ngài Thái Lão Sư Lê Đạo Long, người sáng lập ra Vĩnh Nguyên Tự, tu đắc đạo, đạt phẩm vị: Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. (Bài của Lê Anh Dũng)
TIỂU SỬ
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn.
Hằng năm, ngày mùng 3 tháng chạp âm lịch là lễ kỷ niệm Ngài Thái Lão Sư Lê Đạo Long qui vị. Ngài là vị khai sơn sáng lập nên ngôi Vĩnh Nguyên Tự tại làng Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, nay là tỉnh Long An.....
Khi làng Long An còn là rừng, tổ tiên của ông Lê Văn Tiểng đã có mặt trong số những lưu dân đến đây. Tổ tiên ông có công đứng ra khai hoang lập thành sáu ấp: Long An, Long Chánh, Long Đông, Long Kế, Quảng Long và Thành Điền.
Theo gia phả họ Lê, ông tổ là Lê Đức Thạnh ở Quảng Ngãi vào nam mưu sinh, có được hai trai một gái, về già ông trở về Quảng Ngãi. Con trưởng của ông Thạnh là Lê Đức Đẹp kết hôn với Hà Thị Thủ, sanh bốn trai, một gái. Con ông Đẹp là Lê Đức Tứ sanh hai trai, sáu gái. Con ông Tứ là Lê Đức Hiệp sanh bốn trai ba gái. Con ông Hiệp là Lê Phước Châu kết hôn với Phan Thị Cui, sanh sáu trai. Con ông Châu là Lê Phước Nghệ kết hôn với Nguyễn thị Nguyên sanh bốn trai năm gái là: Lê Văn Tiểng, Lê Văn Cẩn, Lê Thị Nhị, Lê Thị Trà, Lê Văn Cân, Lê Thị Tọa, Lê Thị Thoàn, Lê Thị Liên và Lê Văn Đình.
Ông Tiểng sanh ngày 23-10-Quí Mão (thứ năm 14-12-1843) tại làng Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, nay là tỉnh Long An. Ông Tiểng kết hôn với bà Trần Thị Đắc sanh hai gái ba trai là: Lê Thị Khai, Lê Thị Biết, Lê Văn Lịch, Lê Văn Bô và Lê Văn An. Trong số đó có ông Lê Văn Lịch (sanh năm Canh Dần 1890) sau nầy nối được đạo nghiệp của thân phụ, là vị Ngọc Đầu Sư đầu tiên của Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn ân phong.....
Từ năm 34 tuổi (Bính Tý 1876), ông Lê Văn Tiểng đã có lòng hoài mong gặp được minh sư cầu đạo. Thời gian lần qua, sau khi đã yên phần Nhơn đạo nối tử lưu tôn theo nếp nhà Nho, khi đã đủ nhân duyên khế hợp thì ông hạnh ngộ Ngài Di Minh Tử, thế danh Ngô Đạo Chánh, lúc bấy giờ có tiếng là bậc tu chứng tại thế.
Biết ông Lê Văn Tiểng là bậc đại căn, Ngài Di Minh Tử bằng lòng thâu nhận làm học trò, tận tâm truyền dạy pháp môn của đạo Minh Sư.
Minh Sư là tông phái thờ Tam giáo, nhưng trọng về Lão, sử dụng cơ bút, tu đơn (tức hành thiền theo pháp môn Đạo gia). Khởi thủy, môn phái nầy qui tụ các cựu thần nhà Minh, xuất hiện ở Trung quốc, vào đầu đời nhà Thanh (cuối thế kỷ 17). Đạo Minh Sư lúc đầu nuôi chí phản Thanh phục Minh, nhưng với thời gian đã biến đổi rất nhiều. Khi được truyền bá ở Việt Nam, Minh Sư trở thành một môn phái tu hành thuần túy, rất có uy tín ở Trung Kỳ và Nam Kỳ. Nhiều tu sĩ Minh Sư là các nhà ái quốc chống Pháp, như chí sĩ Trần Cao Vân. Chùa Minh Sư gọi là Phật Đường, và có nhiều Phật Đường từng là nơi che chở các nghĩa sĩ nông dân kháng chiến chống Pháp.
Tu theo đạo Minh Sư phải trường trai, bắt đầu lên Nhứt bộ thì tuyệt dục, rồi qua Nhị bộ, Tam bộ là hoàn thành phần Nhứt thừa. Sang đến Nhị thừa thì tiến qua bốn cấp: Thiên Ân, Chứng Ân, Dẫn Ân và Bảo Ân. Tu lên cao hơn, đến Tam thừa thì gồm hai cấp là Đảnh Hàng và Thập Địa. Tu đến Thập Địa thì đạt tới phẩm vị Thái Lão Sư. Khi ấy, tên của vị Thái Lão Sư sẽ được lót chữ Đạo.
[Lúc đầu, ông Lê Văn Tiểng tu theo Minh Sư, nhưng sau nầy chùa Vĩnh Nguyên lại được gọi là chùa của chi Minh Đường. Chưa rõ lý do, nhưng đoán phỏng rằng, có lẽ đổi tên để tránh sự đàn áp của thực dân Pháp, vì chùa Minh Sư thường là các cơ sở chống Pháp của nghĩa sĩ yêu nước.]
Ông Lê Văn Tiểng tu ròng rã cho đến phẩm Thái Lão Sư, được sư phụ ban cho đạo danh là Lê Đạo Long. Xét thấy ông tinh tấn tu hành, đã đầy đủ đạo hạnh để có thể một mình đứng ra chủ sử việc hoằng giáo độ nhân, Ngài Di Minh Tử cho phép Thái Lão Sư trở về quê nhà, được tùy cơ duyên mà thâu nhận đệ tử.
Năm Mậu Thân (1908), Thái Lão Sư Lê Đạo Long tạo tác ngôi Vĩnh Nguyên Tự. Ngài cũng tiên tri rằng, mái chùa nầy sẽ là nơi Thập nhị Khai Thiên dùng làm cơ quan cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoằng khai chánh pháp chân truyền. Ngài cũng dặn dò môn đệ sau nầy phải có người đứng ra thọ nhận ơn Trời lãnh sứ mạng Kỳ Ba.
Tháng 3 năm Quí Sửu (khoảng cuối tháng 4 năm 1913), tiết xuân hầu mãn, Thái Lão Sư triệu hồi tất cả môn đệ các nơi về Vĩnh Nguyên Tự. Ngài cho biết tôn ý sẽ bỏ xác phàm để viên thành chánh quả và dạy môn đệ chuẩn bị sinh phần cho Ngài. Dịp nầy, Thái Lão Sư cũng đã dốc tâm truyền các pháp môn tu giải thoát cho hàng cao đồ gồm các Lão Sư:
· Nguyễn Hữu Căn, người tỉnh Chợ Lớn, tức là Liễu Thoàn Hòa Thượng.
· Nguyễn Đạo Cần, người quận Vũng Liêm.
· Ngô Đạo Chí, người tỉnh Trà Vinh.
· Trần Đạo Minh, sau được Đức Chí Tôn phong làm Ngọc Chưởng Pháp đầu tiên của Đạo Cao Đài.
· Nguyễn Chánh Sắc, người tỉnh Gia Định.
· Trương Thiện Thành, người tỉnh Long Xuyên.
· Võ Nhựt Thận, người tỉnh Vĩnh Long.
Mùng 3 tháng chạp năm Quí Sửu (thứ hai 29-12-1913), sau khi công phu giờ mẹo xong, lúc 6 giờ sáng tại chánh điện, Thái Lão Sư hội các môn đệ và thân tộc lại để dặn dò về tương lai cơ đạo và nhắc nhở việc an chung của Ngài phải tổ chức đơn giản. Lúc 7 giờ sáng, Ngài tĩnh tọa tại chánh điện, an nhiên thị tịch trong lúc các môn sinh và thân thuộc còn đang đứng vòng quanh thành kính cúi đầu cầu nguyện.
Khoảng đầu năm Bính Dần (1926), các ông Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư... vâng lịnh Đức Chí Tôn, từ Sài Gòn xuống làng Long An xin với các ông Trần Đạo Minh và Lê Văn Lịch cho phép lập đàn cơ tại Vĩnh Nguyên Tự. Hôm ấy, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn lâm đàn dạy môn đệ phải tuân theo di ý của Thái Lão Sư Lê Đạo Long 13 năm trước mà nhứt tâm qui hiệp Cao Đài, thọ lãnh ơn Trời, hoằng giáo độ nhân. Từ đó, Vĩnh Nguyên Tự trở thành một trong những nơi phát tích của Đạo Cao Đài, là một trong những nơi đã diễn ra những sự kiện quan trọng trong lịch sử buổi khai nguyên mối đạo kỳ ba.
Do thời gian tàn phá, trải qua nắng mưa dầu dãi cùng thế sự thăng trầm, ngôi chùa xưa không tránh khỏi hư hao nhiều. Để bảo tồn Vĩnh Nguyên Tự là một trong những di tích lịch sử của Đạo Cao Đài, vào năm Canh Tuất (1970), Đức Chí Tôn đã dạy các môn đệ hiệp nhau lo tái thiết.
Cho đến rằm tháng 3 năm Quí Sửu (thứ ba 17-4-1973) mới chính thức làm lễ lạc thành công việc bảo tồn di tích do chính Thái Lão Sư Lê Đạo Long xưa kia gây dựng và truyền lại. Thế rồi, tròn trịa một năm, đúng rằm tháng 3 năm Giáp Dần) chủ nhật 7-4-1974), kỷ niệm đệ nhứt chu niên tái thiết Vĩnh Nguyên Tự, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn thừa lịnh Tam giáo Tổ Sư lâm đàn giảng dạy về ý nghĩa sâu xa của hai chữ Vĩnh Nguyên, như sau:
"Vĩnh là vĩnh cửu bất biến. Nguyên là nguyên bổn, hằng hữu hằng thường. Chỉ có cái nguyên bổn mới hằng hữu hằng thường, bất di bất biến. Vạn hữu do hằng hữu mà sinh, vô thường do hằng thường mà có. Con người là một cá thể trong vạn hữu. Người có biết tu chơn ngộ đạo mới có thể trở về nguyên bổn hằng hữu hằng thường, bất di bất biến trong cảnh giới vĩnh cửu hư linh"............
Sau đây là bài giáng cơ của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn tại Vĩnh Nguyên Tự, nhân ngày giỗ của Ngài. (Trích trong Đạo Sử 2 của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, trang 142-143)
Vĩnh Nguyên Tự, thứ năm 6 Giêng 1927 (3-12-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
Hỷ chư môn đệ!
Lịch! Ngã nhậm ngôn.
Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn nhập cơ.
* * *
Lê Văn Tiểng,
NHƯ Ý ĐẠO THOÀN CHƠN NHƠN giáng cơ.
Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội.
Chúng đẳng thính Ngã.
Đạo bất vi tế hưởng, vi hiếu giã.
Ngã thị nhứt sanh bất tri Thiên ý, hành đạo vô công. Nhi Ngọc Đế ái chư quần sanh như phụ ái tử. Ngã vấn hà tất, dĩ vi công quả hồ?
Nhứt nhơn biến nhị, nhị biến thập, thập biến bá, bá biến vạn, vạn biến hằng hà sa số nhơn sanh. Nhơn sanh nhứt nhứt hữu chơn thần, chơn thần thị Thiên, Thiên giả hà tại?
Thiên giả tại tâm. Đắc nhơn tâm tất đắc Thiên ý. Tri hề.
Đạo dĩ khai, thời kỳ bế môn tụng niệm dĩ vãng. Cửu thập nhị nguyên nhân kim triêu đọa lạc tại thế, bất thoát mê đồ, bất tri chơn đạo, đẳng chúng bất độ, hà thế thành đạo hồ?
Vật dĩ cựu luật vi căn bổn, hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ, nhứt thiết chúng sanh hữu căn hữu kiếp đắc kỳ qui vị. Vật dĩ trí tri, văn chương, bác ái. Ngộ kiếp đắc qui Phật vị.
Ngã vấn: Cổ ngữ hữu ngôn: Thiên tâm vô ngữ, luật tại trị thế, nhơn nhơn bất tu, bất thành đạo, tu giả hà vi?
Tu giả độ nhơn, độ nhơn độ kỷ, độ Cửu huyền Thất tổ, thị chi hiếu giã.
Ngã thường giáng cơ tại thử, khả tái cầu giáo đạo./.
Bài giáng cơ trên viết bằng chữ Nho, phiên âm ra Hán Việt, xin dịch nghĩa ra sau đây:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ gọi là CAO ĐÀI
dạy Đạo ở nước Việt Nam.
Mừng các môn đệ.
Lịch! (Đức Chí Tôn gọi Ngài Lê Văn Lịch) Ta nhận lời.
Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn nhập vào cơ.
Lê Văn Tiểng,
NHƯ Ý ĐẠO THOÀN CHƠN NHƠN, giáng cơ
Mừng các Đạo hữu, các Đạo muội.
Các vị nghe Ta.
Đạo không phải để hưởng cúng tế, là hiếu vậy.
Ta một đời không biết Thiên ý, hành đạo không công. Mà Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế thương yêu chúng sanh như cha thương con. Ta hỏi, vì sao phải làm công quả?
Một người biến thành hai, hai biến thành mười, mười biến thành trăm, trăm biến thành muôn, muôn biến thành hằng hà sa số nhơn sanh. Nhơn sanh mỗi người đều có chơn thần, chơn thần là Trời, Trời ở đâu?
Trời ở tại tâm. Đặng lòng người ắt được ý Trời. Biết há.
Đạo đã mở, thời kỳ đóng cửa tụng niệm đã qua rồi. 92 ức nguyên nhân ngày nay bị đọa lạc tại thế gian, không thoát khởi đường mê, không biết chơn đạo, không độ hết những người đó, làm sao thành đạo tại thế?
Chớ lấy Cựu luật làm căn bổn, được gặp Tam Kỳ Phổ Độ, tất cả chúng sanh hữu căn hữu kiếp đều được trở về ngôi vị cũ. Chớ lấy trí tri, văn chương, bác ái. Ngộ Đạo trong một kiếp tu được trở về ngôi vị Phật.
Ta hỏi: lời xưa có nói: Lòng Trời không lời, luật pháp tại nơi trị đời, người người không tu, thì không thành đạo, tu để làm gì?
Tu để độ người, độ người độ ta, độ ta độ Cửu huyền Thất tổ, đó là hiếu vậy.
Ta thường giáng cơ tại đây, khá cầu cơ nhiều lần để ta dạy Đạo./.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Vĩnh sanh
永生
A: The eternal life.
P: La vie éternelle.
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Sanh: sống, đời sống.
Vĩnh sanh là sống mãi mãi, hằng sống.
KVĂC: Con mong mượn xác đoạt quyền vĩnh sanh.
KVĂC: Kinh vào ăn cơm.
Vĩnh sùng chánh giáo
永崇正敎
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Sùng: kính trọng, tôn sùng. Chánh giáo: nền đạo chơn chánh.
Vĩnh sùng chánh giáo là vĩnh viễn sùng kính nền Đạo chơn chánh.
Sớ Văn: Nhập vi môn đệ, vĩnh sùng chánh giáo, tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ,...
Vĩnh tồn
永存
A: Eternally existent.
P: Existant éternellement.
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Tồn: còn.
Vĩnh tồn là tồn tại mãi mãi, không bao giờ mất.
PMCK: Chí Công định vị vĩnh tồn Thiên cung.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Vĩnh trường
永長
A: Eternal.
P: Éternel.
Vĩnh: Lâu dài, mãi mãi. Trường: dài.
Vĩnh trường là lâu dài mãi mãi.
KTT: Trăm năm thọ khảo vĩnh trường.
KTT: Kinh Tắm Thánh.
VÓ
Vó ký
A: The courser 's hoof.
P: Le sabot du coursier.
Vó: chân ngựa, bước chân ngựa. Ký: tên của một giống ngựa quí, chạy rất mau, mỗi ngày chạy được ngàn dặm đường. Thường nói: ngựa Kỳ và ngựa Ký, đều là tuấn mã.
Vó ký là bước chân của con tuấn mã.
TNHT: Vó ký ướm ngập ngừng mà cánh hồng toan lướt gió.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
VÕ (VŨ)
VÕ
1. VÕ: 武 - Dùng sức mạnh, trái với Văn. - gò ép.
Td: Võ đài, Võ phu, Võ đoán.
2. VÕ: 宇 Khoảng không gian 4 phương trên dưới.
Td: Võ trụ (Vũ trụ), Võ trụ quan.
3. VÕ: 雨 Mưa.
Td: Võ lộ.
Võ đài (Vũ đài)
武台
A: The ring.
P: Le ring.
Võ: Dùng sức mạnh, trái với Văn. Đài: chỗ xây cao lên.
Võ đài hay Vũ đài là nơi cất cao lên để các võ sĩ đấu võ tranh tài cao thấp cho mọi người đến xem.
Võ đài có nghĩa bóng là chỉ trường đời, nơi mà người ta tranh đấu hơn thua với nhau.
TNHT: Võ đài chờ trả rồi oan trái.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Võ đoán
武斷
A: To decide arbitrarily.
P: Décider arbitrairement.
Võ: - Dùng sức mạnh, trái với Văn. - gò ép. Đoán: quyết đoán, xử sự.
Võ đoán là tự mình quyết đoán công việc theo ý riêng của mình, không căn cứ trên một tình lý nào cả, nên có tính cách gò ép, không hợp lý.
Võ liệt văn mô
武烈文謨
Võ: Dùng sức mạnh, trái với Văn. Liệt: công nghiệp. Mô: kế hoạch, mưu mô. Vũ liệt: công nghiệp của các quan võ. Văn mô: mưu kế của các quan văn.
Vũ liệt văn mô là công của quan võ, mưu của quan văn.
Võ lộ (Vũ lộ)
雨露
A: Rain and dew.
P: Pluie et rosée.
Võ: Vũ: Mưa. Lộ: hạt móc, tức là hạt sương đọng lại trên ngọn cỏ vào buổi sáng sớm.
Võ lộ hay Vũ lộ là mưa móc làm cho cây cỏ tốt tươi.
Thường nói: Ơn mưa móc, chỉ ơn của vua ban xuống cho dân chúng giống như mưa móc rơi xuống thấm nhuần cây cỏ.
Võ môn (Vũ môn)
禹門
Võ: Vũ: vua Hạ Võ hay Hạ Vũ khai sáng ra nhà Hạ vào thời thượng cổ nước Tàu. Môn: cái cửa.
