QUỐC ĐẠO CAO ĐÀI

HT Mai Văn Tìm

(03-2018)

Hai chữ Quốc Đạo theo nghĩa thông thường là một nền tôn giáo mà đa số người dân một nước tín ngưỡng, tôn thờ. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu theo nghĩa khác nữa:  Quốc Đạo như là một nền tôn giáo biểu hiện cho quốc hồn, quốc túy, phong tục tập quán, nếp sống tinh thần. . . của một dân tộc.Theo ý nghĩa nầy chúng ta thử chiêm nghiệm xem Đạo Cao Đài có vị trí thế nào đối với dân tộc Việt Nam thân yêu.Đạo Cao Đài do chính Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút lập nên tại miền nam Việt Nam vào đầu thế kỷ 20,  và chính thức khai mở vào ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần, 1926.

I.TUYÊN NGÔN QUỐC ĐẠO CAO ĐÀI:

Qua Thánh ngôn, Thánh giáo, Đức Chí Tôn có tuyên ngôn rất nhiều lần rằng : Thầy đến lập cho nước Việt Nam một nền Quốc Đạo . . .Sau đây chúng ta hãy nghe lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp vào ngày 30-9-Đinh Hợi (1947) :

“Ngày Chí Tôn tình cờ đến, vì ham thi văn nên ban sơ Diêu Trì Cung đến dụ bằng thi văn tuyệt bút làm cho mê mẫn tinh thần. Hại thay! Nếu chẳng phải là nhà thi sĩ ắt chưa bị bắt một cách dễ dàng như thế, vì ham văn chương thi phú nên Ngài rán dạy. Chí Tôn đến ban đầu làm bạn thân yêu, sau xưng thiệt danh Ngài, biểu Bần Ðạo phế Ðời theo Thầy lập Ðạo. Khi ấy Bần Ðạo chưa tín ngưỡng, bởi lẽ nòi giống nước Nam còn tín ngưỡng tạp nhạp lắm, không chưn đứng, không căn bản, nói rõ là không tín ngưỡng gì hết. Bần Ðạo mới trả lời với Ðức Chí Tôn, ngày nay Bần Ðạo nghĩ lại rất nên sợ sệt. Nếu không phải gặp đặng Ðấng Ðại Từ Bi thì tội tình biết chừng nào mà kể. “Thưa Thầy, Thầy biểu con làm Lão Tử hay Jésus con làm cũng không đặng, Thích Ca con làm cũng không đặng, con chỉ làm đặng Phạm Công Tắc mà thôi, con lại nghĩ bất tài vô đạo đức nầy quyết theo Thầy không bỏ, nhưng tưởng cũng chẳng ích chi cho Thầy”. Ðấng ấy trả lời: “Tắc, thảng Thầy lấy tánh đức Phạm Công Tắc mà lập giáo con mới nghĩ sao?”. Bần Ðạo liền trả lời: “Nếu đặng vậy….” Ngài liền nói: “Thầy đến lập cho nước Việt Nam nầy một nền Quốc Ðạo”, nghe xong Bần Ðạo từ đấy hình như phiêu phiêu lên giữa không trung mơ màng như giấc mộng. . .”

Kế tiếp, Đức Chí Tôn cũng xác nhận lại trong bài Thánh giáo ngày 12 tháng 8 năm Bính Dần (Dl 18/9/1926) như sau:

“Từ đây trong nước Nam duy có một Ðạo chơn thật là Ðạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là QUỐC ĐẠO, hiểu à!”

Sau đó, Ðức Chí Tôn có cho ban hai câu trong bài thi gởi cho Vua Bảo Ðại như sau:

Quốc Ðạo kim triêu thành Ðại Ðạo,
Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.

Nghĩa là: nền Quốc Ðạo của Việt Nam ngày nay sẽ biến thành nền Ðại Ðạo, Nền phong hóa của Việt Nam ngày sau sẽ trở thành nền phong hóa của toàn nhơn loại.

Bây giờ chúng ta thử khảo sát xem tính chất đạo Cao Đài, có phải là một nền tôn giáo dân tộc hay quốc đạo của Việt nam không ?

II.TÍNH CHẤT DÂN TỘC TRONG ĐẠO CAO ĐÀI

1/.Từ tín ngưỡng thờ Trời và Tổ phụ Ông Bà đến sự thờ phượng Đức Chí Tôn Thượng Đế và Cửu Huyền Thất Tổ trong Đạo Cao Đài:

Dân tộc Việt Nam từ xưa đã có đức tin mạnh mẽ nơi Ông Trời. Người dân Việt tin rằng Ông Trời là  Đấng cầm quyền thưởng phạt tuyệt đối trong tay như trong Truyện Kiều:

Cho hay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân,

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao. . .

