■ Cao Ðài Ðại Ðạo là một con đường rộng lớn hướng dẫn nhơn sanh tu hành tiến hóa, đạt các phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, và cuối cùng đạt đến sự hiệp nhứt vào Ðấng Cao Ðài.
■ Cao Ðài Ðại Ðạo là một nền tôn giáo lớn, có một giáo lý và triết lý cao siêu, dung hợp được tất cả giáo lý và triết lý đã có từ trước đến nay của loài người, do Ðấng Chúa Tể CKVT gọi là Ðấng Cao Ðài mở ra trong thời kỳ Hạ nguơn mạt kiếp, để cứu độ toàn cả nhơn sanh trên thế giới trước khi cuộc Tận Thế diễn ra, chuyển sang thời kỳ Thượng nguơn Thánh đức.
Do đó, Ðức Chí Tôn khai Ðạo vào năm Bính Dần (bởi vì khởi đầu một nguơn là năm Giáp Tý, kế là Ất Sửu, Bính Dần, Nhơn sanh ư Dần, mở Ðạo cho nhơn sanh nên phải khai vào năm Dần), và làm Lễ Khai Ðạo ngày Rằm Hạ nguơn (15-10-âl năm Bính Dần) để chỉ rằng đây là thời kỳ Hạ nguơn.
Ðạo Cao Ðài sẽ truyền bá và phổ độ nhơn sanh trong thất ức niên (700 000 năm) mới thất chơn truyền, được nói rõ trong bài thi Tịch đạo của Ðức Chí Tôn ban cho:
Thanh Ðạo tam khai thất ức niên,
Thọ như Ðịa quyển thạnh hòa Thiên.
Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.
Nghĩa là:
Nền Ðạo trong sạch của Ðức Chí Tôn mở ra lần thứ ba phổ độ trong 700 000 năm,
Sống lâu dài như trái đất, thịnh vượng cùng Trời.
Ðức Chí Tôn đem trở về các chơn linh của nhơn sanh,
Tạo ra từ muôn xưa đàn cúng tế để soi sáng người có duyên với Phật.
Ðạo Cao Ðài xứng đáng là một nền Ðại Ðạo bởi vì các lý do sau đây:
■ Thứ nhứt, Gíáo chủ của Ðạo Cao Ðài là Ðấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Ðấng sáng lập CKVT và vạn vật, nên Ðấng ấy có quyền pháp nhứt, được tôn kính nhứt. Ðấng ấy là vua của Nhựt, Nguyệt, Tinh, là chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, và cũng là Ðại Từ Phụ của Vạn linh sanh chúng.
■ Thứ nhì, Giáo lý và Triết lý của Ðạo Cao Ðài là nguyên căn của Giáo lý và Triết lý các tôn giáo, nên nó dung hợp được các Giáo lý và Triết lý của Tam Giáo và Ngũ Chi.
■ Thứ ba, Ðạo Cao Ðài có nhiệm vụ tận độ 92 ức nguyên nhân (2 kỳ phổ độ trước chỉ độ được 8 ức) và phổ độ chúng sanh trong 700 ngàn năm (thất ức niên), một thời gian rất dài nơi cõi trần mà không một tôn giáo nào trước đây có được.
Thuở mới Khai Ðạo vào năm Bính Dần (1926), các vị tiền bối mở Ðạo đã báo cáo với nhà cầm quyền Pháp bấy giờ, nền Tân tôn giáo nầy là Phật giáo Chấn hưng (Bouddhisme Renové) – có thờ Ðức Phật Thích Ca và Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát. Nhưng thật sự, Ðạo Cao Ðài không những chấn hưng Phật giáo mà còn chấn hưng Lão giáo, Nho giáo và cả Thiên Chúa giáo nữa, tức là chấn hưng cả Tam Giáo và Ngũ Chi.
Do đó, nhiều người lầm tưởng Ðạo Cao Ðài là tôn giáo tổng hợp, hay nói nặng hơn là một tôn giáo hỗn tạp, vì họ thấy Ðạo Cao Ðài thờ nhiều Ðấng Giáo chủ của các tôn giáo khác như: Ðức Phật Thích Ca, Ðức Lão Tử, Ðức Khổng Tử, Ðức Chúa Jésus Christ,….