Võ môn hay Vũ môn là cái cửa do vua Hạ Võ lập ra ở sông Hoàng Hà, tại đây có một cái mỏm đá nhô ra hình giống như cái cửa. Khi vua Hạ Võ trị thủy thì đục phá cái mỏm đá sâu rộng thêm ra, để thông đường nước chảy, và gọi nó là Võ môn. (Xem chi tiết nơi chữ: Khoa Võ môn, vần K)
Võ phu
Có hai trường hợp:
* Trường hợp 1 Võ phu:
武夫
A: Rude man.
P: Homme rude
Võ: Vũ: Dùng sức mạnh, trái với Văn. Phu: người đàn ông.
Võ phu hay Vũ phu là người đàn ông thô tục, chỉ biết giải quyết công việc bằng sức mạnh bắp thịt.
* Trường hợp 2 Võ phu:
碔砆
A: A false person.
P: Une fausse personne.
Võ: một thứ đá có màu đẹp dùng làm ngọc giả. Phu: một thứ đá giống như ngọc, dùng làm ngọc giả.
Võ phu hay Vũ phu là ngọc giả, chỉ người giả dối, gian xảo, chuyên đi lừa gạt người.
KSH: |
Trong đời rất hiếm võ phu,
Lường cân tráo đấu, dối tu cúng chùa. |
KSH: Kinh Sám Hối.
Võ trụ (Vũ trụ)
宇宙
A: The universe, Cosmos.
P: L'univers, Cosmos.
Võ: Khoảng không gian 4 phương trên dưới. Trụ: thời gian xưa qua nay lại.
Nho gia Lục Cửu Uyên định nghĩa Võ trụ như sau:
Thượng hạ tứ phương viết Vũ,
Cổ vãng kim lai viết Trụ.
(Trên dưới bốn phương gọi là Vũ,
Xưa qua nay lại gọi là Trụ.)
Vậy, Vũ trụ có nghĩa bao gồm cả không gian và thời gian. Thường nói: Càn Khôn Vũ Trụ, nghĩa là khắp Trời Đất, khắp không gian và thời gian suốt từ xưa tới nay.
Mỗi vũ trụ bao gồm nhiều thế giới, mỗi thế giới là một địa cầu. Địa cầu của nhơn loại chúng ta đang ở là một thế giới, nó chỉ là một phần bé nhỏ trong toàn cả vũ trụ bao la vô cùng rộng lớn mà con người khó tưởng tượng nổi.
Võ trụ quan (Vũ trụ quan)
宇宙觀
A: The cosmological view, the conception of universe.
P: La vision de l'univers, la conception de l'univers.
Võ: Khoảng không gian 4 phương trên dưới. Vũ trụ: (đã giải ở trên). Quan: ý nghĩ, nhận xét, quan niệm. Quan niệm là một hệ thống tư tưởng xem xét kỹ lưỡng các hiện tượng của sự vật.
Vũ trụ quan là một hệ thống tư tưởng trình bày về sự hình thành của vũ trụ và những sự biến đổi của nó.
Trong Triết lý của Đạo Cao Đài có phần: Nhơn sinh quan và Vũ trụ quan. Phần Nhơn sinh quan đã trình bày nơi vần Nh. Sau đây là phần Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài.
VŨ TRỤ QUAN của ĐẠO CAO ĐÀI
Quan niệm về Vũ trụ của Đạo Cao Đài giải đáp một cách minh bạch các vấn đề về vũ trụ sau đây:
· Sự hình thành của vũ trụ hiện hữu như thế nào?
· Vũ trụ hiện hữu có giới hạn không? Gồm có bao nhiêu ngôi sao?
· Vũ trụ có vô thỉ vô chung không?
· Những khám phá của khoa học ngày nay có phù hạp với Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài không?
· Địa vị của Quả Địa cầu của nhơn loại chúng ta trong Càn Khôn Vũ Trụ.
Đó là những vấn đề then chốt về Vũ trụ mà Triết lý Cao Đài sẽ đề cập đến với nhiều mới lạ chưa từng thấy.
Theo Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài thì Vũ trụ hiện hữu của chúng ta có 2 phần:
· Phần Hữu hình thấy được.
· Phần Vô hình không thấy được.
Phần HỮU HÌNH của VŨ TRỤ:
1. Sự hình thành Vũ trụ:
Sự hình hành Vũ trụ theo Triết lý của Đạo Cao Đài, được Đức Chí Tôn giảng dạy, tóm gọn trong hai đoạn Thánh Ngôn sau đây:
TNHT. II. 62: "Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn khôn Thế giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn khôn Thế giới.
Thầy lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, gọi là chúng sanh."
TNHT. I. 32: "Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn khôn Thế giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có Thầy."
Trong sách Đại Thừa Chơn Giáo, phần Vũ trụ, Đức Chí Tôn giảng dạy như sau:
"Trước khi chưa định ngôi Thái Cực, thì trong khoảng không gian ấy còn đương mịt mịt mờ mờ với khí Hông Mông, vì đó là thời kỳ Hỗn Nguyên vậy.
Không gian ấy là Vô Cực.
Trong Vô Cực ấy lại có một cái Nguyên Lý thiên nhiên tuyệt diệu tuyệt huyền, rồi lại có thêm một cái Nguyên Khí tự nhiên nữa. Lý với Khí ấy, tức là Âm với Dương trong buổi Hồng Mông thời đại.
Lý Khí ấy lần lần ngưng kết với nhau mà đông tụ lâu đời nhiều kiếp, mới thành ra một khối Tinh Quang rất đầy đủ các sự tốt đẹp. Chừng đúng ngày giờ, khối ấy nổ tung ra một tiếng vang lừng dữ dội phi thường, làm rúng động cả không gian, bèn có một khối Đại Linh Quang từ trong tiếng nổ ấy văng ra lăn lộn quây quần giữa chốn không trung, bắn tủa hào quang rất chiếu diệu rạng ngời, trùng trùng điệp điệp, rực rỡ chói lòa khắp cả mọi nơi.
Ấy chính là ngôi Chúa Tể của Càn khôn Vũ trụ đã được biến hóa ra vậy.
Vũ trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái Cực, trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hóa, vô tận vô cùng, nắm trọn quyền hành thống chưởng cả CKVT và lấy cơ thể Âm Dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ Khí Hư Vô, đặng hóa sanh muôn loài vạn vật.
Máy Âm Dương ấy cứ vần vần xoay chuyển, không ngưng nghỉ một giờ khắc nào, để dưỡng dục chúng sanh, bảo tồn Thiên Địa.
Khắp trong Vũ trụ, biết bao là quả Linh cầu, có quả trược, có quả thanh, có bực cao bực thấp, có cái sáng cái tối, thảy thảy đều tuân theo máy Thiên Cơ mà tuần tự chuyển luân xoay chạy: cái lại cái qua, cái lên cái xuống, không bao giờ ngưng nghỉ đặng.
Linh cầu nào cao thanh khinh phù thì vượt qua mấy cõi khác mà lên ngất trên thượng từng không khí.
Vậy, quả Địa Cầu của các con đây, tuy là một quả Địa Cầu vật chất hữu hình trọng trược, song cũng còn thuộc bực khá, chớ dưới nữa lại có lắm quả Địa Cầu còn trọng trược hơn nữa. Những quả Địa Cầu như thế thì nặng trầm chìm tột dưới đáy sâu của Vũ trụ, nên rất tối tăm mờ mịt, âm khí nặng nề, thảm sầu buồn bã gớm ghê!"
Qua các bài Thánh Ngôn vừa trích bên trên, chúng ta rút được các điểm sau đây:
a) Hư Vô chi Khí: (Khí Hư Vô)
Thời nguyên thủy, cả không gian có một chất khí Hồng Mông Hỗn Độn, mờ mờ mịt mịt, hiện hữu mà không biết được nguồn gốc có từ hồi nào và do đâu. Khí đó được gọi là Hư Vô chi Khí hay Khí Hư Vô.
Khí Hư Vô còn được gọi bằng nhiều danh từ khác nữa: Khí Hồng Mông, Khí Vô Vi, Khí Tiên Thiên, Khí Hạo nhiên.
· Phật giáo gọi Khí Hư Vô là Chơn Như.
· Lão giáo gọi khí ấy là Đạo.
· Nho giáo gọi khí ấy là Vô Cực.
b) Thái Cực:
Khí Hư Vô lần lần ngưng kết, đông tụ lại với nhau lâu đời nhiều kiếp, chừng đúng ngày giờ thì nổ ra một tiếng lớn rúng động cả không gian, sanh ra một khối Đại Linh Quang phát ra hào quang chiếu diệu.
Khối Đại Linh Quang ấy được gọi là Thái Cực, là Đại Hồn của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, tuyệt diệu tuyệt huyền, biến hóa vô cùng, nắm trọn quyền hành tạo hóa.
Vũ trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái Cực, tuyệt đối, duy nhất.
c) Lưỡng Nghi - Tứ Tượng - Bát Quái:
Ngôi Thái Cực lấy cơ thể của mình mà phân định ra Lưỡng Nghi: Nghi Âm và Nghi Dương, cũng gọi là Khí Dương quang và Khí Âm quang. Đó là hai khối năng lượng vĩ đại vô cùng tận mang hai tánh chất đối nghịch nhau, nhưng lại có ái lực với nhau.
Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế chưởng quản Khí Dương quang, còn Khí Âm quang chưa có ai chưởng quản, vì lúc bấy giờ chỉ có một mình Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế được hóa sanh ra mà thôi. Ngài liền hóa thân ra Đức Phật Mẫu và giao cho Đức Phật Mẫu chưởng quản Khí Âm quang.
Vũ trụ từ đây mới có hai Khí Dương quang và Âm quang do hai Đấng đầu tiên chưởng quản là Đức Thượng Đế và Đức Phật Mẫu. Đức Phật Mẫu chỉ là một hóa thân của Đức Thượng Đế.
Trong công cuộc sáng tạo ra CKVT, Đấng Thượng Đế làm tới đâu và cần người chưởng quản thì Ngài dùng quyền pháp vô biên của Ngài mà hóa thân ra người ấy để làm nhiệm vụ do Ngài sắp đặt.
Hai Khí Dương quang và Âm quang xoay chuyển không ngừng, đun đẩy cho rộng lớn thêm ra mãi để tạo thành Tứ Tượng. Tứ Tượng là bốn tượng: Thái Dương, Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm.
Tứ Tượng tiếp tục xoay chuyển, càng rộng ra thì tốc độ xoay chuyển càng lớn, tạo thành Bát Quái gồm: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
Bát Quái tiếp tục xoay chuyển, càng rộng thêm ra, tốc độ quay càng lúc càng lớn, để rồi đun đẩy va chạm nhau, phát sanh nhiệt độ rất lớn, hàng tỷ độ, tạo nên một áp suất vô cùng lớn, phát ra tiếng nổ dữ dội, bắn phá ra chung quanh các quả cầu lửa bay khắp không gian, quay cuồng dữ dội, tạo ra các Mặt Trời.
d) Mặt Trời - Địa Cầu - Mặt Trăng:
Các quả cầu lửa gọi là các Mặt Trời tiếp tục cháy sáng và quay tròn dữ dội, rồi bắn phá ra các quả cầu lửa nhỏ hơn, quay quanh Mặt Trời, để rồi nguội dần, tạo thành các Địa cầu. Các Địa cầu nầy là những Hành tinh của Mặt Trời.
Có những Địa cầu lớn, lúc chưa nguội, lại quay nhanh, văng ra các quả cầu nhỏ hơn nữa, rất mau nguội lạnh, tạo thành các Vệ tinh hay còn gọi là Mặt Trăng, quay quanh Địa cầu.
Tóm lại:
· Các Mặt Trăng quay quanh Địa cầu, tức là Vệ tinh quay quanh Hành tinh.
· Hệ thống Địa cầu và Mặt Trăng (Hành tinh và Vệ tinh) cùng quay chung quanh Mặt Trời.
· Hệ thống gồm Mặt Trời, các Địa cầu, các Mặt trăng được gọi là Thái Dương Hệ. Các Thái Dương Hệ đều quay quanh một Tâm điểm, gọi là Tâm của Vũ trụ.
Theo Khoa Học Thiên Văn, Thái Dương Hệ của chúng ta gồm có 9 Hành tinh quay chung quanh Mặt Trời. (Khi Hành tinh quay thì nó vẫn mang theo các Vệ tinh quay theo.)
Sau đây là thứ tự và khoảng cách của Hành tinh với Mặt Trời từ gần đến xa:
(Khoảng cách từ Mặt Trời đến Địa cầu của chúng ta là 150 triệu Kilômét, được dùng làm đơn vị Thiên văn, viết tắt đvtv, để đo khoảng cách từ các Hành tinh đến Mặt Trời: 1 đvtv = 150 triệu Km)
TT |
Hành tinh |
Khoảng cách đến mặt trời |
Đường kính |
Khối lượng riêng |
Số vệ tinh |
1 |
Thủy tinh |
0,39đvtv |
4878km |
5,4g/cm3 |
0 |
2 |
Kim tinh |
0,72đvtv |
12104km |
5,2g/cm3
|
0 |
3 |
Trái đất |
1,00đvtv |
12756km |
5,5g/cm3 |
1 |
4 |
Hỏa tinh |
1,52đvtv |
6787km |
3,9g/cm3 |
2 |
5 |
Mộc tinh |
5,20đvtv |
142984km |
1,3g/cm3 |
16 |
6 |
Thổ tinh |
9,55đvtv |
120536km |
0,7g/cm3 |
22 |
7 |
Thiên tinh |
19,21đvtv |
51118km |
1,2g/cm3 |
15 |
8 |
Hải tinh |
30,10đvtv
|
49528km
|
1,6g/cm3 |
8 |
9 |
Diêm tinh |
39,40đvtv |
2284km |
2,0g/cm3 |
1 |
2. Vũ trụ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế:
Trong khoảng không gian bao la vô cùng tận, có rất nhiều Vũ trụ được hình thành, mà Vũ trụ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chỉ là một phần tử.
Vũ trụ nầy được tượng trưng bằng Trái Càn Khôn thờ nơi Bát Quái Đài của Tòa Thánh Tây Ninh, mà Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã dạy Ngài Phối Sư Thái Bính Thanh làm, trong bài Thánh Ngôn sau đây:
TNHT. I. 45: "Bính! Thầy giao cho con lo một Trái Càn khôn, con hiểu nghĩa gì không? Cười... Một trái như Trái Đất tròn quay, hiểu không? Bề kính tâm 3 thước 3 tấc, nghe con, lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời, cung Bắc Đẩu và Tinh tú vẽ lên Càn khôn ấy.
Thầy kể Tam thập lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu, ở không không trên không khí, tức là không phải Tinh tú, còn lại Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giới đều là Tinh tú. Tính lại 3072 ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ.
Con giở sách Thiên văn tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc Đẩu, con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc Đẩu, vẽ con Mắt Thầy, hiểu chăng?
Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai, đút trong một ngọn đèn cho nó thường sáng. Ấy là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại CKTG đó, nhưng mà làm chẳng kịp thì con tùy tiện làm thế nào cho kịp Đại Hội, nghe à!"
Theo bài Thánh Ngôn trên đây, Vũ trụ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế gồm có hai phần:
· Phần Vô hình và
· Phần Hữu hình.
- Phần Vô hình gồm: Tam thập lục Thiên (36 từng Trời) và Tứ Đại Bộ Châu (4 Bộ Châu lớn) ở không không trên thượng từng không khí. (Xem chi tiết nơi phần sau)
- Phần Hữu hình gồm: Thất thập nhị Địa (72 quả Địa cầu) và Tam thiên Thế giới (3000 Thế giới), tổng cộng là 3072 ngôi sao. (Bởi vì khi chúng ta nhìn lên bầu trời thấy các Hành tinh, Vệ tinh và các Thế giới đều là những ngôi sao)
Địa cầu mà nhơn loại chúng ta đang ở là Địa cầu số 68 trong Thất thập nhị Địa.
Mặt khác, các nhà Thiên Văn học trên Thế giới đã dùng các Viễn vọng kính, kính Thiên Văn quang phổ,.... đã tìm thấy được hàng tỷ ngôi sao ở trong nhiều dãy Thiên hà.
Vậy, Vũ trụ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chỉ có 3072 ngôi sao thì quả là rất bé nhỏ so với những gì mà khoa Thiên Văn khám phá được.
Như thế, bên ngoài Vũ trụ của chúng ta còn có biết bao Vũ trụ khác, có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn Vũ trụ của chúng ta.
3. Vũ trụ có Vô thỉ Vô chung không?
Vô thỉ hay Vô thủy là không có chỗ bắt đầu, tức là không có nguồn gốc. Vô chung là không có chỗ tận cùng.
Vũ trụ là một thực thể nên cũng phải nằm trong định luật Sanh Tử, tức là: Thành, Trụ, Hoại, Không, giống y như các thực thể khác. Hễ có Sanh ra ắt phải có lúc Tử, để rồi sau đó được tái tạo tức Sanh ra trở lại, rồi sau một thời gian thì bị hủy diệt, và cứ thế tiếp diễn mãi trên con đường tiến hóa vô cùng tận. Nhưng trong khoảng thời gian từ lúc Sanh ra cho đến lúc bị Hủy diệt, lâu hay mau là tùy theo thực thể.
Đối với một Vũ trụ thì khoảng thời gian ấy rất dài, có thể đến hằng tỷ năm, khó có thể tưởng tượng nổi, nên mới có nhiều người cho rằng Vũ trụ nầy là Vô thỉ Vô chung.
Thật ra, như trong phần trình bày trên, Vũ trụ có khởi đầu, và mức khởi đầu đó là Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, tức là Thái Cực, bởi vì chính Đấng Thượng Đế ấy đã tạo hóa ra CKVT và vạn vật hiện hữu.
Lại hỏi: Ai sanh ra Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế?
Đáp: Khí Hư Vô sanh ra Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Đến đây, sự tìm hiểu của chúng ta phải dừng lại, bởi vì nếu tiếp tục hỏi nữa thì không còn cách nào giải đáp được.
Chúng ta, cả Vũ trụ của chúng ta đang trên đường tiến hóa, tiến hóa mãi cho đến vô tận vô biên, chớ không phải chúng ta đi trên con đường tròn, không có điểm đầu tiên và điểm cuối cùng, vì đi trên vòng tròn thì không phải là tiến hóa, mà chỉ là sự biến hóa theo một chu kỳ nhứt định.
Sự khác nhau ở chỗ Tiến hóa chớ không phải Biến hóa.