Ngày nay chính Ông Trời đến lập nên Đạo Cao Đài, Ngài xưng là Thầy và cũng là Cha linh hồn của tất cả chúng sanh cùng chư Thần Thánh Tiên Phật. Thánh Giáo ngày 17-12-1926, Đức Chí Tôn có dạy rằng:

“Thầy không bao giờ không cảm ứng với những lời cầu nguyện chơn thành. Như thế đủ chứng tỏ cho các con tin rằng: Thầy là Đức Jéhovah của dân Hébreux, vị chủ tể của quân lực dân Israel, Vị Thánh Vô Danh của dân Do Thái, Đức Đại Từ Phụ của Chúa Jésus Cứu Thế. . .”

Ngài là Đấng Chủ Tể Toàn Năng nhưng cũng phải tuân theo định luật công bằng trong Vũ Trụ như lời Thánh giáo ngày 27-5-1927:

“Mỗi phen Thầy đến lập Đạo thì là phải cam đoan và lảnh các con chẳng khác nào kẻ nghèo lảnh nợ. Các con làm tội lỗi bao nhiêu, oan nghiệt bấy nhiêu Thầy đều lảnh hết. . .”

Chúng ta không biết Đức Chí Tôn lảnh tội cho con cái Người bằng cách nào nhưng việc nầy cũng có ý nghĩa như buổi Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Chúa Jésus phải chịu khổ hình để cứu chuộc cho loài người vậy. . .

Dân tộc Việt Nam từ xưa ảnh hưởng Nho giáo nên coi chữ hiếu đối với ông bà cha mẹ là điều thiết yếu của con cháu, và khi ông bà cha mẹ qua đời phải thờ phượng và cúng giỗ hằng năm. . . Đây là một tập tục tốt đẹp, uống nước nhớ nguồn. Trong Đạo cao Đài cũng giữ nguyên tập tục nầy và còn tiến xa hơn nữa là khuyến khích con cháu phải rán lo lập công bồi đức để cứu độ cha mẹ ông bà cho đến Cửu Huyền Thất Tổ được siêu thăng nơi cõi Thiêng Liêng hằng sống. . .

2/.Từ Đạo thờ Mẫu và các Bậc Thánh Nữ tới việc thờ phượng Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương trong Đạo Cao Đài:

Đạo thờ Mẫu được coi là một tín ngưỡng bản địa có rất lâu đời trên đất Việt tức là thờ bà Mẹ Sanh, Bà Mẹ Thiêng Liêng, Thánh mẫu. . . Ngoài ra dân ta cũng thờ phượng rất nhiều vị Thánh Nữ như Công Chúa Liễu Hạnh, Bà Thiên Mụ , hướng dẫn chúa Nguyễn Hoàng tìm ra linh địa, miền Nam thì có Linh Sơn Thánh Mẫu hay còn gọi Bà Đen, rồi Bà Chúa Xứ,. . .

Ngày nay trong Đạo Cao Đài cũng thờ Bà Mẹ Sanh, dưới danh xưng là Đức Diêu Trì Kim Mẫu, hay Phật Mẫu là chưởng quản từng Trời Tạo Hóa Thiên. Theo phò tá Đức Phật Mẫu có chín vị Tiên nữ gọi là Cửu Vị Tiên Nương. Trong 9 vị Tiên Nương nầy đa số là những bậc anh thư nước Việt, như:

Bà Nhất Nương: có tiền kiếp là Hoàng Thiều Hoa, nữ tướng tài của Hai Bà Trưng sau đó được Hai Bà phong là Thánh Thiên Công Chúa.

Bà Tam Nương : tức là Bà Thiên Mụ đã hiện thân hướng dẫn Chúa Nguyễn Hoàng tìm ra đất Phú Xuân, Huế để lập nên kinh đô triều Nguyễn.

Bà Tứ Nương: có tiền kiếp là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, một bậc anh thư nước Việt đã để lại một điểm son trong kho tàng văn học nước nhà.

Bà Ngũ Nương: có tiền kiếp là Công Chúa Liễu Hạnh là một bậc Thần Linh được tôn thờ nhiều nơi ở miền Trung và Bắc nước ta. . .

Bà Lục Nương: có tiền kiếp là Thánh nữ Jeanne D’Arc ở Pháp, sau đó bà tái kiếp ở Việt Nam có tên là Hồ Thị Huệ là phối thất của vua Minh Mạng và là mẹ sanh ra vua Thiệu Trị.

Bà Thất Nương: có tiền kiếp là Vương Thị Lễ, cháu ngoại của Tổng Đốc Đổ Hữu Phương (Sài Gòn).

Bà Bát Nương: có tiền kiếp là Nữ tướng Hồ Đề giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán, Bà được Hai Bà Trưng phong là Phó Nguyên Soái và sau đó là Đề Nương Công Chúa. . .

Bà Cửu Nương: có tiền kiếp là Ngọc Vạn Công Chúa, con gái Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Bà lớn lên được gả cho vua Cao Miên, nhờ vậy, Bà tạo được mối giao hảo giữa Việt Miên qua nhiều thế hệ.