Còn Giáo lý của Ðạo Cao Ðài thì họ thấy lấy một ít của Phật giáo (như Ngũ Giới Cấm, Giới luật Ăn chay), lấy một ít của Lão giáo (như luyện Tam Bửu: Tinh, Khí, Thần), lấy một ít của Nho giáo (như Tam cang, Ngũ thường, Tam tùng, Tứ đức), lấy một ít của Thiên Chúa giáo (như cách tổ chức Giáo hội, tôn thờ Thượng Ðế).
Nhưng nếu nghiên cứu sâu xa từ nguồn gốc thì người ta sẽ thấy rằng, Giáo lý của Tam giáo và Ngũ Chi chỉ là một khía cạnh, một phiến diện của một cái toàn thể, của một chơn lý hằng hữu bất biến, mà ngày nay Ðạo Cao Ðài thể hiện đầy đủ cái chơn lý hằng hữu bất biến đó. Vả lại Giáo chủ của Ðạo Cao Ðài là Ðức Chí Tôn Thượng Ðế, Ngài là nguyên căn của các Ðấng Giáo chủ khác, nên thiết lập Giáo lý và Triết lý của Ðạo Cao Ðài rất hoàn chỉnh, giải quyết một cách đầy đủ, hợp lý và thông suốt tất cả những vấn đề tâm linh mà các tôn giáo khác còn ít nhiều mắc mứu như:
· Phật giáo thì còn lấn cấn về vấn đề linh hồn và vũ trụ, có lối tu xuất thế, sống nhờ vào sự cúng dường của nhơn sanh.
· Lão giáo (Tiên giáo) có lối tu yếm thế, độc thiện kỳ thân.
· Nho giáo thì quá chú trọng về việc nhập thế giúp đời, nhưng lại thiếu phần vô vi giải thoát.
Như vậy, Ðạo Cao Ðài có phải là Chơn lý không?
Trả lời: Ðạo Cao Ðài không phải là Chơn lý, mà Ðạo Cao Ðài là con đường tốt đẹp và rộng rãi dẫn dắt người tu đi thẳng đến Chơn lý. Cái Chơn lý hằng hữu bất biến đó là Thượng Ðế. Ðạo Cao Ðài tạo ra năm nấc thang tiến hóa, đưa người tu đi lên từ nấc thang một để cuối cùng đến Thượng Ðế và hiệp nhập vào Thượng Ðế.
Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn Thượng Ðế sáng lập và làm Giáo chủ. Ðức Chí Tôn mở Ðạo kỳ nầy không cần phải giáng sanh xuống cõi trần như hai kỳ Khai Ðạo trước, Ngài vẫn ở cõi Hư Linh, dùng huyền cơ diệu bút và phép thông công với những vị Phò loan mà Ngài định trước, lập ra ÐÐTKPÐ, là một mối Ðạo cao thượng hoàn hảo, từ hình thức đến nội dung, tức là từ Thể pháp đến Bí pháp, để tận độ nhơn sanh. Lại nữa, nhờ dùng huyền cơ diệu bút lập Ðạo, Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu cùng chư Tiên Phật luôn luôn giáng dạy và chỉnh đốn mối Ðạo mỗi khi gặp một giai đoạn tiến hóa khó khăn. Bởi vậy Ðức Chí Tôn có nói rằng: “Thầy không giao Chánh giáo cho tay phàm để càng ngày càng xa Thánh giáo mà biến ra Phàm giáo.” Ðạo Cao Ðài không qui phàm và thất chơn truyền là nhờ đó.
Nhiệm vụ quan trọng của Ðạo Cao Ðài là:
1. Qui nguyên Tam Giáo, Phục nhứt Ngũ Chi, để nhơn loại không còn có sự khác biệt về tín ngưỡng và về tôn giáo mà chia rẽ nhau, để tiến tới thống nhứt tư tưởng, xây dựng một xã hội đại đồng.
2. Cứu độ 92 ức Nguyên nhân đang trầm luân nơi cõi trần trở về cựu vị. (Tổng cộng có 100 ức Nguyên nhân giáng trần, hai kỳ Phổ Ðộ trước đã độ được 8 ức, nay còn lại 92 ức).
3. Tận độ nhơn sanh trong thời Hạ Nguơn Mạt kiếp của Ðệ Tam Chuyển, để lập đời Thượng Nguơn Thánh đức của Ðệ Tứ Chuyển. Trước khi lập đời Thượng nguơn Thánh đức thì Vạn linh phải trải qua một cuộc Ðại Phán Xét nơi Hội Long Hoa. Ðó là một cuộc thi chung kết mà đề tài khảo thí là Công quả Phụng sự Chúng sanh.