* SỰ HỦY DIỆT VŨ TRỤ:
Trong Vũ trụ, ánh sáng phát ra từ các Mặt Trời do các phản ứng nhiệt hạch của vật chất trong Mặt Trời bức xạ ra ngoài. Ánh sáng nầy sưởi ấm các Hành tinh, được các Hành tinh và Vệ tinh chung quanh hấp thụ, tạo ra các phản ứng sinh hóa duy trì sự sống.
Sự phát ánh sáng liên tục của Mặt Trời làm khối lượng Mặt Trời giảm dần theo thời gian, đến một lúc nào đó, hàng tỷ năm sau, Mặt Trời cũng phải tắt. Nhiệt độ trong Thái Dương Hệ sẽ giảm xuống rất nhanh, đến Không độ tuyệt đối (0o K) tức là 273 độ dưới Không độ bách phân. (0o K = - 273o C)
Các Thái Dương Hệ khác cũng ở trường hợp tương tự, sẽ lần lần tắt hẳn. Cả bầu Vũ trụ chìm trong cảnh vô cùng tối tăm và lạnh lẽo, nhiệt độ hạ xuống rất nhanh, tất cả sinh vật đều chết hết, và vật chất đông lại thành những khối cứng.
Đó là một cuộc Đại Tận Thế của Vũ trụ. Nó nằm trong định luật tự nhiên, hễ có sanh ra thì ắt phải có lúc bị hủy diệt.
Sau khi nó bị hủy diệt thì nó lại bắt đầu hình thành một Vũ trụ mới, đó là sự tái tạo Vũ trụ.
Đời sống của một Vũ trụ rất lâu dài, kể từ lúc nó được hình thành cho đến khi nó bị hủy diệt, kéo dài đến hàng nhiều tỷ năm, trong lúc đó, đời sống của một đời người nơi cõi trần lấy 100 năm làm kỳ hạn thì chẳng đáng kể gì.
* SỰ TÁI TẠO VŨ TRỤ:
Khi các Mặt Trời của Vũ trụ tắt hẳn, nhiệt độ hạ xuống đến Không độ tuyệt đối hay thấp hơn nữa, làm cho trường hấp dẫn vạn vật giữa các hệ thống vật chất tăng lên gấp nhiều lần, khiến chúng hút nhau rất mạnh.
Các Vệ tinh bị hút rơi vào Hành tinh, các Hành tinh bị hút mạnh rơi vào Mặt Trời, các Mặt Trời đã tắt bị hút mạnh rơi vào Tâm Vũ trụ. Càng đến gần, lực hút trở nên rất mạnh, làm cho vận tốc rơi càng lúc càng tăng, lớn đến mức khủng khiếp, bằng vận tốc của ánh sáng (300 ngàn cây số trong 1 giây). Các Hệ thống va chạm vào nhau vô cùng mãnh liệt, tạo ra một sức nóng khủng khiếp, nhiệt độ tại trung tâm vũ trụ lên đến hằng tỷ độ, mọi thứ vật chất đều bốc thành hơi tức là biến thành chất khí, chúng quay cuồng hỗn độn, tạo ra một áp suất vô cùng lớn, đến một lúc nào đó thì gây ra tiếng nổ ghê gớm, làm bắn phá từ trung tâm vũ trụ ra chung quanh những quả cầu lửa to lớn, để tạo thành các Mặt Trời mới. Các Mặt Trời mới lại tiếp tục bắn phá ra chung quanh, tạo ra
các Hành tinh mới quay quanh Mặt Trời mới. Các Hành tinh lớn lại bắn phá ra tạo nên các Vệ tinh quay quanh Hành tinh.
Thế là một Vũ trụ mới được thành hình và bắt đầu hoạt động trong một vận hội tiến hóa mới, với một đời sống mới.
Các Vệ tinh có kích thước nhỏ nên nguội trước, kế đó là các Hành tinh nguội dần, vật chất bên ngoài đông tụ lại thành lớp vỏ cứng bao bọc hành tinh. Khi nhiệt độ hạ xuống đến mức thích hợp, hơi nước bao quanh hành tinh tạo ra các trận mưa dữ dội, nước rơi xuống thành sông ngòi và chảy vào những chỗ trũng thấp tạo thành biển.
Trên Hành tinh Địa cầu, khi có nước và ánh sáng Mặt Trời rọi đến thì xuất hiện sự sống, các sinh vật bắt đầu nảy sanh. Đầu tiên là các sinh vật đơn giản chỉ có một tế bào xuất hiện trong nước, lần lần tiến hóa lên cấp cao hơn và phức tạp hơn, theo định luật Tiến hóa của Vũ trụ: Vật chất Kim thạch tiến hóa lên loài Thảo mộc, Thảo mộc tiến hóa lên Thú cầm, Thú cầm tiến hóa lên Nhơn loại. Nhơn loại lo tu, giúp người giúp đời, lần lần tiến hóa lên các phẩm Thần Thánh Tiên Phật.
Tóm lại, Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài quan niệm rằng Vũ trụ không phải là Vô thỉ, vì nó có khởi đầu. Điểm khởi đầu đó là Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì Đấng ấy đã tạo dựng ra CKVT và vạn vật.
Vũ trụ cũng không phải là Vô chung (không có mức cuối cùng), vì Vũ trụ có lúc tự hủy diệt và mức cuối cùng của nó là cuộc Đại Tận Thế, để rồi sau đó lại khởi đầu hình thành một Vũ trụ mới tiến hóa hơn, và cứ thế tiếp diễn mãi trên con đường Tiến hóa vô cùng tận.
4. Các Vũ trụ khác:
Vũ trụ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế mà chúng ta đang ở đây chỉ gồm có 3072 ngôi sao. Bên ngoài Vũ trụ nầy còn có rất nhiều Vũ trụ khác nữa, đang biến chuyển không ngừng trong khoảng không gian bao la vô cùng rộng lớn.
Những Vũ trụ chung quanh, có những Vũ trụ to lớn hơn, có những Vũ trụ nhỏ bé hơn, có những Vũ trụ đang hoạt động như của chúng ta, có những Vũ trụ đang trong thời kỳ hủy diệt, cũng có những Vũ trụ đang trong thời kỳ tái tạo.
Tất cả những Vũ trụ nầy như là những tế bào trong vô lượng tế bào trong một Siêu Đại Vũ trụ vô tận vô biên, không thể hiểu biết hết được.
Mỗi Vũ trụ đều có một Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế tạo ra và ngự trị, cầm quyền vô vi, vận hành và tiến hóa không bao giờ ngừng nghỉ.
5. Giải thích Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài theo Khoa học Nguyên tử:
a) Quang tử - Âm điện tử - Dương điện tử:
Quang tử, tên khoa học gọi là Photon, là hạt ánh sáng. Hạt nầy không có khối lượng, truyền đi theo dạng sóng (gọi là sóng ánh sáng) với vận tốc rất nhanh: 300 ngàn cây số trong một giây (300.000 Km/giây)
Thái Cực là một khối năng lượng vĩ đại dưới dạng ánh sáng, gồm vô số Quang tử. Các Quang tử nầy được Thái Cực bắn ra chung quanh thành những tia sáng. Trong một lúc nào đó, các tia sáng kết hợp thành từng bó sóng ánh sáng, để rồi kết hợp và ngưng tụ lại, biến đổi năng lượng ánh sáng thành khối lượng vật chất, dưới dạng các hạt có mang điện tích: điện tích Âm và điện tích Dương.
Sự ngưng kết để biến đổi năng lượng ánh sáng (biểu thị bằng chữ E: Énergie) thành vật chất có khối lượng là m (Masse), với vận tốc ánh sáng là C = 300.000 Km/giây, theo công thức của nhà Bác học Einstein:
E = mC2
Âm Điện tử: Hạt vật chất nhỏ có mang điện tích âm được gọi là Âm Điện tử, tên khoa học là Électron, viết tắt là e, có khối lượng và điện tích đo được là:
· Khối lượng = 0,9. 10-27 gram.
· Điện tích = - 1,6. 10-19 coulomb.
Dương Điện tử: Hạt vật chất có mang điện tích dương gọi là Dương Điện tử, tên khoa học là Proton, viết tắt là p, có khối lượng và điện tích đo được là:
· Khối lượng = 1840 lần khối lượng của e.
· Điện tích = + 1,6. 10-19 -19 coulomb.
Như vậy, từ Quang tử Photon, đã tạo ra được 2 loại vật chất có dạng hạt: Électron và Proton mang điện tích Âm và điện tích Dương, có trị số ngang bằng nhau, nhưng khác dấu.
Chúng ta so sánh thì thấy rằng:
· Thái Cực là một khối Quang tử (Photon) vĩ đại.
· Lưỡng Nghi Âm quang và Dương quang là 2 khối Âm Điện tử (Électron) và Dương Điện tử (Proton).
Đấng Thượng Đế phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi chính là sự ngưng kết của các bó sóng ánh sáng, biến năng lượng ánh sáng thành vật chất là Âm Điện tử và Dương Điện tử.
b) Trung hòa tử và Nguyên tử Khinh khí:
Âm Điện tử và Dương Điện tử đã thành hình rồi thì chúng kết hợp với nhau do sức hút của điện âm và điện dương theo 2 trường hợp: Tĩnh và Động, để tạo ra 2 loại vật chất mới là: Trung hòa tử (Neutron, viết tắt là n) và Nguyên tử Khinh khí (Hydrogène, ký hiệu là H) theo 2 phương trình:
Kết hợp theo dạng tĩnh:
Trung hòa tử (Neutron) là hạt không mang điện.
Kết hợp theo dạng động:
Dương Điện tử nặng và to lớn hơn Âm Điện tử rất nhiều nên nó làm cái Nhân bên trong, còn Âm Điện tử nhẹ mình nên quay tròn chung quanh Nhân, tạo thành một Nguyên tử Khinh Khí Hydrogène H:
Đến giai đoạn nầy, ta có 4 loại hạt vật chất: 2 hạt cơ bản là Âm Điện tử (e) và Dương Điện tử (p), và 2 loại hạt mới là Trung hòa tử (n) và Nguyên tử Khinh khí (H).
Đây chính là Tứ Tượng do Lưỡng Nghi tạo ra:
· Électron (e) là Thái Âm.
· Proton (p) là Thái Dương.
· Neuton (n) là Thiếu Dương.
· Hydrogène (H) là Thiếu Âm.
c) 8 Nguyên tử đầu tiên:
Ba loại hạt nhỏ (vi tử): e, p, n luôn luôn xoay chuyển tiếp tục kết hợp với nhau, lần lượt từ ít đến nhiều, để tạo thành 8 Nguyên tử đầu tiên đứng đầu Bảng Phân loại Tuần hoàn các Nguyên tố.
Các Proton (p) và Neutron (n) nặng hơn Électron (e) rất nhiều nên làm Nhân nguyên tử, còn Électron (e) thì nhẹ nên quay chung quanh Nhân. Hễ trong Nhân có bao nhiêu Proton p thì bên ngoài cũng phải có bấy nhiêu Électron e để cho điện tích của Nguyên tử luôn luôn được trung hòa. Số Neutron n trong Nhân thì có số lượng tăng dần.
8 Nguyên tử đầu tiên được tạo thành, đánh số thứ tự từ 0 đến 7, có tên, ký hiệu và cơ cấu sau đây:
0. |
Hélium, |
ký hiệu |
He |
gồm có: |
2e 2p 2n |
1. |
Lithium, |
ký hiệu |
Li
|
gồm có: |
3e 3p 4n |
2. |
Bérylium, |
ký hiệu |
Be |
gồm có: |
4e 4p 5n |
3. |
Bohr, |
ký hiệu |
B |
gồm có: |
5e 5p 6n |
4. |
Carbone, |
ký hiệu |
C |
gồm có: |
6e 6p 6n |
5. |
Nitrogène, |
ký hiệu |
N |
gồm có: |
7e 7p 7n |
6. |
Oxygène, |
ký hiệu |
O |
gồm có: |
8e 8p 8n |
7. |
Fluor, |
ký hiệu |
F |
gồm có: |
9e 9p 10n |
Xem như thế, 8 Nguyên tử tạo thành đầu tiên chính là Bát Quái, do Tứ Tượng biến sanh, và được so sánh như sau:
CHẤN |
CÀN
|
ĐOÀI
|
LY
|
TỐN
|
KHẢM
|
CẤN
|
KHÔN |
He
|
Li
|
Be
|
B
|
C
|
N
|
O
|
F |
Càn có tính thuần Dương, đối chiếu với nguyên tử Lithium (Li) có tính dương điện mạnh nhứt.
Khôn có tính thuần Âm, nên đối chiếu với nguyên tử Fluor (F) có tính âm điện mạnh nhứt.
d) Các Nguyên tử khác trong Bảng Phân loại Tuần hoàn:
Sau khi đã tạo thành 8 Nguyên tử đầu tiên, các vi tử e, p, n tiếp tục kết hợp với nhau với số lượng càng lúc càng nhiều, càng lúc càng phức tạp để tạo thành một loạt các nguyên tử to lớn hơn, có tính chất đại cương gần giống như tính chất của 8 nguyên tử đầu tiên, tạo thành 8 nhóm nguyên tử, đánh số từ 0 đến 7, kể ra sau đây:
Tên nhóm: |
0 |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 nguyên tử đầu: |
He |
Li |
Be |
B |
C |
N |
O |
F |
|
Ne |
Na |
Mg |
Al |
Si |
P |
S |
Cl |
|
Ar |
K |
Ca |
Ga |
Ge |
As |
Se |
Br |
|
Kr |
Rb |
Sr |
In |
Sn |
Sb |
Te |
I |
|
Xe |
Cs |
Ba |
Tl |
Pb |
Bi |
Po |
At |
|
...................... vv...................... |
Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra được 105 loại nguyên tử khác nhau nằm trong 8 nhóm kể trên. Ngoài ra, mỗi nhóm còn có một nhóm phụ mà các nguyên tử có cấu tạo phức tạp, không tiện kể ra đây.
Số 105 loại nguyên tử nầy kết hợp lại với nhau, tùy theo chất, để tạo thành các Đơn chất, và các Hợp chất, từ đơn giản đến phức tạp. Các Đơn chất và các Hợp chất tạo thành hệ thống vật chất trong CKVT với muôn hình muôn vẻ với muôn màu sắc phong phú khác nhau.
8 nguyên tử tạo thành đầu tiên ấy tương ứng Bát Quái, vận chuyển và biến hóa vô cùng để tạo ra CKVT và vạn vật.
e) Sự hình thành Vũ trụ:
Thái Cực là trung tâm của Vũ trụ. Thái Cực phát ra các tia sáng mang theo Quang tử truyền đi rất xa, với vận tốc 300.000 Km/giây. Đến một lúc nào đó, các Quang tử ngưng kết tạo thành các Âm điện tử. Nơi đó là giới hạn của Vũ trụ, và các Âm điện tử được tạo ra càng lúc càng nhiều, làm thành như những đám mây vĩ đại, đó là Khí Âm quang.
Mặt khác, các Quang tử từ Thái Cực phát ra cũng ngưng kết thành các Dương điện tử (Proton), và các Dương điện tử tạo thành những đám mây vĩ đại Dương điện tử. Đó là Khí Dương quang.
Các Dương điện tử có khối lượng rất lớn so với Âm điện tử, nên nó hút các Âm điện tử theo 2 lực: Lực hấp dẫn vạn vật và lực điện trường. Lúc ban đầu lực hút nầy không lớn lắm vì khoảng cách còn xa, nhưng khi khoảng cách càng gần thì lực hút trở nên rất mạnh (vì lực hút tỉ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách). Các Âm điện tử bị hút thật mạnh vào tâm vũ trụ, va chạm mãnh liệt với các Dương điện tử trong một trạng thái xoay chuyển cực kỳ mãnh liệt, một mặt kết hợp để tạo ra các phân tử đơn chất và hợp chất, một mặt tạo ra sức nóng dữ dội càng lúc càng tăng, dần dần nhiệt độ lên tới hàng tỷ độ, sanh ra một áp suất cực lớn, gây ra một vụ nổ ghê gớm, xoay tròn bắn phá ra các quả cầu lửa lớn làm thành Mặt Trời.
Các khối cầu lửa lớn nầy tiếp tục quay tròn, bắn phá ra các quả cầu lửa nhỏ hơn tạo thành các Hành tinh. Các Hành tinh lớn lại tiếp tục bắn phá để tạo thành các Vệ tinh.
Vệ tinh và Hành tinh nguội dần, tạo ra lớp vỏ bao bọc bên ngoài. Khi nguội đến một nhiệt độ thích hợp thì lớp hơi nước bao phủ Hành tinh tạo thành các đám mưa rơi xuống chảy thành sông và biển.
Khi đã có nước và ánh sáng Mặt Trời, sinh vật bắt đầu xuất hiện, từ đơn giản lần lần đến phức tạp. Loài rong rêu xuất hiện trước nhứt, tiến hóa dần thành Thảo mộc, Thảo mộc tiến hóa thành Thú cầm, và sau cùng bực Thú cầm cao cấp tiến hóa thành Nhơn loại.
6. Địa vị của Địa cầu chúng ta trong CKVT:
Vũ trụ Hữu hình gồm có: Tam thiên Thế giới (3000 Thế giới ) và Thất thập nhị Địa (72 Địa cầu).
Tam thiên Thế giới thanh nhẹ hơn Thất thập nhị Địa, nên chiếm phần trên của Vũ trụ, Thất thập nhị Địa trọng trược hơn nên ở phần dưới của Vũ trụ.
Trong Tam thiên Thế giới cũng như trong Thất thập nhị Địa, các quả tinh cầu thanh nhẹ thì ở bên trên, các quả nặng trược thì ở bên dưới. Càng lên cao thì càng thanh nhẹ trong sáng, và càng xuống thấp thì càng nặng trược tối tăm.
Các Địa cầu trong dãy Thất thập nhị Địa được đánh số từ 1 đến 72, số 1 thì thanh nhẹ nhứt và số 72 thì nặng trược nhứt. Điạ cầu của nhơn loại chúng ta là Địa cầu số 68.
Phía dưới Địa cầu 68 của chúng ta có 4 quả Địa cầu: 69, 70, 71, và 72 rất trọng trược, chìm đắm trong cảnh tối tăm nên được gọi là U Minh Địa. Trình độ tiến hóa của 4 Địa cầu nầy còn rất kém so với Địa cầu 68 của chúng ta.
Nhưng trình dộ tiến hóa của Địa cầu 68 lại kém xa so với Địa cầu 67. Càng đi lên thì càng tiến hóa.
"Đứng bực Đế Vương nơi trái Địa cầu 68 nầy, chưa đặng vào bực chót của Địa cầu 67. Trong Địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi Địa cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Đệ nhứt cầu (Địa cầu số 1), Tam thiên thế giới..." (TNHT. I. 74)
Sự tiến hóa đi hết dãy Thất thập nhị Địa thì bước lên Tam thiên Thế giới và cũng tiến hóa dần từ thấp lên cao.