Xem vậy trong 9 vị Tiên Nương chỉ trừ Bà Nhị Nương là một Nữ Vương Chân Lạp còn lại 8 vị kể trên đều là những bậc anh thư, Thánh nữ đã tạo nhiều công đức cho nòi giống Việt. Ngày nay trên cõi Thiêng Liêng trong cửa Đạo Cao Đài chư vị nầy theo phò Đức Phật Mẫu và mỗi vị có sứ mạng riêng để độ dẫn nhân sanh về với Cha Mẹ trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. . .

Như vậy chúng ta thấy Đạo Mẫu của dân gian được điển chế lại có hệ thống trong Đạo Cao Đài và Đức Phật Mẫu cùng Cửu Vị Tiên Nương được thờ phượng trong Điện Thờ Phật Mẫu nơi mỗi địa phương song song với Thánh Thất là nơi thờ phượng Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. . .

Điện Thờ Phật Mẫu (Cà Mau)

Tượng Thờ nơi chánh điện Đền Thờ Phật Mẫu

3/.Từ Tam Giáo đồng nguyên đến Tam Giáo quy nguyên và Ngũ Chi phục nhứt:

Từ thời Lý Trần, ba nền đạo Nho, Phật, Lão, được truyền bá vào nước ta và được triều đình cũng như dân chúng tôn sùng ngang nhau. Ba nền triết lý nầy tạo được một nếp sống tinh thần đoàn kết, hài hòa trong xã hội. Đây có thể nói là 2 triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử dân tộc. Yếu tố Tam Giáo đồng nguyên là một nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh dân tộc. Nhờ vậy dưới triều Lý, với danh tướng Lý Thường Kiệt phá Tống, bình Chiêm và dưới triều nhà Trần với Đức Trần Hưng Đạo đã ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. . .

Tuy rằng từ thời Lê trở đi, triều đình đặt nặng Nho giáo hơn nhưng trong tinh thần sĩ phu vẫn thấm nhuần triết lý Tam Giáo, như qua thi văn cụ Nguyễn Công Trứ chẳng hạn, Ông là một nho sĩ với hoài bão:

“Chí những toan xẻ núi lấp sông,

Làm nên đấng anh hung đâu đấy tỏ. . .”

Nhưng rồi sau đó ông cũng muốn thoát ra ngoài vòng danh lợi:

“Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao.
Đám phồn hoa trót bước chân vào,
Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết. . .”

Hay những câu thi đượm màu yếm thế:

“Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ,
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ,
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt. . .”

Thi văn cụ cũng bàng bạc màu thiền của Phật:
“Cái hình hài đã chắc thiệt chưa?
Mà lẽo đẽo khóc sầu rứa mãi!
Trời đất hễ có hình là có hoại,
Ỷ chi chi mà chắc cái chi chi. . .

Cái luân hồi chẳng ở đâu xa.
Nghiệp duyên vốn tại mình ra. . .”

Ngoài Tam giáo , dân ta còn có tín ngưỡng thờ Thần. Mỗi làng xã có xây một cái Đình là nơi sinh hoạt công cộng và là nơi thờ vị Thần Hoàng do sắc vua ban. . . Đây có thể nói là Thần Đạo của Việt Nam.

Ngoài ra cho đến thế kỷ thứ 17, Thiên Chúa Giáo bắt đầu xâm nhập vào nước ta, Đây chính là nền Đạo Thánh.

Cho nên đến đầu thế kỷ 20, thì trên đất nước ta có sự hiện diện của 5 Tôn giáo chính.

Và cũng vào thời điểm nầy Đức Chí Tôn đến qua huyền cơ diệu bút, qui Tam giáo: Nho, Phật, Lão và hiệp Ngũ Chi là: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo để tạo thành một nền Đạo tổng hợp là Đạo Cao Đài hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Vậy Cao Đài là qui hiệp những nền tôn giáo mà ông cha ta tôn sùng xưa nay hay nói là Quốc Đạo cũng không có chi lạ. . .

 4/.Từ quốc phục, nghi lễ dân tộc đến phẩm phục và nghi lễ Cao Đài:

Người tín hữu Cao Đài với bộ đạo phục: nữ mặc áo dài trắng, nam thêm khăn đóng  màu đen, đây vốn dĩ là quốc phục của dân Việt từ bao đời, chỉ khác đôi chút là quốc phục Việt Nam là chiếc áo dài màu thâm còn đạo phục của tín hữu Cao Đài thì màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch và màu trắng là màu tổng hợp của tất cả các màu nên đạo phục màu trắng nói lên sự hòa hiệp trong cộng đồng tất cả các tôn giáo vì người Cao Đài quan niệm tất cả các tôn giáo xưa nay đều xuất phát từ một nguồn cội là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Còn phẩm phục hàng chức sắc, chức việc thì áo tay rộng, cổ trịch đây là những lễ phục của của vua quan trong triều đình và hương chức làng xã Việt Nam từ xa xưa.

Về nghi thức tế lễ cũng tương tự như cổ tục ông cha từ xưa, nhưng Đức Chí Tôn cho điển chế lại mỗi cấp bậc đều có ý nghĩa phân minh hơn mà thôi. . .