Ðức Chí Tôn giao cho Ðức Di-Lạc Vương Phật làm Chánh Chủ khảo hội thi nầy, để tuyển chọn các phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, lập đời Thượng nguơn.
Các nhiệm vụ kể trên thật vô cùng trọng đại, nhưng chắc chắn Ðạo Cao Ðài thực hiện được, bởi vì Giáo chủ của Ðạo Cao Ðài là Ðấng Thượng Ðế, mà quyền năng bao trùm khắp CKVT.
Cách lập Ðạo Cao Ðài của Ðức Chí Tôn:
“Ðạo lập ra cốt yếu để độ phần hồn của nhơn loại cho thoát khỏi chốn mê đồ, vòng tân khổ, nên mới gieo truyền khắp chỗ, cốt tỉnh ngộ nhơn sanh. Ðã biết rằng Ðạo là thanh thanh tịnh tịnh, không ứng lộ ra ngoài, nhưng muốn lập giáo, phải làm sao?
– Phải bày cơ Hữu hình để chỉ rõ Lý mới được.
Vậy, cách lập giáo của Thầy cũng không chi lạ, chỉ noi theo Tam giáo trước mà làm qui củ chuẩn thằng rồi đem gom về một mối chánh.
Tam giáo trước là: Nho, Thích, Ðạo, vì hoằng khai cũng đã lâu đời, nên bị biến cải mà thành thử phải thất Chơn truyền, làm cho sai lạc mất hẳn cả Thiên cơ mầu nhiệm, bởi đó, nhơn sanh tu tuy nhiều mà thành thì chẳng có.
Lại cũng bị thất truyền mà Tam giáo lần lần phải chịu lu lờ mờ mịt. Nẻo chơn không ai đến, đường chánh chẳng người đi, nên cỏ mọc bìm leo, gai rào cây lấp. Vì lẽ đó, nhơn loại phải chịu mãi trong vòng luân hồi tứ khổ, đày đọa mãi ở chốn trần ai. Nhơn sanh cũng vì vậy mà lần lần tiêu đạo đức, phế tinh thần, mới chuộng sự hữu hình, nên bày những âm thinh sắc tướng, không ai còn để chí lưu tâm đến chỗ thâm huyền cao viễn, chỉ ưa sự dễ dàng, tạng thấy tạng nghe, rồi cứ dẫy lòng nhơn dục tham mê, mới gây tội ác nặng nề, phải mang lấy sừng lông mà bị thối hóa lại súc sanh và luân hồi lục đạo.
Ngày nay, Thầy đến đây, đem ba nền tôn giáo hiệp nhứt lại tạo thành một Tòa lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu.
Ba nhà tôn giáo ấy, tuy đổ sập mặc dầu, nhưng Thầy cũng vì lòng từ bi, chọn lựa cái nào còn dùng đặng thì Thầy lấy, cái nào hư nát thì bỏ ra, như cột, kèo, xuyên, trính, ngói, gạch, cái nào còn nguyên thì dùng, cái nào bể nát hay hư hao bị mối ăn sâu đục thì bỏ ra. Cây nào cong vạy thì uốn nó lại, trừ ra uốn không nổi mới bỏ. Thầy lấy các vật ấy ráp lại thành một Tòa Ðại Ðạo cho nhơn sanh sùng bái, tu hành, là Tòa nhà ngày nay Thầy lập thành đó.
Tại sao ba nhà tôn giáo đó phải bị xiêu đổ? Là tại cái nền tảng không đặng cứng cát, vững vàng, cất ở trên nổng cát, bảo sao gió thổi không xiêu, giông tố chẳng đổ?
Chớ còn ngày nay, Thầy đến lập một Tòa CAO ÐÀI ÐẠI ÐẠO thì trước hết Thầy đã biểu các con xây nền đắp móng cho chặt chịa vững vàng, rồi mới cất Tòa nhà đồ sộ ấy lên thì sẽ đặng bền vững lâu dài hơn ba nền tôn giáo trước.”
Thầy lập Ðạo Cao Ðài như thế nào?
“Thầy thấy cuộc tuần hòa biến đổi, thời khí bất hòa, nhơn tâm xu hướng về đường vật chất, bỏ mất tinh thần, nên phạm vào đường tội lỗi, thiệt là đời lầm lũi mãi mà không định hồn tự hối, xúm lấn chen lội lặn tranh giành mùi tục lụy mà thay đổi chí cao minh.