Địa cầu 68 của chúng ta chỉ có 1 phần thanh, mà lại có 2 phần trược, nên Phật giáo gọi Địa cầu 68 là cõi Ta-bà, vì cõi nầy có nhiều ác trược, người tu phải nhẫn nhịn tối đa, nhưng nếu tu hành được thì rất mau đắc quả.
Trong Vô Lượng Thọ Kinh, Đức Phật nói rằng: "Ở cõi Ta-bà nầy mà làm lành một ngày đêm, hơn làm lành một trăm năm nơi cõi của Phật A-Di-Đà. Tại sao vậy? Vì cõi của Phật A-Di-Đà là vô vi tự nhiên, chứa đủ sự lành, không có một sự dữ nào dù nhỏ xíu như mảy lông sợi tóc."
Phần VÔ HÌNH của VŨ TRỤ:
Như trong các phần vừa trình bày trên, phần Hữu hình của Vũ trụ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế gồm có: Bên trên là Tam thiên thế giới và bên dưới là Thất thập nhị Địa. Tổng cộng có tất cả 3072 ngôi sao.
Vũ trụ Hữu hình được tượng trưng bằng Trái Càn khôn thờ nơi Bát Quái Đài của Tòa Thánh Tây Ninh.
Sự xoay chuyển của Tam thiên thế giới và Thất thập nhị Địa luôn luôn được đều hòa, không ngừng nghỉ, cái lên cái xuống, cái qua cái lại, không bao giờ va chạm nhau. Có được như thế là do sự điều khiển của các Đấng thiêng liêng vô hình.
Các tinh cầu và các quả Địa cầu luôn luôn được Đấng Thượng Đế ban cho Thần lực (tức là năng lượng thiêng liêng) vừa đủ để giúp cho sự chuyển động của chúng nó luôn luôn duy trì điều hòa, ổn định và không ngừng nghỉ.
Cũng giống như một cái đồng hồ điện tử, cục pin nhỏ cung cấp năng lượng điện cho nó chạy đều hòa và không ngừng nghỉ. Nếu pin còn điện quá yếu hay hết điện thì năng lượng không đủ cung cấp cho đồng hồ thì đồng hồ phải chạy chậm lại hay ngừng hẳn. Cho nên, nếu Đấng Thượng Đế cung cấp Thần lực cho các tinh cầu và các Địa cầu một cách không đều hòa và liên tục thì các quả cầu ấy sẽ chuyển động rối loạn hay ngừng quay, đó cũng là một cuộc Đại hủy diệt vậy.
Để điều khiển các sự vận chuyển của các tinh cầu và Địa cầu, cũng như điều khiển cuộc tiến hóa của cả Càn khôn, Đức Thượng Đế phải lập ra một guồng máy vô hình, gồm nhiều cơ quan là các từng Trời và các Đấng Thần Thánh Tiên Phật để giúp tay cho Đức Thượng Đế.
Phần Vô hình của CKVT không thể thấy được mà chúng ta biết được là do Đức Thượng Đế giảng dạy, gồm có:
· Tam thập lục Thiên.
· Thập nhị Thiên và Cửu Trùng Thiên.
· Tứ Đại Bộ Châu.
1. Tam thập lục Thiên:
Tam thập lục Thiên là 36 từng Trời.
Ngôi Thái Cực ở tại Bạch Ngọc Kinh, nơi ấy là trung tâm của Càn khôn Vũ trụ. Thái Cực biến hóa ra Lưỡng Nghi: Âm quang và Dương quang. Thái Cực và Lưỡng Nghi hiệp lại thành Ba Ngôi Trời, gọi là Tam Thiên Vị, chiếm 3 từng Trời tại trung tâm của Vũ trụ.
Dưới Tam Thiên Vị là 33 từng Trời (Tam thập tam Thiên). Nhập chung lại thì đủ 36 từng Trời.
Nơi Tam thập lục Thiên là ngôi vị của chư Thần Thánh Tiên Phật.
2. Thập nhị Thiên - Cửu Trùng Thiên:
Thập nhị Thiên là 12 từng Trời.
Cửu Trùng Thiên là 9 từng Trời.
Cửu Trùng Thiên nằm trong Thập nhị Thiên.
Dưới Tam thập lục Thiên là Thập nhị Thiên.
Trong Thập nhị Thiên, bên trên có 3 từng Trời, kể ra:
· Hỗn Nguơn Thiên, do Đức Phật Di-Lạc chưởng quản.
· Hội Nguơn Thiên, cũng do Đức Phật Di-Lạc chưởng quản.
· Hư Vô Thiên, do Đức Phật Nhiên Đăng chưởng quản.
Trong từng Trời Hư Vô Thiên có Ngọc Hư Cung, là nơi họp triều đình của Đức Chí Tôn, để điều hành toàn cả các hoạt động trong CKVT. Các Đấng Thần Thánh Tiên Phật họp Đại Hội tại Ngọc Hư Cung để lập Thiên Điều cai quản CKVT.
Dưới 3 từng Trời nầy là Cửu Trùng Thiên, kể ra:
· Từng Trời thứ 9 - Tạo Hóa Thiên, do Đức Phật Mẫu chưởng quản.
· Từng Trời thứ 8 - Phi Tưởng Thiên, do Đức Từ Hàng Bồ Tát chưởng quản.
· Từng Trời thứ 7 - Hạo Nhiên Thiên, do Đức Chuẩn Đề Bồ Tát và Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưởng quản.
· Từng Trời thứ 6: Kim Thiên,
· Từng Trời thứ 5: Xích Thiên,
· Từng Trời thứ 4: Huỳnh Thiên,
· Từng Trời thứ 3: Thanh Thiên,
· Từng Trời thứ 2 có Vườn Đào Tiên,
· Từng Trời thứ 1 có Vườn Ngạn Uyển.
Thập nhị Thiên là nơi làm việc của các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, điều hành tất cả các hoạt động của CKVT và sự tiến hóa của Vạn linh.
3. Tứ Đại Bộ Châu:
Có hai Tứ Đại Bộ Châu: Thượng và Hạ.
· Tứ Đại Bộ Châu phía trên cai quản Tam thiên thế giới, gọi là Tứ Đại Bộ Châu Thượng, gồm:
o Bắc Đại Bộ Châu
o Đông Đại Bộ Châu
o Nam Đại Bộ Châu
o Tây Đại Bộ Châu.
· Tứ Đại Bộ Châu bên dưới cai quản Thất thập nhị Địa, gọi là Tứ Đại Bộ Châu Hạ, gồm:
o Bắc Câu Lư Châu
o Đông Thắng Thần Châu
o Nam Thiệm Bộ Châu
o Tây Ngưu Hóa Châu.
Địa cầu 68 của chúng ta ở trong Nam Thiệm Bộ Châu.
Tổng Kết về Vũ Trụ Quan:
Vũ trụ của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế gồm có hai phần: Hữu Hình và Vô Hình.
Phần Vô hình rất quan trọng vì nó điều khiển toàn bộ các hoạt động của Phần Hữu hình.
Phần Vô hình ở tại vùng Trung tâm của Vũ trụ.
Phần Hữu hình nằm bên ngoài Phần Vô hình, và luôn luôn có chuyển động xoay tròn đều hòa và liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ.
Phần Vô hình gồm: Tam thập lục Thiên (36 Từng Trời), Thập nhị Thiên (12 Từng Trời), và hai Tứ Đại Bộ Châu Thượng và Hạ.
Phần Hữu hình gồm 3072 ngôi sao, chia ra: Tam thiên Thế giới (3000 Thế giới) ở bên trên và Thất thập nhị Địa (72 Địa cầu) ở bên dưới.
Trong khoảng không gian bao la không cùng tận, Càn khôn Vũ trụ của Đức Chí Tôn là một khối cầu vĩ đại, trong đó có chứa 3072 ngôi sao.
Để có thể hình dung được các thành phần của Vũ trụ nầy, chúng ta tưởng tượng và so sánh với cái hột gà:
· Cái ngòi ở giữa tròng đỏ hột gà là Trung tâm Vũ trụ.
· Phần tròng đỏ hột gà là Phần Vô hình của Vũ trụ.
· Phần tròng trắng hột gà là Phần Hữu hình của Vũ trụ.
· Vỏ của hột gà là biên giới của Vũ trụ.
Sau đây là Bảng Tóm tắt cơ cấu thành phần của Càn khôn Vũ trụ của Đức Chí Tôn, kể từ Trung tâm Vũ trụ ra đến bên ngoài, biên của Vũ trụ:
|
1. TAM THẬP LỤC THIÊN |
|
● Tam Thiên Vị
● 33 Từng Trời. |
|
|
2. THẬP NHỊ THIÊN |
|
● Hỗn Nguơn Thiên
● Hội Nguơn Thiên
● Hư Vô Thiên
● Cửu Trùng Thiên
(9 Từng Trời) |
|
|
3. TỨ ĐẠI BỘ CHÂU THƯỢNG |
Bắc
Đại
Bộ
Châu |
Đông
Đại
Bộ
Châu |
Nam
Đại
Bộ
Châu |
Tây
Đại
Bộ
Châu |
4. TAM THIÊN THẾ GIỚI |
O
O |
O
O |
O
O |
O
O |
5. TỨ ĐẠI BỘ CHÂU HẠ |
Bắc
Câu
Lư
Châu |
Đông
Thắng
Thần
Châu |
Nam
Thiệm
Bộ
Châu |
Tây
Ngưu
Hóa
Châu |
6. THẤT THẬP NHỊ ĐỊA |
O
O |
O
O |
O
O |
O
O |
|
|
Địa cầu 68 |
|
|
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CKTG: Càn Khôn Thế giới.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
VONG
VONG
1. VONG: 亡 Mất, chết.
Td: Vong hồn, Vong phàm.
2. VONG: 忘 Quên.
Td: Vong ân, Vong kỷ.
Vong ân bội nghĩa
忘恩背義
A: Ungrateful.
P: Ingrat.
Vong: Quên. Ân: ơn. Bội: làm trái lại, phản lại. Nghĩa: cách cư xử đúng theo lẽ phải và đạo lý.
Vong ân bội nghĩa là quên ơn phụ nghĩa.
Vong bản (Vong bổn)
忘本
A: To forget one's origine.
P: Oublier son origine.
Vong: Quên. Bản: Bổn: gốc, nguồn cội.
Vong bản hay Vong bổn là quên nguồn gốc, quên tổ tiên của mình.
Vong hồn - Vong linh
亡魂 - 亡靈
A: Soul of dead person.
P: L'âme du mort.
Vong: Mất, chết. Hồn: linh hồn. Linh: linh hồn.
Vong hồn, đồng nghĩa với Vong linh, là linh hồn của người chết.
KGO: Vòng xây chuyển vong hồn tấn hóa.
KGO: Kinh Giải Oan.
Vong kỷ vị tha
忘己為他
Vong: Quên. Kỷ: mình. Vị: vì. Tha: người khác.
Vong kỷ vị tha là quên mình vì người.
Muốn phụng sự nhơn sanh thì phải quên mình mà vì người, coi người trọng hơn bản thân mình, thì việc phụng sự mới đúng ý nghĩa và đạt hiệu quả cao.
Vong niên
忘年
A: To forget one's age.
P: Oublier son âge.
Vong: Quên. Niên: năm, tuổi.
Vong niên là quên tuổi tác.
Bạn vong niên: hai người bạn một già một trẻ chơi thân với nhau, vì hợp ý hợp tình hợp chí, không kể tuổi tác lớn nhỏ.
Vong phàm
亡凡
A: The soul of layman.
P: L'âme du lïque.
Vong: Mất, chết. chỉ vong linh. Phàm: người thường, không tu.
Vong phàm là vong linh của người phàm.
Người phàm là người thường, không có đạo, không tu. Nhưng khi họ ý thức được cuộc đời là giả tạm, quyết lánh vòng danh lợi, nhập môn cầu đạo, gìn giữ giới luật tu hành, thì người ấy tiến lên được một bước, đứng trên bực người phàm.
TNHT: "Vong phàm, lạy 4 lạy là tại sao? là vì 2 lạy của phần người, còn 1 lạy Thiên, 1 lạy Địa."
(Hai lạy về phần người là 1 lạy Âm và 1 lạy Dương. Hai lạy về phần người là phải lạy đứng, nghĩa là đứng thẳng rồi cúi mình quì xuống và lạy, xong chống gối đứng dậy, như vậy là lạy được 1 lạy. Tiếp theo là lạy lần thứ nhì, cũng lạy như vậy. Đó là cách lạy của phái nam. Nữ phái lạy khác hơn: người nữ ngồi bẹp xuống mà lạy, không đứng như nam phái.
Còn 1 lạy Thiên và 1 lạy Địa: quì xuống, hai tay bắt Ấn Tý, lạy xuống không gật, lạy 2 lần là xong 2 lạy. Ấn Tý là ấn đặc biệt của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tượng trưng sự kết quả.)
Người Đạo hữu của Đạo Cao Đài khi chết được xem là vong phàm không?
Muốn trả lời câu hỏi nầy, chúng ta xem lại Pháp Chánh Truyền Chú Giải:
PCT CG: Còn Chánh Phối Sư và Phối Sư đối phẩm Thiên Thánh, Giáo Sư đối phẩm Nhơn Thánh, Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh, Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần, Chánh Trị Sự Phó Trị Sự và Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần, chư tín đồ đối phẩm Địa Thần. (Hay! Đức Lý Giáo Tông khen)
Chúng ta thấy rõ ràng trong PCT CG:
· Bực tín đồ tức là Đạo hữu, được đối phẩm Địa Thần.
· Chức việc Bàn Trị Sự: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự được đối phẩm với Nhơn Thần.
· Bực Lễ Sanh đối phẩm với Thiên Thần.
Đây là hồng ân đặc biệt của Đức Chí Tôn ban cho các tín đồ của Đạo Cao Đài trong Đại Ân Xá kỳ ba.
Nhưng muốn được đối phẩm như vậy thì người tín đồ Cao Đài phải làm sao? Đáp: - Người tín đồ phải giữ tròn lời Minh Thệ của mình với Đức Chí Tôn, phải làm tròn bổn phận và nhiệm vụ của mình, tức là tuân hành đúng theo Tân Luật (gồm Đạo luật và Thế luật), và các luật lệ của Hội Thánh.
Nếu người tín đồ Cao Đài ăn chay không đủ 10 ngày trong một tháng, không đến Thánh Thất chầu lễ Đức Chí Tôn trong những ngày sóc vọng, không lập Thiên bàn tại tư gia, hay có lập Thiên bàn mà bỏ bê bụi bặm không cúng kiếng, không lo làm công quả, không học kinh kệ và học đạo, v.v... thì những người tín đồ nầy không hưởng được hồng ân của Đức Chí Tôn, tức là không được đối phẩm như qui định trong PCT, nên khi chết thì kể là Vong phàm.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
PCT CG: Pháp Chánh Truyền Chú Giải.
PCT: Pháp Chánh Truyền.
Vong phế
忘廢
A: Abandoned.
P: Abandonné.
Vong: Quên. Phế: Bỏ.
Vong phế hay Phế vong là phế bỏ và quên đi.
Vong xu
忘軀
A: To forget one's body.
P: Oublier son corps.
Vong: Quên. Xu: thường đọc là Khu: thân mình.
Vong xu là quên cái tấm thân của mình.
Vì quên tấm thân mình nên cũng quên cả linh hồn mình, thường đưa mình vào nơi trụy lạc ăn chơi, quên hết chức năng cao quí của một con người trong CKVT, uổng một kiếp sanh.
(Xem chữ:Vị quốc vong xu).
TNHT: |
Vong xu trọn cả một càn khôn,
Hết kiếp thịt xương tới kiếp hồn.
Ngảnh lại hỏi người là đó chắc,
Trăm năm là tuổi, chết rồi chôn. |
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
VÒNG
VÒNG
1. VÒNG: Cái vòng tròn.
Td: Vòng minh khí.
2. VÒNG: Phạm vị rộng lớn có giới hạn.
Td: Vòng ly khổ, Vòng trần.
Vòng ly khổ
A: The pained world.
P: Le monde douloureux.
Vòng: Phạm vị rộng lớn có giới hạn. Ly: chia lìa. Khổ: khổ sở.
Vòng ly khổ là phạm vi mà trong đó gặp nhiều cảnh chia lìa đau khổ.
TNHT: Đem rưới giọt nhành dương cứu thoát nhơn sanh khỏi vòng ly khổ.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vòng minh khí
A: Mystic circle.
P: Le cercle mystique.
Vòng: Cái vòng tròn. Minh: sáng. Khí: chất khí.
Vòng minh khí là cái vòng khí sáng hình tròn bao quanh Thiên Nhãn.
Muốn vẽ Vòng minh khí thì vẽ một vòng tròn màu trắng có các tia sáng túa ra chung quanh.
CG PCT: Ngay trước trán có thêu Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng minh khí.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Vòng trần
A: The world.
P: Le monde.
Vòng: Phạm vị rộng lớn có giới hạn. Trần: bụi, chỉ cõi trần.
Vòng trần là phạm vi trong đó là bụi bặm. Ý nói: cõi trần, cõi của nhơn loại.
TNHT: Vòng trần chìm nổi từ đây dứt.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vòng xây chuyển
A: The wheel of reincarnation.
P: La roue de réincarnation.
Vòng: Cái vòng tròn. Xây: Xoay, quay. Chuyển: chuyển động.
Vòng xây chuyển là chỉ bánh xe luân hồi, luôn luôn chuyển động quay tròn. (Xem chữ: Luân hồi, vần L)
KGO: Vòng xây chuyển vong hồn tấn hóa.
KGO: Kinh Giải Oan.
VỌNG
VỌNG
1. VỌNG: 妄 Viễn vông, hư giả, càn bậy.
Td: Vọng chấp, Vọng ngữ, Vọng niệm.
2. VỌNG: 望 - Trông xa, mong mỏi, ngưỡng mộ. - Ngày rằm âm lịch.
Td: Vọng bái, Vọng động, Vọng nhựt.
Vọng bái
望拜
A: To prostrate oneself from far away.
P: Se prosterner de loin.
Vọng: Trông xa, mong mỏi, ngưỡng mộ. Bái: lạy.
Vọng bái là trông về phía xa mà lạy.
KCS: Đầu vọng bái Tây phương Phật Tổ.
KCS: Kinh Cầu Siêu.
Vọng cầu
妄求
A: The vain hope.