5/.Từ cổ nhạc Việt Nam đến nền âm nhạc Cao Đài :

Theo Nho giáo thì lễ là biểu hiện sự kính trọng, còn nhạc nói lên tinh thần hòa hiệp.

Những nhạc điệu hòa tấu trong các Đàn lễ Cao Đài đều được soạn ra từ cổ nhạc Việt Nam , theo tạp chí liên giao Cao Đài:

“Ngay từ buổi ban sơ Đức Chí Tôn dạy các môn đệ dâng lễ theo Tân pháp Cao Đài. Sắp đặt lễ nhạc hòa với đồng nhi khi đọc kinh hoặc thài có sự giao hòa linh diệu, có giọng xuân, giọng ai tùy theo bài kinh đã chứng minh ở đây có sự sáng tạo. . .Quý anh lớn Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư, Bảo văn pháp quân Cao Quỳnh Diêu là người am tường âm luật, có công khôi phục lại nhạc cung đình kết hợp với các bản nhạc lễ của Nam Bộ thành ra nhạc Cao Đài gọi là nhạc Thánh đường gồm có 7 bài: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc . . .  . .

Nhạc cụ dùng để đánh các bài trên là nhạc cụ truyền thống của người Việt như: đàn tranh, đàn cò, đàn bầu, trống, kèn, ….

Nhận xét về âm nhạc Cao Đài, Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê cho rằng:
“Nhạc trong Đạo Cao Đài đều xuất phát từ nhạc dân gian Việt Nam, từ truyền thống Việt Nam đưa vào, không phải từ phương xa đến, không phải từ nước ngoài tới mà từ dân gian … Âm nhạc trong Đạo Cao Đài là âm nhạc trong phong cách nhạc lễ miền Nam, không phải miền Trung hay miền Bắc tức là âm nhạc Cao Đài dựa vào âm nhạc truyền thống dân gian miền Nam một cách rõ ràng …”

Nhạc cụ cổ nhạc: Đàn Tranh, Đàn bầu, Đàn Cò, Đàn Kìm, Đàn Tỳ Bà, . .

Cũng theo Giáo sư Trần văn Khê:

“Cao Đài là một tôn giáo xuất xứ ngay trong lòng dân tộc Việt Nam, đã dùng nhạc lễ miền Nam để phụ họa những nghi thức trong đạo Cao Đài, đã có cách niệm hương rất gần gũi tiếng mẹ ru con của miền Nam.

Chúng tôi có thể kết luận rằng đạo Cao Đài trong nghi thức và âm nhạc rất đậm đà bản sắc văn hóa của miền Nam Việt Nam”.

https://tranvankhevietnam.blogspot.com/2013/05/am-nhac-ao-cao-ai.html

6/.Từ huyền thoại Con Rồng Cháu Tiên đến việc tôn thờ hai Đấng Phụ mẫu Vạn linh là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu:

Huyền thoại Con Rồng Cháu Tiên nói rằng, vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy Bà Âu Cơ là một vì Tiên tức là có dòng giỏi Tiên, sinh ra một bọc có trăm trứng nở ra 100 con trai, gái. Sau này, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển, vì mẹ là giống Tiên, và cha là giống Rồng; và từ đó sinh ra phát triển thành dòng giống Việt Nam.

Nên người Việt tự hào mình là dòng giống Con Rồng Cháu Tiên. . . Rồng là linh vật biểu hiệu cho sức mạnh, biến hóa, tài phép khôn lường. . .Còn Tiên nói lên vẻ đẹp, dịu hiền, minh triết. . .

Xuyên qua triết lý Đạo Cao Đài quan niệm rằng: mỗi con người đều có 3 xác thân; một là xác trần bằng xương thịt do cha mẹ hữu hình sinh ra, xác thân thứ hai còn gọi là chơn thần do Đức Phật Mẫu ban cho, xác thân nầy là thể hơi giống như khuôn in rập với xác trần, xác thân thứ ba gọi là chơn linh hay linh hồn do Đức Chí Tôn Thượng Đế ban cho. . . Chính vì vậy ta gọi Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ hay là Cha Thiêng Liêng và Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu hay Mẹ Thiêng Liêng . . .

So sánh truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên ta thấy Rồng thuộc về Dương cũng giống như Đức Chí Tôn chủ khối Dương quang trong càn khôn vũ trụ, còn Tiên thuộc về Âm cũng giống như Đức Phật Mẫu chủ khối Âm quang trong càn khôn vũ trụ. Còn hình ảnh một bọc trăm trứng nở trăm con là anh em với nhau, tức là trăm họ trong một nước hay suy rộng ra trăm họ trong toàn nhân loại cũng là một mà thôi. . .