Ba nền Chánh giáo (Nho, Thích, Ðạo) đã nghiêng chinh, nhơn loại thảy chuộng hữu hình, không cầu vô vi thâm viễn.
Nay đã đến cuộc tuần hoàn giáp mối, nền Ðạo Trời vận chuyển mà phổ hóa sanh linh.
Tam giáo xưa kia lập Ðạo, lúc ban sơ, truyền bá cơ diệu lý quang minh, bắt từ chỗ vô vi khẩu thọ tương truyền, lần lần xuống thì trở ra hữu hình mà Ðạo mầu thất chánh, tâm pháp lạc sai. Ấy là cơ Ðạo đến thời kỳ cuối cùng của Tam giáo thất Chơn truyền diệu pháp.
Còn Ðạo Thầy lại trái hẳn với Tam giáo, là bắt đầu truyền Ðạo thì dụng hữu hình, lấy sắc tướng âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng mau chóng. Vả lại, Ðạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi mới lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình đi đến chỗ vô vi, là cơ siêu phàm nhập Thánh.
Vậy, thà trước dụng cơ hữu hình để phổ hóa cơ Ðạo dễ lưu thông, rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ không hư tức là vô vi thì Ðạo pháp mới phát minh, cơ diệu lý huệ tâm ứng lộ, thế là Ðạo Thầy không hư hoại đặng, mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ hữu hình đi lên riết đến tận vô vi.
Còn Tam giáo xưa lại từ vô vi mà lần lần sa sụt xuống hữu hình, mới thành ra Ðạo bế, rồi sai lầm ra ngoại giáo bàng môn. Mà Thầy lập giáo kỳ nầy lại trái hẳn với nền cổ Ðạo, Thầy chỉ dùng cái huyền cơ bí pháp mà truyền Ðạo khắp dân gian. Thầy đem chơn pháp diệu huyền trao cho người luyện thành Chánh giác thì phản bổn huờn nguyên.
Thầy dùng huyền diệu cơ bút hoằng khai cơ quan Vô Vi Ðại Ðạo. Thầy nhứt định không giao Thánh giáo cho tay phàm, vì trước kia Tam giáo thất Chơn truyền cũng bởi Thánh giáo ở trong tay phàm, nên các con canh cải làm sái lạc pháp linh.
Vậy, Thiên thơ Thầy định ngày nay Thầy lập giáo như vầy:
1. Trên là dùng huyền diệu thiêng liêng mà bảo tồn cơ Ðạo.
2. Dưới để tự Thầy định mới có thể chuyển hóa nổi nhơn tâm, đủ sức thần thông vận hành chơn giáo, chớ nếu Thầy mà mượn xác thịt nặng nề thì làm sao biến hóa thiên hình vạn trạng mà phổ độ chúng sanh cho mau chóng nổi sôi rần rộ được. Chớ dùng huyền cơ bí pháp, tất có thể lưu thông trong nháy mắt khắp mọi nơi.” (ÐTCG)
Nước Việt Nam từ thuở lập quốc đến nay, chưa có một nền tôn giáo nào mở ra cho người VN tại đất nước nầy. Nhưng người VN có tinh thần thờ kỉnh Trời Ðất và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, nên tôn thờ các nền tôn giáo trên khắp thế giới du nhập vào VN như: Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành,… Ðể ban thưởng dân tộc nhỏ nhoi nầy, Ðức Chí Tôn Thượng Ðế mở ra cho dân tộc VN một nền Ðại Ðạo lấy danh hiệu là ÐÐTKPÐ, hay nói tắt là Ðạo Cao Ðài, để làm Quốc Ðạo. Nhờ có nền Ðại Ðạo nầy, nhiều Ðấng Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi cõi thiêng liêng sẽ giáng sanh xuống nước VN làm người VN để hoằng khai mối Ðạo của Ðức Chí Tôn ra khắp thế giới, thống nhất tư tưởng của nhơn loại, xây dựng một xã hội đại đồng, tạo ra một nền văn minh mới về tinh thần cho toàn nhơn loại.
Người VN nhờ Ðạo Cao Ðài mà ngày sau làm chủ tinh thần của nhơn loại đúng theo bài thi tiên tri của Ðức Chí Tôn:
Lo lường thấu đáo Ðạo huyền vi,
Ngàn thuở chưa ai dám sánh bì.
Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc,
Ngày sau làm chủ mới là kỳ.