P: Le vain espoir.
Vọng: Viễn vông, hư giả, càn bậy. Cầu: tìm, xin.
Vọng cầu là cầu mong việc viễn vông.
TNHT: Nhiều bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật cam lòng thủ phận, chẳng dám vọng cầu, đem thân vào cảnh đọa.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vọng chấp
妄執
A: To hold the vainness.
P: Tenir la vanité.
Vọng: Viễn vông, hư giả, càn bậy. Chấp: giữ lấy.
Vọng chấp là khư khư giữ lấy cái hư giả mà cho là thật.
Vọng động
妄動
A: To act in vain.
P: S'agiter vainement.
Vọng: Viễn vông, hư giả, càn bậy. Động: làm, chuyển động.
Vọng động là toan tính làm chuyện hư giả, vô ích.
Tâm vọng động: Lòng dấy động lên hoài, hết toan tính làm cái nầy đến ham muốn làm cái kia.
Vọng ngữ
妄語
A: The lie.
P: Le mensonge.
Vọng: Viễn vông, hư giả, càn bậy. Ngữ: lời nói.
Vọng ngữ là nói láo, nói dối, nói không đúng sự thật.
Vọng ngữ là điều răn cấm thứ 5 trong Ngũ Giới Cấm.
TL: Ngũ bất vọng ngữ: là cấm xảo trá, láo xược, gạt gẫm người, khoe mình bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng thô tục, chửi rủa người, hủy báng tôn giáo, nói ra không giữ lời hứa.
TL: Tân Luật.
Vọng ngưỡng
望仰
A: To look up and to hope.
P: Regarder en haut et espérer.
Vọng: Trông xa, mong mỏi, ngưỡng mộ. Ngưỡng: ngửa trông với ý tôn kính.
Vọng ngưỡng hay Ngưỡng vọng là ngửa trông lên người trên với lòng mong mỏi.
TNHT: Bần đạo khuyên khá hết dạ kỉnh thành mà vọng ngưỡng nơi Đấng Chí Tôn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vọng nhựt - Sóc nhựt
望日 - 朔日
Vọng: Ngày rằm âm lịch. Nhựt: ngày. Sóc: ngày mùng 1 âm lịch.
Vọng nhựt là ngày 15 âm lịch, tức là ngày rằm.
Sóc nhựt là ngày mùng 1 âm lịch.
Vọng niệm - Chánh niệm
妄念 - 正念
A: The vain thought - The true thought.
P: La vaine pensée - La vraie pensée.
Vọng: Viễn vông, hư giả, càn bậy. Chánh: ngay thẳng. Niệm: tưởng nghĩ.
Vọng niệm là tưởng nghĩ những điều sai trái, bậy bạ.
Chánh niệm là tưởng nghĩ những điều chơn chánh.
Phần đông chúng ta, khi niệm danh hiệu của Đức Chí Tôn "Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát" hay niệm danh hiệu của Đức Phật Mẫu "Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn", hay niệm danh hiệu của một Đấng thiêng liêng, chúng ta thường cầu khẩn phò hộ chúng ta thoát qua các tai nạn đau khổ, hay gặp nhiều may mắn trong công việc làm ăn, giúp phát tài phát lộc.
Niệm như thế là chúng ta có tinh thần ỷ lại, vì nghĩ rằng các Đấng ấy có quyền pháp huyền diệu, có thể trợ giúp chúng ta. Niệm như vậy là còn mê tín, là vọng cầu tức là vọng niệm.
Khi chúng ta niệm danh hiệu Đức Chí Tôn, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta đang niệm danh hiệu của Đấng Đại Từ Phụ, Cha của linh hồn chúng ta, để cho linh hồn của chúng ta hòa nhập vào Đại hồn của Đức Chí Tôn, để cho tâm ta rung động cùng một nhịp với Tâm của Đức Chí Tôn. Niệm như thế mới gọi là Chánh niệm.
Khi ta đã biết Chánh niệm, thì dù ta không mong cầu, nhưng sự phò hộ cứu giúp của các Đấng lại hiệu quả hơn, bởi vì người Vọng niệm thì trí tuệ không sáng bằng người Chánh niệm, linh hồn người Vọng niệm yếu đuối, kém tiến hóa, chỉ biết hướng tới tha lực, chỉ thấy sức mạnh bên ngoài mà không thấy sức mạnh bên trong sẵn có của chính mình để biết vận dụng sức mạnh đó.
Cho nên, nếu chúng ta niệm để cầu sự trợ giúp (Vọng niệm) thì điển lực của chúng ta không mạnh, không sáng bằng điển lực của khi Chánh niệm, vì khi Chánh niệm, điển trong bản thể của chúng ta rung động hòa cảm vào khối điển sáng suốt của Thượng Đế.
Do đó, người Chánh niệm tự bao quanh mình một khối điển lành lớn hơn người Vọng niệm. Chính cái khối điển lành ấy sẽ che chở, hóa giải bớt các khổ nạn gặp phải do cái nghiệp xấu gây ra. Nếu cái khối điển lành đó bao quanh ấy càng lớn chừng nào thì sự che chở và hóa giải khổ nạn càng nhiều hơn. Chừng ấy, dù chúng ta không cầu xin, nhưng sự cứu giúp che chở tất nhiên nhiều hơn người Vọng niệm.
Ấy là chúng ta biết tự cứu, tự phò hộ, nhờ hiểu được Chánh niệm và biết tận dụng sức mạnh tiềm ẩn trong bản thể Tiểu Thiên Địa của chúng ta. Dĩ nhiên, khi mong cầu sự phò hộ của các Đấng thiêng liêng (Vọng niệm) thì các Đấng cũng ban rải xuống chút ít điển lành, nhưng không bằng Chánh niệm.
Sự Vọng niệm khiến chúng ta bị chậm trễ trên con đường tiến hóa, vì linh hồn chúng ta có thói quen nương tựa, ỷ lại vào tha lực, chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài, nên còn yếu đuối, trí não lâu mở sáng, nên sự tiến hóa tất nhiên trì trệ.
Tóm lại, Chánh niệm là khi niệm danh Đức Chí Tôn, ta phải thấy rằng mình là một Tiểu Thượng Đế, để điển lực của ta hòa nhập vào điển lực của Thượng Đế.
Sự Chánh niệm giúp ta mau tiến hóa trên đường Đạo, mau sáng suốt và lại được sự phù hộ và bảo vệ hữu hiệu hơn khi Vọng niệm.
Vọng tâm
妄心
Vọng: Viễn vông, hư giả, càn bậy. Tâm: cái tâm của con người.
Vọng tâm là tâm vọng động, tức là cái tâm luôn luôn lo nghĩ, hết chuyện nầy đến chuyện nọ, mơ cái nầy, tưởng cái kia.
Khi nào diệt trừ hết vọng tâm thì chơn tâm sẽ hiện ra, lúc đó sẽ có được Trí huệ Bát Nhã.
Vọng Thiên cầu Đạo
望天求道
Vọng: Trông xa, mong mỏi, ngưỡng mộ. Thiên: Trời. Cầu: xin. Đạo: tôn giáo.
Vọng Thiên cầu Đạo là ngưỡng trông lên Trời cầu xin Đấng Thượng Đế ban cho một nền Đạo để cứu giúp nhơn sanh.
Trong Đạo Sử I trang 27 của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, buổi Vọng Thiên cầu Đạo của ba Ngài: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang, diễn ra nơi sân cỏ trước nhà của Bà tại địa chỉ số 134 đường Bourdais Quận I Sài Gòn.
Diễn tiến buổi Vọng Thiên Cầu Đạo, Bà Nữ Đầu Sư thuật lại như sau:
"VỌNG THIÊN CẦU ĐẠO
Ngày 27-10-Ất Sửu (dl 12-12-1925), Bà Cửu Thiên Huyền Nữ giáng mách bảo rằng: Mùng 1 nầy, tam vị Đạo hữu vọng Thiên cầu Đạo.
Bà thăng rồi, ba ông hợp nhau bàn giải, không hiểu cầu Đạo là gì mà Bà dạy, để cầu hỏi mấy em.
Ngày sau, ba ông cầu Thất Nương hỏi:
- Thất Nương dạy giùm, cầu Đạo là gì?
Thất Nương nói:
- Không phải phận sự của Em, xin hỏi Ông A Ă Â.
Ngày sau nữa, có các Đấng giáng về, ba ông hỏi thì các Đấng cũng nói:
- Không phải phận sự của tôi, xin hỏi Ông A Ă Â.
Ngày 30-10-Ất Sửu (dl 15-12-1925), Ông A Ă Â giáng dạy rằng:
- Ngày mùng 1 tháng 11 nầy (dl 16-12-1925), tam vị phải vọng Thiên cầu Đạo. Tắm gội cho tinh khiết, ra quì giữa trời, cầm 9 cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng Đế, ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh.
Sớm mai, ngày mùng 1, ông Cao Quỳnh Cư đi mượn Đại Ngọc cơ của ông Tý ở ngang nhà, cũng ở đường Bourdais.
Nhớ lời Ông A Ă Â dạy, ba ông quì ngoài sân, sắp đặt có một cái bàn nhỏ, quì chống tay lên bàn, cầm 9 cây nhang vái: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng Đế ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh.
Ba ông cứ tịnh tâm mặc niệm vái như lời Ông A Ă Â dạy, không nhớ tới cái vụ quì ngoài đường, có kẻ qua người lại dập dìu, lớp thì xe cộ đi chơi, đi coi hát về, họ dừng chân lại coi ba ông nầy cúng vái ai mà quì ngoài sân cỏ như vậy.
Ai coi mặc ai, ba ông cứ quì đó cầu khẩn, van vái cho tàn hết 9 cây nhang.
Bỗng đâu có anh Bồng Dinh đến vịn cái bàn, chỗ ba ông đương quì mà ngâm thi. Thiên hạ đi đường, họ nghe ảnh ngâm thi nên xúm lại coi.
Cầu khẩn xong rồi vô nhà. Ba ông đem đại ngọc cơ ra cầu. Đức Cao Đài giáng viết chữ nho, ba ông không hiểu chữ Nho, nên khi Đức Cao Đài thăng rồi thì ba ông thỉnh cái bàn ra (để xây bàn) mời Ông A Ă Â xin giải nghĩa bài thi tứ cú của Ông Cao Đài trên đây.
Ông A Ă Â nói: - Cao Đài Thượng Đế nói nhị... phải nghĩ cho thấu.
Ông A Ă Â cho bài thi cũng trong giờ nầy:
Cứ níu theo phan Đức Thượng Hoàng,
Tự nhiên tu tánh đặng bình an.
Nguyệt hoa căn tội tua xa lánh,
Vịn lấy nhành dương hưởng đạo nhàn."
Đó là phần chép trong Đạo Sử I của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.
Sau đây, chúng tôi có sưu tầm được bài thi tứ cú chữ Nho của Đức Cao Đài Thượng Đế giáng cơ cho ba ông Cư, Tắc, Sang, sau buổi vọng Thiên cầu Đạo.
Vọng niệm phân kỳ sự sự phi,
Cá lý Thiên tâm thường thế nhẫn,
Thiên tâm tu hướng cá trung cầu,
Quân vấn Thiên tâm mạc tri tường.
Viết ra chữ Hán:
妄念分其事事非
箇理天心常勢忍
天心須向箇中求
君問天心莫知詳
Đấng A Ă Â giải nghĩa như sau:
- Giải nghĩa từng chữ:
Cầu ước, phần, thửa, việc việc, chẳng phải.
Mỗi, lẽ, Trời, lòng, thường, thế, nhịn.
Trời, lòng, tua, ngó theo, mỗi, giữa, khẩn,
Bây, hỏi, Trời, lòng, chẳng, biết rõ.
Nghĩa xuôi:
Việc cầu ước đều chẳng phải,
Mỗi lẽ do lòng Trời, phải đợi lịnh.
Lòng Trời tua ngó theo mỗi việc đều cầu khẩn,
Bây hỏi lương tâm chưa biết rõ sao?
Lòng Trời: Conscience.
Đấng A Ă Â dạy: - Đấng Cao Đài Thượng Đế muốn nói tam vị chưa đủ đức tin về Ngài nên hỏi gạn lại. Tam vị phải nghĩ cho thấu.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo có thuật lại buổi Vọng Thiên cầu Đạo ấy như sau:
"Đoạt đặng phi thường ấy, năm Giáp Tý tức nhiên 1924, Đức Chí Tôn đến với chúng ta, nhưng Ngài đến với một tình bạn mà thôi, đến với một danh hiệu, giờ phút nầy Bần đạo không dám nói. Ngài đến cũng làm bạn Thượng phẩm và Hộ Pháp tháng 2 năm ấy.
Ngài dùng cơ bút huyền diệu của Ngài, Ngài dạy Vọng Thiên cầu Đạo (điều mà chúng ta không thể tưởng tượng đây là một cử chỉ). Ai cũng lấy làm lạ. Những người muốn tầm Đạo phải để một dấu hỏi, tại sao buổi ấy Thượng Phẩm và Hộ Pháp có một đức tin vững vàng nghe theo lời Ngài Vọng Thiên bàn cầu Đạo. Điều mà chúng ta không thể tưởng tượng đây là một cử chỉ chung chớ không phải cá nhân Thượng Phẩm hay Hộ Pháp, mà lời giáo huấn của Ngài cốt yếu để cho toàn thể nhơn loại mặt địa cầu nầy, nhứt hơn hết là nòi giống VN chúng ta.
Bần đạo nói đây có Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu là người bạn của Cao Thượng Phẩm, và Bần đạo buổi ban sơ thấu hiểu điều ấy. Ngài đến với một tình cảm đáo để, một đức tin vững vàng làm sao đâu! Không thể sợ đặng, không còn biết vị kỷ nhục nhã chi hết.
Giữa khoảng đường nơi châu thành Sài Gòn, thiên hạ tấp nập, mà Đức Chí Tôn buộc phải quì ngoài đường, dựa bên lề ấy, quì đặng cầu nguyện xin đạo cho chúng sanh, tội nghiệp thay! Ngài thử thách cho đến nước, thoảng như mình quì đó mà thiên hạ không hiểu mình quì làm gì thì cũng ít mắc cỡ chút, mà cũng có thể quì, còn làm mà người ta biết thì nhột nhạt khó chịu lắm, nhưng sợ Đức Chí Tôn, phải ráng mà làm.
Ngoài ra có ông bạn, ai cũng đều biết danh của người là nhà thi sĩ danh tiếng. Bần đạo dám chắc nội trong Nam Bộ chúng ta đây, chưa có ai bằng, nổi danh thi sĩ đứng đầu hết thảy là người ấy, không biết chứng cớ gì mà người mê thi phú của Đức Chí Tôn quá chừng đỗi, đến nước người thuộc lòng thi phú của Đức Chí Tôn, rồi người họa lại với Đức Chí Tôn, người làm như mê man vậy. Bần đạo thì nhột nhạt, duy có sợ mà vâng mạng lịnh thi hành quyền giáo hóa của Đức Chí Tôn, còn người thi sĩ Bồng Dinh họa theo đó mà ngâm. Thiên hạ thấy tấn tuồng dị hợm tụ lại xem đông lắm.
Trước để một cái bàn Vọng Thiên cầu Đạo, ngay chính giữa coi bộ dị hợm lắm, Bần đạo phải gác hai tay lên bàn cho đỡ mắc cỡ...."
Tóm lại, ngày 1-11-Ất Sửu (dl 16-12-1925) là một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, vì đó là ngày mà ba vị: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, lập bàn Vọng Thiên cầu Đạo, quì giữa trời, tại thành phố Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, mỗi người cầm 9 cây nhang, để cầu nguyện với Đấng Thượng Đế ban cho nhơn loại một mối Đạo để cứu vớt nhơn sanh trong buổi đời Hạ nguơn.
Lâu nay, chúng ta chưa xem ngày 1 tháng 11 âl nầy là quan trọng nên chưa tổ chức Lễ kỷ niệm hằng năm. Chúng tôi thiết nghĩ, trước ngày Đại Lễ Khai Đạo 15-10-Bính Dần (1926) thì có ba ngày kỷ niệm quan trọng là:
· Ngày 15-8-Ất Sửu (1925): Hội Yến Diêu Trì Cung.
· Ngày 1-11-Ất Sửu (1925): Vọng Thiên cầu Đạo.
· Ngày 23-8-Bính Dần (1926): Lập Tờ Khai Đạo gởi lên nhà cầm quyền Pháp lúc đó.
Vọng tưởng
妄想
A: Vain thought.
P: Vaine pensée.
Vọng: Viễn vông, hư giả, càn bậy. Tưởng: ý nghĩ.
Vọng tưởng là nghĩ tưởng những việc sai trái.
VÔ
VÔ
VÔ: 無 Không, trống không, không có gì.
Td: Vô biên, Vô danh, Vô hình, Vô vi.
Vô biên
無邊
A: Without limits.
P: Sans limites.
Vô: Không, trống không, không có gì. Biên: biên giới, giới hạn.
Vô biên là không giới hạn, không cùng tận.
KNHTĐ: Oát triền vô biên, Càn kiện cao minh,....
Vô biên vô giới: không biên không giới, tức là không giới hạn, bao la không cùng tận.
TNHT: Tánh háo sanh của Đức Đại Từ Bi cũng nhân đó mà vô biên vô giới.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
KNHTÐ: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
Vô can
無干
A: To be out of cause.
P: Être hors de cause.
Vô: Không, trống không, không có gì. Can: liên quan, quan hệ.
Vô can là không quan hệ với mình, không dính dấp tới mình.
KSH: Vô can sát mạng thiệt thòi rất oan.
KSH: Kinh Sám Hối.
Vô cấu
無垢
A: Without stain.
P: Sans tache.
Vô: Không, trống không, không có gì. Cấu: bụi bặm dơ bẩn.
Vô cấu là không bụi bặm dơ dáy, tức là trong sạch.
Vô chủ nãi loạn
無主乃亂
Vô: Không, trống không, không có gì. Chủ: người làm chủ. Nãi: bèn. Loạn: rối loạn.
Vô chủ nãi loạn là không làm chủ được mình thì sanh ra rối loạn, tức làm điều sai trái.
Có câu: Thiên sanh nhơn đa dục, vô chủ nãi loạn.
Nghĩa là: Trời sanh con người có nhiều ham muốn, nếu không làm chủ được mình ắt làm điều sai trái sanh ra rối loạn.
Vô cùng vô tận
無窮無盡
A: Infinite, endless.
P: Infini, sans fin.
Vô: Không, trống không, không có gì. Cùng: cuối, hết. Tận: hết, dứt. Vô cùng: không hết. Vô tận: không dứt.