Đây là triết lý đại đồng của Đạo Cao Đài cũng như một số tôn giáo như Thông Thiên Học, Đạo Ba Hai, Omoto Giáo (Nhựt Bản). . .Nếu toàn nhân loại hay các dân tộc đều là anh em cùng cha mẹ sinh ra thì sẽ có tình thương yêu nhau mà không thù hận chém giết nhau nữa. . .sẽ đưa đến một thế giới hòa bình, thương yêu lâu dài. . .

Tổ tiên ta còn có giai thoại bánh dày bánh chưng nói lên lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ như trời đất (trời tròn đất vuông theo quan niệm người xưa) hay nói xa hơn là lòng hiếu thảo đối với Cha Trời Mẹ Đất cũng là tượng trưng hai khối Âm Dương trong vũ trụ. . .Cũng chính là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu vậy. . .

Xem vậy, Tổ Tỉên nòi giống Việt quả là những bậc đầy minh triết, đã tiềm tàng triết thuyết đại đồng từ buổi bình minh của dân tộc mà ngày nay Đạo Cao Đài đã xiển dương thành một triết lý đại đồng nhân bản. . .Trỉết lý nầy sẽ gầy dựng nên một ý thức hệ đại đồng là điều cần thiết cho nền hòa bình thế giới. . . 

7/.Từ Xã Thôn Tự Trị đến Hương Đạo Cao Đài :

Làng xã là đơn vị hành chánh căn bản của xã hội cổ Việt Nam, mỗi làng có cái đình là nơi sinh hoạt công cộng của toàn dân trong làng. Đặc biệt là ban hương chức điều hành công việc trong làng là do người dân tự bầu những người có tài đức trong làng đứng ra cai quản. Nhà vua chỉ bổ quan cai trị ở cấp phủ huyện là cấp trên của làng xã . . .

Nói về tổ chức xã hội Việt Nam thời phong kiến, ông bà chúng ta còn truyền lại câu: phép vua thua lệ làng, tức là nhiều khi lịnh của nhà vua đưa ra mà trái với tục lệ ở xã thôn thì người dân cũng không thi hành. Như vậy từ xa xưa xã hội Việt Nam ta đã áp dụng cơ chế dân chủ ở cấp hạ tầng là làng xã nên gọi là chế độ xã thôn tự trị.

Chế độ nầy có cái hay là :

–         Giữ vững được giá trị tinh thần, thuần phong mỹ tục truyền lại từ đời nầy sang đời nọ.

–         Kềm thúc người dân khép mình trong nề nếp đạo đức, nếu ai phạm tội lỗi khó mà chịu nỗi sự cười chê của dân làng.

–         Người dân có đạo đức sẽ biết thương yêu giúp đỡ nhau như ruột thịt.

–         Chính nơi hương thôn khép kín nầy dân ta vẫn giữ vững được phong tục tập quán và tinh thần phục quốc sau cả ngàn năm bị người Tàu đô hộ .

Ngày nay trong hệ thống hành chánh đạo Cao Đài vẫn giữ nguyên chế độ xã thôn tự trị. Mỗi làng xã gọi là Hương Đạo được điều hành do một Bàn Tri Sự do đạo hữu trong hương đạo bầu ra theo nhiệm kỳ và được phân quyền rõ rệt qua bộ Pháp Chánh Truyền là hiến pháp của Đạo.

Đặc biệt là các đại diện của Bàn tri sự cũng là Nghị viên trong Hội Nhơn Sanh là một trong ba cơ chế lập pháp của Đạo, do đó những nguyện vọng của nhơn sanh sẽ được chuyển đạt trực tiếp lên hai Hội trên để giải quyết.

Và điều quan trọng nữa là một vị chức sắc muốn thăng cấp phải qua sự cứu xét của Hội Nhơn Sanh. Đây là một quyền quan trọng để người Đạo hữu kiểm soát tầng lớp cầm quyền trong hệ thống hành chánh đạo.

Luật pháp Cao Đài luôn thể hiện tinh thần dân chủ, giám sát hổ tương, đây chỉ nói lên vài khía cạnh ở hạ tầng hương thôn mà thôi.

Tóm lại, trong Đạo Cao Đài quyền hành viên chức xã thôn tức là đại diện trực tiếp cho người dân được tăng cường trong hệ thống lập pháp và giám sát. Đây là điểm đặc biệt của nền dân chủ Cao Đài.

Đình làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội)

8/.Từ tục lệ đưa ông Táo về Trời đến đưa Chư Thánh triều Thiên trong Đạo Cao Đài:

Tục lệ hằng năm đến ngày hăm ba tháng chạp dân ta đưa ông táo về chầu Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ông Táo sẽ tấu trình lên Đức Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu xảy ra dưới trần trong năm qua. . .Trong văn nghệ người ta diễn tục lệ nầy với đầy vẻ châm biếm hài hước. . .

Còn trong đạo Cao Đài cũng vào ngày nầy người môn đệ Cao Đài sẽ làm lễ đưa Chư Thánh triều thiên nghĩa là tiễn đưa chư vị Thần Thánh cai quản ở địa phương về chầu Đức Thượng Đế. Các Thánh Thất lập đàn lễ nầy, dâng sớ văn rất trang nghiêm nguyện cầu các Đấng minh tấu những điều tốt lành để người dân hưởng nhiều ân huệ của Đức Chí Tôn. . .