Vô cùng vô tận là không hết không dứt.
TNHT: Cái xuân của người đã sắp lụn hao, mà rồi cái xuân của Trời Đất nước non cũng chưa chắc vô cùng vô tận.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô cực vô thượng
無極無上
A: Without limits and supreme.
P: Sans limites et suprême.
Vô: Không, trống không, không có gì. Cực: cái đầu cùng. Thượng: trên. Vô cực: không có cái nào ở ngoài đầu cùng. Vô thượng: không có cái nào ở trên nữa.
Vô cực vô thượng là trên tất cả, cao hơn tất cả.
KNHTĐ: Hồng oai hồng từ, vô cực vô thượng,....
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô cương
無疆
A: Without limits.
P: Sans limites.
Vô: Không, trống không, không có gì. Cương: biên giới, biên cương.
Vô cương, đồng nghĩa Vô biên: không giới hạn.
Vạn thọ vô cương: Sống lâu mãi mãi.
Vô danh tiểu tốt
無名小卒
A: An unknown and vulgar man.
P: Un homme inconnu et vulgaire.
Vô: Không, trống không, không có gì. Danh: tên, tiếng tăm. Tiểu: nhỏ. Tốt: lính. Vô danh: không tên, không có tiếng tăm. Tiểu tốt: tên lính quèn.
Vô danh tiểu tốt là chỉ người hèn mọn, không có tiếng tăm gì, không cần để ý đến.
Vô duyên
無緣
A: Unlucky.
P: Malchanceux.
Vô: Không, trống không, không có gì. Duyên: mối dây ràng buộc từ kiếp trước.
Vô duyên là không có được mối dây ràng buộc từ kiếp trước. Do đó, Vô duyên là không may mắn.
TNHT: Người mà biết Đạo, ấy là kẻ hữu phần, còn người chưa thấu đáo nền Đạo, ấy là kẻ vô duyên.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô đạo
無道
A: Immoral, Irreligious.
P: Immoral, Irreligieux.
Vô: Không, trống không, không có gì. Đạo: đạo đức, tôn giáo.
■ Vô đạo là không có đạo đức, tức hung ác, không lành.
TNHT: Lý Bạch và Quan Thánh cũng xin hành phạt lũ vô đạo, Thầy chẳng khứng là vì muốn để cho các con....
■ Vô đạo là không có tín ngưỡng tôn giáo.
CG PCT: Buộc Thượng Sanh phải gần kẻ vô đạo đặng an ủi dạy dỗ, mà kể từ hạng vô đạo trở xuống cho tới vật chất, thuộc về phàm.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Vô dư
無餘
A: Complete.
P: Complet.
Vô: Không, trống không, không có gì. Dư: thừa ra.
Vô dư là không thừa ra chút nào cả, nghĩa là đầy đủ, hoàn toàn.
Vô địa ngục, vô quỉ quan
無地獄無鬼關
Vô: Không, trống không, không có gì. Địa ngục: nhà tù dưới đất để giam giữ và trừng phạt các linh hồn tội lỗi. Quỉ quan: cửa quỉ, là ngục nhốt các hồn quỉ, là nơi giam cầm hình phạt khổ sở các quỉ hồn.
Vô Địa ngục, vô quỉ quan: không còn Địa ngục, cũng không còn chỗ nhốt các quỉ hồn.
PMCK: |
Vô Địa ngục, vô quỉ quan,
Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên. |
Trong bài Kinh Giải Oan có 2 câu: |
|
Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,
Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương. |
Kể từ khi Đức Chí Tôn mở ĐĐTKPĐ thì cũng mở ra Đại Ân Xá Kỳ Ba tại Á Đông, nên ra lịnh đóng cửa Địa ngục, giải phóng tất cả tội hồn, cho họ đầu kiếp lên cõi trần để trả nghiệp quả của họ, đồng thời mở rộng cửa trời, khai thông con đường vào CLTG để đón rước người tu hành đắc quả.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
Vô đối
無對
A: Unequal.
P: Inégalé.
Vô: Không, trống không, không có gì. Đối: so sánh ngang bằng.
Vô đối là không so sánh được, không có gì ngang bằng với nó được. Ý nói: Tột bực rồi.
TĐ ĐPHP: Đặng dìu dắt toàn cả nhơn loại đi đến con đường hạnh phúc vô đối đó vậy.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Vô giá
無價
A: Inestimable.
P: Inestimable.
Vô: Không, trống không, không có gì. Giá: giá trị.
Vô giá là quí báu vô cùng, không thể định được giá trị của nó.
TNHT: Khá coi Thiên vị mình là trọng, vì là của quí báu vô giá.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô gián
無間
A: Without interruption.
P: Sans interruption.
Vô: Không, trống không, không có gì. Gián: không gắn liền, gián đoạn.
Vô gián là không gián đoạn, tức là liên tục.
Vô hậu kế đại
無後繼代
A: Without posterity.
P: Sans postérité.
Vô: Không, trống không, không có gì. Hậu: sau. Kế: nối tiếp. Đại: đời.
Vô hậu kế đại là không có con nối dòng đời sau.
Vô hình
無形
A: nvisible.
P: Invisible.
Vô: Không, trống không, không có gì. Hình: hình dáng cụ thể.
Vô hình là không có hình dáng cụ thể thấy được.
Trái với Vô hình là Hữu hình: có hình thể thấy được.
Đây là cách nói có tính cách tương đối với mắt phàm của con người nơi cõi trần. Cái gì mắt phàm thấy được thì gọi là Hữu hình, cái gì mà mắt phàm không thấy thì gọi là Vô hình.
Td: Chư Thần Thánh, mắt phàm không thấy được nên gọi là các Đấng vô hình. Nhưng đối với người đắc đạo có huệ nhãn thì họ thấy được chư Thần Thánh và thế giới vô hình.
Vô hồn viết tử
無魂曰死
Vô: Không, trống không, không có gì. Hồn: linh hồn. Viết: gọi là. Tử: chết.
Vô hồn viết tử: không có linh hồn ngự trị thì gọi là chết.
Thể xác của con người là một khối vật chất, sống được là nhờ có linh hồn ngự trị bên trong xác thân. Khi linh hồn xuất ra khỏi xác thân thì thể xác lạnh cứng gọi là chết.
Cái điểm linh hồn ấy là của Đức Chí Tôn ban cho mỗi người để tạo sự sống cho thể xác và gìn giữ sự sống ấy.
KTL: Khối vật chất vô hồn viết tử.
KTL: Kinh Tẫn Liệm.
Vô kế khả thi
無計可施
Vô: Không, trống không, không có gì. Kế: mưu kế. Khả: có thể. Thi: làm, thi hành.
Vô kế khả thi là không có mưu kế nào thích hợp để có thể thi hành, nên đành chịu bó tay.
Vô khả vô bất khả
無可無不可
Vô: Không, trống không, không có gì. Khả: có thể. Bất: không. Vô khả: không chi là có thể. Vô bất khả: không chi là không có thể.
Vô khả vô bất khả: sao cũng được, không khen chê.
Vô kiếp - Hữu kiếp
無劫-有劫
Vô: Không, trống không, không có gì. Kiếp: một đời sống nơi cõi trần. Hữu: có.
Vô kiếp: không có kiếp sống nơi cõi trần.
Hữu kiếp: có được kiếp sống nơi cõi trần.
DLCK: Nhược nhơn hữu kiếp, nhược nhơn vô kiếp,....
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
Vô lậu
無漏
A: Without outflow.
P: Sans écoulement.
Vô: Không, trống không, không có gì. Lậu: nước rỉ ra ngoài. Đó là nghĩa đen.
Nghĩa theo Phật giáo: Lậu là tên gọi khác của phiền não, có nghĩa tiết lậu, phiền não tham sân si. Ngày đêm từ cửa của Lục căn tiết lậu ra không ngừng, gọi là Lậu. Lậu còn có nghĩa là rơi rụng. Phiền não có thể khiến cho con người rơi vào Tam ác đạo, nên gọi là Lậu. Nhân đó, gọi pháp có phiền não là Hữu lậu, pháp không còn phiền não gọi là Vô lậu.
Vậy, Vô lậu là không còn khuyết điểm sai sót, mọi phiền não đã được diệt sạch.
Do đó, Vô lậu là chỉ bực Thánh A La Hán, dứt sạch phiền não, không còn phải luân hồi sanh tử nữa.
Vô lối
A: Unreasonable.
P: Déraisonnable.
Vô: Không, trống không, không có gì. Lối: con đường đi, cách thức hành động.
Vô lối là không theo một đường lối nào cả, không theo một cách thức nào cả. Ý nói: không hợp lý, trái lẽ.
TNHT: Nếu chẳng giữ theo lẽ chánh mà hành đạo và bày biện nhiều sự vô lối thì trong ít năm đây, sẽ trở nên một mối Tả đạo.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô luân
無倫
A: Immoral.
P: Immoral.
Vô: Không, trống không, không có gì. Luân: luân lý đạo đức.
Vô luân là không có luân lý đạo đức.
Vô lương
無良
A: Cruel,without conscience.
P: Cruel, sans conscience.
Vô: Không, trống không, không có gì. Lương: lành, tốt.
Vô lương, đồng nghĩa Bất lương, là không lương thiện, tức là hung dữ, vô lương tâm.
TNHT: Mặc tình những đứa vô lương, các con cứ một đường đi tới.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô lượng
無量
A: Immeasurable.
P: Innombrable.
Vô: Không, trống không, không có gì. Lượng: đo lường.
Vô lượng là nhiều đến mức không thể đo lường được.
TNHT: Cầm cả quyền hành vô lượng nơi tay, Thầy ngó một cái cũng đủ tiêu diệt nó đặng, nhưng mà phép công bình thiêng liêng chẳng phải nên vậy...
Vô lượng công đức Phật: Đức Phật có công đức nhiều không thể đo lường biết hết được.
Vô lượng độ nhơn: cứu giúp rất nhiều người, không đếm hết được.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô minh
無明
A: Unintelligence, Ignorance.
P: Inintelligence, Ignorance.
Vô: Không, trống không, không có gì. Minh: sáng.
Vô minh là không sáng suốt, tức là còn mê muội, tối tăm, không thấy được cái lẽ thật của sự vật. Hễ vô minh thì si mê, nên vô minh cũng là si mê.
Con người vì vô minh mà gây ra lầm lỗi, tạo nên oan nghiệt, phải chịu nhiều phiền não, cho nên Phật giáo cho vô minh là phiền não.
Người ngó thấy được Đạo, cũng như kẻ cầm đuốc đi vào nhà tối, tức thì cái tối biến mất, chỉ còn lại cái sáng mà thôi. Học Đạo mà thấy được chơn lý thì cái tâm vô minh liền bị tiêu diệt, chỉ còn lại cái sáng ở lại với mình.
Vô ngã - Hữu ngã
無我-有我
A: The non-ego - Ego.
P: Le non-moi - Moi.
Vô: Không, trống không, không có gì. Hữu: có. Ngã: cái ta, cái bản ngã của ta.
■ Nghĩa thường dùng:
Vô ngã là không vì ta, đừng nghĩ đến ta, quên mình, không có ý riêng, đồng nghĩa: Vô kỷ (kỷ là mình). Trái với Vô ngã là Hữu ngã.
■ Nghĩa theo Triết học:
Vô ngã, cũng gọi là Phi ngã, là không có cái Ta, tức là không có cái bản ngã, không nhận rằng có một cái bản ngã nhứt định làm chủ tể con người.
Thuyết Vô ngã là của Phật giáo, là hậu quả của sự phủ nhận một linh hồn bất biến, bất diệt.
Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn trong mỗi con người, nhưng khi giải thích về sự tái sanh, chuyển kiếp thì nói là thần thức, khi đắc đạo thì nói là cái bổn lai diện mục.
Như vậy, chỉ là vấn đề danh từ. Cái linh thể trong mỗi con người chúng ta, đạo Bà La Môn gọi là Atman, Thiên Chúa giáo và Đạo Cao Đài gọi là linh hồn, Phật giáo gọi là Thần thức, v.v.... Nhiều tên gọi khác nhau, nhưng chỉ có một mà thôi.
Về Đấng Thượng Đế, khi chúng ta nói:
- Thượng Đế là khí Hư vô, Thượng Đế là Thái cực, thì đó là Thượng Đế vô ngã.
- Thượng Đế là Đại Từ Phụ, là Thầy, thì đó là Thượng Đế hữu ngã.
Đấng Thượng Đế là toàn tri toàn năng nên Thượng Đế vừa là hữu ngã vừa là vô ngã, hai trạng thái nầy hiện diện cùng một lúc trong Ngài, được Ngài sử dụng trong minh triết để thúc đẩy sự tiến hóa của Càn Khôn.
Vô ngại
無礙
A: Without obstacle.
P: Sans obstacle.
Vô: Không, trống không, không có gì. Ngại: trở ngại.
Vô ngại là không có sự ngăn trở, tức là thông đạt, tự tại.
Vô ngại trí: cái trí không trở ngại, tức là thông suốt sự lý, biện thuyết lưu loát. Đó là trí huệ của bậc đắc đạo.
Vô ngằn
A: Very high.
P: Trèn haut.
Vô: Không, trống không, không có gì. Ngằn: cái nấc thang.
Vô ngằn là một cái thang có vô số nấc không đếm hết được.
Cái thang vô ngằn dùng để bắc lên tận trời cao, cho người tu leo lên trời. Đây là cách nói ví về việc tu hành, người tu giống như leo lên cái thang vô ngằn nầy. Làm được một công quả thì leo lên được một nấc thang, làm được nhiều công quả thì leo lên được nhiều nấc thang, leo mãi thì sẽ tới Trời, tức là đắc đạo.
TNHT: Thầy đã nói, đạo đức cũng như cái thang vô ngằn bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao tối trọng.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô nhai
無涯
A: Limitless.
P: Illimité.
Vô: Không, trống không, không có gì. Nhai: cái bờ nước.
Vô nhai là không bờ bến, tức là rộng lớn mênh mông.
Vô niệm - Hữu niệm
無念 - 有念
Vô: Không, trống không, không có gì. Hữu: có. Niệm: tưởng nghĩ.
Vô niệm là không có lòng tưởng nghĩ tới.
Hữu niệm là có lòng tưởng nghĩ tới.
Vô niệm cũng có nghĩa là không còn vọng niệm, tâm hoàn toàn vắng lặng, không không.
DLCK: Nhược nhơn hữu niệm, nhược nhơn vô niệm,....
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
Vô phần - Hữu phần
無分 - 有分
A: Unlucky - Lucky.
P: Malchanceux - Chanceux.
Vô: Không, trống không, không có gì. Hữu: có. Phần: cái phần mà Trời dành cho mỗi người được hưởng, đó là cái vận may của mỗi người.
Vô phần: không có vận may, đồng nghĩa Vô phước.
Hữu phần: có vận may được hưởng điều tốt đẹp, đồng nghĩa Hữu phước.
TNHT:
Ÿ Ai hữu phước thì đặng địa vị cao thêm, ai vô phần thì bị đọa tam pháp..
Ÿ Kẻ hữu phần, người vô phước, tin tin, không không, cũng chẳng sửa cơ Trời đặng
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô quả
無果
A: Without result.
P: Sans résultat.
Vô: Không, trống không, không có gì. Quả: kết quả.
Theo thuyết Nhân Quả, có nhân thì mới có quả, có quả thì phải có nhân, có nhân thì có nghiệp.
Vô quả là không có quả, tức không có nhân, không có nghiệp. Được như vậy là thành Tiên, Phật.
TNHT: Ai là khách hữu phần, ai là người vô quả, tánh thiêng liêng đã vì công lý mà ra tay tế độ, vớt kẻ giữa bến trần.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô sở đắc
無所得
Vô: Không, trống không, không có gì. Sở: việc gì, điều gì. Đắc: được.
Vô sở đắc: không có cái gì được thêm cả.
Tu không phải là kiếm thêm, mà thực sự là làm cho bớt ra, bớt dần nghiệp chướng, bớt dần oan nghiệt, bớt dần tham sân si, bớt dần vô minh, lập công bồi đức là làm cho bớt dần oan nghiệt và nghiệp chướng, đến lúc nào đó mà hết nghiệp chướng, hết tham sân si, hết vô minh thì trí huệ phát lộ.
Cái trí huệ nầy tự mỗi người đều có sẵn, chớ không phải do các Đấng Tiên Phật ban cho, nhưng bị che khuất. Khi bỏ hết màn che thì trí huệ lộ ra, lúc đó gọi là đắc đạo vậy.
Vô sở vị nan
無所謂難
Vô: Không, trống không, không có gì. Sở: cái gì, việc gì. Vị: nói rằng. Nan: khó.
Vô sở vị nan: không có cái gì gọi là khó.
Chỉ có lòng người ngại khó mà thôi.
Vô sự tiểu Thần Tiên
無事小神仙
Vô: Không, trống không, không có gì. Sự: việc. Tiểu Thần Tiên: vị Thần Tiên nhỏ, tức là vị Thần Tiên ở cõi trần.
Vô sự: không có việc gì cả, tức là không còn dính dáng đến việc đời, hoàn toàn ung dung thơ thới.
Vô sự tiểu Thần Tiên là người không còn dính dáng đến việc đời thì là một vị Thần Tiên nơi cõi trần.
Vô tâm
無心
Vô: Không, trống không, không có gì. Tâm: cái tâm, lòng dạ, lương tâm.
Có ba trường hợp sau đây:
1. Vô tâm: A: Unintended. P: Sans intention.
Vô tâm là không để tâm tới, không chú ý, không cố ý.
Td: Người vô tâm nói đâu quên đấy.
2. Vô tâm: cái tâm hư vô, trống không, lìa khỏi các vọng niệm, không còn vướng mắc. Vô tâm là cảnh giới của bậc đã ngộ đạo, đã đoạn trừ tham sân si.
3. Vô tâm: A: Without conscience. P: Sans conscience.
Vô tâm tức là vô lương tâm, chỉ người hung ác.
TNHT: Thầy vì thương nhơn loại, muốn cứu hết nên thường thâu thập nhiều đứa vô tâm, cũng muốn cho chúng nó ăn năn chừa lỗi.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô thanh vô xú
無聲無臭
Vô: Không, trống không, không có gì. Thanh: âm thanh. Xú: mùi của đồ vật bốc ra.
Vô thanh vô xú: không tiếng không mùi.
Ý nói: cái lý rất huyền diệu, không ai biết được.
Vô Thần
無神
A: The atheism.
P: L'athéisme.
Vô: Không, trống không, không có gì. Thần: chỉ chung các Đấng thiêng liêng nơi cõi vô hình, gồm chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và Thượng Đế.
Vô Thần là không có Thần, Thánh, Tiên, Phật, không có Thượng Đế, không tin có thế giới siêu hình, không tin con người có linh hồn bất diệt.
Cho nên, người vô Thần phủ nhận tôn giáo, cho rằng con người không có linh hồn, chết là hết, không còn gì để nói nữa. Do đó, họ chủ trương hưởng thụ khoái lạc nơi trần thế, càng hưởng nhiều càng hạnh phúc.
Theo Từ Điển Triết học giản yếu:
"Chủ nghĩa Vô Thần gồm những quan điểm phủ nhận tôn giáo, không tin vào Thượng Đế, Thần Thánh, phép lạ, một thế giới siêu tự nhiên, một cuộc đời khác sau khi chết.
Ngay từ thời cổ đại, tư tưởng Vô Thần đã xuất hiện.
- Ở Ấn Độ, đạo Phật, thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, đã có tư tưởng về một vũ trụ vô thủy vô chung, không ai tạo ra.
- Ở cổ Ai Cập, bài ca của người đánh đàn thu cầm đã hoài nghi về sự tồn tại của thế giới bên kia.
- Ở Trung quốc, thời cổ đại, đã có khái niệm duy vật và vô thần về khí (vật chất), về 5 nguyên tố hợp thành vũ trụ (kim, thủy, mộc, hỏa, thổ), những nhân tố duy vật và vô thần được phát triển thành hệ thống triết học.
- Thời cổ Hy Lạp, những triết gia duy vật Demokritos, Epicuros,... môn phái Ionia, hay Milétos, và về sau Lukretius phủ nhận cái siêu tự nhiên và cho rằng thế giới hợp thành bởi những nguyên tố vật chất (nước, lửa... ) hoặc bởi những nguyên tử vật chất vĩnh viễn.
Tư tưởng Vô Thần phát triển mạnh ở châu Âu từ thế kỷ 16, gắn liền với sự phát triển khoa học và sự đấu tranh của giai cấp tư sản chống chế độ phong kiến bảo vệ quyền lợi của giai cấp quí tộc dựa trên Thần học Kinh viện Công giáo.
Spinoza (thế kỷ 17) và những nhà duy vật Nga thế kỷ 18 phê phán mạnh mẽ giáo lý tôn giáo.
Những nhà duy vật tư sản Pháp thuộc phái Bách Khoa Toàn Thư vạch mặt bọn thầy tu lợi dụng sự dốt nát của nhân dân để bốc lột, họ chuẩn bị tư tưởng cho cách mạng tư sản 1789. Những nhà cách mạng dân chủ Nga thế kỷ 19 như Belinski, Herzen... đều là những chiến sĩ Vô Thần luận."......
Vô thủy vô chung
無始無終
A: Without beginning without end.
P: Sans commencement sans fin.
Vô: Không, trống không, không có gì. Thủy: Thỉ: khởi đầu. Chung: hết, cuối cùng.
Vô thủy vô chung là không có chỗ khởi đầu, không có chỗ cuối cùng, tức là không có trước không có sau.
■ Nói về tình cảm của con người, Vô thủy vô chung là con người không có lòng chung thủy, không có tín nghĩa, không có lòng trung thành trước sau như một.
■ Nói về vũ trụ, vô thủy vô chung là vũ trụ nầy không có chỗ khởi đầu, cũng không có chỗ kết thúc. Đây là quan niệm về vũ trụ của Phật giáo dựa theo thuyết Thập nhị Nhân duyên trên một cái vòng tròn kín. Do đó, giáo lý Phật phủ nhận sự sáng tạo vũ trụ của Thượng Đế. Nếu nói có Thượng Đế tạo hóa ra thì tức nhiên nhìn nhận vũ trụ có chỗ khởi đầu.
Vô thức
無識
A: Unconscious.
P: Inconscient.
Vô: Không, trống không, không có gì. Thức: biết, sự hiểu biết.
Vô thức là những cảm nghĩ không nhận ra được, ẩn náu trong cõi lòng sâu kín, nhưng chi phối hành động của con người. Do đó, vô thức còn được gọi là Tàng thức.
Vô thức không bao giờ xuất hiện ra nguyên hình.
Nếu vô thức khi ẩn khi hiện thì gọi là Tiềm thức.
Vô thức được hình thành khi con người vấp phải những ràng buộc thực tế bị dồn nén lại. Vô thức hoạt động theo nguyên tắc khoái cảm. Ở đây không có không gian, thời gian, không có mâu thuẫn, nghi vấn, chỉ nhằm thỏa mãn những yêu cầu của bản năng. Đây là hoạt động theo kiểu sơ cấp, khi chuyển sang Tiềm thức, rồi đến Ý thức tức là Hữu thức thì theo kiểu thứ cấp với các phạm trù nói trên (không gian, thời gian).
Phân Tâm học xem vô thức chiếm phần lớn tâm tư con người, ý thức chỉ là phần nhô lên mặt nước của cả một núi băng mà 9/10 chìm dưới nước biển. Có gỡ được những mắc mứu trong vô thức thì mới giải tỏa được chứng rối loạn tâm lý.
Vô thường
無常
A: Inconstant.
P: Inconstant.
Vô: Không, trống không, không có gì. Thường: luôn luôn như vậy.
Vô thường là không luôn luôn như vậy, tức là có thay đổi, biến hóa không chừng.
Các vật ở thế gian, trước không nay có, có rồi lại không, nên thảy đều Vô thường. Tất cả pháp hữu vi đều có sanh diệt, lưu chuyển, không phút nào yên, nên gọi là Vô thường.
Quỉ vô thường: loài quỉ có hình thù biến hóa luôn luôn.
Vô thượng thậm thâm
無上甚深
A: Supreme and very deep.
P: Suprême et très profond.
Vô: Không, trống không, không có gì. Thượng: trên, cao. Thậm: rất, lắm. Thâm: sâu. Vô thượng: không có gì cao hơn, tức là cao hơn hết. Thậm thâm: rất sâu xa.
Vô thượng thậm thâm là rất cao siêu, rất sâu xa.
DLCK: Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
Vô tiền khoáng hậu
無前曠後
Vô: Không, trống không, không có gì. Tiền: trước. Hậu: sau. Khoáng: bỏ thiếu.
Vô tiền khoáng hậu: đời trước không có, đời sau bỏ trống. Ý nói: đời trước đời sau đều chưa từng có, đó là một việc chỉ có một không hai, đời trước cũng như đời sau.
Vô tình
無情
A: Feelingless.
P: Sans sentiment.
Vô: Không, trống không, không có gì. Tình: tình cảm.
■ Vô tình là không có tình cảm thương yêu, không có tình nghĩa, lãnh đạm, phụ bạc.
TNHT: Sự ghét lẫn và sự vô tình, nếu đem vào nền đạo mà gieo truyền cho nhau, thay vì làm cho sanh linh thương mến dìu dắt nhau, lại làm cho chúng sanh càng hiềm thù nhau.
■ Vô tình là không cố ý, không có chủ định làm.
Td: Dù vô tình hay cố ý cũng vẫn đáng trách.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô tri vô giác
無知無覺
Vô: Không, trống không, không có gì. Tri: biết rõ. Giác: giác ngộ, không mê.
Vô tri: không có khả năng nhận biết, trí óc ngu đần.
Vô giác: không giác ngộ, tâm tánh ám muội, mê lầm.
Vô trung sinh hữu
無中生有
Vô: Không, trống không, không có gì. Trung: trong. Sinh: sanh ra. Hữu: có.
Vô trung sinh hữu: trong chỗ trống không sanh ra cái có.
Câu nầy có ý nghĩa giống như câu: Không tức thị Sắc, sau đó thì Sắc tức thị Không. Cái Không sanh ra cái Sắc, rồi cái Sắc lại trở về cái Không.
Cái không là cái vô vi vô hình, cái có là cái hữu hình sắc tướng. Cái vô hình sanh ra cái hữu hình, sau đó cái hữu hình lần lần bị diệt rồi trở lại vô hình.
Vô trung Từ Phụ
無中慈父
Vô: Không, trống không, không có gì. ở đây chỉ khí Hư Vô hay Hư Vô chi khí.
Từ Phụ: ý nói Đại Từ Phụ: Đấng cha lành thương yêu toàn cả chúng sanh. Trung: trong. Vô trung: trong khí Hư Vô.
Vô trung Từ Phụ: Đấng Đại Từ Phụ ở trong khí Hư Vô. Đó là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Sớ Văn: Ngưỡng vọng Vô trung Từ Phụ, phát hạ....
Vô tư
無私
A: Impartial.
P: Impartial.
Vô: Không, trống không, không có gì. Tư: riêng, lòng riêng.
Vô tư là không có lòng riêng, tức là không thiên vị.
CG PCT: Giữ dạ vô tư mà hành đạo, dầu cha mẹ, anh em, vợ con cũng chẳng đặng phép tư vị, gìn dạ chơn thành,....
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
Vô tư vô vị
無私無為
Vô: Không, trống không, không có gì. Tư: riêng, lòng riêng. Vị: vị nể.
Vô tư vô vị là không có lòng riêng, không vị nể.
Ý nói: hoàn toàn công bằng, chí công vô tư.
ĐLMD: Trách nhiệm trọng hệ hơn hết của Tòa Đạo là vô tư vô vị.
ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
Vô Tự Kinh
無字經
A: The divine book without characters.
P: Le livre divin sans caractères.
Vô: Không, trống không, không có gì. Tự: chữ. Kinh: quyển kinh.
1. Vô Tự Kinh là quyển kinh không chữ nơi cõi TLHS.
Trong Kinh Đệ Ngũ Cửu, ở từng Trời Xích Thiên, trong Cung Ngọc Diệt Hình, có đặt một quyển kinh, trong đó không có viết chữ gì hết, nhưng rất mầu nhiệm, vì khi chơn hồn đến đứng trước quyển kinh đó, lật ra xem thì chữ mới bắt đầu hiện ra, ghi rõ tên họ và những việc làm của chơn hồn trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, nó ghi ra hết, không bỏ sót một điều gì. Quyển kinh đó là Vô Tự Kinh.
Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp trong Con đường TLHS, nói về Vô Tự Kinh như sau:
"Nếu khi vô được rồi, thân nhân của chúng ta dắt chúng ta đến một cung, có đặt một quyển sách Thiên thơ, gọi là Vô Tự Kinh, để trước mặt chúng ta, dở ra xem, thấy tên mình và kiếp sanh của mình đã làm gì, nó hiện ra đủ hết trong quyển Thiên thơ ấy. Vị chưởng quản nơi cung ấy gọi là Nam Tào Bắc Đẩu.
Nơi Nam Tào Bắc Đẩu, không có ai trị ta hết, chính ta trị lấy ta. Sau khi xem xong quyển Vô Tự Kinh, ta thấy hết hành tàng của ta thì ta định kiếp cho ta, chính chơn thần định án ta, chớ không ai định án cho ta hết, nên dầu ta muốn chối tội cũng không được.
Cái bí mật vô đối cầm quyền cả CKVT là như vậy: Chính mình làm tòa xử lấy mình."
KĐ5C: |
Lần vào Cung Ngọc Diệt Hình,
Khai Kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên. |
2. Lời thuyết pháp của các Đấng Giáo chủ được xem là Vô Tự Kinh, vì những lời thuyết pháp nầy chưa thành văn tự in trong kinh sách.
- Đức Phật Thích Ca thuyết pháp trong 45 năm, tạo thành giáo lý cao siêu của Phật giáo. Thế mà trước khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Đức Phật nói với ông Tu Bồ Đề 3 lần trong 3 trường hợp là: "Phật không có thuyết pháp" để phá chấp cho các đệ tử sau nầy đừng chấp vào lời Phật dạy. Sau khi Phật nhập Niết Bàn, 500 vị A La Hán, đại đệ tử của Phật họp nhau kết tập lời Phật dạy, tạo thành Tam Tạng Kinh truyền đến ngày nay.
- Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo trong hơn mười mấy năm giải thích các vấn đề trong giáo lý của Đạo Cao Đài. Nhờ Ban Tốc Ký ghi chép tạo thành 5 quyển Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, rất quí báu cho người muốn tìm hiểu giáo lý Đại Đạo.
Cho nên trong Kinh Nhập Hội có hai câu:
KNH: |
Thuận nhơn tâm ắt thuận Trời,
Câu Kinh Vô Tự độ người thiện duyên. |
Câu Kinh Vô Tự là những lời thuyết pháp.
3. Người xưa có nói: "Văn dĩ tải đạo", nghĩa là: văn tự dùng để chở Đạo, ý nói dùng văn tự để giảng giải giáo lý và truyền bá giáo lý ấy rộng rãi cho mọi người biết. Người học đạo phải tìm tòi kinh sách để nghiên cứu, nhờ có văn tự mà biết được cái Đạo cao siêu của người xưa, nhưng khi đã biết rõ Đạo rồi thì phải vượt lên khỏi văn tự, để dùng cái Tâm lãnh hội Đạo lý; giống như người qua sông thì cần phải dùng bè, nhưng khi qua sông rồi thì phải để cái bè lại bờ sông cho người khác sử dụng, chẳng lẽ qua sông rồi lại vác cái bè theo.
Cho nên, Vô Tự Kinh, kinh không chữ có ý nghĩa là phải vượt khỏi văn tự, để tâm đến chỗ không không thì mới lãnh hội được giáo lý cao siêu mầu nhiệm. Nếu vẫn còn chấp văn tự, thì trình độ tu học vẫn mãi mãi ở bực Hạ thừa hay Tiểu thừa.
Trong lịch sử của Thiền tông, chúng ta thấy Đại sư Thần Tú, cái trình độ học vấn uyên thâm là ưu thế trong việc học đạo, nhưng vì chấp nó, vì không vượt khỏi nó, nên nó trở thành chướng ngại làm cho Đại sư Thần Tú không đạt được trí huệ Bát Nhã, tức là chưa thấy Tánh. Còn Lục Tổ Huệ Năng, cái dốt nát của Ngài là một yếu thế trên đường học đạo, nhưng lại là ưu thế không bị mắc kẹt trong văn tự. Ngài nghe người ta đọc Kinh Cang, hay nghe Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn giảng thuyết, đối với Ngài đó là Vô Tự Kinh. Nhờ Ngài không biết chữ nên tự nhiên Ngài vượt khỏi sự cố chấp văn tự, nên dễ dàng đạt được trí huệ Bát Nhã.
Nói như vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng người dốt thì tu mau đắc quả hơn người học thức cao. Tất cả đều do nguyên căn trong kiếp trước. Nếu kiếp trước tu đã gần chín muồi rồi, nghĩa là người nầy có căn rất lành, thì trong kiếp nầy, chỉ cần nghe một câu kinh, hay thấy một việc, đủ ngộ đạo, trí huệ hoát khai.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
KÐ5C: Kinh Ðệ Ngũ cửu.
KNH: Kinh Nhập Hội.
Vô ưu
無憂
A: Without worry.
P: Sans souci.
Vô: Không, trống không, không có gì. Ưu: lo buồn.
Vô ưu là không lo buồn, và cũng không gây lo buồn cho ai.
Giày vô ưu: đôi giày trong bộ đạo phục của Chức sắc hàng Phối Sư hay tương đương trở lên. Khi mang giày nầy thì phải nhớ là vô ưu.
Cõi vô ưu: cõi Cực Lạc, cõi Niết bàn.
TNHT: Mà lần đến cõi vô ưu, để bước khỏi lối nhọc nhằn ban sơ khai dẫn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô vật bất linh
無物不靈
Vô: Không, trống không, không có gì. Vật: lễ vật. Bất: không. Linh: thiêng liêng.
Vô vật bất linh là nói về việc cầu cúng, không có lễ vật thì cầu không thiêng.
Thành ngữ nầy thường dùng để chế giễu những ông quan tham nhũng, nếu không có lễ vật trọng hậu mang đến cho quan thì công việc không xong. Lễ vật càng quí giá thì công việc càng mau xong.
Vô vi
無為
A: No act.
P: Non agir.
Vô: Không, trống không, không có gì. Vi: làm.
Vô vi là không làm.
Vô vi là một khái niệm triết học cổ đại của Trung quốc rất nổi tiếng và rất sâu sắc.
Vô vi là không làm, tức là không can thiệp.
Đạo người gắn liền với Đạo Trời (Thiên đạo) theo qui luật tự nhiên, đều hòa, bền bỉ, tưởng như không làm gì (vô vi) mà vẫn hiệu quả. Về mặt lý tưởng, đạo người (Nhơn đạo) cố đạt đến chỗ không làm (vô vi) như đạo Trời, tránh can thiệp (vô vi) thô bạo vào guồng máy tự nhiên hay vào xã hội.
Nho giáo và Lão giáo đều đề cập đến chủ nghĩa Vô Vi, nhưng bên Lão giáo có phần đặc biệt và sâu sắc hơn.
1. Nho giáo:
Kinh Dịch có câu: Dịch không ý thức, không hành động (vô vi), yên lặng không động, nhưng nếu cảm thông thì sẽ thông suốt mọi biến cố trong thiên hạ, nếu không phải là điều thần diệu nhất của thiên hạ thì sao có thể được như vậy.
Đó là nói về Vô Vi trong Kinh Dịch, tức là đạo Trời.
Trong sách Luận Ngữ, Đức Khổng Tử nói: không làm gì (vô vi) mà đạt tới thạnh trị, chẳng là vua Thuấn hay sao! Vua làm gì đâu, chỉ cung kính giữ mình, hướng ngay thẳng về phương Nam mà thôi. Đó là nói về Vô Vi của đạo người.
Sách Trung Dung, khi nói về đạo Chí Thành đã nêu đức Vô Vi: không cần trưng ra mà sáng tỏ, không chuyển động mà biến đổi, không làm mà thành công.
Đức Chí Thành là chung của Trời Đất và của Người.
Chủ nghĩa Vô Vi của Nho giáo mang tính chất huyền bí, dễ xuất phát từ Thiên mạng hoặc dẫn đến Thiên mạng.
2. Lão giáo:
Đối với Đức Lão Tử, ý niệm Vô vi thành một đạo lý, và Đức Lão Tử đã phát triển đạo lý nầy ở một số phương diện để chống lại Nho giáo. Do đó, khi nói tới Vô Vi, người ta nghĩ ngay đây là vấn đề của Đạo Lão, hơn là vấn đề của Đạo Nho.