Như vậy từ phong tục xưa đến tục lệ trong đạo Cao Đài cũng có cùng ý nghĩa, nhưng nghi lễ Cao Đài nêu lên một cách chính danh hơn mà thôi. . .

9/.Từ những bản Tuyên ngôn độc lập trong lịch sử đến Bản tuyên ngôn độc lập trong đạo Cao Đài:

Xưa nay dân ta vẫn xưng tụng bài thi của danh tướng Lý Thường Kiệt như là Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc:

Nam Quốc san hà Nam đế cư

Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư,

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư.

Bài thi nầy xác quyết một cách chắc chắn với tất cả niềm tin chủ quyền nước Nam thuộc vua Nam, và chính nhờ bài thi mang lại sự chiến thắng quân Tàu vào thời Lý. . .

Kế đó là bản Bình ngô Đại Cáo của cụ Nguyễn Trải, là một áng văn chương hùng hồn kể lại việc chiến thắng quân Minh của vua Lê Thái Tổ một lần nữa xác quyết nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam ,  . . .

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.

…………………………………….

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.

…………………………………….

Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc. .
 .”

……………………………………………

Bây giờ ta thử xem Bản tuyên ngôn độc lập trong đạo Cao Đài là gì ?

Bước vào cửa trước Đền Thánh (Tây Ninh) chúng ta sẽ thấy ngay một bức tranh thật lớn. Trong tranh vẽ 3 vị : Đức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà cách mạng Tôn Dật Tiên và đại văn hào Victor Hugo, đây là ba vị Thánh của Bạch Vân Động đại diện cho nhơn loại ký hòa ước với Đức Thượng Đế . Hòa Ước nầy chỉ gồm hai điều khoản là Thương Yêu và Công Chánh.

Tượng Tam Thánh Ký Hòa Ước

(nơi Đền Thánh Tây Ninh)

Trong ba vị Thánh nầy, Đức Trạng Trình có Thánh danh Thanh Sơn Chơn Nhơn, là vị Tổ sư của Bạch Vân Động, còn ngài Tôn Dật Tiên có Thánh danh Trung Sơn Chơn Nhơn và ngài Victor Hugo có Thánh danh là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn là 2 vị đệ tử của Bạch Vân Động (nơi cõi Thiêng Liêng).

Về ý nghĩa tượng Tam Thánh có rất nhiều khía cạnh, ở đây ta chỉ xét trên bình diện dân tộc mà thôi.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm bị người Tàu đô hộ nhưng họ vẫn không đồng hóa được bởi vì ông cha ta luôn bất khuất kiên cường giữ vững tinh thần, bản sắc dân tộc. Nhưng ngày nay một số đông dân ta hay có tinh thần vọng ngoại; cái gì của người cũng cho là hay là tốt hơn của mình. Những người nầy không nhìn lại gia tài quý báu mà tổ tiên ta để lại. . .

Ngày nay chính mình Đức Chí Tôn đến lập nên mối Đạo Cao Đài và Ngài dạy: Dân tộc Việt Nam sẽ làm Thầy thiên hạ. Trong Tượng Tam Thánh đã diễn tả điều đó: Đức Trạng Trình là một người Việt Nam và là thầy của hai môn đệ phương đông và phương tây, quả là điều đáng cho chúng ta suy gẫm. Thánh giáo Cao Đài còn dạy rõ ràng hơn:

Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc,

Ngày sau làm chủ mới là kỳ.

Ngoài ra , Đức Trạng Trình còn giáng cơ cho hai câu :

Văn hiến bốn nghìn năm có sẳn,

Chi cần dị chủng đến dâng công,

Nền văn hóa tốt đẹp trải hơn 4000 năm ông cha ta dùng để dựng nước và giữ nước, con cháu không nên xu hướng theo văn minh tân thời mà hủy hoại, phế bỏ.

Tóm lại, đối với dân tộc Việt Nam , bức tượng đã nói lên tinh thần tự chủ tự cường và là một lời tiên tri về tương lai tươi sáng của nòi giống Việt . Hay chúng ta có thể vinh danh đây là một Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của dân tộc Việt Nam trong đời Thánh đức sắp đến:

“Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc, Ngày sau làm chủ mới là kỳ”

          10/.Từ sấm Trạng Trình đến Thánh giáo Cao Đài tiên tri về vận mạng Dân tộc Việt Nam

          Ai là người Việt Nam ắt hẳn đã biết về sấm Trạng Trình. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên những điểm cốt lỏi những lời tiên tri về vận mạng dân tộc qua sấm Trạng Trình và những lời chỉ bảo của cụ cho những thế lực chánh trị vào thời đó:

Đối với Nguyễn Hoàng là con của cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim, sau khi Nguyễn Kim mất Nguyễn Hoàng sợ bị anh rễ là Trịnh Kiểm mưu hại nên vào vấn kế thì được cụ Trạng mách cho câu: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Nhờ một câu nầy mà Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ phía Nam và đã gầy dựng sự nghiệp Chúa Nguyễn,  mở mang bờ cõi non sông cho đến vùng đất đai nam bộ trù phú ngày nay. . .

Còn đối với chúa Trịnh, sau khi thế lực vững mạnh trong triều, muốn phế bỏ vua Lê nên vào vấn kế thì được cụ Trạng phán: Giữ chùa thì được ăn oản. . .nên chúa Trịnh vẫn giữ lại Vua Lê mặc dầu nhà vua không còn thực quyền. . .

Đối với con cháu nhà Mạc khi hỏi về hậu vận thì được Trạng khuyên có bề nào nên chạy lên giữ đất Cao Bằng, nhờ vậy sau nầy nhà Mạc bị đánh đuổi rồi chạy lên đất Cao Bằng kéo dài thêm khoảng 80 năm nữa. . .

Như vậy cụ Trạng tuy về quê ở ẩn nhưng vô hình chung đã làm quân sư cho tất cả các thế lực chánh trị trên đất nước ta thời đó, giúp tình hình đất nước ổn định và mở mang bờ cõi thêm ra. . .

Còn đối với Sấm Trạng Trình, nhiều sự kiện lịch sử xảy ra đúng như lời sấm tiên tri. Cho nên dân ta rất tin tưởng vào bộ sấm ký nầy. Từ đó chúng ta sẽ tin tưởng rằng những điều tiên tri chưa xảy ra thì sẽ ứng hiện trong tương lai. Chẳng hạn như những câu sấm ký sau :

Thánh ra tuyết tán mây tan,

          Bây giờ mới sáng rõ ràng nơi nơi,

          Can qua việc nước bời bời,

          Trên thuận ý Trời, dưới đẹp lòng dân,

          Oai phong khấp quỉ kinh thần,

          Nhân nghĩa xa gần, bách tính ngợi ca. . .

          ……………………………………………

          Đời nầy những Thánh cùng Tiên,

          Sanh những người hiền trị nước an dân,

          Này những lúc Thánh nhân chưa lại,

          Chó còn nằm đầu khải cuối thu,

          Khuyên ai sớm biết khuông phù

          Giúp cho thiên hạ Đường Ngu ngõ hầu. . .”

          ………………………………………………

          (Trích từ: Sấm Trạng Trình do Hội Nghiên Cứu Tử Vi Lý Số, California, xuất bản tháng 9-1981)

          Hai đoạn sấm ký trên nói về một bậc Thánh nhân ra giúp nước tạo nên một thể chế dùng đạo đức nhân nghĩa để trị dân giống như những bậc Thánh vương Đường Nghiêu, Ngu Thuấn của nước Tàu thời xưa. . . Đây là những thời kỳ mà người dân sống trong xã hội hạnh phúc, ấm no, đạo đức, thái bình. . .

Và chúng ta cũng được nghe rằng Cụ Trạng có tài tiên tri biết trước được tương lai đến khoảng 500 năm lịch sử. Ngày nay nếu tính từ năm cụ qui thiên (1585) thì cũng gần 500 năm rồi. Nên chắc rằng những tiên tri sau cùng nầy của cụ sẽ xảy ra trong tương lai gần. . .

Có điều đặc biệt là ngày xưa khi về trí sĩ cụ dựng Bạch Vân Am, mở trường dạy học và đã đào tạo nên một số nhân tài giúp dân giúp nước như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử,. . .

Và ngày nay cụ Trạng là bậc Thánh nhân tái xuất trong đạo Cao Đài, với địa vị là tổ sư của Bạch Vân Động. Ngài và các môn đệ Bạch Vân thay mặt nhơn sanh ký với Đức Chí Tôn bản Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước “Thiên Thượng, Thiên Hạ-Bác Ái, Công Bình” . Và chắc hẳn môn đệ Bạch Vân phải góp phần thực hiện Bản Thiên Nhơn Hòa Ước nầy. Chúng ta hãy nghe những lời nhắn nhủ của Đức Trạng Trình gởi đến hàng môn đệ đầu kiếp xuống trần trong bài thi sau:

Bạch Vân nhàn lạc khỏe thân già,

          Thương kẻ nặng mang nợ quốc gia.

          Đời rạng lưu tồn gương nhựt nguyệt,

          Đạo thành vạn đại chíếu sơn hà,

          Thiện nam gắng giữ nền nhơn nghĩa,

          Chơn nữ hằng ghi thuyết cộng hòa,

          Trách nhiệm thiệt hành cho vẹn phận,

          Hồng ân chung hưởng buổi âu ca.

          (Trích Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q. 2)

 

Bài thi trên Ngài nhắc nhở đến sứ mạng của môn đệ Bạch Vân, sứ mạng đó là gì ?