Đức Lão Tử cho rằng: Bản chất của "ĐẠO" là vô vi. Đạo thường vô vi nhi vô bất vi (Đạo thường không làm, mà không gì không làm). Vua chúa nếu không giữ được, muôn vật sẽ tự mình chuyển hóa.
Câu nói: "Không làm mà không gì không làm" có thể hiểu được theo hai ý sau đây:
- Không làm nhưng không có gì không làm được.
- Không làm nhưng không có gì không do đó mà không được làm ra.
"Vô vi là không làm" vì theo qui luật tự nhiên, trơn tru không vướng mắc, "không gì không làm" vì mọi thứ đều tỏ sức sống cường kiện, như trăm hoa gặp khí dương của mùa Xuân, tự nhiên đúng kỳ hoa nở.
Đạo Trời vô vi, chỉ đem lợi cho muôn vật: đạo Trời lợi mà không hại, đạo Thánh nhân làm mà không tranh, tức không hề chú ý đến quyền lợi cá nhân, chỉ mong có sự đóng góp tạo sự chuyển hóa cho vạn vật. (Theo Từ Điển Triết học giản yếu)
Vô vi là một chủ trương được Đức Lão Tử đặc biệt đề cao trong sách Đạo Đức Kinh. Ngài muốn đem chủ nghĩa Vô vi áp dụng vào công việc tu thân và cả đến việc trị dân nữa.
Về Tu thân, Vô vi không phải là sống nhàn cư vô sự, ăn bám xã hội, mà chính là sống cuộc đời cao siêu huyền hóa với Trời. Liệt Tử định nghĩa: Vô vi là hoạt động siêu việt.
Trang Tử định nghĩa: Vô vi là hoạt động của Trời Đất.
Vô vi là để trở về khế hợp với bản căn bản tánh, hiệp nhập vào Thượng Đế. Vô vi là nhập đại định, là giai đoạn chót của khoa tịnh luyện để đắc đạo.
Cho nên, cõi Vô vi là cõi Trời, cõi thiêng liêng tuyệt đối vô hình. Cõi Vô vi chính là Niết Bàn của Phật.
Trái với Vô vi là Hữu vi, tức là cõi hữu hình sắc tướng.
Muốn đạt đến Vô vi thì phải bắt đầu từ Hữu vi. Không có con đường tắt. Từ hữu hình sắc tướng đi riết tới, lần lần giũ sạch những cái Hữu vi thì ta đạt đến Vô vi, tức Niết Bàn vậy.
Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng viết trong quyển Giáo Lý, giải thích về Vô vi như sau:
"Vô vi nghĩa là không hành động theo ngoại giới, mà chỉ hồi hướng về nội giới tâm linh, sưu tầm giác ngộ lẽ huyền nhiệm của tâm lý và sinh lý.
Cho nên Đạo Đức Kinh, chương 48 nói rằng: "Vi Đạo nhựt tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi." Nghĩa là: Làm Đạo thì mỗi ngày mỗi giảm bớt, và giảm bớt nữa cho đến Vô vi.
Không làm, nhưng chẳng phải khô khan như cây khô hay cục đá, mà thật là giữ một tâm trạng hồn nhiên, như đứa trẻ chưa biết cười (anh nhi chi vị hài), cho nên nói rằng: "Đạo thường vô vi nhi vô bất vi." Nghĩa là: Đạo thường là vô vi, nhưng chẳng có việc gì không làm. Tại sao? Bởi lẽ kẻ học đạo phải làm những việc chưa đến, phải lo những việc chưa xảy ra (Vi vô vi, sự vô sự).
Ví dụ: Chúng ta đã biết làm dữ thì họa trả lại. Biết làm dữ sẽ mang hậu họa, chúng ta lánh dữ trước, thế là làm cái việc khi chưa đến. Xử sự khi sự chưa đến thì ắt chẳng có gì làm bận lòng chúng ta."
Vô vi nhi dịch sử quần linh
無為而役使群靈
Vô: Không, trống không, không có gì. Vô vi: (đã giải ở trên). Nhi: mà. Dịch: sai khiến làm việc. Sử: sai khiến. Quần linh: các chơn linh trong CKVT, gồm đủ Bát hồn, đồng nghĩa Vạn linh.
Đây là một câu kinh trong bài Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, có nghĩa là: Đức Chí Tôn Thượng Đế ở trạng thái vô vi, mà sai khiến được tất cả chơn linh trong CKVT.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Vô vị
無味
A: Insipid.
P: Insipide.
Vô: Không, trống không, không có gì. Vị: mùi vị.
Cái gì làm cho mình cảm thấy hứng thú thì gọi là: Thú vị.
Vô vị là không có mùi vị gì hết, không có thú vị gì cả.
TNHT: Phủi hết muôn sự ở cõi trần vô vị nầy.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vô vọng
無望
A: Without hope.
P: Sans espoir.
Vô: Không, trống không, không có gì. Vọng: mong mỏi, trông mong, hy vọng.
Vô vọng là không còn hy vọng.
Vô ý thức
無意識
A: Unconscious.
P: Inconscient.
Vô: Không, trống không, không có gì. Ý: điều suy nghĩ. Thức: nhận biết.
Vô ý thức là không suy nghĩ chính chắn khi làm một việc nên thường vấp phải sai lầm, gây hậu quả tai hại.
VƠI
Vơi vơi
A: Immense.
P: Immense.
Vơi vơi là rộng lớn mênh mông, bao la không bờ bến.
KK: Biển trần khổ vơi vơi trời nước.
KK: Khai Kinh.
VỜI
VỜI
có hai nghĩa sau đây:
1. Vời: mời tới, triệu đến. (A: To convoque. P: Convoquer)
KSH: |
Điều họa phước không hay tìm tới,
Tại mình vời nên mới theo mình. |
2. Vời: xa lắm, quá tầm mắt. (A: Very far. P: Très lointain).
KĐRĐ: |
Đòi phen lúc biến khi dời,
Thân như bèo bọt giữa vời linh đinh.
(Dời: đổi dời, thay đổi qua chỗ khác). |
KSH: Kinh Sám Hối.
KÐRÐ: Kinh đi ra đường.
VU
VU
1. VU: 于 Đi lấy chồng.
Td: Vu qui.
2. VU: 誣 Chuyện không mà nói có để hại người.
Td: Vu cáo, Vu oan.
Vu cáo
誣告
A: To accuse falsely.
P: Accuser faussement.
Vu: Chuyện không mà nói có để hại người. Cáo: báo cho biết, tố cáo.
Vu cáo là bịa chuyện ra để tố cáo cho người ta mắc tội.
TĐ ĐPHP: Vì không có căn bản tinh thần đạo đức mà chúng ta không thể chối và chịu thiệt thòi theo lời vu cáo.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Vu lan - Vu lan bồn
(Xem: Rằm Trung nguơn, vần R)
Vu oan
誣冤
A: To calumniate.
P: Calomnier.
Vu: Chuyện không mà nói có để hại người. Oan: oan ức, bị qui tội mà mình không phạm.
Vu oan là bịa chuyện ra tố cáo cho người ta bị mắc oan.
TĐ ĐPHP: Ngoài thì kẻ nghịch đương trù hoạch phương châm tàn hại, trong lại bị người phản phúc vu oan,...
Vu oan giá họa: Bịa chuyện oan ức gán cho người để đem tai họa đổ xuống đầu người ta. (Giá: đổ cho).
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Vu qui
于歸
A: To marry.
P: Se marier.
Vu: Đi lấy chồng. Qui: trở về.
Vu qui là lấy chồng và về nhà chồng.
VŨ
VŨ
(\Xem: Võ)
VỤ
VỤ
VỤ: 務 Việc, công việc, chuyên chú vào.
Td: Vụ lợi, Vụ ngoại, Vụ tất.
Vụ lợi
務利
A: To seek gains.
P: Rechercher les gains.
Vụ: Việc, công việc, chuyên chú vào. Lợi: lợi lộc.
Vụ lợi là chỉ chăm lo những việc đem lợi lộc cho mình.
Vụ ngoại
務外
Vụ: Việc, công việc, chuyên chú vào. Ngoại: ngoài, bên ngoài.
Vụ ngoại là chỉ cốt lo cho bề ngoài, tức là đua theo vật chất, sao lãng phần tinh thần.
Vụ tất
務必
Vụ: Việc, công việc, chuyên chú vào. Tất: ắt hẳn, nhứt định, cần phải.
■ Vụ tất là nhất thiết cần phải, quyết phải.
Td: Vụ tất chú ý: cần phải chú ý.
■ Vụ tất là chuyên có một việc, chỉ lo có một việc.
Td: Vụ tất đồng tiền: chỉ lo tiền bạc.
CG PCT: Trên không biết Trời, dưới không kỉnh đất, lấy người làm lợi khí đặng vụ tất công danh quyền quyền thế thế.
■ Chẳng vụ tất đến:
Vụ: việc, công việc. Chẳng vụ: không có công việc. Tất: 蹕 cấm đường. Tất đến: cấm đến.
Chẳng vụ tất đến: không có công việc thì cấm đến.
TNHT: Từ đây có đàn như mấy kỳ rồi đây, Thầy cho phép chẳng vụ tất đến, vì đã thất công mà chẳng bổ ích chi.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
VƯƠNG
VƯƠNG
1. VƯƠNG: 王 Vua, làm vua một nước, tước Vương, tước cao nhứt trong triều đình.
Td: Vương bá, Vương đạo.
2. VƯƠNG: (nôm) Mắc phải.
Td: Vương mang.
Vương bá công hầu
王伯公侯
Vương: Vua, làm vua một nước, tước Vương, tước cao nhứt trong triều đình. Bá: tước Bá. Công: tước Công. Hầu: tước Hầu. Triều đình thời xưa đặt ra 5 tước quan đại thần: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Tước Vương đứng trên 5 tước nầy.
Vương bá công hầu là chỉ những người đạt được đỉnh cao nhứt trong danh vọng.
TNHT: Vương bá công hầu lụy mấy mươi.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vương đạo - Bá đạo
王道 - 霸道
Vương: Vua, làm vua một nước, tước Vương, tước cao nhứt trong triều đình. Đạo: đường lối chánh sách phải theo. Bá: dùng sức mạnh ép buộc người ta phải phục tùng.
Mạnh Tử định nghĩa thế nào là Vương, thế nào là Bá.
"Dĩ lực giả nhân giả Bá, Bá tất hữu đại quốc.
Dĩ đức hành nhân giả Vương, Vương bất đãi đại."
Nghĩa là:
Người dùng sức mạnh mà mượn tiếng làm điều nhân là Bá, người làm Bá tất có nước lớn.
Người lấy đức mà làm điều nhân là Vương, Vương không cần nước lớn.
Người làm Bá cần phải có sức mạnh vũ dũng để đè nén người ta, cho nên phải cần có nước lớn mới đủ sức mạnh.
Người làm Vương thì chỉ cần có đức độ nhơn nghĩa cho người ta kính phục, chớ không cần đến sức mạnh, cho nên không cần phải có nước lớn.
Theo Nho giáo, một chánh thể dùng Nhơn nghĩa để trị dân thì gọi là Vương đạo; còn nếu không dùng nhơn nghĩa mà dùng sức mạnh và sự thưởng phạt cho công bằng, làm cho nước cường thịnh thì gọi là Bá đạo, và nếu chỉ nghĩ đến cái lợi cho mình thì nhứt định theo con đường Vong quốc (mất nước).
1. Vương đạo:
Vương đạo là con đường chơn chánh của bậc Thánh Vương thời cổ, dùng đức và nghĩa mà hóa dân trị nước.
Vương đạo chỉ chuộng Nhơn nghĩa, không dùng quyền uy võ lực hay mưu mô xảo trá mà bức hiếp người để đạt mục đích.
"Đem cả nước mà hô hào làm việc lễ nghĩa và không làm gì hại đến lễ nghĩa. Làm một điều bất nghĩa, giết một người không có tội, mà được cả thiên hạ thì kẻ nhân giả không làm. Cứ giữ vững lòng mình mà giữ nước. Được như thế thì thật là vững chắc lắm vậy.
Những người cùng với mình làm việc ấy đều là nghĩa sĩ. Những hình pháp đem bày ra cho quốc gia đều là pháp nghĩa. Những điều mà nhân chủ đã thật tin và đem quần thần qui hướng cả về đó đều là cái ý chú vào việc nghĩa.
Như thế, kẻ dưới lấy nghĩa mà trông cậy người trên, ấy là cơ bản định vậy. Cơ bản đã định thì nước định, nước định thì thiên hạ định....
Không bởi cớ gì khác, chỉ bởi cái cớ cố làm cho nên việc nghĩa. Ấy là việc nghĩa lập mà làm Vương vậy.
Người muốn làm Vương cả thiên hạ thì phải: Phát cái chánh trị ra, thi hành những điều nhân, khiến kẻ ra làm quan ở trong thiên hạ ai cũng muốn đứng ở triều nhà vua, kẻ cày ruộng ai cũng muốn cày ở đất của nhà vua, kẻ buôn bán ai cũng muốn đến ở trong chợ của nhà vua, người đi đường ai cũng muốn đi đường của nhà vua. Được như thế, ai chống lại mình được nữa."
2. Bá đạo:
"Đức tuy chưa đến cùng cực, nghĩa tuy chưa nên hẳn, song cái lý của thiên hạ cũng được có tiết tấu. Hình pháp thưởng phạt làm tin cho thiên hạ, kẻ bề tôi ở dưới đều hiểu rõ mà biết những điều yếu ước. Cái chính lệnh đã bày ra thì dẫu thấy rõ điều lợi của mình hỏng, nhưng cũng không lừa dối dân, đã kết ước với nước nào thì dẫu thấy rõ điều lợi của mình hỏng, nhưng cũng không lừa dối người.
Như thế thì binh mạnh, thành bền, nước địch sợ mình, cả nước một nền, dân với nước đều tin. Tuy ở nơi hẻo lánh, cũng có uy với thiên hạ. Song không phải là hết lòng sửa cái gốc ở sự chính và sự giáo, không phải là lấy văn lý làm căn bản, không phải là làm cho lòng người ta phục.
Làm điều gì thì xu hướng về phương lược, xét việc gì thì dùng thuật dĩ dật đãi lao, nghiêm cẩn sự súc tích, sửa sang việc chiến bị, trên dưới một lòng tin nhau, thiên hạ không ai dám đương đầu với mình. Ấy thế gọi là Tín lập mà làm Bá vậy."
Con đường Bá đạo thì chuộng quyền lực uy vũ, mưu kế tài tình để đạt mục đích làm Bá chủ thiên hạ, thống trị và áp bức chư Hầu.
Vương đạo thì bền vững lâu dài, Bá đạo chỉ tồn tại khi quyền lực còn. Vương nghiệp thì thống nhứt cả nước, Bá nghiệp thì làm lãnh tụ chư Hầu.
Trong truyện Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang thi hành Vương đạo, còn Hạng Võ thi hành Bá đạo. Do đó, Lưu Bang đoạt được thiên hạ, thống nhứt nước Tàu; Hạng Võ thì chỉ làm Sở Bá Vương một thời gian rồi phải chịu thảm bại tiêu diệt.
Nhà Nho nào cũng muốn thực hành Vương đạo, nhưng nếu không thực hành nổi Vương đạo thì vạn bất đắc dĩ mới phải dùng Bá đạo. Sử chép, Vệ Ưởng đến yết kiến Hiếu Công, thuyết về Vương đạo. Hiếu Công không nghe, nên Vệ Ưởng phải thuyết về Bá đạo. Thế là Hiếu Công chịu nghe. Khi về nhà, Vệ Ưởng phàn nàn rằng: đức của nhà vua khó mà sánh với đời Ân, đời Chu được.
Những bậc Thánh nhân như Đức Khổng Tử, Mạnh Tử, suốt đời đi chu du liệt quốc, khát khao tìm một ông vua biết thi hành cái đạo của mình, mà hễ gặp vua nào không có cái chí theo Vương đạo thì liền bỏ đi, chớ không chịu nói về Bá đạo.
3. Vong quốc chi đạo: Con đường mất nước.
Đem cả nước mà hô hào làm công lợi, không cần mở cái nghĩa, giữ sự tín, chỉ cốt cầu lợi. Trong thì không sợ dối dân để cầu cái lợi nhỏ, ngoài thì không sợ dối nước thân với mình để tìm cái lợi lớn. Trong không lo sửa cho ngay chính những thổ địa tài hóa của mình, mà lại muốn những thổ địa tài hóa người. Như thế thì kẻ thần hạ và trăm họ, ai cũng lấy lòng giả dối mà đối đãi với người trên. Người trên dối với kẻ dưới, kẻ dưới dối người trên, thế là trên dưới chia rẽ nhau. Như thế thì nước địch khinh mình, mà nước thân với mình ngờ vực mình, ngày ngày đều dùng quyền mưu, nước nhà không khỏi nguy biến, đến cuối cùng là mất nước.
Ấy không bởi cớ gì khác, chỉ bởi không dùng lễ nghĩa mà chỉ dùng quyền mưu để cầu lợi vậy." (Theo: Nho giáo, một Triết lý Chánh trị, của Nguyễn Hiến Lê)
TĐ ĐPHP: Vả chăng cái Thiên đạo khác với Vương đạo, cũng như Đế đạo khác với Bá đạo.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Vương mang
A: To be attached.
P: Être pris.
Vương: (nôm) Mắc phải. Mang: đeo vào mình.
Vương mang là vướng mắc vào mình.
KSH: |
Thêm liều mạng đặng toan đổ tội,
Cho người hiền chịu lỗi vương mang. |
KSH: Kinh Sám Hối.
Vương tân sách phụ
王賓策輔
Vương: Vua, làm vua một nước, tước Vương, tước cao nhứt trong triều đình. Tân: Khách. Sách: kế hoạch. Phụ: giúp.
Vương tân: khách của vua.
Sách phụ: giúp kế hoạch trị nước an dân.
Đây là một câu kinh trong bài kinh Nho giáo, nói về Đức Khổng Tử. Khi Đức Khổng Tử chu du các nước chư Hầu, các vị vua đãi Ngài vào bực thượng khách, kính trọng Ngài vào bực tôn sư, để nghe Ngài giảng giải về phương pháp dùng đạo đức nhơn nghĩa để trị nước an dân.
Hễ vua chư hầu nào có lòng thương dân, biết tôn trọng đạo đức thì Đức Khổng Tử lưu lại mà giúp vua kế hoạch cải cách việc chánh trị và giáo dục trong nước để làm cho dân giàu nước mạnh; còn vua chư Hầu nào vô đạo thì Ngài liền bỏ đi.
Sự đi hay ở của Ngài chỉ do cái đạo của Ngài được thực hiện hay không mà thôi.
|