Trả cho rồi món nợ đối với quốc gia, làm cho đời rạng, làm cho Đạo thành, trên căn bản dùng nhân nghĩa và chủ thuyết cộng hòa . . .dựng nền lạc nghiệp âu ca cho dân tộc.

Ngoài ra, nếu chiêm nghiệm những lời Thánh ngôn, Thánh giáo trong đạo Cao Đài chúng ta sẽ ngộ ra được những tiên tri về vận mạng của dân tộc Việt Nam, chẳng hạn như những câu thi trích dẫn sau:

“Biến chuyển trời nam cuộc đảo huyền,

Trả vay cho sạch vết oan khiên,

……………………………….

Non sông Việt chủng ngày êm lặng,

Chung sức cùng nhau đức lập quyền.

…………………………………

Thành pháp dìu đời qua nẻo khổ,

Nên công giúp thế lành cơn nguy,

……………………………………….

          Thổi khí vĩnh sanh lau xã tắc,

Mở đường quốc thể, định phong vân.

……………………………………….

Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc,

Ngày sau làm chủ mới là kỳ”.

 

Như vậy, ngày xưa Đức Trạng Trình viết nên Sấm ký, đó không phải là một sự tình cờ, ngẩu nhiên mà là một sự mặc khải, tiên khải để cho dân tộc Việt Nam có một cái nhìn về tương lai khi sự kiện xảy đến sẽ không bỡ ngỡ, vững tin dân tộc đã đi đúng đường theo Thiên ý. . .Và qua Thánh giáo Cao Đài đã hé mở cánh cửa tiền đồ dân tộc rộng rải hơn, sáng sủa hơn. Việt Nam ta sẽ tự chủ tự cường và lớn mạnh như một nước dẫn đầu kỷ nguyên đời Thánh đức. . .

11/.Từ quốc hiệu Đại Việt, Đại Nam. . . đến Đại Nam-Việt Quốc:

Trải qua các triều đại tự chủ quốc hiệu nước ta thay đổi nhiều lần như: Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, . . .nhưng chỉ có quốc hiệu Đại Việt được xử dụng qua thời gian dài nhất.

Đại Việt là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Lý, bắt đầu từ năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Quốc hiệu này tồn tại lâu dài nhất, (dù bị gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh), kéo dài đến năm 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 724 năm.

Theo truyền thuyết năm 1804 vua Gia Long sai sứ sang Tàu xin đổi quốc hiệu là Nam Việt, nhưng vua nhà Thanh sợ quốc hiệu nầy trùng với nước Nam Việt của Triệu Đà có lãnh thổ kéo dài đến các tỉnh Quãng Đông, Quãng Tây, nên vua Thanh cho đổi Nam Việt thành Việt Nam. V

Quốc hiệu Việt Nam tồn tại trong thời gian 34 năm (1804 – 1838). Sau khi lên nối nghiệp vua Gia Long, vua Minh Mạng đã cho thay đổi quốc hiệu Đại Nam vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Vi

Trên thực tế, Quốc hiệu Đại Nam tồn tại từ 1838 đến 1945 (107 năm) nhưng thời gian sau quốc hiệu này không còn thông dụng mà người dân thích xử dụng lại tên Việt Nam. . .

Bây giờ nói đến Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn đến ban cho nước ta một quốc hiệu đặc biệt đó là :  ĐẠI NAM-VIỆT QUỐC. Trong một bài thánh giáo 7-1927, Đức Chí Tôn có dạy: “Thầy có hội chư Tiên Phật lại mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt Quốc. . . . . .”.

Danh từ nầy chúng ta có thể hiểu theo 2 nghĩa:

Một là: nước Đại Nam của nòi giống Việt.

Hai là: Đại là vĩ đại, Nam Việt là nước Nam Việt có lảnh thổ rộng lớn về phương bắc như nước Nam Việt của nhà Triệu khi xưa.

Dù ý nghĩa như thế nào thì đây vẫn là Thiên ý, chúng ta thử chờ xem huyền diệu gì sẽ xảy đến cho dân tộc Việt Nam. . .

III. PHẦN KẾT

Qua phần khảo cứu trên chúng ta đã nhận chân được dân tộc tính trong Đạo Cao Đài. Một nền Đạo có gốc rễ từ cội nguồn, tình tự dân tộc, từ phong tục tập quán, tín ngưỡng. . . Đạo pháp thiêng liêng như hòa nhập vào linh hồn dân tộc. . .Vậy  Cao Đài  hẳn nhiên là một nền Quốc đạo không ai chối cải được.

Tiến xa hơn nữa Cao Đài còn là một con đường dân tộc, con đường hứa hẹn sẽ đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang. Con đường được soi sáng bởi ánh Diệu quang từ Thiên Thượng. Đó là diễm phúc muôn đời của dân tộc Việt Nam.

Nhưng điều quan trọng thiết yếu là dân tộc nầy có quyết tâm cùng dìu dẫn nhau bước đi trên con đường tươi đẹp đó hay không ?

HT Mai Văn Tìm

(03-2018)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *